Chương 24
MỨC ÐỘ TUYỆT THÔNG
Ngày 1.3 – 1.7 – 31.10
1 Mức độ tuyệt thông hay hình phạt tùy theo tính chất nặng nhẹ của lỗi phạm, 2 và nặng nhẹ thế nào là tùy viện phụ xét định. 3 Anh em có lỗi nhẹ sẽ không được dùng cơm chung với mọi người. 4Ai không được dùng cơm chung phải theo quy chế này: trong nhà nguyện không được xướng Thánh Vịnh và tiền ca, cũng không được đọc bài đọc, cho đến khi đền tội xong. 5 Giờ cơm, họ sẽ ăn một mình sau anh em, độ lượng và thì giờ tùy như viện phụ xét thế nào là thích hợp. 6 Chẳng hạn anh em ăn vào giờ thứ sáu, người bị phạt sẽ ăn vào giờ thứ chín; anh em ăn vào giờ thứ chín thì người ấy sẽ ăn vào giờ chiều; 7 cứ như thế cho đến khi đền tội xong và được tha.
Chú giải:
A – Ngày 1.3
Những chương về hình phạt tuyệt thông trong tu luật Biển Đức đề cập tới bốn điểm cơ bản: nguyên nhân, hình phạt, kẻ phạm lỗi, người can thiệp. Tôi đề nghị ta xem xét kỹ hơn hai điểm sau. Ta sẽ bắt đầu từ người can thiệp, tức là viện phụ.
Trước hết, cần nêu lên một phân biệt về từ ngữ. Trong ngôn ngữ thông dụng ta thường dễ lẫn lộn giữa hai khái niệm rất khác nhau, đó là quyền bính và quyền lực. Tuy nhiên, cội rễ của hai từ này có thể giúp ta phân biệt ý nghĩa của chúng.
Trong tiếng la tinh, quyền bính là “auctoritas” đến từ “auctor” nghĩa là tác giả; “auctor” lại đến từ “augere” là làm cho lớn lên. Như vậy, trong khái niệm quyền bính có hai ý: ý về nền tảng mà ta có thể dựa vào và ý về sự mời gọi lớn lên, trưởng thành lên, vượt qua những giới hạn của ta lúc này. Do đó, quyền bính thuộc về lãnh vực hữu thể và mời gọi vào hiện hữu.
Khái niệm quyền lực thì hơi khác. Khái niệm này bao hàm ý tưởng về khả năng, hiệu năng, làm chủ, sức mạnh, khả thể. Ngữ nguyên ấn âu của từ này qui chiếu về người thủ lãnh bộ tộc. Như vậy là thuộc phạm vi hành động nhiều hơn.
Quyền lực là để phục vụ quyền bính, tức là quyền lực có đó để giúp cho lớn lên, để giúp đạt tới hữu thể, tới mức độ trưởng thành. Vậy ta phải hiểu chương 24 của tu luật trong bối cảnh này. Hình phạt tuyệt thông, thuộc phạm vi quyền lực, hướng tới một mục đích hoàn toàn khác với thứ quyền lực thống trị. Hình phạt này nhằm giúp cho lớn lên, giúp cho tiến tới sự trưởng thành.
B – Ngày 1.7
Mỗi năm ba lần ta đọc lại những chương nói về việc sửa lỗi. Thánh Biển Đức đề cập nhiều tới các hình thức sửa chữa và sám hối, nhưng lại chẳng nhắc gì đến tính chất các lỗi phạm. Ngài chỉ nói đơn giản ở câu 2: “Lỗi nặng nhẹ thế nào là do viện phụ xét định”. Như vậy, phải chăng mọi sự đều tùy thuộc vào xét định của viện phụ? Chắc không phải thế. Có lẽ ta phải hiểu những chương nói về việc sửa lỗi trong một bối cảnh rộng hơn của tu luật.
Với người vào đan viện để thực tâm tìm Chúa, thánh Biển Đức đề nghị ba phương tiện căn bản giúp họ vượt qua được mọi khó khăn, mọi cám dỗ, mọi thử thách. Ngài đề nghị những phương tiện ấy ngay từ câu thứ nhất của Lời mở đầu tu luật, và ta có thể tóm gọn bằng ba động từ: lắng nghe, đón nhận, thi hành.
Ta có thể nghĩ rằng những lỗi nặng mà viện phụ phải can thiệp chính là những cách sống đối nghịch với ba động từ căn bản đó trong đời đan tu. Động từ thứ nhất: lắng nghe, giả thiết ta phải ý thức rằng mình không biết gì, mình cần lời Chúa và lời của người khác. Động từ thứ hai: đón nhận, cho thấy lời ta nghe bằng tai sẽ đi vào tâm hồn chứ không bay theo gió. Sau cùng, động từ thứ ba: thi hành, bày tỏ một trong những trực cảm căn bản của thánh Biển Đức, khi ngài lặp lại một trong những lời Chúa thường khiển trách người pharisiêu: “Họ nói mà không làm”.
Trong bối cảnh này, vai trò can thiệp của viện phụ là giúp người anh em ý thức lại ơn gọi sống Phúc Âm Chúa Kitô. Viện phụ có trách nhiệm cảnh giác, nhắc nhở và bảo vệ anh em nào muốn chọn con đường dẫn tới sự chết bằng thái độ, lời nói hay hành động. Dĩ nhiên, ơn Chúa mới đánh động lòng người, nhưng cũng cần phải nói lên một lời cảnh giác vào lúc thuận tiện.
C – Ngày 31.10
Thoạt tiên, có vẻ hơi kỳ lạ vì hằng năm cứ vào dịp lễ Các Thánh, ta lại nghe đọc những chương nói về hình phạt tuyệt thông. Như thể cái ngẫu nhiên của lịch phụng vụ muốn giúp ta hiểu thế nào là sự thánh thiện, trái ngược với tội lỗi. Dầu sao thì chương 24 này dậy ta rất nhiều về cách nhìn của thánh Biển Đức đối với sự thánh thiện đan tu.
Thực vậy, với thánh nhân, nếu lỗi phạm có làm cho ta bị tuyệt thông, bị loại trừ khỏi cộng đoàn, chính là vì sự thánh thiện có liên hệ tới cộng đoàn, tới mối hiệp thông huynh đệ. Khi mà thời đại ta luôn luôn nhấn mạnh tới chiều kích cá nhân, riêng tư của sự thánh thiện, thì trái lại, thánh Biển Đức dường như chú trọng tới chiều kích hội nhập vào một thân thể, chiều kích Giáo Hội, nếu có thể nói như thế.
Ta có thể tóm tắt sự thánh thiện đan tu bằng câu sau đây: sự thánh thiện đan tu là ở đúng chỗ của mình trong nhiệm thể cộng đoàn. Như vậy, không chỉ giá trị cá nhân, mà ta gọi là các nhân đức, mới đáng kể, nhưng cả khả năng ở vào đúng chỗ của mình và phát huy ân huệ Chúa ban để phục vụ toàn nhiệm thể.
Đan sĩ nào không chịu ở vào đúng chỗ của mình trong thân thể cộng đoàn, không chịu phát triển những khả năng Chúa ban để phục vụ tiểu Giáo Hội là cộng đoàn đan tu, sẽ tự loại mình ra khỏi trường đào tạo thánh nhân là chính cộng đoàn ấy.