Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 25
NHỮNG LỖI NẶNG HƠN

                 

Ngày 2.3 – 2.7 – 1.11   

1 Anh em nào phạm lỗi nặng hơn, sẽ bị tuyệt thông nơi bàn cơm và cả nơi nhà nguyện. 2 Không ai trong anh em được giao tiếp hay chuyện vãn với người ấy. 3 Cứ để người ấy một mình làm việc đã chỉ định, kiên trì khóc lóc đền tội và suy niệm lời tuyên án khủng khiếp của thánh Tông Đồ: 4 “Con người đó đã bị án tử nơi thân xác để linh hồn được cứu sống trong ngày Chúa đến”. 5 Người đó sẽ ăn một mình, theo độ lượng và giờ giấc do viện phụ ấn định. 6 Ai đi qua không được chúc lành cho họ và thức ăn của họ.

 

Chú giải:

 

A – Ngày 2.3

Việc trích dẫn đoạn thư Côrintô thật là hay. Thực vậy, bản văn 1 Cr 5,5:“Con người đó đã bị án tử nơi thân xác để linh hồn được cứu sống trong ngày Chúa đến” nói về trường hợp một người sống với vợ của cha mình, và được áp dụng vào trường hợp những lỗi nặng trong cộng đoàn đan tu.

Thánh Biển Đức sử dụng hình phạt tuyệt thông vì hai lý do. Thứ nhất, để cho thấy thế nào là một lỗi nặng: đó là một lỗi phạm trái với Phúc Âm, công khai, gây thương tổn cho cả cộng đoàn. Như vậy, hình phạt tuyệt thông không áp dụng cho những lỗi thầm kín. Nhưng đây là cách xử lý những lỗi nặng gây gương xấu khiến những kẻ bé mọn mà Phúc Âm nói tới có nguy cơ vấp ngã.

Lý do thứ hai là để xác định thế nào là một hình phạt. Theo bản văn của thánh Phaolô được trưng dẫn thì đó là một hình phạt trị liệu nhằm cứu chữa linh hồn. Và duy mình Thiên Chúa mới đánh động được lòng người, nên ở đây hình phạt thân xác có mục đích giúp phạm nhân ý thức lại, giúp họ thức tỉnh lương tâm.

Đôi khi ta tưởng rằng nhân từ là quay mặt đi, là làm như không thấy, là nhẫn nại chịu đựng. Và như vậy là để cho người anh em lún sâu mãi vào lầm lỗi. Có những lúc một phản ứng lành mạnh của người khác sẽ giúp ta ý thức lại điều ta đã làm, thức tỉnh ta, dù rằng ngay lúc ấy có thể làm ta cực lòng.

B – Ngày 2.7

Như ta đã thấy, điều cốt yếu để hiểu được những chương về hình phạt tuyệt thông là đặt mình vào một bối cảnh rộng lớn hơn của tu luật. Và ta đã nêu lên ba động từ được thánh Biển Đức dùng trong câu thứ nhất của Lời mở đầu. Đó là ba động từ xác định thái độ tinh thần của đan sĩ: lắng nghe (với hàm ý vâng lời), đón nhận, thi hành.

Tôi muốn nhắc lại ý tưởng trên đây dựa theo lời thánh Bênađô ở một bài giảng trong tuần lễ Hiển Linh. Thánh nhân giải thích đoạn Phúc Âm tường thuật tiệc cưới Cana với một ngôn ngữ độc đáo khi nói về sáu cái chum mà Chúa Giêsu bảo các người giúp việc đổ đầy nước vào.

Nếu ta đã bỏ mất lòng đạo đức và nhiệt thành thủa ban đầu, nếu con tim ta trở nên trống rỗng hay chứa đầy nọc độc ghen tương, kêu trách, oán giận và gièm pha, thì thánh Bênađô sẽ cho ta một phương thuốc rất đơn sơ, rất hiệu nghiệm. Thay vì mất thời giờ để than thân trách phận, để trách móc Chúa hay anh em, ta hãy đến múc nước từ sáu chum ấy, dù việc này khó khăn vất vả, nhưng sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Một ngày nào đó, Chúa Giêsu sẽ biến đổi nước ấy thành rượu ngon, thứ rượu tiệc cưới hảo hạng. Vì ta được mời đi dự tiệc cưới.

 

C – Ngày 1.11

Như ta đã thấy, đời sống đan tu là một tiến trình hội nhập lâu dài, là cửa dẫn vào sự hiệp thông của thân thể tức là cộng đoàn đan tu. Đối nghịch với cửa vào là sự loại trừ, hay tuyệt thông. Điều này thật tới độ thánh Biển Đức đã nhắc lại lời thánh Phaolô trong thư 1 Côrintô 5, 5 nơi đó thánh Tông Đồ ám chỉ đến việc loại trừ phạm nhân ra khỏi Giáo Hội.

Án tuyệt thông liên hệ tới hai trong những nơi quan trọng của đời sống cộng đoàn. Đó là hai nơi thể hiện rõ nhất việc hội nhập vào cộng đoàn: nhà nguyện và nhà cơm. Hai nơi diễn tả ơn gọi hiệp thông của mọi kitô hữu.

Đối với thánh Biển Đức, dấu hiệu riêng biệt của ơn gọi đan tu chính là cử hành bí tích Thánh Thể, cầu nguyện và dùng bữa chung, như cộng đoàn tiên khởi ở Giêrusalem xưa kia. Loại trừ không có nghĩa gì khác hơn là từ chối đi vào mầu nhiệm Chúa Phục Sinh, đấng ngự giữa các môn đệ của ngài khi họ cùng nhau tụ họp.

Đây không phải là quá câu nệ vào cộng đoàn, nhưng là một kinh nghiệm sống đã có từ thời khai nguyên Giáo Hội. Không phải là xóa bỏ những khác biệt, nhưng kinh nghiệm sống ấy là điều kiện để duy trì những khác biệt. Muốn thực sự bổ túc cho nhau thì luôn luôn cần đến hiệp thông.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu Luật Cha Thánh Biển Đức – Hiến Pháp – Thói lệ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia

1. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức  - Muốn xem, xin click vào đây: Tu Luật 2. Đây là bản Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh...