Chương 26
ANH EM KHÔNG CÓ PHÉP MÀ GIAO TIẾP VỚI NHỮNG NGƯỜI BỊ TUYỆT THÔNG
Ngày 3.3 – 3.7 – 2.11
1 Anh em nào không có phép viện phụ mà tự ý giao tiếp với người bị tuyệt thông bằng bất cứ cách nào, hoặc nói chuyện hay loan báo điều gì, 2 sẽ bị cùng một vạ tuyệt thông.
Chú giải:
A – Ngày 3.3
Ta có thể tự hỏi tại sao thánh Biển Đức xử ngặt như thế đối với anh em “tiếp xúc với người bị tuyệt thông”. Tại sao quá nghiêm khắc như vậy, trong khi ở chương 27 ngài lại nhắc nhở viện phụ phải hết sức ân cần chăm sóc những anh em phạm lỗi? Có lẽ trước hết nên tự hỏi về những lý do có thể xui khiến một anh em bận tâm đến những người bị phạt.
Có thể có hai loại lý do khác nhau. Thứ nhất, có những anh em cảm thấy được mời gọi hành xử như người samaritanô nhân hậu. Họ coi việc người anh em bị tuyệt thông như một thương tích gây ra cho ước muốn hiệp nhất và hiệp thông của họ. Với những anh em này, mọi tranh chấp đều khơi dậy từ đáy lòng họ một nỗi khắc khoải. Vì vậy, đến với người bị phạt chính là đì tìm cách làm cho nguôi ngoai đi nỗi khắc hoải ấy.
Nhưng cũng có một loại lý do thứ hai, đó là lý do liên quan tới những người luôn luôn chống đối bề trên, những người có vấn đề với quyền bính. Những người này cũng tìm cách lo đến vấn đề của họ khi họ lợi dụng nỗi đau khổ của người anh em bị tuyệt thông. Họ nghĩ rằng mình hiện hữu khi chống lại quyền bính. Thay vì hiện hữu và sáng tạo, họ lại chỉ chống đối và hủy diệt.
Ta thấy rõ trong hai trường hợp trên đây, cái đích thực sự mà hai loại người ấy nhắm tới không phải là ích lợi cho người có lỗi, nhưng là vết thương của riêng họ, mà họ không thể nào nhận ra được. Khi cản trở người anh em có lỗi ý thức về lỗi của người ấy, họ ngăn chặn người ấy thoát khỏi tình trạng bệnh hoạn. Trong khi ngược lại, vai trò của hình phạt là giúp người bị phạt nhận ra được trách nhiệm làm người của mình. Vì coi trọng người anh em ấy mà bề trên yêu cầu họ chịu phạt vì điều sai trái họ đã làm.
B – Ngày 3.7
Trong mọi đan viện đều luôn có những đan sĩ muốn làm người samaritanô tốt lành, họ cảm thấy không thể an lòng khi ai đó bị phạt, bị khai trừ hay cũng gọi là bị tuyệt thông. Mà thánh Biển Đức thì lại không nhân nhượng đối với những tâm hồn nhạy cảm ấy, vì ngài bắt họ phải chịu cùng một hình phạt như những người phạm lỗi. Vậy họ có tội gì?
Nếu hình phạt khai trừ hay tuyệt thông có mục đích đưa người anh em trở lại với nguồn mạch sâu xa của hữu thể họ, đưa họ đi vào trong chính bản thân mình để khám phá ra ở đó, từ trong nội tâm, con đường ngay chính, thì những ai muốn can thiệp để an ủi, nâng đỡ sẽ rất có thể cản trở người anh em đi vào nội tâm, vào nguồn mạch hiệp thông với cộng đoàn.
Thực vậy, khi thấy mình được hiểu, được nâng đỡ, người có lỗi sẽ dễ trở nên cố chấp, cố thủ trong ý riêng và không thoát ra được nữa. Thánh Biển Đức không cấm anh em thông cảm với người bị phạt. Vì ở một chương khác ngài nói đến việc gửi những vị từng trải đến nâng đỡ họ. Nhưng không phải ai cũng được ủy thác công việc ấy.
Quả thực, người từng trải, người có thể trợ giúp anh em mình, là một đan sĩ sáng suốt, có khả năng sống trong sự thật, sự thật về chính mình, về những yếu đuối của mình, sự thật về những yếu đuối của người khác. Một trong những dấu giúp nhận ra người từng trải đích thực đó là lòng khiêm tốn, tức là người ấy không quá tin vào sự sáng suốt của mình.
C – Ngày 2.11
Chương này có thể khiến ta khó chịu, vì đối với ta, tỏ tình liên đới với người anh em bị loại khỏi cộng đoàn là một việc bác ái tối thiểu. Nhưng thánh Biển Đức lại không nghĩ thế. Tại sao ngài tỏ ra cứng cỏi như vậy?
Người ta có thể nêu nhiều lý do. Có những lý do thuộc lãnh vực tâm lý, những lý do khác sâu xa hơn thuộc lãnh vực thiêng liêng. Những lý do tâm lý có thể diễn dịch như sau: Người bị tuyệt thông có thể nghĩ rằng việc người khác quan tâm đến mình là một cách cho thấy mình có lý. Thay vì giúp đỡ người ấy, điều đó có thể khiến họ lún sâu hơn vào lầm lạc. Rồi có những người sẵn sàng làm mọi cách để kéo chú ý, họ cần được người khác quan tâm. Nếu chiều theo mong muốn của họ, liệu ta có giúp gì được cho họ không?
Có thể còn những lý do tâm lý khác nữa, nhưng ở phía anh em muốn tỏ tình liên đới với người bị phạt. Thực sự anh em ấy muốn gì? Ta có thể bị cám dỗ muốn làm người samaritanô nhân hậu. Hoặc đôi khi ta muốn làm thế mong dễ dàng chiếm được tình cảm của người bị phạt, nhưng cái giá phải trả thì lại quá đắt.
Chắc chắn thánh Biển Đức đã hiểu tất cả những chuyện đó, nhưng thiết nghĩ còn một lý do sâu xa hơn khiến ngài đưa ra quyết định ở chương này. Đối với thánh nhân, sự hiệp thông huynh đệ, giống như cộng đoàn tín hữu tiên khởi ở Giêrusalem, được xây dựng trên sự hiệp thông nơi Thiên Chúa. Đó là dự phần vào sự hiệp thông của Thánh Thần, đấng hiệp nhất Chúa Cha và Chúa Con với nhau. Chính sự hiệp thông này phải đánh động tâm hồn người anh em bị phạt, giống như tình yêu thương giữa các kitô hữu tiên khởi đối với nhau đã đánh động đám đông những người ngoại giáo: “Xem kìa, họ yêu thương nhau biết chừng nào”.