Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 34
PHẢI CHĂNG MỌI NGƯỜI ĐỀU NHẬN NHU YẾU PHẨM BẰNG NHAU?

                                

Ngày 12.3 – 12.7 – 11.11  

1 Có lời chép: “Đã phân phát cho ai nấy tùy nhu cầu của họ”, 2 do vậy cha không nói phải thiên vị cá nhân – mong đừng xảy ra như thế. Nhưng hãy xét đến sự yếu đuối của anh em. 3 Kẻ cần ít, hãy cảm tạ Chúa và đừng buồn; 4 người cần nhiều, hãy tự hạ vì mình yếu đuối, chứ đừng tự cao vì được thương xót. 5 Như thế mọi phần tử đều sống trong bình an. 6 Trước hết, đừng phàn nàn vì bất cứ lý do nào. Đừng để thói xấu đó xuất hiện, dù bằng lời nói hay cử chỉ. 7 Ai lỗi phạm điều này sẽ bị trọng phạt.

 

Chú giải:

 

A – Ngày 12.3

Vấn đề đặt ra cho thánh Biển Đức thật là gai góc. Thực vậy, viện lẽ công bằng, ta có khuynh hướng muốn cung cấp cho mọi người cùng một thứ như nhau. Nhưng khi nhắc lại lời Thánh Kinh (Cv 4,32 tt), thánh Biển Đức lưu ý rằng nhu cầu mỗi người mỗi khác, và phải để ý tới điều này. Nhưng khi đó thì làm sao tránh được thói kêu ca lẩm bẩm, có thể hủy hoại cả đến một cộng đoàn hiệp nhất và vững chắc hơn cả?

Thánh Biển Đức đề nghị một giải pháp độc đáo. Đó là ai nhận được ít hãy cảm tạ Chúa vì mình chỉ cần ít thôi, ai nhận được nhiều hãy biết rằng mình được như vậy chỉ vì mình yếu đuối hơn. Ai có thể thức dậy đọc Kinh Đêm mỗi ngày, hãy dâng lời cảm tạ vì được Chúa ban cho đủ sức khỏe. Ai không thức dậy được hãy chấp nhận vì sự yếu đuối của mình. Về việc giữ chay hoặc bất cứ việc gì khác cũng vậy.

Giải pháp duy nhất thánh Biển Đức đề nghị là tạ ơn và khiêm tốn. Hai việc đó chỉ là một. Vì chỉ người khiêm tốn mới có thể tạ ơn, bởi lẽ họ biết rằng tất cả đều do Thiên Chúa ban. Và chỉ việc tạ ơn mới giúp ta ở khiêm tốn, bởi chưng người khiêm tốn biết hân hoan vì nhận được ơn Chúa, nhưng cũng biết cảm thông sự yếu đuối của người khác.

B – Ngày 12.7

Trong chương ngắn này ta thấy có hai điều tuy hoàn toàn đối nghịch nhau nhưng lại cùng tồn tại trong tâm thức và cách ứng xử của ta. Đó là, một đàng phải triệt để tôn trọng sự đồng đều, đàng khác phải nhìn nhận có những nhu cầu khác nhau, tùy theo từng cá nhân và từng độ tuổi.

Đòi hỏi đồng đều được ghi sẵn trong Thánh Kinh. Tất cả ta đều thuộc dòng dõi Ađam-Evà. Vì thế trong sách Samuel, tách biệt một người ra để đặt làm vua là có tội. Trong Thánh Kinh, chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể phân biệt, như khi ngài chọn các Thẩm phán, các Tiên tri. Vậy là sự đồng đều được gia giảm bởi ơn gọi đặc biệt.

Nhìn nhận có sự khác biệt, có ơn riêng được ban cho từng người sẽ quân bình hóa sự đồng đều quá khắt khe. Trong tu luật thánh Biển Đức thường thấy nói tới sự khác biệt về đồ ăn thức uống, kích thước y phục, tuổi tác và khả năng thích hợp để đảm trách các nhiệm vụ, trình độ hiểu biết của người thụ huấn để chỉ cần một lời nhắc nhở hay phải dùng đến roi vọt.

Với thánh Biển Đức, tu luật được cấu trúc bằng việc phối hợp hai nguyên tắc trái ngược nhau đó. Mọi anh em đều bình đẳng dù thuộc bất cứ dòng dõi nào, nhưng một số người lại có những nhu cầu khác biệt nhau. Nghệ thuật phân định và quản trị của viện phụ cũng như các người hữu trách là biết dung hòa mọi sự: không thiên vị cũng không tuyệt đối đồng đều. Thật khó khăn và cần nhiều cố gắng để thực hiện được điều đó, nhưng đây lại là phương cách tuyệt vời dậy cho ta có được tự do nội tâm.

C – Ngày 11.11

Bằng nhau là một trong những nguyên tắc cơ bản của đời sống cộng đoàn. Những đối xử thiên vị, những ưu đãi sẽ làm nảy sinh ghen tương, kêu trách, như thánh Biển Đức nhấn mạnh ở câu 6. Tuy nhiên, đây không phải là bằng nhau theo kiểu dân chủ, tức là san bằng mọi khác biệt. Thánh Biển Đức xác định ngay ở câu 1 khi nhắc lại lời sách Công Vụ: “cấp phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu”.

Điều ấy có vẻ như đi ngược với nguyên tắc đồng đều, bằng nhau. Làm sao kết hợp được nguyên tắc đồng đều với sự tôn trọng những khác biệt? Để hiểu cái có vẻ như trái ngược đó, cần thiết phải phân biệt. Nhưng để giải thích điều này, xin đưa ra một hình ảnh và sau đó nhắc lại nhận xét của một anh em.

Hình ảnh ấy đã được thánh Têrêsa Hài Đồng sử dụng. Muốn đổ đầy một cái ly lớn và một cái ly nhỏ, ta chẳng cần hai lượng nước bằng nhau. Ly lớn và ly nhỏ cùng được đổ đầy, không phải bằng hai lượng nước như nhau, nhưng tùy theo sức chứa của mỗi cái. Ly lớn cần nhiều, ly nhỏ cần ít.

Ngày kia, có anh em nhận xét về một vị cao niên rằng khi ngài tiếp đón những anh em đến thăm ngài, thì mỗi người đều cảm thấy mình được ngài quí mến nhất. Nhận xét này quan trọng cho viện phụ và những vị hữu trách khác trong cộng đoàn, nhưng cũng cho mỗi người chúng ta. Khi một anh em đến xin hay nói với ta điều gì, họ có cảm tưởng được quí mến nhất không? Ta có biết đón tiếp mỗi người anh em như vị cao niên kia không? Chẳng trừ một ai?

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu Luật Cha Thánh Biển Đức – Hiến Pháp – Thói lệ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia

1. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức  - Muốn xem, xin click vào đây: Tu Luật 2. Đây là bản Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh...