Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 35
CÔNG TÁC LÀM BẾP TRONG TUẦN

                      

 Ngày 13.3 – 13.7 – 12.11   

1 Anh em hãy phục vụ lẫn nhau, nên không ai được miễn công tác làm bếp, trừ khi bệnh tật hay bị ngăn trở bởi một công tác nào khác hữu ích hơn; 2 vì nhờ đó ta được thêm phần thưởng và đức ái. 3 Đối với những anh em yếu sức, hãy cho người phụ giúp để họ chu toàn nhiệm vụ mà không buồn phiền; 4 vậy mọi người đều được phụ giúp, tùy tình trạng cộng đoàn và hoàn cảnh địa phương. 5 Nếu cộng đoàn đông thì miễn công tác làm bếp cho quản lý, hay cho những ai bận công tác nào hữu ích hơn, như cha đã nói trên. 6 Còn những anh em khác, hãy lấy đức ái mà phục vụ lẫn nhau. 7 Ngày thứ bảy, người ra phiên hãy tổng vệ sinh nhà bếp. 8 Khăn anh em dùng lau chân tay, phải giặt sạch. 9 Kẻ ra và người vào phiên hãy phụ nhau rửa chân cho anh em. 10 Các dụng cụ công tác, hãy giao trả cho quản lý sạch sẽ lành lặn; 11 quản lý lại giao cho người vào phiên, như thế ngài biết trao gì và nhận gì.

 

Chú giải:

 

A – Ngày 13.3

 

Có thể tóm gọn cả chương 35 vào câu đầu tiên: “Anh em hãy phục vụ nhau”. Việc phục vụ ở nhà bếp, cũng như tất cả những việc khác, chỉ là hệ quả của nguyên tắc cơ bản đó trong đời sống cộng đoàn. Thực thế, phục vụ nhau là biểu hiện cách cụ thể mối hiệp thông sống động với Thiên Chúa mà ta cảm nghiệm được.

Phục vụ không chỉ là hệ quả của cảm nghiệm nội tâm. Đó cũng là con đường đưa ta tới cảm nghiệm ấy. Thánh Biển Đức quan niệm về con đường này theo hai phương diện: Tình yêu dẫn tới phục vụ, phục vụ khơi dậy và tăng cường tình yêu. Không thể tách rời.

Nhân một cuộc hội thảo, người ta đã nói nhiều về sự quân bình trong cuộc sống tại các cộng đoàn chúng ta. Nhiều vị bề trên nêu vấn đề mỏi mệt và căng thẳng nơi anh em. Có ý kiến: Phải chăng nên thay đổi thời dụng biểu, giảm bớt giờ kinh, để anh chị em dễ thở hơn?

Khi đó Dom Mauro, viện phụ Hauterive, nêu lên tấm gương của những anh em cao niên trong cộng đoàn ngài, họ cầu nguyện và làm việc nhiều hơn những anh em khác mà vẫn tham dự đầy đủ các giờ kinh. Ngài cho rằng vấn đề thực sự là làm việc để phục vụ. Tình yêu sẽ khiến mọi việc nên nhẹ nhàng, dù là việc ta không thích. Trái lại, khi không yêu ta sẽ không thực sự trao hiến, và mọi sự sẽ ra nặng nề.

Như vậy, vấn đề đích thực về sự quân bình trong cuộc sống đan tu không phải là công việc hay nhiệm vụ ta đảm nhận, nhưng là tình yêu ta trao hiến khi thi hành nhiệm vụ.

 

B – Ngày 13.7

Nếu có công việc nào giúp ta đi vào mầu nhiệm đan tu, thì đó chính là công việc của những anh em làm bếp, phụ trách nhà cơm và phục vụ bàn ăn. Vì các việc ấy không những đòi ta phải sẵn sàng, nhưng nhất là đòi ta phải siêu thoát chính mình. Ta hãy nói đến từng việc một.

Người làm bếp, ngoài những công việc cụ thể với nồi niêu xoong chảo, còn học được ba điều. Trước hết họ học cách làm cho ngon những món ăn mà đôi khi họ không thích: họ không thể bắt kẻ khác ăn những món hợp với sở thích của mình. Tiếp đến, họ không nên mong được khen, nhưng phải luôn luôn sẵn sàng chấp nhận bị chê khi làm dở một món nào đó. Và sau cùng, họ phải bắt đầu lại mỗi ngày.

Về việc phụ trách nhà cơm, có lẽ đây là công việc bạc bẽo nhất, vì người ta luôn luôn thấy những cái thiếu sót, mà chẳng bao giờ thấy những gì người phụ trách đã làm. Nhất là trong một cộng đoàn lớn, nơi người ta chỉ quen ngồi yên để được phục vụ. Phải cần nhiều tình yêu và khiêm tốn mới thi hành được công tác này.

Sau cùng là những người phục vụ bàn ăn. Trong lúc thi hành nhiệm vụ họ có cơ hội khám phá ra rằng phục vụ theo gương Chúa Giêsu thật là tốt lành và thú vị. Phẩm chất việc phục vụ cho thấy được phẩm chất đời sống nội tâm, vì chính qua việc phục vụ đó chứ không phải qua những lời hay ý đẹp mà ta có thể lượng định cách cụ thể mức độ hoán cải của mình. Biết phục vụ mọi người với cùng một tình yêu thương. Làm cho anh em những gì ta muốn họ làm cho mình. Đó là sống Phúc Âm cách cụ thể và đích thực.

C – Ngày 12.11

Trong cộng đoàn đan tu, không có những người phục vụ và những người được phục vụ như trong thế gian. Nhưng mọi anh em đều phục vụ lẫn nhau. Lời nhắc nhở “Anh em hãy phục vụ lẫn nhau” (c.1) là chủ yếu để hiểu được cộng đoàn đan tu là gì: một cộng đoàn những người bình đẳng, một nhóm người tự nguyện và dứt khoát chọn phụng sự Chúa và phục vụ nhau.

Điều này mang nhiều hệ quả trong cuộc sống cụ thể. Trước hết có nghĩa là tất cả chúng ta đều bình đẳng về phẩm giá, quyền lợi và nghĩa vụ. Nếu giữa chúng ta một số người mang những nhiệm vụ đặc biệt, và có những phương tiện để giúp hoàn thành, thì luôn luôn phải cẩn thận kẻo lại coi như của riêng mình những thứ được giao để phục vụ anh em.

Nếu viện phụ có phòng làm việc riêng, có xe để lo công việc, chính là để phục vụ cộng đoàn và Hội Dòng tốt hơn. Ngài không nên quên điều đó. Cũng vậy, nếu người giữ cửa có bổn phận trực điện thoại thì không phải anh muốn gọi cho ai tùy ý. Không phải vì quản lý hay những vị hữu trách nào khác có thể giữ tiền mà họ muốn mua gì cho mình cũng được. Trái lại, người hữu trách phải rất cẩn thận về cách dùng những phương tiện được giao để phục vụ cộng đoàn.

Phục vụ không phải là chuyện tự nhiên và dễ dàng. Ta có thể rất dễ lạm dụng bổn phận được giao. Vì thế, cần phải lắng nghe những gì anh em nhận xét, những lời nhắc khéo, và tỉnh táo với mình. Vì ta luôn luôn có thể vô tình sử dụng những gì được giao phó để biến thành đối tượng quyền lực và quên mất rằng mình là những người tôi tớ.

 

Ngày 14.3 – 14.7 – 13.11    

12 Một giờ trước bữa ăn, ngoài khẩu phần thường lệ, anh em phiên tuần được ăn uống chút gì, 13 để khi đến giờ cơm, họ có thể phục vụ anh em mà khỏi phàn nàn vì nhọc mệt quá. 14 Tuy nhiên, trong những ngày đại lễ, phải đợi cho xong lễ đã. 15 Người vào và kẻ ra phiên hãy quỳ phục trước mặt mọi người trong nhà nguyện, khi vừa kết thúc giờ Kinh Sáng Chúa nhật, để xin cầu nguyện cho mình. 16 Kẻ ra phiên đọc: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa đã trợ giúp và an ủi con”. 17 Đọc xong ba lần thì nhận phép lành rồi lui ra. Sau đó, người vào phiên đọc: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con, muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ”. 18 Cũng đọc ba lần như trên, cộng đoàn lặp lại, rồi lãnh phép lành mà vào phiên.

 

Chú giải:

 

A – Ngày 14.3

“Anh em hãy yêu thương nhau” khi phục vụ nhau! Đây có thể là lời tóm tắt chương 35. Và chắc hẳn ta nên đọc chương này theo viễn tượng đó, với chiều kích phụng vụ được thánh Biển Đức đưa vào. Xin nêu hai nhận xét.

Nhận xét thứ nhất là về mối liên quan giữa phụng vụ và cuộc sống. Với thánh Biển Đức, không hoạt động nào của con người bị loại trừ khỏi phụng vụ. Vì trọn cả cuộc đời ta, dù trong những chi tiết nhỏ mọn nhất, đều hàm chứa sự hiện diện nhiệm mầu của Thiên Chúa. Không gì xa lạ đối với ngài. Chính vì thế, giúp bàn là thể hiện một cuộc phiêu lưu thiêng liêng đích thực.

Nhận xét thứ hai là khi phục vụ anh em, mọi anh em, không trừ ai, ta tiếp cận với mầu nhiệm Nhập Thể. Đó là một mầu nhiệm mang đến cho ta sức mạnh: vì Thiên Chúa hiện diện, và một mầu nhiệm về nỗi yếu hèn của ta: vì không có Chúa, ta không thể làm được gì.

Đó là hai chiều kích thánh Biển Đức quảng diễn ở đây. Trước hết nơi câu 16: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa đã trợ giúp và an ủi con”. Chúa ở đó, gần bên con, trong những lúc khó khăn và tăm tối. Rồi nơi câu 17: “Lạy Chúa Trời, xin tới giúp con; muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ”. Đó là công thức Cassianô đề nghị trong bài Thuyết giáo X để dùng làm lời cầu nguyện liên lỉ, và thánh Biển Đức lại dùng làm câu mở đầu giờ thần vụ. Quả thực, khi phục vụ, dù bằng cách nào, ta luôn luôn cảm nghiệm được những giới hạn và sự nghèo nàn của ta. Cái nghèo nàn ấy thật là diễm phúc, vì nhờ nó mà ta đáng được Chúa phù trợ!

B – Ngày 14.7

Để có thể phục vụ anh em mà không phàn nàn (c.3), người phục vụ phải nhận được nhiều hơn một chút. Ở đây thánh Biển Đức nói tới phần phụ trội về thức ăn, nhưng ta cũng có thể coi đó như một phụ trội về sự quan tâm, thương mến, tôn trọng. Người phục vụ có nhu cầu thấy việc mình làm được nhìn nhận, được trân trọng, để vui vẻ tiếp tục công việc với tất cả nhiệt tình.

Thường xẩy ra là anh em hay bề trên coi việc phục vụ của một anh em như là việc họ phải làm. Và cứ mãi mãi chẳng được quan tâm cũng chẳng bao giờ nhận được một lời cám ơn, người anh em ấy có thể sẽ thấy chua cay buồn tủi, đôi khi còn nản chí nữa. Rất ít khi ta để ý đến chuyện con người cần được quan tâm như thế nào.

Ta coi việc anh em vất vả phục vụ mình là chuyện bình thường, chẳng cần phải cám ơn hay phải quan tâm gì cả. Nhưng ngay khi có tí trục trặc hay thiếu cái gì rất nhỏ mọn thôi, ta liền đòi phải giải quyết cho bằng được, đôi khi chẳng có chút bác ái nào.

Mỗi người chúng ta đều có thể vấp phải chuyện đó. Vì ta rất dễ quên rằng anh em vất vả vì ta mà không tính toán, họ trao hiến ta nghị lực, tuổi trẻ, tài năng, đôi khi tới cạn kiệt, và tất cả chỉ vì lòng yêu mến Chúa Kitô.

Vậy thì, trước khi phản ứng, đòi hỏi hay chỉ trích, có lẽ khôn ngoan và hợp lý là ta nên tự hỏi mình đã biết nói lời cám ơn và ca ngợi người anh em bởi họ đã hy sinh cực nhọc vì mình chưa.

 

C – Ngày 13.11

Trong chương này, nghi thức vào phiên tuần phục vụ bàn ăn giống như nghi thức khấn dòng thánh Biển Đức nói ở chương 58. Anh em phục vụ sấp mình trước mặt mọi người để xin cầu nguyện cho mình (35,15 và 58,23), và họ xin ơn Chúa trợ giúp trong khi hát ba lần một câu Thánh Vịnh (35,17 và 58,21).

Vài điểm giống nhau này cho ta cảm tưởng thánh Biển Đức cho việc phục vụ anh em là điều quan trọng. Có mối giây liên hệ thiêng liêng hầu như thần bí giữa việc khấn dòng và việc phục vụ bàn ăn. Thoạt tiên có vẻ kỳ lạ khi đặt ngang nhau hai sự kiện rất khác biệt nhau như thế. Thực vậy, khấn dòng là một việc long trọng và chỉ làm một lần duy nhất, còn phục vụ bàn ăn là chuyện thông thường và diễn ra hằng ngày.

Thực ra, không đến nỗi kỳ lạ như ta tưởng. Suốt trong tu luật, thánh Biển Đức khai triển một khoa thần bí với đôi chân đứng trên mặt đất, giống như thánh Têrêsa Avila sẽ làm mười một thế kỷ sau. Sống cho Chúa được thực hiện trong những việc nhỏ mọn nhất, đặc biệt là những việc đòi ta phải hy sinh nhiều hơn.

Đàng khác, làm sao có thể đi theo Chúa Kitô, người Tôi Tớ tuyệt hảo, nếu không theo ngài trong cuộc sống từng ngày. Vì, như chính ngài đã nói: “Điều gì các con làm cho một trong những kẻ bé mọn nhất đây là các con đã làm cho Ta”.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu Luật Cha Thánh Biển Đức – Hiến Pháp – Thói lệ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia

1. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức  - Muốn xem, xin click vào đây: Tu Luật 2. Đây là bản Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh...