Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 37
NGƯỜI GIÀ VÀ TRẺ EM

 

Ngày 16.3 – 16.7 – 15.11   

1 Mặc dù tự bản tính, người ta thường dễ thông cảm với người già và trẻ em, nhưng luật cũng phải dùng thẩm quyền của mình mà đối xử đặc biệt với họ nữa. 2 Phải luôn quan tâm tới sự yếu đuối của họ, đừng khắt khe với họ trong việc ăn uống; 3 trái lại, phải biết nhân nhượng và cho họ dùng bữa trước giờ đã định.

 

Chú giải:

 

A – Ngày 16.3

Một trong những hậu quả của não trạng dân chủ là sống theo nguyên tắc này: mọi người đều phải giữ luật như nhau. Hệ luận từ đó là nếu luật không thể giữ được bởi tất cả mọi người thì phải thay đổi. Thánh Biển Đức không hề nghĩ như vậy. Với ngài, luật là một cách sống, một nghệ thuật sống. Ta phải cố gắng sống theo nghệ thuật ấy, nhưng cũng cần lưu ý tới những ngoại lệ.

Đàng sau não trạng dân chủ mang tính thời đại này có ẩn dấu hai thực tại mà ta rất khó chấp nhận. Thứ nhất là sợ hãi và thứ hai là hậu quả do sợ hãi gây nên. Nỗi sợ tiềm ẩn sau chủ trương đồng đều ấy là sợ bị coi thường. Sự khác biệt làm ta sợ hãi. Nếu người khác làm được, thì sao tôi lại không? Phản xạ tiềm ẩn sau yêu sách này là phản xạ của một đứa trẻ ghen tương, và ngày nào đó ta đã là một đứa trẻ như vậy. Ta có khuynh hướng muốn giảm bớt luật đi, viện cớ là người khác không giữ được.

Hậu quả của khuynh hướng này là tương đối hóa lề luật, lấy lẽ là không phải ai cũng giữ được. Nhưng thánh Biển Đức lại hoàn toàn nghĩ khác. Với ngài, vấn đề không phải là tương đối hóa nhưng là nhân bản hóa, trong khi lưu tâm tới hoàn cảnh của từng người. Ngài không cho là phải giảm bớt luật để mọi người đều có thể giữ được cả, nhưng, như ngài nói ở một nơi khác, khích lệ người khỏe hơn tiến lên mà vẫn không làm người yếu hơn nản chí. Điều này đòi phải thực sự trưởng thành. Và chắc hẳn đó là vấn đề ta phải đặt ra cho mình trong tương quan với mọi thứ lề luật.

B – Ngày 16.7

Trong chương 37 này thánh Biển Đức không nói về sự khoan dung, nhưng về lòng nhân từ. Và ngài diễn tả những nét cốt yếu của lòng nhân từ ấy.

Với thánh Biển Đức, lòng nhân từ hệ tại mối quan tâm đến sự yếu đuối của người khác. Ở đây sự yếu đuối liên hệ đặc biệt tới tuổi tác (trẻ em hay người già), nhưng cũng có thể hiểu về những lãnh vực khác nữa. Ta có lòng nhân từ khi ta chấp nhận người khác không phải là ta, họ khác ta vì nhiều lý do. Như thế, khả năng có lòng nhân từ liên hệ mật thiết với kinh nghiệm về tính khác biệt.

Ta thường coi lòng nhân từ như một tình cảm yếu đuối vì sợ rằng khi tỏ lòng nhân từ ta sẽ khuyến khích chủ trương khoan hòa hay tính ghen tương. Và điều ấy rất có thể xẩy ra. Tuy nhiên, giải pháp không phải là từ chối thực hiện lòng nhân từ, nhưng là hướng dẫn anh em biết chấp nhận sự yếu đuối của người khác, bằng cách trước hết chấp nhận sự yếu đuối của mình, bằng cách không sợ những giới hạn của mình nữa, vì cho tới nay chính trong tình trạng yếu đuối của mình mà ta được Thiên Chúa yêu thương.

C – Ngày 15.11

Trong chương này, thánh Biển Đức không qui chiếu về Phúc Âm, như ở chương trên khi đề cập tới việc chăm sóc các anh em đau ốm, nhưng ngài nói đến tính tự nhiên. Theo tính tự nhiên, người ta dễ khoan dung với những người trẻ nhất cũng như những người già nhất. Người trẻ chưa đủ sức giữ luật, người già thì không còn sức nữa. Thánh Biển Đức muốn nhắc lại điều ấy. Tại sao vậy?

Đó là vì ta luôn luôn có khuynh hướng phán đoán xem cái gì có thể cái gì không theo như sức mình làm được. Một cách vô thức ta định mức giới hạn giữa cái có thể và cái không có thể tùy theo khả năng của ta. Ta tự coi mình như tiêu chuẩn sau cùng của mọi thứ mà chẳng hay biết. Trước thái độ này, thánh Biển Đức đề cao tính khách quan của tu luật và đặt ta vào một tương quan hoàn toàn khác đối với thực tại, nhưng cũng với tu luật nữa.

Vậy đâu là ý nghĩa của một tu luật không đòi phải tuân giữ trong mọi hoàn cảnh? Tu luật không phải là một bản điều lệ, nhưng nó còn muốn bao quát hơn nhiều, và chính vì thế nó luôn luôn giả thiết những nố trừ, như trong chương này. Tu luật muốn mở cho ta con đường dẫn tới Vương Quốc Thiên Chúa. Còn hơn là một bản nội qui, tu luật trình bày một khoa sư phạm giúp ta trở về với Thiên Chúa.

Vì vấn đề thực sự đối với ta chính là để cho ơn thánh hoạt động nơi ta, chứ không ngăn chặn bằng những ước muốn và dục vọng chất chứa trong lòng ta. Tu luật thực ra là trường tự do nội tâm, dần dần dạy ta nhường chỗ cho Thánh Thần, bằng cách giúp ta phân biệt ý riêng ta với ý Chúa. Dậy ta muốn điều Chúa muốn, đó là lý do tồn tại duy nhất của tu luật.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu Luật Cha Thánh Biển Đức – Hiến Pháp – Thói lệ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia

1. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức  - Muốn xem, xin click vào đây: Tu Luật 2. Đây là bản Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh...