Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

 

Chương 39
PHÂN LƯỢNG THỨC ĂN

Ngày 18.3 – 18.7 – 17.11    

1 Trong bữa ăn hằng ngày, vào giờ sáu hay giờ chín, cha thiết tưởng chỉ dọn hai món nấu chín là vừa, xét theo sự yếu đuối của mỗi người; 2 như thế, ai không dùng được món này thì dùng món kia. 3 Vậy hai món nấu chín là vừa cho anh em, nếu có hoa quả hoặc rau tươi có thể thêm món thứ ba. 4 Mỗi ngày một cân bánh là đủ, dù ăn một bữa hay hai bữa, trưa và tối. 5 Nếu có bữa tối, quản lý dành lại một phần ba cân bánh để dọn bữa tối. 6 Khi làm việc vất vả khác thường, viện phụ có thể thêm gì tùy ý, nếu xét là cần.7 Tuy nhiên, phải tránh thái quá, đừng để đan sĩ bội thực bao giờ, 8 vì không gì trái với tư cách Kitô hữu cho bằng ăn uống vô độ. 9 Như lời Chúa bảo: “Anh em hãy ý tứ đừng để lòng mình ra nặng nề bởi chè chén say sưa”. 10 Đối với trẻ em, đừng dọn cùng một phân lượng, nhưng ít hơn người lớn, để luôn giữ chừng mực trong mọi sự. 11 Mọi người phải tuyệt đối kiêng thịt loài bốn chân, ngoại trừ những người yếu đau kiệt sức.

 

Chú giải:

 

A – Ngày 18.3

Về thực phẩm, thánh Biển Đức đưa ra một qui luật rất hay. Nếu cần thêm món gì, thì chính viện phụ phải xem xét (c.6). Nếu cần lưu ý để khỏi ăn uống quá độ, thì đan sĩ phải quan tâm (c.7). Cách phân phối nhiệm vụ như thế giao cho mỗi người một trách nhiệm và cũng đặt ra cho mỗi người những giới hạn riêng.

Trước hết viện phụ phải quan tâm để anh em không thiếu gì cần thiết. Và tùy theo hoàn cảnh, nếu cần, ngài phải cho thêm món gì, khi anh em lao động vất vả hay lúc đau ốm bệnh hoạn. Điều ấy đòi viện phụ phải có hai đức tính cốt yếu: sự quan tâm và một đức tính nhân bản biết phân định đúng thời điểm và đúng tình huống.

Về phía anh em, điều đó đòi họ không được bận tâm tới đồ ăn, không tích trữ, không tự xin cho mình món gì thiếu. Chính qua những chuyện nhỏ nhặt này trong cuộc sống, nhất là về đồ ăn thức uống, mà ta ý thức được đức tin và lòng trông cậy của mình đã đặt tới mức độ nào. Khi thấy một anh em tích trữ thật nhiều đồ ăn, thì chắc hẳn ta cũng đoán biết được phần nào mức độ đức tin của anh ta.

Ngược lại, ta phải đề phòng cho khỏi sa vào thói háu ăn. Cách ăn uống ngấu nghiến có thể là dấu hiệu của một thiếu thốn khác, một ước muốn khác: thiếu thốn Thiên Chúa và ước muốn có được ngài. Điều nguy hiểm là nếu lại bù đắp cho cái thiếu thốn ấy bằng thức ăn, hay bằng cách tích trữ đủ mọi thứ đồ, ta sẽ bỏ quên ước muốn cốt yếu kia. Chính trong tình cảnh nghèo khó nơi sa mạc mà dân Israel đã gặp được Thiên Chúa. Nỗi nhớ nhung những nồi thịt bên Ai Cập chỉ làm cho họ có nguy cơ bỏ mất tiếng mời gọi tiến về ơn cứu độ mà thôi.

B – Ngày 18.7

Thánh Biển Đức tiên liệu về phân lượng các món ăn, và ngài cũng tiên liệu là có thể vượt quá phân lượng ấy trong một số trường hợp cần. Những khi ấy, viện phụ sẽ cho thêm món gì thích hợp. Ấn định nhỏ này xem ra chẳng có gì quan trọng, nhưng lại gói ghém tất cả tinh thần của thánh Biển Đức.

Tu luật đưa ra phân lượng chung, nhưng phân lượng này có thể được thích ứng tùy theo nhu cầu. Tuy nhiên, việc thích ứng không được theo hướng ngặt hơn. Nếu thánh Biển Đức cho viện phụ được quyền thích ứng thì luôn luôn là theo hướng giảm nhẹ. Viện phụ có thể cho nhiều hơn mức đã ấn định.

Nhưng điều đó phải áp dụng vào hoàn cảnh cụ thể. Viện phụ phải phân định cho chính xác. Dung hòa giữa qui định của luật và nhận định cụ thể của viện phụ không phải là chuyện dễ dàng, cho viện phụ cũng như cho anh em. Mỗi người có cái nhìn riêng về sự cần thiết. Để tránh xung đột, thánh Biển Đức đã qui định một mức quân bình khôn ngoan.

Ngài qui định về dung lượng đồ ăn thức uống, về thời gian ngủ nghỉ, thinh lặng, làm việc, về tương quan với người khác. Nhưng ngài lại tiên liệu là viện phụ có thể tăng thêm hơn mức đã qui định.

C – Ngày 17.11    

Một lần nữa, trong chương 39 này, thánh Biển Đức dung hòa qui luật chung với sở thích cá nhân. Người làm bếp cứ theo luật chung mà dọn các món ăn. Nhưng đàng khác cũng phải tôn trọng nhu cầu của mỗi người. Thánh Biển Đức ấn định một số nguyên tắc đơn giản giúp ta dung hòa hai điều đó.

Một số qui định có tính hạn chế: như không ăn thịt, hay trái lại tùy theo sở thích mỗi người: hai món nấu chín, “để ai không ăn được món này thì dùng món kia”, cũng có thêm “trái cây và rau sống”.

Lại có những qui định về số lượng: “đúng một cân bánh là đủ cho mỗi ngày”. Nhưng như thế thánh Biển Đức vẫn còn rộng rãi. Đúng một cân bánh có nghĩa là không được ít hơn mức đó. Đồng thời cũng phải tránh thái quá. Sau cùng viện phụ cứ việc thêm gì tùy hoàn cảnh đặc biệt, như khi phải làm việc vất vả hơn.

Tất cả những qui định đó cho thấy một bản liệt kê rất chặt chẽ về “chính sách nấu ăn của cộng đoàn”, có thể tóm tắt như sau: -chế độ ăn rau; -vừa đủ mức, chứ không thái quá; -có thay đổi cho hợp mọi sở thích; có tăng thêm trong những trường hợp đặc biệt. Thật đơn giản và rõ ràng, chẳng còn gì phải băn khoăn thắc mắc hay tùy hứng nữa.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu Luật Cha Thánh Biển Đức – Hiến Pháp – Thói lệ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia

1. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức  - Muốn xem, xin click vào đây: Tu Luật 2. Đây là bản Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh...