Chương 40
PHÂN LƯỢNG THỨC UỐNG
Ngày 19.3 – 19.7 – 18.11
1 Mỗi người được Chúa ban ơn riêng, kẻ thế này người thế nọ; 2 nên cha hơi ái ngại khi phải ấn định mức độ ăn uống cho kẻ khác. 3 Nhưng vì nhân nhượng cho những người yếu đuối, cha tưởng mỗi ngày một ly rượu cho mỗi người là vừa. 4 Còn những ai Chúa ban cho đủ sức kiêng cữ, thì hãy biết rằng mình sẽ được phần thưởng đặc biệt. 5 Nếu vì hoàn cảnh địa phương hay vì công việc nặng nhọc, hoặc vì thời tiết mùa hè nóng bức, cần dùng nhiều hơn, thì tùy bề trên định đoạt. Nhưng phải coi chừng kẻo dùng quá mức đến nỗi say sưa; 6 vì sách có câu: “Rượu không hợp với đan sĩ chút nào”. Nhưng vì không thể thuyết phục các đan sĩ thời nay xác tín điều ấy, nên ít ra phải quy định một điều là không nên uống thái quá, mà phải điều độ; 7 vì rượu cũng làm cho người khôn phản giáo được. 8 Nơi nào hoàn cảnh khó khăn không liệu được phân lượng nói trên, hoặc có ít hoặc không có chút nào, anh em nơi ấy hãy chúc tụng Chúa chứ đừng phàn nàn. 9 Điều cha khuyên nhủ trước hết là đừng bao giờ kêu ca phàn nàn.
Chú giải:
A – Ngày 19.3
Đối với thánh Biển Đức, mỗi người đều có một hồng ân đặc biệt, dù trong lãnh vực nào. Nhưng ngài lưu ý hai đặc tính cơ bản của mọi hồng ân. Thứ nhất, hồng ân ấy có tính cách cá nhân, hoàn toàn riêng biệt. Ta không thể và không được mong anh em ta cũng giống như ta, cũng có những khả năng như ta.
Đặc tính thứ hai là hồng ân được ban để ta phát huy và sử dụng mà sống ơn gọi của ta. Hồng ân cũng không chỉ dành cho lợi ích cá nhân, nhưng để phục vụ cộng đoàn và Giáo Hội. Nếu không, nó sẽ cằn cỗi, chẳng sinh kết quả gì.
Mọi hành trình thiêng liêng đòi phải có hai giai đoạn cơ bản. Trước hết, khám phá ra hồng ân đích thực của mình. Không phải hồng ân ta mong muốn, nhưng là do Chúa ban. Điều ấy không hiển nhiên thấy được, nhưng phải sáng suốt để nhìn cho ra và khiêm tốn chấp nhận.
Sau đó, mọi hồng ân đều phải được phát huy giá trị, phải được chăm bón để tăng thêm gấp mười, ba mươi, một trăm. Và chỉ hồng ân nào được trao đi, được chia sẻ mới thực sự là hồng ân. Hồng ân ta đón nhận luôn luôn là hồng ân để trao cho người khác, nếu không nó chẳng được ích gì. Hồng ân ta đón nhận càng được chia sẻ đi, càng ra khỏi tính ích kỷ của ta, sẽ càng làm cho cuộc sống ta nên phong phú. Vì lúc cho đi là lúc ta đón nhận, là lúc ta có thể thực sự trở nên chính mình.
B – Ngày 19.7
Cuộc sống con người liên tục dao động giữa thiếu thốn và dư thừa. Thiếu thốn, về vật chất, tình cảm hay tinh thần, khiến con người lo âu. Trái lại, dư thừa có thể tạo ra cảm giác chán ngán.
Trên đại dương đời đan tu thánh Biển Đức muốn hướng dẫn con tầu của đan sĩ đi giữa hai tảng đá ngầm này. Để mình lo âu vì thiếu thốn hay chán ngán vì dư thừa sẽ có nguy cơ rơi vào tật phàn nàn kêu trách, hoặc là thái quá và say sưa. Cuộc đời đan tu trải qua giữa hai thái cực này, và đôi khi người ta nghĩ rằng đó chỉ là một cuộc sống theo con đường trung dung.
Mà trung dung thì bị lầm tưởng là giống với thờ ơ nguội lạnh, điều mà sách Khải Huyền nói Chúa sẽ mửa ra. Vậy đâu là con đường dẫn ta tránh những thái quá mà lại không rơi vào tật thờ ơ nguội lạnh của những người chỉ biết sống để lo cho bản thân mình?
Đời đan tu chẳng có gì giống với cuộc sống thờ ơ trong đó người ta chỉ tìm cách phòng thân, bảo vệ những gì mình có được. Trái lại, đời đan tu đòi hỏi ta trao phó mình trong tay Thiên Chúa, đấng điều khiển cuộc đời ta. Đó là điều thánh Biển Đức quả quyết ngay từ đầu chương này. Ngài nói về một ơn mà mỗi người lãnh nhận từ nơi Chúa (c.1), và được đặt dưới sự chăm chú theo dõi của một người khác, của viện phụ (c.5). Điều quan trọng là thay đổi cách thức đi từ mình tới người khác, từ tôi tới Chúa. Bước đi này chỉ thực hiện được khi ta từ chối tự hướng dẫn đời mình.
C – Ngày 18.11
“Đừng phàn nàn kêu trách”, đó là một trong những qui luật cơ bản của đời sống đan tu. Trong chương 40 này, qui luật ấy áp dụng cho những nơi không kiếm ra rượu, nhưng thánh Biển Đức cũng nhắc lại ở nhiều trường hợp khác nữa. Thực vậy, ta có thể kêu ca trách móc vì nhiều lý do: vì những hoàn cảnh, những biến cố, vì anh em hay bề trên, vì chính mình và những giới hạn của mình.
Như vậy, kêu ca trách móc là dấu hiệu bên ngoài của một sự từ chối có tính cách trầm trọng hơn nhiều. Ta luôn luôn không hài lòng về một điều gì, về một ai, hay cả về chính mình, vì ta không biết chấp nhận những giới hạn của cuộc đời, vì xét cho cùng ta muốn là tất cả, và thế là bế tắc!
Đây không phải là vấn đề đạo đức, thiếu khiêm nhường, hay dấu hiệu của kiêu căng. Vì thực ra một ngày nào đó tất cả chúng ta đều phải đi qua cửa hẹp này, qua con đường gồ ghề này, và phải chấp nhận vất bỏ đi những ảo tưởng, những mơ mộng mới có thể đi qua được. Đó là kinh nghiệm mà một lúc nào đó trong cuộc đời ta sẽ phải trải qua.
Kinh nghiệm này có hai mặt. Trước hết là mặt tiêu cực, vì ta cảm thấy hoàn toàn bất lực. Không thể làm gì hơn được nữa. Nhưng cũng có mặt tích cực, vì khi ta lâm cảnh bất lực thì Thiên Chúa đến. Chính khi đó ngài sẽ dẫn ta đi, dù ta chẳng thực sự có ý thức gì về con đường phải đi. Ta thấy mình ở bên kia bức tường mà chẳng hay biết ngài dẫn ta qua đấy bằng lối nào. Ta cảm thấy được cứu thoát. Nhưng đấy chưa phải là kinh nghiệm sau hết trong đời. Sẽ luôn luôn có những ngưỡng cửa mới phải bước qua, mãi cho tới ngưỡng cửa sau cùng, là sự chết, mà chỉ một mình ngài mới dẫn ta qua được.