Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 41
ANH EM DÙNG BỮA VÀO GIỜ NÀO ?

 

Ngày 20.3 – 20.7 – 19.11

1 Từ lễ Phục Sinh đến lễ Hiện Xuống, anh em dùng bữa trưa vào giờ thứ sáu và bữa tối vào ban chiều. 2 Từ lễ Hiện Xuống và suốt cả mùa hè, nếu anh em không phải làm việc ngoài đồng, hoặc khí trời không quá nóng bức, thì ngày thứ tư và thứ sáu anh em giữ chay cho đến giờ thứ chín. 3 Còn những ngày khác anh em dùng cơm trưa vào giờ thứ sáu. 4 Nếu phải làm việc ngoài đồng hoặc vì mùa hè quá nóng nực, anh em dùng bữa vào giờ thứ sáu, tùy theo viện phụ ấn định. 5 Ngài hãy điều hoà xếp đặt mọi sự thế nào cho các linh hồn được cứu độ, và cho anh em chu toàn bổn phận mà không phàn nàn kêu ca. 6 Từ mười bốn tháng chín đến đầu mùa chay, anh em dùng bữa vào giờ thứ chín. 7 Trong suốt mùa chay đến lễ Phục Sinh sẽ dùng bữa sau Kinh Chiều. 8 Phải sắp xếp giờ Kinh Chiều thế nào để khi dùng bữa không phải thắp đèn, nhưng mọi sự phải xong khi trời còn sáng. 9 Vả lại, mùa nào cũng thế, dù có bữa tối hay chỉ có bữa trưa, phải liệu sao để có thể dùng bữa khi trời còn sáng.

Chú giải:

A – Ngày 20.3

Thánh Biển Đức yêu cầu “viện phụ hãy điều hòa và xếp đặt mọi sự sao cho linh hồn anh em được cứu độ” (c.5). Ơn cứu độ các linh hồn là ưu tiên trên mọi ưu tiên, là lý do duy nhất cho sự hiện hữu của đan viện, cũng như của Giáo Hội và thế giới. Ơn cứu độ của ta là điều Thiên Chúa đặc biệt quan tâm. Mọi sự đều hiện hữu, đều được xếp đặt nhằm cứu rỗi các linh hồn.

Bản thân tôi, một trong những khám phá lớn tôi đã có trong thời gian tập đó là khám phá ra nhu cầu cần được cứu rỗi. Trước đó, tất cả chỉ là lý thuyết, chỉ là những suy tư triết học. Tôi cũng nói đến nhu cầu được cứu rỗi mà chẳng hiểu cho lắm cứu rỗi là gì. Cho tới một ngày tôi ý thức được tất cả những gì là ghen ghét, bạo lực, gian dối nơi bản thân tôi. Và tôi nhớ rằng lúc ấy tự nhiên tôi thốt lên lời cầu khẩn này: Lạy Chúa, xin cứu con khỏi chính mình con!

Cho tới lúc ấy, tôi cứ lẩn quẩn với ý tưởng sai lầm rằng những người khác mới cần hoán cải, chính họ mới phải đổi thay. Vì thế, kinh nghiệm về điều dữ ở trong ta, điều mà ông Giuđa đã không thể nhìn thẳng vào, điều mà ông Phêrô đã đau đớn chấp nhận, là một kinh nghiệm cơ bản, cần thiết cho mọi cuộc sống đan tu.

Bao lâu chưa có kinh nghiệm từ thâm cung lòng mình về sự cứu rỗi, ta không thể thực sự đi vào mầu nhiệm đời đan tu. Ta đổ lỗi cho người khác, cho cộng đoàn, cho xã hội, cho thời thế, nhưng ta lại chẳng nhìn ra vấn đề. Ý thức về tội lỗi mình là mở cửa tâm hồn đón nhận ơn thánh. Khi ấy mọi sự đều có thể làm được, mọi sự đều có khả năng thay đổi. Ta có thể bắt đầu thở bằng hai lá phổi của tâm hồn.

B – Ngày 20.7

Bất kể vì công việc nặng nhọc, thời tiết nóng bức hay vì ánh sáng, điều quan trọng đối với thánh Biển Đức là để ý tới thực tại. Ánh sáng điện, nước máy, hệ thống sưởi đã làm ta quên mất những thực tại rất đơn giản đó. Ở những thời đại trước người ta ít bận tâm tới những điều kiện cụ thể của cuộc sống. Nhưng phải chăng vì thế mà người ta không phàn nàn kêu ca? Không chắc như vậy.

Phàn nàn kêu ca vẫn là một trong những đặc tính phổ thông nhất của con người. Người ta kêu ca vì trời nắng trời mưa, vì nóng vì lạnh, vì việc làm hay vì thất nghiệp. Tóm lại, ta là những bậc thầy trong nghệ thuật than phiền, trách móc, kêu ca.

Thật là vui khi thấy báo chí cứ nói hết chuyện tai họa vì hạn hán rồi tới nạn khan hiếm nước trên toàn cầu! Tóm lại, ta có nhu cầu bi thảm hóa mọi sự, có nhu cầu luôn luôn than phiền. Hẳn là để có cảm tưởng rằng mình đã làm cho cuộc đời mình nổi lên được một chút.

Đón lấy cuộc đời như nó đến với ta, tiếp nhận những gì Chúa ban, rồi dâng lời cảm tạ không phải là những chuyện đơn giản và ai cũng làm được. Cần phải lâu dài trong nhiều năm mới học biết bằng lòng, bằng lòng cách thật đơn giản với những gì hiện có, chứ không phàn nàn kêu trách nữa. Sống đơn giản, khiêm tốn, hạnh phúc, thật khó biết bao.

C – Ngày 19.11

Thánh Biển Đức xếp đặt thời gian dùng bữa tùy theo một số điều kiện khách quan. Thức ăn phải giúp cho đan sĩ có đủ sức chu toàn nhiệm vụ hằng ngày (ở đây là những công việc ngoài đồng) và chịu đựng được với những thời tiết đặc biệt (ở đây là sự nóng nực mùa hè). Nếu áp dụng luật mà không để ý tới những thay đổi về thời tiết sẽ dễ sinh ra kêu ca trách móc.

Như ở chương trên, ở đây ta lại gặp chuyện “kêu ca trách móc” về thức uống. Thánh Antôn đã nói sự bình an trong cộng đoàn nằm ở dưới đáy nồi. Phải chân nhận rằng những điều kiện vật chất có ảnh hưởng lớn đối với sự bình an của một cộng đoàn. Khi thiếu cái gì cần thiết, hay khi đồ ăn không ngon sẽ dễ nảy sinh bất mãn.

Mối liên hệ ấy thánh Biển Đức đã lưu ý trong tu luật của ngài. Ta không phải là thuần thiêng nên cần tôn trọng qui luật cơ bản ấy nơi những con người có xác thịt. Nhưng không phải ai cũng thấy được như thế. Tập cho biết thư giãn, biết tôn trọng những nhu cầu của thân xác mình mà không rơi vào thói ẻo lả hay phù phiếm không phải là chuyện dễ.

Thực vậy, điều kiện sống thay đổi, nhu cầu mỗi ngày mỗi tăng. Những điều hay điều tốt và quân bình cách đây hai mươi năm, ngày nay không nhất thiết còn như vậy nữa. Tất cả những chuyện đó là quan trọng, nhưng lại tùy phụ. Và cái tùy phụ không bao giờ được làm xáo trộn việc tìm kiếm điều cốt yếu. Giữ lại những gì đã có sẵn thường thì dễ hơn, và khỏi mất công suy nghĩ. Kêu ca trách móc thì dễ hơn tìm kiếm, đề nghị, phát minh, xây dựng.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu Luật Cha Thánh Biển Đức – Hiến Pháp – Thói lệ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia

1. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức  - Muốn xem, xin click vào đây: Tu Luật 2. Đây là bản Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh...