Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 42
KHÔNG AI ĐƯỢC NÓI SAU GIỜ KINH TỐI

Ngày 21.3 – 21.7 – 20.11   

1 Lúc nào đan sĩ cũng phải chuyên tâm giữ thinh lặng, nhất là ban đêm. 2 Vì thế bất luận ngày nào, dù ngày giữ chay hay ngày có ăn trưa, 3 nếu vào ngày có ăn trưa, thì liền sau bữa tối, anh em qui tụ lại một nơi, rồi một anh em sẽ đọc các bài giáo thuyết hay hạnh tích các tổ phụ hoặc một sách gì khác xây dựng cho người nghe. 4 Nhưng đừng đọc bộ Ngũ Kinh hay sách Các Vua, vì phần Thánh Kinh ấy không bổ ích cho những anh em kém trí. Hãy đọc những sách ấy vào giờ khác. 5 Nếu là ngày giữ chay, sau Kinh Chiều, anh em có giờ rảnh, rồi hãy mau mắn hội lại nghe sách như nói trên: 6 đọc chừng bốn năm trang hay nhiều ít tùy thời gian cho phép. 7 Trong giờ đọc sách này, anh em phải mau mắn tụ tập đông đủ, kể cả những ai đang mắc công tác được ủy nhiệm. 8 Khi mọi người đã tề tựu đông đủ, sẽ đọc Kinh Tối. Sau giờ Kinh Tối, không ai được nói năng gì nữa. 9 Nếu ai lỗi luật thinh lặng này sẽ bị nghiêm phạt, 10 trừ trường hợp phải tiếp khách hoặc viện phụ muốn truyền bảo ai điều gì. 11 Nhưng cả trong trường hợp đó cũng phải hết sức nghiêm trang và thận trọng.

 

Chú giải:

 

A – Ngày 21.3

Để có thể lắng nghe các vì sao, các nhà thiên văn cần loại bỏ hết mọi tạp âm. Họ cần có khả năng thinh lặng để đôi tai viễn vọng kính của họ có thể nghe được bài ca của vũ trụ. Thiết tưởng hình ảnh này có thể giúp ta hiểu được tầm quan trọng và sự cần thiết của thinh lặng trong đời sống đan tu. Như những kính viễn vọng tìm hiểu ý nghĩa ngôn ngữ của vũ trụ, thì ơn gọi của ta là lắng nghe, là ghé tai lòng nghe giai điệu thần linh.

Thinh lặng là một trong những yếu tố nòng cốt của cái gọi được là sinh thái học đan tu. Không có thinh lặng, vũ trụ ta sẽ đầy dẫy những tạp âm, và ta sẽ chẳng còn nghe được gì nữa.

Thiết nghĩ hình ảnh những kính viễn vọng của các nhà thiên văn có thể giúp ta khám phá một số đặc điểm của thinh lặng: -Để tránh mọi tạp âm, viễn vọng kính thường được đặt trong sa mạc, nơi mà không khí rất trong và sinh hoạt của con người không đến làm xao động việc lắng nghe. -Để nghe thấy được một âm thanh hầu như không thể nhận ra, viễn vọng kính càng ngày càng lớn, như những đôi tai khổng lồ quay về phía bầu trời. -Sau cùng, viễn vọng kính luôn hướng lên cao.

Những kết quả mà viễn vọng kính giúp thu thập được tùy thuộc vào việc tôn trọng các điều kiện đó. Nếu không, rất có thể ta sẽ lẫn lộn Lời Chúa với những tiếng ồn ào của thế gian.

B – Ngày 21.7

Theo thánh Biển Đức, thinh lặng gắn liền với lắng nghe lời. Trước hết là Lời bên ngoài. Nhưng cũng lắng nghe Lời nội tâm mà Lời bên ngoài gợi lên trong lòng ta. Lời bên ngoài đụng vào tai thân xác ta để Lời nội tâm có thể được tai lòng ta đón nhận.

Chắc hẳn ban đêm là lúc thuận tiện hơn cả để Lời bên ngoài có thể gợi lên bên tai lòng một Lời khác, tức là Lời nội tâm. Như vậy, thinh lặng không phải chỉ để thinh lặng, nhưng để mở lòng ra cho Đấng Khác, đấng “không kêu la nơi công trường, không lên tiếng”.

Yêu quí thinh lặng liên kết chặt chẽ với yêu quí Lời. Như ta đã thấy, Lời là hình thức hiện diện đầu tiên của Chúa Kitô. Nhưng để nhận ra tiếng chân Đấng yêu dấu, để thấy được bàn tay ngài luồn qua cánh cửa, thì còn cần phải chăm chú, phải rình chờ.

Nếu lòng yêu quí thinh lặng liên kết chặt chẽ với lòng yêu quí Lời, thì lòng yêu quí Lời sẽ gia tăng lòng yêu quí thinh lặng. Vì thinh lặng không phải là trống rỗng, nhưng là một Lời vượt trên mọi lời. Một Lời mà ta cần phải học để lắng nghe.

 

C – Ngày 20.11

Với thánh Biển Đức, im lặng không phải chỉ là không nói. Vì thế ngài khuyến dụ đừng đọc một số sách trong bộ Thánh Kinh vào ban tối. Có thể ta sẽ ngạc nhiên trước lời khuyên này nếu chưa có kinh nghiệm về tác động của những câu truyện và hình ảnh trên tư tưởng của ta.

Vì hiển nhiên là khi đầu óc ta chất chứa càng nhiều hình ảnh và càng nhiều những câu truyện thì trí tưởng tượng của ta càng bị ảnh hưởng. Khi sống ngoài đan viện ta bị đủ mọi thứ hình ảnh tấn công tới độ chẳng muốn nhìn nữa, trái lại, trong đan viện mọi thứ đều gây ấn tượng một cách đáng ngạc nhiên.

Lời khuyến dụ thường có hiệu quả khiến ta trở nên nhậy bén hơn, tỉnh táo hơn và có vẻ dòn mỏng hơn. Khi vào sa mạc không những ta thấy đầu óc mình đầy những chuyện vô ích cản trở ta đạt tới an bình nội tâm, nhưng cũng thấy mình hết sức nhạy cảm với những thứ đó.

Khả năng thụ cảm lớn hơn, sức chú ý mạnh hơn, chính là hoa trái thánh Biển Đức tìm kiếm. Đó là mục đích của im lặng: mở tai lòng để lắng nghe Chúa. Nhưng sự nhạy cảm hơn này có những bất tiện. Điều mà trước kia chẳng sao cả lại đụng chạm tới ta nhiều hơn, làm ta bị tổn thương và đôi khi theo đuổi ta nữa. Đó là cái giá của mọi cuộc thanh tẩy. Đó là khi trời trong xanh hơn ta sẽ nhận thấy rõ hơn từng đám mây trắng bay qua.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu Luật Cha Thánh Biển Đức – Hiến Pháp – Thói lệ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia

1. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức  - Muốn xem, xin click vào đây: Tu Luật 2. Đây là bản Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh...