Chương 43
GIỜ THẦN VỤ VÀ GIỜ ĂN
Ngày 22.3 – 22.7 – 21.11
1 Tới giờ Thần Vụ, vừa nghe hiệu báo, ai nấy phải bỏ ngay những gì đang cầm trong tay và nhanh chân đến dự. 2 Tuy nhiên vẫn phải nghiêm trang để khỏi sinh dịp chia trí. 3 Đừng lấy gì làm hơn việc Chúa. 4 Trong giờ Kinh Đêm ai đến sau Vinh Danh của Thánh Vịnh 94 thì không được vào chỗ mình trong ca toà, vì thế cha muốn Thánh Vịnh này được đọc thong thả, 5 nhưng phải đứng chỗ cuối cùng hoặc nơi nào viện phụ đã chỉ định cho hạng người chậm trễ như vậy, để ngài và mọi người trông thấy. 6 Cuối giờ Thần Vụ, người ấy phải công khai làm việc đền tội. 7 Cha bắt phải đứng chỗ cuối cùng hay nơi riêng như thế để mọi người trông thấy, khiến phải xấu hổ mà sửa mình. 8 Còn nếu để họ ở ngoài nhà nguyện, thì có kẻ sẽ về ngủ hoặc trò chuyện vớ vẩn sinh dịp cho ma quỷ; 9 thà cho vào nhà nguyện, vừa giữ được giờ kinh, vừa có dịp sửa mình. 10 Trong các giờ kinh ban ngày, ai đến sau câu xướng và sau Vinh Danh của Thánh Vịnh thứ nhất, sẽ phải đứng vào chỗ cuối cùng như đã nói trên, 11 không được hát Thánh Vịnh cùng với anh em cho đến khi đền tội xong, trừ khi viện phụ tha lỗi và cho phép. 12 Nhưng dù sao người ấy cũng phải đền tội.
Chú giải:
A – Ngày 22.3
Trong mọi cộng đoàn đan viện đều có những anh em đến chậm giờ kinh. Điều đó hẳn là phải có cả một nghệ thuật, nghệ thuật đến chậm. Nghệ thuật ấy lại càng tinh tế hơn và đòi phải tập luyện kỹ hơn khi đến chậm vào phút chót. Chẳng cần nói thì những chuyên viên đến chậm như thế ai cũng có thể thấy được cả. Đó là một sự kiện quá nhãn tiền.
Có một cách chậm trễ khác, tinh vi hơn nhiều và con mắt không thể nhìn thấy được. Đó là bỏ lỡ mất giờ Chúa đến trong cuộc sống của ta. Có thể ta rất đúng giờ, không khi nào chậm giờ chung, những vẫn bị chậm trễ khi Chúa đến.
Thực vậy, suốt ngày sống, Chúa gửi đến cho ta những sứ điệp bằng Lời ngài, trong Thánh Vịnh, trong các biến cố, các cuộc gặp gỡ. Ngài dựng các bảng chỉ đường để dẫn lối cho ta đi, hoặc cho ta cảm thấy mình đang đi trên lối sai lầm đưa ta lạc xa ngài. Cái chậm trễ, cái cứng lòng, cái mù quáng này còn nặng hơn việc đến chậm giờ kinh nhiều.
Tuy nhiên, cả hai trường hợp, chậm trễ bên ngoài hay chậm trễ nội tâm, đều có một nguyên nhân. Đó là không sống theo điều mà thánh Biển Đức nói trong câu 3 của chương 43 này: “Không lấy gì làm hơn việc phụng sự Chúa”. Vì, nếu ta đến chậm giờ kinh, nếu ta bỏ lỡ cái nhìn của Chúa trong cuộc sống hằng ngày, chính là vì ta đã muốn bận tâm đến mình trước hết. Hay nói đúng ra là bận tâm đến cái dáng vẻ bên ngoài mà ta gọi là cái “tôi”, và đó chỉ là bức biếm họa mờ nhạt về hữu thể thật của mình.
B – Ngày 22.7
Mau mắn hay mau lẹ (“cum festinatione”) đối với thánh Biển Đức đó là thái độ nổi bật của đan sĩ khi nghe tiếng chuông báo giờ thần vụ. Thánh Biển Đức không có ý so sánh đan sĩ với những tay đua xe đạp, đặc biệt như giải “Tour de France”, một loại hình thể thao chưa được tổ chức vào thời ngài. Nhưng ta vẫn có thể nghĩ tới cách so sánh này, vì ngay chính thánh Phaolô cũng đã so sánh kitô hữu với một lực sĩ chạy đua để đoạt giải.
Như trong đời sống đan tu, trong các cuộc đua xe đạp có những người đua đơn lẻ và có những người đua theo nhóm. Những người đua theo nhóm thay nhau giữ nhịp độ cho cuộc đua, mỗi người theo phiên mình vượt lên hàng đầu để lôi cuốn những người khác rồi lại trở về chỗ mình. Những ai đã có dịp thấy cảnh này đều ngạc nhiên vì sự gắng sức lâu dài của nhóm đua có vẻ như thật dễ dàng. Thực ra thì mọi sự đều được tính toán, cân nhắc nhằm hiệu quả tốt nhất để đoạt giải. Tất cả sẽ bị rối loạn nếu một người nào trong nhóm khi tới phiên mình mà không vượt lên, và do đó cả nhóm sẽ có nguy cơ thất bại.
Thánh Phaolô nói rằng tất cả sự gắng sức lớn lao đó cũng chỉ là để đoạt được phần thưởng mau qua, còn ta, ta chạy là để được phần thưởng vô cùng quí giá hơn. Sự mau lẹ của đan sĩ chính là lòng khao khát, không phải khao khát giầu có, thành công, quyền lực nhưng là khao khát Chúa. Điều thôi thúc đan sĩ, điều lôi kéo họ vào nhà thờ bảy lần mỗi ngày, điều khiến họ ham thích trở lại đó nhiều lần hơn, dù chỉ trong chốc lát, chính là lòng khao khát Chúa. Lòng khao khát phần nào giống như lò lửa: nếu thêm củi vào, lò sẽ cháy mãi, nếu để tàn đi lò sẽ thành đống tro nguội.
C – Ngày 21.11
Mỗi người có khả năng riêng, mỗi người có đặc điểm riêng. Có những người “luôn luôn đến trước”, và có những người “luôn luôn đến sau”. Tôi nhớ tại một trong các nhà con của chúng ta, có anh em kia kể với tôi rằng một lần người anh em chuyên môn đến chậm giờ kinh đã vô tình đến sớm. Thế là anh bỏ đi ra để khỏi mất danh tiếng là người chuyên đến chậm.
Đàng sau những hành động khiến ta bật cười và đôi khi khó chịu ấy, là cả một ngôn ngữ, một cách truyền đạt điều gì đó. Phần tôi, đến chậm khiến tôi hầu như phát bệnh, cũng như tới đúng giờ đối với một số người khác. Điều này hẳn là do giáo dục, do nhu cầu phải tương ứng với một vai trò, một nhân vật. Tóm lại, đó là một cách hiện hữu, trước mắt người khác và trước mắt mình.
Phải chăng thánh Biển Đức muốn nói tới điều đó? Không phải chỉ thế thôi, vì chậm trễ chỉ là một trong nhiều triệu chứng. Điều thánh Biển Đức nhắm tới là sự chểnh mảng, buông xuôi, lười biếng. Mà chểnh mảng thì tất cả chúng ta đều có thể mắc phải.
Chểnh mảng không là gì khác hơn là nhẹ dạ, một cách sống thiếu chiều sâu, thiếu cô đọng. Hời hợt cho qua. Đó là điều trái ngược với đời sống đan tu nơi con người được gọi đến để sinh ra cho chính mình, thay vì tan biến đi trong những chuyện vô ích. Thường thì phải dựa theo nhiều triệu chứng mới tìm ra được một căn bệnh. Công việc của thầy thuốc thiêng liêng là phân định ý nghĩa của những triệu chứng ấy.
Ngày 23.3 – 23.7 – 22.11
13 Giờ ăn, ai không đến trước câu xướng để cùng đọc câu ấy với lời nguyện rồi cùng ngồi vào bàn, 14 nếu vì ươn lười hay thói quen chậm trễ, sẽ bị khiển trách đến hai lần, 15 nếu sau đó vẫn không sửa mình, thì đừng cho ăn chung nữa, 16 phải ăn riêng một mình và mất phần rượu cho đến khi đã đền tội và tu sửa. 17 Ai vắng mặt lúc đọc câu kết sau bữa ăn cũng bị phạt. 18 Không ai được ăn uống gì ngoài giờ luật định, 19 nếu bề trên có cho ai của gì mà người ấy không nhận, sau lại ước muốn điều mình đã từ chối hay thứ gì khác thì đừng cho gì cả, tới khi đã đền tội xứng đáng.
Chú giải:
A – Ngày 23.3
Đối với thánh Biển Đức, bữa ăn chung giữ một trong những vai trò cốt yếu của cấu trúc đời sống cộng đoàn. Đến chậm giờ cơm, nhất là khi đã thành thói quen, là gây thiệt hại cho mỗi thành viên trong cộng đoàn, vì như thế là làm thương tổn sự hiệp nhất được biệu lộ cách đặc biệt bằng việc tham dự bữa ăn chung. Trong quan niệm của thánh Biển Đức về đời sống cộng đoàn thì đó là điều hiển nhiên.
Nhưng ngày nay trong các gia đình, điều đó không còn thịnh hành nữa. Trừ những dịp đặc biệt hay những bữa ăn trọng thể, thì mỗi người tự lấy thức ăn đã dọn sẵn mang đi ăn trong khi vẫn tiếp tục công việc. Xét cho cùng, bữa ăn biểu lộ sự quân bình giữa chiều kích cộng đoàn và chiều kích cá nhân trong cuộc sống. Và sự quân bình này thay đổi tùy theo thời đại.
Hiện nay việc tham dự bữa ăn chung có uyển chuyển tùy theo các cộng đoàn. Nơi một số đan viện, như Hauterive, mọi bữa ăn đều dùng chung và có đọc sách, ngay cả bữa điểm tâm sáng. Trái lại, ở một số cộng đoàn khác chỉ bữa trưa là ăn chung, như ở Tamié hay Sept-Font. Ở Oka, bên Canada, vì anh em tự đi lấy đồ ăn ở nơi dọn sẵn, nên khi đa số đã mang đồ ăn về chỗ mới bắt đầu đọc sách.
Tất cả những cách thức trên đây đều góp phần vào thế quân bình của cuộc sống riêng cho mỗi đan viện. Nơi đâu anh em sống gần gũi nhau hơn, thì người ta thích tự mình đi lấy đồ ăn. Nơi nào đời sống cộng đoàn ít nổi bật vì lẽ các phòng xa cách nhau, người ta lại thích thú có mặt với nhau cả ba bữa ăn. Điều quan trọng không phải là theo kiểu nào, nhưng là sự quân bình tinh tế ấy giúp ta sống được cách hài hòa mối hiệp thông và sự cô tịch. Vì ta cần đến hai chiều kích này để cuộc sống được triển nở trong cầu nguyện.
B – Ngày 23.7
Với thánh Biển Đức, thói chậm trễ (như ngài nói ở câu 14) có liên quan thầm kín với tính tự phụ, kiêu căng (c.18 và 19). Ta đã thấy có thứ chậm trễ bên ngoài và có thứ chậm trễ nội tâm. Đó là không nghe theo tiếng chuông mời gọi đi phụng sự Chúa và đi dùng bữa, hoặc không nghe theo Lời Chúa trong nội tâm mời gọi ta hoán cải.
Đối với Cassianô, tự phụ, kiêu căng làm cho con mắt tâm hồn ra mù quáng, khiến ta từ chối nghe Lời và để cho Lời lắng đọng sâu vào lòng ta. Ta vẫn đọc một câu thật hay của Thánh Vịnh 18 diễn tả ngược lại điều đó cách rất chính xác: “Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời” (Tv 18,9). Lời giúp ta nhìn thấy rõ được.
“Chúng có mắt mà không thấy, có tai mà chẳng nghe”. Lời các tiên tri khiển trách dân Israel xưa kia Chúa Giêsu cũng nói lại với những người cứng lòng tới độ không còn nhận ra được Thiên Chúa đang đến trong cuộc đời mình. Nhưng phải chiến đấu lâu dài mới có thể ngoan ngoãn vâng theo ơn Chúa, mới có khả năng nghe được tiếng ngài, dịu dàng như hơi gió thoảng.
Quả thực, nếu cứ làm ngơ, nếu cứ bưng tai trước những cái nhỏ nhặt trong cuộc sống, trước ngàn lẻ một lời mời gọi âm thầm Chúa ngỏ với ta suốt cả ngày, rất có thể ta sẽ chẳng nghe thấy được hơi gió nhẹ nhàng khi Chúa đến. Co cụm lại nơi mình, ta chỉ còn nghe được mình, chỉ nghĩ đến mình, sau cùng là hoàn toàn bị giam hãm nơi bản thân. Đó là cảnh ngục tù do kiêu căng tự phụ.
C – Ngày 22.11
Cho gì nhận nấy. Đó là một trong những cách ứng xử quan trọng nhất của đời người. Ta thường tìm kiếm những gì mình không có, mơ ước những cái không thể đạt tới được, mà lại không có khả năng đón nhận cái được ban cho. Đúng vậy. Nhưng ta có thể lý luận rằng tiến bộ của con người, về vật chất, trí tuệ, tâm lý hay tinh thần đều là kết quả của niềm khát vọng luôn luôn thúc đẩy ta tìm kiếm cái ta không có. Và theo nghĩa này, khát vọng ấy là thành phần bản tính nhân loại của ta.
Đó là động lực khiến ta có thể không bao giờ bằng lòng với cái mình có, với cái mình biết, với hiện trạng của mình. Trong ta có một sức mạnh bất khả kháng luôn luôn đẩy ta tới cái hơn, cái mới. Bằng lòng với cái hiện có xem ra gần như là phản bội tài năng Chúa ban để ta làm cho trổ sinh hoa trái.
Vậy phải chăng thánh Biển Đức lên án điều đó? Phải chăng ngài muốn kìm hãm động lực ấy nơi con người? Chắc chắn là không! Điều ngài muốn khích lệ ta không phải là sống thụ động, nhưng là dâng lời tạ ơn. Tiến bộ, tìm cái tốt hơn, đào sâu mãi không ngừng, được lắm! Tuy nhiên vẫn không quên tạ ơn về những gì ta đã nhận được. Thánh Biển Đức mời gọi ta trau dồi lòng biết ơn và sự thán phục. Đó là tất cả ý nghĩa của thông điệp này: tạ ơn về điều đã có để có thể tiến đến nơi Thiên Chúa mời gọi ta!
Chương 44
NHỮNG NGƯỜI BỊ TUYỆT THÔNG PHẢI ĐỀN TỘI THẾ NÀO?
Ngày 24.3 – 24.7 – 23.11
1 Ai vì lỗi nặng mà bị tuyệt thông nơi nhà nguyện và nhà cơm, phải lặng lẽ phủ phục trước cửa nhà nguyện trong khi anh em cử hành Thần Vụ, 2 và cứ nằm dài sấp mặt xuống đất dưới chân mọi người khi anh em đi ra khỏi nhà nguyện; 3 và làm như thế cho tới khi viện phụ xét là đã đền tội đủ. 4 Khi viện phụ bảo, người ấy phải đến phục dưới chân ngài và anh em để mọi người cầu nguyện cho. 5 Bấy giờ nếu viện phụ bảo, người ấy mới được tái nhập ca toà theo thứ tự ngài chỉ định, 6 dù thế, trong nhà nguyện vẫn không được xướng Thánh Vịnh, đọc sách hay làm bất cứ điều gì khác nếu viện phụ chưa cho phép. 7 Và sau tất cả các giờ kinh Thần Vụ, người ấy phải phục xuống đất tại chỗ mình 8 mà đền tội như thế cho đến khi viện phụ bảo thôi. 9 Những ai vì lỗi nhẹ mà chỉ bị tuyệt thông nơi bàn ăn thì phải đền tội trong nhà nguyện, l0 và đền tội như thế theo lệnh viện phụ mãi đến khi ngài chúc lành cho và bảo: “Đủ rồi”.
Chú giải:
A – Ngày 24.3
Đối với thánh Biển Đức, khi có lỗi thì phải có đền bù. Thánh Biển Đức không nói tới hình phạt, nhưng tới đền bù, tạ lỗi. Ngài không nhấn mạnh tới lỗi đã phạm hay tới người có lỗi, nhưng tới điều đã bị tổn thương vì lầm lỗi đó và cần được bù đắp lại. Vậy điều đó là gì?
Người nào bị loại khỏi “nhà nguyện hay bàn ăn”, hoặc tự loại mình khỏi những nơi ấy là làm đổ bể một cái gì vượt quá bản thân họ. Họ xúc phạm tới cộng đoàn đã bị tổn thương vì một phần tử bệnh hoạn. Điều phải bù đắp lại chính là mối hiệp thông giữa các thành phần của thân thể cộng đoàn đan tu.
Nhưng có thể bù đắp sự hiệp thông bị sứt mẻ như thế nào? Thánh Biển Đức không giải thích điều này, ngài chỉ nói tới cách thức cụ thể phải thực hiện, mà vẫn không giải thích sự hiệp thông được tái lập như thế nào. Khi đọc những gì ngài viết, người ta có cảm tưởng như ngài chỉ nói tới hình phạt mà viện phụ bắt anh em sai lỗi phải chịu. Nhưng tôi không nghĩ thế. Giải đáp cho vấn đề này ta tìm thấy ở câu 4: “Người có lỗi sấp mình dưới chân viện phụ và mọi anh em để xin cầu nguyện cho mình”.
Quả thực, chỉ lòng khiêm tốn và lời cầu nguyện mới có thể đền bù được sự hiệp thông đã bị phá vỡ. Sự hiệp thông trong cuộc sống đan tu không có được nhờ sức mạnh cưỡng chế, nhưng nhờ lòng khiêm tốn. Bởi vậy nó rất mong manh, và bất cứ lúc nào cũng có thể bị tính kiêu căng phá vỡ. Chính vì thế, chỉ lời cầu nguyện mới có thể tái lập tình hiệp thông ấy mà thôi. Vì chỉ nhờ lời cầu nguyện dưới chân Chúa Kitô ta mới nhận được sức mạnh Thánh Thần để khiêm nhường xưng thú mình yếu hèn và tội lỗi.
B – Ngày 24.7
“Để mọi người cầu nguyện cho”. Câu này đặc biệt soi sáng cho ta về điều thánh Biển Đức gọi là “đền tội”. Thực vậy, khi nào ta mới có thể quả quyết được rằng sau cùng thì người anh em đã thoát khỏi vòng kiềm tỏa của lầm lỗi, nếu không phải là khi anh ấy có khả năng xin người khác cầu nguyện cho?
Vì vấn đề gây ra do lầm lỗi chính là nó khiến ta tự khép kín nơi mình. Lầm lỗi khiến ta mù quáng tới độ cứ cho mình là phải, chỉ duy mình là có lý. Chính vì vậy, với sự tinh tế khác thường về tâm lý và thiêng liêng, thánh Biển Đức nhấn mạnh rằng ta chỉ được giải thoát nhờ người khác, nhờ việc chân nhận nỗi khốn khổ của mình trước mặt người khác.
Điều giải thoát ta khỏi lỗi lầm đó là lòng khiêm tốn, nhờ đấy ta nhận biết mình yếu đuối, tội lỗi, bé mọn. Lòng khiêm tốn khởi đầu từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống: đến chậm giờ chung, làm hư hỏng đồ vật, đọc sai trong giờ thần vụ.
Vấn đề không phải là bi thảm hóa sự việc, nhưng là hiểu rằng nếu ta có thói quen xin lỗi vì những điều nhỏ mọn, ta cũng sẽ có thể xin lỗi vì những điều nặng hơn, khó khăn hơn. Tại sao? Tại vì điều thường ngăn cản ta xin lỗi không phải là vì lỗi đó không quan trọng, như ta nghĩ thế, nhưng là vì lỗi ấy quan trọng tới độ khơi dậy trong ta một nỗi lo sợ thầm kín. Ta sợ nỗi nghèo hèn của ta không được chấp nhận, ta sợ người khác, sợ Đấng Khác.
C – Ngày 23.11
Tuyệt thông có nghĩa là mối giây tin tưởng đã bị cắt đứt. Vì thế, thánh Biển Đức yêu cầu sửa chữa lại, như điều kiện cơ bản cho mọi tương giao đích thực. Không thể và cũng không được coi như chẳng có gì xẩy ra. Không có vị nể ai, dù là cộng đoàn, dù là người anh em đã phạm lỗi.
Thực vậy, nếu để những lỗi phạm như thế tăng thêm thì dần dần cuộc sống của cộng đoàn sẽ sa sút và tàn lụi. Sự tin tưởng là một phương diện cốt yếu của mọi cộng đoàn. Nếu sự tin tưởng này bị tổn thương, thì đôi khi phải mất nhiều thời gian để hàn gắn và sửa chữa.
Nhưng tuyệt thông không phải là không tôn trọng người phạm lỗi, vì như vậy có nghĩa là người ấy không đáng kể, không có chỗ trong cộng đoàn, và rất ít được tin tưởng. Sửa chữa là điều rất quan trọng để người anh em có lỗi ý thức rằng anh ta lại được là thành phần của cộng đoàn, rằng những anh em khác tin tưởng nơi anh ta.
Mà sửa chữa thì đòi thời gian, rất nhiều thời gian, không được làm qua loa cho xong chuyện. Tôn trọng từng giai đoạn phải tiến hành, chính là để bảo đảm cho mối tương quan tái nối kết được bền bỉ. Như thế, sửa chữa là cần thiết và có lợi ích cho mọi người, nó giúp xây dựng lại và cùng nhau tiếp tục tiến bước; nó giúp ta củng cố sự cao quí của phẩm giá con người. Ta chờ đợi nơi những người ta yêu thương nhiều hơn là một lời xin lỗi mơ hồ, như dấu chỉ tình thương của họ đối với ta.