Chương 4
NHỮNG KHÍ CỤ LÀM VIỆC LÀNH
Ngày 18.1 – 19.5 – 18.9
l Trước tiên, kính mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực. 2 Thứ đến, thương yêu người lân cận như chính mình. 3 Không giết người. 4 Không ngoại tình. 5 Không trộm cắp. 6 Không tham lam. 7 Không làm chứng gian. 8 Tôn trọng mọi người. 9 Không làm cho người khác điều ta không muốn họ làm cho ta. 10 Bỏ mình để theo Chúa Kitô. 11 Sửa trị thân xác. 12 Không ham mê khoái lạc. 13 Yêu thích chay tịnh. 14 Nâng đỡ người nghèo. 15 Mặc cho người không áo. 16 Thăm viếng bệnh nhân. 17 Chôn cất kẻ chết. 18 Cứu giúp kẻ hoạn nạn. 19 An ủi người sầu khổ. 20 Xa lánh việc đời. 21 Không yêu mến gì hơn Chúa Kitô.
Chú giải:
A – Ngày 18.1
Sách Sáng thế nói: “Thiên Chúa phán… và đã xẩy ra như vậy” (St 1,11). Nơi Thiên Chúa không có ngắt quãng giữa lời nói và việc làm. Nói tức là làm, cả hai chỉ là một. Khi đọc lại toàn bộ Thánh Kinh ta có thể nhận thấy khoảng cách ngày càng xa nơi con người giữa lời Chúa nói và việc họ làm.
Mọi xung đột giữa Chúa Giêsu và những người pharisiêu có thể tóm lại trong câu ngài bảo: “Họ nói mà không làm”. Thánh Phaolô lặp lại nhận xét đó trong thư Rôma: “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu, vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Như thế, cái khổ thực sự của con người hệ tại ở sự mất cân đối giữa lời nói và hành động. Đó là nguồn gốc sinh ra nỗi khắc khoải sâu xa nhất nơi ta.
Chính trong bối cảnh này mà ta phải đọc và suy tư về chương 4 của tu luật. Trước hết không phải như một bản liệt kê các điều luật để tuân giữ, nhưng như lời nhắc nhở về sự xâu xé làm biến dạng cuộc sống ta: ta nói nhưng lại không làm. Từ kinh nghiệm ban đầu của kitô giáo, con người vừa ý thức được sự mỏng dòn và nỗi cùng khổ của thân phận mình vừa cảm nhận được bàn tay Chúa Kitô đưa ra để cứu thoát mình.
Ai không còn nhận ra được sự chênh lệch giữa lời nói và việc làm của mình, hay viện lẽ là Thiên Chúa nhân từ, sẽ không hiểu được điều thánh Biển Đức muốn nói ở đây. Thực vậy, chính ý thức về sự chênh lệch đó trong cuộc sống ta sẽ là nguồn phát sinh và động lực cho mọi ơn gọi đan tu. Các linh phụ sa mạc đã hiểu như thế, và những cách ngôn của các ngài là giải đáp cho yêu cầu của người môn đệ: “Thưa viện phụ, xin nói cho con một lời để con được cứu” khi thực hành lời đó.
B – Ngày 19.5
Đời đan tu bắt nguồn từ hai tình yêu, hai ưu tiên được thánh Biển Đức nói tới trong đoạn tu luật này. Ưu tiên thứ nhất được nêu lên ở đầu và cuối đoạn, đó là ưu tiên dành cho Chúa. Ở câu 1: “Trước tiên, hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực” và ở câu 21: “Không yêu mến gì hơn Chúa Kitô”. Giữa hai câu này, thánh Biển Đức còn khai triển một tình yêu khác nữa, một ưu tiên khác: yêu mến tha nhân.
Câu 2 tiếp theo câu 1 cách hợp lý: “Sau đó, yêu thương người lân cận như chính mình”. Tiếp theo nữa là một loạt những hành động yêu thương, theo hai hướng khác nhau: những điều cấm làm và những điều phải làm.
Yêu thương người lân cận trước hết là tránh đổ lên họ điều dữ chất chứa trong lòng ta: ghen tương, oán thù, bạo lực. Không giết người, không tham lam, không làm chứng dối. Tình yêu bắt đầu bằng việc chế ngự nhu cầu thống trị, chiếm đoạt, khiến ta muốn lợi dụng người khác để thỏa mãn những xung động và ước muốn của ta. Nhưng tình yêu còn đi xa hơn, tới người nghèo, người không áo mặc, người đau ốm, người sầu khổ, người mắc hoạn nạn và cả người chết nữa.
Như vậy, giữa lòng mến Chúa và lòng yêu tha nhân có mối liên hệ mật thiết không thể bị tách rời. Đó là tất cả Phúc Âm, một Phúc Âm mà ta phải không ngừng đọc đi đọc lại để biết được cách mình phải sống.
C – Ngày 18.9
Bằng mấy câu trong phần đầu chương nói về “dụng cụ làm việc lành”, thánh Biển Đức làm một tuyển tập Phúc Âm, như một bản tóm lược Kinh Thánh, bắt đầu bằng câu Chúa Giêsu trả lời ông kinh sư hỏi ngài “giới luật nào lớn nhất?”: “Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực ngươi”. Đó là giới răn lớn nhất, giới răn thứ nhất. Còn giới răn thứ hai cũng quan trọng: “Hãy yêu mến người lân cận như chính mình ngươi”.
Tất cả những dụng cụ khác tiếp theo dường như chỉ là câu trả lời cho thắc nảy sinh nơi tâm hồn mọi đan sĩ: “Nhưng mến Chúa và yêu người lân cận như thế nào?” Vì không gì huyền nhiệm hơn tình yêu, lúc trào dâng tràn ngập lòng người lúc lại suy giảm, khác chi thủy triều lên xuống. Như lời sách Nhã ca: chẳng ai mua được tình yêu. Và tuy thế tình yêu sẽ tàn lụi, hao mòn, chảy tan trong cát, nếu không được thể hiện nơi cuộc sống hằng ngày. Tình yêu cũng gần giống như cầu nguyện: nếu nó không biến đổi con người nó đã lôi cuốn, nếu nó không dẫn đưa người ấy đi xa hơn, xa hơn mãi, thì sau cùng nó sẽ giảm sút và tiêu tan.
Các dụng cụ làm việc lành chỉ là phản ảnh của cái mâu thuẫn mà thánh Biển Đức đã có kinh nghiệm: nếu không lớn lên, tình yêu sẽ giảm sút, khô héo đi và chết rụi, tới nỗi ta có cảm tưởng đã xây dựng đời mình trên ảo tưởng, trên cát bụi. Chúa Giêsu đã nói trong Phúc Âm: “Ai nghe các giới răn mà không thực hành thì giống như người xây nhà trên cát. Gió vừa thổi tới đã làm nó sụp đổ”.
Nói “lạy Chúa, lạy Chúa” thôi thì không đủ. Và nếu những việc lành này đôi khi có khó khăn, bó buộc và cả đến xem ra không thực hiện nổi, thì Thiên Chúa cũng đã chuẩn bị cho ta để ta đem ra thực hành, trong khi để cho tình yêu đưa ta vượt qua khỏi những giới hạn của ta.
Ngày 19.1 – 20.5 – 19.9
22 Không thỏa cơn giận. 23 Không tích lòng thù oán. 24 Không thủ mưu gian. 25 Không chúc bình an giả dối. 26 Không bỏ mất lòng bác ái. 27 Không thề kẻo bội thề. 28 Nói thật ngoài miệng như có trong lòng. 29 Không lấy ác báo ác. 30 Không lăng nhục ai. Còn điều người ta lăng nhục mình thì kiên nhẫn chịu dựng. 31 Yêu thương địch thù. 32 Không nguyền rủa kẻ nguyền rủa ta, nhưng chúc lành cho họ thì hơn. 33 Vui chịu bách hại vì công lý. 34 Không kiêu căng. 35 Không rượu chè. 36 Không mê ăn. 37 Không mê ngủ. 38 Không biếng nhác. 39 Không kêu ca lẩm bẩm. 40 Không gièm pha. 41 Hy vọng nơi Thiên Chúa. 42 Thấy gì tốt nơi mình thì quy về Chúa, chứ không gán cho mình. 43 Còn điều gì xấu thì luôn nhìn nhận là do mình làm và quy trách cho mình.
Chú giải:
A – Ngày 19.1
Đối với Thiên Chúa, nói và làm chỉ là một. Với ta thì không phải thế. Như đã lưu ý ở đoạn tu luật của ngày hôm qua, Thánh Kinh là biên bản ghi nhận sự chênh lệch càng ngày càng lớn giữa lời nói và việc làm. Tu luật thánh Biển Đức hướng ta đến việc phục hồi hình ảnh Thiên Chúa nơi ta, được thể hiện bằng cách thực thì Lời Chúa.
Nhưng đối thánh Biển Đức, con đường trở về với Thiên Chúa khởi đầu bằng việc giữ mình cho khỏi điều xấu. Trước khi bước vào con đường hành thiện: “làm cho người khác điều mình muốn họ làm cho mình”, thánh Biển Đức yêu cầu đan sĩ “đừng làm cho người khác điều ta không muốn họ làm cho ta” (c.9). Như vậy, con đường tình yêu, con đường trở về với Thiên Chúa khởi đầu bằng việc giữ mình cho khỏi điều dữ, như ta nhận thấy trong đoạn luật này.
Nếu sự dữ là vắng bóng sự thiện, một sự khiếm khuyết, thì con đường trở về với sự thiện phải đi qua việc giữ mình khỏi những gì hủy hoại, những sai lạc, khiến cho cuộc sống con người trở nên cằn cỗi. Làm điều tốt khởi đầu bằng cách tránh làm điều xấu.
Việc đó xem ra quá sơ đẳng khiến ta tự hỏi tại sao thánh Biển Đức còn phải nhắc lại trong một bản luật dành cho các đan sĩ. Có thực sự đáng ngạc nhiên không? Chỉ cần đọc tiểu sử thánh Biển Đức do thánh Grêgôriô viết ta sẽ hiểu. Một số đan sĩ không những chỉ lăng mạ ngài mà còn tìm cách đầu độc ngài nữa. Như thế, ngài cũng đã phải giáp mặt với mầu nhiệm của Giuđa, của phản bội. Ngài biết rằng điều đáng ngạc nhiên không phải là sự dữ nhưng là sự lành. Ngài biết rằng điều làm nên phép lạ đó là “người không lỗi lời hứa và cho vay không đặt lãi”, như Thánh Vịnh nói, chứ không phải ngược lại. Ngài hiểu rằng tình thương và lòng trung tín là phép lạ đích thực. Chính điều đó làm ta phải ngạc nhiên.
B – Ngày 20.5
Chương về “những dụng làm việc lành” có thể làm ta ngạc nhiên, và một bản liệt kê dài dòng như thế có lẽ khiến ta khó chịu. Đọc mãi thành quen nên có lẽ ta không còn nghe được thánh Biển Đức muốn nói gì nữa. Tuy nhiên, nếu để ý ta sẽ thấy mỗi câu trong chuỗi những dụng cụ đó khác nào như một câu hỏi thánh Biển Đức nêu lên cho từng người chúng ta.
Thực vậy, thánh nhân tóm gọn những điều ngài đã nói vào trong hai câu 42 và 43: đó là phân định xem trong cuộc sống hằng ngày ta hướng về phía nào. Về phía Thiên Chúa hay phía ích kỷ của ta? Ta cứ tưởng đã dâng hiến Chúa tất cả, nhưng sau khi đọc những “dụng cụ làm việc lành” ta mới hay là không phải vậy.
Vì muốn giúp ta ý thức hơn về mình mà thói lệ cho ta hai lần xét mình mỗi ngày, sau kinh trưa và sau kinh tối. Những phút ngắn ngủi đó là lời mời gọi ta thành khẩn nhìn lại ngày sống của mình dưới ánh sáng Phúc Âm. Khi vượt biển, thỉnh thoảng hoa tiêu phải coi lại bản đồ và la bàn để tránh đụng phải đá ngầm. Hai khoảng thời gian ngắn ngủi trong ngày để xét mình cũng có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế: tĩnh lặng để nhận định xem ta đã sống theo tinh thần nào suốt buổi sáng, buổi chiều, và cả ngày. Trong cuộc hải trình thiêng liêng, điều này còn quan trọng hơn mọi sinh hoạt khác của ta, vì nó liên quan đến cả cuộc đời. Và nếu điều đó đúng cho mỗi cá nhân thì thiết tưởng cũng đúng cho cộng đoàn nữa.
C – Ngày 19.9
Trong một loạt những cảnh báo tiêu cực, thánh Biển Đức thêm vào bốn câu có tính cách như là những nhắc nhở đến Lời Chúa trong Phúc Âm: “Nói thật ngoài miệng như có trong lòng” (c.28); “yêu thương kẻ thù” (c.31); “chịu bách hại vì lẽ công chính” (c.33); và sau cùng “đặt hy vọng nơi Thiên Chúa” (c.41).
Điều thánh Biển Đức muốn tạo lập qua những cảnh báo và nhắc nhở đó, chính là thái độ cơ bản, nguồn phát sinh cảm nghiệm thiêng liêng trong đời sống đan tu. Ta có thể tóm gọn trong công thức gồm ba thành phần như sau: yêu mình, yêu người, yêu Chúa.
Yêu mình qua việc tìm kiếm sự thống nhất nội tâm. Hữu thể ta bị hư hỏng vì tội lỗi khiến cho lời nói và con tim không còn hòa hợp với nhau nữa, nên nó phải được phục hồi, được tái tạo, đổi mới, theo ánh sáng sự thật.
Yêu người phải trải qua thử thách, đó là yêu kẻ thù, yêu kẻ muốn làm hại ta. Đây cũng là phục hồi thân xác Chúa Kitô bị tan nát vì tội lỗi của con người.
Sau cùng, yêu Chúa qua việc phục hưng đức tin, là thái độ cơ bản của đan sĩ, như thánh Phaolô quả quyết “mọi sự đều giúp ích cho người yêu mến Chúa”.
Ngày 20.1 – 21.5 – 20.9
44 Sợ ngày phán xét. 45 Kinh khiếp hoả ngục. 46 Hết lòng khao khát sự sống vĩnh cửu. 47 Ngày ngày đinh ninh mình sẽ chết. 48 Canh chừng hành động của mình trong từng giây phút. 49 Xác tín Chúa nhìn ta mọi nơi. 50 Đập tan ngay vào Chúa Kitô những tà ý phát khởi trong lòng, rồi bộc lộ với vị linh hướng. 51 Canh giữ miệng khỏi lời xấu xa hay ác độc. 52 Không ham nói nhiều. 53 Không nói chuyện phù phiếm diễu cợt. 54 Không ham cười nhiều hoặc cười ầm ĩ. 55 Thích nghe đọc sách thánh. 56 Siêng năng cầu nguyện. 57 Hằng ngày, trong giờ cầu nguyện, khóc lóc than van, xưng thú cùng Chúa mọi lỗi lầm quá khứ. 58 Rồi sửa chữa những lỗi lầm ấy. 59 Không thỏa mãn những ham muốn xác thịt. 60 Gớm ghét ý riêng. 61 Vâng lời viện phụ trong mọi điều, cho dù ngài có ngôn hành bất nhất – mong đừng có như vậy – lúc ấy hãy nhớ lệnh Chúa truyền: “Điều họ nói, các con hãy làm; điều họ làm, các con chớ theo”. 62 Không muốn người ta gọi mình là thánh khi chưa thật sự thánh; nhưng phải thánh trước đã để lời người ta nói được xác thực.
Chú giải:
A – Ngày 20.1
Sợ hãi, ước mong. Có lẽ hai từ đó đã tóm lược cả đoạn luật này. Hẳn là tình yêu xua đuổi sợ hãi, như thánh Gioan nói. Nhưng ai trong ta dám cho rằng mình đã yêu cách hoàn hảo? Có thứ sợ rất lành mạnh, đôi khi lúc đầu có thể giống như nhút nhát hay quị lụy, nhưng sẽ mau chóng trở thành nỗi sợ vì yêu mến.
Thoạt tiên, nỗi sợ ấy giống như là sợ làm sai, sợ bị bắt, sợ bị lừa. Một nỗi sợ có tính cách nô lệ. Nhưng nếu có thêm tình yêu, nỗi sợ ấy sẽ dần dần nhường chỗ cho một nỗi sợ khác, sợ không biết hiến mình trọn vẹn, sợ không biết phải nói sao cho đúng, sợ không yêu thương cách chân thành.
Bước chuyển biến từ nỗi sợ cách nô lệ sang nỗi sợ vì yêu mến không xẩy ra tức khắc. Đôi khi, nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, cả hai giống nhau tới độ ta không thấy được sự khác biệt giữa chúng. Tuy nhiên, ta đều có thể quan sát thấy nơi anh em mình, nhất là nơi các vị cao niên, bước chuyển biến đó đang hình thành, dù đương sự không nhận ra.
Điều gì đã giúp cho sự biến chuyển ấy, tác động ấy của ơn thánh xẩy ra trong tâm hồn con người? Có lẽ chỉ là một điều rất đơn giản, rất nhỏ bé, nhưng lại đảo lộn cái nhìn của ta. Người trong cuộc không nhận thấy. Điều đó diễn ra qua những cái nhỏ mọn nhất của cuộc sống hằng ngày. Có thể nói rằng ơn thánh hoạt động khi mà, trước một yêu cầu nào đó, điều ta nghĩ đến trước hết không còn phải là bản thân mình nữa, nhưng là lợi ích, nhu cầu, nỗi khổ hay niềm vui của người khác. Tóm lại, khi ta từ bỏ chính mình là lúc bắt đầu có nỗi sợ vì yêu mến.
B – Ngày 21.5
Trong đoạn này ta thấy có ba chiều kích về thời gian. Trước hết, thời hiện tại ở câu 50: “Những tà ý phát khởi trong lòng, hãy đập tan ngay vào Chúa Kitô”. Tiếp theo là thời quá khứ ở câu 57: “Hằng ngày trong giờ cầu nguyện hãy khóc lóc than van xưng thú cùng Chúa mọi lỗi lầm quá khứ”. Sau cùng, thời tương lai ở câu 62: “Không muốn người ta gọi là thánh khi chưa thật sự thánh”. Ba câu trên đây đặt ta trong tương quan với Chúa và với thời gian, vì theo thánh Biển Đức, việc hoán cải của đan sĩ không phải chỉ là việc quá khứ: “tôi đã hoán cải”.
Thực vậy, với lòng nhiệt thành ban đầu, các dụng cụ làm việc lành có thể xem ra nhẹ nhàng, đôi khi còn chưa đủ nữa. Không thiếu người, ít ra trong thời gian đầu đời đan tu, nghĩ rằng như thế chẳng có gì là đáng sợ cả. Nhưng niềm phấn khởi thủa ban đầu ấy đã mau chóng lụi tàn theo thời gian. Tuy vậy, với thánh Biển Đức, thời gian không cản trở nhưng hỗ trợ ta, giúp ta tránh được ảo tưởng và làm cho ta thêm hy vọng.
Chẳng có chi đáng sợ khi bị vỡ mộng hay cảm thấy ươn ái nặng nề. Vì nhận thức được mình bất toàn là một hồng ân Chúa ban, bởi lẽ khi ấy và chỉ khi ấy ta mới có thể từng ngày, từng giờ và đôi khi từng phút cảm nghiệm được rằng có Chúa nâng đỡ ta, rằng không có ngài ta chẳng làm được gì cả. Ta cũng nghiệm được rằng cùng với Chúa ta có thể chuyển núi dời non, bắt đầu từ ngọn núi nặng nề nhất là chính bản thân ta.
C – Ngày 20.9
Giọng điệu của đoạn luật này có vẻ như hơi lạ. Ta có thể tóm lại trong hai động từ: sợ hãi và ước muốn. Hai động từ này bao hàm phần lớn các động cơ nơi con người. Ta hành động, nói năng, nghĩ tưởng, cảm súc vì sợ hãi hay vì ước muốn. Nhưng vấn đề là liệu cái sợ của ta có cơ sở không, ước muốn của ta có chính đáng không.
Thánh Biển Đức trao cho ta các dụng cụ làm việc lành để giúp ta phân định những nỗi sợ và ước muốn của mình. Vì, trái với điều ta có thể nghĩ, ta cũng phải học để biết sợ hãi và ước muốn cho đúng cách. Quả thực, có những điều ta sợ nhưng lại chẳng đáng sợ, và có những điều ta ước muốn nhưng lại không tốt.
Vậy phải tập cho biết sợ hãi và ước muốn cách chính xác. Chẳng hạn như ta thường sợ bị chê cười, bị mất mặt, nhưng lại không để ý tới tác hại do những lời nói không tốt hay không đúng lúc đúng chỗ. Ta sợ bị bắt lỗi, nhưng lại quên rằng ước muốn xấu sẽ hủy hoại tâm hồn mình.
Ta rất thường là nạn nhân của những nỗi sợ và ước muốn của mình. Rồi ta buông tay mà nói: tôi có vậy thôi, chẳng biết sao được! Ta phải chấp nhận một thứ định mệnh nào đó chăng? Hoặc là, như thánh Biển Đức mời gọi, ta sẵn sàng xem xét lại những nỗi sợ và những ước muốn của mình, vì ta ý thức rằng Chúa Kitô cũng đã giải thoát ta khỏi những điều đó.
Ngày 21.1 – 22.5 – 21.9
63 Hằng ngày lấy việc làm mà chu toàn huấn lệnh Chúa. 64 Yêu thích khiết tịnh. 65 Không ghét ai. 66 Không ghen tương, 67 không phân bì. 68 Không ưa tranh tụng. 69 Tránh tự kiêu. 70 Kính trọng người già, 71 yêu thương người trẻ. 72 Vì lòng mến Chúa Kitô, cầu nguyện cho kẻ thù nghịch. 73 Làm hoà với người bất thuận trước khi mặt trời lặn. 74 Và không bao giờ thất vọng về lòng thương xót Chúa.
75 Đó là những khí cụ trong nghệ thuật thiêng liêng. 76 Nếu ngày đêm ta không ngừng đem ra sử dụng, và đến ngày chung thẩm ta hoàn lại cho Chúa, thì Chúa sẽ ban cho ta phần thưởng chính Người đã hứa: 77 “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người”. 78 Còn cơ xưởng nơi ta cần mẫn sử dụng các khí cụ ấy, chính là nội vi đan viện và việc bền đỗ trong cộng đoàn.
Chú giải:
A – Ngày 21.1
Có thể có nhiều động lực thúc đẩy ta trong suốt cuộc đời đan tu, nhưng chỉ có một động lực duy nhất có khả năng giúp ta “cầu nguyện cho kẻ thù” như thánh Biển Đức nói ở câu 72, đó là “lòng yêu mến Chúa Kitô”. Quả thực, có một làn ranh, qua làn ranh đó thì thiện chí cao nhất, nhẫn nại kiên cường nhất, lòng thương cảm tha thiết nhất cũng vẫn không đủ. Bên kia làn ranh đó chỉ có tình yêu mới đáng kể mà thôi.
Đạt tới được tình yêu này đôi khi giống như là đi vào hỏa ngục vậy. Vì đó là con đương từ bỏ thực sự mà những lý lẽ dù hay tới đâu, những tình cảm dù cao thượng chừng nào cũng không đứng vững được. Cái đầu và con tim không còn tác dụng gì, mà chỉ là trống rỗng, có cũng như không. Sau cùng thì ta sẽ mỏi mòn kiệt quệ và chịu đựng hết nổi. Nhưng cũng nhờ vậy mà ta nhận ra được thực tế. Tất cả đều sụp đổ.
Tất cả chăng? Không hẳn vậy, vì khi Thiên Chúa cho ta cảm nghiệm được sự sụp đổ nơi mình, thì không phải là để khiến ta hóa thành tro bụi. Cái đổ vỡ ấy thực ra chỉ là cái vỏ bọc ngoài, có nguy cơ khiến ta náu ẩn yên hàn trong đó mà không còn muốn đi xa hơn nữa. Origênê nói rằng mối nguy lớn nhất rình rập cuộc sống thiêng liêng của ta đó là sự thỏa mãn, sự đầy đủ. Đó là cảm giác mình đã đạt ý nguyện, đã có được địa vị vững chắc, có chỗ đứng yên ổn dưới ánh mặt trời.
Rủi thay, hoặc phúc thay cho ta, Thiên Chúa không bằng lòng với điều đó. Ngài biết ta lớn hơn lòng ta. Vì thế ngài đẩy ta vào cảnh rối loạn để nếu ta chấp nhận bị rơi vào, ta có thể cảm nghiệm được thế nào là sống vì yêu mến Chúa Kitô. Trong tình trạng trái ngược ấy tất cả đều có thể, ngay cả cầu nguyện cho kẻ thù.
B – Ngày 22.5
Nghệ thuật thiêng liêng đòi phải có các dụng cụ (c.75) và một cơ xưởng (c78) là đan viện hay chính xác hơn là “nội vi đan viện và việc bền đỗ trong cộng đoàn”. Cơ xưởng này có hai chiều kích, đó là chiều kích địa lý: nội vi đan viện, và chiều kích nhân bản: việc bền đỗ trong cộng đoàn.
Trong tư tưởng thánh Biển Đức, sự liên kết giữa hai chiều kích hay hai yếu tố này là điều thiết yếu. Cơ xưởng ấy không chỉ là một nơi chốn nhưng cũng là những người anh em nữa. Nơi Chúa gọi ta đến và những người anh em Chúa ban cho ta là môi trường để ta rèn luyện nghệ thuật thiêng liêng cho tinh tế hơn. Thực vậy, việc thay đổi chỗ ở sẽ chẳng ích lợi gì cho nghệ thuật này, nếu không phải chỉ là để tránh giáp mặt với thực tế. Ta tuyệt đối cần cả hai thứ bền đỗ, bền đỗ tại nơi chốn và bền đỗ trong cộng đoàn, để có thể thực hiện nghệ thuật thiêng liêng.
Chỉ kiên trì sống nơi một mảnh đất và trong những tương quan huynh đệ với một cộng đoàn ta mới có thể thực hiện những ước vọng sâu xa của mình. Cứ thay đổi chỗ ở, đời ta cũng sẽ mãi mãi chỉ hời hợt bên ngoài thôi. Vững chí ở lại, mặc dầu những khó khăn, những thất bại, những giới hạn, những hiểu lầm, đó là điều kiện để cuộc sống ta có chiều sâu. Không thứ cây nào mọc trên mặt đường cả.
C – Ngày 21.9
Trái với điều mà đôi khi ta nghĩ, các dụng cụ làm việc lành không phải là những thứ ta phải thực hiện trước khi gia nhập đời đan tu, trước khi bước vào con đường đời sống nội tâm. Thực vậy, ở câu 76, thánh Biển Đức quả quyết ta phải “sử dụng những dụng cụ ấy ngày đêm không ngừng”, và “hoàn lại cho Chúa vào ngày chung thẩm”. Như vậy, những dụng cụ ấy cần thiết cho cả cuộc đời ta.
Nếu đôi khi ta thấy những dụng cụ trong nghệ thuật thiêng liêng quá đơn sơ, không đủ thiêng liêng hay huyền nhiệm, chính là vì ta còn có quá nhiều ảo tưởng về mình. Các linh phụ sa mạc đã hiểu rõ điều ấy khi khiêm tốn nhắc lại lời một vị cao niên nói trước khi qua đời: “Tôi bắt đầu mỗi ngày”.
Vì nét đặc trưng của tiến bộ thiêng liêng không phải là hài lòng với đoạn đường đã đi, tự hào vì nó, nhưng ý thức rằng ta đã đi từ bao năm mà ta chẳng tiến tới gì cả, rằng ta chưa thực sự bắt đầu. Quả vậy, trong lãnh vực đời sống thiêng liêng, kinh nghiệm đích thực không căn cứ theo ngôn từ, nhưng theo ý thức sâu sắc về sự dốt nát của ta.
Với thánh Biển Đức, dấu hiệu đích thực của đời sống thiêng liêng là mỗi ngày khiêm tốn sử dụng lại những dụng cụ rất đơn sơ giản dị của nghệ thuật thiêng liêng, chứ không cho rằng chúng chẳng còn hữu dụng nữa. Trong đời sống đan tu, phải lâu dài, rất lâu dài, đôi khi cả một đời, để sau cùng mới nhận ra rằng đã đến giờ khởi sự!