Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 7
ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG

Ngày 25.1 – 26.5 – 25.9

 l Thưa anh em, Thánh Kinh kêu gọi ta: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”. 2 Nói thế, Thánh Kinh tỏ cho ta thấy mọi cách đưa mình lên đều là một thứ kiêu ngạo. 3 Đó là điều vị ngôn sứ tuyên bố tự đề phòng, khi nói: “Lòng con không dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi. Đường cao vọng chẳng đời nào bước. Việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu”. 4  “Nếu con không tự khiêm, lại muốn tự cao tự đại, thì sẽ ra sao? Như đứa trẻ bị dứt ra khỏi dòng sữa mẹ, Thiên Chúa cũng sẽ xử với hồn con như thế”.

                  

Chú giải:

A – Ngày 25.1

         Cao và thấp là những chiều căn bản của khoa địa lý thiêng liêng, như ở trong và ở ngoài, đàng trước, đàng sau, hay bề sâu và bề mặt. Hành trình thiêng liêng cũng giống như một hải trình trong đó con tầu phải tìm ra đường khi nghiên cứu các hướng đi khác nhau. Bước tiến thiêng liêng diễn ra trong một loại không gian ba chiều, trong đó thời gian trở thành chiều thứ tư.

Nhưng khoa địa lý thiêng liêng có những qui luật riêng mà ta phải biết đến. Ở đầu chương 7 này, thánh Biển Đức nêu lên qui luật cơ bản: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống”. Qui luật này có thể làm ta ngạc nhiên, vì đời sống đan tu được coi là một cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, tìm Đấng Tuyệt Đối, một khát mong nên hoàn thiện. Như vậy, rõ ràng là ta phải vươn lên.

Và quả thực là đúng như thế. Trong đời sống đan tu, ta bảo rằng mình đi tìm Chúa, nhưng ta lại thấy mình đứng trước những giới hạn nhỏ hẹp của mình. Ta tuyên bố những điều lớn lao lắm, nhưng lại vấp phải một chi tiết nhỏ nhặt trong đời sống chung. Cứ mỗi khi ta tìm cách vươn lên cao là lại gặp phải toàn những điều tầm thường nhỏ mọn.

Đúng như vậy, và thật là hay. Điều đó chẳng vô ích tí nào. Mà hoàn toàn ngược lại. Vì cốt yếu là phải khám phá ra rằng những khát vọng lớn lao dẫn đưa ta tới Chúa luôn luôn phải trải qua một cuộc tự hủy. Những khát vọng ấy phải được thanh tẩy khỏi tất cả những gì thúc đẩy ta đi tìm mình, tìm hư danh, tự phụ. Chúng cần phải được thanh tẩy trong lò luyện cuộc đời, để trở nên vô cùng tốt đẹp hơn cho ta. Điều đó ta không tự mình mà thực hiện được, nhưng phải nhờ hồng ân của Thiên Chúa. Vậy ta hãy khát vọng lên lao, nhưng bằng cách đi qua vực thẳm.

B – Ngày 26.5

Với một chút tinh ý và thẳng thắn, khi nhìn cách ta ứng xử, người ta dễ nhận ra rằng ta chưa thật sự ăn ở khiêm nhường. Phần lớn những xung đột mà viện phụ phải giải quyết giữa anh em với nhau là những tranh cãi để tìm chỗ nhất chứ không phải chỗ rốt hết. Mỗi người đều muốn quan điểm, ý kiến và lợi ích của mình là nhất, dù có làm kẻ khác bị thiệt thòi.

Như vậy, khiêm nhường đâu phải là chuyện tự nhiên. Ta nên hiểu điều đó, vì chỉ ai biết mình mắc bệnh kiêu căng mới có thể được chữa lành. Thánh Biển Đức không ngần ngại khi tuyên bố ở câu 4: “Nếu con không tự khiêm, lại muốn tự cao tự đại thì sẽ ra sao?” Cả chương 7 này sẽ cho ta thấy điều gì xẩy ra.

Để diễn tả con đường khiêm tốn, thánh Biển Đức dùng hình ảnh em bé bị dứt khỏi sữa mẹ, như ngài nói tiếp ở câu 4: “Như đứa trẻ bị dứt ra khỏi dòng sữa mẹ, Chúa cũng xử với hồn con như thế”. Con đường khiêm tốn cũng giống như con đường cai sữa, qua đó đứa trẻ dần dần bị tước bỏ mất cái đã giúp cho nó sống, đã khiến nó vui thích và được an toàn.

Con đường khiêm tốn là con đường mà ai đi trên đó cũng sẽ cảm thấy thiếu thốn, khắc khoải, đơn độc. Trên con đường này tự nhiên ta thấy muốn nổi loạn, chán ngán, sợ hãi, tức giận. Và có lẽ gặp những khó khăn, thử thách chính là dấu cho hay ta đang thực sự đi trên đường khiêm tốn. Vì khi ấy và chỉ khi ấy ta mới có thể cảm nghiệm được sức mạnh của Thiên Chúa biểu đương nơi sự yếu hèn.

C – Ngày 25.9

Những lời dẫn vào chương nói về đức khiêm nhường có vẻ rất lạ thường, gần như hết sức khẩn trương. Những tiếng “Thánh Kinh kêu gọi ta” thật là đột ngột. Và thánh Biển Đức còn trưng dẫn sách thánh để nêu bật tầm quan trọng của vấn đề. Ta có thể thắc mắc tại sao thánh nhân lại mở đầu chương này như thế. Để đánh thức độc giả đang thiếp ngủ thăng? Có thể. Nhưng nhất là vì đây là cốt lõi của đời sống đan tu.

Khiêm nhường giống như ông vua dùng năng lực kỳ diệu của mình mà biến đổi tất cả những gì ông chạm tới thành vàng. Nhưng, nếu thiếu khiêm nhường tất cả sẽ trở nên nặng nề, hư hỏng và không thể chịu được. Thánh Biển Đức còn đi xa hơn khi quả quyết kiêu ngạo, thiếu khiêm nhường sẽ khiến ta bị loại bỏ: “Chúa sẽ đối xử với hồn con như đứa trẻ bị dứt ra khỏi dòng sữa mẹ”. Quả thật, khiêm nhường có khả năng giúp ta hội nhập vào một cộng đoàn đan tu, trong khi đó kiêu ngạo khiến ta bị loại trừ, bị đẩy ra bên lề, bị ruồng bỏ.

Nhưng tại sao? Khi cảm thấy bị ruồng bỏ, ta nghĩ rằng người khác từ chối đón nhận ta, họ khinh thị ta. Điều này không phải luôn luôn sai, ngay cả chuyện đó còn có thể là một việc cố ý, dù trong một cộng đoàn đan tu đi nữa. Làm sao có thể buộc tội một người là kiêu ngạo khi họ cảm thấy mình là nạn nhân chứ? Điều ấy xem ra hoàn toàn bất công.

Khi còn là một đan sĩ trẻ, ngày kia tôi bị một anh em chế diễu trước mặt mọi người. Tôi tức điên lên, sẵn sàng trả đũa khi có dịp. Và tôi nhớ đã đi qua đi lại trên con đường trước hang đá Đức Mẹ tới cả chục lần, vừa đi vừa ấm ức. Nhưng đến lần áp chót, tôi thấy có một cảm giác lạ trào lên tự đáy lòng, giống như một niềm vui, với lời trấn an như sau: “Phải rồi, con đáng cười nhạo thế đó, nhưng Mẹ vẫn ở với con mà”. Thế là tôi đi thêm một lần nữa để cám ơn Đức Mẹ. Nếu có khi nào anh em bị như tôi, xin cứ thử làm như tôi đi rồi sẽ thấy. Bảo đảm là anh em sẽ thành công.

Ngày 26.1 – 27.5 – 26.9

 5 Vì vậy, thưa anh em, nếu muốn đạt tới đỉnh của đức khiêm nhường trọn hảo và mau vươn tới cõi trời cao bằng cuộc sống khiêm tốn ở đời này, 6 ta hãy lấy việc làm dựng thành cái thang mà leo lên, như chiếc thang đã hiện ra cho ông Giacóp trong giấc mộng. Trên thang đó ông thấy các thiên thần lên lên xuống xuống. 7 Theo cha, lên xuống như thế chắc chắn phải hiểu: tự cao là đi xuống, tự hạ là đi lên. Chiếc thang được dựng lên đó chính là đời tạm này. Nhờ lòng khiêm tốn, nó sẽ được Chúa nâng lên tận trời cao. 9 Hai đọc thang, theo cha hiểu chính là xác và hồn ta. Trên đó tiếng gọi thần linh đã sắp sẵn nhiều bậc khiêm nhường và kỷ luật để ta leo lên.

                          

Chú giải:

 

A – Ngày 26.1

Hình ảnh thánh Biển Đức dùng để nói về cây thang có vẻ hơi đặc biệt. Hai thành của cây thang là xác và hồn ta, và những thanh ngang nối kết hai thành lại là những bậc khiêm nhường. Điều ấy có nghĩa là khiêm nhường liên hệ đến tâm hồn, nhưng cũng liên hệ đến thân xác nữa.

Khi còn là đan sĩ trẻ, tôi nhớ ngày nọ thầy quản lý công việc tới sở làm phô mai. Thấy một anh em đang sơn cây thang đã bị mọt nhiều, thầy bắt anh đi lấy cưa rồi cưa bỏ hết các thanh ngang của cây thang. Sau cùng, cây thang không còn nữa nhưng chỉ còn hai khúc gỗ vô dụng.

Để giúp ta leo lên thang, các thanh ngang phải cùng nhau giữ chắc hai thành dọc của cây thang. Với thánh Biển Đức, lòng khiêm tốn hệ tại ở việc tìm lại được sự liên kết sâu xa giữa hồn và xác. Chỉ người nào đã tìm lại được sự thống nhất sâu xa nơi mình mới có thể đi lên với Chúa.

Như vậy, khiêm tốn là môi trường thiêng liêng, ở đó bản thân người đan sĩ dần dần trở nên thống nhất. Khiêm tốn liên hệ đến tâm hồn, trái tim, nhưng cũng đến cả thân xác cùng với những xúc cảm, ước muốn và nhận thức của nó nữa. Người khiêm tốn là người có khả năng nghe được lòng mình, nhưng cũng có khả năng tôn trọng thân xác mình.

Thiết tưởng một trong những mâu thuẫn lớn của đời sống thiêng liêng đó là thay vì làm cho ta thành thiên thần, những tạo vật phi thể xác, đời sống ấy dẫn đưa ta tới chỗ trở nên trọn vẹn là những con người.

B – Ngày 27.5

Cây thang khiêm nhường đây là thế nào? Trong đoạn tu luật này thánh Biển Đức giải thích bằng hai hình ảnh. Hình ảnh thứ nhất lấy từ Thánh Kinh, đó là giấc mộng của Giacóp về cây thang ở sách Sáng Thế (ch. 28); hình ảnh thứ hai biểu lộ qua cái nhìn có tính nhân loại học của thánh Biển Đức. Hai hình ảnh này bổ túc cho nhau.

Như sách Sáng Thế tường thuật, sau khi chiếm đoạt quyền trưởng nam của anh mình, Giacóp đã dùng mưu để được cha là ông Isaac chúc lành cho. Khi chạy trốn, Giacóp dừng chân để nghỉ đêm và ông đã nằm mơ. Ông thấy một cây thang dựng lên giữa trời và đất, có các thiên thần lên xuống trên đó (St 28,12). Rồi bản văn kể tiếp: “Này đây, có Chúa đứng trước mặt ông” (St 28,13), và Chúa nhắc lại với ông lời đã hứa với ông Abraham và ông Isaac.

Khi nhắc lại sự kiện này, thánh Biển Đức gợi lên hai bối cảnh: bối cảnh về việc ông Giacóp chạy trốn vì thấy mình bất lực, yếu đuối, và bối cảnh về lời Thiên Chúa hứa cho ông được nên cao cả và thịnh vượng. Như vậy, đối với thánh Biển Đức, đặc điểm thứ nhất của khiêm tốn là cảm nghiệm sự yếu đuối của mình, cảm nghiệm này trở nên cơ sở cho niềm hy vọng, cho lời hứa, khi mọi sự đều sụp đổ quanh ta và trong ta.

Hình ảnh thứ hai được diễn tả nơi câu 9: hai thành thang là xác và hồn, giữa hai thành ấy Chúa đã đặt các bậc để ta trèo lên. Như vậy, khiêm tốn có tương quan với công việc thống nhất nội tâm. Khiêm tốn đòi ta phải trở nên người hơn: khiêm tốn là dấu hiệu chứng tỏ ta không còn đóng vai thiên thần hay con vật nữa.

Như hai hình ảnh trên đây cho thấy, khiêm tốn là một ơn gọi, một con đường trở về với Thiên Chúa và với chính mình. Một con đường đi tìm lại tương quan với Chúa, với mình và với người khác.

C – Ngày 26.9

Chú giải về cây thang Giacóp, như thánh Biển Đức trình bày, được dựa trên trích dẫn Phúc Âm ở câu 1 của chương 7 này: “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14.11). Câu này được nhắc tới ba lần trong Phúc Âm: ở Mt 23,12 và Lc 18,14 nhân dịp Chúa Giêsu chống đối người Pharisêu, và ở Lc 14,11 khi Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ chọn chỗ cuối để được nâng lên chỗ nhất.

Như vậy, khiêm nhường không chỉ là hạ mình xuống, nhưng hạ mình xuống để được nâng lên. Một cách nào đó, ở khiêm nhường là để cho được nên cao cả, để được ở chỗ nhất, bằng cách đi theo một con đường khác với con đường người đời vẫn đi.

Khiêm nhường đòi ta phải có cái nhìn khác. Khiêm nhường thay đổi thang giá trị của ta. Khiêm nhường đòi ta phải nhận ra đâu là sự cao cả đích thực, đâu là phẩm giá sâu xa nhất của ta. Chúa Giêsu khiển trách người Pharisêu vì họ tìm cho được nổi nang trước mặt người khác. Nhưng chỉ cái nhìn của Chúa mới giúp ta đạt tới được hữu thể đích thực của ta.

Người khiêm tốn là người không quan tâm đến cái nhìn của người khác nữa, vì họ đã biết sống trước cái nhìn của Chúa rồi. Họ không sống theo dáng vẻ bên ngoài nữa, nhưng theo con người thật của mình. Đó là những người mà truyền thống Nga gọi là những người điên trong Chúa Kitô. Họ đảo ngược bậc thang xã hội, bậc thang giá trị của thế gian để sống trước cái nhìn của Thiên Chúa.

Ngày 27.1  – 28.5 – 27.9

10 Vậy bậc khiêm nhường thứ nhất là luôn đặt trước mắt lòng kính sợ Chúa, chẳng bao giờ dám quên, 11 và hằng nhớ mọi điều Chúa truyền, không ngừng tâm niệm rằng những kẻ khinh thị Chúa sẽ bị phạt vì tội trong hoả ngục làm sao, còn kẻ kính sợ Chúa sẽ được phúc trường sinh Chúa sắm cho thế nào. 12 Trong mọi giây phút lo giữ mình khỏi tội lỗi và các nết hư do tư tưởng, miệng lưỡi, tay chân và ý riêng, cả đến những thèm muốn xác thịt. 13 Mỗi người hãy nhớ rằng từ trời cao Chúa luôn nhìn xem mình, và dù mình ở đâu, lúc nào và làm gì, Chúa đều nhìn thấy hết, lại có các thiên thần không ngừng tường trình lên Chúa. 14 Để chứng minh điều đó, vị ngôn sứ cho ta hay lúc nào Thiên Chúa cũng hiện diện trong tư tưởng ta. Ngài nói: “Chúa dò thấu lòng dạ ta”. 15 Lại rằng: “Chúa biết rõ tư tưởng con người”. 16 Ngôn sứ lại nói: “Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa”. 17 Và “Tư tưởng phàm nhân sẽ phơi bày trước mắt Chúa”. 18 Muốn giữ mình khỏi những tư tưởng xấu xa, đan sĩ chân tu luôn tâm niệm: “Chỉ khi nào giữ mình khỏi tội, tôi mới được trong sạch trước nhan Chúa”.

Chú giải:

 

A – Ngày 27.1

Các bậc khiêm nhường không phải là những giai đoạn ta đi qua một lần là xong, như thể đi từ bậc thứ nhất tới bậc thứ hai. Thực ra, một cách nào đó, ta chẳng bao giờ đi hết được bậc thứ nhất. Nhưng chính khi sống bậc thứ nhất ta sẽ dần dần khám phá ra chiều kích thứ hai, thứ ba và thứ mười hai của bậc thứ nhất này. Như thế, các bậc khiêm nhường cũng giống như các mặt của một viên đá quí, mặt nọ phải cần đến mặt kia.

Chính vì thế, thánh Biển Đức đặt bậc khiêm nhường thứ nhất ở chỗ đầu tiên, như cửa đi vào. Và ta sẽ thấy bậc này hết sức phong phú, vì được chia ra để đọc và giải thích trong ba buổi. Đoạn văn của ngày hôm nay nêu lên cội rễ, nền tảng của đức khiêm nhường, đó là “sống trước sự hiện diện của Chúa”.

Như vậy, lòng khiêm nhường được xây dựng trên ý thức về một Đấng Khác đang ở trong cuộc sống của tôi, ngài nghĩ đến tôi, ngài nhìn xem tôi mọi lúc, ngài yêu thương tôi. Một Đấng Khác không vô tình lãnh đạm với những gì xẩy đến cho tôi, những gì tôi làm, nhưng ngài tin tưởng nơi tôi. Tôi không ở một mình.

Thánh Biển Đức diễn tả thực tại này bằng nhiều trưng dẫn Thánh Kinh để cho thấy rằng khiêm nhường là thành phần của mạc khải kitô giáo. Khiêm nhường khiến tôi kinh ngạc nhận ra rằng tôi không đơn độc, rằng đời tôi có gía trị, rằng một Đấng Khác đang chờ đợi nơi tôi một điều gì đó. Hay đúng hơn, ngài chờ đợi tôi trở thành một ai đó khi thoát ra khỏi cái vỏ sò bản ngã nhỏ hẹp của tôi. Vì chỉ cái nhìn của một Đấng Khác mới có thể giúp tôi một ngày nào đó đạt tới được ơn gọi làm người của tôi.

B – Ngày 28.5

Bậc thứ nhất đức khiêm nhường là ý thức rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa. Thánh Biển Đức mô tả điều đó khác nào như một cơn động đất thiêng liêng vậy. Từ nay ta không còn chỉ biết có mình với mình nữa. Một Đấng Khác đã xuất hiện trong nơi thâm sâu nhất của bản thân ta.

Để diễn tả nỗi kinh hoàng trước sự kiện này, thánh Biển Đức dùng những lời rất mạnh khiến ta nhớ lại câu thơ nổi tiếng của Victor Hugo: “Và mắt ngài nhìn Cain”. Con người cứ tưởng chỉ có một mình, xa khuất những cặp mắt tò mò, để sống cuộc sống hai mặt, bỗng nhận ra có Đấng Khác trong nơi thâm sâu của lòng mình! Một Đấng Khác “nhìn mình mọi lúc” (c.13), “dò thấu tâm can lòng dạ” (c.14), Đấng biết cả những tư tưởng sâu kín nhất của ta (c.14,15,16).

Bậc khiêm nhường thứ nhất này có vẻ thật là bi thảm: đan sĩ đã thấy mình bị thiêu đốt trong hỏa ngục (c.11). Kinh hoàng và sợ hãi pha trộn nhau. Ta bị lột mặt nạ, bị bóc trần, bị tước bỏ hết những gì xem ra có thể che đậy ta khỏi con mắt người khác. Như thể Thiên Chúa muốn xóa sạch hết những gì từ trước tới nay đã tạo nên nhân vị của ta. Nhưng có đúng vậy không?

Thật ra, điều gây đau đớn trong bậc thứ nhất này không phải là vì Thiên Chúa xuất hiện trong cõi sâu thẳm nhất của bản thân ta, nhưng là vì quả bóng kiêu căng mà ta gọi là cái “tôi” bị xẹp. Cái tôi giả tạo này đã khiến ta có cảm tưởng như mình hiện hữu. Khi Thiên Chúa hiện diện thì cái tôi giả tạo tan biến, chỉ còn lại thực tế buồn thảm gây ra do tính dối trá, hão huyền của ta. Nhưng đừng quên rằng đây mới là bậc thứ nhất, sự sụp đổ của cái tôi giả tạo chỉ là bước khởi đầu của khám phá kỳ diệu về bản thân ta dưới con mắt Thiên Chúa.

C – Ngày 27.9

Với thánh Biển Đức, bậc thứ nhất đức khiêm nhường hệ ở việc nhìn thực tại bằng cặp mắt khác. Những gì thánh nhân diễn tả trong những câu ta vừa nghe đòi ta phải nhìn một cách khác những gì xẩy đến cho ta, vì tự nhiên ta không nhìn sự vật theo cách này.

Bậc thứ nhất đức khiêm nhường đòi ta phải vượt qua cái bề mặt đập vào mắt ta, vượt qua cảm súc, để phân định được chiều sâu của những biến cố xẩy tới. Không phải hiển nhiên mà vượt qua được cảm giác thích thú hay chán ngán để đạt tới chiều kích “thần học” của thực tại.

Vì, “sống dưới cái nhìn của Chúa” trước hết có nghĩa là học cho biết đọc được những gì xẩy đến, những gì xẩy đến cho ta như Lời Chúa muốn nói với ta. Không còn vấn đề ta thích hay không thích nữa. Không phải là sống để chịu đựng những gì xẩy đến, và đau đớn vì cảm thấy mình bất lực. Không! Thánh Biển Đức mời gọi ta nhìn thực tại trong một chiều kích mới, chiều kích liên chủ thể.

Như vậy, những gì xẩy đến cho ta đều đi qua trước mắt Chúa. Ngài muốn lợi ích cho ta. Nhưng không phải lúc nào ta cũng hiểu được điều đó. Đôi khi ta còn có cảm tưởng như Chúa làm mọi sự để chống lại ta, để phá hoại ta. Như vậy, sống dưới cái nhìn của Chúa tức là sống mà không ngừng thắc mắc. Làm sao điều ấy lại có thể ích lợi cho tôi? Sống dưới cái nhìn của Chúa tức là chấp nhận sống theo một ý nghĩa vượt quá sự hiểu biết của ta, vượt xa ý nghĩa ta muốn có cho đời mình.

Ngày 28.1 – 29.5 – 28.9

19 Còn về ý riêng, Chúa cấm chúng ta chiều theo. Vì Thánh Kinh dạy rằng: “Ý riêng con, con hãy từ bỏ”. 20 Vả lại trong kinh Lạy Cha ta vẫn xin Chúa cho ý Ngài thực hiện nơi ta. 21 Vì thế, Thánh Kinh dạy ta đừng theo ý riêng là rất có lý, nếu ta lưu tâm đến lời Thánh Kinh: “Có những con đường người ta coi là ngay thẳng, mà cuối đường lại đưa xuống đáy hỏa ngục”. 22 Lại nhờ đó, ta tránh khỏi điều đã viết về những người chểnh mảng rằng: “Chúng đã ra đồi bại và ghê tởm trong ước muốn của chúng”. 23 Còn về những ham muốn xác thịt ta hãy xác tín rằng Chúa hằng ở trước mặt ta, như lời vị ngôn sứ đã thưa cùng Chúa: “Mọi ước muốn của con đều bày ra trước mắt Ngài”. 24 Thế nên ta phải cảnh giác những ước muốn xấu xa, vì cái chết rình chờ bên cửa lạc thú. 25 Bởi vậy, Thánh Kinh dạy rằng: “Con đừng chạy theo nhục dục”.

                 

Chú giải:

 

A – Ngày 28.1

          Trong đoạn văn này của bậc khiêm nhường thứ nhất, thánh Biển Đức bàn đặc biệt về điều mà truyền thống thiêng liêng gọi là ý riêng. Ngài thiết lập mối tương quan giữa ba yếu tố căn bản của tinh thần con người: ý chí (c.19), ước muốn (c.23) và óc phân định (c.21). Động lực của ý chí chính là ước muốn. Như vậy, vấn đề là mức độ phân định ước muốn.

Ai có thể cho rằng mình đủ khả năng phân định xem ước muốn của mình hướng mình về Chúa hay về sự dữ? Làm sao biết được ước muốn của ta hướng ta tới điều thiện hay điều ác? Vốn mù tịt về bản thân mình, ta không có khả năng thấy rõ được những chuyện đó. Chính vì vậy, noi theo truyền thống đan tu, thánh Biển Đức chọn sự từ bỏ chính mình, bằng cách xa lánh ý riêng để đi vào đường vâng phục, như giai đoạn thứ nhất trong việc trở về với Thiên Chúa,

Vâng phục là tuyệt đối cần thiết, nếu ta mong muốn một ngày kia nhìn thấy rõ được lòng mình. Những phản ứng, những kháng cự, những sợ hãi của ta sẽ dậy ta nhiều hơn gấp bội những lời biện bạch để được làm điều mình muốn. Khi nhận ra nơi lòng mình sự cứng cỏi như dấu hiệu cho thấy ta đang dính bén với ý riêng, thay vì tìm cách biện hộ cho mình hay tố cáo người khác, thì đó là lúc ta dám nhìn vào điều đang xẩy ra, là lúc ta trở nên sáng suốt hơn một chút về mình.

Theo nghĩa đó, vâng phục là một ơn đặc biệt, vì nó giúp ta mở mắt ra để nhìn thấy mình cách rõ ràng hơn mọi thứ phân tích nào khác. Mà biết mình là cơ sở của khiêm tốn, vì khiêm tốn là sự thật. Có lẽ tôi phải theo ý nghĩa này khi giải thích chương 2, trong đó thánh Biển Đức nhắc cho viện phụ rằng ngài phải trả lẽ về sự vâng phục của những ai đã được giao phó cho ngài. Đôi khi thật là dễ dàng nếu để anh em làm theo ý riêng của họ. Điều đó tránh được những xung đột, nhưng lại chẳng giúp ích gì cho ai.

 

B – Ngày 29.5

Ta đã thấy bậc khiêm nhường thứ nhất thực sự gây nên một địa chấn thiêng liêng: đó là khám phá ra Thiên Chúa hiện diện trong ta. Sự hiện diện này khiến ta không còn chỉ biết có mình với mình nữa. Hậu quả của khám phá đó thật là đơn giản. Từ nay ta chỉ cần sống sao cho ý ta hợp với ý Chúa.

Đó là điều thánh Biển Đức diễn tả trong đoạn tu luật này. Bắt ý ta thuận theo ý Chúa là khởi đầu cuộc chiến thiêng liêng, một cuộc chiến bi thảm giữa ý riêng ta và ý muốn của Chúa, một cuộc đối đầu giữa hai ý muốn trái ngược nhau.

Như vậy, bậc khiêm nhường thứ nhất không chỉ là cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa nơi thâm sâu nhất của lòng ta, nhưng cũng là ý thức về một lựa chọn phải có, một lựa chọn triệt để và đau đớn. Như thánh Biển Đức nhận xét: ý muốn của ta không đi cùng chiều với ý muốn của Chúa. Và thánh nhân còn quả quyết rằng nó dẫn ta đi thẳng tới cái chết.

Sự hiện diện của Chúa trong đáy lòng và cuộc chiến nội tâm là hai nét đặc thù của bậc khiêm nhường thứ nhất. Nếu ta thường bị cám dỗ chán nản trước cuộc chiến nội tâm, thì thánh Biển Đức lại nhắc nhở ta phải vui mừng, vì đó là dấu ta đang thực sự dấn thân vào cuộc phiêu lưu thiêng liêng qua bậc khiêm nhường thứ nhất này.

 

C – Ngày 28.9

Hôm qua ta đã thấy rằng bậc khiêm nhường thứ nhất đòi ta phải thay đổi cái nhìn về những gì xẩy đến cho ta. Sống dưới cái nhìn của Chúa có nghĩa là sống đức tin: tin rằng trong mọi sự xẩy đến cho ta, Chúa muốn nói với ta một lời, ban cho ta một lời hứa. Hiệu quả đầu tiên của thái độ cơ bản này là ta dứt bỏ được phần nào những tình cảm riêng, những ước muốn riêng mà thánh Biển Đức gọi là ý riêng.

Kẻ thù lớn của đức khiêm nhường là ý riêng. Nhưng điều quan trọng là phải hiểu từ “ý riêng” theo đúng như truyền thống đan tu muốn hiểu. Đời đan tu không hủy diệt nhân vị, trái lại, có mục đích giúp cho nhân vị đích thực và sâu xa nhất của mỗi người trong chúng ta đạt tới mức trưởng thành đầy đủ.

Nhưng ý riêng lại hoàn toàn khác. Đó là một thứ bệnh tâm hồn khiến cho con người tự khép kín mình lại và quên mất rằng mình được dựng nên cho người khác, mình được dựng nên để yêu thương. Và tình yêu đòi hỏi ta phải ra khỏi mình, phải mở lòng ra cho những gì rộng lớn hơn cái thế giới nhỏ hẹp của mình.

Ta vẫn luôn luôn giáp mặt với thách đố này. Biết bao người trong ta đã chỉ tạo lập cho mình một cuộc sống nhỏ nhen, vừa với tầm mức nhỏ nhen của mình, và làm bộ như thể chẳng nghe thấy gì nếu có ai quan tâm nhắc nhở. Cuộc sống đan tu không có mục đích nào khác hơn là giúp ta thắng vượt khuynh hướng muốn khép kín, muốn nhốt mình trong ý riêng.

 

Ngày 29.1 – 30.5 – 29.9

 26 Vậy nếu con mắt Chúa hằng theo dõi người lành kẻ dữ 27 và từ trên cao, Chúa hằng quan sát con cái loài người xem có ai hiểu biết và tìm kiếm Chúa không, 28 nếu các thiên thần được ủy thác coi sóc ta ngày đêm tường trình lên Chúa mọi công việc ta làm, 29 thì, thưa anh em, mọi giờ phút ta phải cảnh giác, như vị ngôn sứ nói trong Thánh Vịnh, kẻo có lúc nào Chúa bắt gặp ta đang chiều theo sự dữ và trở thành vô dụng. 30 Giờ đây Chúa còn dung thứ vì ngài nhân từ và chờ ta hoán cải nên tốt hơn, kẻo mai ngày Chúa sẽ bảo ta: “Ngươi sống như thế mà Ta đã làm thinh”.

                   

Chú giải:

 

A – Ngày 29.1

          Đoạn này tóm kết bậc thứ nhất đức khiêm nhường. Bậc thứ nhất này có hai mặt được thánh Biển Đức quảng diễn như sau: Trước hết đặt trước mắt lòng kính sợ Chúa và đừng bao giờ quên (c.10-18). Thứ hai là tránh theo ý riêng (c.19-23), điều này đã nói ở chương 5 về đức vâng lời. Phần tóm kết này nhắc lại điểm thứ nhất trong khi liên kết với điểm thứ hai, vì có mối liên hệ giữa việc tưởng nhớ đến Chúa và việc từ bỏ ý riêng, từ bỏ những ước muốn lôi kéo lòng người.

Trong đoạn tóm kết này, thánh Biển Đức dựa theo giáo thuyết của Cassianô về linh hồn con người. Cassianô so sánh linh hồn con người với một cái cối xay lúa không thể ngừng quay. Nếu không cho nó những tư tưởng tốt để nó xay, nó sẽ xay tất cả những gì thâm nhập vào nó, những ham muốn xác thịt, những tư tưởng về hư danh, về ý riêng.

Đó là bậc thứ nhất, là thách đố thứ nhất trên đường về với Chúa. Đây là lúc phải xay những thứ hạt tốt. Đó là lý do khiến các linh phụ và sau là Cassianô nghĩ rằng phải cung cấp hạt tốt cho cái cối xay ấy, phải cho nó những thứ hạt tốt để nó xay.

Vì thế các ngài coi lectio divina là việc quan trọng theo hai hình thức: đọc Thánh Kinh, và đọc thuộc lòng các Thánh Vịnh, các lời kinh được dệt bằng những sự kiện trong Thánh Kinh, như kinh Mân côi chẳng hạn. Điều này dần dần sẽ tạo nên trong ta một thói quen thầm thĩ đọc Lời Chúa, giúp cho tâm trí ta giữ được thinh lặng đích thực. Đó là một cuộc tái tạo mà ta được dự phần, và một ngày nào đấy, ơn Chúa sẽ soi chiếu và biến đổi, trong khi thu hút ta từ nơi sâu thẳm nhất của bản thân ta và mặc khải cho ta những mầu nhiệm dấu ẩn của Kinh Thánh.

B – Ngày 30.5

Như ta đã thấy, bậc khiêm nhường thứ nhất là sống trước sự hiện diện của Chúa. Đột nhiên nhận ra rằng ta không chỉ có một mình, và có một Đấng Khác đang ở trong thâm cung lòng ta. Nhưng đây không phải là chuyện tưởng tượng, hay một ảo tưởng. Với thánh Biển Đức, Thiên Chúa hiện diện ngay trong cuộc sống hằng ngày của ta. Và điều này mang lại hai hiệu quả.

Hiệu quả thứ nhất hệ tại ở việc ta làm, ở những lựa chọn thầm kín nhất của ta. Trước đến giờ phong cách sống của ta chỉ dựa theo cái dáng vẻ hời hợt bên ngoài, chỉ quan tâm chăm sóc cái bề mặt dẫu rằng bên trong hoàn toàn trống rỗng. Với bậc khiêm nhường thứ nhất, cuộc sống ta có được chiều sâu, có được độ dầy mà trước đây ta chưa hề biết tới. Mọi sự đều trở nên quan trọng. Những điều ta chọn lựa, những điều ta ước muốn là những chọn lựa, những ước muốn được thể hiện trước mặt Chúa. Dần dần ta sẽ sống theo một phong cách khác với trước đây.

Và đó là hiệu quả thứ ba: cuộc đời ta trở thành một lịch sử cứu độ, một lịch sử thánh nơi diễn ra một cuộc chiến. Dần dần khi ý thức về sự hiện diện của Chúa, ta cũng nhận ra mình bị lôi kéo bởi những sức mạnh trái ngược nhau, hướng về mọi phía do những cám dỗ và đủ thứ ước muốn. Điều tốt điều xấu không còn chỉ là những phạm trù triết học hay thần học, nhưng là đối tượng của cuộc chiến nội tâm, trong đó ta không thể không lựa chọn.

Trong tiến trình luyện tập bậc thứ nhất này, cái bằng phẳng tầm thường của cuộc sống ta sẽ hiển hiện. Ta sẽ tiến tới một chiều kích mà trước đến giờ ta không nhận ra: Cuộc sống của ta sẽ bắt đầu có bề dầy. Đó là ý nghĩa của việc đọc Thánh Kinh: giữ cho ta thức tỉnh trước sự hiện diện của Chúa. Như Thiên Chúa đã nói với dân ngài, đã đào tạo họ suốt dòng lịch sử của họ, ngài cũng nói với ta, cũng đào tạo ta trong lịch sử của ta. Bậc khiêm nhường thứ nhất tương hợp với bậc thứ nhất trong việc đọc Thánh Kinh: Thánh Kinh trở thành lịch sử riêng của tôi, thành trình thuật về cuộc mạo hiểm nội tâm của tôi.

C – Ngày 29.9

Bậc khiêm nhường thứ nhất, trong đó thánh Biển Đức đặt lòng kính sợ Chúa đối nghịch với ý riêng, kết thúc bằng một trích dẫn Thánh Kinh có vẻ như một lời buộc tội ta: “Ngươi sống như thế mà Ta đã làm thinh” (Tv 49,21). Chúng ta thường hay quên rằng chúng ta vào đan viện để sống trước nhan Thiên Chúa, và chúng ta thường nhượng bộ lối suy tư của con người cũ: “không thấy tận mắt thì không bắt được”. Nhưng phải chăng Thiên Chúa nhìn ta bằng cặp mắt xoi mói, theo như mạch văn của Thánh Vịnh này, trong đó Thiên Chúa đến đánh bật kẻ vô đạo ra để vạch trần sự dối trá của họ?

Điều đó chẳng đưa tới khiêm nhường, nhưng tới sợ hãi và mất tin tưởng. “Ngươi sống như vậy mà Ta đã làm thinh”. Con đường khiêm tốn đưa ta giáp mặt với cái sốc vì sự im lặng của Thiên Chúa. Ta phản bội, Thiên Chúa làm thinh; ta giả hình, Thiên Chúa làm thinh; ta lén lút làm điều xấu, Thiên Chúa vẫn làm thinh. Và nếu ta cứ chế diễu Chúa như thế mãi, nếu ta cứ nhạo cười ngài, cứ phản bội ngài, ngài cũng vẫn cứ làm thinh. Ngài chẳng hề khiếu nại, nhưng chỉ đợi chờ.

Và chính sự nhẫn nại của Thiên Chúa, sự im lặng yêu thương của người cha đứng bên đường chờ đợi con trở về, cái nhìn trìu mến Chúa Giêsu dành cho người thanh niên giầu có không biết bỏ hết để đi theo ngài, một ngày nào đó sẽ cho ta thấy Thiên Chúa có lý khi ngài im lặng trước những chối từ của ta. Vì bậc khiêm nhường thứ nhất là ý thức và chấp nhận sự chối từ có sẵn trong ta, cũng như khám phá ra rằng Thiên Chúa luôn luôn đợi chờ ta, không bao giờ nản. Bởi lẽ ngài yêu ta trước.

Ngày 30.1 – 31.5 – 30.9

 3l Bậc khiêm nhường thứ hai là không yêu thích ý riêng, không tìm thỏa mãn ước muốn của mình, 32 nhưng mọi hành động đều theo lời Chúa: “Ta không đến để làm theo ý Ta mà là ý Ðấng đã sai Ta”. 33 Thánh Kinh cũng nói: “Chiều theo ý riêng sẽ chuốc lấy hình phạt, gắng công vâng phục sẽ được ân thưởng”.

      

Chú giải:

 

A – Ngày 30.1

          Trong tiếng la tinh, từ “proprius” (riêng tư) có liên hệ gần với hai từ “prope” nghĩa là “ở bên”, “gần”, và từ “proprietas” nghĩa là “của riêng”. Như vậy, từ “ý riêng” bao hàm cả hai nghĩa này: cái gì gần ta nhất, cái làm cho ta thành một hữu thể đặc thù, cá biệt, và cái gì ta sở hữu, cái là của riêng ta.

Ta hiểu được tại sao tự do thường được liên kết với ý riêng. Khi ấy tự do sẽ là khả năng ở gần bên mình nhất, sống tính xác thực của bản thân mình, biểu lộ tính đặc thù, cá biệt của mình, khả năng có thể hưởng thụ lợi ích riêng, tài sản riêng.

Tuy nhiên, truyền thống thiêng liêng luôn luôn chiến đấu chống lại ý riêng, như thánh Biển Đức nói trong bậc khiêm nhường thứ hai này. Như vậy, phải chăng đời sống thiêng liêng là một hình thức áp chế đã lạc hậu, một kiểu nô lệ hóa và tước đoạt tự do của con người?

Vấn nạn này người ta rất thường nêu lên để chống Giáo Hội. Nhưng phải nói ngược lại mới đúng. Quả thực, để giúp con người tìm lại được tự do, thoát khỏi dục vọng, tội lỗi, khỏi những ước muốn thác loạn và sự mù quáng, Thiên Chúa đã mở cho ta con đường vâng phục. Vâng phục không phải là đánh mất căn tính của mình, nhưng trái lại để gặp được căn tính đích thực khi xa tránh tất cả những cái “tôi” sai lạc ngăn cản ta trở nên chính mình. Vì cái tôi đích thực, ẩn khuất, dấu kín nơi ta chính là căn tính đích thực của ta, tự do thật của ta. Mọi sự khác đều giả dối hết.

B – Ngày 31.5

Ở bậc khiêm nhường thứ nhất ta khám phá được hai điều: sự hiện diện của Thiên Chúa trong ta và nỗi đau đớn khi phải bỏ ý riêng để thuận theo ý Chúa. Ở bậc thứ hai này, thánh Biển Đức đề nghị ta đi thêm một bước nữa. Bị bó buộc phải lựa chọn giữa hai ý muốn ở trong ta, giữa hai ước muốn xâu xé lòng ta, ta sẽ chọn Chúa thay vì chọn theo những ước muốn của mình.

Bước tiến từ bậc thứ nhất đến bậc thứ hai đức khiêm nhường được thực hiện bằng một thứ rạn nứt nội tâm. Ta không còn trong giai đoạn đối đầu giữa hai ý muốn như ở bậc thứ nhất nữa. Nhưng một điều gì đó đã xẩy ra khiến cho lòng ta chọn Chúa hơn chọn mình, dù rằng ta vẫn còn cảm nhận có căng thẳng giữa hai sức mạnh đang xâu xé ta.

Với bậc thứ hai, ta hoà nhập thực sự vào tác động của ơn thánh, vì có lẽ đó là yếu tố cơ bản nhất của kinh nghiệm thiêng liêng chân chính được tỏ hiện nơi đây, tức là từ bỏ ước muốn riêng để thực hiện điều Thiên Chúa muốn. Mặc dầu có còn vấp ngã, còn do dự và đau khổ, từ nay đan sĩ đã biết điều mình phải làm.

Khi thuận theo ý Chúa, là lúc khiêm tốn bắt đầu phát huy, và khiêm tốn tăng trưởng dần nhờ thuận theo ý Chúa trong những chuyện nho nhỏ từng ngày. Trong giai đoạn này đau khổ là đặc thù của con đường khiêm tốn. Người khiêm tốn ý thức sâu sắc về sự mỏng dòn của mình. Họ biết mình không thể nương tựa vào bất cứ sự gì, nhất là bản thân mình. Chính vì thế, gần như một cách tự nhiên, họ hết lòng vâng phục và sống theo phán đoán của người khác, như ta sẽ thấy ở bậc thứ ba.

 

C – Ngày 30.9

“Tôi không đến để làm theo ý tôi, nhưng làm theo ý đấng đã sai tôi” (Ga 6,38). Đây là lần thứ hai câu này được trích dẫn. Lần đầu thánh Biển Đức đã trích dẫn ở câu 13 chương 5 về đức vâng lời, trong một bối cảnh giống hệt như ở đây: đó là theo gương bắt chước Chúa Kitô. Đề tài bắt chước có một giá trị cốt yếu về nhân loại học, trước khi có ý nghĩa thiêng liêng. Các trò chơi của trẻ em là bắt chước những sinh hoạt của thế giới người lớn. Ta không thể không ngạc nhiên khi thấy những trẻ em nhỏ xíu chơi trò buôn bán, lái xe v.v. một cách rất nghiêm túc.

Bắt chước đòi phải có hai điều: nhìn người làm mẫu, và làm theo như họ. Hẳn là vì thế mà thánh Biển Đức để việc bắt chước ở ngay bước đầu của cây thang khiêm nhường. Vì khiêm nhường đòi hỏi ta làm hai việc: hướng cặp mắt ra khỏi mình để nhìn người khác, và chấp nhận học làm theo người khác.

Ai co cụm vào mình và không còn biết nhìn nữa, ai nghĩ chẳng có gì phải học, người ấy sẽ không thể bước vào đường khiêm tốn. Trái với điều đôi khi ta tưởng, khiêm tốn là điều kiện để mở ra trong lòng ta những không gian bát ngát của tự do và niềm vui đích thực.

Quên mình đi, biết rằng mình không biết, đó là khoa học của các thánh, những con người chăm chú nhìn vào Đấng “là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Đường khiêm tốn là con đường tuyệt hảo giúp ta nhìn thấy được Thiên Chúa như Chúa Giêsu dậy: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9).

 

Ngày 31.1 – 1.6 – 1.10

 34 Bậc khiêm nhường thứ ba là vì yêu mến Chúa, ta hết lòng tùng phục người trên theo gương Chúa, như lời thánh Tông Đồ nói về Ngưi: “Người đã vâng phục cho đến chết”.

Chú giải:

 

A – Ngày 31.1

Với thánh Biển Đức, cũng như với tác giả Thư Êphêsô, khiêm nhường là dấu hiệu của sự lớn lao, là ấn tích của điều cao cả đích thực. Ở đây thánh Biển Đức nêu lên ba đặc điểm cơ bản của khiêm nhường, có thể áp dụng cho mỗi người trong chúng ta.

Trước hết khiêm nhường là vâng phục, nghĩa là khả năng coi người khác, bề trên cũng như anh em, mỗi người anh em, là người có thể nói với ta một lời đến từ Thiên Chúa. Đặc tính cơ bản của khiêm nhường là lắng nghe, mà không hề có thành kiến về người khác chỉ vì họ khác với ta.

Đặc điểm thứ hai của khiêm nhường là ta không thể khiêm nhường nếu không yêu mến Chúa. Nếu ta lắng nghe chính là vì ta khao khát Lời đến với ta từ nơi khác, bên ngoài bản thân ta, vì ta khám phá ra rằng nguồn mạch sâu xa của hữu thể ta là ở nơi Đấng Khác.

Đặc điểm thứ ba được thánh Biển Đức đề cao là theo gương Chúa Kitô: trở nên hình ảnh Chúa Kitô và nên giống như ngài.

Lắng nghe, yêu mến, hình ảnh. Chỉ ba từ đó đã đủ để làm nên một cuộc đời mà tâm điểm được đặt nơi Thiên Chúa chứ không phải nơi mình nữa.

B – Ngày 1.6

Ở bậc khiêm nhường thứ hai, thánh Biển Đức nêu ra chủ đề cơ bản là việc chữa trị cho khỏi ý riêng, chủ đề này sẽ đạt tới cao điểm ở bậc thứ sáu. Trước hết ngài mời gọi đan sĩ xa tránh những ước muốn riêng, đừng chiều theo chúng. Để làm được vậy, ngài đề nghị một phương thế ở bậc thứ ba, đó là sống vâng lời. Phải nhận rằng ngày nay ta không còn dễ dàng nghe theo đề nghị này nữa, vì ta rất mong muốn có được cái mà ta gọi là tự do. Như thế thì phải chăng điều thánh Biển Đức đề nghị đã lỗi thời?

Để hiểu lời thánh nhân, phải khởi đi từ kinh nghiệm thiêng liêng ta có được nơi nguồn cội con đường khiêm tốn, đó là kinh nghiệm về Đấng Khác. Như ta đã thấy, bậc khiêm nhường thứ nhất là sống trước sự hiện diện của Chúa. Có nghĩa là bậc thứ nhất tương ứng với việc Đấng Khác gia nhập vào cuộc sống của ta. Ở bậc thứ nhất này, đan sĩ không còn bị giam hãm trong cuộc độc thoại cằn cỗi với chính mình nữa, nhưng đi vào cuộc đối thoại với Lời Chúa. Trong bậc thứ nhất, cuộc đời ta được lôi ra khỏi cái tầm thường để trở nên một lịch sử thánh, lịch sử về một cuộc gặp gỡ, một Mặc khải công trình của Chúa trong đời ta.

Bình thường thì sự gia nhập của Đấng Khác vào đời ta thay đổi cái nhìn của ta về mình, về những gì ta ước muốn. Cho tới lúc ấy mọi sự xem ra thật đơn giản. Chỉ cần sao được tự do, tức là được làm điều ta muốn. Việc Chúa gia nhập vào đời ta cho ta cảm nhận được một tự do khác sâu xa hơn, nhưng dường như ý muốn và những ước vọng của ta lại muốn ngăn cản. Ta nhận ra rằng ta không được tự do như mình tưởng, rằng tự do của ta bị trói buộc, vì ta không làm được điều thiện mà ta ham thích. Từ đó, như thánh Biển Đức nói ở câu 31, trong bậc thứ hai, ta đâm ra gớm ghét mình. Ta khám ra rằng ta là kẻ thù của ta. Vậy phải làm gì?

Chính khi đó ta bước vào bậc thứ ba như vừa đọc, là bậc dẫn ta vào đức vâng lời. Ta thấy vấn đề không phải là vâng lời vì buộc phải vâng lời, nhưng vì do kinh nghiệm ta hiểu rằng ý muốn và những ước vọng của ta thật sự là những giây xích trói buộc ta, và ta không thể tự mình thoát ra được.

Bậc thứ ba đức khiêm nhường là trao phó mình cho một người khác, việc này đòi hỏi ta phải có ý thức hay kinh nghiệm thiêng liêng về hai điều cơ bản: đó là ý thức về sự hiện diện của Đấng hoàn toàn khác với ta, và ý thức về việc ta không thể tự thoát ra khỏi thói xấu cho mình là trung tâm. Ta có được khiêm nhường là nhờ hai ý thức này và nhờ ước muốn ra khỏi ngõ cụt qua nẻo vâng lời, đây là con đường đích thực giải thoát cho tự do của ta.

C – Ngày 1.10

Trong bậc khiêm nhường thứ ba này ta gặp lại những yếu tố đã thấy ở hai bậc trước: vâng phục bề trên, bắt chước Chúa. Nhưng thánh Biển Đức điểm thêm một nét bổ túc, làm cho bậc thứ ba này có mầu sắc đặc biệt, khi ngài nêu lên ý tưởng “vì yêu mến Chúa”.

Ở bậc thứ hai, thánh Biển Đức nhấn mạnh tới sự kiện là vâng phục, bước đầu tiên dẫn tới khiêm nhường, được xây dựng trên việc bắt chước Chúa Kitô, ngài không đến để làm theo ý mình, nhưng để làm theo ý đấng đã sai mình. Tuy nhiên, để có thể vâng phục suốt cả cuộc đời, để không chỉ vâng phục theo hình thức, sự vâng phục phải được thấm nhuần bằng tình yêu.

Như vậy, ta có thể kết luận rằng, đối với thánh Biển Đức, không thể có khiêm nhường đích thực nếu không có tình yêu. Tại sao thế? Và đây là thứ tình yêu nào? Đó là vì, theo thánh nhân, khiêm nhường cũng như vâng phục không hề là tự hạ giá mình, tự hủy diệt bản thân. Nhưng khiêm nhường là để Chúa lớn lên nơi mình, để ngài dần dần hiện diện tràn đầy trong cuộc sống của mình.

Có thể nói rằng, đối với thánh Biển Đức, khiêm nhường không đè bẹp ta, nhưng làm cho ta lớn lên. Tuy chẳng theo cách của con người. Vì điều làm ta lớn lên, điều giúp ta tiến tới mức sung mãn của nhân tính, đó là sự kiện Thiên Chúa đến cư ngụ nơi ta. Sánh với sự kiện này, tất cả những gì vĩ đại nơi con người chỉ là hão huyền, trống rỗng và mong manh.

 

Ngày 1.2 – 2.6 – 2.10

35 Bậc khiêm nhường thứ tư là trong khi vâng phục ta có gặp những điều cam go trái ý và bất cứ sỉ nhục nào, vẫn âm thầm kiên tâm chịu đựng; 36 không nản lòng, không lùi bước. Thánh Kinh dạy rằng: “Ai bền chí đến cùng sẽ được cứu độ”. 37 Nơi khác: “Lòng con hãy kiên cường và trông cậy Chúa”.  38 Để chứng minh người trung tín phải vì Chúa mà chịu đựng mọi sự, ngay cả những nghịch cảnh, Thánh Kinh đã nhân danh người đau khổ nói lên: “Cũng chính vì Ngài mà suốt ngày chúng con bị giết, khác nào bầy chiên bị đem đi làm thịt”. 39 Rồi vững dạ vì hy vọng được Chúa ban thưởng, họ mừng rỡ tiếp lời: “Trong mọi tình huống đó chúng tôi thắng vượt hết, nhờ đấng đã yêu thương chúng tôi”. 40 Thánh Kinh còn nói nơi khác rằng: “Vâng, lạy Chúa, Ngài đã thử chúng con như luyện bạc trong lò, Ngài đã để chúng con rơi vào cạm bẫy, gánh nặng nề chồng chất trên vai”. 41 Và để dạy ta phải sống dưới quyền bề trên, Thánh Kinh nói tiếp: “Chúa đã đặt người ta trên đầu trên cổ chúng con”. 42 Nhưng trong những nghịch cảnh và nhục nhã, họ cứ nhẫn nại chu toàn huấn lệnh Chúa. Khi bị vả má này, họ đưa ngay má kia. Khi bị giật áo ngoài, họ cho cả áo trong nữa. Khi bị bắt đi một dặm, họ đi luôn hai dặm. 43 Cùng với thánh Tông Đồ Phaolô, họ chịu đựng anh em giả hiệu, và chúc lành cho kẻ nguyền rủa mình.

Chú giải:

 

A – Ngày 1.2

Thánh Biển Đức không đưa ra một cách nhìn lý tưởng hóa về đức vâng phục. Trong bậc thứ tư này, ngài nói rõ về những khó khăn, trái ý, những cám dỗ khiến ta chán nản và trốn tránh. Thánh nhân rất thực tế, ngài nói đến những khó khăn dù là với bề trên hay với anh em. Tuy nhiên, ngài lại khuyến khích đan sĩ kiên trì chịu đựng. Không phải để bảo toàn kỷ cương, nhưng nhằm một lý do khác sâu xa hơn mới chỉ xuất hiện lờ mờ.

Thực vậy, ở câu 41 thánh Biển Đức trưng dẫn một đoạn của Thánh Vịnh 65, có thể coi như chìa khóa mở vào ý nghĩa của bậc khiêm nhường thứ tư này. Ngài nói: “Và để cho thấy ta phải suy phục bề trên, Thánh Kinh thêm: ‘Chúa đã đặt người ta trên đầu trên cổ chúng con’. Để hiểu ý nghĩa câu trích dẫn này, ta nên đọc lại câu Thánh Vịnh ấy trong ngữ cảnh của nó.

10 Vâng lạy Chúa, Ngài đã từng thử thách,
luyện chúng con như luyện bạc trong lò,
11 đã để cho rơi vào cạm bẫy,
Gánh nặng nề chồng chất cả trên vai,
12 mặc thiên hạ cỡi lên đầu lên cổ.
Cơn nước lửa chúng con từng gặp bao lần,
Nhưng Ngài đã cứu thoát, đem ra chỗ thảnh thơi”.

Ba câu Thánh Vịnh trên đây tóm gọn cách tuyệt vời bậc thứ tư đức khiêm nhường, là kinh nghiệm thiêng liêng của đức vâng phục đan tu.

Ở câu 10: trong cuộc sống ta, vâng phục là lò luyện kim giúp ta tách rỉ sét ra khỏi vàng. Ở câu 11: đó là lý do khiến ta, vào một lúc nào đó, cảm thấy bị sa bẫy, bị mắc kẹt. Ở câu 12: có ý tưởng về gánh nặng, về việc bị đẩy vào chỗ cùng cực: nước và lửa. Nhưng tất cả chỉ là để đưa ta đến chỗ thảnh thơi. Vâng phục là con đường mạc khải. Khi giải thoát ta khỏi cái hời hợt, giả tạo, vâng phục đưa ta tới sự giầu sang đích thực.

B – Ngày 2.6

Như ta đã thấy hôm qua, tự do của ta được giải thoát nhờ vâng phục. Nhưng đây lại là một công việc cam go. Vả lại, thánh Biển Đức không dấu giếm điều này. Ngài bảo đó khác nào như lò luyện bạc (c.40), như lò sát sinh nơi chiên bị dẫn tới làm thịt (c.38), như gánh nặng chất trên vai (c.40-41), như cái tát vào mặt (c.42), như áo choàng bị tước đoạt (c.42), như con đường đi mãi không hết (c.42), như sự phản bội bởi những anh em giả hiệu (c.43).

Trước những nỗi cam go như thế, thì việc một lúc nào đó ai cũng có thể bị cám dỗ muốn trốn tránh là chuyện bình thường. Và không phải thánh Biển Đức không biết tới điều đó. Nhưng ngài mời gọi đan sĩ chịu đựng chứ không nản lòng cũng không bỏ cuộc (c.36). Tuy nhiên, ta có thể tự hỏi ngài muốn dẫn ta tới đâu. Đâu là tự do đã được hứa hẹn và rất được khát mong?

Thực ra, nơi bậc thứ tư này, ta thấy mình ở đỉnh cao của tiến trình đã được gợi lên từ bậc thứ nhất, đó là sống trước sự hiện diện của Chúa. Chính giữa những khó khăn, thất bại, hiểu lầm, dường như Chúa đẩy ta vào, mà ta có được kinh nghiệm về sự hiện diện của ngài. Tiến trình đi tới kinh nghiệm này thường xẩy theo hai giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất được thánh Biển Đức diễn tả ở câu 38 và có thể tóm lại bằng một diễn ngữ: “vì ngài”. Điều xẩy đến cho ta chính là vì ngài, chứ ta chẳng có đáng chi. Có lẽ chỉ cần bỏ cuộc, ra khỏi đan viện, cho hết khổ, cho thoát được cái hỏa ngục đó. Khi ấy ta có thể oán hận cả Chúa vì đã kêu gọi ta. Ngài hứa cho ta hạnh phúc, thế mà ta lại bị dồn nén tư bề, bị hổ nhục, tan nát. Chả biết sẽ kéo dài cho tới bao giờ.

Kéo dài cho tới khi hình thành nơi ta một lực cản, một điều gì ta khó mà nhận ra được, nó không thay đổi nhưng đảo lộn tất cả. Thánh Biển Đức tóm gọm điều đó trong câu trích dẫn từ Thư Rôma (8,37): “Trong mọi tình huống đó ta thắng vượt hết nhờ đấng đã yêu thương ta”. Như vậy, bậc thứ tư đức khiêm nhường là bậc mà đan sĩ cảm thấy bị tử thương và được Chúa cứu chữa. Đó là bậc của kinh nghiệm về ơn cứu độ, là bậc được gồm tóm tuyệt vời trong câu Thánh Vịnh: “Chúa đã đáp lời con”. Từ nay đan sĩ không chỉ sống trước sự hiện diện của Chúa nhưng còn trước sự hiện diện của Đấng Cứu Độ mình.

C – Ngày 2.10    

Ở bậc khiêm nhường thứ tư này, thánh Biển Đức cho ta một hình ảnh về đức vâng lời chẳng có gì là phấn khởi. Ngài nói: “Khi vâng phục ta có gặp những điều cam go trái ý và bất cứ sỉ nhục nào, vẫn âm thầm kiên tâm chịu đựng” (c.35). Và xa hơn: “Chính vì Ngài mà suốt ngày chúng con bị giết, khác nào bầy chiên bị đem đi làm thịt” (c.38). Rồi, “Ngài đã thử chúng con như luyện bạc trong lò, Ngài đã để chúng con rơi vào cạm bẫy, gánh nặng nề chồng chất trên vai” (c.40). Và đâu là những gánh nặng nề nếu không phải là những bề trên mà thánh Biển Đức nói tới (c.41): “Chúa đã đặt người ta trên đầu trên cổ chúng con”.

Phải làm gì trước một cơn hồng thủy như thế? Ở nhẫn nại, giơ luôn má khác, cho luôn cả áo choàng, và đi ngay hai dặm với người bắt ta đi một dặm (c.42). Tất cả đều vượt mức! Có lẽ người ta sẽ bảo thánh Biển Đức lấy làm thích thú khi gây sợ hãi cho môn đệ nào dại dột bước vào đường vâng phục.

Những điều đó xem ra quá khắt khe nếu thánh Biển Đức không cho ta một cách giải quyết ở câu 37. Quả thực, vấn dề không phải con người nhưng là Thiên Chúa: “Lòng con hãy kiên cường và cậy trông vào Chúa”. Khi ta bắt đầu cảm thấy gánh nặng, khi bực bội hay chán nản xẩy ra, khi ta muốn buông trôi tất cả, thì đó là dấu tốt. Đó là dấu cho thấy Chúa rất gần ta. Vì khi mọi sự đều sụp đổ, mọi sự đều trở nên tồi tệ, khi ta không thể làm gì được nữa, thì đó là lúc ta nhận ra được nỗi bất lực của mình, là lúc Chúa ra tay hành động.

 

Ngày 2.2 – 3.6 – 3.10

44 Bậc khiêm nhường thứ năm là lấy lòng khiêm tốn mà thành thật tỏ bày cùng viện phụ mọi ý tưởng xấu xa đột nhập vào lòng và những lỗi thầm kín. 45 Thánh Kinh khuyên nhủ ta về điều đó rằng: “Con hãy bộc lộ với Chúa đường lối con đi và trông cậy nơi ngài” .46 Lại rằng: “Con hãy xưng thú với Chúa vì ngài nhân lành, vì lượng từ bi ngài tồn tại muôn đời”. 47 Và ngôn sứ cũng nói: “Bởi thế, con đã xưng tội ra với Ngài, con chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con, 48 con tự nhủ: nào ta đi thú tội cùng Chúa và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con”.

Chú giải:

 

A – Ngày 2.2

Bậc khiêm nhường thứ năm là bậc đưa ta ra ánh sáng. Quả thực, với thời gian, ta có thói quen che đậy đi cách sống của mình. Ta dấu trong bóng tối những gì khiến ta ngượng ngùng, những gì làm méo mó hình ảnh của ta trước mắt người khác và trước mắt ta. Sau cùng, ta vô tình tạo cho mình hai khuôn mặt khác nhau.

Ta cứ tưởng sự phân rẽ nội tâm đó, thái độ hai lòng như Thánh Kinh nói đó sẽ bảo vệ mình. Nhưng thực ra căn bệnh tâm hồn ấy sẽ thâm nhập vào tận những nơi sâu kín nhất của tâm thần, những ngõ ngách khuất ẩn nhất của lòng ta.

Làm sao thoát khỏi cái bẫy mà ta đã vô tình tự gieo mình vào, khiến ta có nguy cơ biến đời mình thành khô cằn và trống rỗng? Thánh Biển Đức thấy chỉ có một cách thế duy nhất, đó là bày tỏ những tư tưởng của mình ra: “Bậc khiêm nhường thứ năm là lấy lòng khiêm tốn mà bày tỏ cùng viện phụ mọi ý tưởng xấu xa đột nhập vào lòng” (c.44).

Thánh Biển Đức khiến ta lúng túng quá. Bày tỏ những bất an trong tâm hồn với một người anh em ta cảm thấy gần gữi hay với một người bạn thì được. Nhưng với viện phụ? Tại sao phải khó khăn như thế? Tuy nhiên, chính nhờ con đường này, đôi khi đòi ta phải quyết liệt cố gắng, mà ta có thể tìm lại được sự thống nhất nội tâm, tìm lại được tự do Thiên Chúa ban cho những con tim tinh tuyền.

 

 B – Ngày 3.6

Kinh nghiệm về sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời ta, ở bậc khiêm nhường thứ nhất, giúp ta ý thức được mọi trở ngại ta mang nơi mình (bậc hai). Thánh Biển Đức hiến cho ta một phương thế thoát khỏi những trở ngại ấy đó là đi trên con đường vâng phục (bậc ba). Nhưng ở bậc bốn ngài cảnh giác ta rằng đó là con đường khó đi, nhiều cạm bẫy và ta thường bị cám dỗ lẩn tránh. Vì thế, ở bậc thứ năm này, thánh nhân mời gọi đan sĩ cởi mở tâm hồn với viện phụ.

Viện phụ có phép mầu hay thuốc tiên nào chữa ta khỏi cám dỗ chăng? Thực ra thì thánh Biển Đức muốn nhắc lại một đề tài thiết thân nơi Cassianô, đó là khi bày tỏ những tư tưởng xấu của mình ra, ta sẽ hết bị chúng giam hãm. Tuy nhiên, trong khi ở những nơi khác, ngài nói đan sĩ có thể trình bày với viện phụ hay với một vị cao niên, thì ở đây ngài chỉ nói tới viện phụ. Phải chăng ngài quên sót? Tại sao lại viện phụ?

Trước hết ta hãy nhớ lại bối cảnh của đoạn tu luật này. Như đã nói ban đầu, ta đi vào đường vâng phục với nhiều khó khăn và cám dỗ. Mà một cách nào đó người cám dỗ ta lại chính là viện phụ! Dù không muốn và ngay cả không ý thức, chính ngài lại là người gây cản trở cho ta, đi ngược lại ước muốn của ta, đòi ta làm điều ta không ưa, dẫn ta đến nơi ta không muốn đến. Chính ngài là chướng ngại vật, là cớ vấp phạm, là tảng đá làm cho té ngã.

Trong trường hợp này, cám dỗ đầu tiên, cám dỗ nguy hiểm nhất, là muốn tránh mặt viện phụ, muốn đi đường tắt. Tuy vẫn sẵn sàng vâng lời ngài, nhưng ta lại xoay xở cho ít phải vâng lời bao nhiêu có thể. Ta đổi hướng đi, ta đội mũ áo vai trùm kín đầu để khỏi phải chào, ta tránh gặp mặt.

Đó là tâm điểm của bậc khiêm nhường thứ năm: không tránh gặp mặt người là cớ cho ta bực mình khó chịu, nhưng đi thẳng tới hòn đá chướng ngại, đám bộc lộ tâm hồn để có thể nói theo lời Thánh Vịnh: “Chúa đã tha thứ tội vạ cho con” (Tv 31,5), như thánh Biển Đức trưng dẫn khi kết thúc bậc thứ năm này.

C – Ngày 3.10:

Ở bậc thứ năm đức khiêm nhường, thánh Biển Đức mời gọi đan sĩ bày tỏ với viện phụ những điều thầm kín trong lòng, và ngài đưa ra lời mời gọi ấy một cách khiến ta ngạc nhiên, vì những lời Kinh Thánh ngài trưng dẫn không liên quan đến viện phụ, nhưng đến chính Chúa. Điều này có thể khiến ta kinh ngạc và có lẽ khó chịu nữa, nếu chỉ đọc đoạn tu luật này theo quan điểm của đan sĩ. Và thường ta vẫn đọc như thế. Nhưng tối nay ta nên đọc theo quan điểm của viện phụ. Vì, bằng những trưng dẫn  Thánh Kinh được chọn, thánh Biển Đức mời gọi viện phụ phải có một thái độ nội tâm nào đó đối với anh em.

“Hãy bộc lộ với Chúa đường lối con đi và trông cậy nơi ngài”. Viện phụ phải khơi dậy trong lòng anh em niềm hy vọng chứ không phải nỗi thất vọng. “Hãy xưng thú với Chúa, vì ngài nhân lành và lượng từ bi ngài tồn tại muôn đời”. Dù anh em đã tin tưởng nơi ngài, viện phụ vẫn phải, với tất cả lòng nhân ái, đón nhận anh em cách nào để họ có thể chắc được rằng ngài yêu thương họ. “Con tự nhủ: nào ta đi thú tội cùng Chúa và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con”. Viện phụ là con người của tha thứ.

Trong đoạn tu luật này ta thấy có sự đòi hỏi về phía viện phụ lớn hơn là về phía đan sĩ. Và có điều gì đó rất hay, rất sâu sắc đối với mỗi người chúng ta, một điều gì đó ứng dụng được cho mọi người. Không thể chờ đợi người anh em khiêm tốn, nếu ta không có thái độ cởi mở đón nhận. Đấy có lẽ là sứ điệp quan trọng nhất thánh Biển Đức muốn gửi đến chúng ta trong bậc khiêm nhường thứ năm này: tùy theo thái độ đón nhận của mình mà chúng ta có thể giúp người anh em lớn lên trong đức khiêm tốn hoặc trái lại khiến họ nản lòng, không còn muốn cố gắng thêm nữa.

 

 

Ngày 3.2 – 4.6 – 4.10

49 Bậc khiêm nhường thứ sáu là đan sĩ bằng lòng với tất cả những gì hèn kém và tồi tệ nhất. Trong mọi công việc được giao, họ tự coi mình là một nhân công vụng về và bất xứng; 50 cùng với vị ngôn sứ, họ tự nhủ mình rằng: “Con quả đã ngu si chẳng hiểu, trước mặt Ngài như thú vật nào hơn, thật con ở với Chúa luôn”.

 

Chú giải:

 

A – Ngày 3.2

“Con ở với Chúa luôn”. Khi mọi sự đều xuôi thuận thì dường như nghĩ mình đang sống trước mặt Chúa là điều chẳng mấy khó khăn. Nhưng khi có trục trặc, khi xem ra mọi người đều cùng nhau chống lại ta, khi rơi vào tình cảnh “hèn kém và tồi tệ nhất”, như thánh Biển Đức nói, thì chả còn thấy Chúa đâu nữa.

Quả thực, cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa trong cơn thử thách là một ơn đặc biệt, đôi khi rất đau đớn, nhưng lại giúp ta thêm kiên vững trong ơn gọi.

Ở bậc thứ sáu này thánh Biển Đức đi xa hơn một chút. Thực vậy, đây không nói tới cảm nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa, về việc Thiên Chúa hiện diện trước mặt con người, nhưng đúng hơn về việc con người hiện diện trước mặt Thiên Chúa: “Con ở với Chúa luôn”. Đây không còn phải là một ơn tác động vào cảm tính, một ơn mang lại niềm khích lệ, nhưng là việc biến đổi hữu thể sâu xa của ta, một cách thức hiện hữu được ghi khắc trong cõi thâm sâu nhất của bản thân ta.

Ở bậc khiêm nhường thứ sáu, hữu thể đã ngả về “Ngài”, đấng sẽ dần dần chiếm hữu cả cuộc đời đan sĩ. Từ chỗ bận tâm đến “mình” đan sĩ chuyển sang việc hướng về “Ngài”. Chính vì thế mà đan sĩ “bằng lòng”. Việc ngả về “Ngài” đó thực ra là việc mở lòng ra đón nhận sự bình an không thuộc về ta, không từ ta mà đến, vì “chính Ngài là bình an của ta”. Bình an này không còn lệ thuộc vào điều ta có hay ta không có, vào điều ta đạt được hay không đạt được. Đó là vì sự bình an ấy vượt quá bản thân ta, vượt xa tất cả mọi sự.

B – Ngày 4.6

Bậc khiêm nhường thứ sáu là bậc mang lại trạng thái an tĩnh nội tâm, bậc làm cho đan sĩ thấy hài lòng, dù tình huống có ra sao đi nữa. Và thánh Biển Đức xác minh điều đó bằng một trưng dẫn từ Thánh Vịnh 72, 22-23. Đây là Thánh Vịnh nói về con người lấy làm khó chịu vì kẻ dữ thành công: c.4-8,12. Và đó là Thánh Vịnh nói về chước cám dỗ muốn sống như kẻ dữ, muốn buông theo điều xấu xa: c.2-3,13,21. Đó là Thánh Vịnh mô tả cách người ta có thể làm để dìm mình trong nỗi đắng cay.

Trong bậc thứ sáu này thánh Biển Đức không đưa ra bí quyết để vượt qua nỗi cay đắng tới bình an. Có lẽ ngài cho rằng đan sĩ sẽ nhớ đến những lời trong Thánh Vịnh 72 khi họ sống giai đoạn đời sống thiêng liêng này, vì ngài chỉ trưng dẫn lời kết thúc ở câu 23: “Phần con, con ở với Chúa luôn”. Nhưng làm sao đan sĩ khám ra được điều này?

Thánh Vịnh 72 trả lời ta ở câu 17: “Cho tới ngày được vào thánh điện, con mới am tường…”. Phương thế duy nhất để vượt qua được cớ vấp phạm, nỗi đắng cay, đó là vào thánh điện Chúa, vào trong lòng mình. Vì, trái với điều người ta thường nghĩ, bình an không phải là không có chiến tranh, đây là định nghĩa của thế gian về bình an, một định nghĩa tiêu cực. Bình an không phải là một sự vắng bóng, nhưng là một hiện diện. Muốn định nghĩa được sự hiện diện này, ta phải đi vào thánh điện Chúa là chính bản thân ta, ở trong đáy lòng ta, nơi mà những người được gọi là “bạn hữu của Chúa” sinh sống.

Đó là nguồn mạch duy nhất để có được sự hài lòng mà thánh Biển Đức nói tới, tức là biết mình là “bạn hữu Chúa”. Đối với thánh Biển Đức thì, một cách nào đó, kẻ dữ hay ác nhân của Thánh Vịnh 72 là kẻ không đi vào lòng mình, kẻ theo đuổi những ham muốn của con mắt và thỏa mãn vì thực hiện được chúng. Không thỏa mãn là đường dẫn tới sự “công chính”, là nguồn mạch phát sinh trạng thái rất đặc biệt của con người “hài lòng”.

C – Ngày 4.10

Bậc khiêm nhường thứ sáu cho thấy sự đảo ngược sâu xa nhất mà một con người có thể thực hiện được. Đan sĩ trở nên “lời tạ ơn”. Trước tới nay, mỗi khi gặp trắc trở là ta đi tìm thủ phạm. Đó là tại viện phụ, tại cộng đoàn, tại hoàn cảnh, tại thời thế, hay tại bà con họ hàng, tại thiếu may mắn v.v. Tóm lại là tại xui xẻo!

Rồi tới một ngày ta bỗng dưng nhận ra rằng vấn đề không phải là tìm xem ai là thủ phạm, ai chịu trách nhiệm. Nhưng vấn đề lại đơn giản hơn nhiều, đó là yêu thích những gì hiện có. Yêu mến viện phụ và anh em; yêu thích nơi mình đang ở, công việc mình được giao phó; yêu thích những giới hạn của mình và những khả năng mình đã nhận được. Yêu mình như mình hiện có, vì Chúa yêu thương ta như vậy và anh em cũng yêu thương ta như hiện trạng của ta.

Bậc khiêm nhường thứ sáu là hồi kết của một giấc mơ, một cám dỗ: cám dỗ sống theo một hình ảnh về mình, thứ hình ảnh ngăn trở ta chấp nhận mình như mình hiện là. Bậc thứ sáu này là bước vượt qua quan trọng từ giấc mơ về mình tới sự khiêm tốn chấp nhận mình. Đó là bình thản và đơn sơ chấp nhận thực tại như hiện có.

Để đạt tới bậc khiêm nhường thứ sáu, ta phải mất nhiều năm, với nhiều thử thách và ảo tưởng, nhiều nổi loạn và suy sụp. Nhưng rồi một ngày kia cũng tới được. Với tình yêu và nhẫn nại thì sau cùng Chúa sẽ đưa ta tới ngưỡng cửa hạnh phúc, và ta chỉ còn việc bước vào thôi. Đó là thứ hạnh phúc đẹp hơn mọi giấc mơ ta ấp ủ, hạnh phúc của con người. Vì Thiên Chúa cũng đã nhập thể làm người để dậy ta trở nên những con người thực sự.

Ngày 4.2 – 5.6 – 5.10

5l Bậc khiêm nhường thứ bảy là không những xưng ra ngoài miệng rằng mình thấp kém hèn hạ mà từ thâm tâm cũng xác tín như thế; 52 rồi hạ mình nói như vị ngôn sứ: “Thân con là thân sâu bọ chứ đâu phải là người, con bị đời chửi mắng khinh khi”. 53 Và: “Con được nâng lên rồi bị hạ xuống và đầy nhục nhã”. 54 Lại rằng: “Chúa hạ con xuống là phúc cho con để con học biết thánh chỉ Ngài”.

 

Chú giải:

 

A – Ngày 4.2

Bậc khiêm nhường thứ bảy đặt ra cho ta nhiều vấn đề. Thực vậy, ta thường chao đảo giữa hai thái độ trái ngược nhau. Hoặc là cảm thấy mình quá thấp kém, vì đã giáp mặt với thất bại, với những giới hạn, với nỗi bất lực của mình, và khi ấy ta tưởng đó là bậc khiêm nhường thứ bảy. Hoặc là ta muốn sống được bậc khiêm nhường này, nhưng ngay khi có ai khiến ta có cảm giác rằng họ thấy ta “thấp kém hèn hạ”, ta liền trở nên cay đắng và nổi loạn.

Vấn đề lớn của đức khiêm nhường đó là chịu xỉ nhục hay ước muốn sống nhân đức không đủ để làm ta nên khiêm nhường. Thất bại hết cả không đủ để trở nên khiêm nhường, cũng chẳng khiêm nhường được chỉ nhờ ước muốn có nhân đức khiêm nhường. Trong cả hai trường hợp, khiêm nhường luôn luôn có nguy cơ trở thành chua chát.

Khiêm nhường trước hết không phải là cái nhìn tiêu cực về mình, nhưng là cái nhìn được đổi mới về người khác. Khiêm nhường không hệ tại đánh giá thấp về mình, coi mình hèn kém hơn thực trạng của mình. Nhưng trái lại, khiêm nhường đích thực là nhận biết những ân huệ Chúa ban, mặc dầu ta không xứng đáng, và nhất là hân hoan thán phục về những điều ơn thánh thực hiện nơi anh em ta. Như thế, khiêm nhường không phải là một sức mạnh tiêu cực, nhưng là một quyền năng tích cực biết nhận ra công trình của Thiên Chúa.

Bí quyết để có được khiêm nhường là tình yêu. Chỉ ai yêu mới biết nhận ra sự tốt đẹp của anh em mình. Chỉ ai yêu mới vượt qua được những dáng vẻ bên ngoài, mới phân định được ân huệ dấu ẩn là kho tàng trong ruộng, hạt ngọc quí làm cho mỗi người anh em ta thành một kho báu. Khiêm nhường trước hết là trái tim yêu thương và cặp mắt rộng mở.

B – Ngày 5.6

Câu 71 Thánh Vịnh 118 mà thánh Biển Đức vừa trưng dẫn, khi nói về bậc khiêm nhường thứ bảy, được Cassianô dùng để tóm lược một kinh nghiệm thiêng liêng cơ bản trong cuộc đời đan sĩ, như thấy ở đầu bài Thuyết giáo IV. Trong bài này Cassianô bàn nhiều về điều ông gọi là “Thiên Chúa bỏ rơi”. Tức là có những lúc ta cảm thấy chẳng ước muốn bất cứ điều gì, lòng cứ trơ ra như đá. Và ông tự hỏi tại sao như vậy.

Ông thấy có ba lý do cơ bản. Trước hết, do ta chểnh mảng, thứ hai do ma quỉ cám dỗ, và sau cùng là do sự quan phòng của Chúa. Ông giải thích rằng đôi khi Chúa bỏ ta để ta ý thức sự giòn mỏng của mình và để ta tha thiết cầu nguyện nhiều hơn, trở nên những con người cầu nguyện, bởi biết thân phận mình mỏng giòn yếu đuối.

Rồi Cassianô trích dẫn một vài mẫu gương trong Thánh Kinh, chẳng hạn gương vua Đavit. Ông nói: “Vua Đavit biết rõ lợi ích khi bị Chúa bỏ rơi, nên vua không muốn xin Chúa đừng bao giờ bỏ rơi mình. Vua biết bị Chúa bỏ rơi thì hữu ích cho vua. Vì thế vua nói thêm ở Thánh Vịnh 118,8: “Xin Ngài đừng nỡ bỏ rơi con hoàn toàn”. (TG. 4,6).

Đối với Cassianô, kinh nghiệm về sự nghèo hèn, giòn mỏng của ta là một ơn, một ơn giúp ta biết quì gối xuống và làm cho ta trở nên những con người cầu nguyện.

 

C – Ngày 5.10

Ở đây thánh Biển Đức không quan tâm tới thứ khiêm nhường chỉ chú trọng đến dáng vẻ bên ngoài chứ không sống khiêm nhường thực sự. Ngài nhắm tới điều sâu xa hơn, cốt yếu hơn. Có những người thực sự khiêm nhường cách sâu xa, nhưng tới một lúc nào đó, lại có kinh nghiệm đau đớn về một giới hạn mà họ chẳng ngờ.

Kinh nghiệm ấy có thể đến từ một lời nói của anh em, một sơ xuất, một từ chối của bề trên. Khi đó, những con người thực sự khiêm nhường ấy bỗng nhiên khám phá ra có điều gì không ổn nơi mình. Họ hết sức hổ thẹn về điều đó. Họ muốn chấp nhận nhưng không thể được.

Khi ấy cái nguy là không dám nói ra, không phải vì giả vờ giả bộ, nhưng vì họ muốn cố gắng sống khiêm nhường. Nhưng làm cách nào cũng không xuôi, thế là họ phát khùng lên hoặc co cụm lại nơi mình và trở nên cứng cỏi. Bởi lẽ sự hổ thẹn bộc lộ cho thấy chỗ rạn nứt sâu xa, vết thương thầm kín mà ta chẳng hay biết.

Trên con đường khiêm tốn, bậc thứ bảy này có ý nghĩa chủ yếu. Đó là chấp nhận cái phần tăm tối trong ta, chấp nhận những khúc mắc kín ẩn và đôi khi đau đớn mà ta không dám trực diện. Như một nhà giáo dục có tài, thánh Biển Đức mời gọi ta nhẹ nhàng tiếp cận với phần tối tăm ấy, và xử sự như người samaritanô nhân hậu khi băng bó vết thương cho người nghèo khổ là chính ta.

 

Ngày 5.2 – 6.6 – 6.10

55 Bậc khiêm nhường thứ tám là đan sĩ không làm gì ngoài luật chung của đan viện và gương lành các vị cao niên.

 

Chú giải:

 

A – Ngày 5.2

Ta hay nghĩ sự thánh thiện hệ tại làm những việc khác thường, sống thánh thiện là một cách đi ra khỏi cái bình thường. Ta tưởng tượng các thánh là những người đứng ngoài cuộc sống chung của mọi người, vượt lên khỏi đám đông. Tôi có cảm tưởng như thế khi đọc những cực hình các vị tử vì đạo đã trải qua. Thú thật là tôi phải rùng mình sởn ốc mà tự hỏi làm sao tôi có thể chịu được. Không, quả thật là quá sức tôi rồi.

Nhưng khi đọc lại bậc khiêm nhường thứ tám này, tôi thấy có phần an tâm. Nếu không thể bắt chước sự thánh thiện của các đấng tử vì đạo, thì sự thánh thiện mà thánh Biển Đức đề nghị lại gần gũi hơn, hầu như dễ dàng đạt tới được. Đơn giản chỉ là sống đời sống chung như mọi người, không thêm gì cũng chẳng bớt chi.

Tuy nhiên, chuyện đó xem ra lại không đơn giản. Ta thường thích làm khác, chỉ vì muốn làm khác để tỏ ra mình độc đáo, để cảm thấy mình vẫn còn làm chủ cuộc sống của mình thay vì bất lực nhìn nó vượt khỏi tầm tay.

Có lẽ ta phải được đưa xuống thật sâu, phải gạt bỏ nhiều ảo tưởng, để có thể sống như mọi người. Khi ấy nhân vật ta tự tạo cho mình sẽ rơi rụng như mảng da khô. Khi ấy ta sẽ trưởng thành để sống cuộc đời đích thực, cuộc đời không cần đến những cái giả tạo hay những hào nhoáng của thế gian nữa.

B – Ngày 6.6

“Luật chung của đan viện”. Thành ngữ này được thánh Biển Đức dùng trong bậc thứ tám nhắc ta nhớ đến nhu cầu cơ bản là rất thường khi ta muốn nổi, muốn tách biệt khỏi đám đông. Quả thực, có nhiều lúc ta liên kết ý thức về căn cước của mình với ý thức về cái phân biệt ta với người khác. Như thể làm vậy thì ta sẽ là mình hơn, sẽ khác người hơn.

Đúng là điều ấy có một khía cạnh tích cực: vì sự tan hòa vào đám đông là điều không lành mạnh cho việc xây dựng nhân cách. Thánh Biển Đức không đòi ta phải biến mình đi, phải tan hòa vào một nhóm người nào. Điều ngài chờ đợi nơi đan sĩ là họ ý thức về nền tảng đích thực kiến tạo nên con người họ, chứ không dựa trên những nền tảng sai lạc.

Cái nguy của mọi con người là coi căn cước của mình chỉ ở bề mặt, chỉ là cái bản ngã không vững bền. Tất cả những gì xẩy đến cho ta, những gì có nơi ta không thể là bản thân ta. Ta còn vô cùng lớn lao hơn cả khối những dục vọng, những sợ hãi, những thất bại và thành công của ta.

Với thánh Biển Đức, việc khám phá ra cái “tôi đích thực”, bản ngã đích thực, được liên kết với đức khiêm nhường, nghĩa là với việc nhận biết yếu tố bùn đất nơi ta. Chỉ khi nào có thể nhận ra thế giới bên trong đó, ta mới biết tách biệt mình ra khỏi nó, mới có khả năng coi nó đúng như thực chất của nó: là vật liệu mà ơn thánh phải nhào nặn và biến đổi. Tôi không phải là những nỗi sợ của tôi. Những nỗi sợ ấy ở trong tôi. Tôi phải nhận ra chúng để được giải thoát và tự do.

C – Ngày 6.10

Con người ta ai cũng muốn biểu lộ tính độc đáo, khả năng sáng tạo của mình. Khi năng lực sáng tạo bị tắc nghẽn hay bị cản trở không biểu lộ ra được, ta sẽ bị suy yếu và hao mòn cách nào đó. Quả thực, khi sáng tạo, khi phát minh, ta tự tái tạo chính mình. Điều đó được thể hiện nơi những cái thông thường nhất trong cuộc sống, như công việc hay cách sử dụng thời giờ và ngay cả cách ăn mặc chẳng hạn…

Tuy nhiên, trong bậc khiêm nhường thứ tám này, dường như thánh Biển Đức muốn ta từ bỏ cả những chuyện đó nữa. Không làm gì khác với qui định của lề luật và gương mẫu các vị cao niên. Xem ra thánh Biển Đức ngăn chặn hết mọi ước muốn và nhu cầu sáng tạo cũng như đổi mới của ta. Như vậy, ta lại chẳng có nguy cơ bị bóp nghẹt, bị hoàn toàn teo tóp đi sao?

Nguy cơ đó sẽ xẩy ra thực sự, nếu ta cố gắng thực hiện điều thánh Biển Đức muốn theo sức riêng của mình. Vì để sống được bậc khiêm nhường thứ tám trước hết phải có ơn Chúa rồi mới đến cố gắng của bản thân. Nếu nghĩ rằng tự mình ta có thể sống được, ta sẽ đánh mất tinh thần của bậc khiêm nhường này và rơi vào ảo tưởng.

Vì thế đời sống đan tu chỉ cho ta một con đường phải đi, trong khi vẫn để cho ta một khoảng không gian nào đó ngõ hầu ta có thể thở được. Điều giúp ta dần dần sống được theo luật chung và theo gương mẫu các vị cao niên không phải là sự cưỡng ép bên ngoài, cũng không phải sức cố gắng của ta, nhưng đó là việc mở ra trong nơi thâm sâu nhất của bản thân ta một không gian sáng tạo khác, một chân trời mới của tự do. Bậc khiêm nhường thứ tám trước hết là nẻo đường dẫn tới một sự phong phú hoàn toàn thiêng liêng.

Ngày 6.2 – 7.6 – 7.10

56 Bậc khiêm nhường thứ chín là đan sĩ giữ miệng không nói, giữ thói quen im lặng, có hỏi mới thưa. 57 Như lời Kinh Thánh: “Nói nhiều không tránh khỏi tội”. 58 Lại rằng: “Người lắm miệng không thẳng bước trên đời được”.

 

Chú giải:

 

A – Ngày 6.2

Nhiều lần trong tu luật, thánh Biển Đức nói tới sự thinh lặng. Trong chương về đức khiêm nhường này ngài cho thinh lặng một ý nghĩa đặc biệt. Đó là thinh lặng để tránh nói điều xấu và để khỏi mất kiểm soát mình. Thánh Biển Đức nêu lên hai điểm này bằng hai trích dẫn Thánh Kinh: Cn 10,19 và Tv 139,12.

Theo kinh nghiệm riêng, ta đều có thể nhận thấy khi không kiềm chế miệng lưỡi, ta sẽ dễ dàng đi tới chỗ nói xấu người khác, khoe khoang về mình, tạo ra những mối nghi ngờ, những tiếng đồn thổi. Chỉ nói những chuyện tốt lành hay những điều vô thưởng vô phạt không phải là dễ. Mỗi người có thể tự xét mình và sẽ thấy kinh ngạc về mình.

Tuy nhiên, thánh Biển Đức không chỉ nhắm tới điều đó. Điều ngài mong muốn hơn nữa là đan sĩ làm chủ được chính mình, làm chủ được cuộc sống của mình.   Đối với ngài, dễ dàng nói năng có nghĩa là ta không có khả năng làm chủ được cuộc sống của ta. Ai không kiềm chế được lời nói cũng sẽ không làm chủ được cuộc sống và những dục vọng sôi sục nơi mình.

Nhưng, kiềm chế lời nói có liên hệ gì với đức khiêm nhường? Khiêm nhường luôn bắt đầu bằng ý thức về điều không được, hay đúng hơn, về thực trạng của mình. Khiêm nhường trước hết soi sáng cho thấy thực trạng của ta, chỉ cho ta cái xà trong mắt mình, và giúp ta nhận thấy rằng cọng rơm trong mắt tha nhân thật chẳng đáng chi. Vì thế, khiêm nhường đòi ta phải thinh lặng và thinh lặng giúp ta ở khiêm nhường.

 

B – Ngày 7.6

Bậc khiêm nhường thứ chín có liên hệ với chương 6, trong đó thánh Biển Đức nêu lên ý nghĩa sâu xa của thinh lặng. Trong bậc thứ chín này, thánh nhân lặp lại một trưng dẫn đã có ở chương 4: “Nói nhiều không tranh khỏi tội” (Cn 10,19). Và ngài thêm một trích dẫn khác từ Thánh Vịnh 139,12: “Người lắm miệng không thẳng bước trên đời được”. Ta hiểu được điều thánh Biển Đức nhắm tới nhờ thinh lặng, nhưng chuyện đó có liên hệ gì với lòng khiêm tốn?

Người lắm miệng là người để mình bị lôi cuốn theo nhu cầu nói, và thánh Biển Đức nhận xét rằng thường thường nhu cầu ấy có nguy cơ dẫn tới chỗ nói xấu người khác, tới tội lỗi. Như vậy, bậc thứ chín hệ tại ở việc ý thức rằng nguy cơ đó vẫn tồn tại nơi mỗi người chúng ta, và ở việc nhận ra rằng nó có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.

Như thế thì bậc khiêm nhường thứ chín đặt nhu cầu nói vào hàng thứ yếu. Và ta thấy rằng thinh lặng mà thánh Biển Đức nói đến trong bậc này không chỉ đơn thuần là thinh lặng bên ngoài, nhưng là thứ thinh lặng sâu lắng trong tâm hồn, nơi cội rễ nhân tính của ta. Trong sự thinh lặng này, tôi không còn ở vị trí thứ nhất nữa, nhưng là người khác, như thánh Biển Đức bảo: “Có hỏi mới thưa”.

Như vậy, bậc khiêm nhường thứ chín cũng là một thứ cách mạng nội tâm: nhu cầu nói nơi tôi im lặng để tôi có thể nghe được lời người khác và đáp lại. Đây là bậc giúp ta gặp được người khác, giúp tạo lập cuộc đối thoại vì từ nay đã có đôi tai để nghe, có tấm lòng đủ khả năng đáp lại người hỏi.

 

C – Ngày 7.10

“Chỉ nói khi được hỏi”. Đó thật là một thử thách chẳng ai mong đợi, vì lỡ người ta quên mà chẳng hỏi gì thì sao? Khi đó thì bao nhiêu ý tưởng, bao nhiêu lời sôi sục trong lòng lại sẽ chẳng bị dồn nén để rồi có nguy cơ bùng nổ sao? Mỗi người chúng ta đều biết đâu là tác hại do nỗi khổ sở vì không nói ra được những điều mình thao thức.

Vậy thánh Biển Đức muốn ta đâm bệnh ra sao? Thực sự, tôi nghĩ không nên coi bậc khiêm nhường thứ chín như một qui luật phải thi hành, nhưng như triệu chứng biểu lộ một tình trạng. Nếu lòng trí ta thôi thúc ta nói, nếu những ý tưởng và lời nói đầy ứ nơi toàn thân ta tới độ trào ra ngoài miệng, thì đó là dấu ta còn rất xa với bậc thứ chín này.

Ở đây không hề có chuyện phải gắng sức, hay như Thánh Vịnh nói, phải nhét dẻ vào miệng, vì nó sẽ bật ra thôi. Nhưng bậc khiêm nhường thứ chín liên quan tới nguồn mạch phát sinh lời nói. Thánh Biển Đức nhắm tới sự bình an của một con tim tràn đầy thinh lặng và an bình, vì sự bình an ấy đã thấu nhập vào chiều sâu của hữu thể.

 

Ngày 7.2 – 8.6 – 8.10

59 Bậc khiêm nhường thứ mười là đan sĩ đừng dễ cười, cũng đừng vội cười, vì có lời chép: “Người ngu cả tiếng cười cợt”.

Chú giải:

A – Ngày 7.2

Bậc khiêm nhường thứ mười là bậc của niềm vui nội tâm. Tất cả tiến trình qua các bậc khiêm nhường, như thánh Biển Đức diễn tả, thực ra là tiến trình nội tâm hóa. Như vậy, nẻo đường khiêm tốn là nẻo đường hòa giải con người với chính mình, khám phá ra hữu thể sâu xa của mình.

Thánh Biển Đức không hề chống lại sự vui tươi. Trong tiến trình nội tâm hóa này, chính niềm vui cũng thay đổi hình dạng. Nó giãi tỏa nơi nội tâm và từ nội tâm, nó rạng rỡ mà không ồn ào, không gây thương tổn, không làm phiền ai.

Ta nhận biết một người qua cách họ cười. Có những cái cười trầm lặng ấm áp, có những cái cười chát chúa và gây thương tổn, lại có những cái cười trong suốt và tràn đầy kính trọng. Cách ta cười cho thấy ta thế nào. Đó là một dấu hiệu về mức độ trưởng thành siêu nhiên.

Làm chủ được cái cười là một công trình đòi hỏi thời gian lâu dài. Thánh Biển Đức không nghĩ ta sẽ thực hiện ngay được, vì vậy mãi tới bậc khiêm nhường thứ mười ngài mới nói đến.

B – Ngày 8.6

Thường ta hay bật cười vì những cái hớ hênh của người khác, những tình huống khiến người ta hóa ra kỳ cục. Trái lại, khi chính mình rớt vào hoàn cảnh như thế ta không cách nào cười được, mà còn cảm thấy bực bội, tê tái. Điều ấy chứng tỏ cái cười không phải vô thưởng vô phạt như có lúc ta nghĩ.

Cái cười bùng lên vì nó phá vỡ một con đê, giải tỏa một căng thẳng, cho trào ra một lượng quá đầy. Cái cười này trái ngược với mỉm cười, vì mỉm cười có động cơ khác hẳn. Mỉm cười nảy sinh từ lòng nhân ái, từ sự hòa giải sâu xa với chính mình. Vậy làm cách nào để thay vì cười thì ta mỉm cười?

Đối với thánh Biển Đức, muốn làm được vậy ta phải khiêm tốn. Vì khiêm tốn là chấp nhận mình, chấp nhận những yếu đuối của mình, những cái buồn cười, đôi khi cả những cái kỳ cục của mình nữa. Khi khiêm tốn nhìn mình cách sáng suốt, ta sẽ dần dần biết ứng xử nhân ái với những cái kỳ cục nơi người khác.

Lòng khiêm tốn đích thực thì vui tươi mỉm cười, vì nó nảy sinh từ ý thức về sự yếu đuối của con người chúng ta, sự yếu đuối khiến ta cần đến một vị Cứu tinh. Sự cao cả của khiêm tốn chính là ý thức rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cứu ta và làm cho ta mỉm cười được.

C – Ngày 8.10

Trong Thánh Kinh có hai thứ cười. Có cái cười của kẻ không tin, của kẻ tội lỗi, của kẻ ngạo nghễ nhạo báng Thiên Chúa và Lề Luật, kẻ đáp lại lời Chúa bằng chê bai chế diễu. Và có cái cười của kẻ tin, cái cười của người công chính, vui mừng trước những kỳ công của Chúa, hân hoan cất tiếng reo hò.

Trong Thánh Kinh, cái cười tự nó chẳng tốt cũng chẳng xấu. Tốt xấu đều tùy thuộc ý hướng nội tâm của người cười. Xét cho cùng, tốt hay xấu đều tùy ở sự trong sáng hay vẩn đục của con tim. Có lẽ ta nên dựa theo tính lưỡng diện đó của cái cười để giải thích bậc khiêm nhường thứ mười này. Rõ ràng thánh Biển Đức muốn nói tới mặt tiêu cực của cái cười, đó là cái cười ác độc gây tổn thương và xỉ nhục người khác, khiến họ xấu hổ và chỉ muốn độn thổ mà thôi.

Đó là đích điểm mà bậc khiêm nhường thứ mười nhắm tới. Theo ngôn ngữ ngày nay ta có thể dịch như sau: “Ở bậc thứ mười, người khiêm tốn không bao giờ xỉ nhục ai”. Người khiêm tốn không gây tổn thương cho ai, dù là vô ý. Người ấy hết sức nhạy cảm với đau khổ, với thương tích của anh em mình, tới độ họ không thốt ra bất cứ điều gì có thể khiến anh em đau lòng, dù chỉ là một tiếng cười.

Ngày 8.2 – 9.6 – 9.10

60 Bậc khiêm nhường thứ mười một là khi nói đan sĩ nói nhỏ nhẹ và không cười cợt nhưng từ tốn trang nghiêm, ít lời mà hữu lý, không ầm ĩ to tiếng, 61 như đã chép: “Ít lời là dấu người khôn ”.

Chú giải:

A – Ngày 8.2

Điều làm ta ngạc nhiên khi đọc chương 7 của tu luật , đó là ta càng tiến tới thì các bậc khiêm nhường xem ra càng lúc càng nhỏ lại, khi mà các bậc đầu đã có phần vững chắc hơn. Ta cũng có thể nghĩ rằng những bậc đầu có tính thiêng liêng hơn, sâu sắc hơn. Cảm tưởng này chắc hẳn là do các đề tài nói tới có tính thiêng liêng. Trong khi ở những bậc cuối, thánh Biển Đức có vẻ đi vào chi tiết, chẳng hạn: bậc trước nói về cái cười, bậc này đề cập tới cách ăn nói.

Điều đó làm tôi nhớ lại một câu của Léon Blois: “Chỉ những kẻ hời hợt mới không tin vào cái vẻ bên ngoài”. Câu nói này không mâu thuẫn như ta tưởng đâu. Thực vậy, chỉ cần nhìn vẻ mặt của anh em, ta cũng thường đọc được tình trạng nội tâm của họ. Dáng vẻ, cách đi đứng, nói năng đều bày tỏ con người nội tâm của ta, nhưng ta lại chẳng hay biết. Hơn cả những lời nói hay ho và những tuyên bố hùng hồn. Cái nhìn lại không phản ánh tâm hồn đó sao?

Thánh Biển Đức không yêu cầu ta sửa chữa thái độ bên ngoài. Vì như thế chỉ là giả hình mà thôi. Nhưng ngài nêu lên một vài dấu hiệu giúp ta nhận biết được một thực tại nội tâm, không phải để xét đoán người khác, mà để ý thức rằng ta chưa được như mình mong mỏi. Mục đích của ngài là giúp ta ý thức những giới hạn của mình, trong khi thấy rằng mình chưa phải là đã hoàn thiện. Điều đó thật hữu ích cho ta.

B – Ngày 9.6

Lời nói, cử điệu của thân xác và nét mặt, cả đến sự thinh lặng nữa, là những phương tiện ta có để giao tiếp với người khác. Cũng còn những cách giao tiếp khác mà ta không biết đến, qua đó ta chuyển đạt những trạng thái của tâm hồn mình.

Nhưng giao tiếp không có nghĩa là hiệp thông. Trong bậc khiêm nhường thứ mười một này, thánh Biển Đức nêu ra những cách giao tiếp làm tắc nghẽn hay có nguy cơ gây tắc nghẽn sự hiệp thông. Thực vậy, sự hiệp thông đòi hỏi ta phải có thái độ thích hợp khi tiếp xúc với người anh em, để không bắt họ phải lệ thuộc vào trạng thái tâm hồn ta, vào tính khí của ta. Sự hiệp thông đòi ta phải biết thinh lặng để có thể lắng nghe và tôn trọng sự âm thầm riêng tư của người khác.

Đối với thánh Biển Đức, bậc khiêm nhường thứ mười một là bậc của một tâm hồn thinh lặng để quan tâm đến người khác với tất cả sự tôn trọng, đó là bậc khiêm nhường của đức khôn ngoan. Vì đức khôn ngoan đòi ta phải làm chủ thế giới nội tâm của mình, một thế giới được hình thành bởi những xung động, những dục vọng làm ta mù quáng và khiến ta co cụm lại với mình. Một cách nào đó, đức khôn ngoan chính là phương thuốc chữa trị cái “tôi” của ta.

Ta hiểu được việc thánh Biển Đức đặt bậc này ở gần đầu cây thang. Quả thực tất cả chúng ta đều là nạn nhân của những đợi chờ, những sợ hãi, những ước mong thầm kín, tất cả là những dục vọng trong tâm hồn ngăn cản ta đi đến hiệp thông với người khác, vì ta quá bị ám ảnh bởi chính mình. Có lẽ phải mất đến cả một đời để thoát ra được khỏi nỗi ám ảnh ấy.

C – Ngày 9.10

Bậc khiêm nhường thứ mười một nổi bật qua thái độ được thánh Biển Đức phác họa bằng hai cụm từ: nhẹ nhàng, không lớn tiếng. Điều đó trước hết không nhắm tới thái độ bên ngoài, nhưng tới tâm trạng bên trong tạo nên thái độ ấy.

Quả thực, người nào hăng say nói và lớn tiếng quả quyết điều mình nói là đúng, thì chứng tỏ không những họ cố thủ ý mình mà còn sẵn sàng lấn lướt hay đè bẹp bất cứ ai nói ngược lại. Nhưng ở bậc thứ mười một, sự khiêm nhường đòi hỏi một tâm trạng hoàn toàn khác, một tâm trạng giúp tạo nên bầu khí an bình.

Có một lời cầu nguyện vắn tắt tóm gọn được ý nghĩa của bậc khiêm nhường thứ mười một này: “Lạy Chúa, xin giúp con bình thản đón nhận những gì con không thay đổi được. Xin giúp con can đảm thay đổi những gì con có thể thay đổi. Và xin cho con khôn ngoan để phân định được hai điều đó”.

Bậc khiêm nhường thứ mười một không liên can đến chuyện tự vùi dập mình. Ở đây, khiêm nhường không phải là thoái thác, nhưng là can đảm. Ở đây, khiêm nhường là nhận biết điều gì ngoài tầm tay của mình, nhưng vẫn không vì thế mà thất vọng: khiêm nhường là trạng thái bình an thanh thản. Sau hết, khiêm nhường ở đây là từ bỏ mơ mộng hão huyền để chấp nhận thực tế: khiêm nhường là rất mực khôn ngoan.

 

Ngày 9.2 – 10.6 – 10.10

62 Bậc khiêm nhường thứ mười hai là không những trong lòng mà cả phong cách bên ngoài đan sĩ đều tỏ ra khiêm tốn trước mặt mọi người, 63 nghĩa là trong khi cử hành Thần Vụ, nơi nhà nguyện, trong đan viện, ngoài vườn, trên đường đi, ở ngoài đồng hoặc bất cứ ngồi đâu, đi đâu, đứng đâu, chỗ nào đầu cũng cúi, mắt nhìn xuống đất, 64 bao giờ cũng đinh ninh mình là phạm nhân đầy tội lỗi, dường như bị điệu ra trước toà án kinh khủng, 65 lòng hằng thầm thĩ lời người thu thuế trong Phúc Âm, mắt nhìn xuống đất và thân thưa: “Lạy Chúa, con là kẻ có tội, chẳng đáng ngước mắt nhìn trời”.  66 Hay nói cùng với vị ngôn sứ: “Con uốn thân hạ mình luôn  mãi”.

67 Vậy, khi đã lên hết các bậc khiêm nhường ấy, chẳng mấy chốc đan sĩ sẽ đạt tới lòng mến Chúa. Và khi lòng mến đã hoàn hảo thì loại bỏ sợ hãi. 68 Nhờ lòng mến ấy tất cả những gì xưa kia họ giữ vì khiếp sợ, thì nay họ bắt đầu giữ không còn vất vả, nhưng đã trở nên tự nhiên thuần thục, 69 không vì sợ hỏa ngục nữa mà vì yêu mến Chúa Kitô, và do tập quán tốt cũng như do lòng ham mộ các nhân đức lôi cuốn. 70 Ðó là điều Chúa khấng nhờ Thánh Linh mà làm tỏ hiện nơi người thợ của ngài , là người đã sạch tội lỗi và thói hư.

Chú giải:

A – Ngày 9.2

Trong bậc thứ mười hai này thánh Biển Đức trao cho ta bí quyết của đức khiêm nhường, một bí quyết đã có nơi tất cả những bậc trước đây. Ở bậc này, ai cũng đều thấy được bí quyết đó. Mọi lúc mọi nơi đều thấy: khi đọc thần tụng, khi cầu nguyện riêng, khi làm việc, khi xuất hành, lúc đứng lúc ngồi hay đi lại, bí quyết ấy đều xuất hiện qua dáng vẻ tầm thường của mọi sự mọi việc (c.63). Bí quyết đó là đan sĩ sống trước mặt Chúa mọi nơi mọi lúc.

Bí quyết của con đường khiêm tốn là sống hiện diện trước sự hiện diện của Chúa, là hiện diện với Chúa, với mình và với thế giới chung quanh. Thánh Biển Đức cho việc hiện diện trước sự hiện diện của Chúa một sắc thái đặc biệt. Theo ngài, lúc ban đầu điều đó dường như đè bẹp ta, hầu như không thể nào chịu nổi. Dường như ta bị đắm chìm trong nỗi kinh ngạc trước sự cao cả của sự Hiện Diện thần linh: “Chúa ở đấy mà con đã chẳng hay!” Nơi bậc thứ mười hai này, đan sĩ như sửng sốt nhận ra sự Hiện Diện thần linh ấy, mọi lúc và mọi nơi.

Lúc đầu nhận thức này như có cái gì đè bẹp ta, như một phán quyết kinh khủng (c.64), nhưng dần dần, với thời gian, Hiện Diện thần linh ấy trở thành Hiện Diện yêu thương, khiến ta không còn sợ hãi nữa (c.67). Như vậy, tính mâu thuẫn của con đường thánh Biển Đức đề nghị với ta đó là nó giúp ta vượt khỏi cái vô thức hời hợt và hào nhoáng để sau cùng ý thức được rằng sự Hiện Diện thần linh ấy thay vì đè bẹp ta thì lại tái tạo ta, giúp ta đứng dậy, chữa lành ta trong khi cho ta có lòng yêu thích điều thiện (c.69).

Với thánh Biển Đức, con đường tình yêu chân chính luôn luôn đi qua sợ hãi. Ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa luôn luôn đi đôi với điều thánh Augustinô diễn tả rất hay như sau: “Chúa ở đó, nhưng con lại không ở đó”.

 

B – Ngày 10.6

Mãi tới bậc thứ mười một, đặc tính của đức khiêm nhường là giúp cho con người xóa mình đi, tan hòa vào đám đông. Đến bậc thứ mười hai thì ngược lại, bậc này khiến ta lộ diện trước mặt người khác. Sau khi đã cố gắng xóa bỏ những méo mó của cái tôi giả tạo, cái bề mặt cồng kềnh vốn che khuất cặp mắt ta, khiến ta không nhìn ra được chiều sâu kín ẩn và huyền nhiệm của nơi mà Thiên Chúa thiết lập Nhà ở của ngài, giờ đây con người xuất hiện như bị đảo ngược. Họ trở nên cửa sổ mở vào mầu nhiệm khôn dò của Thiên Chúa, thay vì chỉ là một tấm chắn dầy cộm khiến cho chính họ cũng chẳng nhìn thấy được gì.

Có được sự đảo ngược này, có được sự biến đổi kỳ diệu này chính là nhờ lòng yêu mến Thiên Chúa đã xua tan sợ hãi. Không phải vì ta trở nên xứng đáng hay ít tội lỗi hơn, không phải vậy, nhưng chính vì ta chỉ còn hướng nhìn lên một mình Chúa mà thôi.

Ta có khuynh hướng nói đến tình yêu quá sớm, tưởng rằng ta đã đạt tới được rồi. Thánh Biển Đức chỉ nói đến ở bậc khiêm nhường thứ mười hai mà ít người tới được. Ở bậc này, tất cả những gì là nặng nhọc, khó khăn đều trở nên nhẹ nhàng êm ái. Ở bậc này, Thánh Linh trở nên vị khách thường xuyên của linh hồn, vì toàn bộ căn Nhà đã được quét dọn lau chùi sạch sẽ.

C – Ngày 10.10

Với thánh Biển Đức, khiêm nhường là cây thang giúp ta trèo lên tới tình yêu: “Chẳng mấy chốc đan sĩ sẽ đạt tới lòng mến Chúa, và khi lòng mến đã hoàn hảo thì loại bỏ sợ hãi” (7, 67). Con đường khiêm tốn là con đường giải thoát, dần dần loại bỏ sợ hãi, âu lo làm ta nghẹt thở và ngăn cản ta yêu mến cách đích thực.

Tuy nhiên, thay vì giống như thành công tột đỉnh, một hoàn thành mỹ mãn, bậc khiêm nhường thứ mười hai này lại giống như biên bản về một thất bại ê chề, vì đan sĩ “bao giờ cũng đinh ninh mình là phạm nhân đầy tội lỗi” (7, 64). Như vậy, đối với thánh Biển Đức, điều kiện để có được tình yêu đích thực, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, đó là nhận biết rằng mình không biết yêu. Đây là bài học phi thường của con đường khiêm tốn: luôn luôn bắt đầu bằng kinh nghiệm đau đớn rằng mình không biết yêu, nghĩa là mình không có khả năng yêu mến chẳng những người anh em mà còn cả Thiên Chúa nữa. Dù nói hay nói đẹp thế nào thì ta cũng vẫn không biết yêu.

Với thánh Biển Đức, khởi đầu tình yêu là một tiếng kêu, tiếng kêu bất lực và tuyệt vọng. Nhưng đó là tiếng kêu phi thường, vì nó cho thấy đan sĩ đã được lôi kéo ra khỏi chính mình, đã thoát được chính bản thân, để được gieo vào lòng Chúa. Kinh nghiệm yêu thương là kinh nghiệm của cái vỏ sò vỡ ra, của một công trình xây dựng sụp đổ, của sự mỏng dòn và dễ bị tổn thương đến tột độ, nơi mà rốt cuộc thì sức mạnh của Thiên Chúa được biểu dương.

Như thánh Biển Đức nói trong câu sau cùng (c.70), giai đoạn này chính là lúc ta cảm nghiệm được quyền năng của Thánh Thần. Chỉ mình ngài có thể giúp ta quyết tâm, giúp ta vượt qua vực thẳm. Chính khi ta không còn làm gì hơn được nữa thì Thiên Chúa lại có thể hướng dẫn cuộc đời ta.

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu Luật Cha Thánh Biển Đức – Hiến Pháp – Thói lệ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia

1. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức  - Muốn xem, xin click vào đây: Tu Luật 2. Đây là bản Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh...