Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Sách chú giải Tu luật Thánh Biển Đức theo từng ngày

Chương 8
GIỜ THẦN VỤ BAN ĐÊM

 

Ngày 10.2 – 11.6 – 11.10

1 Về mùa đông, nghĩa là từ đầu tháng mười một đến lễ Phục Sinh, đan sĩ thức dậy vào giờ thứ tám ban đêm. 2 Như vậy, xét ra là hợp lý khi để anh em ngủ quá nửa đêm và thức ăn cũng tiêu hoá xong. 3 Thời gian còn lại sau Kinh Đêm, anh em nào cần sẽ dùng để học hỏi Thánh Kinh và các bài đọc. 4 Từ lễ Phục Sinh đến tháng mười một, phải liệu sao để sau giờ Kinh Đêm còn khoảng thời gian vắn cho anh em có thể đi việc cần, rồi bắt đầu giờ Kinh Sáng ngay lúc rạng đông.

 

Chú giải:

 

A – Ngày 10.2

Giờ Thần tụng ban đêm là một trong những thời gian quan trọng nhất trong ngày sống của đan sĩ. Trong thinh lặng của màn đêm, khi thế gian đang ngon giấc, đan sĩ đứng canh thức giữa tối tăm mịt mù. Canh thức là nét đặc thù nền tảng của ơn gọi đan tu. Nó diễn đạt ba yếu tố trong tư thế đầu tiên của cuộc đời ta, đó là chăm chú, đợi chờ, khát khao.

Chăm chú: Giữa tiếng ồn ào của thế gian, giữa những tư tưởng và ham muốn hỗn loạn, Chúa mời gọi ta dấn thân vào một cuộc chiến đặc biệt, đó là chiến đấu để biết chăm chú. Đôi lúc ta có thể nản lòng, khi bị chìm ngập bởi đủ loại tư tưởng. Ta thường không thể chống lại được chúng. Nhưng điều ta có thể làm đó là đứng vững trong đêm tối, như tảng đá bị sóng nước liên tục tràn phủ, nhưng sau mỗi đợt sóng nó lại nhô lên.

Đợi chờ: Ta đợi chờ Đấng phải đến. Dĩ nhiên, điều quan trọng là sống đầy đủ những gì ta được yêu cầu, là luôn có mặt. Nhưng tất cả chỉ là tạm thời, mau qua. Ơn gọi của ta chính là đợi chờ. Ban đêm là thời gian tuyệt vời để chờ đợi. Chính vì thế, trong truyền thống Xitô, đan sĩ canh thức về đêm. Sau Kinh Đêm họ đọc sách ở phòng học chung hay ở nhà thờ, dành hết tâm tư cho Lời Chúa.

Khát khao: Sau cùng là khát khao. Vì nỗi khát khao Thiên Chúa, ta phải trải qua nhiều đêm tối, nhiều hố sâu, để giũ bỏ những ảo tưởng hỗn độn, những nhu cầu ích kỷ của ta. Chúng cần phải được phát hiện và được thanh tẩy. Ta khao khát bao nhiêu sự không phải là Chúa, chúng chẳng đưa ta tới đâu. Đêm tối giữ vai trò quan trọng trong việc thanh lọc những khát vọng đó để làm nảy sinh khát vọng đích thực về Thiên Chúa. Giờ Kinh Đêm và thời gian tiếp theo được cống hiến cho ta để sống ba yếu tố vừa nói trên đây: chăm chú, đợi chờ, khát khao. Nhưng ta có lợi dụng được không?

 

B – Ngày 11.6

Giờ thần vụ ban đêm là giờ kinh giúp ta cảm nghiệm được cộng đoàn đan tu ấp ủ và nâng đỡ ta biết chừng nào. Nhưng ngược lại đó cũng là lúc ta cảm thấy rõ ràng tầm quan trọng của mỗi thành viên, là lúc ta cần đến sức mạnh chung, lúc ta thấy sự vắng mặt của một anh em có ảnh hưởng tới mình hơn những giờ khác.

Như vậy, giờ thần vụ là một trong những thời gian ta vừa cảm nghiệm được sự mỏng dòn yếu đuối của mình, vừa cảm nghiệm được sức mạnh mà sự hiệp nhất mang lại cho ta. Giờ thần vụ cũng là lúc ta cảm nghiệm được sâu sắc rằng ta hợp thành một thân thể, một thân thể chuyên lo cầu nguyện.

Cảm nghiệm đó nhiều người ở xa ta cũng có được, theo cách của họ. Bao nhiêu lần đã có những người phải chạy xe trên xa lộ lúc 3 giờ sáng, hay những người mất ngủ chia sẻ với tôi một tư tưởng đã tăng cường sức lực cho họ, đã giúp họ thêm can đảm, đó là: “Giờ này các đan sĩ đang cầu nguyện”.

Tất nhiên ta không đi đọc Kinh Đêm trước hết là vì những người ấy, nhưng nghĩ đến họ có lẽ ta cũng được nâng đỡ khi biết rằng không chỉ có Chúa đang chờ đợi ta, mà còn có những người anh em đang làm việc, đang vất vả trong đêm để ta trở thành Giáo Hội.

C – Ngày 11.10

Thánh Biển Đức dành những chương 8 đến 11 để nói về giờ kinh ban đêm. Trước khi ấn định chi tiết giở Kinh Đêm, từ chương 9 đến 11, thánh nhân trình bày trong chương 8 một vài nguyên tắc chính. Nguyên tắc thứ nhất: giờ Kinh Đêm được cử hành vào quãng nửa đêm (c.2). Nguyên tắc thứ hai: sau giờ Kinh Đêm là thời gian học hỏi và đọc sách (c.3).

Sau đó, thánh Biển Đức xét đến những hoàn cảnh đặc biệt liên quan tới các mùa trong năm hay tới những lý do khác. Nhưng điều này không ảnh hưởng gì tới hai nét đặc thù của giờ kinh nguyện đan tu ấy: đó là giờ kinh được cử hành ban đêm và có liên hệ mật thiết với Lời Chúa, với việc đọc lời Chúa (lectio divina).

Về điểm thứ hai: Tổng tu nghị của chúng ta đã có một chút điều chỉnh nơi một khoản trong thói lệ khi thêm việc đọc lời Chúa (lectio divina) vào sau việc suy niệm: “Viện phụ hãy lo liệu để mỗi ngày anh em có thời gian suy niệm và đọc lời Chúa”. Đây không phải chỉ là điều chỉnh một chi tiết nhưng là một xác quyết về mối liên hệ tự nhiên giữa kinh nguyện kitô giáo và Thánh Kinh.

Khi cầu nguyện, người môn đệ Chúa Giêsu không đi tìm mình, nhưng tìm một Đấng Khác. Lời mạc khải cốt yếu trình bày về cuộc gặp gỡ Đấng Khác. Chính trong cuộc gặp gỡ này ta mới biết được mình là ai. Khi không ngừng lôi kéo ta ra khỏi chính mình, khỏi những bận tâm, những lo lắng, Lời thúc đẩy ta lên đường, mời gọi ta lắng nghe. Lời cứu ta khỏi co cụm lại nơi mình, khỏi khô chồi cằn cỗi.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tu Luật Cha Thánh Biển Đức – Hiến Pháp – Thói lệ Hội dòng Xi-tô Thánh Gia

1. Tu Luật Cha Thánh Biển Đức  - Muốn xem, xin click vào đây: Tu Luật 2. Đây là bản Hiến Pháp Hội dòng Xi-tô Thánh...