BIẾN HÌNH VỚI CHÚA
(St 22,1-2.9a.10-13.15-18; Rm 8,31b-34; Mc 9,2-10)
Tùng Linh, Phước Lý
Bài Tin Mừng hôm nay, thánh Marcô tường thuật sự kiện Chúa Giêsu đưa các tông đồ Phêrô, Gioan, Giacôbê lên núi cao, biến hình, và tỏ vinh quang Người cho các ông, cho các ông thưởng nếm hạnh phúc Thiên Đàng, khiến các ông cảm nghiệm được niềm vui sướng, đến nỗi thánh Phêrô đã phải sửng sốt kêu lên: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Mc 9,5). Chúng ta thử đặt câu hỏi tại sao Chúa Giêsu đưa các ông lên núi mà không phải là một nơi nào khác? Người biến hình trước mắt các ông để làm gì?
Theo quan niệm của người Do Thái, núi cao là nơi Thiên Chúa ngự. Vì thế lên núi là đi gặp gỡ Thiên Chúa. Bài đọc I cho ta thấy điều đó. Thiên Chúa gọi ông Abraham: “Abraham!” Ông thưa: “Dạ, con đây!” Người phán: “Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Isaac, hãy đi đến xứ Môrigia mà dâng nó làm lễ toàn thiêu ở đấy, trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho” (St 22,1-2). Thiên Chúa yêu cầu ông Abraham lên núi gặp Người, và sát tế con ông là Isaac cho Người.
Trong sách Xuất Hành, Thiên Chúa phán với ông Môsê: “Hãy lên núi với Ta và ở lại đó” (Xh 24,12). Vinh quang Thiên Chúa ngự trên núi Sinai và mây bao phủ núi sáu ngày. Đến ngày thứ bảy, từ giữa đám mây, Người gọi ông Môsê. Vinh quang Thiên Chúa xuất hiện trên đỉnh núi trông giống như ngọn lửa thiêu, trước mắt con cái Israel. Ông Môsê vào giữa đám mây và đi lên núi. Ông Môsê ở trên núi bốn mươi ngày bốn mươi đêm (Xh 24,16-18). Ông Môsê cũng lên núi để gặp Thiên Chúa và nhận lãnh bia giao ước.
Thiên Chúa ngự xuống trong đám mây và đứng đó với ông. Người xưng danh Người là Đức Chúa. Thiên Chúa đi qua trước mặt ông và xướng: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 5-6). Thiên Chúa hiện diện trên núi.
Ông Môsê từ trên núi Sinai xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước, khi xuống núi, ông Môsê không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa. Khi ông Aharon và toàn thể con cái Israel thấy ông Môsê, thì này đây da mặt ông sáng chói, nên họ sợ không dám lại gần ông (Xh 34,29-30). Ông Môsê, sau khi ở trên núi Sinai 40 đêm ngày tiếp xúc thân mật với Chúa, mặt ông trở nên sáng láng đến độ, khi ông xuống núi, dân chúng không dám nhìn vào. Ông phải lấy khăn che mặt, dân chúng mới dám đến gần ông. Hôm nay vinh quang của Chúa Giêsu cũng sáng láng như vậy.
Sách các Vua quyển thứ nhất, chương 19, nói về ngôn sứ Êlia trong tâm trạng chán nản, mệt mỏi vì bị binh lính của hoàng hậu Idaven truy sát, đã nỗ lực vượt sa mạc trong 40 đêm ngày, leo lên núi Khôrép để được Thiên Chúa an ủi, ban sức mạnh lấy lại niềm tin, tiếp tục hăng say thi hành sứ vụ. Thiên Chúa nói với ông: “Hãy ra ngoài và đứng trên núi trước mặt Đức Chúa” (1V 19,11). Trên núi, ông Elia đã gặp được Thiên Chúa.
Đức Giêsu cũng đem các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo mình lên núi. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Và đang khi Ngài cầu nguyện, Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy (Mc 9,2-3).
Sự kiện Chúa Giêsu biến hình diễn ra sau khi Tông đồ Phêrô tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16). Tuy nhiên, ngay sau khi ông tuyên tín như vậy, Chúa Giêsu đã tiên báo cho các ông biết trước về cuộc khổ nạn mà Ngài sẽ phải chịu. Thấy vậy, Phêrô đã can ngăn kịch liệt khi nhân danh Thiên Chúa để bảo vệ Thầy mình, ông nói: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16,22). Trong những ngày sau đó, các Tông đồ sống trong cảnh sầu buồn vì các ông nghĩ rằng Đức Giêsu chấp nhận bước vào cuộc khổ nạn đồng nghĩa với việc thất bại và như thế thì bao nhiêu ước mơ, hoài bão của họ sẽ tan thành mây khói, chắc chắn các ông không khỏi thất vọng về Thầy.
Chính vì lý do trên, mà hôm nay, Chúa Giêsu đã dẫn ba môn đệ thân tín với mình lên núi Tabor và biến hình trước mắt các ông, để qua đó, dần dần Ngài mặc khải và dẫn các ông vào đường lối cũng như tư tưởng của Thiên Chúa[1].
Chúa Hiển Dung nghĩa là Chúa tỏ hiện đúng dung nhan thật của Ngài. Một dung nhan thánh thiện rạng ngời mà bấy lâu nay nhân tính đã che phủ thiên tính của Ngài. Một dung nhan tinh tuyền của một vì Thiên Chúa là Thánh, ngàn trùng chí thánh đến nỗi cả ba môn đệ đều ngây ngất vì được chiêm ngắm dung nhan thật của Thầy Giêsu[2].
Ba môn đệ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu. Môsê là người đại diện cho lề luật Cựu Ước, và Elia là ngôn sứ vĩ đại nhất. Cả hai cùng hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Điều này cho thấy: toàn bộ lề luật và lời các ngôn sứ đều quy hướng về Đức Giêsu và về cuộc khổ nạn, phục sinh của Ngài như là trung tâm của công trình cứu chuộc mà Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi Đức Giêsu![3]
Các ông Môsê, Elia, và ba môn đệ đã được diễm phúc cảm nhận Thiên Chúa vinh hiển, gần như được chạm đến cõi Thiên Đàng. Nơi mà ông Môsê phải lấy khăn che mặt, không dám nhìn trực diện Đức Chúa, nơi mà ngôn sứ Elia phải lấy áo choàng che mặt trước Đức Chúa, và nơi các môn đệ kinh hoàng, không biết phải nói gì trước nhan thánh Chúa Giêsu vô cùng sáng lạn.
Môsê và Elia đàm đạo với Chúa Giesu về việc gì? Hai ông đã đàm đạo với Người về việc Người phải chết tại Giêrusalem hầu thực hiện mọi lời Kinh Thánh[4].
Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Đây là lời Chúa Cha lập lại những lời đã được nói trước đó trong biến cố Chúa Giesu sau khi chịu phép rửa của thánh Gioan Tẩy Giả, nhưng nó mang một ý nghĩa khác, ý nghĩa của cùng đích trong công trình cứu độ. Thiên Chúa muốn các tông đồ vâng nghe lời Chúa Giesu nói về cuộc khổ nạn của Người sắp đến tại Gierusalem
Abraham không con, Thiên Chúa đã ban Isaac cho ông, và hôm nay chúng ta thấy Thiên Chúa đòi Abraham phải hiến tế con của mình trên một ngọn núi. Hôm nay, cũng trên núi Tabor, và sau này trên đồi Golgotha, Thiên Chúa sát tế Con Một mình: “Đến như Con Một Thiên Chúa cũng chẳng từ, nhưng Chúa đã để Người phải chết, cho hết thảy chúng ta”[5]. Nhìn Đức Giêsu chết trần trụi ô nhục thê thảm trên thập giá, người ta có cảm tưởng như thể Thiên Chúa yêu thương con người hơn cả Đức Giêsu. Thật ra không phải Thiên Chúa yêu thương con người hơn Con của Ngài; nhưng điều đó lại cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng. Theo thánh Phaolô, một khi Thiên Chúa đã ban Đức Giêsu cho ta, thì Ngài không còn tiếc gì với ta nữa. Thiên Chúa sẽ ban cho chúng ta tất cả. Đức Giêsu là bảo chứng cho thấy Thiên Chúa yêu thương con người vô cùng![6]
Qua biến cố biến hình, Thiên Chúa mời gọi chúng ta hãy lên núi gặp Thiên Chúa, lên núi cùng với nghĩa là từ bỏ những gánh nặng mang trong mình, trở nên một con người “nhẹ nhàng, thanh thoát”. Lên núi để gặp Thiên Chúa và biến đổi hình dạng để trở nên rạng ngời, sáng lạn như Thiên Chúa. Lên núi để đón nhận lề luật Chúa như Môsê. Lên núi để được Chúa ủi an, ban thêm sức mạnh như Elia. Lên núi để sát tế bản thân mình như Abraham sát tế Isaac, như Thiên Chúa đã sát tế chính Con Một Người là Đức Giêsu.
________________________
[1] https://gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-2-mua-chay-b
[2] https://gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-2-mua-chay-b
[3] https://gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-2-mua-chay-b
[4] Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Tiền xướng 3, Chúa Nhật II Mùa Chay, p. 77.
[5] Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Tiền xướng 3, Chúa Nhật II Mùa Chay, p. 78.
[6] https://gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-2-mua-chay-b, Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm