SỨ ĐIỆP SÁM HỐI
(Gn 3,1-5.10; 1Cr 7,29-31; Mc 1,14-20)
M. Aelredo Quản, Phước Lý
Khởi đầu Tin Mừng, thánh sử Marcô trình bày Chúa Giêsu đến miền Galilêa rao giảng Tin mừng. Ngài rao giảng rằng: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,14-15). Như vậy, Chúa Giêsu đã tiết lộ rõ ràng hai điều chúng ta phải làm để được vào Nước Trời, đó là ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Vì sám hối là điều kiện cần thiết để được tha thứ tội lỗi và để được vào Nước Trời. Vì thế, sám hối được xem như ân ban để chúng ta biết trở về với Chúa.
Vì sao phải ăn năn sám hối? Bởi vì, sám hối giúp chúng ta đáp trả tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa. Cụ thể, Chúa Giêsu đã đến, nhập thể, chết và phục sinh để cứu độ chúng ta trong khi chúng ta còn là tội nhân. Đó là Tin Mừng Nước Thiên Chúa đã đến và hiện diện ở giữa chúng ta. Nên chúng ta đừng có hững hờ, đừng làm ngơ không biết.
Nhưng ăn năn sám hối là gì? Từ sám hối theo nguyên gốc Hy Lạp là μeτάνοια “meta-noia”. Nghĩa của từ này được kết hợp từ hai từ gốc: Meta và nous. Meta trong tiếng Anh là after or beyond, tạm dịch là phía sau hoặc phía trên, và được hiểu là một cái nhìn vượt lên trên dáng vẻ bề ngoài. Nous trong tiếng Anh là mind, có nghĩa là tinh thần. Như thế, sám hối không phải chỉ dừng lại ở sự buồn sầu đau đớn về những tội lỗi của mình, nhưng còn là một sự thay đổi suy nghĩ, đổi mới cái nhìn để hiểu mọi sự từ một góc độ khác – nhìn mọi sự trong Sự Thật[1].
Quả thật, chúng ta là những tội nhân, cần phải khiêm nhường nhìn nhận về tội lỗi và sự yếu hèn của mình, thấy rõ tình trạng tội lỗi, hiểu biết sự nguy hại của tội. Vì càng ý thức về con người tội lỗi, bất toàn của mình, con người càng cảm nhận được tình yêu của Chúa. Không chỉ là hối tiếc lỗi lầm đã phạm phải mà đó là một cuộc trở về, đổi thay hướng đi của cuộc sống từ ý nghĩ, thái độ, thiên hướng,.. để bước vào một cuộc sống tốt hơn nơi mà tội lỗi, ích kỷ và lòng tham sẽ bị lấn át bởi quyền năng của Thiên Chúa. Nếu chúng ta chỉ thấy hối hận vì những hậu quả do tội gây ra thì có thể chúng ta sẽ tiếp tục lặp lại tội ấy. Vì thế ăn năn sám hối đích thực đòi hỏi một tâm hồn hối cải vì tội đã phạm và phải kiên định vững vàng hòng tránh mắc tội ấy trong tương lai. Chúa Giêsu luôn bày tỏ cho ta biết tội lỗi chính là con dao cắt đứt tình yêu và sự khôn ngoan mà Chúa muốn dành tặng cho ta, khiến ta khước từ việc thực thi mọi điều tốt đẹp theo ý Người. Hồng ân Thiên Chúa mang lại ơn tha thứ và giúp chúng ta tránh xa mọi điều ngăn trở ta đến với tình yêu và sự tin tưởng nơi Chúa[2].
Cả ba bài đọc trong Thánh lễ Chúa Nhật hôm nay đều mời gọi ta sống tâm tình sám hối. Bài đọc I, Thiên Chúa mời gọi tiên tri Giona rao giảng về sự sám hối cho thành Ninivê: “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên báo cáo Ta truyền cho ngươi” (Gn 3,2). Giona đã làm theo lời Chúa dạy, tới Ninivê và rao giảng rằng: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ninivê sẽ bị phá huỷ” (Gn 3,4). Nghe lời Giona rao giảng, dân thành Ninivê đã tin tưởng vào Thiên Chúa và quyết tâm sám hối bằng cách: “Công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ” (Gn 3,5). Thấy được sự sám hối chân thành của họ, vì họ bỏ đời sống xấu xa, nên Thiên Chúa đã bỏ ý định phạt họ (x. Gn 3,10).
Bài đọc II, thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Côrintô phải có thái độ sống siêu thoát, không dính líu với những của cải vật chất và những thực tại trần gian. Ngài nói: “Những người có vợ hãy sống như không có; những ai than khóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng mừng vui; những người mua sắm, hãy ăn ở như không có gì; những ai dùng sự đời này, hãy ăn ở như không tận hưởng” (1Cr 7,29-31). Điều quan trọng của chúng ta là không để bị những bám víu trong trần gian như chướng ngại vật ngăn cản, có như thế chúng ta mới thanh thản trước mặt Thiên Chúa.
Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu mời gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng. Ngài nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã gần đến. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1,15). Nói cách khác, chúng ta được mời gọi đặt trọn niềm tin nơi Đức Giêsu.
Trong Tin Mừng, chúng ta thấy những người đã được biến đổi đời sống, nhờ tin vào Chúa Giêsu. Phêrô đã được tha thứ và được đặt làm đầu Giáo hội vì ông đã biết đấm ngực ăn năn về lầm lỗi của mình. Mađalêna đã được tha thứ vì đã biết sám hối, khóc cho quãng đời tội lỗi của mình. Tên trộm lành cũng đã được tha thứ vì anh đã biết trở về với Chúa cho dù vào những giây phút cuối cùng.
Như vậy, lời mời gọi sám hối và tin vào Tin Mừng vô cùng khẩn thiết, đánh thức lương tâm đang mê lầm của chúng ta. Vì thế, thánh Phêrô khuyên chúng ta: “Anh em thân mến, anh em là khách lạ và lữ hành, tôi khuyên anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn” (1Pr 2, 11). Nó nhắc nhở chúng ta đừng hài lòng với những hạnh phúc tạm bợ và bấp bênh của cuộc sống này, nhưng luôn cất bước tìm đến với những hạnh phúc vững bền và cao quý hơn. Chúng ta hãy noi theo gương dân thành Ninivê, cấp bách đáp lời tiên tri Giona kêu gọi bỏ đàng tội lỗi, sám hối cải thiện đời sống, để đáng được Chúa thương ban ơn tha thứ.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con là những người yếu đuối, mỏng giòn và dễ sa ngã phạm tội. Xin Chúa cho chúng con và các bạn trẻ biết cộng tác với ơn Chúa để cậy trông, tín thác vào Chúa hơn. Nhất là mỗi khi phạm tội, chúng con biết ăn năn và can đảm đến với Chúa nơi Bí tích Hòa giải. Nhờ ơn thánh của Chúa biến cải tâm hồn và làm cho chúng con tìm về đàng ngay nẻo chính. Chúng con tin với lòng xót thương, bao dung và sự tha thứ của Chúa sẽ giúp chúng con tìm được bình an thật sự trong tâm hồn. Amen.
_________________________
[1] https://dongten.net/loi-moi-goi-sam-hoi-va-tin-vao-tin-mung/
[2] http://dailyscripture.servantsoftheword.org/…/jan14.htm