CHÚA NHẬT XXIV TN NĂM B
ĐỨC GIÊSU LÀ AI?
(Gc 2,14-18; Mc 8,27-35)
M.Goretti Huyền Trinh
Khi nghe nói về một nhân vật nổi tiếng, người ta thường thắc mắc, tìm hiểu xem thân thế và sự nghiệp của nhân vật đó. Đức Giêsu đoán biết được dân chúng – người Do Thái và các môn đệ đang đặt “một dấu chấm hỏi” về thân thế của Ngài. Nên Ngài đã hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”… “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Bài Tin Mừng Chúa Nhật 24 Thường Niên năm B đã gợi mở cho ta câu trả lời về quan niệm của dân chúng và các môn đệ về con người Giêsu đang sống và hiện diện với họ.
1. Dân chúng nhìn nhận về Đức Giêsu
Trong cuộc hành trình tới các làng xã vùng Xêdarê Philipphê, Đức Giêsu đã hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”. Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó” (Mc 8,27-28). Có nhiều dư luận khác nhau, nhưng đa số họ cho rằng Đức Giêsu là một ngôn sứ (x. Ga 7,40). Ông Gioan Tẩy Giả, ông Êlia và các ngôn sứ đều là những vị đã xuất hiện trong thời Cựu Ước mà họ đã từng nghe nói tới (x. 2 V 5,1-19) hoặc đã chứng kiến những phép lạ (x. 1 V17,7-24). Cho nên, khi gặp Đức Giêsu, họ không nhận ra chân dung đích thực của Người. Họ cho rằng Đấng Kitô mà họ đang mong đợi phải là một Đấng đến trong uy quyền và giải thoát họ khỏi ách nô lệ. Và khi Đấng Kitô đến thì chẳng ai biết người xuất thân từ đâu cả (x. Ga 7,27).
2. Lời tuyên xưng của các môn đệ
Rồi Ngài hỏi các môn đệ là những người thân tín, đã cùng ăn, cùng uống với Ngài: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô đại diện cho các môn đệ bày tỏ niềm tin của mình khi tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29). Ông nhận ra Đức Giêsu chính là Đấng Thánh của Thiên Chúa (x. Ga 6,69). Người đã đến thế gian và giải thoát dân tộc, vì Ngài “giảng dạy như một Đấng có uy quyền chứ không như các kinh sư của họ” (Mc 1,22). Người còn làm bao dấu lạ điềm thiêng: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5).
Tuy nhiên, Đức Giêsu biết các ông vẫn chưa hiểu rõ về danh xưng của mình nên đã nghiêm cấm các ông không được nói với ai về Người (x. Mc 8,30). Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết rằng chân dung của Đấng Kitô gắn liền với mầu nhiệm thập giá: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kì mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết…” (Mc 8,31). Vừa nghe thế, ông Phêrô đã can ngăn Người, cho dù ông vừa tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô”. Thật ra lời tuyên xưng của ông Phêrô rất đúng, nhưng chỉ là lời tuyên xưng theo tư tưởng tự nhiên của con người (x. Mc 8,33). Có lẽ ông Phêrô vẫn chờ đợi nơi Thầy của mình một Đấng Kitô đầy vinh quang hiển hách, là vua cai trị mọi dân tộc trên trần gian và đưa dân Do Thái lên làm bá chủ trái đất…, chứ không phải là Đấng phải chịu đau khổ và bị giết chết.
3. Đối với tôi “Đức Giêsu là ai?”
Câu hỏi: “Đức Giêsu là ai?” không chỉ dừng lại cho các môn đệ và dân chúng ngày xưa, nhưng vẫn tiếp tục được đặt ra cho mỗi người chúng ta ngày hôm nay. Câu hỏi này được đặt ra không phải vì tò mò, nhưng là để mở ra một câu trả lời có ảnh hưởng trên suy nghĩ, lời nói, hành động của chính mỗi người. Câu trả lời đúng sẽ giúp chúng ta nhận ra mầu nhiệm phục sinh trong mầu nhiệm thập giá mỗi ngày.
Có thể chúng ta cũng tuyên xưng một cách mạnh mẽ rằng: “Thầy là Đấng Kitô”. Thế nhưng, để sống được điều đó không phải là chuyện dễ. Vì điều kiện mà Đức Giêsu đòi hỏi nơi người môn đệ là không những chỉ tuyên xưng và xác tín mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Người ngoài môi miệng, nhưng còn “phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mc 8,34).
Như vậy, tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu và xác tín vào mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Người thôi chưa đủ. Chúng ta còn phải sống và thực hành điều mà chúng ta tuyên tín. Điều này chính Thánh Giacobe đã nói rất rõ trong bài đọc hai rằng: “Có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì”. Và “Đức tin không có hành động, thì quả là đức tin chết” (Gc 2,14.17). Xin cho mỗi người chúng ta được ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần để khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô thì cũng trung thành với việc từ bỏ mình để vác thập giá mỗi ngày, và có đủ thực tâm để yêu mến thập giá. Nhờ đó, chúng ta sẽ thấy ở cuối con đường thập giá là sự phục sinh vinh hiển và hạnh phúc trường tồn.