Thứ Sáu, 17 Tháng Năm, 2024

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

PHẦN I: LỜI GIÁO HUẤN

1. SỐNG KẾT HIỆP VỚI CHÚA

Chúng tôi nên nhớ điều này, mọi sự đều vô lối, vô ích, chóng qua cả; trừ sự kính mến thế gian Chúa và làm tôi Người [A], đáng cho chúng tôi chăm lo mà thôi. Vậy, cám ơn Chúa đã kêu gọi chúng tôi vào Dòng, để lo một việc cao trọng ấy.

Chúng tôi phải lo sống kết hiệp với Chúa. Mọi việc chúng tôi làm vì Chúa, làm cho Chúa, chi cũng làm cho Chúa hết. Như vậy, chúng tôi mới nếm được sự bình an của Chúa [B].

Các thánh, xưa đã giữ một Luật như chúng tôi, đã nên thánh cả, thánh lớn, là tại các thánh hằng lo sống thiêng liêng cùng Chúa bề trong. Các thánh làm việc thường như chúng tôi, song làm một cách phi thường, tại có sự sống thiêng liêng bề trong.

Vậy, chúng tôi phải lo cho đặng sự ấy, hãy chăm chú nguyện gẫm [C]. Chúng tôi hãy ra sức cho đặng nên một người hay nguyện gẫm. Trước hết, chúng tôi hãy xin Đức Mẹ và thánh cả Giu-se [D], xưa ở thế hằng sống thiêng liêng cùng Chúa, hằng kết hiệp cùng Chúa, xin các ngài giúp chúng tôi cũng đặng như vậy.

Nếu trong Nhà Dòng này đặng như vậy, thì vui biết mấy. Cha nói lại, kẻo có người không hiểu, nghe nói sống thiêng liêng mà không biết sống thiêng liêng là làm sao. Vậy sống thiêng liêng, là sống với Chúa, với Đức Mẹ và các thánh trên trời; cũng như chúng tôi sống trong Nhà Dòng này, với Bề Trên và các anh em vậy. Sự sống thiêng liêng thiết thực là như thế đó [E]. Có như vậy, ở trong Nhà Dòng này mới vui thích.

Xin Chúa cho chúng tôi hết thảy, đặng nên người sống thiêng liêng cho thật. Muốn sống thiêng liêng bề trong, phải chăm lo nguyện gẫm.

2. VỀ ƠN NGHĨA

Ơn nghĩa là gì?

Khi chúng tôi chịu phép Rửa tội [A], thì được ơn nghĩa. Ơn nghĩa là một tài năng Chúa ban cho chúng ta, quá sức tự nhiên của loài người. Nhờ ơn ấy, chúng tôi mới được hiểu biết Chúa, kính mến Chúa, và được thông phần phước của Chúa, được hưởng Chúa; lại được ba nhân đức: Tin, Cậy, Mến, và bốn nhân đức phong hóa là: Khôn ngoan, Công bình, Mạnh mẽ, Tiết độ, và được bảy ơn Đức Chúa Thánh Thần [B].

Vậy, ơn nghĩa là làm cho chúng tôi được:

  1. Thông phần bản tính Chúa [C].
  2. Nên con cái Chúa và được hưởng gia tài của Người [D].
  3. Nên bạn hữu Chúa [E].
  4. Nên người lành thánh [F].
  5. Nên Đền thờ Đức Chúa Trời Ba Ngôi ngự [G]

Vậy, việc gì làm cho chúng ta được thêm ơn nghĩa Chúa? [H]

  1. Chịu các phép Bí tích.
  2. Làm việc lành.
  3. Cầu nguyện.

Việc gì gọi là việc lành?

– Các việc Luật dạy, cùng các việc khác mà làm theo ý ngay lành.

Khi chúng tôi làm các việc lành thì có công, mà hễ có công thì thêm ơn nghĩa, hễ thêm ơn nghĩa thì Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến cũng thêm luôn.

Ai có ơn nghĩa chừng nào, càng gần Chúa hơn chừng ấy. Ví dụ: Một thước vải đáng giá một xu, mà khi đã nhuộm thứ màu gì rất xinh đẹp, thì đáng giá bằng trăm bằng ngàn. Cũng thế ấy, linh hồn khi chưa có ơn nghĩa thì đáng giá đôi ba tiền như thước vải thô, mà bây giờ đã nhuộm màu Đức Chúa Trời [I], thì đáng giá bằng trăm bằng ngàn vậy, vì được phước của Chúa [J].

Phước của Chúa nghĩa là gì?

– Là Chúa biết Chúa, và Chúa yêu mến Chúa trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Mà kẻ có ơn nghĩa, cũng được thông phần sự hiểu biết và Tình yêu phước lạc đó [K].

3. KHI ĐƯỢC ƠN NGHĨA THÌ ĐƯỢC GÌ ?

Cha xin nhắc lại cho chúng con, xin chúng con hãy nhớ, khi chúng tôi được ơn nghĩa thánh, thì chúng tôi được điều rất quí trọng, là được chính mình Chúa. Khi chúng tôi đã được Chúa rồi, chúng tôi đâu còn thiếu điều gì nữa! [A]

Ơn nghĩa hằng thêm luôn mỗi khi chúng tôi làm việc lành. Thật là điều quí hóa, không biết nói sao được. Nhưng, trước hết phải lo chừa các tính hư nết xấu đã [B].

Chúng tôi thì cứ lo ra sức mà tìm những sự hèn hạ đời này, mà quên phước rất trọng, là Chúa ở cùng chúng ta. Người ngự thật trong lòng chúng tôi [C], chúng tôi thì cứ ra sức tìm một hai chút hèn hạ cho vừa xác thịt như khi muốn cho người ta khen, khi anh em làm trái ý một chút thì không bằng lòng, hay là khi ai chê thì không ưng, hoặc Bề trên quở hay ở hơi thẳng thì không chịu cho vui lòng, và trăm điều khác như vậy. Lại nữa, khi chúng tôi không bằng lòng, hay là lánh sự cực mà tìm những sự cho vừa ý xác thịt, chúng ta thật là dại dột điên cuồng.

Chúng tôi là một loài rất hèn mọn, mà Đức Chúa Trời là Đấng trọng vô cùng, đành lòng xuống mặc lấy tính loài người như chúng tôi, mà nên Cha chúng tôi, Anh chúng tôi, Bạn chúng tôi [D]. Ấy thật là một điều lạ quá, trí chúng tôi suy chẳng thấu.

Vậy, xin chúng con chớ để lời Cha nói ra như “nước đổ lá môn”, nhưng hãy dùng lấy mà nuôi linh hồn mình. Còn được chút thời giờ bao lâu đang sống, thì hãy lo nên thánh cho mau kẻo hết giờ [E].

4. BA CHẶNG ĐÀNG

Chúng tôi đã biết, đi đàng nhân đức thì có 3 chặng:

  1. Lo cho sạch tội, ăn năn đền tội.
  2. Lo cho khỏi các tính hư nết xấu, lo sắm lấy các nhân đức.
  3. Lo kết hiệp với Chúa.

Cho nên, hỏi cùng đàng là chi? – Cùng đàng là kết hiệp với Chúa. Kết hiệp với Chúa, là hiệp một lòng một ý với Chúa. Như khi ta rước khách, thì trước hết là lo dọn nhà, quét tước cho sạch sẽ, có cái chi trái con mắt thì lo cất đi, rồi thì lo trau dồi cho đẹp đẽ, bấy giờ mới rước khách vào – Việc linh hồn cũng thế, chúng tôi lo cho sạch tội, rồi thì lo sắm các nhân đức trau dồi linh hồn mình, bấy giờ thì chỉ kết hiệp với Chúa mà thôi. Lại cũng ví như một nhà có ba tầng, mà mỗi tầng có ba phòng. Vậy, ở tầng thứ 1:

 – Phòng thứ nhất là lo cho sạch tội [A], ăn năn đền tội.

 – Phòng thứ hai cũng lo cho các nhân đức, nhưng mà ít lắm, thường thì lo nơi phòng thứ nhất nhiều hơn, là cho sạch tội, còn ở lại đó lâu hơn.

 – Phòng thứ ba, cũng có kết hiệp với Chúa, nhưng ít lắm.

Khi đã lên tầng thứ 2:

 – Phòng thứ nhất, cũng lo đền tội mình, ăn năn đền tội, nhưng mà ở đó ít hơn.

 – Phòng thứ hai, lo sắm lấy các nhân đức, chừa tính hư nết xấu, lo trau dồi linh hồn [B], thường thường còn ở nơi phòng này lâu lắm.

 – Phòng thứ ba, cũng năng kết hiệp với Chúa, nhưng mà cũng còn ít.

Khi đã lên tầng thứ 3, chỉ kết hiệp với Chúa mà thôi. Cũng còn ở nơi phòng thứ nhất và phòng thứ hai, nhưng mà ít lắm, chỉ còn kết hiệp với Chúa nhiều hơn. Các thánh khi đã lên đó, chỉ mãi kính mến Chúa thôi [C].

Vậy, đi theo đàng thường, thì ai ai cũng đi theo thứ tự ấy bằng không thì không bao giờ nên người nhân đức thật. Vì hễ không qua phòng thứ hai, cũng không qua phòng thứ ba được, trừ ra có một ít đấng thánh, Chúa ban ơn lạ thì họ nhảy cao mau chóng mà thôi. Còn theo đàng thường, ai ai cũng phải đi theo thứ tự ấy, bằng không thì cả đời cũng không xong chi, mà có kẻ lầm, có hơn một phần nửa người ta lầm, như mười người vào Dòng thì có sáu người lầm sự ấy. Bởi đó, có người khi được Bề trên nhắc bảo sửa tính hư nết xấu, thì xung và lấy làm buồn; mà hễ nói về sự kính mến Chúa, kết hiệp với Chúa, thì vui vẻ sẵn sàng nghe [D]. Cho nên kẻ ấy lầm, là muốn vượt lên trên lập tức, thì cả đời cũng không xong chi hết. Các thầy thông thái dẫn đàng nhân đức và Hội Thánh, đều cũng chỉ dạy như vậy đó.

Vậy, chúng tôi xét mình coi, mình đang ở bậc nào, rồi hãy gắng mà tiến tới, và cầu xin Chúa ban ơn cho.

5. BA SỰ SỐT SẮNG

Trong chúng tôi có nhiều kẻ buồn, vì khi mới khởi sự đi đàng nhân đức thì hiểu rõ và vui vẻ; bây giờ thì không vui, không sốt sắng chỉ nữa [A].

Vậy, chúng tôi phải biết, sự sốt sắng có 3 thứ:

– Sốt sắng trong ý muốn.

– Sốt sắng trong trí khôn.

– Sốt sắng trong xác thịt.

Thứ nhất, sự sốt sắng trong ý muốn. Ví dụ: người tha chết mà không tha lỗi một sự gì nhỏ mọn, thấy cách ăn nết ở mình không tốt thì ra sức sửa lại và trong mọi sự chỉ biết vâng lời mà thôi. Đó là sự sốt sắng trong ý muốn, trong lòng. Sự sốt sắng ấy là sự sốt sắng thật [B].

Thứ hai, sự sốt sắng trong trí khôn. Ví như một người có trí khôn sắc sảo, coi Sách Thánh, sách thiêng liêng, thì hiểu một cách rõ ràng, lấy làm hay quá và đỏ mặt tía tai. Chúng tôi tưởng đó là sự sốt sắng thật. Không đâu. Đó là sự sốt sắng trong trí khôn.

Thứ ba, sự sốt sắng động trong xác thịt. Như khi một người suy gẫm Sự Thương Khó Chúa, cảm động chảy nước mắt ra. Sự sốt sắng ấy kém lắm, và cũng hiểm nghèo, vì động lòng cách này được thì cũng động lòng cách khác được.

Ấy là ba sự sốt sắng, chúng tôi phải ý tứ mà phân biệt kẻo lầm. Sự sốt sắng trong ý muốn, thì tốt lắm, mua giá mấy cũng được. Sự sốt sắng trong trí khôn đáng giá chừng năm xu. Còn sự sốt sắng trong xác,chỉ đáng giá chừng một xu. Song cũng tốt hết thảy, chúng tôi biết dùng, thì có sức đem chúng tôi đến Chúa mau chóng [C].

6. VỀ ĐỨC MẾN

Vì ý nào Đức Chúa Trời buộc chúng tôi phải kính mến Người?

– Vì Chúa muốn cho chúng tôi được nhờ mà thôi, chớ Người không nhờ chi. Chúng ta kính mến Chúa, Chúa cũng không thêm gì; chúng ta không kính mến Chúa, Chúa cũng không bớt gì.

Vì lòng Người thương yêu chúng tôi, nên buộc chúng tôi phải kính mến Người, để chúng tôi được nhờ mà thôi. Vì khi chúng tôi được xem thấy Đức Chúa Trời, thì được sung sướng toại chí phỉ lòng phỉ dạ, không còn thiếu chi nữa.

Nhưng, muốn biết chúng tôi có kính mến Chúa hay không, hãy xét coi chúng tôi có thương yêu anh em không [A]. Nếu chúng tôi có, ấy là dấu chúng tôi có lòng kính mến Chúa. Vì sự kính mến Chúa có lẽ lầm được, còn sự thương yêu anh em thì không lầm được. Sự chúng tôi kính mến Chúa không biết có chắc hay không, còn sự thương yêu anh em là dấu chắc chúng ta có lòng kính mến Chúa.

Chúng tôi xét mình coi: trong ngày hôm nay, tôi có làm chi cho Bề trên và anh em tôi được vui chăng? Coi ngày hôm nay, tôi có cố gắng làm việc chi cho Bề trên và anh em tôi bớt sự khó nhọc không? Nhưng, giúp đỡ anh em bằng sự cầu nguvện thì làm được luôn [B].

Thường cha mẹ không phân bì con cái, con cái cũng không phân bì cha mẹ; còn anh em với nhau trong nhà thì hay phân bì ghen ghét nhau. Sự ấy năng có, tội ấy có nhiều người phạm, nhưng có ít người xưng.

Những người một trường một lớp với nhau, hay phân bì nhau. Cũng như các người làm cùng một nghề với nhau, như thợ rèn với thợ rèn, thợ mộc với thợ mộc, thợ này chê bai thợ kia. Thường năng có như vậy.

Chúng tôi là anh em với nhau, đi đàng nhân đức như nhau, cho nên phải thương yêu nhau, chẳng những anh em ở một nhà với chúng tôi đã rồi, lại phải thương yêu hết mọi người [C]. Mà muốn cho được thương yêu anh em, phải ra khỏi mình là bỏ mình đi, thì mới thương yêu anh em được. Chúng tôi hay yêu mình quá, cả ngày cứ nghĩ đến mình, còn anh em thì không được nghĩ tới [D]. Mình đau chỉ một chút, lấy làm cả thể lắm; còn anh em đau, mình không lấy làm chi cả, vì chúng tôi yêu mình quá.

Cái đạo ăn chay, cái đạo đánh tội, cái đạo chầu Thánh thể, các đạo ấy dễ mà không chắc chi; còn cái đạo yêu thương anh em, đạo ấy thì chắc là đạo [E]. Nhân đức thương yêu, là khi thấy kẻ khác buồn thì mình cũng buồn, như thể là chính sự buồn của mình. Khi thấy kẻ khác vui thì mình cũng vui, như thể chính sự vui của mình vậy [F]. Cái nhân đức ấy, là nhân đức đại độ, là nhân đức thật. Những kẻ ấy là người đại độ, không phải là tiểu nhân.

Vậy, chúng tôi hãy hiểu cho rõ, cha nói cho cha mà cũng nói cho cả chúng con, như Lời Chúa đã phán: “Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta không có chỗ trú, các ngươi đã cho trọ; Ta trần trụi, các ngươi đã cho mặc; Ta ốm đau, các ngươi đã thăm viếng; Ta bị cầm tù, các ngươi đã đến hỏi han (…) Ta bảo thật mỗi lần các ngươi làm những sự ấy cho một kẻ hèn mọn trong anh em Ta, tức là làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 35-36. 40)(210).

Ấy là những Lời Chúa phán cùng chúng tôi [G], để ngày sau ban phần thưởng cho chúng ta. Khi ấy vui mừng biết mấy; rày chúng tôi hãy chịu khó đã.

7. MỌI SỰ ĐỀU VÔ ÍCH, TRỪ RA SỰ KÍNH MẾN CHÚA

Trong Phúc Âm, Chúa phán ví dụ về kẻ đã được đến ăn cưới trước hết, ấy chúng tôi đã rõ, Chúa đã mời dân Do Thái trước các dân.

Vậy, chúng tôi hãy suy ơn trọng chúng tôi đã được, là ơn chịu Phép Rửa Tội, được nên con Chúa, được nên giống Chúa. Đó là một ơn trọng lắm, chớ khá quên [A], hãy năng nhớ mà hết lòng cám ơn Chúa, vì mọi sự đều vô ích chóng qua, trừ ra sự kính mến Chúa mà thôi.

Ngày hôm nay, chúng tôi cũng có một ít việc chi đó, kẻ nấu ăn, người công kia việc nọ v.v….. Các việc này đều vô ích chóng qua, trừ ra việc kính mến Chúa. Chúng tôi hãy ăn ở cho khôn ngoan, biết dùng các việc ấy, để giúp chúng tôi trong sự kính mến Chúa. Kính mến Chúa, là hiệp một lòng một ý với Chúa.

Phải chi mà Chúa cho chúng tôi một cái máy chi mà bay khắp thế gian bây giờ, mọi nơi mọi chỗ, lại xem thấy trong lòng người ta nữa, thì thấy người ta đang lo chi mà đang làm gì: Người ta đang lo lắng nhiều chuyện: người thì làm Giáo hoàng, làm Giám mục, làm vua chúa; kẻ thì làm thợ mộc, thợ rèn; kẻ thì tự hào là thầy lang thầy thuốc… Khắp nơi, bao nhiêu người lo lắng các việc vô ích chóng qua [B]. Thánh Phaolô quả quyết: Dầu tôi nói được tiếng các thiên thần, nói tiên tri, làm phép lạ, hoặc phú thân thể tôi cho lửa thiêu đốt đi nữa, mà tôi không có lòng mến Chúa, đều vô ích thay thảy. Vậy, chúng tôi chớ khá lầm. Các việc ấy, trong vòng năm mươi sáu mươi năm là xong hết. Người ta từng lớp, từng lớp, lớp này nổi lên rồi rạp xuống, đến lớp khác nổi lên rồi cũng thế. Người ta sống như biển nổi dậy, gần như thể là toan nuốt cả mặt đất, rồi cũng ngã xuống hết thảy. Nếu như có thiên đàng, thì chúng ta là người khôn ngoan thật; bằng không có thiên đàng thì chúng tôi là những kẻ điên cuồng.

Vậy, chúng tôi chớ có điên khùng dại dột, chăm lo đến việc làm quá mà bỏ quên Chúa đi [C]. Vì mọi sự đều vô ích chóng qua thay thảy, trừ ra một sự kính mến Chúa mà thôi. Như lời Chúa đã phán dạy: “Khi các ngươi đã làm mọi điều phải làm, các ngươi hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô ích, chúng tôi đã làm những điều chúng tôi phải làm” (Lc 17,10).

8. SỰ KÍNH MẾN CHÚA CÓ HAI CÁCH

Sự kính mến Chúa, có hai cách :

– Một là lấy việc làm, tỏ ra lòng mến Chúa.

– Hai là kính mến Chúa thật trong lòng.

  1. Sự kính mến Chúa bề ngoài, tỏ ra trong các việc làm. Như một người làm việc bổn phận mình tử tế, giữ luật chín chắn, đó cũng là kính mến Chúa trong việc bổn phận mình. Vốn sự kính mến Chúa không phải là tại các việc ấy, song chính sự kính mến thì ở trong lòng, hễ trong lòng đã có kính mến, thì các việc chúng tôi làm bề ngoài mới nên hẳn hoi.

Cũng có kẻ làm việc bổn phận mình tử tế, song có phải là kính mến Chúa không? – Có khi có, mà cũng có khi không chắc chi. Như một người cả ngày giữ luật tử tế, làm việc bổn phận hẳn hoi, nhưng không phải là kính mến Chúa chi hết, vì làm việc một cách tự nhiên, vì có kẻ tính tự nhiên làm việc cách tử tế, trong lòng thì không kính mến Chúa, cho nên không thêm công nghiệp chi mấy [A].

  1. Hai là chính sự kính mến Chúa ở tại trong lòng. Là khi nhớ đến Chúa, thì thêm lòng tin cậy mến Chúa. Mến Chúa, vì lấy Chúa làm tốt, và ưng làm vui lòng Chúa.

Cho nên, hai người có ơn nghĩa bằng nhau, và làm cùng một việc lành như nhau: một người làm vì lòng mến Chúa, cho nên khi làm rồi, người có ơn nghĩa bằng một lại thêm được bằng mười; còn người kia, vì mến ít, được thêm ơn nghĩa bằng một mà thôi [B].

Vậy, sự kính mến Chúa tại trong lòng. Có động lòng hay không, không cần chi. Có kẻ nghe động lòng nghe vui, cũng tốt, không hại chi.

9. ĐỀN BỒI PHẠT TẠ THÁNH TÂM CHÚA

Ngày hôm nay, chúng tôi hết thảy, hãy lên đỉnh núi cao, mà đem trí nhìn chung quanh khắp thế giới. Vậy, chúng tôi thấy gì?

Thấy phần nhiều trong thiên hạ, những chạy ngược chạy xuôi; lo ăn lo làm; lo cho thân xác vui sướng… [A]

Vậy, phần chúng tôi, Chúa đã thương đem chúng tôi tới đỉnh núi Phước này, để an ủi Chúa thay cho vô số người đã ở vô ân bội nghĩa cùng Chúa, làm cực lòng Chúa. Không nói chi kẻ ngoại, biết bao người Công Giáo cả ngày mấy ai nhớ đến Chúa? – Thật ít lắm! Vậy nếu chúng tôi cả ngày không lo tưởng nhớ Chúa, an ủi Chúa, thì ai lo việc ấy?

Vậy, chúng tôi hãy cầm trí lại mà suy xét, hoặc bấy lâu nay đã không lo, hay là không lo cho đủ, thì nay, hết lòng ăn năn xin Chúa tha thứ; và hãy gắng công ra sức lo làm bây giờ, ngày hôm nay, giờ này kẻo giờ chết đến, lo không kịp chăng!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

 Thứ 3 Tuần IV PS, Ga 10, 22-30: Chiên đích thực của Chúa

 Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh Chiên Đích Thực Của...

18 Tháng Mười Hai – Mt 1,18-24

EMMANUEL THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA Lm M.Phêrô Khoa Lê...

19 Tháng Mười Hai – Lc 1,5-25

  TIN MỪNG CHO ÔNG BỐ VÀ SỨ VỤ CỦA NGƯỜI...

21 Tháng Mười Hai – Lc 1 39-46

  BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC MẸ THIÊN CHÚA VIẾNG THĂM Lm M.Phêrô...

22 Tháng Mười Hai – Lc 1,46-56

  BÀI CA NGÀN TRÙNG MAGNIFACAT Lm M.Phêrô Khoa Lê Trọng...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp thánh lễ Phiên bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...