Thứ Năm, 16 Tháng Năm, 2024

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

10. BẬC THANG CỦA LÒNG MẾN CHÚA

Có lời Thánh Bênađô nói về sự kính mến Chúa thế này [A]:

  1. Một là mến mình vì mình, là muốn sự gì thì muốn cho mình được nhờ mà thôi, là kẻ chỉ tìm sự vui sướng cho mình.
  2. Hai là mến Chúa vì mình, là mến Chúa vì Chúa ban ơn cho mình, mến Chúa vì muốn nhờ Chúa, ví dụ: một người nghèo khó, họ mến ông giàu có vì ông ấy giúp mình. Thì cũng như vậy, đó là mến Chúa vì mình.
  3. Ba là mến Chúa vì Chúa, vì Chúa là Đấng đáng mến. Làm sự gì, chỉ làm cho Chúa vui mà thôi, còn mình thì không kể chi; mình có đặng công gì hay không, không kể, miễn là cho Chúa vui thì thôi. Đó là mến Chúa vì Chúa [B]. Chúng tôi phải lo cho được bậc này.
  4. Bốn là mến mình vì Chúa, là bỏ quên mình đi, không kể chi đến mình nữa. Mình đã chết đi cho Chúa rồi, lấy Chúa làm trên hết mọi sự. Khi phải ăn, thì ăn cho “cái xác con trâu” của Chúa, để nó có sức làm việc mà thôi. Đó là mến mình vì Chúa.

Vậy, để chúng tôi dễ hiểu, Cha nói tóm thế này:

– Bậc thứ nhất, là kẻ lấy Chúa làm không chi.

– Bậc thứ hai, là kẻ lấy Chúa làm một chút chi thôi.

– Bậc thứ ba, là kẻ đã lấy Chúa làm nhất hạng, làm Bề Trên mình, cùng hằng lo lắng vâng phục Người.

– Bậc thứ bốn, là kẻ chẳng những lấy Chúa làm nhất hạng, làm Bề Trên mình, mà lại lấy Chúa là hết mọi sự cho mình luôn, cùng hằng than thở như thánh Phan-xi-cô rằng: “Lạy Chúa, Chúa là hết mọi sự cho con, Deus meus et omnia mea”. Các thánh đã nói được lời ấy rất thật lắm.

11. VỀ SỰ RƯỚC LỄ

Mỗi lần khi ta Rước Lễ, thì được thêm được nên giống Chúa Giê-su hơn, được thêm phước thanh nhàn, được nên tốt đẹp trước mặt Đức Chúa Trời hơn [A], mà sự được thêm ơn nghĩa nhiều hay ít, là tùy theo sự ta dọn mình,

Vậy, trong hai điều: dọn mình và cám ơn, điều nào cần hơn? – Sự dọn mình cần hơn.

Cho nên, trong hai người, một người dọn mình sốt sắng tử tế, thì người ấy được thêm ơn nghĩa bằng mười bằng trăm; còn người kia không dọn chi, những ngủ gục lo ra, đến giờ anh em đi Rước Lễ thì mình cũng đi, đi Rước Lễ mà cũng như đi vào nhà cơm – song đi nhà cơm còn nghe trong mình biết vui biết đói, còn đi Rước Lễ thì không lấy làm chi- cho nên kẻ ấy thêm ơn nghĩa ít lắm.

Lại có lẽ e sợ vì năng rước lễ mà làm cho mình phải mất ơn nghĩa về sau. Vì đâu? – vì lấy Chúa làm quen quá, làm thường quá. Bởi đó, lần lần ra nguội lạnh, trễ nải; sau hết thì sa phạm tội trọng, mất ơn nghĩa thánh. Cũng như một người đi buôn, lời được một xu mà phải rách áo rách quần, lại bị mất đồ đạc, cho nên lời được một xu mà bị thiệt hại cả chục đồng. Bởi đó, chúng tôi phải lo dọn mình cho tử tế tùy sức.

– Thứ hai, khi chúng ta rước lễ thì được thêm lòng sốt sắng. Muốn cho được thêm lòng sốt sắng, phải lo cám ơn cho tử tế. Như một người rước lễ, rồi ngủ gục lo ra, không lo cám ơn, thì không được ơn sốt sắng.

Khi rước lễ, tuy ngủ gục, thì cũng được thêm ơn nghĩa, song thêm sự sốt sắng thì không. Muốn cho được sự sốt sắng thì phải lo tỉnh thức, nói khó cám ơn Chúa.

Sự sốt sắng là ơn giúp, giúp chúng ta làm các việc lành dễ dàng hơn [B]. Sự sốt sắng giúp chúng tôi thêm ơn nghĩa. Cũng như một người siêng năng buôn bán, thì được mau thêm của cải; còn người vì nhác, không lo làm chi, thì không được thêm của cải.

Vậy, chúng tôi hãy lo dọn mình và cám ơn cho tử tế.

Bởi đâu mà chúng tôi không được sốt sắng? Phạm tội chi tỏ tường thì không, nhưng lại xem ra khô lạt làm vậy? – Cha nói: bởi thiếu sự hãm mình. Hãm mình, giúp chúng tôi thêm lòng sốt sắng. Hãm mình, theo cha, là giữ Luật cho kỹ cho hết.

12. VỀ SỰ CẦU NGUYỆN

Việc bổn phận chúng tôi, là cầu nguyện và kết hiệp với Chúa. Đó là việc riêng của chúng tôi.

Cầu nguyện thì phải tin cậy Chúa. Vì Chúa dạy chúng tôi phải cầu nguyện, chúng tôi phải siêng năng đọc kinh cầu nguyện. Nhà này mà không cầu nguyện, thì hóa ra một nhà nông phu. Cầu nguyện là chính việc chúng tôi. Thầy Dòng phải là con người cầu nguyện [A]. Cầu nguyện là thực sự gặp Chúa cách thân tình; như giữa Cha và con [B]. Vậy, chúng tôi phải cầu nguyện, vì có lời Chúa phán: xin thì được, tìm sẽ gặp, gõ cửa sẽ mở cho [C].

Nghĩa vụ chúng tôi là hãm mình cầu nguyện [D], kết hiệp với Chúa. Cầu nguyện phải tin cậy Chúa, có nhiều khi chúng tôi xin một cách lấy qua lấy rồi, tại đâu? Tại chúng tôi không tin cậy Chúa cho đủ [E], và không bền chí kêu xin [F]; lại nữa, chúng tôi không nhận thấy thiệt hại của sự thiếu cầu nguyện. Khi chúng tôi cầu nguyện thì có ích luôn, cho dẫu chúng tôi cầu nguyện cho một linh hồn nào đã xuống hỏa ngục rồi, cũng vẫn sinh ích cho chúng tôi.

Đọc kinh cầu nguyện, phải cầm lòng cầm trí. Sự đọc kinh có 3 cách:

1)- Đọc cho trúng vần nhằm chữ.

2)- Đọc và suy ý nghĩa lời mình đang đọc.

3)- Miệng đọc, lòng trí kết hiệp cùng Chúa.

Vậy, khi chúng tôi cầu nguyện, là làm một việc có ích luôn.

13. ÍCH LỢI CỦA SỰ NGUYỆN GẪM

1)- Nguyện gẫm cũng là một cách giúp chúng được thông hiểu hơn. Đang khi chúng tôi nguyện gẫm, cũng có suy xét, sau rồi mới nguyện gẫm. Cho nên chúng tôi học thêm lẽ mới, và hiểu cách thế đi đàng nhân đức rõ ràng hơn [A].

2)- Nguyện gẫm là cầu nguyện. Khi nguyện gẫm chúng tôi nói khó với Chúa, và xin ơn này ơn khác. Cho nên, sự nguyện gẫm là một cách cầu nguyện để chịu lấy ơn Chúa [B]

3)- Sự nguyện gẫm, là chính việc chúng tôi tập cho được kết hiệp với Chúa, ấy là chính việc nguyện gẫm [C]. Chúng tôi hãy tập cho được sự ấy, vì là việc các thánh đang làm ở thiên đàng, là hằng kết hiệp với Chúa luôn, hầu được kính mến Chúa không khi nào nhàm chán.

Vậy, chúng tôi hãy gắng công ra sức cho được sự này.

14. VỀ SỰ NGUYỆN GẪM

Cha nhắc lại đôi ba điều về sự nguyện gẫm.

Sự nguyện gẫm có 2 cách:

– Một là nguyện gẫm cách thường;

– Hai là nguyện gẫm cách lạ [A]

A/ Sự nguyện gẫm cách thường chia làm 3 bậc:

  1. Bậc thứ nhất, là kẻ biết suy gẫm mà thôi. Bậc này suy nhiều [B], còn nói chuyện với Chúa thì ít lắm.
  2. Bậc thứ hai, là ưng nói chuyện với Chúa nhiều, còn suy lẽ thì ít.
  3. Bậc thứ ba, là hằng ở bình an trước mặt Chúa [C], ít nói, một hai khi cũng nói một ít lời. Tuy không nói chi, nhưng hơn nói nhiều lắm [D], hằng ở bình an với Chúa lâu giờ mà không ngủ gục lo ra. Khi phải ra khỏi nhà thờ vì hết giờ, lấy làm tiếc vì phải bỏ đi.

B/ Sự nguyện gẫm cách lạ, là được ơn kết hiệp với Chúa cách đặc biệt [E]/ Khi nguyện gẫm cách thường, là như thể chúng tôi đi tìm Chúa; còn bây giờ, Chúa lại đến tìm chúng tôi, cho chúng tôi được gặp Chúa. Sự này vì Chúa muốn, Chúa kêu gọi chúng tôi; và cũng vì kẻ ấy trước đã có công ra sức dứt trừ mọi sự và hằng tìm Chúa, cho nên Chúa ban ơn trọng ấy cho. Đó là sự lạ Chúa làm cho linh hồn, như gió thổi vào buồm, ấy là ơn Chúa Thánh Thần thổi vào [F].

Chớ chi trong chúng tôi được ít kẻ như vậy, làm chúng tôi được nhờ và sáng danh Chúa, sinh ích cho Hội thánh lắm nữa, vì linh hồn ấy có thần thế trước mặt Chúa. Kẻ ấy chẳng dính bén thế gian này, một lo tìm Chúa. Sự ấy có nên ước ao không? – Nên lắm [G]. Chê của cải thế gian thì được, còn sự thiêng liêng thì không nên khinh chê, vì chúng ta chê là vô phép với Chúa.

Ai nói rằng: các sự ấy để cho các thánh, còn tôi có trông chi sự ấy, ở thường thường cũng được. Miễn là lên thiên đàng thì thôi, ở nơi cửa thiên đàng cũng được, một người nói như vậy là vô phép với Chúa, chúng tôi không nên nói như vậy [H].

Sự nguyện gẫm cách lạ ấy gọi là ơn lạ, nhưng không phải là phép lạ. Phép lạ thì có sự bề ngoài, như làm cho kẻ chết sống lại, kẻ què đi được, kẻ đui được thấy… sự ấy gọi là phép lạ. Còn sự kết hiệp với Chúa bề trong, không phải là phép lạ, nhưng hơn phép lạ. Chúng tôi nên ước ao. Chớ chi cả nhà này ai nấy cũng ước ao sự ấy thì hay lắm, vì những kẻ nào ước ao như vậy, thì ra sức chừa tội [I], thấy cách ăn nết ở của mình không tốt thì ra sức sửa lại, thấy mình không ưa một anh em nào thì tìm dịp cho được giúp đỡ hoặc xét ý lành cho kẻ ấy, dẫu một tội rất nhỏ mọn cũng ra sức lo cho khỏi.

Một lỗi, một sự chẳng trọn lành, tuy nhỏ mọn, nhưng nó cản trở ta. Cũng như một sợi dây nhỏ, nó cũng cột cánh buồm lại được [J], chẳng cho gió thổi vào. Một sự chẳng trọn lành, cũng ngăn trở ơn Chúa Thánh Thần đổ xuống trong linh hồn chúng ta [K]. Chúng tôi biết, cánh buồm khi đã cột lại rồi, dẫu một sợi dây nhỏ, cũng cột được.

Vậy, chúng tôi phải ước ao nên thánh. Nhưng chớ có ai ước ao cho được phong thánh, chớ ước ao cho mình có truyện thánh đọc trong nhà cơm. Chớ ước ao như vậy.Vì đó là kiêu ngạo, đó là phạm tội, không nên ước ao. Còn ước ao cho mình được nên thánh lớn trước mặt các thánh ở trên trời, thì được. Vậy, hai điều khác nhau, không nên ước ao cho mình được phong thánh, nhưng nếu ước ao cho mình được nên thánh, thì nên lắm.

Chúng tôi hãy gắng mà chèo cho đến khi ra khơi, thì được gió, bớt mỏi mệt. Song, bao lâu thuyền còn trong cửa. Cực nhọc hoài, vì ít khi gặp gió. Vậy, chúng tôi hãy gắng mà chèo đã, chờ đến khi Chúa muốn thì sẽ được [L].

15. CỨU GIÚP CÁC LINH HỒN

Thường Chúa để phần rỗi các linh hồn trong tay người ta. Đó là sự Mầu nhiệm, cũng là vinh hạnh cho chúng tôi. Vì xem ra Người muốn dùng chúng ta mà làm việc của Người.

Nếu như không có ông Lu-thê-rô, biết bao nhiêu người khỏi lầm lạc. Và nếu như không có các thánh Biển Đức, Bênađô và Têrêxa Cả, biết bao linh hồn phải thiệt! Vậy, Chúa cũng muốn dùng chúng tôi thể ấy.

Chúng tôi hãy lấy mắt thiêng liêng mà xem bên tả chúng ta, có tướng qủy Luxiphe và thần hạ chúng, bên hữu chúng tôi, có Chúa Giêsu và các thánh; còn ở giữa chúng tôi, có vô số các linh hồn. Hai bên đều ra sức đánh nhau, đế dành lấy các linh hồn. Chúa Giêsu giơ tay đầy thương tích, xin chúng tôi rằng “Hỡi chúng con, hãy cứu các linh hồn cho Ta với”. Chúng tôi lại khá làm ngơ sao?

Vậy, chúng tôi hễ khi gặp sự gì trái ý cực lòng, hay sự khốn khó nào, hãy dâng cho Chúa để cứu các linh hồn. Như vậy, ở trong Nhà dòng mới vui; và khi gặp sự khó, mới dễ chịu, vì được dịp mà tỏ lòng mến Chúa, cứu các linh hồn cho Chúa. Xin Chúa cho chúng ta được như vậy [A].

16. THƯƠNG YÊU NHAU

Xưa, thánh Tông đồ Gioan khi đã già cả, ngài chẳng có sức giảng được nhiều lời, thì bảo môn đệ khiêng ngài ra giữa giáo dân, ngài gắng sức an ủi: “Anh em hãy thương yêu nhau”. Ngài cứ giảng đi giảng lại điều ấy hoài, nên có kẻ lấy làm nhàm mà thưa cùng ngài: “Cha cứ nói câu ấy hoài, xin cha giảng điều khác”. Song, ngài trả lời: “Ấy là điều răn Chúa dạy, nếu ai giữ trọn một điều ấy, thì đã đủ” [A].

Vậy, chúng tôi hãy thương yêu nhau, hãy giúp nhau, hãy gánh đỡ gánh nặng cho nhau, hãy nhịn nhục nhau khi lầm lỗi, lấy đức thương yêu mà che đậy nết xấu nhau, đừng xét nét anh em khi không phải việc mình, vì sự ấy đã có Bề trên và các người coi sóc. Thật, cha thấy sự ấy trong chúng tôi còn thiếu nhiều lắm, chẳng những không thấy tấn tới, mà lại sút kém nữa.

Vậy, cha hết lòng khuyên về sự ấy cách riêng: là hãy thương yêu nhau. Nếu trong nhà, mọi người đều bỏ mình đi mà lo đến anh em cách riêng, thì mọi người trong nhà đều được sự an ủi, vui vẻ biết mấy. Chớ có mà dựa vào việc bổn phận mà làm cực lòng anh em. Hãy nhớ, sự gì mình muốn kẻ khác làm cho mình, thì mình hãy làm sự ấy trước cho người ta. Chúng ta hãy nhớ mà đem vào trí vào lòng, vì là điều can hệ [B]. Nhất là những kẻ có việc bổn phận gì, phải lo ý tứ cho lắm, đừng lợi dụng việc bổn phận, để lo cho cái tôi của mình, không màng chi đến kẻ khác, dễ lỗi sự yêu người lắm, dễ lỗi lắm.

Chúng ta hãy lo cho được, xin Chúa và Đức Mẹ giúp cho.

17. XÉT Ý LÀNH CHO ANH EM

Chúng tôi chớ bắt chước người Pharisêu hay xét sự trái cho kẻ khác. Chúng tôi chớ bắt chước mà xét sự trái cho anh em. Hễ khi nào chúng ta xét lỗi kẻ khác, thường lầm luôn, mười lần chưa được một lần trúng; mà cho đi có trúng, có nhằm đi nữa cũng vô ích.

Chúng tôi xét về ý lành, thì có ích luôn. Ai hay xét trái cho anh em, thì tự chứng tỏ mình là kẻ xấu: mình xấu, nên cũng ngờ người ta xấu như mình. Cũng như một người đau bệnh sốt rét, hễ ăn chi vào miệng cũng kêu đắng, nhưng chẳng phải tại thức ăn đắng, song bởi tại có bệnh, vì tì vị xấu.

Chúng tôi hãy xét sự lành sự tốt cho anh em, như Lời Chúa dạy: “Các con không đoán xét anh em, thì Ta cũng không đoán xét các con”. Lại rằng: “Các con đong đấu nào cho anh em, thì Ta cũng đong đấu ấy cho các con” (x. Mt 7,1-2).

18. VỀ ĐỨC KHIÊM NHƯỜNG

Chúng tôi nên xin Đức Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae cho được hiểu biết về sự khiêm nhường. Đức khiêm nhường là nền tảng đời sống Kitô hữu [A]. Kẻ khiêm nhường thì được Chúa thương, và được ban muôn ơn lành [B].

Vậy, chúng tôi nghe: sự khiêm nhường là ưng muốn ở bậc Chúa muốn. Ví như tấm ngói nó muốn xuống lót nền, đó là làm ngược, không phải khiêm nhường đâu. Cho nên, sự khiêm nhường là bằng lòng chịu lấy hết mọi nỗi vui buồn Chúa gởi đến cho chúng tôi. Kẻ khiêm nhường thì chi cũng được, việc chi cũng xong; bữa nay được nhắc lên thì cũng được, đến mai lại bị hạ xuống cũng vâng, chi cũng xin vâng hết.

Mọi sự xảy ra, xem ra tình cờ mà không phải tình cờ đâu, vì mọi sự đều bởi Thánh Ý Chúa mà ra hết thảy. Chúa không làm phép lạ, Chúa dùng người ta đem chúng tôi đến cùng Chúa, như khi anh em ở khó chịu với tôi, cư xử với tôi một cách bạc tình lạt lẽo, thì đó là bởi tay Chúa. Chúa để cho người ta đi trước, mà có Chúa đi sau, nhưng chúng tôi thì kiêu ngạo không bằng lòng. Ví dụ, khi một anh em nào làm chi lỡ ra, làm cho kẻ khác chê cười, mình lấy làm xấu hổ, vì chi? – Vì kiêu ngạo. Kẻ học hành, làm bài thua sút anh em thì buồn, vì chi? – Vì kiêu ngạo. Luôn luôn như vậy.

Trong một ngày, chúng tôi kiêu ngạo nhiều lần, song người khiêm nhường vẫn ở bình an luôn. Như khi nghe tin rằng, ngày mai sẽ bị bắt giam, hoặc Bề trên loại ra, thì kẻ khiêm nhường cũng cứ ngủ bình an; hay là nghe tin rằng, ngày mai sẽ được lên làm lớn, thì cũng thế thôi, cứ ngủ bình an. Cho nên, kẻ khiêm nhường được bình an luôn [C].

Chúng tôi đừng chiêm bao, nếu tôi làm được sự nọ sự kia ở ngoài thế gian, thì sẽ sinh ích cho linh hồn người ta biết mấy. Không đâu. Không đâu. Chúng ta chớ khá lầm. Thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu đã nói: “Phước cho những đóa hoa mọc giữa hang hốc, vì chỉ có một mình Đấng Tạo Hóa trông thấy mà thôi”. Lại sách Gương Phước có nói: Chúng ta muốn được bình an, thì hãy muốn cho mọi người đừng biết đến chúng ta.

Vậy, xin Đức Thánh Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, có nghĩa là “ai-bằng-Thiên-Chúa”, cho chúng ta càng rõ thấu sự khiêm nhường hơn nữa, vì sự khiêm nhường cần thiết để chúng ta được kết hiệp với Thiên Chúa.

19. NGƯỜI PHA-RI-SEU VÀ NGƯỜI PUB-LI-CA-NO

Chúng tôi nghe Phúc âm có kể chuyện người Publicanô và người Pharisêu phô mình kiêu ngạo [A]. Trong chúng ta ai nấy cũng đã biết rồi.

Vậy, đức khiêm nhường bậc thứ nhất, là nhìn biết mình có sự gì lành, là bởi Chúa ban cho mới có [B]. Cho nên, trong chúng tôi có kẻ có trí khôn hơn. Vậy, anh có trí khôn hơn vì Chúa ban cho anh hơn, còn em có trí khôn thua vì Chúa ban cho em ít; anh có trí sáng học mau, em thì tối trí học lâu, vì Chúa muốn vậy; anh có sức mạnh mẽ vì Chúa ban cho anh, em yếu sức vì Chúa ban cho em như vậy.

Cho nên không phô trương cậy mình, vì có nhiều có ít cũng bởi Chúa ban cho. Kẻ có nhiều, cũng không cậy mình mà khinh dể người khác; người có ít, cũng không phân bì. Làm thế khác, thì thật là dại dột và điên cuồng.

Thật, thế gian không thiếu chi kẻ điên cuồng như vậy. Họ tưởng làm quan, làm bề trên, thì xem như là đang ở trên mây, trên khí, và khinh dể người ta. Chúng ta hãy hiểu ví dụ ấy cho rõ, vì dễ lầm lắm. Như vậy, Chúa có ban cho tôi nhiều, thì tôi cũng không khoe khoang; anh em tôi có ít, tôi cũng không khinh chê; mà tôi có ít, tôi cũng không phân bì.

Vậy, chúng tôi ai nấy cũng là anh em với nhau cả, đang đi cùng nhau một đường, tiến về cùng Cha chúng tôi ở trên trời, và lãnh nhận mọi ơn huệ nơi Người.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

 Thứ 3 Tuần IV PS, Ga 10, 22-30: Chiên đích thực của Chúa

 Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh Chiên Đích Thực Của...

18 Tháng Mười Hai – Mt 1,18-24

EMMANUEL THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA Lm M.Phêrô Khoa Lê...

19 Tháng Mười Hai – Lc 1,5-25

  TIN MỪNG CHO ÔNG BỐ VÀ SỨ VỤ CỦA NGƯỜI...

21 Tháng Mười Hai – Lc 1 39-46

  BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC MẸ THIÊN CHÚA VIẾNG THĂM Lm M.Phêrô...

22 Tháng Mười Hai – Lc 1,46-56

  BÀI CA NGÀN TRÙNG MAGNIFACAT Lm M.Phêrô Khoa Lê Trọng...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp thánh lễ Phiên bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...