Thứ Năm, 16 Tháng Năm, 2024

Lời Giáo Huấn của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận

30. MỘT PHƯƠNG THẾ CÓ THỂ GIÚP CHÚNG TA NÊN THẦY DÒNG VÀ ĐỂ KẾT HIỆP VỚI CHÚA

Phương thế ấy là tưởng nhớ Chúa hằng ở kế bên chúng tôi luôn ngày luôn đêm.

Vậy, trong mọi việc chúng tôi làm hằng ngày, hãy chăm chỉ coi Chúa Giêsu làm thế nào [A], thì ra sức noi gương. Chúa Giêsu đọc kinh thế nào? Người đứng ngồi cách nào? Lúc đọc “Vinh danh”, Người cúi đầu thế nào? Người nguyện gẫm ra sao? Người ăn cơm, làm việc cách nào? – Hãy xét từng việc từ mai tới tối như vậy, ai theo phận nấy. Hãy làm như Chúa Giêsu ở kế bên, và làm một cách rất tử tế, trọn hảo. Có điều chi khó, chúng tôi xin Chúa giúp; có chi sai lỗi, xin Chúa thứ tha.

Nếu cả Nhà dòng chúng ta ai nấy cứ chăm lo làm như vậy thật là tốt lành biết mấy! Người ta trông vào thì thấy Giêsu, Giêsu thay thảy. Ấy, sự sống thiêng liêng là đó [B]. Cha xin chúng con thử coi, chắc sẽ sinh ích, và Nhà dòng chúng ta sẽ ra khác, vì là Thiên Đàng ở dưới đất mà chớ [C].

Xin Chúa cho chúng tôi hết thảy đều ra sức cho được như vậy, chắc sẽ vui lòng Chúa lắm.

31. MUỐN NÊN THÁNH, PHẢI GIỮ LUẬT DÒNG

Cha năng nói, muốn nên thánh phải giữ Luật Dòng, mà cha không nói sự giữ Luật trọn là một điều dễ làm song thật là một điều rất khó.

Như ngày hôm nay, chúng tôi đã ở trong nhà thờ lâu giờ, mà chúng tôi đã dùng cho nên hay không? Chúng tôi đọc kinh này kinh khác, đọc có, hát có, mà chúng tôi có làm tử tế, có cầm lòng cầm trí chăm chỉ tìm gặp Chúa cho trọn cả không ? Điều ấy, thật không phải dễ đâu. Đừng nói chi nhiều, nguyên một tiếng Amen mà thôi, chúng tôi có đọc cho tử tế không ?

Thật quá sức chúng tôi. Dẫu vậy, chớ ngã lòng. Cứ gắng, vì chúng tôi như trẻ con, nhẹ tính nhẹ dạ. Chúa cũng không chấp cho lắm.

Nên, cha nói, chúng tôi muốn nên thánh phải giữ Luật Dòng thì đủ. Giữ cho trọn vẹn vì lòng mến Chúa. Không phải vì sợ mắt Bề Trên, hay con mắt anh em. Cũng đừng bao giờ cho người ta khen, như vậy là hèn, là làm thuê làm mướn lấy công, là kẻ tôi đòi phải chịu không chịu không được. Hãy giữ Luật vì lòng mến Chúa, vì muốn đẹp lòng Chúa mình, muốn cho Cha mình vui thấy con cái có lòng mến thật. Như vậy mới gọi là giữ Luật Dòng cho được nên thánh [A].

Trong chúng tôi có kẻ nói, tôi muốn đi đàng hẹp, điều ấy rất phải lẽ. Nếu ai không có ý ấy, thì ở đây không được lâu, vì sẽ không hợp. Cha nói lại, muốn đi đàng hẹp, hãy giữ trọn Luật Dòng đã đủ. Vì có lời một Đức Thánh Cha công nhận sự ấy rằng: “Đem cho tôi một thầy dòng đã giữ cho trọn mọi nét mọi chấm trong Lề Luật nhà thầy ở, thì tôi phong thánh, không cần phải có phép lạ như thói quen phong thánh xưa nay”.

Chúng tôi chớ mất ngày giờ mà bày đặt mơ màng cái điều chi trong trí vô ích. Cha còn nói lại, muốn nên thánh phải giữ Luật Dòng cho trọn đã đủ. Đó là trí ý các thánh xưa nay.

32. NHÀ DÒNG LÀ TRƯỜNG HỌC TẬP LÀM TÔI CHÚA

Nhà này là “TRƯỜNG HỌC TẬP LÀM TÔI CHÚA” [A].

Trong các Nhà Trường, kẻ vào đó chính ý là để học hành, cũng có đi đàng nhân đức, song cốt ý cho được học hành. Song, nhà này không phải có ý cho được học hành. Vào đây không phải có ý ấy. Mà cũng không phải vào đây cho đặng làm vườn, làm ruộng. Một có ý vào đây cho được nên thánh mà thôi [B].

Trước hết, phải bỏ mọi sự đi đã, bỏ sự dữ là bỏ tính hư nết xấu. Chớ có ai nói rằng: tôi không có tính hư nết xấu [C]. Phải biết mình là kẻ xấu. Phải nhận lấy và tin các lời Bề Trên nói. Chớ nghĩ rằng các lời ấy là Bề Trên nói cho ai, chớ còn tôi có đâu các sự ấy. Bề Trên in trí rồi nói thế, chớ tôi có đâu.Không. Chúng tôi có tính xấu, chúng tôi kiêu ngạo, chúng tôi chớ nói không có. Bề Trên cũng phải lo sự ấy, anh em cũng phải giúp nhau trong sự ấy, là làm gương tốt cho nhau, giúp nhau.

Khi thấy anh em lỗi Luật rõ ràng, thì phải giúp nhau hoặc thưa với Bề Trên. Vì mình không thấy, anh em thấy, nên anh em chỉ cho, chúng tôi phải giúp đỡ nhau. Nhà Dòng không có ý chi khác, chỉ có một ý giúp nhau tấn tới trong đàng kính mến Chúa, cùng làm cho nhiều người kính mến Chúa nữa [D]. Đó là mục đích chúng tôi, ai nấy phải lo cho được. Xin Chúa giúp chúng tôi.

33. TRONG NHÀ DÒNG, CHÚNG TÔI CÓ 3 PHẦN VIỆC

Chúng tôi đã biết Luật Dòng này có 3 việc phải làm:

  1. Đọc kinh hát lễ thay cho cả Hội Thánh thờ phượng ca ngợi Chúa [A], cũng như quân lính hằng canh thức luôn. Thế gian thường lo tìm bạc tìm tiền, lo vui chơi ngủ nghỉ, chúng tôi như lính phải canh thức luôn mà cầu nguyện thay mặt Hội Thánh.
  2. Học hành, xem sách thiêng liêng, suy gẫm, kết hiệp với Chúa [B].
  3. Làm việc xác. Trong chúng tôi ai lấy việc xác lần nặng nề, buồn bực, chán ngán, thì ở Nhà Dòng này không được [C]. Ở nhà Dòng này phải làm việc xác, ai theo sức nấy. Việc xác là việc đền tội, và cũng là việc thánh đã làm. Sự ăn chay cũng là việc đền tội, mà cũng không bằng việc xác. Khi ở trong nhà thờ, miệng nói: Lạy Chúa, con kính mến Chúa ! Đến khi ra làm việc, phải ép mình chịu khổ một chút, lại chán ngán buồn phiền. Như vậy là chưa phải kính mến Chúa thật đâu, mới có ở nơi miệng thôi. Cha biết lúc chúng tôi nói: Lạy Chúa, con kính mến Chúa, thì cũng muốn lắm đó, đều chưa thật vì trong việc làm chưa có. Cứ gắng lần lần sẽ được, hễ muốn thật chắc sẽ được, không mau thì lâu.

Lại còn điều này nữa, tệ hại hơn, là khi phải ép mình làm việc nặng nhọc hơn một chút, lại tránh đi cho khỏi, chẳng muốn làm hay cực chẳng đã mà làm, vậy mà cả lòng thưa với Chúa: con kính mến Chúa! Kính mến chi? Đó là giả bộ nhân đức bề ngoài, cha nói đó là nhân đức Pha-ri-sêu!

Vậy, việc xác là điều thế gian ghê tởm lắm, họ chỉ lo tìm đàng mà lánh cho khỏi, khỏi được chừng nào hãy chừng ấy.

Phần chúng tôi, chớ ăn ở yểu điệu nhát gan: mạnh khỏe thì làm việc nặng, yếu thì làm việc nhẹ. Xét trong một gia thất thì thấy rõ việc ấy, không cần cha phải nói dài lời. Nhà Dòng này cũng là một gia thất [D], cha con, anh em, thương yêu nhau, giúp đỡ nhau.

Việc xác cũng là việc Chúa Giê-su đã lấy làm cần [E], chính Người đã tra tay làm việc nặng nề khó nhọc lâu năm ở Nazareth. Lại các thánh xưa nay cũng đã làm việc xác mà nuôi mình.

Vậy, chúng tôi đã hiểu, việc xác là điều có ích, giúp chúng tôi cả phần hồn lẫn phần xác.

34. CÁC NHÀ TRƯỜNG, NHÀ DÒNG, KHÁC NHAU THẾ NÀO?

Trong các Nhà Trường, kẻ mới vào ở lớp dưới, làm việc khác; các cha ở bậc trên, làm việc khác, hai bên khác nhau. Trong Nhà Dòng không phải vậy, kẻ mới vào cũng như Bề Trên, Bề Trên cũng như kẻ mới vào, vì: Kẻ mới vào cũng lo việc tu thân, Bề Trên cũng lo một việc ấy mà thôi.

Vậy, kẻ mới vào và Bề Trên cũng lo một việc như nhau. Bề Trên khi tĩnh tâm lại, cũng than thở: “Lạy Chúa, con kính mến Chúa, con xin dâng trót lòng con cho Chúa”, và các việc như vậy. Kẻ mới vào cũng nói được những tiếng ấy và phải tập cho quen, nên hai bên in nhau [A]. Chỉ có khác điều này: ai vâng lời thật, khiêm nhường thật và có lòng kính mến Chúa, thì hơn. Có khi kẻ mới vào đã được hơn Bề Trên và những kẻ đã ở lâu năm trong Nhà Dòng, như lời Chúa đã phán rằng : “Kẻ đến sau hết sẽ lên trước hết, và kẻ đến trước hết sẽ xuống sau hết”.

Các anh em khấn, chúng tôi hãy lo, vì có thật như vậy. Trời đất sẽ qua đi, lời Chúa phán chẳng sai. Còn kẻ tập, khi nghe vậy, chớ tưởng một hai việc sốt sắng mình đang có bây giờ, sẽ làm cho mình lên trước đâu; Nếu không gắng sức và bền lòng, chẳng những không lên trước hết, mà lại phải loại ra khỏi thứ tự đó nữa, nhưng có lẽ lên trước hết cũng được, hãy cố gắng đi.

Vậy, chúng tôi hãy biết, việc chúng tôi là việc trọng lắm, vì cùng làm một việc như các thánh đã làm xưa là khắc kỷ tu thân; và cũng làm một việc như các thánh trên thiên đàng đang làm bây giờ là kính mến Chúa. Chúng tôi ở thế gian này, cũng phải lo việc kính mến Chúa, cho nên không khác chi; chỉ có khác điều này, là các thánh ở trên trời được xem thấy Chúa, hiểu biết Chúa rõ ràng hơn chúng tôi mà thôi. Vì chúng tôi ở đời này cũng kính mến Chúa, các thánh trên trời cũng kính mến Chúa, cho nên chúng tôi cũng làm một việc như các thánh trên thiên đàng.

Vậy, chúng tôi phải lấy việc ấy làm trọng nhất, hơn hết mọi việc [B]. Chớ tưởng các việc chúng tôi đang làm bề ngoài là trọng, như việc xây nhà, làm vườn, nấu ăn, và các việc khác như vậy, ai làm cũng được. Chúng tôi chớ lấy các việc đó làm trọng làm chính. Đó chỉ là việc tuỳ mà thôi. Chính việc chúng tôi là lo tìm Chúa, kết hiệp với Chúa, nói khó chuyện vãn với Chúa, kính mến Chúa, và lo cho có nhiều người khác cùng kính mến Chúa nữa.

35. SỰ KÍN NHIỆM CỦA CÁC THẦY DÒNG CONTEMPLATIVI

Sự kín nhiệm của chúng tôi là gì?

Từ 20 thế kỷ nay, có vô số các thầy dòng. Các thầy dòng đi giảng đi giúp các nhà thương trường học, thế gian còn hiểu được. Còn như thầy dòng nguyện gẫm hãm mình như chúng tôi, thế gian không hiểu được [A].

Vì sao tìm đến nơi vắng vẻ rừng rú này [B], mà chẳng phải điên, cũng chẳng phải là người vô tâm vô trí, như có người hiểu lầm như vậy ? Một lần kia có người gặp cha trên xe lửa, họ tưởng nghĩ chúng tôi là hạng điên. Song, không phải vậy. Dòng chúng tôi có nhiều người có trí khôn lắm lắm, như các tu viện thuộc dòng cha thánh Biển-đức, đã có nhiều bậc khôn ngoan thông thái, nhiều vị vua chúa, bỏ hết mọi sự mà vào dòng.

Vậy, sự kín nhiệm dòng chúng tôi là gì?

– Là hằng tìm Chúa, chuyện vãn với Chúa, kết hiệp với Chúa. Đó là sự kín nhiệm của chúng tôi. Sự ấy thế gian không hiểu được. Phước chúng tôi là đó rồi: gặp Chúa, nói khó với Chúa; kính mến Chúa, kết hiệp với Chúa. Nói khó với Chúa ở trong tâm hồn mình [C], và trong phép Thánh Thể. Biết có Chúa ở với mình như vậy, thì được đầy tràn an ủi. Kẻ ấy, khi thấy trời đất và cây cối hoa quả tốt tươi xinh đẹp, thì nói đó là mọi sự Cha tôi đã sáng tạo cho tôi được hưởng dùng mà cảm mến, ca ngợi Cha đã thương tôi thể ấy.

Biết có Cha chúng tôi hằng ở với chúng tôi, nào có ai làm chi được, cho nên được bình an vui luôn. ‘Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì nơi đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi an nghỉ. Kẻ gặp được Chúa như vậy, thật là thầy dòng. Kẻ ấy hằng khao khát linh hồn người ta, thương yêu anh em mình lắm, và hay xét lành về anh em. Kẻ gặp được Chúa như vậy, lấy làm vui thích quá chừng [D]. Kẻ ấy dẫu ai đem cho bạc tiền, cũng chẳng muốn ngó lại, vì đã gặp được Chúa là của vô giá.

Để gặp được Chúa như vậy, có phải hễ đã vào Dòng là được cả không? – Không. Có người dù ở lâu năm cho đến bạc đầu cũng chưa được. Cho được vậy, có hai cách Chúa quen ban:

  1. Chúa ban cho những kẻ Người muốn ban, dầu kẻ ấy có khi là kẻ mới vô dòng, ấy là ơn riêng.
  2. Kẻ đã chí công ra sức làm, chỉ ra sức tìm Chúa trong mọi sự, đã trung tín trong bậc mình, siêng năng trong phận sự mình, và ước ao lắm lắm, thì Chúa cũng ban cho. Đây là ơn thường, mà cả hai cũng nên thánh lớn cả, nếu biết dùng nên và bền đỗ đến cùng.

Ấy là phước của chúng tôi. Ai nấy hãy gắng, sẵn sàng luôn cho được chịu lấy ơn Chúa, vì Chúa muốn ban ơn cho chúng tôi hơn là chính chúng tôi ước ao cho chúng tôi [E].

36. KHI THẤY TRONG NHÀ DÒNG XEM RA SA SÚT THÌ PHẢI LÀM SAO?

Khi chúng tôi thấy trong nhà xem ra sút kém sự nọ điều kia. Sự ấy không phải điều chi lạ, là điều thường có trong các Nhà Dòng. Vậy, phải làm sao?

Chúng tôi ai nấy phải hãm mình, cầu xin Chúa ban lại sự sốt sắng ngày xưa. Nếu có sức sửa lại điều chi thì lo sửa, nhất là ra sức lo giữ Luật Dòng cho kỹ càng chín chắn hơn, để làm gương cho kẻ khác. Nếu mình đã làm hết sức, vẫn thấy chưa được việc chi, chở ngã lòng, hãy cứ một mực làm vậy mà đợi cho đến thời giờ Chúa muốn, vì lời cầu nguyên sẽ sinh ích luôn. Chúa đã phán: “Ai xin sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ cửa sẽ mở cho”, mà lời Chúa phán thì chắc thật, nên hãy kiên tâm chờ đợi. Đó là thầy dòng tốt, thầy dòng thánh .

Đừng có ở như kẻ hễ thấy nhà mình sút kém, lại chiêm bao, muốn đi Dòng khác. Vì lẽ rằng, Dòng ấy e sốt sắng hơn, mình dễ nên thánh hơn, lưỡng lự suy tính, chân trong chân ngoài. Còn khốn hơn nữa, là cử để lòng mình như vậy, để mấy tháng mấy năm, mà chưa đi được một bước nào trong đàng nhân đức.

Vậy, chúng tôi chớ bắt chước hạng người này, một soi gương thầy dòng tốt lành, thánh thiện. Cha nói dự trước, vì sự ấy dễ có trong các nhà dòng lắm. Đàng khác, ma quỉ cũng vẽ thêm cho một phần nữa, làm cho linh hồn ấy phải hư mất: là bỏ Dòng, bỏ ơn Chúa [A].

Vậy, chúng tôi hãy khôn ngoan, soi gương thầy dòng tốt lành thánh thiện. Như vậy, mới được đẹp lòng Chúa và làm ích cho Nhà Dòng mình.

Xin Chúa và Đức Mẹ giúp chúng tôi.

37. KHI NÀO GỌI LÀ NHÀ DÒNG HƯ?

Chúng tôi hãy cứ đức tin, theo Phúc Âm mà sống [A], bằng không thì Nhà Dòng ra hư, không đáng chi.

Khi nào gọi là Nhà Dòng hư? – Là khi các anh em trong Nhà, ăn nói như người đời, là khi anh em không thương yêu nhau; là khi anh em không bằng lòng với Bề Trên và với nhau; là khi anh em tập hợp xầm xì mà tra xét việc Bề Trên; là khi anh em chê trách nhau, chê trách đồ ăn thức uống không ngon… Khi ấy, Nhà Dòng ra hư rồi đó, không còn chi là Nhà Dòng nữa.

Trong Mùa Chay, vừa nhằm dịp cấm phòng, chúng tôi ai nấy xét mình lại trước mặt Chúa, thấy trong mình suy xét cách thế như vậy, thì ra sức cải đổi lại. Bằng không, cha xin những người đó về đi cho rồi, kẻo ở lại đây, ngăn trở kẻ khác không đi đàng nhân đức được.

Chúng tôi không hiểu chúng tôi đến đây có ý gì. Chúng tôi tỏ mặt buồn với Bề Trên. Chúng tôi ở một cách khác, có ý tỏ cho Bề Trên biết chúng tôi không bằng lòng với Bề Trên, với anh em. Cái tội ấy là tội to. Dẫu chúng tôi không nói chi, nhưng mà ai cũng đều biết, không ai dốt nát chi đâu. Ở như vậy, là chúng tôi làm gương xấu, làm ngăn trở kẻ khác, như lời Chúa phán: “Khốn cho kẻ làm gương mù gương xấu”.

Sự làm gương mù gương xấu trong Nhà Chúa, là điều thiệt hại lắm. Một trăm thầy dòng trễ nải, cũng không bằng một thầy dòng sốt sắng. Các thánh đều nói như vậy, không phải chỉ cha nói mà thôi.

Chúa Giê-su quí kẻ sốt sắng hơn, vì kẻ ấy giống Chúa hơn. Cũng như một đồng vàng rất nhỏ, mà nó quí hơn trăm đồng xu. Lại như một miếng gỗ nhỏ mà chạm trổ khéo léo, thì quí hơn một lẻ gỗ to, chỉ đáng giá đôi ba đồng mà thôi. Kẻ làm gương mù gương xấu trong Nhà Dòng, thiệt hại biết chừng nào!

Vậy, cha nói lại, ai nấy hãy xét mình trước mặt Chúa mà tự vấn mình xem. Chúng tôi có phải là người đến đây cho được đi đàng nhân đức chừng ấy mà thôi chăng? [B] Nếu chúng tôi ăn ở như vậy, Bề Trên và em có bằng lòng về chúng tôi không?

Nếu chúng tôi xét mình rồi, thấy cách ăn nết ở của mình như người thế gian, không muốn sửa mình lại, cha xin kẻ ấy về cho rồi, thà làm một người bổn đạo thường cũng được, chớ đừng ở đây mà làm gương mù gương xấu cho anh em. Ngăn trở kẻ khác đi đàng nhân đức, là điều rất thiệt hại cho Nhà Dòng. Cha cũng muốn cho có đông anh em, nhưng có đông số thầy dòng mà chẳng ra gì, thì ít mà thật là thầy dòng thì tốt hơn.

Vậy, chúng tôi ai nấy lo xét mình lại, và có điều chi không hợp Phúc Âm, thì lo ra sức xa lánh. Ai nấy lo dọn mình, hầu được vui mừng trong ngày Lễ Phục Sinh sau này, vì chúng tôi chẳng sống được mấy ngày nữa, là lìa bỏ đời này, mà về cùng Chúa.

Xin Đức Mẹ cho chúng tôi được thêm đông anh em, và thêm lòng sốt sắng kính mến Chúa hơn nữa.

38. ĐỨC MẸ THĂM VIẾNG BÀ THÁNH ISAVE

Chúng tôi thấy Đức Mẹ vui mừng, bà thánh Isave vui mừng.

Bởi đâu Đức Mẹ vui mừng vậy ? – Vì Đức Mẹ không ở một mình, có Chúa Giê-su ở với. Có Chúa Giê-su ngự trong lòng Đức Mẹ, nên Đức Mẹ đã được sung mãn ơn phúc [A].

Bà thánh Tê-rê-sa Cả, khi Chúa cho thấy sự vui mừng thiên đàng rồi; bà xem lại các sự đời này, bà ghê tởm quá, thấy chi cũng chán ngán.

Ông thánh Phan-xi-cô As-si, khi Chúa cho sự vui mừng ấy trong lòng, lấy làm vui mừng quá sức. Chịu không nổi, nên thưa Chúa rằng: Lạy Chúa, xin Chúa thôi chớ không con chết, chịu không nổi nữa.

Bởi đâu các đấng vui mừng quá vậy ? Vì các đấng ấy đã được phúc khác rồi, chớ không phải như phúc đời này. Mà hễ bao lâu chúng tôi đang còn lấy các sự vui đời này làm cái chi chi, thì chưa được sự vui mừng ấy đâu [B].

Vậy, xin Đức Mẹ cho chúng tôi được thêm lòng sốt sắng kính mến Chúa,

39. KÍNH DANH CỰC TRỌNG ĐỨC MẸ

Khi chúng tôi nghe danh “MA-RI-A”, thì cúi đầu tỏ lòng cung kính Rất Thánh Đức Mẹ. Cúi đầu tỏ lòng kính mến Đức Mẹ thật. Việc ấy tuy là nhỏ mọn, nhưng đẹp lòng Đức Mẹ, lại làm cho chúng tôi thêm vinh hiển đời sau, vì tại có lòng kính mến Đức Mẹ.

Vậy, chúng tôi phải hết lòng kính mến Đức Mẹ. Khi nghe kêu danh Đức Mẹ, thì lấy làm vui, và thêm lòng trông cậy kính mến Đức Mẹ hơn nữa [A].

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

 Thứ 3 Tuần IV PS, Ga 10, 22-30: Chiên đích thực của Chúa

 Thứ Ba Tuần IV Phục Sinh Chiên Đích Thực Của...

18 Tháng Mười Hai – Mt 1,18-24

EMMANUEL THIÊN CHÚA Ở CÙNG CHÚNG TA Lm M.Phêrô Khoa Lê...

19 Tháng Mười Hai – Lc 1,5-25

  TIN MỪNG CHO ÔNG BỐ VÀ SỨ VỤ CỦA NGƯỜI...

21 Tháng Mười Hai – Lc 1 39-46

  BỞI ĐÂU TÔI ĐƯỢC MẸ THIÊN CHÚA VIẾNG THĂM Lm M.Phêrô...

22 Tháng Mười Hai – Lc 1,46-56

  BÀI CA NGÀN TRÙNG MAGNIFACAT Lm M.Phêrô Khoa Lê Trọng...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho “Cố Thuận” – vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam

Kết thúc tiến trình phong chân phước cấp giáo phận cho "Cố Thuận" - vị sáng lập Dòng Xitô ở Việt Nam Trưa ngày 10/5/2024,...

Trực tiếp thánh lễ Phiên bế mạc án phong chân phước cho Cha Henri denis Benoit Thuận

  https://www.youtube.com/live/pjjg-00hrZQ?app=desktop   Vào thứ Sáu ngày 10 tháng 5 lúc 12 giờ trưa, giờ Rôma, (tức là 17 giờ Việt Nam). tại Tòa Đại Diện, phiên...

Kinh xin ơn nhờ lời chuyển cầu của cha Henri Denis Biển Đức Thuận

    Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, vì lòng thương vô cùng Chúa đã sai Con Một Chúa xuống thế làm người, sống cuộc...

Hạnh Tích Cha Benoit (R. P. Henri Denis Cố Thuận)

        HẠNH TÍCH CHA BENOIT (R.P. HENRI DENIS CỐ THUẬN)             Nihil obstat: F.M. Bernard Mendiboure Tu viện trưởng Thánh mẫu Phước Sơn Vĩnh Linh, Quảng Trị Die 21 martii 1943 Imprimatur Franciscus Maria...

Gương đức hạnh của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận – Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia

Gương Đức Hạnh Của Cha Henri Denis Biển Đức Thuận - Tổ Phụ Hội Dòng Xitô Thánh Gia Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist Ngày 18/11/2018, Tòa...

Phần I. Vài nét về cha tổ phụ Henri Denis Benoit

Thoát thai từ cái nôi Phước Sơn Quảng...

Phần II – Cha Tổ Phụ và HDXTTGVN

PHẦN II. CHA TỔ PHỤ VÀ HỘI DÒNG XITÔ...

Phần III, Từ ngày cha Tổ Phụ tạ thế đến nay. (Alberto Vũ Bá Đạt)

Hội Dòng Xitô Thánh Gia sau ngày cha...

TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN

  TIỂU SỬ CHA BIỂN ĐỨC THUẬN, ĐẤNG SÁNG LẬP PHƯỚC...

Nén Hương Lòng

 Nén Hương Lòng                     Chúng con thắp nén hương...