20. VỀ SỰ YÊU MẾN THÁNH GIÁ
Có ít câu này, cha tưởng cũng sinh ích cho chúng tôi, nên chúng tôi hãy đem vào trí vào lòng mà suy nghĩ, chắc sẽ sinh ích cho linh hồn chúng tôi nhiều.
Vậy, lời rằng: một lần chịu khó vì Chúa, thì hơn trăm lần làm lành cho thế gian.
Hẳn thật như vậy. Vì khi chúng tôi chịu khó vì mến Chúa, thì được thêm công nghiệp, giúp chúng ta tập các nhân đức, nhất là đức nhịn nhục, lại thêm phước thanh nhàn trên thiên đàng [A].
Còn khi chúng tôi làm ơn cho thế gian, thì chưa chắc có phải vì mến Chúa hay không, hay là vì muốn cho thiên hạ tung hô khen ngợi. Khó cho khỏi sự ấy. Vậy, đã không thêm công, lại thêm tội cho chúng tôi phải khốn về sau.
Phước cho chúng tôi, vì hằng ngày gặp dịp mà chịu khó vì Chúa. Vậy, chúng tôi chẳng những là bằng lòng mà lại vui lòng mỗi khi gặp thể ấy.
Nếu chúng tôi biết ấp yêu Thánh Giá vào lòng, thì mọi sự gian nan tân khổ đời này, không làm cho chúng ta nao núng. Có lòng trìu mến Thánh Giá thật [B], thì ở trong Nhà dòng này rất đỗi vui mừng. Như vậy, ai mà làm chi được chúng tôi! Bề trên có quở phạt, anh em có khinh chê, đó là Thánh Giá, là điều mình hằng nâng niu trân trọng. Những kẻ ấy ở trong Nhà dòng này vui thích biết mấy.
Xin Chúa và Đức Mẹ, khấng soi cho chúng tôi được hiểu sự cha nói đó, và lo cho được như vậy.
21. PHẢI RA SỨC LÀM THẦY DÒNG LÚC ĐAU ỐM
Chúng tôi hãy ra sức nên thầy dòng thật, chẳng những lúc khỏe mạnh mà lại lúc đau ốm nữa. Có kẻ khi đau thì xếp việc đi đàng nhân đức lại, để lúc lành rồi hay, kẻ ấy thật lầm lắm.
Người ta thường nói, muốn biết ai có nhân đức chừng nào, hãy xem kẻ ấy lúc chơi đùa và khi ốm liệt. Vì khi ấy, không có nhân đức cho khá, không có sự sống bề trong cho vững, linh hồn không cai trị thân thể được. Cho nên các tính xấu tỏ ra: buồn bã, trách móc Bề trên không thương chi hết; lại trách móc anh em không lo lắng cho đủ, rủi làm việc gì chẳng vừa ý thì xung; đòi sự nọ điều kia vô ích; lỗi đức khó khăn. Nói tắt rằng: hễ trong mình ưng muốn chi, thì muốn cho bằng được, nếu không được vừa ý thì buồn bực kêu trách.
Chúng tôi hãy biết dùng cơn bệnh mà nên thánh, vì là lúc được rảnh rang mà ở với Chúa; tùy theo sức, chớ làm cho mình phải thêm mệt quá. Hãy cầu nguyện cho Bề trên, cho nhà Dòng, và cho hết mọi anh em ở đây; lại cầu cho cả Hội thánh, cho kẻ có tội, kẻ ngoại, và các linh hồn trong chốn luyện ngục. Ấy là việc bổn phận thầy đau ốm. Ai có phận nấy, không ai có phép ở nhưng ở nể. Anh em tôi phải chịu khó làm việc vất vả cực nhọc, còn tôi thì nằm nghỉ trên giường mà lo phận sự thầy dòng đau, tức là lo đọc kinh cầu nguyện. Ấy là ý Chúa muốn cho tôi như vậy, tôi phải lấy làm có phước, vì việc ấy là việc nhất hảo, là việc bà Maria xưa đã làm mà Chúa lấy làm ưng ý vừa lòng mọi đàng. Vậy, tôi phải cám ơn Chúa, chớ có buồn phiền, vì thấy mình không được mạnh lại như ý mình muốn. Hãy để mặc Thánh Ý Chúa.
Có 2 điều cũng không nên cả hai:
1/ Gắng quá, làm mình mệt thêm, nên lâu khỏe lại;
2/ Yểu điệu nhác nhớn quá. Các việc thiêng liêng có thể đến được mà không đến; đi nhà cơm được mà không đi, làm cho mình mệt mỏi thêm; cùng nằm liều bắt anh em bưng cơm. Song các điều ấy, cũng tùy kẻ coi sóc nhà liệt, họ biểu thế nào thì cứ vâng như vậy. Lúc ấy có thế nào, thì kẻ coi kẻ liệt phải thưa lại, còn mình thì vô can. Có kẻ ở trong phòng kẻ liệt đóng cửa kỹ, quì chầu Thánh Thể, mà đến khi ra nhà thờ, lại ngồi ngủ. Vậy, kẻ ấy làm ngược rồi. Cái đạo như vậy không phải là đạo của Chúa, song là đạo thờ quấy, vì Sách Thánh nói: kẻ theo ý riêng cũng là kẻ thờ quấy!
Ở nhà liệt, Chúa muốn cho tôi được nghỉ ngơi bổ sức lại, để có sức mà giữ Luật chung như anh em, ấy là ý Chúa, ý Bề trên là thế [A]. Vậy, chúng tôi hãy ra sức làm thầy dòng khi còn lành mạnh; kẻo lúc phải nằm liệt trên giường rồi, chỉ thấy cả cục thịt đó thôi, ra như không phải thầy dòng hãm mình đền tội chi nữa. Nhân đức đã biến đi đâu hết, mệt mỏi trong mình thì chỉ lo mình đau mình mệt, còn Chúa thì để ai tưởng nhớ mặc ai, tôi bữa nay đau. Đó là cục thịt ươn! Đó là con người yểu điệu!
Vậy, chúng tôi bây giờ còn lành mạnh, hãy lo tập nhân đức cho vững chắc, hầu lúc đau ốm, được làm nên một thầy dòng đau cho hẳn hoi. Phải nhớ luôn, mình là thầy dòng, nên lúc đau, cũng cứ là thầy dòng. Cho dầu chẳng được vừa ý, hãy nhớ mình đã khấn khó khăn, vì lòng mến Chúa, nên hãy chịu cho vui lòng. Hãy nhớ đoạn Luật Cha Thánh Biển Đức dạy: “Hãy kiên tâm mà chịu, vì phần thưởng sẽ lãnh thì bội hậu”. Hãy nhớ anh em giúp mình là vì lòng mến Chúa, nên hằng phải tỏ ra lòng cảm mến biết ơn, dẫu có điều chi trái tính tự nhiên cũng vui lòng.
Còn về phần anh em giúp, hãy tưởng như mình được giúp chính Chúa Giêsu vậy. Hãy thương yêu lo lắng tận tình [B]. Vì chính sự đau ốm thì đã cực lắm rồi. Một lời nói, một cái động đạt… đủ làm cho người kẻ liệt phải cực nhọc thêm. Nếu mình lơ láo lôi thôi, không lo cho đủ, thì lại làm cho người kẻ liệt phải cực hơn nữa.
Xin Chúa giúp chúng tôi nên thầy dòng thật đang khi còn lành mạnh, lại cũng được nên thầy dòng tốt lành trong lúc đau ốm. Chúng tôi hằng nghe đọc trong hạnh các thánh xưa nay rằng: các đấng ấy lúc đau ốm, tuy rằng thân thể yếu nhược, mà linh hồn thì lành mạnh; và thân thể càng yếu liệt chừng nào, thì linh hồn càng được sức mạnh chừng ấy. Tại đâu có sự ấy? – Là tại các thánh biết lợi dụng trong hết mọi dịp, để mà tới gần Chúa. Chúng tôi cũng hãy ra sức noi gương như vậy, vì đàng các thánh đi xưa, thì rày chính chúng ta cũng đang đi một đàng ấy. Xin các thánh cầu giúp chúng tôi luôn.
22. KHÔNG NÊN THAN VAN KÊU TRÁCH
Cha Thánh Biển Đức năng nhắc rằng: Không nên than van kêu trách [A], một đội ơn Chúa vì những sự khó chúng tôi thường gặp.
Chúng tôi nghĩ xem, sự ấy là một điều rất nghịch. Một người ở trong Nhà dòng này, mà than van kêu trách buồn bực, tỏ mặt quạu quọ, không bằng lòng với Bề trên, với anh em, chúng tôi nghĩ xem, thật là một điều rất nghịch, không biết nói làm sao được.
Một người tự tình tự ý xin vào đây, thì phải biết chấp nhận, nào ai có ép buộc chi? Tự ý xin vào đây, mà tỏ mặt không bằng lòng, nếu muốn sướng thì ở lại ngoài thế gian với cha mẹ, không sướng hơn và thong thả hơn sao? Ví dụ, con chim chúng tôi bắt bỏ vào lồng, nó ưng bay ra ngoài cho thong thả là phải rồi, vì bổn tính nó như vậy; nếu có con nào tự mình xin người ta mở cửa cho vào, mà không bằng lòng thì sao? Chúng tôi phải nhớ, chúng tôi đã tự ý xin vào đây.
Hơn nữa, phần vụ của thầy dòng chúng tôi, không phải là hoạt động bên ngoài, nhưng là việc dâng lên Chúa bài ca chúc tụng liên lỉ [B].
Phước của đời chúng tôi, là trở nên một “loài chim”, hót lên lời ca ngợi Chúa, theo gương Đức Mẹ, là “con chim hót hay hơn cả”. Xin Đức Mẹ giúp chúng tôi được noi gương Đức Mẹ, mỗi ngày nên giống Đức Mẹ hơn [C].
23. CHỚ CÓ MÊ LÀM VIỆC QUÁ
Chúng tôi hãy nhớ, chớ khá quên, là chớ có mê làm việc quá. Chúng tôi đã bỏ mọi sự thế gian mà vào đây, cho được tìm Chúa, chớ có điên cuồng dại dột, chớ có mê làm việc quá lắm. Đến giờ phải làm thì làm, làm cho siêng, làm cho tử tế, rồi thì thôi.
Ví như hôm nay chúng tôi đi trồng khoai, trồng cà, đến mai đi thăm, thấy heo đã phá hết thì thôi, vì Chúa để vậy. Hoặc Nhà dòng, bị bão sập nhà, dịch chết trâu bò, nếu có thể cứu được thì cứu, không thì thôi, mặc thánh ý Chúa.
Vậy, chớ có mê làm việc quá. Đó là việc thiệt hại cả thể, đáng cho chúng tôi lấy làm buồn hơn cả. Chúng tôi chỉ lo một điều là kính mến Chúa, và ra sức làm đẹp lòng Chúa mà thôi [A]. Chớ có lấy điều chi khác làm trọng làm cần, vì là vô ích chóng qua hết thảy, trừ ra một sự kính mến Chúa đáng cho chúng tôi chăm lo mà thôi.
24. HÃY CẤT LÒNG LÊN
Bởi đâu các thánh hay đặt ca vãn? – vì sự đọc ca vãn hay hát kinh, có sức đem linh hồn người ta lên cao, còn xác thịt hèn hạ, thì ưa những sự trầm trệ thấp hèn ở đời.
Có một lần, các cha đang ngồi bàn ăn, một cha đứng dậy ca hát, cha ấy có ý nhắc lòng trí mọi người lên khỏi bàn ăn. Khi cha ấy đang hát, một cha khác nói rằng: “Xin cho một miếng thịt bò”. Các người ngồi ăn đó liền cười cả lên, mà thật đáng khóc hơn đáng cười.
Chúng tôi khi nói chuyện cùng nhau, chớ nói về đồ ăn thức uống, chớ nói chuyện như loài vật. Nếu con trâu con bò nó nói được, nó nói chi? – Nó nói đám cỏ này ngon, đám kia dở. Vậy, chúng tôi chớ nói chuyện về phước loài vật. Có nói, thì nói việc lành việc thánh giúp nhau kính mến Chúa mà thôi. Nếu ai buồn vì đồ ăn thức uống không ngon, chi mà ba tàu môn, ba lát dưa, cứ dọn đi dọn lại hoài, ai ăn được, rồi buồn, kêu trách, kẻ ấy không khác chi trâu bò, những linh hồn ấy thấp kém, cả đời chỉ bò dưới đất, mà tìm những sự mau qua chóng hết.
Vậy, chúng tôi hãy cất lòng lên quá khỏi thế này. Phước chúng tôi cao trọng lắm, đó là được chính mình Chúa [A]. Hãy ra sức tìm Chúa cho được.
25. XIỀNG XÍCH LÀ NẾT XẤU, NGỦ MÊ LÀ QUÊN BỎ CHÚA
Khi Thánh Phêrô đang ngủ trong ngục, thì tay mang xiềng. Vậy, chúng tôi mắc tính tư dục bởi máu Adam, nên chúng tôi mắc xiềng là các tính mê nết xấu. Thánh Phêrô đang ngủ trong tù, chúng tôi cũng đang ngủ mê là không tỉnh thức gặp Chúa, không nói khó với Chúa, không kết hiệp với Chúa. Ngủ mê là không mấy khi nhớ đến nước thiên đàng, không nhớ đến đời sau. Khi nói chuyện, cũng nói như người thế gian, nói việc làm ăn, về tiền tài, về những sự sung sướng đời này. Đó là ngủ mê!
Những người như thế, thật là người thế gian, chỉ lo việc đời này mà thôi. Những người thế ấy có nhiều lắm, chẳng những ngủ mê, mà lại chết nữa. Chết là mắc tội trọng, mất ơn nghĩa. Kẻ ấy ở trong tội, trong chúng tôi thì khỏi sự ấy. Vậy, hãy cám ơn Chúa.
Chúng tôi hãy xét mình xem có phải là kẻ mê ngủ không? – Thật, có nhiều khi mê ngủ, vì miệng thì đọc kinh mà lòng thì lo ra, chiêm bao không nói với Chúa một lời; có khi buổi mai giờ nguyện gẫm, chúng tôi thức, có ý đi đàng nhân đức, song khỏi một chốc thì quên mất.
Vậy, chúng tôi hãy thức. Thức là hằng tìm Chúa, gặp Chúa, nói khó với Chúa, kết hiệp với Chúa [A]. Có kẻ ra sức đi đàng nhân đức, giục lòng kính mến Chúa mà chưa được, rồi lại ngủ mê. Chúng tôi không nên ngã lòng. Ma quỉ nó cám dỗ chúng tôi phạm tội nặng không được, thì nó cám dỗ chúng tôi mê ngủ.
Khi Thánh Phêrô đang ngủ, Chúa sai Thiên Thần xuống đánh thức ngài theo mình mà rằng: “Hãy dậy cho mau, dậy cho mau”. Chúng tôi hãy xin Chúa sai Thiên Thần xuống đánh thức chúng ta dậy cho khỏi tù ngục chúng tôi đang mắc phải, là các tính mê nết xấu. Chúng tôi hãy hết lòng cám đội ơn Chúa, đã kéo chúng tôi ra khỏi tù ngục thế gian, mà đem chúng tôi vào Nhà dòng này.
Xin Chúa cho chúng tôi mau ra khỏi chốn tù đày thế gian này, mà về cùng Chúa và Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng.
26. KHUYÊN GIỮ TRÍ LÒNG [A]
Nay tiện thể có mấy anh em cấm phòng, và chúng tôi hết thảy cũng dọn mình trước lễ Đức Mẹ. Chúng tôi lo thông công với nhau trong buổi cấm phòng, lo ra sức nên thầy dòng hơn, nhất là các anh em kẻ thì khấn trọng thể, kẻ thì khấn tạm, người thì xin khấn lại, người thì mặc áo dòng, thì phải lo cách riêng hơn. Mọi việc bổn phận phải làm hằng ngày, làm cho chăm chỉ và tử tế. Lo tìm Chúa.
Nếu Cha Thánh Biển Đức, ngài có ở trong nhà này, ngài có ăn ở như chúng tôi không? – Hẳn thật, ngài hằng lo tìm Chúa, kết hiệp với Chúa mà thôi. Chúng tôi cũng phải lo cho được như vậy.
Khi làm việc mà chăm chỉ, có ý làm việc cho Chúa, thì có quên Chúa đi nữa, cũng không sao. Nhưng mà trong các việc, có việc không cần phải chăm chỉ, hãy lo mà nhớ đến Chúa [B], bằng không thì trí khôn ta hay chiêm bao luôn: khi thì chiêm bao về xứ sở, cha mẹ, bà con, gặp người nọ người kia… Bởi đó, sinh ra chước cám dỗ, có khi vui buồn cũng tại đó .
Vậy, chúng tôi phải cầm hãm trí khôn cho lắm. Đó là một cách hãm mình có ích hơn hết, mà khỏi sinh lòng kiêu ngạo. Chớ cho nó lo ra, là điều hại lắm; nhưng, hãy lo tưởng nhớ đến Chúa. Sự bắt trí khôn hằng tưởng nhớ đến Chúa là một điều tốt nhất và là rất khó, cho nên có kẻ không làm. Vậy, chúng tôi hãy lo mà làm, là tập mình hằng tưởng nhớ đến Chúa. Xin Đức Mẹ giúp chúng tôi được như vậy.
27. CÁM ƠN CHÚA ĐÃ GỌI CHÚNG TÔI VÀO DÒNG
Chúng tôi hãy năng nhớ lại mà cám ơn Chúa, vì Chúa đã thương gọi chúng tôi vô dòng này. Thật là một ơn rất trọng.
Các thánh nói, trừ ơn được chịu phép Rửa tội ra, không có ơn nào quí trọng bằng ơn thiên triệu này, đáng kể là chịu phép Rửa tội lần thứ hai, vì ơn vào dòng thì tóm lại hết các ơn thay thảy.
Chúng tôi phần nhiều khi mới vào dòng thì còn nhớ, còn lấy làm quí làm phước; lâu lâu rồi xem ra quên, không lấy làm quí, làm trọng cho đủ.
Một thầy dòng thật, khi có việc phải đi khỏi Nhà dòng, hoặc cực chẳng đã phải đi nhà thương, thì khi ấy mới biết phước trọng kẻ ở trong Nhà dòng là thế nào. Vì linh hồn chỉ gặp những điều chua xót đắng cay, không có chút chi là hạp cho linh hồn mình, và chỉ trông mong cho được mau bay về chốn thánh này, khác thể con chim bồ câu của ông Noê thả xưa, chỉ gặp thây ma xác chết, chẳng có chỗ nào cho mình để chân, nên bay về tàu. Vậy, những kẻ ấy thật là thầy dòng. Càng hiểu phước trọng mình đã được càng cám ơn Chúa nhiều hơn.
Còn như anh em nào, khi có việc phải ra khỏi Nhà dòng, thì lấy làm vui thích, càng lâu về càng hay, ấy là dấu không tốt. không phải lòng trí thầy dòng, khác thể con quạ ra khỏi tàu gặp thấy thây ma xác chết thì vui thích vậy.
Các thánh hằng quí trọng ơn phước ấy, như bà thánh Maria – Mađalêna de Pazzi, năng hôn vách tường Nhà dòng, và hằng cám đội ơn Chúa, vì đã gìn giữ mình cho khỏi trăm ngàn sự cheo leo ở giữa thế gian [A].
Vậy, chung tôi hãy năng nhớ lại, mà hết lòng cám đội ơn Chúa đã ban phước trọng ấy cho chúng tôi, và hằng ra sức ăn ở cho xứng đáng bậc cao trọng ấy, là bậc Chúa đã thương ban cho chúng tôi.
28. NÊN THẦY DÒNG THẬT
Chúng tôi phải nên thầy dòng thật, bằng không chỉ là phỉnh dối người ta. Họ gởi thư xin chúng tôi cầu nguyện, họ tưởng chúng tôi là những người nhân đức lắm, toàn là những ông thánh, ông thánh hết [A].
Vậy, chúng tôi hãy lo nên thầy dòng thật. Chớ để sự họ tin cậy chúng tôi ra vô ích. Việc bổn phận chúng tôi là cầu nguyện hãm mình. Muốn nên thầy dòng cầu nguyện hãm mình, thì hãy giữ Luật dòng và ý Bề trên cho kỹ, và kết hiệp cùng Chúa. Ngày hôm nay chúng tôi có kết hiệp cùng Chúa không? Kết hiệp với Chúa là năng nhớ đến Chúa, và nói khó cùng Chúa, hiệp một lòng một ý với Chúa [B]. Chúa cho chúng tôi vui, chúng tôi cũng vâng. Chúa để chúng tôi buồn, cũng dạ. Chúa cho gặp những gì trái ý nghịch lòng, cũng vâng. Dẫu phải làm những điều khốn cực lắm, cũng xin vâng hết thảy. Như vậy mới kể là hiệp một lòng một ý với Chúa.
Còn như chúng tôi khi gặp sự gì khó thì không bằng lòng, lại tỏ dấu buồn bực không bằng lòng với Bề trên, với anh em, không thương yêu nhau, như vậy thì còn chi nữa. Một thầy dòng không bằng lòng với Bề trên, thì có tội tỏ tường; mà không bằng lòng với anh em, cũng vậy.
Chúng tôi đã khấn buộc mình cải quá tự tân, bỏ tính mê thói xấu, và gắng công ra sức tốt hơn. Vậy, cách ăn ở như thế đã biết mà không lo cải đổi, thì lỗi lời khấn ấy rõ ràng. Chúng tôi phải lo kính mến Chúa, kết hiệp với Chúa, vâng ý Chúa mọi đàng, tỉnh thức luôn mà nhớ đến Chúa, thì lời chúng tôi cầu nguyện mới có sức, mới được thần thế trước mặt Chúa [C], mới làm cho người ta tin cậy chúng tôi không ra vô ích. Vì lời Sách Thánh rằng: “Chúa hằng làm theo ý những kẻ kính tôn Người”.
29. NÊN THẦY DÒNG THÁNH
Chúng tôi đã biết, làm nên một thầy dòng thật, nên một thầy dòng thánh không phải dễ đâu. Thật là một điều rất khó, nhưng chúng tôi có khởi công ra sức chịu khó tập tành, chăm chỉ cầu nguyện, thì thế nào cũng được. Một thầy dòng “contemplativi” – (chiêm niệm) hãm mình, trở nên một thầy dòng thánh, thì làm ích cho Hội Thánh [A], và rạng danh cho dòng mình.
Hãm mình có hai thứ:
– Hãm mình bề trong;
– Hãm mình bề ngoài.
Hãm mình bề trong thì sinh ích hơn hãm mình bề ngoài bội phần [B], lại không thiệt hại chi, ai làm cũng được, và chúng tôi có tỉnh thức thì gặp dịp luôn.
Còn sự hãm mình bề ngoài, như bớt ăn bớt ngủ, làm khốn thân thể cách này cách kia, có khi nên có khi không, tùy ơn Chúa soi cho, và cứ ý Bề trên và cha linh hướng. Song chắc hơn là giữ Luật dòng cho kỹ là hơn cả, giữ cho trọn trong các sự nhỏ mọn, cũng như trong những điều trọng. Như giữ con mắt mà giữ khéo cho ra tự nhiên, chớ giữ cách chau mày nhăn mặt quạu quọ kẻo khó coi. Giữ chân tay cho nết na. Giữ cách đi đứng cho nghiêm trang, cho ra một thầy dòng, hãy mến yêu tôn kính Bề trên, hãy kính yêu anh em. Điều khó hơn hết là bỏ ý riêng chúng tôi mà kết hiệp cùng Chúa, chịu khó hãm mình đền tội, cho được cộng tác với Chúa trong việc cứu rỗi linh hồn người ta.
Một thầy dòng thánh thì những sự anh em làm mất lòng mình, khó ở với mình… các sự hèn hạ như vậy, thì thầy có kể chi đâu, mà cũng không xét đến sự ấy nữa, chỉ chăm chú nghĩ suy và thao thức vì thấy người ta ít kính mến Chúa mà thôi, cả ngày, thầy chỉ tìm làm đẹp lòng Chúa, hằng kết hiệp với Chúa, an ủi Chúa và lo đến phần rỗi kẻ khác. Thầy hằng lo giữ như vậy, đến đỗi xem ra như chỉ có một mình Chúa với một mình thầy ở thế gian vậy, “solus cum so lo”. Ấy là thầy dòng nhất hảo. Hội thánh ước ao về chúng tôi như vậy. Sự ấy rất phải, vì sẽ làm ích cả thể cho Hội thánh cách kín nhiệm [C].
Ấy là chính việc bổn phận chúng ta, nên chúng ta phải lo cho được như vậy, là lo kết hiệp với Chúa, kính mến Chúa, và lo cho thêm số những người kính mến Chúa.