NIỀM VUI ĐƯỢC CỨU ĐỘ
(Lc 19,1-10)
Tùng Linh, Phước Lý
Trong bộ phim Cuộc Đời Chúa Giêsu, đạo diễn đã mô tả rất chi tiết những gì được trình thuật trong bài Tin Mừng hôm nay về nhân vật Dakêu. Giữa đám đông dân chúng, ông Dakêu đã chen lấn để nhìn thấy Chúa Giêsu nhưng bất lực vì ông quá lùn. Bỗng nhiên ông chạy ra phía trước và leo lên cây sung để nhìn cho rõ Chúa Giêsu. Chúa Giêsu gọi ông và ông mừng rỡ leo xuống đón Người về nhà mình. Trong bữa cơm thân mật, miệng ông lúc nào cũng nở nụ cười tươi. Ông đã nói với Chúa Giêsu và mọi người: Tôi sẽ lấy phân nửa tài sản cho người nghèo, và tôi có chiếm đoạt của ai thì xin đèn gấp bốn. Nói xong ông chạy vào trong lấy tiền bạc chia cho mọi người trong sự vui sướng. Ông đã tìm Chúa Giêsu, sau khi gặp Người ông đã hy sinh tất cả tài sản cho người nghèo. Một hành động thống hối triệt để.
Ông Dakêu làm nghề thu thuế. Dakêu trong tiếng Hy Lạp là Zakchaios; tiếng Hipri là Zakkai, có nghĩa là “trong sạch và vô tội”[1].
Người thu thuế, vì do nghề nghiệp, họ phải tiếp xúc thường xuyên với mọi hạng người, kể cả người ngoại giáo, nên họ bị coi là những người ô uế. Quy định mức thuế là quyền của chính quyền, nhưng thường được người thu thuế áp dụng cách võ đoán, nên họ bị dân chúng khinh bỉ, và danh từ “người thu thuế” tương đương với “hạng tội lỗi” công khai (x. Mt 9,10-11; Mc 2,16; Lc 5,30; 7,34; 15,1; 19,2-7), hạng ngoại đạo (x. Mt 18,17; 21,31), và hạng trộm cướp (x. Lc 3,2). Dakêu “đứng đầu những người thu thuế”, tức là ông phụ trách cả vùng. Như thế, Dakêu càng ở bên lề cộng đồng Do Thái hơn nữa[2].
Chúng ta thấy thánh Luca xây dựng nhân vật Dakêu thật nực cười. Ông được coi là hạng tội lỗi, hạng trộm cướp nhưng được đặt tên là Dakêu nghĩa là trong sạch và vô tội. Thật là đối lập giữa nghề nghiệp và tên gọi. Phải chăng Dakêu có những đặc điểm đặc biệt. Theo cha Đặng Quang Tiến, có thể Dakêu đã tìm kiếm Chúa Giêsu từ lâu, bây giờ là cơ hội để tìm gặp, như trường hợp của Herode (x. Lc 23,7-8) và Giuđa (Lc 22,47)[3].
Nói đến tìm kiếm, chúng ta lại nhớ đến dụ ngôn “người thương gia đi tìm ngọc quý”. Người thương gia sau những ngày rong ruổi, mòn mỏi đi tìm ngọc quý. Một ngày đẹp trời ông phát hiện ra viên ngọc quý, ông liền về nhà bán hết tài sản của mình để mua cho bằng được viên ngọc quý đó. Dakêu cũng vậy, sau khi phát hiện ra Chúa Giêsu, ông đã tìm mọi cách để nhìn thấy Người, thậm chí ông biến mình thành một đứa trẻ, leo lên cây sung để được nhìn thấy Chúa.
Sau khi đã được nhìn thấy Chúa, lòng ông rất mãn nguyện. Ông còn ngạc nhiên hơn nữa khi Chúa nói với ông: “Hãy xuống đây, hôm nay Tôi sẽ trọ nhà ông”. Sau khi nghe câu đó, ông không tin vào mắt mình ông mới nói “nhà tôi ư”.
Trong bữa tiệc tại nhà mình, Dakêu đã có một quyết định dứt khoát: “Phân nửa tài sản tôi cho người nghèo, tôi có chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn”. Theo cha Vũ Phan Long: “Mức bồi thường này vượt qua mức luật đòi hỏi (x. Xh 21,37; Ds 5,5-7; Lv 5,21-24: trả lại món tài sản đã lấy cộng với 1/5 giá trị món đó)”[4]. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô: “Việc lượng giá về giá trị vô cùng to lớn của “kho tàng”[5] đã giúp ông đi đến một quyết định cũng bao gồm cả hy sinh, siêu thoát và từ bỏ”[6].
Tuy Dakêu đã đi tìm kiếm Chúa Giêsu, nhưng chính Người mới là Đấng tìm gặp ông (x. Lc 19,5). Vì chính Người đã ngõ lời với ông trước: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”. Sau đó Dakêu đã đem tiền bạc phân phát cho mọi người. Cùng với hành động của ông, Chúa Giêsu đã nói: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.
Dakêu đã tìm được Nước Thiên Chúa, ông thống hối triệt để, và đã hy sinh tài sản của mình. Còn chúng ta thì sao? Khi chúng ta tìm thấy Nước Thiên Chúa, chúng ta có giống như Dakêu không? Vì theo Đức Thánh Cha Phanxicô: “Nước Thiên Chúa được ban tặng cho tất cả mọi người – đây là một hồng ân, một quà tặng, một ân sủng – nhưng Nước Chúa không được đặt trên một cái khay bằng bạc cho mọi người hưởng dùng, mà Nước Chúa đòi hỏi phải có một động lực: chúng ta phải kiếm tìm, chúng ta phải bước đi, chúng ta phải chịu khó, chịu nhọc”[7]. Khi tìm kiếm Nước Thiên Chúa, chúng ta phải có thái độ nào? Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ cho chúng ta biết: “Thái độ tìm kiếm là điều kiện thiết yếu để tìm gặp; con tim phải cháy lên niềm ao ước đi tìm gặp Ngài, nghĩa là Nước Chúa được thể hiện trong con người Đức Giêsu”[8]. Đó cũng là thái độ của Dakêu.
Khi chúng ta gặp được Chúa Giêsu rồi, chúng ta phải có hành động thế nào? Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên: “Khi chúng ta đã tìm gặp được Chúa, thì chúng ta không được để cho sự khám phá này trở nên vô ích, nhưng chúng ta phải hy sinh tất cả những thứ khác cho “kho tàng” quý giá này”[9]. Đó cũng là hành động của Dakêu.
Dakêu, một trưởng ty thu thuế, một người giàu có, sau một thời gian ôm ấp hy vọng, đã được gặp Chúa Giêsu, và khi có cơ hội gặp Người, ông đã tìm mọi cách để thấy Người. Ông đã sáng kiến chạy lên phía trước đón đầu và leo lên cây sung để nhìn rõ Người hơn. Nhưng chính Chúa Giêsu đã đi bước trước, Người đã cất tiếng gọi ông và bày tỏ ước nguyện ở lại nhà ông. Hành động đó của Chúa khiến Dakêu có một sự thống hối và thay đổi tận căn. Một người có chức vụ cao trong xã hội, một viên chức chính phủ, hẳn phải là người rất ý thức về “cái tôi” và địa vị của mình. Họ không khi nào lại chịu chạy ở ngoài đường, lại càng không chịu leo lên một cây sung ở ngoài đường như trẻ nhỏ hay như hạng người bình dân. Họ phải giữ tư cách hay thế giá, nghĩa là phải bảo vệ “cái tôi” của mình, nhất là khi mà đám đông kia đang coi thường mình! Thế mà Giakêu không ngại những chuyện ấy, ông đã từ bỏ “cái tôi” của mình để được thấy và biết mặt Đức Giêsu[10]. Nói cách khác, ông đã hy sinh tiền bạc, danh giá của mình để chiếm được Nước Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu đã nói với ông: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”.
Xin mượn lời của Đức Thánh Cha trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng để kết luận bài viết này: “Niềm vui Tin Mừng đong đầy con tim và đời sống của những ai đã gặp được Đức Giêsu. Những ai để cho Người cứu thoát đều được giải phóng khỏi tội lỗi, khỏi u buồn, khỏi sự trống rỗng nội tâm, khỏi cuộc sống cách ly. Cùng với Đức Giêsu Kitô, niềm vui luôn được phát sinh, và luôn được tái sinh”[11]. Ngày hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng niềm vui của Dakêu khi được gặp Chúa và được Ngài ban ơn cứu độ. Khi gặp được Chúa rồi, ông sẵn sàng hy sinh tất cả. Đây cũng sẽ là niềm vui của mỗi người trong chúng ta, khi chúng ta khám phá ra Đức Giêsu đang ở gần chúng ta, đang hiện diện và an ủi của cuộc đời chúng ta.
_____________________________
[1] Lm. FX Vũ Phan Long, Các Bài Tin Mừng Luca dùng trong Phụng Vụ, tr. 429.
[2] Lm. FX Vũ Phan Long, Các Bài Tin Mừng Luca dùng trong Phụng Vụ, tr. 429-430.
[3] Lm. LG Đặng Quang Tiến, Tin Mừng đã được loan báo, tr. 448.
[4] Lm. FX Vũ Phan Long, Các Bài Tin Mừng Luca Dùng Trong Phụng Vụ, tr. 431.
[5]Theo Đức Thánh Cha Phanxicô Chính Chúa Giêsu là kho tàng được che dấu, chính Người là viên ngọc có giá trị.
[6] Đức Thánh Cha Phanxicô, Kinh Truyền Tin Quảng Trường thánh Phero, ngày 30-7-2017.
[7] Đức Thánh Cha Phanxicô, Kinh Truyền Tin Quảng Trường thánh Phero, ngày 30-7-2017.
[8] Đức Thánh Cha Phanxicô, Kinh Truyền Tin Quảng Trường thánh Phero, ngày 30-7-2017.
[9] Đức Thánh Cha Phanxicô, Kinh Truyền Tin Quảng Trường thánh Phero, ngày 30-7-2017.
[10] gpcantho.com/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-31-thuong-nien-c, Suy niệm của JKN.
[11] Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 1.