THẢO KÍNH CHA MẸ
(Hc 44,1.10-15; Tv 127,1-2.3.4-5a.5b-6; Ep 6,1-4.18-23; Mt 15, 1-6)
Fm. Martino Phạm Thanh Toàn
Hôm nay Mùng Hai Tết, Giáo Hội Việt Nam cử hành thánh lễ kính nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ của chúng ta trong tinh thần : “Uống nước nhớ nguồn – Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Kể từ khi Ki-tô giáo bén rễ trong văn hóa Việt Nam thì đã rửa tội cho ba ngày Tết: Mùng Một thờ kính Thiên Chúa, Mùng Hai kính nhớ Tổ tiên OBCM, Mùng Ba thánh hóa công việc làm ăn, đã biến ý nghĩa của ba ngày Tết nên các mục tiêu cứu cánh của cuộc đời một con người. Thánh lễ hôm nay kính nhớ TTOBCM mời gọi chúng ta sống ý nghĩa sâu thẳm của gia đình. Bởi vì
Sinh con rồi mới sinh cha,
Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông.
Cho nên
Con người có tổ có tông
Có cha có mẹ có ông có bà.
Kính mời cộng đoàn phụng vụ tâm niệm đặc biệt về gia đình của mình trong thánh lễ hôm nay.
***
Tổng quan.
Tin Mừng theo thánh Gioan chương 10,10: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”. Cuộc đời con người rõ ràng không những “sống” mà còn phải “sống như thế nào” nữa. Người ta quan sát thì thấy phần lớn con người chỉ ở mức “chuẩn bị sống” chứ chưa thực sự “sống”. Có giai thoại vui về người Việt Nam ở ba miền: người miền Bắc làm 10 đồng, ăn 5 đồng, cất 5 đồng; người miền Trung làm 10 đ., ăn 2 đ cất 8 đ.; người miền Nam làm 10đ ăn 12đ., dư nợ 2 đồng. Hình như người Việt mình đang “chuẩn bị sống” chứ chưa thực sự “sống”. Sống và sống dồi dào mới gọi là hạnh phúc. Nói cách khác, Cuộc đời một con người chỉ hạnh phúc khi 4 mục tiêu CỨU CÁNH được hoàn thành trước khi nhắm mắt xuôi tay, đóng nắp quan tài, đó là Tương quan, Gia đình, Sự nghiệp và Sức khỏe, cộng với 3 mục tiêu PHƯƠNG TIỆN: làm người, làm việc và làm công dân. 1. Đạt được các mối tương quan, mà xuất phát điểm của các tương quan là Thiên Chúa, để rồi tương quan với tha nhân. Vậy, tìm kiếm và khắng khít với Thiên Chúa – xác lập và vận hành tương quan với Thiên Chúa và tha nhân chính là một mục tiêu cứu cánh của con người. Để đạt được mục tiên này, không phải tự nhiên mà có, nhưng nhất thiết phải xây dựng kiên trì khổ công. 2. Đạt được một gia đình hạnh phúc, trong đó con cái anh chị em cha mẹ ông bà tổ tiên, trên thuận dưới hòa, khang an trường thọ. Để đạt được mục tiên này, không phải tự nhiên mà có, nhưng nhất thiết phải xây dựng kiên trì khổ công. 3. Đạt được một sự nghiệp to lớn và bền vững. Sự nghiệp muốn nói ở đây chính là khả năng “kiếm tiền” và tiền bạc do mình làm ra cho mình và cống hiến cho nhân loại. Để đạt được mục tiên này, không phải tự nhiên mà có, nhưng nhất thiết phải xây dựng kiên trì khổ công. 4. Đạt được một sức sống tinh thần và thể chất khả dĩ đảm trách sứ mạng làm người của mình. Nếu chỉ có sức khỏe thể chất mà sức sống tinh thần u tối và ngược lại nếu chỉ có sức sống tinh thần mà thể xác yếu nhược, thì không được coi là người có sức khỏe, có sức sống. Để đạt được mục tiên này, không phải tự nhiên mà có, nhưng nhất thiết phải xây dựng kiên trì khổ công.
Bốn mục tiêu trên bao trùm toàn bộ cuộc sống của một đời người. Nhưng thử hỏi có mấy ai trên đời đạt được bốn mục tiêu đó trước khi nhắm mắt xuôi tay? Nói cách khác, thử hỏi trước lãnh visa xuất ngoại theo diện RIP (Requiescat In Pace) có mấy người thực sự nếm cảm hạnh phúc của đời người, trong khi người ta chỉ có hạnh phúc thực sự khi đạt được bốn mục tiêu của cuộc đời như trình bày trên đây?
Với phần tổng quan này, chúng ta càng thấy rõ hơn Lời Chúa đã nhập thế trong văn hóa của nhân loại như thế nào.
Trong ngày Đại Lễ kính nhớ Tổ Tiên Ông Bà Cha Mẹ ngày mùng 2 Tết hôm nay, Tin Mừng nhắc lại luật của Thiên Chúa truyền phải thảo kính cha mẹ và cũng cho thấy những khuôn mặt phản diện là các Pharisieu và kinh sư là những người viện lẽ truyền thống do họ tạo ra mà bỏ qua lề luật của Thiên Chúa. Trong thư gửi tín hữu Ephêsô, thánh Phaolo dạy đến từng chi tiết cách cư xử thế nào cho phải phép của người làm con và những bậc làm cha mẹ. Và bài đọc I trích sách Huấn Ca nói về vai trò của các Bậc tiền nhân, họ đã để lại một gia sản là hậu duệ “lũ cháu đàn con”. Vì văn hóa Kinh Thánh và ngay cả người Á Đông cũng quan niệm rằng những ai tuyệt tự thì bị coi như kẻ bất hạnh.
Điều được tranh luận nóng bỏng ở trong bản văn Tin Mừng là hạn từ TRUYỀN THỐNG. Vậy “truyền thống” được hiểu như thế nào? Đó là những giá trị được lưu truyền trong thời gian qua phong tục, tập quán hay lối sống. Nếu phong tục, tập quán hay lối sống phù hợp nhân văn sẽ trở thành truyền thống, nếu không sẽ bị đào thải theo thời gian. Đạo hiếu – Thảo kính cha mẹ là một giá trị nhân văn thuộc lối sống của con người được xuất phát từ chính lệnh truyền của Thiên Chúa, Đấng Sáng Tạo trời đất và muôn vật muôn loài.
Bởi thế xuyên suốt Lời Chúa hôm nay chỉ nhắm đến Gia đình. Quá khứ của gia đình là tổ tiên ông bà, hiện tại của gia đình là cha mẹ, tương lai của gia đình là con cái. Tất cả đều là thành viên của gia đình Đại hay gia đình nhỏ. Mỗi thành viên trong vai trò của mình ý thức trách nhiệm xây dựng gia đình là mục tiêu mang hệ số 2, trong khi các mục tiêu khác mang hệ số 1.
Nếu chúng ta chấp nhận những nét đã nêu trong phần tổng quan, thì rõ ràng hạnh phúc của đời người chỉ có được khi người đó vận hành “hệ sinh thái” các mục tiêu cứu cánh của đời mình cách lành mạnh và hợp lý.
Giá trị vận hành mục tiêu gia đình phải mang hệ số 2, vì gia đình là căn bản, là nền tảng đời sống con người, nên phải đầu tư gấp 2, trong khi đầu tư đúng mức với hệ số 1 vào ba mục tiêu kia (tương quan, sự nghiệp và sức khỏe). Nói cách khác, hạnh phúc là đáp số của một hàm số gồm bốn biến số, mà mỗi biến số phải được giải quyết rốt ráo và thỏa đáng. Ví dụ một người chỉ lo kiếm tiền gây dựng sự nghiệp, nhưng ít chăm lo cho gia đình, hay sức khỏe mỏng manh, hay giàu có nhưng lại ít bạn bè, người đó không thể gọi là có hạnh phúc vì đã không vận hành các mục tiêu theo “hệ sinh thái”, nghĩa là đã đầu tư thiên lệch, thái quá và bất cập. Một ví dụ khác, người đời vẫn nói: sức khỏe là vàng. Câu này có điều gì đó không ổn. Để có sức khỏe (cơ bắp và tinh thần), cần đầu tư đúng mức (…), vì khi sức khỏe bị tổn thương hoặc không được đầu tư, vàng cũng không thể mua lại được. Và khi có sức khỏe, người ta làm ra không những vàng và nhiều thứ giá trị hơn vàng (giá trị nhân văn, giá trị vĩnh cửu).
Vả lại, cũng cần thiết nhìn vào thực tế xung quanh chúng ta, thấy rằng mức độ của hạnh phúc cũng còn tùy thuộc vào nguồn lực và sự phân bổ nguồn lực vào các mục tiêu cho phù hợp. Nguồn lực của mỗi con người vốn hữu hạn (ví dụ có sức khỏe cơ bắp nhưng sức khỏe tinh thần lại hạn chế), nếu không sử dụng đúng vào các mục tiêu cuộc đời (làm như anh Don Quichotte đánh cối xay gió), thử hỏi cuộc đời ấy sẽ kết thúc như thế nào?
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Kính nhớ Tổ tiên Ông Bà Cha Mẹ nhắc nhớ chúng ta là những người kế thừa gia sản các ngài để lại: các ngài đã làm người, làm việc và làm công dân như thế nào.
Tham dự bàn tiệc Lời Chúa hôm nay, chúng ta được nhắc nhớ về một trong các mục tiêu cứu cánh cuộc đời mình, đó là xây dựng gia đình. Vậy kể từ hôm nay, từ lúc này và trong năm nay, chúng ta “tái cấu trúc” lại nhận thức của mình về gia đình và thực sự đầu tư gấp đôi cho mục tiêu đó. Để rồi, khi kết thúc cuộc đời, nhắm mắt xuôi tay, đóng nắp quan tài, chúng ta có thể hưởng nếm phần nào hương vị của niềm hạnh phúc viên mãn. Amen.