Chúa nhật XII Thường Niên, năm C
«KHOẢNG CÁCH: TIN & SỐNG»
Bài đọc 1: Dacaria 12, 10-11; 13, 1
Bài đọc 2: Galat 3, 26-29
Tin Mừng: Luca 9, 18-24
Vào thế kỷ 19, cả thế giới đều ngưỡng mộ tài năng của một trong những nghệ sĩ tên tuổi của ngành xiếc tại Mỹ, đó là Blondin, một người Mỹ gốc Pháp, ông sinh ra tại St.Omer, Pas-de-Calais, vào ngày 24/2/1824 và mất ngày 22/2/1897. Tên thật của ông là Jean-François Gravelet, nhưng thường được biết đến với tên Jean-François Blondin, và còn được gọi là “Chevalier Blondin”, hay đơn giản hơn là “The Great Blondin”.
Một trong những kỳ công đáng ghi nhớ nhất của nghệ sĩ Blondin là ông đã có thể đi trên một sợi dây ngang qua thác Niagara Gorge, là thác dài nhất và cao nhất thế giới nằm ngay biên giới giữa hai nước Mỹ và Canada. Một ngày kia, trước khi biểu diễn, ông quay sang hỏi một cậu bé đứng gần đó: “Em có tin là tôi có thể mang một người trên vai và đi xuyên qua dòng thác này không?”. Giữa tiếng thác đổ ầm ầm, câu bé thét lên “Vâng, cháu tin là chú có thể làm được điều đó”. Tuy nhiên, khi ông đề nghị được mang cậu bé trên vai thì cậu bé đã lắc đầu từ chối, vì cậu bé không đủ tin tưởng vào sự bảo đảm mà ông sẽ mang lại.
“Vâng, cháu tin là chú có thể làm được điều đó”. Nơi câu trả lời cách xác quyết này của cậu bé với nghệ sĩ Blondin, ta có thể tìm thấy điểm chung nào đó với câu trả lời mà Phêrô đã đại diện cho anh em để trả lời với Đức Giêsu mà Thánh sử Luca thuật lại trong bài Tin mừng: «Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa» (c. 20). Bằng chứng là, sau sự xác quyết của mình, cậu bé đã từ chối lời mời của nghệ sĩ Blondin vì thiếu niềm tin vào ông, thì ở đây Phêrô cũng vậy, sau khi tuyên tín thì liền sau đó đã quay lại cản đường Đức Giêsu, không cho Người đi lên Giêrusalem để chịu chết, và kết cục là ngài đã bị Đức Giêsu mắng cho: «Satan, hãy lui lại đàng sau Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người» (x. Mt 16, 23).
Cậu bé trên đây cũng có thể còn là hình ảnh của rất nhiều người trong chúng ta khi phải trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu “Phần các con, các con bảo Ta là ai?”. Cũng như Phêrô khi đại diện cho các tông đồ, chúng ta sẽ trả lời “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Nhưng trong thực tế, chúng ta cũng như thánh Phêrô chưa hiểu rõ về điều mình tuyên tín, và nhất là đời sống của chúng ta vẫn còn tương phản với lời tuyên xưng ấy. Bởi lẽ, Đấng Kitô của Thiên Chúa, là hoàn toàn khác với những gì chúng ta nghĩ. Và theo nghĩa Thánh kinh, Đấng Kitô chính là Đấng Mesiah (trong tiếng Dothái), và là Đấng Được Xức Dầu (trong tiếng Hy lạp), là Đấng được Thiên Chúa sai đến, là Đấng dân Israel mong đợi, là Đấng mà «Chúng sẽ khóc than Đấng chúng đã đâm thâu, như người ta khóc than đứa con một. Chúng sẽ thương tiếc như người ta thương tiếc đứa con đầu lòng [… Nhưng] ngày ấy, một dòng suối sẽ vọt ra cho nhà Đa-vít và dân cư Giêrusalem, để tẩy trừ tội lỗi và ô uế» (Bài đọc I).
Dòng suối tẩy trừ tội lỗi ấy chính là Đức Kitô, để «bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy đều thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô […] và là những người thuộc dòng dõi ông Abraham, những người thừa kế theo lời hứa» (Bài đọc II).
Thì ra theo Thánh Phaolô, kitô hữu là những người thừa kế một lời hứa ban ơn cứu độ, thừa kế một đức tin trung trinh trong gian khó của tổ phụ Abraham. Một đức tin gắn liền với cuộc sống, một đức tin được tôi luyện trong những biến cố cuộc đời, được kết tinh từ những lần vấp ngã và trỗi dậy, từ những lần sa ngã và được thứ tha, từ những lần lạc lối rồi trở về.
Quả thế, lý tưởng là, kitô hữu phải là người sống đức tin, phải để cho đức tin len lỏi vào từng ngõ nghách đời mình. Nhưng thực tế, người ta thường có sự tách biệt giữa đức tin và đời sống: đức tin của những trang Kinh Thánh không liên quan gì đến những trang sử đời người; đức tin của tràng chuỗi Mân Côi không dính dáng gì đến đức tin của những chuỗi ngày sống với tha nhân; đức tin của những giờ kinh nguyện đã hoàn toàn kết thúc khi cánh cửa nhà thờ khép lại… Một hình ảnh mà tôi luôn nhớ mãi từ thuở còn thơ, khi đi lễ ở nhà thờ trong xóm đạo. Có một bà nổi tiếng là đạo đức, luôn tham dự đầy đủ các giờ kinh và giờ lễ trong giáo xứ, và đọc to tiếng những lời kinh nguyện giữa nhà thờ. Vào một sáng Chúa nhật nọ, như thường khi, bà đã tham dự thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa rất sống sắng; nhưng sau lời chào chúc bình an của linh mục chủ tế khi kết thúc Thánh lễ, mọi người vừa bước ra khỏi nhà thờ, bất chợt giật mình khi nghe thấy từ chất giọng quen thuộc ấy không còn là những lời kinh đạo đức nữa mà thay vào đó là những lời cay nghiệt chói tai: «Con kia, có trả nợ cho bà không? Mày mà không trả thì liệu hồn, bà sẽ xé xác mày ra!»
Thế đấy, đức tin và cuộc sống, một khoảng cách tưởng như quá gần, nhưng thực lại quá xa. Đức tin và lý trí, đức tin và hành động, chỉ là một đoạn ngắn đi từ khối óc đến con tim, từ môi miệng đến đôi tay, thế mà lại là cả một hành trình vạn lý…
Khó!, rất khó để ta có thể sống trọn đức tin mình! Vì nói thì quá dễ, nhưng làm thì khó vô cùng! Thế mới hay, bao giờ ta mới hiểu Đấng Kitô thực sự là ai?. Bao giờ ta mới hiểu con đường của Đấng Kitô phải đi là con đường nào? Và bao giờ ta có thể hiểu muốn theo Chúa thì con đường nào ta sẽ phải bước đi?. Nhận diện Đấng Kitô đã khó; đi vào con đường của Người còn khó hơn. Bởi lẽ: «Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá hằng ngày mà theo» (Bài tin Mừng, c. 23). Và chỉ có con đường này thì ta mới có thể trả lời trọn vẹn ba câu hỏi mỗi ngày ta phải đối diện:
. đối với tôi, Đức Kitô là ai?,
. đối với Đức Giêsu, tôi là ai? và,
. đối với mọi người, tôi là ai?
Quốc Vũ
~*~