HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM
Nội san linh đạo đan tu
HUYỀN NHIỆM HIỆP THÔNG
Số 20, tháng 1 năm 2017
LỜI NGỎ
Kính thưa Quí Độc Giả
Bước sang năm thứ hai trong ‘chương trình ba năm chuẩn bị mừng Bách Chu Niên’ ngày Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận lập dòng trên Núi Phước, thuộc tỉnh Quảng Trị, Giáo phận Huế (15/8/1918 – 15/8/2018). Nội San Hạt Giống Chiêm Niệm dành hai số: số 20 và số 21 để suy tư học hỏi chủ đề ‘Cùng Với Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, Đan Sĩ Xitô Thánh Gia Sống Huyền Nhiệm Hiệp Thông’. Một chủ đề rất thiết thực và cốt yếu trong đời sống thánh hiến của người Đan sĩ Xitô Thánh Gia.
Thật vậy, trong đời sống đức tin nói chung, đặc biệt là trong đời sống của người Đan sĩ Xitô Thánh Gia nói riêng, hiệp thông hay hiệp nhất là điều kiện bất khả khuyết để duy trì và phát triển đời sống cộng đoàn Đan tu; một đời sống không chỉ dừng lại ở bình diện chiều ngang, giữa những con người với nhau, nhưng sự hiệp thông này còn có gốc rễ từ sự hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa. Chính mối hiệp thông chiều dọc với Thiên Chúa đã làm cho sự hiệp thông chiều ngang với tha nhân có một ý nghĩa mới.
Hình ảnh ‘Cây Nho và Cành Nho’ mà Đức Giêsu đã sử dụng và được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Gioan là một ví dụ điển hình và thật sự có ý nghĩa (x. Ga 15,1tt). Thật vậy, một cành nho sẽ không thể sinh hoa kết trái, thậm chí sẽ không thể sống còn nếu nó không dính liền với thân cây nho. Hơn nữa, vì tất cả những cành nho đều dính kết với thân cây nho, nên giữa chúng cũng có chung một sự sống, cùng chia sẻ một nguồn gốc từ chính cây nho ấy: Cây Nho Giêsu.
Có lẽ những bài viết trong ‘Tập Nội San số 20’ này chưa diễn tả hết được những chiều kích sâu xa và thiết thực về các giá trị của sự hiệp thông trong đời sống Đan tu Xitô, nhưng thiết tưởng đây cũng đã là một cố gắng đáng trân trọng về lòng khao khát sống hiệp thông với Chúa và với anh chị em của các tác giả. Đồng thời, qua những bài viết có phần đơn sơ nhưng rất chân thành này, các tác giả cũng muốn bày tỏ một tấm lòng nhiệt huyết trong việc xây dựng sự hiệp thông cộng đoàn tu trì; đồng thời, nó cũng là một lời kêu mời tha thiết gửi đến mỗi người chúng ta, con cái của Cha Tổ Phụ Kính Yêu, hãy hăng say hơn nữa, chân thành hơn nữa trong việc sống và loan truyền sự hiệp thông kép, một sự hiệp thông đem lại ơn cứu độ: hiệp thông với Thiên Chúa, với đồng loại và vạn vật.
Cầu chúc Quí Độc Giả luôn đắm mình trong sự hiệp thông triền miên và sâu sắc, một sự hiệp thông trọn vẹn trong Thiên Chúa và với anh chị em cũng như với toàn thể vũ trụ và vạn vật; ước mong rằng sự hiệp thông kép này khả dĩ tạo nên sức sống và sức mạnh để xây dựng bản thân, cộng đoàn, Hội Dòng và Nước Chúa ngay giữa trần gian này.
Xin trân trọng gửi đến Quí Độc Giả Tập Nội San số 20 này.
Trân trọng
Ban Biên Tập
MỤC LỤC
- MÔSÊ- CON NGƯỜI CỦA SỰ HIỆP THÔNG
(Tác giả: FM.Montfort Huyên_ Đan viện CSDĐ) - MAGNIFICAT- SỐNG HUYỀN NHIỆM HIỆP THÔNG
(Tác giả: TGM. Ngô Quang Kiệt ) - ĐỨC KITÔ – NỀN TẢNG HIỆP THÔNG
(Tác giả: FM.Giuse Phan Văn Phi_ Đan viện Phước Sơn) - ĐỜI SỐNG HUYNH ĐỆ TRONG CỘNG ĐOÀN
(Tác giả: FM.Dominico Phạm Văn Hiền_ Đan viện Phước Sơn) - CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN
(Tác giả: FM. Duyên Thập Tự_ Đan viện Phước Sơn) - ĐỜI TU NHƯ LÀ TẤM BÁNH BẺ RA
(Tác giả: Sr. M. Phaolo Thánh Giá _ Đan viện Phước Hải) - THÁNH THỂ – BỮA TIỆC HIỆP THÔNG
(Tác giả: Sr.M. Gerado Majella Trần Thị Hợp_Đan viện Phước Hải ) - VAI TRÒ CỦA QUYỀN BÍNH
(Tác giả: FM.Giuse Phan Văn Phi_ Đan viện Phước Sơn) - TƯƠNG QUAN GIỮA CÁ TÍNH VÀ CỘNG ĐOÀN
(Tác giả: FM. Montfort Nguyễn Xuân Pháp _Đan viện Châu Thuỷ ) - ĐAN SĨ SỐNG HIỆP THÔNG
(Tác giả: Fr. Alberto) - ĐAN SĨ SỐNG HIỆP THÔNG TRONG SINH HOẠT ĐAN TU
(Tác giả: Sr. M. Gorety Huyền Trinh_Đan viện Phước Thiên) - ĐAN SĨ SỐNG HUYỀN NHIỆM HIỆP THÔNG
(Tác giả: Lớp Biển Đức_Đan viện Phước Lý) - KITÔ HỮU VÀ LƯƠNG DÂN
(Tác giả: FM.Mai Thi_Đan viện CSĐD) - BÁC ÁI LÀ MỐI DÂY HIỆP THÔNG
(Tác giả: FM. Biển Đức Nguyễn Hạnh Thơm _Đan viện Thiên Phước) - HIỆP THÔNG TRONG TÌNH YÊU
(Tác giả: Sr.M. Mai Ân Thông _Đan viện Vĩnh Phước)
MÔSÊ- CON NGƯỜI CỦA SỰ HIỆP THÔNG
FM.Montfort Huyên_ Đan viện CSDĐ
Hiệp thông là gì? Ở mức độ tổng quát thì sự hiệp thông được tự điển Webster’s New World College định nghĩa như sau: “Hiệp thông là việc hiểu biết, chia sẻ, tham dự, trao đổi, và đồng ý với nhau về những tư tưởng và cảm xúc riêng tư, đặc biệt là ở cấp độ tâm linh”[1].
Trong Kinh Thánh, có một nhân vật đã đi vào sự hiệp thông với Thiên Chúa và Dân riêng của Ngài trong một mức độ rất thân mật và sâu xa đó là ông Môsê. Bài viết này sẽ nêu lên mức độ hiệp thông rất đặc biệt đó của ông Môsê và rút ra những áp dụng cho cuộc sống của Kitô hữu ngày nay.
I.MÔSÊ – CON NGƯỜI LUÔN SỐNG HIỆP THÔNG THÂN MẬT VỚI THIÊN CHÚA
1.Một người bạn của Thiên Chúa
Trong sách Xuất Hành, chúng ta thấy ông Môsê là người duy nhất có mối liên hệ cá nhân mật thiết với Thiên Chúa: “Đức Chúa đàm đạo với ông Môsê, mặt giáp mặt, như hai người bạn với nhau” (Xh 33,11).
Cũng thế sau cuộc nổi loạn của Aaron và Miriam, Chúa nói về ông Môsê: “Nhưng với Môsê tôi tớ Ta thì khác: tất cả nhà Ta, Ta đã trao cho nó. Ta nói với nó trực diện, nhãn tiền, chứ không nói bí ẩn, và hình dáng ĐỨC CHÚA, nó được ngắm nhìn” (Ds 12,8).
Sự thân mật này giữa ông Môsê và Thiên Chúa hầu như là duy nhất trong lịch sử và sẽ được nhớ đến mãi trong các truyền thống. Sách Huấn Ca cũng nói: “Người, diện đối diện, ban cho ông các điều răn” (Hc 45,6). Mối liên hệ diện đối diện này được dành riêng cho ông Môsê mà thôi. Mọi người còn lại tiếp xúc với Thiên Chúa qua ông Môsê. Sau khi tuyên bố Thập Giới, chúng ta đọc: “Khi nghe tiếng sấm sét, tiếng tù và, khi thấy ánh lửa và núi bốc khói, toàn dân sợ hãi run rẩy và đứng xa xa. Họ nói với ông Môsê: “Xin chính ông nói với chúng tôi, chúng tôi mới dám nghe; nhưng xin Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi, kẻo chúng tôi chết mất” (Xh 20,18-19). Luật này có giá trị trong suốt thời của ông Môsê.
2.Một người tôi tớ trung tín của Thiên Chúa
Trong sách Dân Số, ông Môsê được gọi là “tôi tớ”: “Nhưng với Môsê tôi tớ Ta thì khác: tất cả nhà Ta, Ta đã trao cho nó” (Ds 12,7). Đây là một tước hiệu tôn vinh ông. Trong cuốn sách “Cuộc đời của ông Môsê” thánh Gregory of Nyssa đã đưa ra một chú giải tuyệt vời về việc mô tả ông Môsê là tôi tớ trung thành của Thiên Chúa: “Chúng ta học được một điều gì đó qua sự kiện ông Môsê sau khi chịu nhiều thử thách được xem là xứng đáng với danh hiệu cao quí là “tôi tớ của Thiên Chúa” một tước hiệu vượt trên mọi tước hiệu”. Rồi ngài tiếp tục: “Điều chúng ta học được từ sự kiện này là gì? Chỉ có một mục đích cho cuộc sống đời này: được gọi là “tôi tớ của Thiên Chúa”, dựa trên các hành động của chúng ta”.
Và thánh nhân áp dụng cho các độc giả của ngài: “Trong thực tế, khi bạn đã thắng được các kẻ thù: Ai Cập, Amalec, Ê đôm, khi bạn đã vượt qua Biển Sậy, đã được soi sáng bởi cột lửa, đã uống nước chảy từ tảng đá, đã thưởng thức manna, thì cuối cùng trong đời sống thiêng liêng bạn phải đi tới đích: phải được gọi là “tôi tớ của Thiên Chúa”.
3.Sống hiệp thông với Thiên Chúa qua việc vâng phục trọn vẹn
Ông Môsê đã hòa mình hoàn toàn vào trong kế hoạch của Thiên Chúa. Thư Do Thái nói về ông: “Ông Môsê đã trung thành khi thi hành chức vụ đối với toàn thể nhà Thiên Chúa” (Dt 3,5). Cụm từ “trong nhà Thiên Chúa” có nghĩa không phải là trong nhà của ông Môsê. Điều này quan trọng. Lúc đầu ông Môsê đã muốn lập một nhà cho riêng mình để quản trị dân chúng. Sau này ông đã đồng hóa chính mình với dân chúng đến nỗi ông có nguy cơ bị Thiên Chúa loại bỏ. Nhưng ông đón nhận một nguy cơ như thế bởi vì ông tin rằng công việc là của Thiên Chúa chứ không phải của ông. Từ lúc khởi đầu ông đã xem đó là công việc của Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa phán với ông: “Bây giờ ngươi hãy về cùng tổ tiên”, và ông Môsê đã chết. Ông chết theo lệnh của Thiên Chúa, một cái chết vì vâng phục. Điều này chứng tỏ ông Môsê cũng đã hiệp thông với Thiên Chúa trong sự vâng phục trọn vẹn, và ông đã không tìm kiếm vinh quang cho mình nhưng cho Thiên Chúa.
II.ÔNG MÔSÊ, CON NGƯỜI HIỆP THÔNG VỚI DÂN THIÊN CHÚA QUA VIỆC PHỤC VỤ
Ông Môsê là một người hiệp thông trọn vẹn với dân Israel, đã hiểu biết và tự nguyện đồng cam cộng khổ với dân, chia sẻ cùng một số phận với dân. Ông là một con người sống cụ thể sự hiệp thông qua tinh thần phục vụ dân chúng với tất cả nhiệt tình, sức lực, và khả năng của mình, không trừ một lãnh vực nào trong cuộc sống dân chúng.
1.Phục Vụ Bánh Và Nước Cho Dân
Khi vào sa mạc, dân Israel bắt đầu càm ràm vì thiếu nước (x.Xh 15, 22), vì vậy ông Môsê phải bắt đầu với việc phục vụ nước cho dân. Ngay sau đó, trình thuật tiếp tục với chuyện bánh ăn hàng ngày (x.Xh 16,3-4). Môsê lại phải nhúng tay vào. Rồi kế tiếp là chuyện ăn thịt (x.Xh 16,8-17,7). Như vậy, việc phục vụ đầu tiên của Môsê là cung cấp nước uống, bánh ăn và thịt. Khi ông nghe Chúa phán: “Hãy đi và giải thoát dân Ta”, ông không bao giờ nghĩ đến việc phục vụ như thế này.
Trong bất cứ sự kiện nào, mặc dù ông Môsê biết mình không thể làm được mọi việc, nhưng ông luôn sẵn sàng học để làm một điều gì đó. Nói cách khác, ông luôn sẵn sàng đối với mọi nhu cầu của dân chúng, và do đó khám phá ra các nhu cầu thiết yếu và các việc phục vụ cần thiết. Theo cách này, ông trở nên một người sống tinh thần hiệp thông với dân chúng trong một cách thức rất thực tế. Ông nhận ra các nhu cầu khẩn cấp của dân, và ông đã giải quyết không chậm trễ cho những người đang kêu cầu ông và đang đói khát[2].
2.Phục Vụ Qua Trách Nhiệm Lãnh Đạo
Ông Môsê cảm thấy việc phục vụ này rất nặng nề. Ông phải gánh trách nhiệm lo cho dân chúng, với các khuyết điểm và sự thiếu trưởng thành của họ. Dần dần, ông hiểu sự cần thiết phải chấp nhận dân chúng như họ là, với tất cả các lời càm ràm, náo động và sự giận dữ của họ. Chính ông đã nói: “Một mình tôi không thể gánh vác anh em được. ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã làm cho anh em nên đông đúc” (Đnl 1,9-10). Lúc này ông đã đi vào chiều sâu của sự hiệp thông với dân chúng, vì ông đã hiểu biết về dân, đồng cảm với họ, chia sẻ với họ, lấy chuyện của họ làm của mình. Ở đây cho thấy ông bị thuyết phục về nghĩa vụ phải gánh vác việc lo cho dân. Ông nói thêm: “Làm sao một mình tôi gánh được những phiền hà, yêu sách, tranh tụng của anh em?” (Đnl 1,12).
Trong thực tế, ông Gítrô là nhạc phụ của ông Môsê, một người khôn ngoan, đã nói với ông: “Tại sao chỉ có một mình anh ngồi xử, trong khi cả dân đứng chầu chực anh từ sáng đến chiều? Anh làm như thế không tốt đâu! Chắc chắn anh sẽ kiệt sức, và cả dân đang ở đây với anh cũng vậy; vì công việc quá nặng đối với anh, anh không thể làm nổi một mình” (Xh 18,14-19).
Rồi ông Gítrô dạy ông Môsê nguyên tắc bổ trợ bằng cách đề nghị ông chọn những người có tài, biết kính sợ Thiên Chúa, đặt họ làm người chỉ huy, điều khiển một ngàn hay một trăm, năm mươi hay mười người, việc nào lớn thì họ trình lên ông. Đây là lúc quan trọng trong cuộc đời ông Môsê, vì ông phải học cách thực thi quyền bính. Lúc đầu do thiếu kinh nghiệm, ông tưởng có thể làm được mọi việc, nhưng bây giờ ông đã hiểu khác rồi (x.Đnl 1,9-18).
Ông Môsê biết rất rõ ông phải chịu áp lực và sự bất mãn của dân Israel, một dân chuyên càm ràm tranh cãi. Vì vậy, ông phải học cách đảm đương các việc phục vụ do trách nhiệm của mình đem lại. Như chúng ta đã biết, mỗi người ngoài việc phục vụ do trách nhiệm chính thức của mình, chúng ta còn phải chịu trách nhiệm về những người chúng ta quen biết, về gánh nặng của họ, và chúng ta sống tinh thần hiệp thông bằng việc nâng đỡ lẫn nhau. Ông Môsê là một gương mẫu về sự hiệp thông cho chúng ta.
3.Phục vụ qua việc cầu nguyện và chuyển cầu
Ông Môsê đã tận lực thi hành việc phục vụ này với hết khả năng của mình. Ông luôn dấn thân hết mình vào việc cầu nguyện. Ví dụ điển hình là việc ông chuyển cầu cho dân Israel trong trận chiến đấu với dân Amalec: “Khi nào ông Môsê giơ tay lên, thì dân Israel thắng thế; còn khi ông hạ tay xuống, thì Amalec thắng thế. Nhưng ông Môsê mỏi tay, nên người ta lấy một hòn đá kê cho ông ngồi, còn ông Aaron và ông Khua thì đỡ tay ông, mỗi người một bên. Nhờ vậy, tay ông Môsê cứ giơ lên được mãi, cho đến khi mặt trời lặn.” (Xh 17,11-12)
Bức tranh ông Môsê cầu nguyện cho đến khi mặt trời lặn thì rất đẹp. Nó là chân dung của những người chuyển cầu trong Giáo Hội, một nguồn gợi hứng cho các đan sĩ chiêm niệm với tư cách họ là những người chuyển cầu cho nhân loại, sống hiệp thông với toàn thể nhân loại qua việc cầu nguyện cho họ. Sự hiểu biết sâu xa của ông về Thiên Chúa cho phép ông sử dụng những lời mà đối với chúng ta thì hầu như là lời phạm thượng. Khi Chúa tức giận dân Israel về vụ thờ bò vàng, ông Môsê ý thức tình trạng của sự việc mà không cố tìm cách để che dấu nó bằng lời nói dối: “Nhưng giờ đây, ước gì Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xoá tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết” (Xh 32, 32).
Ông Môsê sống kinh nghiệm của dân mình với tư cách là một người trong số họ. Đây là sự hiệp thông trọn vẹn, vì ông muốn chia sẻ cùng một số phận với dân tộc mình. Các Rabbi Do Thái viết:“Bởi việc đấu tranh với dân Israel, cũng như với Thiên Chúa mà ông Môsê đã trở thành một con người của Thiên Chúa. Quả thực ông phải thi hành hai vai trò rất khó khăn: ông đại diện cho Thiên Chúa trước mặt dân Israel và đại diện cho Israel trước mặt Thiên Chúa”. Và khi dân chúng thờ lạy bò vàng, ông Môsê cũng tìm cách để bào chữa cho họ: “Lạy Chúa đây là lỗi của họ hay là lỗi của Chúa? Dân Israel đã sống quá lâu giữa những dân thờ lạy tà thần đến nỗi họ đã bị tha hóa. Có phải là lỗi của họ không khi họ không thể quên điều đó cách dễ dàng?” Ông cũng đưa ra tối hậu thư: “Hoặc Ngài miễn chấp tội họ! Bằng không, thì xin Ngài xoá tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết“. Và khi Thiên Chúa nói với ông: “Dân của ngươi đã phạm tội,” ông Môsê trả lời: “Khi Israel tuân giữ lề luật thì nó là dân của Chúa và khi nó phá bỏ lề luật thì Chúa lại nói: nó là dân của con?” Từ chuyện này chúng ta thấy ông Môsê đã sống tinh thần hiệp thông đến mức đồng hóa chính ông với dân tộc của ông.
4.Phục Vụ Qua Việc An Ủi Dân
Việc ông Môsê an ủi dân chúng được kể lại lúc khởi đầu ra đi khỏi Ai Cập. Khi dân chúng phản đối: “Cứ để mặc chúng tôi làm nô lệ Ai Cập! Thà làm nô lệ Ai Cập còn hơn chết trong sa mạc“. Ông Môsê nói với dân: “Đừng sợ! Cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc Đức Chúa làm hôm nay để cứu thoát anh em: những người Ai Cập anh em thấy hôm nay, không bao giờ anh em thấy lại nữa” (Xh 14,12-13). Ở đây chúng ta có thể suy tư về việc an ủi này, nó không hàm hồ như: “Hãy đi bình an, hãy ở yên, hãy can đảm”, nhưng nó lại khích lệ nhân danh Thiên Chúa. Đó là một việc phục vụ trong đức tin, không chỉ là một sự thông cảm của con người[3].
5.Phục Vụ Lời Thiên Chúa
Chúng ta có thể nói rằng ông Môsê ưu tiên cho việc phục vụ Lời Thiên Chúa với tư cách là một con người của Lời Chúa. Chúng ta biết phần lớn sứ vụ của ông Môsê là loan báo lời của Thiên Chúa cho dân Israel. Sách Huấn Ca nói về ông: “Người cho ông nghe thấy tiếng Người, dẫn ông vào trong đám mây dày đặc, và diện đối diện, ban cho ông các điều răn, để dạy cho Israel biết các quyết định của Người” (Hc 45, 5).
Chúng ta cũng có thể đề cập đến đoạn Kinh Thánh nói về nguồn gốc của sứ vụ này: “Từ trên núi, Đức Chúa gọi ông và phán: “Ngươi sẽ nói với nhà Giacóp, sẽ thông báo cho con cái Israel” (Xh 19,3). Từ lúc này ông Môsê sống là để phục vụ lời mà Thiên Chúa đã ủy thác cho ông truyền lại cho Israel. Ông hiệp thông với dân qua việc thông truyền lời Chúa cho họ, chia sẻ những gì mà ông biết về Thiên Chúa và ý muốn của Ngài cho họ. Đây là sự hiệp thông trong lãnh vực tâm linh, có thể nói là hiệp thông ở mức độ cao nhất vì chia sẻ cho nhau những gì đem lại hạnh phúc vĩnh cửu.
III. ÔNG MÔSÊ, SỐNG HIỆP THÔNG TRỌN VẸN VỚI DÂN TỘC CỦA MÌNH
1.Sống Hiệp Thông Với Mọi Người Như Trong Một Gia Đình
Thánh Gregory thành Nyssa chú giải thư Do Thái: “Ông Môsê đã trung thành khi thi hành chức vụ đối với toàn thể nhà Thiên Chúa” (Dt 3,5). Trong bản văn này, chữ “trung thành” còn có nghĩa là “được tín nhiệm”. Các người khác có thể tín nhiệm vào ông bởi vì ông đã sống tinh thần hiệp thông đến mức hoàn toàn nên một với dân Israel. Nếu ông Môsê có một kế hoạch cho riêng ông, ông không thể được tín nhiệm, nhưng bởi vì ông đã đồng hóa chính mình với Israel, Chúa có thể ủy thác cho ông toàn thể dân của Ngài. Kế hoạch của Thiên Chúa và của ông là một. Và ông Môsê đã xứng đáng với sự tín nhiệm của toàn thể dân Thiên Chúa.
Bản văn có cụm từ: “nhà Thiên Chúa”. Điều này chứng tỏ ông Môsê không coi dân chúng như một cơ cấu tổ chức nhưng là một nhà, một gia đình. Hơn nữa, sống tinh thần hiệp thông trọn vẹn, ông tự coi mình là một thành viên của gia đình này, và sống theo kế hoạch của Thiên Chúa, như thể trong một gia đình với những mối liên hệ tin tưởng lẫn nhau. Đây là một sự hiệp thông và phục vụ trọn vẹn, ôm ấp toàn bộ con người và cả nhân loại. Nó trọn vẹn vì phục vụ con người toàn diện. Một người sống tinh thần hiệp thông phải khám phá các nhu cầu đích thực của những con người ở chung quanh mình và cố gắng phục vụ các nhu cầu này ngày càng tốt hơn. Chúng ta không thể sống hiệp thông với tư cách là Kitô hữu mà không quan tâm đến việc phục vụ con người toàn diện, không quan tâm đến các nhu cầu của nhân loại: nhu cầu về cơm bánh, nhu cầu cần được an ủi và sự chuyển cầu của chúng ta đến Thiên Chúa cho tha nhân.
2.Sống Hiệp Thông Là Dâng Hiến Trọn Vẹn Bản Thân Cho Dân
Đức hồng y Martini gọi ông Môsê là vị ngôn sứ bị trao nộp theo ba nghĩa: Thiên Chúa trao ông cho dân Israel, ông Môsê trao chính mình cho dân tộc của ông và dân chúng gây đau khổ cho ông.
Khi chúng ta tiếp xúc với Thiên Chúa, bất cứ thất bại nào cũng chỉ được cảm nghiệm trong chính chúng ta. Nhưng nếu chúng ta là một ngôn sứ ở giữa những người khác, mọi hoạt động của chúng ta đều có thể được đón nhận hay bị loại bỏ, bị chống đối hay bị lãnh đạm bởi họ. Ông Môsê là nhân vật trung tâm của bi kịch này. Khi thất bại dường như không thể tránh được, Thiên Chúa đã cho phép ông Môsê quyền chọn lựa để trở nên một ngôn sứ kiểu Abraham, tổ phụ một dân tộc mới: “Ta sẽ làm cho ngươi một dân tộc mới”. Như chúng ta đã biết, ông Môsê phản ứng lại: “Không, con muốn tiếp tục với dân này”. Và Neher kết luận: “Việc hoàn thành mặc khải đã làm cho ông Môsê phụ thuộc vào đức tin của ông và đức tin của dân tộc ông”. Ông Môsê đau khổ bởi vì ông muốn hiệp thông với dân của mình. Đối thoại với Thiên Chúa ông luôn giữ được sự bình an, nhưng khi dấn thân vào công việc ông lại bị nghiền nát[4].
3.Sống hiệp thông đến hy sinh bản thân vì dân
Ông Môsê phải trải qua một cuộc khủng hoảng ở Meriba: “Dân gây chuyện với ông Môsê, họ nói: “Hai ông đưa đại hội của ĐỨC CHÚA vào sa mạc này để làm gì? Có phải để chúng tôi và súc vật của chúng tôi chết ở đây hay không?” (Ds 20, 3-5). Hai ông Môsê và Aaron đến cửa Lều Hội Ngộ cầu nguyện. Rồi Đức Chúa phán với ông Môsê: “Hãy cầm lấy cây gậy, và cùng với Aaron, anh ngươi, triệu tập cộng đồng lại. Trước mặt chúng, các ngươi sẽ nói với tảng đá và chúng sẽ cho nước; từ tảng đá, ngươi sẽ làm cho nước chảy ra cho chúng, và ngươi sẽ cho cộng đồng và súc vật của chúng uống” (Ds 20,8).
Ông Môsê cầm lấy cây gậy, nói với họ: “Nghe đây, hỡi quân phản nghịch! Từ tảng đá này, chúng tôi có thể làm cho nước chảy ra cho các người được không? “Ông Môsê giơ tay, lấy gậy đập vào tảng đá hai lần; nước trào ra lai láng cho cộng đồng và súc vật uống. Bấy giờ Đức Chúa phán với ông Môsê và ông Aaron: “Bởi vì các ngươi đã không tin vào Ta để biểu dương sự thánh thiện của Ta trước mắt con cái Israel, nên các ngươi sẽ không được đưa đại hội này vào đất Ta ban cho chúng” (Ds 20,12).
Trình thuật này để lại cho chúng ta một chút chưng hửng. Ông Môsê, người đã vâng phục trong mọi sự cho đến bây giờ, lại rơi vào một cuộc khủng hoảng nội tâm. Phải chăng vì yếu đức tin mà ông đã đập vào tảng đá hai lần? Cuối cùng ông chết trong đau khổ: “Ta đã cho ngươi thấy đất đó tận mắt, nhưng ngươi sẽ không được qua đó“. Với sự khiêm tốn cũng như buồn rầu, ông Môsê đã chấp nhận hoàn cảnh của mình. Theo một nghĩa nào đó ông phải hy sinh bản thân vì mọi người khác. Đây là tội lỗi của dân Israel hơn là tội của ông Môsê. Chính họ đã đưa ông Môsê đến sự thiếu sự tin tưởng vào Thiên Chúa. Ông để cho mình bị đưa đi xa chỉ vì lòng thương xót đối với dân của ông. Bây giờ ông gánh lấy tội của những người khác và bằng lòng đền bù vì tội đó.
Bản văn ở Đệ Nhị Luật chương 3 câu 26 và chương 4 câu 21, dường như cho là hình phạt của ông Môsê hệ tại ở chỗ tán thành ý của dân tiến vào Đất Hứa bằng con đường phía Tây đến sông Giođan chứ không theo con đường phía Nam. Trong dịp này ông Môsê thương hại dân vì họ sợ hãi do báo cáo về sắc dân khổng lồ ở vùng đó. Theo cách này ông Môsê chứng tỏ việc thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa. Ông Môsê đã chấp nhận các hậu quả và tự trách mình đã quá cảm thương dân đến nỗi lìa xa lời của Thiên Chúa để bảo vệ họ[5].
Thay lời kết
Kinh Thánh đã phác hoạ cho chúng ta hình ảnh của ông Môsê là một con người sống hiệp thông trọn vẹn với dân và thân mật với Thiên Chúa. Cuộc đời của ông tràn ngập đau khổ vì ông nhận lấy thân phận “trên búa dưới đe”, vừa phải trung thành truyền đạt những mệnh lệnh của Thiên Chúa cho dân, những mệnh lệnh mà dân chẳng thích và chẳng chịu tuân giữ, vừa phải chia sẻ số phận của dân qua việc lãnh nhận hậu quả của tất cả những phản loạn của dân trước mặt Thiên Chúa.
Tuy nhiên, có thể nói qua hình ảnh của ông Môsê, chúng ta nhận ra chân dung của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã đến rao giảng Tin Mừng cứu độ, rao giảng lời Thiên Chúa cho nhân loại và sau cùng lại trở nên “Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian”. Và chúng ta cũng được mời gọi trở nên giống như ông Môsê, đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô qua việc sống hiệp thông với tất cả nhân loại này, trở nên người chuyển cầu cho toàn dân trước mặt Thiên Chúa, đồng thời cũng chấp nhận mọi hy sinh trong cuộc sống để chia sẻ mọi đau thương của thân phận làm người của toàn thể nhân loại tội lỗi nhưng được Thiên Chúa yêu dấu, đến nỗi đã thí ban Con Một của mình để cứu độ họ.
[1] Tự Điển Webster’s New World College, Xuất bản năm 1996, tr 282.
[2] CARLO MARTINI, “Through Moses to Jesus”, tr 92 tt
[3] CARLO MARTINI, “Through Moses to Jesus”, tr 94 tt.
[4] CARLO MARTINI, “Through Moses to Jesus” tr 1109 tt.
[5] CARLO MARTINI, “Through Moses to Jesus”, tr 117 tt.
MAGNIFICAT- SỐNG HUYỀN NHIỆM HIỆP THÔNG
Sau năm thứ nhất với chủ đề “Say mê Thiên Chúa”, năm thứ hai tiếp nối với chủ đề “Sống huyền nhiệm hiệp thông” thật lôgích. Vì say mê Thiên Chúa sẽ dẫn đến hiệp thông với Thiên Chúa. Và sẽ dẫn đến hiệp thông với anh em.
Thực ra hiệp thông có nền tảng nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Cuộc sống hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa là nguồn mạch và là mẫu mực mọi hiệp thông. Vì thế trước hết ta hãy chiêm ngắm huyền nhiệm hiệp thông nơi Ba Ngôi Thiên Chúa.
I.HUYỀN NHIỆM BA NGÔI HIỆP THÔNG
Hiệp thông trong mầu nhiệm Ba Ngôi vừa diễn tả sự chia sẻ vừa diễn tả sự kết hợp.
Ba Ngôi nhưng một Chúa kết hợp trong một hiệp thông sâu xa. Chúa Giêsu nhiều lần khẳng định điều này.
Khi Philípphê ngỏ lời xin biết Chúa Cha, Chúa Giêsu đã cho biết: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Vì có sự kết hợp sâu xa giữa Ba Ngôi. “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy” (Ga 14,9-11).
Khi cầu nguyện cho các môn đệ được hợp nhất, Chúa Giêsu nêu lên gương mẫu kết hợp giữa Người với Chúa Cha: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha” (Ga 17, 20-21).
Cuộc kết hợp thâm sâu mầu nhiệm đến nỗi Cha và Con trở nên một, như Chúa Giêsu khẳng định: “Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một” (Ga 17,22).
Ba Ngôi là một. Đó là khẳng định ban đầu của Chúa Giêsu khi mặc khải cho Philípphê: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”. Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót tuyên xưng: Chúa chính là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình. Tất cả diễn tả một sự kết hợp sâu xa chặt chẽ như hình với bóng. Cha và Con là một. Để ai thấy Con là thấy Cha. Con chính là hình ảnh của Cha nơi trần gian.
Cuộc kết hợp không chỉ là trừu tượng, nhưng được thể hiện cụ thể trong chia sẻ. Như Chúa Giêsu nói: “Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con” (Ga 17,10). Đó là sự chia sẻ tuyệt đối, hoàn hảo, trọn vẹn. Trao ban hết những gì mình có. Nhận lãnh hết những gì được trao ban. Tất cả nên một. Đây là một chia sẻ trọn vẹn. Trao ban tất cả bản thân. Hết những gì mình có và những gì mình là. Nên Chúa Con nhận được tất cả của Chúa Cha. Đến nỗi là hình ảnh hoàn hảo của Chúa Cha, là chính Chúa Cha. Để ai thấy Thầy là thấy Cha. Phần Chúa Con có gì cũng dâng lại cho Cha tất cả. Suốt cuộc đời trần gian chỉ làm theo ý Cha. Từ sự sống đến sự chết. Đến nỗi thánh ý Chúa Cha trở thành lẽ sống, trở thành lương thực nuôi dưỡng Chúa Con. Nghĩa là ý nghĩa đời sống của Con chính là làm theo ý Cha. Chẳng khác nào Cha trực tiếp hành động vậy. Như thế Con không còn sống cho chính mình nữa. Nhưng sống cho Cha, vì Cha, theo ý Cha: “Lương thưc của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34).
Để hoàn tất chương trình của Chúa Cha mà Chúa Giêsu từ bỏ bản thân, sẵn sàng chịu chết. Trong vườn Giệt-si-ma-ni Người đã từ bỏ mình đến tận cùng khi cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha” (Lc 22, 42). Thánh Phaolô đã tóm tắt cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu trong thư Philípphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2,6-9). Đó là một cuộc trao ban và nhận lãnh tuyệt vời. Một chia sẻ hoàn hảo. Một kết hợp trọn vẹn. Một mẫu mực hiệp thông. Để hoàn toàn nên một.
II.TÂM TÌNH HIỆP THÔNG CỦA ĐỨC MẸ
Hiệp thông trong Chúa Ba Ngôi, Đức Mẹ là người đầu tiên đã sống tâm tình hiệp thông một cách trọn vẹn. Ta hãy chiêm ngưỡng tâm tình đó được Đức Mẹ diễn tả trong kinh Magnificat.
Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa
Thần trí tôi hớn hở vui mừng
Vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.
Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi
Biết bao điều cao cả.
Danh Người thật chí thánh chí tôn!
Ðời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh
Dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
Người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
Như đã hứa cùng cha ông chúng ta.
Vì Người nhớ lại lòng thương xót
Dành cho tổ phụ Ápraham
Và cho con cháu đến muôn đời (Lc 1,46-56)
Nếu Ba Ngôi Thiên Chúa hiệp thông diễn tả trong kết hợp và chia sẻ, thì Đức Mẹ là thành tựu hiệp thông.
1.Hiệp thông với Thiên Chúa
Đức Mẹ ý thức điều này khi tuyên xưng: “Từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc”. Lời này vọng lại lời thiên thần truyền tin: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Diễm phúc tức là đầy ơn phúc. Đầy ơn phúc vì có Thiên Chúa ở cùng. Đức Mẹ hoàn toàn không vương vấn tội nhơ, dù là nhỏ nhất, nên mới có Thiên Chúa ở cùng, và vì thế được đầy ơn phúc. Đó là một kết hợp trọn vẹn với Thiên Chúa. Kết hợp đó thật cụ thể diễn tả việc nhận lãnh và trao ban trọn vẹn.
Nhận lãnh và trao dâng trọn vẹn
Đức Mẹ cảm nghiệm thấy Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ tất cả: “Ðấng Toàn Năng đã làm cho tôi, Biết bao điều cao cả. Danh Người thật chí thánh chí tôn”. Toàn bộ con người Đức Mẹ là của Thiên Chúa ban. Từ thể xác đến tâm hồn. Từ ơn cao trọng được làm Mẹ Thiên Chúa đến các ơn trọng đại như “vô nhiễm nguyên tội, đồng trinh trọn đời, lên trời cả hồn lẫn xác…”. Đức Mẹ nhận được tất cả từ Thiên Chúa. Ơn cao trọng nhất là chính Chúa Giêsu, là nguồn mạch mọi ơn phúc. Là tất cả ơn phúc của Thiên Chúa ban cho nhân loại.
Như một hiệp thông trọn vẹn, Đức Mẹ dâng hiến cho Thiên Chúa tất cả. “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới”. Xưng mình là nữ tỳ, Đức Mẹ dâng hiến cho Thiên Chúa tất cả. Từ thể xác đến tâm hồn. Từ trí khôn đến tự do. Từ mạng sống đến định mệnh. Là nữ tỳ có nghĩa là mất mọi quyền lợi, kể cả quyền được sống, được tôn trọng. Tất cả từ nay thuộc về Thiên Chúa. Khiêm nhường nhận mình là nữ tỳ để Thiên Chúa toàn quyền sử dụng. Để chương trình của Thiên Chúa được thực hiện: “Xin cứ làm cho tôi như lời thiên sứ truyền”.
Trong niềm hiệp thông sâu xa, Đức Mẹ thấy mình chìm ngập trong đại dương Lòng Thương Xót mênh mông bao la của Thiên Chúa.
Trong đại dương Lòng Thương Xót
Trong một tầm nhìn thấu thị Đức Mẹ thấy lịch sử thế giới là lịch sử của Lòng Thương Xót. Cả vũ trụ là một đại dương mênh mông Lòng Thương Xót. Lòng Thương Xót của Chúa cuồn cuộn tuôn trào như một suối nguồn sự sống. Tẩy sạch mọi tội lỗi. Chữa lành những vết thương. Bổ dưỡng những yếu nhược. Vực dậy những yếu đuối. Phục sinh những chết chóc.
Đời nọ tới đời kia
Chúa hằng thương xót
Những ai kính sợ Người
Lòng Thương Xót của Thiên Chúa có từ ngàn đời. Và sẽ còn tồn tại đến muôn ngàn thế hệ.
Lòng Thương Xót ấy bao phủ tưới gội thấm đẫm mọi loài. Đức Mẹ dù là một tỳ nữ thấp hèn cũng cảm nhận được Lòng Thương Xót ấy. Vì Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trải từ đời nọ đến đời kia nên ơn Đức Mẹ nhận được do Lòng Chúa Thương Xót cũng không bao giờ chấm dứt. Vì thế mà:
Từ nay hết mọi đời
Sẽ khen tôi diễm phúc.
Trong đại dương mênh mông của Lòng Thương Xót Đức Mẹ không chỉ hiệp thông với Thiên Chúa mà còn nhận ra mối hiệp thông sâu xa với nhân loại.
2.Hiệp thông với nhân loại
Nếu cuộc hiệp thông với Thiên Chúa được diễn tả trong một nhận lãnh và trao ban trọn vẹn, thì cuộc hiệp thông với nhân loại cũng tương tự. Đức Mẹ nhận thức mối hiệp thông sâu xa với nhân loại, với lịch sử, với dân tộc và với tổ tiên.
Khi nhận thức được ân huệ Thiên Chúa dào dạt như biển khơi mênh mông, Đức Mẹ cũng ý thức mình được lãnh nhận qua trung gian của con người.
Từ lời hứa với toàn thể nhân loại
Khi tuyên xưng “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”, Đức Mẹ nhớ lại lời Chúa hứa với toàn thể nhân loại sau khi bà Evà phạm tội. Tuy lên án tội lỗi, nhưng lập tức Chúa hứa ban ơn cứu độ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3,15).
Và xác tín “Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” hẳn kết tinh trong tâm hồn Đức Mẹ biết bao người kính sợ được Chúa xót thương. Từ Aben cho đến Noe. Và từ Noe cho đến sau này, qua dân Ítraen.
Đến lời hứa riêng cho dân tộc Ítraen
Từ lời hứa cho toàn thể nhân loại, Thiên Chúa tiến đến chọn lựa một dân riêng. Dòng dõi những người kính sợ Chúa tiếp tục với Ápraham, với Giacóp. Với Giacóp không thể không nhắc đến tổ phụ Giuse. Người em út bị các anh ghét bỏ. Người đầy tớ bị bà chủ vu oan giá hoạ. Người bạn tù tốt lành bị các bạn mãn tù bỏ quên. Nhưng Chúa đã xót thương. Cho ngài trở thành vị cứu tinh. Vì ngài có lòng kính sợ Chúa.
Theo dòng lịch sử, chắc chắn Đức Mẹ nhớ đến Đavít. Người em út trong gia đình. Người có hình dáng bé nhỏ. Nhưng vì lòng kính sợ Chúa. Đã trở nên thánh vương. Đã xây dựng vương quốc Giuđa hùng cường. Để từ dòng dõi ngài, Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra. Sẽ lên kế vị ngai vàng Đavít. Như lời thiên sứ truyền tin: “Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1,32).
Đức Mẹ nhận thức rõ ràng được thừa hưởng Lòng Thương Xót vì thuộc về dân tộc được tuyển chọn. “Chúa độ trì Ítraen tôi tớ của Người. Như đã hứa cùng cha ông chúng ta”.
Từ lời hứa với tổ phụ Ápraham
Sau khi hứa với toàn thể nhân loại, Thiên Chúa quyết định chọn một dân riêng. Ápraham được tuyển chọn làm tổ phụ dân mới. Đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa như Đức Mẹ cảm nghiệm: “Vì Người nhớ lại Lòng Thương Xót, dành cho tổ phụ Ápraham”.
Tuy nhiên cũng phải nói tổ phụ Ápraham là gương mẫu của những người kính sợ Chúa. Kính sợ đưa đến một đức tin tuyệt đối. Trải qua những thử thách lớn lao. Từ việc bỏ quê hương nhà cửa ruộng vườn để đi vào một miền đất xa lạ. Đến việc tin vào một dòng dõi đông như sao trên trời như cát dưới biển dù đã cao niên mà chưa có đứa con nào. Và đức tin đi đến tuyệt đỉnh khi vâng lời Chúa sát tế đứa con duy nhất. Tất cả khiến tổ phụ được Thiên Chúa yêu thương. Sứ thần Chúa nói với ông Ápraham: “Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như các ngoài bãi biển….Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta” (St 22, 17-18).
Đức Mẹ ý thức mình được thừa hưởng lòng thương xót của Thiên Chúa qua lời hứa với tổ phụ Ápraham.
Đến Lòng Thương Xót cho muôn ngàn thế hệ
Tất cả lời Chúa hứa không chỉ kết thúc với Ápraham, với Đavít. Nhưng sẽ còn tồn tại đến đời con cháu cho đến muôn ngàn đời: “Vì Người nhớ lại Lòng Thương Xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời”.
Quả thực, Đức Mẹ đã sống và diễn tả huyền nhiệm hiệp thông trong mối tương quan chập chùng giữa con người với Thiên Chúa, với lịch sử, với dân tộc và tổ tiên.
III. CHÚNG TA
Chủ đề của năm thứ hai chuẩn bị mừng Bách Chu Niên Thành Lập Hội Dòng là “Sống Huyền Nhiệm Hiệp Thông”. Hiệp thông là rất quan trọng. Nhưng là rất khó. Vì đó là một huyền nhiệm. Để sống huyền nhiệm hiệp thông không gì bằng chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và noi gương Đức Mẹ: Nhận thức đúng vị trí của mình trong Lòng Thương Xót của Chúa, trong kế hoạch cứu độ của Chúa, trong dòng lịch sử dân tộc, trong dòng thứ tự các thế hệ, trong tương quan anh em trong cộng đoàn và trong dòng suối đời đời.
Khi đứng sai vị trí sẽ mất hiệp thông. Đó là điều thường xảy ra trong lịch sử. Bà Evà đứng sai vị trí nên mất hiệp thông. Và làm hỏng kế hoạch cứu độ. Cùng ảnh hưởng bao đời con cháu. Đức Mẹ nhờ đứng đúng vị trí khi nhận thức mình chỉ là một nữ tỳ bé nhỏ trước Thiên Chúa, trước tổ tiên, trước dân tộc, trong ân sủng và trong kế hoạch cứu độ. Vì thế Đức Mẹ chìm ngập trong ân sủng bao la. Khơi nguồn ân sủng cho muôn thế hệ. Và bản thân đạt đến mức thập toàn. Được lên trời cả hồn lẫn xác.
Khi khai sinh Hội dòng đúng ngày lễ Mẹ Lên Trời, chắc hẳn cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận khao khát mầu nhiệm hiệp thông. Và ngài đã sống huyền nhiệm hiệp thông. Khi hoàn toàn say mê Thiên Chúa. Khi hoàn toàn say mê các linh hồn. Đến hiến trọn cuộc đời cho Thiên Chúa, cho dân tộc Việt nam, cho Hội dòng Xitô Thánh Gia, cho dân ngoại. Đặc biệt ngài sống đúng vị trí của mình trong chương trình của Thiên Chúa. Nhờ đó ân sủng Thiên Chúa tuôn đổ dào dạt trên Hội Dòng, trên Giáo hội, trên đất nước Việt nam.
Nhân dịp kỷ niệm Bách chu niên thành lập Hội dòng Xitô Thánh Gia, ta không thể nào không nhớ đến cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, Đấng sáng lập Hội dòng. Trong tâm tình tưởng nhớ, ta không ngừng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, vì biết bao ơn lành Thiên Chúa ban cho Hội dòng. Ta là một thành phần. Được thừa hưởng ơn lành chan chứa. Chính ở đây ta phải có tâm tình hiệp thông của Đức Mẹ. Như Đức Mẹ ta phải ý thức mối hiệp thông cao siêu với Thiên Chúa. Và mối hiệp thông với cha Tổ Phụ, với các bậc tiền nhân. Với cả anh em đang sống với ta. Ta nhận được ơn lành chan chứa là nhờ công lao của các bậc tiền nhân.
Riêng tại nhà Châu sơn Nho quan, biết bao vị đã nằm xuống để xây dựng nên cộng đoàn này. Từ những ngày đầu sống vất vả trong cảnh rừng thiêng nước độc. Đến những ngày gian khổ, phải chịu ra toà đấu tố. Phải chịu giam cầm đói khát cực khổ trong các trại giam, đặc biệt trại giam Cổng Trời. Nhờ công phúc của các vị tổ tiên anh hùng, ơn Chúa tuôn đổ dào dạt xuống chúng ta ngày nay. Làm sao ta không dâng lời tạ ơn. Làm sao ta không cảm nghiệm được mình đang bơi lội trong biển khơi ân sủng. Và làm sao ta không cảm nghiệm được tâm tình hiệp thông lớn lao mà ta đang được hưởng thụ.
Vì thế ta hãy noi gương Đức Mẹ. Ý thức vị trí của mình trong chương trình của Thiên Chúa. Biết vị trí của mình ta sẽ khiêm nhường thẳm sâu. Sẽ biết mình là tôi tớ của Thiên Chúa. Và trong tâm tình tôi tớ biết phục vụ anh em. Như Đức Mẹ phục vụ bà Êlisabét.
Nhận thức được vị trí của mình trong Thiên Chúa, trong lịch sử, với tổ tiên, với anh em, ta sẽ chẳng có thể làm gì khác hơn là cất tiếng ca tụng tạ ơn Thiên Chúa. Bài Magnificat phải được hát suốt đời ta. Đặc biệt trong năm thánh này.
ĐỨC KITÔ – NỀN TẢNG HIỆP THÔNG
FM.Giuse Phan Văn Phi_ Đan viện Phước Sơn
Hiệp thông là điều mà con người mọi thời luôn khao khát; hiệp thông cũng chính là khát vọng đặc biệt sâu xa của con người thời nay[1]. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Thách đố lớn nhất của Giáo Hội trước Thiên Niên Kỷ Mới là làm cho Giáo Hội trở thành ngôi nhà và trường học của sự hiệp thông, nếu chúng ta muốn trung thành với chương trình của Thiên Chúa và đáp ứng những khát vọng sâu xa nhất của thế giới”[2]. Sự hiệp thông (koinonia-communio) đặt trên nền tảng Kinh Thánh, được quý trọng đặc biệt từ thời Giáo Hội sơ khai cho đến ngày nay, đồng thời được các Giáo Phụ trình bày như là thực tại liên quan mật thiết đến mầu nhiệm ơn cứu độ. Sự hiệp thông trong Giáo Hội không phải là sự hiệp thông do con người kiến tạo nhưng là ân sủng, và là việc thông phần vào cùng một chân lý, một sự sống, một đức ái mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô. Huấn Thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn đã chỉ rõ: “Tình yêu hiệp nhất này cũng là tình yêu khiến chúng ta trải rộng tới người khác kinh nghiệm hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau” [3]. Sự hiệp thông huynh đệ vừa là khởi điểm vừa là đích điểm của sứ vụ tông đồ [4] . Hiệp thông phát sinh sứ vụ và sứ vụ được hoàn thành trong sự hiệp thông[5] .
1. Phải Sống Linh Đạo Hiệp Thông Như Thế Nào?
Có thể nói, một trong những chủ đề xuyên suốt trong các bài huấn dụ của đức giáo hoàng Phanxicô là sự hiệp thông. Sự hiệp thông này mang ý nghĩa của mối liên hệ giữa các kitô hữu với Thiên Chúa và giữa các tín hữu với nhau trong Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Đức giáo hoàng Phanxicô đã quảng diễn những cụm từ : “huyền nhiệm sống chung với nhau” (mystique of living together)[6] , “tình huynh đệ huyền nhiệm” (mysticalfraternity)[7] , “huyền nhiệm của sự gặp gỡ(the mysticism of encounter)”[8] , “tình huynh đệ tu trì”[9] , “cộng đồng rao giảng Tin Mừng”[10] và “văn hóa gặp gỡ” (culture of encounter)[11] . Ngài mời gọi các tu sĩ trở thành những “chuyên viên hiệp thông” (experts in communion) và ngài nhấn mạnh đến trách nhiệm của các cộng đoàn dòng tu phải trở thành dấu chỉ của sự hiệp thông huynh đệ. Sứ mạng của họ phải được lan tỏa và thúc đẩy để xây dựng sự hiệp thông, tình đoàn kết, loan truyền sức sống cho thế giới hôm nay[12] .
Chúng ta tự hỏi, linh đạo hiệp thông là gì? Với những lời sắc bén, có khả năng canh tân những mối tương quan và các chương trình, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã dạy: Linh đạo hiệp thông hệ tại trước tiên là một cái nhìn của tâm hồn hướng về mầu nhiệm Ba Ngôi đang ngự trong chúng ta, và chúng ta cũng phải có khả năng thấy ánh sáng của Người sáng chói trên gương mặt của anh chị em xung quanh chúng ta. Một linh đạo hiệp thông cũng có nghĩa là khả năng chú ý đến anh chị em trong đức tin, trong sự hiệp nhất sâu xa của Thân Thể Mầu Nhiệm, và vì thế, như “những chi thể của tôi”. Linh đạo hiệp thông cũng bao hàm khả năng nhìn thấy những gì tích cực nơi người khác, đón nhận và khen ngợi điều đó như là một hồng ân Thiên Chúa ban, và biết dành một chỗ cho người khác, bằng cách mang gánh nặng cho nhau[13] .
Linh đạo hiệp thông, trở nên Bí tích của Đức Kitô và của việc gặp gỡ với Thiên Chúa, triển vọng cụ thể, và hơn thế nữa, sự cần thiết không thể bỏ qua của việc thực thi giới luật yêu thương lẫn nhau và thể hiện sự hiệp thông của Ba Ngôi.
Đức giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Ở đâu có cộng đoàn ở đó có Thần Khí của Thiên Chúa; và ở đâu có Thần Khí của Thiên Chúa thì ở đó có cộng đoàn và mọi thứ ân sủng”[14] . Chúa Thánh Thần hiện diện nơi trung tâm của cộng đoàn, Ngài hun đúc nên đời sống thánh hiến theo những hình thức đa dạng của đời sống huynh đệ. Chính Thần Khí đổ tràn tình yêu và làm nảy sinh sự hiệp thông, chính sự đổi mới nội tâm giúp người thánh hiến xuất phát lại từ Chúa Kitô và trở nên chứng nhân cho tình yêu của Ngài. Đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi các tu sĩ trở thành những “chuyên viên hiệp thông”. Ngài nói tiếp: “Vì thế, cha hi vọng rằng “linh đạo hiệp thông”, linh đạo từng được thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh, sẽ trở thành hiện thực và các con trở nên những người đầu tiên đáp lại ‘thách đố lớn lao mà chúng ta đang đối mặt’ trong Thiên Niên Kỷ Mới này, “để làm cho Giáo Hội trở thành ngôi nhà và trường học của sự hiệp thông”[15] .
Sống huyền nhiệm hiệp thông trong cộng đoàn là đón nhận một cách cá vị từ trong nội tâm của mình như là một “nơi Thiên Chúa ngự, nơi mà ta có thể cảm nghiệm được sự hiện diện huyền nhiệm của Chúa Phục Sinh, đạt tới một đời sống chung, hiệp thông huynh đệ tràn đầy ân sủng, được tình yêu của Chúa Thánh Thần đổ tràn nơi các tâm hồn, tạo ra sự đa dạng trong mối hiệp nhất”[16] . Trong Tông Thư về Năm Đời Sống Thánh Hiến, ngài nói tiếp: “Cha muốn nói một lời đặc biệt với những người trẻ trong các con. Các con là hiện tại, kể từ khi các con đi vào Hội Dòng của các con, hãy dâng hiến tất cả sự tươi trẻ và lòng quảng đại bằng việc lựa chọn của các con. Các con cũng chính là tương lai, vì được mời gọi để đảm nhận những vai trò lãnh đạo trong đời sống, việc huấn luyện, phục vụ và sứ vụ nơi các cộng đoàn tu của các con… Hãy tích cực tham gia vào việc đối thoại với các thế hệ đi trước. Trong sự hiệp thông huynh đệ, các con sẽ được thêm phong phú nhờ những kinh nghiệm và sự khôn ngoan của thế hệ trước, đồng thời các con cũng truyền cảm hứng cho họ, bằng sự tươi trẻ và nhiệt thành của các con, để họ tìm lại lý tưởng ban đầu” [17].
Huyền nhiệm hiệp thông được diễn tả ngay trong các cộng đoàn gồm nhiều thế hệ, nhiều tính cách, bối cảnh văn hóa, và có những chuyên môn khác nhau. Cộng đoàn huynh đệ có một sức mạnh vĩ đại quy tụ mọi người lại với nhau. Huyền nhiệm hiệp thông là “một điều ước mong do chính Thiên Chúa ban tặng nơi chúng ta, một khát vọng gây ra nhiều đớn đau, song cũng đem lại nhiều niềm vui”[18] . Huyền nhiệm hiệp thông là một hồng ân của Chúa Thánh Thần, từ hồng ân đó, nảy sinh bổn phận phải xây dựng tình huynh đệ như một ân huệ và đồng thời là sứ vụ trở thành chứng nhân Tin Mừng. Vì theo đức giáo hoàng “cám dỗ chống lại tình huynh đệ chính là sự phá vỡ trong đời sống thánh hiến”. Đức giáo hoàng nhận xét cách chí lý rằng: “Nếu một người không thể sống tình huynh đệ thì người đó cũng không thể sống đời thánh hiến”[19] . Trong một đoạn khác, ngài nói tiếp: “Hiệp thông tình huynh đệ đời tu, với tất cả sự đa dạng của nó, đó chính là một trải nghiệm yêu thương vượt lên trên tất cả mọi xung đột”[20] . Chính khi tham dự “huyền nhiệm sống chung với nhau”, làm cho đời sống chúng ta trở thành một “cuộc lữ hành thánh thiện”.
2. Đức Kitô – Nền Tảng Hiệp Thông
“Tình yêu Đức Kitô quy tụ chúng ta nên một”[21] .
Trong một cuốn sách có tựa đề là ‘Được Gọi Để Hiệp Thông’, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã viết: “Dân của Giao Ước Mới được khởi đi từ chính Mình và Máu Chúa Kitô; Chúng ta được gọi là ‘Dân Thiên Chúa’ vì chúng ta được hiệp thông với Đức Kitô, Đấng đã liên kết một mối hiệp thông với Thiên Chúa Cha, dân mà Ngài không thể thiết lập bằng quyền lực của riêng mình”[22] .
Bí tích Thánh Thể sở dĩ là nguồn mạch và là sức mạnh sáng tạo làm phát sinh nên mối hiệp thông giữa các phần tử của Giáo Hội, là vì chính bí tích này kết hợp từng người trong họ lại với Đức Kitô: “Thông phần thực sự vào Thân Mình của Chúa Kitô qua việc bẻ bánh Thánh Thể, chúng ta được nâng lên ‘đến mức hiệp thông với Ngài và với nhau’. Vì chỉ có một tấm bánh, nên tuy nhiều, hết thảy chúng ta cũng chỉ là một thân thể; bởi lẽ tất cả chúng ta đều chia phần cùng một tấm bánh duy nhất ấy” (1Cr 10,17)[23] . Bí tích Thánh Thể làm nên hữu thể và hoạt động của Giáo Hội như một “huyền nhiệm hiệp thông”[24] .
Hiệp thông thể hiện qua sự hiệp nhất với Ba Ngôi Thiên Chúa: “Được hợp nhất với Chúa Con trong sợi dây tình yêu của Chúa Thánh Thần, các kitô hữu được hiệp nhất với Chúa Cha, và từ sự hiệp thông này tuôn tràn sự hiệp thông mà các kitô hữu chia sẻ với nhau nhờ Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần”. Không ai biết được thực tại nhiệm mầu nơi Thiên Chúa, sứ vụ của Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể là tỏ bày Thiên Chúa Cha cho loài người: “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa” (Ga 17,26). Hiệp thông được hiểu như là huyền nhiệm của mối liên kết một cách cá nhân giữa mỗi người với Thiên Chúa Ba Ngôi, và với những người khác. Khái niệm hiệp thông “nằm ngay ở điểm chính yếu của sự việc Giáo Hội tự nhận thức về mình”[25] : Mối liên kết ấy khởi đầu với lòng tin[26] , và hướng tới tình trạng viên mãn cánh chung nơi Giáo Hội trên trời, nhưng đồng thời, đó cũng là một thực tại đang hiện diện manh nha nơi Giáo Hội tại thế [27].
Hiệp thông luôn hàm chứa chiều kích kép: chiều kích hướng dọc (hiệp thông với Thiên Chúa) và chiều kích hướng ngang (hiệp thông giữa loài người). Hiệp thông trước tiên là quà tặng của Thiên Chúa[28] , là hoa trái của sáng kiến thần linh được thực hiện trong mầu nhiệm Vượt Qua. Hiệp thông được Đức Kitô thiết lập và được Ngài thông ban qua các Bí Tích. Từ đó, mối liên hệ mới giữa con người với Thiên Chúa cũng được nới rộng thêm qua mối liên hệ mới giữa người với người.
Đức giáo hoàng muốn chúng ta luôn nhớ rằng: “Lý tưởng của các Đấng Sáng Lập chính là Đức Kitô, là gắn bó trọn vẹn với Ngài, đến nỗi có thể nói như thánh Phaolô: ‘đối với tôi, sống là Đức Kitô’ (Pl 1,21). Các lời khấn của các ngài chỉ có ý nghĩa khi làm nổi bật tình yêu say mê đó với Đức Kitô”[29] . Theo đó, các Đấng Sáng Lập thách đố chúng ta phải không ngừng tìm kiếm Đức Kitô[30] , đặt Ngài làm trung tâm và nền tảng của đời sống chúng ta, để tình yêu của Ngài biến đổi chúng ta nên giống như Ngài. Đức giáo hoàng mời gọi: “Hãy đặt sự hiện diện của Đức Kitô làm trung tâm của anh chị em, ‘theo Đức Kitô như Phúc Âm dạy’, đời sống thánh hiến đặt nền tảng qua việc gắn kết thân tình với Ngài. Hãy không ngừng tìm kiếm Đức Kitô, tìm kiếm dung nhan Ngài, đặt Ngài làm trung tâm cuộc sống anh chị em để được biến đổi thành ‘một ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giêsu như là Ngôi Lời Nhập Thể trong tương quan với Cha và với các anh chị em của Ngài’. Anh chị em hãy để cho Ngài chạm tới, hãy để cho Lời của Ngài hướng dẫn, và hãy để cho Ân Sủng của Ngài đỡ nâng”[31] . Đức giáo hoàng tiếp tục mời gọi chúng ta ở lại trong Đức Giêsu Kitô, gắn bó với Ngài, trở nên giống Ngài; một lời mời gọi hãy gặp gỡ thâm sâu và riêng tư với chính Đức Giêsu Đức Kitô, và với anh chị em của chúng ta[32] . Ngài cò nhấn mạnh thêm rằng: “Chúng ta hãy tự hỏi, Chúa Giêsu có còn là tình yêu thứ nhất và duy nhất, như chúng ta đã tỏ rõ quyết tâm như thế, khi mới tuyên khấn không? Chỉ khi nào duy trì được sự quyết tâm như thế, chúng ta mới có thể và hăng say yêu thương hết mọi người mà ta gặp gỡ, trong sự thật và với lòng bao dung. Bởi vì chúng ta đã học biết được nơi Người tình yêu là gì và cần phải yêu như thế nào: yêu với chính trái tim của Người”[33] . Tiếp tục tư tưởng này, đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta sống mầu nhiệm gặp gỡ: gặp gỡ Đức Giêsu và gặp gỡ anh chị em mình. Hãy để cho Đức Giêsu chạm vào cuộc đời chúng ta, thúc đẩy chúng ta thông truyền sự sống mới của Người cho các anh chị em của mình. Qua Thánh Thần, Đức Giêsu vẫn đang tiếp tục thực hiện nơi chúng ta những tác động của sự hiệp thông, để củng cố niềm xác tín rằng: Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài vẫn luôn đáp ứng đầy đủ mọi khát vọng sâu xa nhất của mỗi người và mọi người: khát vọng trở thành bạn hữu của Đức Giêsu và huynh đệ của nhau[34] . Đó cũng chính là “khả năng cảm thông và lắng nghe người khác, khả năng cùng nhau tìm một con đường”[35] .
Sự hiệp thông và gặp gỡ giữa các đặc sủng và ơn gọi khác nhau là con đường của hy vọng. Không ai xây dựng tương lai một cách biệt lập, hoặc với sức lực riêng của mình, nhưng cần biết nhận ra chân lý của sự thông hiệp khiến ta mở rộng đến sự gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, giúp đỡ lẫn nhau, và như vậy giúp chúng ta phòng ngừa khỏi căn bệnh ích kỷ[36] .
3. Hiệp thông cầu nguyện để loan báo Tin Mừng
Hiệp thông giữa các đặc sủng và ơn gọi khác nhau trong Giáo Hội giúp cho việc loan báo Tin Mừng ngày càng trở nên hữu hiệu và thu hút hơn đối với thế giới hôm nay. Vì vậy, cần phát triển linh đạo hiệp thông, trước tiên từ trong nội bộ gia đình cộng đoàn, rồi lan tỏa tới cộng đồng Giáo Hội và sẽ đi xa hơn nữa tới ‘các vùng ngoại biên’. Đề cập đến vấn đề này, đức giáo hoàng Phanxicô mời gọi đặc biệt các đan viện và những nhóm có khuynh hướng chiêm niệm có thể gặp gỡ nhau, hoặc liên kết với nhau để trao đổi những kinh nghiệm về đời sống cầu nguyện, về cách thức tăng trưởng sự hiệp thông với toàn thể Giáo Hội, về việc nâng đỡ các kitô hữu bị bách hại, về cách đón tiếp và đồng hành với những ai đang tìm kiếm một đời sống thiêng liêng sâu xa hơn hoặc những ai đang cần sự nâng đỡ tinh thần hay vật chất. Ngài nhấn mạnh: “Đời đan tu là một gia sản của Giáo Hội hiệp nhất, vẫn còn sinh động bên các Giáo Hội Chính Thống và bên Giáo Hội Công Giáo. Từ nếp sống đan tu cũng như từ những kinh nghiệm kế tiếp vào thời mà Giáo Hội Tây Phương còn hợp nhất, nhiều dự án khác được gợi hứng giữa lòng các cộng đồng Giáo Hội của phái Cải Cách, và rồi tiếp tục sản sinh những hình thức khác của tình hiệp thông huynh đệ và phục vụ”[37] . Những người thánh hiến, đặc biệt những người chuyên tâm cầu nguyện và chiêm niệm, chia sẻ cùng một niềm say mê Thiên Chúa, chìm sâu trong chiêm ngưỡng, dễ dàng bước vào trong sự liên kết và hiệp thông sâu xa sẽ giúp cho việc đối thoại đạt được những kết quả khả quan hơn. Như thế, hiện tượng tu trì cũng hiện hữu trong tất cả các tôn giáo lớn. Qua những kinh nghiệm đối thoại liên tôn về đời sống đan tu giữa Giáo Hội Công Giáo và một vài tôn giáo lớn, chúng ta có cơ hội nhìn lại con đường đã đi, để đời sống đan tu và những chặng đường kế tiếp chúng ta phải làm tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau sâu xa hơn và hợp tác trong nhiều môi trường chung nhằm phục vụ đời sống nhân loại[38] .
Về vấn đề này, Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu đã chỉ rõ rằng: “Tại Á Châu, quê hương của các tôn giáo lớn, qua đó không những cá nhân mà cả dân tộc bày tỏ lòng khát khao thế giới thần linh, Giáo Hội được kêu gọi hãy trở thành một Giáo Hội cầu nguyện, hết sức thiêng liêng, cả khi dấn thân vào các bận tâm nhân bản và xã hội trước mắt. Mọi Kitô hữu cần phải sống một linh đạo truyền giáo lấy cầu nguyện và chiêm niệm làm trọng tâm…Cầu nguyện, chay tịnh và khổ hạnh dưới nhiều hình thức khác nhau là những điều rất được trân trọng. Từ bi, siêu thoát, khiêm nhường, giản dị và thinh lặng là những điều mà tín đồ của bất cứ một tôn giáo nào cũng coi là những giá trị lớn. Các Nghị Phụ Thượng Hội Ðồng lưu ý rằng muốn việc cầu nguyện không trở nên xa lạ với sự thăng tiến con người, ‘phải liên kết công tác xây dựng công lý, bác ái và từ thiện với một đời sống cầu nguyện và chiêm niệm thật sự, và linh đạo này cũng phải là cội nguồn sinh ra mọi công tác Phúc Âm hóa”[39] .
Muốn xây dựng cộng đoàn “hiệp thông để truyền giáo” và “truyền giáo bằng hiệp thông”, người ta cần nhìn nhận, phát triển và sử dụng hiệu quả đoàn sủng của mỗi thành phần trong Giáo Hội. Sống giữa nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa, nhiều tôn giáo khác biệt nhau tại Châu Á, Giáo Hội phải là “Giáo Hội hiệp thông”. Giáo Hội được mời gọi để tái khám phá “huyền nhiệm sống chung với nhau”, và loan truyền cho thế giới hôm nay bằng chứng tá và hành động theo Tin Mừng.
Một đòi hỏi thiết yếu của cuộc sống trong Chúa Kitô là hễ ai hiệp thông với Chúa thì phải sinh hoa kết quả: “Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Như thế, thật là đúng khi nói rằng ai không sinh hoa kết quả, thì người đó đã không sống trong sự hiệp thông, như Đức Giêsu đã khẳng định: “Cành nào không sinh hoa trái thì Cha Thầy sẽ tỉa đi” (Ga 15,2). Như vậy, hiệp thông với Chúa Kitô và hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau, chính là điều kiện thiết yếu để sinh hoa kết quả. Hiểu như thế thì hiệp thông và truyền giáo là hai việc không thể tách rời nhau. Chúng thẩm thấu và bao hàm nhau, đến nỗi có thể nói “hiệp thông vừa là gốc vừa là trái của việc truyền giáo: Hiệp thông đưa tới truyền giáo và truyền giáo được hoàn thành trong sự hiệp thông. Nhấn mạnh mối liên hệ nhiệm mầu giữa Giáo Hội và tín đồ các tôn giáo khác của Châu Á, ghi nhận rằng các tín đồ ấy có liên hệ (với Giáo Hội) bằng nhiều cách và ở nhiều mức độ khác nhau. Giữa đông đảo các dân tộc, các nền văn hóa và các tôn giáo khác nhau như thế, “càng thấy sống đời sống Giáo Hội như một sự hiệp thông quan trọng thế nào”. Thật ra, công tác phục vụ sự hiệp nhất do Giáo Hội thực hiện có một tầm quan trọng đặc biệt tại Châu Á, vì tại đây có quá nhiều hiểu lầm, chia rẽ và xung đột, do những khác biệt về chủng tộc, xã hội, văn hóa, ngôn ngữ, kinh tế và tôn giáo gây ra. Thượng Hội Ðồng nhắc lại sự dấn thân của Giáo Hội tại Á Châu với công tác cải thiện các quan hệ đại kết cũng như sự đối thoại giữa các tôn giáo, vì nhìn nhận rằng xây dựng sự hiệp nhất, nỗ lực hòa giải, thiết lập các dây liên đới, xúc tiến sự đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hóa, loại bỏ những thành kiến và gầy dựng sự tin tưởng giữa các dân tộc, đó chính là những công việc vô cùng quan trọng để Giáo Hội thi hành sứ mạng phúc âm hóa trên châu lục này.
Muốn vậy, toàn thể Giáo Hội phải thành thật xét mình, phải can đảm hòa giải và tiếp tục dấn thân đối thoại. Trước thềm thiên niên kỷ thứ ba này, ai cũng thấy rõ là muốn có khả năng Phúc Âm hóa, Giáo Hội phải ra sức phục vụ cho việc xây dựng sự hiệp nhất trong mọi chiều kích. Hiệp thông và truyền giáo phải đi đôi với nhau[40] . Trong Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến, thánh giáo hoàng Phaolô II đã nói: “Có lẽ cuộc đối thoại đại kết giữa các thánh và các vị tử đạo, chính là cuộc đối thoại có sức thuyết phục nhất. Sự hiệp thông của các thánh chính là tiếng nói cao hơn mọi yếu tố chia rẽ”[41] .
Kết Luận
Chúng ta đã bước qua Năm Thánh Lòng Thương Xót, một lần nữa, chúng ta lắng nghe đức giáo hoàng Phanxiô mời gọi chúng ta rằng: Cửa Thánh Lòng Thương Xót được mở đồng loạt khắp nơi tại các nhà thờ Chính Toà trên toàn thế giới là dấu chỉ hữu hình của sự hiệp thông đại đồng, làm cho Giáo Hội trở nên dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa Cha. Yêu thương tha thứ là dấu chỉ cụ thể và hữu hình cho thấy đức tin đã biến đổi con tim chúng ta, và cho phép chúng ta diễn tả nơi mình chính sự sống của Thiên Chúa[42] . Hiệp thông trong lòng tin-cậy-mến, hiệp thông trong các Bí Tích, trong chức thừa tác: chúng ta được ví như cột trụ nâng đỡ, và hiệp thông toàn ngôi nhà của Giáo Hội. Cần phải nỗ lực xây dựng sự hiệp thông, và giáo dục sự hiệp thông dựa trên nền tảng Hiệp Thông Ba Ngôi Thiên Chúa, hầu giúp chúng ta có thể thắng vượt các hiểu lầm và chia rẽ, khởi đi từ gia đình, từ các thực tại mang tính Giáo Hội, và cả trong đối thoại đại kết nữa. Thế giới của chúng ta cần sự hiệp thông; đây là một thời đại mà chúng ta cần sự hiệp thông. Chúng ta cần hòa giải và hiệp thông, vì Giáo Hội là ngôi nhà của sự hiệp thông.
Sự hiệp thông của chúng ta trước hết không phải là hoa trái của sự thỏa hiệp, hay mang tính dân chủ trong Giáo Hội, ‘mà là hiệp thông trong đa dạng’ (unity in diversity), hay một ‘sự đa dạng hòa giải’ (reconciled diversity); đúng hơn, sự hiệp thông ấy đến từ Chúa Thánh Thần, là Đấng tạo nên sự hiệp thông trong khác biệt. Bởi Chúa Thánh Thần là sự hòa hợp, Ngài luôn tạo nên sự hòa hợp-hiệp thông trong Giáo Hội, một sự hiệp thông-hòa hợp trong những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ và lối tư duy[43] . Sự hiệp thông huynh đệ được phong phú nhờ tôn trọng và trân trọng những khác biệt trong một khía cạnh toàn diện, biết đặt lợi ích chung lên trên[44] .
Chúng ta phó thác cho Đức Trinh Nữ Maria đầy diễm phúc, là mẫu mực cho mối hiệp thông Giáo Hội trong đức tin, đức ái và trong sự kết hiệp với Đức Kitô[45] . “Đời đời hiện diện trong mầu nhiệm Đức Kitô”[46] . Mẹ ở giữa các Tông đồ, ở chính giữa tâm điểm của Giáo Hội sơ khai[47] , và của Giáo Hội trong mọi thời đại. Thật vậy, “Giáo Hội đã tụ họp nơi tầng trên nhà Tiệc Ly, cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và với các anh em Ngài. Vì thế, không thể nói tới sự hiện diện của Giáo Hội, nếu Đức Maria, Mẹ của Chúa, không có mặt cùng với các anh em của Ngài”[48] . Giáo Hội mời gọi toàn thể các tín hữu, đặc biệt là các thần học gia, hãy phó thác những cố gắng xây dựng hiệp thông và suy tư thần học của mình về hiệp thông vào trong bàn tay chuyển cầu của Đức Trinh Nữ đầy diễm phúc[49] .
[1] Zygmunt Bauman, Intimations of Postmordenity (Những gợi ý của chủ nghĩa Hậu Hiện Đại), London &New York: Routlege, 1992, tr. XXI; Paul Graham, The Future of Religious Life: A Post-MordernAugustinian Perpective (Tương Lai của Đời Sống Tu Trì: Viễn cảnh của Dòng thánh Âugustinô thời Hậu Hiện Đại), Religious Life Review, 37, No. 93, tr. 335.
[2] ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông Thư Novo Millennio Inuente(Khởi Đầu Thiên Niên Kỷ Mới), ngày 06 tháng 01 năm 2001, số 43
[3] Xem “Fraternal Life In Community – Huấn Thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn”, CICLSAL, Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, (Vatican, 2 February 1994), số 56d.
[4] Ibid, số 2d
[5] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Huấn Christifideles laici (Người Kitô Hữu Giáo Dân), 30-12-1988, số 32. XemSamuel H. Canilang, “The Religious Community (Cộng Đoàn Tu Trì): A Guide to Community Living For Religious, Claretian Publications, Copyright © 2004, Introduction, tr. 6.
[6] ĐGH PHANXICÔ, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng – Evangelli Gaudium,(EG), số 87; ĐGH Phanxicô, Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, số II,3.
[7] X. ĐGH PHANXICÔ, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 92.
[8] X. ĐGH PHANXICÔ, Tông thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, số I,2.
[9] SPARADO, “Be True prophets, Not Just Pretender”, L’Osservatore Romano, Eng. Ed. (10/1/2014), tr. 11.
[10] ĐGH PHANXICÔ, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 24.
[11] Sđd, số 220.
[12] X. SAMUEL H. CANILANG, “Wake up the world!” Religious Life as a Prophetic Presence in the Church and in the World, ICLA Publications, Copyright © 2015, tr. 18 tt.
[13] Đức Giáo Hoàng GIOAN PHAOLÔ II, Tông ThưNovo Millennio Inuente (Khởi Đầu Thiên Niên Kỷ Mới), ngày 06 tháng 01 năm 2001, số 43. Ở đây được trích lại trong Huấn Thị Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô, số 29.
[14] Ireneus of Lyon, Contro le eresie III,24l. Trích trong Congregation for Institutes of Consecrataed Life and Soccieties of Apostolic Life (Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Các Tu Đoàn Tông Đồ, CICLAL), Scurate, số 13.
[15] ĐGH PHANXICÔ, Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, số II.3.
[16] Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life (Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Các Tu Đoàn Tông Đồ, CICLAL), Scurate, số 13, trích lại từ Vita Consecrata, số 42.
[17] ĐGH PHANXICÔ, Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, số I.3.
[18] Rebeca Laird and Michael Christiensen (ed.), The Heart of Henri Nouwen: His Words of Blessing, New York, the Crossroad Publishing Company, Copyright ©2003), tr.72.
[19] SPARADO, “Be True prophets, Not Just Pretender”, L’Osservatore Romano, Eng. Ed. (10/1/2014), tr. 11.
[20] Ibid.
[21] Xem “Fraternal Life In Community – Huấn Thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn”, CICLSAL Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, Vatican, 2 February 1994, số 1.
[22] JOSEPH RATZINGER (ĐGH Biển Đức XVI), Called to Communion, Understanding the Church Today (Được Gọi để Hiệp Thông), Copyright ©1996, Ignatius Press, San Francisco, tr. 29.
[23] Xem GH 7b. Qua Bí tích Thánh Thể “Giáo Hội đạt tới mức thành tựu trong thời gian” (thánh Âugustinô, Contra Faustum, 12,20: PL 42,265). “Chúng ta thông phần vào Mình và Máu của Đức Kitô ngõ hầu được biến hóa thành chính thực tại ta đã nhận lấy” (thánh Lêo Cả, Sermo 63,7: PL 54,357).
[24] X. P. BENEDICT XVI, Post-Synodal Apostolic Exhortation Sacramentum Caritatis – Bí Tích Tình Yêu (22 February 2007), số 15.
[25] THÁNH GH GIOAN PHAOLÔ II, “Bài nói chuyện với các Giám Mục Hoa Kỳ”, 16-9-1987, số 1.Xem Joseph Ratzinger – Giáo Hội như là Hiệp Thông,THƯ CỦA BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN gửi các Giám Mục Thuộc Giáo Hội Công Giáo, Bàn Về Một Số Khía Cạnh Của Giáo Hội Được Hiểu Như Là Hiệp Thông,ngày 28 tháng 5 năm 1992.
[26] 1Ga 1,3: “Điều chúng tôi đã được nhìn thấy, và được nghe, chúng tôi xin loan báo cho cả anh em nữa, để cả anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài”. Xem thêm 1Cr 1,9; GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Christifideles laici 30-12-1988; Thượng Hội Đồng Giám Mục 1985, Relatio finalis, II, C),
[27] X. Pl 3,20-21; Cl 3, 1-4; GH, 48.
[28] X. ĐGH BIỂN ĐỨC XVI, Christ and his Church (Đức Kitô và Giáo Hội của Ngài), The Incorporated Catholic Truth Society, London, Copyright © 2007, tr. 14.
[29] Xem Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, số I,2.
[30] Theo Schneiders, động cơ ơn gọi sâu xa nhất của người tu sĩ là hết lòng tìm kiếm sự thánh thiện một cách có chọn lựa. Đời sống người thánh hiến hôm naycó nhiều thách đố nếu họ không thực sự đặt nền tảng trên việc say mê tìm Chúa. Finding the Treasure, Vol. 1 of Religious Life in a New Millennium, New York, 2000, tr. 13.
[31] ĐGH PHANXICÔ, Diễn từ Đêm Canh Thức Khai Mạc Năm Đời Sống Thánh Hiến, L’Ossevatore Romano, Eng. Ed. (Dec. 05, 2014), tr. 16.
[32] Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life (Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Các Tu Đoàn Tông Đồ, CICLAL), Be Glad, số 5; Scurate, số 13
[33] ĐGH PHANXICÔ, Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, số I.2. .
[34] X. ĐGH PHANXICÔ, Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, số 265.
[35] Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life (Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Các Tu Đoàn Tông Đồ, CICLAL), Scurate, số 13.
[36] ĐGH PHANXICÔ, Tông Thư Năm Đời Sống Thánh Hiến, số II.3.
[37] Sđd, số III.3.
[38] Sđd, số III,4.
[39] Tông Huấn Giáo Hội tại Á Châu, số 23.
[40] X. ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Ecclesia in Asia, Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, ngày 16 tháng 11 năm 1999, số 23-26.
[41] JOHN PAUL II, Apostolic Letter Tertio Millennio Adveniente (Tông Thư Ngàn Năm Thứ Ba Đang Đến), 10 November 1994, 51: AAS 87 (1995), số 37.
[42] X. ĐGH PHANXICÔ, buổi yết kiến chung, sáng thứ Tư, ngày 16 tháng 12 năm 2015.
[43] X. ĐGH PHANXICÔ, “A House of Communion” (Ngôi nhà của sự Hiệp Thông), buổi yết kiến chung, ngày 25 tháng 11 năm 2013.
[44] Xem thêm, ĐGH PHANXICÔ,Tông Huấn Amoris Laetitia (Niềm Vui Yêu Thương), ngày 19 tháng 3 năm 2016, số 139.
[45] GH 63, 68; Th. Ambrôxiô, Expos. in Lucam 2,7: PL 15,1555; Th. Isaac Stella, Sermo 27: PL 194,1778-1779; Rupert Deutz, De Vict. Verbi Dei, 12,1: PL 169,1464-1465.
[46] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Mẹ của Đấng Cứu Thế, số 19 (25-4-1987).
[47] Cv 1,14; ĐGH Gioan Phaolô II, Ibid., số 26.
[48] THÁNH CRÔMAXIÔ AQUILÊIA, Sermo 30,1: “Sources Chrétiennes” 164, 134. X. Phaolô VI, Thông điệp Marialis Cultus 28, (2-2-1974).
[49] Xem BỘ GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Thư Gửi các Giám Mục thuộc Giáo Hội Công Giáo, bàn về một số khía cạnh của Giáo Hội được hiểu như là Hiệp Thông, (28.05.1992), số 19.
Giúp đọc Huấn Thị
ĐỜI SỐNG HUYNH ĐỆ
TRONG CỘNG ĐOÀN
FM.Dominico Phạm Văn Hiền_ Đan viện Phước Sơn
Huấn thị “Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn” được Bộ Tu sĩ và Tu đoàn Tông đồ ban hành ngày 2 tháng 2 năm 1994, sau khi được thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II châu phê ngày 15 tháng 1 cùng năm. Thời điểm Huấn thị ra đời đánh dấu 30 năm sau Vaticanô II, một Công đồng, mà ai cũng biết, đã mở toang cửa cho Giáo Hội: để đi ra, đi lên và cũng có thể đi xuống triền dốc do sự yếu đuối của con người! Điều ấy giả định kitô hữu, và cả tu sĩ nam nữ vững tay lái trong hành trình trần thế. Nhưng thế nào là vững? Qua Huấn thị này, thánh Bộ Dòng tu và Tu đoàn Tông đồ muốn tìm câu trả lời, dựa trên kinh nghiệm hơn trên lý thuyết suông. Ba mươi năm hẳn thật là một khoảng thời gian đủ dài cho việc lượng định, đặc biệt về đời sống huynh đệ cộng đoàn. Mở đầu Huấn thị, Thánh bộ đưa ra hai xác tín cơ bản về mối tương quan với Đức Kitô và Hội Thánh. Trước tiên, chính tình yêu Đức Kitô đã qui tụ chúng ta nên một. Thứ đến với Hội Thánh, đời thánh hiến có liên quan tới chính đời sống và sự thánh thiện. Như thế, sự hiệp thông trong các cộng đoàn thánh hiến cũng là sự hiệp thông của chính Hội Thánh, vì đời thánh hiến nằm trong lòng Hội Thánh. Tuy nhiên, bất cứ sự sống nào, dù là đời tu cũng chịu ảnh hưởng tốt hay xấu của dòng chảy lịch sử. Đây là lý do của các bước tiến hay lùi trong sự phát triển dưới ánh sáng Công đồng Vatican II, hoặc những cuộc phá sản do hiểu sai chủ đích mà Công đồng đưa ra cho cuộc canh tân toàn diện.
I. KHÁI QUÁT NỘI DUNG HUẤN THỊ
Trong phần dẫn nhập, Huấn thị nêu lên ba điểm:
– Ảnh hưởng của những tiến triển thần học.
– Ảnh hưởng của những bước tiến trong xã hội.
– Ảnh hưởng của những bước tiến trong đời tu.
1. Những Tiến Triển Thần Học
Ở đây, chúng tôi chỉ nêu những điểm thần học liên quan đến đời sống huynh đệ cộng đoàn:
– Từ Giáo Hội mầu nhiệm đến chiều kích mầu nhiệm của cộng đoàn: Sống trong cộng đoàn không phải mạnh ai nấy hoàn thiện bản thân, nhưng trước hết với tư cách thành viên của Giáo Hội, các tu sĩ giúp Giáo Hội đi vào trong sự hiệp thông với Ba Ngôi.
– Từ Giáo Hội hiệp thông đến chiều kích hiệp thông của cộng đoàn tu trì: Mỗi tu sĩ có nhiệm vụ làm cho hồng ân hiệp thông mà Giáo Hội nhận lãnh từ Thiên Chúa trở nên hữu hình, khả dĩ khuyến khích các kitô hữu sống hiệp thông với nhau.
-Từ Giáo Hội được Thánh Thần linh hoạt, cụ thể hóa qua các đoàn sủng, làm nên căn tính của mỗi dòng tu như: chữa lành, giáo dục, rao giảng, chiêm niệm v.v..
-Từ Giáo Hội như là bí tích hiệp nhất đến nỗ lực xây dựng sự hiệp nhất nơi cộng đoàn các tu sĩ: Sự hiệp nhất như thế trở thành khởi điểm và đích điểm cho việc tông đồ của tu sĩ.
2. Sự Tiến Triển Của Giáo Luật
Bộ Giáo luật cũ (1917) nhấn mạnh hình thức và sự đồng nhất, còn Giáo luật mới (1983) theo tinh thần Vatican II, đề cao chiều kích thiêng liêng và mối dây huynh đệ của đức ái trong đời sống chung.
3. Sự Tiến Triển Trong Xã Hội
Các tu sĩ không thuộc về trần thế nhưng sống trong trần thế và đương nhiên chịu ảnh hưởng của nó, đặc biệt trong những lãnh vực sau đây:
– Tại Mỹ Châu La tinh, đã có những phong trào giải phóng. Các tu sĩ muốn trực tiếp phục vụ người nghèo, thậm chí đôi khi hòa nhập với người nghèo.
– Do ảnh hưởng triết lý hiện sinh, thập niên 70 của thế kỷ 20, người ta đòi hỏi tự do cá nhân và nhân quyền. Trong đời tu, người ta cũng muốn đặt lại giá trị của việc tuân phục quyền bính.
– Sự thăng tiến nữ giới, được thánh giáo hoàng Gioan XXIII coi như một dấu chỉ thời đại cũng nở rộ khắp nơi. Cộng đoàn các nữ tu tìm mọi phương cách để tự mình khẳng định trong xã hội và thậm chí trong cộng đồng Dân Chúa nữa.
– Sự bùng nổ thông tin ảnh hưởng đến bầu khí tĩnh lặng của đời tu, cũng như làm loãng đi mối tương quan nội tại giữa các tu sĩ.
– Chủ nghĩa hưởng thụ và chủ nghĩa khoái lạc cũng ảnh hưởng không ít đến cốt lõi của việc đi theo Đức Kitô.
4. Những Biến Chuyển Trong Chính Đời Tu
– Cuối thế kỷ 20, có sự giảm sút về sự hiện diện của các tu sĩ trong các công việc mà trước đây được coi như thuộc đặc sủng của họ, chẳng hạn như dòng phục vụ bệnh viện, dòng La san, tu hội Nữ Tử Bác Ái…
– Do sự giảm sút ơn gọi, nhiều tu sĩ đảm trách một trật quá nhiều công việc, nên thời gian sống chung với cộng đoàn không còn được bao nhiêu.- Vì đề cao sáng kiến và trách nhiệm cá nhân cách quá đáng nên các tu sĩ lơ là vấn đề kỷ luật và vâng lời.Trên đây, chúng tôi chỉ nêu cách khái quát những yếu tố ảnh hưởng đến đời sống huynh đệ trong các cộng đoàn tu trì. Giờ đây, thiết nghĩ chúng ta cần lắng nghe giáo huấn Thánh Bộ Dòng tu và Tu đoàn Tông đồ!
II. HỒNG ÂN HIỆP THÔNG VÀ CỘNG ĐOÀN
Văn kiện nêu lên hai chủ đích :
– Với những ai đang hăm hở xây dựng tình huynh đệ cho cộng đoàn, Huấn thị nhằm cổ vũ những nỗ lực của họ theo những định hướng Tin Mừng.
– Trái lại, với những tu sĩ đã tự tách rời khỏi lý tưởng cộng đoàn, Huấn thị kêu mời họ nghiêm túc suy nghĩ lại những yêu sách của tình huynh đệ cộng đoàn trong đời tu.Với viễn tượng ấy, văn kiện sẽ có dàn bài như sau :
– Cộng đoàn tu trì như là một hồng ân nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.- Cộng đoàn tu trì là nơi ta trở thành anh chị em với nhau. Vậy đâu là những con đường giúp xây tình huynh đệ ấy?
– Cộng đoàn tu trì luôn có một sứ vụ đặc thù.Cộng đoàn tu trì là một ân huệ của Chúa Thánh Thần, vì nó bắt nguồn từ trọng tâm mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Do đó, đỉnh cao của ơn gọi tu trì là Hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em. Hướng đi ngược chiều với hiệp thông này là tội lỗi, vì tự bản chất, tội lỗi cắt đứt moi tương quan giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Mục đích công trình cứu độ không gì khác hơn là ‘phá đổ bức tường cách các dân tộc đồng thời hòa giải mọi người nên một nhờ thập giá Đức Kitô (x. Ep 2,14-16). Nhưng làm sao có sự hoà giải giữa hai kẻ thù được, nếu không có tình yêu? Tình yêu nói đây, chính là ân huệ Chúa Thánh Thần, tràn đổ vào lòng chúng ta (x. Rm 5,5). Sự liên kết này mang tính hữu cơ (organique) nên Thánh Phaolô dám mô tả như các chi thể trong một thân mình. Huấn thị còn nói cách triệt để hơn: Đó là hình ảnh Ba Ngôi Thiên Chúa (x. số 8). Thiết nghĩ, các tu sĩ chỉ chung vai sát cánh để xây dựng tình huynh đệ cộng đoàn khi nhận ra sự cao quí có một không hai của đời thánh hiến. Hẳn thật, nếp sống hôm nay của họ là kết quả của cả một tiến trình xây dựng ngang qua các bậc tiền bối: Manh nha của đời cộng đoàn là Nhóm Mười Hai và các tín hữu sơ khai, các bậc thầy đan tu coi đó như nếp sống gương mẫu. Thế rồi, vào những thế kỷ tiếp theo, nhiều hình thức cộng đoàn đã nảy sinh do tác động đoàn sủng của Chúa Thánh Thần, nhằm đáp ứng nhu cầu muôn mặt của con người. Lịch sử đời thánh hiến làm chứng rằng: Có nhiều cách khác nhau để sống hiệp thông. Nói khác đi, tính hiệp thông không triệt tiêu tính đa dạng phong phú nơi các dòng tu. Đời tu như thế suốt dòng lịch sử đã trở thành dấu chỉ mang tính ngôn sứ của chính Giáo Hội. Huấn thị có một đánh giá tuyệt vời về đan tu chiêm niệm, khi viết: Chứng tá do các tu sĩ chiêm niệm đem lại một ý nghĩa đặc biệt. Đối với họ, đời sống huynh đệ có những chiều kích sâu rộng hơn, bắt nguồn từ những đòi hỏi cơ bản của ơn gọi đặc biệt này, là sự tìm kiếm một mình Thiên Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện. Việc họ thường xuyên gắn bó với Thiên Chúa làm cho họ gắn bó với những phần tử khác trong cộng đoàn cách tế nhị và tôn trọng hơn. Sự chiêm niệm đem lại một sức mạnh giải phóng khỏi mọi hình thức ích kỷ. Đó hẳn là dấu chỉ sống động của mầu nhiệm Giáo Hội (x. số 10).
III . CỘNG ĐOÀN TU TRÌ LÀ NƠI MỌI NGƯỜI TRỞ THÀNH ANH CHỊ EM
Tác giả sách Công vụ Tông đồ mô tả cộng đoàn sơ khai như: Cộng đoàn tràn đầy niềm vui và Thánh Thần (x. Cv 13, 52). Quả thật, đây là nét độc đáo của “Dân Mới” trong Đức Kitô. Plinius Junior, trong một bản báo cáo cho hoàng đế Trajan, đã viết: “Trong lãnh địa của tôi, có một nhóm đạo hữu tuần nào cũng họp nhau ca hát và họ rất thương mến nhau” (Josephus Plarius, Lịch sử Do Thái, chương XVIII- câu 63). Thật chính xác! Dưới đây, huấn thị nêu lên những nét căn bản của một đời sống cộng đoàn lý tưởng :
1. Một cộng đoàn Kitô phải mang tính đối thần và chiêm niệm
Đối thần vì phận vụ trên hết là thờ phượng Chúa, và chiêm niệm là liên lỉ cầu nguyện. Huấn thị khẳng định: Việc cầu nguyện vốn được xem là nền tảng của cả đời sống cộng đoàn . Vậy hãy cảnh giác: Ngày sống của các tu sĩ có nguy cơ trở nên quá bận rộn và lo lắng, cuối cùng họ cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức. Cộng đoàn cần có một thời khóa biểu ấn định cho việc cầu nguyện và hướng lòng về Chúa (vacare Deo)Tuy nhiên, Huấn thị cũng như đức giáo hoàng không bao giờ có cái nhìn bi quan về hiện trạng đời tu, vì giữa những mây mù dã lóe lên nhiều đóm lửa và đây là một nhận định thực tế: “Một trong những thành quả giá trị nhất trong những thập niên gần đây: Đó là việc gia đình tu trì tái khám phá kinh nguyện phụng vụ. Việc cử hành chung các giờ kinh phụng vụ, hay ít nhất một phần, đã tiếp sinh khí cho kinh nguyện trong nhiều cộng đoàn”. Đi vào thực hành, Huấn thị có lời khuyên: “Mỗi cộng đoàn tu trì phải có nhà nguyện riêng như là trung tâm của cộng đoàn, nơi mà các phần tử được nuôi dưỡng lòng sùng mộ Thánh Thể. Chính chung quanh Bí tích Thánh Thể, đỉnh cao và nguồn mạch mọi hoạt động trong Giáo Hội, chúng ta xây dựng sự hiệp thông huynh đệ cộng đoàn. Tất cả mọi nền giáo dục tinh thần cộng đoàn đều bắt nguồn từ đây” (số 14c).
2. Tự do cá nhân và việc xây dựng tình huynh đệ
Do ảnh hưởng của những phong trào tranh đấu cho nhân quyền cuối thập niên 70 thế kỷ trước, người ta thấy không thoải mái khi nghe nói đến vâng phục hay khổ chế. Tuy nhiên, chúng ta cần thực tế: Đời sống cộng đoàn không thể tự nhiên mà thành hình trong một thời gian ngắn! Vì để có thể sống với nhau như anh em- chị em, cần có một lộ trình giải phóng nội tâm đích thực. Đó là cái giá phải trả mà chính Đức Kitô cũng đã làm gương khi Ngài sống với mười hai Tông đồ. Hẳn thật, “Ngài đã yêu ho cho đến cùng” (Ga 13,1b). Không cộng đoàn nào mà không có vấn đề, ngay cả trong Nhóm Mười Hai. Tuy nhiên, Đức Kitô đã vượt qua tất cả “bởi lẽ Ngài đã yêu đến mức trao ban chính mình” (s.21c). Hơn nữa, “sự thành toàn của tu sĩ nam nữ chỉ đạt được nhờ cộng đoàn của mình. Ai thử cố sống một cuộc đời tự lập, tách biệt khỏi cộng đoàn, chắc chắn không gặp được con đường an toàn dẫn tới sự hoàn thiện” (số 25).
3. Hấp lực của cộng đoàn chan chứa niềm vui
Nếu bình an và hoan lạc là dấu chứng Nước Trời, thì chứng từ của niềm vui là mãnh lực lôi cuốn vào đời sống tu trì. Nó làm phát sinh nhiều ơn gọi mới, và khích lệ sự bền đỗ (số 28). Nhưng làm sao nuôi dưỡng được niềm vui? Huấn thị đề xuất một vài việc cụ thể như: Phải dành thời gian cho việc giải trí cá nhân và tập thể; thỉnh thoảng dừng công việc một chút; chia sẻ niềm vui nỗi buồn của mình cho anh chị em đồng tu; tin tưởng dấn thân làm việc tông đồ; nhìn về ngày mai với niềm hy vọng; gặp gỡ Chúa trong mọi công việc bé nhỏ không tên. Nói tóm: “Niềm vui là chứng từ rực rỡ cho phẩm chất Tin Mừng của cộng đoàn” (s. 28).
4. Truyền thông và đối thoại
Trong cuộc canh tân đời tu, một trong những yếu tố có khả năng mang lại sự hiệp thông cộng đoàn, đó là truyền thông và đối thoại. Hẳn thật, để trở nên anh chị em với nhau, cần phải hiểu biết nhau, và để hiểu biết nhau, cần truyền thông nhiều hơn và sâu sắc hơn.Truyền thông có hai thứ: bên ngoài và bên trong. Sự truyền thông thể hiện qua thăm viếng, thư từ. Chẳng hạn, việc xuất bản các thông tin và nội san định kỳ là những phương tiện truyền thông nội bộ và liên cộng đoàn. Ngoài ra, thật là hữu ích việc tổ chức các cuộc trao đổi về những đề tài liên quan đến đời thánh hiến (x. số 29-30). Việc truyền thông và đối thoại càng cần thiết cho nội bộ cộng đoàn: “Không có đối thoại và lắng nghe, các phần tử trong cộng đoàn có nguy cơ sống một cuộc đời kế cận hoặc song hành, một khoảng cách xa rời lý tưởng huynh đệ” (s.32c).
5. Cộng đoàn và sự thăng tiến cá nhân
Các thánh và rất đông tu sĩ nam nữ chứng thực rằng sự thánh hiến cho Chúa Kitô không tạo nên chướng ngại nào cho sự phát triển con người thực sự, nhưng tự bản chất nó là một phúc lợi tột bậc cho sự phát triển ấy. Con đường phát triển ấy thực tế phải như thế nào ?
* Nắm vững căn tính
Mỗi người cần nắm vững căn tính của dòng hay tu hội mình, vì đó là đặc sủng do Thánh Thần ban cho các Đấng Sáng Lập như là hình thức sống Tin Mừng (x. số 36); cần có những người trong cộng đoàn hiểu biết sâu xa về linh đạo và sứ vụ để đồng hành với các ứng sinh.
* Tình cảm
– Đời sống huynh đệ cộng đoàn đòi phải có một sự quân bình tâm lý. Yếu tố nòng cốt của sự trưởng thành là sự tự do về mặt tình cảm, qua đó, tu sĩ thiết tha với ơn gọi của mình. Yêu mến ơn gọi của mình là yêu mến Giáo Hội, cụ thể là yêu mến Hội Dòng như gia đình của riêng mình.
– Cần đặc biệt lưu ý đến những khó khăn trong lãnh vực tình dục và khả năng sống trong cộng đoàn. Những khó khăn này thường là âm hưởng từ những vấn đề nảy sinh trong những lãnh vực khác: tình cảm, tình dục mang tính cách tự ái và ấu trĩ hoặc do dồn nén khắt khe, đôi khi được mang từ ngoài đời vào. Nhưng cũng có thể là hậu quả của những khó khăn trong cộng đoàn hay trong tác vụ tông đồ.
* Những khó khăn
Không gì đau khổ bằng phải chịu đựng ‘những người khổ đau’, đó là những người lúc nào cũng bất mãn. Họ chính là nguyên cớ gây đau khổ cho người khác và gây xáo trộn trong cộng đoàn. Nguyên nhân các đau khổ đó là do tính tình khiếm khuyết hoặc do những ràng buộc quá nặng nề hay do thiếu sót trầm trọng trong việc đào tạo.
6. Từ TÔI đến CHÚNG TA
Cần tìm kiếm một sự quân bình giữa công ích và tôn trọng con người, giữa những nhu cầu cá nhân và nhu cầu cộng đoàn, giữa đoàn sủng cá nhân và sứ vụ tông đồ của cộng đoàn. Muốn có sự hòa điệu ấy, Huấn thị đề nghị:
– Hãy cùng nhau tạ ơn Chúa vì hồng ân ơn gọi và sứ vụ chung.
– Cổ võ sự tôn trọng lẫn nhau, nhờ đó chúng ta chấp nhận nhau trong tất cả sự bất toàn và khác biệt của mỗi người.
– Cần nhắm vào sứ vụ chung của Hội Dòng mình
– Nên nhớ rằng sứ vụ tông đồ trước hết được tín thác cho cộng đoàn, vì thế đòi hỏi mỗi phần tử phải thi hành sao cho phù hợp với điều kiện sống của cộng đoàn.
– Mỗi tu sĩ, khi nhận một sứ vụ, phải tin rằng mình thực hiện nhân danh cộng đoàn và được cộng đoàn sai đi.Trên đây là những hướng dẫn đầy khôn ngoan cho những ai giàu lòng tin và đầy Thần Khí. Đức tin giúp họ mở lòng ra cho ân sủng của Thần Khí. Họ sẽ hân hoan nhắc lại lời thánh Tông Đồ : “Nếu ta sống nhờ Thần Khí thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25). (Còn tiếp một kỳ)
CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN
FM. Duyên Thập Tự_ Đan viện Phước Sơn
Cụm từ “huyền nhiệm hiệp thông” hay “mầu nhiệm hiệp thông” thường cho chúng ta cảm tưởng về một thực tại rất cao siêu và đôi khi có cảm giác xa vời. Thật vậy, sự hiệp thông luôn mang tính chất tinh thần, nghĩa là một thực tại vô hình, vượt trên những gì là khả giác. Hơn nữa, hạn từ huyền nhiệm hay mầu nhiệm lại càng đẩy thực tại đó ra xa hơn nữa, nghĩa là thoát khỏi không những phạm vi khả giác mà còn cả lý trí nữa. Vì thế, người ta vẫn sử dụng từ huyền nhiệm hay mầu nhiệm khi gặp bế tắc của trí hiểu và trí thông minh nhân loại.
Nhưng, bản thân tôi thiết nghĩ, nếu hiểu huyền nhiệm hiệp thông chỉ hiểu theo hướng đó, thì tư duy như vậy sẽ làm mất đi khá nhiều tính hiện sinh và sinh động của thực tại quan trọng này. Thật vậy, khi đề cập đến hiệp thông là nói đến những mối tương giao, những mối tương giao sống động, chứ không chỉ là suy tư về những mối liên hệ hiệp thông. Hiệp thông luôn liên kết với sự sống, với nếp sống và sinh hoạt của con người. Nhưng những mối hiệp thông đó có chất chứa tính huyền nhiệm không? Đây là một câu hỏi chất vấn chúng ta. Thật vậy, nếu chỉ dừng lại những hành vi mang tính tương giao, thì hiệp thông mới ở phần “xác”, bên ngoài. Nếu những mối tương giao được sống một cách sâu xa hơn, đi đến “tâm” của thực tại, lúc đó hiệp thông mang tính huyền nhiệm, là “hồn” của các hành vi bên ngoài.
Khi tìm hiểu về huyền nhiệm hiệp thông nơi Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, tôi có một ý nghĩ: đó là huyền nhiệm hiệp thông hết sức cụ thể và hiện sinh. Điều đó có mâu thuẫn không trong chính vấn đề: huyền nhiệm mà lại cụ thể và hiện sinh! Tôi thiết nghĩ rằng Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận không phải là một giáo sư khoa bảng, cũng không phải là một thần học gia theo đúng nghĩa chuyên môn, nhưng ngài là một vị hướng dẫn đời sống và tâm linh cho các môn sinh mình. Mà các môn sinh của ngài, không phải là những sinh viên hay các nghiên cứu sinh; họ là những người chân chất, ít học, nhưng khao khát muốn sống kết hiệp với Chúa qua chính những sinh hoạt thiêng liêng và thường nhật. Ngài biết ngài ngỏ lời với ai, với những thính giả nào, và ngài nói lên chính kinh nghiệm của mình như một mời gọi cùng đi vào trong mối hiệp thông đó. Chính vì thế, tôi sẽ tiếp cận huyền nhiệm hiệp thông nơi Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận với ba mối tương giao: trước hết với Thiên Chúa qua việc thông hiệp vào phước lạc của Thiên Chúa Ba Ngôi, tiếp đến với Giáo Hội qua việc hiện diện ngay trong lòng Giáo Hội, và cuối cùng với anh em trong đan viện qua việc cùng hiện thực một hành trình.
I. Thông Hiệp Với Phước Lạc Của Thiên Chúa
Khi đề cập đến hiệp thông, chúng ta thường nghĩ ngay đến tình huynh đệ, tình huynh đệ hiệp thông. Điều đó đúng, nhưng mối hiệp thông có một nguồn suối, một nơi phát sinh vượt trên những mối tương giao nhân loại, dù là những mối tương giao thật tốt đẹp và thánh thiêng. Huyền nhiệm hiệp thông luôn được khơi nguồn từ Thiên Chúa. Thật vậy, nếu không có Thiên Chúa và mối tương giao thân tình với Ngài, thì những mối liên hệ nhân loại không thể mang chiều kích huyền nhiệm, nghĩa là không đi xa hơn những hành vi bên ngoài và một vài tâm tình. Nhưng, thế nào là mối thông hiệp phước lạc với Thiên Chúa?
1. “Phước Của Chúa”
Một điều tôi rất ấn tượng trong các lời giáo huấn của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận và đời sống của ngài được thuật lại, đó là niềm hạnh phúc. Thật vậy, hạnh phúc là điều cha đã cảm nghiệm một cách thật rõ ràng và sâu lắng khi sống trong đan viện. Ngài đã sử dụng hình ảnh con cá hạnh phúc trong nước chứ không phải trong mứt ngọt. Và niềm hạnh phúc đó được cụ thể hóa trong mối tương giao với Thiên Chúa.
Đối với Cha Tổ Phụ, huyền nhiệm hiệp thông không gì khác hơn là tham dự vào mầu nhiệm phước lạc của Thiên Chúa Ba Ngôi, mà ngài gọi là “phước của Chúa”: “Phước của Chúa nghĩa là gì? Là Chúa biết Chúa, và yêu mến Chúa trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Mà kẻ có ơn nghĩa, cũng được thông phần sự hiểu biết và tình yêu phước lạc đó”[1] .
Như vậy hạnh phúc hay phước lạc là tiêu điểm của cuộc sống con người. Đối với đan sĩ, bầu khí hạnh phúc bao trùm toàn bộ cuộc sống: phước được kết hiệp với Chúa, như Cha Tổ Phụ khẳng định khi ngài hỏi các môn sinh về sự kín nhiệm của dòng chúng ta là gì: “Là hằng tìm Chúa, chuyện vãn với Chúa, kết hiệp với Chúa. Đó là sự kín nhiệm của chúng ta. Sự ấy, thế gian không hiểu được. Phước của chúng ta là đó rồi; gặp Chúa, nói khó với Chúa, kính mến Chúa, kết hiệp với Chúa”[2] .
Đây là định hướng rất quan trọng quyết định hành trình thánh hiến đan tu. Dù cuộc sống đan tu có những hy sinh, thập giá và cả cái chết mỗi ngày, nhưng hạnh phúc và phước lạc phải là ánh sáng rọi chiếu lên tất cả những gì mang tính chất khổ hạnh. Đan sĩ là con người hạnh phúc, con người của phước lạc: hạnh phúc và phước lạc của chính Chúa. Đừng bao giờ đánh mất ánh nhìn này, như Cha Tổ Phụ đã căn dặn:
“Chúng ta thì cứ lo ra sức tìm những sự hèn hạ đời này, mà quên phước rất trọng là Chúa ở cùng chúng ta. Người ngự thật trong lòng chúng ta… Chúng tôi là một loài rất hèn mọn, mà Đức Chúa Trời là Đấng trọng vô cùng, đành xuống mặc lấy tính loài người như chúng tôi, mà nên Cha chúng tôi, Anh chúng tôi, Bạn chúng tôi. Ấy thật là một điều quá, trí chúng tôi chẳng suy thấu”[3] .
Nếu hạnh phúc, nếu phước lạc của Thiên Chúa hiện diện nơi chúng ta, thì đâu là hiệu quả của huyền nhiệm hiệp thông đó?
2. “Nhuộm Màu Đức Chúa Trời”
“Một thước vải đáng một xu, mà khi nhuộm thứ màu gì xinh đẹp, thì đáng giá bằng trăm bằng ngàn. Cũng thế ấy, linh hồn khi chưa có ơn nghĩa thì đáng giá đôi ba tiền như thước vải thô, mà bây giờ đã nhuộm mầu Đức Chúa Trời, thì đáng giá bằng trăm bằng ngàn vậy, vì được phước của Chúa”[4].
Lời giáo huấn này của Cha Tổ Phụ có thể gây thắc mắc cho chúng ta. Nếu Phước của chúng ta là được thông phần bản tính Thiên Chúa, thì phải chăng cuộc sống chúng ta chỉ là thứ ‘tô vẽ’ bên ngoài, như nước sơn hay mầu nhuộm?
Theo thiển ý của tôi, hiệu năng của phước của Chúa trong cuộc đời chúng ta bao gồm hai phương diện, nội tại và ngoại tại.
Trước hết, về nội tại, huyền nhiệm hiệp thông với phước lạc của Thiên Chúa cho chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa, như đã nói trên. Nói như các Giáo Phụ, chúng ta được trở nên như Chúa. Cha Tổ Phụ liệt kê một loạt những hiệu năng của ơn nghĩa, tức là sự hiệp thông với phước của Chúa: “Thông phần bản tính Thiên Chúa – nên con cái Chúa và được hưởng gia tài của Người – nên bạn hữu Chúa – nên người lành thánh – nên đền thờ Đức Chúa Trời Ba Ngôi ngự”[5] .
Đó là nội tại, nghĩa là trong bản chất chúng ta. Còn ngoại tại, nghĩa là trong nếp sống, trong các sinh hoạt, thì sao? Cha Tổ Phụ dùng hình ảnh “được nhuộm mầu Đức Chúa Trời”. Ở đây, chúng ta nhận ra sự đánh giá của Cha Tổ Phụ rất chính xác về cuộc sống của con người được thông hiệp với phước của Chúa. Cuộc đời đó đã được mang tính chất của Thiên Chúa, mang chiều kích Thiên Chúa, được nhuộm sắc mầu của Thiên Chúa. Đó là cuộc sống có giá trị với những hoạt động có giá trị. Và đó cũng là điều cần được quang tỏa ra cho tha nhân. Cha Tổ Phụ đã nêu lên một phương thế là hãy “chăm chỉ coi Chúa Giêsu làm thế nào, thì ra sức soi gương” để rồi qua đó, “người ta trông vào thì thấy Giêsu, Giêsu thay thảy” [6].
Vậy nếu huyền nhiệm thông hiệp vào phước lạc của Thiên Chúa biến đổi cuộc sống chúng ta nên “màu” Thiên Chúa, thì đâu là con đường chúng ta cần đi trên đó để đón nhận và phát huy nội dung của huyền nhiệm hiệp thông này? Nói cách khác, đâu là những phương thế cần sử dụng để mở lòng ra đón nhận phước lạc đó?
3. “Sống Nội Tâm”
Có thể nói rằng “sống nội tâm” là cụm từ căn bản nhất để diễn tả con đường hay phương thế để sống hiệp thông với Thiên Chúa. Sống nội tâm cũng có nghĩa là sống thiêng liêng. Nhưng thế nào là sống thiêng liêng, nội tâm?
Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận không sử dụng những kiểu nói cao siêu, trừu tượng để diễn đạt cho các môn sinh “nhà quê”[7] của mình thực tại rất huyền nhiệm này:
“Chúng ta phải lo sống kết hiệp với Chúa…Nếu trong nhà này đặng như vậy, thì vui biết mấy. Cha nói lại, kẻo có người không hiểu, nghe nói sống thiêng liêng mà không biết sống thiêng liêng là làm sao. Vậy sống thiêng liêng, là sống với Chúa, với Đức Mẹ và các thánh trên trời; cũng như chúng ta sống trong nhà dòng này, với Bề trên và các anh em vậy. Sự sống thiêng liêng là như thế đó. Có như vậy, ở nhà dòng này mới vui thích. Xin Chúa cho chúng ta hết thảy, đặng nên người sống thiêng liêng cho thật”[8] .
Như vậy, đời sống nội tâm hay thiêng liêng phải mang tính chất cụ thể, hiện sinh và nuôi dưỡng những cảm nghiệm, những kinh nghiệm. Thật vậy, đối với Cha Tổ Phụ, những kinh nghiệm của việc kết hiệp với Thiên Chúa, của huyền nhiệm hiệp thông là những kinh nghiệm từ trong lòng cuộc sống hằng ngày, cụ thể. Chúng là những kinh nghiệm thần bí. Nhưng đâu là những hoạt động chính nuôi dưỡng đời sống nội tâm, thiêng liêng? Cha Tổ Phụ, trung thành với truyền thống tu đức của Giáo Hội, nêu lên hai hoạt động chính, đó là cầu nguyện và nguyện gẫm.
Trước hết, về cầu nguyện, Cha Tổ Phụ xác định:“Việc bổn phận của chúng ta là cầu nguyện và kết hiệp với Chúa… Nhà này mà không cầu nguyện, thì hóa ra một nhà nông phu. Cầu nguyện là chính việc chúng ta. Thầy dòng phải là con người cầu nguyện”. Rồi ngài định nghĩa: “Cầu nguyện là thực sự gặp được Chúa cách thân tình, như giữa cha và con”[9] .
Cầu nguyện, được định nghĩa như là một sự gặp gỡ Chúa thân tình, nằm trong tầm tay, ở trong khả thể của con người: Một sự gặp gỡ thân tình. Ai trong chúng ta cũng đã kinh nghiệm về sự gặp gỡ thân tình là như thế nào. Cầu nguyện diễn tả huyền nhiệm hiệp thông thật sống động, hiện sinh và rất ư là đời thường. Bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu, cũng là thời gian và không gian của cầu nguyện. Cha Tổ Phụ đã hơn một lần nói lên sự kiện là khi làm việc – công việc không đòi hỏi quá nhiều chú tâm – giúp kết hiệp với Chúa còn dễ hơn là trong nhà nguyện vào giờ nguyện gẫm lúc 2 giờ đêm khi phải chiến đấu với cơn mê ngủ. Tác giả sách Hạnh Tích đã nhắc lại lời Cha Tổ Phụ nói với một linh mục đến tĩnh tâm tại Phước Sơn là có một linh hồn mà không quá 5 phút đã nhớ đến Chúa. Phải chăng đó là chính ngài? Một con người chuyên tâm cầu nguyện, sống hiệp thông thường xuyên với Chúa, chắc chắn trở thành người cầu nguyện, người sống thiêng liêng và người của huyền nhiệm hiệp thông.
Tiếp đến là nguyện gẫm, như chính Cha Tổ Phụ xác định: “Muốn sống thiêng liêng bề trong, phải chăm lo nguyện gẫm”[10] .
Cha Tổ Phụ đã nhắc đi nhắc lại cho các môn sinh mình về nguyện gẫm.Việc nguyện gẫm đã được đúc kết trong Di Ngôn số 120, trong đó ngài phân biệt hai cách nguyện gẫm cách thường và cách lạ. Sau đó, ngài phân chia nguyện gẫm cách thường thành ba bậc: bậc thứ nhất, suy lẽ nhiều nhưng ít nói chuyện với Chúa. Bậc thứ hai, nói chuyện với Chúa nhiều nhưng ít suy lẽ. Bậc thứ ba là hằng ở bình an trước mặt Chúa. Còn nguyện gẫm cách lạ, là được ơn kết hiệp với Chúa cách đặc biệt. Và ngài nhận định: “Khi nguyện gẫm cách thường, là như thể chúng ta đi tìm Chúa; còn bây giờ (nguyện gẫm cách lạ), Chúa lại đến tìm chúng ta, cho chúng ta được gặp Chúa”[11] .
Chúng ta cần ghi nhận là dù ở trong giai đoạn nào, nguyện gẫm là con đường dẫn tới gặp Chúa, kết hiệp với Chúa. Nghĩa là sống huyền nhiệm hiệp thông. Cha Tổ Phụ, đây đó trong các lời giáo huấn, luôn nhắc đến sự kết hiệp với Chúa. Đây là điểm chủ đạo, là cốt lõi của đời đan tu. Đan sĩ là người sống thật sâu huyền nhiệm mối hiệp thông với Chúa.
II. Hiện Diện Trong Lòng Giáo Hội
Mối hiệp thông huyền nhiệm với Thiên Chúa bao giờ cũng dẫn đến mối hiệp thông với Giáo Hội, nghĩa là với tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội và với mọi ý hướng cũng như hoạt động của Giáo Hội.
1. “Hội Thánh Ước Ao Về Chúng Ta”
Hội Thánh ước ao điều gì nơi chúng ta? Đây là một câu hỏi hết sức căn bản để diễn tả mối hiệp thông giữa Giáo Hội và đời sống đan tu. Phải chăng là nhưng việc làm cụ thể, những hoạt động mục vụ, những hoạt động? Chúng ta biết là Cha Tổ Phụ, trước khi lập dòng, đã là một nhà truyền giáo nhiệt thành. Tất cả sức lực và tài lực đã được ngài đầu tư cho công cuộc mở mang Nước Chúa. Tôi đã đề cập khía cạnh này trong các bài viết trước kia. Nhưng, đâu là điều Giáo Hội mong ước về đời sống đan tu? Đây là chính câu hỏi đã trở thành bước ngoặc trong đời sống của ngài: ngài phục vụ Giáo Hội “một cách khác”. Chúng ta hãy lắng nghe ngài thổ lộ:
“Một thầy dòng thánh… chỉ chăm chú nghĩ suy và thao thức vì thấy người ta ít kính mến Chúa mà thôi. Cả ngày, thầy chỉ làm đẹp lòng Chúa, hằng kết hiệp với Chúa, an ủi Chúa và lo đến phần rỗi kẻ khác. Thầy hằng lo giữ như vậy, đến đỗi xem ra như chỉ có một mình Chúa với một mình thầy ở thế gian này vậy, “solus cum solo”. Ấy là thầy dòng nhất hảo. Hội Thánh ước ao về chúng ta như vậy. Sự ấy rất phải, vì sẽ làm ích cả thể cho Hội Thánh cách kín nhiệm. Ấy là chính việc bổn phận chúng ta, nên chúng ta phải lo cho được như vậy, là lo kết hiệp với Chúa, kính mến Chúa, và lo cho thêm số những người kính mến Chúa”[12] .
Như vậy, dưới nhãn quan của Cha Tổ Phụ – và đương nhiên qua cuộc sống của ngài -, sự hiện diện với Thiên Chúa diễn tả cách trung thực nhất, cách kín nhiệm nhất sự hiện diện trong lòng Giáo Hội. Chính sự hiệp thông với Thiên Chúa biểu thị huyền nhiệm hiệp thông với Giáo Hội.
Nhưng, đan sĩ không chỉ dừng lại nơi bản chất của sự hiệp thông, của tâm tình hay “hồn” của huyền nhiệm hiệp thông, mà còn phải được diễn tả qua hoạt động. Vì, nếu không có những hoạt động, sợ rằng sự hiệp thông đó mới chỉ dừng lại những tâm tình suông. Vậy, đâu là những hoạt động mà đan sĩ thực hiện để diễn tả mối hiệp thông với Giáo Hội?
2. “Sinh Ích Cho Giáo Hội Lắm”
Trước khi đề cập đến một vài hoạt động tiêu biểu của đời đan tu, chúng ta cần nhắc lại khẳng định của Cha Tổ Phụ, đó là: đời đan tu có ích cho Giáo Hội, mà ngài hay dùng kiểu nói “sinh ích cho Giáo Hội lắm!”. Cũng cần ghi nhận thêm rằng, lợi ích của đời đan tu dành cho Giáo Hội không phải là điều dễ hiểu và dễ chấp nhận đâu, như ngài đã nhận xét:
“Từ 20 thế kỷ này có vô số các thầy dòng. Các thầy dòng đi giảng, đi giúp các nhà thương trường học, thế gian còn hiểu được. Còn thầy dòng nguyện gẫm hãm mình như chúng tôi, thế gian không hiểu được. Vì sao tìm đến nơi vắng vẻ rừng rú này, mà chẳng phải điên, cũng chẳng phải là vô tâm vô trí, như có nhiều người hiểu lầm như vậy. Một lần kia, có người gặp cha trên xe lửa, họ tưởng nghĩ chúng ta là hạng điên. Song, không phải như vậy”[13] .
Nếu cuộc sống đan tu là cuộc sống kín nhiệm, thì cũng mang lại lợi ích cho Giáo Hội một cách kín nhiệm, như Cha Tổ Phụ đã khẳng định. Chúng ta cũng có thể nói với ngài, là những họat động của chúng ta cũng kín nhiệm.
Hoạt động thứ nhất diễn tả mối hiệp thông với Giáo Hội, đó chính là cử hành phụng vụ. Đây là thời gian và không gian trong đó đan sĩ sống huyền nhiệm hiệp thông kép, với Thiên Chúa và Giáo Hội. Cha Tổ Phụ nói một cách minh nhiên về điều này: “Đọc kinh hát lễ thay cho cả Hội Thánh thờ phượng, ca ngợi Chúa, cũng như quân lính hằng canh thức luôn. Thế gian lo tìm bạc tiền, lo vui chơi ngủ nghỉ, chúng ta như lính phải canh thức luôn mà cầu nguyện thay mặt Hội Thánh”[14] .
“Thay mặt Hội Thánh”, có nghĩa là hiệp thông với Hội Thánh, nhân danh Hội Thánh, để cử hành phụng vụ. Đây là một hoạt động mang lại lợi ích lớn nhất cho Giáo Hội [15]. Nhưng cử hành phụng vụ không phải là hoạt động thánh thiêng duy nhất của các đan sĩ; họ cần phải tham dự vào công cuộc tông đồ của Giáo Hội, bằng cầu nguyện và hy sinh: “Thường, Chúa để phần rỗi các linh hồn trong tay người ta. Đó là sự mầu nhiệm, cũng là vinh hạnh cho chúng ta. Vì xem ra Người muốn dùng chúng ta mà làm việc của Người… Vậy, chúng ta khi gặp sự gì trái ý cực lòng, hay sự khốn khó nào, hãy dâng cho Chúa để cứu các linh hồn. Như vậy, ở trong nhà dòng mới vui; và khi gặp sự khó, mới dễ chịu, vì được dịp mà tỏ lòng mến Chúa, cứu các linh hồn cho Chúa”[16] .
Trong các lời giáo huấn, Cha Tổ Phụ luôn mời gọi các môn sinh cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa và sử dụng kiểu nói “yêu mến Chúa và làm cho nhiều người yêu mến Chúa”: đó là một định nghĩa thật đẹp của công cuộc tông đồ, của hoạt động truyền giáo và cũng là mục đích thứ hai mà ngài đã viết một cách trang trọng trong bản Hiến Pháp[17] .
Chỉ hiện diện như vậy với Giáo Hội lữ hành, Cha Tổ Phụ nhận thấy thế là không đủ; ngài mời gọi các đan sĩ mở rộng tầm nhìn đến tất cả các thành phần trong nhiệm thể Giáo Hội của Chúa Kitô: các chi thể đã đang hưởng vinh quang và các chi thể đang cần được thanh luyện.
3. Cùng Các Thành Phần Giáo Hội
Cha Tổ Phụ hướng mắt các môn sinh như nhìn thấy quang cảnh thiên đàng, nơi các thánh – những chi thể vinh quang của Giáo Hội – đang sống. Các ngài đang làm gì?
“Chúng ta hãy biết, việc chúng ta làm trọng lắm, vì cùng làm một việc như các thánh trên thiên đàng đang làm bây giờ là kính mến Chúa. Chúng ta ở thế gian này, cũng phải lo việc kính mến Chúa, cho nên không khác chi; chỉ có khác điều này, là các thánh ở trên trời được xem thấy Chúa, hiểu biết Chúa rõ ràng hơn chúng ta mà thôi. Vì chúng ta ở đời này cũng kính mến Chúa, các thánh trên trời cũng kính mến Chúa, cho nên chúng ta cũng làm một việc như các thánh trên thiên đàng”[18] .
Nhưng không chỉ hướng ánh nhìn lên cao, Cha Tổ Phụ, cũng rất thực tế, đã sống và mời gọi các môn sinh hiện thực huyền nhiệm hiệp thông với các thánh ngay trong hy sinh vất vả của công việc và mọi sinh hoạt khác:
“Trong chúng ta ai lấy việc xác làm nặng nề, buồn bực, chán ngán, thì ở nhà dòng này không được. Ở nhà dòng này phải làm việc xác, ai theo sức nấy. Việc xác là việc đền tội, và cũng là việc các thánh đã làm… Việc xác cũng là việc Chúa Giêsu đã lấy làm cần, chính Người đã ra tay làm việc nặng nề khó nhọc lâu năm ở Nazareth. Lại các thánh xưa nay cũng đã làm việc xác mà nuôi mình”[19] .
“Chúng ta hãy biết dùng cơn bệnh mà nên thánh, vì là lúc được rảnh rang mà ở với Chúa… Chúng ta hằng nghe đọc trong hạnh các thánh xưa nay rằng: các Đấng ấy lúc đau ốm, tuy rằng thân thể yếu nhược, mà linh hồn thì lành mạnh; và thân thể càng yếu liệt chừng nào, thì linh hồn càng được sức mạnh chừng ấy. Tại sao có sự ấy? Là các thánh biết lợi dụng trong hết mọi dịp, để mà tới gần Chúa. Chúng ta cũng hãy ra sức noi gương như vậy, vì đàng các thánh đi xưa, thì rầy chính chúng ta cũng đang đi một đàng ấy. Xin các thánh cầu giúp chúng ta”[20] .
Khi hướng nhìn lên cao, đến các thánh trên thiên đàng, Cha Tổ Phụ cũng hướng nhìn đến các chi thể đang được thanh luyện; và ngài mời gọi hãy cầu nguyện cho các linh hồn ấy. Với Cha Tổ Phụ, một cách thức sống huyện nhiệm hiệp thông với Giáo Hội, chính là cầu nguyện: “Hãy cầu nguyện cho bề trên, cho nhà dòng, và cho hết mọi anh em ở đây; lại cầu cho cả Hội Thánh, cho kẻ có tội, kẻ ngoại, và cho các linh hồn ở chốn luyện ngục”[21] .
III. Cùng Hiện Thực Một Hành Trình
Mối thông hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi, hiện diện trong lòng Giáo Hội: tất cả huyền nhiệm đó cần phải có một “nơi”, một “môi sinh” để hiện thực: đó là cộng đoàn hay đúng hơn đó là sự thông hiệp huynh đệ. Cộng đoàn vừa là một không gian, nhưng đồng thời cũng là thời gian để huyền nhiệm hiệp thông được sống một cách cụ thể và hiện sinh. Nói cách khác, mầu nhiệm Thiên Chúa, mầu nhiệm Giáo Hội và mầu nhiệm cộng đoàn được hòa quyện với nhau, và điều làm cho ba thực thể này liên kết với nhau, đó chính là “hiệp thông”.
1. “Một Gia Đình”
Cha Tổ Phụ, một người rất “Việt Nam hóa”, đã sử dụng hay đúng hơn đã hội nhập những nét đẹp văn hóa của dân tộc mà ngài đã chọn làm quê hương của mình, để diễn đạt những thực tại thật sâu xa. Một trong nét nổi bật, đó là “gia đình”. Đối với người Việt nam, hai từ gia đình gợi nên biết bao tâm tình và gói trọn cả cuộc sống. Tôi không muốn phân tích nơi đây ý niệm và quan niệm gia đình, chỉ muốn nêu lên điều Cha Tổ Phụ áp dụng cho thực tại tốt đẹp này.
Cha Tổ Phụ đã gọi đan viện là gia đình: “Mạnh khỏe thì làm việc nặng, yếu thì làm việc nhẹ. Xét trong một gia thất thì thấy rõ việc ấy, không cần phải cha nói dài lời. Nhà dòng này là một Gia Thất, cha con, anh em thương yêu nhau, giúp đỡ nhau”[22] .
Để có thể sống huyền nhiệm hiệp thông trong gia đình Đan viện, cần thiết phải ý thức về một số yếu tố nền tảng trở thành mẫu số chúng của các thành viên.
Trước hết, phải nói đến Thiên Chúa: Người là Cha chung của tất cả. Nói cách khác, anh em trong cộng đoàn có chung một Cha: “Chúng ta ai nấy cũng là anh em với nhau cả, đang đi cùng nhau một đường, tiến về cùng Cha chúng ta trên trời, và lãnh nhận mọi ân huệ nơi Người”[23] .
Trong Lời Trối, Cha Tổ Phụ nhắc lại một cách trang trọng và đầy tâm huyết thực tại trên: “Cha biết rõ Chúa là Cha chung, Chúa thương cha và cũng thương các con; cho nên không sợ chi cho cha, cũng không sợ chi cho chúng con. Vậy, xin chúng con hãy ở bình an như cha, vì Chúa là Cha thương chúng ta quá lẽ”[24] .
Nếu Thiên Chúa là Cha chung và “yêu thương quá lẽ”, thì hệ luận là: để có thể yêu thương anh em, phải gặp gỡ Chúa đã. Nghĩa là chính khi hiệp thông với Thiên Chúa, các thành viên gia đình đan viện mới có thể hiệp thông với nhau: “Kẻ gặp được Chúa như vậy, thật là thầy dòng. Kẻ ấy hằng khao khát linh hồn người ta, thương yêu anh em mình lắm, và hay xét lành cho anh em”[25] .
Nhưng để huyền nhiệm hiệp thông đó trở thành thực tại sống động, các thành viên gia đình đan viện phải cùng có chung một định hướng, cùng một nếp sống. Cha Tổ Phụ sử dụng kiểu nói “đang cùng nhau đi một đường” để diễn tả thực tại đó.
2. “Đang cùng nhau đi một đường”
Thực tại “cùng nhau đi một đường” bao gồm những yếu tố quan trọng của nếp sống đan tu, vì gia đình này là gia đình Đan viện, sống đời thánh hiến đan tu.
Yếu tố căn bản để “đi cùng nhau”, đó chính là luật dòng. Đây là điều Cha Tổ Phụ rất nhấn mạnh. Tại sao, vì luật dòng là luật sống hình thành nên chính nếp sống, là nền tảng để xây dựng sự hiệp nhất giữa các thành viên.
“Cha năng nói, muốn nên thánh phải giữ Luật Dòng, mà cha không nói sự giữ Luật trọn là một điều dễ làm, song là một điều rất khó…Như ngày hôm nay, chúng ta đã ở trong nhà thờ lâu giờ, mà chúng ta đã dùng cho nên hay không? Chúng ta đọc kinh này kinh khác, đọc có, hát có, mà chúng ta có làm tử tế, có cầm lòng cầm trí chăm chỉ tìm gặp Chúa cho trọn cả không? Điều ấy thật không dễ đâu. Đừng nói chi nhiều, nguyên một tiếng Amen mà thôi, chúng ta có đọc cho tử tế không?… Nên, cha nói, chúng ta muốn nên thánh phải giữ Luật Dòng cho đủ. Giữ cho trọn vẹn vì lòng mến Chúa… Chúng ta chớ mất ngày giờ mà bày đặt mơ màng cái điều chi trong trí vô ích. Cha còn nói lại, muốn nên thánh phải giữ luật dòng cho trọn đã đủ. Đó là trí ý các thánh xưa nay”[26] .
Trong Lời Trối, một lần cuối cùng, ngài nhắc nhở các môn sinh của mình: “Cha khuyên chúng con hãy nhớ: Đàng nhân đức là tuân theo thánh ý Chúa, mà theo Thánh ý Chúa là giữ Luật Dòng cho trọn. Cha còn nói một lần nữa: chúng con muốn nên thánh thì hãy giữ Luật Dòng; muốn nên thánh, thì hãy giữ Luật Dòng”[27] .
Nếu Luật Dòng là kim chỉ nam định hướng cho nếp sống và mọi sinh hoạt, thì sự hiệp thông phải được tràn chảy trong mọi tương giao huynh đệ với những tâm tình và hành động phát xuất từ chính tình yêu. Cha Tổ Phụ rất thiêng liêng nhưng cũng rất cụ thể và hiện sinh. Khi nói hiệp thông và yêu thương anh em, ngài tự chất vấn mình và giúp các môn sinh cũng tự hỏi mình:
“Muốn biết chúng tôi có kính mến Chúa hay không, hãy xét coi chúng tôi có thương yêu anh em không. Nếu chúng ta có, ấy là dấu chúng ta có lòng kính mến Chúa… Chúng ta xét mình coi: Trong ngày hôm nay, tôi có làm chi cho Bề trên và anh em tôi được vui chăng? Coi ngày hôm nay, tôi có cố gắng làm việc chi cho Bề trên và anh em tôi bớt sự khó nhọc không? Nhưng, giúp đỡ anh em bằng sự cầu nguyện thì làm được luôn… Chúng ta là anh em với nhau, đi dàng nhân đức như nhau, cho nên phải thương yêu nhau, chẳng những anh em ở một nhà với chúng ta đã rồi, là phải thương yêu hết mọi người. Mà muốn cho được thương yêu anh em, phải ra khỏi mình là bỏ mình đi, thì mới thương yêu anh em được”[28] .
Và hiệp thông huynh đệ là cùng đi một con đường là ơn gọi và nếp sống đan tu, mà ơn gọi đó, nếp sống đó không có mục đích nào khác hơn là nên thánh, thì việc cùng nhau tiến tới là một trong những diễn tả đẹp nhất, chất lượng nhất của huyền nhiệm hiệp thông: “Nhà Dòng không có ý chi khác, chỉ có một ý giúp nhau tấn tới trong đàng kính mến Chúa, cùng làm cho nhiều người kính mến Chúa nữa. Đó là mục đích chúng ta, ai nấy phải lo cho được. Xin Chúa giúp chúng ta”[29] .
3. Mời gọi người khác hiệp thông với cộng đoàn
Khi học hỏi về Cha Tổ Phụ, tôi ghi nhận một điều: Cha Tổ Phụ, khi đã sống đời đan tu, ẩn dật trong nội vi đan viện, ngài không muốn tạo một mô hình “đóng kín” hay đúng hơn “đoạn tuyệt” với thế giới bên ngoài, tuy rằng thầy dòng luôn chăm chú trong đời sống chiêm niệm. Tại sao? Vì thầy dòng contemplativi sống hiệp thông với Thiên Chúa, nhưng cũng hiệp thông với tha nhân – như tôi đã trình bày trong phần thứ hai. Điều tôi muốn diễn đạt nơi đây, đó là những sinh hoạt của gia đình đan viện phải có âm hưởng trên người khác. Tôi muốn nói đến sự thông tin.
Chúng ta biết rằng, Cha Tổ Phụ viết nhiều thư cha song thân của ngài và với bề trên của ngài là Đức Cha Allys, cũng như với các bạn thừa sai người Pháp[30] . Qua những thư tín đó, một đàng ngài thông tin những gì đã và đang diễn ra tại cộng đoàn ngài mới thành lập, nhưng sâu xa hơn và đây là chủ đích của ngài, đó là kết dệt mối tương giao của “sự sống” giữa cộng đoàn Phước Sơn và những người nhận thư, mà ngài như là một trung gian lưu chuyển sự hiệp thông đó. Trong các thư đó, ngài luôn diễn tả bằng nhiều cách “đức tin” của ngài vào công trình này, và nhận ra dấu ấn tình thương của Thiên Chúa trên cộng đoàn và thiện chí cũng như sự tiến triển của các môn sinh mình. Đây là một sự quang tỏa và nhân rộng ra huyền nhiệm hiệp thông. Qua chữ viết, hồn của sự hiệp thông được chuyển tải.
Một khía cạnh nữa, đó là các đan sĩ – những môn sinh của ngài – phải luôn ý thức về niềm hy vọng mà người đời đặt nơi họ. Tại sao? Vì họ muốn có sự hiệp thông giữa các đan sĩ và họ, qua chính mối hiệp thông với Thiên Chúa. Cha Tổ Phụ đã căn dặn:
“Chúng tôi phải nên thầy dòng thật, bằng không chỉ là phỉnh dối người ta. Họ gửi thư xin chúng tôi cầu nguyện, họ tưởng chúng tôi là những người nhân đức lắm, toàn là những ông thánh, ông thánh hết. Vậy chúng tôi hãy lo nên thầy dòng thật. Chớ để sự họ tin cậy chúng ta ra vô ích… Chúng tôi phải lo kính mến Chúa, kết hiệp với Chúa, vâng ý Chúa mọi đàng, tỉnh thức luôn mà nhớ đến Chúa, thì lời chúng tôi cầu nguyện mới có sức, mới được thần thế trước mặt Chúa, mới làm cho người ta tin cậy chúng tôi không ra vô ích”[31] .
Thay lời kết : Đứng trên vùng đất ngày xưa
Trong khi viết bài “Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận và huyền nhiệm hiệp thông”, tôi có dịp tham dự cuộc tĩnh huấn dành cho các đan sĩ thuộc Hội Dòng, tại linh địa La Vang từ ngày 10 đến 12 tháng 11 với chủ đề “Noi gương Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, các đan sĩ Xitô Thánh Gia say mê Thiên Chúa và sống huyền nhiệm hiệp thông”. Sau dịp tĩnh huấn, tôi có cơ may cùng với một số anh em tìm về đất Phước Sơn ngày xưa, nơi Cha Tổ Phụ thành lập dòng “Đức Bà An-Nam”. Vì không có ai trực tiếp hướng dẫn đường đi – chỉ hướng dẫn qua điện thoại -, nên nhóm chúng tôi cứ thế mà tìm kiếm. Đang khi đi trong rừng tràm và rừng thông rộng mênh mông, không biết cụ thể đất nhà dòng ở đâu, chúng tôi đã dừng lại cầu nguyện xin Cha Tổ Phụ tỏ cho chúng tôi biết nơi chốn. Ngay khi kết thúc cầu nguyện, một người chăn bò đi qua và chỉ cho chúng tôi vùng đất đang kiếm tìm. Chúng tôi đã tìm thấy một vài dấu vết như những viên gạch còn nguyên và những miếng ngói nho nhỏ. Chúng tôi cứ lần theo đến tận bờ sông, nơi ngày xưa là bến Thánh Giá. Chúng tôi ở lại đó, tìm kiếm những dấu vết ngày xưa còn lại, nhưng chỉ có những miếng gạch ngói và một vài cục đá có lẽ dùng làm đế cột. Một người địa phương khác cũng xuất hiện kể cho chúng tôi một vài chi tiết; và trên đường ra về, ông chỉ cho chúng tôi nghĩa trang mà bây giờ chỉ là rừng cây tràm. Chúng tôi đã dừng lại đọc kinh kính Cha Tổ Phụ và cầu nguyện cho các cha anh đã ra đi trên vùng đất Phước Sơn- Quảng Trị.
Đứng trên vùng đất Phước Sơn ngày xưa, bản thân tôi dâng tràn một cảm xúc thật khó tả. Một đàng nhìn thấy tận mắt khung cảnh vắng vẻ – vì không có dân cư, và “bạn” của các ngài ngày xưa là cọp, heo ri…-, một đàng như nhìn thấy Cha Tổ Phụ và các cha anh thế hệ trước đã sống và sinh hoạt, như khi cử hành phụng vụ, như dịp đi chặt củi hay lao động trồng lúa, củ mì. Rồi như nghe được giọng nói Cha Tổ Phụ huấn đức anh em… và biết bao sinh hoạt khác. Tôi như được hòa mình vào – dù chỉ là tưởng tượng – mối hiệp thông với Cha Tổ Phụ và quí cha anh ngày xưa. Những con người đó đã sống một cuộc đời đan tu thật đơn giản nhưng không kém sâu xa, đã mang lại nhiều lợi ích cho biết bao tâm hồn “cách kín nhiệm”. Cha Tổ Phụ và các ngài đã để lại một gia sản sống động và cao quí. Và tôi, cũng như anh chị em chúng ta ngày nay, cần khơi dòng sông ân sủng đó, khơi thật sâu, cách mạnh mẽ, để mạch nguồn huyền nhiệm hiệp thông từ Thiên Chúa, đổ tràn trên Giáo Hội, trong tâm hồn mỗi chúng ta, và toàn thể đồng bào Việt Nam thân thương.
[1] Di Ngôn, s.108“Về ơn nghĩa”, tr.128
[2] Di Ngôn, s.141 “Sự kín nhiệm của các thày dòng contemplativi”, tr.181.
[3] Di Ngôn, s.109 “Khi được ơn nghĩa thì được gì?”, tr.129-130.
[4] Di Ngôn, s.108 “Về ơn nghĩa”, tr.128.
[5] Di Ngôn, s.108 “Về ơn nghĩa”, tr.127.
[6] Di Ngôn, s.136 “Một phương thế có thể giúp chúng ta nên thầy dòng và để kết hiệp với Chúa”, tr.172
[7] Tôi dùng từ “nhà quê” theo nghĩa tốt, chứ không phải nghĩa châm biếm. Các môn sinh của Cha Tổ Phụ tuyệt đại đa số phát xuất từ nông thôn, với nếp sống chân chất, không nhiều kiến thức nhưng rất thiện chí và khát khao đời sống thiêng liêng và tu trì. Đó là điều Cha Tổ Phụ khẳng định trong các thư tín ngài viết cho Đức Cha Allys Lý hay cho mẹ kế mẫu. Ngài gọi các môn đệ ngài là “les petits nhà quê”.
[8] Di Ngôn, s.107 “Sống kết hiệp với Chúa”, tr.124,125.
[9] Di Ngôn, s.118 “Về sự cầu nguyện”, tr.143
[10] Di Ngôn, s.107 “Sống kết hiệp với Chúa”, tr.126.
[11] Di Ngôn, s.120 “Về sự nguyện gẫm”, tr.146.
[12] Di Ngôn, s.135 “Nên thầy dòng thánh”, tr.171-172.
[13] Di Ngôn, s.141 “Sự kín nhiệm của thầy dòng contemplativi”, tr.180-181.
[14] Di Ngôn, s.139 “Trong nhà dòng chúng ta có ba phần việc”, tr.176-177.
[15] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Đức ái hoàn hảo, số 7.
[16] Di Ngôn, s.121, “Cứu giúp các linh hồn”, tr.150-151.
[17] Ngài cũng đã soạn thảo một bản kinh cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa.Lời kinh đó vẫn được đọc trong các cộng đoàn Hội Dòng và một vài địa phương cũng sử dụng.
[18] Di Ngôn, s.140 “Các nhà trường, nhà dòng, khác nhau thế nào?”, tr.180.
[19] Di Ngôn, s.139 “Trong nhà dòng chúng ta có ba phần việc”, tr.177-178.
[20] Di Ngôn, s.127 “Phải ra sức làm thầy dòng lúc đau ốm”, tr.158-160. .
[21] Di Ngôn, s.127 “Phải ra sức làm thầy dòng lúc đau ốm”, tr.158.
[22] Di Ngôn, s.139 “Trong nhà dòng chúng ta có ba phần việc”, tr.178.
[23] Di Ngôn, s.125 “Người pharisiêu và người publicanô”, tr.156.
[24] Di Ngôn, s. “Lời trối”, tr.192.
[25] Di Ngôn, s.141 “Sự kín nhiệm của thầy dòng contemplativi”, tr.182.
[26] Di Ngôn, s.137 “Muốn nên thánh phải giữ luật dòng”, tr.173-174.
[27] Di Ngôn, s.150 “Lời trối”, tr.192.
[28] Di Ngôn, s.112 “Về đức mến”, tr.134-135.
[29] Di Ngôn, s.138 “Nhà Dòng là trường học làm tôi Chúa”, tr.176.
[30] Trong luận văn về Cha Tổ Phụ, tôi trích dẫn các thư tín này.
[31] Di Ngôn, s.133 “Nên thầy dòng thật”, tr.168-169.
ĐỜI TU NHƯ LÀ TẤM BÁNH BẺ RA
Sr. M. Phaolo Thánh Giá _ Đan viện Phước Hải
Bước vào đời sống thánh hiến, chúng ta luôn mang nơi mình khát vọng hiến thân phục vụ anh chị em, Giáo Hội và thế giới. Mặc dầu sống trong nơi “kín cổng cao tường”, nhưng tâm hồn chúng ta luôn được mời gọi mở rộng ra với tất cả mọi người xung quanh, cách riêng cho anh chị em đang cùng chung lý tưởng, chia ngọt sẻ bùi trong đời sống đan tu chiêm niệm. Sống trong đan viên, đan sĩ tựa như hạt lúa gieo vào lòng đất, sẵn sàng chết đi cho tính ích kỷ, háo thắng, ghen ghét để tạo điều kiện cho tình yêu lớn lên: một tình yêu vị tha, luôn tìm lợi ích cho người khác (x. Pl 2,4) và đi vào nỗi thao thức của họ.
Nói cách khác, ơn gọi đan tu mời gọi mỗi người chúng ta sống mầu nhiệm tự hủy để trở nên tấm bánh bẻ ra cho muôn người. Hành động bẻ ra này có thể gây đau đớn, nhức nhối bởi đã lấy đi sự an toàn của bản thân, cắt bỏ những quyến rũ của thế gian hay những đam mê trần tục đang theo đuổi, rình rập, mời mọc chúng ta. Tấm bánh mà người đan sĩ cần bẻ ra không gì khác hơn là họa lại chính cuộc đời của Đức Giêsu. Bởi chưng, Đức Giêsu vốn giàu sang nhưng đã trở nên nghèo khó để lấy cái nghèo của mình mà làm cho muôn người trở nên giàu có (x. 2Cr 8,9). Qua cái chết khổ giá, Ngài đã hoàn tất chương trình cứu độ của Chúa Cha, đồng thời trở nên tấm bánh bẻ ra để cho chúng ta được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10). Trong Đức Kitô, người đan sĩ cũng luôn được mời gọi họa lại con đường hiến thân vì tình yêu mà Ngài đã sống, nghĩa là họa lại chính cuộc sống của Đức Giêsu qua việc tuân giữ các Lời khuyên Phúc âm và nhiệt tâm xây dựng đời sống chung ngày một thăng tiến và hiệp nhất trong tình yêu Chúa Kitô.
I. Đức Kitô – Tấm Bánh Bẻ Ra Cho Nhân Loại
Khi xuống thế làm người, Đức Kitô đã sống trọn thánh ý của Chúa Cha để mang lại cho con người ơn cứu độ (x. Dt 10,7). Với con người bằng xương bằng thịt, chắc hẳn Đức Giêsu cũng cảm nhận được những khó khăn của tha nhân khi mang trong mình thân phận yếu hèn của con người. Chính vì thế, Đức Giêsu đã đến để sống và kiện toàn nhân cách hầu nâng con người lên một tầm mức mới để giúp con người biết sống cho Thiên Chúa với một tình yêu duy nhất. Đó như là một món quà Đức Giêsu dành cho Cha của mình. Nói khác đi, cuộc đời và sứ vụ của Đức Giêsu đã là một tấm bánh bẻ ra để trao hiến cho muôn người: khi còn là một trẻ thơ sinh nơi hang đá nghèo hèn tanh hôi, cho đến sứ vụ rao giảng Tin Mừng và cai chết trên thập giá; tất cả là một hy tế tình yêu tuyệt vời. Ngài đã từ bỏ sự quyến rũ của giàu sang và quyền bính để hoàn toàn trao phó cho Chúa Cha (x Pl 2, 6-11), đến nỗi: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ gối đầu” ( Lc 9, 58; Mt 8, 20). Ý hướng này, chúng ta cũng tìm thấy nơi nhận định sâu sắc của ông Da Spinelii: “Con người tự giới thiệu mình là người nghèo, độc thân, không gia đình, không hộ khẩu thường trú, và như thế Ngài không phải là công dân. So sánh với chim trời và cáo dưới đất là so sánh thái độ bấp bênh và từ bỏ cái mà Người phải sống, và Người muốn những ai đi theo Người cũng phải chấp nhận như vậy”[1] . Qủa thực, Ngài vốn giàu sang phú quý, nhưng tự hạ mình xuống trở nên một con người khó nghèo vì chúng ta (x. 2Cr 8, 9). Đó là sự tự hạ của Đức Giêsu đến tột cùng như thánh Phaolô nói: “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quanh, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8).
Đó là tình yêu trao ban tự hiến cho tha nhân, Đức Giêsu đã trở nên Tấm Bánh đích thực cho chúng ta ngang qua sứ vụ công khai của mình. Đức Giêsu đã khẳng định Ngài chính là Bánh đích thực khi quả quyết rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời, và bánh Tôi ban chính là thịt Tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51), hay chỗ khác Ngài nói: “Anh em hay cầm lấy mà ăn này là mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em” (Mt 26,26). Quả thật, Đức Giêsu đã trở nên tấm bánh bẻ ra cho nhân loại bằng chính cuộc khổ nạn phục sinh của Ngài.
II.TẤM BÁNH BẺ RA TRONG ĐỜI TU
Bất cứ ai muốn chọn sống đời thánh hiến cũng đều được mời đáp lại tiếng gọi tha thiết và yêu thương của Chúa: “Hãy theo Thầy”; tuy nhiên, chỉ bước theo mà thôi thì chưa đủ, nhưng còn phải nên đồng hình đồng dạng cùng với Thầy trong đời sống cụ thể mỗi ngày qua việc thực thi các lời khuyên Phúc Âm.
1.Các Lời Khấn
Là người Sequala Christi, người theo sát Chúa Kitô trong đời sống thánh hiến, họ được mời gọi thực thi các lời khuyên phúc âm: KHIẾT TỊNH, KHÓ NGHÈO VÀ VÂNG PHỤC. Với ba lời khấn này, người tu sĩ muốn tự nguyện gắn bó với Chúa bằng một tình yêu không chia sẻ. Tuy nhiên, để thực hiện được những điều đã tuyên khấn, người tu sĩ cần phải khiêm tốn ý thức sự yếu đuối giới hạn của bản thân, để rồi tha thiết nài xin sự trợ giúp của Chúa qua sự soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
a.Lời Khấn Khiết Tịnh
Sống trong xã hội tục hóa hôm nay, chúng ta dễ bị lôi cuốn vào những thứ tình yêu hạ đẳng, vị kỷ; một thứ tình yêu chiếm hữu và quy ngã. Khuynh hướng này đi ngược lại với lời mời gọi của Thiên Chúa dành cho những ai được Ngài tuyển chọn: Hiến thân trọn vẹn cho tình yêu Thiên Chúa bằng con đường sống đức khiết tịnh. Chúng ta xác tín rằng: Thiên Chúa yêu chúng ta đến cùng bằng một tình yêu tuyệt đối. Vì vậy, người sống đời thánh hiến cũng được mời gọi dành cho Chúa một tình yêu trọn vẹn, một tình yêu ‘hết lòng, hết linh hồn và hết sức lực’ (x. Mc 12,30) và họ cũng được mời gọi tỏa chiếu tình yêu ‘trọn vẹn’ ấy cho những người xung quanh. Đồng thời, khám phá nơi người khác tình yêu thương của họ[2].
Người sống đời thánh hiến được mời gọi dành cho Chúa một trái tim không chia sẻ, cũng như tỏa rạng một tình yêu thanh thản, cách ứng xử luôn quân bình[3]. Khi dám khước từ tình yêu phái tính để chỉ yêu một mình Chúa, có khi phải chiến đấu một cách rất quyết liệt, vì bản tính con người yếu đuối và có gới hạn thường thích hướng chiều về tình yêu thế tục. Làm như thế là người tu sĩ thực sự là một tấm bánh bẻ ra cho mọi người; họ không giữ tình yêu lại cho mình mà dám chia sẻ cho người khác, vì chân nhận tình yêu này là ân ban của Chúa nên chúng ta cần bảo vệ trân trọng, và trao tặng mỗi ngày.
b. Lời Khấn Khó Nghèo
Sống trong một xã hội đề cao sự hưởng thụ, tôn thờ vật chất, con người tìm kiếm một cuộc sống tiện nghi và tìm cách thỏa mãn những đam mê sở hữu những phương tiện tối tân, có khi là lãng phí không cần thiết… những thứ đó xem ra tốt và ích lợi cho người đời, nhưng đôi khi lại là những cản trở cho đời sống của những người thánh hiến. Chúng có nguy cơ khiến người tu sĩ xa dần với tinh thần thần từ bỏ /tự hủy theo đòi hỏi của Tin Mừng và đi ngược lại lời mời gọi của Chúa: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ chính mình vác thập giá hằng ngày mà theo” (Lc, 9,23); hay “từ bỏ gia đình, anh chị em, cha mẹ, con cái và ruộng vườn vì tin mừng” (Mc 10,29).
Nói theo ngôn ngữ của Linh mục Trần Đức Dậu: “Ai đi theo Chúa thì không có gia đình riêng, không có tài sản riêng, không con cái, không bất động sản, sống hoàn toàn chia sẻ cuộc sống của Đức Giêsu”[4] . Vì thế, khi chấp nhận đi theo tiếng gọi của Chúa, người tu sĩ phải khước từ tất cả, chấp nhận sống nghèo, để không vướng mắc những bụi trần của thế gian: Ngày con tuyên khấn là lúc con hứa từ bỏ những gì không hợp với đức khó nghèo, ngay chính bản thân cũng không còn quyền sở hữu. Đó là một sự khó nghèo tự nguyện vì tình yêu, và chấp nhận nghèo như Chúa: “Con chồn có hang, chim trời có tổ nhưng Con Người không có chỗ gối đầu” (Lc 9,58).
c. Lời Khấn Vâng Phục
Lời khấn vâng phục có một tầm quan trọng đặc biệt đối với người tu sĩ khi họ tự nguyện chọn cho mình lối sống vâng phục theo gương Đức Giêsu, Đấng đã vâng phục cho đến chết (x. Pl 2,8). Lời khấn vâng phục (vâng phục Chúa và vâng phục nhau) mà người tu sĩ tự nguyện khấn giữ đi ngược lại với khuynh hướng tự nhiên của con người. Bởi chưng, bản năng tự nhiên của con người luôn muốn khẳng định mình, muốn được tự do để làm công kia việc nọ, hơn là vâng lời người khác. Vì vậy, tự nguyện khấn vâng phục Thiên Chúa và vâng phục người trách nhiệm trong cộng đoàn chính là lúc ta phải chấp nhận từ bỏ sở thích, ý muốn riêng của mình; Khấn vâng phục còn đòi người tu sĩ vâng lời lẫn nhau, hay vâng lời người nhỏ hơn mình trong nhưng lãnh vực nhất định nào đó.
Để vượt qua những rào cản trong việc thực hành lời khấn vâng phục, chúng ta cần phải sống khiêm tốn, tin tưởng và phó thác; luôn nhìn nhận rằng vâng phục là con đường giúp ta tiến nhanh trên đường nhân đức, là chìa khóa mở rộng cánh cửa tâm hồn để cho Thiên Chúa và anh chị em bước vào. Nhờ đó, chúng ta tạo cho cuộc sống một bầu khí tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, vì nhận thấy những điểm sáng nơi anh chị em khác đang góp phần hoàn thiện những khuyết điểm nơi bản thân mình.
Tuy nhiên, sự vâng phục đôi khi đã làm cho chúng ta phải xóa mình ra khỏi cái tôi ích kỷ, thích chiếm hữu và chấp nhận ‘thua thiệt’ để được mối lợi là Đức Kitô (x. Pl 3,8). Chính Đức Giêsu cũng đã phải kiên tâm lắm mới học được sự vâng phục, như tác giả thư Do thái đã cho thấy rằng: Đức Kitô phải trải qua nhiều đau khổ mới học biết thế nào vâng phục (x. Dt 5,8). Là tu sĩ, chúng ta cũng không thể nào đi ra khỏi con đường Đức Kitô đã đi: con đường vâng phục. Như thế, khi tu sĩ vâng phục người khác là họ đang vâng phục chính Chúa.
Nói cách khác, việc tuân giữ lời khấn vâng phục giúp tu sĩ bắt chước cuộc sống của Đức Kitô khi Ngài vâng phục Thánh Ý Chúa Cha và đã bằng lòng uống chén đắng: Lạy Cha, xin cất chén này khỏi con, nhưng đừng theo ý con (x. Lc 22,42).
2. Trong Đời Sống Cộng Đoàn.
Đời sống cộng đoàn mời gọi chúng ta sống chiều kích sứ vụ bằng sự hiện diện giữa những con người bé nhỏ và yếu hèn nhất. Đứng trước tiếng kêu gào của những ai cùng khốn có lẽ chúng ta khó mà giả điếc làm ngơ, vì hướng đích của ơn gọi Cộng Đoàn là phục vụ và sẻ chia với tha nhân. Bởi con người hôm nay đang cần đến những bàn tay rộng mở để đón nhận, nâng đỡ và yêu thương. Chính tiếng kêu gào của những con người bất hạnh luôn là động lực thúc đẩy nhiều người bước vào đời sống Cộng Đoàn để sẻ chia với những nỗi bất hạnh đó. Vì thế, “đời sống Cộng Đoàn và sứ vụ cần phải hỗ trợ một cách hiệp nhất nơi một con người. Con người đó được kêu gọi để trở nên thành viên cộng đoàn vì một sứ vụ”[5] .
Nhưng đôi khi lắng nghe tiếng kêu gào của người ở “xa” thì “dễ” hơn lắng nghe tiếng nài xin của anh chị em trong cộng đoàn, bởi từ cái nhìn “thành kiến” đầy áp lực trong đời sống cộng đoàn. Một cách nào đó, chúng ta phục vụ người ngoài vì muốn trốn tránh anh chị em như là cách “bù trừ” riêng cho chính mình. Ta cảm thấy khó lòng giúp đỡ những người luôn gây rối, làm chướng tai gai mắt, sự hiện diện của họ như một chướng ngại cản lối bước của ta. Ở đây đang phản chiếu một tâm hồn bệnh hoạn, lệch lạc, đang đi tìm một cái gì khác để khoả lấp hay chạy trốn bản thân, chứ chưa hẳn là hiến thân thực sự. Jean Vanier đã nhận định thất chí lý: “Không thể đáp lại tiếng kêu gào của người khác dầu ở trong hoặc ngoài cộng đoàn, nếu không nhận ra và chấp nhận tiếng kêu gào chính vết thương mình”[6] .
Một trong những sứ vụ của cộng đoàn là đáp lại nỗi đau khổ của những người yếu hèn, bị chèn ép. Nhưng những ai muốn tiếp cận thì trước hết phải chu toàn sứ mạng giao phó với ước muốn quảng đại giúp đỡ. Đừng xem mình như vị cứu tinh, muốn mọi người ca ngợi, tán dương. Tránh thái độ vênh vang, tự hào về những thành quả của mình. Điều quan trọng là ta hãy khám phá ra vùng tối sâu xa của người nghèo trong những nỗi thống khổ để có thể dễ cảm thông với họ.
Với ý thức như thế, chúng ta mới sẵn sàng trở nên “tấm bánh sẻ chia” khi dám dấn thân phục vụ trong cộng đoàn, như Adrian Van Kaam đã xác quyết: “Dầu sức khoẻ hay phải bệnh tật, nghèo khó hay giàu sang, thành công hay thất bại, hứng khởi hay thất đảm, được cảm thông hay bị hiểu lầm, người tu sĩ vẫn duy trì nơi thâm sâu của mình lời cam kết không phai mờ là trung thành với sự dấn thân đã một lần thề hứa” [7].
THAY LỜI KẾT
“Tấm Bánh” là cái gì quen thuộc nhất trong đời sống thường ngày, nó giúp nuôi dưỡng thân xác cho con người. Nhưng “Tấm Bánh” đồng thời cũng diễn tả sự sẻ chia trao ban hy sinh vì tình yêu tha nhân.
Là người sống trong ơn gọi đan tu chiên niệm, chúng ta tự hỏi: tôi có dám trở nên “Tấm Bánh” cho Chúa và cho anh chi em không? Nhìn vào thực tế của cuộc sống, đôi lúc chúng ta chưa dám hy sinh, chưa dám để Chúa chiếm trọn bản thân, chưa để Ngài dùng chúng ta như khí cụ mang lại sự bình an và hạnh phúc cho anh chị em. Vì thế, muốn trở thành “Tấm Bánh” cho người khác, chúng ta cần chết đi cho tính ích kỷ, ghen tương, nghi ngờ để hành xử với người khác có nhân bản và “đượm chất” Tin Mừng. Nói cách khác, để trở nên “Tấm Bánh” đích thực, chúng ta cần biết cảm thông, chia sẻ, tha thứ và sẵn sàng yêu thương ngay chính kẻ thù nghịch của ta (x. Mt 5, 48). Nhờ đó, chúng ta trở nên người môn đệ đích thực của Đức Kitô mang Tin Mừng tình yêu đến cho tha nhân.
[1] LM ANTÔN TRẦN ĐỨC DẬU, Ngài Quyến Rũ Tôi.
[2] x. Sđđ, tr. 31
[3] x. Tìm theo Chúa, tài liệu góp nhặt giúp định hướng tìm theo Chúa, tr 211
[4] LM TRẦN ĐỨC DẬU, Ngài Đã Quyến Rũ Tôi, Tập III, Tr 45
[5] FELICISIMO DIEZ MARTINEZ, Đời Tu Gạn Đục Khơi Trong, bản dịch của Đỗ Ngọc Bảo, 2000, tr. 338.
[6] Sđd, tr. 115.
[7] Adrian Van Kaam, bản việt ngữ Nhân Cách Tôn Giáo, 1964, tr. 196.
THÁNH THỂ
BỮA TIỆC HIỆP THÔNG
Sr.M. Gerado Majella Trần Thị Hợp_Đan viện Phước Hải
Không biết từ bao giờ, những biến cố vui mừng lớn nhỏ của một người, một tổ chức, một dân tộc đều gắn liền với những bữa tiệc. Trong đời sống đức tin, khi bước vào thánh lễ, chúng ta luôn được nghe vị chủ tế mời gọi đến tham dự bàn tiệc của Chúa, bàn tiệc được diễn tả như là: bữa tối của Chúa, tấm bánh bẻ ra, lễ bẻ bánh. Bàn tiệc này đã được Chúa Giêsu dùng các yếu tố vật chất từ bữa tiệc Vượt Qua của người Do Thái để thiết lập bí tích Thánh Thể. Bí tích này diễn tả mầu nhiệm hiệp thông: Hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa, hiệp thông giữa ta với Thiên Chúa và với nhau. Mầu nhiệm này được cử hành dưới hình thức bẻ bánh, và chúng ta luôn là khách mời[1] : Thiên Chúa luôn đi bước trước vì Người quý trọng chúng ta.
1. Thánh Thể- Mầu Nhiệm Hiệp Thông
Ở mỗi thời đại, con người tuy có những nền văn hóa, phong tục tập quán khác nhau, nhưng trong các bữa ăn chung hầu như lại mang những giá trị và ý nghĩa tương tự nhau: tình huynh đệ, sự hiệp thông. Cũng vậy, trong bữa tiệc Thánh Thể, khi chúng ta ăn Mình và Máu Đức Kitô thì chúng ta được hiệp thông với Người, với Thiên Chúa Cha và với anh chị em mình. “Mối hiệp thông Thánh Thể với Đức Kitô đang hiện diện, với Đấng củng cố sức sống của Giáo Hội, đồng thời là mối hiệp thông trong thân thể Đức Kitô là Giáo Hội. Thông phần vào cùng một tấm bánh, vào cùng một chén rượu chung, ở một nơi nhất định, biểu lộ một cách rõ ràng và có tác dụng là gây nên mối thống nhất giữa những kẻ ở đây đang hiệp thông với Đức Kitô, với tha nhân và những kẻ hiệp thông của mọi thời đại, ở mọi nơi. Trong phép Thánh Thể, mối hiệp thông của Dân Chúa được diễn tả cách đầy đủ. Thánh lễ tạ ơn lúc nào cũng liên quan đến toàn thể Giáo hội, cũng như toàn thể Giáo Hội có phần trong từng Thánh Lễ Tạ Ơn”[2] .
Thánh Phaolô đã nói lên cảm nghiệm của mình khi bàn về bữa tiệc Thánh Thể: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17). Giáo hội đã dùng hình ảnh bữa tiệc để diễn tả nước Thiên Chúa, nơi mà con người được hiệp thông với lễ Vượt qua của Đức Giêsu. Thế nên, tất cả chúng ta trở thành chi thể của thân thể ấy, vì mỗi người là chi thể của nhau (x.Rm 12,5; 1Cr 12,27).
2. Hiệp Thông Trong Hiến Tế
Chính nơi Đức Kitô mà sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và thế giới đã trở nên hiện thực. Trong bữa tiệc sau hết, vào đêm bị nộp, Đấng cứu chuộc chúng ta đã thiết lập hy tế tạ ơn bằng Mình Máu Người, để hiện tại hy tế khổ giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến. Đồng thời, Ngài ủy thác cho hiền thê yêu quý của Người là Giáo Hội việc tưởng nhớ cái chết và sống lại của Người mỗi ngày. Người chính là Chiên Thiên Chúa đã được thánh hiến cách viên mãn trong cái chết và vinh quang của sự phục sinh (x.Ga 10,36; 17,19).
Khi tham dự bữa tiệc Thánh Thể, chúng ta thực sự thông dự vào thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô, được hiệp thông với Người và với nhau. Nhờ đó, chúng ta được tham dự vào giao ước Vượt Qua, để cùng với Đức Kitô trở nên một của lễ được Thánh Thần thánh hóa, được gặp gỡ Người trong cái chết và sự phục sinh của Người. Ở đó, Ngài vừa chịu hiến tế cũng vừa là lương thực, là chiên vượt qua của chúng ta, là hy tế và bữa ăn của chúng ta (x.1Cr 5,7). Như vậy, chính chúng ta những người môn đệ của Ngài, chúng ta cũng sẽ tự hiến trong một hy lễ sống động và thánh thiện, được diễn tả trong toàn bộ cuộc sống thường nhật của mình.
3. Hiệp Thông Cánh Chung
Sự phục sinh của Đức Kitô đã đưa thế giới “Tương Lai” đi vào Giáo Hội và Giáo Hội “đi vào” thế giới “Tương Lai” đó: Người đã đến và hiện diện. Chính Người là Nước Trời, và ai ở trong Người là ở trong Nước Trời (x.Ep 2,6). Thánh Thể là bữa tiệc cánh chung trong Nước Thiên Chúa, công bố sự chết của Đức Kitô cho đến khi Người lại đến.
Cũng chính trong Bí Tích này, Giáo Hội được mô tả như một đoàn người lữ hành đang được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Đức Kitô, để xứng đáng tham dự vào tiệc cưới và vào số những người được Thiên Chúa chúc phúc. Điều này thiết tưởng chúng ta có thể đọc thấy trong Tông Thư Ecclesia de Eucharistia của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Bí tích Thánh Thể là hướng đến điểm chung kết, tiền dự niềm sung mãn mà Chúa Kitô đã hứa (Ga 15:11). Bí tích Thánh Thể, theo một nghĩa nào đó, là nếm trước hương vị Thiên Đàng, ‘bảo đảm cho vinh quang sẽ tới’. Trong Thánh Thể, tất cả đều diễn tả sự chờ đợi đầy tin tưởng này: ‘Chúng tôi mong ước niềm hạnh phúc mà Chúa hứa và sự quang lâm của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ chúng tôi’. Ai nuôi mình bằng Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể không cần đợi chờ một thế giới bên kia để nhận lãnh sự sống đời đời, họ đã chiếm hữu sự sống ấy ngay từ đời này, như hoa quả đầu mùa của sự sung mãn sẽ tới, liên hệ đến toàn thể nhân loại. Thật vậy, trong Bí tích Thánh Thể, chúng ta cũng nhận được sự bảo đảm về việc thân xác sống lại trong ngày sau hết: ‘Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, người ấy sẽ sống đời đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết’ (Ga 6:54). Bảo đảm ấy về sự phục sinh trong tương lai đến từ sự kiện là thịt của Con Người, được trao ban làm của ăn, là thân xác vinh quang của Đấng Phục Sinh. Có thể nói, với bí tích Thánh Thể, người ta như nắm được ‘bí quyết’ của sự phục sinh”[3] .
Ở đây, Bí tích Thánh Thể báo trước niềm vui sẽ đến của Nước Thiên Chúa: Nước của công lý, hòa bình và tự do. Một lần nữa, thông điệp Ecclesia de Eucharistia nêu rõ ý hướng này, với những lời cô đọng: “Chỉ cần nghĩ đến việc gấp rút phải hoạt động cho hòa bình, phải gấp rút đặt những cột mốc vững chắc về phương diện công bằng và liên đới trong những mối liên hệ giữa các dân tộc, phải bênh vực sự sống của con người, từ lúc thụ thai, đến lúc chết một cách tự nhiên. Và phải nói gì đến hàng ngàn những mâu thuẫn trong một thế giới ‘toàn cầu hóa’, trong đó, những người yếu kém nhất, những người nhỏ bé nhất và những người nghèo nhất hình như không còn gì để hy vọng? Chính trong thế giới đó, phải làm sao cho niềm hy vọng Kitô giáo bừng sáng lên trở lại! Cũng chính vì thế mà Chúa đã muốn ở lại với chúng ta trong bí tích Thánh Thể, ghi khắc vào sự hiện diện của hy tế và bữa ăn của Người. Thật là ý nghĩa, nơi mà các sách Tin Mừng Nhất Lãm chỉ tường thuật việc thiết lập bí tích Thánh Thể, Tin Mừng Gioan đưa ra trình thuật việc Chúa ‘rửa chân’ để minh họa ý nghĩa thâm sâu của việc ấy, qua đó Chúa Giêsu làm thầy dạy hiệp thông và phục vụ (Ga 13:1-20)… Công bố cái chết của Chúa ‘cho tới khi Người lại đến’ (1Cr 11:26) đòi buộc những ai tham dự vào Tiệc Thánh Thể cương quyết dấn thân biến đổi cuộc sống, để một cách nào đó cuộc sống ấy hoàn toàn trở thành ‘Thánh Thể’. Chính hoa quả của sự biến hình cuộc sống và sự dấn thân biến đổi thế giới theo đường lối Tin Mừng, làm rạng sáng chiều kích cánh chung của việc cử hành Thánh Thể và của tất cả đời sống Kitô giáo: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến![4] (Kh 22,20)” .
Dù Hội Thánh biết và tin rằng, chính trong bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đến và đang hiện diện; nhưng người vẫn còn ẩn mình. Cho nên, mỗi khi cử hành bí tích này, Giáo Hội “chờ đợi ngày hồng phúc”, ngày Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Độ chúng ta ngự đến “xé tan bức màn bao phủ” (x. Phần nguyện sau kinh Lạy Cha; x. Tt 2,13), và chúng ta khẩn nguyện: “Xin thương nhận tất cả vào Nước Cha, nơi chúng con hy vọng sẽ được cùng nhau vui hưởng vinh quang Cha muôn đời, khi Cha lau sạch nước mắt chúng con. Bấy giờ, chúng con sẽ được chiêm ngưỡng Cha tường tận, nên muôn đời sẽ được giống như Cha là Thiên Chúa chúng con, và sẽ dâng lời ca ngợi Cha khôn cùng, nhờ Ðức Kitô Chúa chúng con”[5] . Một lần nữa bí tích Thánh Thể chính là bảo chứng chắc chắn cho niềm hy vọng của chúng ta về trời mới, đất mới, nơi công lý ngự trị và mỗi lần cử hành mầu nhiệm này thì công trình cứu độ chúng ta sẽ được thực hiện (x. GH 3; 2Pr 3,13).
Thay lời kết
Tóm lại, khi chúng ta cử hành bàn tiệc Thánh Thể thì điều được nhấn mạnh chính là tính hiệp thông và hiệp nhất giữa các tín hữu như thánh Phaolô đã đề cập trong thư gửi giáo đoàn Côrintô: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,16-17). Những ai tham dự cử hành Thánh Thể đều sẽ được Thánh Thể đưa vào trong cùng một thân thể với Đức Kitô. Và được Thánh Thể là nơi tiếp tục diễn tả tình yêu đã khiến cho Đức Giêsu yêu cho đến cùng những kẻ thuộc về mình (x.Ga13,1). Trong việc cử hành, Đức Giêsu hiện diện như vị “thượng tế muôn thuở theo phẩm trật Menkixede” (Tv 110,4; Dt 5,6). Quả thật, Ngài chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ người đã thánh hóa được nên hoàn hảo (x. Dt 10,14), và “Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy Người hằng sống để chuyển cầu cho họ” (Dt 7,25).
[1] X. Lời nguyện kết lễ Chúa nhật XXIX thường niên; x. Mt 26,26
[2] BEARBEITET VON GUNTER KOCH. Bí Tích Học qua các tác giả– bản dịch Lm. Alberto Nguyễn Văn Hòa, Op , tr 447.
[3] Thông điệp ECCLESIA DE EUCHARISTIA, SỐ 18 .
[4] Thông điệp Ecclesia De Eucharistia, SỐ 20 .
[5] MR, Kinh Nguyện Thánh Thể 3, cầu nguyện cho người quá cố.
VAI TRÒ CỦA QUYỀN BÍNH
FM.Giuse Phan Văn Phi _ Đan viện Phước Sơn
Mỗi cộng đoàn có một sứ vụ đặc biệt phải chu toàn. Vì thế, mỗi vị phụ trách cộng đoàn phải thi hành một sứ vụ phát xuất từ đặc sủng của Hội Dòng và do nhu cầu cụ thể của thời đại. Chính sự đa dạng về sứ vụ đã khai sinh những hình thức cộng đoàn khác nhau, và vì vậy, có những cách thế thi hành quyền bính khác nhau được qui định trong Hiến Pháp của mỗi Hội Dòng. Tuy nhiên, kể từ cuộc canh tân và thích nghi của Công Đồng Vaticanô II, Giáo Hội mời gọi các dòng tu phải đổi mới để việc thực thi quyền bính theo tinh thần của Tin Mừng: Sứ vụ của quyền bính là để phục vụ[1] . Điểm độc đáo của Tin Mừng là dùng quyền bính để phục vụ (x. Mt 20,28).
1. Cái Nhìn Về Quyền Bính
Trong thánh lễ khởi đầu sứ vụ giáo hoàng, ngày 19/3/2013, đức giáo hoàng Phanxicô đã nói: “Hôm nay, hiệp nhau trong đại lễ kính thánh Giuse, chúng ta cử hành sứ vụ khởi đầu của tân Giám Mục Roma, người kế vị thánh Phêrô, điều này cũng liên quan đến một số quyền bính. Chắc chắn là Chúa Giêsu đã trao quyền bính cho Phêrô, nhưng là thứ quyền bính nào? Chúng ta đừng quên, quyền bính đích thực là phục vụ, và Giáo Hoàng cũng vậy, khi thực thi quyền bính phải dấn thân phục vụ cách trọn vẹn mà đỉnh cao rạng rỡ ở nơi Thập giá. Ngài phải lấy cảm hứng từ sự phục vụ nhẹ nhàng, cụ thể và trung tín nơi thánh Giuse và như thánh nhân, giáo hoàng phải mở rộng đôi tay để bảo vệ Dân Chúa, và đón nhận toàn thể nhân loại với tình cảm nhân hậu, cách riêng, người nghèo khổ nhất, người yếu kém nhất, những người ít quan trọng nhất”[2] .
Từ lời nói đến hành động của ngài, rõ ràng lãnh đạo phục vụ (servant leadership) là chủ đề trung tâm của triều đại giáo hoàng Phanxicô. Trong một bài giảng tại Vương cung thánh đường chính tòa (của Tổng giáo phận Buenos Aires) vào năm 2001, ngài nói: “Quyền bính là để phục vụ. Quyền bính chỉ đem lại ý nghĩa nếu phục vụ lợi ích chung”[3] . Và trong một cuộc phỏng vấn về đề tài giáo dục, Hồng y Bergoglio đưa ra bản chất của lãnh đạo phục vụ như sau: Chữ ‘quyền bính’ có gốc Latinh là eugere, nghĩa là ‘làm cho lớn lên’. Có quyền bính không phải là trở nên một kẻ đàn áp. Đàn áp là bóp méo quyền bính. Khi thi hành cách nghiêm túc, quyền bính đòi hỏi tạo nên một không gian, nơi mà mỗi người có thể lớn lên. Bất cứ ai có quyền bính đều có thể tạo ra không gian để phát triển. Chữ ‘quyền bính’ đã trở thành đồng nghĩa với “tôi đang phục vụ ở đây”. Có ‘quyền bính lớn hơn’ không có nghĩa là để ra lệnh và áp đặt; nhưng có nghĩa là phục vụ [4]. Lãnh đạo phục vụ là noi gương cách lãnh đạo của Chúa Giêsu. Ngài ghi nhận thêm: “Ai cầm quyền thì phải như một tôi tớ. Quyền bính thực sự của lãnh đạo tôn giáo phát xuất từ việc phục vụ”[5] . Và trong một bài giảng vào ngày 21/5/2013, đức giáo hoàng đã nói: “Quyền bính đích thực tỏ lộ qua việc phục vụ. Cũng như Chúa Giêsu, Đấng đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ. Việc phục vụ của Ngài được thấy trên Thập giá. Ngài tự hạ mình cho đến chết, và chết trên thập giá vì chúng ta, để phục vụ chúng ta, để cứu chúng ta. Chính bằng con đường này mà Giáo Hội tiến về phía trước. Đối với kitô hữu, hướng về phía trước, tiến bộ, có nghĩa là tự hạ mình. Nếu chúng ta không học quy luật này, chúng ta sẽ không bao giờ, và mãi mãi không bao giờ có thể hiểu được sứ điệp đích thực của Chúa Giêsu về quyền bính”[6] .
2. Tình Yêu Đích Thực Là Phục Vụ
Trong buổi tiếp kiến chung ngày thứ bảy, 12/3/2016, đức giáo hoàng Phanxicô đã nói về chủ đề: “Lòng Thương Xót và Phục Vụ”, dựa trên những suy niệm của ngài về những lời của Chúa Giêsu sau khi Ngài đã rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,12-14): “Khi chúng ta đến gần với lễ Phục Sinh trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, hôm nay chúng ta suy gẫm về việc Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Trong hành động khiêm tốn đầy ấn tượng này, Chúa Giêsu nói với các môn đệ, và với chúng ta: Hãy làm như vậy cho nhau. Ngài đã cho chúng ta một mẫu gương rõ ràng về giới răn mới của Ngài về yêu thương. Như thánh Gioan nói, cũng như Ngài đã thí mạng vì chúng ta, nên chúng ta cũng phải thí mạng cho nhau (x. 1Ga 3,16). Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta thấy rằng yêu là phục vụ anh chị em mình, đặc biệt những ai có nhu cầu lớn nhất, cách khiêm tốn, thầm lặng và kín đáo. Bằng việc cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta phải biết nhìn nhận những thiếu sót của mình, để cầu nguyện và tha thứ cho nhau từ tận đáy lòng. Ngài tỏ cho chúng ta thấy rằng, ‘thương xót như Chúa Cha’ có nghĩa là mỗi ngày bước theo Chúa Giêsu trên con đường khiêm tốn phục vụ”.
Chúa Nhật 29/1/2012, đức giáo hoàng Biển Đức XVI nói rằng: Uy quyền của Chúa không phải là một sức mạnh thiên nhiên. Đó là quyền năng của tình yêu Thiên Chúa, Đấng dựng nên vũ trụ, và khi nhập thể trong Con Duy Nhất của Ngài, Ngài xuống trong nhân tính của chúng ta, chữa lành thế giới bị băng hoại vì tội lỗi. Romano Guardini đã viết: “Toàn thể cuộc sống của Chúa Giêsu là một sự diễn đạt quyền năng trong sự khiêm tốn… là quyền bính tối thượng hạ mình xuống dưới hình thức một người tôi tớ”[7]. Đức giáo hoàng cũng nhận xét thêm rằng: Nhiều khi đối với con người, quyền bính có nghĩa là chiếm hữu, quyền hành, thống trị, thành công. Trái lại, đối với Thiên Chúa, quyền bính có nghĩa là phục vụ, khiêm tốn, yêu thương; có nghĩa là đi vào trong luận lý của Chúa Giêsu, Đấng đã cúi mình rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13,5), tìm kiếm thiện ích đích thực của con người, chữa lành các vết thương, có khả năng yêu thương đến độ hiến mạng sống mình, vì Ngài là Tình Yêu[8].
3. Quyền Bính Để Phục Vụ Tình Huynh Đệ
Huấn Thị ‘Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn’ nhìn nhận sự phát triển trong những năm gần đây đã đóng góp vào sự trưởng thành đời sống huynh đệ trong các cộng đoàn. Trong nhiều cộng đoàn, bầu khí đời sống chung đã được cải thiện: Có nhiều chỗ cho mọi người tích cực tham gia; đã có sự chuyển biến từ một đời sống chung dựa quá nhiều vào việc giữ luật đến một đời sống lưu tâm nhiều hơn đến những nhu cầu cá nhân, nghĩa là chú trọng hơn tới con người. Nỗ lực xây dựng những cộng đoàn bớt vụ hình thức, bớt độc đoán, thêm tình huynh đệ và sự tham gia.
Tuy nhiên, ở vài nơi, sự phát triển tích cực này có nguy cơ bị tổn thương do thiếu tin tưởng vào quyền bính. Một số người coi quyền bính là hoàn toàn không cần thiết cho đời sống cộng đoàn; một số khác lại giản lược vào vai trò thuần túy phối hợp những sáng kiến của các phần tử. Từ đó, một số cộng đoàn đi đến chỗ sống như không có người phụ trách và mọi quyết định đều có tính cách tập thể. Tất cả những điều đó dẫn đến nguy cơ đổ vỡ đời sống cộng đoàn, dẫn đến việc chủ ý ưu tiên cho những đường lối cá nhân và đồng thời làm lu mờ chức năng của quyền bính, một chức năng vừa cần thiết cho sự thăng tiến đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, vừa cần thiết cho hành trình thiêng liêng của người tận hiến.
Chúng ta đừng quên rằng tình huynh đệ không phải chỉ là kết quả của cố gắng nhân loại, nhưng trên hết là hồng ân của Thiên Chúa. Để hồng ân này được triển nở cần có sự song hành giữa quyền bính và vâng phục. Quyền bính luôn là để phục vụ Theo tinh thần Tin Mừng và tinh thần của đấng sáng lập. Cuộc canh tân trong những năm gần đây đã nêu bật một vài khía cạnh của quyền bính.
* Quyền bính và tâm linh
Xác tính đến tính ưu việt của khía cạnh tâm linh, bề trên là một con người nội tâm. Bởi vì, chiều kích này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân của ngài mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển đời sống cộng đoàn. Như thế, nhiệm vụ chính của bề trên là vị linh hoạt đời sống tâm linh, đời sống cộng đoàn và sứ vụ tông đồ.
Trong đời sống thánh hiến, quyền bính trước tiên là một thẩm quyền thiêng liêng (spiritual authority). Những người nắm quyền bính nhận thức rằng, họ được mời gọi để phục vụ một lý tưởng lớn lao hơn cả chính bản thân họ. Lý tưởng giúp tiến tới trong bầu khí cầu nguyện và khiêm tốn kiếm tìm, cho phép họ nắm bắt được hành động của cùng một Thần Khí trong trái tim của từng anh chị em mình. Như vậy, người nắm giữ quyền bính cần trau dồi nơi mình một sự cởi mở để biết lắng nghe người khác, những dấu chỉ thời đại, qua việc say mê cầu nguyện hằng ngày với Lời Chúa, với Luật Dòng, và với những tiêu chuẩn khác của đời sống[9] . Việc phục vụ quyền bính đòi hỏi một sự hiện diện kiên trì, để có thể làm sinh động và nảy sinh óc sáng kiến, đem lại ý nghĩa cho đời sống thánh hiến, giúp cho những người được ủy thách cho mình biết thích ứng với sự trung tín sáng tạo, canh tân theo Thần Khí[10] .
* Quyền bính kiến tạo sự hiệp nhất
Người thực thi quyền bính quan tâm lo sáng tạo bầu khí thích hợp cho sự chia sẻ và tinh thần đồng trách nhiệm: Khuyến khích mọi người đóng góp vào công việc chung, cổ võ các phần tử đảm nhận và tôn trọng trách nhiệm, qua sự lưu tâm đến con người, cổ võ đức tuân phục tự nguyện, sẵn lòng lắng nghe các phần tử, xúc tiến sự cộng tác hài hòa vì lợi ích của Hội Dòng và của Giáo Hội[11] . Điều này mời gọi các bề trên tham gia đối thoại và tạo những cơ hội gặp gỡ thuận tiện, đem lại sự can đảm và hy vọng trong những lúc khó khăn, dự đoán và vạch ra những chân trời mới cho sứ vụ. Hơn nữa, quyền bính còn phải tìm cách duy trì sự quân bình giữa những khía cạnh khác nhau của đời sống cộng đoàn, giữa cầu nguyện và làm việc, tác vụ tông đồ và việc huấn luyện, làm việc và nghỉ ngơi. Quyền bính của bề trên phải tác động thế nào để cho cộng đoàn không chỉ là nơi trú ngụ, tập họp một số người sống riêng rẽ, nhưng là một “cộng đoàn huynh đệ trong Đức Kitô[12]” .
Sự phân định của cộng đoàn là tiến trình khá hữu ích. Nơi nào được thực hiện với đức tin và sự nghiêm túc thì nơi đó, sự phân định của cộng đoàn có thể cung cấp cho các bề trên những điều kiện thuận lợi để đi tới những quyết định cần thiết cho lợi ích tối hảo của đời sống huynh đệ và sứ vụ[13] . Bên cạnh đó, người lãnh đạo thực thi quyền bính của mình trong việc ngoan ngoãn vâng nghe Lời Chúa, bởi vì họ thi hành chức vụ khi họ lắng nghe lời Chúa, lắng nghe Huấn Quyền của Giáo Hội, Hiến pháp của dòng để phục vụ công ích và ích lợi của mỗi phần tử và của Hội dòng. Cha Bernard Ducruet cũng đã nhấn mạnh trong một cộng đoàn thiêng liêng, chính Lời Chúa chiếm vị trí ưu tiên, và Đức Giêsu Kitô là nền tảng duy nhất của cộng đoàn.
* Người lãnh đạo: sứ mạng và phục vụ
Tu luật thánh phụ Biển Đức đã nói: “Viện Phụ phải luôn nhớ đến danh xưng mà mình đang mang”[14] , và danh xưng đó xác định sứ mạng dẫn đưa những người con cái Thiên Chúa đã giao phó cho mình về với Chúa Cha[15] . Trong cộng đoàn, bề trên là cha, là mẹ giống như Đức Kitô ở giữa các môn đệ của mình. Sứ mạng của Đức Kitô là mặc khải Chúa Cha cho họ, đưa họ về với Chúa Cha bằng cả con người, gương sáng và giáo huấn của Ngài. Bề trên không phải là người thay thế người cha người mẹ tự nhiên mà có thể chúng ta đang thiếu; mục đích của bề trên không phải là bít kín những lỗ hổng tình cảm con trẻ của chúng ta. Tình mẫu tử phụ tử của bề trên sẽ dạy cho họ biết khám phá ra nguồn gốc và cuộc hạ sinh của mình trong Thiên Chúa. Cùng một ý nghĩa đó, câu tục ngữ của người Ruwanđa đã nói: “Chỉ một mình Thiên Chúa mới thực sự sinh hạ, con người chỉ làm công việc giáo dục”.
Chỉ có bề trên nào hoàn toàn trung thành với Lời Chúa mới có thể mường tượng được cuộc hạ sinh của mình trong Thiên Chúa, khi họ sẵn sàng tỏ ra vâng theo giáo huấn của Tin Mừng, của Giáo Hội và của Hiến Pháp Hội Dòng mình. Chính vì thế, thánh phụ Biển Đức nói thêm về Viện Phụ rằng: “Viện Phụ không được dạy dỗ, thiết định hay truyền khiến điều gì ngoài huấn lệnh Chúa; trái lại, lệnh truyền và giáo lý của ngài phải như men công chính của Chúa gieo vào tâm trí môn đệ”[16] .
Như vậy, bề trên phải là người tôi tớ phục vụ anh chị em mình như: linh hoạt viên, người, chỉ đạo, hướng dẫn và phục vụ theo gương Đức Kitô: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Lòng yêu thương của bề trên trải rộng tới mọi anh chị em mình, và nhất là tới những người yếu đuối.
Người lãnh đạo trong một cộng đoàn như thế, trước tiên không phải là giám thị, mà là điều phối viên và là người đồng hành, là thừa tác vụ hiệp nhất. Dĩ nhiên, bề trên cũng là con người bất toàn; họ phải nhìn nhận điều này và cố gắng vượt thắng để đáp ứng cho những đòi hỏi khi thi hành trách nhiệm của mình. Nhờ đó, bề trên trở nên con người dễ tiếp cận, được mọi người tin tưởng và giúp các thành viên của mình biết cởi mở[17] .
* Sự hỗ tương giữa cộng đoàn với quyền bính.
Trong cộng đoàn, bề trên không áp đặt bằng những lời nói độc đoán, nhưng mặc lấy tâm tình như một thành viên tâm đầu ý hợp với những thành viên khác, để làm cho các thành viên khác hoạt động cách linh hoạt; vì nhiệm vụ chính của bề trên là giúp mọi thành viên đạt được những mục tiêu cá nhân và cộng đoàn. Chính vì thế, trong cộng đoàn, quyền bính thiết yếu là ‘mục vụ’[18] .
Đứng về góc độ hoạt động, bề trên điều hành cộng đoàn bắt đầu từ chính cộng đoàn. Bề trên phải hết sức tôn trọng các thành viên, bởi vì những mục tiêu của cộng đoàn không hề xa lạ với các mục tiêu của các thành viên và ngược lại, những mục tiêu của các thành viên cũng không hề xa lạ với những mục tiêu của cộng đoàn, bởi vì các thành viên nằm trong lòng cộng đoàn. Mọi người mong đợi nơi bề trên thái độ huynh đệ và đồng hành hơn là một chuyên gia hiểu biết tất cả và biết làm tất cả.
Trong việc đồng hành, bề trên không những chú ý tới việc làm của anh em, mà còn chú ý tới tất cả những gì liên quan đến con người của họ về mặt nhân bản, cảm xúc, liên hệ, đời sống tinh thần và tôn giáo. Bề trên cần tạo thuận lợi cho các thành viên cởi mở để họ quan tâm sống những đòi hỏi của Tin Mừng. Là bề trên thì quan trọng hơn hành động với tư cách như là bề trên
Về phía cộng đoàn, họ tuyên khấn để tìm kiếm và cùng nhau chu toàn thánh ý Chúa hầu xây dựng sự hiệp thông của những người sống đời thánh hiến. Các thành viên của một cộng đoàn trưởng thành trau dồi những giá trị Phúc Âm, và từng bước chiến đấu chống lại những gì đi ngược lại với các giá trị Phúc Âm, và họ có đầy đủ khả năng để vâng phục những chuẩn mực tổng quát và riêng biệt. Những nét đặc trưng cho thấy một cộng đoàn trưởng thành là: đồng trách nhiệm liên kết với nhau, đánh giá hỗ tương và thừa nhận nhau, chấp nhận và động viên người khác phát triển tiềm năng của họ. Ở đây, chúng ta cần phải nhấn mạnh rằng đời sống chung, sự hợp nhất sẽ được hoàn thiện nếu mọi thành viên cùng quản trị cuộc sống chung. Mỗi người đảm nhận phần trách nhiệm của mình theo khả năng, để nâng đỡ và bổ túc cho hành động và những sáng kiến của cộng đoàn. Tất cả những điều đó khắc ghi trong lòng họ một số đặc tính làm họ trở thành những chứng nhân của mối hiệp thông Ba Ngôi Thiên Chúa.
Kết luận
Quyền bính và vâng phục đặt nền tảng trên Kinh Thánh. Thánh Phaolô đã nói rất rõ: “Anh em hãy phục tùng lẫn nhau, vì lòng kính sợ Đức Kitô” (Ep 5,21). Thánh Phêrô diễn tả cùng một tư tưởng như thế khi nói: “Hỡi những người trẻ, hãy vâng phục những người lớn tuổi hơn, còn tất cả anh em hãy mặc lấy đức khiêm nhường mà phục vụ nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5,5). Tình yêu thúc đẩy bề trên chấp nhận trách nhiệm làm “người canh giữ anh chị em mình”, nhưng không cho phép ngài dùng bạo lực để quá xen vào đời sống riêng tư của các thành viên.
Để kết luận, xin mượn lời của Jose Cristo Rey Garcia Paredes: “Sự phục vụ của bạn với anh em, chị em, thì không bao giờ uổng công. Chính khi bạn chết đi thì cộng đoàn của bạn được sinh ra. Bạn không là bề trên cho chính bạn nhưng cho họ. Nhiệm vụ của bạn không phải là xây dựng một cộng đoàn theo hình ảnh và họa ảnh của bạn, như một tạo vật của chính bạn, nhiệm vụ của bạn là trở nên một dụng cụ của Thiên Chúa để xây dựng cộng đoàn theo ý Người muốn”[19] .
[1] Xem “Fraternal Life In Community – Huấn Thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn”, CICLSAL, Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, (Vatican, 2 February 1994), số 49. ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, Để Họ Lớn Lên, Đức Tin & Văn hóa, 2007. Tr. 247.
[2] THOMAS CRAUGHWELL, Pope Francis: The Pope from the End of the Earth (Charlotte, N.C.: Saint Benedict, 2013), tr.166-167. Gina Loehr and Giambrone, Saint Francis, Pope Francis: A Common Vision, thánh Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Cùng Một Tầm Nhìn, Published by Servant Books, an Imprint of Franciscan Media, 2014. Bản dịch của Văn phòng Tỉnh dòng thánh Phanxicô Việt Nam, NXB Tôn Giáo 2016, tr. 43-44.
[3] Robert Moynihan, Pray for me (New York: Image, 2013), tr. 207.
[4] X. Ambrogetti and Rubin, Pope Francis, tr. 66-67.
[5] JORGE MARIO BERGOGLIO AND ABRAHAM SKORKA, On Heanven and Earth, trans. by AlejandroBermudez and Howard Goodman, ed. Diego F. Rosemberg (New York: Image, 2013), tr. 230.
[6] Jean M. Heiman, “Pope Francis: True Power comes with Service”, Catholic Fire (blog). May 21, 2013. http://catholicfire.blogspot.com/2013/05/pope-francis-true-power-comes-with.html. Gina Loehr and Giambrone, sđd. tr. 49.
[7] Il Potere, Brescia 1999, tr. 141-142.
[8] X. Ep. 13 in: Le Lettere, vol.3, Bologna 1999, tr. 206.
[9] X. “The Service of Authority And Obedience” (Huấn Thị Phục Vụ Quyền Bính và Vâng Lời), Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, (Vatican, 11 May 2008), số 13a.
[10] X. ĐGH Benedict XVI, Address to Superiors General (Diễn văn dành cho các Bề Trên Thượng Cấp), 22 May 2006, in L’Osservatore Romano, English Edition, 31 May 2006, 13; cf. Starting Afresh from Christ, 24-26.
[11] X. Giáo Luật, điều 618
[12] X. Sđd,điều 619.
[13] X. “Fraternal Life In Community – Huấn Thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn”, CICLSAL, Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, (Vatican, 2 February 1994), số 47-50.
[14] Tu Luật Thánh Biển Đức, chương 2,30.
[15] Xem Bernard Ducruet, L’autorité en communauté, (Quyền Bính trong Cộng Đoàn), collection Petits traités spirituels, VI, Vie consacrée: Ed. Brandi Borth 1997, tr.16. Sister Charlotte Sumbamanu, Exercising Authority in an Adult Community, Rome, May 06, 2013, tr. 5 tt.
[16] Tu Luật Thánh Biển Đức, chương 2,4-5.
[17] Xem thêm Giáo Luật, điều 618 và Tu Luật thánh Biển Đức, chương 46.
[18] “The Service of Authority And Obedience” (Huấn Thị Phục Vụ Quyền Bính và Vâng Lời), Congregation for Institutes of Consecrated Life and Societies of Apostolic Life, (Vatican, 11 May 2008), số 1.
[19] Jose Cristo Rey Garcia Paredes, Obedience for the Kingdom, Trích trong ‘Bảy Lời Khuyên Dành Cho Các Bề Trên’, Fr. Nguyễn Phước dịch.
TƯƠNG QUAN GIỮA CÁ TÍNH
VÀ ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN
FM. Montfort Nguyễn Xuân Pháp _Đan viện Châu Thuỷ
Đời sống cộng đoàn tu trì là một trong những điều kiện tối ưu cho những ai muốn dấn thân vì lợi ích tha nhân. Nơi đây, mỗi người cùng giúp nhau hoàn thiện, chia sẻ những ưu tư và cùng hướng tới cuộc sống Vĩnh Hằng. Vì thế, khi bước vào đời tu, mỗi người dám đánh đổi tất cả, chọn sự mất mát theo kiểu thế gian, tiêu hao bản thân để sống với anh em trọn đời và cùng nhau thực hiện những lý tưởng cao đẹp. Đó là một sự chọn lựa phi thường. Nó đòi hỏi một nghị lực kiên vững và tình yêu tác động cách tích cực.
Nói thế không có nghĩa đời sống cộng đoàn tu trì đã là một tổ chức hoàn bị, trong đó mọi thành viên đều đã đạt tới thập toàn. Cái khó cho đời sống chung là sự dung hoà cá tính mỗi người. Vì mỗi người đều có một lịch sử cá nhân làm nên vẻ độc đáo riêng mình. Ảnh hưởng của gia đình, xã hội, điều kiện tự nhiên và kinh tế đã cấu thành những con người với những cá tính khác nhau: nóng nảy, hướng ngoại, bộc trực hay dịu hiền, đôn hậu hoặc thích đi vào chiều sâu nội tâm… Với những khác biệt này thì đời sống cộng đoàn quả thật là một món khai vị không dễ thưởng thức.
Vậy làm sao để có sự dung hoà giữa cá tính và đời sống chung? Đâu là nền tảng cộng đoàn tu trì? Dưới nhãn quan cộng đoàn, cá tính có chỗ đứng không? Phương cách nào giúp cá tính hoà nhập với đời sống chung?
1. Chiều Kích Xã Hội Của Con Người
Sống trên đời: “Không ai là một hòn đảo”[1] . Con người luôn cần đến nhau để đồng hành, chia sẻ những ưu tư trên bước đường dương thế. Có lẽ, Aristote là một trong các triết gia đầu tiên đề cập cách hệ thống đến xã hội tính con người. Ông cho con người là một hữu thể xã hội, một hữu thể sống động trong cộng đồng chính trị. Vì là một hữu thể xã hội, nên con người cần đến cộng đoàn để sống và phát triển. Không thể trở thành con người đúng nghĩa, nếu họ tách rời cộng đoàn, sống không cần đến xã hội[2] . Bởi vì, để thành người, chúng ta cần được dưỡng dục và tương quan với người khác. Con đường thành nhân là một tiến trình tiệm tiến, nhiêu khê cần nhờ đến người khác như “tác nhân” làm trọn phận người. Có thể nói, thành quả cuộc sống hiện tại được kết tụ bao tinh hoa bởi những thế hệ đã qua. Bác học Newton đã nói: “Sở dĩ hôm nay chúng ta có thể nhìn xa và nhìn rộng hơn người xưa, chính vì chúng ta là những anh lùn được may mắn đứng trên vai của những chàng khổng lồ, kết tụ bởi hàng trăm ngàn năm đi trước”[3] .
Theo khuynh hướng tự nhiên, con người luôn hướng về cộng đoàn và xã hội. Nhờ đó, con người mới có thể vượt thắng các khiếm khuyết hạ ngã, chế ngự bản thân và thiên nhiên, cũng như cải tiến thế giới; điều này không thể làm được nếu thiếu vắng chiều kích cộng đoàn. Tuy con người là một cá thể, nhưng không phải là một hữu thể lẻ loi, mà là một thành phần tất yếu của xã hội. Mỗi hữu thể tuy nhỏ bé trong thế giới vô biên, nhưng lại có một chỗ đứng quan trọng mà không ai có thể thay thế được. Tự bản chất, con người là một hữu thể xã hội. Vì thế, con người không thể sống và phát triển nếu thiếu vắng mối giây liên hệ với người khác. Bộ Giáo Dục Công Giáo đã minh định: “Con người là một hữu thể tự bản chất: nghĩa là do sự nghèo nàn bẩm sinh và do khuynh hướng tự nhiên đòi hỏi phải tương giao với người khác. Xã hội tính nơi con người là nguồn gốc của mọi hình thức xã hội và của những đòi hỏi đạo đức được khắc ghi trong đó. Vì thế, để đạt tới sự phát triển viên mãn, con người không thể tự mãn với chính mình, mà cần đến người khác và xã hội”[4] .
Chính trong viễn tượng đó, con người không thể khép kín chính mình mà phải sống trọn vẹn chiều kích xã hội, trong mối tương quan với cộng đoàn, người khác và Đấng khác. Mỗi người không sống cho mình, hay tự chôn mình trong vỏ bọc ích kỷ, nhưng mở ra với tha nhân bằng tình yêu vô vị lợi, sống vì người khác hơn là tìm cách bồi đắp bản thân. Như vậy, con người ý thức chiều kích xã hội thì chưa đủ, mà cần sống chiều kích ấy cách tích cực. Nó chỉ có thể lớn lên và vững mạnh khi mỗi người biết chung tay kiến tạo bằng cách sống đúng ơn gọi làm người của mình. Đây là cái nhìn tích cực của tu đức về chiều kích xã hội tính nơi con người.
2. Tầm Quan Trọng Của Cộng Đoàn Tu Trì
Chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của cộng đoàn, vì đó là chiếc nôi nơi người tu sĩ lớn lên và trở thành anh chị em của nhau. Huấn thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn đã trình bày: “Trước khi là một kiến trúc của con người, cộng đoàn tu trì đã là một hồng ân của Chúa Thánh Thần. Đây là một gia đình thực sự, trong đó mọi người quy tụ lại với nhau nhân danh Chúa. Vì thế không thể hiểu được cộng đoàn tu trì nếu chúng ta không bắt đầu từ bản chất của nó như một ân huệ từ trên ban xuống”[5] . Giáo hội ước mong mỗi cộng đoàn tu sĩ trở thành gia đình thực sự: một gia đình hiệp nhất, yêu thương và cùng chữa lành vết thương. Họ truyền thông cho nhau những kinh nghiệm tâm linh, cũng như những thăng trầm của đời dâng hiến. Nhờ đó, người tu sĩ được đào tạo, thăng tiến và triển nở trong ơn gọi: “Bởi vì cộng đoàn tu trì là ‘trường dạy yêu thương’ giúp con người lớn lên trong tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em, nên cũng là nơi làm cho con người được triển nở”[6] .
Chúng ta không thể phủ nhận, trong thực tại cuộc sống, có những khó khăn và căng thẳng giữa yêu sách cộng đoàn với sứ vụ tông đồ. Tuy nhiên, nếu nối kết hài hoà hai chiều kích này sẽ làm phong phú hoá đời sống tu trì. Do đó, “tu sĩ phải sống trong những cộng đoàn huynh đệ: mỗi cá nhân được thánh hiến trong nếp sống này, và chính trong lối sống này mà các tu sĩ đảm nhận sứ vụ tông đồ của họ một cách bình thường. Khi lý do cần thiết phải sống cách biệt một thời gian dài hoặc ngắn, họ phải mau chóng trở về đời sống cộng đoàn, cả tâm hồn lẫn con người”[7] . Như vậy, cộng đoàn là mái ấm gia đình, là nơi hoạt động tông đồ của mỗi tu sĩ. Nó cũng là nền tảng giúp mỗi thành viên xây dựng cuộc đời và lý tưởng của mình ngày thêm vững chắc. Đây là ước mong của Thánh Bộ Tu Sĩ: “Như một gia đình hiệp nhất nhân danh Thiên Chúa, cộng đoàn tu trì tự bản chất là nơi kinh nghiệm về Thiên Chúa phải đạt tới mức độ viên mãn và chuyển thông cho người khác một cách đặc biệt, trước tiên là cho các anh chị em của mình trong cộng đoàn”[8] .
3. Cộng Đoàn Và Sự Tiếp Nhận Cá Tính
3.1 Chấp Nhận Bá Nhân Bá Tính
Van Kaam thật chí lý khi nói về khác biệt nơi mỗi người: “Mỗi người không là bản sao, mô phỏng của một ai khác. Người ấy đã hoàn thành nhân cách đích thực và ý thức sâu xa về tính cách độc nhất và không thể thay thế của mình”[9] . Quả thực, nơi cộng đoàn hội đủ những con người với những nét phong phú, cũng như yếu đuối và nghèo nàn. Vì thế, không có một cộng đoàn lý tưởng. Cuộc sống chung là biết chấp nhận và tha thứ cho nhau. Bá tính sẽ tăng thêm vẻ đẹp cho cộng đoàn, nhưng cũng có thể làm tổn thương nhau. Bởi đó, đời sống cộng đoàn cần được xây dựng trên nền tảng là lòng khiêm tốn và tin tưởng lẫn nhau.
Chân nhận yếu đuối của mình và của anh chị em cách chân thành, không mang tính màu mè, giả tạo. Đây cũng chẳng phải một việc chấp nhận tất yếu hay vô vọng. Căn bản, đó là mối quan tâm chân thành hầu tránh những ảo tưởng và có thể tiến triển từ chính thực trạng đang có. Có thể nói, khi chúng ta nhìn khuyết điểm của tha nhân là tấm gương phản chiếu sự bất toàn của mình; và những ưu điểm nơi họ là linh dược chữa lành vết thương lòng nơi bản thân. Vì thế, phải ý thức ơn gọi của mình là cùng xây dựng một lý tưởng chung cho nhau, vì năng lực cuộc sống phải được nảy sinh từ chính hiện thực cuộc sống này.
Mỗi thành viên cộng đoàn tự đào sâu mình thì mỗi người sẽ trở nên nhạy cảm trước những thăng trầm của cuộc sống; và mỗi người có lòng tin tưởng lẫn nhau thì cộng đoàn ngày một thêm vững mạnh. Dĩ nhiên, một cộng đoàn vững mạnh không loại bỏ tính cách mềm yếu và nhạy cảm của các thành viên, vì đó là bậc thang giá trị giúp cộng đoàn thăng tiến hơn. Như vậy, cái yếu đuối là căn nguyên cho ân sủng mới và làm cho họ lệ thuộc nhau về một phương diện nào đó. Điều này đòi hỏi phải lấy đi các rào chắn, phá đổ lâu đài cố thủ nơi mình và tha nhân, cho họ xâm nhập được mình và mình tế nhị đi vào trong họ. Didier đã nói thật chí lý: “Cộng đoàn được xây dựng như một ngôi nhà với đủ các loại đá khác nhau. Nhưng cái gắn liền các viên đá lại với nhau đó là xi măng, và xi măng lại được tạo nên từ cát và vôi vốn là những chất liệu rất mỏng giòn. Chỉ cần một ngọn gió thì chúng bay đi và trở thành cát bụi. Cũng thế trong cộng đoàn, cái liên kết chúng ta, xi măng chúng ta, cũng được tạo nên từ cái mỏng giòn nhất và nghèo nàn nhất nơi chúng ta”[10] .
Cuộc sống cần có những cái khác nhau để làm cho đời thêm phong phú và tươi đẹp. Cũng vậy, sự khác biệt trong cộng đoàn không phải là một ngõ cụt, cho bằng khai mở một chân trời lạc quan hơn, vì đó là phương thế giúp nhau hoàn thiện và trở nên dấu chỉ giao hoà giữa nhân thế.
3.2. Tin Tưởng Lẫn Nhau
Trọng tâm của đời sống cộng đoàn tu trì là phải có lòng tin tưởng nhau. Nó khởi đi từ việc tha thứ và chấp nhận các yếu đuối của mình và anh chị em. Tất nhiên lòng tin tưởng không nảy sinh trong một thời khắc, cho nên, cần phải có thời gian để hình thành một cộng đoàn đúng nghĩa. Khi gia nhập cộng đoàn, chúng ta muốn đóng góp một cách nào đó vào mục đích mà người khác đang mong đợi. Nhờ đó, chúng ta khám phá ra anh chị em yêu mến và tin tưởng vào mình đúng như thực trạng đang có. Quả là một ân phúc lớn lao cho những ai có cảm nghiệm và lớn lên trong khung trời này. Felicsimo Diez Martinez xác quyết: “Tình yêu huynh đệ là một hồng ân. Nó còn hơn là một điều răn nói trống: nó là yếu tính của cộng đoàn. Cộng đoàn chủ yếu hệ tại việc thực hành tình yêu nhưng không và hiệp thông, chỉ có tình yêu mới đem lại ý nghĩa và biện minh cho các tổ chức và các định chế cộng đoàn”[11] . Như vậy, một cộng đoàn có lòng tin tưởng thật sự thì sẽ đứng vững với thời gian, và không gì lay chuyển được. Có thể nói, tin tưởng là nền móng giúp cộng đoàn xây dựng lý tưởng và thi hành sứ vụ của mình.
Tuy nhiên, cái khó lớn đối với nhiều người vẫn là hay ngờ vực nhau. Nhiều lúc ta cảm tưởng mình không thể nào được yêu mến, vì nếu anh chị em thấy được thực trạng bất toàn, họ sẽ loại mình; từ đó, ta tìm cách co cụm, che giấu những giới hạn của mình. Cách vô tình người anh chị em đó đã khoác lên mình một tấm áo giả hình, trốn tránh. Đàng khác, chúng ta cũng sợ mình không thể yêu thương người khác thực sự. Do đó rất nhanh chóng, chúng ta đi từ hứng khởi đến suy sụp và đánh mất lòng tin tưởng lẫn nhau. Vậy làm thế nào để khám phá ra rằng dẫu yếu đuối và bất toàn, chúng ta vẫn được yêu và có khả năng yêu?
Bí quyết giúp cộng đoàn vững mạnh là làm cho mỗi người nhận ra anh chị em tin tưởng mình. Nhờ vậy, chúng ta dễ tin vào mình hơn, và lòng tin vào anh chị em có thể được lớn mạnh. Đó là điều mà cộng đoàn cần làm chứng cho một thế giới đang chạy theo thực dụng, độc tôn và phân biệt. Quả thực, “những mối tương quan cho không, bình đẳng phục vụ, hỗ trợ giữa các phần tử trong cộng đoàn là chứng từ tốt nhất cho một thế giới đang bị ảnh hưởng bởi những mối tương quan nặng đầu óc thương mại, phân biệt, thực dụng và thiếu tinh thần liên đới”[12] .
Tiên vàn hãy khám phá và yêu mến cái bí nhiệm của bản thân và tính độc nhất của nó. Nhờ đó, ta được tự do, không còn sống theo ước muốn của người khác. Chính sự tự do giúp ta khám phá và đón nhận tha nhân như thực trạng của họ chứ không phải như mình muốn. Như vậy, lòng tin tưởng đem lại cho ta sự an vui trong đời sống huynh đệ, và tăng thêm sức mạnh để trung thành với đặc sủng đã chọn.
3.3 Yêu Thương, Chữa Lành Vết Thương
Cộng đoàn là môi trường thuận lợi cho mỗi người cởi mở, liên kết với nhau trong yêu thương và thi hành sứ vụ. Nơi đây, người ta yêu thương từng con người một, chứ không phải yêu thương cộng đoàn theo nghĩa trừu tượng: một đoàn thể, một thể chế hay một lối sống lý tưởng. Một cộng đoàn chỉ chú tâm tới mức độ hoàn hảo, an toàn hơn là chú tâm đến từng anh chị em để kiến tạo tự do nội tâm của họ, thì chẳng khác nào một thuyết trình viên chỉ để ý đến sự mạch lạc của bài diễn văn mà không quan tâm cử toạ có nghe và hiểu được không.
Để đời sống được an hoà, cộng đoàn phải nhìn đến các thành viên và giúp họ thăng tiến. Vì thế, sự hiệp nhất cộng đoàn cần được khởi đi từ ánh quang mỗi người, từ tình yêu nơi họ cũng như từ cách họ yêu thương nhau. Nói cách khác, cộng đoàn là nơi liên đới, hoán cải, cảm thông và cùng thi hành sứ mạng. F. Martinez đã nói: “Cộng đoàn là nơi để hoán cải, liên đới, xả kỷ trong cuộc sống hằng ngày, cùng là nơi chúng ta hiện diện và đồng hành trong bước đường môn đệ”[13] .
Bên cạnh đó, cộng đoàn cũng là nơi phát hiện những giới hạn, nỗi âu lo và tính ích kỷ của mỗi người. Người ta khám phá ra sự nghèo hèn và những yếu đuối của mình, tình trạng giới hạn trong việc hoà hợp với anh em, những ghen ghét, hận thù và những mong muốn phá hoại của mình. Khi sống một mình thì ta dễ ảo tưởng mình có thể yêu thương hết mọi người, đến lúc đụng chạm với người khác thì nhận ra mình không có khả năng yêu thương, lại còn từ chối và đóng kín chính mình. Những hệ luỵ trên khiến nhiều người giấu kín hay chạy trốn đời sống cộng đoàn và các mối tương quan tha nhân. Người ta không dám đối diện với chính mình, coi mọi sự như của người khác chứ không phải của mình, hay: “Chính tha nhân có lỗi còn tôi thì vô tội”[14] .
Khi nỗi khổ nội tâm này xuất hiện thì ta cũng khám phá ra cộng đoàn là nơi đảm bảo; đồng thời nhận thức được rằng anh chị em đang đồng hành và giúp mình đón nhận tất cả như một phương thế tiến thân. Nơi mỗi người đều có một vết thương lòng sâu kín, một tiếng thét gào muốn được yêu mến, được đánh giá cao, được xem là quý giá và hữu ích. Chúng ta luôn tha thiết có một tình yêu vô hạn và nhập thể; thứ tình yêu không loại bỏ tự do, cũng không thao túng; nhưng trao ban cách tự do và sáng tạo. R. Voillaume nói thật chí lý: Đâu không có yêu thương, đấy không có hành động, không có cuộc sống. Con người không thể hoàn toàn là mình mà không được yêu và cố gắng yêu. Tình yêu là hương hoa đem lại nét xuân tươi cho cuộc sống. Thật ngột ngạt biết bao khi cuộc sống vắng bóng yêu thương. Nhờ ánh sáng tình yêu, chúng ta nhận ra mình không phải là một tội nhân ghê tởm, hay những con người kinh khủng đã làm thất vọng và tổn thương đến cộng đoàn. Mặc dầu bị thương tích bởi những tật xấu, chúng ta vẫn được cộng đoàn đón nhận và yêu mến. Đó là động lực giúp chúng ta lớn mạnh, cởi mở và biết cảm thông hơn. Từ đây, cộng đoàn trở thành nơi giải thoát, chữa lành và thăng tiến.
Ở một khía cạnh khác, mỗi hữu thể nhân linh đều có một ước vọng được hiệp thông với người khác để yêu mến, chia sẻ những tâm tư nguyện ước. Khát vọng này đòi hỏi mỗi người vượt ra khỏi ốc đảo của mình, chấp nhận bị thương tổn để có thể mến yêu và hiểu biết anh chị em. Nó giúp ta nhận ra tính độc nhất, tính bất khả xâm phạm và không thể thay thế nơi mỗi người. Nhưng chúng ta không thể nhìn thấy và yêu mến người khác nếu không có kinh nghiệm rằng họ đã yêu mến ta bằng một tình yêu xả kỷ và giải thoát. Nhờ đó, chúng ta dám chấp nhận thương tích hầu lớn lên cùng anh chị em. Chỉ có tình yêu mới có thể chữa trị vết thương lòng, gột rửa tính độc đoán, phẫn nộ và hay quy hướng về mình.
Như vậy, cộng đoàn là nơi mỗi người học yêu mến và trở nên khí cụ bình an. Nơi đây, người ta không còn che giấu nhau, không còn tìm cách chứng minh những giá trị của mình thật hay giả; các tường rào bị phá đổ và người ta có thể cùng nhau sống kinh nghiệm hiệp thông và sứ vụ.
4. Cá Tính Và Sứ Vụ Cộng Đoàn
4.1. Dấn Thân Vì Hướng Đích Chung
Trao ban tính yêu là sứ vụ chung của cộng đoàn và của từng người một. Mỗi người theo khả năng và bậc sống mà thi hành bổn phận chung một cách nhưng không. Muốn được vậy, trước hết sứ vụ trao ban sự sống và giải thoát phải được thực thi nơi các thành viên trong cộng đoàn; phải khởi đi từ họ. Jean Vanier minh định: “Họ gia nhập cộng đoàn là để lớn lên trong sự tự do nội tâm rồi trao ban cho tha nhân, làm toả sáng và dâng hiến Tin Mừng cho tha nhân”[15] . Sứ vụ chung được tiến triển tốt đẹp là nhờ vào các thành viên sống đúng phẩm giá, có quyền lợi, tiếng nói và chỗ đứng trong cộng đoàn.
Mỗi cộng đoàn có cách sống, quy luật và sứ vụ riêng. Tuy nhiên, nền tảng căn bản mà mỗi cộng đoàn cần xây dựng là quan tâm đến người khác, yêu thương họ, loan báo Tin Mừng, mang lại bình an, sức sống và tự do. Cộng đoàn chỉ thực sự trở nên một và được toả sáng khi mọi thành viên có được cảm thức phải cấp bách thực hiện sứ vụ chung. Sứ vụ này cần mở ra với tha nhân vì lợi ích của họ, chứ không phải co cụm, luẩn quẩn trong cộng đoàn của mình. Dấu chỉ cho thấy cộng đoàn có phát triển bền vững hay không là nhìn vào hướng đích mà cộng đoàn đang nhắm tới. Bruno Bettellhiem nhận định: “Tôi xác tín rằng đời sống cộng đoàn chỉ có thể nở hoa nếu nó hiện hữu cho một cùng đích không phải là chính nó. Nó chỉ có thể như là kết quả của một cuộc dấn thân nghiêm túc vào một thực tại khác ở bên kia cái thực tại nó là cộng đoàn”[16] . Như vậy, sứ vụ của cộng đoàn đòi hỏi các thành viên: “Từ bỏ cái tôi độc lập, sự hiện hữu tự mãn của mình để tham dự vào hữu thể khác với tất cả ý thức”[17] .
Thế giới hôm nay có quá nhiều đau khổ, thất vọng, tiếng kêu gào không được đáp trả, nhiều người chết trong cô đơn. Lý do bởi đâu? Có lẽ một phần do con người dửng dưng với niềm tin tôn giáo. Họ chối bỏ Thiên Chúa đích thực để đi tìm “ngài” trong tiền- tình- tài. Cái vòng xoáy của cảnh đời tranh đua đã cuốn con người vào trong đam mê và khép kín. Với thời gian, mảnh đất tâm hồn họ trở thành sa mạc hoang vu vì thiếu sự tưới gội của những hạt mưa Thần Linh. Họ khép kín với Thiên Chúa và dửng dưng với anh chị em mình. Nhận định của linh mục Thiện Cẩm về một thế giới chối bỏ niềm tin tôn giáo thật chí lý: “Một xã hội con người mà thiếu tôn giáo thì cũng tựa như bùn đất thiếu sông ngòi, nếu không biến thành sa mạc thì cũng dễ bị khô cằn”[18] . Như thế, các thành viên chỉ sống đời cộng đoàn cách đầy đủ khi họ tưới gội lên mảnh đất khô cằn này bằng lời cầu nguyện, hy sinh và yêu thương phục vụ. Đời sống cộng đoàn được mời gọi chiếu dãi ánh sáng tin yêu vào nơi tối tăm của hận thù, chia rẽ, và tưới gội yêu thương giữa thế trần đang khát vọng yêu thương. Vì thế, nếu nó tẻ nhạt, thế gian sẽ chết khát; nếu nó âm u, nhân loại sẽ sa vào mê lầm; nếu nó không mang lại kết quả, nhiều người sẽ “chết vì đói”.
Nhưng cảm thức cấp bách này không đòi hỏi ta phải làm quá tải, căng thẳng, hay bồn chồn lo lắng. Nó cũng không mâu thuẫn với tinh thần tín thác, tin tưởng, an bình và thư giãn. Đúng hơn, đó là một ý thức về đau khổ và sự ác trong thế giới; cũng như nhìn lại chiều sâu, chiều rộng và phổ quát tính của sứ vụ cộng đoàn. Nó đòi hỏi và mời gọi mỗi người chung tay xây dựng nhân thế ngày một an thịnh trong tinh thần liên đới và trao ban.
4.2. Mở Ra Với Tha Nhân
Hằng ngày, chúng ta phải chứng kiến bao mảnh đời bi ai. Họ cũng là người, song bị đối xử như một con vật hay phương tiện nhằm phục vụ lòng tham của những kẻ bạo quyền. Họ không chỉ đói cơm gạo cho bằng tình thương; một tình thương khởi đi từ lòng cảm thông, thừa nhận và liên đới. Sự đói khát yêu thương của con người là bản trắc nghiệm cho thấy khả năng yêu thương nơi chúng ta. Bởi vì, khi đi vào huyền nhiệm hiệp thông với người “khố rách áo ôm” đòi buộc ta phải chết đi cho tính tư lợi, chấp nhận cuộc sống phiêu lưu trong dấn thân thay vì tìm an hưởng. Không phải ngẫu nhiên mà Jean Vanier đã mời gọi: “Đừng tìm kiếm bình an, nhưng bạn ở đâu thì hãy hiến thân ở đó; đừng nhìn đến mình, nhưng hãy nhìn đến các anh chị em đang có nhu cầu”[19] .
Tiếng vọng yêu thương vang lên từ những con tim nhân thế luôn mang tính khổ đau, âu lo và đôi khi hấp hối nữa. Họ sợ không được yêu mến và phải đau đớn vì bị áp bức hay chối bỏ. Nếu lời mời gọi này thức tỉnh được mối cảm thông trong lòng chúng ta thì những nỗi đau, sợ hãi của họ sẽ được vơi đi. Có thể nói, chính nỗi đau của họ làm rỉ máu vết thương của bản thân. Điều này chúng ta cảm nhận được khi sự giận dữ và thù hận đối với người yếu hèn nổi lên trong mình. Như vậy, thật đáng sợ nếu phải đối diện với quyền lực tối tăm và hận thù trong tâm can chính mình. Do đó, không lạ gì khi có nhiều anh chị em tìm chân trời khác, lại có những người muốn khỏa lấp mình hoặc quên lãng nó. Bên cạnh đó lại có những người tìm đến các vị hướng dẫn có kinh nghiệm để được giúp đỡ. Nhờ đó, họ nhận thấy chính vết thương lòng đã thật sự làm cho mình trở thành anh chị em với những người mình đang phục vụ. Hồng y Fullton Sheen đã nói thật chí lý: “Phục vụ tha nhân là hình thức phục vụ bản thân cao cả nhất”[20] .
Sứ vụ cộng đoàn là phục vụ cho sự bình an nhân loại, qua việc đón nhận tha nhân như thực trạng của họ và không ngừng tha thứ. Đó là phục vụ vì hoà bình thế giới, giúp mỗi người sống và nếm được niềm vui sâu kín khởi đi từ Đấng Vĩnh Hằng. Do đó, sứ vụ này đòi buộc một sự từ bỏ, và chọn lựa dứt khoát; từ bỏ lòng hận thù, hung hăng, chia rẽ để chọn lấy và nuôi dưỡng tinh thần tha thứ, sự khiêm tốn, cảm thông và bình an. Vì chỉ khi nào dám quên mình thì lúc đó ta mới có thể dấn thân cho tha nhân cách nhưng không. Hồng y Fullton Sheen đã nói: “Yêu thương và phục vụ đi liền với nhau. Phục vụ là biết quên mình đi. Người ta phải có tâm hồn hết sức cao cả mới có thể giúp đỡ tha nhân ngày này qua ngày khác, dù có bị xỉ vả, chối bỏ vẫn ân cần giúp đỡ và không màng chi đến lời khen ngợi của anh chị em”[21] .
Muốn đến với tha nhân bằng tấm lòng đại lượng thì trước hết hãy giải thoát lòng mình khỏi biên cương hạn hẹp của vị kỷ, đồng thời không đánh mất ngọn lửa tinh thần đang nung nấu bởi an toàn và giàu sang. Đàng khác cũng nên xoá bỏ khoảng cách giữa mình và tha nhân bằng một tình yêu chân thành, biết cảm thông, đón nhận và tha thứ. Như vậy, sứ vụ được nảy sinh qua việc chân nhận bản thân và tha nhân trong niềm tín thác vào Thiên Chúa, vào tình yêu mà Người dành cho mỗi người. Sứ vụ này không mang tính đặc tuyển. Đó là một cuộc sống đã được nhận lãnh, hồi sinh từ “ngôi mộ” hữu thể chúng ta để trở thành nguồn sống và niềm xác tín nhờ những gì đã được giải thoát từ trong yếu đuối và dễ tổn thương của mình. Từ đó, chúng ta có thể làm chứng bằng chính cuộc sống khiêm tốn, bé mọn và nghèo khổ. Nhờ khởi đi từ tình yêu Thiên Chúa, chúng ta cùng lớn lên với nhau, cùng nâng đỡ nhau để vươn tới một sự tự do nội tâm hầu phục vụ tha nhân và làm cho nhân thế ngày một an thịnh trong tình yêu của Đấng Vĩnh Hằng.
KẾT
Mối tương quan giữa cá tính và đời sống cộng đoàn được xây dựng trên nền tảng cảm thông và tôn trọng nhân vị. Tôn trọng người khác là nét căn bản nhất mà mỗi người phải có, nhất là trong đời tu. Hơn bao giờ hết, người tu sĩ phải tiên phong trong việc bảo vệ và làm thăng tiến giá trị nhân phẩm nơi bản thân cũng như nơi tha nhân. Điều này cần được khởi đi từ cộng đoàn mà họ đang sống. Một cộng đoàn sống trong an hoà, thì thành quả của nó sẽ là bình an, hoan lạc, từ tâm, trung tín, hiền hoà và nhẫn nại[22] . Có lẽ, điều con người hôm nay cần nơi tu sĩ không phải cơm gạo áo tiền cho bằng tình thương; một tình thương thực sự khởi đi từ cõi lòng đã cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa và tình bằng hữu. Họ chờ ta trao ban thứ lương thực tinh thần để nuôi dưỡng họ trong bước đường nhân thế lắm cạm bẫy bởi chủ nghĩa vật chất, và khô cằn vì vắng bóng tình yêu trao ban. Chính những lời kêu gào của thế trần hôm nay là bản trắc nghiệm về tình yêu tha nhân, sự trưởng thành và tinh thần dấn thân của ta như thế nào!
Vì thế, lời mời gọi của Giáo hội và mong ước của mọi người là cộng đoàn tu trì phải thể hiện rõ tính năng sứ vụ của mình; sứ vụ được khởi đi từ chính cuộc sống liên đới, cảm thông và yêu thương trong cộng đoàn. Chính nơi đây làm toả rạng ánh sáng tin yêu cho một thời đại đang chìm trong chia rẽ và hận thù bằng tình yêu huynh đệ khơi nguồn từ Thiên Chúa.
[1] THOMAS MERTON, Không Ai Là Một Hòn Đảo, Thanh Bằng chuyển ngữ (Sài Gòn: Văn Hóa, 1969), tr. 31.
[2] X. FX. SAVIER LÊ ĐỨC THÀNH, giáo trình Triết Học Thượng Cổ.
[3] Trích lại NGUYỄN THÁI HỢP, Để Họ Lớn Lên, tái bản lần 1 (Sài Gòn: Đức Tin &Văn Hoá, 2007), tr. 223.
[4] BỘ GIÁO DỤC CÔNG GIÁO, Giáo Huấn xã hội của Giáo hội trong việc đào tạo Linh mục, 1988, số 34.
[5] BỘ TU SĨ, Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn, số 8.
[6] Sđd, số 35.
[7] Sđd, số 65.
[8] Sđd, số 20.
[9] VAN KAAM, bản việt ngữ Nhân Cách Tôn Giáo, tr. 61.
[10] Trích lại JEAN VANIER, bản việt ngữ Đời Sống Cộng Đoàn, tr. 61.
[11] FELICSIMO DIEZ MARTINEZ, Đời Tu Gạn Đục Khơi Trong, bản dịch của Đỗ Ngọc Bảo, 2000, tr. 322
[12] Sđd, tr. 339.
[13] F. MARTINEZ, Đời Tu Gạn Đục Khơi Trong, Giuse Đỗ Ngọc Bảo chuyển ngữ, 2000, tr. 331.
[14] JEAN VANIER, sđd, tr. 34.
[15] JEAN VANIER, sđd, tr. 107.
[16] Trích lại JEAN VANIER, sđd, tr. 109.
[17] ADVIAN VAN KAAM, sđd, tr. 191.
[18] THIỆN CẨM, Hoa Trong Kẽ Đá, tr. 79.
[19] JEAN VANIER, sđd, tr. 59.
[20] Fullton Sheen, bản việt ngữ Sống Hạnh Phúc, tr. 231.
[21] Fullton Sheen, sđd, tr. 229.
[22] Gl 5, 22.
ĐAN SĨ SỐNG HIỆP THÔNG
VỚI THIÊN CHÚA VÀ CỘNG ĐOÀN
Qua lịch sử Giáo Hội, nhiều văn sĩ và thần học gia Kitô giáo đã dạy rằng mục tiêu của đời sống kitô hữu là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Thánh Augustino cũng dạy: Yêu mến tha nhân chỉ có giá trị khi hành động ấy bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa và làm gia tăng tình yêu đối với Thiên Chúa.
Tuy nhiên, từ Công đồng Trento, người ta dần dần xem tình yêu đối với tha nhân là tiêu điểm tình yêu Kitô giáo. Cũng từ đó, xuất hiện nhiều vị thánh và ngay cả giáo dân cũng chia sẻ những kinh nghiệm về thần bí. Khá nhiều người, đủ mọi thành phần từng tuyên bố mình đã có kinh nghiệm trực tiếp về Thiên Chúa. Sự thât thì, với tư cách là Đan sĩ tôi cảm thấy ngạc nhiên khi chứng kiến mối tương quan gần gũi với Thiên Chúa của nhiều giáo dân. Là đan sĩ, đôi lúc tôi cảm thấy xấu hổ thậm chí còn đau buồn vì có khá nhiều đan sĩ ngày nay, dù sống trong đan viện lâu năm nhưng mối tương quan của họ với Thiên Chúa xem ra vẫn còn rất hời hợt.
Vậy, người ta đang mong gì nơi người sống đời thánh hiến nói chung và người đan sĩ nói riêng? Chắc chắn mọi người không mong đợi một đan sĩ thông thạo trong lãnh vực giáo dục, quản trị hay mục vụ hoặc là những chuyên viên trong các vấn đề xã hội, y tế, truyền thông… Nhưng họ đang mong đợi một đan sĩ có kinh nghiệm về Thiên Chúa, uyên thâm trong lãnh vực tâm linh và cầu nguyện. Bởi vì mục tiêu chính yếu của đời đan sĩ là không lấy gì làm hơn Chúa Kitô[1] và đặt Thiên Chúa làm trung tâm đời sống của mình. Vì thế, cuộc đời người đan sĩ phải được hình thành từ kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa, một Vị Thiên Chúa đáp ứng mọi khát vọng của con người; cuộc đời người đan sĩ phải được bao trùm và chi phối bởi sự hiện diện của Thiên Chúa[2] .
Quả thực, muốn có được kinh nghiệm về Thiên Chúa trong cuộc sống, người đan sĩ cần phải có một sự hiệp thông sâu xa và toàn diện với Thiên Chúa và anh em. Bởi vì chỉ có sự hiệp thông thâm sâu với Đức Kitô và anh em mới làm cho người đan sĩ trở thành đan sĩ thực sự. Nói cách khác, đan sĩ phải là người dành thời gian để đàm thoại thân mật với Chúa Giêsu trong tĩnh lặng, trong sâu thẳm và riêng tư của lòng mình, nhờ đó đan sĩ dễ dàng chia sẻ với Chúa về con người và công việc của mình và cũng nhờ đó, họ được Chúa soi sáng để có thể tiến bước trên con đường hướng tới sự sống vĩnh cửu.
Trong thư của Bộ Giáo Lý Đức Tin gửi các giám mục thuộc Giáo Hội Công giáo, để bàn về một số khía cạnh hiệp thông của Giáo Hội, do Đức Hồng y Joseph Ratzinger ban hành ngày 28/05/1992 đã viết như sau: “Để có được một nhãn quan kitô về hiệp thông, điều thiết yếu là phải biết nhìn nhận hiệp thông trước tiên như là ân lộc của Thiên Chúa, như là hoa trái của sáng kiến thần linh được thực hiện nơi mầu Nhiệm Vượt Qua; Hiệp thông là hiệp nhất đặc thù có sức làm cho các tín hữu trở thành những chi thể của cùng một thân thể. Tức là của Nhiệm Thể Đức Kitô”. (Số 3).
Hiệp thông là một ý niệm rất phong phú về nội dung, nên có thể dùng nhiều từ ngữ khác nhau để diễn tả những khía cạnh về Hiệp thông, mà khía cạnh nào cũng đều có những hệ luận quan trọng cho đời sống tu đức của người kitô hữu.
Vì thế, để có một chút suy tư về hiệp thông, hay để đào sâu hơn chủ đề hiêp thông, người viết chỉ xin dừng lại ở ba điểm chính.
– Khái niệm về hiệp thông.
– Chiều kích của hiệp thông.
– Đan sĩ sống chiều kích hiệp thông với Thiên Chúa và Cộng đoàn.
1. Khái Niệm Về Hiệp Thông
“Hiệp thông” tiếng La tinh là “Communio”, tiếng Hy Lạp là “Koinonia”. Nghĩa là sự thông phần vào những thiện hảo của ơn cứu độ. Vì khi sống hiệp thông, chúng ta được thông phần vào sự sống mới: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ bánh Thánh đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1Cr 10,16). Và trên hết hiệp thông còn là công trình của Chúa Ba Ngôi. Chính vì thế, sự sống của Giáo Hội cốt ở sự hiệp thông “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng…” (Cv 2, 42-47). Sống hiệp thông là một ơn gọi chung đối với mọi người, không trừ ai, đồng thời cũng là một ân sủng. Thật vậy, Thánh Phaolô đã xác định: “Thiên Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1Cr 1,9).
Vậy hiệp thông đúng nghĩa và đích thực chỉ có ở nơi Ba Ngôi Thiên Chúa. Giáo hội trước tiên là một mầu nhiệm, vì Giáo Hội phát sinh từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, nghĩa là xuất phát từ chương trình cứu độ phổ quát của Chúa Cha, sứ vụ và công trình cứu độ của Chúa Con và tình yêu thánh hóa của Chúa Thánh Thần[3] . Như thế, Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc hiệp nhất do sự hiệp nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần[4] . Mầu nhiệm Giáo Hội hiệp thông này được nhắc tới ở mỗi đầu Thánh Lễ khi vị chủ tế kêu mời chúng ta bằng lời chào của Thánh Phaolô Tông Đồ: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn Thông Hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13,13). Thật vậy, Giáo Hội hiện diện vì con người, nên đại gia đình hoàn vũ của Thiên Chúa là Giáo Hội, luôn phải nối kết bằng tình hiệp thông, không chỉ thế giới hữu hình mà cả thế giới vô hình.
Tự bản tính, con người luôn sống trong sự hiệp thông: Nhân vị của một con người chỉ trưởng thành trọn vẹn khi đối thoại và tương quan với một nhân vị khác. Hiêp thông là điều cốt yếu của đời sống thánh hiến. Tác giả cuốn Canh Tân Đời Sống Thánh Hiến đã viết: “Linh đạo hiệp thông đòi buộc người thánh hiến phải làm mọi cách để thực hiện cuộc đối thoại bén rễ sâu trong đức ái”[5] . Khi sống hiệp thông, chúng ta dễ dàng đón nhận tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giai cấp, màu gia. Bởi vì hiệp thông bắt đầu với việc chiêm ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi cư ngụ trong linh hồn con người, từ đó, xem mọi người đều đáng được yêu thương và trân trọng.
2. Chiều Kích Của Sự Thiệp Thông
Giáo Hội tuyên xưng rằng chỉ có một Thiên Chúa, là Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Các Ngôi vị hướng về nhau, gắn bó với nhau, tự hiến cho nhau, ở trong nhau và nên một với nhau: Giữa Ba Ngôi Thiên Chúa luôn tồn tại một sự hiệp thông tình yêu.
Giáo Hội cũng sinh ra bởi Tình yêu Ba Ngôi, nên Giáo Hội cũng bắt nguồn từ mầu nhiệm hiệp thông của Ba Ngôi. Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội dạy rằng: “Giáo Hội phổ quát xuất hiện như một dân tộc được hợp nhất do sự Duy nhất giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”[6] . Do đó, Giáo Hội là dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại theo hai chiều; chiều dọc và chiều ngang[7] . Hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau, hai chiều kích này không thể tách rời.
Một đàng, sự hiệp thông với Thiên Chúa là nền tảng và điều kiện thiết yếu cho mối hiệp thông đích thực giữa các kitô hữu. Đàng khác, mối hiệp thông giữa các anh chị em kitô hữu lại là hoa trái hữu hình nhất và thuyết phục nhất cho sự hiệp thông với Thiên Chúa. Chỉ trong sự hiệp thông toàn diện và sâu xa này, chúng ta mới có thể nói về Giáo Hội như bí tích của sự hiệp nhất nhân loại.
Trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô, thánh Phaolô đã nêu rõ rằng bản chất của Giáo Hội là hiệp thông. Một cộng đoàn các kitô hữu hiệp nhất với nhau và kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô trong đức tin, đức cậy, đức mến, là nguyên nhân đưa tới sự hiệp thông với Thiên Chúa, với các kitô hữu khác và cuối cùng là với mọi người (x.Ep 4,1-6). Theo quan điểm của khoa Giáo Hội Học hiện nay, Giáo Hội là hiệp thông nên khái niệm xem Giáo Hội như một cơ cấu không còn nữa, thay vào đó, Giáo Hội là Dân Thiên Chúa, là Gia Đình là Cộng Đoàn các Tôi Tớ. Các kitô hữu được thánh Phaolô gọi là “Thánh”, vì họ đã chịu phép rửa, đã được thanh tẩy, được trở nên công chính nhờ Thần Khí thánh hóa. Mọi kitô hữu đều được tháp nhập vào Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại. Họ là một với Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần, nên họ là một với nhau, làm thành một thân thể duy nhất là Giáo Hội. Sự hiệp thông này không giới hạn vào những người còn sống tại thế, mà còn là sự hiệp thông với triều thần thánh trên trời, với các linh hồn còn chịu đau khổ trong luyện ngục[8].
Như thế, Giáo Hội là cộng đồng các tín hữu được gắn kết với nhau không phải bởi một tình bằng hữu thuần túy tự nhiên, hoặc một khế ước thuần túy xã hội, nhưng là một Dân Thánh, được quy tụ bởi Tình yêu Ba Ngôi, được kết hợp với Thiên Chúa và nối kết với nhau nhờ Thánh Thần mà họ lãnh nhận qua Lời Chúa và các Bí tích. Cha Yves Congar nhận định rằng: “Sự hiệp nhất của Giáo Hội là một sự chuyển thông và nối dài sự hiệp nhất trong Thiên Chúa”. Chính vì thế, hiệp thông là một trong ba đặc tính làm nên mầu nhiệm Giáo Hội. Chúng ta không thể nào hiểu Giáo Hội một cách đúng đắn và đầy đủ nếu không nhìn đến đặc tính hiệp thông và hai chiều kích hiệp thông này.
3. Đan sĩ sống hiệp thông với Thiên Chúa và Cộng đoàn
Đức cha Gioan Baotixita Bùi Tuần chia sẻ: “Tôi thấy ở đâu có bác ái, ở đó có tôn vinh Thiên Chúa. Một cộng đoàn gồm nhiều người tài giỏi sẽ không tôn vinh Thiên Chúa cho bằng một cộng đoàn mà mọi người sống đậm tình liên đới. Một xã hội gồm toàn những cá nhân giàu sang sẽ không tôn vinh Thiên Chúa cho bằng một xã hội gồm những trái tim biết yêu thương chia sẻ… chỉ có tình yêu mới làm nên được liên đới”[9] .
Quả thật, cộng đoàn là một gia đình hiệp thông trong Chúa Ba Ngôi, sự hiệp thông luôn hướng về tình yêu vĩnh hằng trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự hiệp thông ấy được diễn tả sống động qua Giáo hội và cách riêng cộng đoàn tu trì. Vì thế, sự hiệp thông đời sống huynh đệ trong cộng đoàn giúp mọi thành viên ngày càng cảm nghiệm được tình yêu trong Thiên Chúa Ba Ngôi.
Theo quan điểm triết học, cộng đoàn được đề cập như sự hiệp nhất trong tình yêu và sự hiệp thông. Nơi ấy, mọi thành viên phải bỏ đi cái tôi ích kỷ để xây dựng cộng đoàn, để thấu hiểu, thiết lập một tương quan lâu dài, liên tục và hoàn thiện. Cũng vậy, trong góc nhìn giáo dục, cộng đoàn được hiểu như là một nơi con người sống cùng nhau: cùng học tập, nghiên cứu, cùng sống những kinh nghiệm, giúp nhau lớn lên và hoàn thiện bản thân[10] . Một trong những định nghĩa rõ nhất là: “Cộng đoàn là một tập hợp những cá nhân, những người cùng hoạt động và có cùng quan hệ với nhau theo diện đối diện xung quanh một mục đích chung. Mối tương quan lâu dài họ có với nhau, đủ để có ảnh hưởng hoặc tác động trên nhau, đủ để thiết lập một xác định rõ ràng tư cách thành viên của mỗi người và để hoạt động cách đồng nhất. Họ được gọi để sống và chia sẻ các giá trị Tin Mừng với nhau”[11] .
Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, đức giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta quan tâm đến tình người thông qua việc đối thoại. Ngài mời gọi mọi người đối thoại không dừng lại ở việc chia sẻ thông hiệp trong vấn đề tri thức, hiểu biết, chia sẻ bằng chính kinh nghiệm thực tế của mình với người khác[12] .
Quả thật, đời sống nội tâm của chúng ta không hiện hữu một mình, nhưng liên kết với đời sống nội tâm với mọi người, bởi vì Thiên Chúa, Đấng mà chúng ta gặp thấy nơi cõi lòng mình, cũng là Đấng ở trong cõi lòng mọi người. Chính vì thế, qua kinh nghiệm sống nội tâm, cha Thomas Merton đã nói: “Khi chúng ta hiệp thông với Thiên Chúa ở nơi mình, thì đó sẽ là khởi điểm hướng tới sự hiệp thông với Thiên Chúa ở nơi người khác”[13] . Như vậy, giúp chúng ta hiểu rõ hơn chiều kích của cộng đoàn là chiều kích hiệp thông.
Khi mỗi thành viên gia nhập cộng đoàn, đều mang đến một con người với những góc cạnh rất cụ thể: Văn hóa, tập quán, lối sống địa phương và một chuỗi dài của lịch sử cá nhân, do đó, việc sống chung và hợp tác có thể là một thách đố. Vì thế, chúng ta chỉ có thể sống chung và cộng tác với nhau khi mỗi thành viên nghiêm túc trong nỗ lực thích ứng với nhau. Hoàn toàn khác biệt nhau nên muốn họ hòa nhập cách tròn đầy vào cộng đoàn thì việc đối thoại không thể thiếu. Đối thoại giúp họ gọt dũa bản thân, hòa nhập cộng đoàn và khám phá một hướng đi để đạt mục đích chung của cả cộng đoàn.
Trong Lời Giáo Huấn, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã xác quyết và nhắc nhở chúng ta “Cái Đạo Thật” trong đời sống tu: “Việc khó nhất không phải là ăn chay, cũng không phải dậy hai giờ khuya, nhưng là nên Thầy dòng thật, nên Thầy dòng thánh. Mà nên Thầy Dòng thánh là nên con Thiên Chúa”[14] . Cha còn thêm: “Muốn biết chúng tôi có kính mến Chúa hay không, hãy xét coi chúng tôi có yêu thương anh em không… và yêu thương anh em là dấu chắc chúng tôi kính mến Chúa”[15] . Vì thế, đời sống cộng đoàn được hiểu như là một đời sống chia sẻ tình yêu, một dấu chỉ hùng hồn về sự hiệp thông Giáo hội, hiệp thông trong Tình Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự hiệp thông được quảng diễn như một tương tác hai chiều giữa cá nhân với Thiên Chúa và giữa cá nhân với Cộng đoàn.
Tạm Kết:
“Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con”[16] . Hiệp thông không còn là ý định của con người, mà chính là nền tảng của Thiên Chúa. Sự hiệp thông giữa các tín hữu trong Giáo hội, chính là sự hiệp thông với Thiên Chúa. Mỗi người chúng ta phải là dụng cụ của hiệp thông trong môi trường mình đang hiện diện, vì đó là dấu chỉ lòng thương xót của Thiên Chúa.
Đức cha Phêrô Nguyễn Khảm, giám mục Mỹ Tho đã nói: Giáo hội Việt nam trước hết phải là một cộng đoàn hiệp thông đâm rễ sâu trong đời sống Chúa Ba Ngôi, một cộng đoàn cầu nguyện và chiêm niệm, một cộng đoàn cử hành bí tích với Thánh Thể là trung tâm; kế đến, phải là cộng đoàn tham gia và đồng trách nhiệm, một cộng đoàn hiệp nhất với các chủ chăn cũng như với Giáo hội duy nhất. Cuối cùng phải là cộng đoàn làm chứng cho những ý nghĩa và giá trị mà mình tuyên xưng để cho những giá trị đó nhập thể vào trong lối sống của mình, diễn tả chúng trong cách thế hiện diện, đối thoại và thực hành của mình trong mọi lãnh vực hoạt động của Giáo hội ngay giữa lòng thế giới[17] .
Chính vì thế, ngày nay người ta có thể hiệp thông dựa vào danh lợi, dựa vào quyền lực, dựa vào hệ thống chính trị, dựa vào dòng giống, dựa vào ý thức hệ, dựa vào giáo thuyết… Đây là sự hiệp thông hữu hình. Nếu Giáo hội chỉ có hiệp thông hữu hình, chắc chắn Giáo hội sẽ chết, sẽ bị hủy diệt. Hiệp thông vô hình được hình thành bởi lời dạy từ Thiên Chúa. Đó là nền tảng của Giáo hội Công giáo, đó là nền móng của tín hữu. Nếu hiệp thông không tồn tại, chúng ta đã đánh mất Thiên Chúa trong ta; cho dù rằng, có giáo quyền, giáo sĩ, đền thờ, dòng tu, nếu thiếu đi sự hiệp thông chân thật bắt nguồn từ Thiên Chúa. Vậy, mỗi người chúng ta cũng tự vấn, tại sao ngày nay, trong cảm nhận thực tại, chúng ta không nhận ra sự hiệp thông vô hình và không thực hiện chiều kích hiệp thông với Thiên Chúa và với cộng đoàn.
[1] Tu Luật Thánh Biển Đức, chương 43,3.
[2] X. ELI GAMBARI, The Global Mystery…, tr.100-102.
[3] CĐ VATICANÔ II, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, số 2-3.
[4] GH, số 4.
[5] FELIX PODIMATTAM, Canh Tân Đời Sống Thánh Hiến. tr.34-35.
[6] GH, 4.
[7] x.Bộ Giáo Lý và Đức Tin, Lettre aux Évêques de L’Église catholique sur certains aspects deL’Église comprise comme communion, 28/05/1992, s.3
[8] x. ĐỨC TGM. PHAOLO BÙI VĂN ĐỌC, Giáo Hội Hiệp Thông Theo mô hình của Ba Ngôi Thiên Chúa.
[9] BÁO CÔNG GIÁO VÀ DÂN TỘC, số 1099, ngày 23/03/1997.
[10] Vita della comunità scolastica,http://www.itiscannizzaro.net/pof2009_2010/regolamento.pdf.
[11]LM. NGUYỄN ĐỨC THÔNG dịch. Biện phân ơn gọi tu trì đào tạo hướng đến sự thay đổi, Tôn Giáo, tr. 65.
[12] Xem. Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Chương IV.
[13] THOMAS MERTON, The New Man, New York: Ferrar Strauss and Cudahy, 1961, tr.19
[14] Di ngôn 49 ( HT 155) Thư Ngày 27/08/1920
[15] Lời Giáo Huấn, số 6.
[16] Ga 17,21
[17] x. NGUYỄN KHẢM, Đi Tìm Một Cách Thế Hiện Diện Mới Của Giáo Hội Tại Châu Á
ĐAN SĨ SỐNG HIỆP THÔNG
TRONG SINH HOẠT ĐAN TU
Sr. M. Gorety Huyền Trinh_Đan viện Phước Thiên
Trong buổi đọc Kinh truyền tin trưa Chúa Nhật ngày 02 tháng 02 năm 2014, đức giáo hoàng Phanxicô đã nói với các tín hữu đang quy tụ tại quảng trường thánh Phêrô rằng: “Những người sống đời dâng hiến là dấu chỉ của Chúa trong những môi trường khác nhau của cuộc sống, là men để làm dậy lên trong xã hội sự công chính và tình anh em hơn, là lời tiên báo của việc chia sẻ với người nhỏ bé và nghèo khó. Nếu được hiểu và sống như thế thì đời sống thánh hiến sẽ thật sự là: một món quà của Chúa, một món quà của Thiên Chúa cho Giáo Hội, là món quà của Chúa cho Dân Người! Mỗi người tu sĩ là một món quà dành cho Dân Chúa đang trong cuộc hành trình … Họ là những món quà, là men ướp, đưa Dân Chúa tiến bước. Họ là những món quà vô cùng to lớn, đã thánh hiến cuộc sống của mình cho Thiên Chúa, mang thông điệp của Giêsu đến với mọi người”[1] . Lời mời gọi của đức giáo hoàng Phanxicô trên đây là động lực để khích lệ cho người tu sĩ chúng ta hướng tới, đồng thời là lời cảnh tỉnh cho tất cả những ai đang được kêu gọi sống đời thánh hiến giữa lòng Giáo hội và thế giới đang bị xu hướng cá nhân chủ nghĩa thống trị.
Thật vậy, khi kêu gọi các môn đệ, Chúa Giêsu muốn chọn các ông để ở với Ngài và được Ngài sai đi (x. Mc 3,14). Như vậy, khi ở với Chúa Giêsu, lắng nghe và thi hành thánh ý Thiên Chúa, họ trở nên anh chị em của Chúa Giêsu (x. Mc 3,35), Đấng đã đến và thi hành thánh ý Chúa Cha. Do đó, cộng đoàn thánh hiến, tự bản chất luôn mang trong mình động lực siêu nhiên được nuôi dưỡng bởi sự hiệp thông và ân sủng của Chúa ngang qua các sinh hoạt hằng ngày. Nói cách khác, người sống đời Thánh Hiến sẽ là những “chuyên viên hiệp thông” như lời của đức giáo hoàng Phanxicô đã quả quyết trong Tông Thư gởi người Sống Đời Thánh Hiến[2] . Đối với các đan sĩ, tính chuyên viên của sự hiệp thông, sẽ được cụ thể hóa trong từng sinh hoạt của đời sống đan tu.
1. Động Lực Siêu Nhiên
Sự hiệp thông trong Ba Ngôi chính là nguồn mạch và khuôn mẫu sáng ngời của sự hiệp thông cộng đoàn. Vì vậy, làm sao một cộng đoàn do cùng một Chúa mời gọi và thiết lập, cùng nhắm đến một mục đích, chia sẻ cùng một đức tin,…. và có chung một Cha trên trời (x. Mt 6, 9). Nhờ Thánh Thần liên kết chúng ta cùng nhau gọi Thiên Chúa là “Abba – Cha ơi” (x. Rm 8,15).Vì vậy, dù vẫn còn đó những khác biệt do vùng, miền, tính cách, văn hóa và tập quán … nhưng việc xây dựng một cộng đoàn hiệp thông, yêu thương luôn vẫn là ước mong và nhiệm vụ của mỗi người. Bởi thế, chúng ta hãy “có cùng một cảm nghĩ, cùng một tâm hồn, cùng một ước muốn, cùng một lòng mến như nhau” (Pl 2,2). Đó chính là điều chúng ta đang xây dựng một Thân Thể Duy Nhất của Giáo Hội.Nguồn mạch hiệp thông đó được các Đan sĩ thể hiện qua những sinh hoạt: phụng vụ, nguyện gẫm, thinh lặng nội tâm.
a. Phụng vụ
Trong đời sống thiêng liêng của Giáo Hội, Phụng vụ luôn chiếm một vị trí ưu tiên bậc nhất không có gì có thể thay thế được. Phụng vụ luôn diễn tả tâm tình của đoàn dân thánh Chúa theo chiều kích thực tại có tính sinh động, phong phú và duy nhất. Chính phụng vụ mang chiều kích thực tại duy nhất mà Giáo Hội đã minh định rằng: “Tự bản chất phụng vụ vượt xa các việc đạo đức; việc đạo đức chỉ nối dài chứ không thay thế phụng vụ; các việc đạo đức phải phát xuất từ phụng vụ và dẫn đưa người tín hữu đến tham dự tích cực vào phụng vụ, chứ không được phép làm lu mờ các cử hành phụng vụ” (GLHTCG, số 1675).Bởi đó, phụng vụ không còn là việc cử hành các nghi lễ phụng tự của Giáo Hội để diễn tả việc tôn thờ Thiên Chúa. Nhưng việc cử hành phụng vụ đã trở thành một bữa tiệc đích thực để cho hết thảy con cái Giáo Hội đến chia sẻ trong sự hiệp thông duy nhất.Bữa tiệc ấy được cụ thể hóa qua việc cử hành các giờ Thần Vụ: Thánh Lễ và Các Giờ Kinh Phụng Vụ:
• Thánh Lễ:
Trong Thánh Lễ, chúng ta được “dùng hai món ăn” cùng lúc trong một bàn tiệc của sự hiệp thông sâu xa là: Lời Chúa và Thánh Thể. Hai nguồn lương thực thiêng liêng này nuôi dưỡng và củng cố đời sống cộng đoàn. Được Lời Chúa hướng dẫn, chúng ta sẽ thấm nhuần tinh thần Tin Mừng: yêu thương, phục vụ. Nơi Thánh Thể, chúng ta khám phá ra Đức Kitô hiện diện rất sống động trong Nhà Tạm cũng như trong tha nhân khi rước Mình Máu Thánh Chúa Kitô, và chính ta cũng phải trở nên một Nhà Tạm xứng đáng để Chúa ngự vào. Tất cả được nên một, được hiệp nhất với Đầu vì mỗi người là một chi thể trong Thân Mình là Hội thánh (x.1Cr 10,17).
• Các Giờ Kinh Phụng Vụ:
Các Giờ Kinh Phụng Vụ luôn chiếm một vị trí ưu thế trong đời sống của Giáo Hội nói chung và đời sống đan tu nói riêng. Bởi nó luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong việc cử hành Thần Vụ của Giáo Hội, nên toàn thể Giáo Hội, cách riêng các Đan sĩ cần thể hiện việc cử hành này như là hình mẫu của Cộng Đoàn Thiên Quốc đêm ngày ca hát trước nhan Thiên Chúa. Đó là cách thức người đan sĩ cần có như chính thánh Phaolô đã mời gọi chúng ta: “Anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng” (Cl 3,16), hay như cách nói của thánh Biển Đức muốn các đan sĩ khi ca tụng Chúa làm sao phải để tâm hồn hòa nhịp với lời ca[3] .
b. Nguyện gẫm
Có thể nói: song song với hình thức khẩu nguyện của việc cử hành phụng vụ là hình thức tâm nguyện. Mỗi ngày, đan sĩ dành ra một giờ, để nguyện gẫm, hiện diện trước nhan Chúa trong sự hòa nhịp với cộng đoàn, được sống và cảm nghiệm sự dịu ngọt của Thiên Chúa trong từng hơi thở. Thời khắc này rất riêng tư và mang lại những cảm nghiệm sâu xa, độc đáo và khác biệt đối với mỗi cá nhân, tùy mức độ thân tình riêng với Thiên Chúa là Đấng luôn chờ đợi, kêu mời và “sai đi”.Không thể bỏ qua tầm quan trọng của Lectio Divina, đó là việc đọc Kinh Thánh trong tâm tình cầu nguyện. Thực hành Lectio Divina đúng cách giúp đan sĩ được thăng tiến trong đời sống tâm linh trên cả bình diện cá nhân và cộng đoàn. Nhờ đó, tất cả cùng đồng hành và nâng đỡ nhau trong sự vươn lên tới Chúa và mở rộng bàn tay với tha nhân. Nguyện gẫm không những là phương thế duy nhất giúp các đan sĩ sống hiệp thông theo chiều hướng siêu nhiên, nhưng thinh lặng nội tâm cũng giúp ta đạt đến chiều hướng đó nữa.
c. Thinh lặng nội tâm
“Thinh lặng là yêu sách của đời đan tu”[4] . Các đan sĩ phải sống bầu khí của thinh lặng để nên một con người cầu nguyện, kết hợp sâu xa hơn với Chúa. Đức giáo hoàng Phanxicô, trong Tông huấn Evangeli Gaudium (số 15), đã nhắn gửi các tín hữu “tái khám phá giá trị của thinh lặng”; bởi lẽ chẳng thể có lòng thương xót, sự tha thứ nếu không thấm nhuần tinh thần của Chúa Kitô trong thinh lặng để lắng nghe và kết hợp với Chúa. Đời sống chung rất cần sự tha thứ và thông cảm cho nhau. Hơn nữa, “trong các Hội Dòng chuyên lo chiêm miệm, các tu sĩ nhất tâm phụng sự một mình thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hân hoan hãm mình”[5] .Bởi vậy, trong đời sống của mỗi chúng ta, mỗi người phải ý thức nét đẹp đời sống là thinh lặng đan tu. Vì thinh lặng “được lấp đầy bởi sự hiện diện của Thiên Chúa như là một “không gian” thiết yếu để lắng nghe và suy gẫm lời Ngài”[6] .
2. Hoa trái sự hiệp thông
Người nhạc sĩ không thể viết nên một bản nhạc hay bởi một nốt đơn lẻ, cũng vậy đời sống cộng đoàn cũng không thể có kết hợp được nếu mỗi đan sĩ trở nên một “ốc đảo” cho chính mình. Chính vì thế, đời sống cộng đoàn cần được sự sẻ chia trong tình huynh đệ chân thành để tạo nên một cộng đoàn hiệp nhất, vì như John Done đã nói: “Không ai là một hòn đảo”.
a. Chia sẻ huynh đệ
Nhờ đức tin, chúng ta có một mối hiệp thông sâu xa vì cộng đoàn là một gia đình mở rộng và trọn hảo hơn gia đình ruột thịt (x. Gl 3, 26). Hơn nữa, “chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa” (Ep 4,4-5). Do đó, đời sống huynh đệ cần được thêu dệt qua những mối tương quan thân tình trong cộng đoàn, trong mối hiệp thông sâu xa như thánh Phaolô nói: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em đã chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 6, 2). Một khi đan sĩ đã chấp nhận mang gánh nặng cho nhau, họ cũng sẽ dễ dàng đón nhận “cái là” rất khác biệt của mỗi người, đồng thời chính bản thân cũng dễ mở rộng lòng mình ra để đón lấy sự chia sẻ hiệp thông huynh đệ với anh chị em mình. Từ đó, cộng đoàn sẽ trở thành một vườn hoa muôn sắc hương, khi các đan sĩ biết cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, nhu cầu, trách nhiệm, nhưng nếu không biết hòa mình để xây dựng sự hiệp thông thì sẽ tạo ra những khó khăn, những gai nhọn trong đời sống. Chính lẽ đó, đan sĩ rất cần đến chìa khóa đức mến để mở ra cánh cửa huynh đệ cho mỗi tâm hồn, bởi: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7). Một khi đan sĩ đã cùng nhau chia sẻ huynh đệ cách chân tình với nhau, họ cũng sẽ dễ dàng sẻ chia với anh chị em qua các phận vụ hằng ngày trong lao tác.
b. Lao động
Trong Tông Hiến Về Đời Sống Của Các Nữ Tu Chiêm Niệm, đức giáo hoàng Phanxicô đã nhắn nhủ các đan sĩ: “Qua việc lao động, các con chia sẻ công việc của Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá đang lao tác trong thế giới… Cụ thể, việc lao động cho thấy một sự liên đới với người nghèo” (số 32).Riêng đối với đan sĩ, việc lao động còn mang nhiều ý nghĩa: giúp nên giống Thiên Chúa hơn “cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì Tôi cũng làm việc” (Ga 5,17), và Thánh Gia Thất ngày xưa cũng lao tác hằng ngày để tiếp tục góp phần vào chương trình sáng tạo vũ trụ ngày càng hoàn hảo hơn trong ý định muôn đời của Thiên Chúa. Do đó, lao động là một trong những nét đặc thù của đời sống đan tu (ora et labora): “Chỉ khi nào ta sống bằng thành quả lao động của mình như các tổ phụ và như các tông đồ, khi ấy chúng ta mới thật là đan sĩ”[7] .
c. Bữa cơm gia đình
Ngày nay, có lẽ vì quá bận rộn với công việc sinh sống và cách nhận thức sai lệch về giá trị của những bữa ăn chung, mà nhiều người, nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình trẻ đã ít khi có những bữa ăn với nhau trong gia đình của mình. Đây là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự chia rẽ và nhiều khi làm tan vỡ hạnh phúc của nhiều gia đình nữa. Thực ra bữa ăn chung luôn phản ánh bản chất và sự hiệp thông của một gia đình hay một cộng đoàn. Nói cách khác, bữa ăn chung trong gia đình hay cộng đoàn, không chỉ là đơn thuần là cung cấp những món ăn ngon, món ăn có chất lượng nhằm duy trì và phát triển sức mạnh thể lý; trái lại, bữa ăn chung còn là môi trường duy trì và phát triển tình hiệp thông của mọi thành viên trong gia đình hay cộng đoàn. Đồng thời, bữa ăn gia đình cũng là nơi thuận lợi tạo ra sự tương tác, quan tâm và phục vụ lẫn nhau giữa các thành viên, qua đó nâng cao chất lượng và ý nghĩa của cuộc sống cho mọi thành viên trong gia đình hay cộng đoàn. Đó là điều Đức Giêsu đã dạy và đã làm trong gia đình của Ngài ở Nazareth với Đức Mẹ và Thánh Giuse, đặc biệt trong những lần Ngài hiện ra với các môn đệ sau khi từ cõi chết sống lại. Theo tinh thần của Chúa, cộng đoàn sống đời thánh hiến nói chung và cộng đoàn đan tu nói riêng cũng là một gia đình thực sự, trong đó có Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau. Vì vậy bữa ăn chung trong đời sống đan tu là một trong những yếu tố chính yếu làm nên đặc nét của nếp sống này. Tuy trong thực tế, gia đình đan viện dù dùng bữa trong thinh lặng (trừ những ngày lễ trọng, ngày nghỉ) và tự nguyện sống khó nghèo nhưng vẫn rất đề cao vai trò của bữa ăn, bởi lẽ đây là dịp để mọi người sống và cảm nghiệm tình yêu thương, sự vui tươi, tình hiệp thông để học sống chấp nhận nhau.Tuy nhiên, trong đời sống thực tế đôi khi cũng cho thấy không phải bất cứ bữa ăn nào cũng xây dựng tinh thần hiệp thông. Chính thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Côrintô cũng đã nhìn nhận những tiêu cực, chia rẽ đã có thể xảy ra nơi cộng đoàn của ngài (x.1Cr 11, 17-22).Nói cách khác, như linh hồn được nuôi dưỡng bởi các nguồn lương thực thiêng liêng, thì thể xác cũng cần được bồi bổ qua các bữa ăn. Chúng ta chỉ có thể có “một tinh thần minh mẫn trong một thân xác khỏe mạnh”. Chẳng lạ gì khi nghe câu nói: “Trời đánh còn tránh miếng ăn” để thấy rằng nên gác lại mọi chuyện chưa hoặc không bằng lòng khi dùng bữa, vì chăm lo cho thể xác trong khi dùng bữa cũng phần nào giúp ý thức hơn việc nuôi dưỡng sự sống tâm linh.
KẾT
Sự hiệp thông trong cộng đoàn thánh hiến đan tu có nền tảng vững chắc trong giáo lý Tin Mừng của Đức Giêsu. Hiệp thông cũng là sứ vụ thiết yếu của người môn đệ theo Chúa Giêsu trong ơn gọi thánh hiến để xây dựng gia đình của Chúa Cha nơi trần thế. Hiệp thông cũng là một dấu chứng rõ nét của tình yêu không phân biệt, không loại trừ mà Đức Giêsu đã dạy và đã sống.Thiết nghĩ, khi chọn sống đời thánh hiến là chúng ta chọn bước theo cuộc sống theo gương Chúa Giêsu để xây dựng và cứu độ thế giới. Để thực hiện được điều này chúng ta cần xác tín về sức mạnh và ý nghĩa của huyền nhiệm hiệp thông: hiệp thông với Chúa, hiệp thông với anh chị em và mọi người. Đàng khác, tuy được thánh hiến, nhưng đan sĩ vẫn còn đó những yếu đuối, giới hạn của kiếp người. Xác tín như thế giúp chúng ta càng khiêm tốn và nỗ lực cố gắng mỗi ngày trong sự tin tưởng tuyệt đối vào ơn trợ giúp của Chúa. Để thực hiện được điều này, mỗi người hãy cùng với thánh Phaolô xác tín rằng chúng ta cũng là “những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau” (Cl 3,12-13).
[1] Bản dịch của Lm. Phêrô Lê Hoàng Nam. SJ
[2] Xem Tông thư gởi cho những người sống đời thánh hiến, phần II, số 3
[3] x. Tu Luật Thánh Biển Đức, chương 19, 7.
[4] Hiến Pháp Hội Dòng Xitô Thánh Gia, số 125.
[5] CÔNG ĐỒNG VATICA NÔ II, Sắc lệnh Đức Ái Hoàn Hảo, số 7.
[6] ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXI CÔ, Tông Hiến Về Đời Sống Của Các Nữ Tu Chiêm Niệm, số 33.
[7] THÁNH BIỂN ĐỨC, Tu Luật , chương 48.
ĐAN SĨ
SỐNG HUYỀN NHIỆM HIỆP THÔNG
Lớp Biển Đức_Đan viện Phước Lý
Ngày 29/06/2016, Tông Hiến “Vultum Dei quaerere” (Tìm Nhan Thiên Chúa) của đức giáo hoàng Phanxicô về đời sống của các nữ tu chiêm niệm đã được ban hành. Một lần nữa tiếp nối truyền thống Giáo hội, ngài đã bày tỏ lòng trân quý lớn lao và tình yêu chân thành với những người nam và nữ sẵn sàng trước tiếng gọi bước theo Đức Kitô một cách gần gũi hơn[1] , bởi đời sống đan sĩ luôn biểu trưng cho trái tim cầu nguyện của Giáo hội, một kho tàng của ân sủng và sự phong nhiêu tông đồ[2] . Cũng trong Tông Hiến này, đức giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh: Giáo hội đang cần đan sĩ để đưa Tin Mừng của lòng thương xót Chúa cho con người ngày nay[3] . Mặc dù đan sĩ sống cách biệt, nhưng không tách biệt với Giáo Hội địa phương. Trái lại, sự thông hiệp sâu xa của họ lại càng làm cho Giáo Hội thêm phong phú. Xuất phát từ ơn gọi và sứ vụ thiêng liêng cao quý, đâu là điều thiết yếu diễn tả đan sĩ hiệp thông trong lòng Giáo hội địa phương? Với thao thức làm cho hạt giống Tin Mừng được bén rễ sâu trong văn hóa dân tộc Việt Nam, đan sĩ Xitô Thánh Gia sẽ sống hội nhập như thế nào trong bối cảnh xã hội hôm nay, để thể hiện sự hiệp thông?
1. Sự hiệp thông trong Hội Thánh
1.1 Ý nghĩa của sự hiệp thông
Trong tiếng La tinh, hiệp thông “communio” phát xuất từ chữ “communis”, được cấu tạo bởi “cum” và “munis”, một tính từ phát xuất từ “munus”: trách vụ hay bổn phận. Như vậy, theo tự nguyên, “communis” và “communio” diễn tả việc cùng tham dự vào một công việc, một sứ mạng. Từ ý nghĩa căn bản này, phát sinh một ý nghĩa phụ, “communis”, diễn tả những gì người ta có chung với nhau, của chung mọi người. Từ “koinonia” trong tiếng Hy lạp cũng có một ý nghĩa tương tự. Gốc gác phát xuất từ chữ “koinos” và cũng diễn tả việc nhiều người cùng chia sẻ với nhau về một điều gì đó[4] . Như vậy, từ “communio” có thể diễn tả một phần nội dung của khái niệm hiệp thông Kitô giáo.
1.2 Sự hiệp thông trong Hội Thánh [5]
Sau khi đã tìm hiểu về ý nghĩa của hạn từ hiệp thông, chúng ta còn tìm hiểu thêm một vài nét chính yếu về sự hiệp thông trong Hội Thánh. Thánh Gioan viết: “Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được thông hiệp với chúng tôi; mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người. Những điều này, chúng tôi viết ra để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1Ga 1,3-4). Theo J. Ratzinger, bản văn 1Ga 1,3 cho biết nền tảng của sự hiệp thông là cuộc gặp gỡ với Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, Đấng đến với con người thông qua lời rao giảng của Hội Thánh. Từ đó sẽ làm phát sinh sự hiệp thông giữa con người với nhau, và chính sự hiệp thông giữa con người với nhau này lại được đặt nền tảng trên sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Công đồng Vaticanô II trình bày ý nghĩa đầu tiên của sự hiệp thông liên quan đến chính thực tại của Giáo hội: “Hiệp thông không phải là cơ cấu của Giáo hội nhưng là bản chất của Giáo hội”. Hay nói theo ngôn từ của Hiến chế về Giáo Hội, thì “Mầu nhiệm Giáo hội” là sự hiệp thông. Mầu nhiệm mà Công Đồng nói tới chính “là sự tỏa sáng vinh quang của Thiên Chúa trên dung nhan và trong lời rao giảng của Giáo hội”. Dưới lăng kính của hiệp thông, mầu nhiệm đó trước hết hệ tại việc Chúa Cha vĩnh cửu, theo quyết định thần linh của Ngài, đã sáng tạo và kêu gọi chúng ta đến thông dự vào đời sống thần linh. Vì thế, Hiến Chế Mạc Khải mô tả sự tham dự vào đời sống thần linh đó dưới hình thái tương quan liên vị: “Thiên Chúa vô hình ngỏ lời với loài người như với bạn hữu. Ngài đối thoại với họ để mời gọi và đón nhận họ và hiệp nhất với Ngài”.Khía cạnh thứ hai của mầu nhiệm Giáo hội được Hiến chế về Giáo Hội khẳng định: “Sự hiệp thông mà tất cả lịch sử cứu độ hướng tới đã được thực hiện cách độc nhất vô nhị trong Đức Giêsu Kitô”[6] . Ngài là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người, nơi Ngài Thiên Chúa đã mang lấy bản tính con người để con người được thông dự vào bản tính Thiên Chúa. Thế nên, hiệp thông là việc được Chúa cho dự phần vào ân sủng Thánh Thần, vào sự sống mới, vào đức ái, vào Tin Mừng và nhất là vào Bí tích Thánh Thể: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là “dự phần” vào máu Chúa Kitô sao? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là “dự phần” vào Thân thể Người sao?” (1Cr 10,16). Như vậy, hiệp thông là bản chất của Giáo hội, được xây dựng trên nền tảng hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Do đó, người kitô hữu được kêu mời tham dự, thể hiện mầu nhiệm hiệp thông theo ơn gọi đặc thù của mình trong Giáo hội.
2. Hiệp Thông Trong Giáo Hội Địa Phương
2.1 Giáo Huấn Của Giáo Hội Về Hiệp Thông
Sự hiệp thông của Giáo hội dựa trên nền tảng Thiên Chúa Ba Ngôi, cũng như được xây dựng bởi nguyên lý các kitô hữu là thân thể của Chúa Kitô. Thật vậy, dù nhiều phần tử khác nhau, thì Giáo hội cũng chỉ là một thân thể, bởi chỉ có một thần khí và được chia sẻ cùng một niềm hy vọng (x. Ep 4,4). Công đồng Vaticanô II minh định: “Chúa Kitô… đã thiết lập Giáo hội như một cộng đoàn đức tin- đức cậy và đức mến ở trần gian, một cơ cấu hữu hình ở trần gian”[7] ; chính Chúa Thánh thần là tác nhân giúp giáo hội hiệp thông và thi hành sứ vụ[8] .
Sự hiệp nhất trong sự khác biệt của các kitô hữu cũng được hiểu trong bối cảnh Giáo Hội địa phương. Tông huấn Giáo hội tại Á châu đã nói rõ điểm này: “Mỗi một Giáo Hội riêng phải được đặt nền móng trên chứng tá của sự hiệp thông Giáo hội, vì sự hiệp thông cấu tạo nên chính bản tính của Giáo Hội. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng muốn diễn tả Giáo phận như là một sự hiệp thông các cộng đoàn bao quanh vị Chủ Chăn, nơi đây hàng giáo sĩ, những người sống đời thánh hiến và giáo dân dấn thân vào một “đối thoại đời sống và con tim” được nâng đỡ nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần… Sự hiệp thông Giáo Hội bao hàm rằng mỗi Giáo Hội địa phương… trong đó mọi người đều sống ơn gọi của riêng mình và chu toàn vai trò của mình. Để xây dựng “sự hiệp thông để truyền giáo” và “sự truyền giáo của sự hiệp thông”, thì ơn đoàn sủng độc nhất của mỗi thành viên phải được nhìn nhận, phát triển và sử dụng cho hữu ích”[9] . Tông huấn nhấn mạnh giám mục là yếu tố hiệp thông của giáo hội địa phương. Như “Mục tử tối cao”(1Pr 5,3-4), giám mục gìn giữ và xây dựng sự hiệp thông trong giáo hội địa phương, cũng như với Giáo hội phổ quát. Vậy đâu là vai trò của đan sĩ trong việc xây dựng sự hiệp thông Giáo hội?
Trong lịch sử Giáo hội, các đan sĩ đã góp phần cho sức sống và củng cố sự hiệp thông trong các Giáo hội địa phương. Chính đời sống của các đan sĩ là một nhân chứng sống động cho đấng Tuyệt Đối về một thế giới tạm bợ và mải mê theo đuổi những ảo tưởng hư vô; đồng thời làm chứng cho sự hiệp thông và trao ban giữa một thế giới ích kỷ và chia rẽ. Nói cách khác, đan sĩ được “Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hiến và yêu thương” (Cl 3,12) nên đến lượt, họ đáp lại tình yêu Ngài: Yêu thương và hiệp thông với những chi thể Giáo hội, cách đặc biệt trong Giáo hội địa phương. Huấn thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn đã nhìn nhận và đánh giá cao đời sống đan tu khi nói: “Các cộng đoàn đan tu đầu tiên đã coi cộng đoàn các môn đệ theo Đức Kitô và cộng đoàn Giêrusalem là lý tưởng sống của họ. Như Giáo Hội thời sơ khai chỉ có một trái tim và một tâm hồn, cũng vậy, các đan sĩ sống với nhau dưới sự hướng dẫn tinh thần của đan viện phụ, quyết tâm sống hiệp thông triệt để cả về tinh thần lẫn vật chất, và sống sự hiệp nhất mà chính Đức Kitô đã thiết lập. Sự hiệp nhất này có khuôn mẫu đầu tiên và động lực là đời sống hiệp nhất của các ngôi vị trong Ba Ngôi chí thánh”[10] .
Như vậy, chính trong đời sống cộng đoàn, đan sĩ trở nên chứng tá thầm lặng và an bình, có thể gợi hứng cho con người tạo nên một cuộc sống hoà hợp hơn trong xã hội. Người ta mong nơi những đan sĩ gương âm thầm của họ về sự nghèo khó và bỏ mình, về sự khiết tịnh và chân thành, về sự từ bỏ mình trong vâng phục, có thể trở nên một chứng tá hùng hồn có khả năng đánh động mọi người thiện chí và đưa tới một đối thoại với các nền văn hoá và tôn giáo xung quanh, với người nghèo và những kẻ không thể tự vệ. Điều đó làm cho đời sống thánh hiến trở nên một phương tiện đặc biệt để rao giảng Tin Mừng cho hữu hiệu.
2.2 Làm hy lễ tuyệt hảo
Hy lễ tiến dâng Thiên Chúa được tiếp nối, trải dài trong lịch sử cứu độ. Khởi đi từ lễ dâng hoa màu của Aben (x. St 4,3), chiên cừu của Abraham (x. St 22,16), bánh và rượu của Mensikeđê (x. St 14,18), hương thơm của Aharon, đến khi thời gian viên mãn, qua Ngôi Lời Nhập Thể, nhân loại mới có hy lễ tuyệt hảo dâng lên Thiên Chúa (x. Ga 19). Đức Giêsu đã “thánh hiến chính mình” (Ga 17,19), dâng lên Thiên Chúa Cha hy lễ trọn hảo thay cho Hiền Thê là Giáo hội. Sự thánh hiến như thế biểu lộ một tình yêu tuyệt hảo, khởi nguồn từ tình yêu giữa Cha (x. 1Ga 4.8.16) với Con (x Ga 5.48), giữa Người Con và nhân loại (x. Ga 1,14; 3,6); yêu đến cùng đến hiến dâng cả mạng sống vì người mình yêu (x.Ga 15,13).
Tiếp nối những hy lễ trong công trình cứu độ, là chi thể trong thân mình Giáo hội (x.1Cr 12), người thánh hiến, cách đặc biệt đan sĩ cũng được mời gọi trở nên “hy lễ tuyệt hảo, chúc tụng Thiên Chúa”[11] trong nhiệm thể. Xuất phát từ bí tích Rửa Tội, họ được thánh hiến, thuộc trọn về Thiên Chúa, cùng với sự thánh hiến ơn gọi, để trở nên hy lễ sống động (x. Rm 12). Do đó, đan sĩ “nhất tâm phụng sự Thiên Chúa trong cô tịch và thinh lặng, trong chuyên tâm cầu nguyện”[12] . Lời minh định của Công đồng Vaticanô II, phần nào cho chúng ta hiểu sự hiệp thông cao cả với Giáo hội, một cách cụ thể nơi Giáo hội địa phương là trở nên hy lễ mà đan sĩ đem lại qua đời sống cầu nguyện. Hy lễ mà đan sĩ tiến dâng Thiên Chúa không là hoa màu, hay chiên bò, không là hương thơm ngào ngạt, nhưng đan sĩ hàn huyên tâm sự với Người bằng cầu nguyện và trao tặng Người trái tim nồng nàn tình yêu[13] .
Khi soi rọi vào giáo huấn của linh phụ đan tu, Theodore Studite nhìn nhận: “Đan sĩ là người chỉ nhìn một mình Thiên Chúa, chỉ mong ước, chỉ gắn bó với một mình Thiên Chúa”. Với câu nói thời danh đó, chúng ta thấy toát lên đời sống duy nhất, kết hợp của đan sĩ với Thiên Chúa (x. Ga 15, 5a). Cũng thế, ẩn chứa sâu lắng trong cuộc đời đan sĩ Xitô Thánh Gia là đời sống cầu nguyện mà cha Tổ phụ Biển Đức Thuận đã chiêm nghiệm: Đan sĩ “cầu nguyện kết hợp đặc biệt với Thiên Chúa”[14] , “năng nhớ đến Chúa và nói khó cùng Chúa, hiệp một lòng một ý với Chúa”[15] , “ở bình an yêu mến Chúa”[16] . Theo Thánh Basiliô: “Cầu nguyện liên lỉ, không phải bằng lời nhưng bằng sự kết hiệp với Chúa trong tất cả cuộc sống”. Như thế, cả cuộc sống đan sĩ đều có giá trị như lời cầu nguyện liên lỉ; như được “hiến dâng thân mình làm của lễ” (Rm 12,1) âm thầm trong kinh nguyện, nhưng chứa đựng một tình yêu mạnh mẽ “tình yêu đáp lại tình yêu”. Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận như được viễn kiến, khi sánh ví việc cầu nguyện của đan sĩ “như việc các thánh làm trên thiên đàng”[17] . Như vậy, sự hiệp thông mà đan sĩ đem lại cho Giáo hội địa phương thật cao quý: Qua việc cầu nguyện trọn cả cuộc sống, làm nên hy lễ tuyệt hảo chúc tụng, ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa[18] .
2.3 Cho dòng suối thiêng liêng
Ngày hôm nay, chúng ta tái hiện lại hình ảnh Môsê cầu nguyện trong trận chiến sinh tử giữa Israel với Amales để đan sĩ sống từng giây phút sứ vụ: “Khi Môsê nâng tay cao lên, Israel chiến thắng. Ông hạ tay xuống Amales thắng” (Xh 17,11). Như Môsê tìm được sức mạnh cho Israel nhờ lời cầu nguyện thì đan sĩ cũng vậy, lời cầu nguyện với lòng hăng say, họ khơi “dòng suối thiêng liêng”, góp phần để nâng đỡ Giáo hội. Thánh Phaolô cho thấy tầm quan trọng của việc cầu nguyện: “Anh em hãy cầu nguyện cho dân thánh” (Ep 6,18). Đó cũng như là lời mời gọi người đan sĩ hiệp thông cầu nguyện cho những nhu cầu của Giáo hội địa phương. Bởi lẽ, mối dây liên kết khăng khít của tu sĩ với mưu cầu lợi ích của Giáo hội: “mỗi người tùy sức và ơn gọi của mình, bằng kinh nguyện hay bằng hành động tích cực, có bổn phận làm cho Nước Chúa Kitô ăn rễ sâu và vững mạnh trong các tâm hồn và bành trướng trên khắp vũ trụ”[19] . Chính vì thế, cũng trong cái nhìn về sứ vụ truyền giáo đối với những người thánh hiến, Công đồng Vaticanô II còn nhấn mạnh thêm: “Tu sĩ đều phải liên kết việc chiêm niệm với nhiệt tâm truyền giáo”[20] . Công đồng muốn nói đến nhiệm vụ cốt yếu, cao cả của cầu nguyện gắn kết trong sứ vụ loan báo Tin Mừng đối với tu sĩ, cách đặc biệt đan sĩ với Giáo hội địa phương. Vì thế, nhìn về sứ mạng của đan sĩ, thánh Biển Đức đặt họ là những tinh binh chiến đấu dưới cờ của Đức Kitô[21] .Tiếp nối tinh thần của thánh tổ Biển Đức, bằng ngôn ngữ cụ thể, thật sâu sắc và uy hùng, cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận đã diễn tả: “Chúng ta hãy lấy mắt thiêng liêng mà xem bên tả chúng ta có tướng quỉ Lucife và hạ thần của chúng, bên hữu chúng ta có Chúa Giêsu và các thánh, còn ở giữa chúng ta có vô số các linh hồn…Chúa Giêsu giơ tay đầy thương tích xin chúng ta rằng: ‘Hởi chúng con, hãy cứu các linh hồn cho Ta với”[22] . Với cách nhìn trực giác đó, ngài đã khao khát cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa.
Suối ơn thiêng đan sĩ lãnh nhận không chỉ dành riêng, nhưng là khơi dòng chảy đến với anh chị em đồng loại, bởi “ưu sầu và hy vọng của con người, cũng là ưu sầu và hy vọng của người môn đệ Chúa Kitô”[23] . Bởi “cùng nhận ra dấu chỉ thời đại”[24] , nên đan sĩ Xitô Thánh Gia thao thức, ôm ấp đưa những trạng huống con người xã hội Việt Nam hôm nay: như nghèo khổ, bất công, áp bức…vào trong lời cầu nguyện liên lỉ. Đan sĩ tin rằng với ơn Chúa sẽ nối kết nhờ lời cầu nguyện xuất phát từ trái tim đồng cảm để sẻ chia, nâng đỡ anh chị em một cách hữu hiệu[25] ; đồng thời, như “men trong bột” giúp xã hội biến đổi theo giá trị Tin Mừng. Như thế, với đời cầu nguyện, chuyển cầu cho Giáo hội và xã hội, đan sĩ “trở nên nguồn suối tuôn trào ơn thiêng”[26] .
Để trở nên hy lễ và suối ơn thiêng trong lòng Giáo hội hoàn vũ và đặc biệt nơi Giáo hội Việt Nam, theo cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, đan sĩ được mời gọi có một đời sống cầu nguyện trọn vẹn: khao khát, nhớ đến, yêu mến và kết hợp với Chúa bằng cả con tim (x. 1Cr 9,22). Chính vì thế, ngài tha thiết kêu mời các môn sinh: “Chúng tôi phải lo kính mến Chúa, kết hợp với Chúa, vâng ý Chúa mọi đàng, tỉnh thức luôn mà nhớ đến Chúa thì lời chúng tôi cầu nguyện mới có sức, mới được thần thế trước mặt Chúa, mới làm cho người ta tin cậy chúng tôi không ra vô ích. Vì lời sách thánh rằng: “Chúa hằng làm theo ý những kẻ kính tôn Người”[27] .
Kết luận
Ơn gọi đan tu chiêm niệm là hồng ân cần thiết cho đời sống Giáo hội và cho công cuộc Phúc Âm hóa. Giáo hội luôn biết ơn và quý trọng đời sống đan tu chiêm niệm như một kho tàng vô giá với những giá trị linh thiêng và cao cả của nó. Trên hành trình khao khát tìm kiếm Thiên Chúa, đan sĩ sống hiệp thông thân tình với Ngài. Nhờ thế, họ có thể hiệp thông trọn vẹn hơn với Giáo hội và con người thời đại. Dẫu biết rằng, đan sĩ hiệp thông trong Giáo hội địa phương theo một cách đặc thù, nhưng chúng ta vẫn thấy được chiều kích sâu xa và linh thánh: họ trở thành hy lễ tuyệt hảo tiến dâng Thiên Chúa, nên nguồn mạch tuôn trào mọi ơn thiêng[28] . Như “Con Thiên Chúa đã đi vào lịch sử con người và đã trở thành một phần tử của nhân loại”[29] , đan sĩ cũng không thể có một hướng đi nào khác hơn là bước theo Con Thiên Chúa nhập thể. Như vậy, sự hiệp thông nên tròn đầy, đa dạng và hiện sinh khi đan sĩ trải rộng, nhập thế với xã hội đương thời qua linh đạo và sứ mạng đặc thù của mình.
[1] X. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Vultum Dei quaerere, số 1.
[2] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến Chế về Giáo Hội, số 46; Sắc Lệnh mục vụ của các Giám mục, số 35; Sắc Lệnh Canh Tân Và Thích N Ghi Đời Sống Dòng Tu, số 7. 9; Bộ Giáo Luật, số 674.
[3] x. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ, Vultum Dei quaerere, số 5.6
[4] x.JEAN-MARIE TILLARD, art Communion, trong Dictionnaire critique de la théologie, PUF, Paris, 1998, tr.236-242
[5] x. LM PHÊRÔ TRẦN VĂN HỘI, Giáo Hội – Mầu Nhiệm Hiệp Thông theo Công Đồng VaticanoII, http://www.simonhoadalat.com.
[6] x. Công Đồng Vaticanô II, Hiến chế Tín Lý về Giáo Hội, số 2
[7] Sđd, số 8.
[8] Sđd, số 4.
[9] GIOAN PHAOLÔ II, Tông Huấn Giáo Hội Tại Á Châu, số 25
[10] Thánh Bộ Đời Sống Thánh Hiến và Tu Đoàn Tông Đồ, Huấn thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn, ban hành ngày 2/2/1994, số 10.
[11] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc lệnh Đức Ái Hoàn Hảo, số 7
[12] Sđd, số 7
[13] x.GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn đời sống thánh hiến, số 8.
[14] CHA HENRY DENIS, Lời Giáo huấn, số 121.
[15] CHA HENRY DENIS, Sđd, số 134.
[16] CHA HENRY DENIS, Sđd, số 121.
[17] CHA HENRY DENIS, Sđd, số 119
[18] X. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sđd, số 7
[19] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội, số 47.
[20] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Perfectae Caritatis, số 5
[21] THÁNH BIỂN ĐỨC, Tu luật, lời mở, c. 3
[22] CHA HENRY DENIS, Lời Giáo huấn, số 121
[23] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Mục Vụ, số 1.
[24] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Sắc Lệnh Hiệp Nhất, số 4.
[25] THÁNH BIỂN ĐỨC, Tu luật, lời mở, c. 3
[26] Sđd, số 2.
[26] Sđd, số 7.
[27] CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN, Lời giáo huấn, số 28.
[28] x. CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Perfectae Caritatis, số 7.
[29] FABC, Office of Evangelization, Conclusions of the Theological Consultation, 28 trong For All, vol. 1, trg. 341 ; x. Vat. II, GS 22 ; Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Redemptor hominis, số13.
KITÔ HỮU VÀ LƯƠNG DÂN
Khi hiện ra với các Tông đồ tại phòng tiệc ly sau ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu đã ủy thác nhiệm vụ loan báo Tin mừng cho các ông: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con” (Ga 20,21). Và các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho các con (x.Mt 28,19-20; Mc 16,15-16).
Tiếp nối các Tông đồ, đến lượt mình, Giáo hội cũng ý thức sứ mạng truyền giáo của mình qua lệnh truyền đó là: hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy (x.Mt 28,19-20). Đây là một sứ mạng duy nhất, phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Con và được gởi đến cho mỗi người kitô hữu, ngõ hầu muôn dân đều được hưởng ơn cứu độ để trở nên con cái Thiên Chúa.
Trong chiều hướng đó, với sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội là hãy ra đi và loan báo Tin Mừng cho lương dân. Người viết xin trình bày quan điểm của mình trong sứ vụ truyền giáo mang tính phổ quát của Giáo Hội qua đề tài: Kitô hữu và Lương dân.
Với đề tài này, thiết nghĩ không ít bậc tôn sư đã chia sẻ và viết ra, nên ở đây chỉ xin trình bày theo gốc độ cá nhân với bốn điểm sau:
1. Thiết lập mối tương quan căn bản giữa con người với nhau.
2. Đời sống chứng tá của kitô hữu: xây dựng trên tình yêu thương và tôn trọng.
3. Sứ mạng truyền giáo của người Kitô hữu: giới thiệu Chúa và công bố ơn cứu độ cho người khác.
4. Cha Tổ Phụ Hội dòng Xitô Thánh Gia với công cuộc truyền giáo.
1. Thiết lập mối tương quan căn bản giữa con người với nhau.
Con người không chỉ là “con vật có lý trí” (Aristote); cũng không chỉ là “cây sậy biết suy tư” (Blaise Pascal ), nhưng còn hơn thế nữa! Quả vậy, để tồn tại và phát triển, con người không chỉ dừng lại ở những sinh hoạt hằng ngày: ăn uống, ngủ nghỉ, nhưng còn cần đến những nhu cầu thuộc đời sống tinh thần: nhu cầu tôn giáo và những mối tương quan: giữa người với người, giữa nhân linh và vạn vật hoặc chính sự tương quan giữa con người với trời.
Trong các mối tương quan, ai cũng thấy “tình người” là cái cốt yếu, căn bản nhất của con người. Với người Á Đông, chủ yếu ảnh hưởng tư tưởng phong hóa của Nho Giáo, đặc biệt là tư tưởng của Khổng Tử (551- 479 TCN) thì việc con người cần phải có và giữ được Tam Cương-Ngũ Thường, Tam Tòng-Tứ Đức. Nhưng với ông, con người cần giữ điều trước tiên đó chính là Tam Cương:
– Quân thần cương: Bổn phận bề tôi với vua.
– Phụ tử cương: Bổn phận người con với cha/ đạo cha con.
– Phu thê cương: Bổn phận đối với vợ/ đạo vợ chồng.
Khi thiết lập điều này, Khổng Tử luôn đề cao thuyết “chính danh” của mình, tức mỗi người phải giữ đúng vai trò của mình ngay trong cuộc sống hằng ngày: Vua cho ra vua – bề tôi cho ra bề tôi, cha cho ra cha – con cho ra con[1] .
Với đường lối đó theo tiến trình thời gian, đời sống cộng thể giữa con người với nhau theo các mối tương quan là một đặc điểm rõ nét mang xã hội tính của con người, đồng thời điều đó cũng nói lên tính ưu việt của con người.
Bên cạnh đó, dưới cái nhìn của ánh sáng đức tin Kitô giáo, điều này còn có một ý nghĩa sâu xa và bền vững hơn bởi con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 1, 26). Ngay từ đầu con người được mời gọi hướng đến người khác, một đời sống có xã hội tính: “Tự bản chất, con người là một hữu thể xã hội”[2] . Huấn thị Libertatis Conscientia[3] của bộ Giáo lý Đức tin cũng đã xác nhận: “Thiên Chúa không tạo dựng con người như một ‘hữu thể cô độc’, nhưng Ngài muốn tạo con người thành một ‘hữu thể xã hội’. Bởi đó, đời sống xã hội không phải là cái gì nằm ngoài con người: con người chỉ có thể tăng trưởng và thực hiện ơn gọi của mình trong tương quan với người khác”[4] . Và chúng ta sẽ đọc thấy định nghĩa cũng là bản đúc kết về những ý tưởng đó trong sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1880 như sau: “Một xã hội là một tập thể gồm những con người sống liên kết với nhau một cách sống động do có chung một nguyên lý thống nhất, vượt lên trên mỗi người. Là một tập hợp vừa hữu hình, vừa thiêng liêng, xã hội tồn tại qua thời gian: vừa thu thập quá khứ vừa chuẩn bị tương lai” [5] .
Các kitô hữu luôn được khuyến khích, nhắc nhở và đề cao việc duy trì và xây dựng mối tương quan giữa người với người, không chỉ giới hạn giữa anh chị em đồng đạo nhưng mở ra với mọi người. Quả thực, khi được sinh ra sống trên đời: “Không Ai Là Một Hòn Đảo”. Linh mục Phanxicô Đào Trung Hiệu OP đã diễn tả ý tưởng này bằng bài hát: “Tôi chỉ thực sự là người, nếu tôi sống với anh em tôi. Đâu phải ai xa lạ, mà là người đang đứng bên tôi. Thế giới này không ai là một hòn đảo… “. Chúa đã dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12). Chúa còn dạy ta phải yêu kẻ thù nữa. Hội Thánh dạy chúng ta cách cụ thể: “Thương người có mười bốn mối” [6] .
Muốn duy trì tương quan giữa kitô hữu với anh chị em lương dân mang đậm chất người, một cách tinh tuyền và bền lâu, mỗi người phải tuân theo ba qui tắc, đó cũng là ba thái độ sống của mọi kitô hữu nhằm xây dựng sự hiệp nhất trong Hội thánh, ba đức tính đó là: Khiêm tốn, hiền lành và rộng lượng [7] . Nói một cách tổng quát, các tương quan nhân loại ở mọi lãnh vực bao giờ cũng hướng chúng ta đến việc chia sẻ, nâng đỡ để cùng giúp nhau vươn lên. Nhằm thực hiện các mục tiêu mà các cá nhân tự mình không làm được, “các xã hội loài người khác nhau cũng phải tạo ra nơi mình những quan hệ liên đới, liên lạc và cộng tác với nhau để phục vụ con người và công ích” [8] . Đi xa hơn mục tiêu trao đổi, hợp tác nhằm lành mạnh hóa xã hội và thăng tiến con người [9] , Giáo hội tiếp tục mở ra trong các tương giao với các anh chị em thuộc các tôn giáo bạn, trong bối cảnh đất nước chúng ta, những anh chị em đó gọi bằng danh từ cụ thể là anh chị em lương dân. Người Kitô hữu hãy biết trân trọng họ, cùng chung sống thân thiện và hợp tác, đồng thời hướng đến việc truyền giáo. Qua đời sống chứng tá gương mẫu của các Kitô hữu được xây dựng trên tình yêu thương và tôn trọng, chắc chắn công việc truyền giáo ngày càng đem lại những kết quả đáng khích lệ.
2. Đời sống chứng tá của kitô hữu được xây dựng trên tình yêu thương và tôn trọng
Người kitô hữu trước hết được mời gọi sống tốt nghĩa vụ căn bản của một con người đối với tha nhân; nghĩa là sống tử tế, đàng hoàng, yêu thương và tôn trọng mọi người. Khi sống như thế, thì chúng ta trở thành chứng tá tích cực của người môn đệ Đức Kitô, đó là chúng ta đang thi hành sứ vụ ơn gọi kitô hữu của mình.
Qua sắc lệnh về tông đồ giáo dân, Công đồng Vaticanô II cho thấy vai trò quan trọng của người giáo dân trong việc truyền giáo: Họ cần đóng vai trò là men, là muối, là ánh sáng, là chứng nhân giữa đời (x. Mt 5,13-16). Qua đời sống gương mẫu của một cá nhân, gia đình công giáo hay một cộng đoàn xứ đạo, mọi người cảm nhận được nơi đó có tình yêu thương chan hòa, tôn trọng, phục vụ, sẽ trở thành dấu chỉ Nước Trời cho anh chị em lương dân sống chung quanh chúng ta: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”(Ga 13,35). Lời huấn dụ của thánh giáo hoàng Gioan Phaolô nhân dịp Đại Năm Thánh 2000 như một xác quyết mạnh mẽ khi ngài nói: “Sứ mạng của Giáo Hội kéo dài sứ mạng của Chúa Kitô. Giáo Hội không ngừng rao giảng cho thế giới Tình Phụ Tử của Thiên Chúa, bằng việc rao giảng và bằng chứng tá của những con cái mình… nhờ việc thực hành mệnh lệnh tình thương đối với Thiên Chúa và đối với anh chị em”. Ngài cũng đã khuyến khích mọi thành phần Giáo Hội, hãy can đảm khởi hành “mùa truyền giáo mới”, vì “Giáo Hội cần đến với con người, với sự tế nhị và tôn trọng của một người phục vụ. Và Giáo Hội tin tưởng rằng công việc phục vụ trước tiên và cao cả nhất là công việc rao giảng Tin Mừng Chúa Kitô”, ngài kêu gọi: “Anh chị em đừng sợ: hãy mở toang mọi cửa để tiếp đón Chúa Kitô”[10] .
Điều căn bản của đạo Công giáo dựa trên giới răn yêu thương: “Cứ dấu này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy là anh em hãy có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Đạo yêu thương là đạo do Thiên Chúa thiết lập và chính Ngài đã thể hiện tình yêu thương đó cho đến tận cùng (x.Ga 15, 13). Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người được cụ thể hóa khi Thiên Chúa nâng chúng ta lên địa vị cao hơn, ngang tầm với các thần thánh để chúng ta được sống hạnh phúc đúng như là thụ tạo ưu tuyển của Thiên Chúa. Trong tuyển tập có tựa đề “Con Đường Đơn Sơ” của thánh Têrêsa Calcutta như sau: “Chỉ có một Thiên Chúa và Ngài là Thiên Chúa của tất cả mọi người. Do đó, cần phải nhận ra mọi người bình đẳng trước mặt Chúa. Mẹ đã chia sẻ: “Tôi vẫn luôn luôn nói rằng, chúng ta phải giúp cho một người Ấn Giáo trở thành người Ấn Giáo tốt hơn; một người Hồi Giáo được trở thành một người Hồi Giáo tốt hơn và một người Công Giáo trở thành một người Công Giáo tốt hơn”.
Giáo hội có sứ mạng công bố, trao ban và giúp người ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa. Khi thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đọc thư gửi tín hữu Côrintô, đã khám phá ra, giữa lòng Giáo Hội có một trái tim rực cháy tình yêu. Nếu không có tình yêu các Tông đồ sẽ không ra đi loan báo Tin Mừng, nếu không có tình yêu các vị Tử đạo đã không đổ máu. Cho nên, tình yêu là yếu tố không thể thiếu trong công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.
Trong sứ điệp khánh nhật truyền giáo năm 2006, đức giáo hoàng Bênedictô XVI đã viết: “Sứ mạng truyền giáo, nếu không được định hướng bởi lòng mến, nếu không phát sinh từ một hành động sâu xa của tình yêu thần thiêng, thì sứ mạng đó liền bị rút gọn về, chỉ còn như là một hành vi nhân ái và xã hội không hơn không kém. Tình yêu mà Thiên Chúa có đối với mỗi người, kết thành trung tâm của kinh nghiệm sống và loan báo Phúc Âm”.
“Thánh Têrêxa Calcutta cũng cho rằng truyền giáo là chia sẻ tình thương. Mẹ không rao giảng Phúc Âm bằng lời, nhưng bằng những tâm tình và cử chỉ yêu thương cụ thể. Mẹ cũng chẳng chủ trương yêu thương đại chúng cách chung chung, nhưng là yêu thương từng người đang đối diện. Mẹ nói: “Đối với chúng tôi, điều quan trọng là từng người một. Để thương yêu một người thì phải đến gần người ấy… Tôi chủ trương một người đến với một người. Mỗi một người đều là hiện thân của Đức Kitô… Người đó phải là người duy nhất trên thế gian (mà ta cần yêu thương trọn vẹn) trong giây phút đó.”[11] . Vì thế, nếu chúng ta truyền đạo chưa có hiệu quả là vì chưa sống theo đạo yêu thương trọn vẹn như giáo huấn của Chúa, sống thiếu tình yêu thương, chưa tôn trọng họ, thiếu công bình, thiếu lòng bác ái, thiếu lòng bao dung. Người kitô hữu chỉ biết, mà chưa sống theo những giáo huấn của Chúa thì đã đánh mất những ân huệ mà Ðức Kitô vẫn trao ban cho tất cả những ai tin vào Người. Nhà lãnh tụ Mahatma Gandhi của Ấn Độ đã từng nói: “Nếu những người kitô giáo sống đúng tinh thần giáo lý của họ. Tôi sẽ mời gọi cả dân tộc Ấn trở lại”. Chính đời sống yêu mến nhau nơi các tín hữu mà Giáo Hội sơ khai đã được toàn dân thương mến (x. Cv 2,47a). Sự thương mến đó đã đem nhiều người về với Chúa (x. Cv 2, 47b).
3. Kitô hữu Việt Nam và việc truyền giáo
Trong ‘Thư Mục Vụ năm 2003’ của Hội đồng Giám mục Việt Nam gửi cho mọi thành phần dân Chúa đã nhấn mạnh đến cách thức truyền giáo. Trong số 10 của tài liệu này, chúng ta đọc thấy lời nhắn nhủ của các Giám mục rằng: “Cầu nguyện cho việc truyền giáo là việc quan trọng hàng đầu, việc truyền giáo phải đặt nền tảng trên lời cầu nguyện: cá nhân, gia đình, cộng đoàn, giáo xứ. Trước khi rao giảng bằng lời nói, hãy rao giảng bằng đời sống, chúng ta hãy nêu gương về đời sống hiệp nhất yêu thương, không có lời rao giảng nào có sức thuyết phục bằng sự hiệp nhất yêu thương trong gia đình, xóm làng, trong giáo xứ, trong giáo phận, như lời Chúa phán: “Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết anh em là môn đệ của Thầy, ấy là nếu anh em thương yêu nhau (Ga 13,35)”.
Đúng vậy, chính đời sống chứng nhân là cách truyền giáo tốt nhất và hữu hiệu nhất, đó là truyền giáo bằng đời sống tốt đẹp của chúng ta. Một đời sống đạo đức, chân thành, cởi mở, yêu thương là một tấm gương sáng trước mặt mọi người. Một đời sống tốt đẹp có sức lôi cuốn hơn những lời nói hay. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng đã dạy như vậy trong Thông điệp ‘Sứ Vụ Đấng Cứu Thế’ rằng: “Mỗi kitô hữu được sáp nhập vào Giáo Hội nhờ Bí tích Thanh Tẩy, đều được mời gọi làm nhà truyền giáo và chứng nhân. Đó là sự ủy nhiệm rõ ràng của Chúa Kitô. Và Thánh Thần sai mỗi người kitô hữu ra đi loan báo và làm chứng về Chúa Kitô cho muôn dân: đó là nhiệm vụ và đặc ân, bởi vì đó là một lời mời gọi cộng tác với Thiên Chúa để cứu độ mỗi người và cả nhân loại”[12] . Cũng thế, theo tinh thần của Lumen Gentium: Giáo dân mang trong mình những đặc sủng, tỏ ra thích hợp và sẵn sàng để cáng đáng những trách nhiệm khác nhau và những phận vụ có lợi cho nỗ lực canh tân và phát triển Giáo hội. Chính đời sống phục vụ, bác ái, công bình, tôn trọng sự thật, chứng tá, thăng tiến phẩm giá con người, quyết liệt chống lại sự xấu là những cách thế loan Tin Mừng cách hiệu quả.
Truyền giáo bằng đời sống chứng tá Tin Mừng giữa đời, làm chứng cho Chúa Kitô bằng đời sống yêu thương, bác ái, công bình, cụ thể trong gia đình, ngoài xã hội, là sứ vụ của mọi người giáo dân. Làm chứng cho sự thánh thiện, như những người sống các Mối Phúc của Tin Mừng, đó là căn tính của người Kitô hữu chứng nhân. Con người ngày nay có vẻ dửng dưng không muốn tìm về Thiên Chúa, nhưng trong thực tế, họ cảm thấy cần đến Thiên Chúa và họ bị các thánh thu hút và đánh động, những vị thánh đã biểu lộ khuôn mặt của Thiên Chúa trong đời sống của mình, như những ánh sao trong đêm tối. Do mệnh lệnh truyền giáo, Hội Thánh chăm lo cho tất cả những người không biết đến Tin Mừng, vì Hội Thánh muốn mọi người được cứu rỗi và trải nghiệm tình thương của Chúa. Hội Thánh được sai đi loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa, lòng thương xót của Chúa chính là một “trái tim đang đập của Tin Mừng”[13] .
Mọi dân tộc và mọi nền văn hoá đều có quyền đón nhận sứ điệp cứu độ là món quà của Thiên Chúa trao tặng cho mọi người. Là con cái của Giáo Hội Việt Nam, trước hết chúng ta phải truyền giáo trong môi trường cụ thể tại nơi chúng ta đang sống và làm việc, với những con người cụ thể chúng ta đang gặp gỡ. Chúa Kitô cần đến chúng ta để đem Tin Mừng vào lòng dân tộc. Chúa Kitô cần đến tâm hồn quảng đại và sẵn sàng của chúng ta, cần đến đời sống nhân chứng của chúng ta để bày tỏ cho đồng bào mình tình yêu thương vô biên của Ngài.
4. Cha Tổ Phụ Hội dòng Xitô Thánh Gia với công cuộc truyền giáo
Tác giả cuốn “Hạnh Tích” đã viết về Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, thời gian ngài mới mãn tiểu chủng viện như sau: “Tự thâm cung linh hồn chú nghe tiếng Chúa gọi: ‘Cha khát, Cha khát các linh hồn!’ Denis mường tượng như thấy triệu triệu linh hồn suy vong trong biển lửa hỏa hào. Chú không cầm mình được nên định xin cha mẹ cho nhập Hội Dòng Thừa Sai Paris”[14] .
Ngay từ khi còn học lớp 5, ý tưởng đi giảng đạo cho dân ngoại đã phảng phất trong tâm trí của Henri Denis và Cha Golliot đã nhận thấy Chúa muốn chọn người con thiêng liêng của mình làm khí cụ mang danh thánh Chúa đến viễn phương[15] . Chính chủng sinh Henri đã thổ lộ điều đó trong lá thư gửi cho cha giám đốc của hội thừa sai rằng: “Thưa cha, lần đầu tiên là hồi cuối năm đệ lục, con đã cảm thấy nỗi khát khao dâng hiến cuộc đời con để cứu rỗi những người chưa biết Chúa, đặc biệt là những người Trung Hoa đáng thương”.
Thao thức và khát vọng được dâng hiến cuộc đời cho việc cứu rỗi những người chưa nhận biết Chúa càng ngày càng mãnh liệt nơi vị tông đồ truyền giáo trẻ tuổi này. Và may mắn thay, Việt Nam là địa danh được ghi trong tờ bài sai của linh mục trẻ Henri, sứ vụ truyền giáo ngài nhận được từ Cha bề trên đại chủng viện Hội Dòng Thừa Sai. Trong lá thư gửi cho song thân, cha diễn tả lòng ước muốn của mình đi rao giảng Tin Mừng hầu đưa dân ngoại trở về tin kính Chúa và tình yêu ngài dành cho dân tộc Việt Nam. Có thể nói cuộc sống của cha Biển Đức Thuận xoay quanh trục chính là ơn cứu độ của người khác[16] .
Việc dành hết sức lực cho người chưa tin Chúa là mối bận tâm và là công việc ưu tiên đối với vị mục tử đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai trong sứ mạng truyền giáo. Cha Tổ phụ đã chăm chỉ học Tiếng Việt, tìm mọi dịp, tìm mọi cách để tiếp xúc,…. với người ngoại: “sự hoán cải lương dân luôn là viễn ảnh và đích nhắm của suốt cuộc đời cha Biển Đức Thuận, thì sự hoán cải này phải bắt đầu từ chính cộng đoàn giáo xứ. Cách hành xử của chính vị thừa sai đóng góp một phần rất lớn vào việc gia nhập đạo của những người chưa biết Chúa”[17] .
Một trong cách Cha Tổ Phụ “đến với” người lương dân là ngài tiếp tục theo phương pháp đã được các vị thừa sai đi trước thực hiện, đó là bắt đầu từ việc giúp đỡ vật chất, vì phần đông những cư dân sống trong các giáo họ và vùng phụ cận rất nghèo khổ. Chính vì vậy cùng với tác vụ rao giảng Lời Chúa, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận không quên những hoàn cảnh thương tâm của những người mà ngài sát cánh hằng ngày. Ngài ý thức: Cho họ có cái gì để ăn, chữa lành các bệnh tật, giúp con cái họ được đi học.
Vì biết được “ưu điểm” của người Việt thích tổ chức lễ hội, nên vào các dịp lễ lớn, Cha Tổ Phụ khéo lợi dụng các dịp lễ đạo như Giáng Sinh, để tổ chức những cuộc gặp gỡ trong đó mọi người được mời dùng bữa, các thanh niên nam nữ đàn hát luân phiên nhằm tạo những cơ hội tốt để họ tiếp xúc và cảm nghiệm niềm vui và hạnh phúc của những kẻ được làm con cái Thiên Chúa.
Để truyền giáo hiệu quả: ngài chú tâm vào việc dạy giáo lý, không những cho người lớn mà cho cả trẻ em. Đây là công việc nặng nhọc và đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn. Mặc dù khó khăn vất vả nhưng ngài lấy làm vui và khi viết thư cho song thân ngài bộc lộ “lấy làm vui sướng hạnh phúc”.
Khao khát truyền giáo chẳng bao giờ suy giảm nơi Cha Henri, ngài đã nghĩ tới kế sách lớn lao là thành lập một Hội dòng chuyên lo việc cầu nguyện cho người lương dân được ơn trở lại. Và chính ngài đã lo liệu để thiết lập một dòng chiêm niệm dành cho nam giới mang tên “Dòng Đức Bà Việt Nam”, tiền thân của Hội Dòng Xitô Thánh Gia, với sứ mạng cao cả đó.
Kết
Tình liên đới tương trợ giữa những người cùng sống chung trong một khu vực địa lý, nhất là tương quan “Kitô hữu và Lương dân”, không những là điều bình thường, hợp lý, mang đậm tính nhân văn mà còn hướng đến trách nhiệm chia sẻ niềm tin giữa các kitô hữu với anh chị em lương dân. Chính vì thế, lá thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2010 phần nào cũng đã nói rõ ý thức rõ rệt rằng Giáo hội đang đứng trước một giai đoạn lịch sử mới mẻ và đặc biệt. Thiên Chúa đang mời gọi các tín hữu bày tỏ khuôn mặt đầy yêu thương của Ngài cho mọi người, vừa với tính cách công dân trong một đất nước đang biến đổi, vừa với tính cách người Công giáo có nhiệm vụ đóng góp cho quê hương với tinh thần Tin Mừng: “Là công dân trong một đất nước, người Công Giáo Việt Nam có bổn phận yêu mến và xây dựng quê hương. Đồng thời, chúng ta thi hành bổn phận này với tinh thần Phúc Âm, khi thể hiện chức năng tiên tri bằng tiếng nói chân thành và có trách nhiệm, thực thi yêu thương trong chân lý và thực thi chân lý trong yêu thương”.
Mang trên vai trách nhiệm của một kitô hữu Việt Nam, các đan sĩ của Hội Dòng Xitô Thánh Gia còn được mời gọi noi theo gương của Cha Tổ Phụ để sống sung mãn linh đạo của Hội dòng mình qua căn tính chiêm niệm với sứ mạng đem Tin mừng đến cho anh chị em lương dân[18] bằng sức mạnh của đời sống cầu nguyện trong âm thầm, tín thác và cậy trông vào ơn Chúa ban giúp người ta nhận ra tình thương của Thiên Chúa, nhờ đó họ hoán cải và đón nhận sự sống của Thiên Chúa dành cho tất cả mọi người.
[1] X. trang web: http://www.advite.com/Tam_Cuong_Ngu_Thuong.htm .
[2] X. CÔNG ĐỒNG VATICAN II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 12: AAS 58 (1996), 1034; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1879.
[3] Huấn thị Libertatis conscientia (về tự do Kitô giáo và giải phóng), ban hành ngày 22.3.1986.
[4] X. BỘ GIÁO LÝ ĐỨC
[5] x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1880.
[6] x. Bài viết “Con Người Và Các Mối Tương Quan” của Cursillista Inhaxio Đặng Phúc Minh đăng trên trang http://gpcantho.com/bai-viet-giao-phan-can-tho-con-nguoi-va-cac-moi-tuong-quan-9586.aspx.
[7] x. TỨ QUYẾT, SJ – Ba Thái Độ Giúp Xây Dựng Sự Hiệp Nhất, trích lại từ dongten.net
[8] x. GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 26: AAS 80 (1988), 544-547; CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 76: AAS 58 (1966), 1099- 1100.
[9] x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, số 1882.
[10] Huấn Đức ngày 22 tháng 10/2000, tại Roma.
[11] . LM IGNATIO TRẦN NGÀ, “Truyền lửa yêu thương”.
[12] x. GIOAN PHAOLÔ II – Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Độ (Redemptoris Missio), 1990, số 3
[13] Misericordiae Vultus, 12.
[14] x. Hạnh Tích, tr. 34
[15] x. Hạnh Tích, tr. 35
[16] x. Hạt Giống Chiêm Niệm số 4, tr. 41.
[17] x. Hạt Giống Chiêm Niệm, số 4, tr. 44
[18] Hiến Pháp 2, 2; Tuyên Ngôn 4, 33; Thói lệ 187.
BÁC ÁI LÀ MỐI DÂY HIỆP THÔNG
FM. Biển Đức Nguyễn Hạnh Thơm _Đan viện Thiên Phước
Khi đọc trong các thư của Thánh Phaolô, chúng ta dễ dàng nhận thấy đức bác ái là chủ đề bao quát. Chủ đề này đã nói lên những sắc thái yêu thương của mối tương quan hiệp thông giữa các thành phần trong cộng đoàn, chẳng hạn như: “Thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình” (Rm 12,10). Và ai yêu thương mọi người là chu toàn lề luật: “Hãy lấy đức ái mà phục vụ lẫn nhau. Vì tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: ‘Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình” (Gl 5, 13-14).
Tuy nhiên, trong cộng đoàn tu trì chúng ta thường thấy một vài thực tại nổi cộm: bất đồng và ghen ghét đã dẫn đến chia bè chia phái, chủ nghĩa cá nhân dẫn đến sự thống nhất chứ không hiệp thông. Từ đây, vấn đề nhu cầu cá nhân được đặt ra; nhưng dù sao thì tất cả cũng phải được xây dựng trên đức bác ai là mắt xích nối kết sự hiệp thông trong cộng đoàn. Đây chính là những điểm được bài viết khai triển dựa trên tư tưởng bác ái là mối dây xây dựng sự hiệp thông trong cộng đoàn theo các thư của Thánh Phaolô.
1. Bất Đồng Và Ghen Ghét
Trong đời sống cộng đoàn tu trì, không thiếu và cũng chẳng bao giờ hết được sự bất đồng và ghen ghét làm tổn thương nhau. Nhưng đối với Thánh Phaolô, ngài khuyên mỗi người hãy lấy lòng thương xót và tha thứ mà đối xử với nhau. Ngài nói: Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô (x. Ep 4,26-32; Cl 3,13-14); “Hãy chúc lành cho người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa” (Rm 12,14).
Thánh Phaolô mong muốn cho mỗi chúng ta: “Ước gì ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó” (Cl 3,15). Chính bởi bình an của Đức Kitô được giúp chúng ta đẩy xa những xung đột bất đồng, cải vã, ganh tỵ hầu chấp nhận những khác biệt và kiến tạo sự hiệp thông. Điều này mời gọi chúng ta luôn có lòng quảng đại và lòng nhân từ như Đức Kitô đòi hỏi: “Anh em phải có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36). Bởi vì tình yêu của Đức Kitô đã quy tụ chúng ta thành một cộng đoàn.
Tuy nhiên, trong các cộng đoàn thường dễ rơi vào tình cảnh chia bè chia phái, xầm xì nhau nên đã dẫn tới hậu quả là những vết thương tinh thần không bao giờ hàn gắn được. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4,29). Để tình anh em tròn đầy cần được xây dựng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, mà hoa quả của Chúa Thánh Thần: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm,trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23). Có được như vậy, bởi vì: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em phải có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14-15). Chúng ta biết, nếu không có những lời này, không thể nào có một sự hiệp thông trọn vẹn, không thể có sự cảm nghiệm niềm vui của việc sống chung với nhau.
Nơi khác, Thánh Phaolô còn nhấn mạnh: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8). Như vậy đã rõ, bất đồng và ghanh ghét luôn luôn trái ngược với hiệp thông và yêu thương, bởi vì hiệp thông và yêu thương thì chịu đựng những khuyết điểm, những thiếu xót, những lỗi lầm nơi người anh em để quan tâm và tha thứ.
2. Phải Chăng Thống Nhất Là Hiệp Thông?
Điều quan trọng trong đời sống cộng đoàn là sự hiệp thông chứ không phải là sự thống nhất. Bởi chưng, sự hiệp thông là làm sáng tỏ mối tương quan đa dạng trong cộng đoàn. Còn sự thống nhất mang một ý nghĩa của mối tương quan bên ngoài, đơn điệu hóa và đây chính là điểm làm triệt hạ sự tự do trong cộng đoàn. Vấn đề này làm cho đời sống cộng đoàn của thời đại chúng ta đang gặp không ít những khó khăn phải đương đầu đó là sự bất đồng hay xung đột giữa hai tầng lớp người già và lớp trẻ. Chúng ta thấy lớp trẻ thường năng động, hiếu động, sốt sắng và nhiệt tình luôn có ý tưởng mới và những phương pháp mới. Trái lại, những thành phần cao niên, thì lại gắn bó với những nguyên tắc, những truyền thống, cho nên họ luôn luôn cẩn trọng với những tư tưởng mang tính thời đại.
Tuy nhiên, mỗi thành phần trong cộng đoàn phải cố gắng để hiệp thông và hiểu người khác mà không tìm cách áp đặt quan điểm riêng của mình. Thánh Phaolô dạy: “Anh em hãy đón nhận người yếu đức tin và đừng tranh luận với họ. Có người tin mình ăn được mọi thứ, có người vì yếu chỉ ăn rau. Người ăn đừng có khinh kẻ không ăn, còn kẻ không ăn cũng đừng xét đoán người ăn, vì Thiên Chúa đã đón nhận người ấy. Bạn là ai mà xét đoán người nhà của kẻ khác?” (Rm 14,1-4). Vì thế, đừng có ai trong cộng đoàn đi quá mức khi đánh giá mình: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12,3). Như vậy, Thánh Phaolô rõ ràng đã khuyên dạy mỗi chúng ta hãy tôn trọng và đón nhận những khác biệt, đặc biệt là những nhu cầu của mỗi anh chị em đang sống trong cộng đoàn.
3. Những Người Có Nhu Cầu
Chúng ta thấy trong cộng đoàn có nhiều thành phần khác nhau thì cũng có nhu cầu khác nhau, vì tất cả đều cần được quan tâm yêu thương. Sự hiệp thông trong đức bác ái của chúng ta phải đặc biệt hướng tới những người cần được quan tâm hơn, chẳng hạn: Thành phần cao niên, người bệnh tật, những người đang gặp những áp lực nào đó. Mỗi chúng ta phải nhận biết rằng những đau khổ bệnh tật những thương tích nội tâm, những áp lực đó sẽ không phải là những ghánh nặng cho chúng ta. Thánh Phaolô khuyên chúng ta cũng phải bày tỏ sự hiệp thông trong sự chấp nhận lẫn nhau: “Mỗi người chúng ta hãy chiều theo sở thích kẻ khác, vì lợi ích của họ, và để xây dựng” (Rm 15,2), và “thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt thành không trể nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa” (Rm 12,10).
Chúng ta phải chân nhận rằng, các vị cao niên trong cộng đoàn đã từng trải qua những thời khắc nghiệt của xã hội, đã từng chịu đựng những gian nan trong lịch sử của cộng đoàn. Đối với những người trẻ thì đã được hưởng lợi từ những khinh nghiệm quý báu và phong phú từ những vị cao niên và nhờ họ chỉ dạy gợi ý, hướng dẫn. Chúng ta không nên coi những người không còn khả năng đóng góp về phương diện lao động chân tay là những người vô ích. Đối với họ chúng ta phải tôn trọng, quan tâm, họ phải được nghỉ ngơi bồi dưỡng về thể xác, và phải được tự do đó là quyền lợi của họ. Bởi vì, chúng ta được như ngày hôm nay, được hưởng hoa trái là cũng từ những gì mà những vị lớn tuổi đã gieo trồng.
Trong đời sống cộng đoàn, mà sự hiệp thông, tình yêu huynh đệ phải được tràn ngập trong mối tương quan, liên đới với mọi thành phần như: già yếu bệnh tật; chúng ta luôn sẳn sàng giúp đỡ, đồng cảm, quan tâm, khích lệ nếu cần. Chúng ta hãy trở thành người thân cận của người khác để mọi thành phần đóng góp vào việc xây dựng và gắn kết cộng đoàn bằng sự hiệp thông yêu thương. Bởi vì, luật tối thượng của đời sống trong cộng đoàn là đức bác ái và sự hiệp thông: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cr 13,13). Đời sống cộng đoàn đòi hỏi một sự liên đới và sự hiệp thông huynh đệ giữa các thành phần với nhau, cần được xây dựng trên nền tảng đức bác ái
4. Đức Bác Ái Mắt Xích Của Sự Hiệp Thông
“Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8); mà tình yêu là sức sống của cộng đoàn hiệp thông. Điều này càng thiết yếu trong đời sống cộng đoàn tu trì, vì nơi đây được Thiên Chúa quy tụ những con người từ những hoàn cảnh, văn hóa và tính tình khác nhau. Cho nên, chúng ta được mời gọi xây dựng sự hiệp thông trong khác biệt: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể,” (1Cr 12,12). Vì thế, “nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau. Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng được vui chung” (1Cr 12,26).
Chúng ta được thánh Phaolô khích lệ: “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau” (Ep 5,21). Đây là điều cần thiết của sự hiệp thông bác ái và phải được thể hiện để xây dựng trong đời sống tu trì. Trong đời sống cộng đoàn, tài năng của người khác là để xây dựng. Chúng ta cần nhìn nhận những tài năng và phối hợp các hoạt động của mỗi người để thể hiện trong đời sống bác ái hiệp thông: “Anh em hãy vâng lời những người lãnh đạo anh em và hãy phục tùng họ, vì họ chăm sóc linh hồn anh em như những người sẽ trả lẽ với Thiên Chúa. Như thế, họ sẽ vui vẻ thi hành phận sự của mình mà không than thở, bởi vì điều đó chẳng ích lợi gì cho anh em” (Dt 13,17).
Như vậy, bác ái là mối giây liên kết anh em trong cộng đoàn. Bên cạnh đó, việc trao đổi thông tin, quan điểm, kinh nghiệm hay những kế hoạch cá nhân, cũng là một trong những mắt xích để liên kết cộng đoàn hiệp thông, trong đó, mọi người chia sẻ cho nhau đời sống tinh thần và vật chất, niềm vui, nỗi buồn và những thành công của mình.
Thay Lời Kết
Sự hiệp thông trong đời sống chung của cộng đoàn là một phương thế giúp mỗi người chúng ta thoát bỏ của cải, khước từ tư hữu, thoát bỏ ý riêng để chu toàn thánh ý Thiên Chúa, bằng biệc vâng phục bền trên và tuân phục luật dòng. Điều này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có một sự hiệp thông trọn vẹn với một sự hy sinh liên tục. Như vậy, bác ái trong đời sống hiệp thông với anh em phải được nối kết với tình yêu của Đức Kitô làm thành một sự hiệp thông duy nhất; một sự hiệp thông được ghi dấu bởi tình yêu nhưng không, được bao phủ với lòng nhân hậu, bao dung. Thật vậy, khi được sự hiệp thông trọn vẹn trong đức bác ái của tình yêu Thiên Chúa, tuôn đổ trong mọi người nhờ Chúa Thánh.
Đời sống tu trì chủ yếu được xây dựng trên đức bác ái, vì nó là mắt xích của sự hiệp thông được dựa trên ba nhân đức đối thần. Theo thánh Phalô: “Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương thì chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13,10). Ở đây, đức bác ái như ân sủng Thiên Chúa, chứ không phải là bác ái theo nghĩa lòng tốt bình thường. Do đó, đức bác ái là sự hiệp thông với Thiên Chúa, và là nguyên lý hợp nhất mọi chi thể của Nhiệm Thể Chúa Kitô: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái : đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14).
HIỆP THÔNG TRONG TÌNH YÊU
Sr.M. Mai Ân Thông _Đan viện Vĩnh Phước
Thánh Gioan Tông Đồ đã nói lên cảm nghiệm về sự hiệp thông với Thiên Chúa qua một xác tín rõ ràng: “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16). Theo thánh Gioan, việc “ở lại” mang chiều kích “hiệp thông” liên lỉ; còn “tình yêu” là sức sống nuôi dưỡng và thánh hóa không ngừng “sự hiệp thông”. Công Đồng Vaticanô II đã xác định trong Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 19: “Ý nghĩa cao cả nhất của phẩm giá con người là con người được kêu gọi hiệp thông với Thiên Chúa”; mà Thiên Chúa là tình yêu và Ngài muốn mọi người được tham dự vào đời sống nội tại của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha, Đấng tạo thành muôn vật muôn loài; Ngôi Con, Đấng cứu chuộc nhân loại và Ngôi Ba – Thần Khí thánh hóa tất cả trong Tình Yêu.
Ở đây, người viết xin đề cập đến ba điểm: thứ nhất: hiệp thông trong Ba Ngôi Thiên Chúa; thứ hai: Hiệp thông hoa trái của tình yêu; thứ ba: Hiệp thông với nhau trong tình yêu Thiên Chúa. Đó là ba yếu tố làm nên nhịp cầu hiệp thông của con người trong tương quan với Thiên Chúa và với nhau.
1. Huyền Nhiệm Hiệp Thông
Theo tư tưởng của Thánh Phaolô, chính Thiên Chúa là căn nguyên hiện hữu của muôn loài, vì “đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Đấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Đức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1Cr 8,6). Thiên Chúa “là Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người”(Ep 4,6), nên Ngài cũng là nguồn mạch tình yêu cứu độ (x. Ga 3,16). Thiên Chúa là tình yêu nguyên thủy và trường tồn, là Đấng luôn đi bước trước trong tình yêu.
Ba Ngôi là nguyên lý, là nguồn suối và là nguyên thủy của tất cả thực tại thần linh, đã biểu lộ và thông ban chính Mình cách trọn vẹn trong sự hiệp thông. Chúa Con là Lời vĩnh hằng, được Chúa Cha gửi đến thế gian để mạc khải “dung mạo thương xót của Chúa Cha” cho con người[1] trong tình yêu của Chúa Thánh Thần.
Ba ngôi: Cha- Con và Thánh Thần, nhưng chỉ là một Thiên Chúa Tình Yêu. Các Ngôi vị hướng về nhau, ở trong nhau và nên một với nhau. Sự hiệp thông đó không dừng lại trong nội tại bản tính của Thiên Chúa, nhưng đã được thông ban cho thụ tạo. Qua Chúa Con và trong Thánh Thần, tạo thành được trở nên con cái Thiên Chúa và được sống sự sống Thần Linh của Ba Ngôi Chí Thánh. Bởi đó, sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa không đứng bên ngoài lịch sử nhưng đi vào lịch sử của con người, được hiện thực hóa qua các Mầu Nhiệm Nhập Thể – Giáng Sinh – Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô. Không phải mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi bị tan biến trong “muôn vật muôn loài”, mà chính “muôn vật muôn loài” được sống trong mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, bởi “chính trong Ngài mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28). Sự hiệp nhất của Ba Ngôi vừa là nguồn gốc, vừa là mạch sống và là mẫu mực cho sự hiệp nhất của Giáo Hội; vì thế, bản chất của Giáo Hội là hiệp thông. Sự hiệp thông của Giáo Hội bắt nguồn từ sự hiệp thông của Ba Ngôi, đồng thời mô phỏng huyền nhiệm hiệp thông này “vì Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích, dấu chỉ hoặc khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại”[2] . Đức hồng y Yves Congar đã khẳng định: “Sự hiệp nhất của Giáo Hội là sự chuyển thông và nối dài sự hiệp nhất trong Thiên Chúa”. Do đó, chúng ta không thể nào hiểu Giáo Hội một cách đúng đắn và đầy đủ nếu không nhìn dưới lăng kính hiệp thông. Nhưng hiệp thông là gì?
* Ý nghĩa thuộc linh: Hiệp thông là sự giao tiếp giữa kitô hữu với Thiên Chúa, được thể hiện qua các hình thức như cầu nguyện, xưng tội, rước lễ, thờ phượng và các việc đạo đức khác.
* Ý nghĩa thuộc thể: Hiệp thông là mối liên hệ giữa các kitô hữu với nhau được thể hiện qua tình yêu thương, sự quan tâm, cầu nguyện và chia sẻ Lời Chúa với nhau, như Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).
Sự mới mẻ của huyền nhiệm hiệp thông Giáo hội được thánh Phaolô diễn tả như là thân thể Ðức Kitô (x. 1Cr 12,5-27). Cho nên,“anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô”(Ep 4,3.13). Đây là sự hiệp thông đích thực trong Giáo Hội, thiếu sự hiệp thông này sẽ là nguyên nhân làm suy yếu khả năng phục vụ trong Giáo Hội và làm cản trở muôn ơn phúc Chúa ban. Đức giáo hoàng Phanxicô đã giải thích sự hiệp thông như sau: “Giáo Hội, trong sự thật sâu thẳm nhất là sự hiệp thông của tình yêu với Chúa Cha, trong Chúa Kitô cùng với Chúa Thánh Thần, rồi kéo dài trong sự hiệp thông huynh đệ. Tương quan này giữa Đức Giêsu và Chúa Cha là “khuôn mẫu” của sự gắn bó giữa các kitô hữu chúng ta. Nếu chúng ta được tháp nhập một cách thân tình vào “khuôn mẫu” này, vào lò lửa tình yêu nồng cháy là Thiên Chúa Ba Ngôi, thì chúng ta thực sự trở thành một con tim, một linh hồn với nhau, bởi vì tình yêu của Thiên Chúa thiêu rụi mọi ích kỷ, đốt cháy các thành kiến và những chia rẽ bên trong – bên ngoài của chúng ta. Tình Yêu của Thiên Chúa cũng thiêu rụi cả tội lỗi của chúng ta nữa”. Như vậy, điều kiện để mọi kitô hữu có niềm vui và hạnh phúc là hiệp thông với Thiên Chúa và với Giáo hội.
2. Hiệp Thông: Hoa Trái Của Tình Yêu
Theo thánh Gioan tông đồ: “Phàm ai yêu thương thì được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy biết Thiên Chúa. Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,7-8). Chúng ta cũng có thể nói sự hiệp thông huynh đệ chính là ân ban và hoa trái của sự hiệp thông với Thiên Chúa, như chính Đức Giêsu đã khẳng định: “Cứ xem họ sinh hoa trái nào, thì biết họ là ai”(Mt 7,20). Hoa trái của hiệp thông dưới tác động của Chúa Thánh Thần là: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm và trung tín”(Gl 5,22). Khi chúng ta kết hiệp với Chúa và sống tình hiệp thông huynh đệ với anh chị em, thì ơn Chúa sẽ giúp chúng ta nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi mình và người khác.
Được hiệp thông với Thiên Chúa là một huyền nhiệm nhưng cũng rất hiện sinh: Con người được trở nên cao cả ở đời này và được hưởng sự sống vĩnh cửu. Hiệp thông giúp con người khám phá ra sự phong phú của tình Chúa và tình người. Thánh Gioan Tông Đồ quả quyết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Thiên Chúa và Ngài ở lại trong chúng ta: đó là Ngài đã ban Thần Khí của Ngài cho chúng ta” (1Ga 4,13). Chúng ta cũng tìm thấy ý tưởng này trong Thánh Phaolô: “Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Ngài” (1Cr 6,17). Chính Thiên Chúa, trong Đức Giêsu Kitô, đã kiên nhẫn kiếm tìm “con chiên bị thất lạc” (x. Lc 15,4-7), đã cúi xuống trên nhân loại đang bị tội lỗi đả thương và nằm vất vưởng bên vệ đường, Người “lấy dầu, lấy rượu xức vết thương” rồi băng bó và vác nhân loại trên vai mình như hình ảnh và hành động của người Samari nhân hậu đã làm cho người bị kẻ cướp đánh đập (x. Lc 10, 30-37). Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI đã viết với những lời rất súc tích như sau: “Khi Đức Giêsu trong các dụ ngôn nói về người mục tử rảo bước tìm chiên lạc, về người đàn bà ra sức tìm đồng bạc bị đánh rơi, về người cha ròng rã chờ đợi rồi hân hoan chạy đến ôm choàng người con đi hoang vào lòng mà hôn lấy hôn để…tất cả không chỉ là gói ghém bao tâm tư tình cảm, nhưng còn là những cách giải thích bản chất và hành động của chính Người. Trong cái chết thập tự của Đức Kitô, khi Người tự hiến chính mình, để nâng con người lên và cứu độ họ – đó là tình yêu thông hiệp triệt để nhất. Vì khi “nhìn lên Đấng họ đâm thâu” (Ga 19,37) đã giúp chúng ta chiêm ngắm “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8) và cũng từ đó đã làm sáng lên định nghĩa tình yêu là gì? Là hoa trái của sự hiệp thông. Từ cái nhìn này, người kitô hữu tìm được con đường để sống và để yêu”[3] .
Cách cụ thể, người kitô hữu tìm được con đường để sống và để yêu nơi bữa tiệc hiệp thông gia đình qua dụ ngôn “người cha nhân hậu” mà Đức Giêsu đã giới thiệu cho chúng ta. Hình ảnh và tình yêu của người cha nhân hậu trong dụ ngôn vừa là hình ảnh và tình yêu của Chúa Cha mà cũng như của Đức Giêsu đối với chúng ta, vì Ngài không chỉ mạc khải tình yêu của Chúa Cha cho con người mà Ngài còn trao ban tình yêu của Ngài cho con người để con người cũng học biết cách trao ban tình yêu cho nhau. Tình yêu đã đơm bông kết trái nhờ sự hiệp thông, vì: “Thiên Chúa không chỉ cống hiến cho chúng ta tình yêu, nhưng trước tiên Ngài đã sống tình yêu đó; bằng rất nhiều cách thế, Ngài gõ cửa tâm hồn chúng ta để khơi dậy tình yêu chúng ta đáp trả tình yêu Ngài”[4] .
Bên cạnh đó, Bí tích Thánh Thể cũng là bảo chứng cho sự hiệp thông,“bởi vì chỉ có một tấm Bánh và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể’ (1Cr 10,17). Đức giáo hoàng Bênêđíctô XVI đã quảng diễn: “Sự hiệp lễ kéo tôi ra khỏi bản thân để đến với Người và đồng thời đi vào sự hợp nhất với tất cả mọi người kitô hữu. Chúng ta trở thành ‘một thân thể’, một sự hiện hữu tan biến vào trong nhau. Tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân đã thực sự kết hợp lại với nhau: Thiên Chúa hóa thành người, lôi kéo tất cả chúng ta về với Ngài. Từ đó phải hiểu rằng tại sao “agape” lại trở thành một tên gọi của Bí tích Thánh Thể: trong Thánh Thể, Tình Yêu (agape) của Thiên Chúa mang tính xác phàm đến với chúng ta, để trong chúng ta và qua chúng ta tiếp tục thực hiện công trình của Người. Từ nền tảng Kitô học mang tính bí tích, chúng ta có thể hiểu cách đúng đắn giáo lý tình yêu của Đức Giêsu”[5] . Như vậy, việc kết hợp với Đức Kitô, qua Bí tích Thánh Thể, giúp mỗi người đi vào mầu nhiệm hiệp thông với Thiên Chúa và với nhau.
3. Hiệp Thông Trong Tình Yêu Thiên Chúa
Ngay từ những trang đầu tiên của Kinh Thánh, chúng ta đã tìm thấy cội nguồn của mình: “Thiên Chúa phán:‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1,26). Là hình ảnh của Thiên Chúa, con người luôn khát khao hướng về Ngài là Đấng Tuyệt Đối và là cùng đích của cuộc đời mình. Chính khát vọng tìm về Chân – Thiện – Mỹ đã khai mở chiều kích tâm linh của con người. Theo các Giáo Phụ, những khát vọng tôn giáo là những bước chuẩn bị cho Tin Mừng Cứu Độ dành cho mọi người. Cho nên, mọi người cần được tiếp nhận, làm chứng và loan truyền theo mệnh lệnh của Chúa Giêsu (x Mt 28, 19,20). Tuy nhiên, trong Thiên Ý nhiệm mầu, Thiên Chúa đã dự liệu cho mọi người đạt tới hồng ân cứu độ, vì tất cả đều qui về Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ duy nhất dưới bầu trời này (x. Cv 4,12). Cho nên, khi sống trong sự hiệp với Thiên Chúa là chúng ta đang được biến đổi không ngừng, nhờ đó, chúng ta càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô:“Tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong Chúng Ta” (Ga 17,21).
Hiệp thông với nhau trong tình yêu là sự trải nghiệm của tiến trình “gặp gỡ”, mà Thiên Chúa luôn đi bước trước để đến với chúng ta. Ngài là quá khứ – hiện tại và tương lai của mọi mối hiệp thông, vì Ngài cũng chính là cùng đích của mọi mối hiệp thông. Sách Giáo lý Công giáo, số 2845, đã minh định: “Sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa là cội nguồn và là tiêu chuẩn chân thực của tất cả các mối liên hệ. Cho nên, sự hiệp thông nằm trong căn tính của chúng ta để nên giống Chúa Kitô, để được đắm chìm trong Tình yêu của Ngài”.
Chúng ta sống hiệp thông với Thiên Chúa bằng lòng mến và sống sự hiệp thông với nhau cũng bằng đức mến. Đức mến thật lớn lao và thiết yếu nhưng cũng đòi hỏi, vì “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả và chịu đựng tất cả” (1Cr 13, 4-7). Do đó, để sống được căn tính của người kitô hữu là mến Chúa – yêu người, chúng ta phải thật sự khao khát mình được chiếm ngự bởi Lòng Thương Xót Chúa, mở lòng mình ra trong việc đón nhận Lời Chúa và những ân sủng trong mầu nhiệm cứu độ của Ngài bằng thái độ khiêm tốn, tin tưởng, phó thác và cậy trông. Chúng ta sẵn sàng trải rộng tâm hồn để cho những dòng chảy ân sủng của Thiên Chúa tuôn đổ tràn đầy trên chúng ta qua những thử thách và thanh luyện của tình yêu, vì tình yêu có sức mạnh chữa trị, biến đổi.
Như vậy, sống hồng ân hiệp thông là tiếp nhận tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Kitô và sống yêu thương như Người. Về hồng ân cao trọng này, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, Đấng sáng lập Hội Dòng Xitô Thánh Gia, đã chân tình chia sẻ với con cái của mình rằng: Phước của chúng ta là đó rồi! Là được kết hiệp với Chúa, và lo cho thêm số những người kính mến Chúa[6] .
Thay lời kết
Đức Kitô đã làm cho chúng ta trở nên một trong thân thể mầu nhiệm của Ngài: Một thân thể mà mọi thành phần dân Chúa luôn sát cánh bên nhau để cùng nhìn về một hướng và chiêm ngắm một Thiên Chúa Tình Yêu. Như thế, cuộc đời con người không những có giá trị vĩnh hằng trong ánh nhìn của Đấng tạo thành mà còn ở trong ánh mắt yêu thương của con người, khi chúng ta biết quan tâm đến nhau. Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta gieo mầm tình yêu của Ngài đến muôn đời, làm phong phú kinh nghiệm “thân phận con người” trong chính những trải nghiệm đời thường.
Đặc biệt, hiệp thông huynh đệ trở thành yếu tố năng động cho sứ vụ đời thánh hiến: “Đời tu tham gia vào sứ mạng Chúa Kitô bằng một yếu tố khác, một yếu tố riêng cho đời tu, đó là đời sống huynh đệ trong cộng đoàn, hướng về sứ vụ. Đời sống tu càng trở nên tông đồ khi sự dâng hiến chính mình cho Chúa ngày thêm mang tính nội tại, hình thức sống cộng đồng càng huynh đệ hơn, sự dấn thân trong sứ vụ đặc thù của Hội Dòng càng nhiệt thành hơn”[7] . “Những người thánh hiến phải thực sự trở nên chuyên viên về hiệp thông, như chứng nhân và tác nhân của dự định hiệp thông vốn là chóp đỉnh của lịch sử con người theo ý định của Thiên Chúa”[8] . Bởi thế, hồng ân hiệp thông cần được triển khai trong đời sống thánh hiến, vì “phát huy sự hiệp thông là một nhiệm vụ tích cực và có tính cách gương mẫu của đời sống thánh hiến ở mọi cấp độ. Đó là con đường vương giả của một tương lai hướng về cuộc sống và chứng tá. Sự thánh thiện và sứ mệnh đi qua cộng đoàn, bởi vì Đức Kitô làm cho Người hiện diện trong và qua cộng đoàn. Anh chị em của chúng ta trở nên bí tích của Đức Kitô và của việc gặp gỡ với Thiên Chúa, với khả năng cụ thể, và hơn thế nữa, đó là điều thiết yếu, không thể bỏ qua để có thể thực hiện huấn lệnh tình yêu hỗ tương và thể hiện sự hiệp thông của Ba Ngôi”[9] .
Tóm lại, hiệp thông không gì khác hơn là sống liên đới và yêu thương nhau trong Tình Yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thánh Thần là “Ngôi Vị Tình yêu”, là mối liên kết hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, chính Thánh Thần sẽ thực hiện sự hiệp nhất và hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Sự hiệp thông trong tình yêu là thực tại giúp chúng ta nhận ra mình là con cái Thiên Chúa, được tham dự vào đời sống thần linh nhờ Đức Kitô và trong Thánh Thần. Sự hiệp thông này làm cho cuộc đời chúng ta có ý nghĩa và giá trị, đồng thời đem đến cho chúng ta niềm vui tràn ngập nhờ ân sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa.
[1] X. ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICÔ – Misericordiae Vultus; số 1.
[2] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II – Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân, số 1.
[3] x. Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, số 12.
[4] Trích trong Thư Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI gởi các độc giả Tuần báo gia đình Kitô để giải thích nội dung chính yếu của Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu.
[5] Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu; số 14.
[6] CHA TỔ PHỤ BIỂN ĐỨC THUẬN. Lời Giáo Huấn 35.
[7] ĐỨC THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II – Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến – Vita Cosecrata; 25.03.1996; số 72.
[8] Sdđ, số 46.
[9] Sdđ, số 29