Thứ năm, 21 Tháng mười một, 2024

Hạt Giống Chiêm Niệm số 30: Một Đi Chung Cùng Nhau

LỜI NGỎ

 

Kính thưa Quí Độc Giả!

Nội san Hạt Giống Chiêm Niệm số 30 phát hành vào tháng Giêng năm 2023 này mang chủ đích rõ ràng: một đàng kính nhớ Vị Sáng Lập Hội dòng Xitô Thánh Gia, cha Biển Đức Thuận, người đã trối lại cho con cái một lời đã trở nên di sản của “Xitô Thánh Gia”: “Một Đi Chung Cùng Nhau” mà Ban Biên Tập đã chọn dùng làm chủ đề cho số này; đàng khác, với chủ đề của số này, các tác giả Nội san cũng muốn gửi gắm tâm tình hiệp thông với Giáo hội hoàn vũ và Giáo hội địa phương đang cùng nhau suy tư và học hỏi để tái khám phá các chiều kích Hiệp hành (hiệp thông, tham gia và sứ vụ) của Giáo hội.

Thực vậy, vào tháng 10.2023 này sẽ diễn ra Thượng Hội đồng Giám mục thế giới, bàn về chủ đề Hiệp hành (Synodos) vốn đã được triển khai học hỏi, suy tư trong các cấp giáo phận và Giáo hội địa phương từ tháng 9.2021.

Điều làm chúng ta ngạc nhiên khi thấy sự trùng hợp kỳ lạ cảm thức của Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận về đời sống hiệp hành của Giáo hội khi để lại cho anh em giáo huấn của mình về đời sống đan tu là hãy “Đi Chung Cùng Nhau”. “Đi Chung Cùng Nhau” chính là “hiệp hành”. Đời sống đan tu là lối sống mà các nam nữ đan sĩ “Đi Chung Cùng Nhau”; đó cũng chính là đời sống của Giáo hội, trong đó các tín hữu đi chung cùng nhau tiến về Nhà Cha trên trời.

Vì thế, các tác giả của Nội san như thay lời cho anh chị em mình trong Hội dòng đã nói lên những suy tư, những thành quả học hỏi và chiêm nghiệm về hiệp hành trong đời sống đan tu cũng như trong đời sống Kitô hữu của mình ngang qua các bài viết với những đề tài phong phú và đa dạng. Từ Kinh Thánh Cựu – Tân Ước, giáo huấn của Giáo hội, Linh đạo đan tu cho đến những chia sẻ cảm nghiệm. Tất cả như muốn thể hiện các mối liên hệ tương giao nhiều chiều đan xen, vẽ nên một bức tranh hiệp hành vốn làm nên đời sống của Giáo hội, ít ra đã được thể hiện trong nhận thức.

Trong tâm tình ấy, Ban Biên Tập xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả số 30 Nội san Hạt Giống Chiêm Niệm phát hành tháng Giêng năm 2023 này; đồng thời kính gửi đến Quý Độc giả lời cầu chúc An Lành – Thánh Thiện trong Năm mới Quý Mão đang đến.

Trân trọng!

Ban Biên Tập


SỰ HIỆP HÀNHTRONG THÁNH VỊNH 107

Galgado Toàn

Giáo Hội đang hướng tới Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI với chủ đề là “Hướng đến một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”. Trước hết, chúng ta lưu ý tới ý nghĩa của hạn từ “Hiệp hành”. Từ nguyên của hạn từ này đến từ hạn từ synodos (σύνοδος) trong tiếng Hi Lạp (syn: cùng, và odos: con đường, cuộc hành trình). Như vậy, ý nghĩa của sự hiệp hành mà Giáo Hội muốn nhắm tới là mời gọi chúng ta bước đi cùng nhau trên một cuộc hành trình. Để thực hiện được điều đó, mỗi người được mời gọi sống hiệp thông, tham gia và thực thi sứ vụ.

Cùng chung tâm tình của Giáo Hội hướng tới Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ XVI với thao thức xây dựng một Giáo Hội hiệp hành, mỗi người tín hữu được mời gọi thấu hiểu và sống tinh thần đó một cách thiết thực. Chính vì thế, bài viết nhỏ bé này là một nỗ lực tìm hiểu về tính hiệp hành qua việc suy tư về Thánh vịnh 107 để nhận ra tinh thần hiệp hành của dân Israel xưa, và từ đó chúng ta cố gắng tìm ra những ý tưởng soi sáng và thúc đẩy sống tinh thần hiệp hành trong đời sống của mình.

Bộ Thánh vịnh gồm 150 bài ca được chia thành năm tập, và Thánh vịnh 107 là Thánh vịnh đầu tiên của tập V của bộ Thánh vịnh. Khung cảnh của Thánh vịnh 107 được diễn ra trong buổi họp mặt của cộng đoàn để cùng ca khen và tạ ơn Thiên Chúa, bởi vì cho dẫu là dân đã phạm biết bao tội lỗi nhưng phúc lành của Thiên Chúa luôn tràn đổ trên họ trong suốt chiều dài lịch sử của dân Israel.

Những tâm tình trong Thánh vịnh 107 cũng gợi nhớ chúng ta về biến cố vô cùng quan trọng trong chiều dài lịch sử của Dân Thiên Chúa, đó là cuộc hành trình trong sa mạc để tiến về miền Đất Hứa. Đó là cuộc hành trình kéo dài tới bốn mươi năm và vô cùng gian nan của Dân Chúa. Một cuộc hành trình quá gian nan và quá dài thì thường có những lúc lạc lối, mệt mỏi và vấp ngã. Nhưng đồng thời, trong cuộc trình đó, người ta cảm nhận được sự hiệp thông nơi những người đồng hành. Đó chính là khía cạnh mà chúng ta sẽ đề cập một cách cụ thể qua bốn điểm sau: (1) Israel – Dân Chúa chọn; (2) bước đi cùng nhau; (3) Giáo Hội – Dân Mới của Thiên Chúa; (4) con đường duy nhất của Giáo Hội là Giêsu.

  1. Israel Dân Chúa chọn

Chúng ta nhận thấy được tinh thần hiệp hành của dân Israel được nổi bật qua sự hiệp nhất giữa con cái Israel và dân ngoại để trở nên một dân được Thiên Chúa cứu độ. Khi nói đến Dân Chúa, chúng ta thường chỉ nghĩ đến con cái của Israel, mà quên rằng thực sự Dân Chúa được chọn và được cứu không chỉ có con cái của Israel, mà còn cả một số người không phải là con cái của Israel theo huyết thống. Thật vậy, Vịnh gia đã nói:

         “Triệu tập về từ bao viễn xứ,
         khắp miền nam bắc, khắp ngả đông tây (Tv 107,3).

Dịch sát theo bản văn Hibri là: Người đã tập hợp họ từ các nơi trên mặt đất, từ đông sang tây, từ bắc cho tới vùng biển. Như thế, con cái Israel và nhiều người từ các dân tộc khác đã được cùng chia sẻ chung niềm hạnh phúc là đều trở nên con cái của Thiên Chúa. Đây cũng là điều mà tác giả của sách Tobia cũng đã đặt vào miệng ông Tobit trong bài ca chúc tụng Thiên Chúa:

Một ánh sáng rạng ngời
sẽ chiếu soi khắp mười phương đất;
từ viễn xứ, người trăm họ kéo đến với ngươi.
Và dân cư tận chân trời góc biển
sẽ tới hát mừng danh thánh Chúa,
tay bưng lễ vật dâng tiến Vua Trời.
Muôn thế hệ sẽ làm cho ngươi hoan hỷ,
và tên ngươi, thành được Chúa chọn,
sẽ lưu truyền hậu thế đến ngàn năm (Tb 13,13).

Luật Môsê đã đề cập rõ ràng đến sự tham gia của dân ngoại trong việc thờ phượng Thiên Chúa của con cái Israel. Chẳng hạn như khi cử hành Lễ Vượt Qua và Lễ Bánh Không Men, người ngoại kiều được phép tham dự với điều kiện là mọi người đàn ông phải được cắt bì (x. Xh 12,29-30; Ds 9,14). Các dân ngoại cũng được dâng các hi lễ lên Đức Chúa và giữ các Lề Luật Môsê (x. Lv 17,8-16; Ds 15,14). Chính Thiên Chúa cũng phán với vua Salomon như sau: Nếu dân ngoại muốn đến cầu nguyện Chúa nơi Đền Thờ thì họ luôn được Chúa thương (x. 1V 8,41-43).

Chúng ta cũng lưu ý rằng, phép cắt bì là giao ước giữa Thiên Chúa với Abraham và con cháu của ông. Trong Giao ước này, Thiên Chúa sẽ ghi dấu trên xác thịt của mọi người nam trong dân. Với phép cắt bì, Thiên Chúa sẽ là Thiên Chúa của Abraham và của con cháu của ông; đồng thời Abraham và con cháu của ông sẽ là dân của Thiên Chúa. Người nào không chịu phép cắt bì thì sẽ bị trục xuất khỏi dân, bởi vì người đó đã phá vỡ giao ước của Thiên Chúa (x. St 17,9-14). Do đó, với phép cắt bì, một người gốc dân ngoại có thể trở nên dân của Thiên Chúa; còn người nào, dù là con cháu của Abraham theo huyết thống, mà không cắt bì thì cũng không thuộc về Dân Thiên Chúa.

Như vậy, chúng ta có thể nói rằng dân Thiên Chúa thuở xa xưa thực sự không chỉ là con cái của ông Giacob mà thôi, nhưng bên cạnh những người là con cái của Israel, Thiên Chúa còn tập hợp nhiều người đến từ dân ngoại nữa để làm nên dân của Người. Điều kiện để họ trở nên Dân Thiên Chúa thì họ cần được cắt bì, chứ không đòi hỏi họ buộc phải là con cái của Israel theo huyết thống. Chính ngôn sứ Isaia cũng tiên báo về một ngày mà dân Ai Cập và dân Assur cũng sẽ là dân của Thiên Chúa, vì họ cũng đều là dân Thiên Chúa và đều là công trình sáng tạo của Người, giống như con cái Israel (x. Is 19,16-25). Không chỉ là dân Ai Cập và dân Assur cùng với con cái Israel phụng thờ Đức Chúa, mà là muôn dân đều khao khát đợi trông niềm hạnh phúc này (x. Is 2,3).

Chúng ta cũng cần lưu ý rằng được thờ phượng Chúa và được tuân giữ Lề Luật là một niềm hạnh phúc lớn lao; bởi vì có Đức Chúa luôn ở bên trợ giúp và được biết thánh chỉ của Người để tuân giữ sẽ làm cho con người trở nên khôn ngoan đích thực trước mặt mọi dân nước –  Đó chính là lời của ông Môsê đã nói: Anh em phải giữ và đem ra thực hành, vì nhờ đó anh em sẽ được các dân coi là khôn ngoan và thông minh. Khi được nghe tất cả những thánh chỉ đó, họ sẽ nói: “Chỉ có dân tộc vĩ đại này mới là một dân khôn ngoan và thông minh! ” Phải, có dân tộc vĩ đại nào được thần minh ở gần, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu cầu Người? Có dân tộc vĩ đại nào được những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề Luật mà hôm nay tôi đưa ra trước mặt anh em? (Đnl 4,6-8).

Trở lại lịch sử của dân Israel, chúng ta cũng nhận thấy có những người thuộc dân tộc khác, nhưng đã trở nên dân của Thiên Chúa. Thật vậy, trong cuộc đời của vua David, chúng ta không thể không biết đến lỗi lầm của ngài với bà Betseva là vợ của ông Uria (x. 1Sam 11,1-26). Thế nhưng, Uria, bề tôi của vua David, không phải là con cái Israel mà là người Khet, nhưng đã trở nên dân của Thiên Chúa. Hay trong cộng đoàn tại Gierusalem vào thời các Tông Đồ, chúng ta nhận thấy có nhiều người gốc dân ngoại đang tụ họp tại Đền Thờ để ca tụng Chúa và được lắng nghe các Tông đồ đến rao giảng về Tin Mừng Phục sinh của Đức Giêsu (x. Cv 2,1-12). Như thế, Dân Thiên Chúa bao gồm không chỉ là con cái Israel mà còn bao gồm những người gốc dân ngoại nữa.

Trong lời của Vịnh gia, chúng ta cũng cần lưu ý đến niềm hân hoan của con cái Israel khi dân ngoại trở nên thành viên của Dân Thiên Chúa. Khi lòng thương xót của Thiên Chúa rộng mở đối với tất cả mọi dân nước để họ được trở nên Dân Thiên Chúa thì không chỉ dân ngoại hân hoan dâng lời cảm tạ, mà ngay cả con cái Israel cũng hân hoan và cùng cảm tạ Chúa về hồng ân này. Thật vậy, Vịnh gia và mọi người hiện diện trong Đền Thờ, không phân biệt con cái Israel hay dân ngoại, mọi người đều cất lên bài ca cảm tạ Thiên Chúa:

     Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
     muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
     Họ sẽ cùng nói lên như vậy,
     những người được Chúa thương giải thoát;
     giải thoát cho khỏi tay địch thù,
     triệu tập về từ bao viễn xứ,
     khắp miền nam bắc, khắp ngả đông tây(Tv 107,1-3).

Như thế, qua lời Vịnh gia, chúng ta nhận ra được sự hiệp nhất trong Dân Chúa khi mọi người cùng chia sẻ niềm hạnh phúc “Dân Thiên Chúa”. Họ không còn phân biệt con cái Israel hay dân ngoại, nhưng tất cả đều là Dân được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu thương. Đó là niềm hạnh phúc lớn lao cho dân ngoại, nhưng cũng là niềm hân hoan của chính con cái Israel khi nhận thấy các dân ngoại cũng được Thiên Chúa rủ thương và tập hợp thành Dân tuyển chọn của Người.

  1. Bước đi cùng nhau

Chúng ta cũng cần lưu đến sự hiệp hành của Dân Thiên Chúa được đề cập đến trong Thánh vịnh 107 qua việc họ bước đi cùng nhau. Như đã đề cập trong phần trên, Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn một dân riêng của Người là con cái Israel và những ai đã được chịu cắt bì. Với tình thương của Người, Thiên Chúa đã đưa Dân về miền đất mà Người đã hứa ban cho Abraham và cho con cháu để họ định cư và hưng thịnh (x. St 12,1-3). Tuy nhiên, để tiến về Đất Hứa, con cái Israel đã chấp nhận đi chung một con đường, và chấp nhận bước đi cùng nhau. Đây là những điều sẽ được trình bày trong hai điểm sau đây.

a. Cùng một con đường

Từ Ai Cập, người ta có thể chọn lựa nhiều con đường để đi tới Đất Hứa. Tuy nhiên, chiều dài và sự thuận tiện của những con đường này không giống nhau. Do đó, theo lẽ thường, người ta sẽ chọn lựa con đường nào ngắn nhất và dễ đi nhất. Thế nhưng, thay vì để Dân đi theo con đường ven biển Địa Trung Hải, tức là con đường đi qua xứ Philitinh, để tiến về Đất Hứa, Thiên Chúa đã muốn Dân đi theo con đường sa mạc Biển Sậy để tới núi Sinai, và từ đó tiến về Đất Hứa. Lí do mà Thiên Chúa chọn con đường này là vì Thiên Chúa sợ Dân nản lòng mà trở về Ai Cập khi họ phải chiến đấu (x. Xh 13,17-18). Thực sự, Thiên Chúa luôn đồng hành với họ và chiến đấu cho họ, nhưng lòng tin của họ yếu kém và dễ nản lòng khi gặp trở ngại. Đó là lí do tại sao Thiên Chúa lại chọn con đường sa mạc Biển Sậy để dẫn họ đi.

Chúng ta biết rằng, con đường đi trong sa mạc hướng về Biển Sậy là con đường dài nhất và gặp nhiều khó khăn. Thật vậy, không bao giờ là một sự dễ dàng cho những bước chân miệt mài trên cát nóng, và dĩ nhiên phải đối diện với tình trạng thiếu nước và thiếu lương thực nữa. Ngay Vịnh gia cũng đề cập đến những khó khăn này khi Dân phải đối diện khi bước đi trong sa mạc:

    “Họ lạc bước trong vùng sa mạc, nơi cằn cỗi,
    không thấy đường về chốn thành thị để định cư,
    vừa đói vừa khát, mạng sống đã hầu tàn” (Tv 107,4-5).

Với vài dòng miêu tả này, tuy ngắn gọn, chúng ta cũng có thể hình dung một điều kiện rất khó khăn mà Dân đã trải qua để đi trong sa mạc. Như thế, tuy có nhiều con đường dẫn tới Đất Hứa, nhưng Thiên Chúa đã muốn họ đi cùng một con đường, chứ không phải là những con đường mà họ tự do lựa chọn theo sở thích.  Nhưng con đường mà Thiên Chúa chọn cho Dân là con đường dài và gian nan trong sa mạc – con đường sa mạc Biển Sậy. Nhưng cho dù con đường đầy gian nan, nhưng Thiên Chúa hiệp nhất và hướng dẫn họ tiến về Đất Hứa để định cư và hưng thịnh.

b. Cùng một con đường

Thiên Chúa đã chọn cho Dân một con đường đi chung, nhưng chúng ta cũng cần lưu ý đến sự chấp nhận của Dân về việc bước đi cùng nhau. Dĩ nhiên, Dân cùng đồng lòng đi chung một con đường là vì họ kính sợ Thiên Chúa; bởi vì nếu họ không kính sợ Thiên Chúa, họ sẽ không chấp nhận chọn lựa con đường mà Chúa dẫn đi – một con đường quá dài và gian nan như vậy. Chúng ta có thể lưu ý đến sự chấp nhận của Dân về việc bước đi cùng nhau qua những điểm sau.

Nói đến việc bước đi cùng nhau trong sa mạc, chúng ta không thể không lưu ý đến những người yếu đuối về mặt thể xác và tinh thần trong Dân. Thật vậy, cuộc hành trình không chỉ là một đội quân của các chiến sỹ; nhưng bên cạnh những thanh niên trai tráng thì còn có những người lớn tuổi, trẻ em, bệnh tật và yếu đau; bên cạnh những người nhanh nhẹn thì còn có những người chậm chạp; bên cạnh những người có sự khôn ngoan và lanh lợi thì còn có những người giới hạn về trí khôn; bên cạnh những người kiên cường thì còn có những người dễ nản lòng khi gặp trở ngại; bên cạnh những người trung tín và kính sợ Thiên Chúa thì còn có những người “cứng đầu cứng cổ” mà trái lệnh Thiên Chúa. Từ đó chúng ta có thể hình dung ra sự khó khăn khi bước đi cùng nhau: người khỏe mạnh thì phải nâng đỡ và chờ đợi người đau yếu, lớn tuổi và trẻ em – và ngược lại, những người đau yếu và lớn tuổi cũng phải cố gắng đi theo những người mạnh khỏe; người nhanh nhẹn phải chờ đợi người chậm chạp, còn người chập chạp lại phải cố gắng để theo kịp những người nhanh nhẹn. Tóm lại, tất cả mọi người, vì có những có cá tính riêng và giới hạn riêng, đều phải bỏ mình để mới có thể đi cùng nhau được. Thế nhưng tất cả mọi người đều chấp nhận những giới hạn xác hồn của nhau để bước đi cùng nhau.

Thật vậy, sách Xuất Hành tường thuật cho chúng ta biết rằng, Mose đã nói với Pharaon về việc con cái Israel, gồm cả người trẻ và người lớn tuổi, ra đi đến núi Sinai để thờ phượng Thiên Chúa (x. Xh 10,9). Sách Xuất Hành cũng cho chúng ta biết rằng, đoàn quân rời Ai Cập là sáu trăm ngàn người, chỉ kể đàn ông mà không kể trẻ em (x. Xh 12,37). Những thông tin này giúp chúng ta hiểu rằng, trong đoàn quân tiến về Đất Hứa, có nhiều người lớn tuổi và trẻ em. Tuy bản văn không nói rõ, nhưng chúng ta cũng chắc chắn rằng, bên cạnh những người lớn tuổi và trẻ em, đoàn quân còn gồm cả những người đau yếu, bệnh tật, và chậm chạp nữa.

Bên cạnh những người yếu đuối về mặt thể xác, chúng ta cũng lưu ý đến những người yếu đuối về mặt tinh thần nữa. Trong cuộc sống chúng ta đã từng gặp những người rất kiên cường khi gặp những khó khăn, nhưng chúng ta cũng đã từng gặp những người dễ nản lòng khi đối diện với những gian khổ. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, sự nản lòng và thiếu sự tín thác vào Chúa là một lỗi phạm; bởi vì, sau khi chứng biết bao nhiêu kỳ công mà Chúa thực hiện bên Ai Cập và ở Biển Sậy, thế nhưng vẫn có những người trong Dân chưa tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Chúa. Vịnh gia đã đề cập đến lỗi lầm của Dân như sau:

      “Họ phải sống trong cảnh tối tăm mù mịt,
      kiếp lầm than xiềng xích gông cùm;
     vì họ chống cưỡng lời Thiên Chúa,
     dám khinh nhờn lệnh Đấng Tối Cao,
     Người bắt họ nếm mùi gian khổ,
     phải lao đao mà không kẻ đỡ nâng” (Tv 107,10-12).

Thật vậy, trong lịch sử của dân Israel, chúng ta cũng có thể nhận ra điều mà Vịnh gia đã đề cập đến. Cụ thể là thái độ của cái Israel ngay sau khi rời Biển Sậy: cho dù toàn thể con cái Israel đã chứng kiến biết bao việc kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện tại đất Ai Cập và tại Biển Sậy, nhưng khi họ phải đối diện với tình trạng thiếu lương thực, lập tức họ than phiền và tiếc nuối về việc rời Ai Cập (x. Xh 16,1-3). Khi đối diện với tình trạng thiếu nước, họ lại hối tiếc về việc rời Ai Cập (x. Xh 17,1-7). Thậm chí, sau khi do thám đất Canaan, họ còn định ném đá Môsê và muốn chọn một người làm đầu để đưa họ trở lại Ai Cập (x. Ds 14,1-9). Như vậy, bên cạnh những người kiên cường và trung tín với Thiên Chúa như Môsê, Aharon, Giosue, và Caleb, thì còn có những người dễ nản lòng và thiếu tín tưởng vào Thiên Chúa. Do đó, khi bước đi cùng nhau, những người trung tín và kiên cường phải khích lệ và nâng đỡ những người dễ nản lòng và thiếu trung tín với Thiên Chúa, để cùng nhau hoàn thành cuộc hành trình mà tiến về Đất Hứa.

  1. Giáo Hội – Dân Mới của Thiên Chúa

Sự hiệp nhất giữa con cái Israel và dân ngoại để trở nên “Dân Thiên Chúa” được đề cập đến trong Thánh vịnh 107 chỉ là sự chuẩn bị cho Dân Thiên Chúa do chính Chúa Kitô thiết lập là Hội Thánh. Thật vậy, Hội Thánh của Chúa Kitô là sự hợp nhất tất cả dân tộc trên thế giới để trở nên một Dân được Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc.

Thiên Chúa không của riêng một dân tộc nào, nhưng tất cả mọi dân tộc đều được Người tuyển chọn để trở nên một dân tộc duy nhất và thánh thiện (x. 1Pr 2,9; GLHTCG 782). Theo thánh ý của Chúa Cha, Ngôi Lời trở nên xác phàm và cứu chuộc nhân loại để thiết lập Triều đại Thiên quốc (x. Ga 1,14; Mc 1,15). Thật vậy, chính Chúa Giêsu đã nói rằng Người không tự mình làm hay truyền dạy điều gì, nhưng luôn luôn theo thánh ý của Chúa Cha (x. Ga 6,37-38; 8,28). Do đó, việc Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ đi loan Tin Mừng cho mọi dân nước (x. Mt 28,19; Mc 16,15; Lc 24,47-48; Ga 20,21-23; Cv 1,8) được hiểu cách minh nhiên rằng, đó là thánh ý của Chúa Cha.

Điều kiện để trở nên thành viên của Dân Thiên Chúa không phải là do huyết thống nhưng là “được sinh ra từ trên”, “bởi nước và Thánh Thần” (Ga 3,3-5), tức là nhờ tin vào Đức Kitô và nhờ Phép Rửa. (GLHTCG 782; 1267). Thật vậy, không ai có thể nại đến huyết thống để nghĩ rằng mình được ưu tiên trong việc trở nên thành viên của Dân Thiên Chúa. Chính thánh Gioan Tẩy Giả đã cảnh báo rằng: Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: Chúng ta đã có tổ phụ Abraham. Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham (Mt 3,9). Như vậy, sự “sinh ra bởi nước và Thánh Thần” sẽ là điều kiện không thể thiếu để một ai đó trở nên thành viên của Dân Thiên Chúa.

Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, sự hiệp nhất của tất cả các thành viên trong Dân này không chỉ hợp nhất nên dân tộc, mà trở nên một thân thể với vị Thủ Lãnh (Đầu) là Đức Kitô (x. GLHTCG 782; 695). Đó chính là điều mà Thánh Phaolô đã khẳng định rằng, tất cả chúng ta, dầu là Dothái hay Hylạp, cắt bì hay không cắt bì, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể của Đức Kitô (x. 1Cr 12,13; Cl 3,11; Gl 3,28). Như vậy, mỗi Kitô hữu trong Hội thánh không chỉ nhìn nhận mình được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn để trở nên Dân Thiên Chúa, mà còn được mời gọi đón nhận mọi người trong tình yêu thương và hiệp nhất trong thân mình của Đức Kitô. Sự hiệp nhất đã trở nên tuyệt đối nhờ Chúa Kitô.

Thật vậy, mỗi thành viên của Hội thánh đều cảm nhận được niềm hạnh phúc lớn lao khi được Thiên Chúa quy tụ để trở nên một Dân thánh, một thân thể của Đức Kitô. Như thế, lời ca của Vịnh gia được cất lên nơi cộng đoàn Giêrusalem vẫn được tiếp tục vang lên trong những buổi cầu nguyện của Hội Thánh với tâm tình niềm xác tín mới, đó là Dân Mới của Thiên Chúa.

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ,
muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Họ sẽ cùng nói lên như vậy,
những người được CHÚA thương giải thoát;
giải thoát cho khỏi tay địch thù,
triệu tập về từ bao viễn xứ,
khắp miền nam bắc, khắp ngả đông tây(Tv 107,1-3).

  1. Con đường duy nhất của Giáo Hội Giêsu

Giáo Hội là Dân Mới của Thiên Chúa mà Ngài đã cứu chuộc bằng giá máu của chính người Con duy nhất và yêu dấu của mình (x. Ga 3,16-17). Sự cứu chuộc của Ngôi Lời đã nối kết mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người đã bị phá vỡ do tội lỗi. Sự cứu chuộc của Ngôi Lời là Tin Mừng lớn lao cho chúng ta, vì đã khỏa lấp nỗi khát khao Thiên Chúa luôn nằm sâu trong tâm khảm mỗi người. Thật vậy, nơi sâu thẳm trong tâm hồn, mỗi tín hữu đều cảm thấy sự đói khát Thiên Chúa giống như Philipphe: Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện (Ga 14,8). Thật vậy, con người chẳng còn ao ước nào khác ngoài việc được chiêm ngắm Thiên Chúa Tình Yêu.

Để được chiêm ngắm Thiên Chúa và đi sâu vào mối tương quan với Người, mỗi tín hữu cần ý thức rằng, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất, đó là Đức Giêsu. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6). Trong Tin Mừng Matthêu, chúng ta cũng gặp lời tương tự sau đây của Chúa Giêsu: “Không ai biết Người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11,27). Như thế, Chúa Giêsu là con đường duy nhất để chúng ta có thể đến cùng Chúa Cha. Ngoài Người, không có bất cứ con đường nào khác có thể dẫn chúng ta đến với Chúa Cha. Đó cũng chính là điều mà thánh Phêrô và thánh Gioan đã tuyên xưng: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4,12). Thật vậy, nếu không đến với Chúa Giêsu, lòng khao khát Thiên Chúa của chúng ta sẽ chỉ dừng lại là một ước mơ mà thôi. Như vậy, Chúa Giêsu là con đường duy nhất mà nhờ đó chúng ta đến cùng Chúa Cha.

Đi trên con đường “Giêsu” là đi vào sự hiệp thông với với Chúa Giêsu; tức là ở lại trong tình yêu của Người. Chỉ khi hiệp nhất với Chúa Giêsu, chúng ta mới có thể sống đẹp lòng Chúa Cha. Như vậy, chính khi sống kết hiệp với Chúa Giêsu mà chúng ta có thể đi vào mối tương quan thân ái của Chúa Cha.

Tuy nhiên, mỗi tín hữu không thể tách biệt và xa lạ với nhau khi cùng đến với Chúa Giêsu để đến với Cha. Cũng giống như dân Israel có chung một con đường sa mạc Biển Sậy và chấp nhận đi chung với nhau để tiến về Đất Hứa, các tín hữu cũng xác tín là họ có chung một con đường duy nhất là “Giêsu” và phải cùng nhau bước trên con đường đó để đến với Chúa Cha: chúng ta xác tín rằng mình chỉ có thể cùng nhau bước đi trên cuộc hành trình đức tin – cuộc hành trình đến với Cha trên con đường “Giêsu”, khi biết hiệp thông với tha nhân, góp phần cho ích chung, cũng như đón nhận và trân trọng những đóng góp của tha nhân.

Thật vậy, khi tất cả chúng ta khát vọng sống hiệp nhất với Chúa Giêsu, chúng ta cần phải sống hiệp nhất với nhau. Chúng ta không thể nào tưởng tượng được rằng, chúng ta trở nên một với Chúa Giêsu mà lại có thể loại trừ tha nhân khi họ cũng trở nên một với Người. Khi chúng ta loại trừ tha nhân thì chắc chắn rằng, vị “thiên chúa” mà chúng ta tôn thờ không phải là Thiên Chúa đích thực mà mọi người khát khao sống trong mối hiệp thông.

Mặt khác, chúng ta cũng nhận thấy rằng, khi hiệp nhất với Chúa Giêsu, chúng ta không thể loại trừ tha nhân là những người mà Chúa Giêsu đã đổ đến giọt máu cuối cùng để cứu chuộc họ. Như vậy, để hiệp nhất với Chúa Giêsu, mỗi người ý thức rằng bản thân mình cần phải sống hiệp nhất với tha nhân là những người mà Chúa Giêsu luôn khát khao hiệp nhất tất cả chúng ta lại (x. Ga 17,20-23).

Sống hiệp nhất với nhau đòi hỏi mỗi người phải chấp những giới hạn của nhau; bởi vì, không ai trong chúng ta là người hoàn hảo. Là Kitô hữu, chúng ta ý thức được rằng, mỗi người cần phải sống theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu. Tuy nhiên, chúng ta nhìn nhận rằng, cho dù đã cố gắng và mong muốn noi gương Thầy Chí Thánh, cuộc sống của chúng ta lại luôn là một thực tế phũ phàng và tệ hại. Nếu chúng ta có thủ đắc được một nhân đức nào đó thì cũng chính là nhờ ơn Chúa mà thôi. Thật vậy, bên cạnh những điều tốt, chúng ta còn vô số những điều còn giới hạn. Nếu sự hiệp nhất đặt điều kiện trên sự hoàn hảo cá nhân, sự hiệp nhất sẽ vẫn chỉ là một dự phóng trong tương lai. Như vậy, để sống hiệp nhất với nhau, chúng ta cần chấp nhận những yếu đuối và những giới hạn của nhau. Đó chính là điều thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3,13). Khi chúng ta đón nhận tất cả những yếu đuối xác hồn của nhau trong Chúa Giêsu, sự hiệp thông của chúng ta với Chúa Giêsu mới thật sự xác thực và triển nở; mặc dù, đón nhận những yếu đuối xác hồn của nhau luôn đòi hỏi mỗi người chúng ta cần có sự cố gắng và ơn Chúa trợ giúp.

Hơn nữa, sống hiệp nhất với nhau còn đòi hỏi mỗi người phải sẵn sàng gánh lấy trách nhiệm về những lỗi lầm của tha nhân. Trong cuộc sống, chúng ta có cơn cám dỗ xác định rõ lỗi lầm của ai và quy trách nhiệm cho người đó. Nhìn vào thực tế, những sai lầm, dù muốn hay không, nó cũng đã xảy ra rồi. Quy kết trách nhiệm cho ai đó đôi khi không mang lại cho chúng ta một kết quả như mong muốn. Vì thế, thay vì trách cứ, có lẽ chúng ta cùng chung tay vào việc khắc phục điều đáng tiếc đó. Đó chính là điều mà thánh Phaolô đã dạy: “Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy; …. Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Gl 6,1-2).

Như vậy, con đường duy nhất mà Giáo Hội có thể bước đi để chiêm ngắm Chúa Cha là Chúa Giêsu. Ngoài Chúa Giêsu, nỗi khát vọng sâu xa của con người sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Thật vậy, con đường “Giêsu” sẽ làm một cuộc trao đổi kì diệu là làm cho chúng ta trở nên xinh đẹp và thánh thiện đối với Chúa Cha, cho dù chúng ta thật sự tội lỗi và bất xứng. Nhưng kết hiệp với Chúa Giêsu cũng đòi hỏi mỗi tín hữu đón nhận tha nhân và sống hiệp thông với mọi người; tức là chịu đựng những yếu đuối xác hồn của nhau và cùng nâng đỡ nhau trong đời sống đức tin. Thật vậy, chính trong sự hiệp thông với nhau trong Chúa Giêsu, mỗi tín hữu sẽ cảm nhận được sự hiện diện đầy dịu ngọt của Thiên Chúa và sự bình an sâu thẳm. Đó chính là niềm hạnh phúc Thiên Đàng cho chúng ta.

Kết luận

Tóm lại, với một vài tư tưởng rút ra từ Thánh vịnh 107, chúng ta cảm nhận được sự hiệp hành của dân Israel – Dân Chúa tuyển chọn và yêu thương. Do bởi tình thương, Thiên Chúa đã không chỉ quy tụ con cái Israel thành Dân của Người, mà còn mở rộng ra cho tất cả mọi người từ mọi dân nước. Tiếp đó, Thiên Chúa đã đưa Dân của Người thoát khỏi cảnh nô lệ bên Aicập mà trở về Đất Hứa để định cư và hưng thịnh. Để đi từ Aicập và trở về Đất Hứa, Thiên Chúa đã chọn con đường sa mạc Biển Sậy cho Dân bước đi. Trong tâm tình cảm tạ Chúa, Dân Chúa đón nhận nhau để cùng bước đi trên cùng một con đường để tiến về vùng Đất Hứa.

Tuy nhiên, những điều mà Thánh vịnh 107 đã đề cập đến chỉ là hình ảnh tiên báo về một sự hiệp hành nơi Giáo hội của Chúa Kitô. Thật vậy, Giáo hội là Dân Mới của Thiên Chúa mà Người đã quy tụ tất cả nhân loại lại. Cuộc hành trình của Dân Mới của Thiên Chúa không phải tiến về một nơi nào đó để định cư và hưng thịnh, nhưng là một cuộc hành trình đức tin để đi vào mối tương quan tình yêu với Thiên Chúa – Người Cha đầy yêu thương và bao dung.

Niềm khát vọng sâu xa của con người là được diện kiến thánh nhan Thiên Chúa và đi sâu vào mối tương quan tình yêu với Người. Điều đó làm thỏa lòng một cách tuyệt đối mọi mong ước của lòng người. Nhưng để đến với Chúa Cha và sống trong mối hiệp thông yêu thương với Người, chúng ta chỉ có một con đường duy nhất là Giêsu. Chính Chúa Giêsu hiệp nhất chúng ta lại với nhau và hiệp nhất chúng ta lại với Chúa Cha: Hiệp nhất với Chúa Giêsu, con người trở nên xinh đẹp và thánh thiện, và từ đó con người được Thiên Chúa sủng ái. Đó chính là Thiên Đàng của chúng ta.


CÙNG NHAU QUY TỤ
LẮNG NGHE LỜI CHÚA

Giuse Phan Văn Phi

Việc dân Chúa quy tụ lắng nghe và suy tôn Lời Chúa là một trong những nét cổ điển của phụng vụ Kitô giáo, và chắc chắn đây là sự kế thừa truyền thống của Hội đường Do thái, truyền thống này đã có từ thời Étra mà sách Nơkhemia thuật lại vào thời hồi hương sau lưu đày thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên.

Dân tập họp trong Hội đường vào ngày Sabát để tôn thờ Thiên Chúa, lắng nghe bài đọc Sách Thánh và được các tư tế giải thích, đó là sinh hoạt hằng tuần của người Do thái vào ngày Sabát. Việc suy tôn Sách Thánh cho thấy dân Do thái xác tín đó lời của Thiên Chúa nói với dân, và là sự hiện diện của Thiên Chúa trong cộng đoàn. Họ dành nhiều thời gian trong ngày Sabát để lắng nghe và tôn vinh Sách Thánh, và đó là luật buộc của ngày Sabát.
Đọc và lắng nghe Sách Thánh chiếm chỗ quan trọng trong phụng vụ Do thái. Sách Nơkhemia 8,1-12 cho thấy truyền thống sống động này:  Tư tế Étra đọc sách Luật từ sáng đến trưa trước toàn thể dân chúng. Toàn dân cung kính tung hô và sấp mặt xuống đất thờ lạy Đức Chúa. Thiên Chúa nói và giáo dục dân qua lời Sách Thánh, lời của Thiên Chúa được coi là sự hiện diện của Người giữa dân, người Do thái tôn trọng cung kính và sống theo lời Thiên Chúa dạy[1].

Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về việc “cùng nhau quy tụ lắng nghe Lời Chúa”, trích từ sách Nơkhemia (Nkm 8,1-12).

  1. Giáo huấn của Sách Thánh về việc Thiên Chúa quy tụ dân Người

Cựu Ước cho thấy: Thiên Chúa đã tạo ra con người, có nam có nữ, theo hình ảnh và họa ảnh Người như một hữu thể xã hội được kêu gọi làm việc với Người bằng cách tiến tới trong dấu hiệu hiệp thông, bằng cách chăm sóc vũ trụ và hướng nó về mục tiêu của nó (St 1,26-28). Ngay từ đầu, tội lỗi làm hỏng kế hoạch của Thiên Chúa, xé tan mạng lưới các mối quan hệ có trật tự vốn nói lên sự thật, sự tốt lành và vẻ đẹp của sáng thế, và làm trái tim của người đàn ông và của người đàn bà không còn nhận ra ơn gọi của họ. Tuy nhiên, Thiên Chúa giàu lòng thương xót, đã củng cố và làm mới lại giao ước của Người nhằm đem tất cả những gì đã bị phân tán trở lại con đường thống nhất, chữa lành tự do của con người và hướng dẫn nó đến chỗ chào đón và sống ơn hợp nhất với Thiên Chúa và hiệp nhất với anh chị em trong thế giới, vốn là ngôi nhà chung của chúng ta (St 9,8-17; 15; 17; Xh 19-24; 2Sm 7,11).

Khi thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, Người triệu tập Ápraham và các hậu duệ của ông (xem St 12,1-3; 17,1-5; 22,16-18). Cuộc triệu tập này (לַ חָ ק / דהֵע – thuật ngữ đầu tiên thường được dịch sang tiếng Hy lạp là έκκλησία), được phê chuẩn trong giao ước Sinai (xem Xh 24,6-8; 34,20tt), làm cho dân vừa được giải phóng khỏi chế độ nô lệ trở thành quan trọng và xứng đáng với Thiên Chúa; trong cuộc hành trình xuất hành, họ tụ họp quanh Thiên Chúa của họ để cử hành việc thờ phượng Người và sống theo luật pháp của Người, nhìn nhận rằng họ thuộc một mình Người (xem Đnl 5,1-22; Gs 8; Nkm 8,1-18). דהֵע /לַ חָ ק) qahal / ‘edah) là hình thức đầu tiên trong đó ơn gọi có tính hiệp hành của dân Chúa được biểu lộ. Trong sa mạc, Thiên Chúa ra lệnh điều tra dân số các chi tộc Israel và dành cho mỗi chi tộc một vị trí (x. Ds 1-2). Ở trung tâm của cuộc triệu tập là Chúa, như Người hướng dẫn và chăn chiên duy nhất của họ; Người hiện diện qua thừa tác vụ của Môsê (xem Ds 12,15-16; Gs 8,30- 35), Người mà những người khác có liên hệ với một cách lệ thuộc và ‘có tính hợp đoàn’: các thủ lãnh (xem Xh 18,25-26), các trưởng lão (xem Ds 11,16-17,24-30), và các thầy Lêvi (x. Ds 1,50-51). Cuộc triệu tập Dân Thiên Chúa không chỉ bao gồm đàn ông (Xh 24,7-8) mà còn cả phụ nữ và trẻ em và cả người ngoại quốc nữa (xem Gs 8,33,35). Đó là đối tác được Chúa triệu tập mỗi khi Người đổi mới giao ước của Người (x. Đnl 27-28; Gs 24; 2V 23; Nkm 8)[2].

Chương đầu tiên của cuốn sách “Tính hiệp hành: Nền Tảng Kinh Thánh của việc Đi Chung Cùng Nhau[3] của linh mục Aldo Martin, xuất bản 2021, nói về việc Giáo hội được triệu tập. Tác giả đã trình bày một số từ ngữ chính yếu trong Cựu Ước – nói về “cuộc triệu tập [qāhāl, ’ēdāh, ’am]”, và “chi tộc – קיבוץ qbṣ” – đã đi đến kết luận rằng: trước tiên, điều tạo nên dân tộc Israel không phải là về một lý do địa lý, lịch sử hay chính trị, như các quốc gia khác trên thế giới này. Nhưng dân Israel có nguồn gốc từ một sáng kiến thánh ​​thiêng, đó là dân thánh của Thiên Chúa – và Đức Chúa chính là Thiên Chúa của Israel – được gọi và tập hợp dân. Đối với Tân Ước, các danh từ Giáo hội [ekklēsia] và dân Chúa [laos], cũng như các từ ngữ với nhau [συνάγω; synagō] và từ ngữ quy tụ [συνέρχομαι; synerchomai] cũng được nói tới sẽ là một điểm nhấn chú ý đến việc được triệu tập của Dân Chúa. Thuật ngữ chính thức mà Kitô hữu thể hiện danh tính của họ là Giáo hội [ekklēsia], được kế thừa ý nghĩa này có  từ trong bản Kinh Thánh Bảy Mươi [LXX = Septuaginta]: nghĩa là Cộng đoàn, cũng như dân Israel, Giáo hội là của Thiên Chúa, thuộc về Người và được Người quy tụ xung quanh Đấng Cứu Thế. Các Kitô hữu, dù tập hợp hay tản mác “khắp nơi” (1Cr 1,2), thì luôn luôn và trong mọi trường hợp, họ vẫn là một “Giáo hội”. Và trong lời tiên tri của Cai-pha (x. Ga 11,49-53), chúng ta khám phá ra rằng, chính cái chết của Đức Giêsu đã “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối”: chính biến cố Phục Sinh, Thiên Chúa hiệp nhất nhân loại với nhau[4].

  1. Bản văn nền tảng trích trong sách Nơkhemia, chương 8,1-12[5]

Vua Nabucôđônôxo, người đứng đầu quân đội Babylon bao vây Giêrusalem và phá hủy Đền thờ và bức tường thành vào năm 587 TCN. Những người dân bị bắt đi đày. Sau một thời gian dài bị giam cầm ở Babylon, người Do Thái trở về quê hương của họ vào năm 538 trước Công nguyên theo sắc lệnh của Cyrus. Sách Nơkhemia cho thấy dân Chúa trở về từ nơi bị lưu đày phù hợp với những lời hứa của Thiên Chúa. Sách này nói về câu chuyện Thiên Chúa cứu chuộc dân Người và sự phục hồi của Giêrusalem. Chương thứ tám của sách Nơkhemia tường thuật cách dân chúng mến mộ sách Luật Môsê và sự tôn trọng của họ đối với Lời Thiên Chúa thật lớn lao biết mấy!

Sư kiện đọc Sách Luật lần dầu tiên trước mặt cộng đồng đánh dấu một ngày trọng đại trong lịch sử dân thánh. Cho đến thời điểm ấy, người dân Israel sống đức tin của mình bằng cách cầu nguyện và tham dự các nghi lễ của Đền Thờ. Họ đón nhận giáo huấn và những quyết định của Thiên Chúa từ các vị tư tế và các ngôn sứ. Ở thời điểm này, họ không cảm thấy nhu cầu đọc Kinh Thánh. Nhiều cuốn Kinh Thánh đã hình thành, nhưng người ta chỉ lưu giữ trong Đền Thờ hoặc trong cung điện nhà vua mà thôi. Những sách ấy nằm ở ngoài tầm tay của dân chúng.

Khi không còn các ngôn sứ như trước đây nữa, ông Étra hiểu rằng, từ đây về sau, cộng đồng Do Thái sẽ triển nở nhờ đọc, suy niệm và giải thích Sách Thánh. Chính ông Étra cố gắng sưu tập và bổ túc các cuốn Sách Thánh; và đó chính là bước khởi đầu cho một kỷ nguyên mới, trong đó Kinh Thánh sẽ là sách của mọi người và chính là nền tảng đức tin của họ.

Cộng đồng được ông Étra quy tụ sẽ là mẫu mực cho đời sống tôn giáo của cộng đồng Do Thái. Người ta không bỏ đi việc phượng tự long trọng ở Đền Thờ; nhưng từ nay về sau, trong tất cả các thành, người Do Thái sẽ có hội đường; đó là nơi họ tụ họp vào ngày sabát để lắng nghe Lời Chúa và hát Thánh vịnh.

Một chuyển biến mang tính tôn giáo và văn hóa này tương tự như điều đã ảnh hưởng đến Hội thánh trong một số năm trước đây. Người tín hữu đi đến nhà thờ; họ cầu nguyện và để cho người khác hướng dẫn mình; còn Kinh Thánh thì rất xa lạ đối với họ. Trái lại, giờ đây đức tin Kitô giáo chỉ được củng cố bởi Lời Thiên Chúa được đọc, được lắng nghe trong cộng đoàn: quả thật, chúng ta đã quá trễ: sự canh tân này lẽ ra đã phải bắt đầu từ bốn thế kỷ trước đây, khi đạo Tin lành mới khai sinh.

  1. Một số khía cạnh suy tư về việc được Chúa quy tụ

a. Chiều kích cộng đoàn

Chúng ta cần lưu ý rằng bản văn cho biết tất cả những người hiện diện ở đó “gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn” (Nk 8,2). Họ quây quần bên nhau như một gia đình. Tất cả dân Israel sẵn sàng tham gia vào cuộc họp, không ai bị loại trừ.

Cộng đoàn được ông Étra quy tụ trở thành mẫu mực cho đời sống tôn giáo của cộng đồng Do Thái. Người ta không bỏ đi việc phượng tự long trọng ở Đền Thờ; nhưng từ nay về sau, người Do Thái sẽ có hội đường trong tất cả các thành phố; đó là nơi họ tụ họp để lắng nghe Lời Chúa và hát Thánh vịnh vào các ngày Sabát để tạ ơn Thiên Chúa. Khi dân chúng tụ họp trong những hội đường, họ suy niệm về sự trung thành của Thiên Chúa với dân Người, bất chấp tội lỗi của họ. Vì thế, họ tràn đầy niềm vui, lòng yêu mến và biết ơn đối với Thiên Chúa, vì cách cư xử nhân từ của Người đối với họ.

b. Việc tôn kính đối với Lời Chúa

Tất cả dân chúng luôn khao khát được nghe Sách Luật. Đó là lý do tại sao họ yêu cầu ông Étra phải mang Sách Luật Môsê đến và đọc cho họ nghe. Chúng ta hãy lưu ý chi tiết mô tả về phản ứng của dân chúng: “Bấy giờ, ông Étra chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng:Amen! Amen!” Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa” (Nk 8,6); và “toàn dân đều khóc khi nghe lời sách Luật” (Nk 8,9). Đó là thái độ tôn trọng và tâm tình của họ đối với Lời Chúa. Nơkhemia nói với dân chúng: “Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8,11). Niềm vui của Chúa ban đến từ việc thật lòng sám hối ăn năn và hiểu biết đúng đắn về Lời Chúa. Thiên Chúa và Lời Chúa chính là nguồn vui lớn lao cho dân người. Chúng ta cũng được mời gọi hãy vui mừng và hân hoan trong Chúa (x. Tv 5,12; 9,2-3; 32,11).

Lời kết

Qua bản văn Nơkhemia 8,1-12, chúng ta thấy rằng dân Israel được quy tụ với một nền phụng tự thánh thiêng mà sự khao khát được Thiên Chúa nung nấu trong tâm hồn thúc đẩy họ đến với Chúa trong tâm tình hân hoan và cảm tạ về lòng nhân từ của Người. Họ tìm về bên Chúa để cùng nhau lắng nghe, tôn kính và thực hành Lời Chúa.

Đây là một trong những hình ảnh đẹp giúp chúng ta suy tư về tiến trình Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 hướng về Giáo Hội Hiệp Hành hiện nay. Chúng ta vui mừng và tạ ơn Chúa vì sự hiện diện liên tục của Người trong hành trình đời sống của Giáo hội. Tạ ơn Chúa vì Chúa luôn quy tụ dân Người lại với nhau, để “cùng nhau để lắng nghe và thực hành Lời Chúa”, và đem Chúa đến với tha nhân. Như vậy, tiến trình hiệp hành cũng là một hành trình chào đón tất cả mọi người cùng tham gia, cùng bước đi trong niềm tin yêu và hy vọng.


CỘNG ĐOÀN GIÊRUSALEM
SỐNG TINH THẦN HIỆP HÀNH

Án Khảm[6]

 

I. Hiệp hành

Mùa Vọng năm 2021 các giáo phận tại Việt Nam đã khai mạc Thượng hội đồng Giám mục thế giới với chủ đề Hiệp hành. Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về chủ đề này để cùng Giáo hội sống tinh thần hiệp hành.

  1. Lý do

Để chuẩn bị cho Thượng hội đồng Giám mục thế giới tổ chức vào tháng 10 năm 2023, Đức Thánh cha Phanxicô đã chọn chủ đề: Hiệp Hành. Có những lý do để ngài chọn chủ đề này.

1. Hiệp hành vốn là cách sống của Chúa Giêsu và Giáo hội thời sơ khai. Mọi thành phần đều bình đẳng và hiệp nhất trong Giáo hội. Nhưng với thời gian, Giáo hội đã đánh mất cách sống này và nay cần phải trở về nguồn.

2. Khác với nếp sống hiệp hành lúc ban đầu, nạn giáo sĩ trị lấn át trong Giáo hội và người ta phân chia ra hai phía: Người ra lệnh với người thi hành; người dạy dỗ với người thụ huấn; người lãnh đạo với người vâng phục. Phân biệt đó làm cho Giáo hội suy yếu, gây nên nhiều tệ nạn.

3. Những lần trước Thượng Hội đồng được tổ chức từ trên xuống dưới: trên ban hành, dưới học tập thi hành. Nhưng lần này, Đức Thánh cha áp dụng tinh thần hiệp hành cho tổ chức từ dưới lên trên. Vì thế, Thượng Hội đồng bắt đầu từ các giáo phận. Tại Việt Nam các giáo phận đã khai mạc tiến trình này vào Mùa Vọng năm 2021, và năm 2022 tiến hành trong toàn Giáo hội Việt Nam và năm 2023 là Thượng Hội đồng thế giới.

2. Định nghĩa

Hiệp hành là gì? Hiệp là cùng nhau; hành là đi. Như vậy, hiệp hành là đi cùng nhau. Chúng ta hiểu cách đơn giản là như thế nhưng thực tế lại phức tạp và khó thực hiện.

Hành là đi, nhưng phải có mục đích. Giáo hội là lữ hành: tiến về quê trời. Chính vì thế, Giáo hội phải đi trong đường lối của Thiên Chúa.

Hiệp là cùng nhau, nhưng không những là cùng nhau đi, cùng nhau làm mà còn phải cùng chung ý nghĩ, chung tâm tình. Hơn nữa Chúa Giêsu đã nói: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Vì thế đi cùng nhau cũng là đi cùng Chúa, theo sự hướng dẫn của Chúa và hợp nhất trong Chúa.

Chính vì thế khi đề ra chủ đề hiệp hành, Giáo hội kèm theo những tôn chỉ để thực hiện hiệp hành, đó là: hiệp thông, tham gia và sứ vụ. Trong hiệp thông còn phải có gặp gỡ, đối thoại và phân định. Nguyên tắc đã rõ ràng. Vậy thực hành thế nào?

  1. Thực hành

Để thực hành tôn chỉ hiệp hành, Thượng Hội đồng Giám mục thế giới đề nghị ba điểm: hiệp thông, tham gia, sứ vụ. Ba điểm này được thực hiện từ tĩnh đến động, từ thái độ tinh thần đến hoạt động cụ thể và đặc biệt dấn thân.

Hiệp thông

Để nên một lòng một ý cần phải có cảm thông, để cảm thông phải gặp gỡ, muốn gặp gỡ có kết quả tích cực phải đối thoại, muốn đối thoại phải lắng nghe, nhưng để đối thoại đạt đến hiệp thông cần phân định.

Tham gia

Hiệp thông là trạng thái “tĩnh”của sự hài hoà, đồng tâm nhất trí. Cần phải tiến tới thái độ “động” tích cực hơn. Nhất là tích cực Tham gia trong các sinh hoạt của cộng đoàn, trong tổ chức, trong suy tư, trong hội họp, trong sự đồng cảm, và đặc biệt, trong công việc cụ thể.

Sứ vụ

Tham gia ở mức cao độ đó là dấn thân vào sứ vụ: đảm nhận trách nhiệm, hy sinh thời giờ và công sức cho việc chung. Cộng đoàn tín hữu sơ khai chính là mẫu gương trong việc thực hành sứ vụ này.

II. Cộng đoàn Tín hữu sơ khai

Ta hãy chiêm ngắm Giáo hội sơ khai trong hai tình huống: tình huống thứ nhất: chọn bảy phó tế; tình huống thứ hai: giải quyết vấn đề cắt bì.

  1. Chọn bảy Phó tế

Sách Công vụ Tông đồ tường thuật: “Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do thái theo văn hóa Hy lạp kêu trách những tín hữu Do thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà góa trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: ‘Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.” Đề nghị trên được mọi người tán thành. Họ chọn ông Stêphanô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Philípphê, Pơrôkhôrô, Nicano, Timôn, Pácmêna và ông Nicôla, một người ngoại quê Antiôkhia đã theo đạo Do thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông đồ đặt tay trên các ông. Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn và tại Giêrusalem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin” (Cv 6,1-7).

Trong đoạn văn  trên ta vừa nghe nói về việc chọn bảy phó tế, cộng đoàn Tín hữu sơ khai đã sống hiệp thông qua việc gặp gỡ, đối thoại và phân định.

a. Hiệp thông

Thoạt tiên là vấn đề phát sinh khi cộng đoàn phát triển lớn mạnh. Trong các buổi sinh hoạt, cộng đoàn bày tỏ tinh thần hiệp thông. Sau khi hiệp thông nghe Lời Chúa và cử hành lễ nghi bẻ bánh, mọi người cùng chia sẻ bữa ăn với nhau. Khi số người trong cộng đoàn tăng lên, thì việc hiệp thông có thiếu sót: Những bà goá thuộc cộng đoàn Hy lạp bị bỏ quên. Họ đã đệ trình vấn đề lên cộng đoàn và các Tông đồ.

Gặp gỡ

Thiếu hiệp thông trong các sinh hoạt cộng đoàn là vấn đề trầm trọng. Các Tông đồ đã đã sống hiệp thông: Trước hết các ngài đến gặp gỡ các đương sự, không né tránh vấn đề, không từ chối trách nhiệm, càng không quan liêu ngồi trên phán xuống, nhưng đến tận nơi gặp gỡ để nắm bắt vấn đề, khiêm tốn nhìn nhận lỗi lầm thiếu sót, cũng không nghe rồi ém nhẹm, bỏ qua, nhưng thẳng thắn thảo luận và dứt khoát tìm phương án giải quyết.

Đối thoại

Và trong gặp gỡ, các ngài đã đối thoại: Trước hết là lắng nghe những phản ảnh của người dưới để hiểu rõ sự việc, đây là vấn đề nghiêm trọng, vì đụng đến nền tảng của Giáo hội là hiệp thông và bác ái: Trong cử hành hiệp thông nhưng lại thiếu hiệp thông; trong thi hành bác ái lại thiếu bác ái trầm trọng. Sau đó là đối thoại. Qua việc đối thoại, các ngài thấy vấn đề và mời gọi mọi người cùng nhau giải quyết với mục đích là đổi mới và thăng tiến cộng đoàn.

Phân định

Phải chăng mọi người muốn các Tông đồ lo việc phân phát bữa ăn? Các Tông đồ đã có một phân định chính xác: Tuy phân phát bữa ăn là cần và phải có người phụ trách, nhưng việc rao giảng Lời Chúa và cầu nguyện còn cần thiết hơn. Vì thế, thánh Phêrô nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6,3-4).

Khi phân định đúng, các Tông đồ hành động và tổ chức đúng. Nhờ đó, ai nấy đều tán thành ý kiến của các Tông đồ và tích cực tham gia.

b. Tham gia

Thánh Phêrô đã đưa ra vấn đề để mọi người cùng tham gia, rồi chính cộng đoàn phải bầu chọn ra bảy người xứng đáng dựa trên tiêu chuẩn: “Tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần khí và khôn ngoan(Cv 6,3).

Ở đây có ba mức độ tham gia:

Tham gia thứ nhất là họp nhau đóng góp ý kiến. Chính cộng đoàn đóng góp ý kiến với thánh Phêrô. Ý kiến đầu tiên là của những người bé nhỏ nhất, của những bà goá bị lãng quên và ý kiến của họ được lắng nghe.

Tham gia thứ hai là bầu chọn người cộng tác. Thánh Phêrô và các Tông đồ không trực tiếp chỉ định nhưng chính cộng đoàn họp nhau tìm kiếm, tham khảo và bầu chọn. Họ tuyển chọn được bảy người tốt, đầy Thần khí và khôn ngoan.

Tham gia thứ ba là bảy vị phó tế cộng tác tích cực vào công việc của cộng đoàn, giúp trong việc điều hành về vấn đề vật chất trong Giáo hội. Tham gia tích cực nhất là các Phó tế đã dấn thân lên đường sứ vụ.

c. Sứ vụ

Sau khi cộng đoàn tuyển chọn, các Tông đồ đặt tay trao ban sứ vụ cho các vị Phó tế. Bảy vị Phó tế từ bỏ hết công việc riêng, dành hết công sức và cả đời sống cho cộng đoàn. Ta thấy trổi vượt là hai vị Stêphanô và Philipphê.

Stêphanô dấn thân tích cực trên đường sứ vụ. Sách Công vụ Tông đồ ghi nhận ngài “đã làm những điềm thiêng dấu lạ”, tràn đầy Thần khí khiến mặt ngài nên như mặt thiên sứ. Ngài có những bài thuyết giảng lẫy lừng và đầy khôn ngoan khiến các thượng tế không thể đối đáp lại được. Dấn thân sứ vụ đến cao điểm là ngài hy sinh chính mạng sống để làm chứng cho đức tin. Cuộc tử đạo của ngài làm cho đức tin cộng đoàn thêm vững mạnh, góp phần vào việc hoán cải Phaolô.

Còn Philipphê thì đi bất cứ nơi đâu Thánh thần sai đến và cũng làm được những điều kỳ diệu: Khi ở Samari đã hoán cải được thầy phù thuỷ Simon, rửa tội cho viên hoạn quan của nữ hoàng Ethiopie. Sau đó, ngài lại được Thánh thần đưa đến tận Cesarê. Ngài đã đi đến cùng sứ vụ và cũng được diễm phúc tử vì đạo.

  1. Giải quyết vấn đề cắt bì

Sách Công vụ Tông đồ thuật lại:Có những người từ miền Giuđê đến dạy anh em rằng: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê, thì anh em không thể được cứu độ.” Ông Phaolô và ông Banaba chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Banaba và một vài người khác lên Giêrusalem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.

Các ông được Hội Thánh tiễn đưa. Khi đi qua miền Phênixi và miền Samari, các ông tường thuật việc các dân ngoại đã trở lại với Thiên Chúa, khiến tất cả các anh em rất đỗi vui mừng. Tới Giêrusalem, các ông được Hội Thánh, các Tông Đồ và kỳ mục tiếp đón và các ông kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với các ông.

Có những người thuộc phái Pharisêu đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Môsê.” Các Tông Đồ và các kỳ mục bèn họp nhau để xem xét vụ này.

Sau khi các ông đã tranh luận nhiều, ông Phêrô đứng lên nói: “Thưa anh em, anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa anh em, để các dân ngoại được nghe lời Tin Mừng từ miệng tôi và tin theo. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can đã chứng tỏ Người chấp nhận họ, khi ban Thánh Thần cho họ cũng như đã ban cho chúng ta. Người không phân biệt chút nào giữa chúng ta với họ, vì đã dùng đức tin để thanh tẩy lòng họ. Vậy bây giờ, sao anh em lại thử thách Thiên Chúa, mà quàng vào cổ các môn đệ một cái ách mà cả cha ông chúng ta lẫn chúng ta đã không có sức mang nổi? Vả lại, chính nhờ ân sủng Chúa Giêsu mà chúng ta tin mình được cứu độ, cùng một cách như họ.”

Bấy giờ, toàn thể hội nghị im lặng. Họ nghe ông Banaba và ông Phaolô thuật lại các dấu lạ điềm thiêng Thiên Chúa đã dùng hai ông mà làm giữa các dân ngoại.

Khi hai ông dứt lời, ông Giacôbê lên tiếng nói: “Thưa anh em, xin nghe tôi đây: Ông Simôn đã thuật lại cho chúng ta rằng: ngay từ đầu, Thiên Chúa đã đoái thương chọn trong các dân ngoại một dân mang danh Người. Những lời các ngôn sứ cũng phù hợp với điều ấy, như đã chép: Sau đó, Ta sẽ trở lại và sẽ xây dựng lại lều Đavít đã sụp đổ; đống hoang tàn đó, Ta sẽ xây dựng lại và Ta sẽ dựng lại lều ấy. Như vậy các người còn lại và tất cả các dân ngoại được mang danh Ta sẽ tìm kiếm Chúa. Chúa phán như vậy, Người là Đấng cho biết những điều ấy tự ngàn xưa.

Vì vậy, phần tôi, tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa, nhưng chỉ viết thư bảo họ kiêng những thức ăn ô uế vì đã cúng cho ngẫu tượng, tránh gian dâm, kiêng ăn thịt loài vật không cắt tiết và kiêng ăn tiết. Thật vậy, từ những thế hệ xa xưa, trong mỗi thành ông Môsê đều có những người rao giảng: họ đọc lời của ông trong các hội đường mỗi ngày sabát.”

Bấy giờ, các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi Antiôkhia với ông Phaolô và ông Banaba. Đó là ông Giuđa, biệt danh là Basaba và ông Xila, những người có uy tín trong Hội Thánh. Các ông trao cho phái đoàn bức thư sau:

“Anh em Tông Đồ và kỳ mục chúng tôi gửi lời chào anh em gốc dân ngoại tại Antiôkhia, tại miền Xyri và Kilikia. Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang. Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Banaba và ông Phaolô, những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi cử ông Giuđa và ông Xila đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh.”

Sau khi được mọi người tiễn chân, các đại biểu xuống Antiôkhia, triệu tập cộng đoàn lại và trao bức thư. Đọc thư xong, họ vui mừng vì lời khích lệ đó. Ông Giuđa và ông Xila, vì cũng là ngôn sứ, đã nói chuyện lâu với các anh em mà khuyên nhủ và làm cho họ được vững mạnh. Hai ông ở lại một thời gian, rồi các anh em lại tiễn chân hai ông trở về bình an với những người đã phái hai ông đi. Nhưng ông Xila quyết định ở lại, chỉ một mình ông Giuđa đi. Còn ông Phaolô và ông Banaba thì ở lại Antiôkhia. Cùng với nhiều người khác, hai ông giảng dạy và loan báo Tin Mừng lời Chúa” (Cv 15,1-35).

Từ trước đến nay những người tin Chúa Giêsu đều là người Do Thái, họ đã chịu phép cắt bì, nhưng nay có những người dân ngoại cũng tin Chúa Giêsu. Khi tin và chịu phép Rửa tội họ cũng nhận được Chúa Thánh Thần. Mọi người tranh luận về việc này: Có cần phải chịu phép cắt bì trước khi chịu phép rửa tội hay không? Các Tông đồ cũng đã giải quyết vấn đề theo đường lối Hiệp hành.

a. Hiệp thông

Gặp gỡ

Khi Phaolô và Banaba cùng phái đoàn tới Giêrusalem, họ được đón tiếp. Đọc trình thuật của sách Công vụ Tông đồ, ta thấy cuộc đón tiếp thật long trọng và thân tình có đầy đủ Hội thánh, các Tông đồ và kỳ mục. Đó là cuộc đón tiếp huynh đệ thân tình của những người anh em đi xa trở về.

Đối thoại

Để có cuộc đối thoại chính thức, cộng đoàn Antiôkia bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Banaba và một vài người khác lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này (Cv 15,2).

Trong cuộc họp tại Giêrusalem có hai luồng ý kiến trái ngược: Một bên là những tín hữu gốc Pharisêu lên tiếng đòi các tân tòng dân ngoại phải chịu cắt bì và giữ luật Môsê. Bên kia là thánh Phaolô và thánh Barnaba đã tường trình sự việc những người ngoại cũng được nhận Chúa Thánh Thần dù chưa chịu phép cắt bì. Còn thánh Phêrô và thánh Giacôbê đóng vai trò phân định.

Phân định

Sự phân định của ngài bao gồm hai điểm: Thứ nhất về phía dân ngoại, Chúa đã ban Thánh Thần cho họ vì họ có đức tin; thứ hai về phía người Do thái, họ được ơn cứu độ nhờ đức tin chứ không phải nhờ Lề luật. Như thế đức tin mới đem lại ơn cứu độ, chứ không phải phép cắt bì và lề luật Môsê.

Thánh Giacôbê cũng dựa vào Thánh Kinh khẳng định Thiên Chúa đã tuyển chọn dân ngoại cho họ trở thành dân Thiên Chúa. Và lấy quyền giám mục Giêrusalem ngài quyết định: “Vì vậy, phần tôi, tôi xét là không được gây phiền hà cho những người gốc dân ngoại trở lại với Thiên Chúa (Cv 15,19).

b. Tham gia

Trong quá trình họp công nghị, ta thấy có sự Tham gia tích cực của mọi thành phần: Những tín hữu gốc Pharisêu thì tích cực bảo vệ luật Môsê, những tín hữu gốc dân ngoại thì tích cực tham gia việc của Giáo hội bằng cách cử một đoàn đại biểu về Giêrusalem. Tại hội nghị, các bên cũng tích cực tham gia phát biểu ý kiến, nêu lên quan điểm và các vị lãnh đạo chính là những người lên tiếng sau cùng.

c. Sứ vụ

Hội nghị kết thúc bằng hành động cụ thể. Đó là lên đường sứ vụ. Việc cụ thể trước hết là viết một lá thư, trên giấy trắng mực đen để minh bạch quan điểm lập trường. Việc thứ hai cũng trong lá thư ấy là khích lệ các tín hữu gốc dân ngoại hãy an tâm giữ vững đức tin. Việc thứ ba là cử một đoàn đại biểu chính thức mang sứ điệp của hội nghị chính thức đến với giáo dân gốc dân ngoại tại Antiôkia, Kylikia và Syria.

Kết quả

Hiệp hành mang đến kết quả lớn lao. Đó là niềm bình an trong Giáo hội. Hơn cả bình an, hiệp hành mang đến niềm vui tươi phấn khởi, làm cho mọi người đều vui mừng vì thấy ơn Chúa tràn lan khắp nơi, không những cho dân Do thái mà còn cho cả dân ngoại và lại thêm có nhiều người hăng hái dấn thân vào Sứ vụ. Hai ông Giuđa và Sila là đại biểu chính thức. Các ông không chỉ trao thư mà còn ở lại chuyện trò, khích lệ và chia sẻ với anh em Antiôkia. Rồi sau đó, ông Sila không muốn trở về. Có lẽ vì thấy Chúa Thánh Thần làm việc mạnh mẽ khiến ông thêm hăng hái ở lại góp phần vào việc đem Tin Mừng cho dân ngoại. Không những thế còn có thêm nhiều người dấn thân cho sứ vụ, như sách Công vụ Tông đồ ghi nhận: “Hai ông ở lại một thời gian, rồi các anh em lại tiễn chân hai ông trở về bình an với những người đã phái hai ông đi. Nhưng ông Xila quyết định ở lại, chỉ một mình ông Giuđa đi. Còn ông Phaolô và ông Banaba thì ở lại Antiôkhia. Cùng với nhiều người khác, hai ông giảng dạy và loan báo Tin Mừng lời Chúa (Cv 15,33-35). Nhờ thế các cộng đoàn Giáo hội sơ khai vừa mạnh mẽ trong nội bộ vừa lớn mạnh tràn lan khắp nơi.

III. Đan sĩ sống tinh thần hiệp hành

Hai tình huống trên trong Giáo hội sơ khai cho thấy tinh thần hiệp hành ban đầu là lẽ sống của Giáo hội. Chính tinh thần ấy làm cho Giáo hội mạnh mẽ và phát triển. Vậy ta phải noi gương và sống tinh thần Hiệp hành như thế nào trong giai đoạn mới của Giáo hội, đặc biệt trong dịp Thượng Hội đồng Giám mục này? Thực ra đối với các đan sĩ, tinh thần Hiệp hành đã có từ xưa. Trong Tu Luật của thánh Biển Đức và trong Di Ngôn của cha Biển Đức Thuận đã đề cập đến.

  1. Tu luật thánh Biển Đức

Thánh Biển Đức dành trọn chương 3 trong bộ Tu luật để nói về việc hội ý anh em: “Trong đan viện mỗi khi có việc quan trọng cần giải quyết, viện phụ sẽ triệu tập toàn thể cộng đoàn và tuyên bố lý do. Sau khi lắng nghe ý kiến anh em, chính ngài sẽ tự cân nhắc, rồi thực hiện điều ngài xét là ích lợi hơn. Sở dĩ cha bảo phải hội ý mọi người, vì Chúa thường tỏ cho kẻ ít tuổi những ý kiến hay hơn. Anh em hãy góp ý với tất cả lòng khiêm tốn tùng phục, chứ đừng cố chấp bênh vực quan điểm của mình. Việc quyết định thuộc quyền viện phụ. Điều ngài xét là hay hơn, thì mọi người phải vâng theo. Nhưng nếu môn đệ có bổn phận vâng lời thì thầy có nghĩa vụ sắp đặt mọi việc cho sáng suốt và công bình”.

Như vậy Tu Luật quy định mỗi khi có vấn đề phải hội ý anh em. Hội ý tức là gặp gỡ và đối thoại, và trong đối thoại phải lắng nghe, đặc biệt ý kiến của người bé nhỏ nhất. Sau khi lắng nghe ý kiến, viện phụ phải phân định, như thánh Biển Đức dạy: Sau khi lắng nghe ý kiến anh em, chính ngài sẽ tự cân nhắc, rồi thực hiện điều ngài xét là ích lợi hơn. Sau khi đã quyết định mọi người vâng lời và thực hành.

Nối tiếp truyền thống ấy, cha Biển Đức Thuận luôn khuyến khích anh em sống tinh thần hiệp hành. Ta thấy lời dạy này trong Di Ngôn của ngài.

  1. Di Ngôn của cha Biển Đức Thuận

Lời trối

Ai cũng biết lời của người sắp giã từ cõi đời là quan trọng. Trong Lời Trối, cha Biển Đức Thuận đã nhắn nhủ các môn sinh: “Vậy, trong chúng con chớ có ai buồn, chớ có áy náy lo sợ. Một đi chung cùng nhau, vui vẻ theo Thánh ý Cha chúng ta. Cám ơn Chúa. Cám ơn Đức Mẹ.

Đi chung cùng nhau chắc chắn nói về khía cạnh tinh thần, vì mọi người cùng sống chung với nhau trong đan viện. Nhưng quan trọng là đồng tâm nhất trí, một lòng một ý. Muốn một lòng một ý phải có gặp gỡ, đối thoại và phân định. Phải một lòng một ý vì đan viện là một gia đình, mọi người là anh em với nhau. Rất nhiều lần ngài nhắc nhở điều này, như trong Di Ngôn, số 112: Chúng ta là anh em với nhau, đi đàng nhân đức như nhau, cho nên phải thương yêu nhau, chẳng những anh em ở một nhà với chúng ta đã rồi, lại phải thương yêu hết mọi người. Mà muốn cho được thương yêu anh em, phải ra khỏi mình là bỏ mình đi, thì mới thương yêu anh em được. Chúng ta hay yêu mình quá, cả ngày cứ nghĩ đến mình, còn anh em thì không được nghĩ tới.

Cùng nhau đi trên một con đường. Đó là đường nên thánh, như ngài dạy trong Di Ngôn, số 125: “Vậy, chúng ta ai nấy cũng là anh em với nhau cả, đang đi cùng nhau một con đường, tiến về cùng Cha chúng ta ở trên trời, và lãnh nhận mọi ơn huệ nơi Người.

Trong những lời này, cha Biển Đức Thuận nói rõ chúng ta đang cùng nhau đi trên một con đường. Con đường ấy là đường nhân đức, là đường về Nhà Cha, là đường lên Nước Trời. Chính vì thế mà yêu thương hiệp nhất không phải là đồng loã với sự xấu nhưng là phải giúp nhau sống tốt. Đó là phải sửa lỗi cho nhau, như Di Ngôn, số 138: Khi thấy anh em lỗi luật rõ ràng, thì phải giúp nhau, hoặc thưa với Bề trên. Vì mình không thấy, anh em thấy, nên anh em chỉ cho, chúng ta phải giúp đỡ nhau. Nhà dòng không có ý chi khác, chỉ có một ý giúp nhau tấn tới trong đàng kính mến Chúa, cùng làm cho nhiều người kính mến Chúa nữa. Đó là mục đích chúng ta, ai nấy phải lo cho được. Xin Chúa giúp chúng ta.

Tuy nhiên, đó chỉ là khi thấy anh em lỗi luật rõ ràng, còn bình thường ta không được xét đoán. Nếu có xét thì hãy luôn xét ý tốt ý lành cho anh em, như Di Ngôn, số 123: Chúng ta chớ bắt chước người Pharisêu hay xét sự trái cho kẻ khác. Chúng ta chớ bắt chước mà xét sự trái cho anh em. Hễ khi nào chúng ta xét lỗi kẻ khác, thường lầm luôn, mười lần chưa được một lần trúng; mà cho đi có trúng, có nhằm đi nữa cũng vô ích. Chúng ta xét về ý lành, thì có ích luôn. Ai hay xét trái cho anh em, thì tự chứng tỏ mình là kẻ xấu; mình xấu, nên cũng ngờ người ta xấu nhưu mình. Cũng như một người đau bệnh sốt rét, hễ ăn chi vào miệng cũng kêu đắng, nhưng chẳng phải tại thức ăn đắng, song bởi tại có bệnh, vì tì vị xấu.

Chúng ta hãy xét sự lành sự tốt cho anh em, như Lời Chúa dạy: Các con không đoán xét anh em,  thì Ta cũng không đoán xét các con. Lại rằng: Các con đong đấu nào cho anh em, thì Ta cũng đong đấu ấy cho các con”.

Cha Biển Đức Thuận không chỉ dạy bằng lời nói, nhưng chính ngài thực hành trước rồi mới dạy các môn sinh sau.

Ngài đã lưu tâm đến việc hội ý anh em. Chẳng hạn về quy định giữ luật thinh lặng, ngài đã cho hỏi ý anh em bằng cách bỏ phiếu, như thư ngài viết cho bà kế mẫu: “Mới đây con cho các thầy bỏ vé: khi khấn rồi có muốn nói chuyện mỗi tuần nửa giờ hoặc giữ miệng làm thinh nhặt, dầu lễ Phục sinh cũng không được nói. Kết quả là 14 phiếu xin giữ nhặt, còn 7 phiếu xin nói chuyện mỗi tuần nửa giờ. Nếu con tỏ ý trước: Con muốn giữ miệng làm thinh hẳn, thì có lẽ chắc mọi người bỏ vé theo ý con, song vì con không ngỏ ý chi hết, nên còn 7 thầy ưng nói: mặc lòng, đã được hai phần ba muốn giữ miệng nhặt, là dấu họ không sợ giữ miệng cho lắm. Cám ơn Chúa” (HT. tr. 191-192).

  1. Đan sĩ phản tỉnh về lối sống hiệp hành

Sau khi đã chiêm ngưỡng đời sống cộng đoàn tín hữu sơ khai, lắng nghe thánh phụ Biển Đức và cha Tổ phụ Biển Đức Thuận dạy dỗ, chúng ta phải làm gì trong Năm Mới này để thực hiện tinh thần hiệp hành? Xét mình lại, chúng ta còn thiếu tinh thần hiệp hành rất nhiều.

Trước hết, chúng ta thiếu hiệp thông vì thiếu gặp gỡ, thiếu đối thoại và thiếu phân định.

Chúng ta thường thiếu gặp gỡ nhưng lại xì xầm sau lưng và loan những tin xấu, nghĩ xấu về anh em. Đây là điều cha Biển Đức Thuận cảnh báo về nhà dòng hư như trong Di Ngôn số 143: Khi nào gọi là nhà dòng hư? Là khi các anh em trong nhà, ăn nói như người đời; là khi anh em không thương yêu nhau; là khi anh em không bằng lòng với bề trên và với nhau; là khi anh em tập hợp xầm xì mà tra xét việc bề trên; là khi anh em chê trách nhau, chê trách đồ ăn thức uống không ngon… Khi ấy, nhà dòng ra hư rồi đó, không còn chi là nhà dòng nữa.

Hãy trực tiếp gặp nhau, chúng ta sẽ biết được sự thật. Và sự thật sẽ giải phóng chúng ta(x. Ga 8,32). Đừng né tránh rồi nghĩ xấu cho anh em. Hãy gặp gỡ và đối thoại, sự việc sẽ sáng tỏ và sẽ đi đến cảm thông.

Chúng ta thường thiếu đối thoại. Khi có vấn đề phát sinh, ta dễ có hai thái độ: bất cập là không chịu gặp gỡ và đối thoại; thái quá là không chịu lắng nghe ý kiến người khác, chỉ áp đặt ý kiến riêng mình. Khi có ý kiến gì, chúng ta thường bảo thủ ý kiến của mình, không bàn hỏi, không lắng nghe, nhất là khi chúng ta có quyền thì độc đoán quyết định. Và tệ hơn, chúng ta nghe nhiều ý kiến nhưng lại không phân định.

Chúng ta thường thiếu phân định điều nào đúng điều nào sai. Với tình trạng bùng nổ thông tin hiện nay, hằng ngày có biết bao thông tin đưa đến, thật giả lẫn lộn, đúng sai khó lường, nhất là với nghệ thuật photoshop hiện nay. Vì thế, ta cần phải có óc phân định, để tránh cái nhìn phiến diện. Muốn nhìn rõ phải đứng trên cao, nhìn bằng tiêu chí của Chúa, của Tin mừng, của ích chung. Về đối thoại và phân định, nguyên tắc vàng thường được cho là của thánh Augustinô được mọi người trân trọng. Đó là: In necessariis unitas, in dubiis libertas, in omnibus caritas. Nghĩa là: “Thống nhất trong điều chính, tương nhượng trong điều phụ, bác ái trong mọi sự”.

Chúng ta cũng thiếu tham gia. Có những người nói rất hay mà làm rất dở, nói nhiều làm ít, chỉ phê phán mà không bao giờ nhận trách nhiệm hoặc nhận trách nhiệm mà không chịu chu toàn. Đó là trường hợp của Cộng đoàn Thêxalônica mà thánh Phaolô phê phán trong thư thứ hai của ngài: “Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào(2Tx 3,11). Đó cũng là tâm lý ích kỷ đang rất mạnh trong thời đại hôm nay.

Tất cả có thể quy về một điểm chính đó là thiếu sự quên mình, ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân, chỉ làm theo ý riêng, chỉ có lợi cho bản thân, không quan tâm đến cộng đoàn, là thiếu tinh thần hiệp hành như lời Giáo hội mời gọi. Chúng ta hãy sửa chữa lại những thiếu sót, bằng cách sống bác ái, quên mình, nghĩ đến Chúa, cộng đoàn và anh em, như trong Di Ngôn, số 122, Cha Tổ phụ mời gọi:

Vậy, cha hết lòng khuyên về sự ấy cách riêng: là hãy thương yêu nhau. Nếu trong nhà, mọi người đều bỏ mình mà lo đến anh em cách riêng, thì mọi người trong nhà đều được sự an ủi, vui vẻ biết mấy. Chớ có mà dựa vào việc bổn phận mà làm cực lòng anh em. Hãy nhớ, sự gì mình muốn kẻ khác làm cho mình thì mình hãy làm sự ấy trước cho người ta. Chúng ta hãy nhớ mà đem vào trí lòng, vì là điều can hệ. Nhất là những kẻ có việc bổn phận gì, phải lo ý tứ cho lắm, đừng lợi dụng việc bổn phận, để lo cho cái tôi của mình, không màng chi đến kẻ khác, dễ lỗi sự yêu người lắm, dễ lỗi lắm. Chúng ta hãy lo cho được, xin Chúa và Đức Mẹ giúp cho.


CUỘC GẶP GỠ GIỮA ĐỨC GIÊSU
VÀ THIẾU PHỤ SAMARI

Justino Nguyễn Vũ

 

Giáo hội hoàn vũ cũng như địa phương đang sống trong thời gian ân sủng của Thượng Hội đồng Giám mục thứ XVI với chủ đề “vì một Giáo hội Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”. Mọi thành phần Dân Chúa được mời gọi khẩn thiết “một đi chung cùng nhau” qua việc gặp gỡ, lắng nghe và phân định trong Chúa Thánh Thần dưới ánh sáng Lời Chúa. Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và thiếu phụ Samari tại giếng Giacóp được xem như một trong các cuộc “hiệp hành” thú vị giữa Thiên Chúa và con người, cũng như giữa con người với nhau. Câu hỏi quan trọng được đặt ra để tìm hiểu với sự háo hức: Cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và thiếu phụ Samari có ý nghĩa gì?

Người viết sẽ cố gắng đọc và giải thích những đoạn văn hoặc câu văn hay thuật ngữ quan trọng dựa vào bản văn Hy ngữ, đồng thời trình bày những thành quả đạt được của khoa giải thích Thánh Kinh hiện đại. Bài viết “cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và thiếu phụ Samari” được trình bày như sau: 1) Bản văn Hy ngữ và Việt ngữ; 2) Ngữ cảnh và bố cục của câu chuyện; 3) Giải thích bản văn; 4) Suy niệm kết luận.

  1. Bản văn Hy ngữ và Việt ngữ Ga 4,4-30.39-42

Câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và thiếu phụ Samari bên giếng Giacóp chỉ được tường thuật trong Tin Mừng Thứ Tư (Ga 4,5-42). Với tài thuật chuyện, thánh sử đưa người đọc từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ thú vị này đến thú vị khác qua các nhân vật cũng như từng lời thoại. Chúng ta hãy cùng đọc với sự chú ý từng chữ trong bản dịch sát nghĩa dưới đây.

Ga 4,5 Ἔρχεται οὖν εἰς πόλιν τῆς Σαμαρείας λεγομένην Συχὰρ πλησίον τοῦ χωρίου ὃ ἔδωκεν Ἰακὼβ [τῷ] Ἰωσὴφ τῷ υἱῷ αὐτοῦ·

 

6 ἦν δὲ ἐκεῖ πηγὴ τοῦ Ἰακώβ. ὁ οὖν Ἰησοῦς κεκοπιακὼς ἐκ τῆς ὁδοιπορίας ἐκαθέζετο οὕτως ἐπὶ τῇ πηγῇ· ὥρα ἦν ὡς ἕκτη.

7 Ἔρχεται γυνὴ ἐκ τῆς Σαμαρείας ἀντλῆσαι ὕδωρ. λέγει αὐτῇ ὁ Ἰησοῦς· δός μοι πεῖν·

8 οἱ γὰρ μαθηταὶ αὐτοῦ ἀπεληλύθεισαν εἰς τὴν πόλιν ἵνα τροφὰς ἀγοράσωσιν.

9 λέγει οὖν αὐτῷ ἡ γυνὴ ἡ Σαμαρῖτις· πῶς σὺ Ἰουδαῖος ὢν παρ’ ἐμοῦ πεῖν αἰτεῖς γυναικὸς Σαμαρίτιδος οὔσης; οὐ γὰρ συγχρῶνται Ἰουδαῖοι Σαμαρίταις.

 

10 ἀπεκρίθη Ἰησοῦς καὶ εἶπεν αὐτῇ· εἰ ᾔδεις τὴν δωρεὰν τοῦ θεοῦ καὶ τίς ἐστιν ὁ λέγων σοι· δός μοι πεῖν, σὺ ἂν ᾔτησας αὐτὸν καὶ ἔδωκεν ἄν σοι ὕδωρ ζῶν.

 

11 Λέγει αὐτῷ [ἡ γυνή]· κύριε, οὔτε ἄντλημα ἔχεις καὶ τὸ φρέαρ ἐστὶν βαθύ· πόθεν οὖν ἔχεις τὸ ὕδωρ τὸ ζῶν;

12 μὴ σὺ μείζων εἶ τοῦ πατρὸς ἡμῶν Ἰακώβ, ὃς ἔδωκεν ἡμῖν τὸ φρέαρ καὶ αὐτὸς ἐξ αὐτοῦ ἔπιεν καὶ οἱ υἱοὶ αὐτοῦ καὶ τὰ θρέμματα αὐτοῦ;

 

13 ἀπεκρίθη Ἰησοῦς καὶ εἶπεν αὐτῇ· πᾶς ὁ πίνων ἐκ τοῦ ὕδατος τούτου διψήσει πάλιν·

14 ὃς δ’ ἂν πίῃ ἐκ τοῦ ὕδατος οὗ ἐγὼ δώσω αὐτῷ, οὐ μὴ διψήσει εἰς τὸν αἰῶνα, ἀλλὰ τὸ ὕδωρ ὃ δώσω αὐτῷ γενήσεται ἐν αὐτῷ πηγὴ ὕδατος ἁλλομένου εἰς ζωὴν αἰώνιον.

15 Λέγει πρὸς αὐτὸν ἡ γυνή· κύριε, δός μοι τοῦτο τὸ ὕδωρ, ἵνα μὴ διψῶ μηδὲ διέρχωμαι ἐνθάδε ἀντλεῖν.

16 λέγει αὐτῇ· ὕπαγε φώνησον τὸν ἄνδρα σου καὶ ἐλθὲ ἐνθάδε.

17 ἀπεκρίθη ἡ γυνὴ καὶ εἶπεν αὐτῷ· οὐκ ἔχω ἄνδρα. λέγει αὐτῇ ὁ Ἰησοῦς· καλῶς εἶπας ὅτι ἄνδρα οὐκ ἔχω·

 

18 πέντε γὰρ ἄνδρας ἔσχες καὶ νῦν ὃν ἔχεις οὐκ ἔστιν σου ἀνήρ· τοῦτο ἀληθὲς εἴρηκας.

19 Λέγει αὐτῷ ἡ γυνή· κύριε, θεωρῶ ὅτι προφήτης εἶ σύ.

 

20 οἱ πατέρες ἡμῶν ἐν τῷ ὄρει τούτῳ προσεκύνησαν· καὶ ὑμεῖς λέγετε ὅτι ἐν Ἱεροσολύμοις ἐστὶν ὁ τόπος ὅπου προσκυνεῖν δεῖ.

21 λέγει αὐτῇ ὁ Ἰησοῦς· πίστευέ μοι, γύναι, ὅτι ἔρχεται ὥρα ὅτε οὔτε ἐν τῷ ὄρει τούτῳ οὔτε ἐν Ἱεροσολύμοις προσκυνήσετε τῷ πατρί.

22 ὑμεῖς προσκυνεῖτε ὃ οὐκ οἴδατε· ἡμεῖς προσκυνοῦμεν ὃ οἴδαμεν, ὅτι ἡ σωτηρία ἐκ τῶν Ἰουδαίων ἐστίν.

23 ἀλλ’ ἔρχεται ὥρα καὶ νῦν ἐστιν, ὅτε οἱ ἀληθινοὶ προσκυνηταὶ προσκυνήσουσιν τῷ πατρὶ ἐν πνεύματι καὶ ἀληθείᾳ· καὶ γὰρ ὁ πατὴρ τοιούτους ζητεῖ τοὺς προσκυνοῦντας αὐτόν.

24 πνεῦμα ὁ θεός, καὶ τοὺς προσκυνοῦντας αὐτὸν ἐν πνεύματι καὶ ἀληθείᾳ δεῖ προσκυνεῖν.

25 Λέγει αὐτῷ ἡ γυνή· οἶδα ὅτι Μεσσίας ἔρχεται ὁ λεγόμενος χριστός· ὅταν ἔλθῃ ἐκεῖνος, ἀναγγελεῖ ἡμῖν ἅπαντα.

 

26 λέγει αὐτῇ ὁ Ἰησοῦς· ἐγώ εἰμι, ὁ λαλῶν σοι.

 

27 Καὶ ἐπὶ τούτῳ ἦλθαν οἱ μαθηταὶ αὐτοῦ καὶ ἐθαύμαζον ὅτι μετὰ γυναικὸς ἐλάλει· οὐδεὶς μέντοι εἶπεν· τί ζητεῖς ἢ τί λαλεῖς μετ’ αὐτῆς;

 

28 ἀφῆκεν οὖν τὴν ὑδρίαν αὐτῆς ἡ γυνὴ καὶ ἀπῆλθεν εἰς τὴν πόλιν καὶ λέγει τοῖς ἀνθρώποις·

29 δεῦτε ἴδετε ἄνθρωπον ὃς εἶπέν μοι πάντα ὅσα ἐποίησα, μήτι οὗτός ἐστιν ὁ χριστός;

 

30 ἐξῆλθον ἐκ τῆς πόλεως καὶ ἤρχοντο πρὸς αὐτόν…

39 Ἐκ δὲ τῆς πόλεως ἐκείνης πολλοὶ ἐπίστευσαν εἰς αὐτὸν τῶν Σαμαριτῶν διὰ τὸν λόγον τῆς γυναικὸς μαρτυρούσης ὅτι εἶπέν μοι πάντα ἃ ἐποίησα.

40 ὡς οὖν ἦλθον πρὸς αὐτὸν οἱ Σαμαρῖται, ἠρώτων αὐτὸν μεῖναι παρ’ αὐτοῖς· καὶ ἔμεινεν ἐκεῖ δύο ἡμέρας.

41 καὶ πολλῷ πλείους ἐπίστευσαν διὰ τὸν λόγον αὐτοῦ,

42 τῇ τε γυναικὶ ἔλεγον ὅτι οὐκέτι διὰ τὴν σὴν λαλιὰν πιστεύομεν, αὐτοὶ γὰρ ἀκηκόαμεν καὶ οἴδαμεν ὅτι οὗτός ἐστιν ἀληθῶς ὁ σωτὴρ τοῦ κόσμου.

Ga 4,5 Vậy, Người (Đức Giêsu) đến một thành thuộc miền Samari, gọi là Xykha, gần thửa đất mà (ông) Giacóp đã ban cho (ông) Giuse, con trai của mình.

6 Ở đó có cái giếng Giacóp. Bấy giờ, Đức Giêsu, đã mệt mỏi vì cuộc hành trình, đã ngồi phệt xuống bên giếng; lúc đó là khoảng giờ thứ sáu (mười hai giờ trưa).

7 Một thiếu phụ từ Samari đến để múc nước. Đức Giêsu ngỏ lời với chị ta: “Xin cho tôi uống với!”

8 Vì các môn đệ của Người đã đi vào thành để mua thức ăn.

9 Nên, thiếu phụ Samari nói với Người: “Tại sao ông, là một người Do Thái, lại xin tôi (nước) uống, là một phụ nữ Samari?” Vì những người Do Thái không giao thiệp với những người Samari.

10 Đức Giêsu trả lời và nói với chị ta: “Giả như chị đã nhận biết ân ban của Thiên Chúa và ai là người đang nói với chị: ‘Xin cho tôi uống với’, hẳn chính chị đã khẩn xin người ấy và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.”

11 [Thiếu phụ] thưa với Người: “Thưa Ngài, Ngài không có cái gầu và giếng thì lại sâu; vậy Ngài có nước hằng sống ở đâu?

12 Chẳng lẽ Ngài vĩ đại hơn (ông) Giacóp, tổ phụ của chúng tôi, người đã ban cho chúng tôi giếng này, chính người đã uống từ giếng này cả các con cháu cùng đàn gia súc của người sao?”

13 Đức Giêsu trả lời và nói với chị ta: “Bất kỳ ai uống nước này sẽ lại khát;

14 Tuy nhiên ai uống nước mà tôi sẽ ban cho người ấy, đời đời sẽ không khát nữa, nhưng nước mà tôi sẽ ban cho người ấy sẽ trở nên nơi người ấy một mạch nước phun trào lên sự sống đời đời.”

15 Thiếu phụ thưa với Người: “Thưa Ngài, xin ban cho tôi thứ nước này, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây để múc nước nữa.”

16 Người nói với chị ta: “Hãy đi gọi chồng của chị và trở lại đây!”

17 Người thiếu phụ trả lời và thưa với Người: “Tôi không có chồng.” Đức Giêsu nói với chị ta: “Chị nói đúng: ‘Tôi không có chồng.’

18 Vì chị có năm đời chồng, và người hiện giờ chị có, không phải là chồng của chị; điều này chị đã nói thật.”

19 Thiếu phụ thưa với Người: “Thưa Ngài, tôi nhận thấy rằng Ngài là một Vị ngôn sứ.

20 Tổ tiên của chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông nói rằng: tại Giêrusalem mới là nơi người ta phải thờ phượng.”

21 Đức Giêsu nói với chị ta: “Hãy tin tôi, thưa bà, sắp đến Giờ, (là) lúc không phải trên núi này cũng không phải ở Giêrusalem các người sẽ thờ phượng Cha!

22 Các người thờ phượng điều các người đã không nhận biết; chúng tôi thờ phượng điều chúng tôi đã nhận biết, vì ơn cứu rỗi đến từ những người Do Thái.

23 Nhưng đến giờ và là ngay bây giờ, lúc những người thờ phượng đích thật sẽ tôn thờ Cha trong thần khí và sự thật; vì Cha tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như thế.

24 Thiên Chúa (là) thần khí, và những người thờ phượng Ngài phải tôn thờ trong thần khí và sự thật.”

25 Thiếu phụ thưa với Người: “Tôi đã biết rằng Đấng Mêsia, được gọi là Đấng Kitô, sắp đến; khi nào Đấng ấy đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.”

26 Đức Giêsu nói với chị ta: “Chính là TA, Người đang thưa chuyện với chị.”

27 Lúc đó, các môn đệ của Người vừa trở về, và các ông ngạc nhiên rằng Người vẫn trò chuyện với một phụ nữ; tuy nhiên, không ai nói: “Thầy tìm kiếm gì?” hay: “Thầy nói chuyện gì với chị ấy?”

28 Vậy, thiếu phụ để vò đựng nước của mình lại và đi vào thành và nói với mọi người:

29 “Hãy đến đây gặp một người! Người ấy nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm, phải chăng người này là Đấng Kitô?”

30 Họ đã đi ra khỏi thành và kéo đến gặp Người…

39 Bấy giờ, trong thành đó, nhiều người Samari đã tin vào Người vì lời của thiếu phụ làm chứng: ‘Ông ấy đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm.’

40 Vậy, khi những người Samari đến gặp Người, họ đã xin Người lưu lại với họ; và Người đã ở lại đó hai ngày.

41 Và có nhiều (người) hơn nữa đã tin vì lời của Người;

42 và họ nói với thiếu phụ: “Chúng tôi tin, không còn phải vì lời kể của chị nữa đâu, (nhưng) bởi vì chính chúng tôi đã lắng nghe và đã nhận biết rằng: Người này thật là Đấng Cứu Độ của thế gian.”

  1. Ngữ cảnh và Bố cục

Chuyện này xảy ra sau khi Đức Giêsu đàm đạo với một vị lãnh đạo đáng kính của người Do Thái thuộc nhóm Biệt phái (Pharisêu), tên là Nicôđêmô (x. Ga 3,1-21). Trong cuộc đàm đạo này, Đức Giêsu mặc khải cho ông biết về tình yêu cao cả của Thiên Chúa dành cho con người (x. Ga 3,16). Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ của mình tiếp tục hoạt động và thu phục được thêm nhiều môn sinh tại miền Giuđê (x. Ga 3,22; 4,1t). Nhưng, khi biết được những lời xì xào không tốt từ những người biệt phái, Đức Giêsu quyết định rời miền Giuđê để đi về miền Galilê. Và cuộc hành trình này đòi buộc Người cùng các môn đệ nhất thiết phải đi ngang qua miền Samari (x. Ga 4,1-4), bị xem là vùng đất không hiếu khách (x. Lc 9,51-56).

Tại Samari, một “vở kịch” được trình diễn qua nhiều cảnh tuyệt vời – cuộc gặp gỡ với thiếu phụ Samari, với các môn đệ, với dân thành Xykha tại “sân khấu” là bờ giếng Giacóp, vào lúc giữa trưa. Hai nhân vật chính trong “vỡ kịch” là Đức Giêsu và thiếu phụ Samari. Bên cạnh đó còn có các nhân vật khác là các môn đệ của Đức Giêsu và người dân Samari.

Đoạn văn Ga 4,1-4 được xem như một ghi chú, nói đến lý do tại sao Đức Giêsu quyết định rời miền Giuđê đi ngang qua miền Samari để trở về miền Galilê. Đoạn giới thiệu (cc.5-6) nói đến không gian và thời gian. Trong khi các môn đệ đi vào thành để mua thực phẩm (c.8), thì Đức Giêsu gặp và trò chuyện với một thiếu phụ Samari (cc.7-26). Sau khi các môn đệ trở về được một lát (c.27), thì thiếu phụ cũng trở vào thành loan báo (c.28), và dân thành kéo đến gặp Đức Giêsu (c.30). Trong lúc họ đang đi ra, thì Người nói chuyện với các môn đệ (cc.31-38). Dân thành đến gặp và mời Người lưu lại với họ, sau đó họ nhận biết và tin vào Người như là “Đấng Cứu Độ của thế gian” (c.42). Sau hai ngày ở lại với họ, Người khởi hành đi Galilê (c.43). Như thế, trình thuật được đóng khung từ lúc Đức Giêsu vào đến miền Samari và rời đi khỏi đó (c.5-42).

Câu chuyện này đơn giản được cấu trúc như sau: 1) giới thiệu trình thuật (c.5-6); 2) cảnh một: cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và thiếu phụ (c.7-26) là cơ hội cho cuộc đối thoại về nước hằng sống (c.7-15), những người đàn ông của cô ta (c.16-19) và việc thờ phượng đích thật (c.20-26); 3) cảnh hai: cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và các môn đệ (c.27-38), gồm việc làm chứng của thiếu phụ (c.27-30: bước chuẩn bị), đối thoại với các môn đệ (c.31-38); 4) kết thúc: Đức Giêsu lưu lại với dân thành Xykha (c.39-42).

Trong giới hạn của đề tài, bài viết này chỉ đề cập đến các đoạn văn Ga 4,5-30 và Ga 4,39-42. Bây giờ, chúng ta cùng tìm hiểu, giải thích và suy niệm bản văn để hiểu rõ hơn sứ điệp mà Đức Giêsu muốn mặc khải.

  1. Giải thích

3.1. Giới thiệu (cc.5-6)

Ở ngay những câu đầu (cc.5-6), thánh sử đã khéo léo chọn “giếng Giacóp” làm sân khấu cho “vở kịch” sẽ được diễn ra sau đó. Đức Giêsu đi tới thành Xykha thuộc miền Samari. Samari là một vùng đất nằm về phía bắc của miền Giuđê. Kinh đô cùng tên đã được vua Hêrôđê Cả cho xây dựng lại và đổi tên là “Sebaste”. Vào thời Đức Giêsu, kinh đô này vẫn còn mang tên “Sebaste”. Thành Xykha được các nhà nghiên cứu hiện đại xác định, hoặc là Askar hay là Sikhem. Thành Xykha, ngày nay đại đa số cho là Askar, nằm ở cuối thung lũng giữa núi Êvan và núi Gơridim, cách giếng Giacóp khoảng một kilômét. Giếng Giacóp nằm trong thửa đất mà tổ phụ Giacóp đã ban tặng cho con trai của mình là Giuse (x. St 48,22). Và hài cốt của tổ phụ Giacóp cũng đã được chôn tại đây (x. Gs 24,32). Giếng này có độ sâu 50 mét, nay chỉ còn khoảng 30 mét, và có mạch nước rất dồi dào, mặt nước thường ở mét thứ chín.

Với địa hình núi đồi hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt, Đức Giêsu cùng các môn đệ đã phải trải qua một cuộc hành trình dài rất khó khăn mới có thể đi từ Giuđê đến được Samari. Khi Người đến được giếng Giacóp, thì trời đã giữa trưa. Người đã mệt lả và đói khát. Người ngồi phệt ngay xuống bên giếng. Qua những chi tiết nhỏ này, thánh sử đã tài tình lột tả hết một Đức Giêsu rất “con người”. Người không chỉ là Thiên Chúa mà còn là một con người. Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành người phàm và ở giữa chúng ta (x. Ga 1,14). Trong Cựu Ước, giếng nước thường là nơi làm nảy sinh tình cảm lứa đôi và các cuộc hôn nhân (x. St 24,10-61; 29,1-20; Xh 2,15-21). Giữa trưa nắng nóng, mệt mỏi và đói khát như vậy, thì giếng nước là nơi lý tưởng để lữ khách dừng chân nghỉ ngơi. Đang khi Đức Giêsu ngồi nghỉ và chờ người đến để xin nước uống, thì các môn đệ đi vào thành để mua thức ăn (x. c.8). Bỗng có một thiếu phụ với cái vò đựng nước trên đầu đi từ trong thành hướng về phía giếng.

3.2. Cuộc đối thoại với thiếu phụ Samari (cc.7-26)

3.2.1. Nước hằng sống (cc.7-15)

Sau khi đã chuẩn bị sân khấu với thời gian và không gian rõ ràng, bây giờ thánh sử để cho nhân vật chính thứ hai xuất hiện, thiếu phụ miền Samari. Cô ta đi ra giếng để lấy nước vào lúc giữa trưa nắng nóng. Tại đây, Đức Giêsu bắt đầu cuộc trò chuyện với cô ta bằng việc xin một ngụm nước uống: “Xin cho Tôi uống với!” (c.7). Giếng thì sâu mà gầu không có, các môn đệ cũng vắng mặt vì đang đi mua thức ăn. Như một khách bộ hành, Đức Giêsu chỉ còn cách trông chờ vào lòng hiếu khách của dân địa phương mà thôi.

Lời đề nghị của Đức Giêsu làm cho thiếu phụ hết sức ngạc nhiên. Dường như qua cách ăn mặc hay giọng nói, thiếu phụ nhận ra vị khách bộ hành lạ mặt này không phải là người địa phương, mà là một người Do Thái. Từ nhiều thế kỷ nay, người Do Thái và người Samari có mối tương quan không mấy tốt đẹp. Tại sao? Sau khi vua Salômôn băng hà, các cuộc xung đột giữa hai thị tộc Épraim và Giuđa nổi lên, chia đất nước thành hai tiểu quốc: ở miền Bắc là nước Israel với kinh đô Samari, ở miền Nam là nước Giuđa với kinh đô Giêrusalem. Năm 721 trước Chúa Giêsu (TCN), quân Át-sua chiếm đóng Israel (x. 2V 17,6; 18,10), một mặt giới trí thức tài giỏi bị đi lưu đày, mặt khác các dân ngoại bang với các tà thần của họ được đưa vào định cư (x. 2V 17,24-41). Người Samari tự xem mình là hậu duệ của tổ tiên Israel còn sót lại. Họ tôn thờ một Đức Chúa là Thiên Chúa của Israel trên núi thánh Gơridim. Họ chỉ nhìn nhận Ngũ Thư của Môsê là Sách Thánh. Người Do Thái, đặc biệt ở miền nam, coi người Samari là dân hỗn tạp, ô uế, rối đạo và ly giáo. Người Do Thái khinh miệt người Samari, nhất là phụ nữ. Người Samari bị gạt ra bên lề xã hội và tôn giáo Do Thái. Họ, dân cư thuộc hai miền, không thể, nói đúng hơn không được phép có mối tương quan tốt với nhau (x. c.9).

Thiếu phụ Samari ngạc nhiên về việc một người Do Thái muốn xin cô nước uống. Sẽ ngạc nhiên hơn nữa, nếu cô ta nhận biết Đức Giêsu thực sự là ai. Sự nhận biết ân ban của Thiên Chúa và danh tính Giêsu thôi thúc người phụ nữ khao khát, và chính Người làm cho cô ta thỏa mãn cơn khát đó (x. Ga 7,37: “Nếu ai khát hãy đến với Tôi và hãy uống”). Ở câu 10, “ân ban của Thiên Chúa” (τὴν δωρεὰν τοῦ θεοῦ) diễn tả điều Thiên Chúa sở hữu, cụ thể là “nước hằng sống” (ὕδωρ ζῶν), để dẫn đưa con người đến ơn cứu độ. Câu hỏi gián tiếp với liên từ “và” – “và ai là người đang nói với chị” – gợi ý rằng ân ban không thể tách rời người tặng, nghĩa là được liên kết với Đấng Mặc khải. Người Con duy nhất của Thiên Chúa chính là ân ban tình yêu có tính cứu độ của Ngài (x. Ga 3,16). Và chính Người Con này là mạch nước hằng sống (x. Ga 7,38; Gr 2,13). Vậy, Đức Giêsu vừa là Đấng ban tặng vừa là quà tặng. Ở đây, Đức Giêsu gián tiếp mặc khải danh tính thật của Người. Nhưng ý nghĩa của nó vẫn đang ẩn giấu với người thiếu phụ.

Thiếu phụ không hề để ý gì đến lời mời gọi của Đức Giêsu. Với sự ngạc nhiên không thể hiểu nổi, thiếu phụ tò mò chất vấn: “Ngài có nước hằng sống ở đâu?” (c.11). Ở đây, thánh sử dùng cùng một thuật ngữ “nước hằng sống”. Nhưng đối với cô ta, nước này vẫn là các yếu tố vật chất tự nhiên được múc lên từ một giếng nước sâu. Vì vậy, cô ta chỉ quan tâm đến nguồn gốc của “nước hằng sống” và làm cách nào để múc được nó. Mặc dù thiếu phụ vẫn còn bị mắc kẹt trong sự hiểu biết về nước vật chất tự nhiên, cô ta vẫn đặt câu hỏi quan trọng, đó là câu hỏi về danh tính của Đức Giêsu.

Thiếu phụ tự hào về tổ phụ của dân tộc cô, đồng thời biết rõ nguồn gốc của giếng nước này. Nó luôn luôn có đủ nước không những cho chính tổ phụ, mà còn dư tràn cho con cháu và cả các đàn súc vật của họ qua bao thế hệ. Chính tổ phụ Giacóp đã ban cho họ nước mát, một thứ rất cần thiết cho đời sống của họ. Từ đó, thiếu phụ đã đưa ra một sự so sánh giữa Đức Giêsu với tổ phụ đáng kính của cô ta. Chẳng lẽ người bộ hành lạ mặt này, người đang ngồi bên bờ giếng, lại cao trọng hơn tổ phụ Giacóp sao? Với cách xưng hô lịch thiệp “thưa Ngài” (κύριος – kyrios), dường như thiếu phụ Samari đang dần dần linh cảm người đối diện là một người đặc biệt.

Câu trả lời của Đức Giêsu (cc.13-14) không ám chỉ trực tiếp đến danh tính của Người, nhưng đến bản chất của nước mà Người ban cho so với của tổ phụ Giacóp. Đức Giêsu khẳng định, nước giếng tự nhiên này không thể làm dịu cơn khát của con người, ngay cả khi nó tuôn chảy dồi dào. Tác dụng hạn chế của nước thiên nhiên nói lên sự giới hạn của nó, mặc dù hành động này được lặp đi lặp lại nhiều lần. Trái lại, nước mà Đức Giêsu ban cho sẽ làm dịu cơn khát mãi mãi.

Đến đây, Đức Giêsu mặc khải rõ hơn về nước mà Người sẽ ban. “Nước” mà Đức Giêsu hứa ban trong tương lai chính là “nước hằng sống” (x. c.10). Một mặt, nước hằng sống là “ân ban của Thiên Chúa”; mặt khác nước này được tặng ban bởi Đức Giêsu. Vậy có thể hiểu, Đức Giêsu ban tặng phẩm này – ân ban của Thiên Chúa – cho những người nhận biết Người, nghĩa là những ai tin vào Người.

Cách nói “ai uống” nước mà Đức Giêsu ban, nhấn mạnh đặc điểm duy nhất của hành động. Nghĩa là một khi đã nếm thử nước do Người ban thì không còn thèm khát loại nước nào khác, trái lại càng thêm khao khát loại nước của Người (x. Hc 24,21). Đức Giêsu cũng khẳng định “người tin vào Ta, sẽ chẳng khát bao giờ” (Ga 6,35). Người hứa ban (động từ δίδωμι – didomi thì tương lai) loại nước này cho bất cứ ai tin vào Người.

Nước mà Đức Giêsu sẽ ban tặng có ba tác dụng cần thiết: 1) nước làm dịu cơn khát mãi mãi; 2) nước sẽ trở thành mạch nước nơi người đón nhận; 3) nước này phun trào lên sự sống đời đời. Ở đây, nước (chủ từ của câu) có những tác động trong người tin, chứ không phải người tin hành động. Một câu hỏi quan trọng được đặt ra: “mạch nước phun trào” đây nghĩa là gì? Nước này, ân ban của Đức Giêsu trong tương lai, được hiểu như lời tiên tri phục sinh, bởi vì Đấng Phục Sinh sẽ “thổi hơi” ban “Thánh Thần” cho các môn đệ (x. Ga 20,22). “Nước hằng sống”, sẽ tuôn chảy ra từ lòng Đức Giêsu chịu đóng đinh, là “Thần Khí” (x. Ga 7,38-39). Chỉ với giả thuyết này người ta mới hiểu được, tại sao thánh sử phân biệt giữa “ân ban của Thiên Chúa” với Đấng ban ơn – Đức Giêsu.

Như thế, Đức Giêsu tiệm tiến đưa thiếu phụ từ ân ban của Thiên Chúa đến Đấng ban ơn. Người sẽ ban nước hằng sống theo cách thức mà nó sẽ trở thành nguồn sống bên trong người tin. Sự sống đời đời là “nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Đấng Cha đã phái đến, Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3). Như vậy, sự sống đời đời là sống tương quan mật thiết (nhận biết, tin tưởng, yêu mến) với Cha và Người Con (x. Ga 3,15.16.36; 5,24; 6,40.47).

Với lần thứ hai xưng hô kính trọng “Thưa Ngài” (Hy ngữ κύριος – kyrios), dường như bây giờ thiếu phụ Samari nhận ra nơi Đức Giêsu một người có thể ban cho mình nước làm dịu cơn khát. Cô ta nhìn thấy nơi Đức Giêsu một Đấng quyền năng đang sở hữu một nguồn nước đặc biệt. Nhưng cô ta chưa thể từ nghĩa đen vươn tới nghĩa mặc khải được. Cô ta vẫn dừng lại ở nước tự nhiên được múc lên từ giếng, như một loại thần dược hứa hẹn làm giảm bớt sự mệt mỏi hằng ngày. Cô ta chỉ đơn giản xin, mà không biết mình đang xin gì và xin điều đó từ ai. Vì thế, Đức Giêsu đưa cô ta đến một mẫu đối thoại mới.

3.2.2. Những người đàn ông của người phụ nữ Samari (cc.16-19)

Đức Giêsu không đưa ra lời giải thích nào thêm về “nước hằng sống”. Trái lại, Người quan tâm đến đời sống riêng tư của thiếu phụ (cc.16-19). Người bất ngờ yêu cầu cô ta gọi chồng của cô ra đây (c.16). Thiếu phụ Samari trả lời rằng, cô không có chồng (c.17a). Đức Giêsu hai lần xác nhận câu trả lời của thiếu phụ là thật: “Chị nói đúng.” (c.17b) và “điều này chị đã nói thật” (c.18b). Đồng thời, Người diễn đạt cho chính xác sự kiện: cô ta đã có năm đời chồng và người đàn ông thứ sáu mà cô ta đang sống chung cũng không phải là chồng của cô (c.18a). Câu trả lời của Đức Giêsu không có ý tố cáo tình trạng hôn nhân bất hợp pháp của cô ta. Câu trả lời này mặc khải sự toàn tri siêu phàm của Người. Người nhìn thấu con người, Người biết rõ cõi lòng sâu thẳm của họ (x. Ga 1,47-48; 2,25).

Bị choáng ngợp trước sự thấu biết của Đức Giêsu về bản chất con người mình, thiếu phụ tiến thêm một bước trong việc dần dần khám phá ra danh tính của vị khách bộ hành này. Cô ta gọi Đức Giêsu với sự cung kính “Thưa Ngài”. Giờ đây, cô ta đã nhận biết rằng Người là một “Vị ngôn sứ” (c.19). Danh xưng “ngôn sứ” (Hy ngữ προφήτης – prophetes) ở đây miêu tả một Vị ngôn sứ theo cái nhìn của Cựu Ước, nghĩa là một người được Đức Chúa phái đến và giáo huấn (x. Ga 4,44; 9,17). Theo niềm tin của người Samari, chỉ có các ngôn sứ mới được ban cho khả năng tỏ lộ những điều kín ẩn, mầu nhiệm. Như vậy, Vị ngôn sứ là phát ngôn viên của Đức Chúa, sở hữu tri thức đặc biệt và đôi khi ân ban chữa lành. Bây giờ, trong đôi mắt của thiếu phụ Samari, Đức Giêsu như là người của Đức Chúa. Nhờ vậy mà một mẫu đối thoại mới cởi mở hơn được mở ra.

3.2.3. Sự thờ phượng đích thật (cc.20-26)

Mẫu đối thoại này hướng đến sự thờ phượng đích thật (cc.20-26). Đây chính là cơ hội để thiếu phụ đưa ra vấn đề đã làm cho người Do Thái và người Samari thù ghét nhau từ bao đời nay. Đâu là nơi thờ phượng đích thật: Giêrusalem hay núi Gơridim? Trong Cựu Ước, Gơridim được ví như núi của phước lành (x. Đnl 11,29; 27,12), trong khi Giêrusalem là đền thánh của Đức Chúa (x. Tv 48; 122; Is 2,3-4). Thuật ngữ “thờ phượng” (προσκυνέω – proskyneo) luôn gắn liền với việc bái thờ và một phần của nó là cuộc hành hương. Thiếu phụ giữ truyền thống của tổ tiên mình, đồng thời ràng buộc việc thờ phượng Thiên Chúa với một địa điểm cụ thể trên núi này. Cô ta hy vọng Vị ngôn sứ sẽ đưa ra được câu trả lời thỏa đáng.

Trong câu trả lời của mình, trước hết Đức Giêsu yêu cầu lòng tin tưởng của cô ta: “Hãy tin Tôi, thưa Bà”. Động từ “tin” (Hy ngữ πιστεύω – pisteuo) nghĩa là tin tưởng vào ai hoặc tín thác đời mình vào ai. Dường như ở đây, Đức Giêsu mời gọi chị ta hãy tin tưởng vào lời của Người. Với cách xưng hô lịch thiệp “thưa Bà”, Đức Giêsu đang biểu lộ chính mình như là Vị ngôn sứ, Đấng Thiên Sai (x. Ga 2,4; 8,10; 19,26; 20,13). Sự thờ phượng đích thực không còn dựa vào các truyền thống quá khứ để định hướng hiện tại, nhưng vào tương lai “Giờ sắp đến”. Trong văn chương Gioan, “Giờ” (Hy ngữ ὥρα – hora) không có mạo từ xác định đề cập đến thời kỳ cánh chung, với mạo từ xác định trình bày giờ tôn cao trên thập giá. Thánh sử nói đến thời gian cánh chung bằng hai cách diễn đạt: “Giờ sắp đến” (c.21) và “đến Giờ và là ngay bây giờ” (c.23). Khi “Giờ” của sự mặc khải trọn vẹn về Thiên Chúa đến, thì địa điểm cho việc thờ phượng Cha không còn ý nghĩa nữa. Vào lúc cả hai dân tộc Samari và Do Thái – “các người” – sẽ tôn thờ Cha không phải ở bất cứ vị trí địa lý nào nữa. Thay vì Thiên Chúa, ở đây Đức Giêsu nói đến việc tôn thờ Cha (Hy ngữ πατήρ – pater).

Đức Giêsu không phủ nhận có sự thù ghét giữa người Samari (“các người”) và người Do Thái (“chúng tôi”). Người tự nhận mình là một người Do Thái (x. c.9) và tố cáo người Samari về sự thờ phượng mù quáng, thậm chí đến nỗi họ không biết họ đang tôn thờ gì (c.22a). Hành động “không biết” ở đây mang ý nghĩa biết chưa đủ, biết cách mơ hồ. Vì, trên thực tế người Samari chỉ giới hạn Ngũ Kinh là Sách Thánh của mình. Họ không công nhận toàn bộ Thánh Kinh Do Thái, nơi chứa đầy đủ hơn sự hiểu biết về Thiên Chúa.

Bởi vì “ơn cứu độ đến từ những người Do Thái” (c.22b). Thuật ngữ “người Do Thái” (Hy ngữ Ἰουδαῖος – Iudaios) ở đây ám chỉ đến toàn bộ dân tộc chứ không phải một chế độ. Đức Chúa đã tuyển chọn họ làm dân riêng của Ngài, và ban cho họ toàn bộ mặc khải thần linh, như đã được ghi chép trong Sách Thánh (chúng ta gọi là Cựu Ước). Vì vậy, Sách Thánh được xem như bảo chứng của Đức Chúa giữa Dân của Ngài. Người Do Thái được diễm phúc sở hữu sự mặc khải về ơn cứu độ của Thiên Chúa. Ơn cứu độ này sẽ được tỏ bày trọn vẹn trong con người của Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ của thế gian (x. c.42). Như vậy, Đức Giêsu muốn nói cho thiếu phụ hiểu rằng người Samari và cả những người cùng niềm tin với họ đang rời xa mặc khải thần linh, khi họ tách ra khỏi hay thù nghịch với dân tộc Do Thái.

Trong câu tuyên bố “Nhưng sắp đến Giờ, và là ngay bây giờ” (c.23a), thánh sử dùng liên từ “nhưng” để diễn tả một điều gì đó khác, cụ thể là “Giờ sắp đến”. Động từ “sắp đến” (Hy ngữ ἔρχομαι – erchomai) được sử dụng ở thì hiện tại vị lai, nhằm diễn tả một biến cố đã xảy ra và đang dần thành tựu. Kiểu nói này cũng được gặp thấy ở Ga 5,25: “Amen, amen, Ta nói với các người: sắp đến Giờ, và là ngay lúc này, lúc những người chết sẽ nghe tiếng nói của Con Thiên Chúa, và những ai nghe sẽ sống”. Thời cánh chung “sắp đến” trong tương lai, được bắt đầu vào “Giờ” Đức Giêsu được tôn vinh nơi thập giá, nhưng nhờ sự hiện diện của Đức Giêsu tại thế, nên nó đã trở thành hiện thực “ngay bây giờ”. Thời gian này được gọi là thời gian cứu độ của Thiên Chúa (x. Is 49,8; 2Cr 6,2).

Từ nay, “những người thờ phượng đích thật sẽ tôn thờ Cha trong thần khí và sự thật” (c.23b). Sự thờ phượng này nhấn mạnh đến “người thờ phượng đích thật”. Tính từ “đích thật” (Hy ngữ ἀληθινός – alethinos) không nói đến chân thành, nhưng là chân thật. Người tôn thờ chân thật không còn câu nệ ở các nghi thức, nhưng chú trọng đến cung cách thờ phượng. Nghĩa là sự thờ phượng chú tâm đến mối tương quan với Thiên Chúa là Cha.

Sự thờ phượng này là đích thật, bởi vì nó được diễn ra “trong thần khí và sự thật”. Cách diễn đạt có cùng ý nghĩa “thần khí sự thật” (Ga 14,17). “Thần khí” (Hy ngữ πνεῦμα – pneuma) là thần khí của Thiên Chúa, Đấng có khả năng làm cho sống và đổi mới con người (x. Ga 6,63). Nhân danh Đức Giêsu, Cha sẽ sai Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần cho các môn đệ (x. Ga 14,26). Đấng Bảo Trợ (Hy ngữ παράκλητος – parakletos) chính là Thần khí sự thật (x. Ga 14,17; 15,26; 16,13), sẽ ở lại trong những kẻ tin (x. Ga 14,17) và làm nhớ lại những điều Đức Giêsu đã dạy họ (x. Ga 14,26), đồng thời hướng dẫn họ trong sự thật (x. Ga 16,13). “Sự thật” (Hy ngữ (ἀλήθεια – aletheia) là thực tại thần thiêng được bày tỏ nơi con người Đức Giêsu (x. Ga 1,17). Với tư cách là Lời của Cha thì chính Người là sự thật (x. Ga 14,6; 17,17). Đấng Sự Thật này có khả năng cứu độ và thánh hiến những kẻ tin (x. Ga 8,32; 17,17.19). Tôn thờ Cha “trong thần khí và sự thật” nghĩa là nhờ Thần khí và sự mặc khải mà những kẻ tin có thể tiếp cận được với Thiên Chúa. Nói cách khác, Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn họ tôn thờ Cha trong và qua Đức Giêsu.

Sự thờ phượng đích thực này là sáng kiến của Thiên Chúa: “Vì Cha tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như thế” (c.23c). Sự tìm kiếm của Cha diễn tả hành động quyết tâm của Ngài. Ngài khao khát tìm kiếm những người như vậy (x. Rm 12,1), bởi vì họ chính là nơi mà Ngài hiện diện trong thế giới này. Như vậy, những người được sinh ra bởi Thần khí (x. Ga 3,6) sẽ thực hành sự thờ phượng đích thật này. Nhờ vậy mà họ được nhận biết mặc khải nhiệm mầu “Thiên Chúa là Thần khí” (c.24a), là nguồn gốc của sự sống thật, và có khả năng tác sinh (x. Ga 5,26; 6,63). Thần khí là bản tính thần thiêng của Cha (x. 1Ga 4,8.16). Chính Thần khí đã làm cho những kẻ tin trở thành con cái của Thiên Chúa, đồng thời giúp họ thân thưa với Ngài: “Cha ơi!” (Rm 8,15). Từ nay, Thiên Chúa Cha không còn bị lệ thuộc vào những nơi chốn, dù được xem là thánh địa, nhưng trong cõi lòng sâu thẳm của những kẻ tin, nơi Thần khí sự thật ngự trị và tác động (c.24b).

Câu trả lời (c.25) của thiếu phụ Samari gây ngạc nhiên. Cô ta cũng như dân tộc mình luôn chờ đợi sự xuất hiện của Đấng Mêsia, còn được gọi là Đức Kitô. Thuật ngữ “Kitô” (Hy ngữ Χριστός – Christos) được dịch bởi thuật ngữ Mêsia trong Hipri ngữ, nghĩa là Đấng được xức dầu. Danh hiệu này diễn tả toàn bộ niềm mong đợi sự cứu rỗi của người Do Thái, vốn hướng về Đấng Cứu Chuộc do Thiên Chúa sai đến. Sự mong chờ Đấng Mêsia là niềm hy vọng vừa của người Samari, vừa của người Do Thái. Đối với người Do Thái, Đấng Mêsia như là một Vị vua được xức dầu tấn phong thuộc dòng tộc Đavít. Còn đối với người Samari, Ngài được xem như Đấng sẽ đến và là Đấng Mặc khải về Lề Luật. Đấng Mêsia có vai trò giải thích ý muốn của Thiên Chúa một cách rõ ràng nhất (Hy ngữ ἀναγγέλλω – anangello). Nhưng kiến thức truyền thống của cô ta thực ra là sự hiểu biết mơ hồ (tương tự x. Ga 3,2). Cả hai thuật ngữ “Mêsia” và “Kitô”, đều không có mạo từ xác định đi kèm, ám chỉ đến một Đấng Thiên Sai, hay Đấng Mặc khải chung chung nào đó.

Đáp lại sự mong chờ của thiếu phụ, Đức Giêsu long trọng tuyên bố, Đấng Kitô không chỉ “sẽ đến”, mà đã hiện diện ở đây. Người nói với cô ta: Đấng ấy “chính là TA” (c.26). Bản văn Hy ngữ được đọc Ἐγώ εἰμι – ego eimi nghĩa là “TA Hằng Hữu”, hay “TA là Đấng hằng hữu”. Trong Cựu Ước, công thức này được dùng để diễn tả bản tính thần thiêng cao cả của Thiên Chúa. Thiên Chúa mặc khải cho Môsê biết về thánh Danh của Ngài: “TA Hằng Hữu” (Xh 3,14 LXX). Đức Giêsu cũng sử dụng cùng một công thức mặc khải “TA Hằng Hữu” để tự xác định chính thánh Danh của mình. Người tự tỏ mình ra như là Thiên Chúa hiện diện giữa loài người. Ngay bây giờ, người bộ hành kiệt sức, đến xin nước uống, chính là Đấng Thiên Sai cánh chung và là Đấng Mặc khải. Có thể nói, đây là lời mặc khải quan trọng nhất của cuộc đối thoại, mà nó sẽ đưa đến những phản ứng hoặc nhận xét từ thiếu phụ dành cho những người xung quanh.

3.3. Việc làm chứng của thiếu phụ (cc.27-30)

Có thể nói đoạn văn này (cc.27-30) đóng vai trò như một sự chuyển tiếp từ cuộc đối thoại của Đức Giêsu với thiếu phụ Samari (cc.7-26) sang cuộc đối thoại kép sau đó: đầu tiên là Đức Giêsu với các môn đệ (cc.31-38) và sau đó là với người dân trong thành (cc.39-42). Trước tiên, thánh sử đề cập đến sự trở về của các môn đệ sau khi đã vào thành để mua thức ăn (c.27). Khi họ nhìn thấy Thầy Giêsu đang trò chuyện với một phụ nữ Samari, họ có phản ứng giống hệt như cô ta trước đó (x. c.9). Hành vi của Đức Giêsu đã đi ngược lại với định kiến của người Do thái về người Samari khi người dám tiếp xúc với người phụ nữ. Tuy nhiên, họ không dám hỏi trực tiếp Người về lý do hành vi bất thường cũng như ước muốn của Người.

Sau đó, thánh sử hướng cái nhìn về thiếu phụ. Phản ứng đầu tiên của cô ta là để vò đựng nước lại bờ giếng và trở vào thành của mình (c.28a). Hành động này muốn diễn tả một ý nghĩa biểu tượng. Bằng cách bỏ lại bình đựng nước của mình, thiếu phụ cho thấy rằng cô ta rất vội vã và không còn cần thứ nước tự nhiên nữa, sau khi cô được gặp Đức Giêsu. Đối với thiếu phụ, chính Người là nguồn nước và là Đấng ban cho nước hằng sống, thứ nước có thể làm dịu cơn khát của con người theo một nghĩa sâu xa nhất.

Thiếu phụ vội vã chạy vào thành với mục đích là chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho những người đồng đạo (c.28b). Lời chứng của cô ta được diễn tả qua lời mời: “Hãy đến đây gặp một người!” Qua lời mời này, trước tiên thiếu phụ thúc dục đồng bào mình khám phá một Người đã nói với mình tất cả những gì mình đã làm. Với kinh nghiệm này, cô ta nghĩ rằng Người này phải là Vị ngôn sứ (c.19), Đấng Thiên Sai (c.25). Thiếu phụ còn đi xa hơn trong lời chứng của mình và hỏi, liệu Người này không thể là Đấng Mêsia sao (c.29c)? Cách trình bày “liệu” (μήτι – meti) thường mong đợi một câu trả lời phủ định cho phủ định (x. cách hỏi tương tự trong Ga 8,22; 18,35). Nghĩa là lời khẳng định đây chính là Đấng Mêsia, Đấng Kitô (c.25a; c.26). Dường như đây cũng là cảm nghiệm vui mừng của chính Anrê, sau khi ông đã gặp mặt Đức Giêsu: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia, nghĩa là Đấng Kitô” (Ga 1,41). Trước lời chứng đáng tin cậy, người dân trong thành Xykha đã đáp lại lời mời của cô ta. Đám đông đã đi ra khỏi thành và kéo nhau đến gặp Đức Giêsu và các môn đệ của Người tại giếng Giacóp (c.30).

3.4. Đức Giêsu lưu lại với cư dân Samari (cc.39-42)

Nhiều cư dân của thành Xykha bắt đầu tin vào con người Giêsu nhờ lời chứng của thiếu phụ (c.39). Trước hết, niềm tin của người dân được hình thành bằng cách tin lời của một chứng nhân (Hy ngữ μαρτυρέω – martyreo). Tin Mừng thứ tư đề cao sự làm chứng về Đức Giêsu. Gioan Tẩy Giả mang trong mình sứ mạng làm chứng cho Ngôi Lời như là Đấng ánh sáng (x. Ga 1,7t), Con của Thiên Chúa (x. Ga 1,34). Cha, Đấng sai phái Đức Giêsu, làm chứng cho Con của Ngài (x. Ga 8,18). Khi Đấng Bảo Trợ được Cha sai phái đến, cũng sẽ làm chứng cho Người (x. Ga 15,26). Ở đây, cách gián tiếp, thánh sử trình bày thiếu phụ Samari như một nữ chứng nhân về Đức Giêsu. Nội dung của lời chứng được lặp lại ở câu 29, trong đó sự toàn tri của Đức Giêsu được nhấn mạnh, cụ thể Người có khả năng nhận biết và thấu hiểu người đối thoại với mình.

Sau khi gặp được Đức Giêsu, người dân Samari mời Người lưu lại với họ (c.40; x. Lc 24,29), mà không quan tâm đến sự cấm kỵ giữa hai chủng tộc (c.9). Lời mời “lưu lại” này gợi lại ý nghĩa của hai môn đệ đầu tiên (x. Ga 1,39), và nhờ đó đức tin của họ được hình thành như thế nào. Đáp lại lời mời chân thành này, Đức Giêsu đã “ở lại” với họ hai ngày. Động từ “lưu lại” (Hy ngữ μένω – meno) cũng có nghĩa là ở lại, sống cùng. Tuy nhiên, chỉ diễn tả việc ở lại trong một thời gian ngắn, cụ thể ở đây là hai ngày. Đức Giêsu chủ động mở ra không gian để cư dân thiết lập mối tương quan sâu sắc hơn với Người. Ở chương 15, chủ đề về cây nho thật, động từ “lưu lại” theo nghĩa bóng nói đến tương quan vĩnh viễn của đức tin.

Kết quả thật rõ ràng, có nhiều người hơn nữa đã tin vào Đức Giêsu vì lời giáo huấn của Người (c.41). Không những đức tin của những người làm theo lời kêu gọi của thiếu phụ càng thêm vững mạnh, mà số lượng người tin vào Đức Giêsu cũng tăng lên rất nhiều khi người dân được nghe chính lời của Người. Ở đây, thấy có một sự khác biệt rất rõ giữa “lời” kể (Hy ngữ λαλιά – lalia) của thiếu phụ với “lời” mặc khải (Hy ngữ λόγος – logos) của Đức Giêsu. Lời kể của con người chỉ có thể gây hiếu kỳ; còn lời mặc khải của Đức Giêsu, có nguồn gốc từ Cha (x. Ga 12,49), có khả năng đem lại sự sống đời đời (x. Ga 6,68). Chính cuộc gặp gỡ trực tiếp với Đức Giêsu làm tăng trưởng cả chất lượng lẫn số lượng của niềm tin. Từ nay, đức tin của người dân Samari không còn dựa vào kinh nghiệm của người khác, nhưng dựa vào kinh nghiệm riêng của họ.

Niềm tin của người Samari vào con người Đức Giêsu được đặt trên nền tảng “lắng nghe” của chính họ, điều này đưa đến sự “nhận biết” sâu sắc Người là Đấng Cứu Độ của thế gian (c.42: ὁ σωτὴρ τοῦ κόσμου). Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Người dân Samari đã nghe được gì? Trong cuộc đối thoại với thiếu phụ (cc.7-26), Đức Giêsu mặc khải về ân ban của Thiên Chúa là nước hằng sống (c.10), nguồn nước trào vọt lên sự sống đời đời (c.14), về đời tư của chị ta (c.18), về sự thờ phượng đích thực (cc.21-24), về lời tự mặc khải “TA Hằng Hữu” (c.26). Trong tất cả những điều này, cư dân trong thành Xykha chỉ được nghe thiếu phụ kể về tri thức siêu phàm của Đức Giêsu về đời tư của chị mà thôi. Còn những điều khác họ không được nghe chị kể. Cho nên, sau hai ngày được gặp gỡ Đức Giêsu, họ khẳng định rằng, họ đã tin vì chính họ đã được nghe Người nói về những lời mặc khải cao cả. Từ việc lắng nghe dẫn đến “nhận biết”. Sự nhận biết này được thể hiện qua lời tuyên xưng đáng chú ý: Đức Giêsu không còn chỉ được xem như là Đấng Mêsia của một dân tộc nào, nhưng là Đấng Cứu Độ của toàn thế giới, của mọi dân tộc.

Trong bản văn LXX, thuật ngữ “Đấng Cứu Độ” (Hy ngữ σωτήρ – soter) thường được dùng để nói đến thánh danh của Đức Chúa (x. Tv 24,5; Is 12,2; Kb 3,18). Thánh sử Luca dùng danh hiệu này vừa cho Thiên Chúa (1,47) vừa cho Đấng Kitô (2,11). Trong văn chương Gioan, danh hiệu này được tìm thấy một lần nữa: “Cha đã sai Con đến như là Đấng Cứu Độ của thế gian” (1Ga 4,14). Trong cuộc đàm đạo với Nicôđêmô, Đức Giêsu mặc khải rằng, Chúa Cha đã ban Con duy nhất của Ngài đến thế gian, để nhờ Người mà thế gian được cứu (x. Ga 3,16-17). Như bánh hằng sống, Đức Giêsu được Thiên Chúa ban xuống từ trời để đem lại sự sống cho thế gian (x. Ga 6,33). Như thế, Đức Giêsu được trình bày như Đấng Cứu Độ được Cha sai phái từ trời xuống, để ban sự sống cho nhân loại.

Kết luận

Trong cuộc gặp gỡ với một thiếu phụ Samari, Đức Giêsu đã chủ động phá vỡ hàng rào ngăn cách giữa hai dân tộc, Samari và Do Thái. Nhờ cuộc gặp gỡ tình cờ này mà thiếu phụ nhận ra người bộ hành lạ mặt kia là một người Do Thái. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh nước tự nhiên để mặc khải cho cô ta về “nước hằng sống”. Nước này có khả năng làm dịu cơn khát mãi mãi, trở thành mạch nước trào lên và đem lại sự sống đời đời cho những người tin. “Nước hằng sống” chính là ân ban của Thiên Chúa dành cho họ. Chính Đức Giêsu là Đấng Ban Tặng; còn ân ban của Thiên Chúa một mặt là Đức Giêsu, mặt khác là Thánh Thần. Lúc này, dưới con mắt của thiếu phụ, Đức Giêsu dường như là một nhân vật nào đó cao trọng hơn cả tổ phụ Giacóp.

Mặc dù mới lần đầu gặp mặt, nhưng Đức Giêsu biết rõ về đời tư của cô ta. Người thấu suốt tâm can sâu thẳm của con người. Người mặc khải cho thấy, người đang nói chuyện với cô chính là Đấng toàn tri siêu phàm. Nhờ vậy mà cô ta nhận ra Người như là một Vị ngôn sứ.

Sau đó, Đức Giêsu mời gọi cô ta hãy tin vào lời mặc khải của Người. “Giờ” của sự mặc khải trọn vẹn về Thiên Chúa nơi Đức Giêsu đang đến. Thời gian “ngay bây giờ” được xem là thời gian cứu độ của Thiên Chúa. Vào thời gian này, thì vị trí địa lý cho việc thờ phượng Chúa Cha không còn ý nghĩa nữa. Thay vào đó, là cung cách thờ phượng Ngài trong Thần khí và sự thật. Nghĩa là sự thờ phượng chú tâm đến mối tương quan với Thiên Chúa là Cha nhờ Chúa Thánh Thần và trong/qua Đức Giêsu. Từ nay, Thiên Chúa Cha không còn bị lệ thuộc vào những thánh địa, nhưng trong cõi lòng sâu thẳm của những người tin, nơi Thần khí sự thật ngự trị và tác động.

Như mọi người dân Samari, thiếu phụ cũng hằng mong đợi một Đấng Mêsia, còn được gọi là Đấng Kitô nào đó sẽ đến để giáo huấn Lề Luật và giải thích ý muốn của Thiên Chúa. Đáp lại lòng ước mong cháy bỏng của cô ta, Đức Giêsu long trọng tuyên bố: Đấng ấy “chính là TA”. Người tự tỏ mình ra như là Thiên Chúa hiện diện giữa loài người. Ngay bây giờ, Người chính là Đấng Thiên Sai và là Đấng Mặc khải.

Sau khi được gặp Đức Giêsu, thiếu phụ dường như không còn cần thứ nước tự nhiên nữa. Đối với cô ta, chính Người là nguồn nước và là Đấng ban nước hằng sống, thứ nước có thể làm dịu cơn khát của con người mãi mãi. Cô ta muốn chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ thú vị này cho những người đồng đạo, đồng hương của mình. Trước đó, cô đã linh cảm Người này là một Vị ngôn sứ, một Đấng Thiên Sai. Bây giờ, trong lời chứng của mình, cô ta gián tiếp khẳng định, Người này phải là Đấng Mêsia.

Trước lời chứng đáng tin cậy của cô, nhiều người dân trong thành đã đến gặp Đức Giêsu và đã tin vào Người. Sau đó, để đáp lại tấm lòng hiếu khách của họ, Người đã ở lại với họ vài ngày. Nhờ việc sống và tiếp xúc cũng như trực tiếp nghe lời giáo huấn của Người, nên có nhiều người hơn nữa đã tin vào Người. Giờ đây, họ tin vào Đức Giêsu không phải bởi lời chứng của người khác, mà là chính kinh nghiệm của mình. Nhờ trực tiếp lắng nghe lời mặc khải của Người mà họ nhận biết được thánh Danh của Người. Họ tuyên xưng: Chính Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ của thế gian.

Đức Giêsu và người dân Samari đã “một đi chung cùng nhau”. Người và họ đã thực sự cùng “gặp gỡ” nhau với tình yêu mến và tâm tình cởi mở. Người và họ cùng “lắng nghe” nhau với sự đồng cảm và tôn trọng đúng mực. Nhờ sự gặp gỡ và lắng nghe nhau như thế mà Đức Giêsu cũng như người dân Samari đã thấu hiểu được nhau, biết được ước mơ và hy vọng của nhau. Qua việc gặp gỡ và lắng nghe, Chúa Giêsu đã mặc khải dần dần cho họ về thánh Danh của Người thực sự là ai. Cũng vậy, nhờ cuộc gặp gỡ, lắng nghe và nhất là được sống với Đức Giêsu, người dân đã cùng nhau “phân định” dưới ánh sáng của Lời Chúa. Cuối cùng, với việc “một đi chung cùng nhau” này, thiếu phụ cũng như người dân đã tiệm tiến nhận ra nơi người khách bộ hành này là Đấng Cứu Độ của muôn dân.

Thư Mục

Aland, K. và Aland B., Novum Testamentum Graece, xuất bản bởi Deutsche Bibelgeselschaft, Stuttgart, ấn bản thứ 28, 2013.

– Nguyễn Thế Thuấn, Kinh Thánh, Tp HCM: Dòng Chúa Cứu Thế, 1976.

– Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Kinh Thánh, ấn bản 2011, Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2019.

– Bauer, W., Griechisch-deutsches Wörterbuch zu den Schriften des Neuen Testaments und der frühchristlichen Literatur, biên tập bởi Aland, K. và Aland B., Berlin, New York: Walter der Greyter, ấn bản lần 6, 1988.

– Betz, O., (chủ biên), Calwer Bibellexikon, tập 1-2, Stuttgart: Calwer Verlag, ấn bản thứ 2, 2006.

– Beutler, J., Das Johannesevangelium, Freiburg, Basel, Wien: Herder, 2013.

– Hoàng Minh Tuấn, Đọc Tin Mừng theo Gioan, tập II: Tái sinh bởi Thần Khí, Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2000.

– Moloney, F. J., The Gospel of John, Sacra Pagina Serie 4, Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1998.

– Schnackenburg, R., Das Johannesevangelium, tập 1: Einleitung und Kommentar zum Kapitel 1-4, xuất bản bởi Herders Theologischer Kommentar zum Neuen Testament, Freiburg, Basel, Wien: Herder, ấn bản đặc biệt, 2000.

– Theobald, M., Das Evangelium nach Johannes, chương 1-12, xuất bản bởi Regensburger Neues Testament, Regensburg: Friedrich Pustet, 2009.

– Vũ Phan Long, Các bài Tin Mừng Gioan dùng trong Phụng vụ, Đồng Nai: Nxb Đồng Nai, 2021.

Zumstein, J., Das Johannesevangelium, xuất bản bởi Kritisch-exegetischer Kommentar über das Neue Testament, Göttingen: Vandenhoeck & Ruprecht, 2016.

 

CHÂN PHƯỚC IXAÁC
VIỆN PHỤ ĐAN VIỆN SAO MAI

Con người, tác phẩm và học thuyết tâm linh[7]

Martino de Porres Phạm Thanh Toàn

I. Tổng quan

  1. Viện phụ Ixaác là ai? Mãi đến năm 1933, É. Mersch viết về viện phụ Ixaác như sau: “Chúng ta thực sự ngạc nhiên về con người rất đáng ghi nhận này lại tương đối ít được biết đến và tìm hiểu[8]. Thực vậy, từ trước đến giờ, tác phẩm của ngài dường như bị chìm vào quên lãng, có thể do nguyên ngữ Latinh của tác phẩm gây khó khăn cho độc giả. Nhưng khi tiếp cận với tác phẩm của ngài, Clêmentê thuộc dòng Maurô cho hay: khi rảo qua những bài giảng của ngài, độc giả hoàn toàn mãn nguyện và phải thốt lên: đó là một thần học gia sâu sắc, với nền luân lý thuần khiết và chuẩn xác, với sự uyên bác của con tim nhân loại, lối hành văn sáng sủa và sống động, nhờ được nuôi dưỡng từ những câu Kinh Thánh được chắt lọc[9]. Ngài được coi là nhà văn lớn hàng đầu của Dòng Xitô. Từ đó, người ta mới để ý đến viện phụ Ixaác, các công trình nghiên cứu về ngài gia tăng, dần dà người ta ý thức về tính nguyên thủy và vị trí của ngài trong lịch sử linh đạo, thần học và triết học.
  2. Về những cột mốc thời gian trong đời ngài quả là điều khó cho các nhà nghiên cứu và cho chúng ta. Do vậy, năm sinh của ngài có thể trong khoảng 1105-1120, nếu tính từ năm 1130, ngài đặt chân đến Pháp và không thể vào dòng Xitô Pontigny trước năm 1143, sau một thời gian thụ huấn. Mặt khác, nếu lấy năm 1147, năm mà ngài xuất hiện trong cương vị viện phụ đan viện Sao Mai, thì chúng ta tự hỏi tại sao một người gốc Anh chính hiệu lại có thể ẩn mình nơi làng quê cách Poitiers khoảng 30 km? Về việc đào tạo đan tu, có thể đã được huấn luyện tại Anh quốc hay tại chính Xitô, cũng còn là giả thuyết. Còn tại sao ngài lại chọn đan viện Sao Mai? Giả thuyết sau đây khả tín hơn: ngài đã chọn một đan viện Xitô và đó là Pontigny, một trong 4 nhà con đầu tiên của Xitô.
  3. Viện phụ Ixaác dựa trên nguồn tài liệu nào? Trước hết, Lời Chúa chính là điểm xuất phát và là học thuyết tâm linh của ngài. Ngài luôn phân tích, đào sâu Lời Chúa với sự hỗ trợ đắc lực của học thuyết về bốn ý nghĩa Kinh Thánh. Vả lại cũng không tìm thấy nơi ngài một ví dụ nào về sự nhẹ dạ trong chú giải ẩn dụ đến nỗi thêm thắt và chủ quan, cũng không tìm thấy cách hành văn Kinh Thánh thái quá đến nỗi chỉ còn là văn chương. Do vậy, người ta không thể nghi ngờ về một thần học gia chân chính như ngài.
  4. Viện phụ Ixaác là người duy nhất trong số các tác giả Xitô có được sự tự do và dũng cảm khi đưa những tranh luận siêu hình đầy tính kỹ thuật vào các bài giảng của ngài. Như thế cho thấy, ngài luôn nuôi dưỡng nền thần học đan tu. Khác với Guilaume de Saint-Thierry là người chuyên về linh đạo, ngài chỉ dùng biện chứng khi tranh luận với những gì ngài cho là thái quá. Người ta thường nói, nơi viện phụ Ixaác, niềm say mê siêu hình là lộ trình khám phá cái bên kia của huyền nhiệm. Ngài ý thức được giá trị của điều này làm nảy sinh trong ngài trực giác thần học siêu nghiệm.
  5. Trong tác phẩm của viện phụ Ixaác hợp lưu và đạt đến một tổng hợp tuyệt vời kiểu thần học vinh tụng ca (théologie doxologique), vốn là hoa trái của kinh nghiệm đan tu chiêm niệm, được nuôi dưỡng từ việc nghiền ngẫm phụng vụ và Kinh Thánh, cũng như chăm chỉ nghiên cứu giáo phụ, cùng các phương pháp mới của trào lưu kinh viện vừa khởi sinh, dù còn cần đến một cấu trúc, hệ thống hóa và phân tích lý tính nữa. Ngôn ngữ và lối hành văn phản ánh sự trung thực. Tính phong phú nguyên thủy hệ tại rõ nét trong các câu văn mang tính nóng nảy, chính xác, mệnh lệnh, cũng như logic khô khan, đồng thời ngang qua những cảm hứng thơ ca đã chuyển tải tình cảm nhân loại cách tế nhị. Việc soạn thảo văn chương được nghiên cứu sâu sắc, từ những phản biện, phản hồi, chú trọng đến tam đoạn luận, đến hình ảnh và tư tưởng gây sốc, những so sánh quân bình, diễn tiến theo chuỗi và tiệm tiến trong luận lý, không bao giờ tỏ ra nặng nề, đề cao hay cảm tính. Nét đặc trưng văn chương của ngài là vui tươi, nhanh gọn và chính xác. Ký ức về Kinh Thánh và các Giáo phụ cũng như về các tác giả cổ điển, được thể hiện trong các trang viết của ngài đều đã được nghiền ngẫm và tiêu hóa, đã trở nên lối diễn tả sống động từ tư tưởng tình cảm sâu thẳm nhất của ngài, đến nỗi (văn chương của ngài) đã trở nên giá trị biểu tượng phổ quát.

Chắc chắn các đan sĩ của đan viện Sao Mai đã thừa hưởng cách sâu sắc các bài giảng của ngài. Mặt khác, vì tình cảnh khó khăn, thiếu phương tiện sao chép, viện phụ Ixaác đã gia tăng việc giảng dạy và thảo luận để thay thế cho việc đọc sách.

Mười năm cuối đời của viện phụ Ixaác được đánh dấu bởi những công việc vất vả vì khai phá, bởi những hoạt động khẩn trương của việc suy tư triết học và thần học, những tiến bộ chín muồi về kinh nghiệm thần bí ngang qua sự đắp đổi giữa ánh sáng và bóng tối, cũng như qua niềm vui đích thực và sự cay đắng ghê gớm.

II. Tác phẩm

Các tác phẩm của ngài gồm 55 bài giảng, Bức thư về linh hồn gửi cho Alcher de Clairvaux, Thư gửi cho giám mục Gioan giáo phận Poitiers về Nghi thức Thánh Lễ. Ngoài ra, còn có tác phẩm chú giải sách Diễm Ca, chú giải sách Ruth; những chú giải luân lý trong Cựu Ước cũng được gán cho ngài.

  1. Các bài giảng

a. Sơ lược niên biểu các bài giảng

Các mối liên hệ qua lại của viện phụ Ixaác bao hàm những minh họa cho phép chúng ta biết chút ít về cuộc sống tại đảo Ré (đan viện Sao Mai) và do đó có thể xác thực rằng các bài giảng 7-12, 15-14, 18-29, 31-37 đã được viết tại Chateliers, nghĩa là sau năm 1167. Bài giảng 52 như một tổng hợp chú giải sách Diễm Ca, được kết thúc khi vinh danh cuộc an táng thánh Bênađô, hay đúng hơn để tưởng nhớ trọn vẹn việc tôn kính ngài.

Viện phụ Ixaác cho ta cảm tưởng rằng ngài đã nói rất nhiều sau cái chết của thánh Bênađô (1153). Ngài tôn vinh thánh Bênađô như sau: Sanctum abbatem Claraevallis loquimur (tạm dịch: Tôn vinh viện phụ Clairvaux là thánh). Các chỉ dẫn này cho thấy ngài giảng vào khoảng 15.08.1174 hoặc 1175, trong khi thánh Bênađô được phong thánh ngày 18.01.1174, và vào tháng 9 cùng năm, Tổng Công nghị Toàn Dòng Xitô đã ấn định ngày lễ kính ngài là 20.08 để kỷ niệm ngày qua đời, chính xác rơi vào tuần bát nhật kính Đức Maria hồn xác lên trời.

Các bài giảng 45, 48 và 50 may mắn được soạn thảo dành cho việc huấn đức cộng đoàn tại Đan viện Sao Mai (1147-1167). Giọng văn đơn sơ, thân tình, hình như có sự hiện diện của một số anh em qui sĩ (frères convers). Sự giống nhau về cách hành văn của một số bài giảng cũng cho phép hiểu là được viết trong giai đoạn này như các bài 6, 30, 38, 44, 46, 47, 49, 51, 53-55. Còn về các bài giảng 1-5, 13, 16-17, thật khó mà đưa ra ý kiến xác định dù có chút ít nguyên do trong thời làm viện phụ ở Chateliers. Một số bài giảng khác được tìm kiếm và san định sau khi ngài đã qua đời.

b. Phân loại nội dung các bài giảng

Hầu như 3/5 trong tổng số các bài giảng của viện phụ Ixaác không được coi là các bài giảng trong phụng vụ, đúng hơn, đó là những khảo luận, mỗi khảo luận gồm từ 2 đến 9 bài giảng. Có thể dễ dàng nhận ra 6 loại sau đây.

– Bài giảng 7-12, 15, 14 (bài 13 không thuộc nhóm này và bài 14 nhất thiết theo sau bài 15), nói về Tin Mừng của 4 Chúa Nhật sau lễ Hiển Linh. Nội dung các bài giảng về chủ đề thần học và linh đạo được trình bày tiến triển như sau: tội nguyên tổ, mầu nhiệm Nhập thể cứu độ, hoán cải, Giáo hội – Hiền thê Chúa Kitô, theo Đức Kitô toàn thể trong hoạt động và chiêm niệm, hiệp thông trong mầu nhiệm vượt qua của Người. Đỉnh điểm của tiến trình này là lời cầu nguyện mãnh liệt của Chúa Cứu Thế vì tình yêu; theo đó, viện phụ Ixaác và các đan sĩ của ngài đã chọn đời sống nghèo khó, cô tịch và thinh lặng tại đảo Ré.

– Bài giảng 16-17 dành cho tuần thứ bảy (septuagésime) sau Lễ Hiển Linh: sau loạt bài đầy chất tín lý và đa diện thần học, viện phụ Ixaác tập trung vào phân tích lộ trình hoán cải để đạt được niềm vui và bình an nội tâm.

– Bài giảng 18-26 là công trình khá chín muồi và hoàn chỉnh của viện phụ Ixaác. Đây cũng được coi là tác phẩm hàng đầu; trong đó, có những đoạn hòa điệu tinh tế đầy tri thức mà lại gần gũi với những nét thấu nhập của nhân tính, đậm chất thơ ca và cầu nguyện, ngay cả về phương diện sáng tác văn chương. Đó là một tấm phù điêu rộng lớn, do một luồng khí chính nghĩa làm cho sinh động, được lan tỏa xuyên suốt những chú giải thần học và triết học về dụ ngôn người gieo giống (Lc 8,5-15) được đọc trong thánh lễ Chúa Nhật thứ sáu (sexagésime) sau lễ Hiển Linh. Khởi đi từ suy tư về cấu trúc siêu hình của hiện hữu, viện phụ Ixaác nâng tầm nhìn lên chiêm ngắm mầu nhiệm siêu việt thần linh; sau đó ngài thử “giảm trừ” mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa trong nhiệm cục sáng tạo, tự do xuất sinh từ tình yêu; sau cùng, ngài dừng lại ở việc chiêm niệm lời mời gọi con người tham gia vào sự viên mãn của Thiên Chúa ngang qua mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời.

– Bài giảng 27-29 về Chúa Nhật thứ năm sau Lễ Hiển Linh. Viện phụ Ixaác trình bày học thuyết thần học khổ chế từ kinh nghiệm cá nhân với giọng văn đầy cảm xúc.

– Bài giảng 33-37 là bài chú giải được soạn thảo kỹ lưỡng cho đoạn Tin Mừng Mt 15,21-28 dành cho Chúa Nhật thứ hai Mùa Chay. Đó như là một tiểu luận sâu xa và sắc sảo về ơn tiền định, được nghiên cứu dưới ánh sáng của học thuyết Thân thể Mầu nhiệm và những biến cố xảy ra trong đời sống thiêng liêng.

– Bài giảng 1-5 cho ngày lễ Các Thánh là một tác phẩm thấm đậm sự tinh tế, giọng văn chân tình và hiền hòa với sắc màu uyển chuyển nhẹ nhàng. Bản văn Tin Mừng về Bát Phúc (Mt 5,1-9) nằm trong khuôn khổ bài giảng chung về ý nghĩa đời sống thiêng liêng và định hướng cho sự hiệp nhất với Thiên Chúa.

Về tổng thể, các bài giảng được sắp xếp như thế; tuy nhiên, vẫn có thể tự do thêm vào đó những bài giảng khác, vốn không liên hệ nhiều đến chuỗi tư tưởng, nhưng cũng mang lại sự bổ túc hữu hiệu, nhất là các bài giảng về Thần khí (bài 43-45), về Thánh mẫu học (bài 51) và kỷ luật đan tu (47 và 50).

  1. Các bức thư

a. Bức thư bàn về linh hồn gửi cho Alcher de Clairvaux (có thể nhân cuộc thăm viếng Clairvaux)

Viện phụ Ixaác được yêu cầu huấn đức nhiều hơn nữa về chủ đề linh hồn, không chỉ trên quan điểm thần học mà cả triết học nữa. Câu trả lời của viện phụ Ixaác đối với quan niệm về nguồn gốc linh hồn của trường phái Tân Platon-Âu tinh (néoplatonico-augustinienne) như là một thực thể trung gian giữa thế giới thể chất và Thiên Chúa. Kết quả là đã cho ra một tác phẩm nhỏ, tư tưởng cô đọng với những ghi chú phong phú về các hiện tượng góp phần không nhỏ vào việc phân tích huyền nhiệm chiêm niệm.

Một tài liệu nhỏ kèm theo cho chúng ta thông tin về thư này đã được viết trong bối cảnh đại dịch sốt và đói kém trong vùng gây hoang mang cho mọi người, vì đã có dấu hiệu của điềm báo xuất hiện năm trước. Có thể nguyệt thực năm 1161 và đại dịch năm 1162 đã xảy ra như một điềm báo.

b. Bức thư gửi giám mục Gioan, giáo phận Poitiers về Kinh nguyện Thánh Thể

Ngay sau một bài giảng của viện phụ Ixaác, trước sự hiện diện của giám mục Poitiers, ngài liền hỏi viện phụ: vị đan sĩ đã sống tinh thần cầu nguyện trong Kinh nguyện Thánh Thể khi cử hành thánh Lễ như thế nào. Đối với viện phụ Ixaác, sự năng động nội tại của Kinh nguyện Thánh Thể biểu thị và hiện thực hóa những giai đoạn đời sống thiêng liêng và sự thần hóa. Bức thư về Kinh nguyện Thánh Thể này có thể được viết vào những năm 1165-1167.

III. Học thuyết đời sống thiêng liêng

  1. Nền tảng nhân học

a. Vị trí con người trong vũ trụ: với nhãn quan chiêm niệm, viện phụ Ixaác không ngần ngại xác quyết rằng toàn thể tạo thành ví như thân thể của Thần Linh, như linh hồn trong thân xác, Thiên Chúa cũng hiện diện như vậy. Vũ trụ (la mundi fabrica) hiện ra trước mặt Ixaác như một cơ thể sống khổng lồ (un magnum animal), trong đó mỗi thành phần, vốn được thiết định vị trí theo trật tự đặc biệt hầu liên đới với những thành phần khác. Những sinh vật khác nhau đều tham dự vào với Đấng sáng tạo nên mình, là nguyên ủy, hiện hữu siêu việt, là thiện và mỹ, tiếp thế cách hiện hữu để phát triển viên mãn, chuyên biệt hóa các chức năng để hài hòa trong toàn thể. Chỉ có thụ tạo thiêng liêng, thiên thần và tinh thần con người mới có thể biết Thiên Chúa, vui hưởng Người và phán xét giá trị trên tất cả các thành phần khác trong vũ trụ, bởi lẽ có một chuyển động tự do và nhưng không, xuất phát từ yếu tính của Thiên Chúa, làm nên bản tính hình ảnh Người, có khả năng tiếp nhận hạnh phúc của Ba Ngôi Thiên Chúa tuôn tràn.

Hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi được đóng ấn trong linh hồn. Ba chức năng nền tảng của linh hồn (rationabilitas, concupiscibilitas và irascibilitas) tương ứng với những nét riêng của Ba Ngôi thần linh: Khôn ngoan, Tình yêu và Sức mạnh. Bởi Khôn ngoan (rationabilitas) mà Chúa Cha chiêm ngưỡng hình ảnh Ngôi Lời như là “nguyên mẫu” (archétype) của thụ tạo, điều làm cho linh hồn được trở nên giống Chúa trong mọi sự (similitudo omnium). Vì thế, con người còn hơn một tiểu vũ trụ, bởi trong nó có tất cả những gì có thể đạt đến sự thần hóa (déification). Trong chuỗi hiện hữu, bởi đặc tính siêu hình giữa vật chất và Thiên Chúa, và bởi tương quan hiện sinh với các hữu thể khác, có thể linh hồn con người là cái “nút thắt biện chứng” (noeud dialectique) có thể hủy đi tất cả giải pháp của sự tiếp diễn giữa lòng thực tại.

b. Sức mạnh của linh hồn: Cấu trúc của linh hồn theo hình ảnh Ba Ngôi, có nội hàm trong chính yếu tính của nó. Sức mạnh của linh hồn được đồng hóa với chính bản thể, với chính hữu thể linh hồn. Nơi viện phụ Ixaác, ý nghĩa của hạn từ yếu tính (essentia) không bị chịu ảnh hưởng bởi trường phái Aristốt và các tác giả thế kỷ XIII, đúng hơn, yếu tính chỉ có nghĩa là hữu thể (esse). Giữa linh hồn và sức mạnh của nó, có mối tương quan giống như trong Thiên Chúa, nghĩa là tương quan giữa bản tính và Ngôi vị.

Quan năng (rationabilitas) là khả năng nhận biết; concupiscibilitas là hướng về điều có thể ước muốn; irascibilitas là sức mạnh phản kháng, từ chối điều thực hiện điều xấu hoặc nguy hiểm. Quan năng đầu tiên phát sinh cảm thức của linh hồn (sensus animae); những quan năng khác phát sinh tình cảm, tức là tình yêu và giận dữ (amor et odium). Sau đó lại phân chia thành niềm vui và hy vọng, đau khổ và sợ hãi (gaudium et spes, dolor et metus), chúng hình thành nên những yếu tố nền tảng và những thành tố làm nên nhân đức hay nết xấu.

Linh hồn và thân xác đi vào trong sự hiệp nhất ngôi vị ở cấp độ xuất thế của linh hồn (bao gồm cảm thứcsức tưởng tượng). Linh hồn và thân xác dường như mang hai bản tính trái ngược nhau, nhưng lại trong một ngôi vị. Như vậy, con người cũng một ngôi vị mà hai bản tính…

  1. Từ phân chia nội tâm đến hiệp nhất với Thiên Chúa

a. Tha hóa

Con người vốn được sáng tạo để chia sẻ niềm vui của Thiên Chúa, nhưng sự bất phục của Ađam đã để lại dục vọng (concupiscentia) làm cơ nghiệp, có nghĩa là chặn đứng, cắt đứt sự hiệp nhất trong con người, sự tha hóa dẫn đến tính nhị nguyên hiện sinh giữa xác thể và tinh thần. Sự căng thẳng này còn thể hiện ra bằng xung đột giữa con người nội tâm và ngoại tại, giữa con cái Thiên Chúa và con cái ma quỷ, con cái loài người với con cái Thiên Chúa… Vả lại, theo viện phụ Ixaác, những sự đối lập này không có cùng nội dung. “Con người ngoại tại” và “con cái loài người” đôi khi có nghĩa là xác thịt, đôi khi là linh hồn, đôi khi cả hai.

Từ nay, dường như con người thiêng liêng trở nên mù quáng và khập khiễng. Những quan năng để suy tư đã bị giảm thiểu bởi mất đi khả năng trực giác thiêng liêng và khả năng thấy Chúa. Quan năng tình cảm thì tỏ ra bất lực khi làm điều thiện, nguy cơ suy thoái đã rõ ràng.

Trong một phân tích gần giống như tác phẩm Summa sententiarum (3,16, PL 176, 113-114) nhưng với tính tự do thường lệ, viện phụ Ixaác phác họa một hiện tượng thú vị sản sinh ra bảy sự tha hóa chung và cội rễ của chúng, vốn là nguồn gốc và cứ địa của sự xấu và tội lỗi.

Vì tội nguyên tổ, con người đã không còn được tham dự vào sự sống và đang ngụp lặn trong sự chết; vậy hà cớ gì con người vừa hiện hữu đó rồi lại không hiện hữu nữa! Trong tình cảnh ấy, Đức Kitô đến như người Samari nhân hậu. Như vị lương y, không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc, ngài đi vào trong thế giới bệnh tật và trở nên liên đới với họ. Đức Kitô đến tái hợp con người bằng việc liên kết họ với mình. Mầu nhiệm cứu độ đã được suy niệm khởi đi từ học thuyết Thân Thể Mầu nhiệm (Corps mystique). Từ học thuyết này, ngài đã cho ra những quảng diễn đẹp nhất trong nền văn chương Kitô giáo nơi những trang về Kitô học, thần học ân sủng, thánh mẫu học và linh đạo tìm được những điểm chung và luận lý hỗ tương.

b. Thân thể mầu nhiệm

Đức Kitô được sai đến làm đầu của một thân thể bị “khiếm đầu”, để chuyển tải sự sống vào thân thể ấy. Cũng như đầu và thân thể của một người là chính con người đó trong sự hợp nhất của chính mình, thì các chi thể của Con Đức Trinh Nữ cũng chỉ là một người hợp nhất trong chính Người, là Đức Kitô toàn thể; trong Người và qua sự trung gian của Người, họ làm một với Thiên Chúa.

Sự hiệp nhất giữa Ngôi Lời và nhân loại này cũng được diễn tả qua hình ảnh hôn ước giữa Chúa Kitô và Hội thánh – Evà mới, làm nên một công thức nổi tiếng trong bí tích Hòa giải – thứ tha tội lỗi.

Tất cả chi thể của thân thể Chúa Kitô đều có thể nói với tất cả sự xác tín rằng: mình là con cái Thiên Chúa và được thông dự vào ơn làm nghĩa tử -một ơn đặc biệt và nhưng không. Đức Kitô toàn thể vừa là Con duy nhất, vừa là nhiều người con, sinh bởi Thiên Chúa duy nhất ở trên trời và từ một người Mẹ duy nhất ở dưới đất. Từ đó, có sự song song giữa Đức Maria và Giáo hội được triển khai một cách trang trọng nơi bài giảng 51, trở thành điểm tham chiếu của Hiến chế Lumen Gentium. Những mầu nhiệm cuộc đời Chúa Kitô, Giáng sinh, Vượt qua, Khổ nạn, Phục sinh và Lên trời đã bắt đầu với người công chính đầu tiên và cũng kết thúc với người cuối cùng trong số họ. Viện phụ Ixaác đã nói bằng thể loại văn chương thơ ca về sự quang tỏa của Chúa Kitô trong lòng tín hữu. Như thế, nhờ gỗ thánh giá và nước phép rửa, Đức Kitô toàn thể vừa là Đấng Cứu Độ duy nhất, vừa là người duy nhất được cứu độ. Thực vậy, nhờ Phép Rửa, nhờ được tái sinh bởi Thánh Thần và Giáo hội, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa, được tha thứ mọi tội lỗi, thân mình của những người được sinh ra từ cùng một Thần Khí và từ Đức Trinh Nữ Maria, thì cũng không hề phạm tội.

Thánh Thể là lương thực mới nuôi dưỡng con người mới, được nâng đỡ và tiến triển trong việc trở nên giống Chúa Kitô; bằng cách tham dự vào thập giá của Người, chúng ta đạt đến vinh quang của Người. Ba “tác động” xuyên suốt Thánh l ễ là biểu tượng cách chính xác ba giai đoạn căn bản của đời sống thiêng liêng của Kitô hữu: sự đau đớn vì hối lỗi, việc sùng kính trong đời sống nhân đức, xuất thần trong chiêm niệm. Được Người Con giải thoát, chúng ta được đồng hiển trị, trong tư cách là con Thiên Chúa, đồng thừa tự và nên một với Người.

  1. Những giai đoạn của đời sống thiêng liêng

a. Sai Chúa Thánh Thần

Chúa Kitô trung gian dẫn đưa con người đến chỗ hiệp nhất nội tại và hiệp nhất biến hình với Chúa Cha ngang qua sự hiệp nhất bí tích với Thân Thể mầu nhiệm, được mở ra trong và nhờ Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần là Quà Tặng của Chúa Cha và Chúa Con. Do đó có thể nói, Người là ngôi vị “gần gũi với thụ tạo nhất” trong Ba Ngôi, cũng là ngôi vị cho phép thụ tạo “sử dụng” Thiên Chúa.

Có lẽ ở đây còn âm vang học thuyết về Chúa Thánh Thần như “linh hồn của thế giới”, được giảng dạy một thời tại trường Chartres. Sai Chúa Thánh Thần không chỉ có “chiều đi xuống” (descendante), nhưng cũng là “chiều đi lên” (ascendante): Đấng được sai đến để hướng dẫn Giáo hội của Chúa Kitô, Đấng sẽ trao gửi Giáo hội ấy cho Chúa Cha (x. Bài giảng 24).

Chúa Thánh Thần là ánh sáng nhờ đó con người có thể đạt đến sự chiêm ngưỡng sự thật thần linh, và là lửa để đốt lên trong con người ngọn lửa đức ái. Bởi lẽ, nếu “ân sủng đầu tiên” (ân sủng tạo dựng creatrix gratia) ban cho con người khả năng tự nhiên như công cụ nhận biết và yêu mến Chúa, thì sau tội nguyên tổ, con người cần ơn trợ giúp của “ân sủng thứ hai” (adiutrix gratia, x. Bài giảng 26). Sự tiến bộ của đời sống thiêng liêng như vậy có nền tảng từ hai sáng kiến của Thiên Chúa. Vì thế, con người có bổn phận làm trổ sinh hoa trái nhờ việc tự do sử dụng ân huệ đã lãnh nhận một cách nhưng không.

b. Chân lý và bác ái

Trong lộ trình thiêng liêng, để khôi phục hình ảnh của Thiên Chúa nơi chúng ta, thì bác ái là con đường, chân lý là điểm đến. Viện phụ Ixaác xác định điều này trong một bản văn khá quan trọng để hiểu hơn học thuyết thiêng liêng của ngài (x. Bài giảng 16). Tuy nhiên, đức ái không thể giản lược thành phương tiện chuyển tiếp: đức ái sẽ luôn tồn tại. Quả vậy, tình yêu và sự hưởng kiến nhào nặn hỗ tương trong vòng hạnh phúc viên mãn. (x. Bài giảng 5;10 và 43). Chính vì mục đích tối hậu này mà cần “tập luyện thiêng liêng” trong một tôn giáo đích thực (x. 5;25), và đó cũng là lý do hiện hữu của mình vậy (21).

c. Hoán cải

Viện phụ Ixaác thường chú trọng lộ trình hoán cải và những khó khăn đặc thù của lộ trình ấy (x. Bài giảng 16-17, 32-33). Việc hoán cải khởi đi từ hành động trở về trong chính mình, theo đó, con người như đứa con đi hoang trở về trong dụ ngôn, cảm nhận được mình đang ở trong vùng không giống ai (dissemblance, x. Bài giảng 2). Việc đi vào trong cô tịch, trong sa mạc thiêng liêng và trong Thiên Chúa, dẫn đến việc ăn năn về lỗi lầm quá khứ, nhận ra sự khốn cùng của mình khi đối diện với lòng thương xót của Thiên Chúa, thúc đẩy chúng ta đến lãnh nhận bí tích Hòa giải và đền tội (x. Bài giảng 2; 10; 16; 17; 33). Đó cũng chính là lúc các cơn cám dỗ ập đến, mà chủ yếu phát xuất từ lòng con người, cám dỗ không đến từ bên ngoài (x. Bài giảng 31; 32). Bởi vậy cần đến sự phân định thiêng liêng trong tiến trình hoán cải này (x. Bài giảng 29).

d. Trau dồi nhân đức

Giai đoạn tiếp theo của con đường chiêm niệm chính là huấn luyện tình cảm (affectus) dưới sự hướng dẫn của lý trí (ratio). Viện phụ Ixaác nhấn mạnh tầm quan trọng sự vận hành như thế và cũng dè chừng trước sự an toàn mong manh (immatura securitas) (x. Bài giảng 4; 12;14), vì chính tình cảm (affectus) chi phối hành động của con người. Nếu được đào tạo trong trật tự, những tình cảm (affectus) sẽ được nâng lên tầm các nhân đức cẩn trọng, tiết độ, sức mạnh và công bình, là các nhân đức trụ của tất cả các nhân đức khác. Mặt khác, viện phụ Ixaác định nghĩa nhân đức chính là thái độ sống tốt lành được thiết lập của tâm hồn (habitus animi bene institute) tìm được tất cả các giải pháp trong đức ái, và chúng chỉ thực thi những kiểu thức cụ thể hướng tới sự triển nở toàn vẹn (x. Bài giảng 4; 34).

Các ân ban của Chúa Thánh Thần được sức mạnh tình yêu đón nhận cách tự do và trở thành nhân đức (habitus, De anima; Bài giảng 6), vì vậy các nhân đức là những yếu tố “phụ thuộc” phân biệt với linh hồn, thậm chí còn đối lập với yếu tính của linh hồn (oppositione essentiae, De anima). Đương nhiên, nguồn mạch của nhân đức ở trong Thiên Chúa, theo đó chúng được định tính; linh hồn chỉ làm chức năng cho chúng thông dự vào trong Chúa.

Viễn ảnh thần lý này của viện phụ Ixaác đã phân biệt với quan niệm duy ý chí (conception volontariste) về nhân đức, vốn là quan niệm của nhóm khắc kỷ. Ngài tránh xa quan niệm đó và càng tập trung suy niệm về mầu nhiệm ơn tiền định và rút ra từ đó những hệ luận sáng sủa về tính nhưng không của ơn cứu độ (x. Bài giảng 33-37).

e. Thanh luyện ánh nhìn

Tất cả đều muốn thấy những gì mình yêu thích. Để thấy Chúa, sau khi để cho mình được sưởi ấm bởi ngọn lửa đức ái, còn cần phải thanh luyện ánh nhìn của con tim (x. Bài giảng 4). Vì như có một cuộc viễn du nội tâm của linh hồn hướng tới ơn hiểu biết (intelligentia), chỉ ơn này mới có thể chiêm ngưỡng đám mây sáng ngời trên núi Tabo.

Hành trình đi lên này gồm hai cấp độ mang tính quyết định. Trước hết, thanh luyện những đám mây tưởng tượng vụn vặt; tiếp theo, giữ thinh lặng của tinh thần nhờ vượt qua sự giao động của những tư tưởng; và cuối cùng nên thủ đắc khả năng loại bỏ bao nhiêu có thể tất cả những bận tâm bề nổi, thậm chí cần thiết, là những thứ có nguy cơ làm xáo trộn sự yên tĩnh lành mạnh của nội tâm. Tâm hồn nào hấp thụ được sự chiêm ngưỡng Đức Khôn Ngoan trong thinh lặng sẽ thanh khiết như dòng nước trong vắt và phẳng lặng, và chính trong bức gương này xuất hiện hình ảnh của Thiên Chúa (x. Bài giảng 25).

f. Hiệp kiến (la vision unitive)

Ơn hiểu biết (Intelligentia ou mens), cực điểm thiêng liêng của linh hồn (supremum animae), chính là khả năng hưởng kiến Thiên Chúa (qua Deus videtu). Tương quan kép gần như trực tiếp và khác nhau tận căn, mà ơn hiểu biết (intelligentia) – con mắt của tinh thần ở đỉnh cao của chuỗi tạo thành – đàm đạo với Thiên Chúa, giống như với tương quan cảm giác của xác thịt (sensualitas carnis), – điều được coi là giá trị hơn trong cơ thể – với phần hạ đẳng của linh hồn, đó là trí tưởng tượng (phantasticum). Trong hai trường hợp, một sự hiệp nhất thực sự là có thể, tuy nhiên “không lẫn lộn các bản chất” (sine naturarum confusione), “không thay đổi bản chất” (absque ulla demutatione naturae) (x. Bài giảng 55).

Sự hiệp nhất của ơn hiểu biết (intelligentia) với Thiên Chúa có thể xem là hiểu biết trực giác, một cuộc hưởng kiến (vision). Trong khi đó, khác với hiểu biết thuần lý, kết quả của quá trình trừu xuất, hoạt động của ơn hiểu biết (intelligentia) cần có ơn chiếu sáng thần linh cách đặc biệt (x. Bài giảng 26; 32;24).

Theo ý kiến của viện phụ Ixaác, intelligentia ở trong tình trạng giống như tình trạng của con mắt, tức là mắt chỉ nhìn thấy mặt trời nhờ ánh sáng của chính mặt trời (x. Bài giảng 26). Tuy nhiên, sự so sánh này không hoàn toàn thỏa đáng, bởi vì, từ căn bản, ánh nhìn của intelligentia bị bóng tối bao phủ do tội nguyên tổ; và việc hưởng kiến Thiên Chúa, trong ánh sáng của Thánh Thần, chỉ có thể có được nhờ mầu nhiệm Nhập thể cứu độ và tinh thần nghĩa tử (x. Bài giảng 4;5;29;32).

Cuộc hưởng kiến Thiên Chúa là một loại mặc khải (ré-vélation) hơn là sự chiêm ngưỡng (contemplation). Trở lại yếu tố song song với sự hiệp nhất của linh hồn và của thân thể, viện phụ Ixaác kết luận: cũng như từ dưới lên trong sự tưởng tượng, thì ơn hiểu biết intelligentia từ trên cao đi xuống như cuộc thần hiện (theophaniae). Kinh nghiệm không thể diễn tả của một tinh thần mù mờ trước ánh sáng dạt dào. Đó là cuộc xuất thần giống sự kinh hoàng của các tông đồ trên núi Tabo.

Lối tiếp cận mang tính biểu tượng thích hợp để nói lên đặc tính của việc hưởng kiến Thiên Chúa, đó là sự hiệp nhất trong hôn nhân. Như tân lang và tân nương trong sự hiệp nhất trở nên một thân xác thế nào, thì những ai gắn kết với Thiên Chúa cũng trở nên một thần khí với Người. Chúng ta ghi nhận ở đây thần trí con người được ví như tân lang; mặt khác, khi trích dẫn Diễm Ca, viện phụ Ixaác nói linh hồn như tân nương (x. Bài giảng 5;10;40).

Tuy nhiên, mối hiệp nhất của “thánh, thiêng liêng, thần thiêng” (sancta, spiritualis, divina) (Bài giảng 5), vượt xa mối hiệp nhất phối ngẫu, ngay cả mối hiệp nhất xác hồn. Bởi lẽ nó hiện thực mối hiệp nhất hoàn hảo (maxime unum) của hai hữu thể không thể so sánh (de incomparabilibus).

Hai bản văn cuối cùng được trích dẫn (5;9) cũng biểu hiện chiều kích Ba Ngôi trong kinh nghiệm thần bí của viện phụ Ixaác. Mối hiệp nhất luôn luôn với Chúa Cha, nhờ Chúa Con (đồng thời cũng nhờ ơn làm nghĩa tử trong Chúa Kitô toàn thể), trong Chúa Thánh Thần, Đấng là ánh sáng và ân ban.

  1. Đời sống đan tu

a. Đời sống chiêm niệm

Hoạt động và chiêm niệm đối với Maria (em cô Martha) là hai trách vụ được hoàn thành cách tuyệt hảo; trong mỗi cá nhân nó luôn chuyển liên tiếp, và trong Giáo hội nó thể hiện bằng hai thể thức định chế của đời sống (x. Bài giảng 51). Còn đối với viện phụ Ixaác, “sự hoán cải” hay “việc tuyên khấn” đan tu (conversatio ou professio monastique) được định tính là đời sống chiêm niệm.

Trong Thân Thể Chúa Kitô, tất cả các chi thể liên đới hỗ tương, người sống đời chiêm niệm đảm nhận cùng chức năng với ơn hiểu biết (intelligentia) trong linh hồn. Họ đóng vai trò là con mắt chiếu sáng toàn thân thể huyền nhiệm Chúa Kitô, họ cũng mang chức năng của đôi cánh như phương tiện để Giáo hội bay lên gặp gỡ Phu Quân mình trong ngày cánh chung (x. Bài giảng 34;55).

Mặt khác, đối với viện phụ Ixaác, đời sống đan tu chiêm niệm không loại trừ những lưu tâm tích cực và hữu hiệu hướng về tha nhân, cách riêng những người không có khả năng tự vệ (x. Bài giảng 25). Trái lại, theo Đức Kitô toàn thể, chiêm niệm phải liên kết với thực hành công trình của lòng thương xót (x. Bài giảng 12). Chiều ngang của đức ái, được thúc đẩy cho đến hiến mạng sống mình cho tha nhân (Bài giảng 49). Nơi viện phụ Ixaác, dường như không thấy dấu vết nào trong các bản văn của ngài cho thấy việc sùng kính nhân tính của Chúa Kitô. Nhân tính của Chúa Kitô toàn thể lại chẳng phải là tất cả những ai đã được Người cứu chuộc sao? Và đức ái chính là luật của Chúa Kitô ấy, Đấng đã mang nơi mình những ai mà Người yêu mến lên cây thập giá (x. Bài giảng 31).

Việc dấn thân trong đời sống đan tu đã bao hàm trong nó định hướng thiêng liêng và ý định sâu xa này (Bài giảng 3). Có thể kể ra theo thứ tự và mối liên hệ hữu quan của chúng: độc thân thánh hiến, từ bỏ của cải trong nếp sống chung và vâng phục; viện phụ Ixaác cho thấy nó có nguồn gốc từ các tông đồ và cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Ngọn lửa đức ái đã được Chúa Thánh Thần đốt lên trong ngày lễ Ngũ Tuần đã và đang tắt theo tháng năm. Các đan viện là những nơi còn lưu giữ chút tim đèn đang khói (x. Bài giảng 50). Về cuộc chấn hưng Xitô, dù được cho là phát triển rộng rãi, đã không làm gì mới; đúng hơn, chỉ đơn giản là trở về nguồn. Sự nhìn nhận này bóc mẽ thái độ tự hài lòng hoặc tự cao. Giá trị của một lối sống, cho dù lối sống nào đi nữa cũng không hệ tại ở tu phục hay việc giữ luật dòng, cho bằng mức độ chân thành theo đuổi tình yêu Chúa và tha nhân, vốn là nguồn gốc và cùng đích của tất cả cuộc cải cách đích thực.

b. Giữ luật dòng

Toàn bộ bài giảng 50 của viện phụ Ixaác dành để bàn về lối sống đan tu Xitô (formula conversationis); ngoài ra, những minh họa và triển khai về việc giữ luật dòng cũng không thiếu trong các bài viết của ngài.

– Mục tiêu kiếm tìm không ngừng, không mệt mỏi của chúng ta chính là sự thánh thiện, thanh luyện con tim để được ơn chiếu sáng chiêm niệm. Việc định hướng căn bản về khổ hạnh để đạt đến ơn thần bí không chỉ minh nhiên nói về phương pháp, mà còn được hiểu ngầm xác quyết của viện phụ Ixaác về việc nội tâm hóa những thực hành như sự khó nghèo (x. Bài giảng 1), việc giữ chay (x. Bài giảng 31), sự cách biệt thế gian và thinh lặng (x. Bài giảng 1;14). Yếu tố cách biệt thế gian và thinh lặng chỉ có thể thực hành được nếu chúng ta học cách thức đàm thoại với Thiên Chúa (x. Bài giảng 14;50), ngang qua việc đọc sách thiêng liêng (lectio divina), suy niệm (meditatio) và cầu nguyện (oratio) (x. Bài giảng 14;15). Đức tin phải được đóng ấn bởi niềm ước ao chiêm ngưỡng dung nhan Thiên Chúa, được đưa vào trong sự thâm tình của Người (x. Bài giảng 37;30).

– Độc giả của viện phụ Ixaác dễ dàng nhận ra cụm từ “làm việc chân tay” được thường xuyên nhắc đến, đồng thời cũng nhận ra sự tiến triển rất ý nghĩa về tư tưởng này của ngài. Tại đan viện Sao Mai, các anh em quy sĩ và gia nhân đảm nhận phần lớn các công việc chân tay, viện phụ Ixaác coi đó là khía cạnh sám hối và bác ái (x. Bài giảng 50) được tóm lược trong mệnh đề sau: Chúng ta lao động với bao nhiêu mồ hôi, thì cũng hãy trao ban bấy nhiêu đức ái (cum molto sudore laboremus quod cum multa caritate donemus). Tại đảo Ré, việc lao động nặng nhọc đã đem lại kinh nghiệm lớn bao trùm lên cộng đoàn nhỏ bé này, và làm nảy sinh những yếu tố của một linh đạo. Điều được khám phá như một giá trị, đó là nhu cầu kiếm sống do chính việc lao động của mình giúp viện phụ Ixaác nhận ra khía cạnh tích cực của việc giải thiêng (désacralisation) thời gian, nhường chỗ cho việc thánh hóa từ bên trong các hoạt động trần thế. Vì thế, việc lao động không còn được coi như hoạt động thêm vào trong nhịp sống thánh thiêng của phụng vụ, đọc sách thiêng liêng… nhưng như yếu tố cấu thành chuỗi căn bản của ngày sống.

Lắng nghe Lời Chúa và lao động được thành toàn và quân bình cách hỗ tương, và sự đắp đổi đó tương hợp với chính cấu trúc đời sống của con người.

– Viện phụ Ixaác đặt nền tảng sự vâng phục trên học thuyết Thân Thể huyền nhiệm. Ai muốn làm bạn với Phu Quân – Đức Kitô, phải lắng nghe lời Hiền Thê ngang qua lắng nghe các vị bề trên và giáo huấn của Giáo hội. Tuy vậy, còn có mức độ sâu xa hơn, tức là vâng lời được kết nối với giáo huấn về ơn tiền định, chính là lắng nghe với niềm vui tiếng nói của Phu Quân, Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng nói trong tất cả các biến cố. (Về ơn tiền định, viện phụ Ixaác quan niệm rằng: các biến cố xảy đến không bao giờ là hoàn toàn tiêu cực, bởi vì tối thiểu chúng cũng được sự cho phép của Thiên Chúa nhân lành, x. Bài giảng 36).

Vậy, yếu tính của “tôn giáo” (religion) chính là gắn kết (adhérer) với thánh ý của Thiên Chúa như được thể hiện trong hiện sinh cách cụ thể, trong bình an và lòng biết ơn.

 

 

NHỮNG QUYẾT ĐỊNH TRONG CỘNG ĐOÀN: MỘT NƠI CỦA HIỆP HÀNH

Lời mời gọi của thánh Biến Đức cho thời đại hôm nay

Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Trong bất cứ tổ chức xã hội nào, quyết định luôn là một việc hết sức cần thiết. Những quyết định giúp cho tổ chức phát triển và cá nhân thăng tiến. Dầu vậy, nếu có những quyết định sáng suốt giúp tiến triển thì cũng không thiếu những quyết định “mù tối” mang đến những hệ luỵ tiêu cực và có thể dẫn đến những tàn phá với những mức độ nhất định. Nếu có những tâm trí được soi dẫn bởi thiện chí và thiện ý để xây dựng nhân vị nhân phẩm, một cách đúng đắn, thì cũng có những con người và cả cơ cấu tổ chức bị điều hướng bởi một thứ “ý thức hệ” nào đó dẫn đến những quyết định làm đảo lộn những trật tự và giá trị vốn tốt đẹp và nền tảng.

Nhưng dù do động lực và chủ đích khác nhau, quyết định diễn tả sự kiện là con người chung sống và đồng hành với nhau trong cuộc đời. Xã hội nhân sự hay tổ chức tôn giáo luôn hướng tới một cuộc hành trình của những con người “cùng đi với nhau”. Chính vì thế, quyết định trong các lãnh vực khác nhau luôn giữ vị trí hết sức quan trọng không thể thay thế được.

Được phân công viết bài cho nội san “Hạt giống Chiêm niệm” số 30 với chủ đề “Một Đi Chung Cùng Nhau”, tham chiếu chương 3 Tu luật Thánh Biển Đức “Việc Hội ý Anh em”, tôi cảm thấy khá khó khăn trong việc nối kết hai yếu tố trên. Làm sao việc hội ý anh em đưa đến những quyết định lại diễn tả sự hiệp hành trong đời sống cộng đoàn, và đây là cộng đoàn đan tu Biển Đức-Xitô? Tôi mạo muội chia sẻ mội vài suy tư – mang tính cá nhân và có thể một chút khiên cưỡng – như một đóng góp khiêm tốn cho hành trình hiệp hành mà Giáo hội đang kêu mời toàn thể Dân Chúa suy tư và hành động.

* * * * * * *

Trước hết, chúng ta cần nghe lại những gì Thánh Biển Đức viết trong Tu luật của ngài.

Chương 3: Việc hội ý anh em

Trong đan viện mỗi khi có việc quan trọng cần giải quyết viện phụ sẽ triệu tập toàn thể cộng đoàn và tuyên bố lý do. Sau khi lắng nghe ý kiến anh em, chính ngài sẽ tự cân nhắc, rồi thực hiện điều ngài xét cả có ích hơn. Sở dĩ cha bảo phải hội ý mọi người, vì Chúa thường tỏ cho cả ít tuổi nhất ý kiến hay hơn. Anh em hãy góp ý với tất cả lòng khiêm tốn tùng phục chứ đừng cố chấp bênh vực quan điểm của mình. Việc quyết định thuộc quyền viện phụ. Điều ngài xét là hay hơn, thì mọi người phải vâng theo. Nhưng nếu môn để có bổn phận vâng lời thì thầy có nghĩa vụ sắp đặt mọi việc cho sáng suốt và công bình.

Vậy, trong mọi trường hợp, tất cả phải theo Tu luật là thầy, chớ có ai dám sai lệch. Trong đan viện không ai được theo ước muốn của lòng mình. Cũng đừng ai xấc xược tranh cãi với viện phụ dầu ở trong hay ngoài đan viện. Nếu ai cố phạm, hãy chiếu Tu luật mà trừng phạt. Tuy nhiên, chính viện phụ phải thi hành mọi sự với lòng kính sợ Chúa, và tôn trọng Tu luật. Ngài hãy biết chắc rằng ngài sẽ phải trả lẽ cùng Thiên Chúa, Đấng Thẩm Phán chí công về mọi quyết định của mình. Còn những việc ít quan trọng, nhưng hữu ích cho đan viện, ngài chỉ cần tham khảo ý kiến của các vị lão thành, như có lời chép: “Làm gì con cũng nên bàn hỏi, để xong việc, con sẽ khỏi hối hận”.

Tôi sẽ không thực hiện việc chú giải chương 3 Tu luật Thánh Biển Đức, nhưng từ những chỉ dẫn của Thánh Phụ, tôi nêu bật một số yếu tố khả dĩ làm nền tảng cho việc hiệp hành trong đời sống cộng đoàn. Trước hết, tôi nêu lên một vài ý thức, tiếp đến là cách thức tham gia của cộng đoàn và cuối cùng là quyết định mà viện phụ – bề trên – phải thực hiện.

  1. Những ý thức căn bản về “hiệp hành”

Cộng đoàn Kitô không chỉ là tập hợp những con người để hình thành một nhóm, mà để sống chung với nhau trong sự liên đới và thông hiệp. Nếu không có yếu tố hiệp thông, thì Giáo hội và các cộng đoàn tu sĩ cũng chỉ là một thứ câu lạc bộ, một loại công ty xí nghiệp, nơi người ta qui tụ vì một lợi ích chung nào đó. Giáo hội là nơi sự sống của một thân thể thông truyền từ Thiên Chúa để tràn chảy trong từng chi thể. Cộng đoàn những người sống đời thánh hiến là một “Giáo hội thu nhỏ”, nơi đó mọi thành viên ý thức mình thuộc về cộng đoàn để hành động với tinh thần đồng trách nhiệm và để chia sẻ cùng vận mạng với anh chị em mình.

a. Ý thức “thuộc về”

Thánh Biển Đức viết Tu luật cho những đan sĩ sống đời cộng đoàn: “Đó là những người sống trong đan viện, chiến đấu theo một Tu luật và dưới quyền của viện phụ” (TL.c.2). Định nghĩa này cho phép chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc thuộc về một đan viện. Đó là một yếu tố căn bản khách quan. Yếu tố đó cần chi phối tâm thái và hành động của đan sĩ. Để có thể đạt được điều này, ý thức là bước đầu tiên để có thể sống và hoạt động trong định hướng đó. Ý thức này phải mang đặc tính năng động: một ý thức năng động. Nghĩa là ý thức chi phối và điều hướng tư tưởng và hành vi vì lợi ích chung của cộng đoàn và sự thăng tiến của từng anh em.

Khi viết chương 3 “Việc hội ý anh em”, thánh Biển Đức, xuyên qua thực hành này, nhấn mạnh đến ý thức thuộc về mà mỗi đan sĩ cần có. Thật vậy, việc các thành viên cộng đoàn tham gia vào tất cả mọi sinh hoạt diễn tả tính năng động của ý thức này. Các đan sĩ sống trong cộng đoàn không bao giờ được đóng vai “khách hàng” của đan viện, nghĩa là chỉ nghĩ đến việc đón nhận hay trao đổi mua bán. Khách hàng chỉ hưởng thụ. Trái lại, là thành viên của cộng đoàn, đan sĩ luôn tích cực trong đời sống với những sinh hoạt cụ thể hằng ngày và khi được kêu mời, sẽ đóng góp ý kiến và quan điểm riêng của mình để xây dựng.

Ý thức thuộc về diễn tả bản thân là một “người thân”, chứ không phải người xa lạ. Thân của một thân thể. Thân của một sự sống. Thân của liên kết và hiệp thông. Như vậy, dù chỉ là “việc hội ý anh em” cũng có sức diễn tả sự năng động của “Hiệp hành”. Đây là bước đi của của ý kiến, của quan điểm riêng đóng góp cho công cuộc chung. Đó là “cùng đi với nhau” trong hành trình của tư tưởng sẽ dẫn đến quyết định mở ra cho những chân trời mới. Ý thức thuộc về trong việc đóng góp ý kiến diễn tả ý thức đồng trách nhiệm.

b. Ý thức “đồng trách nhiệm”

Đan viện bao gồm cả yếu tố vật chất, tinh thần và thiêng liêng. Đó là một nơi của sự sống. Đó là nơi sinh sống của tất cả mọi thành viên. Chính vì thế, đan viện không của riêng một ai, không là sở hữu của bề trên, của viện phụ. Đan viện là cộng đoàn của Thiên Chúa và của chung mọi người. Nếu cộng đoàn là như thế, thì mỗi thành viên đều có trách nhiệm xây dựng cộng đoàn và đời sống cộng đoàn. Không một ai có quyền “phủi tay” hay “rửa tay” coi mình không có trách nhiệm. Tất cà đều “đồng trách nhiệm” đối với cộng đoàn và từng anh em mình.

Khi thánh Biển Đức khuyên viện phụ triệu tập cộng đoàn hay một số anh em tham dự cuộc họp để trao đổi và tham vấn, thánh phụ muốn mỗi đan sĩ tham gia một cách tích cực vào cuộc họp, bằng cách đưa ra ý kiến của mình. Ý kiến riêng của mỗi người là một đóng góp rất quí báu cho hành trình của chính cộng đoàn và cho chính bản thân.

Khi nói đến “HIỆP HÀNH”, chúng ta thường nghĩ đến hành động. Nhưng trước khi hành động, cần phải “đi chung cùng nhau” trong trách nhiệm đòi hỏi thảo luận để có thể đưa đến những quyết định mở ra cho những con đường mới. Ý thức đồng trách nhiệm là một trong những ý thức căn bản của chính sự hiệp hành; đồng trách nhiệm về chính vận mạng của cộng đoàn và mỗi thành viên.

c. Ý thức “cùng vận mạng”

Ý thức nền tảng thứ ba, đó là ý thức cùng vận mạng. Giáo hội cũng như các cộng đoàn những người sống đời thánh hiến là nơi của sự sống. Đây không chỉ là sự sống thể lý mà còn là sự sống của linh hồn. Đây không chỉ là nơi của đời sống hiện tại mà còn hướng tới sự sống đời đời. Không chỉ dừng lại nơi thời điểm hiện tại mà còn hướng về tương lai, cũng như đã được xây dựng bởi quá khứ. Như vậy, Giáo hội và cộng đoàn tu sĩ mang trong mình “chiều kích cánh chung”, nghĩa là sống hiện tại hướng về đích điểm của lịch sử và cuộc sống nhân loại.

Khi thánh Biển Đức viết chương 3 để anh em có cơ hội đóng góp ý kiến của mình và để viện phụ có đủ chất liệu cần thiết hầu đưa ra quyết định, ngài muốn nhận mạnh đến chữ “CÙNG” quan trọng này: đó là cùng một vận mạng. Đây là vận mạng đời đời. Đây là vận mạng của ơn cứu độ. Đây là phẫn rỗi của từng anh em. Nếu ý thức này mạnh mẽ và năng động, chúng ta sẽ tích cực đóng góp ý kiến riêng của mình để cộng đoàn được phát triển và anh em được thăng tiến trong định hướng của ơn cứu độ, của lý tưởng đan tu. Và nếu được như vậy, chúng ta đang hiện thực việc “HIỆP HÀNH” trong ý nghĩa sâu xa nhất. Đó là hiệp hành trong định hướng ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện cho chúng ta và chúng ta muốn cùng nhau đạt được hồng ân cứu rỗi đó.

Ý thức, dù là những ý thức nền tảng, vẫn còn ở trong tâm trí, vẫn chưa được hiện thực trong cụ thể. Chính vì vậy, hành động luôn cần thiết. “Việc hội ý anh em” như thánh Biển Đức đòi buộc viện phụ phải được diễn tiến “tốt” về phía anh em cũng như về phía viện phụ.

  1. Cách thức tham gia của anh em

Chúng ta cần xác định: cộng đoàn đan tu được tổ chức theo Tu luật thánh Biển Đức không là quân chủ cũng không là dân chủ. Viện phụ không phải là quân vương có thể quyết định tuỳ ý và áp đặt ý kiến riêng của mình trong mọi lãnh vực. Cũng không phải dân chủ theo nghĩa của các tổ chức xã hội, nghĩa là quyết định theo số đông; vì số đông chưa chắc thể hiện chân lý. Cộng đoàn không phải là tập hợp những cá nhân đồng thuận về bất cứ dự án nào, mà cũng chẳng phải đa số áp đặt ý muốn lên thiểu số. Cộng đoàn những người sống đời thánh hiến – đương nhiên cộng đoàn đan tu – là nơi cùng nhau tìm kiếm điều Thiên Chúa muốn, điều Thiên Chúa chờ đợi nơi họ.

a. Dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa

Thánh Biển Đức dặn dò: “Trong đan viện không ai được theo ý muốn của lòng mình”. Điều này áp dụng cho mọi thành phần của cộng đoàn, viện phụ cũng như anh em. Như vậy, cần thiết là tìm ý muốn của Thiên Chúa trong những việc đang được đưa ra để bàn thảo. Nhưng làm sao có thể tìm ra thánh ý Thiên Chúa? Thiết tưởng cần có một số điều kiện cơ bản.

– Trước hết, chính là bầu khí cầu nguyện. Sinh hoạt đời đan tu luôn được nuôi dưỡng bằng sự cầu nguyện, nghĩa là sống sự hiện diện sống động của Thiên Chúa. Ngay trong lúc góp ý, mỗi người cần thiết nối kết với Đấng là nguồn của mọi tư tưởng tốt lành và xây dựng. Có sự nối kết này, những gì được nói lên đã được “thanh lọc”. Nếu không có sự nối kết này, vẫn có nguy cơ “vỡ trận” vì “tinh thần thế tục”, “cạnh tranh hơn thua” và cả “ngôn từ dao búa”.

– Tiếp đến là “đức tin được năng động bởi đức mến”. Trong việc nêu lên ý kiến riêng của mình cũng như lắng nghe ý kiến của anh em, đức tin và đức mến giúp “hiểu sâu hơn lời nói”. Đó là sự “vượt qua” từ lắng nghe ngôn từ đến hiểu được ý nghĩa và từ ý nghĩa đến nắm bắt thực tại. Nếu không có sự vượt qua này của đức tin soi sáng và đức mến hướng dẫn, nguy cơ “tranh cãi” vì ngôn từ sẽ ngăn cản tiến trình cuộc họp, vì chỉ dừng lại nơi những từ ngữ, mà “ngôn bất tận ý”.

– Cuối cùng, đó là trái tim vào cuộc. Đây là trái tim với những “điều thiện”: thiện chí, thiện ý và thiện tâm. Khi nói lên quan điểm cá nhân, mỗi người nó điều lòng mình nghĩ tưởng, điều mà mình cho là tốt nhất, thiện hảo nhất đối với bản thân. Nghĩa là điều được nhìn là “thiện hảo” cho cộng đoàn và anh em. “Thiện” nơi bản thân sẽ là một đóng góp với những cái thiện của những anh em, để cùng nhau hình thành cái thiện lớn nhất.

Một vài tâm thái trên diễn tả “mối thông hiệp” là nền tảng của mọi sinh hoạt đan tu, của việc cùng nhau hội họp đóng góp ý kiến. Mối hiệp thông chiều ngang – nghĩa là giữa các thành viên cộng đoàn đang cùng nhau tìm thánh ý Thiên Chúa – phải được nuôi dưỡng bằng sự thông hiệp chiều dọc với chính Thiên Chúa, Đấng là nguồn mọi thiện hảo, Đấng soi sáng mọi tư tưởng tốt lành và thúc đẩy mọi tâm hồn thiện chí.

Như vậy, việc hội họp là một nơi của “HIỆP HÀNH” với ý nghĩa thứ nhất là “HIỆP THÔNG”. Đây là một trong những nét đẹp của Giáo hội, của cộng đoàn những người sống đời thánh hiến. Đó là “nét đẹp của chữ CÙNG” đi tìm thánh ý Thiên Chúa, sống trong sự hướng dẫn của Thiên Chúa và cùng nhau bước đi trong ánh sáng của Thiên Chúa.

b. Lòng khiêm tốn và tùng phục

Thánh Biển Đức đưa ra hai thái độ quan trọng để việc góp ý mang đến những kết quả tốt: “Anh em hãy góp ý với tất cả lòng khiêm tốn tùng phục, chứ đừng cố chấp bênh vực quan điểm của mình”.

– Trước hết là lòng khiêm tốn hay khiêm hạ. Đây là thái độ của người đi tìm sự thật, nói sự thật và sống sự thật. Người khiêm hạ không bảo vệ quan điểm của mình bằng mọi giá, không muốn áp đặt quan điểm của mình trên cộng đoàn. Không áp đặt quan điểm mình, vì nhận ra rằng bản thân cũng chỉ nhận ra một số khía cạnh của sự thật. Bản thân không nắm giữ sự thật toàn vẹn. Sự thật chỉ đến từ Thiên Chúa. Người khiêm hạ trình bày quan điểm của mình mà không sợ quan điểm của mình trái ngược với quan điểm của người khác và ngay cả với viện phụ. Người khiêm tốn nói lên những gì bản thân xét là tốt và tốt nhất. Đây là cái tốt chủ quan rất cần thiết. Nhưng đồng thời mở ra với cái tốt khách quan và những điều tốt hơn và tốt nhất thật sự. Người khiêm tốn luôn mở ra, không bao giờ khép kín.

– Tiếp đến là tuân phục. Thánh Biển Đức viết: “Trong mọi trường hợp, tất cả phải theo Tu luật là thầy, chớ ai cả gan sai lệch ra ngoài”. Điều cấu thành một cộng đoàn, đó là anh em được qui tụ và được điều hướng bởi một Lề Luật chung. Lề Luật chung đây mang nhiều cấp độ.

Trước hết, đó là Tin Mừng. Tin Mừng phải là Luật Sống của cộng đoàn những người thánh hiến, của cộng đoàn đan tu chúng ta. Đó cũng là Tin Mừng được áp dụng cho đời sống đan tu. Đó là sự hiện tại hoá Tin Mừng trong môi trường đan tu.

Tiếp đến, Lề Luật là Luật thánh Biển Đức. Các đan sĩ biển đức-xitô nhận Tu luật thánh Biển Đức làm một “kim chỉ nam” hướng dẫn sinh hoạt đời đan tu của mình. Tinh thần và những qui định cụ thể trong Tu luật phải là tiêu chí cho một cuộc sống đan tu triển nở.

Rồi Hiến Pháp của Hội Dòng chứa đựng đặc sủng, đoàn sủng của Hội Dòng. Sự tuân phục đó mang đến sự chắc chắn cho một hành trình đan tu đúng hướng.

Và cuối cùng là những qui định cụ thể của từng đan viện. Những qui định này cần đi đôi và diễn tả sự nhất quán với đời đan tu được qui định bởi những Lề Luật trên kia.

Khi nói đến sự tuân phục, chúng ta không nên nghĩ đến sự tuân phục ấu trĩ của một thứ nô lệ, mà phải là một sự tuân phục giúp bảo đảm cho đời sống. Khi góp ý, với tinh thần tuân phục, chúng ta biết “gạn lọc” những gì “trật đường” hay “lạc lối”. Dĩ nhiên là khi đóng góp những tư tưởng, nêu lên những quan điểm, đề xuất những sáng kiến, chúng ta muốn hành trình tương lai phải sáng hơn; nhưng cũng rất cần là hành trình đó với những con đường mới cần đi đúng theo điều Thiên Chúa và Giáo hội mong chờ chúng ta. Đó là sự sáng tạo nhưng là sự sáng tạo trong trung thành, trung tín. Đó không phải là “nô lệ quá khứ” – cần phải gạt bỏ những gì lỗi thời, cổ hủ không còn mang đến sự sống – đó cũng không phải là một sự “phiêu lưu bất định” mà chẳng thấy gì khác ngoài cái “phiêu”.

Hai tâm thái “khiêm hạ” và “tuân phục” có thể được ví như “hai bán cầu não” cùng hoạt động để chất lượng cuộc sống được nâng cao. Như thế, cuộc sống sẽ hài hoà và tất cả được xây dựng trong bình an.

c. Đón nhận trong bình an

Thánh Biển Đức căn dặn: “Đừng ai táo bạo tranh cãi với viện phụ một cách hỗn xược…” Tại sao lại tranh cãi hỗn xược? Đó là vì tâm hồn không được bình an. Không bình an vì cho quan điểm của mình là nhất, có giá trị hơn tất cả các ý kiến khác. Tranh cãi hỗn xược với anh em, với những vị cao niên, trưởng thượng, sẽ dẫn đến hỗn xược với viện phụ. Trái lại, bình an là hoa trái của khiêm hạ và tuân phục. Bình an phải là tâm thái và cũng là bầu khí của việc trao đổi ý kiến. Đương nhiên trong cuộc hội họp cũng có thời điểm căng thẳng và có thể có lúc cũng “cao giọng”, nhưng bình an luôn cần thiết để anh em biết trình bày ý kiến của mình cách thanh thản và lắng nghe nhau cách bình tĩnh.

Tham gia là yếu tố thứ hai của HIỆP HÀNH. Tham gia hàm chứa các mức độ khác nhau.  Dầu sao, tham gia đóng góp ý kiến một cách tích cực và với những tâm thái trên luôn là những yếu tố cần thiết và quan trọng để cộng đoàn cùng tiến bước với nhau trong định hướng khám phá ra thánh ý Thiên Chúa trên cộng đoàn và trên cuộc đời mỗi anh em. Việc hội họp để góp ý kiến đòi hỏi thời gian và có khi nhiều thời gian. Đây không phải là những thời gian mất đi – mất thời gian – mà là những thời gian để cộng đoàn được thăng tiến, để anh em học biết cùng đi với nhau trong thời gian. Có một ngạn ngữ Châu Phi diễn tả rất đẹp về việc đồng hành với nhau: “Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa thì đi với nhau”. Đời đan tu của chúng ta với nhịp sống và nhịp bước chậm, nhưng đi xa đến “sự sống đời đời”. Vì vậy, chúng ta cần nhau, cần soi sáng cho nhau, và cần soi sáng cho những người có trách nhiệm trực tiếp với cộng đoàn, đó là bề trên, là viện phụ.

  1. Quyền quyết định thuộc về Viện phụ

Viện phụ hay bề trên cũng chỉ là một thành viên của cộng đoàn, được anh em bầu chọn để điều hành và hướng dẫn cộng đoàn “đi đúng theo con đường của Thiên Chúa”. Tu luật thánh Biển Đức trao cho viện phụ vai trò hết sức quan trọng và trách nhiệm hết sức nặng nề. Tính cách của viện phụ in đậm dấu ấn trên cộng đoàn. Thánh Biển Đức mời gọi viện phụ phục vụ cộng đoàn với tất cả nhiệt tâm và tài năng để rồi Thiên Chúa sẽ ân thưởng cho ngài khi đến giờ “xét xử”. Vì là một nhiệm vụ thánh thiêng và hệ trọng, nên nhất cử nhất động, tư tưởng và cách hành xử của ngài, sẽ phải “trả lẽ” trước Thiên Chúa.

Trong chương 3, thánh Biển Đức trao cho viện phụ một công việc hết sức hệ trọng, đó là quyết định; “Sau khi lắng nghe ý kiến anh em, chính ngài sẽ tự cân nhắc, rồi thực hiện điều ngài xét là có ích hơn… Việc quyết định thuộc quyền viện phụ. Điều ngài xét là hay hơn, thì mội người phải vâng phục”.

Như vậy, việc xét định và quyết định luôn nhắm tới lợi ích của cộng đoàn, chứ không tư lợi của viện phụ. Điều đó diễn tả sự “HIỆP HÀNH”. Viện phụ quyết định điều gì đều nhờ, trong và vì cộng đoàn. Ngài cùng đồng hành với anh em.

a. Lắng nghe

Việc anh em tham gia góp ý kiến, quan điểm, giúp viện phụ hình thành phán đoán. Phán đoán luôn cần những tư tưởng đa chiều. Nếu chỉ một ý kiến, sẽ không có phán đoàn chính xác và lành mạnh. Nếu viện phụ chỉ suy nghĩ một mình, nếu ngài không lắng nghe anh em, nếu anh em không dám phát biểu, cho ý kiến, viện phụ rất khó đưa ra quyết định đúng đắn và có thể nói là rất khó thực hiện. Nếu thánh Biển Đức, khởi đầu Tu luật, đã mời gọi mọi đan sĩ “lắng nghe”, thì thái độ nội tâm và ngoại tại này dành đặc biệt cho viện phụ. Ngài phải là người đầu tiên lắng nghe tiếng Thiên Chúa ngỏ với mình, lắng nghe Luật Lệ – với những cấp độ nói trên – và lắng nghe anh em.

Trong cuốn sách “Sức Mạnh Của Ơn Gọi. Đời Sống Thánh Hiến Ngày Nay. Đức Giáo Hoàng Phanxicô trò chuyên với Fernando Prado”, một câu hỏi được đặt ra cho Đức Giáo Hoàng: “Khi nói về các bề trên, Đức thánh cha có nghĩ rằng vai trò ngày nay đã thay đổi không?” Và ngài trả lời: “Vâng, tôi cho rằng vai trò này đã thay đổi, theo chiều hướng tốt hơn. Rõ ràng, ngày nay chúng ta đã đánh giá lại quyền bính. Tôi tin như thế. Ngày nay chúng ta biết lắng nghe hơn, chúng ta biết phân định hơn… tôi nghĩ rằng còn hơn là đức tính, người ta có thể nói về những thái độ. Ba thái độ ấy là: cầu nguyện, yêu thương người anh em, và lắng nghe họ…”

Chúng ta có thể nói rằng: khi viện phụ lắng nghe những ý kiến, quan điểm của từng anh em, là ngài đang “cùng đi” với người anh em đó trong hành trình tư tưởng và trong thiện chí xây dựng cộng đoàn. Viện phụ HIỆP HÀNH với người anh em trong mối thông hiệp với những thao thức, mong ước. Đây là một nét đẹp của quyền bính. Viện phụ là “đầu tàu” lôi kéo “các toa” để cả đoàn tàu chuyển bánh trong một định hướng rõ ràng.

b. Phân định

Thánh Biển Đức nhấn mạnh đến tiêu chí “điều hay hơn, ích lợi hơn”. Điều hay hơn và ích lợi hơn đến bất cứ anh em nào. Khi thánh Biển Đức nhận định: “Sở dĩ cha truyền phải  ý mọi người, vì Chúa thường tỏ cho kẻ ít tuổi những ý kiến hay hơn”. Chúng ta chú ý đến từ so sánh “hơn”. Để có thể đạt được điều đó, viện phụ cần phải thực hiện một việc rất quan trọng, đó là phân định.

Khi nhấn mạnh đến việc cần thiết phải biện phân – hay phân định – trong đời sống thánh hiến, Đức thánh cha – cũng trong cuốn sách trên – đã dùng một hình ảnh hơi châm biếm. Ngài nói: “Một người thánh hiến thì không giống như một đứa trẻ ôm bình sữa”. Ngài nói tiếp: “Ơn phân định đem lại cho người thánh hiến sự trưởng thành mà người ấy cần. Điều căn bản hôm nay trong đời sống thánh hiến, đó là sự trưởng thành.” Liên quan đến việc phân định với cấp độ lớn hơn, Đức thánh cha nói: “Thật rõ ràng là trong các công nghị và các tổng công nghị, đời sống thánh hiến phải bắt đầu phân định đời sống và sứ mạng của mình. Nhưng sự phân định ấy không được làm khơi khơi trên không trung, nó luôn phải nhắm những gì cụ thể. Nếu trong một công nghị nào đó ta phải đưa ra quyết định về một cộng đoàn hay một công cuộc tông đồ nào đó, thì chúng ta phải phân định cách nghiêm túc, có tính đến tất cả các lý do và các yếu tố khác có liên hệ. Chúng ta không được làm điều này một mình.”

Những gì Đức thánh cha nói trên đều có thể giúp cho việc phân định trong đời sống cộng đoàn đan tu, giúp cho viện phụ có một sự phân định sáng suốt. Điều thánh Biển Đức nhấn đến từ “hơn” giúp viện phụ tìm ra trong tất cả những ý kiến, quan điểm của anh em, điều gì và những điều gì ích lợi, tốt hơn cho cộng đoàn. Chính sự phân định này giúp ngài đưa ra những quyết định giúp cộng đoàn thăng tiến, lớn lên hơn mỗi ngày. Khi viện phụ cùng với anh em phân định, là cùng nhau hiện thực sự HIỆP HÀNH. Chúng ta cần nhau để thấy rõ những khái cạnh khác nhau của các vấn đề và khám phá ra những giá trị tiềm ẩn, mà mỗi người nhận ra. Những giá trị đó được tập hợp lại để hướng tới giá trị lớn nhất được hiện thực trong các quyết định.

c. Quyết định

Đây là giai đoàn cuối cùng và điểm tới của “việc hội ý anh em”. Nếu cuộc hội ý cộng đoàn không đưa đến chung cuộc bằng các quyết định, thì đúng là “mất thời giờ vô ích” hay vấn đề cứ “mãi mãi bỏ ngỏ” không biết đến bao giờ có định hướng. Nhưng quyết định mà viện phụ phải thực hiện – hay các vấn đề mà công nghị, các hội đồng biểu quyết – là gì và đâu là mục đích?

Mục đích của việc tham khảo ý kiến anh em cũng như quyết định không phải là làm hài lòng mọi người. Nếu chỉ nhắm tới sự hài lòng này, nguy cơ lớn là biến quyết định trở thành một thứ “mị dân” không có tính xây dựng. Nếu quyết định là đi tìm một giải pháp nào đó càng ít làm phật lòng ngay cả nhóm nhỏ càng tốt, thì cũng có nguy cơ rói vào một sự “thoả hiệp” gây nên nhiều tác hại.

Vậy mục đích của việc hội ý anh em và quyết định đưa ra là khám phá và nhắm đến thiện hảo chung, một thiện hảo mang tính chất “cùng nhau”. Nói cách khác, thiện hảo lớn nhất là “vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi tha nhân”, là ơn cứu độ.

Như vậy, để có thể đạt được điều đó, viện phụ cùng với anh em, cần phải sống “nhất quán” với ơn gọi và những gì mình đã tuyên khấn với Thiên Chúa. Những quyết định, dù trong phạm vi vật chất hay cơ cấu hoặc thiêng liêng, đều phải hướng tới mục đích trên. Và đó là “mẫu số chung” của HIỆP HÀNH.

Trách nhiệm của viện phụ thật nặng nề, vi phải bao quát mọi phương diện và khía cạnh của cuộc sống cộng đoàn, đồng thời quan tâm trên hết là “phần rỗi các linh hồn”; chính vì thế mà mỗi chúng ta, một cách nào đó và với mức độ nào đó, trở thành “cố vấn” cho ngài. Không cần phải là “cố vấn có chức danh” mà là những người anh em đầy thiện tâm, thiện chí, thiện ý, giúp ngài trong việc phục vụ cộng đoàn một cách tốt nhất. Đó cũng là cách thức HIỆP HÀNH với viện phụ và cộng đoàn.

* * * * * * *

Khi viết Tu luật cho các đan sĩ sống đời cộng đoàn, thánh Biển Đức đã đưa ra NGHỆ THUẬT sống trong TRƯỜNG HỌC PHỤNG SỰ THIÊN CHÚA. Khi nói đến nghệ thuật là nhấn mạnh đến TÌNH YÊU và VẺ ĐẸP. Chính tình yêu và vẻ đẹp của đời sống đan tu tạo nên giá trị của đan viện và mọi sinh hoạt hằng ngày trong nội vi. Vì thế mọi hoạt động của cộng đoàn và của từng đan sĩ đều mang phẩm tính nghệ thuật.

Trong chương 3, thánh Biển Đức đưa ra một số yếu tố nền tảng và những cách thức cụ thể để “Việc hội ý anh em” mang đến những thành quả tốt đẹp cho cộng đoàn và giúp viện phụ đưa ra những quyết định sáng suốt. Đây là một nghệ thuật của một VĂN HOÁ ĐỐI THOẠI, trong đó mỗi anh em – đan sĩ và viện phụ – với những quan điểm riêng và những ý kiến cá nhân, cố gắng “nhìn về một hướng”. Đó là hướng nhìn về thánh ý Thiên Chúa chi phối trên sự việc đang được bàn thảo.

Như vậy, thánh ý Thiên Chúa là nơi các đan sĩ tìm gặp nhau trong điều chính yếu nhất. Và đó cũng là “hồn sống” việc tham gia của từng thành viên đan viện trong tất cả hoạt động của cộng đoàn, từ tri thức đến lao động, từ cầu nguyện chiêm niệm đến tương giao huynh đệ. Nói cách khác, thánh ý Thiên Chúa hiện thực một cộng đoàn HIỆP HÀNH với nhau, và qua đó, với Giáo hội và thế giới.

“Việc hội ý anh em” để đưa đến những quyết định là một trong những sinh hoạt cần thiết của đời đan tu – vì chúng ta đang đề cập đến bối cảnh của đời sống này theo tinh thần của chương 3 Tu luật thánh Biển Đức. Những quyết định mang tầm vóc quan trọng và ảnh hưởng rất lớn trên cộng đoàn, chính vì thế mà thánh Biển Đức, trong chương này cũng như các nơi khác, đã “nhắc nhở” viện phụ như sau: “Ngài hãy biết, không chút nghi ngờ rằng: ngài sẽ phải trả lẽ cùng Thiên Chúa, Đấng Thẩm Phán chí công về mọi quyết định của mình”. Để có thể “trả lẽ” một cách tốt đẹp nhất, viện phụ cần phải HIỆP HÀNH với từng anh em và cả cộng đoàn, trong việc tham khảo ý kiến. Và đó là sự khôn ngoan và cẩn trọng cần thiết, vì “làm gì, con cũng nên bàn hỏi; để xong việc, con sẽ khỏi hối hận”. Và với tư cách là thành viên của cộng đoàn, mỗi chúng ta cũng phải HIỆP HÀNH với viện phụ, với mọi thao thức và hoạt động của ngài, để nơi mỗi đan viện chúng ta hiện thực mong ước của thánh Biển Đức “để trong mọi sự Thiên Chúa được tôn vinh”. THIÊN CHÚA ĐƯỢC TÔN VINH TRONG MỘT CỘNG ĐOÀN HIỆP HÀNH.

 

 

“THẦY DÒNG THẬT, THẦY DÒNG THÁNH”: MỘT CÁCH THỨC SỐNG HIỆP HÀNH VỚI HỘI THÁNH

Lời mời gọi của cha Tổ phụ Biền Đức Thuận
cho Đan sĩ Xitô Thánh Gia

Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

Hội thánh đang sống trong cơn sốt về chủ đề “Hiệp hành”. Trên các truyền thông của Hội thánh hoàn vũ cũng như các Hội thánh địa phương, từ hiệp hành được sử dung một cách rộng rãi. Bước vào trong các thánh đường, logo cũng như từ hiệp hành được đặt ở nơi tạo nên sự chú ý đặc biệt. Trong các hội nghị, các buổi hội họp và những dịp tĩnh tâm, chủ đề này được triển khai phong phú dưới nhiều phương diện. Điều này cũng dễ hiểu, vì Đức thánh cha Phanxicô kêu mời mọi thành phần Dân Chúa suy tư, học hỏi và sống sự hiệp hành trong các Hội thánh địa phương quốc gia và châu lục trước khi được bàn thảo tại Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới.

Cùng nhịp bước với Dân Chúa và chung phần cảm thức với Hội thánh, nội san “Hạt Giống Chiêm Niệm” số 30 tập chú vào chủ đề Hiệp hành, với những ánh nhìn khác nhau trong các lãnh vực riêng biệt, nhưng quy tụ vào đời sống đan tu chiêm niệm. Các đan sĩ sống sự hiệp hành trong lòng Hội thánh và nơi cộng đoàn của họ như thế nào? Đâu là phương thức “chuyên biệt” của họ để hiện thực sự hiệp hành với ba nội dung chính là “Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”?

Cố gắng nêu lên yếu tố quan trọng trong hành trình “cùng đi chung” với Hội thánh, tôi dựa vào đời sống và giáo huấn của cha tổ phụ Biển Đức Thuận trong mối liên quan đến đời sống đan tu. Điểm tôi muốn nhấn mạnh về cái “LÀ” của đan sĩ, với phẩm tính “Thật” và “Thánh”. Hai phẩm chất này là cách thức đóng góp vào tiến trình Hiệp hành. Trước hết, tôi sẽ nêu lên sự cần thiết trở nên thánh và thật nơi đan sĩ. Tiếp đến, đan sĩ thật và thánh là mong chờ của Hội thánh. Cuối cùng, khi đan sĩ thực hiện cái chất “Thật và Thánh” trong cuộc đời mình là một đóng góp “độc đáo” cho tiến trình hiệp hành của Hội thánh.

* * * * * * *

  1. “Nên thầy dòng thật, thầy dòng thánh”

Đối với cha tổ phụ Biển Đức Thuận, điều quan trọng của đời sống đan tu là “SỐNG THẬT” và “SỐNG THÁNH”: điều làm nên căn tính của đan sĩ. Đây cũng là điều tạo nên niềm tin nơi những người khác. Ngài nói: “Chúng tôi phải nên thầy dòng thật, bằng không chỉ là phỉnh dối người ta. Họ gửi thư xin chúng tôi cầu nguyện, họ tưởng chúng tôi là những người nhân đức lắm, toàn là những ông thánh, ông thánh hết. Vậy, chúng tôi hãy lo nên thầy dòng thật. Chớ để sự họ tin cậy chúng tôi ra vô ích” (DN, s.134).

Yếu tính của đan sĩ không hệ tại những yếu tố bên ngoài, mà là yếu tố bên trong được diễn tả qua cách sống. Ngay trong Tu luật của mình, thánh phụ Biển Đức cũng đã cảnh tỉnh về hạng đan sĩ tự tu: “Loại thứ ba thật đáng ghét…qua cách sống, họ chứng tỏ còn mê theo thói đời. Đã hiển nhiên là họ lấy việc cắt tóc đi tu mà lừa dối Chúa” (TL,c.1). Nếu cuộc sống và “cách ăn nết ở” không diễn tả được nội dung của chính đời đan tu, thì việc khoác lên chiếc áo dòng hay cắt tóc đi tu, chỉ để lừa dối Chúa và làm mất niềm tin của tha nhân. Vậy, đâu là những yếu tố cấu thành một đan sĩ thật?

Cha tổ phụ Biển Đức Thuận, trong cũng số Di Ngôn bàn về “Nên Thầy Dòng Thật” (DN, s.134), đã nêu lên những thành tố sau đây:

– Hiệp thông với Thiên Chúa: “Ngày hôm nay chúng tôi có kết hiệp cùng Chúa không? Kết hiệp với Chúa là năng nhớ đến Chúa, và nói khó cùng Chúa, hiệp một lòng một ý với Chúa. Chúa cho chúng tôi vui, chúng tôi cùng vâng. Chúa để chúng tôi buồn, cũng dạ. Chúa cho gặp những gì trái ý nghịch lòng, cũng vâng. Dẫu phải làm những điều khốn cực lắm, cũng xin vâng hết thảy. Như vậy mới là kẻ hiệp một lòng một ý với Chúa.”

– Sứ vụ chuyển cầu: “Chúng tôi phải lo kính mến Chúa, kết hiệp với Chúa, thì lời chúng tôi cầu nguyện mới có sức, mới được thần thế trước mặt Chúa, mới làm cho người ta tin cậy chúng tôi không ra vô ích.”

Hai yếu tố trên – yếu tố thứ nhất liên quan đến chính mối hiệp thông với Thiên Chúa và yếu tố thứ hai là mối tương quan với tha nhân – diễn tả sự liên kết bền chặt của hai tình yêu, yêu mến Thiên Chúa và yêu tha nhân. Đời sống đan không là gì khác hơn sống chính mối tình yêu “kép” đó. Đan sĩ bước đi trong mối tình hiệp thông với Thiên Chúa với trọn con tim của mình và bước đi với tha nhân bằng chính tình yêu dành cho Thiên Chúa. Hiệp thông với Thiên Chúa và chuyển cầu cho tha nhân giúp đan sĩ sống đúng với ơn gọi của mình.

Sống thật với ơn gọi của mình cũng chính là sống một cuộc đời thánh thiện. Chính vì thế, cha tổ phụ Biển Đức Thuận, sau khi đề cập đến việc “nên thầy dòng thật”, liền nói đến đòi hỏi “Nên Thầy Dòng Thánh” (DN, s.135).

– Trước hết, ngài đưa ra nhận định: “Chúng ta đã biết, làm nên một thầy dòng thật, nên một thầy dòng thánh, không phải dễ đâu. Thật là một điều rất khó, nhưng chúng ta có khởi công ra sức chịu khó tập tành, chăm chỉ cầu nguyện, thì thế nào cùng được.”

– Tiếp đến, ngài nhấn mạnh đến sự hãm mình, nghĩa là khổ chế. Đời đan tu phải là một nếp sống khổ chế, một cuộc chiến liên lỉ. Nhưng đâu là sự hãm mình lớn nhất, việc khổ chế khó nhất? “Điều khó hơn hết là bỏ ý riêng chúng ta mà kết hiệp cùng Chúa”. Như vậy, hãm hình hay khổ chế tự thân không có giá trị, mà phải đưa đến mục đích là “kết hiệp với Chúa”. Nếu đời đan tu mang màu sắc khổ hạnh, không nhắm tới điều gì khác là giúp cho các đan sĩ “được giải thoát”, cuộc sống trở nên “nhẹ nhàng”, để sống mối tình hiệp nhất với Thiên Chúa.

– Cuối cùng, việc trở nên thầy dòng thật, thầy dòng thánh, mang trong chính nó “một sứ vụ”. Cha tổ phụ Biển Đức Thuận nhấn mạnh: “…chịu khó hãm mình đền tội cho được cộng tác với Chúa trong việc cứu rỗi linh hồn người ta”. Và đây là tâm thái và cách sống của người đan sĩ thật và thánh: “…chỉ chăm chú suy nghĩ và thao thức vì thấy người ta ít kính mến Chúa mà thôi, cả ngày thầy chỉ tìm làm đẹp lòng Chúa, hằng kết hiệp với Chúa, an ủi Chúa và lo đến phần rỗi kẻ khác. Thầy hằng lo giữ như vậy, đến nỗi xem ra như chỉ có một mình Chúa với một mình thầy ở thế gian này vậy, “solus cum solo”.

Khi phác hoạ chân dung nội tâm và hình thái của người muốn trở nên “thầy dòng thật, thầy dòng thánh”, cha tổ phụ Biển Đức không muốn dừng lại nơi chính bản thân đan sĩ, mà mở rộng ra trong mối tương giao với Thiên Chúa và tha nhân. Nói cách khác, ngài muốn nhấn mạnh đến sự hiệp thông với Thiên Chúa và việc tham gia sứ vụ trong Hội thánh, như chính ngài khẳng định trong số Di Ngôn trên: “Ấy là thầy dòng nhất hảo. Hội thánh ao ước về chúng ta như vậy. Sự ấy rất phải, vì sẽ làm ích cả thể cho Hội thánh cách kín nhiệm.” Trước đó, ngài cũng đã xác nhận: “Một thầy dòng ‘comtemplativi’ (chiêm niệm) hãm mình, trở nên một thầy dòng thánh, thì làm ích cho Hội thánh, và làm rạng danh cho dòng mình.”

  1. “Hội thánh ước ao về chúng ta”

Cha tổ phụ Biển Đức Thuận, với những giáo huấn trên kia, đã diễn tả chính điều ngài sống. Trong suốt hành trình cuộc đời, hai mối dây liên kết không bao giờ phân ly, đó là lòng yêu mến Thiên Chúa nồng nàn và lòng yêu mến tha thiết đối với tha nhân. Tình yêu đối với Thiên Chúa được diễn tả bằng chính mối hiệp thông, kết hiệp với Thiên Chúa. Tâm trí và toàn bộ hành vi đều hướng về mục tiêu này. Tình yêu đối với tha nhân được quảng diễn qua thao thức phần rỗi của tha nhân, khao khát họ được biết và phụng sự Thiên Chúa. Đời sống đan sĩ, theo định hướng của cha tổ phụ Biển Đức Thuận, được chuyển động trong trục tình yêu: “lo kết hiệp với Chúa, kính mến Chúa, và lo cho thêm số những người kính mến Chúa”.

Khi nói rằng “Hội thánh ước ao về chúng ta như vậy”, cha tổ phụ đã đọc được sự mong chờ và thao thức mà Dân Chúa có đối với đời sống đan tu. Đời sống đan tu là thành phần của chính đời sống Hội thánh. Những người sống đời thánh hiến đan tu không sống bên lề hay bên ngoài Hội thánh, mà phải là bên trong với điều gì ẩn kín hay kín nhiệm. Điều đó thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu – một nữ tu Cát-minh – đã khám phá sau nhiều năm trăn trở: “Trong lòng Hội thánh, Mẹ của con, con sẽ là tình yêu.” Một tình yêu “kép” như cha tổ phụ Biển Đức Thuận nhấn mạnh.

Vậy đâu là điều Hội thánh – đặc biệt Hội thánh ngày nay – mong chờ nơi những người sống đời đan tu chiêm niệm? Tôi thiết nghĩ thật cần thiết trích nguyên văn một tuyên bố trang trọng của chính Hội thánh qua Công đồng Vaticanô II. Trong số 7 của sắc lệnh Đức ái trọn hảo, các nghị phụ của Công đồng, đại diện cho toàn Dân Chúa, đã khẳng định: Trong những hội dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, các tu sĩ chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa trong cô tịch và lặng lẽ, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hân hoan hãm mình, thì cho dù nhu cầu hoạt động tông đồ có khẩn thiết đi nữa, những hội dòng ấy vẫn luôn giữ một địa vị cao quí trong Nhiệm Thể Chúa Kitô, trong đó, “mỗi chi thể đều có một tác động khác nhau” (Rm 12,4). Thực vậy, họ dâng lên Thiên Chúa hy lễ chúc tụng tuyệt hảo, làm vẻ vang dân Thiên Chúa bằng những hoa trái thánh thiện dồi dào, lấy gương lành lôi cuốn và làm cho dân ấy thêm lớn mạnh bằng việc tông đồ tuy âm thầm nhưng phong phú. Như thế, họ là vinh dự của Giáo Hội và là mạch tuôn trào các ơn thiêng.

Trong tuyên bố này, các nghị phụ của Công đồng muốn nhấn mạnh đến một số yếu tố làm nên căn tính của đời đan tu chiêm niệm và sứ vụ của họ trong lòng Hội thánh. Chúng ta cần ghi nhận những diễn ngữ được sử dụng:

–  “Chỉ nhất tâm phụng sự một mình Thiên Chúa”: đây là mục đích chính yếu của đời sống đan tu chiêm niệm. Chỉ một lòng dành cho Thiên Chúa; dành trọn tình yêu cho Thiên Chúa.

– “Trong cô tịch và lặng lẽ, trong việc chuyên lo cầu nguyện và hân hoan hãm mình”: đây là những phương cách diễn tả mối tình với Thiên Chúa. Đây cũng là bầu khi nội tâm và môi sinh bên ngoài của đời đan tu chiêm niệm.

– Và sứ vụ của đời đan tu chiêm niệm, của những đan sĩ “contemplativi” là chính nếp sống thánh thiện của họ, là chính sự thật của đời sống của họ: hoa trái thánh thiện, gương lành lôi cuốn, việc tông đồ âm thầm phong phú. Và chính khi họ sống cái “thật”, cái “thánh” của đời sống đan tu là họ cộng tác vào chính sứ vụ của Hội thánh một cách độc đáo của ơn gọi. Họ là những chi thể giữ một địa vị cao quí trong Nhiệm thể Chúa Kitô là Hội thánh.

  1. Một cách thức hiệp hành “độc đáo”

Chúng ta quay lại với chủ đề Hiệp hành. Đó là việc cùng đi với nhau – đồng hành – trong mối Hiệp thông và qua việc Tham gia vào Sứ vụ.

Đời sống đan tu chiêm niệm Xitô Thánh Gia đã được định hướng trong những yếu tố trên. Đó là một sự hiệp thông “kép” như nói trên kia: hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với con người. Đời sống đan tu chiêm niệm, vì không có những hoạt động bên ngoài dễ nhận thấy, nên có thể bị hiểu sai như là một cuộc sống trốn chạy, sống bên lề của cuộc sống con người và Hội thánh. Thật ra, đời sống đan tu mang đậm dấu ấn của cuộc sống “xa cách trần gian” – hoặc như diễn ngữ cổ điển thường cho là “trốn đời” -; và dù trong bất cứ thời đại nào, ngay thời đại hôm nay, yếu tố này cần được bảo tồn và triển khai. Nhưng không được coi nó như là mục đích. Nó chỉ là một “tâm thái”, một thái độ nội tâm và một hành vi. Đan sĩ chiêm niệm đi vào đan viện là bước vào một thế giới khác hẳn với cuộc sống trần gian và cũng có những điểm khác biệt với một tu viện của những anh chị em hoạt động tông đồ. Họ đi vào đan viện, “sa mạc”, để đi tìm kiếm tâm hồn mình. Thật vậy, nơi đan viện, khi sống trong tĩnh lặng, họ khám phá nơi mình biết bao nhiêu “cuồng vọng” làm họ xa cách với chính mình, và vì thế, xa cách với Thiên Chúa và tha nhân. Khi “hòa giải” với chính mình, tái tạo một trật tự nội tâm trong an bình, họ trở nên “một” với chính bản thân, với Thiên Chúa và người khác. Như vậy, khi đan sĩ hiệp thông với chính mình – duy nhất hóa bản thân -, họ sống mối hiệp thông với Thiên Chúa và tha nhân. Vì thế, sống trong đan viện, xa cách trần gian, đan sĩ Xitô Thánh Gia còn đi sâu vào tâm hồn nhân thế, khi họ đi sâu vào cung lòng Thiên Chúa. Họ vẫn là thành phần của nhân loại, của Hội thánh. Họ xa cách “tiếng ồn” của thế gian, để lắng nghe một cách chăm chú hơn “Lời Thiên Chúa” và “tiếng nói thế nhân”. Như vậy, đan sĩ Xitô Thánh Gia sống mối HIỆP THÔNG trong những gì sâu thẳm nhất, là “Cung lòng Thiên Chúa” và “cung lòng thế nhân”. Cách họ hiệp hành với Hội thánh, với trần gian, là cách thức “độc đáo” của chính TÌNH YẾU.

Yếu tố thứ hai là Tham gia và yếu tố thứ ba là Sứ vụ. Tôi thiết tưởng có thể gộp hai yếu tố này thành một cụm từ “tham gia sứ vụ”. Trên kia, tôi đã trích dẫn chương 7 của Sắc lệnh Đức ái Trọn hảo. Chương nói về các tu sĩ chuyên sống về chiêm niệm. Chúng ta cũng nên biết rằng trong sắc lệnh này, khi bàn về đời sống đan tu, ngoài chương 7, còn có chương 9 cũng bàn về đời sống đan tu với một vài yếu tố khác, đó là một số việc tông đồ mà các đan viện đảm nhận vì bác ái Kitô giáo.

Nhiệm vụ chính yếu của các đan sĩ là phục vụ Thiên Chúa trong đời sống ẩn dật, hoặc phụ trách cách hợp pháp một vài công việc tông đồ hay bác ái Kitô giáo. Vậy, tuy vẫn duy trì tính chất riêng của mỗi dòng, họ cũng cần canh tân những tập truyền tốt lành xưa và thích nghi chúng với những nhu cầu hiện đại của các linh hồn để đan viện trở thành như trung tâm vun trồng dân Kitô giáo. Cũng vậy, các dòng có hiến chương hay qui luật liên kết chặt chẽ đời tông đồ với việc đọc nhật tụng trong ca hội và những luật lệ đan viện, hãy hòa hợp cách sống với các đòi hỏi của những việc tông đồ thích hợp với họ, làm sao để trung thành giữ được lối sống của mình đồng thời vẫn sinh nhiều ích lợi cho Giáo Hội.”

Chúng ta có thể nhận ra nơi hai số trên có một sự “thỏa hiệp” nào đó giữa hai luồng đan tu – theo nghĩa tốt đẹp của từ ngữ -; vì theo dòng lịch sử, vào thời đại và nơi các quốc gia nào đó, các đan viện chỉ có thể tồn tại nếu đảm nhận một hoạt động xã hội như trường học hay bệnh viện… Đây là những hoạt động xã hội và tông đồ mà các đan viện tiếp tục thực hiện.

Đối với các đan sĩ Xitô Thánh Gia, điểm chính yếu của đời đan tu, đó là “phục vụ Thiên Chúa trong đời sống ẩn dật”. Vì thế, sự tham gia vào sứ vụ của Hội thánh phải khác với các anh chị em “dòng hoạt động”. Khác về phương thức, còn mục đích như nhau. Mục đích là tham gia vào sứ vụ cứu độ của Thiên Chúa mà Hội thánh đang tiếp tục thực hiện. Phương thức tham gia vào sứ vụ của Hội thánh nơi chúng ta mang dấu ấn “kín ẩn” hay “kín nhiệm” như Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận nêu lên. Ngài đã dùng hình ảnh của những chiếc rễ chôn sâu trong lòng đất để hút nhựa sống nuôi sống thân cây và giúp trổ sinh hoa trái. Bao lâu rễ còn chôn sâu, bấy lâu nó có thể chu toàn sứ vụ của nó. Khi nào nó muốn “trồi lên” mặt đất, lúc đó nó không còn mang lại sức sống cho cây. Phải chăng “âm thầm, khiêm tốn” là tâm thái cần thiết và quan trọng cho các đan sĩ Xitô Thánh Gia hiện thực sự tham gia vào sứ vụ của Hội thánh? Và một cách căn bản, khi đan sĩ Xitô Thánh Gia sống “Thật” ơn gọi của mình bằng việc nên “Thánh” thì đó là cách thức “Độc Đáo” mà chúng ta có thể đóng góp vào tiến trình Hiệp hành của và trong Hội thánh.

* * * * * * *

“Giáo hội Hiệp hành” hay “Hội thánh Hiệp hành” là một diễn ngữ đẹp và chất chứa nội hàm phong phú. Nhưng diễn ngữ này cũng có nguy cơ tở thành sáo ngữ, khi nó chỉ là đối tượng của một thứ hình thức khoe khoang, tô vẽ. Hiệp hành luôn là một đòi hỏi, đòi hỏi của chính mầu nhiệm nhập thể và nhập thế của Chúa Giêsu Kitô. Thật vậy, Hội thánh chỉ hiệp hành chân thực khi đi trên con đường hiệp hành của chính Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu đã là người đầu tiên thực hiện việc hiệp hành. Để có thể đồng hành với con người, Chúa phải nhập thể, nghĩa là mang thân phận con người, sống như con người, ngoại trừ tội lỗi. Chúa đã hiệp nhất ngay chính trong con người Chúa thần tính và nhân tính, để Chúa thành Thiên Chúa “Thật” và con người “Thật”. Chúa đã tham dự vào kế hoạch cứu độ mà Chúa Cha uỷ thác để thực hiện. Chúa đã nhập thế với trọn vẹn con người của Chúa để sứ vụ cứu độ được hoàn thành. Với tư cách là Đấng “Thánh”, Chúa đã thánh hoá nhân loại trong mầu nhiệm “Tự Huỷ Của Thập Giá”.

Hội thánh muốn trở thành một Hôi thánh Hiệp hành cũng cần đi vào con đường tự huỷ của chính mầu nhiệm nhập thể và thập giá. Đó là con đường của tình yêu dấn thân để mang ơn cứu độ cho nhân loại. Khi Giáo hội là “Thánh” – vì là Hội thánh – và khi Hội thánh sống chân “Thật” bản chất và sứ vụ của mình, thì Hội thánh mới có thể hoàn thành công cuộc hiệp hành. Phải chăng đó cũng là đòi hỏi dành cho mỗi chúng ta, với tư cách là đan sĩ Xitô Thánh Gia, để khi chúng ta sống “Thật” và “Thánh” ơn gọi đan tu của mình, chúng ta mới có thể sống và hành động với tư cách Đan sĩ Hiệp hành với Hội thánh và thế giới?

HƯỚNG TỚI MỘT
HỘI DÒNG XITÔ THÁNH GIA
HIỆP HÀNH

Hiếu Liêm

Trong diễn từ ngày 17/10/2015 mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục, Đức Thánh cha Phanxicô đã xác định: “Con đường hiệp hành chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội thánh của thiên niên kỷ thứ ba”. Theo định hướng của vị cha chung, “Hội dòng Xitô Thánh Gia đã và đang bước đi trên con đường “hiệp hành” để hướng tới “Một Hội dòng Xitô Thánh Gia Hiệp Hành” qua ba chiều kích: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Chính vì vậy, Ban biên tập “Nội san Hạt Giống Chiêm Niệm” của Hội dòng đã chọn chủ đề cho số 30 là “Một Đi Chung Cùng Nhau”. Đây là câu di chúc mà Cha Tổ phụ đáng kính Biển Đức Thuận đã trối lại cho con cái mình. Như vậy, Cha Tổ phụ đã dạy các đan sĩ sống tinh thần hiệp hành trên dưới 100 năm nay rồi: “Một đi chung cùng nhau, vui vẻ theo thánh ý Cha chúng ta” [10]. Vậy theo tinh thần của Cha Tổ phụ, các Đan sĩ Xitô Thánh Gia sẽ hướng tới “Một Hội dòng hiệp hành” như thế nào? Để trả lời, chúng ta cùng nhau tìm hiểu ba điểm: thế nào là Hiệp hành; tinh thần Hiệp hành của Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận; những đặc nét của “Một Hội dòng Xitô Thánh Gia Hiệp Hành” theo định hướng của Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16 về Giáo hội Hiệp hành.

  1. Khái niệm “Hiệp Hành”

Thế nào là Hiệp hành? “Hiệp hành” theo nguyên ngữ Hán Việt gồm hai từ ghép lại:

Trước hết là chữ “hiệp” (協 ). Chữ này trong từ điển Hán Việt, có rất nhiều ý nghĩa, ít nhất chúng ta tìm thấy 31 chữ “hiệp”. Tuy nhiên, trong các từ điển Hán Việt đều cho hai nghĩa chính của chữ “hiệp” (協 ) là: hòa hợp và giúp đỡ. Những từ ghép có chữ “hiệp” ( 協 ) cũng đều diễn tả hai nghĩa này.

Lý Lạc Nghị và Jim Waters trong tác phẩm “Tìm về cội nguồn chữ Hán” trình bày về nguồn gốc của chữ “hiệp” (協) là hình vẽ của ba cái cày (ba người cùng cày trên một cánh đồng), về sau viết thành ba chữ lực (劦), rồi thêm chữ thập (十) (mười) chỉ số đông. Nghĩa gốc là cộng đồng, hay cộng đoàn. Nghĩa mở rộng là hài hòa, tương hợp, hiệp đoàn, hiệp hội.

Hiệp cũng có nghĩa là hào hiệp, lấy công sức, tiền của mà giúp người gọi là hiệp (俠). Những ai vì nghĩa mà trợ giúp tha nhân được gọi là: hiệp sĩ, hiệp nữ, hào hiệp, nghĩa hiệp,… Người hành động vì nghĩa, dìm kẻ mạnh giúp người yếu là “hành hiệp trượng nghĩa”.

Hiệp theo nghĩa rộng cũng là hiệp thông, hợp nhất, hài hòa, tương hợp. Nói khác đi là hợp sức của nhiều người, hay của cộng đồng để cùng làm chung một việc. Cùng chung sức chung lòng, và đồng tâm hiệp lực với nhau[11].

Chữ “hành” (行) cũng có nhiều nghĩa. Nhưng các từ điển Hán Việt thường diễn tả chữ hành ( 行) theo hai nghĩa chính là : bước đi và làm việc. Ngoài ra, nó còn có nghĩa là đường sá[12], đường đi[13]. Ở đây, hành có nghĩa là đi, là hành động, là đồng hành, hiệp hành.

Như thế, hai chữ “hiệp hành”  ( 協 行 – synodality ) kết hợp lại cho ta ý nghĩa là có rất nhiều người hòa hợp, trợ giúp nhau cùng tiến bước và làm việc trên một con đường. Theo ý hướng của Thượng Hội đồng Giám mục thì con đường ở đây là con đường Chúa Giêsu đã đi.

Trong ý nghĩa này, hạn từ “Hiệp hành” ( 協 行 ) diễn tả mọi thành phần dân Chúa hòa hợp (hiệp thông), cùng giúp nhau bước đi và làm việc trên con đường Giêsu. Nghĩa là cùng tham gia vào mọi sinh hoạt của Hội thánh và cùng thi hành sứ vụ của Chúa Giêsu. Một kiểu viết khác của chữ “hiệp” ( 協 ) trong đó bộ thập (十 ) được thay thế bằng bộ tâm忄( 恊 ) nhằm diễn tả sự hòa hợp (hiệp thông) sâu sắc tận đáy lòng, trong tim của những người hiệp hành. Nghĩa là đồng tâm hiệp lực với nhau trọn vẹn. Đây chính là ý nghĩa “hiệp hành” mà Thượng Hội đồng Giám mục mong muốn mọi thành phần dân Chúa hướng tới một Hội thánh: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ.

  1. Tính hiệp hành nơi Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận

Đọc lại những lời giáo huấn của Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận, ta có thể hẳng định Cha Tổ phụ là một con người hiệp hành. Tinh thần hiệp hành của ngài rất sống động, sâu sắc và cụ thể: dù là đấng lập Dòng đan tu chiêm niệm, ngài luôn sống tinh thần hiệp hành cùng Hội thánh để xây dựng cộng đoàn trong tinh thần hiệp thông, tham gia và thi hành sứ vụ.

Theo Cha Tổ phụ, đan sĩ sống tinh thần hiệp hành là sống triệt để ơn gọi đan tu chiêm niệm để nên thánh, đồng thời là một tiến trình để xây dựng cộng đoàn và là một cách thế trở thành Hội thánh truyền giáo. Cha Tổ phụ đã tổ chức đan viện như một gia đình để mọi thành phần đều hiệp thông: cùng nhau chia sẻ mọi sinh hoạt chung của cộng đoàn và nên thánh trong sứ vụ[14]. Trong gia đình này, tất cả “là anh em với nhau, đi đàng nhân đức như nhau, cho nên phải thương yêu nhau, chẳng những anh em ở một nhà với chúng ta đã rồi, lại phải yêu thương hết mọi người”[15]. Vì thế, để diễn tả một gia đình, trong các bài giáo huấn, ngài thường dùng những từ rất quen thuộc: “nhà, “nhà dòng”,“nhà này”, hoặc “trong nhà dòng”. Trong gia đình đan viện, bổn phận chính yếu của người đan sĩ là lao động và cầu nguyện. Về hai bổn phận này, Cha Tổ phụ nói: “Nhà này mà không cầu nguyện thì hóa ra một nhà nông phu”[16]; “Ở Nhà dòng này phải làm việc xác, ai nấy tùy theo sức”[17]; Nếu cả Nhà dòng ai nấy cứ chăm lo làm như vậy thật là tốt lành biết mấy”[18]. Thế nên trong nhà dòng “kẻ mới vào và bề trên cũng làm một việc như nhau, đó là: “lo tu thân” và “lo tìm Chúa, kết hiệp với Chúa”[19].

Trong tinh thần hiệp hành, Cha Tổ phụ đã lập Dòng chiêm niệm, với mục đích để các đan sĩ chuyên chăm cầu nguyện cho quê hương Việt Nam và cho người chưa nhận biết Chúa[20]. Đặc biệt, ta có thể nhận thấy tinh thần hiệp hành mà Cha Tổ phụ truyền lại cho con cái trong lời trối: “Một đi chung cùng nhau”[21]. Lời trối là lời tâm huyết và là điều quan trọng nhất của một người trước lúc lâm chung. Đối với các Đan sĩ Xitô Thánh Gia, Lời trối của ngài, vừa là một di chúc, vừa là một mệnh lệnh, một khẩu hiệu và cũng là di sản tinh thần cao quý của Hội dòng. Đây cũng là bí quyết giúp cho Hội dòng tồn tại và phát triển trong tinh thần hiệp hành cùng với Hội thánh qua dòng thời gian. Qua lời trối này, Cha Tổ phụ mong muốn cho con cái của mình “đi chung” với nhau trên một con đường: Con đường Giêsu. Đây là con đường chắc chắn nhất để nên thánh và để có được sự sống đời đời như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Ta là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14,6).

  1. Một Hội dòng Xitô Thánh Gia Hiệp hành

Ngạn ngữ Phi Châu có câu:

“Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình
Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi cùng nhau”.

Đức Thánh cha Phanxicô qua những bài huấn dụ về Hiệp hành đã làm sống lại tất cả bản chất của một Hội thánh hiệp hành. Trong tinh thần đó, Hội dòng Xitô Thánh Gia cũng được mời gọi thực hiện cuộc hành trình“một đi chung cùng nhau”. Tiến trình hiệp hành này được thực hiện bằng những đặc nét cụ thể sau:

Trước hết, “Một Hội dòng Xitô hiệp hành” cần bắt đầu lại từ đức tin. Đức tin là khởi đầu của mọi hành trình, đặc biệt là lộ trình hiệp hành, cùng bước đi trên con đường Giêsu. Không có đức tin thì mọi sự là vô vọng, hão huyền. Vì “đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy” (Dt 11,1). Nếu thế giới hôm nay đang rơi vào cơn khủng hoảng của trào lưu tục hóa và vô thần, thì nhờ đức tin mà tiến trình hiệp hành được bảo đảm.

Dưới ánh sáng đức tin, tinh thần hiệp hành của Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận đã được các đan sĩ trải nghiệm ngay từ khi thành lập Dòng (1918). Có thể nói, Hội dòng Xitô Thánh Gia đã sống tinh thần Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ cùng với Hội thánh ngay từ buổi sơ khai, rồi được tiếp nối cho đến hôm nay và mai sau… Hiệp hành trong đức tin, Hội dòng sẽ lớn mạnh, cùng “đồng tâm hiệp lực” tham gia vào sứ vụ của Hội thánh theo linh đạo và đặc sủng của Đấng sáng lập Dòng.

Kế đến, “Một Hội dòng Xitô hiệp hành” cần tham gia vào sứ mạng của Hội thánh bằng cách sống triệt để linh đạo đan tu Biển Đức – Xitô: “Cầu nguyện và lao động Ora et Labora”. Đặc biệt là đi vào chiều sâu của đời sống phụng vụ để giúp cho thế giới văn minh kỹ trị hôm nay chứng nghiệm về tình yêu và ơn cứu độ của Chúa. Vì phụng vụ là bằng chứng sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa trần gian. Đó là “sứ mạng tông đồ âm thầm mà phong phú”[22] của đời tu chiêm niệm. Chính vì thế, Cha Tổ phụ khuyên dạy các đan sĩ luôn chuyên chăm cầu nguyện, chuyện vãn với Chúa, sống với Chúa, yêu mến Chúa và kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện chiêm niệm. Ngài khẳng định: “Việc bổn phận của chúng tôi là cầu nguyện, kết hiệp với Chúa… Thầy dòng phải là con người cầu nguyện”. Ngài còn nhấn mạnh thêm: “Nhà này mà không cầu nguyện thì hóa ra một nhà nông phu”[23]. Đối với đan sĩ: cầu nguyện là lao động và lao động cũng là cầu nguyện. Cả hai liên kết chặt chẽ với nhau giống như hai cực của cục nam châm. Đan sĩ cầu nguyện cùng Chúa, và lao động với Chúa, đó là hai nhịp điệu sinh hoạt thường ngày của ơn gọi đan tu chiêm niệm.

Tiếp theo, “Một Hội dòng Xitô hiệp hành” cần xây dựng đan viện như một gia đình. Đan viện chính là “trường học” và cũng là “một gia đình đích thực”[24], để đan sĩ phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Tinh thần gia đình hiệp nhất, sum họp này được Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận ôm ấp, suy tư và xây dựng suốt đời, nên đến phút cuối, ngài trối lại cho con cái trong một câu ngắn gọn: “Một đi chung cùng nhau”. Nếu thế giới hôm nay đang bị khủng hoảng về đời sống gia đình và tương quan xã hội, thì xây dựng tinh thần gia đình và tương quan huynh đệ nghĩa thiết trong mỗi cộng đoàn chính là một trong những phương thuốc hữu hiệu để phần nào chữa trị những khủng hoảng và đổ vỡ. Bởi vì: “Đoàn kết gây sức mạnh”. Hơn nữa, “theo truyền thống Xitô, các nhà trong Hội dòng liên kết với nhau bằng tình mẹ con”[25]. Đây là điểm mạnh giúp cho Hội dòng sống tính hiệp hành một cách triệt để hơn. Nhờ mối tương quan mẫu tử này, các cộng đoàn trong Hội dòng không những luôn được gắn kết với nhau trong sự hiệp nhất và hiệp thông của một thân mình mầu nhiệm, mà còn dễ dàng hỗ trợ nhau, cùng đồng hành và làm việc với nhau theo định hướng chung của Hội dòng. Theo Cha Tổ phụ thì trong Nhà dòng có ba phận vụ chính: thứ nhất là “đọc kinh hát lễ thay cho c Hội thánh thờ phưng Chúa, cũng như quân lính hằng canh thức luôn”. Thứ hai là “học hành, xem sách thiêng liêng, suy gẫm, kết hiệp với Chúa”. Thứ ba là “làm việc xác”[26]. Ba phận vụ này cũng giống như kiềng ba chân giúp cho các đan sĩ hiệp hành với nhau suốt cả cuộc đời ở trong đan viện.

Như vậy, đối với nhiều người, hạn từ “Hiệp hành” là một khái niệm trừu tượng và xa lạ, nhưng đối với các Đan sĩ Xitô Thánh Gia, tính hiệp hành là một trải nghiệm thường ngày của nếp sống cộng tu, theo tinh thần hiệp hành đã được Cha Tổ phụ sống và truyền lại cho con cái ngay từ thuở ban đầu. Nếu Thượng Hội Đồng Giám Mục mong muốn tất cả mọi thành phần dân Chúa đều “Hướng về một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”, thì Hội dòng Xitô Thánh Gia là một gia đình đã và đang sống đúng nghĩa của một Hội thánh hiệp hành ngay trong danh xưng “Xitô Thánh Gia” của mình.

Sau cùng, một “Hội Dòng Xitô Hiệp Hành” được thể hiện qua sự tham gia đồng trách nhiệm của mọi thành phần theo bổn phận riêng của mỗi người. Sự hiệp thông, đồng trách nhiệm này luôn mang hai đặc tính là: tôn trọng sự khác biệt và duy trì sự hiệp nhất. Làm sao để các cộng đoàn trong Hội dòng luôn được phát triển trong tính đa dạng, kể cả khác biệt, nhưng vẫn duy trì được sự hiệp nhất và hiệp thông trong mọi hoạt động của Hội dòng, không có loại trừ. Các cộng đoàn đi chung cùng nhau chính là cách thức để trở thành Hội dòng Xitô Thánh Gia hợp nhất trong đa dạng, hiệp thông trong khác biệt và hướng tới sứ vụ truyền giáo.

Vì thế, để hướng tới “Một Hội dòng Xitô hiệp hành” thì mọi chương trình, mọi định hướng, mọi hoạt động của mỗi cộng đoàn và của cả Hội dòng đều được thực hiện trong tinh thần hiệp thông, cùng tham gia, cộng tác với nhau, hầu đem lại những thành quả tốt nhất cho Giáo hội và cho thế giới hôm nay. Hội dòng Xitô Thánh Gia là một gia đình, đã là một gia đình thì cần hiệp nhất tất cả mọi thành viên, chứ không phải mỗi người một góc, mỗi cộng đoàn một kiểu. Do đó, trong Hội dòng cần loại trừ đi óc cục bộ, chia rẽ và ly khai, cũng không sống theo mô hình đóng khung và khép kín. Với tên gọi là Hội dòng Xitô Thánh Gia, nếu các cộng đoàn biết phát huy sức mạnh tinh thần gia đình: đồng tâm, hiệp lực, đoàn kết và hiệp nhất sẽ tạo nên sức mạnh phi thường. Cũng chính trong ý nghĩa này mà thánh Biển Đức xác định, trong bốn loại đan sĩ: đan sĩ cộng tu, đan sĩ biệt tu, đan sĩ tự tu và đan sĩ du tu, thì “đan sĩ cộng tu là loại anh hùng nhất”[27].

Tóm lại, không thể có hiệp hành trọn vẹn nếu thiếu sự hợp nhất đức tin và đức ái giữa các phần tử trong một cộng đoàn và giữa các cộng đoàn trong một Hội dòng. Hơn nữa, sống hiệp hành sẽ tránh được hai cám dỗ mà thế giới và Hội thánh hôm nay đang phải đối diện: Thứ nhất là tránh được những xung đột, phân mảnh, phân tán và ly khai như tình trạng của tháp Babel ngày xưa. Thứ hai là tránh được nền văn hóa xây tường, tự tách rời về mặt thiêng liêng, sống theo chủ nghĩa cá nhân, chỉ đi theo con đường riêng của mình, không hòa mình với những người thân đang cùng đồng hành, cũng không quan tâm đến cộng đồng và công ích. Do đó, các cộng đoàn trong Hội dòng cần hiệp hành với nhau thực thi sứ vụ của Thầy Giêsu. Đặc biệt là tham gia thực hiện chương trình đào tạo và huấn luyện chung của Hội dòng. Vì thế, cần gặp gỡ, đối thoại, lắng nghe, cầu nguyện và phân định trong Thần Khí để hướng về “Một Hội dòng Xitô hiệp hành” truyền giáo theo đặc sủng và linh đạo của Đấng sáng lập, hầu làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn.

THÔNG GIAO

Theophan Phạm Hữu Ái

Hạn từ “Communication” có nghĩa là “thông cảm, cảm thông”. Trong khi đó, giáo sư Trần Thái Đỉnh sử dụng theo nghĩa “thông giao”, phù hợp với ý tưởng của K. Jaspers hơn. Dầu dịch theo nghĩa nào đi nữa thì tất cả đều chấp nhận: “thông giao” là điều kiện của hiện sinh, thiếu thông giao đích thực thì sẽ không có hiện sinh đích thực.

Thông giao là danh từ được K. Jaspers dùng để trình bày triết lý hiện sinh của mình. Nó bao gồm hai hành động nghịch nhau: đấu tranh (giao) và yêu thương (thông). Nghịch nhưng cùng một nghĩa, vì đây là tình trạng của một chủ thể đích thực. Một chủ thể tự do, tự chọn và tự quyết; một chủ thể ý thức mình là con người tự do, không phải là một sự vật, nhưng vượt lên trên mức sống của sinh vật để cuộc sống con người có ý nghĩa. Cuộc sống con người có ý nghĩa không hệ tại ở khía cạnh sinh tồn: ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt như con vật. Trái lại, nó là cuộc sống tinh thần, luôn ý thức mình là chủ thể tự do và đồng thời nhận ra chủ thể tính của người khác, nghĩa là nhận ra họ là tha nhân: vừa giống mình, lại vừa khác mình. Một chủ thể như thế luôn sống với chữ “cùng” và chữ “đồng”, nhưng lại không  đồng hoá với hai “hạn từ” đó. Vì thiếu nó sẽ không thể thông giao, nhưng nếu đồng hoá với nó thì phải chăng cuộc sống còn có ý nghĩa? Chúng ta có thể hiện hữu như một chủ thể tự do không?

Thông giao là thế, nhưng ở đây không nhằm triển khai tư tưởng của K. Jaspers, mà chỉ muốn nhìn thông giao trong tương quan với sự hiệp hành trong đời sống cộng đoàn.

I. Thông giao và tu sĩ

Thông giao rất quý với cuộc sống làm người, vì nó giúp chúng ta thực hiện một bước nhảy để đạt tới siêu việt. Tuy nhiên, nó lại rất khó, khó hơn cả hiện sinh, vì thông giao là sự hoàn hảo của hiện sinh, thông giao chỉ xuất hiện giữa những người sống hiện sinh đích thực. Cũng thế, tu sĩ chỉ có thể thông giao khi đời tu của mình thực sự là hiện sinh. Thế mà, với K. Jaspers, cuộc sống chỉ hiện sinh khi con người tự nhận mình là một chủ thể tự do, nắm trong tay ý nghĩa nhân sinh của mình và có quyền tự quyết về mình. Mặt khác, người đạt tới mức độ hiện sinh phải là người có khả năng  đón nhận người khác như một chủ thể tự do và tự chủ giống mình, nghĩa là trách nhiệm như một nhân vị trưởng thành, hoàn toàn tự giác và dám tự quyết. Như vậy, với lời khấn và việc tuân giữ lời khấn Vâng phục, “các tu sĩ, được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, hãy lấy đức tin tùng phục các vị bề trên, đại diện Thiên Chúa, và nhờ các ngài hướng dẫn, họ phục vụ mọi anh em trong Chúa Kitô[28]. Nếu tu sĩ vâng lời được hiểu như “tùng phục các vị bề trên” thì phải chăng họ không có quyền tự chọn, tự quyết? Nếu họ không có quyền đó, họ có thể có cuộc sống hiện sinh không?

Thật khó để trả lời nếu không “soi” vào đời sống các tu sĩ qua việc thực hành lời khấn vâng phục:

Trước hết, chúng ta thường hiểu và nhấn mạnh lời khấn vâng phục theo khía cạnh pháp lý và kỷ luật. Điều đó vô tình đã đồng hoá việc sống lời khấn này như là một việc tuân giữ “quy luật và hiến pháp” theo cách của xã hội dân sự. Việc tuân giữ này chỉ giúp củng cố cơ cấu, phát triển cộng đoàn và tạo sự ổn định. Lúc đó, tương quan giữa “người đại diện Chúa” và “anh em” – tương quan cấp trên và cấp dưới: một bên truyền lệnh và bên kia mau mắn thi hành. Tương quan đó, theo các triết gia hiện sinh là tương quan của hai sự vật, không tạo nên sự thông giao và không hiện sinh.

Mặt khác, ngày nay người ta nhấn mạnh đến vấn đề đối thoại theo tinh thần Công đồng Vaticanô II[29]. Tuy nhiên, “đối thoại” đôi khi được hiểu như là một sự “thoả hiệp” để tìm lợi ích cho mỗi bên. Cả hai cùng mặc cả, đặt điều kiện để có thể chấp nhận được và tạo sự đồng thuận. Sự đồng thuận giúp cộng đoàn có tiếng nói chung, và kết quả là một sự hài hoà, tránh được những đau đớn không đáng có, cũng như thái độ bất mãn âm ỉ, gặm nhấm trong cuộc sống chung giữa các tu sĩ và bề trên. Dưới ánh nhìn dân chủ và tâm thức hiện đại, đồng thuận này là điều cần phải hướng tới, nhưng với các nhà hiện sinh, đồng thuận như vậy cũng chỉ biến các phần tử trong cộng đoàn thành những “đơn tử”. Không có đơn tử nào giống đơn tử nào, hoàn toàn khác biệt, nhưng chỉ trở nên “đồng” vì lợi ích của riêng mình. Đơn tử không thể thông giao và cũng không hề có hiện sinh giữa các đơn tử với nhau.

Thêm vào đó, một hình thức đối thoại khác xem ra rất Tin Mừng, theo phương châm “Dĩ hoà vi quý” để mang lại bình an cho tất cả. Với “Dĩ hoà vi quý”, tất cả đều chấp nhận nhau, chấp nhận tính tương đối của thế giới, và của kiếp sống con người tại thế trong sự tôn trọng để tránh xung đột. Cuộc đối thoại này có thể mang lại sự “ấm áp” trong cuộc sống cộng đoàn, nhưng là một sự ấm áp “vô cảm”, vì tất cả đều im lặng trước sự thật và cũng im lặng ngay cả với sai trái. Từ đó, giữa các phần tử trong cộng đoàn là một sự im lặng “lạnh lùng”. Các nhà hiện sinh gọi đây là những “đơn vị”, vì đơn vị nào cũng giống nhau, không khác biệt. “Đơn vị” tạo nên một cuộc sống nhàn hạ, mà vô cùng nhàm chán và vô vị. Khi chấp nhận lối đối thoại này, tu sĩ tự biến mình trở thành một “đơn vị”, và biến người khác cũng trở thành một “đơn vị”. Một cuộc sống như vậy chắc chắn không hiện sinh và lẽ dĩ nhiên sẽ không có thông giao giữa các “đơn vị”.

Cuối cùng, lời khấn Vâng phục là “theo gương Chúa Kitô, Đấng đã đến để làm theo ý Chúa Cha như chính Chúa Kitô vì tuân phục Chúa Cha đã phục vụ anh em và hiến dâng mạng sống để cứu chuộc mọi người[30]. Đức Kitô đến thế gian hoàn toàn tự do, tự nguyện với một lòng yêu mến Chúa Cha: “Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,7). Tu sĩ được mời gọi đi theo Đức Kitô (Sequela Chritus), để nên “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô”. Cho nên tu sĩ chỉ là tu sĩ khi vâng phục thánh ý Chúa Cha. Thánh ý Chúa Cha là “muốn cho mọi người được ơn cứu độ và nhận biết chân lý” (1Tm 2,4). Vì vậy, lời mời gọi “đối thoại” của Công đồng Vaticanô II có nghĩa là gì nếu không phải là cùng tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và sống theo thánh ý Ngài?

Như vậy, đối thoại khi thực hành lời khấn phải chăng là để cùng lắng nghe nhau và cùng nhau lắng nghe tiếng Chúa? Điểm đến của cuộc đối thoại này là cùng tìm kiếm thánh ý Chúa và thực hành. Việc tìm kiếm bao gồm hai tác động: đi ra và đón nhận. Đi ra là một cuộc chiến rất quyết liệt, vì không thể chinh phục thế giới, nếu chưa chinh phục được chính mình. Cuộc chiến với bản thân lúc nào cũng cam go, gian khổ. Nhưng “đi ra” không phải thoát ly nhưng để kiếm tìm. Một cuộc “kiếm tìm” chỉ trọn vẹn khi được hoàn thiện bằng sự đón nhận. Đón nhận là hành động của tình yêu chân thành.

Điều này giả thiết phải đến từ tự do, nếu không chúng ta không thể là một chủ thể đích thực; một chủ thể hiện sinh, tự chọn, tự quyết. Công đồng Vaticano II gọi tự do của các tu sĩ bằng hạn từ “tự nguyện”: tự nguyện thực thi thánh ý Chúa Cha. Sự tự nguyện này kín múc nơi sự vâng phục của Chúa Kitô, vì tu sĩ không làm gì khác hơn là “theo gương Chúa Kitô”, như “Đức Giêsu Kitô đã tự hạ mình xuống, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập tự” (Pl 2,8). Sự vâng phục của Ngài xuất phát từ tình yêu Chúa Cha và yêu nhân loại.

Lý do thứ nhất chính là vì tình yêu mà Ngài dành cho Chúa Cha: Ngài tự nguyện vâng phục chỉ vì: Yêu Chúa Cha hết lòng, mặc dầu rất sợ hãi: “Lạy Cha, nếu có thể được thì xin con khỏi uống chén này” (Lc 22,42a), nhưng liền sau đó Ngài đã nói lên: “Xin đừng làm theo ý con, nhưng cho ý Cha nên trọn” (Lc 22,42b).

Lý do thứ hai chính là vì tình yêu nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Một hành động phát xuất từ tình yêu “agape” bao giờ cũng là hành động tự do và đó cũng là cuộc giải thoát khỏi sự ích kỷ hẹp hòi để hoàn toàn tự do. Tự do ở đây không chỉ là tự chọn, tự quyết như K. Jaspers chủ trương, mà là thoát khỏi vòng kìm toả của ma quỷ, của con người xác thịt, để nên một với Thiên Chúa tình yêu.

Dầu vậy, tình yêu không phải không có đau khổ, cũng chẳng miễn trừ cho ta phải chiến đấu với những khó khăn. Đức Giêsu đã “phải học cho biết vâng phục”, nhờ đó Ngài có khả năng đương đầu và vượt qua trở ngại lớn lao nhất của đời người là chịu sỉ nhục và chết như một tử tội. Như vậy, tình yêu là động lực cho cuộc chiến đấu giải thoát chính mình. Ngược lại, một khi chiến đấu để giúp ta vượt lên trên thế giới sự vật, đồ vật, tình yêu của ta càng tinh tuyền. Lúc đó, ta đạt đến một cuộc sống hiện sinh đích thực, càng thông giao hơn để vươn tới “tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4,13) trong ơn gọi thánh hiến.

II. Thông giao và cộng đoàn thánh hiến

Thông giao chỉ xuất hiện giữa những người sống hiện sinh đích thực là kinh nghệm quý báu của K. Jaspers. Điều đó nhắc nhở tu sĩ một sự thật: chúng ta chỉ thực sự sống hiện sinh và thông giao trong một cộng đoàn hiện sinh thực sự.

Theo Tông huấn “Đời sống Thánh hiến”, Đức Gioan Phaolô II nói đến nguồn mạch Ba Ngôi và quy Kitô của đời sống thánh hiến. Đời sống này mang ba chiều kích: thánh hiến, hiệp thông và sứ vụ. Hiến chế Tín lý về Giáo hội khẳng định với việc sống ba chiều kích này, cộng đoàn tu trì mới thực sự là chính mình và cho thấy “Nước Thiên Chúa vượt trên mọi sự trần thế và những đòi hỏi của Nước ấy cao cả biết bao; nó cũng cho mọi người thấy quyền lực cao trọng tuyệt vời của Chúa Kitô Vua, và quyền năng vô cùng của Chúa Thánh Thần đang hoạt động cách kỳ diệu trong Giáo Hội[31].

  1. Chiều kích thánh hiến

Chiều kích thánh hiến được xét theo ba phương diện: tương quan với Thiên Chúa, với Chúa Kitô và với Chúa Thánh Thần.

Với Thiên Chúa, sự thánh hiến là một hồng ân phát xuất từ tình yêu của Ngài. Ngài đã chọn, đã mời gọi và thánh hiến các tu sĩ trong khung cảnh của giao ước tình yêu, qua đó dẫn đưa tu sĩ tiến lên trên con đường trọn lành bằng việc đi theo Đức Kitô. Đối lại, một khi nhận ra lời mời gọi này, tu sĩ muốn đáp lại qua việc dâng hiến toàn thân cho tình yêu Thiên Chúa.

Trong tương quan với Đức Kitô, tu sĩ muốn họa lại nếp sống của Ngài một cách hoàn toàn để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân.

Cuối cùng, tương quan với Ngôi Ba giúp tu sĩ nhận ra đời tu là một ân huệ do Chúa Thánh Thần đã khơi gợi lên. Với việc tuyên giữ ba Lời khuyên Phúc Âm, tu sĩ như chịu phép rửa lần thứ hai[32] để đi theo sát Đức Kitô hơn, sống triệt để ơn gọi làm con Chúa khi nhận lãnh Bí tích Rửa Tội. Vì thế, sự thánh hiến tu trì khác với sự thánh hiến Bí tích Rửa Tội: nó giả thiết một ơn gọi khác (x. VC, số 30).

  1. Chiều kích hiệp thông

Đời sống thánh hiến bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi, nên chỉ có thể tồn tại khi hiệp thông và kín múc từ nguồn sống này. Tông huấn Đời sống Thánh hiến khuyến khích các tu sĩ chiêm niệm tìm lại nguồn gốc của mình để tìm thấy mô hình kiểu mẫu cho việc tổ chức đời sống cộng đoàn tu trì: mô hình hiệp thông và huynh đệ (x. VC, số 41). Từ đây, đời sống thánh hiến sẽ trở nên dấu chỉ của sự hiệp thông trong Giáo hội (x. VC, số 42). Được như vậy, cộng đoàn tu trì sẽ trở thành men, “dậy men” phát triển tình huynh đệ đại đồng trong cộng đồng nhân loại, và đó là mục tiêu của công cuộc truyền giáo (x. VC, số 47)

  1. Chiều kích sứ vụ

Chúa Giêsu được sai đến để thực hiện sứ vụ: “Này Con đến để thực thi ý Cha” (Dt 10,7). Nên, sứ vụ thuộc về căn tính của Chúa Giêsu: “Khi thời gian đến hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ và sống dưới lề luật” (Gl 4,4). Thế mà, Sắc lệnh Đức Ái Hoàn Hảo đã trình bày đời tu là “Sequela Christi”. Theo Đức Kitô không chỉ có nghĩa đồng hành, nhưng là trở nên bạn: “Thầy không gọi các con là tôi tớ, nhưng là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,15 ). Do đó, sứ vụ cũng là căn tính của đời tu, nghĩa là mục đích mà tất cả các yếu tố khác trong đời sống tu trì phải hướng tới (x. VC, số 72). Do đó, đời tu không vì sứ vụ thì đời tu không có lý do để tồn tại: “Đời sống thánh hiến trở thành một việc truyền giáo, như cả cuộc đời của Chúa Kitô đã là một việc truyền giáo” (VC, số 72).

  1. Thông giao và đời tu

Sống ba chiều kích thánh hiến trong thời đại hôm nay là một thách đố với tu sĩ. Thách đố này, phần nào được Đức Phanxicô gợi lên trong Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm. Với Tông huấn này, Đức Thánh cha cho thấy những khó khăn của thời đại mà các kitô hữu đối diện, và đó cũng là vật cản của những ai sống đời sống thánh hiến, và ngay cả chính cộng đoàn thánh hiến trong thế giới hiện tại. Một thế giới chú trọng đến tiêu thụ với nền văn hóa loại trừ (x. EG số 53-54); tôn thờ tiền bạc như ngẫu tượng (x. EG, số 55-56); bất bình đẳng và bạo lực (x. EG 59-60). Một thế giới như thế đã đánh mất thái độ dấn thân, bởi sự ích kỷ và nguội lạnh trong đời sống thiêng liêng (x. EG 81-83). Dưới ánh nhìn của K. Jaspers, thế giới đó đã tự biến thành sự vật, đồ vật. Tha nhân không còn là tha nhân mà là tha thể, là sự vật và là đồ vật.

Thế giới ấy cũng có thể hiện diện trong đời sống tu trì, vì đời tu ở trong thế gian và thế gian trong đời tu, nên cộng đoàn tu cũng có thể tự mình trở nên một sự vật, một đồ vật, nếu không vượt qua được những cám dỗ như Đức Thánh cha Phanxicô cảnh tỉnh. Điều này  đang hiện hữu  như thánh bộ Đời sống thánh hiến và tu đoàn tông đồ mặc nhiên chỉ ra: “Sự bỏ quên Chúa Kitô” là nguyên nhân sâu xa nhất khi mời gọi “xuất phát lại từ Đức Kitô”[33]. Bỏ quên Đức Giêsu thì làm sao đời tu có lý do để hiện hữu? Lúc đó, cộng đoàn tu trì chẳng phải chỉ là một tổ chức dân sự hoạt động trong lãnh vực tôn giáo? Như thế, thông giao theo K. Jaspers phải được suy tư và thể hiện thế nào trong đời sống tu trì để đạt tới “Đức Ái Hoàn Hảo”, qua việc sống và hoàn thiện ba chiều kích cốt yếu của đời sống thánh hiến trong lòng Giáo Hội?

III. Thông giao và hiệp hành

“Hiệp hành” là “hạn từ” thời thượng, được bàn luận, học hỏi và chuẩn bị cho Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2023. Khi mời gọi toàn thể Giáo hội học tập, suy tư và sống, Đức Phanxicô nhấn mạnh “hiệp hành” là bản chất của Giáo hội. Đạt tới “Hiệp hành”, Giáo hội sẽ tỏ hiện dung mạo Đức Giêsu đích thực cho thế giới. Vậy mà, đời tu theo sát Đức Giêsu và được mời gọi trở nên “đồng hình đồng dạng” với Ngài, hơn ai hết đời tu sẽ là nơi phải “vẽ lại” bức chân dung trung thực nhất.

Tính hiệp hành nhấn mạnh đến chữ “cùng”: “Cùng đi với nhau, cùng tham gia và cùng tích cực thi hành sứ vụ”. Nội dung này được rút vắn trong ba hạn từ: “Hiệp thông – Tham gia –  Sứ vụ” rất gãy gọn, dễ nhớ và thực tế; tuy vậy cũng dễ bỏ sót một yếu tố nhỏ mà lại vô cùng tinh tế trong việc “cùng đi, cùng tham gia, cùng thi hành sứ vụ” trong mầu nhiệm Giáo hội.  Vì chữ “cùng” không chỉ có nghĩa là “đi song song”, “đi với nhau” hay “đi trong cùng một đoàn”, mà còn là đợi chờ, nâng đỡ nhau cùng tiến bước. Ý nghĩa này dễ tìm thấy khi nhìn vào hoạt động nơi cơ thể chúng ta. Các chi thể theo từng phận vụ riêng rẽ, đôi khi có thể trái ngược nhau, nhưng tất cả cùng chung một mục đích là vì phát triển toàn thân. Nếu chi thể phát triển “đột biến” hay “trì trệ”, thân thể chắc chắn có vấn đề, ngay cả chi thể đó cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi thế, một thân thể khỏe khoắn, khi các chi thể hoạt động đúng chức năng, hài hoà với sự phát triển trong toàn thể.

Để cùng đi mà vẫn chờ đợi, cần sự nâng bước của “thông giao”, vì “tranh đấu” để luôn trung thành với chữ “cùng”, đồng thời “yêu thương” là khả năng “đợi chờ” cùng tiến. Do đó, đời tu rất cần “thông giao” để sống tính hiệp hành giữa cộng đoàn và cùng với Giáo hội. Trong “thông giao”, yêu thương như là tác động đầu tiên, tạo năng lượng để “tranh đấu” vượt qua những trở ngại. “Tranh đấu” để chiến thắng việc “biến mình”, “biến tha nhân” thành sự vật làm cho tình yêu càng thêm ý nghĩa. Tuy nhiên, có một số trở ngại gây cản trở đời tu “thông giao” thực sự.

Trở ngại lớn nhất là “đánh mất tình yêu thủa ban đầu” (Kh 2,4). Đó là “tia sáng làm ta đứng lên đi theo Đức Giêsu. Bước đầu là tình yêu của Thiên Chúa. Bước tiếp mới là sự đáp trả đầy lòng yêu mến đối với tình yêu Thiên Chúa[34]. Đánh mất tình yêu này, tu sĩ dễ quên chiều kích thánh hiến, chiều kích ân huệ của đời tu.

Việc quên lãng trước hết đến từ sự nhiệt thành “làm công việc của Chúa”, nhưng không “làm cho Chúa”. Nó diễn ra không chỉ nơi cá nhân tu sĩ, mà ngay cả trên thượng tầng của cộng đoàn. Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô cảnh báo: “Những người thánh hiến cũng cảm nghiệm những đe doạ của sự tầm thường trong đời sống thiêng liêng, của việc trưởng giả hoá lần lần và não trạng tiêu thụ. Việc điều hành phức tạp các công việc mà những yêu cầu của xã hội và luật lệ mới của nhà nước quy định, cùng với các cám dỗ tìm kiếm hiệu năng và duy hoạt động, có nguy cơ làm lu mờ tính độc đáo của Tin Mừng và làm suy yếu các động cơ thiêng liêng[35].

Thái độ này dễ đưa đến việc lãng quên thứ hai trong đời tu: thực thi “thánh ý Chúa” để sống sứ vụ. Thực thi thánh ý Chúa là mong muốn của tất cả tu sĩ, nhưng khi tính độc đáo của Tin Mừng bị lu mờ và động cơ thiêng liêng suy yếu, thì “tình trạng các dự phóng riêng tư chiếm ưu thế hơn các dự phóng cộng đoàn có thể làm xói mòn sự hiệp thông tình yêu giữa anh chị em[36]. Lúc đó, những dự án riêng tư trở thành nền tảng, trung tâm cho mọi hoạt động; “Hiến pháp và quy luật” không còn là nơi quy chiếu để tìm “Thánh ý Thiên Chúa”, tu sĩ sẽ quên đi chiều kích ân huệ trong tương quan với Chúa Thánh Thần. Bởi thế, Sắc lệnh Đức ái Hoàn hảo đã khuyến cáo các tu sĩ: “Phải đưa ra ánh sáng mà minh xác và trung tín duy trì tinh thần và chủ ý riêng biệt của Đấng sáng lập Dòng, cũng như những tập tục của Dòng[37]. Đây đích thực là “thánh ý Thiên Chúa” mà tu sĩ phải quy chiếu để hướng tới đời tu trọn hảo.

Lãng quên thứ ba rất tinh vi, khó nhận ra, là không “ý thức mình được yêu thương vô cùng”. Tinh vi vì chúng ta thường sống trong tình yêu mà không nhận ra mình đang được yêu. Sự u mê có vẻ mâu thuẫn, nghịch lý, nhưng rất thật trong đời tu, trong kinh nghiệm của mỗi cá nhân. Nếu đối chiếu với kinh nghiệm của thánh Phaolô, ta sẽ thực sự nhận ra sự u mê của mình. Thánh nhân đã biến đổi hoàn toàn đến nỗi: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô, chết là một mối lợi” (Pl 1,21), để rồi: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức KITÔ, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức KITÔ GIÊSU, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức GIÊSU KITÔ và được kết hợp với Người” (Pl 3,7-8). Tại sao thánh nhân biến đổi triệt để như vậy, nếu không phải vì ngài đã ý thức sâu đậm: “Đức Kitô đã yêu tôi và đã hiến mạng sống tôi” (Gl 2,20)? Chúng ta thì sao?

Kết luận

Là tu sĩ nhất thiết phải “thông giao”, vì giả thiết một tu sĩ đích thực phải là người thực sự hiện sinh. Hiện sinh là điều kiện căn bản của những ai được mời gọi tiến tới sự hoàn thiện: “đồng hình đồng dạng với Đức Kitô” và làm chứng cho sự hiện diện của Nước Trời trong đời sống thánh hiến. Đó cũng là lời mời gọi mà Thiên Chúa hướng các tu sĩ tiến tới sự vẹn toàn. Quả thật, “bậc sống được thiết lập do việc tuyên khấn các lời khuyên của Phúc Âm, tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, nhưng dĩ nhiên cũng gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội[38]. Tu sĩ phải là những người góp phần tạo cho thế giới có ý nghĩa, một ý nghĩa đích thực, vì qua họ, theo công đồng Vaticanô II: “dòng tu khác nhau mà phần sản nghiệp dồi dào đem lại lợi ích cho các chi thể của dòng cũng như toàn Thân Thể Chúa Kitô. Thực vậy, các dòng ấy mang lại cho các chi thể những trợ lực bền bỉ trong một đời sống vững vàng hơn, một học thuyết vững chắc giúp đạt đến trọn lành, một mối hiệp thông huynh đệ trong đạo binh Chúa Kitô[39].

Như vậy, “thông giao” là yêu sách và cũng là lời mời gọi. Lời mời gọi cần phải một sự đáp trả. Không có một lời đáp nào mà không phải vượt qua những thách đố. Thách đố lớn nhất nơi tu sĩ là vượt qua sự tục hoá và tương đối hoá trong một thế giới thế tục. Tự mình tu sĩ sẽ không thể nào vượt qua, nếu không mặc lấy và họa lại Đức Kitô trong chính cuộc sống của mình. Đây là một hành trình rất dài mà tu sĩ chỉ có thể đi hết đoạn đường khi nhận ra: “Thiên Chúa yêu chúng ta trước” (1Ga 4,19) và “tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2Cr 5,14). Trên con đường này, theo bạn, hành trang căn bản của tu sĩ phải chăng là “tranh đấu” và “yêu thương”?

SỰ VIÊN MÃN CỦA NHÂN VỊ
VƯỢT TRÊN XU HƯỚNG CÁ NHÂN

Trợ lực và trở lực trong đời sống cộng đoàn đan tu

Phanxicô Assiso Hoài Lâm

Truyện kể rằng: ngày kia, viện phụ đến gặp một vị ẩn sĩ và hỏi: “Thưa cha, làm cách nào để đan viện được hiệp nhất và bình an?” Vị ẩn sĩ khiêm tốn thưa với viện phụ: “Xin ngài về nhắc cho anh em biết rằng: Đức Kitô đang ẩn thân nơi một người trong số các anh em”. Lời khuyên ấy đã làm bầu khí đan viện trở nên tốt lành, an vui vì ai nấy đều thay đổi cách nhìn của mình về người khác: thấy Đức Kitô nơi anh em.

Chắc cũng đã đến lúc chúng ta kiến tạo bình an và tinh thần hiệp hành trong cộng đoàn ngang qua việc thực hành metanoia, hoán cải cách nhìn về tha nhân: thấy anh chị em như những nhân vị chứ không như những cá nhân. Thật vậy, trở lực lớn nhất trong đời sống cộng đoàn, bức màn che khuất tầm nhìn của ta, ngăn cản ta thấy Đức Kitô nơi người anh chị em, đó là chỉ thấy họ như những cá nhân. Thiết nghĩ, chúng ta cần vượt thắng trở lực này bằng nguồn trợ lực: thấy anh chị em như những nhân vị để cùng hiệp hành trong gặp gỡ, lắng nghe và cùng chung tay thi hành sứ vụ.

Trở lực của chủ nghĩa cá nhân

Nói đến cá nhân (individuo), hoặc chủ nghĩa cá nhân (khác với cá vị hay nhân vị) là đề cập đến hậu quả của cách thế tách rời một thành phần mang tính chất “cấu thành”, quan trọng và hữu hiệu, khỏi thân mình tập thể, cộng đoàn và nhân loại. Cá nhân là kết quả của sự tách biệt, một cách cụ thể và thực tiễn, khỏi những mối tương quan thiết yếu hình thành nên hữu thể con người. Cá nhân là một sự “trừu xuất” trừu tượng theo nghĩa chính xác nhất của từ ngữ: tất cả những gì cấu thành nên con người thật vô cùng phức tạp và bất khả thấu triệt, thì bây giờ lại bị trừu tượng hoá, bị tách rời khỏi hữu thể sống động của con người. Cá nhân trở thành hữu thể có thể được quán triệt và bị giới hạn với những “đường biên” và những định nghĩa. Còn đâu “con người huyền nhiệm”? Còn đâu “con người là câu hỏi cho chính mình (quaestio mihi factus sum?)”[40].

Thế nên, cá nhân trở thành “mảnh vụn” có thể đồng nhất hoặc rút gọn thành cái tự thân khép kín, tăm tối trong “tháp ngà, ốc đảo”. Cá nhân ấy hoàn toàn tương hợp với tấm thẻ căn cước (nhưng thật sai lầm là tấm thẻ này không bao giờ tỏ lộ căn tính thực sự của một người). Cá nhân có một con số trong hệ thống bảo hiểm xã hội[41].

Nhìn tha nhân như những cá nhân, cũng khiến ta tự biến mình thành những cá nhân. Vì thế, khi một thành viên trong cộng đoàn sống trong tư cách là một “cá nhân” với những đặc tính như vừa kể trên, thì cộng đoàn sẽ có rất nhiều ốc đảo, nhiều tháp ngà, thiếu vắng liên đới, thấu hiểu và cảm thông.

Trợ lực của góc nhìn nhân vị

Ngược lại, nhân vị (persona) như là “tấm thảm”, tất cả những tương quan kết dệt cách thiết yếu nên một con người, cả những chiều kích và giới hạn khác nhau vốn luôn tồn tại nơi mỗi người trong từng hoàn cảnh. “Tôi” là một nhân vị chỉ trong mức độ tôi không bị và không tự cô lập. “Bạn” sẽ không thể thiếu “tôi” và ngược lại, cái “tôi” sẽ không thể khả tri nếu không có “bạn”. Hơn thế, cả hai cần một không gian hành động, được điều kiện hoá bởi ngôi vị thứ ba. Và tất cả những thực tại này đều có “địa chỉ” không phải số ít mà là số nhiều. Cái “chúng ta, các bạn, họ” đều xuất hiện như những ngôi vị, những nhân vị và trong tổng thể tính của mình.

Nhân vị bao hàm tất cả điều chúng ta là, bởi vì chúng ta tham dự vào cái tổng thể hiệp nhất là “cái chúng ta” với những đặc tính riêng của mình mà không hề bị ám ảnh là mình đang bị đồng hoá hoặc đang bị tách biệt khỏi cái chúng ta. Nhân vị có thể trải rộng sự hiện hữu và tương giao đến những ranh giới phong phú của thực tại, đến nơi mà chúng ta thực sự là mình khi chúng ta hiện hữu cách chính thật, nghĩa là khi ta ở trong nơi trú ngụ (estancia) của chính hữu thể của ta. “La persona es, en donde está”. Nhân vị ở đó, nơi-nó-là-đó, trong Dasein của nó.

Nhân vị tính được đo cách chính xác trong những ranh giới hoàn cảnh của mỗi người. Một châm ngôn Thiền tông dạy: “Hãy lưu tâm đến chỗ bạn đang ở”. Một con người cô lập không có nhân vị tính, nó tự phủ định mình; trong khi các vị bồ-tát (bodhisattva) hoặc các thánh lại có một nhân vị tính lớn lao, trải rộng đến mọi nơi, để lắng nghe, thấu hiểu vì trái tim của các ngài luôn dành chỗ cho tất cả mọi người, mọi sự, mọi loài, cho đến tận cùng vũ trụ.

Lý tưởng đan tu không tìm kiếm một sự hoàn hảo ích kỷ của từng cá nhân, nhưng lại đặt ý nghĩa cuộc sống trong sự hoàn hảo toàn diện của nhân vị, để từ đây làm vang dội muôn điều tốt lành cho toàn nhân loại, cho toàn thực tại. Linh đạo đan tu không nhằm cải tạo thế giới bằng những tác động trực tiếp vào thế giới, nhưng trước hết, nó muốn thực hiện việc cải tổ chính con người với xác quyết rằng, việc cải tổ không hướng đến việc vun đắp cho những cá nhân ích kỷ, nhưng là cho toàn thể tính của nhân vị con người, để rồi từ đó ảnh hưởng đến toàn thực tại.

Mỗi dạng thức linh đạo lại có những nét khác nhau. Linh đạo đan tu nhấn mạnh đến nhân vị, chứ không phải đến việc cải tổ các cấu trúc: xã hội, kinh tế, kiến trúc hoặc ngay cả tri thức. Tu trào đan tu truyền thống có khả năng đạt tới lý tưởng này cách nhẹ nhàng, không mấy khó khăn, bởi vì ý nghĩa của tính cá nhân đã không quá bành trướng và được quảng bá như đời sống đan tu ngày nay. Sự viên mãn của nhân vị được tìm thấy nơi tăng đoàn, trong cộng đoàn, nơi Nhiệm Thể Chúa Kitô, trong toàn thể.

Nhân vị và/là cộng đoàn

Đây là điều hệ trọng: nhân vị là cộng đoàn ngay cả khi chỉ có một mình đan sĩ sống trong cô tịch (ẩn sĩ). Đan viện còn hơn một gia đình theo nghĩa hiện đại mang tính xã hội học của từ này. Đan viện là nhân vị toàn thể và là toàn thể các nhân vị. Saṃgha là một trong “tam bảo” của sự sống; cần thiết cho sự giải thoát. Những tương quan giữa các thành viên trong saṃgha còn sâu sắc, keo sơn hơn cả tương quan huyết nhục. Mối tương quan giữa guru-cela – giữa sư phụ và môn đệ là mối tương quan bền bỉ nhất trên trần thế. Viện phụ là abba – cha; saṃgha là một saṃskāra; cộng đoàn đan tu là một bí tích của hiệp thông và sự sống.

Cũng như trong xã hội ngày xưa với truyền thống “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”, đôi vợ chồng không chọn nhau, nhưng họ được chọn. Và một cách loại suy, những thành viên của maṭha hoặc của đan viện gắn bó với nhau bởi mối dây liên kết hữu thể học. Đời sống đan tu còn hơn cả một sinh hoạt nhịp nhàng của đời sống cộng đoàn, hơn cả một liên hiệp để cùng nhau thực hiện và đạt tới những dự phóng chung. Chỉ khi những ranh giới của nhân vị của tôi trải rộng đến tất cả mọi người, trải rộng đến tận cùng thế giới, tôi mới thật sự có thể ở một mình như một ẩn sĩ, như một đan sĩ, như một muni trong cô tịch và thinh lặng, trong hiệp thông và phục vụ người anh chị em bên cạnh mình.

Có sự khác biệt căn bản giữa koinonia của đan viện, tình huynh đệ của saṃgha, hoặc tình hiệp thông trong dharmakāya, trong buddhakāya, hoặc trong Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Kitô, với loại liên đới theo công bằng và trách nhiệm của bất kỳ hình thức liên hiệp nào. Sự khác biệt ngoại trương khá rõ: trong khi hình thức thứ hai liên kết các thành viên của chúng với nhau để thực hiện một mục đích phiến diện của đời sống nhân sinh (giàu có, giáo dục, sức khoẻ, dấn thân chính trị…), thì hình thức thứ nhất chủ hướng sở hữu một đặc tính tổng thể bao hàm toàn bộ hữu thể con người trong tương quan với sự hoàn thiện của tất cả, với mục đích chung cuộc, sự giải thoát và ơn cứu độ của tất cả.

Nhưng sự khác biệt sâu xa thì tế vi hơn và tuỳ thuộc vào trình độ hội nhập và tin tưởng (đức tin) của nhân vị. Việc thuộc về một ecclesia, một umma, một maṭha không phải để làm một việc gì đó đặc biệt, nhưng là để hiện hữu, hiện hữu cách viên mãn điều mà mình tin rằng mình thực sự là. Đây là mối tương quan thuộc bản chất, còn mối tương quan kia chỉ là duy kỹ thuật. Khi chúng ta là thành viên của một liên hiệp, chúng ta là những thành phần riêng rẽ, những cá nhân, nên chúng ta có thể gia nhập rồi rút lui mà không gây ra những tổn hại căn bản cho chúng ta và cho liên hiệp liên hệ. Chúng ta là một phần của cơ chế, và phần này có thể được thay thế bởi một phần khác tương tự. Đơn giản chúng ta chỉ là thành viên của một tổ chức.

Điều này không thể xảy ra cho toàn thể tính của cộng đoàn tu trì theo phong cách đan tu. Tôi không chỉ là pars in toto, mà còn là pars pro toto. Tôi là duy nhất, độc đáo và cần thiết. Các đan sĩ của những đan viện vùng Tây tạng không thể hiểu cụm từ “đi vào đan viện”. Không ai đi vào một gia đình, nhưng họ thực sự được sinh ra trong gia đình. Cái tất cả, cái tổng thể luôn có trước những thành phần. Nếu tôi “bỏ” cộng đoàn mà đi (bằng bất cừ hình thức nào), nghĩa là tôi tự huỷ hoại chính hữu thể mình và mang đến những đổ vỡ bất khả sửa chữa cho ecclesia, cho saṃgha. Đây chính là hoả ngục cho bản thân và là một tổn thương bất khả hồi phục đối với toàn thể.

Cánh tay không thể sống mà tách rời cơ thể, và cũng chẳng thể nào được thay thế bằng con mắt, cho dù đó chỉ là điều xảy ra ở những kiếp luân hồi (kalpa và luật karman). Sự giao hoà (tha thứ và cứu độ) không là gì khác hơn việc sống gắn kết, hiệp nhất với nhau giữa những khác biệt. Châm ngôn nổi tiếng extra ecclesiam nulla salus (ngoài giáo hội, ngoài saṃgha/ Tự Nhiên/ dharmakaya/buddhakāya… không có ơn cứu độ) là đặc tính thiết yếu của mầu nhiệm “các thánh hiệp thông”.

Cộng đoàn ở ngoài viễn cảnh hiệp thông, giao hoà (với Chúa và với nhau) thì không có ơn cứu độ, không thể là gì khác hơn một tổ chức. Thật ra, cộng đoàn đích thực phải là một bí tích, một saṃskāra, một mysterion. Đốt hộ chiếu, chúng ta có thể từ chối một quốc gia, từ chối sự bảo vệ hoặc cả sự áp đặt của nước đó, nhưng chúng ta không triệt tiêu ngôn ngữ của chúng ta hoặc việc chúng ta thuộc về quốc gia này.

Đan sĩ khám phá những gốc rễ của mình vốn cắm rễ sâu trong toàn thể thực tại. Sự trung thành của đan sĩ là trung thành với tất cả, với địa cầu, với nhân loại, với anh chị em bên cạnh mình. Chúng ta nói thế để nhấn mạnh rằng chúng ta không chỉ có mối tương quan hữu thể học với nhân loại mà thôi. Ở đây, mỗi người là một nhân vị, có nghĩa là một trung tâm sống động của tất cả thực tại.

Nguyên lý của tính đơn sơ hoạt động theo một thể thức đặc trưng, bao hàm việc tháo gỡ khỏi nó những bó buộc của đa phức tính của cá nhân, để tạo điều kiện thuận lợi cho tính đơn giản của nhân vị. Cá nhân là một hệ thống đóng kín. Những đường ranh giới của nó luôn rõ ràng. Cái của tôi và cái của anh không được phép lẫn lộn. Còn nhân vị lại là một hệ thống mở. Ranh giới của nhân vị tuỳ thuộc cách toàn diện vào khả năng trở thành trung tâm của nó. Nghĩa là, mỗi một nhân vị là một vũ trụ đang giãn nở niềm vui và hiệp thông. Bạn không cần dành lấy chi cho bản thân, vì cái Tôi chính thực không bao giờ là những sở hữu cá nhân của bạn.

Nhân vị và T/tuyệt đối

Ngày nay, chúng ta là những chứng nhân của sự thay đổi nhân học thường hướng tới nhận thức về những giới hạn của nhân vị. Những ranh giới mới, vừa diễn tả những điều liên quan đến khái niệm Tuyệt Đối, vừa liên quan đến những điều chung quanh thế giới nhân vị. Tâm thức đan tu cần được phổ quát hoá vì nó siêu vượt những mấu chốt lịch sử mà các quốc gia, các chủng tộc và tôn giáo tuỳ thuộc. Trong việc tìm kiếm những kinh nghiệm chung về đời sống đan tu, các đan sĩ Phật giáo và Kitô giáo không cảm thấy lo lắng vì mình thuộc về hai tôn giáo khác nhau.

Nét phân biệt căn bản giữa sự hiểu biết ngày xưa và ngày nay về đan tu trào, bao hàm trong tính nhị nguyên kín đáo của nhân học đan tu ngày xưa chống lại chủ nghĩa nhất nguyên ẩn giấu trong tư tưởng hiện đại, mặc dù cả hai trường hợp đều cố gắng để khỏi sa vào cám dỗ cực đoan của đối phương. Người đan sĩ ngày xưa là một monachos vì không phải là một dipsychos, một hữu thể có hai linh hồn, với hai cùng đích, hai cuộc sống, hai lối sống để rồi trở thành người đa nhân cách hoặc “kẻ hai mặt”.

Giữa pāramārthikavyāvahārika, satmāyā, Thiên Chúa và thế gian, vĩnh cửu và tạm bợ, nirvāṇasaṃsāra, đan sĩ chọn cái thứ nhất và bỏ cái thứ hai. Hay nói rõ hơn bằng thuật ngữ luân lý, đan sĩ từ bỏ tham lam, ghen tuông, lo lắng, tội lỗi: tất cả những gì thuộc về thế gian. Đan sĩ muốn tìm đến bến bờ bên kia, nơi người ta đạt được sự tự do, giải thoát, cần đọc kinh điển Phật giáo và Kỳ-na giáo cùng với kinh thánh Kitô giáo để hiểu những điều vừa nói. Có hai thành đô: thành đô Thiên Chúa và thành đô ma quỷ. Chắc chắn, đan sĩ chưa là arhat, bodhisatta hay thánh nhân, nhưng đan sĩ là người đang trên hành trình để trở thành như thế.

Ngày nay, để tránh chủ nghĩa nhị nguyên về hai con người, hai bến bờ, hai vương quốc, linh đạo đan tu phải nói rằng, sự hoàn thiện được hàm chứa trong nhận thức vô cùng sâu sắc rằng: saṃsāra chính là nirvana; ta đã “tới nhà”, ít là cách tiềm thể, đã là comprehensor (phúc nhân) chứ không chỉ là viator (lữ khách); rằng tất cả chúng ta là jivanmukta, chứ không phải là mumukṣu; chúng ta là các thánh chứ không chỉ là những “thỉnh sinh” vẫn còn đang sống trong tình trạng bối rối, xiêu vẹo. Chúng ta đã được kết hiệp với Chúa, Đấng là tất-cả-trong-mọi-sự, là vận mệnh của mỗi người chúng ta. Nhưng sự hoàn thiện này chỉ ở cuối hành trình, ở sự thành toàn của sadhana.

Sự hoàn thiện đan tu được thành tựu khi ta sống trong cảnh giới quy hướng liên lỉ về Đấng Tuyệt Đối, dám quay lưng với tương đối, “chỉ tìm kiếm duy một mình Thiên Chúa”, tập chú hữu thể của mình vào Đơn Nhất, vào ekam (Đơn nhất nguyên thuỷ), nhất tâm nhất niệm ekāgratā, không bao giờ thoả hiệp. Chỉ có giải thoát, mokṣa, mới đáng kể. Tất cả những gì chia tách –amerimnia– con người khỏi sự sống, khỏi cuộc sống, một cuộc sống vốn không vắng bóng hạnh phúc và đau khổ cùng những điều tương tự, cần phải  tránh cho xa. Ta sống bình an, thanh thản, bước qua những chông gai mà tiến lên. Nhân vị tính chỉ được nhào nặn trong tương quan với Tuyệt Đối. Sólo Dios basta, “chỉ mình Chúa là đủ”, kaivalya.

Liên V/vị và vâng phục

Phạm trù căn bản trong linh đạo đan tu kinh điển là vâng phục, vinaya, kỷ luật sống. Ngang qua sự nhu hoà, đan sĩ đạt tới sự hoàn thiện, bhikṣu chinh phục nirvāṇa,muni chinh phục đạt được cùng đích mình hướng tới. Trung thành với hành trình, với dharma, với tu luật, với lý tưởng, được biểu tượng hoá trong và qua sự vâng phục – ob-audire. Vâng phục là sự hiểu biết và hiểu biết như là lắng nghe tiếng nói huyền nhiệm và tối hậu nội tại nơi tao, trong dharma, trong śāstra hoặc trong ý của guru, của viện phụ, của bề trên.

Đối tượng tính của lệnh-truyền-được-ban có giá trị phần nào. Điều đáng giá là ý hướng khi làm việc mà thôi. Điều quan trọng là chủ thể tính được thể hiện trong sự trung thành với sư phụ, và đây là điều duy nhất giúp ta giải thoát khỏi chính mình để sang “bờ bên kia”, bởi vì ý riêng là cuộc chạy trốn cuối cùng của ahaṃkāra, của sự ích kỷ và của abhimāna, tính hư ảo của thói tự mãn từ phía cá nhân.

Đan sĩ cần nhận thấy rằng vâng phục là khám phá ra quyền bính thần linh nội tại trong lệnh truyền. Ta phải nhận thức những động cơ để vâng phục, ngay cả khi ta không hiểu trọn vẹn lý hữu của mệnh lệnh. Điều này không bị mâu thuẫn với sự vâng phục mau mắn, đối thoại, trách nhiệm, sáng tạo và hữu hiệu. Không được vâng phục cách mù quáng, nhưng cách thông minh.

Tất cả các lời khấn, vrata, có thể được rút gọn vào “lòng trung thành vượt trên tất cả”. Đan sĩ vâng theo “thánh ý Chúa”, tuân giữ tu luật, tuân phục dharma/Tuyệt Đối và tiếng lương tâm, để đan sĩ có thể biện phân sáng suốt khi lắng nghe tiếng của Tuyệt Đối vẫn đang “rì rào” trong trái tim con người. Và đan sĩ có thể thực hiện sự biện phân khi biết nghe tiếng ấy vang vọng trên môi miệng của minh sư, của ācārya, hoặc qua nhiều cách thức khác nhau. Sự vâng phục này phải được nội tâm hoá. Sự nhu hoà thực sự luôn phát xuất từ trái tim và khối óc tự do. Luôn có những bậc thang của tự do vâng phục, mà ta phải bước qua để tiến lên đỉnh hoàn thiện cho đến khi ánh sáng bình minh hạnh phúc toả rạng trong trái tim chúng ta. Vâng phục Thiên Chúa và học biết vâng lời nhau là biểu hiện của một tương quan liên V/vị sống động.

Học biết trân quý bản thân và tha nhân

Những làn gió linh đạo đương đại có thể đến từ cùng một nguồn: Thiên Chúa, vāyu, pneuma, nhưng dường như lại thổi theo những hướng ngược nhau. Đan sĩ không muốn là con người phân mảnh, nhưng là con người toàn nhập trong tất cả. Sự hoàn thiện không bao giờ được tìm thấy nơi việc sát tế nhân vị trên bàn thờ vâng phục để đạt tới apatheia, “sự dửng dưng thánh”, nhưng trong khả thể tái hiện mọi tiềm năng tính đang “ngủ đông” của hữu thể con người ngang qua việc vâng phục Thần Khí, Đấng vừa nội tại vừa siêu việt.

Những luồng gió mới này được cảm nhận trong ba lãnh vực gần như ít người để ý vì chúng quá bình thường trong đời sống của từng người và của cộng đoàn.  Các lãnh vực này bổ túc cho nhau: thân thể tính, những quan hệ nhân vị sâu xa và tâm thức chính trị. Đan sĩ (monachos) là hữu thể được thống nhất, nhưng sự thống nhất này không bao giờ là cái cớ để trở thành cá nhân chủ nghĩa, nhưng phải mở ra với sự hiệp nhất sâu xa trong đời sống cộng đoàn. Ta chỉ có thể xây dựng cộng đoàn và thăng tiến anh chị em, khi ta biết vun trồng toàn vẹn hữu thể của ta, hiệp nhất những chiều kích hiện hữu bị chia cắt của chúng ta và toàn nhập đời sống chúng ta với vận mệnh của cộng đoàn. Nói khác đi, thân thể, độc thân và chính trị thuộc về sự hoàn thiện nhân vị của chúng ta mà mỗi người cần học biết trân quý và chăm sóc.

Thân thể tính

Lãng quên thân thể và các giá trị của thân xác là một hằng số trong não trạng đan tu ngày xưa, ngay cả khi các đan sĩ không chủ tâm chạy theo chủ nghĩa ngộ đạo, chủ nghĩa thiên thần, để coi thường thân thể. Trong nhiều trường hợp khác, thân xác được quan niệm như cộng sự viên, thường là người đầy tớ làm được nhiều điều tốt, nhưng cách sâu xa, thân xác vẫn là một gánh nặng chết người. Người ta nói nhiều về việc thân xác sống lại, nhưng cũng không quên cho rằng thể xác là giả trá, tạm bợ. Thật thú vị khi thấy sự khác biệt: các đan sĩ Hindu mặc đồ ít bao nhiêu có thể được, các digambara của Kỳ na giáo hoàn toàn nude, còn các đan sĩ Kitô giáo thì mặc áo thụng dài. Tuy nhiên, dù là với những dấu hiệu trái ngược nhau, vẫn còn đó quan niệm cho rằng đan sĩ là người đã vượt trên thân xác của mình. Họ thật sự không cần có thân xác vì họ không muốn là thân xác của họ.

Thế nhưng, người đan sĩ hiện đại có thể nói rằng tôi là thân xác tôi; rằng thân xác của tôi không phải là kẻ thù, cũng không phải bạn hữu hay đầy tớ, nhưng trên hết: tôi là chính thân xác. Sức khoẻ là yếu tố sinh lý cũng như tâm lý. Nếu có thể sử dụng ngôn ngữ nhị nguyên, ta có thể nói linh hồn tuỳ thuộc vào thân xác cũng như thân xác lệ thuộc vào linh hồn. Con người không hoàn toàn là thân xác, nhưng là thân-xác-của-mình; không có thân xác, không có con người.

Monachos không là “một” chỉ nhờ dựa vào một mình linh hồn hay tinh thần của mình, hoặc chỉ dựa vào một thân xác được chăm sóc không chuẩn mực, nhưng nó chỉ là “một” trong khao khát thể hiện sự hợp nhất giữa những yếu tố khác nhau của một hữu thể chính thực. Đan sĩ ngày nay hiểu rằng về mặt ngữ nghĩa, những cặp từ sau đây gắn bó với nhau: việc suy niệm, cầu nguyện (meditatio) gắn liền với thuốc chữa trị (mederi), ơn cứu độ gắn liền với sức khoẻ (salus), tự do (sōtēria) với sarvam, tổng thể, hữu thể toàn diện.

Lý tưởng đan tu không loại bỏ chủ nghĩa nhân văn. Đan sĩ không thu rút mình vào chủ nghĩa thiên thần phi nhân bản hoặc bất kỳ hình thức linh đạo phi nhập thể hoặc phi nhân; nhưng trước tiên phải đạt tới sự viên mãn của nhân tính vốn không loại trừ bất cứ giá trị nhân bản nào. Khổ chế không bao giờ là việc hành xác nhưng để làm thân xác sống động, để thân xác có thể tham dự vào vận mạng của nhân vị. Yêu thương bản thân không đồng nghĩa với việc đưa tất cả các chất vào trong cơ thể, ngay cả những những chất làm tổn thương sức khoẻ. Rõ ràng là viveka, madhyama, sobrietasdiscretio đan tu nghiêm cấm mọi hình thức thái quá hoặc bất cập, mọi thứ lạm dụng vật chất. Tất cả cần phải chừng mực. Câu hỏi thực tiễn cần được đặt ra như một thách đố, đó là: làm thế nào để toàn nhập và tái toàn nhập thể xác tính vào trong những truyền thống đan tu mà không sa vào chủ nghĩa hưởng thụ hoặc bỏ quên thân xác.

Độc thân

Nhân vị là sự nối kết hài hoà tất cả các đại từ nhân xưng. Việc đời sống đan tu quá nhấn mạnh đến “cái chúng ta” như tương quan nổi trội, đã vô tình làm giảm đi tầm quan trọng của mối tương quan với “bạn”. Tương quan phụ tử với guru hay với bề trên không được làm giảm thiểu tầm quan trọng của những mối dây liên hệ thân tình khác giữa các nhân vị trong cộng đoàn và ngược lại. Những hình thức linh đạo hiện đại trung thành với truyền thống, đã nhấn mạnh đến tương-quan-bạn-hữu. “Anh em là bạn hữu của Thầy… Thầy gọi anh em là bạn hữu” (Ga 15,14-15).

Bạn như là người thân, như người thương. Bạn là nhân vị làm hứng khởi các mối tương quan thân ái, an hoà, nhu thuận, quan tâm và yêu thương. Trong một cộng đoàn, người ta có thể sống bên nhau nhưng chưa chắc đã thực biết nhau, thấu hiểu và biết sống cho nhau. Có được một người bạn tốt như kiếm được kho tàng!  Người ta có thể “thấy nhau” nhưng chưa chắc họ đã “gặp nhau”. Người ta dễ dàng “nghe-qua-loa”, nhưng lại gặp khó khăn trong việc lắng nghe từ trái tim. Người ta có thể cùng đi với nhau nhưng chưa chắc đã thực sự hiệp hành, vì có ai đó đã từng hài hước pha lẫn châm biếm khi cho rằng: hiệp hành cũng có nghĩa là “hiệp lại để hành nhau”? Chẳng phải Giáo hội đang hướng tới tinh thần “hiệp hành” ngang qua việc “gặp gỡ, lắng nghe, sứ vụ” đó sao?

Đời độc thân tu trì như một nhịp điệu của yêu thương, của niềm vui và hạnh phúc. Kinh sáng lễ kính thánh nữ Lucia có câu thánh thi thật ý nghĩa: “quia iucundum Deo in tua virginitate habitaculum preparasti” (vì ngài đã chuẩn bị cho Chúa một nơi trú ngụ đầy niềm vui trong chính đời khiết trinh của ngài). Độc thân không được trở nên nguyên cớ của khắc khoải và buồn sầu; nhưng phải là lời hứa của giao ước niềm vui: niềm vui vì trái tim mình trở nên nơi Chúa ngự, là nơi đón nhận anh chị em để thương, để mến. Vì thế, đời sống độc thân thánh hiến không chỉ là một trợ lực mà còn là nguồn sức mạnh, tình yêu và tự do trong đời sống cộng đoàn.

Chiều kích chính trị

Trong linh đạo đan tu truyền thống, nhân vị được thành tựu nhờ mối tương quan với Tuyệt Đối và xa cách trần thế. Việc tách biệt này được biểu lộ qua nội vi đan viện. Có lẽ đối với tâm thức con người đương đại, phong cách sống này dường như có tính tiêu cực. Nhưng nếu hiểu cho sâu sắc, đời sống tu trì cũng có “chiều kích chính trị”, nó là một trợ lực để mở rộng ranh giới của huyền nhiệm hiệp thông cộng đoàn.

Nếu con người là một hữu thể xã hội, một hữu thể chính trị, thì người đan sĩ hiện đại không thể tin rằng: người ta có thể đạt tới sự viên mãn nhân vị mà lại không vun trồng chiều kích chính trị. Rõ ràng, khi nói đến chiều kích chính trị ở đây, chúng ta không nói về “những đảng phái” với những bài diễn văn công kích, nặng tính phe nhóm, hoặc bàn về những phương thức duy kỹ thuật để đạt được những mục đích mà “phe mình” tiên liệu. Nhưng trước hết, chúng ta nói về ích chung của polis được hiểu như biểu tượng của đời sống cộng đoàn nhân loại và cũng như nói về việc tham gia và trách nhiệm đối với những vấn nạn, gian khổ của đồng loại.

Chắc chắn, chúng ta không chủ trương đan sĩ làm chính trị, nhưng chiều kích chính trị nói đến sự đồng cảm với vận mệnh của nhân loại cách sống động và hiệu quả. Chúng ta muốn nói đến điều mà công đồng Vaticanô II định hướng cho chúng ta trong Gaudium et Spes, số 1: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ. Thực vậy, cộng đoàn của họ được cấu tạo bằng những con người đã được quy tụ trong Chúa Kitô, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong cuộc lữ hành về Nước Cha và đã đón nhận tin mừng cứu rỗi đem tới cho mọi người. Vì thế, cộng đoàn ấy mới nhận thấy mình thực sự liên hệ mật thiết với loài người và lịch sử nhân loại”.

Người đan sĩ hiện đại theo đuổi lý tưởng trở nên những hữu thể viên mãn trong nếp sống cô tịch và thinh lặng để say mê Thiên Chúa và say mê con người, nhưng luôn “nói không” với cám dỗ tự cô lập hoặc tự biến chất trong chủ nghĩa náo động cách ích kỷ. Đan sĩ ngày nay cũng nhận thức rõ rằng lời cầu nguyện đích thực không bao giờ là một cái cớ để không hành động cho thế giới, không dấn thân cho anh chị em; nhưng phải biết đứng về phía chủ động cho “cuộc chiến dưới cờ Vua Kitô”: chiến đấu cho tình yêu và chân lý.

Nói đến đây, có một câu hỏi vang vọng trong chúng ta như lời chất vấn: đan sĩ đã hành động thế nào cho việc chữa lành thế giới bị tổn thương sâu sắc bởi chiến tranh, bạo lực? Đan sĩ đã dấn thân thế nào để góp phần xoa dịu nỗi đau của đồng bào bị thương tổn bởi dịch bệnh, thiên tai?

Để khép lại những suy niệm triết học về trợ lực tính, sinh lực tính của việc trân quý nhân vị, cũng như nguy cơ trở thành trở lực và trì lực của nhãn quan duy cá nhân, chúng ta cùng nhắc lại cho nhau về sự cần thiết của việc hoán cải góc nhìn về tha nhân và về thực tại đa chiều và liên chiều.

Thường người ta vẫn nghĩ rằng sự hoàn thiện đích thực của con người luôn là điều siêu vượt, ở “cõi trên”, ở “bên kia” cuộc thế. Nhiều người vẫn cho rằng ta không nên ước mơ thành tựu niềm hạnh phúc và sự hoàn thiện ngay trong “lũng lưu đày khóc lóc”, trong vương quốc của duḥkha, phiền não và đau khổ này. Sự hoàn thiện của con người ở thiên đàng, ở nirvāṇa hay nơi mokṣa siêu việt và xa xôi nào đó!? Người ta sa vào một dạng tâm thần phân liệt thiêng liêng, không còn có khả năng để nhìn thấy vĩnh cửu trong thời gian, thấy thiên đàng trong cuộc thế, thấy nhân vị tính nơi anh chị em, thấy Đức Kitô nơi tha nhân, thấy niềm vui trong thử thách, thấy ơn cứu độ nơi thập giá…

Người đan sĩ hôm nay không bao giờ muốn làm nguôi khát vọng vĩnh cửu, nhưng từ chối tin rằng con đường dẫn đến sự hoàn thiện nhân bản và tâm linh cần phải đi qua sự chối bỏ và khinh rẻ những giá trị nhân sinh, nhân vị để đạt tới những điều “ở bên kia” hoặc “bên trên” nhân vị con người. Đan sĩ hôm nay không bỏ quên siêu việt, nhưng cũng không muốn lãng quên phẩm giá của nhân vị, của việc gìn giữ trái tim tinh tuyền, của việc biết trân quý bản thân và thương mến tha nhân. Đan sĩ hiện đại vượt qua những nguy cơ của nhị nguyên và chia rẽ.

SỨ MẠNG ĐỜI TU

                  Lasan Châu Sơn

Đời sống tu trì “chuyên hiệp thông”
Vị tha bác ái gắng vun trồng
Năm châu bốn bể gia huynh đệ
Tình thân thù nghịch ôm thương nồng

Đời sống tu trì “ra ngoại biên”
Lời Chúa tung gieo khắp mọi miền
Đỡ nâng hiện diện người cùng khổ
Cảm mến sẻ chia ai muộn phiền

Đời sống tu trì “thức tỉnh đời”
Nhân gian sa đắm mải ăn chơi
Bước mau sám hối về cùng Chúa
Biết đâu thần chết đến kêu vời

Nhịp bước đời tu “tự vấn mình”
Tôi còn yêu Chúa trọn tâm tình?
Dấu chứng môn đồ Thập tự giá
Loan báo Tin Mừng tình đệ huynh

Cuộc đời thánh hiến “tỏa niềm vui”
Rộng mở thân tâm sẻ ngọt bùi
Rạng rỡ hiệp thông say phục vụ
Tình Chúa tỏa lan xóa ngậm ngùi

Cuộc đời thánh hiến “trọn niềm tin”
Phó thác lòng Cha thương đoái nhìn
Lữ  khách trần gian nhiều cạm bẫy
Chân Lý soi đàng con nguyện xin.

ĐỨC MARIA – CON NGƯỜI HIỆP HÀNH

Goretti Trần Thị Huyền Trinh

Đức Maria – con người hiệp hành đã được ghi lại trong các trình thuật Tin Mừng: Tin Mừng Marcô nhắc đến Đức Maria hai lần, nhưng chưa có nhiều thông tin chi tiết (Mc 3,31-35 và Mc 6,3). Tin Mừng Matthêu thuật lại bốn biến cố liên quan đến Đức Maria cách chi tiết hơn (Mt 1,1-17; Mt 1,18-25; Mt 2,11-21 và Mt 12,46-50). Trong Tin Mừng Gioan, Đức Maria được đề cập tới hai lần: tại tiệc cưới Cana (x. Ga 2,1-11) và dưới chân thập giá (x. Ga 19,25-27). Đức Maria trong Tin Mừng Luca xuất hiện nhiều lần và chi tiết hơn, được trình bày ngang qua: biến cố Truyền Tin (x. Lc 1,26-38); việc đi thăm viếng bà chị họ Êlisabét (x. Lc 1,39-56); việc sinh Chúa Giêsu nơi hang đá Bê-lem (x. Lc 2,5-7); các mục đồng đến thờ lạy Hài Nhi Giêsu (x. Lc 2,8-20); việc tiến dâng Chúa Giêsu trong đền thánh và gặp ông Simêon, bà Anna tuyên sấm (x. Lc 2,22-38); việc Đức Maria và thánh Giuse lạc Con trong Đền Thờ (x. Lc 2,41-50). Đức Maria đồng hành cùng các Tông đồ nơi Nhà Tiệc Ly, trong ngày Lễ Ngũ Tuần (x. Cv 1,14).

Ngay từ thời Giáo hội sơ khai, lòng yêu mến và sùng kính Đức Maria của các tín hữu vẫn luôn dạt dào và ngày càng lan tỏa rộng rãi. Vì thế, không lạ gì khi có rất nhiều tước hiệu, danh xưng được dành cho Đức Maria, chỉ riêng Kinh Cầu Đức Bà[42] đã có hơn 50 danh hiệu (dựa theo các lời cầu). Ngoài những ân sủng và tình yêu Thiên Chúa dành cho Đức Maria, mỗi lời khẩn cầu cũng diễn tả một khía cạnh nào đó, thể hiện trái tim và nhân đức, con người và cuộc sống của Đức Maria trong truyền thống của toàn thể Hội thánh.

Trong bài này, người viết xin đề cập đến việc học hỏi, suy niệm và chiêm ngắm mẫu gương tuyệt vời của “Đức Maria – Con người hiệp hành”, dựa trên sự kiện Đức Maria đi thăm viếng bà Êlisabét trong Lc 1,39-56.

  1. “Con người hiệp hành” nơi Đức Maria

“Hiệp hành” là cùng đi với nhau, cùng nhau tiến bước trong sự lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần và lời Chúa; cùng hiệp thông với nhau và tham gia vào sứ mạng của Hội thánh. “Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ” là ba chiều kích quan trọng của “Hiệp hành”, chúng có mối tương quan mật thiết với nhau, chiều kích này làm phong phú và định hướng cho hai chiều kích kia[43]. Đức Maria đã sống ba chiều kích này cách trọn hảo với lòng mến Chúa yêu người.

* Hiệp thông

Mẹ đã sống sự “hiệp thông” mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa – nguồn cội của hiệp thông. Mẹ là đấng được Chúa Cha tuyển chọn từ đời đời, được gìn giữ trong ân sủng để không vướng nhơ tội truyền và trở nên Mẹ Đấng Cứu Thế; Mẹ là đấng đồng trinh trọn đời và luôn tuân hành ý Chúa. Đặc biệt, Mẹ được hiệp thông với Chúa Giêsu cách sâu sắc và trọn vẹn hơn, nhờ cưu mang, sinh hạ, nuôi dưỡng và đồng hành với Ngài trong suốt hành trình dương thế. Vì thế, Mẹ cũng diễm phúc được hưởng trước đặc ân trong ngày Cánh chung khi cả hồn và xác lên trời sau khi qua đời. Đức Maria như một tấm gương phản chiếu vẻ đẹp của ân sủng, đức tin, lòng khiêm tốn và sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Hẳn rằng, khi đi thăm viếng bà Êlisabét, Mẹ cũng muốn được hiệp thông với niềm vui to lớn của gia đình bà. Nơi Mẹ, Thiên Chúa đã làm những điều cao cả và kỳ diệu để biểu lộ tình yêu, lòng thương xót và ơn cứu độ. Đi theo Chúa Giêsu, Mẹ trở thành người môn đệ đầu tiên và nên gương mẫu cho tất cả những ai muốn bước theo Ngài trên con đường lữ thứ trần gian để tiến về quê hương đích thực trên trời.

* Tham gia

“Tham gia” nơi Đức Maria được biểu lộ ngang qua sự chuyên cần cầu nguyện, luôn ghi nhớ và gẫm suy lời Chúa (x. Lc 2,19.51), hằng lắng nghe và phân định. “Một trong những phương pháp của hiệp hành là lắng nghe: lắng nghe nhau, lắng nghe truyền thống đức tin của quá khứ và lắng nghe các dấu chỉ thời đại để nhận biết những gì Chúa đang nói với chúng ta, ‘Lắng nghe Thiên Chúa, để cùng với Ngài chúng ta có thể nghe thấy tiếng kêu của dân Ngài; lắng nghe dân Ngài cho đến khi chúng ta hòa hợp với ý muốn mà Thiên Chúa kêu gọi chúng ta đón nhận ý muốn đó’”[44]. Ngang qua lời Fiat của Mẹ, “Thiên Chúa hoàn tất giao ước mới mà Người đã hứa trong Đức Giêsu thành Nadarét, Đấng Mêsia và là Đức Chúa, mà lời loan báo (kerygma), cuộc đời và thân thế của Người mạc khải rằng Thiên Chúa là sự hiệp thông của tình yêu, trong ân sủng và lòng thương xót của mình. Người muốn ôm lấy toàn thể nhân loại trong sự hiệp nhất. Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, được tiền định từ đời đời để yêu mến trái tim Chúa Cha (x. Ga 1,1.18), Người đã làm người khi thời gian đến hồi viên mãn (x. Ga 1,14; Gl 4,4) để hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa[45]. Từ “lời xin vâng đầu tiên”, Đức Maria không chỉ mau mắn lắng nghe và thi hành những lệnh truyền của Thiên Chúa, mà còn trung thành đến cùng và sống một cách âm thầm trong sự chiêm ngắm mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa. Đức Maria không nề hà những sự khó khăn, những nỗi vất vả mình sẽ gặp phải. Việc “Đức Maria vội vã lên đường” để giúp đỡ người khác là sự cộng tác của Mẹ vào công trình của Thiên Chúa, là làm cho hạnh phúc gia đình ông Dacaria được trọn vẹn hơn.

* Sứ vụ

Đức Maria thực hiện “Sứ vụ rao giảng Tin Mừng khi lên đường mang Đấng Cứu Độ đến cho gia đình ông Dacaria. Suốt cuộc đời, Đức Maria đã đồng hành với sứ mạng của Chúa Giêsu: dõi theo từng bước Con đi; hiệp thông cách sâu xa và mật thiết với những đau khổ Con phải chịu trên con đường thương khó; can đảm đón nhận mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa khi đứng dưới chân thập giá; ở bên cạnh các Tông đồ để an ủi và nâng đỡ niềm tin còn non nớt của các ông. Thật thế, “Mẹ là môn đệ đầu tiên của Chúa. Mẹ là môn đệ đầu tiên trong thời gian, bởi vì ngay cả khi Mẹ tìm thấy Người Con thời niên thiếu của Mẹ trong Đền Thờ, Mẹ đã học được của Người bài học mà Mẹ giữ kín trong lòng[46].

Vậy điều gì đã giúp Đức Maria sống sự hiệp hành cách sung mãn trong mối thân tình với Thiên Chúa và lòng yêu thương tha nhân? Đó chính là ân sủng của Thiên Chúa, đức tin và sự khiêm tốn của Mẹ để luôn sẵn sàng chu toàn thánh ý Chúa, cùng dấn thân phục vụ con người.

  1. Tâm thế “con người hiệp hành” nơi Đức Maria

a. Đầy ân sủng

Biến cố Truyền Tin thể hiện rõ chiều kích này của Đức Maria. Trong khi người Do Thái hay chào nhau bằng từ שלום “Shalom” nghĩa là “Bình an”, thì sứ thần lại chào Đức Maria bằng từ “Kaire, kecharitomene” nghĩa là “Hãy vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng!”. Phải chăng đó là một sự tuyên nhận Mẹ là “thiếu nữ Sion đích thực”, hay nói đúng hơn: Mẹ là hiện thân hoàn hảo của Dân Chúa. Hiện thân của phẩm hạnh, xinh đẹp và tinh tuyền; hiện thân của Người Nữ vĩnh cửu đại diện cho toàn thể nhân loại được cứu độ[47]. Chắc chắn “trong tâm hồn của người thiếu nữ Sion này, một cách nào đó đã hiện lên tất cả vinh quang của ân sủng mà Chúa Cha quyết định rộng ban cho chúng ta nơi Con yêu dấu[48]. Người muốn chọn cho Con mình một người mẹ để mặc lấy xác phàm, và Đức Maria sống đẹp lòng Thiên Chúa; Người chọn Mẹ và hiện diện trong Mẹ cách trọn vẹn, tràn đầy và tuôn đổ hồng ân nhưng không, để gìn giữ cho tinh tuyền, xứng đáng cho Con Một ngự trong cung lòng thiếu nữ Sion này[49].

Mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc là đỉnh cao của tất cả hồng ân Thiên Chúa ban cho nhân loại và toàn thể vũ trụ. Mẹ đã xin vâng để cộng tác với Thiên Chúa trong kế hoạch cao cả và đầy yêu thương này. Vì vậy, Công đồng Vaticanô II xác tín: “Đức Maria là Mẹ Con Thiên Chúa, do đó làm ái nữ của Chúa Cha và là cung thánh của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí này, Mẹ đã trổi vượt mọi tạo vật khác trên trời dưới đất[50].

Xứng với tên gọi cao quý trên, tâm thế “đầy đức tin” của Đức Maria cũng thật tuyệt vời, được biểu lộ trong những lời rất ngắn gọn nhưng đầy Thánh Thần của bà Êlisabét.

b. Đầy đức tin

Khi được sứ thần Gabriel cho biết về việc bà Êlisabét mang thai được sáu tháng, Đức Maria đã vội vã lên đường đến làng Ain Karim, cách Giêrusalem khoảng sáu kilômét về phía tây[51] và cách Nadarét hơn một trăm kilômét. Qua thái độ nhanh nhẹn và đan cảm cất bước lên đường của Mẹ Maria, chúng ta tự hỏi rằng: có mấy ai đủ tin những lời của sứ thần vì bà Êlisabét đã cao niên và mang tiếng là hiếm hoi? Và có ai đủ can đảm và khiêm nhường để đi đến một nơi đầy trắc trở và xa xôi? Vì thế, Đức Maria có niềm tin thật mạnh mẽ.

Vừa nghe lời Đức Maria chào, đứa con trong bụng nhảy lên, bà Êlisabét cũng được đầy Thánh Thần mà thốt lên rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1,42), ở đây tác giả đặt song đối Đức Maria với bà Giuđitha: “Này trang nữ kiệt, bà được Thiên Chúa Tối Cao ban phúc hơn tất cả các phụ nữ trên cõi đất này” (Gđt 13,18). Bà Êlisabét nhìn nhận mình nhỏ bé trước cô em họ Maria: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,43). Thật thế, thử đặt mình vào chỗ đứng của dân thường và vị thế của thái hậu, ta mới cảm nhận được tâm trạng vui mừng biết bao của bà Êlisabét. Đặc biệt, với lời khen ngợi của bà Êlisabét: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45), cho ta thấy chính niềm tin sắt đá của Đức Maria đã khai sinh một nhân loại mới[52]. Đức tin nơi Mẹ hẳn đã nâng đỡ bà Êlisabét rất nhiều. “Nếu Ápraham là ‘tổ phụ những kẻ tin’ (x. Rm 4,12) thì Đức Maria là hiện thân sự hoàn hảo của đức tin[53]. Đức tin mở ra lịch sử dân tộc Israel với tổ phụ Ápraham, còn lịch sử cứu độ con người và vũ trụ thì với Đức Maria. Khi thưa tiếng “xin vâng” với tất cả đức tin và tự do, Mẹ đã cộng tác cách đắc lực với ý định của Thiên Chúa và hoạt động của Thánh Thần. Niềm tin này đã được Mẹ nuôi dưỡng và biểu lộ bằng cả cuộc đời. Mẹ tiến bước trong đức tin và đem Chúa Giêsu đến cho nhân loại trong sự khiêm tốn thẳm sâu tận cõi lòng.

c. Khiêm tốn

Đức Maria trổi vượt trên các người khiêm hạ và khó nghèo của Thiên Chúa, là những người tin tưởng, hy vọng và lãnh nhận ơn cứu độ nơi Chúa[54]. Chính trong sự tôn thờ và khiêm tốn trước mặt Thiên Chúa mà Đức Maria đã được Thiên Chúa nhìn đến và chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Chẳng ai tin được: ngay trong ngôi nhà nhỏ bé của một cô thôn nữ trẻ tại làng quê xa xôi hẻo lánh, kế hoạch cao cả từ muôn đời của Thiên Chúa lại được thực hiện: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Mẹ đến với bà Êlisabét không phải để khoe về những gì mình đã nhận được hay đang có. Mẹ cũng không chối từ những lời khen ngợi của chị họ mà quy hướng tất cả về Thiên Chúa. Bài Magnificat chất chứa biết bao tâm tình ngợi khen Thiên Chúa của Đức Maria, với trọn xác tín và tâm tình khiêm tốn thẳm sâu của mình, được diễn tả cách rõ nét qua các câu[55]:

– “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1,48): câu này gợi nhớ tới bà Anna, mẹ của ngôn sứ Samuel trong 1Sm 1,11. Mẹ chân nhận mình là nữ tỳ hèn mọn trước Thiên Chúa.

– “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (Lc 1,49): Thiên Chúa là “Đấng Toàn Năng” (ho dynatos), một danh hiệu dành cho Đức Chúa có trong Dcr 3,17; Tv 89,9, và “những điều cao cả” được nhắc tới trong sách Đnl 10,21. Theo truyền thống Cựu Ước, “những điều cao cả” đều liên hệ đến những công trình cứu độ của Thiên Chúa đối với Israel (x. Đnl 11,7; Tl 2,7) mà nay chính Chúa đã tuôn đổ trên Mẹ.

– “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50): câu này gợi tới Tv 103,17. Hơn ai hết, Mẹ đang bày tỏ kinh nghiệm được Chúa thương xót của bản thân, nhờ đó, Mẹ hướng đến người khác, vì Thiên Chúa luôn chờ đợi và mở rộng vòng tay để trao ban lòng thương xót và các ân huệ cho những ai biết sám hối tội lỗi và biết nhìn nhận sự cao cả của Người. Lòng thương xót đây cũng chính là lòng trung thành với các lời hứa.

 – “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1,52): với câu này, Mẹ muốn chúc tụng Thiên Chúa là Đấng luôn nâng cao những “kẻ khiêm nhường”, tức những người biết mình không có gì và không là gì trước nhan Thiên Chúa. Còn “người giàu có, lại đuổi về tay trắng (Lc 1,53) bởi lẽ “người giàu có” ở đây là những người dư thừa của cải nhưng sống ích kỷ và không biết chia sẻ cho người nghèo.

Vì thế, sự khiêm tốn của Mẹ như “Ngôi sao biển” dẫn đưa chúng ta đến hạnh phúc muôn đời. Chúng ta cần bước đi trên con đường của Tin Mừng với Mẹ, để luôn sẵn sàng hiệp hành cùng Mẹ mà đến với Thiên Chúa và mở lòng ra với tha nhân.

  1. Đan sĩ có Mẹ luôn hiệp hành

a. Đức tin

Khi các mối tương quan của chúng ta thể hiện đức tin, chúng ta sẽ đồng hành cùng nhau trên hành trình, bất kể bao lâu hoặc khó khăn nào có thể xảy ra. Đó là vì đức tin của chúng ta không chỉ là tin vào nhau và vào các cơ cấu bí tích của Hội thánh, nhưng là tin vào Thiên Chúa, Đấng hiện diện và hướng dẫn tất cả những ai là thành viên của cộng đoàn đức tin[56]. Ơn gọi là một huyền nhiệm và đòi buộc đan sĩ cần bước đi trong đức tin, và chúng ta thật hạnh phúc khi có Mẹ luôn hiệp hành bên cạnh. Đức tin của chúng ta được diễn tả cách rõ nét hơn trong các việc cử hành phụng vụ và cầu nguyện.

Khi cử hành Thánh lễ, Giáo hội hiện tại hóa mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu. Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và trung tâm của tất cả phụng vụ Kitô giáo[57]. Chính trong Thánh lễ, mỗi người được đón nhận sức sống thần linh của Thiên Chúa. Các Giờ kinh Phụng vụ là lời kinh chính thức của Hội thánh dâng lên Thiên Chúa[58]. Mỗi lần cử hành Giờ kinh, các đan sĩ hợp chung lời ca tiếng hát với cộng đoàn các thánh trên trời và có Đức Maria là Nữ Vương các thánh, để cùng chúc tụng, ca khen, cảm tạ Thiên Chúa vì những hồng ân Người ban cho muôn loài, đồng thời dâng lên Thiên Chúa những khát vọng của cá nhân, cộng đoàn, gia đình và của toàn thế giới.

Đời sống cầu nguyện được ví như hơi thở của người Kitô hữu[59]. Ngang qua cầu nguyện và nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, chúng ta được gặp gỡ, chuyện vãn và dâng lên Chúa những niềm vui nỗi buồn. Những ai năng sống gắn bó mật thiết với Thiên Chúa sẽ được lớn lên trong tương quan và trong tình yêu mến với Người. Cầu nguyện chính là một trong những cách thế diễn tả đức tin và tình yêu với Đấng mà các đan sĩ hằng tìm kiếm suốt đời. Việc cầu nguyện chung nâng đỡ và nuôi dưỡng ơn gọi, vì giữa cuộc đời “vất vả mang gánh nặng nề”, chúng ta luôn có một điểm tựa vững chắc để “được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28) và có Đức Maria là hiền mẫu luôn bao bọc chở che. Thiên Chúa luôn ở bên để đồng hành, nâng đỡ và an ủi chúng ta.

Đức tin không những giúp chúng ta không bị chao đảo hay chán nản trước những khó khăn, xung đột, chia rẽ… trong đời sống cộng đoàn, mà còn giúp chúng ta biến những điều đó thành phương tiện để thăng tiến hơn trong việc phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người bằng thái độ khiêm tốn theo gương Đức Maria.

b. Khiêm tốn

Nếu chính vì sự khiêm tốn của Đức Maria mà Thiên Chúa đã nâng Mẹ lên chức vị “đấng đầy ân sủng” thì các đan sĩ cũng nhìn nhận mình là “không” để ân sủng của Chúa tuôn đổ trên bản thân và tha nhân ngang qua chứng từ yêu thương trong đời sống cộng đoàn. Để sống tình huynh đệ an bình và vui tươi ngay trong những sự khác biệt, thì mỗi người cần phải có thái độ khiêm tốn, cảm thông và tha thứ.

Đó là thái độ vâng phục bề trên như là hiện thân của Đức Kitô để cùng hướng đến một mục đích, một tấm lòng và một ý hướng chung… đồng thời cũng biết vâng lời nhau trong những điều ích lợi. Nhờ đó thiết lập sự hiệp nhất trong khác biệt và làm phong phú cho tình huynh đệ.

Chẳng có ai hoàn hảo ngoài một mình Thiên Chúa, bởi “nhân vô thập toàn”. Vì thế, việc cùng giúp nhau sửa lỗi cách tế nhị cũng là một điều cần thiết. Đây là một việc khá khó vì ai cũng dễ tự ái nên cần một tình huynh đệ chân thành và một sự khiêm nhường thẳm sâu. Khi đó, chúng ta sẽ biết chấp nhận, tha thứ và nâng đỡ nhau cùng vượt qua. Tha thứ là một bài học quan trọng: “Anh em hãy tha thứ thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6,37). Khi tha thứ là chúng ta đang tìm kiếm một cái nhìn mới về các mối tương quan giữa anh chị em với nhau; đừng để cho những điều đã xảy ra cứ tái hiện mãi trong trí nhớ của mình hoặc tệ hơn nữa là có cái nhìn thành kiến trước một việc sai trái nào đó của anh chị em trong quá khứ. Chẳng phải chính mình cũng đầy thiếu sót, vấp ngã và mong được sự tha thứ của Chúa cũng như người khác hay sao! Hãy đặt mình vào trong hoàn cảnh của người khác để hiểu được điều gì đang thật sự diễn ra và những mong chờ gì ở việc đã, đang và sẽ làm. Khi đó, đời sống cộng đoàn sẽ trở nên dấu chỉ sống động về tình yêu Thiên Chúa giữa đời sống.

Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng ta yêu thương nhau và nhận lấy những yếu đuối, những vấn đề, những khó khăn của nhau cùng với tinh thần dấn thân phục vụ không tính toán theo gương Đức Maria.

c. Phục vụ tha nhân trong lao động hằng ngày

Đức Maria là “cô gái trẻ đầu tiên của nền văn minh Kitô giáo[60] trong sự phục vụ vô vị lợi để đem Chúa đến cho con người. Vì thế, hành trình kéo dài khoảng năm ngày đường đầy gập ghềnh, trắc trở của vùng núi cũng không cản trở bước chân của Đức Maria – người luôn sẵn sàng phục vụ. Khi có Chúa trong mình, người ta dễ dàng phục vụ tha nhân với hết cả tâm hồn vì mỗi người đều là hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,26). Đức Maria đã ở lại phục vụ bà Êlisabét khoảng ba tháng. Từ đó, chúng ta nhận ra lao động là điều quan trọng góp phần tạo nên giá trị cuộc sống và làm cho con người trổi vượt hơn muôn loài thụ tạo khác. Con người “có khả năng hành động một cách có kế hoạch và hợp lý, có khả năng tự quyết định và hướng tới sự thành tựu của bản thân mình[61].

Trước hết, lao động nuôi dưỡng sự sống của con người: “Có làm thì mới có ăn. Không dưng ai dễ đem phần đến cho”. Các ẩn sĩ xưa đã nêu gương sống đời đan tu bằng chính thành quả lao động của mình, sống tinh thần phó thác, khó nghèo và giúp đỡ người khác. Cha thánh Biển Đức quả quyết trong Tu Luật 48,8: “Chỉ khi nào sống bằng thành quả lao động của mình như cha ông ta và các Tông đồ, ta mới thật là đan sĩ”.

Thứ đến, lao động giúp phát triển con người toàn diện cả về thể lý, sinh lý, tâm lý, tâm linh và hòa nhập với mọi người theo cách thức: “Làm việc như Chúa Giêsu đã làm”. Hiến chế Vui mừng và Hy vọng số 22, đã nói về Chúa Giêsu: “Người đã làm việc với đôi tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu thương bằng quả tim con người”. Việc xác là điều có ích, giúp chúng ta cả phần hồn lẫn phần xác. Hỏi rằng: có mấy ai thích làm việc chung với những người không có tinh thần trách nhiệm trong công việc; hoặc những người lười biếng, cứ đùn đẩy việc phải làm cho người khác? Đời sống chung cần một tinh thần hợp tác trong công việc, nhằm mang lại hiệu quả cho công việc cần làm, vì: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Cuối cùng, lao động mang lại niềm vui và bình an. Thiên Chúa nhân lành không bao giờ gây thiệt hại cho những ai biết tin tưởng nơi Người. Điều quan trọng là ta phải biết cộng tác và làm trổ sinh những hoa trái, trong khả năng của mình, theo ơn riêng Chúa đã ban. Cha Tổ phụ dạy: “Trong chúng ta ai lấy việc xác làm nặng nề, buồn bực, chán ngán, thì ở Nhà Dòng này không được. Ở Nhà Dòng này phải làm việc xác, ai theo sức nấy. Việc xác là việc đền tội, và cũng là việc các thánh đã làm. Sự ăn chay cũng là việc đền tội, mà cũng không bằng việc xác. Khi ở trong nhà thờ, miệng nói: Lạy Chúa, con kính mến Chúa! Đến khi ra làm việc, phải ép mình chịu khó một chút, lại chán ngán buồn phiền. Như vậy là chưa phải kính mến Chúa thật đâu, mới có ở nơi miệng thôi” (DN 139).

Vì thế, khi phục vụ, chúng ta cần có tinh thần trách nhiệm, ý thức xây dựng cộng đoàn và yêu thương (anh) chị em. Cần biết thánh hóa công việc và làm việc cách quân bình, chớ có mê làm việc quá; đến giờ làm thì làm: làm cho siêng, làm cho tử tế; đừng viện dẫn công việc mà bỏ bê, lơ là, trễ nải trong các việc thiêng liêng (x. DN 129) và cũng cần biết phân định, để trong cùng một thời gian mà có nhiều phần việc phải làm thì nên suy xét bậc thang giá trị của các phần việc đó. Nhất là ý thức chọn Chúa chứ không phải công việc của Chúa.

Kết luận

Với lời Fiat, Thiên Chúa đã đặc tuyển Đức Maria từ giữa muôn người qua bao thế hệ, đã tuôn đổ muôn vàn ân sủng và chan hòa tình yêu xuống trên Mẹ. Nhưng Mẹ không giữ cho riêng mình mà thông chia cho nhân loại. Mẹ là “máng thông ơn” cho nhân loại. Ngang qua cuộc thăm viếng bà Êlisabét, Cựu Ước đã gặp gỡ Tân Ước, bóng tối đang mờ đi trước ánh sáng ân sủng. Nhờ đó, chúng ta được chiêm ngắm mẫu gương hiệp hành nơi Đức Maria. Mẹ chính là con người hiệp hành; là gương soi của “Hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia, Sứ vụ” với Thiên Chúa và với nhân loại trong đức tin và sự khiêm nhường. Nhà thần học Hans Urs von Balthasar đã có lý khi viết: “Sự tôn sùng Mẹ Maria là con đường chắc chắn nhất và ngắn nhất dẫn đưa chúng ta đến gần Chúa Giêsu cách cụ thể[62]. Nơi Mẹ, chúng ta tìm thấy được sự sẻ chia, an ủi, nâng đỡ, khích lệ, động viên… trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Nhờ Mẹ và qua Mẹ, mọi ơn lành được tuôn đổ xuống trên nhân loại và thế giới, để cuộc sống của chúng ta thấm đượm tình yêu thương và tinh thần phục vụ, chan hòa tình Chúa và dạt dào tình người mà “một đi chung cùng nhau”, trong cuộc lữ hành trần thế hướng về quê trời. Ước chi đời sống của chúng ta là lời ca chúc tụng Thiên Chúa, theo gương Đức Maria là “con chim ” hót hay hơn cả.

ĐỨC MARIA
CẦU NGUYỆN VỚI CÁC TÔNG ĐỒ

Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh

Theo truyền thống tốt đẹp của Kitô hữu, khi bắt đầu làm một việc gì hay trước lúc khởi hành, người ta thường cầu nguyện để công việc được thành công, cho cuộc hành trình được bình an. Khi cầu nguyện là lúc con người nhận ra sự giới hạn nơi phận người và trông chờ vào sự che chở, cũng như sự hoạt động của Thiên Chúa trong cuộc sống. Vì nếu không có tình thương của Thiên Chúa thì những hoạt động của con người khó thành công: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công” (Tv 127,1).

Cầu nguyện là “một nhu cầu sống còn”[63] trong hành trình đức tin của mỗi người Kitô hữu. Thế nhưng, không ít người lại xem thường, có khi biến buổi cầu nguyện thành thời gian nhàm chán, cũng có người muốn cầu nguyện nhưng không biết cách để cầu nguyện. Từ đó có những vấn đề được đặt ra: làm sao để người Kitô hữu có thể cầu nguyện? Có tấm gương nào về cầu nguyện cho người Kitô hữu không? Đâu là những tâm tình cần có trong buổi cầu nguyện để tạo mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa?

Chúng ta cần trở về với những ngày tháng đầu tiên của Giáo hội và chiêm ngắm mẫu gương cầu nguyện tuyệt vời của Đức Maria với các Tông đồ[64]. Thật vậy, trước khi các Tông đồ bắt đầu sứ vụ rao giảng công khai, các ông cùng cầu nguyện với Đức Maria, để đón nhận Chúa Thánh Thần. “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria thân mẫu Đức Giêsu, và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1,14).

  1. Bối cảnh của những buổi cầu nguyện

a. Không gian

Khi đề cập đến những buổi cầu nguyện của Đức Maria với các Tông đồ, tuy tác giả sách Công vụ Tông đồ không trực tiếp nói ở đâu, nhưng theo truyền thống của Giáo hội, những buổi cầu nguyện này được thực hiện tại Nhà Tiệc Ly (x. Cv 1,14)[65]. Nhà Tiệc Ly luôn gắn bó rất mật thiết với Giáo hội vào thời sơ khai, là nơi mà Đức Giêsu đã mặc khải cho các Tông đồ tình yêu của Thiên Chúa và dạy cho các ông bài học về khiêm nhường và phục vụ qua việc lập Bí tích Thánh Thể và rửa chân cho các ông. Cũng tại nơi đây bộc lộ sự yếu đuối của con người: các Tông đồ được nghe Đức Giêsu báo trước sự phản bội của Giuđa Iscariôt (x. Lc 22,21), việc chối Thầy của ông Phêrô (x. Lc 22,34) và sự tranh giành quyền lực của các môn đệ (x. Lc 22,24).

Cầu nguyện trong một nơi chốn, với biết bao kỷ niệm gắn bó với Thầy Giêsu, làm sao không khơi lên nơi các Tông đồ sự nhớ nhung và đem lại cho các ông biết bao tâm tình. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, do đó, chúng ta có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi nào. Tuy nhiên, một không gian lý tưởng cũng tạo thuận lợi cho người cầu nguyện. Nó giúp con người dễ nâng tâm hồn lên để kết hợp với Thiên Chúa và cũng dễ gặp gỡ Chúa hơn.

b. Thời gian

Dựa vào sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy trình thuật nói về việc “Đức Maria cầu nguyện với các Tông đồ” được đặt giữa hai biến cố “Chúa Lên Trời” và “Chúa Thánh Thần Hiện Xuống”[66]. Sau khi Chúa Giêsu lên trời, Đức Maria cùng cầu nguyện với các Tông đồ để đón chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đây cũng là thời gian làm cho tâm trạng của các ông nhiều xáo trộn: niềm vui xen lẫn lo âu, sợ hãi, hoang mang. Tuy nhiên, dù vui mừng hay buồn rầu, hy vọng hay thất vọng thì các ngài không hề cô đơn vì đã có Đức Maria đồng hành. Chính Đức Maria sẽ dẫn dắt các Tông đồ vượt qua giai đoạn khó khăn này vì Mẹ đã có kinh nghiệm về đời sống đức tin và chính Mẹ đã được đón nhận Chúa Thánh Thần trong ngày truyền tin. Thật vậy, Đức Maria đã âm thầm đi theo Đức Giêsu suốt cuộc hành trình trong sứ vụ công khai, ngay cả cho đến chân Thập giá, và Mẹ tiếp tục đồng hành với các Tông đồ và Giáo hội[67]. Nói như lời của Đức giáo hoàng Biển Đức XVI: “Chính với Đức Maria mà cuộc đời trần thế của Đức Giêsu bắt đầu, thì cũng với Đức Maria mà những bước đầu tiên của Giáo Hội đã bắt đầu”[68]; ngài còn nói thêm:“Không thể có Giáo hội mà không có lễ Hiện Xuống, thì cũng không thể có lễ Hiện Xuống mà không có Mẹ Đức Giêsu, vì Mẹ đã sống một cách hoàn toàn độc đáo điều mà Giáo hội trải qua mỗi ngày, dưới tác động của Chúa Thánh Thần”[69]. Chính Mẹ nâng đỡ và dìu dắt Giáo hội trong những ngày tháng đầu tiên để chuẩn bị cho sứ vụ rao giảng công khai. Sự hiện diện của Đức Maria trong lúc này là một sự nâng đỡ, khi Mẹ giúp các ông sống “đồng tâm nhất trí”.

  1. Đồng tâm nhất trí

Theo trình thuật của tác giả Tin Mừng Luca, lúc các Tông đồ đang còn ở với Đức Giêsu trong Nhà Tiệc Ly, các ông vẫn còn tìm kiếm vinh quang cho bản thân khi đang tranh luận với nhau ai là người lớn nhất trong Nước Trời (x. Lc 22,24); thế nhưng giờ đây, cũng trong Nhà Tiệc Ly các ông “đều đồng tâm nhất trí” với nhau, cùng cầu nguyện với Đức Maria (x. Cv 1,14). Các Tông đồ không còn lo cho mình nhưng biết quan tâm đến tập thể. Lời cầu nguyện không chỉ mang tính cá nhân nhưng còn mang tính cộng đoàn. Nếu trong cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, các môn đệ[70] phân tán mỗi người một nơi, thì sau khi Đức Giêsu Phục Sinh, Ngài đã quy tụ các ông lại. Hai môn đệ trên đường về Emmau được Chúa Phục Sinh đưa trở lại để nhập đoàn với các môn đệ khác là một ví dụ. Tại sao lại có sự thay đổi như vậy? Thưa chính niềm tin Chúa Giêsu Phục Sinh giúp các Tông đồ và các tín hữu sơ khai sống yêu thương và hiệp nhất với nhau. Sự hiệp thông mà Giáo hội sơ khai có được đến từ Thiên Chúa. Đây chính là lời khẳng định của Công đồng Vaticanô II: “Thiên Chúa quy tụ tất cả những ai trọn niềm tin kính tìm đến Đức Kitô là tác giả của ơn cứu rỗi và là nguồn mạch sự hợp nhất và bình an, và thiết lập họ thành Giáo hội để trở nên bí tích hữu hình của sự hợp nhất mang lại ơn cứu rỗi cho mọi người và từng người”[71].

Trong vai trò là Mẹ Đức Kitô và Mẹ Giáo Hội, Đức Maria có vai trò tạo sự liên đới giữa các tín hữu. Sau khi Đức Giêsu về Trời, Đức Maria là người có uy tín nhất trong nhóm các môn đệ của Chúa. Trong Tông huấn Marialis Cultus, Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã đề cao Đức Maria trong sự hiệp nhất các Kitô hữu khi ngài nói: “Cũng như Đức Trinh nữ tại Cana với việc can thiệp đầy tình mẫu tử, đã thành công khi xin Đức Giêsu thực hiện phép lạ đầu tiên của Người (x. Ga 2,1-12), thì trong thời đại chúng ta, cũng nhờ sự can thiệp của Mẹ, có thể làm cho các môn đệ Đức Kitô mau chóng tìm được sự hiệp thông trong đức tin”[72]. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cũng khẳng định rằng: “Đức Maria, Đấng cầu nguyện cho sự hiệp nhất của gia đình Thiên Chúa”[73]. Như vậy, Đức Maria cũng có một vai trò quan trọng trong việc giúp các môn đệ hiệp nhất với nhau. Với kinh nghiệm của Mẹ về sự kết hiệp với Chúa, Mẹ nhận ra rằng, hiệp nhất là yếu tố để đón nhận Chúa Thánh Thần.

Thật vậy, hiệp nhất là một yếu tố không thể thiếu của Giáo hội thời sơ khai. Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI cũng đã nói: “Sự đồng tâm nhất trí là yếu tố quan trọng của cộng đoàn tiên khởi và luôn luôn là điều căn bản của Giáo hội. Khi ấy, nó không những chỉ là lời cầu nguyện của thánh Phêrô và Gioan, là những vị đã thấy mình gặp nguy hiểm, nhưng của cả cộng đoàn, vì kinh nghiệm của các Tông đồ không chỉ liên quan đến các ngài, nhưng đến toàn thể Giáo hội”[74]. Sự đồng tâm nhất trí làm cho các ông không tìm vinh quang cho mình nữa, mà tìm vinh quang cho Chúa, là làm chứng cho Ngài “đến tận cùng trái đất”. Tuy nhiên, với bản tính yếu đuối mỏng dòn, các môn đệ nhận ra công việc rao giảng Tin Mừng sẽ không thành công nếu không có Chúa hiện diện và đồng hành. Do đó, các ông không ngừng “chuyên cần cầu nguyện”.

  1. Chuyên cần cầu nguyện

a. Cầu nguyện với sự kiên trì

Trong lúc chờ đợi Chúa Thánh Thần, bên cạnh việc “đồng tâm nhất trí với nhau”, các môn đệ cũng chuyên cần cầu nguyện với Đức Maria. Trong sách Công vụ Tông đồ, Chúa Thánh Thần hiện xuống gắn liền với cầu nguyện (x. Cv 2,1-2; 4,31; 8,15). Cầu nguyện là điều không thể thiếu đối với Giáo hội thời sơ khai, là một trong những nét nổi bật nhất trong đời sống của người tín hữu. Tác giả sách Công vụ Tông đồ không nói đến nội dung của lời cầu nguyện, nhưng chỉ nói đến thái độ, đó là một sự chuyên cần. Vậy chuyên cần cầu nguyện là gì?

Chuyên cần cầu nguyện có nghĩa là cầu nguyện một cách siêng năng, là cầu nguyện liên lỉ. Nói như thánh Phaolô, thì đó là “cầu nguyện không ngừng” (1Tx 5,17), cầu nguyện với một sự kiên trì, không nản chí. Tuy nhiên, “chuyên cần cầu nguyện” không chỉ là đọc kinh lâu giờ, nhưng còn thể hiện qua đời sống. Đó là sống với một lòng tin tưởng, phó thác vào tình thương của Thiên Chúa, là dám chấp nhận tuân theo thánh ý Thiên Chúa, là luôn trong tư thế sẵn sàng đón chờ Chúa đến.

b. Cầu nguyện với lòng tin tưởng, phó thác

Nói đến lòng tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, Đức Maria là mẫu gương tuyệt vời nhất. Sự hiện diện của Đức Maria giữa các môn đệ không chỉ là “dấu chỉ của lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho Dân Chúa đang lữ hành cho đến ngày Chúa đến”[75] mà còn để lại cho các tín hữu “mẫu mực và gương sáng nổi bật cho Giáo hội về đức tin và đức ái”[76]. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã ca ngợi Đức Maria như mẫu gương tuyệt vời về đức tin: “Mẹ được công nhận là mẫu gương tuyệt vời cho Giáo hội trong lãnh vực đức tin, đức ái và trong liên hệ tuyệt hảo với Chúa Kitô. Thái độ nội tâm này gợi hứng cho Giáo hội là Hiền Thê rất yêu dấu liên kết chặt chẽ với Chúa của mình”[77].

Thật vậy, “niềm tin đối với Mẹ là hành động tiên khởi và là con đường dẫn đến chức vụ là Mẹ Thiên Chúa”[78]. Trong giây phút truyền tin, Đức Maria hoàn toàn tín thác vào tay Thiên Chúa khi dám thưa lên tiếng “xin vâng”. Lời thưa “xin vâng” nói lên “sự vâng phục đức tin” vào Đấng nói với Mẹ qua vị sứ thần[79]. Vì tin mà Mẹ dám chấp nhận để Thiên Chúa hoạt động trên con người Mẹ: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Chính bà Elisabet đã ca ngợi Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Hơn nữa, ở tiệc cưới Cana, Đức Maria xuất hiện như một kẻ tin vào Đức Giêsu; lòng tin của Mẹ làm phát sinh “dấu lạ” đầu tiên của Đức Giêsu và góp phần khơi lên đức tin nơi các môn đệ[80]. Cao điểm của niềm tin nơi Đức Maria, chính là lúc Mẹ cùng đồng hành với Đức Giêsu trong cuộc khổ nạn và hiện diện dưới cây thập giá với Con của Mẹ.

Với niềm tin mạnh mẽ vào Thiên Chúa, Đức Maria “như một người đi bước trước trong cuộc lữ hành của lòng tin”, vì được tham dự vào mầu nhiệm Đức Kitô hơn bất cứ thụ tạo nào khác. Hơn nữa, Mẹ đã “quy tụ và phản chiếu nơi mình những đòi hỏi cao nhất của lòng tin”[81]. Do đó, Đức Maria luôn được Giáo hội trình bày cho các tín hữu như mẫu gương để học đòi bắt chước, vì Mẹ đã hoàn toàn gắn bó với ý muốn của Thiên Chúa (x. Lc 1,38), Mẹ đã đón nhận lời mời và đã đem ra thực hành; vì hành động của Mẹ đều do tình yêu và tinh thần phục vụ tác động. Tóm lại, Mẹ là người môn đệ đầu tiên và tuyệt vời nhất của Đức Kitô. Tất cả những điều này có giá trị mẫu gương phổ quát và vĩnh viễn[82].

Qua việc chiêm ngắm niềm tin nơi Đức Maria, chúng ta thấy niềm tin nơi Mẹ không phải là niềm tin lý thuyết, nhưng là niềm tin được thể hiện qua cuộc sống. Đó là lúc Mẹ dám thưa lên hai tiếng “xin vâng”. Sự vâng phục nói lên niềm tin nơi Mẹ vào Thiên Chúa. Nếu đức tin là khởi đầu của hành trình tâm linh, thì niềm tin của Đức Maria không chỉ giúp củng cố niềm tin nơi các môn đệ, mà Mẹ còn đại diện Giáo hội mở lòng đón chờ Chúa đến với lòng khiêm nhường.

c. Cầu nguyện với lòng khiêm nhường

Một yếu tố quan trọng trong đời sống cầu nguyện chính là sự khiêm nhường. Theo Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo: “Khiêm nhường là nền tảng của cầu nguyện”[83]. Chúng ta có thể học nơi Đức Maria bài học về lòng khiêm nhường. Thánh Bênađô luôn chiêm ngắm mẫu gương khiêm nhường nơi Đức Maria, và theo thánh nhân, chính sự khiêm nhường của Đức Maria đã mở đường cho Con Thiên Chúa xuống thế làm người: “Hương thơm dịu dàng đức khiêm hạ của Mẹ đã kéo được Ngôi Lời rời bỏ nơi lòng Chúa Cha mà xuống ngự trong lòng trinh trắng vô ngần của Mẹ”[84]. Con Thiên Chúa xuống trần một cách khiêm nhường như vậy thì chắc hẳn, Người sẽ ngự trong cung lòng một người đầy khiêm nhường là Đức Maria.

Sự xuất hiện của Đức Maria nơi Nhà Tiệc Ly với các môn đệ của Chúa, tuy âm thầm, nhưng lại có một vai trò quan trọng. Nếu trong biến cố truyền tin, nhờ vào sự khiêm hạ của Mẹ mà Con Thiên Chúa có nơi cư ngụ, thì trong lúc chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống, chính nhờ sự khiêm nhường của Mẹ, đã giúp các tín hữu chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Vì làm sao Thiên Chúa có thể đến với một người, một cộng đoàn mà nơi đó đầy tính kiêu căng, ngạo mạn.

Chính vì vậy, Giáo hội luôn tôn kính Mẹ như mẫu gương tuyệt vời về lòng khiêm nhường, vì Mẹ đã “trổi vượt trong số các kẻ khiêm nhu và người nghèo của Chúa, những người trông đợi và lãnh nhận ơn cứu độ từ nơi Chúa trong niềm tin tưởng tín thác”[85]. Còn trong Thông điệp Mẹ Đấng Cứu ThếRedemptoris Mater, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi Đức Maria là “người cộng sự quảng đại và tôi tá khiêm hạ của Chúa”[86]. Có thể nói, cuộc đời khiêm nhường của Mẹ là lời kinh đẹp nhất để dâng lên Thiên Chúa, vì chính lời kinh đó, vừa nói lên thân phận yếu đuối của con người, vừa tôn vinh quyền năng của Thiên Chúa.

d. Cầu nguyện với lòng khao khát Thiên Chúa

Thánh Augustinô định nghĩa: “Cầu nguyện là cuộc gặp gỡ giữa sự khao khát của Thiên Chúa với sự khao khát của chúng ta. Thiên Chúa khao khát chúng ta khao khát Ngài”[87]. Nếu hiểu cầu nguyện là một sự “khao khát Thiên Chúa”, thì chúng ta có thể “chuyên cần cầu nguyện” qua sự khát mong Thiên Chúa. Thật vậy, cầu nguyện với sự chuyên cần, không hẳn là ngồi lâu giờ trong nhà nguyện, đọc nhiều kinh, nhưng là sống với một con tim biết “khao khát” Thiên Chúa. Một sự khao khát Thiên Chúa mãnh liệt, mà nếu thiếu vắng thì cuộc đời sẽ héo tàn, như lời Thánh Vịnh: “Tấm thân này mòn mỏi đợi trông’; ‘Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi, mong tới được khuôn viên đền vàng” (Tv 63,2; 84,3). Và đây cũng chính là nỗi day dứt của thánh Augustinô: “Chúa đã dựng nên chúng con cho Chúa nên lòng chúng con khắc khoải cho đến khi nghỉ yên trong Chúa”[88].

Nói đến sự khát khao Thiên Chúa, Đức Maria là mẫu gương sáng ngời cho Giáo hội. Trong mọi biến cố quan trọng của cuộc đời, Mẹ đều hướng về Chúa Kitô[89]. Nhìn lại cuộc hành trình đức tin của Đức Maria, từ làng Nazaret đến Giêrusalem, từ mầu nhiệm Nhập thể đến mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh của Đức Giêsu, tất cả đều có sự hiện diện của Mẹ. Mẹ chính là người luôn đồng hành với Đức Giêsu trong những biến cố quan trọng của cuộc đời, dù vui hay buồn thì, “Đức Maria hằng ghi nhớ và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19). Do đó, khi cầu nguyện với các Tông đồ, Mẹ có thể gợi lên những ký ức sống động và những kỷ niệm của Mẹ về Đức Giêsu cho các môn đệ, để nhờ đó hình ảnh của Đức Kitô luôn hiện diện với các môn đệ[90].

Do đó, Giáo hội luôn noi gương Mẹ là mẫu gương trong việc thờ phượng Thiên Chúa. Đức Giáo hoàng Phaolô VI, trong Tông huấn Marialis Cultus đã nhắn gửi các tín hữu: “Khi nhìn ngắm Đức Maria, các Kitô hữu đã cố gắng biến cuộc đời mình thành một sự thờ phượng Thiên Chúa như Mẹ đã sống, và từ việc thờ phượng này sẽ đưa đến một cuộc dấn thân cho sự sống”[91]. Thánh Ambrôsiô nói với giáo dân về ước mong của mình: “Ước gì tâm hồn Đức Maria ngự trị nơi từng người trong anh em để ca tụng Thiên Chúa; ước gì tinh thần của Đức Maria ngự trị trong từng người của anh em để tung hô Thiên Chúa”[92]. Như thế, không phải chỉ có “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mới là tôn thờ Chúa. Nhưng người Kitô hữu có thể tôn thờ Chúa qua đời sống. Chính đời sống thánh thiện, lòng khao khát Thiên Chúa giúp mỗi người trở thành lời chúc tụng và tôn vinh Thiên Chúa.

Kết luận

Qua những gì đã trình bày, chúng ta thấy vai trò cầu nguyện của Đức Maria trong đời sống của các Tông đồ và Giáo hội. Cuộc đời Mẹ là một lời cầu nguyện liên lỉ dâng lên Thiên Chúa, với tấm lòng khiêm tốn, vì Mẹ luôn tìm cách làm đẹp lòng Chúa qua lời “xin vâng”. Nói theo ngôn ngữ của Đức Giáo hoàng Phanxicô, đó là “một sự hiện diện”; một sự hiện diện với Chúa, trước mặt Chúa với lòng tin tưởng, phó thác, sẵn sàng để vâng theo thánh ý của Chúa; hiện diện với một lòng khiêm nhường của một thụ tạo thấp hèn; hiện diện với lòng khao khát trở về với Thiên Chúa. Dựa vào những yếu tố này, thì Đức Maria là mẫu gương cao cả cầu nguyện cho các tông đồ và người Kitô hữu noi theo.

Hơn nữa, Đức Maria xuất hiện không chỉ là một phần tử của Giáo hội, nhưng Mẹ còn có vai trò là “Mẹ Đức Giêsu” và Mẹ Giáo hội. Chính nhờ đặc ân cao quý này mà “Mẹ trỗi vượt hơn tất cả mọi thụ tạo trên trời dưới đất[93]. Do đó, Đức Maria không chỉ cùng với Giáo hội để cầu nguyện, nhưng Mẹ cũng có vai trò cầu bầu cho Giáo hội.

DASEIN TRONG MỐI TƯƠNG QUAN

Gregorio Nguyễn Xuân Hoàng

Trong tác phẩm với tựa đề: “Sein und Zeit”, nghĩa là “Hữu Thể và Thời Gian”, Martin Heidegger trình bày nội dung của chữ “Dasein”. Thế thì “Dasein” nghĩa là gì?  Dasein nghĩa là hiện hữu như là hiện diện. Nhưng ai hiện diện? Đó chính là con người. Theo Heidegger, con người là một hữu thể tại thế, chỉ có con người mới thực sự diện hiện với thế giới.

Tuy nhiên, khi đề cập đến “sự hiện diện”, thì một cách nào đó cho thấy nó có dính dáng đến “mối tương quan”. Nhà tu đức học Thomas Merton có câu: “Không ai là một hòn đảo”. Khi nói đến đảo là nói đến một vùng đất nhỏ hơn lục địa, được bao quanh hoàn toàn bởi nước. Đảo có thể xuất hiện ở đại dương, biển, hồ hoặc sông. Vì là những vật vô tri, vô nhân vị, nên đảo có thể tự tồn tại mà không cần đến mối tương quan hay sự hiệp hành nào khác.

Nhưng khi nói: “Không ai là một hòn đảo”, là muốn nói tới mối tương quan giữa người với người, vì tự bản chất con người có tính xã hội, có khuynh hướng muốn liên đới với người khác, không ai có thể sống mà không cần mối tương quan. Tương quan được diễn tả nhân hình như cá với nước. Nước không có cá, nước vẫn lững lờ trôi, nhưng cá không có nước thì cá không thể sống.

Cũng vậy, xã hội không có tôi, xã hội vẫn tồn tại. Còn tôi, nếu không có xã hội, thì tôi không thể sống một mình. Vì cuộc sống của con người ở trên trần thế này là một cuộc hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Trên cuộc hành trình đó, chúng ta không đi một mình, nhưng cùng đi với người khác. Những người đó có thể là gia đình tôi, đồng nghiệp tôi, hay tất cả những người mà tôi gặp gỡ. Nói chung là tha thân.

  1. Tương quan với tha nhân

Thế nhưng, vấn đề đặt ra: Liệu con người có mối tương quan chân thực với nhau không? Jean Paul Sartre, một triết gia hiện sinh đã chủ trương rằng: Không có mối tương quan chân thực giữa người với người, vì con người là hỏa ngục của nhau. Tha nhân chỉ là chướng ngại vật cho sự tự do của tôi. Trước hết, tha nhân biến tôi thành sự vật như một chàng trai biến cô gái thành sự vật trong vòng tay của mình. Thứ đến, tha nhân không ngớt dòm ngó tôi, khiến tôi e thẹn lúng túng và mất tự do. Với cái nhìn như thế, phải chẳng mọi tương quan giữa người với người chỉ là hình thức bên ngoài, bằng mặt mà không bằng lòng? Nếu với lối tương quan nhằm để đóng kịch, hoặc để che đậy hay để ngụy trang như Jean Paul Sartre đánh giá, thì liệu còn có một tình yêu chân thực không? Thế thì làm sao lý giải được tình yêu?

Dĩ nhiên, trong thực tế không thiếu những trường hợp người ta sống chung với nhau, sống cùng nhau, nhưng họ chỉ là những hữu thể ở cạnh nhau. Nghĩa là chỉ hiện hữu, nhưng không hiện diện. Lối sống này được các nhà duy vật siêu hình ví như những sự vật trong thế giới vật chất, tuy tồn tại, nhưng chúng lại biệt lập nhau, cái này chỉ ở cạnh cái kia. Tuy thế, không phải tất cả các mối tương quan giữa người với người đều cùng mang một màu sắc của “cái nhìn vô nhân đạo” như Jean Paul Sartre nhìn.

Thực tế cho thấy, có những trường hợp người ta dám chết cho nhau vì tình yêu như trường hợp của cha Maximiliano Kolbe, người đã chết thay cho người bạn tù của mình. Sự tự nguyện đứng ra chết thay cho người khác của cha, đã làm cho tên cai ngục phải sững sờ kinh ngạc, vì đây là lần đầu tiên trong đời, anh ta chứng kiến một con người với một trái tim vĩ đại và tấm lòng quá dũng cảm như thế…. Hoặc có biết bao người tự nguyện phục vụ những người nghèo, trẻ em mồ côi, bệnh nhân HIV… cách vô vị lợi, như trường hợp của mẹ Têrêxa thành Calcutta. Mẹ đã cúi xuống bên những con người hấp hối, những kẻ bị bỏ rơi dọc đường, và những bệnh nhân không ai quan tâm.

Thực vậy, để hoàn thiện bản thân và đạt tới sự trưởng thành của chính mình, thì mỗi người phải cần đến những người khác, vì “không ai là một hòn đảo”. Sống là sống chung sống với. Từ cái nhìn đó, con người không những được định nghĩa như là một hữu thể có lý trí, mà còn được định nghĩa như là hữu thể của mối tương quan, hay nói một cách sinh động hơn, con người là hiện hữu của những tương giao. Nghĩa là con người phải kết hợp với nhau để lớn lên trong nhau. Lớn lên trong nhau là đi vào sự hiệp thông với nhau trong tình yêu. Như cha Maximiliano Kolbe và mẹ Têrêxa thành Calcutta, tôi phải mở lòng mình ra để đón nhận kẻ khác, hy sinh hiến mình cho kẻ khác, để họ được trở nên phong phú, và khi họ được phong phú, thì cũng làm phong phú hoá chính bản thân tôi.

Điều này được Levinas trình bày rõ khi ông nói về gương mặt của tha nhân. Theo Levinas, hằng ngày chúng ta thường đứng trước gương để soi mình. Nếu như không có gương soi, thì e rằng chúng ta không bao giờ thấy được gương mặt thật của mình. Cũng vậy, tha nhân như một tấm gương, nhờ tha nhân mà chúng ta mới nhận biết chúng ta hơn. Giữa tha nhân và tôi luôn có sự tương tác qua lại, tha nhân nhìn tôi và tôi cũng nhìn tha nhân. Nhìn ở đây không có nghĩa là để soi mói, hay để dòm ngó như theo cách đánh giá tiêu cực của Jean Paul Sartre, nhưng nhìn nhau để biết nhau, để hiểu nhau và để hoàn thiện nhau.

Chính vì thế, khi đề cập đến mối tương quan với tha nhân, thì Levinas thật có lý khi nói rằng, tôi hiện hữu qua tha nhân và cho tha nhân, nhưng đó không phải là sự tha hóa, mà tôi được gợi hứng. Còn Gabriel Marcel thì bày tỏ kinh nghiệm của mình như sau, khi hướng về tha nhân, tôi không bị thụ động, không biến tôi thành đồ vật của đối phương, nhưng tôi yêu một nhân vị khác tôi, nhưng lại hoàn toàn như tôi về phương diện chủ thể. Nghĩa là có qua có lại, yêu và được yêu, và cả hai cùng tôn lên bậc “Tôi”. Cả hai cùng tôn lên bậc “Tôi” cũng có nghĩa là cả hai cùng nối kết, cùng chia sẻ và cùng hiệp hành.

Tuy nhiên, là Kitô hữu, chúng ta không chỉ dừng lại ở mối tương quan giữa người với người mà thôi, nhưng đòi hỏi chúng ta phải có mối tương quan ba chiều: Thiên Chúa, ta và tha nhân. Nghĩa là chúng ta không chỉ yêu đồng loại như họ là người, mà còn yêu đồng là hình ảnh của Thiên Chúa. Yêu đồng loại vì họ là hình ảnh của Thiên Chúa là thể hiện mối tương quan chân thật nhất. Như vậy, một khi người ta có mối tương quan chân thật với nhau, thì người ta cũng dễ dàng đi vào mối tương quan với Thiên Chúa.

  1. Tương quan với Thiên Chúa

Khi nói tới mối tương quan với Thiên Chúa, Thánh Kinh cho thấy, Thiên Chúa luôn đi bước trước. Người đến với con người, Người tìm kiếm con người và tương quan với con người (x. St 12,1; Tl 3,10-11; 4,15; 6,14), chứ không phải con người đến tương quan với Thiên Chúa. Trong sách Xuất Hành có đoạn: Khi Thiên Chúa sai Môsê đến với con cái Israel, để nói cho họ biết Thiên Chúa của cha ông họ sai ông đến với họ. Nhưng Môsê hỏi Thiên Chúa, nếu con cái Israel hỏi tên Người là gì, thì con trả lời cho họ làm sao. Bấy giờ Thiên Chúa phán với Môsê, con cứ trả lời cho họ “Ta là Đấng tự hữu” (Xh 3,13-14).

Cụm từ “Ta là Đấng Tự Hữu” mang ý nghĩa Thiên Chúa tự mạc khải Danh Người cho con người qua Môsê. Với hành động tự mạc khải ấy, Thiên Chúa muốn cho con người thấy Người có Ngôi vị rõ ràng, Người không những hiện hữu mà còn hiện diện, và nhận con người làm dân riêng. “Ngươi đi nói với con cái Israel thế này: Đức Chúa Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp sai tôi đến với anh em” (Xh 3,15).

Trong Hiến chế Tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium), khi đề cập đến mục “Dân Thiên Chúa”, Công Đồng Vaticanô II khẳng định: “Thiên Chúa muốn thánh hóa và cứu rỗi con người… Người muốn quy tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết Người trong chân lý và phụng sự Người trong thánh thiện” (số 9). Trong thư gửi cho các tín hữu Do Thái, tác giả sách thánh cũng đề cập đến việc thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa phán dạy chúng ta qua Thánh Tử (x. Dt 1,1-2), nghĩa là Thiên Chúa hiện diện với con người và hiệp hành với con người qua Đức Giêsu Kitô. Như vậy, nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa trực tiếp ở với con người, tương quan với con người một cách cụ thể và triệt để nhất.

Còn nơi Tin Mừng Gioan, người ta thấy có lược đồ “Logos Sarx” (Ga 1,14). Nghĩa là Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể. Khi trình bày lược đồ này, Gioan cho thấy mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người thật rõ nét và gần gũi. Vì trong triết học Hy Lạp, người ta quan niệm một Thiên Chúa hoàn toàn đơn nhất, đối nghịch với thế giới vật chất. Họ cho rằng thế giới vật chất này là sản phẩm của thần dữ, nó là một thực tại hỗn tạp. Thế nhưng, Kitô giáo lại giới thiệu một Thiên Chúa Ba Ngôi hiện diện và hoạt động trong thế giới hỗn tạp này. Như vậy, Thiên Chúa theo cái nhìn của triết học Hy Lạp mang tính tĩnh và siêu hình, còn Thiên Chúa trong Kitô giáo mang tính động và lịch sử. Nghĩa là Thiên Chúa không xa lạ với con người, nhưng Người đến với con người, đi tìm con người, chứ không phải để con người đi tìm và suy tư về Người như Thiên Chúa của triết học.

Điển hình như trong kinh Tin Kính khi chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình”, lời này diễn tả mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Thiên Chúa không những là Đấng Tạo Hóa mà còn là Cha của chúng ta nữa. Sách Sáng Thế tường thuật việc Thiên Chúa tạo dựng con người (x. St 2,7), kiểu nói Thiên Chúa lấy đất rồi nắn ra Adam và thổi sinh khí vào lỗ mũi… nhằm khẳng định Thiên Chúa là Đấng sáng tạo và con người là thụ tạo. Khi nói con người vừa vật chất, vừa mang sinh khí… là nói đến mối tương quan. Nghĩa là một mình vật chất thôi chưa đủ, mà con người còn khát vọng về Thiên Chúa.

Thực vậy, theo thánh Irênê, Thiên Chúa là căn nguyên của lịch sử cứu độ, và là Đấng thông ban chính mình cho con người. Không dừng lại ở đó, Thiên Chúa còn cho chúng ta lãnh nhận những chuỗi ân sủng khác qua việc nhập thể của Ngôi Lời, ngõ hầu giúp chúng ta làm phát triển cũng như duy trì các mối tương quan với Thiên Chúa. Thế nhưng, để có mối tương quan với Thiên Chúa cách trọn vẹn và gần gũi hơn, ngoài việc sống và tham dự các nghi thức Phụng vụ của Giáo hội, chúng ta cần phải liên kết với Thiên Chúa bằng một đời sống cầu nguyện liên lỉ và thâm sâu.

  1. Cầu nguyện là sống mối tương quan

Sách Giáo lý Công giáo số 2565 đã xác định: “Cầu nguyện là mối tương quan sống động của con cái Thiên Chúa với Cha vô cùng nhân hậu của mình, với Con của Người là Chúa Giêsu Kitô và với Chúa Thánh Thần”. Như vậy, sống cầu nguyện là luôn sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa Chí Thánh và trong sự hiệp thông với Người.

Chúa Giêsu đã nhiều lần khuyên các môn đệ của mình phải kiên trì cầu nguyện, và chính Người cũng đã không ngừng cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Trước hết là việc tuyển chọn các Tông Đồ, thánh Luca đặt việc chọn các Tông Đồ trong bối cảnh chính xác của việc cầu nguyện: “Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa” (Lc 6,12). Xuyên qua việc cầu nguyện, Chúa Giêsu liên kết với Cha của mình, gặp gỡ Chúa Cha, và sống thân tình với Chúa Cha. Câu nói: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30), hoặc “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9) nhằm diễn tả mối tương quan của Chúa Giêsu với Thiên Chúa, mối tương quan Cha với Con, và tương quan này được nối kết bền vững qua đời sống cầu nguyện.

Là Kitô hữu, để sống đúng căn tính của mình, cần thiết mỗi người phải có đời sống cầu nguyện. Vì khi cầu nguyện chúng ta mới thực sự hướng về Chúa và hiện diện với Người. Thế nhưng, lắm lúc vì “cơm áo gạo tiền” khiến cho đời sống Kitô hữu của chúng ta bị “vong thân”. Cuộc sống giờ đây như một cuộc chạy đua với thời gian, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, để rồi làm cho chúng ta mất đi ý thức mình là Kitô hữu. Tuy nhiên, khi nói đến hai chữ “Kitô hữu”, nghe thì đơn giản, nhưng để sống đúng căn tính của nó thì không đơn giản chút nào. Chúng ta tự hào mình là người Kitô hữu ư? Nhưng chúng ta có thực sự sống cái “là” đó chưa? Thánh Grêgôriô thành Nazian đã từng nhắc nhở: “Ta phải nhớ đến Chúa nhiều hơn là ta thở”.

Trong tiếng Đức, động từ “sein” ghép với trạng từ “da”, thành cụm từ “Dasein”, nếu thêm chủ ngữ của ngôi thứ nhất vào, sẽ có câu: “Ich bin da”, nghĩa là “tôi đây”. Vậy khi nói “tôi đây” là tôi đang cho người khác biết là tôi đang ở với họ, đang hiện diện và hiệp hành với họ. Cũng vậy, nhớ đến Chúa là chúng ta đang thể hiện cái “Dasein” của mình với Chúa, đang sống mối tương quan, và đang hiện diện với Người lúc này.

Thay lời kết

Con người ngày nay, đặc biệt là các bạn trẻ… dường như có khuynh hướng muốn ôm trọn cả thế giới qua chiếc điện thoại di động, để rồi khi ngồi cạnh nhau, họ như cách xa nhau cả nửa trái đất. Tại sao? Vì bạn của mỗi người là chiếc điện thoại di động. Tuy nhiên, không ai là một hòn đảo, cho dù thế nào đi nữa, thì trong sâu thẳm của mỗi con người, ai cũng có những khát vọng tương quan.

Như vậy, phải chăng khi chúng ta sống với Chúa, và hiện diện với Người, sẽ giúp chúng ta hướng về tha nhân một cách hoàn hảo? Và phải chăng khi chúng ta ở trong Chúa, và kết hiệp với Chúa qua đời sống cầu nguyện, sẽ giúp chúng ta tìm thấy cái “Dasein” của mình trong các mối tương quan?

 

 

 

ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA VÀ THA NHÂN

Anselmo Hồ Sỹ Chức

Từ ngữ Đồng Hành đã được sử dụng rất lâu, nhất là trong môi trường “nhà đạo”. Nhưng đâu là ý nghĩa của hạn từ này và đâu là chỗ đứng trong Giáo hội nói chung và nơi những người sống đời thánh hiến nói riêng?

Đồng hành (accompaniment), nghĩa là cùng đi với nhau. Đồng hành là khái niệm rất quen thuộc và được sử dụng cách rộng rãi từ lâu trong truyền thống lịch sử của Giáo hội, và đồng hành cũng gần nghĩa với hiệp hành, tuy rằng từ hiệp hành có một nội hàm phong phú hơn.

Hiệp hành (synodos), tức là cùng nhau đi trên cùng một con đường, và chứa đựng ba nội dung: hiệp thông, tham gia và sứ vụ.

Nếu hiệp hành là như vậy, thì “Hiệp hành là một lối sống của Giáo hội”. Bài ca Hiệp Hành của các tác giả linh mục Rôcô – Nguyễn Duy, Phanxicô và Anh Tuấn, đã diễn tả thật ý nghĩa về đặc tính trên: “Cùng đi theo Chúa, muôn người bước chung nhịp Chúa đưa. Và luôn được Chúa lắng nghe mong từng người đáp thưa. Xin thật lòng chia sẻ trí tâm thông hiệp với Hội Thánh. Xin Chúa giúp chúng con biết làm theo ý Ngài…”.

Như vậy, Hiệp hành – vì là một lối sống của Giáo hội – cũng diễn tả chính bản chất của Giáo hội: một Giáo hội được xây dựng trên sự hiệp thông, cùng bước đi trên con đường sứ vụ loan báo Tin Mừng và năng động bởi sự tham gia tích cực của mọi thành phần Dân Chúa. Đó là một cộng đoàn được Chúa Giêsu triệu tập, được Chúa Thánh Thần tác động, để đồng hành với nhau và cùng bước đi trên con đường sứ vụ.

Nhấn mạnh đến tính hiệp hành của Giáo hội luôn mang chiều kích đồng hành, Đức Hồng y Carlo Maria Martini trong những trang đầu của tác phẩm “Đồng Hành Với Chúa”, đã khẳng định rằng: “Lịch sử ơn cứu độ là lịch sử cuộc đồng hành của chúng ta với Thiên Chúa. Nó bắt đầu với một lời mời gọi di cư (St 12,1-5). Tổ phụ Apraham là một con người tuyệt vời trong cuộc hành trình với Thiên Chúa”. Cũng có thể nói rằng chúng ta được đồng hành với Chúa trên “con đường tuyệt hảo của Ngài” (x. 1Cr 12,31), và được Chúa đồng hành với chúng ta. Đây là một sự đồng hành “kép” mang đến cho chúng ta sự phấn khởi trong đời sống.

Trong bài viết này, tôi chia sẻ với quí độc giả hai khía cạnh của sự đồng hành: Đồng Hành Với Chúa và Tha Nhân, như một diễn tả sự đồng cảm với Giáo hội đang hướng về Thượng Hội đồng Giám Mục thế giới lần thứ 16.

  1. Đồng Hành Với Chúa

Chúng ta thường nghĩ tới việc Chúa đồng hành với chúng ta, nghĩa là Chúa là Đấng dẫn khởi tất cả và giúp chúng ta thực hiện những gì phát xuất từ sáng kiến của Chúa. Chúa đồng hành với chúng ta với những ân sủng để chúng ta có thể chu toàn công cuộc của Người. Nhưng ở đây xin nhấn mạnh đến sự kiện chúng ta đồng hành với Chúa, nhưng không quên rằng việc Chúa đồng hành với chúng ta là quan trọng.

Nhưng tại sao chúng ta đồng hành với Chúa? Việc lên đường với Chúa phát xuất từ điều căn bản này: đó là Chúa Cha yêu thương và cho chúng ta nhận biết tình yêu của Người; đó là Chúa Kitô kêu gọi và sai chúng ta đi trên con đường của chính Người; đó là chúng ta chu toàn công cuộc của Thiên Chúa trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Vậy, đâu là công cuộc của Thiên Chúa?

Công cuộc loan báo Tin Mừng

Loan báo Tin Mừng là sứ vụ của Giáo hội, một sứ vụ phát xuất từ chính bản chất của Giáo hội, như Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Bản chất Hội thánh lữ hành là truyền giáo, là loan báo Tin Mừng cho muôn dân” (Ad Gentes, số 2). Sứ vụ của Giáo hội bắt nguồn từ lệnh truyền mà Chúa Giêsu đã trao cho cho các môn đệ của Người: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15). Thánh Giáo hoàng Phaolo VI, trong Tông Huấn Loan Báo Tin Mừng đã nói rằng: “Hội thánh tồn tại để truyền giáo” (Evangelii Nuntiandi, số 14); và “Toàn thể Dân Chúa là tác nhân của việc loan báo Tin Mừng” (Ad Gentes, số 35). Mỗi người được rửa tội đều được kêu gọi trở thành tác nhân chính của sứ vụ truyền giáo vì tất cả chúng ta đều là những môn đệ truyền giáo. Trong sự hiệp lực mang tính hiệp hành, Hội thánh được kêu gọi để hoạt hóa các thừa tác vụ và các đặc sủng hiện diện trong đời sống của mình và lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, để phân định những cách thức loan báo Tin Mừng. Ý thức tính khẩn thiết của lệnh truyền, thánh Phaolô đã xác quyết: “Đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng !” (1Cr 9,16).

Vì là một sứ vụ được trao cho Giáo hội, nghĩa là cho từng và mọi thành phần Dân Chúa, nên việc tham gia vào sứ vụ này luôn là trách nhiệm. Các tu sĩ cần ý thức đòi hỏi này và phải hiện thực với tất cả nhiệt tâm.

Trong Sứ điệp Ngày Thế Giới Loan báo Tin Mừng năm 2008, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI ngỏ lời với những người sống đời thánh hiến: “Cả các con nữa, các tu sĩ nam nữ thân yêu, ơn gọi của chúng con được đánh dấu bằng một ý nghĩa truyền giáo mạnh mẽ, lấy việc rao giảng Tin Mừng cho mọi người, nhất là những người ở xa, bằng việc làm chứng cho Đức Kitô và sống Tin Mừng của Ngài một cách triệt để”.

Như vậy, chúng ta đi theo Đức Kitô, Đấng được Chúa Cha sai đến để loan báo Tin Mừng Nước Trời.  Khi chúng ta thi hành sứ vụ này là chúng ta đồng hành với Chúa Giêsu Kitô, là đi trên cùng con đường mà Chúa đi ngày xưa và ngày nay Người vẫn còn đang hoạt động. Đồng hành với Chúa trong công cuộc loan báo Tin Mừng là một diễn tả thật đẹp và thật ý nghĩa của đời thánh hiến.

Đồng hành với Chúa là sẵn sàng lên đường đến với bất cứ không gian nào vào bất cứ thời điểm nào, như chính Chúa đã hành động ngày xưa. Người loan báo Tin Mừng không chọn lựa nơi an toàn, mà “ra chỗ sâu mà thả lưới” (x. Lc 5,4), đến những nơi đang cần được nghe Tin Mừng, đó là “vùng ngoại biên” đầy thách đố, nơi của những thiếu thốn về nhiều phương diện xã hội cũng như tôn giáo. Ánh sáng Tin Mừng cần soi dọi những vùng tối tăm đó.

Loan báo Tin Mừng là hướng tới việc cứu rỗi. Vì thế, Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận, với một trái tim nồng cháy mến yêu các linh hồn và quan tâm đến phần rỗi của tha nhân, đã ngỏ lời với các môn sinh mình bằng cách nêu lên một hoạt cảnh nhằm kích thích lòng nhiệt tâm cứu rỗi các linh hồn: “Thường Chúa để phần rỗi các linh hồn trong tay người ta. Đó là sự mầu nhiệm, cũng là vinh hạnh cho chúng ta. Vì xem ra Người muốn dùng chúng ta mà làm việc của Người… Chúng ta hãy lấy mắt thiêng liêng mà xem bên tả chúng ta có tướng quỷ Luxiphe và thần hạ chúng, bên hữu chúng ta có Chúa Giêsu và các thánh; còn ở giữa chúng ta có vô số các linh hồn. Hai bên đều ra sức đánh nhau, để dành lấy các linh hồn. Chúa Giêsu giơ tay đầy thương tích, xin chúng ta rằng ‘hỡi chúng con, hãy cứu các linh hồn cho Ta với’. Chúng ta lại khá làm ngơ sao?” (DN, số 121).

Như vậy, một cách cụ thể, người sống đời thánh hiến đồng hành với Chúa trong việc loan báo Tin Mừng theo tinh thần và đặc sủng của Hội dòng mà mình thuộc về. Riêng đối với tu sĩ thuộc Hội Dòng Xitô Thánh Gia, sứ vụ được cụ thể hoá trong việc “phục vụ Giáo hội bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh, tham gia việc cứu rỗi các linh hồn chưa nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa” (HP, điều 2,2). Cùng ý hướng trên, Tuyên Ngôn khẳng định: “Đan sĩ Thánh Gia là chứng tá tình yêu Thiên Chúa giữa nhân loại, bằng sự hiệp thông với Chúa Giêsu Cứu Thế, trong hy sinh thầm lặng và lời cầu nguyện tha thiết để cứu giúp các người chưa nhận biết Chúa” (TN, số 4).

Qua đời sống đan tu chiêm niệm, bằng việc tham gia vào sứ vụ của Giáo hội, Đan sĩ Xitô Thánh Gia đang đồng hành với Chúa trong công cuộc của Người là cứu rỗi thế gian. Dù đóng vai trò “hậu phương” hỗ trợ cho các anh chị em đang hoạt động trên mặt trận “tiền tuyến”, chúng ta đang cùng với mọi thành phần Dân Chúa trên con đường của Chúa, đang đồng hành với Chúa trong công cuộc loan báo Tin Mừng Cứu Độ. Tuy cách thức có khác nhau, nhưng cùng một sứ vụ, bước đi trên cùng một con đường với cùng một mục đích chung.

Con đường thập giá

Chúng ta đồng hành với Chúa cũng có nghĩa là đồng hành với Chúa trên con đường thập giá. Đó là con đường mà Chúa mời gọi dấn thân vào khi bước theo Người, “ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Thánh Phaolô đã cảm nhận một cách sâu sắc nơi chính bản thân mình: “Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi” (2Cr 4,10).

Khi thưa “xin vâng”, Mẹ Maria đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa để đi vào con đường của Người cho dầu phải kinh qua những khổ đau suốt hành trình cuộc sống. Từ tiếng “xin vâng đầu tiên” cho đến tiếng “xin vâng cuối cùng” là chuỗi những tiếng “xin vâng hằng ngày”. Đời thánh hiến của chúng ta, từ ngày bước theo Chúa Kitô trên con đường của Người, cũng là chuỗi liên kết những tiếng xin vâng, cho đến giây phút cuối đời. Đó là hành trình chúng ta đồng hành với Chúa trên con đường thập giá. Đó là con đường thập giá – Đường Thánh Giá – mang đến ơn cứu độ cho nhân loại.

Đồng hành với Chúa trên con đường thập giá không chỉ là cùng đi hoặc đi song song mà là hiệp thông, gắn kết mật thiết với chính Chúa. Đó không chỉ là đồng hành bên ngoài mà đi vào bên trong Người. Đó là hành trình của sự “đồng hình đồng dạng” với Chúa trong sự trao hiến trọn vẹn bản thân vì ơn cứu độ loài người. Tất cả những gì chúng ta “là” và “có” đều đi vào năng động của sự biến đổi này. Chúa Giêsu và mỗi chúng ta không bao giờ là những khách bộ hành xa lạ với nhau, mà là những “bạn hữu” đang cùng một định hướng hiến dâng cho vinh quang Thiên Chúa Cha và ơn cứu độ con người. Thật đẹp thay việc chúng ta đồng hành với Chúa trên con đường thập giá mang đến ơn cứu độ.

Cùng đi với Chúa Giêsu trên con đường thập giá đưa dẫn chúng ta vào con đường thánh thiện. Con đường thập giá là con đường thánh thiện, vì đó là con đường của tình yêu, con đường chọn Thiên Chúa là trên hết; con đường mà Chúa Giêsu đã chọn và Chúa chọn cho chúng ta. Chúng ta được chọn cho tình yêu Chúa Cha, chứ không phải cho tình yêu thế gian. Chính vì thế, đồng hành với Chúa Giêsu là bước trên con đường ngược lại với thế gian, đối nghịch với tinh thần thế tục. Đó là cảm nghiệm của thánh Phaolô khi ngài tuyên bố mình đã đóng đinh cho thế gian và thế gian đã đóng đinh cho ngài, nghĩa là “chết đi cho thế gian và những gì thuộc về thế gian”. Con đường thập giá là con đường bị loại trừ, kết án và bị giết chết. Nhưng đó lại là con đường mở ra cho ơn cứu độ. Chúng ta được mời gọi luôn bước đi cùng Chúa trên con đường này. Đồng hành với Chúa, chúng ta chắc chắn sẽ nhận được sức mạnh của chính Chúa để đi đến cùng, vượt qua mọi trở ngại:“Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

Như vậy, chính khi đồng hành với Chúa, đi đến cùng trên con đường Thập giá, chúng ta trải nghiệm được thế nào là sức mạnh của tình yêu, đến nỗi chúng ta có thể nói như thánh Augustino: “Trong tình yêu không có đau khổ, và nếu có đau khổ, thì đau khổ này đã được yêu rồi”. Và chính tình yêu giúp chúng ta đón nhận sức mạnh của Đấng Phục Sinh, như hai môn đệ trên đường Emmau đã được “phục sinh” khi Chúa đồng hành và đồng hành với Chúa.

Nếu chúng ta đồng hành với Chúa trong công cuộc loan báo Tin Mừng và trên con đường thập giá, thì chúng ta cũng cần đồng hành với tha nhân trong hành trình cuộc sống. Đó là sự đồng hành kép. Hai thực tại này không thể tách rời mà bổ túc cho nhau.

  1. Đồng hành với tha nhân

Đồng hành với tha nhân, nghĩa là chúng ta cùng bước đi với họ trong cuộc sống cụ thể với những gì cấu thành kiếp nhân sinh. Đồng hành với tha nhân không chỉ là “song hành” mà là “hiệp hành”, nghĩa là gắn kết với nhau bằng mối hiệp thông sâu xa được thể hiện trong việc nâng đỡ, ủi an. Và đây là chiều kích của tình yêu, của đức ái Kitô giáo. Đồng hành với tha nhân, với tư cách là Kitô hữu – và đương nhiên là tu sĩ -, chúng ta cần đến sự hiện diện của Chúa trên những nẻo đường cùng bước đi với nhau. Như vậy, đồng hành với tha nhân không chỉ mang chiều kích nhân bản hay xã hội mà hơn thế nữa, mang chiều kích thần linh.

– Cùng nhau tiến bước

Khi nói đến đồng hành, trong ngữ cảnh của đời sống thánh hiến, người ta thường nghĩ đến việc đồng hành thiêng liêng: đó là sự đồng hành thiêng liêng mà những nhà giáo dục thực hiện với những anh chị em đang trong thời gian được huấn luyện trong đời tu.

Trước khi có thể đồng hành – và rộng lớn hơn là hiệp hành – mỗi chúng ta cần chất vấn chính mình xem mình đã có thái độ sẵn sàng cùng bước đi với người khác, và nếu có, thì đâu là những tâm tình cần ấp ủ trong tim và cách thức hiện thực.

Để có thể đồng hành với tha nhân trên những nẻo đường cuộc sống, điều quan trọng là cần có trong tâm hồn mình chữ “đồng”. Đó là sự “đồng phận”, nghĩa là chúng ta và tha nhân cùng đang sống thân phận con người. Chính phận người là mẫu số chung nối kết. Nếu cùng chia sẻ kiếp nhân sinh, thì việc đồng hành sẽ được thực hiện một cách dễ dàng. Từ đồng phận, chúng ta sẽ “đồng cảm”, nghĩa là cùng nhịp đập của trái tim, cùng hiểu nhau với và bằng trái tim. Sự đồng cảm này dẫn đến sự lắng nghe không những các âm thanh bên ngoài mà nhất là những gì chất chứa trong tâm hồn tha nhân. Đây là điều mà Giáo hội mời gọi mọi thành phần Dân Chúa: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (Gaudium et Spes, số 1). Và rồi sự đồng cảm trên dẫn đến sự “đồng tâm”, nghĩa là sẽ cùng nhau tiến bước dưới sự hướng dẫn của tình yêu mà trái tim là biểu tượng. Hình ảnh Giáo hội Thời Sơ khai – Cộng đoàn Giêrusalem thời các Tông đồ – luôn là hình mẫu của sự hiệp hành mà sự “đồng tâm nhất trí” được đề cao. Sự đồng tâm nơi đây là cùng một trái tim dành cho Lời Chúa, cùng một trái tim dành cho nhau. Sự đồng tâm đó, phát xuất từ tâm hồn, lại được diễn tả ra bên ngoài bằng sự “đồng thanh”, nghĩa là bằng sự cùng cầu nguyện với chính lời kinh nguyện của Chúa Kitô và của Giáo hội. Như vậy, sự đồng hành diễn tả vừa chiều sâu của hiệp thông, vừa hiện sinh xuyên qua nếp sống hàng ngày.

Chúng ta cũng chân nhận rằng do “hoàn cảnh” thực tế hay bởi “đặc sủng ơn gọi” mà chúng ta ít khi hay không có cơ hội để thực hiện được việc đồng hành theo nghĩa đen – nghĩa là bước đi với tất cả mọi người với đôi chân thể lý – thì việc cùng nhau tiến bước vẫn lưu giữ tất cả ý nghĩa như những gì chúng ta vừa nói. Có những cách thức khác nhau, nhưng luôn có cùng những tâm tình và mục đích. Dù sống đời chiêm niệm, các đan sĩ vẫn luôn cùng tiến bước với thế giới, với Giáo hội và mọi người bằng những cách thức độc đáo của ơn gọi này.

Nhưng để việc đồng hành với tha nhân không dừng lại nơi ý niệm hay tư tưởng, môi trường cụ thể để cùng nhau bước đi luôn cần thiết. Đời sống cộng đoàn là môi trường của việc hiệp hành và đồng hành. Từ cộng đoàn mở rộng ra Giáo hội và thế giới, việc đồng hành như là hiệu ứng của “vết dầu loang”. Rất cần một môi trường nhỏ để tiến vào những môi trường lớn hơn.

– Đời sống Cộng đoàn

Nếp sống đan tu luôn mang dấu ấn và chiều kích cộng đoàn. Hình ảnh Giáo hội Sơ khai (x. Cv 4,32-35) – như đã nhắc đến trên kia – luôn là điển hình cho đời sống cộng đoàn tu trì. Hiếp pháp Hội dòng Xitô Thánh Gia đã định hướng đời đan tu: “Theo gương Giáo hội sơ khai, đan sĩ sống đồng tâm nhất trí, kiên định trong cầu nguyện, để mọi sự làm của chung, hầu kiến tạo một gia đình thiêng liêng và thực sự theo gương mẫu của Thánh Gia” (HP, số 107).

Câu hỏi được đặt ra: Trong mối tương quan giữa các thành viên trong Đan viện, các đan sĩ sẽ thể hiện cách cụ thể việc đồng hành của mình với anh em như thế nào? Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận đã để lại một phương thức tuyệt vời về việc đồng hành: “Một đi chung cùng nhau, vui vẻ theo Thánh ý Cha chúng ta” (DN, số 150). Qua đó, Cha Tổ phụ muốn để lại cho các thế hệ môn sinh Xitô Thánh Gia như một gia bảo cần trân quí gìn giữ và phát huy để trở thành một thứ gia phong sống động. “Một đi chung cùng nhau”, nghĩa là cùng nhau bước đi trên cùng một con đường. Con đường ấy là “làm theo Thánh ý Cha chúng ta”. Thánh ý Chúa được thể hiện cụ thể qua Tu luật, Hiến pháp và Giáo huấn của Giáo hội (x. Potissimum Institutioni, số 15). Thánh ý Chúa cũng được thể hiện qua các trung gian nhân loại như Viện phụ, là người truyền đạt ý Chúa cho chúng ta.

Trong sinh hoạt cộng đoàn, việc cử hành Các Giờ Kinh Phụng Vụ và Thánh Lễ là “việc Chúa”, giữ vị trí quan trọng nhất trong sinh hoạt cộng đoàn. Hiến Pháp, số 117, đã long trọng tuyên bố: “Đời đan tu là thông hiệp với mầu nhiệm Thập Giá Đức Kitô, nhờ đó đan sĩ dâng hiến tế tạ ơn để tôn vinh Thiên Chúa. Vì thế đan sĩ không lấy gì làm hơn việc Chúa”. Phụng vụ, việc Chúa luôn mang hai chiều kích thiên linh và huynh đệ. Tuyên Ngôn, số 6 xác định: “Phụng vụ là trọng tâm đời đan tu. Cùng với việc cử hành Thánh Thể, phụng vụ trước là sự tôn thờ uy linh Thiên Chúa, là nơi hun đúc tình liên kết cộng đồng…”.

Có đồng hành nghĩa là có sự hiệp thông. Thánh Biển Đức rất đề cao sự hiệp thông cộng đoàn. Việc đồng hành trong mối hiệp thông được cụ thể hóa nơi nhà nguyện và nhà cơm. Bởi vậy, những thành viên có lỗi nặng là những người không còn hiệp thông trọn vẹn với cộng đoàn, những người này bị “tuyệt thông” ở nhà nguyện và nhà cơm (x. TL, chương 24,3; 25,1).

Như vậy, nếp sống đan tu – Đan tu Xitô Thánh Gia – được xây dựng trên chữ Cùng”. Khi tham dự mọi sinh hoạt cộng đoàn, được năng động bởi tinh yêu Thiên Chúa và tình mến huynh đệ, các đan sĩ hiện thực sự hiệp hành một cách cụ thể ngay trong lòng cộng đoàn của mình. Không có sự hiệp hành này sẽ không có sự hiệp hành với Giáo hội, với thế giới và mọi người bên ngoài đan viện.

Trong buổi diện kiến trưa ngày 17 tháng 10 năm 2022, của các thành viên Tổng tu nghị toàn Dòng Xitô tại Rôma, Đức Thánh cha Phanxicô đã diễn giải từ “Chung” từ cách gọi “Các đan sĩ Xitô Chung phép”. ‘Chung’, nghĩa là cùng nhau hiệp thông. Cùng nhau bước đi theo Chúa Giêsu. Giữ luật chung có nghĩa là cùng nhau bước đi theo Chúa Giêsu, để ở với Người, lắng nghe Người, quan sát Người’… Và việc quan sát này được thực hiện cùng nhau, trong cộng đoàn. Như đối với Nhóm Mười Hai, không dễ để họ luôn hòa hợp, bởi vì mỗi người đều có những ‘góc cạnh’ và niềm kiêu hãnh, chúng ta cũng vậy, và để cùng nhau đi đến sự hiệp thông không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, Đức Thánh cha nói: ‘Món quà nhận được này không ngừng làm chúng ta ngạc nhiên và vui mừng: được trở thành cộng đoàn của Người, như chúng ta đang là, không hoàn hảo, không đồng nhất, nhưng được triệu tập, được kêu gọi ở bên nhau và cùng nhau đi theo Người, Thầy và Chúa của chúng ta”.

Như vậy, khi các đan sĩ sống trọn vẹn sự hiệp hành trong đan viện và Hội dòng của mình – với mọi yếu tố cấu thành nên đặc sủng và linh đạo – là hiện thực việc hiệp hành với Giáo hội và của Giáo hội. Nhưng nếp sống cộng đoàn, dù rất tốt đẹp trong bản chất, vẫn có nguy cơ là các thành viên dừng lại bề mặt và bước đi chỉ với dáng dấp bên ngoài; nên “hồn sống” luôn cần thiết cho các hình thức”. Hồn sống đó là tình yêu, là tình huynh đệ.

Tình huynh đệ

Tuyên Ngôn, số 18 là bản văn tuyệt vời khi mô tả vẻ đẹp về tình huynh đệ trong các Cộng đoàn Đan tu Xitô Thánh Gia: “Bác ái huynh đệ là dây liên kết trọn lành, là điều răn mới của Chúa, là dấu hiệu đặc biệt của các môn đệ Ngài. Chỉ ai thực thi bác ái mới giữ trọn lề luật. Không bao giờ chúng ta nhấn mạnh đủ về chân lý này: vì trong đời sống cộng đoàn, chúng ta có dịp thực thi bác ái. Tình bác ái huynh đệ không được giả dối, nhưng thanh tịnh và vị tha, tận tụy trong đời sống và hành động. Người đan sĩ có lòng bác ái, biết kính nhường anh em, ôn hòa từ tốn với mọi người, tùng phục và chịu đựng lẫn nhau, có lòng khoan dung tha thứ trước lầm lỗi của người khác, hoan hỷ vì sự lành của anh em, và giúp nhau tiến tới trong đường thánh thiện. Muốn được như thế, người đan sĩ phải yêu thương anh em bằng tấm lòng Chúa Giêsu Kitô, để tình yêu Thiên Chúa, hay nói đúng hơn, Thiên Chúa Tình Yêu ngự trị và hoạt động trong mình”.

Tình huynh đệ tự nó đã mang tính tông đồ. Sống hiệp thông huynh đệ tự nó là một lời loan báo Tin Mừng. Ơn gọi của Giáo hội nói chung và đời sống thánh hiến nói riêng là xây dưng sự hiệp thông. Giáo hội bao gồm “mọi quốc gia, mọi chủng tộc, mọi dân tộc và ngôn ngữ” (Kh 7,9). Họ được Chúa Kitô qui tụ, được quyền năng Chúa Thánh Thần tác động, để xây dựng nên một gia đình, hình thành một thân thể, để loan báo Tin Mừng, một Tin Mừng có sức mạnh quy tụ và hiệp nhất. Chính tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi liên kết tất cả nên một. Họ yêu thương nhau bằng chính tình mến của Chúa Kitô. Chính tình yêu qui tụ và hiệp nhất này mang chiều kích phổ quát và công giáo. Sự hiệp thông Giáo hội nuôi sống sự hiệp thông của các cộng đoàn tu sĩ.

Các tu sĩ được mời gọi trở nên “các chuyên viên hiệp thông” trong Giáo hội và trong thế giới. Thực vậy, các Hội dòng quy tụ những thành viên rất khác nhau về quốc tịch, văn hóa, nguồn gốc xã hội, giáo dục, độ tuổi, tính cách… nhưng lại chia sẻ một nếp sống. Chính việc cùng sống trong một nhà, năng động cùng một sự hiệp thông, cùng thi hành một sứ vụ, vừa minh chứng cho sự đồng hành của các thành viên vừa hình thành chứng từ về tình yêu và trở thành niềm hy vọng cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Sự quan tâm chăm sóc cho những thành viên “bé nhỏ” và “nghèo khó” về nhiều phương diện là tiêu chuẩn đầu tiên của một đời sống huynh đệ theo Tin Mừng. Đây là một chứng từ rất mạnh mẽ và hữu hiệu cho một thế giới đang bị điều hướng bởi thứ “văn hóa vất bỏ”. Từ lòng một cộng đoàn huynh đệ sẽ phát sinh một xã hội mới nơi công lý ngự trị, nơi hòa bình là bầu khí và tình yêu là hồn sống.

Kết luận

Việc đồng hành với Chúa và đồng hành với tha nhân là điều không thể tách rời nhau. Đồng hành với Chúa sẽ phát sinh đồng hành với tha nhân. Ngược lại, đồng hành với tha nhân là biểu lộ sống động đồng hành với Chúa. Như vậy, trong tư duy và thực hành, hai khía cạnh này cần được quan tâm phát triển đồng thời.

Khi liệt kê các loại đan sĩ, thánh Biển Đức đánh giá đan sĩ cộng tu là anh dũng nhất (x. TL, chương 1). Các Đan sĩ Xitô Thánh Gia là người sống với Chúa, có nghĩa là đồng hành với Chúa; đồng thời, với đặc điểm “cộng tu”, chúng ta đồng hành với nhau và đồng hành với tha nhân.

Là đan sĩ thuộc Hội dòng Xitô Thánh Gia Chúng, ta được mời gọi hướng tâm hồn về Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận: nơi ngài, chúng ta nhận ra mối hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa và Giáo hội, sự tích cực tham gia vào sứ vụ loan báo Tin Mừng. Nơi ngài tràn đầy lòng mến đối với anh em, đặc biệt đối với những người nghèo về vật chất, với những người chưa nhận biết Chúa. Ngài đã bước đi trên vùng đất quê hương Việt Nam chúng ta với tất cả tình yêu và nhiệt tâm. Ngài không nói đến hiệp hành – vì từ ngữ này mới xuất hiện – nhưng đã sống nội dung của “lối sống này của Giáo hội”. Là con cái Cha Tổ phụ, chúng ta cần học biết để sống “Hiệp Hành” bây giờ và nơi đây cũng như suốt cuộc đời đan tu chúng ta.

CHIỀU KÍCH HIỆP THÔNG
CỦA ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

Margarita Nguyễn Thị Huệ

Công đồng Vaticanô II xác quyết rằng: đời tu thuộc về sự sống và thánh thiện của Giáo hội[94]; đồng thời là hiện thân của mầu nhiệm hiệp thông và thánh thiện Giáo hội. Trong thư gửi tu sĩ nhân năm đời Thánh hiến 2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô kêu gọi các tu sĩ sống với đam mê là trở nên “các chuyên viên của tình hiệp thông“, “các chứng nhân và người làm nên “dự án hiệp thông” đang ở đỉnh cao của lịch sử của con người theo ý của Thiên Chúa”. Đời tu đóng vai trò rất quan trọng trong sứ vụ loan báo Tin Mừng, và là “kiểu mẫu” để xây dựng Giáo hội hiệp nhất. Trong bối cảnh Giáo hội chuẩn bị Thượng Hội đồng về Hiệp hành, do đó, đây là thời gian thích hợp để tu sĩ cùng với Giáo hội suy tư, thảo luận và sống tinh thần “hiệp hành” với ba chiều kích: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ. Trong bài viết này, người viết chỉ bàn về chiều kích hiệp thông – một trong ba trụ cột quan trọng của một Giáo hội hiệp hành, đó là chiều kích hiệp thông của đời sống thánh hiến.

  1. Khái niệm “hiệp thông”

Có thể nói, hạn từ “hiệp thông” đã được nhắc đến ngay từ thời Giáo hội sơ khai, bởi vì sách Tông đồ Công vụ cho biết: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Thánh Giáo hoàng Phaolô VI định nghĩa hiệp thông là “tham gia một cách sống động vào hai điều: một là tháp nhập vào sự sống Chúa Kitô, hai là đức ái lưu chuyển[95]. Khi nói tới cả chiều kích cá nhân và cộng đoàn, Thánh Bộ Giáo lý Đức tin đã định nghĩa hiệp thông là “mầu nhiệm kết hợp mỗi cá nhân với Thiên Chúa Ba Ngôi và với người khác; sự kết hợp này bắt đầu bằng đức tin của mỗi người và hướng đến ngày viên mãn trong Giáo hội Thiên Quốc, nhưng hiện nay là một thực tại đang nẩy mầm trong Giáo hội trần gian[96]. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến chiều kích Lời Chúa và bí tích, nên định nghĩa hiệp thông là “sự kết hợp với Thiên Chúa qua trung gian Chúa Giêsu Kitô trong Chúa Thánh Thần. Ta có được sự hiệp thông này là nhờ Lời Chúa và các bí tích[97].

Như vậy, vì là chủ thể của hiệp thông, nên con người được mời gọi sống mầu nhiệm hiệp thông trong tương quan với Thiên Chúa và tha nhân bằng tình yêu và sự chia sẻ; một sự hiệp thông được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa và Thánh Thể.

  1. Hiệp thông trong đời sống thánh hiến

– Các hình thức sống đời thánh hiến

Mỗi hình thức sống đời tu có một cách thế đặc trưng thể hiện mối hiệp thông với Giáo hội, tuỳ theo bản chất, đặc sủng và linh đạo của mỗi hội dòng. Giáo hội ngưỡng mộ vì sự khác biệt kỳ diệu của các gia đình dòng tu đã làm phong phú cho Giáo hội và giúp Giáo hội thi hành việc thiện[98]. Các ẩn sĩ lắng chìm trong cô tịch, nhưng phục vụ sự hiệp thông Giáo hội bằng đoàn sủng chiêm niệm chuyên biệt của mình, các trinh nữ tận hiến giữa đời hay các quả phụ và người goá vợ được thánh hiến sống đời thánh hiến của họ trong mối tương quan đích thực hiệp thông với Giáo hội địa phương và phổ quát[99]. Tuy nhiên, Giáo hội nhìn nhận đời sống huynh đệ cộng đoàn là dấu chỉ hùng hồn của sự hiệp thông.

– Đời sống huynh đệ, dấu của sự hiệp thông

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II khẳng định trong Tông huấn Đời sống thánh hiến: trong thực tế, Giáo hội chủ yếu là mầu nhiệm hiệp thông. Đời sống huynh đệ, hiểu như là một đời sống chia sẻ trong tình yêu, là một dấu chỉ hùng hồn về sự hiệp thông Giáo hội. Trong đời sống Giáo hội có nhiều cơ chế và hình thức diễn tả tình hiệp thông huynh đệ. Tuy nhiên, nó được biểu lộ rõ nhất trong các dòng tu và các tu đoàn tông đồ, những nơi mà đời sống cộng đoàn mang một ý nghĩa đặc biệt. Khi cổ võ tình yêu huynh đệ trong đời sống chung, đời thánh hiến làm chứng rằng việc tham dự vào tình hiệp thông Ba Ngôi có thể thay đổi những mối tương quan nhân loại và tạo ra một kiểu tình liên đới mới; và làm cho nhân loại thấy được vẻ đẹp của sự hiệp thông huynh đệ và những cách thức cụ thể để đạt được sự hiệp thông đó[100].

– Những yếu tố xây dựng hiệp thông huynh đệ

Những yếu tố quan trọng giúp xây dựng và củng cố sự hiệp thông của Hội dòng là: “Một truyền thống được chia sẻ, những hoạt động chung, những cơ cấu được thực hiện tốt đẹp, những tài sản chung, hiến pháp chung và một tinh thần chung… Tuy nhiên, nền tảng thực sự của sự hiệp nhất hệ tại mối hiệp thông với Đức Kitô. Mối hiệp thông này được thiết lập do đặc sủng lập dòng, bám rễ trong sự tận hiến tu trì, được tinh thần Phúc Âm thúc đẩy, được nuôi dưỡng trong cầu nguyện và mang dấu ấn của một sự khổ chế quảng đại, cũng như niềm vui và hy vọng nảy sinh từ thập giá[101].

Đối với các tu sĩ, sự hiệp thông với Đức Kitô được diễn tả cách bền vững và hữu hình qua đời sống cộng đoàn. Các thành viên trong cộng đoàn sống dưới quyền một vị bề trên, chia sẻ đời sống chung theo những cơ cấu đặc thù và những quy định chung của hiến pháp. Sống cộng đoàn là chia sẻ kinh nguyện, lao động, ăn uống, giải trí, tinh thần cộng đoàn, những tương quan bạn hữu, và tương trợ huynh đệ trong cùng một sứ vụ tông đồ[102].

Bộ các Hội dòng Tận hiến và Tu đoàn Tông đồ đã chỉ dạy: “Để nuôi dưỡng sự hiệp thông tâm trí giữa những người được gọi chung sống trong một cộng đoàn, nhất thiết phải trau dồi những đức tính cần có trong tất cả các mối quan hệ nhân bản: sự kính trọng, lòng tốt, sự chân thành, tự kiềm chế, lịch thiệp, biết khôi hài và tinh thần chia sẻ… đơn sơ vui vẻ, thẳng thắn và tín nhiệm lẫn nhau, có khả năng đối thoại, và thành tâm chấp nhận kỷ luật tốt lành của cộng đoàn[103].

Thánh Phanxicô Salesiô nói: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn”, và Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng hằng kêu: “Ở đâu có tu sĩ, ở đó có niềm vui[104]. Vì “sự bình an và hoan lạc trong đời sống chung là những dấu chỉ của Nước Thiên Chúa. Niềm vui sống cả giữa những khó khăn gặp phải trên hành trình thiêng liêng và nhân bản, và cả giữa những phiền muộn hàng ngày cũng đã là một phần của Nước Trời. Niềm vui này là hoa trái của Chúa Thánh Thần, và bao gồm một đời sống đơn giản và kết cấu đơn điệu thường nhật. Tình huynh đệ không có niềm vui là tình huynh đệ đang chết; sớm muộn, các thành viên sẽ bị cám dỗ đi tìm ở nơi khác điều mà họ không thể tìm thấy trong cộng đoàn của mình. Một tình huynh đệ đầy niềm vui là ân huệ từ trên ban cho anh em, chị em là những người biết cầu xin và biết chấp nhận nhau, phó thác cho đời sống huynh đệ, tin tưởng vào hành động của Chúa  Thánh Thần. Do đó, lời Thánh vịnh đã được ứng nghiệm: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau… Nơi đây ân huệ Chúa ban, chính là sự sống chứa chan muôn đời’ (Tv 132,1-3)[105].

Chứng từ niềm vui là sự lôi cuốn mãnh liệt của đời sống tu trì, là nguồn phát sinh những ơn gọi mới, và khích lệ bền đỗ. Điều rất quan trọng là phải nuôi dưỡng niềm vui như thế trong cộng đoàn tu trì: làm việc quá sức có thể huỷ diệt niềm vui, nhiệt tình quá độ có thể làm cho một số người quên lãng niềm vui, việc không ngừng tự phân tích căn tính và tương lai của mình cũng có thể che khuất niềm vui. Có thể vui sống với nhau, dành thời gian cho việc giải trí cá nhân và tập thể… chia sẻ niềm vui nỗi buồn của anh chị em, dấn thân làm việc tông đồ, có lòng trắc ẩn và nhìn về ngày mai với niềm hy vọng gặp gỡ Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc; đó chính là những nhân tố  nuôi dưỡng sự thanh thản, bình an và trở thành sức mạnh trong hoạt động tông đồ. Niềm vui là chứng từ mạnh mẽ cho phẩm chất Tin Mừng của cộng đoàn  tu trì ; nó là đích điểm của một cuộc hành trình đầy gian lao, nhưng vẫn có thể hoàn tất vì được nâng đỡ nhờ lời cầu nguyện: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện” (Rm 12,12)[106]. Đàng khác, “khả năng sống đời sống cộng đoàn, với những niềm vui và những giới hạn của nó, là dấu chỉ để nhận ra ơn gọi tu trì trong một hội dòng, và là tiêu chuẩn quan trọng để xét đoán ơn gọi của ứng sinh[107].

Thật vậy, để sống với nhau như là anh em và chị em, cần phải có một cuộc giải phóng nội tâm đích thực. Vì lộ trình dẫn tới sự hiệp thông trọn vẹn và sự tự do của con cái Thiên Chúa là lộ trình đầy khó khăn, đòi phải can đảm từ bỏ chính mình trong việc chấp nhận và đón nhận tha nhân với những giới hạn của người khác. Hiệp thông là một hồng ân cũng đòi hỏi lời đáp trả, đòi hỏi kiên trì học hỏi và kinh nghiệm chiến đấu hầu thắng vượt những thái quá trong bản năng và tính thất thường trong các ước muốn. Lý tưởng của cộng đoàn tất nhiên kèm theo sự hoán cải từ mỗi một thái độ trái ngược với sự hiệp thông. Cộng đoàn mà không có tính cách huyền nhiệm thì không có hồn. Cần phải có “sự phối hợp” giữa hồng ân của Thiên Chúa và dấn thân cá nhân để xây dựng sự hiệp thông nhập thể[108].

Việc xây dựng mối hiệp thông trong đời sống huynh đệ tuy khẩn thiết và quan trọng, nhưng vẫn cần tuân theo quy tắc tiệm tiến, đòi hỏi sự kiên nhẫn của mọi thành viên vì “bá nhân bá tính”, như lời nhắn nhủ của Mẹ Giáo hội: “Mọi thực tại Kitô giáo được xây dựng trên sự mỏng manh yếu đuối của con người. Chưa có ‘một cộng đoàn lý tưởng’: sự hiệp thông hoàn hảo của các thánh là mục tiêu của chúng ta ở Giêrusalem trên trời. Thời của chúng ta bây giờ là thời khởi công và kiên trì xây dựng. Chúng ta luôn luôn có thể cải thiện và cùng nhau đi tới một cộng đoàn khả dĩ sống trong tha thứ và yêu thương. Các cộng đoàn không thể tránh được hết mọi xung đột va chạm. Sự hiệp nhất mà chúng ta phải xây dựng là sự hiệp nhất được thiết lập bằng cái giá của sự hoà giải. Sự bất toàn trong cộng đoàn không được làm chúng ta nản chí[109].

Lời kết

Trước thực trạng xã hội có nguy cơ chia rẽ trầm trọng, Giáo hội mời gọi con cái mình, cách riêng các tu sĩ xây dựng sự hiệp thông nhằm “biến Giáo hội thành nhà và trường hiệp thông” và “cổ võ linh đạo hiệp thông”. Mà sống hiệp thông là có khả năng nhìn anh chị em mình trong đức tin, trong sự hiệp nhất sâu xa của Thân Thể mầu nhiệm, là thấy điều tích cực nơi kẻ khác, là biết cách “mang gánh nặng” cho các anh chị em mình; đồng thời chống lại những cám dỗ ích kỷ khơi dậy sự ganh đua, sự ham danh vọng, sự ngờ vực và ghen tương[110]. Con đường hiệp thông này cần lắm sự đối thoại cởi mở – lắng nghe – phân định của mọi thành phần Dân Chúa, đặt biệt là những người sống đời thánh hiến. Bởi vì “Cộng đoàn tu trì không đơn thuần là một tập hợp các Kitô hữu để tìm kiếm sự hoàn thiện cá nhân. Sâu xa hơn nhiều, đó là sự thông phần và là chứng tá đặc biệt của Giáo hội mầu nhiệm, bởi vì nó là biểu hiện sống động và là sự hoàn thành ưu việt của “sự hiệp thông” đặc biệt, koinonia, của Ba Ngôi cao cả; Chúa Cha muốn những người nam và người nữ được dự phần vào sự sống thông hiệp đó, trong Chúa Con và Chúa Thánh Thần [111].

 

ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN

Montfort Nguyễn Xuân Pháp

Khi ký giả Peter Seewald đã hỏi Đức hồng y Joseph Ratzinger (Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI): “Có bao nhiêu con đường dẫn tới Thiên Chúa?”, ngài đã trả lời: “Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường[112]. Từ câu trả lời của Đức nguyên Giáo hoàng, chúng ta có thể nói rằng: có bao nhiêu tôn giáo chân chính, thì có bấy nhiêu con đường dẫn con người bước vào cõi phúc. Giáo hội nhìn nhận những giá trị mà các tôn giáo ngoài Kitô giáo đã cống hiến cho nhân loại. Tuyên ngôn Nostra Aetate về Mối liên hệ của Giáo hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo khẳng định: “Giáo hội không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác nhau với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi cho hết mọi người... Vì thế, Giáo hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác[113].

Thay vì nhìn các tôn giáo khác bằng “cặp kiếng cận” của định kiến dễ gây nên chia rẽ và hận thù, không những Giáo hội mà các tôn giáo khác cũng muốn con cái mình can đảm khai mở con đường đối thoại để thông hiểu và hợp tác nhằm xây dựng cuộc sống yêu thương, vị tha và kiến tạo thế giới an hòa. Vào cuối ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới tại Assisi 20.09.2016, các vị lãnh đạo tôn giáo thế giới đã đưa ra Tuyên ngôn chung bày tỏ quyết tâm dấn thân xây dựng hòa bình, đồng thời lên án mọi hình thức lạm dụng tôn giáo để biện minh cho khủng bố, bạo lực và chiến tranh. Tuyên ngôn nhấn mạnh: “Là những người nam nữ thuộc các tôn giáo khác nhau, chúng tôi họp nhau như những người lữ hành tại thành của thánh Phanxicô, để khẳng định mối liên hệ không thể tách rời giữa đại thiện ích hòa bình và thái độ tôn giáo chân chính... Đây là tinh thần đang linh hoạt chúng tôi: thực hiện cuộc gặp gỡ trong đối thoại, chống lại mọi hình thức bạo lực và lạm dụng tôn giáo để biện minh cho chiến tranh và khủng bố Với xác tín mạnh mẽ, chúng tôi tái khẳng định rằng bạo lực và khủng bố trái ngược với tinh thần tôn giáo chân chính[114].

Trong khung cảnh hướng tới một Giáo hội Hiệp hành, người viết xin trình bày một vài điểm về đề tài “Đối thoại liên tôn”. Bài viết được trình bày với các điểm sau: Tầm quan trọng của đối thoại liên tôn; lập trường của Giáo hội; mở ra cơ hội loan báo Tin Mừng.

  1. Tầm quan trọng của đối thoại liên tôn

a. Nhu cầu đối thoại liên tôn

Với thời đại công nghệ 4.0, thế giới chúng ta đang sống dường như “nhỏ lại”, khi người ta dễ giao thương, gặp gỡ và trao đổi. Do đó, từ ngữ đối thoạiđã trở thành một từ thông dụng và quen thuộc, được sử dụng trong tất cả các lãnh vực của cuộc sống: đối thoại trong đời thường, đối thoại giữa các thế hệ, các nền văn hóa, các cộng đồng tôn giáo, các thành phần xã hội…[115]. Điều kiện để có một cuộc đối thoại thực sự mang lại hiệu quả, mỗi người phải chấp nhận đa nguyên, đa văn hóa và tôn trọng những khác biệt căn bản giữa người với ta. Như vậy, đối thoại là cuộc gặp gỡ cá vị với người khác, chứ không phải là một sự so sánh về ý tưởng hay một sự đọ sức giữa các hệ thống, các tổ chức[116].

Ở lãnh vực tôn giáo, đối thoại được sử dụng như phương cách để chuyển đạt sứ điệp tôn giáo và kết nối yêu thương. Bởi vì, dù có những khác nhau về giáo lý và thực hành nghi lễ, các tôn giáo vẫn có điểm chung là dạy con người sống hiệp thông và yêu thương. Đây được coi là “con đường chung” mà các tôn giáo đang bước đi; và cũng là điểm chung để có thể hiểu và xích lại gần nhau. Kitô giáo luôn tự hào về giáo lý dạy “hiệp thông và yêu thương”, thì cần làm gương hơn nữa để “người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35)[117]. Tông huấn Giáo hội tại Á châu (Ecclesia in Asia) nhận định về trách nhiệm đối thoại liên tôn như di sản kế thừa từ Công đồng Vaticanô II: “Tiếp xúc, đối thoại và hợp tác với những người theo các tôn giáo khác là một trách nhiệm mà Công đồng Vaticanô II trối lại cho toàn thể Giáo hội như là một bổn phận và một thách đố”[118].

Đối thoại liên tôn không chỉ giúp các tôn giáo hiểu nhau, mà còn có thể đưa người ta đến chỗ suy nghĩ về chính mình và người khác ở những khía cạnh khác nhau, để mỗi người vừa giữ được sự thiêng liêng trong niềm tin cá nhân, đồng thời tôn trọng sự thiêng liêng trong niềm tin của người khác.

Tiến sĩ Đào Đình Thưởng, khái quát vai trò của đối thoại liên tôn giáo ở bốn phương diện[119]:

Thứ nhất: đối thoại liên tôn làm cho các thành viên trong các tôn giáo khác nhau học hỏi lẫn nhau, mở rộng sự hiểu biết. Hồng Y người Pháp Jean-Louis Tauran từng nói, không thể nói rằng mọi tôn giáo đều ít nhiều ngang nhau, nhưng có những giá trị mà chúng ta có thể chia sẻ với người khác: từ những người Công giáo, người ta có thể học ‘nhiều thứ’, nhất là sự phong phú của một vị Thiên Chúa có khuôn mặt nhân loại, như Đức Bênêđictô XVI đã viết trong Thông điệp Thiên Chúa là Tình Yêu, một vị Thiên Chúa là tình yêu và chăm lo cuộc sống của con người trong mọi hoàn cảnh.

Thứ hai: đối thoại liên tôn làm cho các tôn giáo mở rộng tinh thần khoan dung, thừa nhận những giá trị của nhau. Cuộc đối thoại giữa các tôn giáo lúc ban đầu không hề đơn giản vì văn hóa, lịch sử khác nhau, nhiều khi còn hiềm khích nhau vì những xung đột trong quá khứ, nhất là vì không có một chỗ đứng chung, vì kinh nghiệm nền tảng về tôn giáo. Thông qua đối thoại liên tôn, các tôn giáo khác nhau đã dần dần chấp nhận niềm tin của nhau, rằng niềm tin là đa dạng và các niềm tin có thể khác nhau đều được tôn trọng.

Thứ ba: đối thoại liên tôn góp phần làm phong phú giá trị văn hóa. Đối thoại liên tôn có thể thực hiện thông qua sự gặp gỡ của các lãnh tụ tôn giáo, đối thoại giáo lý, giáo luật. Trong quá trình đó, các tôn giáo trao đổi với nhau các vấn đề về niềm tin, lối sống, phong tục, thói quen trên tinh thần khoan dung. Từ đó các bên học hỏi, ảnh hưởng những giá trị của nhau.

Thứ tư: đối thoại liên tôn góp phần phát triển kinh tế. Trong xã hội có nhiều yếu tố tác động đến sự phát triển, đối thoại liên tôn nhìn từ khía cạnh ngoại giao cũng là một yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế. Các cuộc đối thoại liên tôn không chỉ quan tâm đến những vấn đề thuần túy tôn giáo mà còn quan tâm đến sự giao lưu, hợp tác trên lĩnh vực kinh tế, vì mỗi tín đồ tôn giáo cũng đồng thời là một cá nhân tham gia các mối quan hệ xã hội để phát triển.

b. Những khó khăn trong đối thoại liên tôn

Khát vọng của các nhà lãnh đạo tôn giáo ngày nay là đưa con người dù khác biệt về niềm tin được xích lại gần nhau, để cùng nhau bước đi trên hành trình yêu thương và xây dựng một thế giới an bình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc đối thoại liên tôn còn đó những rào cản chưa thể vượt qua. Ở đây xin được nêu lên một số khó khăn trong tiến trình đối thoại liên tôn:

Thứ nhất: Thỏa hiệp niềm tin. Hòa thượng Havanpola Ratanasara đã đưa ra nhận định về vấn đề này, khi nói: “Có lẽ lỗi lầm duy nhất mà chúng ta có thể phạm phải ngày nay là tự cho phép mình lạc quan thái quá. Đúng là qua nẻo đường đối thoại, chúng ta đã làm được nhiều điều, nhưng vẫn còn đó những chướng ngại đáng kể về lâu về dài. Trở ngại trước hết và lâu dài nhất cho đối thoại là quan niệm của một số người trong những tôn giáo khác nhau, cho rằng nhờ tham gia vào cuộc đối thoại, họ có thể thỏa hiệp niềm tin của mình[120]. Nói cách khác, người ta sợ mất xác tín, sợ đi ngược lại với giáo lý của tôn giáo mình khi đối thoại. Với ý hướng đó, người ta vô tình tạo nên một bức tường cho bản thân khi tham gia đối thoại, và cũng khiến người khác mất đi sự nhiệt tâm khi phải đối thoại với một người có một lập trường đã được tiền định và không thể thay đổi[121].

Thứ hai: Chủ thuyết giáo điều độc quyền. Chủ thuyết này gây nên bè phái và không khoan nhượng, vì xác tín rằng chỉ có tôn giáo mình chứa đựng sự thật toàn vẹn; chỉ trong tôn giáo mình có mọi điều tốt đẹp. Những người theo chủ thuyết giáo điều độc quyền thường quan niệm chân lý chỉ có trong tôn giáo của mình, còn các tôn giáo khác thì không. Họ nói: chúng tôi có chân lý, và họ sở hữu nó như người ta sở hữu một sự vật. Điều đương nhiên có thể xảy ra là những con người này đang khi họ tán tụng tôn giáo mình thì cũng có nguy cơ hạ thấp những tôn giáo khác[122].

Thứ ba: Chủ nghĩa thực dụng. Đối với chủ nghĩa này, ý niệm đúng nhất là ý niệm có hiệu lực nhất. Chỉ hành động mới là quan trọng, bởi lẽ hành động thì có hiệu lực. Người theo chủ nghĩa thực dụng quan niệm: tôn giáo nào có khả năng giúp con người thoát khỏi những đau khổ cuộc đời và thảnh thơi đón nhận giây phút cuối cùng của hành trình dương thế, thì đó là tôn giáo thật. Nó thật, bởi nó hữu hiệu. Nhà tâm lý học và triết học William James đã nói: Sự thật là khi nó có ích. Nó thật, vì nó đem lại lợi ích bằng bất kỳ cách nào. Điều này đưa đến nguy cơ người ta có thể tìm được lợi ích ngay cả khi các tôn giáo chống đối nhau. Vì cái có ích, người ta dễ phó mặc cho bạo lực, bất công và chia rẽ. Tiêu chuẩn của lợi ích khiến người ta không còn tôn trọng sự thật như nó đáng được tôn trọng; vì người ta không đến với nhau bằng xác tín của chân lý, bằng sự tự do đích thực mà đến với nhau vì lợi ích của bản thân[123].

Tài liệu “Đối thoại và Rao truyền: Những suy tư và những chỉ dẫn liên quan đến Đối Thoại Liên Tôn và Rao Truyền Phúc Âmđưa ra mười một nhân tố thuộc tâm tính con người làm cản trở việc đối thoại liên tôn: “1– Không bám rễ sâu đủ trong chính đức tin của riêng mình. 2- Không biết và hiểu đầy đủ tín ngưỡng và phương thức hành động của các tôn giáo khác có thể đưa đến một lối thẩm định thiếu sót về ý nghĩa của chúng, và đôi lúc còn có những giải thích sai trật. 3- Những dị biệt có tính cách văn hoá phát xuất từ trình độ kiến thức khác nhau hoặc từ lối vận dụng các cách diễn tả khác nhau. 4- Những nhân tố xã hội – chính trị hoặc một số các hệ quả khác của quá khứ. 5- Hiểu sai các từ ngữ như trở lại, phép rửa, đối thoại. 6– Chưa hoặc thiếu cởi mở, đưa đến một thái độ tự vệ, hay còn đi đến tình trạng gây hấn. 7– Thiếu xác tín đối với giá trị của công việc đối thoại liên tôn, mà một số người có thể xem như một phận vụ dành riêng cho những nhà chuyên môn và một số khác lại xem như một dấu chứng thua cuộc hoặc còn như là một sự phản bội lại đức tin. 8– Nghi ngờ về các động cơ thúc đẩy người đối diện trong công cuộc đối thoại. 9– Một tinh thần tranh biện, khi diễn tả các xác tín tôn giáo. 10– Thái độ bất tương dung, thường còn bị đẩy đến tình trạng gia trọng khi gắn liền với những nhân tố chính trị, kinh tế, giòng giống và chủng tộc; và tình trạng thiếu hỗ tương trong đối thoại có thể đưa đến một tình cảm chán ngán. 11– Một số hiện tượng của bầu khí tôn giáo hiện nay: chủ nghĩa duy vật gia tăng, thờ ơ tôn giáo và sự nhân tăng các giáo phái gây ra tình trạng hồ đồ và dấy lên những vấn đề mới[124].

Những chủ thuyết được nêu ở trên là những “ngõ cụt” khiến các tôn giáo khó gặp nhau cách đích thực và có chiều sâu. Để khai thông “ngõ cụt” trong việc đối thoại, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đưa ra một nhận định làm nên nguyên tắc quan trọng để việc đối thoại có thể tiến triển: “Có nền tảng cho đối thoại và sự tăng trưởng hiệp nhất, sự tăng trưởng này có được cùng với việc chúng ta có thể vượt qua những chia rẽ, những chia rẽ mà phần lớn phát sinh từ ý tưởng cho rằng người ta có thể độc quyền chân lý[125]. Đối với những con người thiện chí, niềm tin của họ không ngăn cản việc đối thoại với các tôn giáo khác, nhưng là lối ngỏ đưa mỗi người mở ra với những điều hay điều tốt nơi các tôn giáo khác bằng thái độ lắng nghe và phân định để chính họ xác tín vào chân lý.

c. Các hình thức đối thoại liên tôn

Trong Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Thế – Redemptoris Missio, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Từ những trao đổi giữa các chuyên viên về truyền thống tôn giáo, hay giữa các đại diện chính thức cho đến việc cộng tác để phát triển toàn diện và duy trì các giá tr tôn giáo bằng đời sống. Qua việc đối thoại bằng đời sống, các tín hữu thuộc các tôn giáo khác nhau làm chứng cho nhau trong cuộc sống hằng ngày về những giá trị nhân bản và thiêng liêng của mình, đồng thời giúp nhau sống những giá trị ấy để xây dựng xã hội công bằng và huynh đệ hơn[126]. Dựa vào ý hướng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, tài liệu “Đối Thoại và Rao Truyền đưa ra bốn hình thức đối thoại sau:

Thứ nhất: đối thoại bằng đời sống. Người ta thường nói: Lời nói lung lay, gương lành lôi cuốn. Một đời sống tốt lành, với tinh thần cởi mở và thân thiết, chia sẻ những nỗi vui buồn, những vấn nạn và lo âu của cuộc sống con người dễ cảm kích người khác hơn là những lý thuyết cao siêu. Điều này mời gọi các Kitô hữu phải thực sự sống và làm chứng cho niềm tin của mình, vì đối thoại không chỉ là những trao đổi về lý thuyết mà còn thể hiện nơi cuộc sống. Vả lại, chúng ta không thể đào sâu niềm tin nơi các tôn giáo khác khi chưa đào sâu niềm tin của chính mình[127].

Thứ hai: đối thoại bằng hoạt động chung. Các Kitô hữu được mời gọi “hợp tác với nhau để đi đến công cuộc phát triển toàn diện và giải phóng hoàn toàn con người[128]. Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi: “Con đường đối thoại sẽ giúp chúng ta hợp tác với mọi người thành tâm thiện chí đẩy lùi nền văn hóa của sự chết với lối sống gian dối… bằng cách phát triển một xã hội mới với lối sống chân thật, công bằng, tôn trọng sự sống và các quyền con người[129]. Nhờ nỗ lực hợp tác với các tôn giáo khác, các Kitô hữu đang góp phần mình xây dựng nền văn minh tình thương và hòa bình; đây sẽ là lời chứng sống động về những giá trị của Tin Mừng bằng đời sống vị tha và liên đới.

Thứ ba: đối thoại bằng tri thức. Hình thức đối thoại này mang tính hàn lâm giữa “các nhà chuyên môn tìm cách đào sâu kiến thức về các gia sản tôn giáo của nhau và thẩm định các giá trị siêu nhiên nơi các tôn giáo bạn[130]. Sứ điệp Kitô giáo cổ võ nhiều giá trị được chứng nghiệm trong các nền minh triết và gia sản phong phú của các nền văn hóa. Do đó, cần có một nỗ lực đối thoại thấu đáo để có thể khám phá và tiếp nhận những giá trị văn hoá thích ứng với nhân phẩm và vận mệnh siêu việt của con người. Mục tiêu của việc đối thoại là nhằm vượt thắng những căng thẳng và tranh chấp, và đôi khi để tiến đến một sự thông cảm tốt đẹp hơn giữa các nền văn hoá tôn giáo khác nhau trong một vùng địa lý nhất định[131].

Thứ tư: đối thoại bằng kinh nghiệm tôn giáo. Cách thức đối thoại này giúp mỗi người “đi sâu vào chính truyền thống tôn giáo của mình, chia sẻ những giá trị siêu nhiên phong phú của mình, chẳng hạn những giá trị liên quan đến cầu nguyện và chiêm niệm, đến đức tin và những con đường tìm đến Thiên Chúa hoặc Đấng Tuyệt Đối[132]. Trong lần gặp gỡ lịch sử của các vị lãnh đạo tôn giáo tại Assisi vào ngày 27 tháng 10 năm 1986, và những buổi cầu nguyện liên tôn cho hòa bình thế giới, chúng ta thấy các tôn giáo khác không cần phải từ bỏ truyền thống của mình, vẫn có thể tham gia cầu nguyện chung và hoạt động cho thiện ích nhân loại[133].

Đối thoại liên tôn được thực nhiện dưới nhiều hình thức khác nhau và mang nhiều sắc thái khác nhau. Tuy nhiên, các hình thức đối thoại đích thực đều mang tính xây dựng và mang tính chất của một cuộc đối thoại cứu độ; nghĩa là, “Giáo hội coi đối thoại như một yếu tố cấu tạo nên sứ mạng của mình. Thiên Chúa đối thoại với loài người và cuộc đối thoại ấy kết tinh thành lịch sử cứu độ[134].

  1. Lập trường của Giáo hội về đối thoại liên tôn

a. Cái nhìn của Giáo hội về các tôn giáo khác

Cái nhìn tích cực của Vaticanô II đối với các tôn giáo khác là “Giáo hội xem tất cả những gì là chân thiện nơi họ như để chuẩn bị họ lãnh nhận Phúc Âm, và như một ân huệ mà Đấng soi sáng mọi người ban cho hầu cuối cùng họ được sống”[135]. Bởi vì, “Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ấy. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, dù có nhiều điểm khác với chủ trương và đề nghị của Giáo hội, nhưng vẫn thường mang lại một tia sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi tất cả mọi người… Vì thế, Giáo hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, gìn giữ và làm tăng triển những giá trị tâm linh, luân lý cũng như các giá trị xã hội-văn hóa của những tín đồ thuộc các tôn giáo khác, nhờ việc đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ ấy mà vẫn làm chứng cho niềm tin và đời sống Kitô giáo”[136].

Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng khẳng định rằng qua mầu nhiệm nhập thể, chết và sống lại, Đức Kitô hành động nơi mỗi người để dẫn đưa họ tới việc canh tân đời sống nội tâm. “Ðiều nói trên không phải chỉ có giá trị cho các tín hữu nhưng cho tất cả những ai có thiện chí được ơn thánh hoạt động một cách vô hình trong tâm hồn. Thực vậy, vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, nghĩa là do Thiên Chúa, cho nên ta phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh ấy, cách nào đó chỉ có Chúa biết thôi[137].

Trong Tông huấn Verbum Domini (Lời Chúa), Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã nêu ra các giá trị của một số truyền thống tôn giáo Đông phương, cụ thể như: “Trong Phật giáo, có việc tôn trọng sự sống, việc chiêm niệm, sự thanh tĩnh, sự đơn thành; trong Ấn Độ giáo, có cảm thức về thánh thiêng, về hy lễ và chay tịnh; rồi trong Khổng giáo, có các giá trị gia đình và xã hội. Chúng ta cũng hài lòng tìm thấy nơi các kinh nghiệm tôn giáo khác một quan tâm chân chính đối với sự siêu việt của Thiên Chúa, được họ nhìn nhận là Đấng Hóa Công, cũng như việc tôn trọng sự sống, hôn nhân và gia đình, và một cảm thức mạnh về liên đới[138].

Giáo hội có cái nhìn tích cực và cởi mở hơn về vai trò của các tôn giáo trong tiến trình giúp con người vươn tới chiều kích siêu việt, xây dựng một thế giới hòa bình và thịnh vượng. Ở khía cạnh chăm sóc môi trường, Đức thánh cha Phanxicô đề cao vai trò của các tôn giáo trong việc chăm sóc căn nhà chung của nhân loại và ngài cổ võ các tôn giáo cộng tác với nhau trong lý tưởng này. Trong buổi tiếp kiến sáng ngày 8 tháng 9 năm 2016, dành cho 200 tham dự viên hội nghị đối thoại liên tôn đầu tiên của Mỹ châu, nhóm tại Rôma với mục đích thiết lập Viện đối thoại liên tôn cho đại lục này, ngài đã nói: “Các tôn giáo có một vai trò rất quan trọng trong việc thăng tiến sự chăm sóc và tôn trọng môi trường. Niềm tin nơi Thiên Chúa đưa chúng ta đến chỗ nhìn nhận Người trong thiên nhiên, kết quả tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Niềm tin ấy cũng kêu gọi chúng ta chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên. Vì thế, các tôn giáo cần cổ võ một nền giáo dục chân chính, trên mọi cấp độ, giúp phổ biến thái độ trách nhiệm và quan tâm đối với những đòi hỏi của việc chăm sóc thế giới, và đặc biệt bảo vệ, thăng tiến và bênh vực các quyền con người[139].

b. Tính ưu việt của Kitô giáo

Mọi tôn giáo đều có tính ưu việt và độc đáo của tôn giáo mình. Nếu xét về mặt luân lý, đạo đức, khôn ngoan, tri thức thì các tôn giáo đều dạy tín đồ mình làm như thế; và mục đích của Đức Kitô đến không chỉ là những công việc đó. Bởi vì, không có Đức Kitô, người ta vẫn biết phải thờ trời, phải trung với vua và thảo hiếu với cha mẹ, người ta vẫn biết yêu thương tha nhân và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho người khác; những điều này có lẽ Khổng Tử và Đức Phật dạy kỹ càng và chi tiết hơn Đức Kitô[140]. Vậy, tính ưu việt và độc đáo của Kitô giáo nằm ở đâu?

Tính ưu việt và độc đáo của Kitô giáo không nhất thiết và không chủ yếu nằm ở giáo thuyết, luân lý hay phẩm cách nhân bản của Đấng Sáng Lập, mà hệ tại “ở Thiên Tính và Thiên chức cao cả của Đức Kitô, và sự đáp trả của Thiên Chúa trước những nỗ lực của con người vươn lên Ngài… Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa nhập thể làm người, Ngài là Con Thiên Chúa, và Ngài đến thế gian là để Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, để nâng cao giá trị của con người và của những nỗ lực nơi con người trước Thiên Chúa, để giúp cho những nỗ lực đó đạt được mục đích của chúng[141].

Như vậy, tính ưu việt của Kitô giáo được diễn tả nơi câu nói của Đức Giêsu: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Theo Jacques Albert Cuttat, thì câu ‘“Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha’, đây chính là sắc diện mới, triệt để và duy nhất của  đạo Kitô giáo, nghĩa là sự hiện diện khách quan của một hữu thể toàn vẹn nhân loại Đức Giêsu Kitô là chìa khoá và là cánh cửa của những gì toàn vẹn thần thiêng. Đức Kitô là khuôn mặt của Cha[142]. Ngoài Kitô giáo, chúng ta không thấy ở các tôn giáo khác sự liên kết giữa con đường linh thiêng và sự thật thần thiêng trong một con người lịch sử như Đức Giêsu. Đức Phật là người chỉ vẽ con đường đạo giáo, còn Đức Kitô là Con Đường; Mahomet nhận lãnh và rao truyền sự thật được mặc khải, còn Đức Kitô là Sự Thật; các tôn giáo Đông phương ca tụng sự hiểu biết như phương tiện để cứu rỗi, Do Thái và Hồi giáo nhấn mạnh về đức tin, còn trong Kitô giáo thì sự hiểu biết và tin là cùng một hành động tinh thần duy nhất.

Người Kitô giáo giới thiệu cho các tôn giáo khác về khuôn mặt của Thiên Chúa qua và nhờ Đức Kitô, nghĩa là: “Thiên Chúa là cái mà Đức Kitô chỉ. Một con người lịch sử là sự thật khuôn mặt của Cha[143], quả là điều thật khó hiểu đối với những người ngoài Kitô giáo khi nói về Đức Kitô mang bản tính loài người và bản tính Thiên Chúa. Nhưng niềm tin và sự hiểu biết này không cho phép chúng ta giản lược, bởi “Con người Giêsu là Thiên Chúa, xuyên qua Ngài, tôi nhìn thấy thế giới đúng như Thiên Chúa thấy nó và Thiên Chúa đúng như Ngài tự thấy mình[144]. Đối với người Kitô giáo, tin là nhìn bằng cái nhìn của Đức Kitô, nghĩa là chiêm ngắm thế giới và Thiên Chúa với chính Ngài. Niềm tin vào Đức Kitô dẫn chúng ta tới niềm tin mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là mầu nhiệm cao cả của một Thiên Chúa vốn là tình yêu. Niềm tin này giúp chúng ta xây dựng mối tương giao thân tình với Thiên Chúa, và mở lòng mình ra cho mọi mối tâm giao của con người thuộc các tôn giáo khác[145].

  1. Mở ra cơ hội loan báo Tin Mừng

Tông huấn Evangelii Nuntiandi nhấn mạnh đến việc loan báo Tin Mừng hướng đến muôn dân, nhưng Đức Giáo hoàng Phaolô VI cũng đưa ra một cái nhìn tích cực về các tôn giáo khác: “Các tôn giáo ấy mang theo mình dư âm của hàng ngàn năm tìm kiếm Thiên Chúa, tìm kiếm chưa đầy đủ nhưng thường là với tấm lòng thành thật và ngay thẳng. Các tôn giáo ấy có một di sản đáng thán phục về các bản kinh đậm đà tính tôn giáo. Các tôn giáo ấy đã dạy cho nhiều thế hệ biết cầu nguyện. Các tôn giáo ấy đều được gieo cấy đó đây bằng vô số những “hạt giống Lời” và có thể thành một sự ‘chuẩn bị đích thực cho Tin Mừng…’ Giáo hội nghĩ rằng thành phần đông đảo các người này có quyền biết sự phong phú của mầu nhiệm Đức Kitô (Ep 3,8) trong đó chúng ta tin rằng toàn thể nhân loại có thể tìm thấy, một cách đầy đủ không ngờ được, tất cả những gì họ dò dẫm tìm tòi về Thiên Chúa, về con người và vận mệnh con người, về sự sống và sự chết, về chân lý”[146]. Tài liệu Đối Thoại và Rao Truyền cũng nhấn mạnh rằng:Đối thoại liên tôn và rao truyền đều là những yếu tố thật sự của sứ mệnh truyền bá Phúc Âm nơi Giáo hội, nhưng không ở trên cùng một bình diện. Cả hai đều chính đáng và cần thiết. Chúng liên hệ chặt chẽ với nhau nhưng không thay thế cho nhau: đối thoại liên tôn chân thật của người Kitô hữu phát xuất từ ước muốn làm cho kẻ khác biết và yêu mến Chúa Giêsu Kitô mỗi ngày mỗi nhiều hơn, và rao truyền Chúa Giêsu Kitô phải được thực hiện trong tinh thần đối thoại của Phúc Âm[147].

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II chứng minh cho thấy rằng không hề có sự mâu thuẫn giữa sứ mạng loan báo Tin Mừng và công cuộc đối thoại liên tôn: “Đối thoại liên tôn là một phần của sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Được hiểu như một phương thế và một phương tiện cho sự hiểu biết lẫn nhau và sự phong phú hóa, đối thoại liên tôn không mâu thuẫn với sứ mạng truyền giáo cho muôn dân; trái lại, nó có những liên kết đặc biệt với sứ mạng này và là một trong những biểu hiện của sứ mạng đó”[148]. Như vậy, “đối thoại liên tôn không phải chỉ là cách thế giúp hiểu biết và phong phú hóa lẫn nhau, mà hơn nữa là một thành phần của sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Giáo hội, một biểu hiện của sứ vụ đối với dân ngoại. Qua đối thoại liên tôn, người Kitô hữu trình bày xác tín về sự viên mãn của ơn cứu độ chỉ đến từ Đức Kitô và Giáo hội mà họ là thành viên… Mặc dù Giáo hội vui mừng nhìn nhận tất cả những gì là chân thật và thánh thiện trong các truyền thống tôn giáo của Phật giáo, Ấn giáo và Hồi giáo, như một phản ánh của chân lý soi sáng mọi người, điều đó không giảm thiểu trách nhiệm và bổn phận của Giáo hội đối với việc cương quyết rao giảng Đức Kitô như là “Đường, Sự thật và Sự sống”[149]. Bởi vì, “tất cả những gì Thần Khí khơi dậy nơi tâm hồn con người và giữa lịch sử các dân tộc, nơi các nền văn hóa và các tôn giáo, thì đều nhằm mục đích dọn đường cho Tin Mừng[150].

Tin Mừng là cốt tủy của Kitô giáo. Do đó, Tin Mừng là nguyên lý hợp nhất các Kitô hữu, là nền tảng cho mọi giải thích thần học. Vì thế, khi lấy tinh thần yêu thương và hiệp nhất của Tin Mừng làm nền tảng để đối thoại liên tôn, Giáo hội mở ra cơ hội tiếp cận với những con người thuộc các truyền thống tôn giáo rất dị biệt và giới thiệu cho họ về sứ điệp Tin Mừng mà Đức Giêsu mang lại cho con người. Có thể, một số người ít quan tâm hoặc không quan tâm về Đức Giêsu. Nhưng dù thế nào, thì sứ mệnh của Giáo hội vẫn là truyền giáo, vì tính phổ quát của Tin Mừng cứu độ[151]. Một khi cảm nhận được niềm hy vọng và mong ước được chia sẻ với người khác nguồn vui được biết và theo Đức Giêsu Kitô, là Chúa và là Đấng cứu độ của mình, thì chúng ta nay đang ở vào tâm điểm của mầu nhiệm tình yêu. Bởi vì, khi Giáo hội và Kitô hữu yêu Chúa Kitô thật sâu đậm, thì mong ước chia sẻ với kẻ khác, không phải chỉ bị thúc đẩy bởi việc tuân phục lời Chúa răn dạy, nhưng do bởi chính tình yêu đó[152].

Lời kết

Đức thánh cha Phanxicô cổ võ sự cộng tác liên tôn dựa trên sự thăng tiến một nền đối thoại chân thành và tôn trọng nhau. Ngài nói: “Nếu không có sự tôn trọng nhau thì sẽ không có đối thoại liên tôn: đó là nền tảng để có thể đồng hành và đương đầu với các thách đố. Cuộc đối thoại này dựa trên chính căn tính của mình và sự tín nhiệm lẫn nhau, nó nảy sinh khi ta có khả năng nhìn nhận người khác như một món quà của Thiên Chúa và ta chấp nhận họ cũng có những điều để nói với ta[153]. Để có được sự cởi mở và tôn trọng trong việc đối thoại liên tôn, Giáo hội cần phải chọn thái độ bao dung làm đường lối ứng xử với những tôn giáo và các học thuyết có quan điểm khác biệt với tôn giáo mình[154]. Giáo hội tự hào và đề cao tôn giáo của mình, nhưng vẫn luôn dành cho giáo lý của các tôn giáo khác một chỗ đứng tương xứng với sự tôn trọng và kính yêu.

Như vậy, đối thoại liên tôn phát sinh từ sự tôn trọng con người, và từ niềm xác tín rằng Đức Kitô yêu thương con người đến độ ban mạng sống mình cho họ và Thánh Thần tác động trong họ. Công cuộc này cần được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, ‘Đấng thổi ở đâu tuỳ ý Ngài’. Nhờ đó, Giáo hội khám phá ‘những hạt giống của Ngôi Lời’, ‘những tia chân lý soi dọi mọi người’, những hạt giống và những tia chân lý ấy được tìm thấy trong những con người và trong các truyền thống tôn giáo nhân loại. Đối thoại xây dựng trên hy vọng và bác ái, và sẽ mang lại những hoa trái trong Thánh Thần… Thật thế, các tôn giáo thúc đẩy Giáo hội khám khá và nhìn nhận những dấu chỉ về sự hiện diện của Đức Kitô và về tác động của Thánh Thần, đồng thời thúc đẩy Giáo hội hiểu làm chứng về sự nguyên vẹn của mạc khải được uỷ thác cho mình vì lợi ích của mọi người.

Đối thoại là yếu tố quan trọng trong toàn sứ mệnh của Giáo hội, theo nghĩa là mọi sinh hoạt truyền giáo đều được thực hiện trong sự tôn trọng những con người, và các nền văn hoá. Mặc dù công cuộc truyền giảng Tin Mừng qua đối thoại gặp nhiều khó khăn, Giáo hội vẫn luôn mong ước khích lệ con cái mình kiên trì với lòng tin và tình yêu thương, ngay cả lúc nỗ lực của họ không được lưu ý hay đáp trả. Đối thoại là một con đường dẫn đến Nước Chúa và chắc chắn sẽ gặt hái những hoa trái của nó, mặc dù thời nào, lúc nào thì đó là do Chúa Cha định liệu[155].

TRUYỀN THÔNG – HIỆP THÔNG

Giuse Khang Tiên

Trong thời gian gần đây, Đức thánh cha Phanxicô đã cổ võ học hỏi đề tài “hiệp hành” trong toàn Giáo hội, hướng tới Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI. Ở các cấp độ giáo xứ, dòng tu và giáo phận, người Công giáo được tiếp cận các đề tài về “hiệp hành” và chia sẻ rộng rãi trong toàn thể Giáo hội. Điều mà Giáo hội mong muốn, đó là sử dụng những phương tiện có thể để loan báo Tin Mừng và chia sẻ tinh thần hiệp thông với nhau.

Một trong những phương tiện truyền giáo hữu hiệu và thường xuyên được nhắc đến, đó là truyền thông. Vào thời đại mới này, Giáo hội càng khuyến khích sử dụng thuyền thông để mang Tin Mừng và giáo huấn của Giáo hội cho mọi người. Các văn kiện Toà Thánh và giáo huấn của các vị chủ chăn đã nói nhiều đến vai trò của truyền thông trong việc truyền bá Tin Mừng. Đã có những tập thể và cá nhân dấn thân trong lãnh vực truyền thông này, trong đó phải kể đến chân phước Carlo Acutis. Ngài đã sử dụng internet để thiết lập website mời gọi mọi người tham gia chiêm ngắm Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể… Cũng trong giai đoạn này, các giáo phận và các hội dòng được khích lệ sử dụng website để chia sẻ Lời Chúa và thông tin hầu đạt đến sự hiệp thông trong Giáo hội. Cũng trong tinh thần đó, Tổng hội Hội dòng Xitô Thánh Gia năm 2014 đã quyết định thành lập ban truyền thông và đã xây dựng một website, cho đến nay đã có những đóng góp tích cực về thông tin Hội dòng và chia sẻ cho mọi người. Đó cũng là tinh thần “hiệp hành” hay “hiệp thông” mà Giáo hội đang quan tâm. Trong bài viết này, với đề tài “Truyền thông-Hiệp thông”, xin được chia sẻ 3 điểm chính sau đây:

  1. Các văn kiện của Giáo Hội về truyền thông

Dựa theo ý của Đức Thánh cha Phanxicô, Ban biên tập nội san Hạt Giống Chiêm Niệm chọn chủ đề “Hiệp Hành” cho số mới này. Đây cũng là điều thao thức của Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận: “Một đi chung cùng nhau” (DN 150). Trong số này, Ban Biên Tập “Hạt giống chiêm niệm” đưa ra nhiều đề tài về “Hiệp hành”, trong đó xem “Truyền thông-Hiệp thông” là điều không thể thiếu cho nội dung của đặc san này. Vậy chúng ta cần biết Giáo hội đã nói gì về truyền thông?

Có nhiều văn kiện Giáo hội nói về truyền thông, nhưng trong giới hạn của bài viết, xin trình bày nội dung hai văn kiện chính: Sắc lệnh Inter Mirifica[156] (IM) của Công đồng Vaticanô II và Huấn thị Mục vụ – Communio et Progressio[157] (CP) của Ủy ban Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội. Hai văn kiện này đều nhắc đến ngày thế giới truyền thông: Tất cả các giáo phận trên thế giới đều được mời gọi tổ chức cử hành ngày thế giới truyền thông” để nói lên tinh thần hiệp thông của tất cả các tín hữu trong lãnh vực truyền rao Tin Mừng, mời gọi mọi tín hữu cầu nguyện cho công việc tông đồ truyền thông, tôn vinh các chuyên viên đang hết lòng hy sinh dấn thân trong lãnh vực này, đồng thời cổ võ mọi người đóng góp, tài trợ cho mục đích ấy (x. IM số 18; CP số 167).

Về hoạt động của chủ chăn và tín hữu, Sắc lệnh Inter Mirifica viết: “Mọi con cái Giáo hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngần ngại mà phải hết sức hăng say, sử dụng ngay những phương tiện truyền thông xã hội cách đắc lực vào các công việc tông đồ khác nhau tùy theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh và thời gian; họ cũng phải ngăn ngừa những tổ chức tai hại, nhất là ở những miền mà luân lý và tôn giáo muốn tiến bộ cần phải được họ can thiệp khẩn cấp hơn” (IM số 13).

Huấn thị Communio et Progressio trình bày hai phương hướng chính: Sự cống hiến của truyền thông xã hội cho sự tiến bộ của con người khi xét đến “vai trò và các điều kiện cho các phương tiện truyền thông trong xã hội loài người” (số 17-100) và “việc dấn thân của người công giáo trong lãnh vực truyền thông” (số 101-180). Về tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông, Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio viết: “Các phát triển của phương tiện truyền thông phải được nghiên cứu kỹ trong kế hoạch mục vụ, vì chúng là những cánh cửa mở ra cho việc sử dụng một cách hiệu quả các phương tiện này trong hoạt động mục vụ...” (CP số 143). Nhu cầu về một đường lối mục vụ còn được nhấn mạnh thêm bởi cùng Huấn thị trên: “Vai trò của các công cụ truyền thông xã hội trong vận mệnh loài người, các cơ hội và các vấn đề chúng đặt ra trước lương tâm Kitô hữu, tất cả đều cho thấy một nhu cầu bức thiết là phải tìm ra một đường lối mục vụ cho lãnh vực này. Phải tìm kiếm những người có đào tạo chuyên môn và kinh nghiệm cho công việc này. Cũng phải thiết lập các cơ cấu mục vụ thích hợp, với ngân sách, thẩm quyền và nguồn lực cần thiết” (CP. số 162).

Ngày nay chúng ta hiểu truyền thông xã hội là gì? Từ ngữ đã được đề nghị bởi Uỷ ban chuẩn bị cho sắc lệnh Inter Mirifica về truyền thông xã hội như “phương tiện đại chúng”, “phương tiện truyền bá”, “phương tiện nghe nhìn”… Cuối cùng, Uỷ ban này đã đề nghị sử dụng thuật ngữ “truyền thông xã hội”[158]. Theo một cách hiểu thông thường, truyền thông xã hội là các phương tiện đại chúng như báo chí, ca nhạc, kịch nghệ, radio, tivi hay phim ảnh… Nhưng vào thời đại hiện nay, khi mạng xã hội phát triển, người ta đã sử dụng các phương tiện Facebook, Website, Instagram, Telegram, Twitter… một cách hiệu quả hơn. Cũng vậy, Giáo hội quan tâm tới mọi cách thức và mọi phương tiện truyền thông trong xã hội để loan báo Tin Mừng và tình liên đới  giữa các thành phần trong Giáo hội lại gần nhau. Điều mà Giáo Hội quan tâm, truyền thông xã hội phải truyền đi một nội dung tinh thần do những con người tạo ra, và phải được chia sẻ với những người khác.

Vậy nếu truyền thông như công cụ sắc bén và thuận lợi trong việc truyền bá Tin Mừng, đưa con người lại gần nhau hơn, thì điều này cũng đồng nghĩa truyền thông phải liên kết con người với Thiên Chúa mật thiết hơn và nối kết con người với nhau thân tình hơn. Khi con người nhận biết tương giao thân tình với Thiên Chúa, họ cũng phải đồng hành với nhau, “một đi chung cùng nhau”, giúp nhau trên đường phục vụ và trên đường hoàn thiện chính mình.  

  1. Chân phước Carlo Acutis, mẫu gương cho người làm truyền thông

Các văn kiện Giáo hội hay giáo huấn của các chủ chăn lưu ý đến việc đào tạo, huấn luyện cũng như trách nhiệm của những người làm truyền thông. Về việc huấn luyện các tác giả, soạn giả…, Sắc lệnh IM viết: “Ðể đáp ứng những nhu cầu vừa trình bày, phải đào tạo đúng lúc những linh mục, tu sĩ và giáo dân để họ có đầy đủ kinh nghiệm thích đáng trong việc sử dụng những phương tiện này vào mục đích tông đồ” (IM. số 15). Việc tông đồ trong lãnh vực này, phải kể đến chân phước Carlo Acutis.

Carlo Acutis là một thiếu niên đạo đức, có lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể, cậu cũng là người đam mê internet. Tuy nhiên, thay vì sử dụng internet để đáp ứng những tò mò, khám phá thế giới vật chất, thỏa mãn đam mê công nghệ, Carlo muốn sử dụng công nghệ và website của mình để truyền giáo. Carlo được truyền cảm hứng từ các sáng kiến của chân phước Giacomo Alberione trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng. Trong sứ điệp ngày thế giới truyền thông lần thứ 55 (năm 2021), Đức thánh cha Phanxicô đã nói đến cơ hội và những rủi ro của internet, và đòi buộc người sử dụng cần trở thành những chứng nhân của sự thật. Nơi Carlo, thay vì để cho những rủi ro, nguy hiểm của internet khống chế hay làm nguy hại bản thân, thì cậu thiếu niên của thời đại công nghệ đã sử dụng chúng cho mục đích lớn lao: phục vụ Chúa, phục vụ Giáo hội, phục vụ con người để đưa họ đến gần với Thiên Chúa.

Quả vậy, Carlo Acutis muốn sử dụng công nghệ và website của mình để truyền giáo. “Đây là một website đặc biệt mà Carlo đặt vào trong đó tất cả sự sáng tạo, nhiệt huyết của người trẻ để giới thiệu một Chúa Kitô đang sống, vẫn hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Cậu thiếu niên đã thu thập, liệt kê danh mục các phép lạ về Thánh Thể đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, mà theo Carlo, nhằm để lôi kéo mọi người, nhất là những người trẻ tin vào Thánh Thể, yêu mến và sùng kính Thánh Thể[159]. Chân phước Carlo Acutis nói: “Luôn luôn gần gũi với Chúa Giêsu, đó là kế hoạch cuộc đời của tôi. Tôi hạnh phúc để chết, bởi vì tôi đã sống cuộc đời mình mà không để cho lãng phí, thậm chí dù chỉ là một phút để làm những điều gì đó đẹp lòng Thiên Chúa[160].

Điều này cho thấy, trong nhận thức của một thiếu niên, Carlo Acutis như đã hòa vào trong nhịp thở của Giáo hội khi sử dụng internet, một công cụ truyền thông xã hội hiện đại như là quà tặng của Thiên Chúa ban cho Giáo hội và con người, để phục vụ cho những lợi ích chung, hỗ trợ loan truyền Nước Thiên Chúa. Với sự hứng thú say mê cả công nghệ và đức tin, Carlo Acutis đã mở ra một con đường nên thánh bằng chính sự sáng tạo, và khả năng của mình. Câu chuyện cuộc đời của chân phước Carlo Acutis như là một lời mời gọi và chỉ ra làm thế nào để nắm lấy thời cơ, tận dụng những cái có sẵn ở trong thế giới này, cho sự liên hệ giữa Thiên Chúa và khoa học, dùng sản phẩm của khoa học công nghệ để phục vụ và tôn vinh Thiên Chúa. Điều này được xem như là một “phép thuật” mà một thiếu niên giữa thời đại mới đã làm được để người khác có thể chạm được vào sự huyền nhiệm của tình yêu Thiên Chúa trong thế giới và con người ngày nay[161].

Với những gì vị chân phước trẻ tuổi đã sống, Carlo Acutis đang khơi lên nơi người trẻ sự phân định để sống tròn đầy ơn gọi của mình trong hoạt động sống, mời gọi người trẻ tìm kiếm cách thức điều hướng thế giới internet và mạng xã hội, khai thác mặt thuận lợi của nó để phục vụ cho những điều tốt đẹp mà Thiên Chúa muốn nơi những người trẻ: họ đang sống trong Đức Kitô.

Như thế, Carlo đã làm bước đột phá bằng việc sử dụng truyền thông để mời gọi mọi người, nhất là giới trẻ đi về một đường hướng, con đường nên thánh. Nên thánh không những cho bản thân bằng việc sử dụng internet, mà còn giúp người trẻ có cơ hội và theo cách thức sử dụng internet để đến với Thiên Chúa. Rõ ràng, con đường “hiệp hành” được cụ thể hóa và làm phấn khởi cho thế hệ trẻ hôm nay. Qua cách sống và việc làm của Carlo Acutis, mọi người nhận ra “Truyền thông-Hiệp thông” hiệu quả hơn bao giờ hết. Đó là điều Giáo hội đang mong chờ, và là điều mà chủ đề chúng ta đang hướng đến.

  1. Truyền thông theo tinh thần và các đặc sủng trong Giáo hội

Riêng về các dòng tu, Huấn thị Mục vụ Communio et Progressio khẳng định: “Các cộng đoàn dòng tu cần suy tư về những nhiệm vụ cấp bách của Giáo hội trong lãnh vực truyền thông và xét xem mình có thể làm gì để hoàn thành các nhiệm vụ đó theo hiến pháp của mình. Các cơ quan chuyên môn truyền thông của họ cần cộng tác với nhau và bám sát kế hoạch mục vụ tổng thể của các văn phòng truyền thông cấp giáo phận, cấp quốc gia, cấp lục địa, hoặc cấp khu vực, vì thông thường, đây là những cơ quan có thẩm quyền về tông đồ truyền thông (CP. số 177).

Ngày nay, đại đa số các giáo phận hay dòng tu đều có website riêng. Những người làm công tác này cần được huấn luyện, nhất là sự trung thực. Nhân ngày thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 56 được cử hành vào Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên năm nay (29.05.2022), Đức cha Giuse Nguyễn Tấn Tước, Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Xã hội trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, khẳng định: “Người hoạt động truyền thông là người cần phải có tâm”. Lời chia sẻ của Đức cha Giuse được gợi hứng từ Sứ điệp của Đức Thánh cha Phanxicô cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội năm nay với chủ đề: “Hãy lắng nghe bằng con tim[162]. “Người làm truyền thông phải có tâm” hay “lắng nghe bằng con tim” là gì nếu không phải là sự nhiệt huyết, trung thực và trách nhiệm để đạt đến mục đích duy nhất là truyền giáo và hiệp nhất con người. Người làm truyền thông không phải là đánh bóng tên tuổi hay theo hành vi ích kỷ cá nhân, “bẻ cong ngòi bút” vì mục đích lợi nhuận, nhưng vì ích lợi của Giáo Hội và người khác. Vậy qua những gì Giáo hội hay những vị hữu trách lưu ý, các website công giáo phải có định hướng và nhất là phục vụ Giáo hội và các linh hồn.

Theo đường hướng của Giáo hội, Ban truyền thông của Hội dòng Xitô Thánh Gia đã nỗ lực và đạt được những thành quả nhất định. Tiêu chí được đưa ra: Bản chất của truyền thông Kitô giáo là để đối thoại với con người và dẫn họ đến gặp Thiên Chúa bằng cách chỉ cho họ thấy vẻ đẹp của Ngài. Các phương tiện truyền thông phải nhằm giúp người sử dụng chúng trở thành người phục vụ nền văn minh gặp gỡ, với con tim đồng cảm, biết lắng nghe và chia sẻ để cùng nhau làm những điều tốt đẹp.

Quả vậy, các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng lưới internet đã mang lại nhiều lợi ích, là cơ may cho các đan sĩ học hỏi nguồn kiến thức vô tận, đặc biệt học hỏi về khoa học thánh. Nó cũng giúp những người dấn thân theo nếp sống đan tu, không những nhìn lại chính mình nhưng mở ra với tha nhân và hướng tới sứ vụ truyền giáo. Mục đích của truyền thông Hội dòng là truyền đạt đức tin và các giá trị Tin Mừng. Tổng hội quyết định mở website để các thành viên Hội dòng có cơ hội học hỏi và chia sẻ những kiến thức cho nhau và cho người khác. Trong thực tế, một số anh chị em Hội dòng đã đóng góp bài gồm nhiều thể loại, làm tăng sự phong phú cho website Hội dòng. Website Hội dòng còn là nơi thuận tiện cho việc đăng những thông tin của các cộng đoàn trong Hội dòng, chia sẻ những gì mình có cho người khác. Chính vì thế, các thành viên Ban Truyền thông đã cố gắng, và còn tiếp tục làm những gì có thể để có một website phục vụ Giáo hội và mọi người hữu hiệu hơn.

Trong dịp Tổng Công nghị Toàn Dòng Xitô ngày 9 đến 21 tháng 10 năm 2022, các thành viên mong muốn các Hội dòng có mối tương quan mật thiết và hiểu biết lẫn nhau. Để làm được điều này, có ý kiến đề nghị Hội dòng Xitô Thánh Gia có ban dịch thuật và thông tin về nhân sự và sinh hoạt trên trang web Toàn Dòng. Ban website Hội dòng cũng có những dự định, và phải quyết tâm để mang thông tin hầu đạt đến sự thông hiệp với nhau. Là một Hội Dòng trẻ và có nhiều ơn gọi, Hội Dòng Xitô Thánh Gia cần có những chia sẻ, để mang đến niềm hy vọng và niềm tin cho mọi người. Giáo hội và Hội dòng đang chờ đợi những nỗ lực nơi chúng ta.

Kết luận

Giáo hội quan tâm tới việc loan báo Tin Mừng và chia sẻ các thông điệp tinh thần trong toàn  Giáo hội và xã hội. Những văn kiện và giáo huấn về truyền thông đã định hướng và khích lệ công cuộc truyền giáo bằng truyền thông một cách hiệu quả. Dù đạt được những bước đột phá trong lãnh vực này, nhưng người công giáo, đặc biệt những người làm truyền thông phải nỗ lực nhiều hơn nữa.

Giáo hội có người con ưu tú đã đi tiên phong trong lãnh vực này là chân phước Carlo Acutis. Qua internet, Carlo đã lôi kéo nhiều người đến gần Chúa, giúp họ đi từ thế giới vật chất đến thế giới của tâm linh để giúp họ yêu mến Thánh Thể Chúa qua website mình thành lập.

Hội dòng chúng ta đã quan tâm và đã thành lập website, nơi đó các cộng đoàn trong Hội dòng chia sẻ thông tin với nhau, anh chị em có cơ hội chia sẻ Tin Mừng và những gì mình có. Đây được xem là tinh thần “hiệp hành” rất lớn, vì khi anh chị em không có cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, thì chính trên trang web, các thành viên Hội dòng biết nhau hơn, trao cho nhau qua những hình ảnh sinh hoạt, thông báo, suy niệm Lời Chúa hay thơ ca sáng tác… Quả thật, đề tài “Truyền thông – Hiệp thông” có tầm quan trọng và giá trị to lớn của chúng ta. Làm được điều này, chúng ta là sứ giả loan báo Tin Mừng và chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa trong lòng Giáo hội và xã hội.

 

NGƯỜI ĐAN SĨ NGHĨ VỀ HIỆP HÀNH

Têrêsa Tin

 

Trong cuộc sống con người, suy nghĩ rất quan trọng, bởi suy nghĩ chi phối nhiều quyết định hệ trọng đến vận mệnh đời người. Lão Tử đã từng nói: Gieo suy nghĩ, gặt lời nói. Gieo lời nói gặt hành động. Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận. Cũng vậy, để có một tinh thần hiệp hành, chúng ta cần phải tìm hiểu, suy tư những khái niệm- phạm trù, những yếu tố căn bản liên quan đến hiệp hành. Để từ đó, “hiệp hành” thấm nhuần vào đời sống và trở thành bản chất cũng như lối sống của chúng ta.

Đời sống thánh hiến luôn gắn liền với đời sống Giáo hội. Có thể nói các tu hội thánh hiến luôn nỗ lực đi tiên phong trong những chiều hướng của Giáo hội, vì đời thánh hiến ở giữa lòng Giáo hội. Trước ý định của Thiên Chúa trong thiên niên kỷ thứ ba, Giáo hội được kỳ vọng là một Giáo hội hiệp hành[1]. Vì lẽ đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi các dòng tu cùng suy tư, học hỏi về chiều kích hiệp hành trong đời sống cộng đoàn.

Bên cạnh đó, các Dòng tu theo đặc sủng chiêm niệm từ xưa đến nay vẫn hay bị chất vấn bởi những câu hỏi liên quan đến năng lực, hiệu quả hoạt động. Đời sống tách biệt với thế gian và ít khi “xuất hiện” trong những hoạt động mục vụ bên ngoài đã luôn là tiền đề cho những ngộ nhận về đời sống chiêm niệm như một cuộc xuất thế – trốn đời. Vậy phải chăng, các Dòng tu chiêm niệm nói chung và đời sống đan tu nói riêng nằm ngoài quỹ đạo hiệp hành của Giáo hội? Đâu là những thách đố trong tiến trình hiệp hành của người đan sĩ?

  1. Khái quát về “hiệp hành”

Để hiểu hiệp hành có ý nghĩa gì trong đời sống đan tu, trước hết chúng ta cần tìm hiểu cách khái quát về khái niệm của hiệp hành.

Từ “hiệp hành” có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp σύνοδος, synodo và từ Latinh “synodus”.  Syn có nghĩa là cùng với nhau và hodos là con đường. Như vậy, từ “hiệp hành” được dùng để diễn tả ý nghĩa “cùng đi với nhau”. Vì ý nghĩa đó, hiệp hành có nghĩa là cùng bước đi với nhau, sát bên nhau trên một con đường; và mục đích của hiệp hành chính là để gặp gỡ, lắng nghe và tìm ra ý muốn của Thiên Chúa[2].

Hiệp hành chính là sự “lựa chọn về nguồn” thích hợp nhất của Giáo hội trong thế giới hiện nay. Do đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô mời gọi chúng ta hãy đào sâu di sản của Công Đồng Vaticanô II để tiến tới một chặng đường mới. Ngài khẳng định rằng tính hiệp hành diễn tả hình ảnh của Giáo hội đến từ Tin Mừng của Chúa Giêsu, một Giáo hội vừa hội nhập trong dòng lịch sử, vừa trung thành cách sáng tạo với truyền thống.

Trong khi thực hiện chiều kích hiệp hành, Giáo hội mời gọi tất cả mọi người cùng tham gia, theo ơn gọi riêng của mỗi người, sự tham gia hệ tại việc tất cả các tín hữu đều có đủ điều kiện và được kêu gọi phục vụ lẫn nhau nhờ những ân huệ của Chúa Thánh Thần[3]. Liệu rằng đời sống ẩn mình trong nội vi đan viện, không tham gia các hoạt động mục vụ bên ngoài có làm cho đời sống của các đan sĩ nằm ngoài quỹ đạo hiệp hành?

  1. Phải chăng đan sĩ nằm ngoài quỹ đạo hiệp hành?

Trong diễn văn trước bốn ngàn đại biểu của Giáo phận Rôma ngày 18/9/2021, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khẳng định: “Hiệp hành phải là lối sống và hành động của Hội Thánh. Đề tài ‘hiệp hành’ synodalità không phải là một chương trong khảo luận Giáo hội học, và càng không phải là một kiểu thời trang, một khẩu hiệu hay một từ ngữ mới cần sử dụng hoặc lèo lái trong các cuộc gặp gỡ của chúng ta. Không phải vậy, hiệp hành biểu lộ bản chất của Hội thánh, là cách thức, lối sống và sứ mạng của Hội Thánh. Vì thế, tất cả mọi thành phần trong giáo Giáo hội, từ cá nhân đến các tổ chức, từ các hội đoàn, giáo xứ đến các hiệp hội và dòng tu đều được mời gọi sống tinh thần hiệp hành này”.

Ơn gọi đan tu chiêm niệm là một ơn gọi đặc biệt trong lòng Giáo hội. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Ðời Sống Thánh Hiến (Vita Consecrata) nói rằng: “Các dòng hoàn toàn sống đời chiêm niệm là một lý do hãnh diện cho Giáo hội, và là nguồn mạch đưa lại những ân sủng thiên quốc. Nhờ nếp sống và sứ mạng của họ là bắt chước Đức Kitô cầu nguyện trên núi, họ sống đơn sơ trong cô tịch và thinh lặng, bằng việc lắng nghe Lời Thiên Chúa, cử hành phụng vụ, khổ chế cá nhân, kinh nguyện, hãm mình và hiệp thông vào tình yêu huynh đệ, họ hướng đời sống và toàn bộ sinh hoạt vào việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Họ cống hiến một chứng tá độc đáo về tình yêu của Giáo hội dành cho Chúa” (VC. Số 8). Trong ý nghĩa này, sự hiệp thông trong ơn gọi đan tu chiêm niệm cũng diễn tả sự hiệp thông chung của cả Giáo hội như hình ảnh cành nho liên kết với cây nho vậy: “Những con người hiệp nhất với nhau vì đã cùng cam kết bước theo Đức Kitô-sequela Christi-và được thúc đẩy bởi cùng một Thánh Thần, không thể nào không biểu lộ cách hữu hình sự viên mãn của Tin mừng tình yêu, như là những cành của một cây nho duy nhất(PC. Số 7).

Cha Thomas Merton trong cuốn “Hành Trình Đan Tu” định nghĩa: “Căn tính đời sống đan tu Biển Đức-Xitô được hiểu như một cam kết bao gồm: đời sống đơn sơ khiêm nhường, tĩnh lặng, cầu nguyện liên lỉ, lao động tay chân, lòng hiếu khách, coi trọng việc đọc sách thiêng liêng, lắng nghe, vâng phục, ăn chay, canh thức và đời sống cộng đoàn…”. Thật vậy, khi dấn thân vào đời sống tu trì, mỗi người được mời gọi sống trong một tu hội, một hội dòng nào đó và ơn gọi sống đời thánh hiến được diễn tả qua đời sống cộng đoàn. Vì thế, mỗi đan sĩ được mời gọi dấn thân theo Chúa Kitô là sống, xây dựng và làm thăng tiến đời sống cộng đoàn mà mình đang là thành viên. Cộng đoàn là một gia đình gồm những người, có thể khác nhau về nhiều phương diện, nhưng được qui tụ nhân danh Đức Kitô và vì lý tưởng dấn thân phục vụ cho Nước Trời. Vì thế, mỗi thành viên phải đón nhận nhau. Chính Đức Kitô là nguyên lý của sự hiệp thông, nối kết mọi thành phần trong cộng đoàn với nhau thành một Giáo hội duy nhất, có Đức Kitô là đầu. Trong Đức Kitô không có sự phân biệt, nhưng là hiệp nhất. Vì thế, sự hiệp nhất, bác ái và yêu thương sẽ làm cho cộng đoàn trở nên vững mạnh[4] .

Như vậy, đan sĩ sống đầy đủ và sâu sắc ý nghĩa hiệp hành của Giáo hội trong chính đời sống đan tu chiêm niệm.

  1. “Hiệp hành”- tên gọi khác của đời sống đan sĩ

Ngay từ những thế kỷ đầu, Giáo hội đã có một sự ngưỡng mộ lớn lao và một tình yêu chân thành dành cho những người nam và nữ đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, được cắm rễ sâu trong thinh lặng của nội vi, là trái tim của Giáo hội đang cầu nguyện[5]. Đời sống kết hiệp cùng Chúa, hiệp thông với Giáo hội và đồng hành cùng với tha nhân luôn là một lý tưởng để xây dựng đời sống đan tu.

* Hiệp hành với Chúa (Kết hiệp với Thiên Chúa)

Mục đích của đời đan tu là đi tìm Chúa, là thông hiệp với Chúa, là sống trong Chúa và sống cho Chúa. Théodore Studite khẳng định: “Đan sĩ là người chỉ nhìn một mình Thiên Chúa, chỉ mong ước một mình Thiên Chúa, chỉ gắn bó với một mình Thiên Chúa, và là người, khi phụng sự một mình Thiên Chúa, trở thành nguyên cớ bình an cho mọi người”. Vì thế, việc sống mối tình hiệp thông với Chúa luôn là yêu sách hàng đầu của đời sống đan tu “Tuyệt đối không lấy gì làm hơn Chúa Kitô” (TL 72,11).

Thánh lễ là trung tâm qui tụ và liên kết cộng đoàn cách thánh thiêng và hiện thực trong đời sống đan tu. Vì thế khi tham dự Thánh lễ và hiệp lễ, đan sĩ liên kết tận hiến bản thân với hy lễ nhiệm mầu của Chúa Kitô để tôn vinh Thiên Chúa Cha, đồng thời thể hiện sự hiệp nhất huynh đệ[6]. Vì vậy, ưu tiên trước hết trong đời sống cầu nguyện của đan sĩ đó là việc tham gia Thánh lễ cách sống động, hiện sinh.

Kế đến, việc cộng đoàn cùng nhau ca tụng Chúa trong giờ thần vụ là cách thế hữu hiệu để đan sĩ sống chiều kích hiệp hành. Qua các giờ cầu nguyện riêng và chung, các đan sĩ sống hiệp nhất với nhau, tạo nên một tình yêu thương bền chặt, đời sống huynh đệ luôn được tươi mới và triển nở. “Hãy họp nhau mà chúc tụng Thiên Chúa, chúc tụng Chúa, hỡi dòng dõi Ítraen” (Tv 68,27). Bởi thế, các giờ kinh phụng vụ là tiếng của Hiền Thê nói với Phu Quân mình, là lời nguyện ca ngợi và khẩn cầu và thực sự là lời cầu nguyện của Hội thánh cùng với Chúa Kitô và dâng lên Chúa Cha[7].

Sau cùng là việc cùng nhau thực hành Lectio Divina và tham dự các các bí tích. Lời Chúa là của nuôi tâm hồn chiêm niệm. Hàng ngày đan sĩ đọc sách thiêng liêng ít nhất là 30 phút, mùa Chay thì đọc 45 phút, ở nơi viện phụ chỉ định. Ngoài ra đan sĩ còn tìm thêm giờ riêng để tiếp xúc với Lời Chúa (HP, số 127).

Như vậy, nhờ sống tình hiệp thông với Chúa mà toàn thể đời sống đan sĩ được thánh hóa và vươn tới sự thánh thiện. Cũng chính từ nguồn mạch hiệp thông này mà đan sĩ sống hiệp hành với chính con người nội tâm của mình.

* Hiệp hành với chính bản thân

Nguyện gẫm: là thành phần Hội dòng chuyên về chiêm niệm, các đan sĩ cố gắng sống trong tinh thần cầu nguyện. Mỗi ngày hai lần, mỗi lần 30 phút, đan sĩ nguyện gẫm ở nơi chung hay nơi nào viện phụ chỉ định (HP, số 123).

Phút hồi tâm xét mình: Mỗi ngày hai lần, đan sĩ dành ít phút kiểm điểm đời sống để được thanh luyện dưới ánh sáng thần hóa của Thiên Chúa (HP, số 124).

Tĩnh tâm giúp canh tân và bồi dưỡng tâm hồn để mạnh tiến trên đường trọn lành. Vì thế mỗi tháng đan sĩ tĩnh tâm một ngày, mỗi năm 10 ngày (HP, số 126).

Sửa đổi tính tình, đào luyện nhân đức: hàng ngày đan sĩ phải dẹp bỏ thói quen xấu và ý thức tập luyện các nhân đức, nhất là đức khiêm nhường như Tu luật Biển Đức trong chương 7 đã nhấn mạnh (luôn đặt trước mắt lòng kính sợ Chúa, từ bỏ ý riêng, ưa chuộng vâng phục, bằng lòng tất cả những gì hèn kém và tồi tệ nhất…).

* Hiệp hành cùng với anh chị em

Hiệp hành trong lý tưởng: Thánh phụ Biển Đức nhấn mạnh đời sống “cộng tu” như là đời sống đan sĩ anh dũng nhất (Tu luật, chương I).

Hiệp hành trong đời sống: đan sĩ sống trong một đan viện, dưới một tu luật, dưới quyền một viện phụ, chiến đấu dưới lá cờ Đức Kitô; lao tác chung với nhau.

Hiệp hành trong cầu nguyện: đan sĩ cử hành giờ kinh phụng vụ; nếu đi trễ thì vẫn phải ở lại chỗ dành cho hạng người chậm trễ để cùng hát kinh hiệp thông cùng cộng đoàn ca tụng Chúa.

Hiệp hành trong bác ái: đan viện đón khách lữ hành, khách tĩnh tâm; cộng tác trong các hoạt động bác ái, hỗ trợ của xã hội và Giáo hội.

Hiệp hành cùng Giáo hội: đan sĩ cầu nguyện và đóng góp công việc chung của giáo phận, Giáo hội.

  1. Những thách đố của tiến trình hiệp hành

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin đã gắn kết – nối gần những vùng ngoại biên của địa lý, không gian nhưng dường như đang có nguy cơ chỉ dừng lại tương tác ở “thế giới phẳng” mà thiếu sự hiện diện.

Bên cạnh đó, các phong trào đại kết, các ngày hội chung như gặp gỡ liên đan tu Biển Đức – Xitô, Tổng Công nghị Toàn Dòng, Hội Liên hiệp đời sống thánh hiến khu vực, Năm đời sống thánh hiến… tạo hiệu ứng hợp tác, hỗ trợ chung nhưng cũng có thể tiềm ẩn vấn nạn chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, biểu ngữ mà thiếu sự cộng tác chung trong công việc thực tế.

Giáo dục gia đình là cần thiết nhưng đôi khi cha mẹ lo làm ăn sinh sống mà bỏ mặc con cái cho nhà trường, thiếu giáo dục nhân bản, không hướng dẫn theo tính hỗ tương giúp đỡ người khác và lối suy nghĩ cục bộ co cụm trong gia đình, “ao làng” mà không có tính đại đồng phổ quát.

Sự sa sút, xói mòn về mặt luân lý xã hội khiến cho con người ngày nay dễ có thái độ vô cảm, thờ ơ với người xung quanh. Những vấn nạn nhức nhối về việc trù dập nhân tài, lợi ích nhóm và đôi khi lợi dụng, lừa đảo khiến con người thiếu nhiệt thành cộng tác, mất niềm tin vào cuộc sống. Vì thế, khi bước vào đời tu, ứng sinh vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những thói quen và quan niệm trần tục.

Ngày nay, xem ra, bệnh tự kỉ ngày càng gia tăng và tính vô cảm, lãnh đạm với nhân sinh lại ngày càng trở nên bình thường đối với những người được coi là trưởng thành về mặt thể lý. Bởi thế, trong tiến trình hiệp hành, vẫn còn tồn tại sự phân bì, ganh tị và thiếu hợp tác với người khác. Trong đời tu, nếu không ý thức, tu sĩ cũng dễ rơi vào tình trạng thiếu quan tâm và yêu thương người khác.

Kết luận

Trong cộng đoàn đan tu chiêm niệm, đan sĩ sống đầy ắp sự hiện diện của Chúa, niềm an vui, tình yêu thương của một cộng đoàn thuộc về, nhưng cũng còn đó những khó khăn thử thách: về sự khác biệt văn hoá vùng miền, phong tục, tập quán, suy nghĩ,  mà vẫn “đi chung cùng nhau”. Chính vì thế, như câu ngạn ngữ từ ngàn xưa của các dân tộc Phi châu mà Đức Phanxicô đã lấy lại để ân cần nhắc nhở các bạn trẻ trong Tông huấn Christus Vivit“Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình. Nếu bạn muốn đi xa, hãy đi với những người khác. Công cuộc tông đồ hay sứ vụ của Hội thánh nói chung, phải mang tính “hiệp hành”. Bởi vì, đúng như cách định nghĩa của thánh Giáo phụ Gioan Kim Khẩu: “Hiệp hành chính là danh hiệu đặc trưng của Hội thánh”.

Đan sĩ luôn sống hiệp hành với Chúa thể hiện qua phụng vụ và đời sống huynh đệ. Ý thức tinh thần thuộc về có khi là chịu đựng những yếu đuối xác hồn của nhau (x. Gl 6,2), có khi là vui chịu sỉ nhục (x. TL 5,14-17). Thật vậy, những bộ phận xem ra yếu đuối nhất thì lại là cần thiết nhất. Những bộ phận kém trang nhã, thì ta lại mặc cho chúng trang nhã hơn hết. Và Thiên Chúa đã khéo xếp đặt các bộ phận trong thân thể, để các bộ phận đều lo lắng cho nhau (x. 1 Cr 12, 22-26) để rồi khi theo Chúa, ta chấp nhận từ bỏ chính mình, vác thập giá mình (x. Mt 16,24) như chính đời đan tu cũng là một cuộc tử đạo liên lỉ[8].

Cách thức hiệp hành của đời sống đan tu xem ra không có những hoạt động bề nổi cụ thể mà được lắng sâu trong tình yêu với Chúa và tha nhân. Chính Thiên Chúa đã xây dựng một cộng đoàn đan tu để tình yêu của chúng ta đối với mọi người được biến đổi bởi sức mạnh tình yêu của Người[9]. Như Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định: “Trong khi kết hợp với Thiên Chúa, các con hãy lắng nghe tiếng khóc của anh chị mình và những anh chị em đang cần đến ánh sáng của Tin Mừng, mang vào lời cầu nguyện của các con mọi nhu cầu của anh chị em. Thế giới và Giáo hội cần các con là ánh sáng soi đường cho cuộc hành trình của những con người cho thời đại chúng ta. Các con không ngưng nghỉ chuyển cầu cho nhân loại, dâng lên Chúa những sợ hãi và hy vọng, những niềm vui và đau khổ của thế giới[10]. Khi kết hiệp với tình yêu Chúa, chúng ta có nghị lực để vượt qua mọi khó khăn và thăng hoa những điều giản dị để cùng nhau nhìn về một hướng, nhìn lên Chúa, bước theo Chúa và sống như Chúa. Chúng ta cũng thường hay vấp ngã (x. Gc 3,2), nhưng đó lại là cơ hội để chúng ta sống hiệp hành, biết tín thác vào Chúa, biết lo lắng, quan tâm tới nhau và thể hiện tình yêu thương cho nhau, nhờ đó chúng ta đến gần Chúa hơn, được nên thánh thiện hơn.

 

ĐƯỜNG ĐI MỘT MÌNH

F. Phaolô Thánh Giá Bùi Văn Dư

                                                        

Hiệp hành đang là từ được đề cập nhiều trong thế giới Công giáo ngày nay. Đi đâu cũng thấy người ta nói đến hiệp hành. Điều đó mang ý nghĩa rất tích cực, bởi ít là tinh thần hiệp hành đã đi vào suy nghĩ và tâm khảm của người tín hữu. Nó như một làn gió mới thổi vào tâm hồn Kitô hữu. Đức Giáo hoàng Phanxicô không muốn đây là một phong trào nhất thời mà muốn nó trở thành một hướng đi của Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba như ngài đã tuyên bố: “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỉ thứ ba[11]. Uỷ ban Thần học Quốc tế cũng nhấn mạnh đến điều này: “Tính hiệp hành là phương thức sống và hành động (modus videndi et operandi) của Giáo hội, Dân Thiên Chúa[12]. Ngay tại Việt Nam, chương trình hiệp hành được tổ chức từ cấp giáo xứ, giáo hạt, giáo phận, giáo tỉnh rồi đến liên giáo tỉnh. Thậm chí hiệp hành còn đi vào trong cả thể thao. Chẳng hạn, Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức giải bóng đá giáo sĩ Việt Nam mang tên Hiệp Hành Cup 2022, được phân chia theo từng bảng rất chuyên nghiệp[13].

Trong bầu không khí hồ hởi của toàn Giáo hội đang nỗ lực thực thi tính hiệp hành trong đời sống và sứ vụ của mình, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Đâu là vị thế cá nhân trong tiến trình hiệp hành? Nó mang tính tập thể hay đường đi một mình? Đường đi đó có ý nghĩa gì đối với đời sống đan sĩ? Đường đi một mình ở đây ám chỉ vai trò và đặc tính cá nhân trong tập thể rộng lớn. Để hiểu được vấn đề thấu đáo, trước tiên chúng ta cùng đi vào tìm hiểu hiệp hành là gì?

  1. Hiệp hành là gì?

Đây là câu hỏi gây nhiều tranh cãi, bởi tính mới mẻ và lạ lẫm trong Giáo hội Công giáo địa phương, mặc dù nó đã có nền tảng Kinh Thánh và diễn ra suốt chiều dài 2000 năm lịch sử Giáo hội như Ủy ban Thần học Quốc tế (ITC) đã trình bày trong chương I của tài liệu nghiên cứu về Tính Hiệp Hành Trong Đời Sống Và Sứ Vụ Của Giáo Hội. Từ hiệp hành được Giáo hội Công giáo Việt Nam chuyển dịch từ danh từ Synod – hội nghị. Từ này được Ủy ban Thần học Quốc tế mô tả: “Synod là một từ cổ kính trong Truyền thống của Giáo hội, ý nghĩa của nó được rút ra từ những nội dung sâu xa nhất của Mặc khải […] Nó chỉ ra con đường mà Dân Chúa cùng nhau bước đi. …, đồng hành cùng nhau và tập họp trong cộng đoàn, được Chúa Giêsu quy tụ bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng”[14]. Như thế, Dân Chúa được tập hợp và cùng nhau bước đi dưới sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần nhằm đến mục đích loan báo Tin Mừng là những yếu tố cấu thành nên hiệp hành.

Khi giải thích về sự khác biệt các khái niệm hiệp thông, tính hiệp hành, tính hiệp đoàn (Communion, synodality, collegiality) Uỷ ban Thần học Quốc tế nói thêm: “Khái niệm tính hiệp hành (synodality) ám chỉ sự tham gia và tham dự của toàn thể Dân Chúa vào đời sống và sứ vụ của Hội thánh[15]. Thật thế, sự tham gia này được Giáo hội tổ chức theo hình thức thỉnh ý toàn Dân Chúa theo từng cấp bậc giáo hạt, giáo phận, quốc gia, châu lục và cuối cùng là Thượng hội đồng Giám mục Thế giới, góp phần xây dựng đời sống Giáo hội ngày một tiến triển hơn.

Có vẻ như thật khó để đưa ra một định nghĩa trọn vẹn về hiệp hành, vì thế người ta có thể tìm câu trả lời dưới góc cạnh khác bằng câu hỏi: Đâu là biến cố tiêu biểu cụ thể mang tính hiệp hành? Uỷ ban Thần học Quốc tế đã đưa ra câu trả lời: Công đồng các Tông đồ ở Giêrusalem (x. Cv 15 và Gl 2,1-10) là một biến cố mang tính hiệp hành sớm nhất[16]. Công đồng này giải quyết những vấn nạn đang xảy ra tại Antiokhia theo một tiến trình: Vấn nạn nảy sinh ® phái Phaolô và Banaba đi Giêrusalem ® tham khảo ý kiến các Tông đồ và Trưởng lão ® các Tông đồ và các Trưởng lão họp ® Phaolô và Banaba trình bày ® Thảo luận ® Phêrô, Tông đồ trưởng lên tiếng ® “Thánh Thần và chúng tôi quyết định” (Cv 15,28)[17]. Đây chính là một tiến trình hiệp hành kiểu mẫu[18]. Tiến trình này được Uỷ ban Thần học Quốc tế diễn tả: “Mọi người đều tích cực góp phần mình, mặc dù với nhiều vai trò và sự đóng góp khác nhau. Vấn nạn được trình bày cho toàn thể Hội thánh tại Giêrusalem, một cộng đoàn hiện diện xuyên suốt và đã tham gia vào quyết định cuối cùng (Cv 15,22). Nhưng ban đầu, những người được hỏi ý kiến là các Tông đồ (Phêrô và Giacbê mỗi người đều phát biểu) và các Trưởng lão, những người có thẩm quyền thi hành thừa tác vụ riêng biệt của mình. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng hướng dẫn Hội thánh trên con đường bằng việc bảo đảm sự trung thành với Tin Mừng của Chúa Giêsu, Giacôbê là người hướng dẫn Hội thánh tại Giêrusalem đã quyết định: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định” (Cv 15,28). Điều này được toàn thể cộng đoàn Giêrusalem (Cv 15,22) và sau đó là cộng đoàn ở Antiokia (Cv15,30-35) tiếp nhận và thông qua[19]. Ở đây, Chúa Thánh Thần đóng vai trò rất quan trọng như Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã từng nói khi còn làm Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin rằng: “Trở nên sự hiệp hành có nghĩa là tiến bước trong sự hoà hợp, được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần”[20].

Như thế đã rõ, “hiệp hành là cùng đi với nhau. Hội thánh hiệp hành là toàn thể Dân Chúa cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, hiệp thông với nhau tham gia vào sứ vụ của Hội thánh[21]. Sứ vụ ấy chính là loan báo Tin Mừng.

Nhìn ở góc độ xã hội học, Giáo hội không phải là một cá thể mà là một tập hợp nhiều con người với cùng một niềm tin và chung một thể chế. Câu hỏi đặt ra là trong tiến trình hiệp hành, vai trò cá nhân còn có giá trị hay đã bị tan biến trong tập thể bao la?

  1. Vai trò cá nhân trong tập thể

Câu hỏi trên thật có lý, bởi vì hiệp hành được định nghĩa là “đi cùng với nhau”. Và khi đọc các tài liệu về hiệp hành, người ta thường gặp các cụm từ như: cùng nhau tiến bước, cùng cất bước hành trình… Những cụm từ này cho người nghe có cảm giác đề cao yếu tố toàn thể, nhấn mạnh đến yếu tố chung. Vì thế, đôi khi cá nhân dễ bị tan chảy vào một tập thể, và có khi chỉ còn tồn tại như một con số, chứ không phải một con người mang đầy đủ tính cách riêng biệt, cá vị và độc lập của một hữu thể do Thiên Chúa tạo dựng độc nhất bất khả thay thế. Cá vị là cái thuộc về tôi, chỉ có nó tôi mới là tôi, tôi mới hiện hữu. Tôi có thể vác giúp bạn một cái valy nhưng tôi không thể chết cái chết của bạn được; tôi có thể mua cho bạn một bình ôxi nhưng tôi không thể thở giùm bạn; tôi có thể cho bạn vay tiền nhưng không thể cho bạn mượn tình yêu của tôi, bởi đó là tính cá vị của chính bản thể con người bất khả thay thế. Không có bản thể cá thể ấy, bạn không còn là bạn nữa, bạn đã bị tan chảy vào một tập thể bão hoà.

Nhưng thật ra, đó chỉ là giới hạn biểu đạt của từ ngữ. Trong thực tế, hiệp hành đi vào chiều kích đến từng cá nhân, chứ không biểu thị một tính đại đồng chung chung làm bão hoà hay làm lu mờ vai trò cá thể của mỗi con người. Thật thế, những hoạt động của hiệp hành không phải chỉ trao cho các nhà chuyên môn hay một nhóm người nhất định, mà cho từng tín hữu. Mỗi tín hữu là một nhân tố thực thi những đặc tính hiệp hành theo khả năng của riêng mình như Uỷ ban Thần học Quốc tế khẳng định: “Mỗi người có một vị trí và vai trò cụ thể… Cũng như trong thân thể con người, tất cả các chi thể đều cần thiết theo cách thức riêng biệt của chúng, thì trong Hội thánh cũng vậy, tất cả đều có phẩm giá như nhau nhờ Bí tích rửa tội (x. Gl 3,28; 1Cr 12,13) và tất cả đều đóng góp phần mình vào việc thực hiện chương trình cứu độ tuỳ theo mức độ ân sủng mà Chúa Kitô ban cho… Tất cả đều có trách nhiệm như nhau đối với đời sống và sứ vụ của cộng đoàn và tất cả đều được kêu gọi làm việc theo quy luật liên đới hỗ tương trong sự tôn trng các thừa tác vụ và đặc sủng riêng của họ, vì mỗi người tìm thấy sinh lực của mình trong Chúa (x. 1Cr 15,45)… Tất cả mọi người đều lắng nghe Chúa Thánh Thần qua việc chứng kiến hoạt động của Thiên Chúa và mỗi người đưa ra phán quyết của riêng mình[22]. Cũng trong tư tưởng ấy, cẩm nang cho Thượng Hội đồng về hiệp hành xác định thành phần tham gia vào tiến trình hiệp hành là những người đã chịu phép rửa[23].

Dù là mỗi cá nhân trong Giáo hội thực thi hiệp hành, nhưng mọi người đều đi chung một con đường mang tên Thầy Giêsu (x. Ga 14,6), lắng nghe một Thần Khí, và tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Đó là yếu tố căn cốt, là sợi chỉ xuyên suốt cho hành trình hiệp hành của mỗi tín hữu. Sợi chỉ này liên kết mọi thành phần dân Chúa lại thành một tập thể vững mạnh. Một mặt cùng tiến bước trên hành hình tiến về quê trời làm chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh; mặt khác cùng lắng nghe Chúa Thánh Thần mách bảo trong tâm hồn mỗi người để tìm giải pháp cho những vấn nạn của thời cuộc như Công đồng Tiên khởi Giêrusalem giải quyết vấn đề ăn thịt cúng và những tập tục của người Do thái cho các tín hữu mới được rửa tội lúc bấy giờ (x. Cv 15 và Gl 2,1-10). Đây cũng là điều mà Uỷ ban Thần học Quốc tế trình bày: “Cách xử lý của Công đồng Giêrusalem là một minh chứng sống động về sự kiện rằng con đường Dân Chúa tiến về phía trước là một điều gì đó có trật tự và được suy tính kỹ càng, ở đó mỗi người có một vị trí và vai trò cụ thể (x. 1Cr 12,12-17; Ep 4,4)[24].

Như thế, yếu tố cá nhân trong một tập thể luôn được đề cao và nhấn mạnh trong tiến trình hiệp hành. Một Giáo hội hiệp hành lớn mạnh là do mỗi tín hữu phải có khả năng hoạt động độc lập và làm tốt vai trò của mình trong Giáo hội, theo đặc sủng mà Thiên Chúa ban cho mỗi người. Đặc sủng ấy là của riêng cá nhân mà không ai có thể thay thế, là sự đóng góp không thể thiếu và bất khả khoan nhượng. Như trong một bức tranh, nếu thiếu một nét vẽ, bức tranh ấy không thể hoàn thiện và vẫn còn đó một điểm trống đợi chờ. Đó chính là điều mà cụm từ đường đi một mình muốn diễn tả.

Cũng có thể nói Đường đi một mình ấy chính là đời sống tâm linh hay tương quan cá vị của mỗi tín hữu với Thiên Chúa. Tương quan ấy mới góp phần làm nên chất lượng của hiệp hành trong Giáo hội.

  1. Một mình con với Chúa

Như đã tìm hiểu ở trên, mỗi cá nhân là một chủ thể[25] bất khả thay thế, chịu trách nhiệm và  tham gia vào tiến trình hiệp hành trong đời sống đức tin. Tính bất khả thay thế này của mỗi cá nhân trong một cộng đoàn hay Giáo hội là đường đi một mình. Đường đi một mình ấy gắn liền với thân phận và ơn gọi của mỗi con người là khách bộ hành đi trên con đường mang tên Giêsu tiến về Thiên quốc[26].  Con đường ấy trải dọc dài trên toàn bộ cuộc sống. Một mình con với Chúa và một mình Chúa với con. Đó chính là tương quan thẳm sâu của mỗi người tín hữu với Thiên Chúa và cũng là của người đan sĩ với Đấng tình quân mà họ đã kết ước qua lời tuyên khấn. Thuận ngữ  “Solus cum solo” – chỉ một mình mình với mình đối diện với Thiên Chúa đã nói lên khía cạnh sâu thẳm này.

Trong khi tham dự hiệp hành, mỗi tín hữu cũng nằm trong tiến trình kết hiệp cá vị này với Thiên Chúa. Chỉ liên kết với Ngài, con người mới có thể đón nhận được sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để lắng nghe và phân định chính xác các vấn đề được tham vấn. Nguồn mạch tạo sức mạnh cho hiệp hành là tiếp gặp Thiên Chúa và tương quan cá vị với Ngài chứ không hệ tại sự khôn ngoan phàm trần. Không có chiều kích này, hiệp hành trở thành một trò chơi chính trị hay là một cuộc điều tra mang tính xã hội học mà thôi. Thấy được tầm quan trọng ấy, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói trong buổi tĩnh tâm dành cho các nhân viên của Văn phòng Tổng Thư ký: “Thượng Hội đồng không phải là một nghị trường hay một cuộc thăm dò ý kiến. Thượng Hội đồng là một biến cố mang tính Giáo hội và Đấng đóng vai chính là Chúa Thánh Thần. Nếu không có Chúa Thánh Thần hiện diện, sẽ không có Thượng Hội đồng”. Cùng nhấn mạnh đến sự kết hiệp với Thiên Chúa,  Uỷ ban Thần học Quốc tế viết: “Việc thực hành tính hiệp hành làm cho lời kêu gọi của con người sống hiệp thông trở nên hiện thực, nhờ sự tự hiến chân thành, kết hiệp với Thiên Chúa và hiệp nhất với anh chị em của chúng ta trong Đức Kitô[27].

Sự tự hiến chân thành” ở đây chẳng phải là đời sống dâng hiến của đan sĩ qua lời tuyên khấn hay sao! Khi đan sĩ tuyên khấn là kết ước với Thiên Chúa qua sự chuẩn nhận của Giáo hội. Sự kết ước này là lời khấn công nhưng chủ thể khấn giữ lại là mỗi cá nhân đan sĩ sống trong cộng đoàn đan viện. Đó là tương quan cá nhân đan sĩ với Thiên Chúa hay còn gọi là đường đi một mình. Người đan sĩ lữ hành trên con đường ơn gọi của mình trong cộng đoàn họ đang sống, cũng như trong lòng Mẹ Giáo hội. Con đường ấy tiến về cùng đích là Thiên Chúa, là đồng hình đồng dạng với Đức Kitô . “Con đường là hình ảnh làm sáng tỏ sự hiểu biết của chúng ta về mầu nhiệm Chúa Kitô như là con đường dẫn đến Chúa Cha[28]. Chúa Giêsu là con đường từ Thiên Chúa đến với con người và từ con người đến Thiên Chúa[29]. Người đan sĩ đi trên con đường ơn gọi của mình là không những sống tương quan tận hiến cá nhân với Đức Kitô, mà còn mở rộng đến tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa như trong chương I của Tông huấn Đời sống Thánh hiến diễn tả. Hiệu ứng của mối tương quan ấy được biểu lộ trong nếp sống, trong tư cách, trong con người đan sĩ kín ẩn và chìm sâu vào linh đạo đan tu làm nổi bật lên hình ảnh Đức Giêsu trong cuộc sống của mình. Nói cách khác, đó chính là chất lượng tu trì của một ơn gọi.

Kết nối với thượng nguồn là Thiên Chúa, người đan sĩ mới lữ hành được một nửa chặng đường ơn gọi, nửa còn lại thuộc về sự quay trở lại đi từ Thiên Chúa đến với những người họ sống với, sống cùng, sống cho ngay trong cộng đoàn. Cũng như hình ảnh ba môn đệ lên núi Tabor với Chúa Giêsu, sau khi chứng kiến Chúa hiển dung, các ông lại cùng thầy Giêsu xuống núi về với thực tại gian trần. “Hội thánh hành trình với Chúa Kitô, qua Chúa Kitô và trong Chúa Kitô[30]. Vậy chẳng lẽ người đan sĩ lại sống ngoài Chúa Kitô?

Điều đó cũng có thể xảy ra, nếu người đan sĩ chỉ tuyên khấn nhưng không tuân giữ lời khấn, không lấy Đức Kitô làm đích điểm cuộc đời, thay vào đó là sự “vinh thân phì da”, là đời sống hưởng thụ, là xa rời lý tưởng tu trì, là sự an toàn khi đạt được danh hiệu linh mục. Sau khi khấn trọng, đặc biệt là khi làm linh mục rồi, một cách nào đó đan sĩ được đảm bảo an toàn về điều kiện căn bản của cuộc sống như ăn, ở, ngủ, nghỉ… Dù làm việc hay không, hàng ngày đan sĩ vẫn yên vị với ba bữa ăn đầy đủ và chỗ ở vững chãi.  Nói tóm lại, thay vì hiến thân thì tiến thân. Bởi danh hiệu đan sĩ trở thành vỏ bọc an toàn cho những toan tính phàm trần và sự ươn lười cá thể. Mặt trái của đường đi một mình nằm ở đây.

Đường đi một mình ở đây là khía cạnh đời sống thiêng liêng, là tương quan cá nhân với Thiên Chúa nên chỉ Thiên Chúa và cá nhân mới thấu tỏ, không ai có thể chen chân vào được. Nên ai cũng nghĩ là đan sĩ ấy đang sống tốt, đang thăng tiến trong đường tu đức, đang sinh hoa trái thiêng liêng cho Giáo hội cũng như cộng tác vào việc cứu rỗi các linh hồn. Nhưng mấy ai biết rằng, đường đi một mình nên ai cũng có thể che đậy mà không người nào có thể phát hiện cho đến ngày hiện diện trước toà Chúa. Mặt trái của đường đi một mình này bất kể ai cũng có thể vướng vào nếu không thức tỉnh.

Kết luận

Đường đi một mình hay tính cá vị của mỗi tín hữu không đi ngược lại trong tiến trình hiệp hành, không bị hiệp hành làm lu mờ hay tan biến trong tập thể tính, trái lại nó giữ vai trò then chốt và rất quan trọng. Bởi qua đó, người tín hữu mới lắng nghe được Chúa Thánh Thần dẫn dắt trên hành trình bước đi một mình và đưa ra những góp ý chuẩn mực khi được thỉnh ý. Nó là tương quan cá nhân với Thiên Chúa. Càng chìm sâu vào Thiên Chúa bao nhiêu, người đan sĩ càng thực thi hiệp hành tốt bấy nhiêu, bởi khi ấy họ kín múc được “tận nguồn ơn cứu độ” để nuôi sống thân cây là toàn Giáo hội. Mỗi người tín hữu đi tốt đường đi một mình là một điểm sáng. Tôi sáng lên, bạn sáng lên, mọi người cùng sáng lên, tất cả hợp lại tạo nên một biển sáng yêu thương, biển sáng nhân ái, biển sáng khiêm nhường. Những biển sáng đó hoà quyện vào nhau tạo nên khuôn mặt của Chúa Giêsu sống động và hiển hiện trong Giáo hội giữa lòng thế giới hôm nay. Qua đó mọi người tìm thấy niềm vui, hạnh phúc và ơn cứu độ nơi Đức Giêsu. Đó chẳng phải là mục đích của hiệp hành hay sao!

 

 

BƯỚC BÊN LỀ CỘNG ĐOÀN

Genado Majella Nguyễn Bá Quốc Long

Hiệp hành là bước đi cùng nhau, và Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận cũng trối lại: “Một đi chung cùng nhau”. Đây là một trong những yếu tố cơ bản hình thành nên đời sống cộng tu. Niềm thao thức của mỗi Đan sĩ Xitô là cộng đoàn cùng sống tình gia đình, cùng chung ý hướng và cùng nhau thực hiện lý tưởng theo sát Đức Kitô. Nhưng trong thực tế lại có những hiện tượng bước bên lề cộng đoàn, đó là những người đang sống trong cộng đoàn nhưng tâm hồn lại ở ngoài cộng đoàn. Dù họ là những đan sĩ đã khấn trọng nhưng vẫn còn có thái độ đứng núi này trông núi nọ”. Cụ thể, họ thường so sánh dòng này dòng kia, cộng đoàn này với cộng đoàn nọ, mà chẳng bao giờ để tâm xây dựng cộng đoàn mình đang sống. Điều hiển nhiên, cộng đoàn là nơi mọi người cùng chung nhịp bước, nhưng cũng có những người lạc bước bên lề cộng đoàn; có lẽ do cố tình hoặc đôi khi chỉ vô tình lạc bước mà không thể nhận thức được.

Dù trong trường hợp nào đi nữa, với tư cách là một thành viên của gia đình cộng đoàn, chúng ta được mời gọi để xem xét và nhìn lại những bước chân của chính mình trong cộng đoàn, với hy vọng xây dựng đời sống chung nên tốt đẹp và trọn vẹn hơn.

I. Dấu hiệu của người đang bước bên lề

  1. Sống ích kỉ, khép kín

Sống trong cùng một cộng đoàn, mọi thành viên sẽ tìm thấy niềm vui qua việc cùng sinh hoạt với nhau. Sự cởi mở và chia sẻ với nhau những khó khăn, vui buồn trong cuộc sống và công việc luôn là những điều tích cực mang tính xây dựng. Nhưng đối với người đang bước bên lề cộng đoàn thì hoàn toàn trái ngược, họ trở nên ích kỷ và ít quan tâm đến những người sống xung quanh. Những con người này chỉ tập trung vào chính mình, vào những vấn đề của mình và lo chăm chút cho bản thân. Cụ thể, với những công việc chung họ thường chểnh mảng và nhiều khi chẳng thèm quan tâm. Và điều tệ hại nhất trong các mối tương quan với anh chị em là họ trở nên thật lạnh lùng, khép kín, chẳng muốn chia sẻ bất cứ điều gì cho ai. Vả lại, khi được nhắc nhở góp ý họ trở nên cộc cằn, gắt gỏng và càng thu mình nhiều hơn. “Những người này dù đã sống lâu trong cộng đoàn nhưng dường như họ khép kín mình lại trong một thứ bệnh tâm thần nào đó. Họ trở nên cay cú, thất vọng, buồn chán. Dường như cộng đoàn không thể tiếp xúc, thậm chí họ từ chối cả những giao tiếp nhạy cảm nhất”[31]. Vô hình trung, họ đang tự chôn “những nén bạc” của mình cách ích kỉ và khép kín.

  1. Hay chống đối

Những người sống bên lề cộng đoàn thường bảo thủ trong những định kiến riêng của mình. Họ khó hài lòng và chấp nhận ý kiến của người khác nhất là những ý kiến chung. Cho dù có những lúc không chống đối ra mặt, nhưng họ sẽ ngầm chống đối bằng cách im lặng, hay tỏ ra không quan tâm, không tham gia vào bất cứ việc gì đã được đề ra qua sự nhất trí của cả cộng đoàn. Ngoài ra, họ luôn có thái độ bất mãn, nếu có nói thì cũng thường nói lời hai ý, thiếu khoan dung, cứng nhắc và thích chỉ trích người khác.

Một điều tệ hại nữa là những việc làm và thái độ của họ trong cuộc sống hầu như đều đi ngược lại với cộng đoàn, và làm cho anh chị em khó lòng chịu đựng nổi. Về điều này, Viện phụ Columba Marmion đã từng nói: “Một đan sĩ có thể tự tuyệt thông mình không những do thất tín hoặc do lối sống đạo sai lầm khiến họ lẩn tránh không thi hành những sự việc, thông lệ của đời sống tu mà còn bằng cách làm cho mình ra khác người”[32].

  1. Tìm kiếm nhiều tương quan bên ngoài

Những người đang bước bên lề cộng đoàn có thể thích những mối tương quan bên ngoài, muốn quen biết và kết thân với nhiều người. Thực sự, ý nghĩa của câu nói “Thân với người lạ, lạnh lùng với người nhà” quả là không sai khi nói về những người này. Một cách rõ ràng, khi ra ngoài thì họ thơn thớt nói cười, hiền lành, nho nhã, tử tế, vui tươi và cởi mở với mọi người bên ngoài, nhưng khi về cộng đoàn thì lại sống buồn bã, nóng nảy, cục súc, thường xuyên vô tâm, vô tứ với anh chị em cùng sống với mình.

Chính vì vậy, mỗi khi tâm hồn cảm thấy trống vắng, những người này dễ đi tìm sự khoả lấp từ những mối tương quan bên ngoài cộng đoàn. Điều này khiến họ cảm thấy đời sống cộng đoàn trở nên nặng nề, ngột ngạt, căng thẳng và dần dần dễ rơi vào khủng hoảng do không thể chia sẻ được với anh chị em cùng sống trong cộng đoàn. Nếu điều này cứ tiếp diễn, họ sẽ ngày càng bước những bước xa cộng đoàn hơn mà nhiều khi ý thức được tình trạng của bản thân.

II. Hậu quả của việc bước bên lề

  1. Cô đơn và mất bình an

Do không thể cởi mở và kết thân với anh chị em trong cộng đoàn, những người sống bên lề thường cảm thấy cô đơn và bất an. Việc sống theo ý riêng dần dà khiến họ không thể tìm thấy niềm vui trong những công việc và sinh hoạt của đời sống chung và không cảm thấy hài lòng với cuộc sống. Như thể “họ cảm thấy thật mâu thuẫn bởi một mặt họ muốn rời bỏ cộng đoàn; mặt khác, họ lại biết rằng họ chẳng có nơi nào khác để đến. Bởi vì, khi từ chối tất cả các tương quan, họ cảm thấy mình vô tích sự và không được yêu thương. Họ đang cô đơn khủng khiếp”[33]. Điều này gây ra bất an cho bản thân và cộng đoàn.

Hơn nữa, cũng chính vì những thái độ tiêu cực hay sự kép kín này làm cho mọi người trong cộng đoàn cũng ngại tiếp xúc. Có thể nói là họ tự tuyệt thông chính mình với đời sống cộng đoàn; họ như những chiếc thuyền mắc cạn ở bờ sông, tuy vẫn còn tiếp xúc với dòng nước, nhưng không còn được dòng nước nâng lên và đẩy ra khơi[34].

  1. Đánh mất giá trị và ý nghĩa đời tu

Khi sống khép kín và không tìm thấy niềm vui trong cộng đoàn, những người đang bước bên lề không còn cảm nhận được hạnh phúc khi phục vụ cộng đoàn. Họ đánh mất ý nghĩa và mục đích thuở ban đầu khi đến với đời tu[35]; thường gồng mình để chu toàn những nghĩa vụ đầy công đức thiêng liêng trong Tu luật, nhưng không cảm nhận được những nét đẹp cao quý, và tự biến đời tu trở nên căng thẳng và ngột ngạt.

Trong đời sống chung, những con người này không mấy quan tâm đến việc giúp đỡ lẫn nhau, thiếu lòng cảm thông và sự chia sẻ cùng anh chị em trong cộng đoàn. Khi thiếu vắng lòng mến Chúa và tình huynh đệ thì đời sống của họ sẽ trở nên nặng nề và không còn ý nghĩa. Từ đó, gây cho họ những suy nghĩ và cái nhìn tiêu cực về đời sống huynh đệ và thậm chí còn muốn phủ nhận những tích cực của đời sống cộng đoàn. Như vậy, sẽ còn lại gì ngoài sự tăm tối, thất vọng và nỗi thống khổ!

  1. Gây xáo trộn trong cộng đoàn

Khi không cùng chung bước với cộng đoàn, những người sống bên lề thường gây nên gương mù gương xấu và làm xáo trộn sinh hoạt của cộng đoàn. Thêm vào đó, sự thiếu cởi mở và cách sống ích kỉ của họ cũng sẽ gây ảnh hưởng đến tinh thần của anh chị em đồng tu. Họ không muốn hiệp thông với ai và cũng chẳng hài lòng với bất cứ điều gì. Nói chung, mọi hành động và cách hành xử của họ thật khó hiểu, hầu như chỉ muốn chia rẽ và phá đổ. Thái độ và cách sống lập dị của những người này làm ảnh hưởng đến đời sống chung của cộng đoàn.

Dẫu biết sự thật là thế, nhưng vì tình huynh đệ, vì tình yêu thương, cộng đoàn vẫn sẵn sàng tha thứ và chấp nhận người anh em như đang cưu mang cái “ung nhọt” cho tới ngày nó được chữa lành.

III. Cách thức để trở về

  1. Trở về với chính mình

Biết mình là một điều hết sức quan trọng trong tiến trình sửa đổi và hoàn thiện bản thân. Nếu không biết mình sai thì sẽ không bao giờ có thể sửa được cái sai ấy. Trong cuộc sống, dù chúng ta sống ở đâu hay ở môi trường nào thì cũng sẽ có những khó khăn và thách đố riêng. Là con người thì ai cũng có những yếu đuối và giới hạn riêng, nên trên bước đường tiến tới sự hoàn thiện sẽ không thể tránh khỏi những bước vấp ngã hoặc sai lạc. Nhưng điều quan trọng là mỗi người sẽ có thái độ nào để đón nhận và vượt qua những vấp ngã và sai lầm đó. Vì thế, chúng ta phải luôn ý thức về những yếu đuối, thiếu trưởng thành và sự nghèo nàn nơi nội tâm của mình. Khi suy nghĩ được về điều này, những vấp ngã sẽ trở thành bài học quý giá và là cơ hội để giúp rèn luyện bản thân chúng ta nên bản lĩnh, mạnh mẽ và trưởng thành hơn.

Không những thế, việc nhận biết mình còn là điều cần thiết để chúng ta suy xét và nhìn nhận về chính mình cách chân thật nhất trước mặt Thiên Chúa nơi lương tâm, chính khi đó chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những hạn chế của bản thân để sửa đổi. Bởi vì, “chúng ta chỉ nhận ra ý nghĩa thực của đời sống cộng đoàn khi chúng ta hiểu và chấp nhận vết thương của mình. Chỉ khi nào chúng ta đứng dậy, với tất cả những thất bại và đau khổ, và cố gắng giúp đỡ người khác hơn là rút lui vào vỏ ốc của mình, thì chúng ta có thể sống trọn vẹn đời sống cộng đoàn. Chỉ khi nào chúng ta thôi không còn dựa dẫm vào người khác, thì chúng ta mới trở nên sức sống và ủi an, bất chấp mọi vết thương đau. Chính khi đó chúng ta tìm thấy bình an”[36].

  1. Trở về với Luật dòng

Luật dòng là kim chỉ nam, là một phương thế tuyệt hảo giúp đan sĩ trở về đúng với con đường mà mình đã chọn và trung thành với lý tưởng theo sát Chúa Kitô. Khi tuân giữ Luật dòng, đan sĩ xây dựng đời sống của mình trong một khuôn khổ nề nếp vững chắc, cũng như từ bỏ con người cũ với tính ích kỷ, lười biếng, tự mãn, hưởng thụ, cùng những thói quen không phù hợp trong đời sống đan tu. Chính Vì thế, khi tuân giữ Luật dòng là trở về tinh thần của Cha Tổ phụ giúp mỗi đan sĩ trở nên những môn đệ thánh thiện đích thực, như lời mời gọi của Cha Tổ phụ: “Cha khuyên các con hãy nhớ: đàng nhân đức là tuân theo thánh ý Chúa, mà thánh ý Chúa là tuân giữ luật dòng cho trọn. Cha còn nói một lần nữa, chúng con muốn nên thánh thì hãy giữ luật dòng; muốn nên thánh thì hãy giữ luật dòng” (DN, số 150: Lời Trối).

  1. Trở về với đời sống cầu nguyện

Cầu nguyện là hơi thở, là yếu tố thiết yếu cho đời sống chiêm niệm. Đan sĩ là con người cầu nguyện. Cho nên, cuộc đời đan sĩ phải thấm nhuần tinh thần cầu nguyện. Việc cầu nguyện sẽ giúp mỗi người nhớ lại những ân huệ mà Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời. Khi thật sự thinh lặng trước Thánh Thể và đặt mình dưới chân Thánh giá trong ánh sáng của Tin Mừng, chúng ta tìm được sự nâng đỡ và mạnh dạn nhận ra vấn đề của mình để cùng hòa nhập với anh chị em và cộng đoàn. Như vậy, cầu nguyện giúp đan sĩ thêm sức mạnh để có thể đón nhận tất cả trong niềm hy vọng, tin tưởng và tín thác nhằm tiếp tục bước đi mà không sợ vấp ngã. Thiên Chúa vẫn luôn tin tưởng chúng ta, thì chúng ta sẽ dễ dàng để tin tưởng vào bản thân mình và anh chị em.

  1. Sống tương quan gia đình trong cộng đoàn

Để sống tốt mối tương quan tình gia đình trong cộng đoàn, mỗi người cần khiêm tốn nhìn nhận mình giới hạn, yếu đuối và luôn cần đến sự nâng đỡ từ người khác. Chính sự cởi mở chân thành và sự khiêm hạ sẽ giúp chúng ta dễ dàng hàn gắn các mối tương quan đã từng rạn nứt trong cộng đoàn. Khi dám bước ra khỏi cái tôi kép kín của bản thân, chúng ta sẽ cảm nghiệm được sự đón nhận và cảm thông từ chính bề trên và từ anh chị em, đặc biệt từ Thiên Chúa. Bởi vì, sự đón nhận đầu tiên khi ta trở về bắt nguồn từ Thiên Chúa: “Con người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). Khi đó, tình yêu thương từ các thành viên trong cộng đoàn sẽ là phương thuốc hữu hiệu giúp chữa lành mọi vết thương, bằng chính sự tha thứ, đón nhận và sự nâng đỡ, cũng như giúp những người lạc bước can đảm cởi bỏ sự tự ti, mặc cảm để dám trở về và nhập bước cùng cộng đoàn. Chính lúc chúng ta cư sử với nhau bằng tình bác ái, chúng ta thực hiện ơn lời mời gọi của Đức Giêsu[37]: “Mọi người sẽ nhận ra anh em là môn đệ của Thầy ở  điểm nảy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Nhờ đó, tình huynh đệ cộng đoàn trở nên sâu sắc và thắm thiết hơn, để có thể bước đi chung cùng nhau. Thật vậy, không có gì tốt đẹp ngọt ngào hơn một cộng đoàn trong đó tất cả mọi người đều thực sự yêu thương và tin tưởng lẫn nhau: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau” (Tv 132,1). Thật là hạnh phúc cho cộng đoàn khi có Chúa đồng hành và đổ tràn ơn phúc xuống trên anh chị em, để mỗi người sống trọn ước nguyện của Đức Giêsu: xin cho hết thảy họ nên một (x. Ga 17,23).

Lời kết

Mỗi giây phút sống đều có giá trị khi mỗi người biết nhận ra và tận dụng nó như là cơ hội để sửa mình. Dù là điều tích cực hay tiêu cực thì đều mang đến cho chúng ta những bài học và kinh nghiệm quý báu trong cuộc sống, bởi vì “Thiên Chúa luôn làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai mến yêu Người” (Rm 8,28).

Niềm tin vào Thiên Chúa, vào khả năng đổi thay phận người và sự đón nhận của cộng đoàn sẽ giúp chúng ta duyệt xét lại đời sống của chính mình trong tương quan với Chúa và với anh chị em. Chính tình yêu Thiên Chúa và sự nâng đỡ của anh chị em mang lại cho chúng ta sức mạnh, sự bình an để can đảm đối diện với những nguy khó của cuộc đời và bước trọn con đường dâng hiến mà Chúa đang mời gọi. Nhờ đó, chúng ta tránh được nguy cơ lạc “bước bên lề cộng đoàn”. Dù có những lúc ở một vài chặng đường nào đó chúng ta có bước lỡ một vài nhịp, thì niềm hy vọng vào sự tha thứ, sự đón nhận từ Thiên Chúa và cộng đoàn sẽ là động lực để giúp bản thân hoán cải mỗi ngày. Bởi, “một đi chung cùng nhau” chính là sự chấp nhận và hiệp nhất với nhau, để yêu thương và sống chết cùng nhau theo tâm tình của thánh Phaolô: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,7).

 

 

ĐỒNG TRÁCH NHIỆM VÀ SỨ VỤ

FM. Mai Thi

Warren Buffett đã lặp lại câu ngạn ngữ của Phi châu: “Nếu muốn đi nhanh thì hãy đi một mình. Nếu muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”.

Lời khuyên của tỷ phú người Mỹ trên đây nhằm đưa ra một “triết lý kinh doanh” hơn là quan tâm đến những khía cạnh khác trong đời sống con người. Tuy nhiên, nếu áp dụng tinh thần của lời khuyên đó vào bất cứ lãnh vực nào khác cũng đều hữu ích. Khi người ta muốn tiến thật xa, thật chắc chắn trên con đường sự nghiệp hay tương lai của mình thì cũng hãy đi cùng nhau, cùng dìu nhau và khích lệ nhau tiến bước; còn đối với các Đan sĩ Xitô Thánh Gia thì đó là lòng say mến, sự tín trung, tinh thần đồng trách nhiệm và hăng say thi hành sứ vụ mà mỗi thành viên đã, đang và sẽ tiếp tục đảm nhiệm trong cuộc đời của mình.

Các đan sĩ trong Hội dòng luôn luôn được mời gọi “đi chung cùng nhau” theo lời trối của Cha Tổ phụ (DN. Số 150), bằng cách có cùng thao thức, mang chung trách nhiệm và nhiệt thành thi hành sứ vụ qua từng sinh hoạt lớn nhỏ của nếp sống chung, nhất là trong đời sống thiêng liêng hằng ngày để nên hoàn thiện như Cha trên trời (x. Mt 4,8), vốn là đòi hỏi triệt để đối với người môn đệ đi theo Đức Giêsu Kitô. Như vậy, “Đồng Trách Nhiệm Và Sứ Vụ”, là cách thế áp dụng vào thực tiễn của mỗi đan sĩ.

  1. Phân biệt các hạn từ

* Hạn từ “trách nhiệm”

Đại Từ điển tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên đã đưa ra định nghĩa ngắn gọn như sau: “Trách nhiệm” là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình[38].

Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ viết: “Trách nhiệm” là phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, người nhận nó phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả[39].

Như vậy, “trách nhiệm” gần nghĩa với bổn phận, công tác hoặc nhiệm vụ: công việc phải làm, phải gánh vác hoặc sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình để bảo đảm tính đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh chịu phần hậu quả.

* Hạn từ “sứ vụ”

Theo Linh mục Stêphanô Huỳnh Trụ, hạn từ “sứ vụ” theo hai nghĩa[40]:

– Nghĩa thông thường: Sứ vụ có nghĩa là “việc được giao để ra đi thực hiện”, đồng nghĩa với sứ mệnh: “Lệnh truyền quan trọng được giao để ra đi thực hiện”.

– Nghĩa Công giáo:

Nghĩa hẹp: Việc truyền giảng Phúc Âm và thiết lập nhiều cộng đoàn giữa những người chưa thuộc về Giáo hội.

Nghĩa rộng: Ơn gọi nền tảng của Hội thánh để trở thành bí tích phổ quát của ơn cứu chuộc.

Theo Từ điển Công giáo, “sứ vụ” là việc được giao. Sứ vụ còn gọi là tác vụ, là thuật ngữ diễn tả những công việc hay những hình thức đa dạng của việc thực thi sứ mạng. Sứ vụ đa dạng là tùy vào nhu cầu, hoàn cảnh của con người và môi trường sống[41].

Có người cho rằng hai từ “trách nhiệm” và “sứ vụ” khá gần nghĩa với nhau, nhưng xét ở góc độ nào đó, thì những hạn từ này khác nhau khá nhiều: trách nhiệm thuộc phương diện lý thuyết, còn sứ vụ hướng đến khía cạnh thực hành. Nhưng nếu áp dụng cả hai khái niệm đó vào lời khuyên của cha Biển Đức Thuận thì “một đi chung cùng nhau” có nghĩa là không còn chuyện riêng lẻ, đơn lập, thuần túy cá nhân mà tất cả mọi người có sự đồng thuận, cộng tác, hiệp nhất, có tinh thần đồng trách nhiệm và cùng nhau thi hành sứ vụ.

Mặc dù tính tập thể, tinh thần và mục tiêu chung đặt ra như thế nhưng để có thể đạt được hiệu quả, mục đích thì mỗi cá nhân trong tập thể đều cần chu toàn trách nhiệm và sứ vụ của riêng mình cách trọn vẹn, trung tín và nghiêm túc nhất.

  1. Đồng trách nhiệm trên phương diện cá nhân

Trong đời sống cộng đoàn, đan sĩ đón nhận và đảm nhận nhiều công việc khác nhau và khi hoàn thành trách nhiệm được Bề trên trao phó ở mỗi thời điểm và môi trường khác nhau là đan sĩ đã làm công việc của Chúa và cho Chúa. Những việc của họ, dù lớn hay nhỏ, đều nhắm mục đích làm sáng danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Qua việc vâng lời Bề trên, các đan sĩ nhất tâm cộng tác với các ngài cùng nhau xây dựng trường phụng sự Thiên Chúa.

Để hướng đến giá trị cao nhất và chu toàn cách tốt đẹp nhất những công tác hằng ngày dù thiêng liêng hay vật chất, trí óc hay tay chân, nhẹ nhàng hay nặng nhọc… thì đan sĩ phải biết rõ những đòi hỏi của công việc, đồng thời biết mình cần có những khả năng và kỹ năng nào. Mỗi người trong cộng đoàn đóng một vai trò khác nhau, như những chi thể để xây dựng thân thể Chúa Kitô. Từ đó, họ mở ra với các tương giao huynh đệ trong tinh thần đồng trách nhiệm để cộng tác vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận cũng khuyên các đan sĩ: “Mọi việc bổn phận phải làm hằng ngày, hãy làm cho chăm chỉ và tử tế” (DN. Số 132).

Ngày nay, người ta đề cao nhiều đến tính cá nhân, cá vị, nhân quyền, tính tự quyết, và tính độc lập. Nó vừa là thế mạnh khi trao trách nhiệm cho từng người đảm nhận nhưng cũng là một thách đố không nhỏ nếu mỗi cá nhân thiếu sự cộng tác, thích thể hiện bản thân hơn là phục vụ trong khiêm tốn. Nếu tự do và cá nhân chủ nghĩa được đề cao quá mức thì tinh thần trách nhiệm cộng đoàn có nguy cơ sẽ suy yếu. Nếu người ta nghĩ quá nhiều về bản thân, cho mục tiêu cá nhân, cho lợi ích riêng tư, thì người ta sẽ không còn thời giờ cho người khác, dẫn đến việc thờ ơ lãnh đạm với người khác hoặc không thiết tha với kế hoạch chung được đề ra.

Trong Giáo hội nói chung cũng như đan viện nói riêng, việc ủy quyền, việc phân chia công tác không chỉ dựa vào khả năng mà còn dựa vào sự tín nhiệm. Không phải vì có khả năng mà đã đủ điều kiện để được ủy thác một nhiệm vụ nào đó; mà đương sự còn phải được viện phụ và cộng đoàn tín nhiệm. Điều này đòi hỏi nơi đương sự một sự trưởng thành nhân cách và phong cách sống.

Mỗi người đều chịu trách nhiệm với Chúa, với anh chị em, với cộng đoàn và với chính mình. Cùng với việc chu toàn trách nhiệm riêng, Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận mời gọi mọi người cùng nhau xây dựng đời sống chung, xây dựng cộng đoàn của mình.

  1. Đồng trách nhiệm trên phương diện cộng đoàn

Người Việt Nam có câu ca dao rất gần gũi và mang triết lý sâu sắc: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Đúng vậy, đây được coi là “chân lý” và không ai có thể phủ nhận giá trị của nó. Tất cả mọi người, kể cả đan sĩ đều có nhu cầu kết nối, tương giao với một cộng đồng xã hội nhất định, cùng đi chung với nhau, cùng đi trên một con thuyền, cùng nhau rời bến và cùng nhau cập bến. Đức Thánh cha Phanxicô nói rằng: “Người tu sĩ không thể lớn lên trong đời sống thánh hiến và không biết tự luyện bản thân nếu không có ai khác bên cạnh mình. Các tu sĩ phải luôn tìm cách để bước đi trong hành trình đời tu với một người bạn đồng hành lớn tuổi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn và đây là điều cần thiết để chống đỡ đời tu, đừng ai bước đi trong đơn độc lẻ loi. Bạn đồng hành cũng như người được đồng hành cũng cần phải xin ơn để biết lắng nghe, biết đồng hành”.

Nữ văn sĩ người Mỹ Helen Keller có một câu danh ngôn nổi tiếng: “Một mình, ta làm được rất ít; cùng nhau, ta làm được rất nhiều – Alone we can do so little; together we can do so much”. Cũng một tư tưởng như thế, Huấn thị Đời sống Huynh đệ trong cộng đoàn viết: “Hiệu quả của đời sống tu trì tuỳ thuộc vào phẩm chất của đời sống huynh đệ cộng đoàn. Hơn nữa, đặc điểm của phong trào canh tân trong Giáo hội và trong đời tu là tìm kiếm sự hiệp thông và cộng đoàn[42]. Vì thế, khi sống dưới cùng một mái nhà, các thành viên cùng sống, cùng làm, cùng chia sẻ mọi sinh hoạt với nhau trong một cộng đoàn như nhà của mình. Mối tương quan hỗ tương giữa các thế hệ trong cộng đoàn với nhau vừa thể hiện tình yêu với Chúa vừa thể hiện tình yêu thương anh chị em. Tất nhiên mọi người, bất cứ là ai đều có nghĩa vụ xây dựng và giữ gìn ngôi nhà của mình.

Trong khi cùng nhau xây dựng cộng đoàn, mỗi người chúng ta phải có sáng kiến để xây dựng nhà của mình ngày một phát triển, qua sự chia sẻ cùng với anh chị em mình đồng thời giúp nhau thi hành những sứ vụ được trao. Đồng trách nhiệm không có nghĩa là mọi người có bổn phận ngang nhau. Vì thế, sống trong đan viện đừng có ai chỉ biết lo cho bổn phận riêng của mình nhưng cần chia sẻ cộng tác với nhau trong đức ái. Mỗi người cần đóng góp tài năng, khả năng, sở trường của mình để giúp cho đời sống cộng đoàn thêm phong phú, nhưng chúng ta đừng biến mình thành người lập dị so với anh chị em khác trong cộng đoàn, hay làm cho mình quá nổi trội, lấn át người khác. Làm thế nào để mọi người đạt tới từng cấp độ bác ái khả dĩ đi từ chấp nhận đến kính trọng, từ đón nhận đến dâng hiến.

Ngay từ đầu, nhất thiết phải chuẩn bị để mình không phải là khách bàng quan của cộng đoàn, nhưng trên hết, phải là những người xây dựng cộng đoàn; những người có trách nhiệm đối với sự thăng tiến của cộng đoàn; những người cởi mở và có khả năng lãnh nhận hồng ân của người khác; những người có thể giúp đỡ và được giúp đỡ; những người có thể thay thế và có thể được thay thế[43].

Việc xây dựng cộng đoàn không những chỉ giới hạn ở các công việc, tương quan huynh đệ, tổ chức đời sống… mà còn ở nhiều phương diện khác thuộc đời sống đan tu nữa. Ý thức được tầm quan trọng của đời sống cộng đoàn, cũng như nhận ra được nét đẹp và vị thế quan trọng của gia đình đối với người Việt Nam, Cha Tổ phụ Biển Đức Thuận đã muốn tổ chức cộng đoàn theo “mô hình” của một gia đình. Chính ngài đã nói: “Nhà Dòng này cũng là một gia thất” (DN. Số 139). Và lời khuyên “một đi chung cùng nhau” là các đan sĩ sống căn tính của mình, sống sứ vụ đặc thù của Dòng, đặc biệt là việc cùng nhau nên thánh.

  1. Đan sĩ sống có trách nhiệm với sứ vụ

Hành trình nên thánh bao giờ cũng ngang qua tình yêu và phục vụ. Đan viện là nơi quy tụ những con người từ khắp nơi, nay trở thành anh chị em có cùng một cha và sống tình huynh đệ đích thực bằng việc “yêu thương nhau và giúp đỡ nhau” (DN. Số 33). Cha Tổ Phụ dạy các đan sĩ: “Chúng tôi hãy yêu thương nhau, hãy giúp nhau, hãy gánh đỡ gánh nặng cho nhau, hãy nhịn nhục nhau khi lầm lỗi, lấy đức thương yêu mà che đậy nết xấu của nhau, đừng xét nét anh em khi không phải việc mình…” (DN. Số 16). Vì thế, mỗi đan sĩ luôn được nhắn nhủ phục vụ lợi ích chung của cộng đoàn. Bên cạnh đó, chúng ta sống trong tinh thần hy sinh cho nhau, cùng nhau chia sẻ những niềm vui nỗi buồn trong đời sống thiêng liêng cũng như đời sống thường nhật, và cùng nhau vượt qua những khó khăn trong sứ vụ.

Sự cần thiết của đời sống chung là mỗi người và mọi người đều biết lắng nghe nhau một cách trân trọng, giúp nhau sửa đổi trong tinh thần huynh đệ, gặp gỡ, đối thoại với tất cả sự tôn trọng lẫn nhau. Đức Thánh cha Phanxicô viết lời tựa cho cuốn sách “Chúng ta hãy sang bờ bên kia” của tác giả Lm. Benito Giorgetta, với những lời như sau: “Nếu bạn để người khác ở trong lỗi lầm của họ, không sửa chữa họ, bạn là người đồng chịu trách nhiệm, điều này giống như những người chứng kiến những vụ tai nạn trên đường, nhưng bỏ qua không dừng lại”. Cũng vậy, trong lời giáo huấn, Cha Tổ Phụ dạy: “Khi thấy anh em lỗi luật rõ ràng, thì phải giúp nhau, hoặc thưa với bề trên…. Nhà Dòng không có ý chi khác, chỉ có một ý giúp nhau tấn tới trong đàng kính mến Chúa, cùng làm cho nhiều người kính mến Chúa nữa. Đó là mục đích chúng ta, ai nấy phải lo cho được” (DN. Số 138).

Trong bài nói chuyện với Tổng hội của Dòng Xitô Thánh Gia về chủ đề “Một Đi Chung Cùng Nhau”, Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt liệt kê những khía cạnh của chủ đề này như sau[44]:

– Đi chung cùng nhau là chấp nhận nhau
– Đi chung cùng nhau là yêu thương nhau
– Đi chung cùng nhau là làm việc với nhau
– Đi chung cùng nhau là hợp nhất với nhau
– Đi chung cùng nhau là sống chết với nhau

Và “Đồng trách nhiệm và sứ vụ” này cũng có những khía cạnh như vậy. Vì nó không chỉ trong các công tác phục vụ cộng đoàn mà ngay cả trong lời cầu nguyện và đó là nghĩa vụ hằng ngày của đan sĩ (x. DN, số 118).

Thiên Chúa thánh hiến một ai đó là nhằm trao cho họ một sứ vụ và sứ vụ diễn tả sự tận hiến của họ cho Thiên Chúa để thi hành chương trình cứu độ dành cho nhân loại. Thánh Têrêsa Calcutta đã nói: “Mỗi người chúng ta được trao ban một sứ vụ để chu toàn, đó là sứ vụ của tình yêu”. Mà theo thánh Phaolô: yêu thương là chu toàn mọi lề luật, là nên người trọn hảo.

Nên thánh là trách nhiệm và là mục đích tối thượng trong cuộc đời dâng hiến của đan sĩ. Nhưng để “nên hoàn thiện như Cha trên trời”, đan sĩ cần trở về với thực tại cuộc sống bằng cách kiên trì chu toàn trách nhiệm và bổn phận trong tình yêu mến. Vậy đâu là trách nhiệm, đâu là sứ vụ của các đan sĩ thuộc Hội dòng Xitô Thánh Gia?

Ba phần vụ chính cũng là sứ vụ của mỗi đan sĩ được ghi lại trong Di Ngôn của Cha Tổ Phụ, số 139: “Chúng ta đã biết, Luật dòng này có ba việc phải làm.”

Đọc kinh, hát lễ thay cho cả Hội thánh: thờ phượng, ca ngợi Chúa.

Học hành, đọc sách thiêng liêng, suy gẫm và kết hiệp mật thiết với Chúa.

Làm việc xác. Ở nhà dòng phải làm việc, ai theo sức nấy.

Ba phần vụ này gồm tóm tất cả linh đạo của Hội dòng Xitô Thánh Gia, nó diễn tả hoạt động thường ngày của một đan sĩ: Từ đời sống cầu nguyện chiêm niệm cho đến việc học hành và lao tác vốn là sứ vụ mỗi đan sĩ cần chu toàn hằng ngày trong ơn gọi của mình. Giá trị và công phúc của mỗi việc làm nhiều hay ít hệ tại ở cộng đoàn tính và động lực tính khi thực hiện chúng. Nếu đan sĩ chỉ làm theo ý thích của mình hoặc thỏa hiệp hay chạy theo xu hướng của xã hội, họ sẽ có nguy cơ đánh mất căn tính của mình. Giáo hội luôn mời gọi chúng ta: hãy “Xuất phát lại từ Đức Kitô”[45] hãy trở về với “đoàn sủng của Đấng sáng lập”[46]. Đó là nền tảng cho mọi nhận định, mọi phân định, mọi dự định, và mọi quyết định của chúng ta.

Đối với Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, trước hết và trên hết, mọi người có trách nhiệm giúp nhau nên thánh, cùng nhau nên thánh: “Một đi chung cùng nhau”. Ngài dạy: “Việc bổn phận chúng ta là lo kết hợp với Chúa, kính mến Chúa, và lo cho thêm số những người kính mến Chúa” (DN. Số 140). Đan sĩ không làm gì khác ngoài sứ mạng mình nhận được từ Thiên Chúa và Hội thánh. Điều này được tóm kết trong Tông huấn Đời sống Thánh hiến:Người tận hiến ‘được sai đi’ do chính sự được thánh hiến của mình, người ấy làm chứng cho sứ mạng theo lý tưởng của tu hội mình. Đời sống và chứng tá hoạt động tông đồ đều cần thiết: cả hai đều nhằm làm cho Ðức Kitô hiện diện, Người là Ðấng vừa được thánh hiến cho vinh quang của Chúa Cha, vừa được sai đến với thế gian nhằm cứu độ anh chị em mình[47]. “Khi xét sứ mạng của Giáo hội là phải biểu lộ sự thánh thiện, thì với cái nhìn khách quan, đời thánh hiến đứng ở một bình diện ưu việt, bởi vì phản ánh chính lối sống của Ðức Kitô. Chính vì thế, đời thánh hiến biểu lộ phong phú những giá trị của Tin Mừng và làm sáng tỏ trọn vẹn hơn mục tiêu của Giáo hội là thánh hoá nhân loại[48].

Lời kết

Đức Thánh cha Phanxicô khẳng định: “Đời sống thánh hiến được sinh ra trong Hội thánh, chỉ có thể lớn lên và mang lại hoa trái Tin Mừng trong Hội thánh, trong sự hiệp thông sống động với đoàn tín hữu[49].

Với các đan sĩ thuộc Hội dòng Xitô Thánh Gia, sự hiệp thông với các tín hữu khác được hiểu là chính anh em hay chị em trong đan viện mình. Cũng vậy, niềm vui mà chính họ có nơi bản thân hay lan tỏa ra cho người khác cũng khởi đi từ chính cộng đoàn đan viện của mình. Cùng với việc cố gắng chu toàn trách nhiệm được trao, những sứ vụ đòi hỏi phải chu toàn, thì ưu tiên hàng đầu của người đan sĩ vẫn phải là tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự để trong mọi ngày sống, đan sĩ sống mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Phát xuất từ chọn lựa ấy, quy luật tối thượng của mọi Hội dòng là luật của Tin Mừng.

Sự hiệp thông huynh đệ là điều kiện để mỗi phần tử thể hiện trách nhiệm và sứ vụ của mình trong và qua cộng đoàn. Tình bác ái yêu thương là động lực thúc đẩy mỗi thành phần của cộng đoàn ngày một lớn lên trong tình yêu mến Chúa và tha nhân, ngõ hầu thăng tiến bản thân và xây dựng cộng đoàn theo đặc sủng riêng của đấng sáng lập.

DIỄN VĂN KHAI MẠC TỔNG CÔNG NGHỊ DÒNG XITÔ

của Tổng phụ Mauro-Giuseppe Lepori, O.Cist., tại Aricca,
ngày 9 tháng 10 năm 2022

 

Kính thưa quý Viện phụ Hội Trưởng, quý Viện mẫu Hội Trưởng

Kính thưa cha Tổng quản lý,

Kính thưa quý Viện phụ, quý Viện mẫu, quý Bề trên nam nữ, cùng toàn thể mọi thành viên của Tổng công nghị.

Một lần nữa, chúng ta lại hiện diện nơi đây sau 7 năm kể từ Tổng Công Nghị lần trước. Những năm tháng này qua đi với rất nhiều khó khăn và thử thách, chúng được đánh dấu bởi đại dịch Covid-19, bởi sự mong manh ngày càng gia tăng nơi các cộng đoàn của chúng ta, bởi một số vị bề trên đã bị sa thải vì những vi phạm nghiêm trọng và những lạm dụng quyền lực.

Trong quá trình hình thành Tổng công nghị của chúng ta, nhiều diện mạo đã đổi thay: có 7 vị Viện phụ Hội trưởng đã được thay thế, và chúng ta có thêm một Hội dòng mới nữa, đó là Hội dòng thánh Gertruđê Cả. Viện phụ Hội trưởng Êugiêniô Romagnuolo, của Hội dòng Casamari, đã là nạn nhân của Covid, và đã qua đời rất sớm, ngay từ đầu tháng 4 năm 2020. Trong khoảng thời gian này, toàn Dòng chúng ta đã có khoảng 43 bề trên mới (một nửa số thành viên của Tổng công nghị), trong đó có 7 vị là giám quản. Vì nhiều lý do khác nhau, hiện nay có 13 cộng đoàn đã mất tư cách là nhà tự trị (sui iuris). Hiện tại chỉ có thêm một Bề trên của một Đan viện mới được tự trị (sui iuris), đó là Đan viện Phước Hiệp ở Việt Nam. Những nhân vật cao cả trong Dòng đã kết thúc sứ vụ của họ một cách trung tín. Viện mẫu Gemma Punk của Nữ Đan viện Regina Mundi đã xin từ chức sau 75 năm phục vụ cộng đoàn với tư cách là Bề trên. Chúng ta biết Viện mẫu ấy đã “tại vị” lâu hơn cả Nữ hoàng Elisabeth nữa! Viện mẫu Rosaria Saccol, thuộc Nữ Đan viện thánh Giacôbê Veglia, đã từ nhiệm sau 51 năm phục vụ, và đã trở về Nhà Cha, ngày 23 tháng 11 năm 2021 trong sự thánh thiện. Viện mẫu Irmengard Senoner, thuộc Nữ Đan viện Mariengarten cũng vừa mới kết thúc sứ vụ Viện mẫu sau 39 năm phục vụ cộng đoàn.

Ngoài những người tôi vừa đề cập trên đây, tôi cũng muốn đề cập đến các vị bề trên đã trở về Nhà Cha trong những năm vừa qua: Viện phụ Gerađô Hopstaken, nguyên Viện phụ Hội trưởng của Hội dòng Đức Mẹ Ban Ơn; Viện phụ Gioan Vương Đình Lâm, nguyên Viện phụ Hội trưởng của Hội dòng Xitô Thánh Gia; Viện phụ Ambrôsiô Luigi Rottini, nguyên Viện phụ Hội trưởng của Hội dòng thánh Bênađô ở Ý; Viện mẫu Consolata của Đan viện Frauenthal, Viện mẫu Assunta của Đan viện thánh Susanna; nguyên Viện phụ Bảo Tịnh của Đan viện Mỹ Ca, Viện phụ Christiani của Đan viện Rein; Viện phụ Denis của Đan viện Dallas; Viện mẫu Presentación Muro của Đan viện thánh Đa Minh Calzada; Viện mẫu Agnes của Kismaros. Một sự mất mát đau buồn khác đối với toàn Dòng, đó là sự ra đi đột ngột của cha Sebastianô Paciolla, vào ngày 22 tháng 6 năm 2021 vừa qua.

Sau bảy năm kể từ Tổng công nghị trước, các thành viên của Tổng công nghị có quyền bầu cử đã giảm từ 100 xuống còn 87 vị. Các thành viên của Dòng, mặc dù các quốc gia và một số cộng đoàn ở Âu châu và Hoa Kỳ vẫn còn có đủ ơn gọi, đã giảm từ khoảng 2500 thành viên xuống còn 2217 thành viên.

Như tôi đã thân thưa với Đức thánh cha khi tôi tiếp kiến ngài vào ngày 13 tháng 6 vừa qua: “Chúng con đang trải qua thời gian khó khăn, nhưng chúng con đang bước đi gần nhau hơn.” Để trả lời cho những ưu tư của tôi, Đức thánh cha Phanxicô đã dùng câu ngạn ngữ châu Phi: “Nếu bạn muốn đi nhanh, hãy đi một mình, nhưng nếu bạn muốn đi an toàn, hãy đi cùng với những người khác.”

Vâng, tôi nghĩ chúng ta đang bước đi gần nhau hơn, mặc dù không phải luôn luôn và không phải đối với tất cả mọi người. Cuối cùng, với Tổng công nghị này, chúng ta sẽ xem tôi nói thật hay nói dối Đức Giáo hoàng. Tôi hy vọng rằng anh chị em sẽ không bắt tôi phải đi xưng tội vì điều trên đây!

Mục đích của Tổng công nghị là gì?

Cách đây 903 năm, Hiến Chương Đức Ái (Carta Caritatis) đã lặp lại mục đích của Tổng công nghị như sau: “Khi các ngài nói về phần rỗi các linh hồn; các ngài sẽ ấn định điều gì phải được chỉnh đốn hay thêm vào trong việc tuân giữ thánh Luật và những chỉ thị của Dòng; các ngài sẽ phục hồi sự bình an và đức ái huynh đệ[50].

Điều này gợi nhớ lại nhiều lời giáo huấn của các tông đồ, chẳng hạn như lời của thánh Phaolô nói với cộng đoàn Êphêxô: “Vì vậy, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau. Anh em hãy thiết tha duy trì sự hợp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người. […] Nhưng, sống theo sự thật và trong tình bác ái, chúng ta sẽ lớn lên về mọi phương diện, vươn tới Đức Kitô vì Người là Đầu. Chính Người làm cho các bộ phận ăn khớp với nhau và toàn thân được kết cấu chặt chẽ, nhờ mọi thứ gân mạch nuôi dưỡng và mỗi chi thể hoạt động theo chức năng của mình. Như thế Người làm cho toàn thân lớn lên và được xây dựng trong tình bác ái” (Ep 4,1-6.15-16).

Đức thánh cha Phanxicô, với tất cả những sự khích lệ của ngài đã làm sống lại bản chất hiệp hành của Hội thánh, giúp chúng ta tái khám phá đặc sủng Xitô của mình, chính xác như việc “đi chung cùng nhau” của các cộng đoàn được nối kết bởi cùng một ơn gọi, bởi cùng một niềm hy vọng, một đức tin, một đức ái. Trong các lá thư của tôi và trong một số hội nghị trong bốn năm qua, bất chấp những sự khác biệt về việc tuân giữ luật và phong cách sống mà chúng ta sống trong các cộng đoàn và Hội dòng riêng biệt của mình, tôi đã tìm cách khơi dậy nơi mỗi người ý thức về tính hiệp hành này của ơn gọi và sứ vụ của chúng ta. Điều đã giúp tôi rất nhiều trong việc này là tôi đã được diễm phúc tham gia nhiều hội nghị khác nhau của Hội thánh: Thượng Hội đồng Giám mục năm 2018 về giới trẻ, cuộc họp tháng 2 năm 2019 tại Vatican về chủ đề lạm dụng tính dục trong Hội thánh, tiếp đến là khai mạc Thượng Hội đồng về tính hiệp hành, dành cho toàn thể Hội thánh, vào ngày 9 và 10 tháng 10 năm 2021, một hành trình sẽ đạt đến đỉnh điểm là Thượng Hội đồng Giám mục vào năm tới [2023].

Tôi cũng được khích lệ rất nhiều trong việc này bởi sự bất ngờ được bầu vào ban Điều hành của Liên hiệp các Bề trên Tổng quyền, và còn ngạc nhiên hơn nữa, đó là được bầu làm phó chủ tịch của Liên hiệp này. May mắn thay, những nhiệm vụ này không đòi hỏi quá nhiều công sức của tôi, trái lại, nó giúp tôi lưu tâm hơn đến nhịp đập của Hội thánh hoàn vũ và của thế giới. Tôi đã cố gắng làm cho Dòng chia sẻ nhận thức này. Tôi nhận ra rằng các Dòng tu khác khi đương đầu với các vấn đề, và đặc biệt, khi thực hiện sứ vụ của Hội thánh, họ đã rất chú ý đến kinh nghiệm và cảm thức đan tu của chúng ta. Điều quan trọng là chúng ta phải ý thức được điều này, bởi vì không phải vai trò của Tổng phụ giúp tôi có khả năng làm công việc này, mà đó là ơn gọi mà tôi chia sẻ với từng người trong anh chị em.

Trong Diễn từ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI, cách đây đúng một năm, ngày 9 tháng 10 năm 2021, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói:

Các từ “hiệp thông” và “sứ vụ” có thể có nguy cơ còn hơi trừu tượng, trừ khi chúng ta trau dồi một sự thực hành mang tính Hội thánh thể hiện tính cụ thể của tính hiệp hành ở mọi bước của cuộc hành trình và hoạt động của chúng ta, khi khuyến khích sự tham gia thực sự của mỗi người và tất cả mọi người. Tôi có thể nói rằng việc cử hành một Thượng Hội đồng luôn luôn là một điều tốt đẹp và quan trọng, nhưng nó thực sự có lợi nếu nó trở thành một sự diễn tả sống động “việc thuộc về Hội thánh”, một cách hành động được đánh dấu bằng sự tham gia thực sự. Đây không phải là vấn đề thuộc hình thức, mà là thuộc niềm tin. Việc tham gia là một đòi hỏi của đức tin nhận được trong phép Rửa Tội. Như thánh Tông đồ Phaolô nói: “Chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12,13). Trong Hội thánh, mọi thứ đều khởi đi từ phép Rửa Tội. Là nguồn gốc sự sống của chúng ta, Phép Rửa làm phát sinh phẩm giá bình đẳng của con cái Thiên Chúa, mặc dù có sự khác biệt của các thừa tác vụ và đặc sủng. Do đó, tất cả những người đã được rửa tội đều được mời gọi tham gia vào đời sống và sứ vụ của Hội thánh. Nếu không có sự tham gia thực sự của Dân Chúa, nói về hiệp thông có nguy cơ chỉ còn là một ước vọng đạo đức[51].

Tham gia vào sứ vụ của Hội thánh

Đức Giáo hoàng Phanxicô nói: “Tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi tham gia vào đời sống và sứ vụ của Hội thánh.” Tôi muốn nhấn mạnh cụm từ này, bởi vì nó giúp chúng ta nhận thức rằng việc gặp gỡ nhau và làm việc cùng nhau không phải là nhiệm vụ của riêng chúng ta mà thôi, nhưng nó phải được truyền cảm hứng bởi một mục đích chung. Dĩ nhiên, như Hiến chương Đức ái (Carta Caritatis) yêu cầu, chúng ta phải lo cho phần rỗi của chính chúng ta, phải làm những gì cần thiết để việc tuân giữ thánh Luật hoặc các chỉ thị của Dòng được thi hành, để sửa lỗi và gia tăng đời sống của các cộng đoàn chúng ta và để tái lập thiện ích của tình bác ái và bình an giữa anh chị em chúng ta[52]. Nhưng trong tất cả những điều này, nếu chúng ta không nghĩ đến sứ vụ của toàn thể Hội thánh, nghĩa là, nếu chúng ta không nghĩ đến ơn cứu độ của toàn thế giới, thì tất cả mọi công việc chúng ta làm cho toàn Dòng (như Hiến chương Đức ái yêu cầu) sẽ là ái kỷ, cằn cỗi, sẽ không đơm hoa kết trái, thậm chí ngay cả với chính chúng ta. Bởi vì ngay từ đầu, Dòng của chúng ta đã giữ được mối dây hiệp nhất và đã nỗ lực hoán cải chính mình “vì mong muốn giúp đỡ tất cả các thành viên của Dòng và tất cả con cái của một Hội thánh thánh thiện – prodesse illis omnibusque sanctae Ecclesiae filiis cupientes[53]. Con cái của Hội thánh có nghĩa là toàn thể nhân loại. Chúng ta được mời gọi làm cha mẹ, làm anh chị em của toàn thể nhân loại. Không phải một nhân loại trừu tượng, mà là nhân loại, trong thế giới hôm nay, được sinh ra, sống, làm việc, đau khổ, và chết đi. Khi chúng ta không có ơn gọi hay phải đóng cửa một vài đan viện, thì đó không phải là lý do để chúng ta cảm thấy mình cằn cỗi và vô dụng. Nhưng chúng ta phải thấy mình thật sự cằn cỗi và vô dụng nếu chúng ta sống ơn gọi của mình mà không có niềm say mê này đối với toàn thể nhân loại.

Đức thánh cha luôn nói về một “Hội thánh đang tiến bước”, nghĩa là về niềm say mê truyền giáo làm toàn thể Hội thánh nỗ lực đến với từng con chiên đang mất phương hướng và xa rời đoàn chiên của Chúa Kitô. Chúng ta cũng vậy, trong khi tôn trọng các đặc tính nghiêng về chiêm niệm hay hoạt động tông đồ riêng biệt của từng Hội dòng và từng cộng đoàn, chúng ta phải tìm ra và làm sống lại công cuộc truyền giáo rạng ngời này, để làm sống động và trên hết là hạnh phúc với niềm vui của Tin Mừng. Một lần nữa, như Đức Giáo hoàng Phanxicô đã viết trong Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium): “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta được mời gọi để vâng theo tiếng gọi ra khỏi môi trường của tiện nghi thoải mái để đi đến những vùng ‘ngoại biên’ đang cần đến ánh sáng của Tin Mừng[54].

Đôi khi chúng ta trở nên buồn sầu và bất mãn, cáu gắt và thất thường, đơn giản chỉ vì chúng ta quên đi những đau khổ của thế giới, chúng ta quên đi cơn đại dịch, sự nghèo đói, chiến tranh, những người nghèo khổ, cuộc sống vô nghĩa của rất nhiều người và của rất nhiều người trẻ. Chúng ta quên đi nỗi đau của rất nhiều trẻ em vô tội, quên đi nhiều gia đình đang sống trong sự thiếu an toàn, những khó khăn về kinh tế và xã hội mà người dân đang phải đối diện. Chúng ta quên các Kitô hữu bị bách hại, chúng ta quên các vị tử đạo. Chúng ta quên những người di cư. Chúng ta quên đi nỗi buồn của những tội nhân không gặp được Đấng Cứu Thế. Cuối cùng, chúng ta quên đi tất cả những con chiên lạc không người chăn dắt, nghĩa là, chúng ta quên đi lòng trắc ẩn của Chúa Kitô đối với nhân loại (x. Mc 6,34).

Đã bao lần, khi tôi thấy mình cùng với một số quý vị đối mặt với những vấn đề không bao giờ được giải quyết, trong đó những xung đột, những yêu sách, sự bất tuân, sự thiếu trung tín ngày càng trở nên trầm trọng hơn, chúng ta đã nói với nhau: nhưng điều này có liên quan gì đến sự cứu rỗi của thế giới và với Chúa Kitô, Đấng đã đến để sống, chịu đau khổ, chịu chết và sống lại để cứu chúng ta?

Nhưng thật an ủi khi thấy rằng đa số các cộng đoàn và anh chị em đan sĩ sống với cảm thức truyền giáo này, và điều này làm cho cuộc sống của họ trở nên tuyệt vời và rạng rỡ, và đặc biệt, ngay cả khi vì hoàn cảnh, hoặc sức khỏe buộc chúng ta phải giảm bớt các hoạt động. Ai yêu mến nhiều, dù không làm được gì, cũng hành động như Chúa.

Có thể nói, nhiều anh chị em có một “trái tim vươn ra với thế giới”, đó là một con tim của Hội thánh; một con tim truyền giáo, ngay cả khi họ chỉ có thể cầu nguyện, và đặc biệt, là tự hiến tất cả mọi sự cho phần rỗi của nhân loại. Tôi vui mừng khi thấy ở khắp mọi nơi trên thế giới có rất nhiều người trẻ trong các cộng đoàn của chúng ta có được ý thức phổ quát này về ơn gọi của chúng ta, và điều này khiến tôi tràn trề hy vọng.

Với niềm hy vọng này, tôi tuyên bố khai mạc Tổng công nghị của chúng ta, trong đó chúng ta đã khẩn cầu Chúa Thánh Thần, và chúng ta sẽ tiếp tục cầu xin Người, tạo nên một bản kinh khẩn cầu (epiclesis) cho tất cả những gì chúng ta sẽ sống, sẽ suy tư và trình bày, hoặc cố gắng trong những ngày này, để tất cả được hiến dâng cho Chúa Thánh Thần, bởi lòng thương xót của Chúa Cha, để cho Chúa Kitô Cứu Thế, nhập thể vào trong tất cả các sinh hoạt của chúng ta trong những ngày này, như Người đã nhập thể trong cung lòng Đức Maria, Mẹ Hội thánh, và là Mẹ của toàn dòng Xitô chúng ta.

 

 

BÀI HUẤN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ DÀNH CHO CÁC THÀNH VIÊN TỔNG CÔNG NGHỊ DÒNG XITÔ, NĂM 2022

Buổi sáng ngày 17 tháng 10 năm 2022, tại dinh Tông Tòa Vatican, Đức thánh cha Phanxicô đã tiếp kiến ​​các tham dự viên Tổng công nghị của Dòng Xitô.

Dưới đây toàn văn huấn từ mà Đức Giáo hoàng đã nói với những người hiện diện tại buổi tiếp kiến đó như sau:

Toàn văn bài Huấn từ của Đức thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào và tôi rất hân hạnh chào đón tất cả anh chị em!

Trước tiên, tôi xin cám ơn Tổng phụ Giuseppe Lepori về những lời giới thiệu của ngài – xin gửi những lời chúc tốt đẹp nhất cho nhiệm kỳ mới của ngài – và tôi xin chào tất cả anh chị em đang ​​tham dự Tổng công nghị của Dòng Xitô Chung Phép.

Kính thưa anh chị em, tính từ “chung phép” này đáng cho chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta biết rằng từ “chung phép” có ý phân biệt với một sự tuân thủ “nghiêm nhặt đặc biệt” [của dòng Xitô Nhặt Phép]. Nhưng đồng thời, chữ “chung” còn có một ý nghĩa phong phú hơn, có nghĩa là cùng nhau, là sự hiệp thông. Và tôi muốn bắt đầu từ đây, từ thực tại căn bản này cấu thành chúng ta như một Giáo hội, nhờ hồng ân Thiên Chúa Ba Ngôi và sự hiện hữu của chúng ta trong Đức Kitô. Cộng đoàn có nghĩa là cùng chung với nhau.

“Do đó, việc tuân giữ luật chung, giống như cùng nhau bước theo Đức Giêsu, để ở với Người, lắng nghe Người, “quan sát Người” … Hãy quan sát Chúa Giêsu như đứa trẻ dõi theo cha mình, hoặc dõi theo người bạn thân thiết nhất của mình. Việc quan sát Chúa Giêsu: về cách thức hoạt động, về dung mạo của Người, đầy yêu thương và bình an, dù đôi khi Người phẫn nộ trước sự giả hình và khép kín, Người cũng gặp rắc rối và nỗi đau trong giờ khổ nạn. Và việc quan sát này không phải là một sự riêng lẻ, mà là cùng nhau thực hiện trong cộng đoàn. Chắc chắn, mỗi người thực hiện điều đó cách riêng, vì mỗi người đều có một lịch sử độc đáo của riêng mình và không thể lặp lại, nhưng là cùng nhau bước đi. Giống như Nhóm Mười Hai, những người luôn ở với Đức Giêsu và bước đi với Người, các ngài đã không tự chọn nhau, nhưng chính Chúa đã chọn họ. Không phải lúc nào cũng dễ dàng sống hòa hợp với nhau: bởi họ rất khác nhau, mỗi người đều có những “khía cạnh” và niềm kiêu hãnh riêng của mình. Chúng ta cũng vậy, và để cùng nhau tiến bước trong sự hiệp thông thì không phải là điều dễ dàng. Chưa hết, chúng ta không bao giờ hết kinh ngạc về hồng ân thánh hiến mà chúng ta đã đón nhận và mang lại cho chúng ta niềm vui: chúng ta được quy tụ trở thành cộng đoàn của Chúa, như chúng ta đang là, dù không hoàn hảo, không đồng nhất. Không, không phải như thế, nhưng chúng ta được Chúa quy tụ, tham gia, được kêu gọi để ở lại và cùng bước theo Đức Giêsu, là vị Thầy và là Chúa của chúng ta”

Kính thưa các anh chị em, đây chính là nền tảng cho tất cả mọi điều khác. Cám ơn anh chị em đã nhấn mạnh việc “bước đi cùng nhau” này, và tôi khuyến khích anh chị em hãy khơi lên những khát vọng và hãy vui vẻ tuân giữ luật chung của Chúa Kitô.

Điều đó liên quan đến một sự nỗ lực không nhừng của sự hoán cải, từ một cái tôi khép kín sang một cái tôi rộng mở, từ một trái tim tập trung vào chính mình sang một trái tim vượt ra khỏi chính mình và hướng tới tha nhân. Và bằng cách loại suy, điều này cũng áp dụng cho các cộng đoàn: từ một cộng đoàn tự quy chiếu về mình đến một cộng đoàn vươn ra hướng tới tha nhân, theo nghĩa tốt đẹp nhất của hạn từ này, đó là tiếp đón và truyền giáo. Đó là chuyển động mà Chúa Thánh Thần luôn cố gắng thúc đẩy trên Giáo hội, hoạt động trong từng thành viên và trong mỗi cộng đoàn và mỗi hiệp hội. Một phong trào có từ ngày Lễ Ngũ Tuần, như một “phép rửa” của Giáo hội. Sau đó, chính Chúa Thánh Thần đã linh hứng và khơi dậy rất nhiều đặc sủng và nhiều hình thức sống, như một “bản giao hưởng” tuyệt vời. Các hình thức rất nhiều, rất khác nhau, nhưng để trở thành một phần của bản giao hưởng của Giáo hội, thì họ phải tuân theo sự chuyển động này của Chúa Thánh Thần. Không phải là một cuộc hành trình trong sự hỗn loạn, không theo một trật tự cụ thể nào: nhưng là một đi chung cùng nhau, chung nhịp đập với một trái tim duy nhất của Giáo hội, đó là tình yêu, như thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nhiệt thành khẳng định. Không có sự hiệp thông nào mà không có sự hoán cải, và do đó, điều này nhất thiết phải là hoa trái của Thập giá Đức Kitô và tác động của Thần Khí, cả nơi cá nhân và cộng đoàn.

Quay trở lại hình ảnh – hay nói đúng hơn là âm thanh – của bản giao hưởng, tôi đề nghị anh chị em hãy ôm ấp hơi thở truyền giáo cao cả của Giáo hội bằng cách tăng cường sự tương hỗ giữa các cộng đoàn nam và các cộng đoàn nữ, cũng như sự đa dạng văn hóa giữa Á châu, Phi châu, Mỹ châu Latinh, miền bắc Mỹ, và Âu châu. Tôi khuyến khích anh chị em trên hành trình đa diện này, dù không hề dễ dàng, nhưng chắc chắn có thể là một kho báu cho các cộng đoàn và cho toàn Dòng của anh chị em.

Tôi cám ơn về sự dấn thân của anh chị em, đã nỗ lực cộng tác, điều mà toàn thể Giáo hội đang thực hiện theo nghĩa này trong tất cả mọi cộng đồng Giáo hội địa phương: kinh nghiệm gặp gỡ với sự đa dạng văn hóa hiện đang là một dấu chỉ của thời đại hôm nay. Dòng Xitô của anh chị em chính là một sự đóng góp thật quý giá, đặc biệt phong phú, bởi vì xuất phát ơn gọi chiêm niệm của anh chị em, anh chị em không chỉ hài lòng với việc quy tụ sự đa dạng lại với nhau ở mức độ bề ngoài, nhưng anh chị em còn sống sự đa dạng đó ở mức độ nội tâm, trong cầu nguyện, trong đối thoại tâm linh. Và điều này làm phong phú thêm “bản giao hưởng” với những cộng hưởng sâu sắc hơn và mang tính tổng thể hơn.

Một khía cạnh khác mà tôi muốn khuyến khích anh chị em là hãy thể hiện đức khó nghèo của đời tu hơn nữa, cả về tinh thần lẫn vật chất, để trở nên sẵn sàng hơn với Chúa, với tất cả sức lực của anh chị em, với những yếu đuối và với những phúc lành mà Chúa đã ban cho anh chị em. Vì vậy, chúng ta hãy dâng lời ngợi khen Thiên Chúa về mọi sự, về tuổi già cũng như tuổi trẻ, về sự ốm đau cũng như sức khỏe tốt, về những cộng đoàn đang trong tình trạng “mùa thu” úa tàn cũng như về những cộng đoàn đang trong giai đoạn của “mùa xuân” tươi trẻ. Điều cốt yếu là đừng để cho ma quỷ cướp đi niềm hy vọng của chúng ta! Điều trên hết mà ma quỷ tìm kiếm, đó là chúng muốn đánh cắp niềm hy vọng, và vì thế, ma quỷ luôn luôn cám dỗ chúng ta đánh mất niềm hy vọng. Bởi vì đức khó nghèo của Tin Mừng luôn ngập tràn niềm hy vọng, được thiết lập trên Mối phúc mà Chúa Giêsu đã loan báo cho các môn đệ rằng: “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em” (Lc 6,20).

Anh chị em thân mến, tôi xin cám ơn anh chị em về buổi viếng thăm hôm nay! Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria đồng hành và luôn phù trợ hành trình của anh chị em. Với cả tấm lòng, tôi ưu ái ban phép lành cho anh chị em và tất cả các cộng đoàn của anh chị em. Và xin anh chị em nhớ cầu nguyện cho tôi nữa nhé. Cám ơn anh chị em.

DIỄN VĂN BẾ MẠC CỦA TỔNG PHỤ MAURO-GIUSEPPE LEPORI

TỔNG CÔNG NGHỊ DÒNG XITÔ

Ariccia, từ ngày 9 tháng 10 năm 2022

 

Anh chị em rất thân mến,

Chúng ta đã tới phần kết thúc Tổng công nghị này. Chắc chắn rằng chúng ta đã thấm mệt, bởi vì những công việc rất bận rộn, và không ít vấn đề kèm theo về sức khỏe đối với chúng ta, hoặc ít nhất là chúng đe dọa sức khỏe của chúng ta trong những ngày này. Chúng ta cũng đã bị thử thách bởi những khoảnh khắc hết sức căng thẳng giữa chúng ta, vì điều đó thì thật là đúng, và thậm chí cần thiết phải có trong một Tổng công nghị, bởi vì đây không phải là một “kỳ nghỉ của người dân thành Rôma”, mà là một tiến trình xây dựng liên tục của toàn Dòng chúng ta. Công trường luôn rộng mở, luôn hoạt động sôi nổi trong mọi Hội dòng, trong mọi cộng đoàn, trong mỗi chúng ta, vì công trình mà chúng ta đang tận tụy là sự ra đời của Nước Chúa trong lịch sử. Công việc là bước theo Đức Giêsu Kitô, Đấng trong Nhiệm Thể của Người, tức là Giáo Hội, tuân theo kế hoạch yêu thương của Chúa Cha, bao trùm toàn bộ lịch sử thế giới, nhân loại, để dẫn dắt tất cả chúng ta đến sự sống vĩnh cửu (x. Tu luật, chương 72,12). Công việc này được hoạt động bởi Chúa Thánh Thần, Đấng là Thần Khí của sự hiệp thông trong tình yêu thương, giúp chúng ta có.

Tình huynh đệ mà chúng ta thấy đang gia tăng giữa chúng ta, trong những ngày này, là bằng chứng Chúa đã lắng nghe lời chúng ta cầu xin ơn Chúa Thánh Thần xuống trên chúng ta vượt quá điều dám ước mong. Giữa chúng ta đã xảy ra một điều gì đó lớn lao hơn điều chúng ta nỗ lực và ước mong. Ân sủng đã hoạt động và làm việc, ân sủng của một tình hiệp thông huynh đệ, của một sự khôn ngoan, của một niềm hân hoan không bao giờ ngừng làm chúng ta ngạc nhiên. Thiên Chúa thấu biết và luôn muốn hoạt động giữa chúng ta và trong chúng ta nhiều hơn khả năng của chúng ta. Đó chính là đặc sủng, là hồng ân mà Thiên Chúa không bao giờ tiếc khi ban tặng cho chúng ta. Trong những ngày này, chúng ta đã kinh nghiệm được đặc sủng Xitô đã liên kết chúng ta lại với nhau, cũng như với các thành viên khác của Gia đình Biển Đức và Xitô, vẫn luôn sống động và liên tục được canh tân, không phải vì chúng ta, nhưng vì Thiên Chúa tốt lành với chúng ta và với tất cả mọi người, cùng với chúng ta, dành cho tất cả mọi người.

Vì lý do này, thái độ mà chúng ta luôn được mời gọi làm bùng cháy trong chúng ta là lòng biết ơn đối với Thiên Chúa và đối với nhau. Lòng biết ơn chính là hy lễ của con cái dâng lên Thiên Chúa là Cha nhân lành, bởi vì: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136 [135]), vì Người chào đón tất cả chúng ta một lần nữa, ôm lấy tất cả chúng ta và chúng ta bám chặt lấy Người, Người liên kết chúng ta với nhau, thậm chí, và trên hết, nếu chúng ta bị chia rẽ, bị chia cắt như hai người con trong dụ ngôn về người cha nhân hậu (Lc 15,11-32), bị chia rẽ trong tình cảm, trong sự xét đoán, bị chia rẽ bởi lỗi lầm, sự mong manh của chúng ta, và trên hết, là bởi sự kiêu hãnh luôn làm suy yếu tâm hồn chúng ta. Theo kinh nghiệm về sự bao bọc của người cha, sự hiệp nhất huynh đệ được kết hợp lại, phục sinh, giống như mặt trời xua tan bóng đêm và sương mù dày đặc che khuất tầm mắt chúng ta.

Chúng ta cảm nghiệm được cái ôm này của vị Cha Chung trong cuộc gặp với Đức Giáo hoàng Phanxicô vào ngày 17 tháng 10 vừa qua [năm 2022]. Có thể cảm nhận được rằng cuộc gặp gỡ với Đức Giáo hoàng, sự chào đón và lòng bác ái của ngài, huấn từ của ngài, đã làm tươi mới trong tâm hồn chúng ta và trên khuôn mặt chúng ta niềm vui khi được ở bên nhau, khi cùng nhau bước đi. Đức Giáo hoàng đã đánh thức lại niềm hy vọng trong chúng ta, niềm hy vọng mà sự dữ muốn đánh cắp khỏi chúng ta. Đức Giáo hoàng đã nói với chúng ta rằng: “Điều cốt yếu là đừng để cho ma quỷ cướp đi niềm hy vọng của chúng ta! Điều trên hết mà ma quỷ tìm kiếm, đó là chúng muốn đánh cắp niềm hy vọng, và vì thế, ma quỷ luôn luôn cám dỗ chúng ta đánh mất niềm hy vọng”.

Quả thật, cám dỗ lớn nhất đối với chúng ta cũng như đối với toàn thể Giáo hội là đánh mất hy vọng, sống yếu hèn như một điều muốn dập tắt các đặc sủng nơi chúng ta. Nhưng ngoài ra, để mất hy vọng bằng cách sống kiêu hãnh với sức sống đã được ban cho chúng ta, như thể đó là công lao của chúng ta chứ không phải là một hồng ân của Thiên Chúa để phục vụ tất cả mọi người. Thánh phụ Biển Đức mời gọi chúng ta, trên đỉnh cao của mọi việc lành và nhân đức, “đừng bao giờ thất vọng về lòng thương xót của Thiên Chúa” (Tu luật, chương 4,74). Tảng đá rất vững chắc trên đó chúng ta đặt niềm hy vọng là lòng Chúa xót thương, sự dịu dàng của Chúa Cha, lòng hiền hậu khiêm nhường của Đức Kitô, ơn an ủi của Chúa Thánh Linh. Các linh phụ và các linh mẫu trong ơn gọi của chúng ta, như thánh phụ Bênađô, với vẻ đẹp và nghị lực, mời gọi chúng ta, tái khám phá niềm hy vọng vững chắc của đức tin nơi lòng từ ái của Thiên Chúa dành cho chúng ta, để tìm thấy tình bạn hữu trong Thiên Chúa, điều mà chúng ta luôn có thể tìm thấy, điều đó tái tạo và nuôi dưỡng tình thân hữu giữa chúng ta với nhau.

Với hy vọng đó, chúng ta cần phải xuất phát lại từ Tổng công nghị này, để mang niềm hy vọng đến cho tất cả anh chị em, cho những ai được giao phó cho chúng ta, bằng nhiều phương thức, trong cộng đoàn của chúng ta, hoặc trong mục vụ, trong giáo dục, trong sự chào đón và sứ vụ truyền giáo, trong công việc. Ngay cả tất cả các tài liệu mà chúng ta đã quản lý để xây dựng hoặc làm mới lại, để hỗ trợ đời sống của toàn Dòng, sự quản lý tốt của Hội dòng, sự hiệp thông giữa các Hội dòng và các cộng đoàn, sự hình thành và khả năng phát triển hoặc giảm sút, với niềm vui Phục Sinh, tất cả các tài liệu này sẽ không có ích gì nếu chúng đã không duy trì niềm hy vọng của chúng ta trong Chúa Thánh Thần “là Chúa và là Đấng ban sự sống” (Kinh Tin Kính).

Để giữ cho niềm hy vọng sống động mà chúng ta được mời gọi để cùng nhau bước đi, cùng nâng đỡ nhau, động viên nhau, sửa lỗi huynh đệ cho nhau nếu chúng ta đi chệch đường hoặc gặp hiểm nguy. Chúng ta được kêu gọi để lắng nghe nhau, không sợ sự khác biệt của chúng ta để duy trì niềm hy vọng sống động. Lắng nghe với sự thật, người ta luôn khám phá ra rằng giữa chúng ta có một yếu tố hiệp thông và tình bạn hữu sâu sắc hơn bất cứ điều gì có thể chia rẽ chúng ta. Chúa Giêsu ở giữa chúng ta luôn mạnh mẽ và chân thật hơn sự dữ nhằm muốn chia rẽ chúng ta. Chúng ta đừng mệt mỏi khi cảm nghiệm được sự chiến thắng của Đức Kitô ở giữa chúng ta, ở giữa các cộng đoàn của chúng ta!

Nhưng tôi nhận ra rằng kể từ khi tôi lắng nghe bài huấn từ mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói với chúng ta trong buổi tiếp kiến ngày 17 tháng 10 [năm 2022], mà ta không bao giờ mệt mỏi khi đọc lại, tôi nhận ra rằng những lời của ngài là bản tóm tắt đẹp nhất và hữu ích nhất trong Tổng công nghị của chúng ta. Đức Giáo hoàng nhấn mạnh đến đặc sủng, ơn gọi, sứ vụ của chúng ta một cách tuyệt vời. Ngài đã cho chúng ta thấy tất cả vẻ đẹp của hành trình mà chúng ta được mời gọi đi chung cùng nhau.

Ngài nhắc nhở chúng ta rằng sự hiệp thông tự nó đã là mục tiêu của cuộc hành trình rồi, là một đích điểm mà chúng ta đạt tới ngay lập tức, bởi vì nó là hành trình bước theo Đức Giêsu, Đấng là nguồn gốc, bản chất, sự vững vàng, sự viên mãn của mối hiệp thông Ba Ngôi được ban cho chúng ta, nhờ Đức Kitô và trong Đức Kitô. Đức Giáo hoàng nhắc nhở chúng ta về điều căn bản đó là, chỉ khi nhìn lên Đức Kitô, chúng ta mới có thể bước đi cùng nhau.

Khi diễn giải “phụ đề” được đặt cho Dòng Xitô của chúng ta, đó là “chung phép”, Đức Phanxicô nhắc nhở chúng ta về huyền nhiệm cốt lõi về ơn gọi chung của chúng ta: đó là việc chiêm ngắm Chúa Giêsu Kitô đã sống trong từng biến cố của hành trình cuộc sống chúng ta.

Đức Giáo hoàng đã nói với chúng ta rằng:

“Do đó, việc tuân giữ luật chung, giống như cùng nhau bước theo Đức Giêsu, để ở với Người, lắng nghe Người, “quan sát Người” … Hãy quan sát Chúa Giêsu như đứa trẻ dõi theo cha mình, hoặc dõi theo người bạn thân thiết nhất của mình. Việc quan sát Chúa Giêsu: về cách thức hoạt động, về dung mạo của Người, đầy yêu thương và bình an, dù đôi khi Người phẫn nộ trước sự giả hình và khép kín, Người cũng gặp rắc rối và nỗi đau trong giờ khổ nạn. Và việc quan sát này không phải là một sự riêng lẻ, mà là cùng nhau thực hiện trong cộng đoàn. Chắc chắn, mỗi người thực hiện điều đó cách riêng, vì mỗi người đều có một lịch sử độc đáo của riêng mình và không thể lặp lại, nhưng là cùng nhau bước đi. Giống như Nhóm Mười Hai, những người luôn ở với Đức Giêsu và bước đi với Người, các ngài đã không tự chọn nhau, nhưng chính Chúa đã chọn họ. Không phải lúc nào cũng dễ dàng sống hòa hợp với nhau: bởi họ rất khác nhau, mỗi người đều có những “khía cạnh” và niềm kiêu hãnh riêng của mình. Chúng ta cũng vậy, và để cùng nhau tiến bước trong sự hiệp thông thì không phải là điều dễ dàng. Chưa hết, chúng ta không bao giờ hết kinh ngạc về hồng ân thánh hiến mà chúng ta đã đón nhận và mang lại cho chúng ta niềm vui: chúng ta được quy tụ trở thành cộng đoàn của Chúa, như chúng ta đang là, dù không hoàn hảo, không đồng nhất. Không, không phải như thế, nhưng chúng ta được Chúa quy tụ, tham gia, được kêu gọi để ở lại và cùng bước theo Đức Giêsu, là vị Thầy và là Chúa của chúng ta” (Buổi tiếp kiến, ngày 17.10.22).

Toàn bộ bài diễn từ của Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ phải đồng hành cùng chúng ta trong những năm tháng sắp tới, chúng ta sẽ phải cùng suy ngẫm về nó cách sâu sắc hơn, chính xác như những gì mà Tổng công nghị cho chúng ta cơ hội để cảm nghiệm và hiểu biết. Buổi tiếp kiến Đức Giáo hoàng là một phần không thể thiếu và là trái tim của Tổng công nghị này.

Như thể thánh Phêrô đến nói chuyện, xác nhận đức tin, canh tân tình bác ái huynh đệ và thắp lại niềm hy vọng cho chúng ta. Trong thời gian sớm nhất có thể, chúng ta sẽ cung cấp bài phát biểu của Đức Giáo hoàng bằng tất cả các ngôn ngữ của Dòng. Và tôi biết ơn Chúa và Giáo hội vì đã có thể tiếp tục cuộc hành trình với tư cách là Tổng phụ, dù quá bất toàn, mang theo nhiệm vụ mới này như Đức Giáo hoàng đã bày tỏ với chúng ta, nhưng cũng được làm phong phú thêm bởi những công cụ mục vụ mà chúng ta làm việc cùng nhau trong những ngày này.

Hãy bước đi cùng nhau! Cùng với tất cả những điểm khác biệt làm nên cộng đoàn phong phú và tốt đẹp. Có những khác biệt gây chia rẽ, với ơn Chúa trợ giúp, chúng ta phải loại bỏ những khác biệt này. Nhưng có những khác biệt làm tăng vẻ huy hoàng bản giao hưởng của Dòng chúng ta, với những điều này chúng ta phải trân quý, yêu thương và kính trọng nhau, với lòng biết ơn.

Và lời tri ân cũng là lời cuối cùng của tôi khi kết thúc Tổng công nghị này. Biết ơn anh chị em đã hiện diện nơi đây, và cả những người không thể đến hoặc đã phải về trước. Lòng biết ơn đối với tất cả những người đã chuẩn bị cho việc tổ chức của Tổng công nghị này: trước hết và trên hết là Cha Lluc – Tổng quản lý, sau đó là các thành viên của ủy ban chuẩn bị, của các ủy ban khác nhau về các chủ đề khác nhau được thảo luận, đối với người điều hành, đối với thầy Andrew của Pra’d Mill là thư ký đã làm việc không mệt mỏi! Biết ơn ban thư ký, Agnese, Piotr, Annemarie, và các thông dịch viên! Xin tri ân các chuyên gia đã đồng hành cùng chúng tôi! Biết ơn những người đã làm cho phụng vụ của chúng ta thêm trang trọng! Biết ơn những nhân viên đã đón tiếp và phục vụ chúng tôi trong ngôi nhà này! Biết ơn Viện phụ Vladimir, vì sự điều trị y tế mà ngài đã giúp bảo vệ chúng ta và cũng chữa trị chúng ta khỏi dịch Covid!

Tôi cũng tràn đầy lòng biết ơn đối với toàn thể tân Hội đồng Cố vấn, nhưng không quên biết ơn đối với các thành viên sắp mãn nhiệm, những người đã phục vụ Dòng trong nhiều năm, đặc biệt là Mẹ Hildegard, Viện phụ Vladimir, Mẹ Kandida!

Cũng xin biết ơn tân Công nghị (Synod) mà chúng ta đã bầu chọn, trong đó nhiều lực lượng trẻ trung, sẽ có thể làm mới tính năng động của Công nghị trong cuộc hành trình của chúng ta.

Xin tạ ơn Đức Trinh Nữ Maria đã bảo vệ chúng ta bằng lời cầu bầu của Mẹ, và tạ ơn các thánh đã đặc biệt cầu nguyện cho chúng ta trong những ngày này!

Trên hết, chúng ta hãy luôn cảm tạ Thiên Chúa, Đấng trung tín trao ban hồng ân của Người và sẽ không bao giờ ngừng kêu gọi và sai chúng ta sống đặc sủng Xitô trong Giáo hội và cho Giáo hội!

Như Đức Giáo hoàng đã yêu cầu chúng ta: hãy chiêm ngắm Chúa Kitô, hãy dõi theo Người! Chúng ta đừng quá lưu tâm chính mình, và đừng dò xét lẫn nhau! Hoặc nếu chúng ta có làm điều đó, thì hãy làm điều đó để nhận ra Chúa Giêsu hiện diện trong từng người chúng ta, Người chính là vẻ huy hoàng đích thực trên mọi khuôn mặt, trên mọi cuộc đời; Người chính là niềm vui đích thực của mọi cuộc gặp gỡ giữa chúng ta và với mọi người!

MỤC LỤC

LỜI NGỎ.. 2

SỰ HIỆP HÀNH TRONG THÁNH VỊNH 107. 4

Galgano Toàn

CÙNG NHAU QUY TỤ LẮNG NGHE LỜI CHÚA.. 25

Giuse Phan Văn Phi

CỘNG ĐOÀN GIÊRUSALEM SỐNG TINH THẦN HIỆP HÀNH.. 34

Án Khảm

CUỘC GẶP GỠ GIỮA ĐỨC GIÊSU VÀ THIẾU PHỤ SAMARI. 56

Justino Nguyễn Vũ

CHÂN PHƯỚC IXAÁC VIỆN PHỤ ĐAN VIỆN………….. 89

Martino de Porres Phạm Thanh Toàn

NHỮNG QUYẾT ĐỊNH TRONG CỘNG ĐOÀN: MỘT NƠI CỦA HIỆP HÀNH.. 115

Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

“THẦY DÒNG THẬT, THẦY DÒNG THÁNH”. 135

Duyên Thập Tự Lê Văn Đoàn

HƯỚNG TỚI MỘT HỘI DÒNG HIỆP HÀNH.. 148

Hiếu Liêm

THÔNG GIAO.. 159

Theophan Phạm Hữu Ái

SỰ VIÊN MÃN CỦA NHÂN VỊ VƯỢT TRÊN XU HƯỚNG CÁ NHÂN.. 175

Phanxicô Assiso Hoài Lâm

THƠ: SỨ MẠNG ĐỜI TU.. 195

Lasan Châu Sơn

ĐỨC MARIA – CON NGƯỜI HIỆP HÀNH.. 196

Goretti Trần Thị Huyền Trinh

ĐỨC MARIA CẦU NGUYỆN VỚI CÁC TÔNG ĐỒ.. 214

Pacômiô Nguyễn Sơn Vinh

DASEIN TRONG MỐI TƯƠNG QUAN.. 229

Gregorio Nguyễn Xuân Hoàng

ĐỒNG HÀNH VỚI CHÚA VÀ THA NHÂN.. 239

Anselmo Hồ Sỹ Chức

CHIỀU KÍCH HIỆP THÔNG CỦA ĐỜI THÁNH HIẾN.. 257

Margarita Nguyễn Thị Huệ

ĐỐI THOẠI LIÊN TÔN.. 266

Montfort Nguyễn Xuân Pháp

TRUYỀN THÔNG – HIỆP THÔNG.. 290

Giuse Khang Tiên

NGƯỜI ĐAN SĨ NGHĨ VỀ HIỆP HÀNH.. 303

Têrêsa Tin

ĐƯỜNG ĐI MỘT MÌNH.. 315

F Phaolô Thánh Giá Bùi Văn Dư

BƯỚC BÊN LỀ CỘNG ĐOÀN.. 328

Genado Majella Nguyễn Bá Quốc Long

ĐỒNG TRÁCH NHIỆM VÀ SỨ VỤ.. 339

FM. Mai Thi

DIỄN VĂN KHAI MẠC TỔNG CÔNG NGHỊ DÒNG XITÔ.. 353

BÀI HUẤN TỪ CỦA ĐTC PHANXICÔ.. 364

DIỄN VĂN BẾ MẠC CỦA TỔNG PHỤ MAURO-GIUSEPPE LEPORI. 370

CÁC CHỦ ĐỀ NỘI SAN HGCN ĐÃ PHÁT HÀNH

  1. SUỐI NGUỒN CHIÊM NIỆM
  2. HƯƠNG VỊ LỜI CHÚA
  3. THAO THỨC
  4. NẺO ĐƯỜNG SỐNG ĐẠO
  5. CỘI NGUỒN HY VỌNG I
  6. CỘI NGUỒN HY VỌNG II
  7. THỬ THÁCH
  8. TRONG LÒNG GIÁO HỘI
  9. DÁM ĐỐI DIỆN
  10. TRÊN NỀN TẢNG ĐỨC KITÔ
  11. BÉN RỄ SÂU TRONG CHÚA KITÔ
  12. HIỆP THÔNG
  13. CÁM DỖ
  14. CANH TÂN
  15. NIỀM VUI PHÚC ÂM
  16. BÌNH AN
  17. HIẾN DÂNG
  18. SAY MÊ THIÊN CHÚA I
  19. SAY MÊ THIÊN CHÚA II
  20. HUYỀN NHIỆM HIỆP THÔNG I
  21. HUYỀN NHIỆM HIỆP THÔNG II
  22. ‘TỪ CỘI NGUỒN PHƯỚC SƠN – QUẢNG TRỊ…’
  23. … Hướng Tới Tương Lai
  24. Nhiệt tâm sống thánh
  25. THINH LẶNG
  26. CHỮ TÌNH
  27. LẮNG NGHE
  28. Môi Sinh
  29. Tứ hải giai huynh đệ
  30. MỘT ĐI CHUNG CÙNG NHAU

[1] https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tinh-hiep-hanh-trong-doi-song-thanh-hien-hiep-hanh-va-dao-tao-46772

[2]x. https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/chung-toi-cung-di-voi-anh-tim-hieu-khai-quat-ve-y-nghia-hiep-hanh-synodality–42793.

[3]x. sđd.

[4] x. Huấn thị Đời Sống Huynh Đệ Cộng Đoàn, số 35.

[5] x. ĐGH Phanxicô, Tông hiến Tìm kiếm dung nhan Thiên Chúa, số 5.

[6] x. Hội Dòng Xitô Thánh Gia, Hiến Pháp Nữ Đan Sĩ, số 119.

[7] x. Hiến chế phụng vụ, số 84; Nguyễn Thế Thủ, Giờ kinh phụng vụ, tr. 7.

[8] x. Hội Dòng Xitô Thánh Gia, CGKPV, Phần chung và lễ riêng, tr. 76.

[9] x. René Voillaume, Đời sống tu trì, Dg: Vũ Văn Tự Chương, tr. 160.

[10] ĐGH Phanxicô, Tông hiến Tìm Kiếm Dung Nhan Thiên Chúa, số 36.

[11] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Diễn từ mừng Kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hộng đồng Giám mục (17.10.2015); Tài liệu chuẩn bị, số 1.

[12] ITC, số 6.

[13] x. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giai-bong-da-giao-si-viet-nam-hiep-hanh-cup-2022-46265 (16.10.2022).

[14] ITC, số 3.

[15] ITC, số 7.

[16] x. ITC, số 20.

[17] x. ITC, số 20-21.

[18] x. ITC, số 20.

[19] ITC, số 21.

[20] J. Ratzinger, Le funzione sinodali della Chiesa: L´importanza della comunione tra I Vescovi” (Các chức năng hiệp hành của Hội Thánh: tầm quan trọng của sự hiệp thông nơi các Giám mục), trong L´Osservatore Romano, (25.01.1996), 4.

[21] Giáo Phận Xuân Lộc, Hướng Tới Một Hội Thánh Hiệp Hành, Tài Liệu Học Hỏi Thượng Hội Đồng Giám Mục Lần Thứ 16, NXB. Đồng Nai, số 12.

[22] ITC, số 20-21.

[23]x. https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/cam-nang-cho-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-tinh-hiep-hanh-42941 (22.10.2022).

[24] ITC, số 22.

[25] ITC, số 55.

[26] x. ITC, số 49.

[27] ITC, số 43.

[28] x. Cf. Thánh Thomas Aquino, Summa Theologie, I, 2: III. Lời nói đầu.

[29] ITC, số 49.

[30] ITC, số 50.

[31] Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy, Tân Phúc Âm hóa đời sống cộng đoàn, tr. 53.

[32] Dom Columba Marmion, Chúa Kitô lý tưởng đan sĩ, tr. 140.

[33] Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy, Tân Phúc Âm Hóa Đời Sống Cộng Đoàn, tr. 53.

[34] x. Dom Columba Marmion, Chúa Kitô lý tưởng đan sĩ, bản dịch Châu Sơn, tr. 137.

[35] x. Thánh Bộ Đời sống thánh hiến và Tu đoàn tông đồ, Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô, Phần II, số 22.

[36] Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy, Tân Phúc Âm hóa đời sống cộng đoàn, tr. 65.

[37] x. Hiến chế Gaudiom et Spes, số 23.

[38] Nguyễn Như Ý, Đại Từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2008.

[39] x. Viện Ngôn ngữ học, Trung tâm Từ điển học, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr. 1020, 2002.

[40]https://www.simonhoadalat.com/Hochoi/mucvu/94suvuthanhphero.htm.

[41] x. Ban Từ vựng Công giáo, Ủy ban Giáo lý Đức tin, HĐGMVN, Từ điển Công giáo, 2019.

[42] Huấn thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn, số 71.

[43] Huấn thị Đời sống Huynh đệ trong cộng đoàn, số 24.

[44] x. https://xitothienphuoc.net/7712-2/.

[45] x. Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Tông đồ, Huấn thị“Xuất phát lại từ Đức Kitô”, ban hành ngày 19.5.2002.

[46] x. PC 2b.

[47] VC 72.

[48] VC 32.

[49] https://www.dongnutythanhthe.net/thu-cua-bo-tu-si.html.

[50] Hiến chương Đức ái, 7.2.

[51] Diễn từ khai mạc Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới lần thứ XVI của Đức Giáo hoàng Phanxicô, ngày 9.10.2021.

[52] x. Hiến chương Đức ái, 7,2.

[53] Hiến chương Đức ái, 1.3.

[54] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Tông huấn Niềm Vui Của Tin Mừng [Evangelii Gaudium], số 20.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Hạt Giống Chiêm Niệm số 29: Tứ Hải Giai Huynh Đệ

Số 29 – tháng 07 năm 2022 Cùng Độc giả, Các...

Hạt Giống Chiêm Niệm số 31: Hướng Vọng Trời Cao

 Số 31 – Tháng 7 năm 2023 Lời ngỏ Kính thưa...

Hạt Giống Chiêm Niệm số 32: Cầu Nguyện Đan Tu

CẦU NGUYỆN ĐAN TU Số 32 – Tháng Giêng năm...

BÀI VIẾT MỚI

spot_imgspot_img

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hạt Giống Chiêm Niệm số 32: Cầu Nguyện Đan Tu

CẦU NGUYỆN ĐAN TU Số 32 – Tháng Giêng năm 2024 ĐÔI LỜI ... Kính thưa quý độc giả, Như chúng ta đã biết, cầu nguyện là hành...

Hạt Giống Chiêm Niệm số 31: Hướng Vọng Trời Cao

 Số 31 – Tháng 7 năm 2023 Lời ngỏ Kính thưa quý độc giả, Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày qua đời của cha Biển Đức...

Hạt Giống Chiêm Niệm số 29: Tứ Hải Giai Huynh Đệ

Số 29 – tháng 07 năm 2022 Cùng Độc giả, Các sinh hoạt của Ban Biên Tập Nội San Hạt Giống Chiêm Niệm (HGCN) của Hội...

Giới Thiêu nội san “HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM” (Viện phụ Dominico Phạm Văn Hiền)

  NỘI SAN   HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM     LỜI GIỚI THIỆU      ...

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM số 1: NGUỒN SUỐI CHIÊM NIỆM

    HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM       Nội...

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM số 2: HƯƠNG VỊ LỜI CHÚA

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM      Nội san...

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM số 3: THAO THỨC

  HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM      Nội san linh đạo...

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM số 4: Những Nẻo Đường Sống Đạo

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM     Nội san linh đạo đan tu   NHỮNG NẺO ĐƯỜNG SỐNG ĐẠO   Số 4 tháng 7 năm 2007 LỜI NÓI ĐẦU     Một người nọ hỏi...

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM số đặc biệt: Cội nguồn hy vọng

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM      Nội san linh đạo...

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM số 7: Thử Thách

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM      Nội san linh đạo...

HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM số 8: Trong Lòng Giáo Hội

  HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM      Nội san linh đạo...