Chia sẻ tĩnh tâm Cộng Đoàn: 6/10/2017
Một đi chung cùng nhau – Số 150- Lời Trối
Fr. Vinh-sơn Hoà
Cuộc đời mỗi người là một hành trình và trên hành trình đó người ta cần có nhau và cần đến nhau. Tại sao? Thưa vì cuộc đời được ví như là một hành trình dài đầy chông gai, không ai một mình có thể hoàn thành nó được, bất kể người đó sống trong ơn gọi nào.
Trong hành trình ơn gọi đan tu chúng ta cũng vậy, ý thức được tầm quan trọng của yếu tố cộng đoàn, yếu tố tập thể đoàn kết, như là điều kiện thiết yếu để ơn gọi đan sĩ được lớn lên về mặt cá nhân, cùng như sự sống còn và phát triển của đan viện. Cha Tổ Phụ chúng ta trong Lời Trối (150) đã để lại cho chúng ta lời khuyên: Một đi chung cùng nhau. Ngài nói:“Vậy, trong chúng con chớ ai buồn, chớ có áy náy lo sợ. Một đi chung cùng nhau, vui vẻ theo Thánh Ý Cha chúng ta.”
Nếu như mục đích đời đan tu và cộng đoàn Phước Sơn là đối tượng Cha Tổ Phụ xả thân theo đuổi và xây dựng cả cuộc đời, thì lời trăng trối cuối cùng này phải được hiểu là lời thiết yếu và cốt lõi nhất mà Ngài dành riêng cho các môn sinh của ngài là chúng ta hôm nay trước khi ngài ra đi. Lời đó không phải là khuyên bảo chúng ta học hành, làm chuyện này chuyện kia hay tiếp tục những công trình dang dỏ của ngài chưa thực hiện xong…nhưng là “Một đi chung cùng nhau”. Vì đó được coi như là yếu tố thiết yếu nhất cho đời đan tu xét về cả hai mặt: cá nhân lẫn cộng đoàn.
Có thể nói lời nhắn nhủ của Cha Tổ Phụ “Một đi chung cùng nhau” cũng là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của đời cộng tu. Điều này chúng ta cũng tìm thấy nơi lời dạy của Cha Thánh Biển Đức, (dù các vị sống cách nhau gần 2 ngàn năm), trong Lời mở của Thánh Luật khi ngài nói về các loại đan sĩ. Sau khi liệt kê ra một loạt các loại đan sĩ, Ngài đã chỉ cho thấy rằng, chỉ có một loại đan sĩ đáng để cho chúng ta noi theo mà thôi, đó là đan sĩ cộng tu, sống trong một cộng đoàn, dưới sự hướng dẫn của một Thánh Luật và một Viện Phụ, đó mới là loại chúng ta phải theo đuổi mà thôi.
Ngoài đời khi yêu nhau và quyết định đi đến hôn nhân, người ta thường ước nguyện cùng nhau bằng câu nói: cùng nhau đi hết chặng đường còn lại của cuộc đời. Với chúng ta, khi tuyên khấn là chúng ta chấp nhận cùng đi chung với anh em trong cộng đoàn, trong mọi hoàn cảnh cho đến chết.
Hình ảnh con thuyền mà anh em chúng ta thiết kế (tại nhà truyền thống Phước Sơn) thật ý nghĩa và sống động để nói lên việc chúng ta “đi chung cùng nhau như thế nào”. Tất cả trong một con thuyền, bề trên hay bề dưới, kẻ yếu đuối hay người mạnh khoẻ, người già hay bạn trẻ …tất cả cùng trên một con thuyền và cùng chung một hành trình. Trên con thuyền này, và trong cuộc hành trình này chắc chắn sẽ có những lúc bình an, những lúc khó khăn gian khổ, những lúc sóng to bão lớn… và do đó hành trình của con thuyền này ra sao và hành trình của mỗi người chúng ta trên con thuyền này thế nào… lệ thuộc vào việc chúng ta: đã, đang và sẽ đi chung cùng nhau như thế nào.
Tuy nhiên, các yếu tố thiết định của đời sống cộng tu được thánh Biển Đức nêu ra như là Thánh Luật, Cộng đoàn và Viện Phụ…và hình ảnh con thuyền chúng ta cùng nhau ngồi trong đó, cuối cùng đó cũng mới chỉ là hình thức bề ngoài mà thôi. Vì đôi khi chúng ta sống trong cộng đoàn, ngồi trong chiếc thuyền đó, nhưng chưa hẳn chúng ta luôn luôn “một đi chung cùng nhau” như lời khuyên bảo của Cha Tổ Phụ.
Hình ảnh chúng ta cùng nhau trên một con thuyền trông thật là đẹp, đẹp ở đây cũng có thể là vì con thuyền đẹp, có thể là dòng sông thơ mộng, cảnh vật xung quanh bát ngát mênh mông hay những con người trên đó trông đẹp trai, đẹp lão… nhưng đó đôi khi chỉ là: “trông thật là đẹp”, chứ nó không hẳn là đẹp thật, vì mặc dầu cùng nhau trên một con thuyền nhưng chưa hẳn những người trên đó luôn luôn đi chung cùng nhau. Ở đó chưa hẳn lúc nào chúng ta cũng nhìn về một hướng và chung tay để có cùng chung một nhịp chèo như nhau.
Việc “Đi chung cùng nhau này” chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó là biểu hiện đích thực của sự gần gũi hiệp thông thể hiện qua: thương yêu, kính trọng, sự đoàn kết, và trách nhiệm chia sẻ cuộc sống, như thánh Phaolo dạy trong thư gởi tín hữu Philipe là: “phải có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau”.
Ở đây chúng ta để ý một điểm rất tinh tế trong lời trăng trối của Cha Tổ Phụ đó là: ngài không chỉ khuyên chúng ta “đi cùng nhau” mà thôi, nhưng ngài khuyên chúng ta “một đi chung cùng nhau”. Khi đi cùng nhau chưa hẳn là người ta đã có cái gì chung với nhau. Chúng ta thấy ngoài đường phố biết bao nhiêu người đi cùng nhau. Nhất là vào sáng sớm hay chiều tối, người ta chen nhau đi trên các con đường nhưng người ta không đi cùng nhau, xét theo nghĩa người ta không có chung một mục đích, một gia đình hay một mối bận tâm chung. Biết bao nhiêu người cùng đi trên một chiếc xe hay một con tàu…nhưng hỏi được mấy người trong đó “đi chung cùng nhau”, nghĩa là cùng một ý hướng, một mục đích, và nhất là biết tương trợ lẫn nhau trên hành trình chuyến tàu hay chuyến xe đó. Như thế trong ơn gọi này, trên con thuyền cộng đoàn nay, điều quan trọng không phải là chúng ta đi với nhau mà thôi mà điều quan trọng hơn là chúng ta phải biết “một đi chung cùng với nhau.”
Nhìn vào những cuộc thể thao, nhất là những môn thể thao manh tính chất tập thể, chúng ta càng thấy rõ tầm quan trọng của việc “chơi chung cùng với nhau” như thế nào. Chẳng hạn trong một đội bóng, bên cạnh những cầu thủ giỏi… thì tập luyện và chơi chung cùng nhau một cách gắn kết giữa các tuyến… như là yếu tố quan trọng nhất cho việc thành công.
Một khi đã cảm nhận được sự “đi chung cùng với nhau” như thế, mỗi người chúng ta sẽ không còn cảm nhận mình chỉ là khách bộ hành hay một lữ khách đơn thuần trên con tàu này nữa. Trái lại chúng ta sẽ nhận ra rằng, mình là những chủ nhân của con thuyền này. Và trong cuộc hành trình này, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ và duy trì con thuyền này, nhất là có bổn phận làm sao cho hành trình của con thuyền này tới đích. Nghĩa là mỗi người chúng ta phải chèo, phải chống trong vị trí và chỗ đứng của mình chứ không phải chỉ ngồi đó như một lữ khách mà thôi.
Chúng ta biết rằng, con thuyền chỉ là phương tiện, và bao lâu chúng ta đang ngồi trên con thuyền này là đang ở trên hành trình chứ không phải cái đích cuối cùng chúng ta tìm kiếm. Đan viện không phải nơi chúng ta vào đây để dung thân hưởng thụ, mà là nơi chúng ta cùng nhau tìm kiếm và phụng thờ Thiên Chúa. Vậy làm sao để con thuyền chúng ta đạt tới đích? Thưa phải đi chung cùng nhau, phải có chung một nhịp chèo. Điều mà Cha Tổ Phụ chúng ta đã chỉ ra như là điều kiện tiên quyết để thành công, để đạt tới đích ơn gọi đan tu, chiều kích cá nhân cũng như chiều kích cộng đoàn.
Để được như vậy chúng ta phải biết nhìn đến nhau: chúng ta đến đây từ khắp mọi phương trời, mỗi người, mỗi vùng không ai giống ai, xét về cả hai chiều kích thể chất lẫn tinh thần. Như thế, để có thể đi chung cùng nhau, thì chúng ta phải chờ đợi nhau, phải nâng đỡ nhau. Người mạnh phải biết đi chậm lại tí, và có bổn phận chia tay ra đỡ người yếu. Còn những người yếu cũng phải biết đưa tay mình ra để nắm lấy tay người khoẻ và cố gắng hơn. Điều này nói thì dễ nhưng trong thực tế cuộc sống không phải luôn luôn dễ dàng, nhất là trong lãnh vực tinh thần. Vì không phải người mạnh nào cũng luôn luôn mạnh, và không phải người mạnh nào cũng luôn biết nghĩ đến người yếu. Và người yếu nào cũng luôn luôn khiêm tốn, dễ dàng chấp nhận mình yếu đuối…
Nhưng khó khăn hay dễ dàng chúng ta cũng phải cố gắng, vì tuy khác nhau, tất cả chúng ta cùng có chung một mục đích là tìm Chúa và có chung một phương tiện là cộng đoàn Đan Viện. Vậy, việc “đi chung cùng với nhau” không chỉ là đặc tính của ơn gọi chúng ta mà còn là sự sống còn của cộng đoàn chúng ta. Người ta thường nói: đoàn kết làm nên sức mạnh. Với chúng ta đây không đơn thuần là sức mạnh thể lý hay sức mạnh tự nhiên mà thôi mà còn là sức mạnh siêu nhiên của Chúa nâng đỡ. Vì ở đâu có hai ba người họp nhau cầu nguyện thì có Chúa hiện diện, và ở đâu có tình thương mến ở đó có Thiên Chúa ngự trị. Mà có Chúa là có sức mạnh, là có tất cả …Như vậy khi chúng ta đi chung cùng với nhau cũng có nghĩa là chúng ta đang đi chung cùng với Chúa hay nói đúng hơn Thiên Chúa đang đi chung cùng với chúng ta.
Vậy trong năm thánh này, có lẽ Cha Tổ Phụ chúng ta rất vui khi thấy đoàn môn sinh đông đảo, các đan viện phát triển về mọi mặt nhất là về mặt vật chất và nhân sự….. Nhưng có lẽ điều làm cho ngài vui hơn cả đó là cái nội dung, cái bản chất ơn gọi của mỗi chúng ta, của mỗi cộng đoàn chúng ta ra sao. Có nghĩa là chúng ta có đang thực sự “một đi chung cùng nhau” mọi nơi mọi lúc hay không, vì đó là lời tâm huyết sau cùng ngài muốn nơi chúng ta. Vậy chúng ta xin Chúa qua lời chuyển cầu của Cha Tổ Phụ, cho chúng ta hiểu và thấm nhuần tình thần của ngài, nhất là lắng nghe và tuân giữ những lời giáo huấn của ngài. Có lẽ trên thiên đang ngài sẽ rất vui khi thấy chúng ta là những môn sinh của ngài đang thực sự đi chung cùng nhau trên con thuyền này, trong đan viện Phước Vĩnh này.