VIỆC ĐẶT TÊN KỲ DIỆU
Lc 1,57-66.80
Bước vào đời, mỗi người đều có một tên gọi do cha mẹ hay người nào đó đặt cho. Vị Tiền Hô của Đức Giêsu cũng có một tên gọi là Gioan. Tuy nhiên, khác biệt với mọi người, việc đặt tên cho Gioan là một điều kỳ diệu, liên hệ đến sứ mệnh của Gioan.
Trong Cựu Ước, việc đặt tên cho con thường do người cha, một đôi khi do người mẹ. Chẳng hạn như trường hợp Itmaen và Isaac là do người cha là ông Apraham đặt cho. Còn trường hợp Giuse, con ông Giacop, thì người mẹ đặt. Riêng Gioan, con của ông Dacria và bà Elisabet, thì do ai đặt? Do cha hay do mẹ đứa trẻ? Theo Tin Mừng kể thì khi đứa trẻ con ông Dacaria sinh ra được tám ngày như luật ấn định, mấy người hàng xóm tới làm phép cắt bì và tính lấy tên Dacaria, là tên người cha, mà đặt cho đứa bé. Lúc bấy giờ bà mẹ không đồng ý và nói là đặt tên cho đứa trẻ là Gioan.
Việc đặt tên này có một sự khác thường. Trước đó ông Dacaria được truyền tin rằng: “Bà Elisabet vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai và ông phải đặt tên cho con là Gioan” (Lc 1,13). Từ cuộc truyền tin này, ông Dacaria bị câm, không nói được.
Chúng ta thử hỏi rằng từ khi ông Dacaria được sứ thần báo tin là vợ ông sẽ sinh cho ông một con trai và sứ thần dặn ông đặt tên cho con trẻ là Gioan, thì Dacaria có báo cho bà Elisabet biết về việc đặt tên này bằng cách viết tên nó lên một tấm bảng hay bằng cách gì khác không? Có thể không, có thể có?
Trường hợp ông Dacaria không báo cho bà biết. Theo Tin Mừng Luca thì Dacaria được sứ thần truyền đặt tên cho con là Gioan một cách rõ ràng. Nếu ông không báo tin này cho bà biết, mà khi người làng xóm tính đặt tên cho đứa trẻ là Dacaria, bà nói là hãy đặt tên cho nó là Gioan, thì chúng ta có thể nói rằng bà được một thị kiến riêng về việc đặt tên cho con là Gioan. Có thế thì việc cả hai ông bà đều đặt tên cho con trẻ là Gioan là có một sự sắp đặt trước của Thiên Chúa.
Trường hợp ông Dacaria có báo cho bà biết, thì rõ ràng ông bà đã thuận theo ý của sứ thần trong việc đặt tên cho con trẻ là Gioan. Do vậy, khi những người hàng xóm nói với bà: “trong họ hàng của bà chẳng ai có tên như vậy cả”, chắc là bà sẽ trả lời ngay: Ừ, đúng là trong họ hàng nhà tôi không ai có tên là Gioan, nhưng chính sứ thần đã bảo ông nhà tôi đặt tên cho nó là Gioan. Như thế thì việc thắc mắc về tên gọi của đứa trẻ do người hàng xóm nêu ra sẽ được trả lời nhanh gọn, chứ bà chẳng làm thinh khiến cho họ phải quay sang hỏi ông Dacaria để biết ý kiến của ông trong khi ông đang bị câm.
Việc truyền thông của người câm hẳn nhiên là chậm chạp. Cụ thể, để trả lời thắc mắc cho người hàng xóm về tên gọi của con mình, Dacaria phải ra hiệu và những người hàng xóm phải đoán coi ý ông muốn gì trước khi đưa cho ông một tấm bảng nhỏ để ông viết tên đứa trẻ trên đó.
Điều kỳ diệu là cái tên Gioan mà hai ông bà đặt cho đứa trẻ có vẻ là một sự trùng hợp hy hữu ấy, lại là chính tên sứ thần hay chính Thiên Chúa truyền cho ông Dacaria phải đặt cho con. Như vậy, thì cái tên Gioan của vị Tiền Hô của Đức Giêsu không do cha hay do mẹ đặt mà do chính Chúa đặt qua sứ thần.
Nếu như ai đặt tên thì người ấy có quyền trên người mình đặt tên cho, thì Gioan Tẩy Giả do Thiên Chúa đặt tên nên Gioan là con người thuộc về Thiên Chúa. Thiên Chúa đặt tên cho ông và trao cho ông sứ mạng thần linh.
Tên gọi Gioan, nghĩa là Chúa Ban Ơn. Chúa ban ơn cho hai ông bà Dacaria và Elisabet. Người con ấy cũng là ơn ban cho cả nhân loại và người con ấy là dấu hiệu đầu tiên cho biết thời Đấng Thiên Sai đã đến. Ông là người dọn đường cho Đấng Thiên Sai ấy đến cách đây cả 2000 năm và vẫn còn có tác dụng dọn lòng chúng ta đón Đức Giêsu từng ngày.
Chúng ta sinh ra được cha mẹ hay người thân nào đó đặt tên. Thường khi đặt tên cho các con mình, cha mẹ chọn tên có ý nghĩa nào đó, hoặc mong ước điều gì đó tốt lành mà cái tên đó nói lên. Ví dụ cha mẹ đặt tên cho con gái mình là Hương, là cha mẹ mong muốn cho con mình trở thành người có danh thơm, tiếng tốt, như hương thơm. Hay đặt tên cho con trai mình là Tài, với ý mong nó trở thành người tài giỏi, tài đức.
Ngoài cái tên do cha mẹ đặt, mỗi chúng ta mang một tên nữa cao quý hơn tên cha mẹ đặt. Tên đó được nhận trong bí tích Thánh Tẩy. Với bí tích này, chúng ta thuộc về Đức Kitô. Vì có Đức Kitô trong mình nên chúng ta có một tên gọi khác gọi là Kitô Hữu. Hay nói như cha An Sơn Vị là Kitô thuộc, người thuộc về Đức Kitô. Cái tên Kitô hữu gắn liền với bản chất của chúng ta chứ không phải là điều ước mong như tên do cha mẹ đặt.
Khi suy niệm về việc đặt tên cho thánh Gioan, tôi tự hỏi: Hiện nay tôi thuộc về Đức Kitô đến mức độ nào rồi? Tôi cần làm gì để Đức Kitô sáng lên trong tôi hay nổi bật lên trong tôi để tôi thực là kitô hữu?
M. Bosco