Dấu lạ thương khó và phục sinh
Ga 2,13-25; 1Cr 1,22-25
Thánh Phaolô đưa ra một lời xác định trong đoạn thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô được trích đọc hôm nay: “Trong khi người Do Thái đòi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh…” Thử hỏi: đâu là dấu lạ Đức Giêsu thực hiện? Và chúng ta rao giảng Đấng Kitô bị đóng đinh bằng cách nào?
1. Đức Giêsu loan báo dấu lạ
Sự kiện Đức Giêsu đuổi chiên bò và lật bàn đổi tiền tại đền thờ Giêrusalem, và Người còn nói rằng: “Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”, đã gây ra một sự chống đối nơi người Do Thái. Khi nói và hành động như thế Đức Giêsu muốn khẳng định rằng Người là con Thiên Chúa. Người Do Thái bấy giờ không thể chấp nhận. Đối với họ, việc buôn bán chiên bò và đổi tiền tại sân đền thờ Giêrusalem là được phép, và ai nói mình là con Thiên Chúa thì người đó là người phạm thượng.
Bởi đó họ mới thách thức Đức Giêsu: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy ông có quyền làm như thế?” Theo lập luận của họ, nếu ngày xưa ông Môsê, tôi tớ của Thiên Chúa, còn làm được dấu lạ là làm cho nước Biển Đỏ dựng thành hai bức tường cho dân Israel đi qua lòng biển khô chân, thì ông nói mình là con Thiên Chúa ông phải làm được những dấu lạ vĩ đại tương tự.
Trước lời đòi hỏi mang tính thách thức này, Đức Giêsu cũng trả lời có vẻ thách thức: “Các ông cứ phá Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.” Dưới con mắt người Do Thái, Đền Thờ Giêrusalem phải mất 46 năm mới xây xong, nào ai có thể xây lại trong 3 ngày? Thật ra họ không hiểu được Đức Giêsu muốn nói gì. Là những người sống sau biến cố Chúa Phục Sinh, chúng ta dễ hiểu được rằng đền thờ mà Đức Giêsu nói đó là chính thân thể Người. “Các ông cứ phá Đền Thờ này đi, nội ba ngày tôi sẽ xây dựng lại.” Nghĩa là tôi bị giết chết và ba ngày sau tôi sống lại. Và như thế đây là lời loan báo trước về sự thương khó và phục Ssinh của Người. Và cũng là dấu lạ vĩ đại nhất mà Đức Giêsu làm để cứu độ nhân loại.
Thánh Phaolô từ khi trở lại đã nhiệt thành rao giảng về sự thương khó và phục sinh của Đức Giêsu. Ngày nay chúng ta cũng tiếp nối việc rao giảng này.
2. Chúng ta rao giảng dấu lạ
Rao giảng dấu lạ vĩ đại Đức Giêsu làm hay rao giảng về cuộc thương khó và phục sinh của Đức Giêsu là nội dung căn cốt nhất của Tin Mừng. Việc rao giảng này là một bổn phận. Chính bí tích Thánh Tẩy chúng ta lãnh nhận liên kết chúng ta với Đức Giêsu và đòi buộc chúng ta làm chứng về Người. Vì vậy, chúng ta có bổn phận làm chứng về cuộc thương khó và sự phục sinh của Đức Giêsu.
Người Kitô hữu tôn thờ một Đức Giêsu chịu đóng đinh và đã phục sinh vinh hiển không chỉ bằng việc đặt tượng Chúa chịu nạn trong nhà thờ, hay trong nhà mình, hay mang ảnh thánh giá trên ngực mà còn cần diễn tả mầu nhiệm thương khó và phục sinh ngay trong cuộc sống, cụ thể là qua việc sống Mùa Chay và mùa Phục Sinh.
Trong cuốn “Điển Ngữ Đức Tin Công Giáo” của linh mục Hồng Phúc, ở mục từ “Mùa Chay” có viết: “Trong những ngày Mùa Chay, Giáo Hội mẹ khuyên chúng ta sống trong chay tịnh để cùng tham dự vào sự thương khó của Chúa Kitô.” Ngay từ thế kỷ đầu tiên của Kitô giáo, các tín hữu đã liên kết việc sống chay tịnh với cuộc thương khó của Đức Giêsu. Vì thế, nếu Đức Giêsu loan báo Đền Thờ là thân thể của Người bị phá hủy và ba ngày sau Người xây dựng lại, hay là Đức Giêsu chết ba ngày sau Người sống lại, là dấu lạ Đức Giêsu làm cho người Do Thái thời bấy giờ, thì việc chúng ta sống Mùa Chay và mùa Phục Sinh trong tinh thần tham dự vào cuộc thương khó và phục sinh của Đức Giêsu, cũng là dấu lạ của Đức Giêsu được hiện tại hoá qua chúng ta.
Vì vậy, nếu như việc rao giảng về Đức Giêsu là một bổn phận của người Kitô hữu, thì việc chúng ta sống tinh thần Mùa Chay và Phục Sinh trong sự liên kết với Đức Giêsu thương khó và phục sinh, cũng là lời rao giảng về Đức Giêsu cho người khác, đồng thời diễn tả của sự liên kết và hiệp thông của chúng ta với Đức Giêsu.
Thiên Chúa dùng cuộc thương khó và phục sinh của Đức Giêsu để đem ơn cứu độ cho loài người. Chúng ta sống Mùa Chay và Phục Sinh là tham dự vào chương trình cứu độ ấy. Sống Mùa Chay và Phục Sinh với ý nghĩa như thế là chúng ta làm một công việc to lớn là hiện tại hóa dấu lạ của Đức Giêsu. Đó cũng là động lực mạnh mẽ giúp ta sống Mùa Chay và Phục Sinh theo ý nghĩa tròn đầy của nó. Hệ quả kéo theo là chúng ta không giữ chay như giữ một số luật lệ gò bó. Trái lại, những quy định về việc giữ chay hay những khổ chế trong Mùa Chay là phương thế giúp chúng ta đạt mục đích cao quý đáng ước mong. Vì thế chúng ta tình nguyện sống khổ chế để liên kết cuộc đời mình với cuộc thương khó của Đức Giêsu. Sống khổ chế cũng có nghĩa là đang hướng tâm hồn mình tới ngày được phục sinh cùng với Đức Giêsu. Việc sống như thế cũng là đang mang trong mình một niềm hy vọng. Cho nên, dù sắc thái bên ngoài của Mùa Chay có vẻ ảm đảm, dù lễ phục linh mục mặc trong thánh lễ có màu tím đi nữa thì Mùa Chay cũng đã ẩn tàng niềm vui. Kết quả trong tương lai này khuyến khích chúng ta giữ chay trong tinh thần hăng hái phấn khởi.
M. Bosco