SỐNG CÔNG CHÍNH TRƯỚC TÔN NHAN THIÊN CHÚA
(Lc 18,9-14)
Luân An, PL
Trong cuộc sống, từ những sinh hoạt đời thường, con người dần hình thành nên những phân biệt đối xử: giàu nghèo, thiện ác, tri thức, bình dân…vv. Từ đây, não trạng của con người cũng hình thành cách đánh giá và phân biệt đối xử, không chỉ trong đời sống thường nhật mà cả trong đời sống nhân cách và tâm linh. Dĩ nhiên, người ta sẽ kính trọng và nể phục người giàu hơn người nghèo, người tri thức hơn người bình dân, người lương thiện hơn kẻ ác nhân. Sự chọn lựa đối xử này dường như là một sự chọn lựa đối xử bình thường của con người. Tuy nhiên, cũng từ cách thức chọn lựa và phân biệt đối xử này nhiều khi chính những người được đối xử lại tự cho mình cái quyền được nể trọng và vô tình hay hữu ý đi tới chỗ kiêu căng tự mãn.
Bài Tin Mừng hôm nay mang đến cho chúng ta một hình ảnh tương phản giữa người Biệt phái và người thu thuế. Trong xã hội Do Thái ngày xưa tồn tại nhiều giai cấp phân biệt đối xử, trong đó nổi bật có hai hạng người đối nghịch nhau mà Thánh Kinh thường đề cập, đó là giới luật sĩ, biệt phái và những người thu thuế. Giới biệt phái là những người tuân giữ luật Môsê cách nghiêm ngặt, họ là mẫu gương cho mọi người và được mọi người kính trọng; còn người thu thuế bị dân chúng khinh miệt và xa lánh như tránh xa những người phung hủi, tội lỗi. Trong đời sống thường nhật, giới biệt phái gắn liền với đền thờ, với lề luật và Thánh Kinh, nên mỗi khi bước vào đền thờ, người biệt phái bước đi hãnh diện trước những cặp mắt ngưỡng mộ và thán phục của mọi người. Trong khi đó, đời sống của những người thu thuế gắn liên với nhịp sống thương mại liên quan đến tiền bạc và sự gian lận, nên trong cuộc đời họ thường phải sống lén lút dưới cái nhìn nghi kỵ và khinh bỉ của người đời. Hai lối sống trái ngược nhau không chỉ trong bản chất hay nơi ánh nhìn của người đời mà còn cả trong đời sống cầu nguyện.
Người biệt phái vào đền thờ cầu nguyện, ông bước lên gần cung thánh, đứng thẳng người, cất tiếng: “Con không như kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia” (c.11). Lời cầu nguyện của ông đầy hãnh diện. Ông khoe sự đạo đức của mình cho mọi người thấy, đồng thời chê bai người thu thuế tội lỗi. Một cách nào đó cho thấy lời “trình bày” của người biệt phái với Thiên Chúa là rất thật, nhưng sự thật ở đây xem ra hợp với người đời hơn là với Thiên Chúa. Đạo đức là điều tốt, nhưng tự hào về đạo đức của mình lại là một nguy cơ. Vì cho rằng sự thánh thiện của mình làm nên sự công chính. Coi sự cố gắng của mình trên cả ân sủng. Chính sự thánh thiện của mình che lấp ơn thánh tuôn trào hồng ân của Thiên Chúa. Ông tự hào, cái tự hào tự mãn làm cho ông cảm thấy không cần nhu cầu ân thánh và tình thương của Thiên Chúa, không cần cậy dựa vào Ngài. Tin tưởng tự mình có thể công chính hóa cho mình. Chính lúc tự hào, đóng kín với ân sủng, ông biệt phái đã mất ơn Chúa và không còn công chính nữa (Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá).
Trong khi đó, người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, anh ta tự biết mình là kẻ tội lỗi nên không dám ngẩng đầu lên, không tiến về cung thánh nhưng ẩn khuất cuối Đền thờ, và cúi đầu thú tội: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội” (c.13). Ý thức mình là tội nhân không xứng đáng đến gần Chúa, anh đấm ngực xin Thiên Chúa thứ tha, tẩy rửa tâm hồn. Lời cầu nguyện của anh xứng với tâm tình sách Huấn Ca: “Lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây. Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm” (Hc 35,16-17). Quả thật, Thiên Chúa đã cúi xuống với người thu thuế và đáp lại lời nài xin của anh, vì anh chỉ biết dựa vào lòng thương xót đầy tình yêu của Thiên Chúa chứ không cậy dựa vào công trạng của mình.
Trách nhiệm và bổn phận luôn phải được thực thi và thực thi một cách nhiệt tâm. Thế nhưng một khi đã chu toàn mọi bổn phận thì đừng lấy đó làm hãnh diễn khoe khoang hay kiêu căng tự mãn, vì “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17,10). Đời sống và những thực hành đạo đức của người biệt phái tự bản chất không xấu. Thật ra họ cũng có nhiều đức tính tốt đẹp. Tuy nhiên nơi họ, những điều tự bản chất là tốt đã bị nhiễm độc bởi lòng tự mãn và tính kiêu căng. Họ tự thoả mãn với chính mình, tự coi mình là hơn kẻ khác và tự đặt mình làm khuôn mẫu cho mọi người noi theo.
Một chiếc ly đã đầy nước thì người ta không thể đổ thêm nước vào được, nếu có đổ vào thì nước cũng tràn ra bên ngoài. Cũng vậy, không thể có ơn tha thứ cho một kẻ tự mãn. Thiên Chúa chỉ có thể làm no đầy người đói khát, còn những người coi mình là no đầy thì vô phương cầu cứu. Thiên Chúa đành để họ về tay không vì ơn tha thứ không có lối để vào một tâm hồn khép kín. Những ai tự biết mình không công chính và chạy đến cầu xin nơi Thiên Chúa thì Ngài sẽ làm cho họ nên công chính, còn những ai tự nhận mình là công chính thì họ không còn là công chính nữa. Thiên Chúa không phân chia nhân loại làm hai hạng người có tội và không có tội, bởi vì tất cả nhân loại đều là tội nhân. Nhưng Ngài phân chia cách khác thành người có tội biết hối cải và người có tội không nhận tội. Người có tội mà biết hối cải ăn năn thì được tha thứ, còn người có tội mà không tự nhận mình có tội thì chẳng bao giờ được thứ tha. (Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm, Xây nhà trên đá).
Hai người lên đền thờ cầu nguyện, khi ra về một người được nên công chính còn người kia thì không, nguyên nhân là bởi đâu? Thiết nghĩ câu trả lời đã rõ.
Là Kitô hữu, qua Lời Chúa và những gợi ý chia sẻ trên đây, hẳn chúng ta sẽ biết chọn cho mình lối sống nào để phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, đồng thời đem lại lợi ích cho mình và tha nhân.