Chút cảm nhận: Tình Chúa và tình người
Trong Đan Viện PHƯỚC VĨNH
Mỗi ngày khi làm dấu thánh giá “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” tôi đều ý thức rằng mình tuyên xưng các mầu nhiệm cơ bản nhất trong đức tin Kitô giáo, mà cụ thể là mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa và mầu nhiệm thánh giá Chúa Kitô, bởi vì cả hai mầu nhiệm này đều là mầu nhiệm tình yêu. Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa diễn tả mối tương quan mật thiết giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, mối tương quan này mật thiết đến độ Ba Ngôi tuy riêng biệt không lẫn lộn nhưng chỉ là Duy Nhất. Còn mầu nhiệm thánh giá thì Chúa Giêsu đã biểu lộ cho ta thấy Thiên Chúa yêu thương con người biết là chừng nào mặc dù con người là một thụ tạo yếu đuối và bất trung. Với tâm tình đó tôi xin được mạo muội chia sẻ vài cảm nghiệm của đời sống đan tu nơi Cộng đoàn Phước Vĩnh nhân dịp Cộng đoàn mừng sinh nhật 40 tuổi của mình, một giai đoạn không dài so với lịch sử nhân loại nhưng cũng đủ để nhìn lại, cảm nghiệm và tri ân tình Chúa và tình người đã dệt nên “mái ấm” đan viện Thôn Rôn này.
Thật ra, trước đây khi tìm hiểu về cộng đoàn Phước Vĩnh, một đan viện âm thầm ẩn mình trong xóm nhỏ Thôn Rôn thuộc hạt Vĩnh Kim, giáo phận Vĩnh Long, tôi đã không được ủng hộ lắm bởi những người thân, những bạn bè và những người sống quanh tôi. Mọi người không ủng hộ tôi đến với Phước Vĩnh vì nhiều lý do: Phước Vĩnh là một dòng tu chẳng tiếng tăm gì lại ở tận vùng “khỉ ho cò gáy”; đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn so với các nơi khác trong vùng miền Tây Nam bộ, đất đai canh tác cằn cõi mà trước đây mọi người ví như vùng đất “chó ăn đá gà ăn muối”. Bặc biệt, Phước Vĩnh được biết như là cộng đoàn đan tu thuộc truyền thống của “người Bắc”. Dường như đây là dòng tu dành riêng cho anh em người Bắc mà anh em người Nam vào không dễ gì sống được. Chính Đức Tân Giám mục Phêrô của Giáo phận Vĩnh Long mới đây (26/11/2015) khi vào thăm Tập viện nhân dịp ngài đến tĩnh tâm tại Đan viện cũng dí dỏm: “Phước Vĩnh là một đan viện nằm trong vùng miền Tây mà ít ơn gọi người Nam quá, các cha làm sao ra Vĩnh Kim hay lên Trà Vinh chiêu sinh xem có được gì không..!” (cười …!) Những điều này cũng thật sự làm tôi chùn bước một thời gian bởi tôi là người miền Nam “rặt”. Thế rồi điều gì đã làm tôi quyết tâm bước vào Phước Vĩnh? Thưa chính là tình yêu Chúa Kitô. Chính tình yêu Chúa Kitô đã thúc đẩy tôi vượt qua mọi rào cản, mọi lo lắng và mọi sợ hãi để đến với Phước Vĩnh và tôi đã “liều mạng” bước vào đây để thử sức một lần.
Quả thật khi bước vào Đan viện này, những ngày đầu tiên tôi cũng gặp vài khó khăn. Tuy nhiên những khó khăn ấy chỉ là bước đệm cho cuộc hành trình mới. Thế rồi từ nơi đây mỗi ngày tôi khám phá ra nhiều điều mới lạ và nhất là nó dẫn tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Những điều mới lạ ở đây không phải là những gì cao vời không với tới nhưng là những điều đơn sơ, khiêm tốn, chân thành, mộc mạc cả trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Cũng thế, những điều làm tôi ngạc nhiên không phải là những khó khăn vượt hơn những gì mọi người phát họa cho tôi trước đây về Phước Vĩnh, đặc biệt là tương quan giữa những người anh em thuộc mọi vùng miền khác nhau, thuộc mọi tập quán khác nhau… Nhưng điều tôi ngạc nhiên chính là đời sống huynh đệ chân thành, mọi người chấp nhận nhau và chấp nhận những khác biệt của nhau. Về đời sống vật chất và lao tác cũng thế, mặc dù điều kiện sống khá khiêm tốn nhưng anh em vẫn cảm thấy niềm vui, vui vì đã cảm nhận được dù trong điều kiện khiêm tốn ấy nhưng vẫn thấm đẫm tình Chúa và tình người. Các cha các thầy thuộc đàn anh sống rất đơn sơ và gần gũi với mọi người. Anh em hết lòng nâng đỡ nhau trong tinh thần và trong lao tác hàng ngày, không câu nệ nề hà bất cứ chuyện gì nhưng luôn sẵn sàng gánh vác cho nhau (mặc dù đối với những anh em mới vào cũng có nhiều trắc trở). Đây là điều tôi khá ngạc nhiên vì thấy mọi người sống thân tình với nhau như thế! Bởi vậy mà cho tới bây giờ tôi luôn liên kết đời sống của Cộng đoàn này với các mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa, tuy khác biệt nhưng luôn luôn hiệp nhất và yêu thương. Hàng ngày tôi vẫn suy niệm về “mầu nhiệm” của đời sống Cộng đoàn này và tôi thấy đây quả là một điều kỳ diệu!
Nói như thế không có nghĩa là Phước Vĩnh không có những khó khăn. Có chứ! Như đã nói ở trên, đời sống vật chất hôm nay vẫn còn khá khiêm tốn, đúng như lời của một vị linh mục đáng kính nọ đã nói trước khi tôi bước vào Phước Vĩnh, ngài nói: “đời sống vật chất nơi đó còn khá khiêm tốn, con hãy suy nghĩ và liệu có sống nổi không nhé…!” Lúc đó tôi suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng tôi quyết định can đảm thực hiện điều mà tôi cảm nghiệm là một sự thúc đẩy trong tâm hồn tôi: Hãy bước vào đan viện! Vả lại con đường đi tìm Chúa đâu hệ tại ở điều kiện vật chất, mà dù có vất vả thì tôi cũng đã quen với cuộc sống khó khăn rồi còn gì! Dù vậy khi đến với Phước Vĩnh tôi cũng phần nào cảm thấy “đắm đuối” với điều kiện sống ở đây. Những ngày đầu mới vào tôi được ở ngoài nhà khách khá khang trang, không gian tĩnh lặng thật tuyệt vời cho việc gặp gỡ Chúa và sống ơn gọi đan tu. Thế rồi vài hôm sau tôi cũng được vào “cư ngụ” trong nội vi Nhà Tập. Thú thật, những ngày đầu tôi cảm thấy khá “ngộp”, trước tiên là chỗ ngủ. Mười anh em được đưa lên “lầu trên” chật hẹp phía sau nhà nguyện với những chiếc giường sắt san sát kề nhau. Đặc biệt căn phòng này lại được “thiên nhiên ưu đãi”, ban ngày thì có “lò sưởi miễn phí” dưới nắng trời oi bức, giường chiếu đụng vào chỗ nào cũng nóng; còn ban đêm thì không khí lạnh ngang nhiên tràn vào mà không chờ ai mời làm nhiều anh em có những đêm không ngủ được, và tôi cũng thế. Nhưng rồi tôi cầu nguyện thật nhiều với Chúa, có lẽ nhờ ơn Chúa soi sáng và nâng đỡ tôi cố gắng chống chọi và tôi quyết tâm “sống với lũ” mà không cần suy nghĩ nhiều vì không còn cách nào hơn! Nói như thế hơi tiêu cực một chút nhưng rồi nhờ đó mọi sự từ từ cũng đi vào “quỹ đạo “ của nó. Khó khăn thứ hai cũng rất là “con người” đó là việc ăn uống. Đối với tôi, chuyện ăn uống không chi phối nhiều trong sinh hoạt hàng ngày, lúc ở nhà khẩu phần của tôi hàng ngày cũng chỉ là cơm canh bình thường, nhưng vào đây tôi cảm thấy khá “nhọc nhằn” vì khẩu vị ở nơi này hơi khác biệt và có những món ăn tôi thật sự không quen, điều này ảnh hưởng đến sức khỏe của tôi khá nhiều thậm chí có lúc tôi cảm thấy choáng váng và đuối sức. Thế rồi như một điều kỳ diệu tôi cũng mau chóng thích nghi và đã vượt qua những khó khăn đó tự bao giờ.
Còn về mặt tinh thần, về tương quan giữa những người anh em thuộc mọi vùng miền khác nhau, hỏi rằng mọi người đều có suy nghĩ giống nhau không, có cùng cảm thức giống nhau không mặc dù cùng tìm kiếm một lý tưởng? Chắc chắn là không! Chúng tôi mỗi người một cách suy nghĩ, một cách hiểu và một cách sống. Chỉ riêng 10 anh em trong lớp mới vào thôi thì đã có bao điều khó khăn: anh thì trầm tư hòa nhã nhưng cũng có anh tính tình nóng nảy, hiếu thắng bốc đồng; có anh siêng năng kỹ lưỡng nhưng cũng có anh xuề xòa nhếch nhác. Trước đây khi nghe nói về những khó khăn trong nếp sống tập thể của các dòng tu và đặc biệt là dòng Xitô chiêm niệm tôi cũng có phần lo lắng nhưng rồi tôi tự nghĩ: khó hay dễ có lẽ chỉ do mình! Thế nhưng bây giờ khi thật sự đụng chạm tôi cảm thấy đúng là “thật khó!”. Có những điều không phải mình muốn là được, người ta nói “thiện chí có thể giải quyết được vấn đề” nhưng thực tế nếu chỉ có thiện chí thôi mà không có ơn Chúa giúp có lẽ sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Có những lúc tôi suy nghĩ thật nhiều và tôi hỏi Chúa tại sao anh em chúng con, những người mang nơi mình thao thức tìm kiếm Chúa và nhiệt tâm theo Chúa mà lại có tâm hồn “cứng cỏi” đến thế? Một sự cứng cỏi vượt hơn những gì tôi tưởng! Và quả thật tôi phải “gồng mình” trong giai đoạn này rất nhiều. Tôi nói phải “gồng mình” bởi vì hàng loạt những khó khăn không tên từ tinh thần lẫn vật chất đang đè nặng trong tâm hồn mà bên ngoài vẫn phải vui cười để hòa đồng, chia sẻ và còn an ủi những anh em đang gặp khó khăn, đó thật sự là một nghịch lý! Thời gian này tôi đã cảm nghiệm được thế nào là ý nghĩa của sự “đau khổ trong tâm hồn” và như vậy hàng ngày tôi dâng tất cả mọi đau khổ ấy cho Chúa, xin Người thánh hóa chính bản thân mình và những người anh em. Thế rồi cũng là một điều kỳ diệu, mỗi ngày anh em hiểu nhau hơn, yêu thương, cảm thông và gắn bó với nhau nhiều hơn, dần dần tôi cảm nghiệm được sự “trở về” của niềm hy vọng. Trong những giờ sinh hoạt chung, anh em Tập viện thường cất lên bài ca Bác ái để nhắc nhở nhau:
Trong tình thương Chúa là Cha,
anh em ta hãy mến thương nhau,
mến thương chân thành thiết tha,
mến thương trong tình nghĩa đậm đà …
và nhờ đó tinh thần yêu thương đoàn kết trong anh em luôn được củng cố.
Về ơn gọi Miền Nam, bị mang tiếng là người miền Nam không dám vô tu nhưng thật ra ơn gọi Miền Nam ở Phước Vĩnh đâu phải ít, cho tới bây giờ đã có hơn 20% trên tổng số anh em trong Cộng đoàn là người miền Nam. Nhiều người cứ nghĩ cộng đoàn Đan tu Phước Vĩnh chỉ thích hợp cho những ơn gọi miền Bắc, nhưng đối với tôi thì không phải thế! Sau một thời gian sống ở Cộng đoàn này tôi thấy mọi người đều đơn sơ dễ mến, những anh em mới vào đôi khi cũng có trường hợp cứng cỏi một chút như đã nói ở trên, tuy nhiên với thời gian họ đã trở nên “thuần” nhờ đời sống gương mẫu, hiền lành và tinh thần yêu thương dạy bảo của các bậc cha anh đi trước. Một số rất ít cha thầy có “cá tính” nổi trội… tuy nhiên lại là “dấu ấn” riêng biệt để làm nên nét đặc thù của Phước Vĩnh. Vì thế đối với tôi, nơi đây quả là thuận lợi cho những tâm hồn thật sự muốn tìm kiếm Chúa và muốn kết hợp với Người. Tôi thật sự cảm nghiệm được tình Chúa và tình người hòa quyện vào nhau để dệt nên một Cộng đoàn sống chan hòa từng ngày trong lý tưởng đan tu.
Phước Vĩnh thật sự là một Cộng đoàn luôn phản chiếu tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, tuy khác biệt nhưng luôn luôn là một. Chính sự khác biệt này đã tạo nên một cộng đoàn phong phú; và chính tinh thần hiệp nhất đã nung đúc và gầy dựng nên “mái ấm” đan tu tại Thôn Rôn này mà hôm nay người trẻ chúng tôi được thừa hưởng di sản quý giá ấy. Xin chân thành tri ân các bậc Tiền Bối đã đổ bao mồ hôi nước mắt xuống mảnh đất thân yêu này để gầy dựng, bảo tồn và phát triển. Chúng con chân thành ghi ơn và sẽ kế thừa di sản quý báu mà các ngài để lại hầu Phước Vĩnh mãi mãi là Cộng đoàn yêu thương hiệp nhất giữa lòng Gáo Hội và xã hội hôm nay.
Ambrosio Bình Xuyên