XƯA CHÚA GIÊSU TRỪ QUỶ, GIẢNG DẠY –
NAY, NGƯỜI MÔN ĐỆ CẢNH GIÁC VÀ NHỜ ƠN CHÚA MÀ ĐUỔI QUỶ
Mc 1, 21 – 28
FM. Maximilianô Kolbe Trần Tâm, Thiên Phước
Theo thánh sử Maccô, Đức Giêsu ở hội đường Caphácnaum là một trong các sự kiện công khai quan trọng và đầu tiên[1]. Ngài làm khắp nơi những gì đã làm ở đây là giảng dạy và trừ quỷ, nó biểu lộ sự giải phóng do Ngài mang lại và làm cho danh tiếng đồn ra (c. 28)[2].
- Chúa Giêsu trừ quỷ và giảng dạy
- a. Người bị quỷ ám (1, 21-26)
Trong hội đường, ma quỷ ở đấy và không gây hấn, cũng không có ai gây phiền hà gì cho nó cho tới khi Đức Giêsu đến.
Đức Giêsu đến loan báo Thiên Chúa là chúa tể và về sự hiện diện chan hòa ân huệ của Ngài, chính vì sứ điệp này mà Ngài đến hội đường Caphácnaum. Đây là nơi dân chúng cầu nguyện và lắng nghe lời Chúa. Người tháp hoạt động của Người vào nền phụng tự Israel, như sứ giả của Thiên Chúa mà dân Israel thưa gửi. Thế mà tại đây có một người bị thần ô uế nhập (c.23)[3].
Kẻ bị quỷ ám ở ngay trong hội đường là nơi thánh, trong ngày sabat là thời gian thánh mà vẫn yên hàn như sống trong nhà nó; và chỉ khi gặp “Đấng thánh”, nó mới phải hét lên và bị trục xuất. Đức Giêsu có quyền lực tiềm ẩn đối kháng với tà thần, như hai kẻ thù gặp nhau, tìm cách lờ đi, nhưng không thể. Không có ai can thiệp vào nó, Đức Giêsu cũng không làm gì mà nó tự la lên, nó tỏ thái độ thù nghịch trước, vì cảm thấy yếu hơn. Nó thấy rằng “Đấng thánh”[4] có khả năng tiêu diệt nó và vương quốc của nó (c.24):“… Chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi” (c.23-c.24). Chỉ nguyên việc Đức Giêsu hiện diện đã khiến ma quỷ cảm nhận như gây hấn, nó bị sốc, không thể thản nhiên được, phải tự hét lên và lộ diện[5]; thái độ đó là một lời tuyên chiến, tuyên bố tình trạng thù nghịch và một lời từ chối giao đấu vì nó quá biết kết quả rồi[6]. Vì sao? Vì Đức Giêsu là Đấng thánh của Thiên Chúa[7] và do đó, không thể hòa hợp với tà thần. Đức Giêsu đã truyền hai lệnh: “câm”[8] và “xuất”. (c. 25-c. 26), thần ô uế vâng lời tức khắc. Với lời nói hữu hiệu, chứng tỏ quyền lực đích thực của triều đại Thiên Chúa mà Đức Giêsu loan báo; chỉ duy Thiên Chúa mới có tiếng nói cuối cùng và quyền lực của Người giải thoát và trả lại tự do cho con người. Đức Giêsu đưa tự do và bình an đến không phải nhờ thỏa hiệp với sự dữ, nhưng bằng cách thắng vượt sự dữ.
Ma quỷ không thể giấu mặt an phận khi đối diện với quyền lực tiềm ẩn trong Đức Giêsu. Ngoài ra, uy quyền từ lời giảng dạy của Ngài như ngọn roi uy lực đánh đuổi tà thần.
- b. Việc giảng dạy của Đức Giêsu (1, 27-28)
Giáo lý và uy quyền của Chúa Giêsu làm cho dân chúng kinh ngạc và danh tiếng được đồn đi.
Lời giảng của Đức Giêsu có uy quyền nên thính giả bị rúng động, dân chúng bị thách thức bởi giáo huấn, đưa đến định hướng đời sống hoán cải (μετάνοια). Dân chúng sững sờ kinh ngạc và nhận ra là một vị ngôn sứ đang ở giữa họ với “giáo huấn mới, một cách có uy quyền” (c. 27 – ntt).
Tác giả nhắc lại “lời giảng dạy – uy quyền” (c. 22 // c. 27) để “đóng khung” truyện trừ quỷ, muốn nói lên hai nét chính trong sứ vụ của Đức Giêsu là giảng dạy và trừ quỷ, đồng thời chuẩn bị cho sứ vụ bằng cách kể sự việc tại Caphácnaum được đồn ra khắp cả vùng lân cận miền Galilê.
Khi danh của Chúa được rao giảng khắp nơi, thì đất cho ma quỷ dụng võ cũng bị thu hồi; vì ma quỷ không thể sống chung hòa bình với Nước Chúa. Như vậy, rao giảng Tin Mừng cũng là một cách trừ quỷ.
- Một vài khuôn mặt của ma quỷ trong thời đại chúng ta
Như trình thuật của Tin Mừng, ma quỷ là có thật, nhưng nếu cắt nghĩa theo khoa học, dùng khoa học để giải đoán những hiện tượng không tự nhiên thì khó nhận ra trong thời đại chúng ta, vẫn có ma quỷ ẩn mình.
- Ma quỷ ẩn mình
Ma quỷ hiện diện đó mà như không có nó hiện diện!
Ma quỷ không hiện ra hình thù ghê gớm như các quái vật hữu hình khủng khiếp, nhưng nó ẩn hiện rất tinh vi ma mãnh. Trong nơi thánh (hội đường), thời gian thánh (ngày sabath), hành động thánh (đọc và nghe diễn giải sách thánh); vậy mà có thần ô uế sống yên ổn trong đó! Không gian thánh, thời gian thánh, hành động thánh; ba yếu tố “thánh” đó cũng không có gì làm cho nó phải bận tâm, lo lắng sợ hãi gì cả; không ai biết có sự hiện diện của nó cho tới khi Chúa xuất hiện.
Cuộc sống người Kitô hữu đang được hướng dẫn bên trong bởi uy quyền của Đức Giêsu hay thế lực nào khác? Trong nơi thánh điện, những con người được thánh hiến, hiện diện trong khung giờ thánh, hoàn toàn nằm bên trong các chữ “thánh” đó mà không có chuyện gì xảy ra vì sao? Thoả hiệp? Yếu đuối? Hay ổn định vì cân bằng giữa các “lực lượng” đối kháng?
Ma quỷ rất tinh khôn, nó xuất hiện dưới những hình dáng bên ngoài dễ chấp nhận, hấp dẫn; dưới những chiêu bài nhiệt thành với luật Chúa mà thực ra là khơi lên những làn sóng xung đột, bất hòa. Chúng vuốt ve thói ích kỷ để làm ngơ trước đòi hỏi của các giá trị sống đúng, nó lừa gạt để con người đánh mất ý thức về tội; có khi nó xuất hiện qua những dung mạo hiền lành thánh thiện. Ai bội giáo, bất tín cách công khai mà dứt áo ra đi là một chuyện; còn người ở lại trong nhà Chúa, tình trạng như thế nào? “Chất lượng” bên trong cái vỏ bọc đó là gì ai mà thấu cho hết! Qua chuyện trừ quỷ này thì những người ở lại trong nơi thánh, thời gian thánh và làm công việc thánh đâu phải luôn luôn tốt tất cả! Ma quỷ thật tinh khôn và hiểm độc. Qua đoạn Tin Mừng này, nó làm cho lời ngôn sứ Gr 7, 4 cảnh tỉnh một lần nữa: “Đừng ỷ vào lời giả dối sau đây: “Đền Thờ của Đức Chúa! Đền Thờ của Đức Chúa! Đã có Đền Thờ của Đức Chúa!”
Khi phát hiện mưu mô chước độc của quỷ dữ, có cần tiểu trừ chúng bằng ngôn từ, hành động đao to búa lớn, chém sắt chặt đinh không?
- b. Sống thánh thiện và rao giảng Tin Mừng để ma quỷ phải tự lộ diện và xuất khỏi
Xua trừ ma quỷ không phải bằng sức mạnh, mưu kế của trần gian này, mà là bằng uy quyền của Thiên Chúa.
Thắng được tà thần không phải bằng thỏa hiệp và nhượng bộ, nhưng nhờ thẳng thắn chiến đấu chống lại nó nhân danh triều đại Thiên Chúa; nó đã và sẽ phản ứng thô bạo, kháng cự, la hét. Với quyền năng của Chúa vượt lên trên tất cả các sức mạnh đối kháng; nếu kết hợp với Người, sẽ đánh bại sự dữ và các sức mạnh của nó.
Theo thánh Giáo hoàng Piô X thì: Instaurare Omnia In Christo – Bắt đầu lại tất cả trong Chúa Kitô. Muốn cải tổ mà ưa hành động, thiếu đời sống nội tâm thường đem đến tai họa, là mồi ngon cho quỷ dữ. Nguy cơ dễ đánh mất nhiệt tình ban đầu hoặc đi sai hướng nếu say mê hoạt động mà bê trễ đời sống nội tâm. (Chỉ lo sức lực hay tài khéo nơi công cụ của Thiên Chúa, bận tâm với công trình của Chúa mà quên rằng Thiên Chúa làm chủ muôn loài muôn vật). Luther rất xuôi thuận trên đường đời, ba mươi lăm tuổi mà làm giám tỉnh! Nhưng ông quá bận rộn đến nỗi than không có giờ để cầu nguyện và dâng lễ! Và rồi, đời ông đi về đâu, lịch sử đã chứng minh[9]. Thánh Carôlô Bôrômêô thì khác, ngài viết: Không có gì cần thiết cho bằng tâm nguyện; đó là một việc phải đi trước, đi cùng và theo sau mọi hoạt động[10].
Theo gương Chúa Giêsu giảng dạy, khai mở cho người mê muội để hiểu biết và thấm nhuần tinh thần Tin Mừng để tránh xa, chống trả và xua đuổi ma quỷ trong thời đại hôm nay.
Quỷ phải xuất khi uy quyền Thiên Chúa làm chủ trái tim con người.
* Kết luận
“Một ngày ở Caphácnaum” là ngày mẫu của Đức Giêsu; giảng dạy và trừ quỷ: Thiên Chúa đang biểu lộ quyền năng để giải phóng con người.
Trong hội đường là chốn linh thiêng với không gian thánh, thời gian thánh và hành động thánh mà lại có một thần ô uế ở yên trong đó; những môn đệ của Chúa Kitô hãy cảnh giác và sống thánh thiện để quỷ dữ phải tự thú, la lên và xuất khỏi.
Đừng sợ ma quỷ, nhưng làm cho ma quỷ phải sợ khi sống kết hợp với Chúa./.
[1] Đoạn này thuộc về một toàn bộ gọi là “ngày ở Caphácnaum” của Chúa Giêsu (Mc 1, 21-34).
[2] Dựa theo bản tiếng Việt: Kinh Thánh Tân Ước, Tòa Tổng Giám Mục Giáo Phận Tp. HCM 1994.
[3] Các cuộc trừ quỷ chiếm một vị trí quan trọng trong tác phẩm của thánh sử Maccô
[4] Mc 1, 7:“Người mạnh” (x. Mt 12, 2).
[5] Từ chối mọi quan hệ, mọi thỏa hiệp giữa hai bờ chiến tuyến (x. Gs 22, 24; 2 V 3, 13; Hs 14, 9: “Giữa chúng ta còn có thể quan hệ gì nữa? Ông lo việc của ông đi!”.
[6] Mc 5, 7: “Lạy ông Giêsu, con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông?”
[7] Mc 5, 7: “Con Thiên Chúa tối cao”.
[8] Ma quỷ như thú dữ cần phải chế ngự để làm cho nó ra vô hại khi Chúa Giêsu ra lệnh cho nó phải câm (ở yên đó, không được manh động).
[9] Hồng y Tổng giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Chứng Nhân Hy Vọng. Cộng Đoàn Đức Mẹ La Vang ấn hành 2000, tr.40.
[10] Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Các Bài Đọc Giờ Kinh Sách, quyển 4. Nxb Tôn Giáo 2008, tr. 698. Và tác phẩm: Hạnh Tích Các Thánh Toàn Tập của Linh mục Giuse Phạm Đức Tuấn, Thánh Carôlô Bôrômêô, Giáo phận Tp.HCM 2003, tr. 1073.