HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM
Nội san linh đạo đan tu
HƯƠNG VỊ LỜI CHÚA
Số 2 tháng 7 năm 2006
Lời nói đầu
Nội san “HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM” số thứ hai, được dành cho chủ đề “HƯƠNG VỊ LỜI CHÚA”, đến với quí độc giả nhân kỷ niệm ngày giỗ (25.7) lần thứ 73 Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận (1933-2006).
Mở đầu cho phần nghiên cứu, soeur Babriel Peters giới thiệu “Origène : một vị thầy dạy đọc Kinh Thánh”. Vị thầy này đề nghị một từ chủ chốt là “đào sâu” với hai đối tượng liên kết chặt chẽ với nhau – Kinh Thánh và tâm hồn – : “hãy kín múc nước nơi giếng của tâm hồn chúng ta, hãy kín múc nước nơi giếng của Kinh Thánh. Ước gì nước của giếng này hoàn lẫn với nước của giếng kia”.
Việc đào sâu Lời Chúa được đức nguyên viện phụ Duy Ân trình bày trong bài viết “Sống Lời Chúa theo truyền thống đan tu” theo hai hướng : lịch sử và những chiều kích sống Lời Chúa. Các thế hệ đan sĩ sống Lời Chúa để tìm thấy nơi đó hương vị ngọt ngào, như chứng từ của thánh Alredo : “Vừa gia nhập đan viện, tôi đã ân cần suy niệm Kinh Thánh, và một khi nếm được sự ngọt ngào của Lời Chúa, tôi coi thường các khoa học trần thế”. Tác giả mời gọi đan sĩ hôm nay hãy sống Lời Chúa theo truyền thống đan tu, một truyền thống lâu đời của việc “Tụng Niệm Lời Chúa” (Lectio divina).
Để việc thực hành lectio divina sao cho hiệu quả, cha Enzo Bianchi, trong “Thư gởi anh Gioan”, đã nêu lên những yếu tố căn bản hầu cảm nếm trong trái tim mình hương vị của Lời Chúa. Thật vậy, chính trong một trái tim được thanh tẩy, duy nhất, lành mạnh, mà Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh đến cự ngụ trong anh để cử hành lectio divina. Và khi ấy, Thiên Chúa ôm hôn anh bằng một nụ hôn thánh thiện: đó là tiệc cưới của Người Được Yêu và Người Yêu.
Như vậy, Lời Chúa chỉ đạt tới chiều sâu khi Lời đó tác động mạnh mẽ trên người biết lắng nghe và đáp trả. Đan sĩ Duyên Thập Tự, qua bài “Cha Biển Đức Thuận và Lời Chúa mời gọi ra đi”, mời độc giả tìm hiểu những chặng đường cuộc sống của ngài, để xuyên qua đó, khám phá và tái khám phá sự kỳ diệu của ơn gọi, sự tương tác giữa Lời của Người kêu gọi và hành động của người đáp trả. Vì, trong một mức độ nào đó, những biến cố trong cuộc sống của con người biểu lộ dung mạo của chính Thiên Chúa.
Và đây một câu hỏi căn bản nhất đặt ra cho chúng ta : Ai là người biểu lộ dung mạo Thiên Chúa một cách tuyệt vời nhất? Đan sĩ Ephrem Trương Cường trình bày “Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa, dưới ánh sáng hiến chế Dei Verbum” như là một Thiên Chúa hiện diện trong đời thường, đã trở thành người phàm và nói tiếng nói của con người, mà vẫn không bị tổn thương đến sự chân thật và thánh thiện của Đấng khôn ngoan đời đời. Nhưng Chúa Giêsu, Lời vĩnh cửu, khi đến trần gian, đã mời gọi chúng ta vào tương quan với Chúa Cha, vì “Cha Thầy cũng là Cha của anh em”. Đan sĩ Gioan Đạt Đào Văn Tiến đã nêu lên sự kiện : Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, và áp dụng lối xưng hô đó vào mọi sinh hoạt của cuộc sống thường ngày như chính Ngài đã thực hành.
Phần cảm nghiệm về Lời Chúa được chia sẻ dựa vào một vài khuôn mặt hay hình ảnh được sử dụng trong Kinh Thánh.
Trước hết, trình thuật Lời Thiên Chúa đến với Samuel khi cậu đang thiếp ngủ bên cạnh Hòm Bia tại Si-lô, đã cảm hứng đan sĩ Song Linh viết lên dòng cảm nghiệm về “Lời tình yêu”. Khi cảnh vật đang chìm trong giấc ngủ, Thiên Chúa khẽ gọi Samuel. Lời nhẹ nhàng vang vọng trong đêm thức tỉnh Samuel chỗi dậy. Tình yêu đã thực sự mời gọi Samuel. Vì thế, Samuel đã yêu Lời, lắng nghe Lời, nói và thi hành Lời với lòng trung thành. Chị Thiên Triệu, phụ trách dòng nữ Thánh Mẫu Vĩnh Phước, lại chiêm ngắm “Lời Chúa trong cuộc đời Đức Maria” : Mẹ suy đi gẫm lại Lời Chúa và gắn bó với chính Lời Nhập Thể. Mẹ đã cưu mang Lời Chúa cách trân trọng và trung tín. Như vậy, Mẹ Maria đã nêu gương lắng nghe và thi hành Lời Chúa trong cuộc sống.
Tiếp đến, Lời Chúa được cảm nghiệm xuyên qua một vài hình ảnh. Hình ảnh thứ nhất của Lời Chúa là đèn soi, ánh sáng. Đan sĩ Mai Thi, dựa vào thánh vịnh 118,105 “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” để nêu lên ý nghĩa : Lời Chúa là ánh sáng soi đời chiêm niệm. Thật vậy, nhờ ánh sáng Lời Chúa, chúng ta khám phá ra Đức Kitô; và thành quả của đời chiêm niệm phát sinh từ hạt giống Lời Chúa. Vì, chỉ trong Lời Chúa, đan sĩ tìm được lẽ sống, lương thực bối bổ tâm hồn chiêm niệm. Nhưng Lời Chúa còn là thanh gươm hai lưỡi. Đan sĩ Huy Nghiêm đã làm nổi bật “Tính cách giáo dục của Lời Chúa”. Khi đối diện với Lời Chúa – Lời có hiệu năng phá đổ, xây dựng và tái lập bình an -, đan sĩ được thanh luyện và hoán cải, biết sống có chuẩn mực, đầy tình bác ái. Và khi ấy, đan sĩ cảm nếm hương vị ngọt ngào và tiến bước, đi hết hành trình theo Chúa Kitô trong đời đan tu, để mối tình với Chúa thêm đậm đà thắm thiết.
Phần chia sẻ được đóng lại với một cảm nghiệm của đan sĩ Dũng Lạc về “Lời Chúa làm hoan lạc lòng con” dưới dạng một tra vấn và một nguyện ước. Tra vấn, vì chúng ta đã khao khát tìm kiếm điều mang lại hạnh phúc thật hay còn mong ước tìm kiếm lợi ích riêng tư? Tự hỏi : Lời Chúa có dễ nuốt không? Đồng thời, tác giả nguyện ước ngày càng cảm nghiệm thêm : “Gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào, Lời Ngài làm cho con hoan hỉ, làm vui thoả lòng con”.
Khi đặt tựa đề “HƯƠNG VỊ LỜI CHÚA” cho số thứ hai nội san Hạt Giống Chiêm Niệm, Ban Biên Tập mong ước những bài viết mang lại một chút hương vị cho quí độc giả. Nhưng những dòng chữ được viết lên đó chỉ là con đường vòng bên ngoài, như một lời mời gọi. Chúng ta hãy “cầm lấy và đọc” cuốn Kinh Thánh, trong cô tịnh và cầu nguyện, ăn, nhai và nuốt Lời Chúa, chắc chắn sẽ cảm thấy HƯƠNG VỊ thật ngọt ngào thấm ra từ thứ LƯƠNG THỰC làm hoan lạc lòng người.
Ban Biên Tập
Mục Lục
- ORIGÈNE: MỘT VỊ THẦY DẠY ĐỌC KINH THÁNH
(Chuyển ngữ : Duyên Thập Tự) - SỐNG LỜI CHÚA THEO TRUYỀN THỐNG ĐAN TU
(Tác giả: Duy Ân) - THƯ CỦA CHA ENZO BANCHI GỬI ANH GIOAN
(Chuyển ngữ : FM. Vienney Nguyễn Tri Phương và Duyên Thập Tự) - CHA BIỂN ĐỨC THUẬN VÀ LỜI CHÚA KÊU GỌI RA ĐI
(Tác giả : Duyên Thập Tự) - ĐỨC GIÊSU KITÔ, LỜI của THIÊN CHÚA DƯỚI ÁNH SÁNG HIẾN CHẾ DEI VERBUM
(Tác giả : FM. Ephrem Trương Cường) - CHA THẦY CŨNG LÀ CHA ANH EM
(Tác giả : Tiến Đạt) - NHỮNG HẠT SÁNG THỨC TỈNH
(Biên soạn: Mặc Linh) - LỜI YÊU THƯƠNG
(Tác giả : Song Linh) - LỜI CHÚA TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC MARIA
(Tác giả : Sr.Thiên Triệu ) - LỜI CHÚA LÀ ĐÈN SOI CHO CON BƯỚC, LÀ ÁNH SÁNG CHỈ ĐƯỜNG CON ĐI
(Tác giả : Mai Thi ) - TÍNH GIÁO DỤC CỦA LỜI CHÚA
(Tác giả : Huy Nghiêm) - LỜI CHÚA LÀM HOAN LẠC LÒNG CON
(Tác giả : Dũng Lạc) - VÀI GỢI Ý VỀ LOGO NỘI SAN HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM
ORIGÈNE: MỘT VỊ THẦY DẠY ĐỌC KINH THÁNH
Nguyên ngữ : Un mayre de lecture : Origène
Tác giả : Soeur Babriel PETERS, osb
Collectanea cisterciensia, 41 (1979-4), pp. 340-350
Chuyển ngữ : Duyên Thập Tự
Gérard Zerbolt, một tác giả thế kỷ 14, hỏi chúng ta qua những lời lẽ sau đây :“ Bạn đọc gì? Bạn đọc thế nào? Tại sao bạn đọc?”[1], những câu hỏi đó bắt buộc chúng ta phải xét mình về giá trị của việc đọc sách và mời gọi chúng ta phải cố gắng một cách nghiêm túc.
Bạn đọc gì?
Ở đây chỉ là việc đọc sách thiêng liêng (lectio divina) và dĩ nhiên là đọc Kinh Thánh. Theo thánh Biển Đức, chúng ta có thể hiểu từ đọc (lectio) theo nghĩa rộng, đó là một âm vang của Kinh Thánh mà chúng ta thu nhận trong khi đọc các Giáo phụ, các Thánh phụ đan tu và những tác giả thiêng liêng lớn ; các ngài là tiếng nói sống động của Truyền thống. Thật ra, thực đơn mà Giáo hội dọn cho chúng ta khi giới thiệu tất cả những bậc “tiến sĩ” và những văn sĩ dạy đường thiêng liêng rất ư phong phú và khác biệt […] Nhưng trên hết là không bao giờ quên rằng Kinh Thánh là thứ nhất và rằng, theo hình ảnh được tu sĩ Dòng Tên Giulio Negrone, những tác giả dạy đường thiêng liêng chỉ là những “dòng sông chuyển tải” cũng cần được nuôi dưỡng tận nguồn suối tinh tuyền này[2].
Giáo phụ Origène mà chúng ta được nghe từ lâu, đã ý thức sự khác biệt giữa các tính khí, và hình như ông đã tán đồng – theo một nghĩa phúng dụ – lời này của thánh Biển Đức : “Chúng ta rất ái ngại khi ấn định mức độ ăn uống cho kẻ khác”[3].
Ông nói rằng : “Chúng ta hãy đón nhận, nhưng mỗi người với sức lực và những phương tiện đang có, tất cả những bản văn này là Lời của Thiên Chúa được trao ban cho chúng ta, những lương thực khác nhau được gởi tới tuỳ theo mức độ của tâm hồn chúng ta”[4].
Quan trọng là sư tử ăn thịt không bao giờ được chê bai chú thỏ ăn cỏ: điều kiện sống của chúng thật khác biệt biết bao !
“Được tạo hoá phú cho trí thông minh, sư tử có thể phàn nàn rằng có quá nhiều cỏ, vì viện cớ rằng mình chỉ được nuôi sống bằng thịt tươi thôi !”[5]
Bạn đọc khi nào ?
Thật vậy, cần thiết phải cố định những giờ đọc sách, bảo vệ thời gian này cho Thiên Chúa mà thánh Biển Đức đã dự kiến một cách rộng rãi trong thời khoá biểu hằng ngày.
Đọc sách là khoảng thời gian nuôi sống tâm trí chúng ta. Những lời của Chúa Kitô, là thần trí và sự sống (Ga 6,63), Bánh của Thiên Chúa ban xuống từ trời (Ga 6,33) và để đón nhận và đồng hoá thức ăn tồn tại mãi trong sự sống trường cửu (Ga 6,27), chúng ta phải lao động. Việc đọc là công việc nuôi sống thiêng liêng. Đọc là một công việc linh thiêng đòi hỏi thời gian. Con người không chỉ sống nguyên bởi bánh (Lc 4,4), hoa trái của đất đai. Người ta lại không dự kiến một cách đúng giờ các bữa ăn hay sao ?
Chúng ta cần đồng cảm với sự kiên nhẫn thánh đã đốt cháy trái tim của Augustinô lúc ngài sắp trở lại :
“Con tìm chân lý nơi đâu? Khi nào con tìm nó? Con không có thời gian để đọc ! Chúng ta hãy phân chia thời gian, phân bố những giờ khắc vì phần rỗi linh hồn chúng ta. Một niềm hy vọng lớn lao đã trào lên…. Những giờ khắc buổi sáng dành cho học sinh. Làm sao con có thể dành cho những công việc khác? Tại sao con lại không sử dụng chúng cho sự tìm kiếm này?”[6]
Đoạn văn trên được tiếp tục bằng việc loại bỏ những lý lẽ. Trái tim của Augustinô, cũng như trái tim chúng ta, “bị xô đẩy bên này bên kia theo những luồng gió khác nhau”! Nhưng việc liệt kê những bận tâm sẽ đưa ra ánh sáng bậc thang giá trị : bậc thang này có được tôn trọng hay không?
Bạn đọc cách nào ?
Chỉ câu hỏi duy nhất này từ đây đáng cho chúng ta chú tâm. Chúng ta nhập câu hỏi sau đây vào câu hỏi trên : tại sao bạn đọc ? Thật vậy, ý hướng cho biết cách chúng ta đọc. Nó đòi hỏi một cách thức đọc. Nếu chúng ta không đọc “để trở về với Chúa Kitô”, – cho dù sức mạnh lý trí phán đoán và kiến thức về khoa chú giải của chúng ta rộng đến đâu, chúng chỉ là những trợ giúp quí giá nhưng khiêm tốn, – thì chúng ta cũng đọc tồi, rất tồi và một tấm màn rất dầy còn che phủ trên bản văn Kinh Thánh và trên trái tim chúng ta (x. 2Cr 3,12-18).
Vậy phải làm gì đây để đọc cho tốt ? Đọc cách nào? Đây ông Péguy, và trước đó là giáo phụ Origène, dạy chúng ta cách đọc để lay động và để thúc đẩy chúng ta lên án một cách nghiêm khắc tính ươn ái tội lỗi của chúng ta ! Khi lên án “cái nhìn-zéro”, Péguy bài xích việc đọc-zéro !
Một việc đọc tốt, một việc đọc thực sự, cuối cùng là một việc đọc giản đơn, một việc đọc thật kỹ chính là sự hoàn thành bản văn, … đôi mắt xấu xa, những cái nhìn không xứng đáng của chúng ta lật nhào những ngôi đền thờ này. Một cái nhìn tốt lành thì hoàn tất, còn cái nhìn xấu xa làm giở dang. Một cái nhìn vô hiệu, cái nhìn-zéro, là cái nhìn xấu xa hơn hết, đó là cái nhìn của sự mất dinh dưỡng, không có lòng tin yêu, không chút nhớ nhung[7].
Cần ghi nhận từ mất dinh dưỡng : như chúng ta nói, Lời Thiên Chúa là bánh nuôi sống chúng ta, là lương thực, và ông Origène thích dùng hình ảnh, đưa ra những hình ảnh táo bạo : “phải nấu chín thức ăn sống của Kinh Thánh với Thánh Thần sôi sục…, phải nấu chín thịt của Con Chiên”[8]. Phải cần đến ngọn lửa của ước muốn và ngọn lửa tình yêu. Trái tim của những môn đệ Em-mau đã không bừng cháy trên đường đi khi Chúa Giêsu mở lòng cho các ông hiểu Kinh Thánh hay sao (x. Lc 24,34)? Nếu thật sự Lời Thiên Chúa là lương thực và ban sự sống, thì cũng chân thực rằng chính những lời đó là sự sống. Và một lần nữa Péguy cảnh giác chúng ta rằng “những lời sống động chỉ có thể được bảo tồn sống động… được nuôi sống, chứ không phải được gìn giữ và mốc meo trong những hộp gỗ hay thùng các-tông… Như người mẹ nuôi nấng và ôm đứa con sơ sinh vào lòng, cũng vậy, chúng ta phải được nuôi dưỡng trong trái tim, trong thịt máu Lời hằng sống được phát ngôn trong thời gian và trong xác thịt… điều ưu đãi này đã được trao ban cho chúng ta… để bảo tồn sống động những lời sự sống, để nuôi sống bằng máu thịt, bằng trái tim những lời mà không có chúng ta có thể bị rơi vào chỗ bị tước mất xương thịt… Thật là một trách nhiệm kinh khủng !”[9]
Nhưng nghiêm trọng, khẩn cấp hơn lời của ông Péguy chính là lời của Thiên Chúa mà chúng ta phải hiểu được sự đòi hỏi của nó : “Israel, hãy lắng nghe !”(Đnl 6,4)
Dân Ta hỡi, nghe Ta cảnh cáo,
Ít-ra-en này, phải chi ngươi chịu nghe Ta.
Nhưng dân Ta đã chẳng nghe lời,
Ít-ra-en nào đâu có chịu.
Ôi dân Ta mà đã nghe lời,
Ít-ra-en chịu theo đường ta chỉ,
Ta sẽ nuôi bằng lúa mì tinh hảo
mật ong rừng, Ta cho hưởng thoả thuê (Tv 80).
Nếu chúng ta làm sống động lại đức tin vào sự ưu tiên tuyệt đối của Lời Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ được chữa khỏi “thói quen ngây dại trước một Lời bằng lửa của Thiên Chúa”[10]. Đọc nghĩa là vượt qua bằng đôi mắt “những dấu chỉ”, những chữ nhỏ bé được in ấn đang nhảy nhót để chúng được che dấu đi, và nhường bước cho việc lắng nghe một tiếng nói sống động, mang theo một lời, một sứ điệp :
“Hai điều này cũng được trao ban cùng nhau, xuyên qua cùng một tiếng nói : chữ viết và tinh thần”.[11]
Như vậy, ước chi tiếng nói được nghe làm giảm thiểu chính tiếng nói, như tiếng nói của Gioan Tẩy Giả để Ngôi Lời lớn lên :
Trước hết tiếng nói đập vào lỗ tai,
tiếp đến Lời được nghe dưới tiếng nói[12].
Lời Thiên Chúa là Con của Người, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể trong Kinh Thánh, cũng nhập thể trong xác thịt[13]. Lời quyền năng và sáng tạo này, khi ngỏ với chúng ta, chờ mong chúng ta đáp trả. Đọc Kinh Thánh là đối thoại với Thiên Chúa của Giao Ước Đấng kết hiệp với chúng ta qua Con của Người. Ngôi Lời của Kinh Thánh là một sự Hiện diện. Đứng ngoài quan điểm Kitô giáo, nhưng với một cảm quan tôn giáo rất sâu xa, nhà chú giải và triết gia Do thái Martin Buber, đã có thể gợi lên sự hiện diện huyền nhiệm mà bất cứ biến cố nào – tất cả những gì xảy ra cho tôi – đều cưu mang. Chính việc đọc là một biến cố có khả năng biến đổi một cuộc sống, và những hình ảnh trong bản văn của Buber trực tiếp ám chỉ :
Sống có nghĩa là nghe được một lời ngỏ, chúng ta chỉ cần sẵn sàng lắng nghe mà thôi… Tất cả những gì xảy đến cho tôi, một diễn biến tầm thường của thế giới, trở thành một lời mời gọi nhắn gởi cho tôi. Chính vì tôi làm nhạt nhẽo, bỏ rơi lời gọi đó, mà tôi có thể hiểu điều xảy ra cho tôi thuộc diễn tiến của thế giới nhưng lại không chút gì liên hệ với tôi… Đức tin chân thật – nếu tôi có quyền gọi đó là thái độ sẵn sàng lắng nghe và nhận thức, – bắt đầu nơi mà người ta ngừng “lật giở trang”, nơi mà cách hành động biến mất. Điều gì xảy ra cho tôi, cũng đều nói với tôi cái gì đó. Nhưng điều nói với tôi đó, có thể không mở ra cho tôi một thông tin bí ẩn nào, vì trước kia điều đó đã không được nói ra và giờ đây không kết dệt nên những âm thanh đã không bao giờ được phát ra. Nhưng rất bất ngờ, một cú rùng mình, tôi cảm thấy một sự Hiện Diện đang nhìn tôi[14].
Như vậy chúng ta hãy sẵn sàng lắng nghe và nhận thức : “Chúng ta hãy luôn luôn sẵn sàng phụng sự và nghe lời Thiên Chúa tới tận gốc rễ của con người toàn diện chúng ta. “Bạn nói là người ta không nhận thức được gì cả hay sao ? Này đây! chúng ta phải lắng nghe bằng một nỗ lực vô hạn của tất cả hữu thể chúng ta”[15]. “Ước gì tôi lắng nghe… mở rộng đôi tai tới tận sâu thẳm nơi thính giác trộn lẫn với Hữu Thể”[16]. Vì, một lần nữa, “tôi biết ai nói và đòi trả lời”[17]. Ngôi Lời Thiên Chúa ở đó, hiện diện trong Kinh Thánh, Ngài là sự sung mãn của mặc khải và “Ngài nói lời Thiên Chúa” (Ga 3,34). “Còn chúng ta, chúng ta không luôn luôn ở đó”[18].
Lời khuyên bảo của Origène : “đào sâu các giếng nước”
Hơn một lần, chúng ta đã nghe tiếng phàn nàn như là trách móc : “Không một ai đã dạy tôi đọc”. Trong lòng tôi, mỗi lần tôi lại thắc mắc : “Người ta đã không dạy bạn đọc hay sao ? Vào thời gian học hành, chính bạn cũng đã chẳng bao giờ dạy chính mình chú ý hay sao?”
Nhưng có thể chúng ta còn cần một vị thầy để dạy chúng ta không những đọc tốt nhưng còn tiến tới cấp độ tuyệt đỉnh này là : đọc tốt Lời Chúa, “đi vào tận tâm tuỷ của những lời thiên linh”[19].
Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị : “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4,10).
(…) Có thể có một huấn lệnh thần linh mà không có nó thì không ai nhận được một ân huệ thần linh mà không phải cầu xin”[20].
Để đón nhận nước tinh khiết vọt lên thành sự sống đời đời, phải cầu xin nước đó. Chúng ta ở trước sách Thánh Kinh như người nữ Samaria bên bờ giếng, nhưng chúng ta không ở một mình : Chúa Giêsu ở đó, chính Ngài mở cuốn sách đã được niêm ấn (Kh 5 và 6), chính Ngài giải thích trong tất cả Kinh Thánh những gì liên quan đến Ngài (Lc 24,27), chính Ngài ban cho dòng nước tinh trong của Thánh Linh. Dòng nước tinh trong vọt lên từ Kinh Thánh nhưng Thiên Chúa đã đổ tràn trong trái tim chúng ta (x. Rm 5,5) : “Trong tôi, một dòng nước tinh trong thì thầm : ‘Hãy đi đến với Chúa Cha”[21].
Chính khi kín múc nơi giếng sâu thẳm của trái tim, khi để Chúa Thánh Linh tràn vọt trong chúng ta, là chúng ta có thể kín múc nơi giếng sâu thẳm của Kinh Thánh. Trong mức độ chúng ta hiểu rằng “toàn bộ Sách Thánh chỉ là một cuốn sách”[22], chúng ta có thể đạt thấu ý nghĩa thiêng liêng là ý nghĩa tròn đầy : Chúa Thánh Linh mạc khải Chúa Kitô, kho tàng dấu kín trong thửa ruộng Kinh Thánh, và Chúa Kitô lại dẫn đưa chúng ta đến với Chúa Cha. Bên trên tất cả những lời của Lời, chúng ta nghe được Ngôi Lời nhập thể, Người Con và Lời của Thiên Chúa : “Vào những ngày cuối này Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Người Con” (Dt 1,2).
Chủ đề giếng nước, – giếng Kinh Thánh và giếng của cõi lòng -, là một trong những chủ đề ông Origène ưa thích hơn hết; ông đã triển khai nhất là trong Bài Giảng XII về Sách Sáng Thế[23]. Theo sát bản văn, chúng ta sẽ tóm tắt lời giảng dạy của ông.
Các tôi tớ của ông Abraham đã đào những giếng nước nhưng dân Phi-li-tinh lại lấp kín (x. St 26,15). Rồi đây làm sao để cho đàn vật uống nước? Làm sao để chúng sống sót đây ? Lại để chúng chết khát ngay bên mạch nước sao? Cũng thế, những sức mạnh đối nghịch, những “tiến sĩ xấu xa”, làm dơ bẩn dòng nước của Chúa Thánh Linh. Kinh Thánh nếu chỉ được đọc một cách hời hợt thì tâm hồn như bị chôn vùi dưới đống đổ nát mà thôi ! Như vậy chúng ta hãy bắt tay vào việc: chúng ta hãy đào sâu ! Đây chính là từ chủ chốt : đào sâu. Đào sâu Kinh Thánh và đào sâu cõi lòng (con tim). Đó là đạt thấu chiều sâu của điều chúng ta đọc, khám phá nơi đó lời của Thiên Chúa và tìm thấy hình ảnh của Thiên Chúa là chính chúng ta! Một công việc rất ư vất vả! Nhưng thật ra, chính Isaac, Isaac của chúng ta, tiến hành công việc, nếu chúng ta khẩn xin Ngài làm, nếu chúng ta để Ngài làm, nếu chúng ta cũng làm một cách khiêm tốn với lòng tin tưởng, như những cộng tác viên, những môn sinh của Ngài :
Các bạn hãy chiêm ngưỡng Isaac của chúng ta, Đấng đã tự hiến làm hy lễ cho chúng ta[24].
Đấng Cứu Thế của chúng ta, Isaac này, muốn trước hết đào sâu những giếng mà các đầy tớ của Cha Ngài đã đào, nói cách khác, Ngài muốn canh tân những giếng của lề luật và các tiên tri mà dân Phi-li-tinh đã lấp kín[25].
Isaac, Chúa Kitô, người “Con của lời hứa”, đào sâu những giếng nước “mở rộng trước hết các giếng nước cũ”, vì thế tất cả Cựu Ước được canh tân nhờ việc Chúa Kitô đến.
Bằng Phúc Âm, Chúa Cứu Thế đã làm mọi sự trở nên giống Phúc Âm[26].
Nơi khác Origène nói một cách tuyệt vời, khi ông chú giải về quang cảnh Biến hình :
Một khi Ngôi Lời đã được các tông đồ đụng chạm đến, khi ngước mắt nhìn lên, họ chỉ thấy một mình Ngài. Duy nhất đã trở thành ông Maisen hay là Lề luật hoặc Tiên tri : duy nhất với Chúa Giêsu là Tin Mừng. Và đây không còn như trước : họ không còn là ba, nhưng cả ba đã trở nên một Hữu Thể duy nhất[27].
Như vậy, Isaac của chúng ta đã muốn “trả lại cho những sách Cựu Ước sự tinh tuyền và chỉ cho thấy tất cả những gì mà Lề Luật và Các Tiên Tri đã nói về Ngài[28].
Sau khi đã quét dọn những giếng cũ, Isaac, qua các tôi tớ, đào những giếng mới. Mat-thêu, Marco, Luca và Gioan ; Phêrô, Giacôbê, Giuđa và Tông Đồ Phaolô, tất cả đều là những người đào giếng của Tân Ước. Isaac đã đào sâu đến nỗi đã chất đầy cho chúng ta ngay cả những kiến thức về Chúa Ba Ngôi. Trên toàn lãnh thổ, các tôi tớ của Ngài đã lan tràn, họ đã đào những giếng nước, họ đã chỉ cho tất cả mọi người thấy dòng nước tinh trong, “rửa tội cho mọi dân tộc nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).
Như vậy, công việc của các tôi tớ Lời Thiên Chúa, cả ngày hôm nay cũng thế, là đào giếng, đạt cho tới tầng nước sâu thẳm, nước tinh tuyền của Chúa Thánh Linh, cất đi chiếc khăn che của lề luật.
Dầu vậy, mỗi người phải đào sâu lòng mình. Đào sâu Kinh Thánh và đào sâu cõi lòng : sự chuyển tiếp đòi hỏi cho đối tượng kia được thực hiện như qua một sự chuyển biến không nhận thức được, vì cả hai tác động hoà quyện vào nhau. Việc khoan sâu vào Kinh Thánh cũng như việc khoan sâu vào con tim được thực hiện đồng thời và xuyên qua một sự tương tác.
Khi biết rằng những mầu nhiệm sâu thẳm được cất giấu trong Kinh Thánh, các bạn tiến bộ bằng việc biện phân, các bạn tiến triển trong những thái cử thiêng liêng[29].
Mỗi tâm hồn một cách nào đó chứa đựng một giếng nước tinh ròng, một ý nghĩa thiên linh nào đó, một hình ảnh của Thiên Chúa còn bị chôn vùi[30].
Những người Phi-li-tinh đến và chúng ta đã mang lấy “hình ảnh của con người bởi đất” (1Cr 15, 49). Nhưng theo mức độ mà chúng ta đào sâu tâm hồn, mức độ mà chúng ta tìm kiếm dưới những mảnh vỡ “được chồng chất, suốt chuỗi dài những chểnh mảng lười biếng” điều gì là sâu kín của hữu thể chúng ta, chúng ta sẽ khám phá ra Hình ảnh, Hình ảnh sống động, nguồn mạch sự sống. Isaac của chúng ta ở đó: trong Kinh Thánh và trong tâm hồn, chúng ta hãy nhận ra và đón tiếp Ngài đến :
Isaac hành động trong chúng ta, Ngài thanh luyện con tim chúng ta khỏi những hành vi trần tục… Ngôi Lời Thiên Chúa ở đó và hoạt động của ngài bây giờ là loại trừ khỏi tâm hồn bạn bùn đất để làm vọt lên nguồn suối của bạn[31].
Được Ngôi Lời Thiên Chúa giải thoát khỏi đống đất đai đè bẹp bạn, giờ đây bạn hãy làm rạng rỡ trong bạn hình ảnh của Con Người Thiên Linh[32].
“Như vậy, hãy kín múc nước nơi giếng của chính tâm hồn chúng ta, hãy kín múc nơi giếng của Kinh Thánh. Ước gì nước của giếng này hòa lẫn với nước của giếng kia. Ước gì việc suy niệm Sách Thánh giúp chúng ta dần dần khám phá sự kín nhiệm thần linh đang hoạt động trong tâm hồn chúng ta”[33].
Như vậy, mỗi ngày chúng ta hãy đến nơi giếng của Kinh Thánh, đến với dòng nước của Chúa Thánh Linh, hãy mang về nhà tràn đầy chan chứa. Nàng Rebecca mỗi ngày cũng đã đến kín múc nước và chính nơi giếng mà người tôi tớ của ông Abraham đã gặp gỡ nàng.
Mỗi ngày, nàng Rebecca đến giếng, mỗi ngày nàng đều kín múc nước. Chính nhờ công việc đó mà nàng đã được gặp người tôi tớ của ông Abraham và đã cưới chàng Isaac”[34].
Người tôi tớ của ông Abraham biểu thị lời tiên tri của Cựu Ước dẫn đưa Giáo Hội đến với Chúa Kitô. Nàng Rebecca khám phá ra chàng Isaac và kết hợp với chàng bên giếng Lahai-roi, giếng của thị kiến[35]. Isaac của chúng ta luôn trong tình trạng thị kiến, Ngài cư ngụ nơi đó. Còn chúng ta, lòng thương xót của Thiên Chúa soi chiếu chúng ta :
Nếu, không thể hiểu tất cả, ít ra tôi cũng chuyên cần lắng nghe Kinh Thánh, nếu “đêm ngày tôi suy niệm lề luật Chúa” (Tv 1), nếu tôi không bao giờ ngừng tìm kiếm, lục lọi, suy xét, và điều tiên quyết là cầu nguyện cùng Thiên Chúa và xin Ngài ban ơn thông hiểu, vì Ngài “dạy mọi kiến thức cho con người” (Tv 94), thì tôi sẽ có thể nói rằng tôi cũng ở bên cạnh giếng của thị kiến[36].
Trong bản văn trên, tất cả những điều kiện của việc đọc tốt, của việc thức tỉnh sự chú tâm, đã được nhắc tới : nếu noi theo những lời khuyên đó, chúng ta sẽ tuyệt trừ trong mình “cái nhìn-zéro” mà ông Charles Péguy đã nói đến. Đôi mắt tâm hồn chúng ta sẽ được soi sáng và chúng ta sẽ thấy tiếng mời gọi của Thiên Chúa mở ra niềm hy vọng nào, gia tài của Ngài chứa đựng những kho báu vinh quang nào (Ep 1,18). Mầu nhiệm hôn lễ của Isaac và Rebecca, mầu nhiệm của sự kết hiệp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội là mầu nhiệm của Giao Ước được thực hiện cuối cùng sẽ được hoàn thành trong tâm hồn chúng ta, vào giờ lectio divina, giờ của việc lắng nghe hết sức chú ý vào Lời Chúa, Lời đi trước lời đáp của cầu nguyện, của đời sống.
Để Kinh Thánh hoán cải
Có một mối dây liên hệ mật thiết giữa việc đọc Kinh Thánh và hoán cải :
Chính các Phúc Âm cũng già cỗi đi, nếu con người mới không đọc chúng. Vậy đừng có nghĩ rằng việc canh tân đời sống được thực hiện một lần là đủ đâu! Phải luôn luôn, mỗi ngày, ước gì sự mới mẻ này phải được làm mới mẻ mãi. Con người bên ngoài chúng ta huỷ hoại, nhưng con người bên trong ngày càng được đổi mới (2 Cr 4,16). Ngày lại ngày, chúng ta già cỗi đi nhưng con người mới luôn được canh tân ngày nối tiếp ngày, và nếu sự mới mẻ đó không được tiến triển thường xuyên, thì không bao giờ con người mới lại có thể tồn tại được[37].
Ông Origène trực tiếp đặt mối tương giao giữa đòi hỏi hoán cải và việc đọc Kinh Thánh một cách chân thực:
Những ai trước hết không chế ngự được những dân tộc man di, họ không thể thực sự đào sâu giếng nước, không thể mở ra những mạch nước. Khi họ đã khống chế tất cả những gì là man di, mọi rợ trong cách sống, khi họ đã đặt chúng dưới sự kiểm soát của trí năng; khi họ không còn cách hành xử của dân ngoại, nhưng là những thái cử phù hợp với lề luật, họ thực sự là những vị vua lùng soát chiều sâu của các giếng nước, dò xét những bí ẩn huyền nhiệm của Ngôi Lời Thiên Chúa[38].
Dầu vậy, trước đòi hỏi cấp bách này, tốt nhất là nhắc nhớ lại những lời của Chúa Kitô và lập lại rằng Isaac của chúng ta sẽ đào sâu giếng tâm hồn chúng ta, nếu chúng ta khẩn khoản nài xin Ngài thực hiện. Thật vậy, chúng ta phải hoán cải để đọc Kinh Thánh, nhưng chính Kinh Thánh lại hoán cải chúng ta: “Anh em đã được thanh sạch nhờ Lời mà Thầy đã nói với anh em” (Ga 15,3).
Được thanh sạch, được tỉa sạch bởi chính Chúa Cha, nhờ Lời hằng sống mà Người đã gởi xuống trần gian và Lời “không trở về nếu không đạt kết quả, mà đã không thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mệnh Ta trao phó” (Is 55,10).
Triết gia Kierkegaard đã hiểu rõ điều đó: Cuốn sách này, cuốn Kinh Thánh, có “khả năng làm lại cuộc đời tôi một cách đột ngột”[39]. Chính khi đọc Kinh Thánh mà chúng ta khám phá qua các hình ảnh lớn, đâu là cách diễn tả của thực tại sâu xa nhất, đâu là tình trạng của chúng ta trước Lời Chúa: đó là tình trạng của ông Maisen trước Bụi Gai đang bốc cháy (Xh 3,2-5), hay diện đối diện với Thiên Chúa trên ngọn núi Sinai (Xh 19,20). Đó là tình trạng của cô Maria làng Béthania ngồi dưới chân Chúa (Lc 10,39), hay đó còn là tình trạng của ông Phaolô khi được bao phủ bởi ánh sáng mãnh liệt từ trời cao (Cv 22,6). Còn hơn thế nữa, đó là tình trạng của Đức Trinh Nữ Maria, hình ảnh tuyệt vời của Giáo Hội, Đấng đã trả lời sứ thần : “Xin xảy đến cho tôi như Lời ngài nói” (Lc 1,38).
Lời Thiên Chúa đã dẫn chúng ta vào trong sự Hiện Diện của Người và chính bằng một trái tim được sự Hiện Diện này hoán cải, mà chúng ta cầu xin cùng với thánh Tông đồ Phaolô: “Lạy Chúa, con phải làm gì đây?” Trong ý thức về sự bất lực, sự nghèo nàn tột cùng của mình, chúng ta nói thêm: “Nhưng điều đó xảy ra cách nào ?” (Lc 1,34)
Chúa đã trả lời hai câu hỏi của chúng ta. Với vị luật sĩ tìm kiếm giới luật lớn nhất, Chúa Giêsu tuyên bố: “Ông hãy yêu” (Mc 12,30); với người thanh niên giầu có muốn hoàn thiện, Chúa Giêsu đề nghị: “Bạn hãy đến và theo tôi” (Mt 19,21). Nhưng bởi vì “tình yêu đòi hỏi đáp trả bằng cách trao ban”[40], nên Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta: “Không có Thầy, ngoài Thầy ra, chúng con không thể làm được gì” (Ga 15,5). “Hãy ở lại trong Thầy và Lời Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15,7). Trong Đấng ban sức mạnh cho chúng ta, chúng ta có thể làm được mọi sự” (x. Pl 4,13). Lời Thiên Chúa là sáng tạo và cứu độ. Lời Chúa có tất cả quyền năng của Tình Yêu:
Chúa Giêsu nói: Tôi có một Lời rất quyền năng, lời đó sẽ trở nên nguồn sự sống cho những ai đón nhận nó.
Ai đã uống nước của Tôi sẽ hoàn toàn sung mãn đến nỗi trong họ trào tuôn một nguồn suối tràn chảy có sức khám phá tất cả những gì người ta kiếm tìm. Thần trí họ sẽ bay bổng và rất nhanh, xuôi theo dòng suối nước tuôn chảy. Những bước nhảy, những cú nhảy vọt họ sẽ thực hiện, sẽ đưa họ đến tận đỉnh cao, đến đời sống vĩnh hằng[41].
[1] Gérard ZERBOLT, De spiritualibus ascensionibus, c. 44, cité dans le Dict. Spir., article Lectio divina, col. 490.
[2] Giulio NEGRONE ( 1625), Tractatus ascetici, Milan 1621, p. 146, cité dans le Dict. Spir., article Lectio divina, col. 495.
[3] Tu Luật Biển Đức, 40, 2.
[4] Bài giảng về Sách Dân Số XXVII, 1. Trong bối cảnh, ông Origène nói về các sách Kinh Thánh, chúng ta phải hiểu những lời của ông trong một nghĩa rộng hơn.
[5] Như trên.
[6] Thánh Augustino, Tự Thuật VI, 2,19.
[7] Clio, N.R.F., trg 26.
[8] Chú giải về thánh Gioan, X,18.
[9] Charles PÉGUY, Le porche du mystère de la deuxième vertu, Paris, Gallimard, 1929, p. 106-132.
[10] André NEHER, Jérémie, Paris, Plon, 1960, p. 43.
[11] Origène, Bài giảng về thánh vịnh 76.
[12] Chú giải Tin Mừng theo thánh Luca XXI,5.
[13] Phải giải thích ở đây thuyết của origène về những “cuộc nhập thể của Ngôi Lời” (incorporations du Logos) trong Kinh Thánh, trong linh hồn, trong xác thịt, trong Giáo Hội. Điều này vượt quá khuôn khổ bài viết. Xin mời đọc cuốn sách tuyệt với của H. de LUBAC, Histoire et esprit, Paris, Aubier, 1950, (Théologie n. 16).
[14] Martin BUBER, Zwiesprache, (2è édition 1947), p. 145-148.
[15] Hans Urs Von BALTHASAR, Dieu et l’homme d’aujourd’hui, DDB, (Foi Vivante n. 16), p. 84.
[16] Martin BUBER, La vie en dialogue, Paris, Aubier, 1959, p. 190-191.
[17] Sđd, trg. 182.
[18] Sđd, trg. 74.
[19] Jean CASSIEN, Conférences XIV,9.
[20] ORIGÈNE, Chú giải Tin Mừng Gioan XIII,1.
[21] IGNACE D’ANTIOCHE, Thư gửi Roma 7,2.
[22] ORIGÈNE, Chú giải Tin Mừng Gioan, V,5-6.
[23] Coi những bài giảng này : VII,5 ; XI,3 ; XII,5 ; và Những Bài Giảng về Sách Dân Số XII.
[24] Bài Giảng Sách Sáng Thế, XIII,2.
[25] Như trên.
[26] Bài Giảng Tin Mừng Thánh Gioan, I,6, § 33.
[27] Chú Giải Tin Mừng Thánh Matthêu XII, 43.
[28] Chú Giải Sách Sáng Thế, XIII,2.
[29] Bài Giảng về Sách Sáng Thế, XIII,4.
[30] Bài Giảng về Sách Sáng Thế, XIII,3.
[31] Bài Giảng về Sách Sáng Thế, XIII,4.
[32] Như trên.
[33] Henri de LUBAC, Histoire et esprit, Paris, 1950, p. 349.
[34] ORIGÈNE, Bài Giảng về Sách Sáng Thế, X,2.
[35] Bài Giảng về Sách Sáng Thế, XI,3.
[36] như trên.
[37] Chú giải thư Roma, V,8.
[38] Bai Giảng về Sách Dân Số, XII,2.
[39] KIERKIGAARD, Pour un examen de conscience à mes contemporains ; texte cité dans “Lecture chrétienne pour notre temps” (fiches d’Orval, L,83).
[40] Hans Urs Von BALTHASAR, L’accès à Dieu, dans Mysterium salutis 5, Paris, Cerf, p. 33.
[41] ORIGÈNE, Chú giải Tin Mừng thánh Gioan, XIII,3, § 16.
SỐNG LỜI CHÚA THEO TRUYỀN THỐNG ĐAN TU
FM.Duy ân
Mùa Hiện Xuống 2006-06-06
Sau năm Thánh Thể (2005), Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có sáng kiến chọn năm 2006 để Giáo hội Việt Nam đặc biệt sống Lời Chúa. Và mới đây, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đưa ra chủ đề cho đại hội giới trẻ thế giới lần thứ 21, vào ngày Lễ Lá 08-04-2006 “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi!” (Tv 118,105).
Đối với các đan sĩ sống đời chiêm niệm, chắc hẳn việc quan trọng là thường xuyên tìm đến Lời Chúa như nguồn mạch cho đời thánh hiến tôn thờ trong Trường Phụng Sự Thiên Chúa. Truyền thống đan tu từ đầu đã minh chứng điều đó, và để lại nhiều thực hành cũng như kinh nghiệm quý giá cho việc sống Lời Chúa hôm nay.
Tuy nhiên, đề tài “Sống Lời Chúa theo truyền thống đan tu” được trình bày ở đây cũng chỉ giới hạn vào một số khía cạnh của vấn đề, và được phân bố như sau:
– Niềm tin của Giáo hội đối với Lời Chúa trong chương trình mặc khải của Thiên Chúa.
– Truyền thống đan tu từ đầu và qua các thế hệ sống Lời Chúa thế nào.
– Nhận định về các ý nghĩa và chiều kích trong việc sống Lời Chúa.
– Đan sĩ tiếp tục sống Lời Chúa hôm nay.
I. NIỀM TIN CỦA GIÁO HỘI ĐỐI VỚI LỜI CHÚA
Giáo hội vẫn tin rằng: Lời Chúa phát xuất từ Thiên Chúa, thể hiện mối tương giao giữa Thiên Chúa và con người, khởi đầu với cuộc đàm thoại thân tình giữa Đấng Tạo Hoá và con người từ buổi sơ khai nhưng không may, đã bị con người cắt đứt và trốn lánh (St 3,8-10). Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn một mực yêu thương, tìm cách nối lại, nhiều lần bằng nhiều cách qua các ngôn sứ, và cuối cùng qua chính Ngôi Lời Nhập Thể là Đức Kitô (x.Dt 1,1-2). Đây là sự mặc khải viên mãn về Thiên Chúa trong chương trình cứu độ con người.
Có thể nói, niềm tin của Giáo hội về Lời Chúa được tóm gọn khá đầy đủ trong hiến chế Mặc khải (Dei Verbum) của Công đồng Vaticano II.
Điều đáng nêu lên là ngay trong số đầu, văn kiện đã trích dẫn Lời đầy ý nghĩa của Tông đồ Gioan: “Chúng tôi loan truyền cho anh em sự sống đời đời… để anh em được hiệp thông với chúng tôi, và sự hiệp thông của chúng ta là hiệp thông với Chúa cha và với Chúa Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1,2-3), với mục tiêu cụ thể “để nhờ nghe mà tin theo, nhờ tin mà hy vọng, và nhờ hy vọng mà yêu mến!” .
Và số kế tiếp còn cụ thể hơn nữa, quy hướng về Thiên Chúa Ba Ngôi “Nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần đến cùng Chúa Cha” (Ep 2,18) mà hiệu quả là con người được “thông phần bản tính với Thiên Chúa” (2 Pr 1,4) .
Với các trích dẫn trên đây, Công Đồng muốn làm nổi bật mục tiêu thiết thực và cao cả nhất của Lời Chúa là dẫn đưa con người vào sự hiệp thông với Thiên Chúa. Chúa Cha là tình yêu, là sự sống nguồn cội; qua trung gian của Chúa Con, Ngôi Lời Nhập Thể, và tác động của Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa đã tỏ mình và trao ban mình cho nhân loại. Khoảng cách siêu việt giữa Thiên Chúa và loài người (x.Ga 1,18; 1Tm 6,16), từ nay đã được tình yêu của Thiên Chúa rút vắn lại và hầu như xoá mờ với biến cố nhập thể. Chia sẻ cảm thức của Giáo hội, các thánh giáo phụ (Gregorio, Âutinh, Bernado) đã nhìn nhận toàn bộ Kinh Thánh như bức thư tình của Thiên Chúa dành cho con người chúng ta.
Ngoài ra, hiến chế về Mặc khải còn làm sáng tỏ nhiều yếu tố khác liên quan đến việc nhận thức, và sống Lời Chúa.
Đặc biệt cần ghi nhận giáo huấn của Giáo hội: Mặc khải không chỉ có Kinh Thánh mà bao gồm cả Thánh Truyền nữa, cả hai liên kết với nhau. Thêm vào đó, còn phải kể Huấn quyền của Giáo hội xác định và giải thích Lời Chúa, làm nên bộ ba trong tác động của Chúa Thánh Thần . Vì thế, để hiểu và sống Lời Chúa chúng ta luôn phải hiệp thông với niềm tin và giáo huấn của Giáo hội.
II. CÁC ĐAN SĨ SỐNG LỜI CHÚA QUA CÁC THẾ HỆ
Các thánh tổ khai sinh đời sống đan tu và các thế hệ đan sĩ kế tiếp đã tạo ra một truyền thống sống Lời Chúa khá rõ nét và độc đáo trong lịch sử của Giáo hội.
Chúng ta có thể khởi đầu với câu chuyện về ơn gọi của Thánh Antôn. Ngài được coi là ông tổ của đời sống đan tu. Thánh giám mục Athanasio kể lại: một ngày kia, Antôn tham dự phụng vụ, được nghe Lời Chúa mời gọi trong Tin Mừng: “nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy đi bán tất cả gia tài, bố thí cho người nghèo, anh sẽ được một kho báu trên trời, rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Antôn đã tiếp nhận như lời mời gọi dành cho chính mình và đã thực hành như thế, để bắt đầu sống hoàn toàn cho Chúa trong đời ẩn tu. Và thánh Athanasio kể tiếp: Antôn lại cũng đã dựa vào Kinh Thánh về nhu cầu lao động (x. 2Tx 3,10) để tổ chức nếp sống của mình, dĩ nhiên cũng phải là một đời sống đắm chìm trong cầu nguyện (x.Lc18,1). Còn việc thấm nhuần Lời Chúa, Thánh Athanasio quả quyết là Antôn chuyên chăm ghi nhớ Lời Chúa vào ký ức, không để quên sót, đến độ không cần đến sách vở.
Vị thánh tiêu biểu kế tiếp phải là thánh Pacôm. Nguồn gốc ơn gọi của ngài, có thể nói, cũng đã phát xuất từ hiệu lực của Lời Chúa. Lịch sử kể lại về thánh Pacôm như một tân binh được trưng mộ trong quân đội đế quốc Roma. Trên đường chuyển đến Alexandria thì bị gặp nạn tại Latopolis. Nhóm người của Pacôm được các Kitô hữu vùng đó tìm đến thương giúp cứu trợ, mang cả đồ ăn thức uống. Pacôm được dịp nhận biết Kitô giáo từ đó, và đã đón nhận đức tin. Có thể nói cuộc trở lại của thánh Pacôm là nhờ hiệu lực của Lời Chúa được chiếu tỏa qua hành động bác ái của các Kitô hữu, Lời Chúa đã tiếp tục tác động nơi thánh Pacôm và đã biến ngài thành vị đan sĩ của Chúa và đã đóng góp vào việc tổ chức nếp sống đan tu ban đầu, trong tinh thần bác ái cộng đoàn một cách quy cũ hơn.
Tuy vậy, để đời sống đan tu, từ hình thức ẩn tu (ermite) chuyển qua cộng tu (cénobite) được hoàn chỉnh, còn cần đến sự đóng góp của các vị thánh khác qua các qui luật của các ngài. Nhưng, điều đáng ghi nhận là luôn có sự gắn bó với Lời Chúa trong việc tổ chức đời sống thánh hiến này. Chúng ta có thể nêu lên các trường hợp đặc biệt về thánh Basilio và thánh Autinh. Ảnh hưởng của thánh Basilio đặc biệt quan trọng. Sau này, thánh phụ Biển đức đã nêu danh Ngài vào cuối tu luật . Trước hết, thánh Basilio đã chia sẻ về sự kiện trở lại của ngài qua ảnh hưởng quyết định của Tin Mừng. Hơn nữa, ngài cũng đã nhiệt thành sưu tầm về các kinh nghiệm đời sống đan tu thời đó. Và chính ngài cũng đã chép qui luật cho cuộc sống này, luôn lấy Lời Chúa làm căn bản, cùng với mô hình cụ thể là cộng đoàn kitô hữu đầu tiên, như được kể lại trong Công Vụ Tông Đồ (x.Cv,2,42; 4,32). Về sự gắn bó với Lời Chúa, có thể nêu lên sự kiện, ngài đã ghi lại thành tuyển tập 1500 lời trích từ Tân Ước theo đề tài để giúp thực hiện trong đời sống .
Còn thánh Âu-tinh, để dung hoà đời thánh hiến đan tu với nhu cầu mục vụ cũng đã chép Tu Luật lấy nếp sống “đồng tâm nhất trí” (x. Cv 4,32) của cộng đoàn Giêrusalem làm mẫu. Tuy nhiên ngay từ đầu, ngài đã xác định tất cả phải được quy hướng về Thiên Chúa. “Cor unum et anima una in Deum”, và sự hiệp nhất của cộng đoàn phát xuất từ Thiên Chúa Ba Ngôi . Ngoài ra, còn phải kể thêm các ảnh hưởng và sự đóng góp cho truyền thống đan tu, như của Jean Cassien, thánh Hieronimo, Evagre vv….
Nhưng có thể nói, tất cả các truyền thống đan tu của các thế kỷ đầu đã được thánh phụ Biển Đức tổng hợp lại trong bộ luật nổi tiếng của ngài. Ngài đã trở thành tổ phụ của các đan sĩ phương tây và có một ảnh hưởng rộng lớn trong giáo hội cho đến hôm nay.Tu luật của ngài, đã trở thành một loại thủ bản quan trọng cho các đan sĩ qua các thời đại, đặc biệt trong việc sống Lời Chúa.
Ngay từ Lời Mở, thánh Biển Đức đã mời gọi ứng viên sống đời đan tu, chuẩn bị lên đường trở về với Chúa, theo Chúa Kitô qua sự hướng dẫn của Tin Mừng (Per ducatum Evangelii). Tập chú vào Tin Mừng là điều phải lẽ, vì Tin Mừng được coi là trọng tâm của tất cả Lời Chúa trong Kinh Thánh . Để nói lên vai trò trọng tâm của Tin Mừng, thánh Bênađô đã sử dụng một hình ảnh cụ thể: “Tin Mừng như cỗ xe linh động, nhờ gắn vào Cựu Ước như các bánh xe, để Lời Chúa vượt qua giới hạn hẹp hòi của miền Giuđa, và mau lẹ tiến tới tận cùng trái đất[1]. Cụ thể, bản văn tu luật về nếp sống đan tu gồm dầy đặc những trích dẫn Lời Chúa. Và trong chương cuối cùng của Tu luật thánh phụ Biển Đức còn nhắc lại một cách tổng quát rằng: “Có lời nào trong Cựu ước và Tân ước mà lại không phải là quy luật cho đời sống chúng ta sao?”
Tuy nhiên, để đi vào chuyên đề sống Lời Chúa, chúng ta có thể nêu lên những gì Tu luật Biển Đức đã dự liệu trong đời đan tu. Trong tu luật chương 48, Thánh Biển Đức đã trình bày nếp sống đan tu với ba yếu tố: Cầu nguyện, lao động và tụng niệm Lời Chúa. (Chúng tôi tạm dùng “Tụng niệm Lời Chúa” để dịch cụm từ Lectio divina. Điều này sẽ có lời giải thích sau).
Cả 3 sinh hoạt này nhằm biến đời đan tu thành đời sống cầu nguyện, kết hiệp với Chúa, với tâm thanh tịnh (puritas cordis), như khát vọng của các thế hệ đan sĩ từ ban đầu.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận cử hành thần vụ và tụng niệm Lời Chúa (Lectio divina) là các thực hành tiếp cận Lời Chúa cách đặc biệt, để rồi âm vang của Lời Chúa được kéo dài qua lao động và phần còn lại của cuộc sống. Do đó, hai điểm liên quan đến việc sống Lời Chúa là thần vụ và lectio divina đáng được cứu xét một cách đặc biệt.
-Thần vụ (opus Dei), việc phụng thờ chính yếu, chắc hẳn cũng bao gồm cử hành Thánh Thể trong đó, chiếm vị trí trọng tâm và điểm cao trong đời sống đan tu. Do đó, thánh Biển Đức nhấn mạnh: “không được lấy gì làm hơn thần vụ”. Thần vụ như thế được đặt ngang hàng với Chúa Kitô mà đan sĩ tuyệt đối không lấy gì làm hơn. Quả thật, Ngôi Lời Nhập Thể đã đem xuống trần gian giai điệu của phụng vụ thiên quốc, để trở thành bản hòa tấu của cả vũ hoàn mà chính Đức Kitô hiện diện, theo trình bày của các thánh giáo phụ, điều hành như vị ca trưởng tối cao.
Hơn nữa, thần vụ được dệt bằng Lời Chúa trong Tân và Cựu ước, nhất là các Thánh vịnh, tất cả quy hướng về Đức Kitô và công trình cứu độ của Ngài. Bởi vậy các thế hệ đan tu đã tìm gặp nơi thần vụ nguồn mạch cho đời sống cầu nguyện, họ không ngừng nghiền ngẫm và thấm nhuần đến độ thuộc lòng các Thánh vịnh và phần lớn của Tân ước.
Cử hành thần vụ như thế là tham dự vào việc phụng thờ do Thần Khí linh hứng và tác động (x.Ep 5,20). Nhờ đó, Lời Chúa được sống trong các chiều kích mở rộng của Thần Khí Thiên Chúa, biến việc tham dự thần vụ thành việc tham gia vào “cuộc đàm thoại thân tình giữa Đức Kitô và Hiền Thê là Giáo hội, đồng thời cũng là việc tôn thờ, cảm tạ cùng với Đức Kitô dâng lên Thiên Chúa Cha” .
– Sau thần vụ, phải kể đến thực hành đan tu Lectio divina mà có người đã dịch đơn giản là “thần đọc”. Các tác giả trong nhiều ngôn ngữ đã khó tìm ra một kiểu dịch thực sự thoả đáng cho cụm từ nầy, vì thế hầu như luôn phải chú giải thêm. Lm.Dumontier, vì muốn nói lên tính chất tương tác giữa Thiên Chúa và tâm hồn, nên đã có những gợi ý về Lectio divina như “một việc đọc cùng với Thiên Chúa, song song với ơn trợ giúp của Thiên Chúa, là một cách tâm giao với Ngài, một việc đọc tạo nên liên kết giữa linh hồn với Thiên Chúa, cho linh hồn cảm nhận được sự hấp dẫn của Thiên Chúa”[2] .
Trong tiếng việt, thường Lectio divina được dịch là đọc Lời Chúa. Cần nhận định rằng: tính từ divina được dịch là Lời Chúa, dựa trên sự kiện là trong thực tế nội dung các đan sĩ thời xưa đọc chủ yếu là Kinh Thánh, là Lời Chúa. Còn danh từ lectio được dịch là đọc, thì sát nghĩa, nhưng chưa diễn tả được tính chất đặc biệt của việc đọc nầy, cũng như tâm tình của người thực hành Lectio divina, lý do vì “đọc” ở đây không chỉ là một việc đọc như đọc bất cứ một văn bản nào.
Vậy xin mạo muội đề nghị một kiểu diễn đạt khác về Lectio divina là “tụng niệm Lời Chúa”. Xem ra hơi dài dòng, nhưng hy vọng phần nào lột tả được nội dung của nó. Xin có đôi điều giải thích như sau: chữ “Tụng” nói lên tác động cụ thể của truyền thống đan tu xưa, đọc không chỉ thuần tuý là rảo qua bằng mắt nhưng là gồm việc phát âm qua miệng lưỡi, để từ đó qua miệng đọc, tai nghe, và trí lòng ghi khắc Lời Chúa.
Từ “Tụng” còn có thêm ý nghĩa suy tôn, như người ta quen hiểu khi nói về “tụng kinh” “nhật tụng” … Thế nhưng, nên thêm vào đó chữ “Niệm” để tránh cách hiểu thuần túy máy móc bên ngoài, theo hình thức tụng kinh bằng “guồng máy” trong truyền thống Tây Tạng chẳng hạn. Vậy “Niệm” ở đây nói lên nội dung tâm linh của việc thực hành Lectio divina. Xin được phép mở ngoặc một chút đi vào khoa chiết tự. Chữ “Niệm” trong hán tự, được kết thành bởi chữ Kim và chữ Tâm có nghĩa là Niệm phải là một tác động tâm linh, đòi hỏi sự hiện diện của lòng, vì nếu tâm bất tại, thì không còn giá trị. Truyền thống đan tu trong việc thực hành Lectio divina, đòi buộc phải có yếu tố tâm linh nầy. Như thế, để thực sự tiếp cận, tiếp nhận Lời Chúa, cần phải có hiện diện của Tâm, một tấm lòng mở rộng sẵn sàng đón nhận. Nói cách nôm na, thực hành Lectio divina phải có tâm hồn cầu nguyện. Nhờ đó, qua tác động của Thần Khí, tâm hồn có khả năng bắt được làn sóng của Thiên Chúa trong nội dung Lời Chúa. Vì vậy, xin tạm dùng ở đây kiểu nói “tụng niệm Lời Chúa” để diễn đạt cụm từ Lectio divina.
Vậy, Lectio divina là một thực hành truyền thống đan tu để lại đáng tiếp nhận để sống Lời Chúa hôm nay.
Đức cố Giáo hoàng Gioan-Phaolô II, trong Tông thư khởi đầu ngàn năm mới đã khẳng định: “không nghi ngờ gì nữa, ưu tiên của sự thánh thiện và việc cầu nguyện hệ tại trước tiên ở việc chuyên cần lắng nghe Lời Chúa, một sự lắng nghe biến thành cuộc gặp gỡ sống động. Theo như truyền thống cổ xưa mà vẫn luôn thích thời. Đọc Lời Chúa để có thể kín múc trong bản văn Kinh Thánh Lời hằng sống. Lời cật vấn, hướng dẫn và uốn nắn cuộc sống hiện thực”.
Và cả Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, bây giờ là Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, cũng đã có lần phát biểu như sau về Lectio divina: “Tôi tin rằng việc đọc Lời Chúa là một yếu tố căn bản để đào tạo cảm thức đức tin và do đó là một việc quan trọng bậc nhất của chúng ta” .
Phải chăng vì chia sẻ xác tín đó mà Hội Đồng Giám Mục Thủy Sĩ vào năm 2003 đã có thư chung gửi Dân Chúa với đề tài về việc thực hành Lectio divina.
Khi đã nhận trách nhiệm lãnh đạo Hội Thánh Chúa, mới đây Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã có dịp trở lại với vấn đề, nói lên xác tín mạnh mẽ về “việc thực hành Lectio divina sẽ mang đến cho Giáo Hội,-về điều nầy, tôi xác tín- một mùa xuân mới trên bình diện thiêng liêng” . Lectio divina quan trọng như thế, vậy thì đòi hỏi những gì để thực hiện?
-Trước hết là đức tin, tin Kinh Thánh là Lời Chúa, xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa muốn tự mặc khải cho con người. Do đó, đón nhận Lời Chúa với lòng khiêm tốn và tri ân, hơn nữa, tin vào hiệu lực và quyền năng của Lời Chúa. “Dei dicere est facere!” “Với Thiên Chúa nói là thực hiện”.
-Cụ thể, thực hành tụng niệm Lời Chúa còn bao gồm việc thường xuyên nghiền ngẫm Lời Chúa mà truyền thống dùng từ “nhai lại” (ruminare), nghiền ngẫm đến độ thấm nhuần. Và như thế, hiệu quả thiết thực của tụng niệm Lời Chúa là dẫn đưa tâm hồn đến thân giao với Thiên Chúa qua tác động của Lời Ngài và qua sự tích cực hưởng ứng của tâm hồn. Do đó, lời sau đây của thánh Hieronimo diễn tả xác tín của truyền thống đan tu về ý nghĩa của tụng niệm Lời Chúa: “khi cầu nguyện là bạn nói với Chúa đang nghe bạn, khi tụng niệm Lời Chúa là bạn đang nghe Chúa nói với bạn”. Với các yếu tố như vừa trình bày, thật là rõ ràng sự khác biệt giữa Lectio divina và một lối đọc, cả việc học hỏi, thuần lý trí, nhằm mục đích nghiên cứu, thu tập kiến thức.
Quả thật, ảnh hưởng Tu luật Biển Đức đã hướng dẫn nhiều thế hệ đan sĩ thực hành Lectio divina trong việc sống Lời Chúa. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp các đan sĩ bị phân tâm nhiều chuyện mà chểnh mảng việc tập trung vào Lời Chúa. Bằng chứng vào thời Đức Giáo Hoàng Zacaria (741-752), đã có một nghị quyết khuyến cáo các đan sĩ đừng ham mê kiến thức phù phiếm mà quên lãng học hỏi và sống Lời Chúa. Văn kiện nhắc nhở: “các Giám Mục, các Viện phụ, các Viện mẫu cần lưu tâm và nhiệt thành lo liệu để việc học hỏi Kinh Thánh được luôn có hiệu quả trong các cộng đoàn của họ”, và văn kiện than phiền “thời nay ít người mộ mến khoa học thánh và nếu có phần nào lo việc học hỏi, thì chỉ hăm hở từ tuổi trẻ, hướng về bao nhiêu chuyện phù phiếm vì háo danh theo đuổi đời hiện tại, một đời bất ổn với một tâm hồn bất định, thay vì chuyên chăm học hỏi Thánh Kinh”[3].
Vào thời đại phương tiện truyền thông hôm nay, lời cảnh giác nầy cũng còn rất thích hợp với chúng ta.
Đến đây, thiết tưởng cũng nên phần nào ghi nhận ảnh hưởng của Dòng Xitô về việc sống Lời Chúa, trong truyền thống đan tu nói chung.
Dòng Xitô được thành lập vào năm 1098, đã phát triển và nở rộ vào thế kỷ XII được coi như là hoàng kim thời đại của Xitô, với nhân vật lỗi lạc ảnh hưởng trên Giáo hội và xã hội thời đó là Thánh Bênađô. Điều đáng ghi nhận là ngay từ đầu các vị sáng lập Xitô đã lưu tâm đặc biệt đến việc học hỏi và sống Lời Chúa. Đó cũng là điều tất nhiên vì Xitô chủ trương sống trọn vẹn Tu luật Thánh Biển Đức vốn lấy lời Chúa làm nền tảng. Lịch sử còn ghi lại sự kiện thánh Stephano Hardingo, một trong sáng lập viên của Xitô đã cố gắng sưu tầm và hiệu chính các bản văn Kinh Thánh, và vì mục tiêu đó, không ngại tìm đến sự cộng tác của các Kinh sư Do thái.
Tuy nhiên, việc triển khai lời Chúa trong cuộc sống đan tu có thể nói đã đạt tới đỉnh cao với Thánh Bênađô, cùng với nhóm “vệ tinh” đồng thời với ngài như Guillaume de St. Thierry, Alredo, Gilbert de Hoyland, Amédée, Jean de Ford. Chúng ta có thể ghi nhận một số yếu tố rõ nét hơn trong truyền thống Xitô về việc sống Lời Chúa.
Theo gương Thánh Bênađô, các tu sĩ của Dòng Xitô hồi đó, đã đặc biệt chuyên chăm học hỏi suy niệm và sống Lời Chúa, như chứng từ của thánh Alredo chia sẻ: “Vừa gia nhập đan viện, tôi đã ân cần suy niệm Kinh Thánh, và một khi nếm được sự ngọt ngào của Lời Chúa, tôi coi thường các khoa học trần thế”[4].
Sống Lời Chúa như vậy đã là một yếu tố nền tảng cho việc huấn luyện đời tu Xitô từ ban đầu. Nhưng sự kiện đó lại dựa trên xác tín: Kinh Thánh là sáng kiến của Thiên Chúa tình yêu, xuất phát từ trái tim của Thiên Chúa “in corde Dei”[5]. Theo thánh Bênađô, Thiên Chúa không những là đối tượng con người khát vọng (Deus desideratus) mà còn là chủ thể khát vọng con người (Deus desiderans). Do đó Kinh Thánh là một phương cách Thiên Chúa dẫn đưa con người vào cuộc tương giao thân tình. Bởi vậy, tâm hồn phải tiếp cận Lời Chúa với lòng tri ân, và khiêm tốn sâu thẳm. Hơn nữa, trong sứ điệp tình yêu là Lời Chúa, tất cả nội dung cho đến từng chi tiết nhỏ, cũng đều có một ý nghĩa[6]. Và như vậy, đòi hỏi một thái độ kiên trì để rút ra từ đó chất dinh dưỡng, như tách hạt ra khỏi rơm, tách nhân ra khỏi vỏ cứng, và thu được tủy khỏi xương[7]. Sở dĩ như thế là vì thánh Bênađô ghi nhận và tìm hiểu tất cả Lời Chúa trong ánh sáng toàn diện của Lời Chúa và của chương trình cứu độ Thiên Chúa thực hiện qua Đức Giêsu Kitô Ngôi Lời nhập thể. “Tất cả các lời Kinh Thánh đều chất chứa các mầu nhiệm cao cả, các mầu nhiệm thâm sâu liên quan đến Ngôi Lời”[8].
Để đạt tới các ý nghĩa thâm sâu nầy, cần phải khiêm tốn cầu nguyện để được tiếp nhận ánh sáng của Chúa Thánh Thần là chính tác giả của Kinh Thánh soi sáng hướng dẫn[9].
Phải chăng vì thế các môn sinh đồng thời đã không ngần ngại dành cho thánh Bênađô biệt hiệu là “thông dịch viên của Chúa Thánh Thần”[10]. Thật thế, thánh Bênađô đã có lần xác nhận ngài “đã chăm chú tìm tòi trong các hòm kín của Chúa Thánh Thần”(apothecis Spiritus sancti) để chia sẻ lại cho anh em[11].
Về cách hiểu và sống Lời Chúa, thánh Bênađô hướng về Tâm hơn là về Trí với lập luận dựa vào Kinh Thánh. Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là tình yêu, bởi đó con người được mời gọi nên giống Chúa trong khả năng yêu mến. Và có thể nói, chính Thiên Chúa khi chấp nhận mối tương giao với con người, thì cũng với con người, chấp nhận quy luật của tình yêu[12].
Về mục tiêu chính của Kinh Thánh, Pascal đã có lời xác định: “đối tượng duy nhất của Kinh Thánh là đức mến”[13]. Kinh nghiệm tâm linh của thánh Bênađô và của các thế hệ Xitô kế tiếp đã xác nhận điều đó. Vì do tác động của Thánh Thần tình yêu mà tâm hồn thấu đạt được thực chất của Lời Chúa. Do đó, thánh Bênađô đã không ngại tuyên bố: “Amor ipe est intellectus, notitia est” “chính tình yêu là hiểu biết, là nhận thức”[14], và hơn thế nữa, vì liên hệ đến tình yêu, đến lượt Guillaume de St Thiery nhấn mạnh “cảm nếm chính là hiểu biết! Gustare, hoc est intelligere”[15]. Lời Chúa được hiểu v sống như thế đã là nguồn cảm hứng phong phú cho đời sống tâm linh của Xitô, với hoa trái cụ thể là đã có vào thời đó nhiều tác phẩm giá trị của thánh Bênađô và các tác giả tên tuổi như Guillaume de St. Thierry (1148), Aered de Rievaulx (1157) Guerric d’Igny (1155), Adam de Perseigne (1204). Xitơ chuyn chăm sống Lời Cha v trung thành thực hành “tụng niệm Lời Chúa”, đĩ là một yếu tố quan trọng cho đời sống đan tu. Lm. P.Petit có lý để nhận định trong cuốn La spiritualité des Prémontrés aux XII et XIII siècles, Paris 1947: “chính sự bê trễ thực hành Lectio divina đã kéo theo sự xuống dốc của các tu viện”[16].
Để kết thúc vấn đề nầy, có thể nhận định: Đang khi xu hướng tìm thu thập kiến thức tiến hành theo thứ tự: Đọc- trình bày- tranh luận Lectio, Collatio, disputatio, thì chiều hướng của đan tu, sống Lời Chúa là tiến trình bốn chặng đã được Guigues II Dòng Chartreux thế kỷ XII ghi lại: Đọc, suy niệm, cầu nguyện và chiêm ngưỡng[17].
Như thế đã rõ, sống Lời Chúa qua các thực hành của nếp sống đan tu nhằm mục đích dẫn đến tiếp nhận Thiên Chúa tỏ mình và ban mình mà cao điểm là sự chiêm ngưỡng và ơn kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong ân sủng và tình mến. Chỉ khi nào đạt tới mục tiêu nầy mới tiếp nhận được đầy đủ các chiều kích bao gồm trong Lời Chúa theo tác động của Chúa Thánh Thần.
III. CÁC CHIỀU KÍCH SỐNG LỜI CHÚA
Từ những gì trình bày trên đây, chúng ta có thể rút ra một vài nhận định liên quan đến các chiều kích sống Lời Chúa và các ý nghĩa của Lời Chúa.
Lời Chúa có thể có nhiều ý nghĩa và bao hàm các chiều kích khác nhau, khi được tiếp nhận và sống.
1. Các ý nghĩa của Lời Chúa
Cha H. de Lubac đã trình bày về bốn ý nghĩa của Lời Chúa xuyên qua khoa chú giải Kinh Thánh trong Giáo Hội thời trung cổ, chủ yếu trong truyền thống đan tu. Một vần thơ trung cổ còn ghi nhận về 4 ý nghĩa nầy:
-Nguyên tự (littéral) là về sự kiện.
-Ẩn dụ (allégorique) là điều phải tin.
-Luân lý (moral) là việc phải làm.
-Tiên trưng (anagogique) bao hàm đích vươn tới.
Về phần thánh Bênađô, ngài phân biệt ba ý nghĩa từ Lời Chúa là lịch sử, luân lý và mầu nhiệm (litéral, moral, mystique), ý nghĩa mầu nhiệm nầy cũng được gọi là ý nghĩa thiêng liêng[18].
Để làm ví dụ, chúng ta có thể nêu đoạn Kinh Thánh kể về biến cố xuất Ai cập. Trước hết phải hiểu về biến cố lịch sử theo bản văn tường thuật lại (Sens littéral, historique). Từ đó, người đọc được mời gọi vượt qua để đạt tới ý nghĩa thiêng liêng (Sens spirituel) hàm chứa trong đó, vì tất cả các biến cố ấy được ghi chép không chỉ để cho ta biết lịch sử mà còn để dạy dỗ chúng ta về kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa (x.2Tm 3,15-16).
Vậy biến cố này mời gọi chúng ta liên tưởng đến cuộc giải phóng đích thực do Chúa Kitô thực hiện cho chúng ta: đó là ý nghĩa thiêng liêng (Sens spirituel). Có thể hiểu theo nghĩa tượng trưng các sự kiện như: Qua biển đỏ = thánh tẩy (x.1Cr 10,2); Agar, Sara = hai giao ước (Gl 4,22-31). Tình phu phụ = Đức Kitô và Giáo Hội (Ep 5,32) vv…
Trong biến cố xuất Ai cập, cũng có thể phân biệt thêm những ý nghĩa khác như ý nghĩa ẩn dụ (allegorique) hoặc ý nghĩa biểu trưng (typologique), hoặc ý nghĩa huyền nhiệm (mystique) được áp dụng về Chúa Kitô, trong mầu nhiệm cứu độ, giải phóng Ngài thực hiện. Các tác giả thời trung cổ còn nói đến một rừng ẩn dụ và các ý nghĩa khác (Silva allegoriarum). Về chú giải theo nghĩa ẩn dụ, Thánh Bênadô đã theo đường lối của Thánh Gregorio cả và thánh Âutinh, đặc biệt trong các bài giảng Diễm ca 14 đến 17 .
Hơn nữa, nếu đem áp dụng vào đời sống Giáo Hội hoặc cá nhân Kitô hữu có thể từ đó rút ra “ý nghĩa luân lý”, luân lý đây có nghĩa là dẫn đến thực hành trong đời sống tâm linh. (Sens moral). Và trong chiều quy hướng về thực tại cuối cùng, chúng ta sẽ có thêm ý nghĩa cánh chung (sens eschatologique). Như thế một cách tổng hợp, biến cố xuất Ai cập được áp dụng cho đời sống Kitô hữu và cả Giáo Hội, có thể hiểu là một tiến trình giải thoát tâm linh, khỏi ách ma quỷ và tội lỗi, được Đức Kitô dẫn vào đất hứa đích thực là nước Thiên Chúa hứa ban và sẽ thực hiện trọn vẹn trong ngày cánh chung.
Tuy nhiên, dù ý nghĩa có nhân lên thì cũng chỉ hướng về mục đích cuối cùng và trọn vẹn của Lời Chúa. Điều này nói lên sự phong phú của Lời Chúa như nguồn mạch vô tận cho những khám phá luôn mới mẻ trong nhiều chiều kích. Về vấn đề nầy, có thể ghi nhận lời chia sẻ của thánh Ephrem: “Lạy Chúa, ai nào hiểu nổi, dù chỉ một lời trong các lời Chúa phán, như nhưng kẻ khát nước uống nơi mạch suối, chúng con bỏ đi nhiều hơn là thu vào, bởi lẽ lời Chúa có muôn màu muôn vẻ, vậy ai lãnh nhận được phần nào trong kho tàng của Chúa thì đừng tưởng trong Lời Chúa chỉ có bấy nhiêu thôi; nhưng phải nghĩ rằng mình chỉ thấy được có một trong nhiều điều chứa chất ở đó…nên hãy cảm tạ về sự phong phú của Lời Chúa”[19].
Về việc sống Lời Chúa, Thánh Grégorio Cả còn chia sẻ kinh nghiệm: “Lời Chúa được tăng trưởng thêm trong mức độ bạn được thăng tiến”. “Lời Kinh Thánh được tăng thêm làm một với người đọc!”
Còn hơn thế nữa, theo chứng từ của thánh nhân, Lời Chúa khi được đọc, suy niệm trong hiệp thông cộng đoàn sẽ tăng thêm nguồn phong phú, với những khám phá mới. “Có lắm đoạn Kinh Thánh một mình tôi không hiểu được, nhưng khi cùng góp mặt với các anh em tôi thì tôi được thông hiểu. Bấy giờ tôi mới nhận ra rằng, chính nhờ họ mà tôi được sự thông hiểu nầy” . Sự phong phú của Kinh Thánh, xuất phát từ mầu nhiệm tình yêu khôn tả của Thiên Chúa, đồng thời cũng bao gồm các chiều kích đđa dạng con người tiếp nhận được khi sống Lời Chúa.
2. Các chiều kích trong việc sống Lời Chúa
Chúng ta có thể ghi nhận các chiều kích của Lời Chúa được sống, như những hiệu quả của Lời Chúa mang đến cho con người, cho cả Giáo Hội. Chúng ta thử kể ra một số chiều kích sau đây.
a. Chiều kích Ba Ngôi
Lời Chúa trước hết phát xuất từ sáng kiến yêu thương của Thiên Chúa, tạo dựng con người, muốn đem con người vào hiệp thông với Thiên Chúa, do đó Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người để con người trở thành Thiên Chúa. Bởi vậy, chiều kích tối thượng của Lời Chúa là thực hiện cuộc trao đổi kỳ diệu nầy là sự hiệp thông con người với Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô Lời của Chúa Cha nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.
Chiều kích nầy bao hàm tương quan với cả Ba Ngôi Vị. Chúa Cha là nguồn của tất cả : tình yêu và sự sống. Nhưng chúng ta chỉ đến được với Chúa Cha qua Chúa Con và nhờ Chúa Thánh Thần (x.Ep 2,18).
b. Chiều kích Kitô
Chúa Giêsu Kitô là Ngôi Lời nhập thể. “Là Lời được thu hẹp” vào tầm cỡ con người (=Verbum abbréviatum) .
Chính Ngài mặc khải cho con người biết về Chúa Cha bằng những lời của nhân loại trong sự khiêm hạ của ngôn từ nhân loại .
Tất cả Kinh Thánh đều quy hướng về sự mặc khải nầy, do đó Chúa Giêsu Kitô là chìa khóa để hiểu nội dung Kinh Thánh (x. Dumontier sđd tr 104). Trong xác tín đó, Thánh Hieronimo đã quả quyết “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô” .
Chiều kích Kitô đối với Kinh Thánh có tính quan trọng đặc biệt, không chỉ vì Đức Giêsu Kitô đã mặc khải về Thiên Chúa, nhưng còn hơn nữa vì nơi Ngài thể hiện sự liên kết trọn vẹn và vĩnh viễn giữa Thiên Chúa và loài người qua Mầu nhiệm nhập thể và cứu chuộc nhờ tác động của Chúa Thánh Thần.
c. Chiều kích Thần Khí
Thánh Thần Thiên Chúa tác động qua mầu nhiệm Nhập thể để Ngôi Lời trở thành xác phàm; đồng thời cũng do Thánh Thần mà Kinh Thánh được trao ban cho Giáo Hội qua ơn linh hứng, cũng như nhờ sự hướng dẫn của Thánh Thần mà Kinh Thánh được hiểu theo đúng ý của Thiên Chúa (2Pr1,20-21). Tiếp nhận Lời Chúa do đó phải có sự lắng nghe nội tâm, xem Thánh Thần nói gì với Hội Thánh (x. Kh 2,7) sự lắng nghe nội tâm nầy rất quan trọng để am hiểu Lời Chúa cho mình, và cho cả sứ vụ rao giảng Lời Chúa, nếu không, sẽ có sự lệch lạc, hoặc chỉ đem đến những gì vô ích, vô lối. Thánh ÂuTinh quả quyết: “Lời người loan báo trở thành vô bổ, nếu không phải là của kẻ lắng nghe nội tâm” .
Thánh Thần bày tỏ cho tâm hồn, nhưng luôn luôn trong sự đồng cảm với Hội Thánh, vì chính Thánh Thần ban cho Hội Thánh thẩm quyền xác định về Lời Chúa và giải thích Lời Chúa .
d. Chiều kích Hội Thánh
Cũng như bàn tiệc Thánh Thể liên kết các chi thể cùng chia sẻ một Tấm Bánh để nên một Thân mình duy nhất, cũng vậy được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, tất cả được cùng chung một nền tảng đức tin, cùng chia sẻ một nguồn sinh lực của Lời ban sự sống.
Hơn thế nữa, vì Đức Kitô được trình bày như Đấng Tình Quân của Hội Thánh (x.Ep 5,23 ;Kh 21,2.9 ; 22,17), bởi vậy các thánh giáo phụ và truyền thống đan tu đã đặc biệt suy niệm về mối tình hôn ước giữa Đức Kitô và Hội Thánh trong Kinh Thánh, do đó có nhiều chú giải về sách Diễm ca. Đối với truyền thống Xitô, các bài giảng về Diễm ca của Thánh Phụ Bênađô được coi là tác phẩm tuyệt vời và đã được các môn đệ ngài như Gilbert de Hoyland và Jean de Ford nối tiếp. Những gì được diễn tả qua hình ảnh của mối tình phu phụ nhân loại có thể được hiểu về sự liên kết giữa linh hồn với Thiên Chúa, nhưng chiều kích Hội Thánh luôn được nhấn mạnh như Thánh Phụ Bênađô hằng lưu ý: tất cả đều được cảm nhận và sống trong sự liên kết thông hiệp với: “Hiền thê duy nhất là Giáo Hội” (In Ecclesia unica sponsa).
e. Chiều kích nhân sinh
Công Đồng Vaticano II trong hiến chế Vui mừng và Hy vọng đã xác nhận: Thiên Chúa khi tỏ mình cho con người, thì đồng thời cũng tỏ cho con người biết về chính mình: “Mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể… là con người hoàn hảo” .
Khởi đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh (imaginem) và theo họa ảnh (ad similitudinem) của Thiên Chúa (St 1,27). Linh đạo Xitô đặc biệt triển khai ý niệm nầy như khung sườn trình bày về tiến triển của đời sống thiêng liêng từ hình ảnh nguyên thủy (imago) cơ bản đã bị hoen ố, méo mó vì tội, nay từng bước được tẩy luyện để tiến tới họa ảnh (ad similitudimen), để nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, hình ảnh hoàn hảo của Thiên Chúa vô hình (x. Cl 1,15).
Hơn nữa, truyền thống và linh đạo Xitô còn triển khai đặc biệt về nhân tính của Đức Kitô. Do đó, nhờ sự liên kết với Đức Kitô mà tất cả những giá trị nhân bản, nhân sinh nơi con người đều được chú trọng, và được thăng hoa. Có thể coi đó là chiều kích nhân sinh của Lời Chúa.
Tuy nhiên, các chiều kích khác nhau của Lời Chúa nhiều khi được coi là trùng hợp với nhau. Ví dụ: chiều kích “quy thần” (théocentrique), hoặc “qui Kitô” (Christocentrique) và cả “qui nhân” (anthropocentrique) có thể quyện vào nhau xuyên qua sự liên kết của Thiên tính và nhân tính được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô Ngôi Lời nhập thể, và qua ân huệ con người được phúc tham dự vào bản tính Thiên Chúa (x. 2Pr 1,4).
Chính trong ân huệ được nên đồng hình đồng dạng này với Đức Kitô (x. Rm 8,29) mà con người được mời gọi sống như Đức Kitô đã sống, một chữ “như” bao gồm cả chương trình sống và hành động cụ thể của con người, sống Lời Chúa và theo gương Chúa, như Chúa và nhờ Chúa.
f. Chiều kích truyền giáo
Tin Mừng cứu độ được thông ban như một sứ vụ dây chuyền: Từ Đức Kitô, Đấng Thiên sai (Messia) qua các môn đệ được mang danh hiệu là “Tông đồ” (tiếng Hy lạp apostolos là người được sai đi) loan báo Tin Mừng, chứng tá của Tin Mừng. “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy sai anh em” (Ga 20,21). “Anh em sẽ nhận lấy sức mạnh của Thánh Thần, và anh em sẽ là chứng tá của Thầy cho đến tận cùng trái đất” (Cv1,8). Và như thế, mọi Kitô hữu đều có sứ vụ được sai đi loan Tin Mừng . Theo nghĩa hiện sinh nhất, có nghĩa là, chính con người và cuộc sống của Kitô hữu phải là một chú giải sống động của Lời Chúa, của Tin Mừng. Truyền thống đan tu sống thấm nhuần Lời Chúa qua các thời đại, đã nhờ đó trở thành sức mạnh truyền giáo cho nhiều dân tộc, như chúng ta có thể kể về Thánh Gregorio, Thánh Martino, Thánh Âutinh, Thánh Patritio, Thánh Bonifacio, thánh Methodio.
i. Chiều kích cánh chung
Sau cùng, chiều kích này được bao hàm trong Kinh Thánh, bởi vì tất cả chương trình cứu độ hướng về mục tiêu này cho đến khi mọi sự được hoàn tất với trời mới, đất mới, và Thiên Chúa là tất cả trong tất cả (x.1Cr 15,28). Mọi sự được trình bày qua Lời Chúa cũng như việc mỗi người và cả Giáo hội tiếp nhận và sống Lời Chúa đều quy về mục tiêu cánh chung này.
IV. ĐAN SĨ HÔM NAY SỐNG LỜI CHÚA THEO TRUYỀN THỐNG ĐAN TU.
Trước hết, là Kitô hữu, đan sĩ mọi thời sống Lời Chúa, luôn đồng cảm vói Giáo hội, hiệp thông với niềm tin của Giáo hội. Qua tác động của Chúa Thánh Thần, Giáo hội dùng huấn quyền bảo quản kho tàng mặc khải của Thiên Chúa trong Thánh Kinh và Thánh Truyền[20].
Tuy nhiên, trong lòng Giáo hội, đan sĩ còn được thừa kế truyền thống phong phú như một gia sản tâm linh[21], trong đó bao gồm nhiều kinh nghiệm quý giá về việc sống Lời Chúa, đặc biệt là thực hành “tụng niệm Lời Chúa” (Lectio divina).
Thiết tưởng, đan sĩ cần tận dụng toàn bộ môi trường sinh hoạt đan tu “trong thinh lặng, thanh vắng, chuyên chăm cầu nguyện và hoan hỷ hy sinh”[22] như khung cảnh thuận lợi quý báu cho việc sống Lời Chúa.
Nhưng cách riêng cần quan tâm, trung thành thực hành “tụng niệm Lời Chúa” được coi như là bửu bối của đời sống đan tu; một thực hành được chìm ngập trong bầu khí hiệp thông với Thiên Chúa trong tiến trình được giản lược hoá: đọc – suy – cầu nguyện – chiêm niệm.
Đàng khác, đan sĩ hôm nay cũng là con người của thời đại, cùng chia sẻ điều kiện sống của nhân loại với những thuận lợi và bất lợi kèm theo. Xã hội hiện nay đang không ngừng tục hoá trong chiều hướng tìm hưởng thụ ; tuy nhiên, như một phản phục tích cực, xuất phát những khát vọng tâm linh, cần được ghi nhận và phát huy.
Hơn nữa, các phát minh về khoa học kỷ thuật cũng đã góp phần đáng kể trong việc nghiên cứu học hỏi về Kinh Thánh, các nguyên bản, dịch bản, chú giải… Tất cả cần được tận dụng như những phương tiện giúp cho việc học hỏi và sống Lời Chúa hôm nay.
Cùng tìm về nguồn sống của Giáo hội, các đan sĩ hôm nay còn được thừa kế gia sản phong phú của truyền thống đan tu; do đó được mời gọi tận dụng và khai thác tất cả cái cũ và cái mới trong việc sống Lời Chúa.
Các trang bị về kiến thức và phương pháp liên hệ đến việc học hỏi Kinh Thánh có thể rất hữu ích được coi trọng. Tuy nhiên, truyền thống đan tu tập trung vào bản chất cốt yếu của việc sống Lời Chúa, dẫn đến thâm tín; Lời Chúa phát xuất từ Thiên Chúa qua linh hứng của Chúa Thánh Thần (2P1,20-21) Do đó chỉ có thể được hiểu cách trung thực và đạt tới cùng đích cũng là do tác động của Chúa Thánh Thần trên mảnh đất tốt của tâm hồn khiêm tốn và đầy niềm tin, để lắng nghe, nghiền ngẫm, thấm nhuần trong cầu nguyện dẫn đến hiệu quả kỳ diệu của Lời Chúa.
Đó chính là bí quyết lâu đời của thực hành “tụng niệm Lời Chúa” (Lectio divina) trong truyền thống đan tu. Trong tông huấn “Đời thánh hiến” Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có dịp xác nhận: “Lời Chúa là nguồn mạch đầu tiên cho mọi linh đạo Kitô giáo. Chính Lời Chúa nuôi dưỡng mối tương giao với Thiên Chúa hằng sống và với ý định cứu độ và thánh hóa của Ngài. Do đó, kể từ khi đời sống thánh hiến xuất hiện, cách riêng trong đời sống các đan viện, Lectio divina đã được đặc biệt trân trọng” .
Thiên Chúa hằng sống cũng là Thiên Chúa tình yêu (1Ga4,8.16). Lời Chúa là Lời ban sự sống (Ga 6,63.69) là Lời được trao ban để sống (Gc 1,22-23) là Lời sống động và linh nghiệm (Dt 4,12) dẫn con người đến ơn kết hiệp với Thiên Chúa (Ga 14,23).
Quả thật, ngay từ đầu, Hiến chế Dei Verbum (về Mặc khải) đã nêu lên mục tiêu là qua việc sống Lời Chúa, con người đạt tới hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi (Ep 2,18; 1Ga 1,2-3) và như thế được thông phần bản tính Thiên Chúa (2Pr 1,4), thể hiện bằng tin cậy mến .
Và nếu toàn bộ Kinh Thánh được nhìn nhận là “bức thư tình” của Thiên Chúa dành cho con người, thì mỗi người thử hỏi đã thực sự tiếp nhận nội dung, để nhận ra mình được yêu thương dường nào và theo định luật đồng hình đồng dạng của tình yêu, đã thể hiện được bao nhiêu tình mến thương trong cuộc sống.
Đó là điều Thiên Chúa muốn và tìm cách giúp ta đạt tới khi trao ban Lời Ngài, đồng thời cũng là thước đo chúng ta đã sống sống Lời Chúa đến mức độ nào.
Chúng ta hãy ghi khắc vào lòng lời nhắc bảo thiết tha và thiết thực: “Anh em hãy khiêm nhu chịu lấy Lời vốn đã gieo sẵn trong lòng anh em…Hãy làm theo Lời, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình ” (Gc 1,21-22) “Đích thực đây là Lời của Thiên Chúa, và Lời ấy đang thi thố quyền năng nơi anh em là những kẻ tin” (1Th 2,13).
[1] Thơ 72,1
[2] P.Dumontier, Saint Bernard et la Bible, Paris, 1953, tr.50
[3] Enchiridion della vita consacrata, Bologna 2001 tr.23 n.34.
[4] Khảo luận về tình bạn thiêng liêng. PL Migne 195,659B.
[5] Thánh Bênađô, bài giảng về cung hiến đền thờ V,7,42.
[6] Giảng Diễm ca I,6.
[7] G. Diễm ca 73,2.
[8] Bài giảng về truyền tin1,1.
[9] Guillaume de St Thiery, thơ gởi các đan sĩ Núi Chúa. I,10,31.
[10] Guérico, Giảng lễ Thánh Phêrô và Thánh Phaolô III, 1-2.
[11] G. Diễm ca 16,1
[12] Dumontiersđsđd tr. 169.
[13] Dumontier sđd tr.22.
[14] Khảo luận về kính mến Thiên Chúa 29,1.
[15] Về bản tính tình yêu 10,31; x. Dumontier sđd tr. 92.
[16] x. Dumontier sđd tr. 79.
[17] Lectio, meditatio, oratio, contemplatio.
[18] Bài giảng được sưu tập 92,1.
[19] Trích bài đọc II Chúa nhật VI mùa thường niên.
[20] “Hiến Chế Mạc Khải” số10.
[21] Đức ái hoàn hảo số 26.
[22] Đức ái hoàn hảo số 7.
Linh mẫu Syncletica nói: “Nhiều kẻ ở trên rừng núi mà lại sống theo kiểu người thành thị và như thế họ đã hư hỏng. Có thể sống giữa đám đông mà vẫn là ẩn sĩ trong tâm trí, và cũng có thể sống một mình mà trong tâm tưởng lại như ở giữa đám đông”. |
Linh mẫu Syncletica còn nói: “Một báu tàng mà đem phơi bày ra thì mất đi giá trị, cũng vậy, nhân đức đem ra phô trương thì cũng biến mất; cũng như sáp gần lửa thì tan, tâm hồn tan rữa với lời khen ngợi, và như thế thật là uổng công vô ích”. |
THƯ CỦA CHA ENZO BANCHI
GỬI ANH GIOAN
Trích trong sách PRIER LA PAROLE,
Une introduction à la Lectio diviva
Chuyển ngữ : FM. Vianney Nguyễn Tri Phương và Duyên Thập Tự
Anh Gioan thân mến,
Ít nhất mỗi Chúa Nhật hay ngay cả mỗi ngày, trong giờ phụng vụ anh cử hành với anh chị em trong nhà thờ địa phương hay trong cộng đoàn, anh lắng nghe Kinh Thánh và và bài giảng giải thích và hiện tại hóa những bản văn đã được đọc. Như thế, anh đặt mình trước Lời Chúa sống động và hữu hiệu, âm vang trong anh, trước sự hiện diện của chính Thiên Chúa, trước Chúa Kitô, Đấng đã gieo Lời Ngài trong anh.
Bàn tiệc đã sẵn sàng: lương thực Lời Chúa và lương thực Thánh Thể đã được trao ban cho anh, để trên đường lữ thứ trần gian, trong cuộc xuất hành về với Chúa Cha, anh được nuôi dưỡng mà không phải gục ngã, nếm hưởng của ăn đàng được trao tặng cho anh, một thành viên đau yếu và mệt mỏi của Dân Thiên Chúa, bởi Đấng nuôi dưỡng, an ủi và bổ sức cho anh.
Chắc chắn anh muốn lặp lại cái kinh nghiệm trung tâm của đời sống kitô hữu này trong cái thường nhật, trong cái cô vắng của tu phòng hay trong cuộc hội thảo cộng đoàn với anh chị em, những người đã được ban cho anh như những người bảo vệ và bạn đồng hành.
Thật vậy, anh không thể hiểu và đồng hóa với Kinh Thánh khi dựa vào chính mình vào sức lực yếu kém riêng tư: để đạt tới việc đọc hiệu quả cho phép Lời Chúa thực hiện trong anh điều mà anh không thể tự làm, thì cần phải có một vài điều kiện, một vài khai tâm, khả dĩ giúp anh có thể đọc trong niềm tin vào Chúa Kitô, đón nhận những ân huệ của Chúa Thánh Linh và chiêm ngưỡng Thiên Chúa Cha.
Đó là đọc trong Chúa Thánh Linh, cầu nguyện với Kinh Thánh, là lectio divina…
1.Lectio divina, kinh nghiệm của dân Israel và của Giáo hội
Trong nhiệm cục cũ của Israel, người ta đã cầu nguyện với Lời, và lắng nghe Lời trong cầu nguyện, anh có thể thấy việc thực hành cộng đoàn này được miêu tả nơi chương 8 của sách Nêhêmi. Một phương pháp như thế bao gồm việc đọc, giải thích và cầu nguyện, trở thành một cách thức cầu nguyện cổ điển của Do thái giáo, mà Kitô giáo đã thừa hưởng (x. 2Tm 3,14-16), một phương pháp không được viết ra nhưng được minh chứng ở nhiều nơi khác nhau trong Tân Ước.
Các thế hệ kitô hữu tiếp tục cầu nguyện như thế, mà không nhường chỗ cho một lòng đạo đức không có tính Kinh Thánh, một thứ đạo đức không thừa nhận uy quyền tuyệt đối của Lời trong đời sống cầu nguyện của Giáo Hội. Tất cả các Giáo Phụ đông và tây đã thực hành phương pháp lectio divina, mời gọi các tín hữu cũng thực hành như thế tại gia và trao cho họ những bài chú giải Kinh Thánh tuyệt vời như là kết quả chính yếu của phương pháp này.
Còn phải nói gì tiếp sau đây về các đan sĩ? Những người này đã lấy phương pháp đó làm trung tâm của đời sống, thực hành trong sa mạc và trong đan viện; họ gọi đó là khổ chế của đan sĩ, lương thực hằng ngày, với niềm tin chắc chắn rằng: “người ta không chỉ sống nguyên bởi bánh, mà con bằng mọi lời phát xuất từ miệng Thiên Chúa” (Tl 8, 3; Mt 4, 4). Và một lúc nào đó, họ đã cảm thấy nhu cầu phải ấn định phương pháp này bằng văn bản, để giúp đỡ những người mới bắt đầu có thể đạt đến Lời trong Chúa Thánh Linh, Đấng không những thánh hóa mà còn thần hóa. Ông Origène đã đề nghị theía anangosis được thực hành trong trường của các kinh sư Do thái, thánh Giêrônimô tạo nhịp điệu giữa việc đọc với cầu nguyện, thánh Casiano đề cao việc suy niệm, Guigues le Chartreux chứng minh phương pháp đó như “CHIẾC THANG của THIÊN ĐÀNG” đối với các đan sĩ, thánh Bênađô chúc khen nó như mật ngọt đối với dinh thự của cõi lòng, Guillaume de Saint-Thierry trong Bức Thư Vàng, và nhiều vị khác đã ấn định thuật ngữ lectio divina, để giúp các tín hữu đọc Kinh Thánh như là Con Đường tốt nhất (con đường vàng – chemin d’or) của việc đối thoại với Thiên Chúa.
Cho tới thế kỷ 13, phương pháp này đã thực sự nuôi dưỡng lòng tin của nhiều thế hệ, và thánh Phanxicô Assisiô đã thường xuyên thực hành phương pháp này. Nhưng tiếp sau đó vào thời hậu trung cổ, người ta đã làm biến dạng lectio divina bằng việc đưa vào questio (hỏi- đáp) và disputatio (tranh luận). Chính những thế kỷ làm che khuất phương pháp cầu nguyện này, đã mở đường cho devotio moderna (lòng sùng mộ tân thời) và cho “phương pháp I-Nhã”, là thứ cầu nguyện qui tâm hơn và tâm lý. Chỉ trong các đan viện và nơi dòng Các Tôi Tớ của Đức Maria mà phương pháp này được bảo tồn nguyên vẹn, rồi tái xuất hiện với Công Đồng Vaticanô II trong Hiến chế Dei Verbum, số 25:
“Vì thế, tất cả mọi người phải gắn bó với Thánh Kinh nhờ chuyên cần đọc Sách Thánh…, xuyên qua việc chăm chú suy niệm và họ phải nhớ rằng việc đọc phải đi đôi với cầu nguyện”.
Chắc chắn, chính Chúa Thánh Linh đã muốn rằng hình thức lắng nghe và cầu nguyện với Thánh Kinh không bị biến mất theo thời gian.
2.Một nơi dành cho lectio divina
Vậy, khi muốn chìm sâu trong việc đọc cầu nguyện này, trước hết anh hãy tìm một chỗ cô tịch và thanh vắng, nơi anh có thể cầu nguyện với Chúa Cha trong nơi kín ẩn để đạt tới chỗ chiêm ngưỡng Người.
Tu phòng, căn phòng riêng là nơi đặc biệt để cảm nếm sự hiện diện của Thiên Chúa, mong anh đừng bao giờ quên điều đó (x. Mt 6, 5-6). Đó là nơi xảy ra cuộc chiến nội tâm, là sa mạc nơi Chúa Giêsu đã cầu nguyện và chịu thử thách (x. Mc 1, 12.35; Mt 4, 1-11; v.v.). Như vậy, trong nơi cô vắng, tuổi trẻ thiêng liêng của anh sẽ được đổi mới, anh có thể ngợi khen Chúa, Đấng Tình quân của anh, nghiệm thấy rằng không những anh thuộc về Ngài mà còn sống hòa bình với mọi người và mọi tạo vật sinh động hay bất động (x. Os 2, 18-25).
Ước gì căn phòng của anh, hay bất cứ nơi cô vắng nào, đối với anh là cung thánh nơi Thiên Chúa hạ thấp anh để anh bị thử thách xuyên qua Lời Ngài, nhưng cũng qua đó, Ngài giáo dục, an ủi và nuôi dưỡng anh. Chắc chắn anh sẽ cảm thấy sự hiện diện của ĐỐI PHƯƠNG, nó kêu anh trốn chạy, làm sự cô vắng ra nặng nề, làm anh lo ra bởi những tập quán và những bận tâm; nó sẽ tìm cách mê hoặc anh bằng muôn vàng tư tưởng trần tục. Anh đừng để nó đánh gục mình, đừng thất vọng và hãy kháng cự sáp lá cà với ma quỉ, vì Chúa không ở xa anh đâu. Ngài không những nhìn anh chiến đấu và chính ngài chiến đấu trong anh. Nếu anh muốn, anh hãy tự giúp mình với một ảnh thánh, một ngọn nến thắp sáng, một mẫu thánh giá hay một mảnh chiếu trên đó anh quì gối cầu nguyện. Anh đừng sợ phải dùng đến những phương tiện này, chúng sẽ nhắc cho anh rằng không phải anh chỉ ở đó để học hỏi Kinh Thánh hay đọc một vài lời, nhưng là anh đứng trước tôn nhan Chúa, sẵn sàng lắng nghe và thưa chuyện với Ngài!
Nếu anh bị cám dỗ chạy trốn, hãy chống cự lại, ngay khi anh không thốt nên lời, trong thinh lặng, nhưng hãy chống cự lại. Anh phải làm quen với thời gian cô tịch, thinh lặng, thoát ly sự vật và con người, nếu thực sự anh muốn gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện cá nhân.
3.Thời gian thinh lặng để Thiên Chúa lên tiếng
Anh hãy thử xem nơi và thời giờ trong ngày dành cho lectio divina có cho phép anh giữ thinh lặng bên ngoài, cần thiết chuẩn bị cho sự thinh lặng bên trong không.
“Thầy ở đó và Người gọi em” (Ga 11,28), và để nghe được tiếng Ngài, anh phải làm im bặt đi những tiếng nói khác; để lắng nghe Lời, anh phải hạ giọng nói của anh. Có những thời gian thích hợp cho thinh lặng hơn, đó là giữa đêm tối, sáng tinh mơ, chiều tà bóng ngả… Anh hãy xét theo thời khóa biểu công việc, nhưng luôn trung thành với thời gian này và ấn định trong ngày sống của anh một lần dứt khoát. Thật chẳng nghiêm túc chút nào khi đến cầu nguyện với Thiên Chúa chỉ vì chẳng có gì để làm, như thể Chúa là cái điền vào chỗ trống. Đừng bao giờ anh nói: “tôi không có giờ”, nói như thế là tự tuyên bố mình là kẻ thờ ngẫu tượng: thời gian trong ngày phải phục vụ anh, nhưng không phải anh làm nô lệ cho thời gian.
Vậy, anh hãy bao trùm mình bằng thinh lặng và thời gian dành cho lectio divina sẽ tạo nên nhịp sống cho anh. Anh biết rằng phải luôn luôn cầu nguyện, không bao giờ chán ngán (x. Lc 18, 1-8; 1Tx 5,17), nhưng anh cũng phải biết rằng phải có những thời gian rõ ràng dành cho cầu nguyện, để giúp nhớ Chúa trong suốt ngày sống. Anh có phải là người say mê Chúa không, hay anh có cố gắng để trở nên như vậy không? Vậy mà anh không màng dành cho Ngài một chút thời giờ như anh thường dành mỗi ngày thời gian nào đó cho vợ, những người thân và bạn hữu của anh.
Và anh đừng quên rằng thời gian dành cho việc đọc phải khá dài, chứ không phải một khoảng cách ngắn ngủi. Anh phải bình thản lại, an bình, một vài phút không đủ đâu. Để đọc, ít nhất phải một giờ, như các thánh phụ nói thế…
Suốt ngày, anh đã nghe biết bao lời, đã đọc biết bao nhiêu sách! Ước gì những lời đó không bóp nghẹt Lời: anh phải cảnh giác điều đó. Nếu những lời trần tục quá nhiều, làm sao Lời Chúa có thể giữ một vị trí ưu tiên được? Mỗi ngày, anh hãy đọc Kinh Thánh (lectio divina) thật đúng giờ, đừng quên kiểm tra mối tương giao giữa Lời và các lời. Những lời này, do số lượng và chất lượng, có thể bóp nghẹt tiếng nói của Thiên Chúa và không cho phép tiếng nói đó lớn lên và sinh hiệu quả trong anh (x. Mc 4,13-20). Có ý nghĩa gì không, khi đọc hết mọi thứ, khi tìm thấy của ăn trong những đề tài trần tục, khi đọc mà để lại những dấu vết dơ bẩn sâu thẳm trong con tim, rồi sau đó lại còn muốn sống Lời “phát xuất từ miệng Thiên Chúa” ? Nếu trong đời sống, anh không cảnh giác về mối tương quan Lời/những lời, thì anh đã bị kết án là một kẻ hời hợt, một người “nghe” nhưng bị tê liệt khi đối diện với điều phải là một con đường khai tâm đích thực.
4.Một con tim rộng mở và tốt lành
Nếu Thiên Chúa gọi anh đến cô tịch, thinh lặng và một thời gian đối thoại với Ngài, chính là để nói với con tim của anh.
Trái tim theo Kinh Thánh là trung tâm, là nơi cự ngụ của những quan năng tri thức của con người, là trung tâm sâu thẳm nhất của con người anh. Như vậy, trái tim là cơ quan chính yếu của lectio divina, bởi vì nó là trung tâm nơi mỗi người sống và diễn tả cá tính duy nhất của ngôi vị của mình. Nhưng anh cũng biết rằng trái tim bằng đá (Ed 11,19), chia cắt (Tv 118,113; Gr 32,29), mù quáng (Ac 3,65), phải được cắt bì (Dnl 30,6; Rm 2,29).
Tất cả những kiểu nói này chỉ cho thấy trái tim con người có thể xa cách Thiên Chúa, không được đức tin đụng chạm tới. Nhưng về phần mình, trái tim của người tin lại có thể ra nặng nề bởi phóng đãng, say sưa và những lo lắng sự đời (Lc 21, 34), nó có thể chai sạn, xơ cứng, đến nỗi không còn nhận biết cũng chẳng thấu hiểu những lời và hành động của Chúa (Mc 6,52; 8,17), nó có thể không kiên vững, hay thay đổi, bị lôi đến chỗ quên và làm sai lệch ý nghĩa của Lời (x. 2Pr 3,16; Lc 8,13). Trái tim có thể như thế nếu nó tồn tại bằng xác thịt, bằng những ý thức hệ đàn áp, bằng kiêu ngạo là một tội lớn lao. Còn anh, nếu muốn sẵn sàng lắng nghe Thiên Chúa, hãy nắm lấy trái tim anh, đưa lên cho Thiên Chúa để Ngài biến nó thành một quả tim bằng thịt, để Ngài duy nhất hóa nó, làm nó nên trong sạch và thanh luyện nó. Vì chỉ có trái tim của trẻ thơ mới có thể đón nhận được những ân huệ của Thiên Chúa (x. Mc 10,15).
Chỉ có một trái tim đã được Thiên Chúa canh tân mới mở ra và sẵn sàng lắng nghe. Chúa hứa ban một trái tim mới cho ai cầu khẩn Ngài (Ed 18,31), hướng trái tim về Lời của Ngài nếu nó xác tín về sự chai sạn (Tv 118,36). Mỗi ngày, Chúa kêu gọi chúng ta: “Ôi, nếu các ngươi nghe tiếng Ta, đừng cứng lòng nữa!” (Tv 94,8; Dt 33,7). Trái tim chai đá thấy Lời Chúa cứng cỏi, và điều đó có thể xảy ra cho những người tin: “Lời đó sao mà cứng cỏi thế, ai mà nghe cho nổi?” (Ga 6,60). Vậy, anh hãy cầu xin Chúa với tất cả con người anh mà trái tim là biểu tượng, một trái tim rộng mở, một trái tim biết lắng nghe (leb shomea), như vua Salomon đã cầu xin Chúa (1V 3,5).
Khi anh đọc Sách Thánh (lectio divina), anh hãy nhớ dụ ngôn Người gieo giống: chính Chúa đang gieo Lời Ngài. Trong thực tế, anh là một trong những mảnh đất này, hoặc sỏi đá, hoặc con đường để cho mọi thứ đi qua, hay đầy gai góc, hoặc mảnh đất tốt. Lời phải được gieo trong anh như trong một mảnh đất tốt và anh, “sau khi đã nghe Lời với một con tim tốt lành và hiệp nhất, anh sẽ giữ Lời bằng cách trổ sinh hoa trái bằng sự kiên trì” (x. Lc 8,15).
Chính trong một trái tim được thanh tẩy, duy nhất, lành mạnh, mà Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh đến cự ngụ trong anh để cử hành lectio divina (Ga 14,23 ; 15,4).
Trái tim được tạo dựng cho Lời và Lời cho trái tim: anh hãy tham dự vào tiệc cưới này, được thánh vịnh 118,111 ca khen, nơi Lời Thiên Chúa trở thành lời của anh và nơi trái tim anh ca hát bởi vì nó đã thành trái tim của Thiên Chúa.
Khi ấy, trái tim của anh sẽ trở thành trái tim của một người môn đệ ngoan ngoãn đối với những sự việc của Thiên Chúa, có khả năng kinh nghiệm Lời mà không cần chú giải, thật sự ngồi bên chân Chúa Kitô và mau lẹ lắng nghe Ngài như cô Maria thành Bêtania (Lc 10,39), có khả năng suy niệm và gìn giữ những lời của Ngài trong trái tim như Thánh Mẫu Maria (Lc 2, 19.51).
“Chúng ta hãy nâng tâm hồn lên!”, phụng vụ hát lên khởi đầu vào lúc bắt đầu kinh nguyện Thánh Thể.
“Chúng ta hãy nâng tâm hồn lên!” là tiếng kêu đầu tiên của lectio divina.
5.Hãy khẩn cầu Chúa Thánh Linh
Anh hãy cầm lấy cuốn Kinh Thánh, hãy tôn kính đặt nó trước mặt anh bởi vì đó chính là thân thể Chúa Kitô, hãy khẩn cầu Chúa Thánh Linh. Chính Chúa Thánh Linh đã chủ xướng việc sản sinh ra Lời, chính Người đã tạo thành – lời được nói ra hay lời được ghi chép lại – qua các tiên tri, các hiền nhân, Chúa Giêsu, các tông đồ, các thánh sử, chính Người đã ban Lời cho Giáo Hội và truyền đạt vẹn tuyền tới cho anh.
Được Chúa Thánh Linh linh hứng, Lời chỉ nên dễ hiểu nhờ cũng một Chúa Thánh Linh (Dei Verbum, 12), anh hãy sẵn sàng để Chúa Thánh Linh có thể ngự xuống trong anh (Veni, Creator Spiritus), và với sức mạnh, Người cất đi tấm màn che mắt anh để anh có thể nhìn thấy Thiên Chúa (Tv 118, 18; 2Cr 3,12-16). Chính Chúa Thánh Linh ban sự sống, trong khi chữ viết lại giết chết. Chính Chúa Thánh Linh ngự xuống trên Đức Trinh Nữ Maria, bao phủ bằng bóng của Người và với quyền năng để hạ sinh Ngôi Lời trong lòng Mẹ, Lời đã thành xác thịt (Lc 1,34), chính Chúa Thánh Linh đã ngự xuống trên các Tông Đồ để dẫn đưa họ vào chân lý toàn vẹn (Ga 16, 13), cũng chính Người hành động trong anh: Ngài phải hạ sinh trong anh Lời, đưa anh vào chân lý toàn vẹn. Việc đọc thiêng liêng có nghĩa là trong và với Chúa Thánh Linh đọc được những điều do Người linh hứng.
Anh hãy chờ đợi Người, bởi vì, dù chậm trễ, nhưng chắc chắn Người đến (Kb 2, 3). Hãy tin chắc Lời Chúa Giêsu: “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ không kêu xin Người sao” (Lc 11, 13).
Anh sẽ nghe trong mình lời kiến hiệu của Ngài: “Ephphata! Hãy mở ra!” (Mc 7, 34), và anh sẽ không còn cảm thấy cô đơn nhưng được đồng hành khi đối diện với bản văn Kinh Thánh, như khi người xứ Étiopia kia đọc tiên tri Isaia nhưng chẳng hiểu gì, mãi tới lúc ông Philipphê đến gặp. Nhờ nhận được Chúa Thánh Linh vào ngày lễ Ngũ Tuần, ông Philipphê đã mở bản văn cho người xứ Étiopia và thay đổi trái tim cho ông (x. Cv 8, 26-38), hay như Chúa phục sinh đã cho hai môn đệ Emmaus hiểu được lời Kinh Thánh (Lc 24,45).
Không khẩn cầu Chúa Thánh Linh, lectio divina vẫn là một hoạt động nhân loại, một cố gắng trí thức, cũng có thể là một sự học hỏi khôn ngoan, nhưng không phải sự KHÔN NGOAN của Thiên Chúa. Và điều đó là “không phân biện Thân Thể Chúa Kitô – và như vậy, chuốc lấy án phạt cho mình” (1Cr 11,29).
Anh hãy cầu nguyện như anh có thể làm, như Chúa ban cho anh hoặc anh hãy cầu nguyện như sau:
“Lạy Thiên Chúa chúng con, Cha ánh sáng, Cha đã gửi Lời của Cha đến trong thế gian, sự khôn ngoan xuất phát từ miệng Cha, Lời đã thống trị trên tất cả mọi dân tộc trần gian (Hc 24,68).
Cha đã muốn Lời cư ngụ trong Israel và qua Maisen, các tiên tri và các thánh vịnh (Lc 24,44), Lời đã biểu lộ thánh ý của Cha và nói cho dân chúng về Chúa Giêsu, Đấng Thiên Sai hằng mong đợi. Sau cùng, Cha đã muốn chính Con của Cha, Lời vĩnh cửu bên Cha, trở thành xác phàm và dựng lều ở giữa chúng con (Ga 1,1-14), Con Cha đã được sinh ra bởi Đức Maria và được thụ thai bởi Chúa Thánh Linh (Lc 1,35).
Giờ đây xin Cha hãy gửi xuống con Thánh Thần của Cha, để Người ban cho con một trái tim biết lắng nghe (1V 3,5), để Người cho phép con gặp được Người trong Kinh Thánh và để Người hạ sinh Ngôi Lời của Cha trong con. Ước gì Thánh Thần của Cha cất đi tấm màn che đôi mắt con (2Cr 3,12-16), Người dẫn đưa con tới chân lý vẹn toàn (Ga 16,13), ban cho con trí thông hiểu và sự kiên trì.
Con cầu xin Cha nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con; Ngài đáng chúc tụng đến muôn thuở muôn đời! Amen”.
Nhất là anh hãy nhờ đến thánh vịnh 118 trong lời cầu nguyện chuẩn bị này, đó là thánh vịnh của việc lắng nghe Lời. Đó là thánh vịnh của lectio divina, đó là cuộc đối thoại giữa Người Yêu và người Được Yêu, của người tín hữu với Thiên Chúa của mình.
6. Anh hãy đọc!!!
Anh hãy mở cuốn Kinh Thánh và hãy đọc bản văn. Đừng bao giờ chọn lựa một cách tình cờ bởi vì Lời Chúa không có kiểu tranh thủ. Anh hãy tuân theo các bài đọc phụng vụ và đón nhận bản văn mà Giáo Hội trao ban cho anh ngày hôm nay, hoặc anh hãy đọc một cuốn trong bộ Kinh Thánh từ đầu đến cuối bằng cách đọc nhanh và gọn.
Tuân theo sách bài đọc hay tuân theo một cuốn sách làm nên căn bản cho một sự tuân phục hằng ngày, đối với một sự liên tục trong việc đọc lectio divina, để không rơi vào tính chủ quan của việc chọn lựa một bản văn làm hài lòng mình và nghĩ rằng là cần đến nó. Anh phải trung thành với nguyên tắc căn bản này.
Có thể anh hãy chọn một cuốn sách được Giáo Hội chỉ định cho các mùa phụng vụ khác nhau, hoặc một trong các bài trong sách bài đọc. Anh đừng có nhân lên các bản văn, một đoạn, vài câu cũng đủ rồi ! và nếu anh đọc các bản văn ngày Chúa nhật, hãy nhớ rằng bài đọc thứ nhất (Cựu Ước) và bài đọc thứ ba (Tin Mừng) song song với nhau và anh được mời gọi cầu nguyện trên hai bản văn đó. Sách bài đọc những ngày lễ là một quà tặng lớn lao, được thực hiện với nhiều sự khôn ngoan thiêng liêng. Sách bài đọc trong tuần, lễ kính thì không liên tục cho lắm; nếu điều đó gây khó khăn cho anh, thì tốt hơn là đọc liên tục một cuốn sách được chọn lựa.
Anh hãy đọc các bản văn không phải chỉ một lần, nhưng nhiều lần và ngay cả đọc to lên. Nếu có phương tiện, hãy đọc bản văn gốc bằng tiếng Do thái hay Hy lạp; còn nếu khác đi, hãy bằng lòng với bản dịch.
Tùy theo sự chuẩn bị tri thức, anh hãy luôn dùng bản dịch Bảy Mươi hay Phổ Thông, đó là những bản dịch thánh thiêng và được Giáo Hội tôn kính từ nhiều thế kỷ.
Nếu anh hầu như học thuộc một đoạn văn nào đó và nếu anh bị cám dỗ đọc quá nhanh, thì đừng sợ dùng đến những phương thế ngăn cản anh đọc nhanh và hời hợt: anh hãy viết và chép lại bản văn. Một đan sĩ, một nhà chú giải nổi tiếng quốc tế, ban của tôi đã tâm sự với tôi rằng: để lectio divina , ông chép lại bản văn và thường cố gắng lặp đi lặp lại để nhìn thấy sự khác biệt những điều ông ta ghi nhớ và điều được viết ra.
Anh đừng chỉ đọc với đôi mắt nhưng hãy chú ý cố gắng in bản văn trong trái tim anh.
Anh cũng hãy đọc những bản văn song song, hay tìm kiếm những qui chiếu bên lề, nhất là nếu anh sử dụng bản Kinh Thánh Giêrusalem (la Bible de Jérusalem) hoặc bản dịch Đại Kết (TOB), thì đó là một trợ lực lớn. Anh hãy mở rộng sứ điệp, bổ túc nó, tiếp cận với những bản văn khác có mối tương giao với sứ điệp trong ngày, bởi vì Lời được chú giải bởi chính Lời. “Kinh Thánh được chú giải bởi Kinh Thánh” là tiêu chuẩn lớn của các kinh sư Do thái và các Giáo Phụ về việc đọc Lời Chúa.
Ước gì việc đọc là lắng nghe (audire) và lắng nghe trở thành tuân phục (oboedire). Anh đừng vội vàng. Phải có thời gian để đọc, bởi vì việc đọc được thực hiện bởi sự lắng nghe. Lời phải được lắng nghe! Từ khởi nguyên đã có Lời, không phải là cuốn Sách trong Hồi giáo. Chính Thiên Chúa nói và việc đọc chỉ là một phương tiện để đi đến việc lắng nghe. “Hỡi Israel, hãy lắng nghe” luôn là tiếng kêu của Thiên Chúa phải được vang lên từ bản văn đến tới anh.
7. Anh hãy suy niệm!…
Suy niệm là gì? Không phải dễ nói. Trước hết có nghĩa là đào sâu sứ điệp anh đã đọc mà Thiên Chúa muốn truyền đạt cho anh. Như vậy, nó đòi hỏi ở một sự cố gắng, một công việc, vì việc đọc phải trở nên suy tư chăm chú và sâu xa. Thật thế, từ thời mà người ta học thuộc lòng Kinh Thánh, kitô hữu đã được giúp đỡ suy tư vì họ có thể lập đi lập lại trong lòng một cách hết sức dễ dàng lời đã được nghe hay được đọc. Dầu vậy, cả ngày hôm nay nữa, anh hãy chăm chú vào việc suy niệm này, tùy theo văn hóa, khả năng và những phương tiện trí thức mà anh thủ đắc.
Chắc chắn nguyên tắc sau đây luôn có giá trị: “không thông thái nhưng được xức dầu, không khoa học nhưng ý thức, không sách vở nhưng có đức ái”, dầu vậy cũng không thích hợp nếu chỉ nghe một cách vô kỷ luật hay tình cờ, không nghiêm túc nghiên cứu và không dùng những khí cụ theo ý mình để hiểu. Nếu có thể, anh hãy tìm đến những bài chú giải của các Giáo Phụ và những sách khác nhau trong bộ Kinh Thánh mà ngày nay được dịch ra tiếng Pháp một cách rộng rãi, những bảng đối chiếu, bằng cách lấy Kinh Thánh chú giải Kinh Thánh, những nghiên cứu chú giải hay những chú giải thiêng liêng. Dầu vậy, anh hãy luôn kiểm tra chất lượng của nhiều tác phẩm cho là nghiêm túc và thiêng liêng, nhưng trong thực tế chỉ chứa đựng những quan niệm riêng tư hay những hoang tưởng làm ngất ngây không tuân theo bản văn thần linh hay truyền thống; nhất là, anh hãy cảnh giác những loại chú giải cho là “tái thích ứng Lời”, nhưng trong đó ngưới ta nô lệ hóa Lời; ngay cả những bài chú giải thiêng liêng của sách phụng vụ, ngày thường hay ngày lễ, cũng phải được chọn lựa kỹ càng, vì nhiểu bài không được triển khai sâu sắc, lại được soạn thảo một cách vội vàng; còn mối liên hệ với bản văn thì sơ sài và sứ điệp của các bài chú giải đó thường là của tác giả của chúng hơn là sứ điệp của Lời Thiên Chúa.
Ông Origène nói : “Lắng nghe không phải là một sự tiếp nhận thụ động một bản văn được trao ban, nhưng là một nỗ lực về phía kitô hữu để thấm nhập càng sâu hơn vào ý nghĩa không thể cạn kiệt của Lời thần linh tùy theo khả năng cá nhân và sự kiên trì”.
Tất cả những phương tiện chú giải, Giáo Phụ, thiêng liêng, chắc chắn hữu ích cho việc suy niệm cho sự tiến triển của việc hiểu biết; tuy vậy, điều quan trọng trong lectio divina luôn là cố gắng cá nhân nhưng không có nghĩa là “riêng tư”. Cũng phải nói rằng việc đọc Lời Chúa thường đem lại nhiều kết quả khi việc lắng nghe được sống trong một kinh nghiệm cộng đoàn; đó là những nơi thực sự mà người ta lắng nghe Lời, nơi không những người ta cùng đọc chung, nhưng kinh nghiệm và cùng sống Lời.
Nỗ lực cá nhân này phải hướng về việc tìm kiếm “chiều sâu thiêng liêng” của bản văn: không phải câu nói đánh động nhất, nhưng là sứ điệp trung tâm, sứ điệp liên quan nhiều nhất với biến cố chết-phục sinh của Chúa. Vậy anh hãy thu lượm ý nghĩa thiêng liêng, minh chứng tính liên tục và tính duy nhất ở giữa các bản văn chú giải, những đóng góp của các Giáo phụ và việc đọc Kinh Thánh bởi Kinh Thánh, và hãy kiếm tìm điều Chúa ngỏ với anh.
Anh đừng nghĩ tìm thấy ở đó điều anh đã biết: đó là tự phụ, cũng không vui thích tìm thấy ở đó điều đáp lại hoàn cảnh của anh: đó sẽ là chủ quan. Bản văn không phải luôn dễ hiểu và trọn vẹn ngay lập tức . Đôi khi anh hãy khiêm nhường nhận biết rằng anh chẳng hiểu bao nhiêu hay một chút gì. Sau này anh sẽ hiểu. Điều đó cũng là sự tuân phục. Và nếu anh còn cần đến sữa, thì đừng có tìm một thức ăn cứng (1Cr 3,2; Dt 5,12).
Về điểm này, nếu đã có chút hiểu biết nào, thì anh hãy nghiền ngẫm (nhai lại) những lời trong trái tim anh và tiếp theo hãy áp dụng những lời đó cho chính anh, cho hoàn cảnh của anh mà không để mình rơi vào một thứ duy tâm lý, trong một thứ nội quan hoá, mà không dẫn đến việc tra xét lương tâm. Chính Thiên Chúa ngỏ lời với anh, hãy chiêm ngưỡng Ngài, Ngài chứ không phải anh. Đừng để mình bị tê liệt bởi một sự phân tích tỉ mỉ những giới hạn và những thiếu sót của anh khi đối diện với những đòi hỏi của Thiên Chúa mà Lời đã cho anh khám phá ra. Thật vậy, Lời cũng là sự xét đoán, thấu suốt cõi lòng anh, cho anh biết tội lỗi mình, nhưng anh cũng hãy nhớ rằng Thiên Chúa còn lớn hơn cõi lòng anh (x. 1Ga 3,20) và rằng vết thương lòng phát xuất từ Thiên Chúa, Ngài luôn gây ra vết thương đó trong chân lý và lòng thương xót.
Tốt hơn, anh hãy kinh ngạc về Đấng ngỏ lời với lòng anh, vì lương thực ít nhiều phong phú Ngài trao ban cho anh, nhưng luôn luôn có tính cứu độ. Anh hãy ngạc nhiên về điều mà Lời đặt trong trái tim anh, để đừng phải đi kiếm trên trời cao hay tận cùng biển cả (x. Dnl 30,11-14). Hãy để Lời lôi cuốn anh, biến đổi anh nên hình ảnh của Con Thiên Chúa mà anh chẳng biết bằng cách nào. Lời mà anh đã đón nhận, đối với anh là sự sống, niềm vui, bình an, ơn cứu độ! Thiên Chúa ngỏ lời với anh, anh phải lắng nghe Ngài, biết sửng sốt như những người Do thái trong cuộc xuất hành khi chứng kiến Lời làm nên những việc kỳ diệu, như Đức Maria đã hát lên: “Chúa đã làm cho tôi những việc kỳ diệu, Danh Ngài là Thánh” (Lc 1,49). Thiên Chúa tự mặc khải cho anh. Hãy đón nhận Danh khôn tả của Ngài, khuôn mặt của Đấng Mến Yêu. Hãy ở lại trong không gian của đức tin. Thiên Chúa dạy dỗ anh: hãy biến đời sống của anh theo gương mẫu Con của Người. Thiên Chúa tự trao hiến cho anh, tự trao phó trong Lời Ngài: anh hãy đón nhận Ngài như một đứa con và đi vào mối hiệp thông với Ngài. Thiên Chúa ôm hôn anh bằng một nụ hôn thánh thiện: đó là tiệc cưới của Người Được Yêu và của Người Yêu. Vậy, hãy cử hành trong tim mình tình yêu của Ngài còn mạnh hơn sự chết, mạnh hơn âm phủ, mạnh hơn tội lỗi của anh. Thiên Chúa hạ sinh anh như logos ( Lời), như con cái: hãy chấp nhận việc hạ sinh đó để trở thành chính Con Thiên Chúa. Sự suy niệm nghiền ngẫm phải đưa anh đến điều này: anh là nơi “cư ngự” của Chúa Cha, Chúa Con và của Chúa Thánh Linh.
Trái tim anh là nơi cử hành phụng vụ : tất cả con người anh là đền thánh, là thực tại thần-nhân.
8. Anh hãy cầu nguyện!…
Bây giờ anh hãy ngỏ lời với Chúa, hãy đáp lời Ngài, hãy đáp trả lời mời gọi những linh hứng, những đòi hỏi, những sứ điệp mà Ngài đã trao cho anh xuyên qua Lời được thấu hiểu trong Chúa Thánh Linh. Anh không thấy rằng anh đã được đón tiếp ngay trong cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi, trong cuộc đối thoại khôn tả giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh hay sao? Đừng dừng lại để suy nghĩ quá, hãy đi vào trong cuộc đối thoại và nói như một người bạn nói với bạn mình (Dnl 34,10). Đừng còn tìm cách làm phù hợp tư tưởng của anh với tư tưởng của Ngài nữa, nhưng hãy tìm kiếm chính Ngài. Việc “suy niệm” có mục đích là cầu nguyện. Và giờ đây chính là lúc này đó. Tuy nhiên đừng có lắm lời, hãy nói với Ngài bằng lòng tin, phó thác và không sợ hãi, không nhìn vào chính mình nhưng say mê bởi dung nhan Ngài được nổi bật lên từ bản văn. Anh hãy tự do theo những khả năng sáng tạo của cảm xúc, của cảm động và hãy đặt chúng vào việc phụng sự Chúa. Tôi không thể cho anh nhiều chỉ dẫn bởi vì ở đây mỗi người biết nhận ra việc gặp gỡ với Thiên Chúa, mà không thể chỉ bảo cho người khác, cũng không thể tự diễn tả được. Người ta có thể nói gì về lửa khi bị chìm ngập trong đó? Người ta có thể nói gì về sự chiệm niệm cầu nguyện vào cuối chặng của lectio divina, nếu không phải đó là bụi gai bốc cháy mà không bị tiêu hủy và làm bùng cháy trái tim của tín hữu, trái tim được cháy lửa yêu mến mà không bị tiêu hủy?
Là nghệ thuật khôn tả của kinh nghiệm về sự hiện diện thần linh, lectio divina muốn dẫn anh đến chỗ nơi như Người Được Yêu, anh chiêm ngưỡng nhắc lại những lời của Người Yêu, trong niềm vui, trong nỗi sững sờ, trong sự quên mình. Anh đừng nghĩ rằng con đường này luôn dễ dàng, bằng phẳng và người ta có thể luôn đi đến cùng. Nỗi sợ hãi và tình yêu đam mê, lời cảm tạ và sự khô cằn thiêng liêng, nhiệt tâm và uể oải thân xác, lời nói lên và lời câm lặng, thinh lặng của anh và im lặng của Thiên Chúa, tất cả, ngày lại ngày, luôn hiện diện và chiếm chỗ trong lectio divina.
Điều quan trọng là trung thành với cuộc gặp gỡ này: sớm hay muộn, Lời sẽ vạch ra một lối đi trong trái tim anh, anh sẽ vượt qua những trở ngại luôn hiện diện trong hành trình đức tin và cầu nguyện. Chỉ ai chăm chú vào Lời mới biết rằng Thiên Chúa luôn trung thành và Ngài để cho được tìm thấy và ngỏ lời với trái tim; người đó biết rằng có những thời gian mà Lời Thiên Chúa trở nên hiếm hoi (1Sm 3,1) và dầu vậy, thời gian hiển linh của Lời phải được tiếp theo sau đó ; họ cũng biết rằng những thời gian khó khăn, thất vọng, khô cằn thiêng liêng là một ân sủng nhắc nhở chúng ta rằng sự hiểu biết trọn vẹn về Thiên Chúa còn xa vời biết bao đối với chúng ta.
Anh hãy cảm tạ Chúa về Lời Ngài đã ban cho anh, về những người đã loan báo và giải thích Lời cho anh, hãy chuyển cầu cho tất cả những anh chị em mà bản văn đã gợi lên cho anh, với những nhân đức và những vấp ngã của họ. Hãy hướng đến chỗ hiệp nhất lương thực của Lời và lương thực Thánh Thể.
Anh hãy gìn giữ điều anh đã thấy, đã nghe, đã hưởng nếm trong lectio divina, hãy gìn giữ điều đó trong trái tim và trong ký ức của anh, và hãy bước đi nhập đoàn với con người, ở giữa họ và khiêm tốn trao tặng họ sự bình an và phúc lành mà anh đã nhận lãnh. Anh cũng sẽ có sức mạnh hành động với họ để thực hiện Lời Thiên Chúa, trong lịch sử, qua hoạt động xã hội, chính trị, nghề nghiệp của anh…
Thiên Chúa cần đến anh như dụng cụ trong thế giới để làm nên “trời mới và đất mới”. Một ngày kia đang chờ đợi anh, một ngày trong đó khi nhìn thấy Thiên Chúa diện đối diện trong sự chết, anh sẽ chỉ cho thấy là mình đã là một “chữ sống động” được Chúa Kitô ghi khắc, đã là lectio divina đối với anh em, đã là chính Con Thiên Chúa không?
Người anh em của anh,
Enzo
CHA BIỂN ĐỨC THUẬN
VÀ LỜI CHÚA KÊU GỌI RA ĐI
Duyên Thập Tự
Lời Chúa là quyền năng, luôn tác động mạnh mẽ đến nỗi khi Lời đến với một ai đó, thì người đó được cuốn hút và ra đi thực hiện theo dự phóng của Đấng ngỏ lời mời gọi. Câu chuyện của tổ phụ Abraham là một minh chứng hùng hồn sức mạnh của Lời Chúa (x.St 12). Thật vậy, khi Thiên Chúa kêu gọi Abram rời bỏ quê hương, gia đình thân tộc, ông đã ra đi ngay, bỏ lại sau lưng tất cả những gì là thân thương, những gì bảo đảm cho tương lai. Ông ra đi chỉ với niềm tin vào lời Chúa hứa. Hành trình của đời ông là hành trình của đức tin.
Lời Chúa vẫn lôi cuốn bao nhiêu người thuộc nhiều thế hệ khác nhau ra đi để thực hiện điều Thiên Chúa muốn trên cuộc đời họ. Những tình huống, những biến cố tạo nên những khúc ngoặt trong cuộc đời họ có vẻ như là những chuyện thường tình xảy ra cho bất cứ ai. Nhưng, trong nhãn quan đức tin, những chặng đường của đời sống đó mang một ý nghĩa sâu xa và giữ một tầm mức quan trọng, vì chúng không những ảnh hưởng đến cá nhân, nhưng còn trên những người khác trong hành trình đi tìm định hướng của cuộc đời.
Trong bài viết thứ hai về Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận, tôi muốn mời độc giả làm một cuộc khám phá những chặng đường cuộc sống của ngài, để xuyên qua đó, chúng ta khám phá, tái khám phá sự kỳ diệu của ơn gọi, sự tương tác giữa lời của Người Ngỏ và hành động của người đáp trả. Những biến cố trong cuộc sống của con người, trong một mức độ nào đó, biểu lộ dung mạo của chính Thiên Chúa.
I. Những chặng đường đời sống
Ngày 17 tháng 8 năm 1880, Henri Denis chào đời trong niềm vui của người cha Cyrille Denis và người mẹ Anne-Marie Geffroy. Cuộc đời thơ ấu của Henri Denis bị giao động bởi cái chết của người mẹ khi em mới 8 tuổi. Với sự chăm sóc tận tình của người cha và người mẹ kế, em lớn lên từng ngày, và đời em dần dần được định hướng.
1.Giai đoạn thứ nhất : Từ Boulogne-sur-Mer đến Paris
a.Tại tiểu chủng viện Boulogne : một nhân cách được thành hình
Chú bé Henri Denis, dù sinh tại Boulogne-sur-Mer, nhưng đã trải qua một phần tuổi thơ tại Wimille. Chú nhập tiểu chủng viện vào tháng 10 năm 1892. Sổ Ghi nhận những tân chủng sinh ghi rõ Henri Denis đến “từ Wimille”.
Giáo phận Arras là một vùng nông thôn, đông dân và giầu tiềm năng. Tuy nhiên, điều quan trọng Kitô giáo đã ăn rễ sâu trong vùng đất này, và do đó ơn gọi linh mục thật phong phú. Giáo phận được hướng dẫn bởi những chủ chăn khôn ngoan, tạo ảnh hưởng rất lớn trong hàng giáo sĩ và giáo dân. Chính Đức Cha Parisis đã cho mở tiểu chủng viện Arras, và dưới thời Đức Cha Lequette, tiểu chủng viện Boulogne đã khai giảng vào năm 1871. Về vấn đề huấn luyện các tiểu chủng sinh, nhiều tu hội đã đảm nhận trách nhiệm, trước tiên là tu hội thánh Bertin, sau đó là các cha Xuân Bích. Đây là nơi lý tưởng để đào tạo linh mục. Với nỗi quan tâm lo lắng gìn giữ các ứng sinh trong bầu khí thuận lợi cho việc nhận tác vụ linh mục sau này, các giám mục Parisis và Lequette đã quyết định tách các chủng sinh ra khỏi các học sinh trung học để không bị lây nhiễm bởi các học sinh này. Từ đó, việc giảng dạy chủng sinh được tiến hành ngay trong chủng viện.
Chú Henri Denis đã hít thở tràn trề không khí của tiểu chủng viện. Ngày 21 tháng 6 năm 1897, Henri Denis được gia nhập vào Hội Đoàn Đức Trinh Nữ Maria, một phong trào đạo đức dành cho các tiểu chủng sinh.
Về việc học hành, tiểu chủng sinh Henri Denis có những bước tiến rất đáng khâm phục. Hai năm đầu tiên – lớp 6 và 7 – chú có rất nhiều khó khăn, và chỉ đạt kết quả trung bình trong các môn học. Nhưng vào những năm cuối cùng của cấp hai, chú chiếm những vị trí cao nhất. Phần đánh giá của các bề trên về phong cách đạo đức, Henri Denis luôn luôn được điểm 6+, tức là điểm tối đa : hạnh kiểm mẫu mực !
Henri Denis rời tiểu chủng viện vào tháng 8 năm 1898. Sau đó, chú theo học tại Học viện công giáo Lille để chuẩn bị thi tú tài 2.
b.Tại đại chủng viện Arras: đổi hướng ơn gọi
Sổ Ghi danh của đại chủng viện Arras ghi nhận Henri Denis gia nhập ngày 1 tháng 10 năm 1900
Như đã nói trên, giáo phận Arras vào thế kỷ XIX không thiếu ứng sinh cho chức vụ linh mục. Đứng trước con số quá nhiều ứng sinh như vậy, việc thu nhận vào đại chủng viện trở thành vấn đề quan trọng, đồng thời chương trình đào tạo được đặt lên hàng đầu. Cần phải kéo dài thời gian đào tạo và nâng cao chất lượng học tập. Vả lại, việc đào tạo trí thức cần đi đôi với việc đào tạo thần học.
Ảnh hưởng của Hội Xuân Bích trở nên quá rõ ràng, nên quan niệm về chức linh mục cũng được thăng hoa. “Linh mục là người của Thiên Chúa, ngài không còn là người của thế gian nữa. Là chủ chăn, ngài phải dành trọn tất cả mọi khoảnh khắc của cuộc đời cho những nhiệm vụ vừa đáng sợ vừa tràn đầy an ủi. Là linh mục của Chúa, ngài cần nêu cho mọi người gương sáng về sự khinh chê mọi thú vui thế gian; và là tông đồ, ngài cần phải có nhiều đức hạnh và lòng nhiệt thành.” Câu nói đó cho thấy tầm quan trọng của việc đào tạo đạo đức cho các chủng sinh. Thực vậy, theo quan niệm thời đó, linh mục hơn hẳn người tín hữu bình thường, bởi ngài là một “Chúa Kitô khác”, ngài cần nêu gương thánh thiện cho tất cả các tín hữu bởi tác phong đạo đức, cũng như làm tròn mọi nhiệm vụ trong ngày một cách thánh thiện. Việc đào tạo các linh mục tương lai còn được thực hiện nhờ thực hành nhiều việc đạo đức như tôn sùng Thánh Thể, tôn sùng Thánh Tâm Chúa, sùng kính Đức Mẹ… Henri Denis đắm mình trong từng chi tiết của một chương trình đào tạo như thế.
Nhưng rồi đến lúc thầy đại chủng sinh giáo phận Arras thay đổi hướng đi của ơn gọi : thầy mong muốn gia nhập chủng viện Hội Truyền Giáo Paris.
Chúng ta hãy lắng nghe những gì thầy Henri Denis viết cho cha Giám Đốc chủng viện Hội Truyền Giáo Paris.
“Kính thưa cha Giám Đốc,
Sau khi con được các cha linh hướng và các bề trên trước kia cũng như bây giờ khuyến khích, như cha Tổng Đại Diện Lejeune, cha Delattre, bề trên chủng viện thánh Thomas, cha bề trên Tiểu Chủng Viện Boulogne và cha chính xứ, con hết lòng tin tưởng kính xin cha vui lòng nhận con vào chủng viện của Hội truyền Giáo.
Thưa cha, lần đầu tiên là hồi cuối năm đệ lục, con đã cảm thấy nỗi khát khao dâng hiến cuộc đời con để cứu rỗi những người chưa biết Chúa, đặc biệt là những người Trung Hoa đáng thương… Ước nguyện này ngày càng rõ nét và mãnh liệt đến mức vào năm đệ nhất, cha linh hướng đã có thể quả quyết với con rằng chắc chắn là con có ơn gọi làm thừa sai…”[1].
Chúng ta cũng lắng nghe thư của cha Delattre, giám đốc Đại chủng viện Arras (cũng gọi là Đại chủng viện thánh Thomas) gửi cha giám đốc Hội Truyền Giáo Paris[2].
“Kính Cha Bề Trên,
Tại chủng viện thánh Thomas, thầy Henri Denis được coi như là một trong những thầy ưu tú của chúng tôi về mọi mặt: đạo đức, tính tình, chuyên cần…
Tuy không có những năng khiếu đặc biệt, nhưng thầy đã đạt được những thành quả mỹ mãn. Hơn nữa thầy đã có bằng tú tài văn chương. Đó là những thông tin tốt nhất liên quan đến chàng trai trẻ này, mà tôi có thể kính chuyển đến cha không một chút e dè. Việc thầy rời bỏ chúng tôi sẽ là một mất mát đối với giáo phận vốn đặt nhiều kỳ vọng tốt đẹp nơi thầy. Tuy nhiên, xét về mặt khác, điều đó sẽ có lợi: chúng ta nên có một vài ơn gọi đặc biệt. Những ơn gọi như thế sẽ duy trì ở một mức độ cao hơn chuẩn mực của những ơn gọi bình thường. Riêng tôi, tôi sẵn sàng nhường lại thầy cho cha, và tôi sẽ không quên cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo đầy thử thách, nhưng cũng đầy phúc lành của cha.”
c.Tại chủng viện Hội Truyền Giáo Paris: kiên vững theo điều đã quyết
Thầy Henri Denis nhập Chủng Viện Hội Truyền Giáo Paris ngày 25 tháng 4 năm 1901.
Khi thầy nhập Chủng Viện này, thì cha Bernard Delpech làm bề trên của Hội từ năm 1867. Chương trình huấn luyện thần học ở đây cũng được thực hiện giống như tại các Đại chủng viện nhằm chuẩn bị cho việc tiến chức linh mục. Chắc chắn văn kiện mang tựa đề “Monita ad Missionnarios” (Những lời khuyến dụ các thừa sai) do hai đức cha François Pallu và Pierre Lambert de la Motte biên soạn, đã trở thành quyển cẩm nang không thể thiếu cho việc đào tạo các thừa sai tương lai.
“Xét về việc thích nghi trong việc áp dụng phương pháp truyền giáo, những lời khuyến dụ này (Monita) trình bày một lý tưởng hoàn toàn mới mẻ: để tác động kẻ khác và biến đổi họ, trước hết phải tự trang bị một tinh thần kiên vững và xác lập những điều kiện cho một công cuộc rao giảng Tin Mừng hữu hiệu, bằng cách dựa trên nguyên tắc là các dân tộc đều bình đẳng trước ơn cứu độ”[3].
Bầu không khí ở Chủng Viện Hội Truyền Giáo như thế nào? Chúng ta hãy nghe thầy Théophane Vénard trình bày trong thư tín của mình:
“Phúc thay được ở trong Hội Truyền Giáo… Chúng tôi kết thành một gia đình hoàn toàn hợp nhất…” “Chúng tôi rất hạnh phúc được sống trong chủng viện…” “Tôi yêu thích biết bao sự thanh vắng nơi các hành lang trong chủng viện thân thương của chúng tôi, sự bình an trong các tu phòng, cách sắp xếp những giờ tập luyện thật thứ tự lớp lang, những thời gian dài học tập, để suy tư vốn hãy còn quá ngắn ngủi, sự hào hứng trong những giờ vui chơi, tình bác ái huynh đệ giữa anh em, vẻ ấm cúng của nhà nguyện, âm vang của biết bao kỷ niệm, và tôi không biết nói sao về sứ vụ tông đồ và phúc tử đạo”[4].
Thầy Henri Denis theo chương trình thần học đã qui định, và từng bước tiến nhận các chức thánh, để cuối cùng thầy được lãnh tác vụ linh mục vào ngày 7 tháng 3 năm 1903.
Đó là những chặng đường đầu tiên trong cuộc đời của Henri Denis, làm nên giai đoạn huấn luyện trong ơn gọi. Thật vậy, ơn gọi linh mục của ngài phát sinh và tiến triển theo ngày tháng. Cuộc hành trình của ngài, khởi từ Boulogne-sur-Mer và kết thúc ở Paris, đưa ngài dần tới ơn gọi làm thừa sai.
d.Giờ lên đường đã điểm
Ý tưởng sứ vụ tông đồ và phúc tử đạo cô đọng lại trong giờ phút biệt ly để lên đường thi hành sứ vụ ở một nơi xa xôi. Giờ lên đường đã điểm.
Nghi thức lên đường là lúc rời bỏ những gì thân thiết nhất với mình ở trần gian này : gia đình, bạn bè, quê hương; là từ bỏ sự an nhàn và yên tĩnh để đối đầu với những hiểm nguy và gian truân thử thách.
Chính trong nghi thức tiễn biệt này mà nhà truyền giáo trẻ tuổi Henri Denis gặp lại cha mình lần cuối cùng. Người cha trao lại cho người con một hành trang quí giá : “Con ơi, con đi mà nhớ rằng làm việc cho Chúa không bao giờ quá!”
Chúng ta có thể kết luận rằng trong suốt những năm học tập và tu luyện, Henri Denis đã hít thở một bầu khí thuận lợi cho đời sống thân tình với Thiên Chúa tại những chủng viện. Như thế, chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa, qua trung gian nhiều người, đã uốn nắn Henri Denis suốt 23 năm ngài sinh sống tại Pháp, là giai đoạn đầu tiên trong cuộc hành trình thiêng liêng của ngài. Những năm học tập và tu luyện này còn cho thấy một vài chuyển biến nơi Henri Denis; thay đổi lối sống và thay đổi phương hướng ơn gọi. Những thay đổi như thế, cả bên trong lẫn bên ngoài, có thể lý giải rằng Thiên Chúa đã kêu gọi Henri Denis và bằng cách nào Thiên Chúa đã dẫn dắt Henri Denis trên những nẻo đường không thể tiên đoán được ?
Bây giờ chúng ta theo chân vị truyền giáo trẻ tuổi sống và hoạt động trên vùng đất mới: Nước Việt Nam. Sau những ngày lênh đênh trên biển cả, cha Henri Denis đến Đà Nẵng ngày 31 tháng 5 năm 1903, đúng ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Ngài hân hoan sải những bước chân đầu tiên trên mặt đất của một đất nước mà trước kia các tiền nhân của ngài đã đến để loan báo Tin Mừng. Trạm dừng chân đầu tiên là giáo xứ Lăng Cô, nơi cha Martin Mendiboure (cố Nhơn) làm cha sở. Cố Nhơn cùng đi với vị tân thừa sai đến tận Phú Xuân để cha Henri Denis trình diện với bề trên mới là đức cha Caspar Lộc, Đại Diện Tông Toà Bắc Đàng Trong (Huế sau này). Chính Đức Cha đặt cho cha Henri Denis tên Việt Nam: cố Thuận, và gởi ngài đến giáo xứ Kim Long để học tiếng và phong tục Việt Nam. Trong suốt 30 năm tại Việt Nam, cha đã kinh qua những môi trường và thi hành những nhiệm vụ khác nhau.
2.Giai đoạn thứ hai : Từ Tiểu chủng viện An Ninh đến đan viện Phước Sơn
a.Tại tiểu chủng viện An Ninh : Vị giáo sư đầy trách nhiệm nhưng cũng rất ưu tư về việc rao giảng Tin Mừng.
Tại tiểu chủng viện An-Ninh, nơi cha Denis Thuận khởi đầu nhiệm vụ giáo sư, có bốn lớp, mỗi lớp kéo dài hai năm, cho một chu kỳ học tập tám năm. Cha Girard, giám đốc Tiểu chủng viện, cử cha Denis Thuận giảng dạy văn chương và tu từ cho lớp thứ nhất. Ngoài ra cha cũng kiêm nhiệm nhiều môn học khác như khoa học tự nhiên, đại số…
Tiểu chủng viện An-Ninh đã có một chiều dài lịch sử với những thời kỳ đầy thử thách cũng như vinh quang. Tiểu chủng viện An-Ninh được thành lập năm 1783, nhằm đáp ứng nhu cầu thiêng liêng cho Bắc Đàng Trong. Tại nơi đây, hàng trăm linh mục đã lãnh nhận những bước đào tạo đầu tiên về tu đức và nhiều vị đã được vinh dự đổ máu đào vì đức tin như thánh Gageli, Jacard, Thomas Thiện…
Vốn được trời phú cho giọng hát hay và có năng khiếu về nhạc, cha Denis Thuận còn đảm nhận thêm việc tập hát. Ngoài ra, ngài còn tranh thủ trau dồi thêm kiến thức về hán ngữ, và vào năm 1907, ngài được uỷ nhiệm dạy chữ hán cho cả bốn lớp.
Thế nhưng, từ ngày bước chân vào Việt-Nam, mặc dù hằng ngày phải đảm nhận nhiều trách vụ, cha không ngừng ấp ủ lòng khao khát đi rao giảng Tin Mừng cho lương dân. Song nhiệm vụ giáo sư không cho phép ngài thực hiện ước mơ ấy. Nhiều lần ngài viết thư cho song thân và tỏ bày khát vọng truyền giáo, nỗi khát khao này mãnh liệt đến độ ngài coi phòng làm việc tại tiểu chủng viện như là một nhà tù. Ngài ước ao mở miệng gào to lên để nói về Chúa cho những người chưa biết Chúa. Tuy nhiên, ngài luôn thêm rằng, nếu Chúa muốn ngài cứ ở lại tiểu chủng viện, thì luôn bằng lòng.
Nhưng rồi, cơ hội thuận tiện đã đến vào năm 1908, khi đức cha Allys (Lý) lên kế vị Đức cha Caspar Lộc; chính vị tân giám quản tông tòa này sai cha Denis Thuận coi họ đạo Nước Mặn.
b.Tại họ đạo Nước Mặn : một mục tử nhân lành
Cuộc đời của cha Denis Thuận bước sang một trang mới với việc thực hiện ước mơ trở thành nhà truyền giáo.
Với nhiệt huyết của một nhà truyền giáo trẻ 28 tuổi, cha đem hết nhiệt tâm và khả năng vào việc rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, ngay những lần gặp gỡ đầu tiên với những dự tòng và các tín hữu, điều ngài mơ ước đã vấp phải những thử thách. Trong nhiều bức thư gửi song thân cũng như giám mục, cha Denis Thuận đã bày tỏ sự vui mừng được rao giảng Phúc Âm và những khó khăn gặp phải trong việc hoán cải lương dân. Ngoài ra, việc bỏ đạo là một vấn đề thường được ngài nhắc đến, vì một số tín hữu đã bỏ đạo trong thời kỳ xảy ra các cuộc bách hại và những đe dọa do dân chúng vùng lân cận gây nên ngay cả sau thời chấm dứt các cơn bắt đạo. Vấn đề này khiến cha Denis Thuận ray rứt mãi là làm sao có thể dẫn đưa họ về đàn chiên Chúa Kitô. Thêm vào đó là những người đã theo đạo nhưng lại không hiểu lẽ đạo. Họ mù tịt về giáo lý, chỉ thuộc một vài kinh căn bản. Cha Denis Thuận phải đối phó trực diện, không những vấn đề liên quan đến đức tin, mà cả những vấn đề của các nông dân nghèo khổ.
Đối diện với những thử thách ấy, và biết bao vấn đề khác, nhiều khi cha không biết làm gì. Hơn một lần, ngài tâm sự với đức cha Allys “con chẳng biết mần chi mô ! con chẳng biết mần chi mô !!!”. Tuy nhiên, cha không thể ở yên, bó tay trước tình cảnh khó khăn. Ngài xả thân, mạnh dạn tiến từng bước trong công việc rao giảng Tin Mừng. Ngài là một mục tử nhân lành. Công việc dạy giáo lý là một nhiệm vụ lúc nào cũng khó khăn và mệt nhọc. Quả thật, các Kitô hữu của họ đạo Nước Mặn này đã không có một sự hiểu biết đầy đủ về giáo lý. Ngài còn đầu tư nhiều công sức và cả tiền của cho việc giúp lương dân gia nhập đạo. Trong khi chu toàn thánh vụ lương y của các linh hồn, cha Denis Thuận cảm thấy nhu cầu chăm sóc những bệnh nhân thể xác. Ngài viết cho song thân và cho biết là nhà xứ của mình dần dần trở nên như một nhà thương, ngày nào cũng có hàng chục người đến xin thuốc, phần nhiều họ bị mụn nhọt máu mủ thối tha, nên mỗi lần làm thuốc xong, ngài phải thay quần áo.
Cha Denis Thuận không những tận tâm cứu giúp, mà còn xả thân giúp đỡ cho tới cùng. Có lần nạn dịch tả hoành hành trong khu vực khiến nhiều người chết, ngài đích thân đến và làm tất cả những gì cần thiết mà ngay cả người thân của những nạn nhân cũng không dám thực hiện, vì sợ bị lây nhiễm. Làm cha sở họ đạo Nước Mặn, cha Denis Thuận không giam mình trong nhà xứ; ngài còn ra đi tìm kiếm và gặp gỡ những người mà ngài muốn đưa dẫn họ về với Chúa. Ngài là một nhà truyền giáo lưu động.
c.Tại tiểu chủng viện An Ninh lần thứ hai : một giáo sư tận tụy nhưng khao khát đời sống đan tu
Sau năm năm đi truyền giáo, giờ đây cha Denis Thuận lại trở về tiểu chủng viện An-Ninh. Nhờ sự tận tụy của ngài mà trình độ các chủng sinh ngày được nâng cao.
Thế nhưng, dù bề bộn giữa bao công việc mục vụ và giảng dạy, từ lâu trong lòng cha Denis Thuận vẫn không ngừng âm ỉ nỗi ước mơ trở thành đan sĩ chiêm niệm và thiết lập một cộng đoàn đan tu. Nhưng đức cha Allys vẫn thấy cần giữ cha ở lại An-Ninh, do đó cha Denis Thuận lại tiếp tục thi hành nhiệm vụ giáo sư ở chủng viện năm năm nữa. Và chỉ đến năm 1918, ngài mới có thể ra đi thành lập Dòng Đức Bà Việt Nam trên núi Phước Sơn. Trong suốt những năm chờ đợi, ngài vẫn giữ nguyên niềm xác tín cần phải thành lập một dòng chiêm niệm ở Việt-Nam.
c.Tại núi Phước : một đan sĩ hạnh phúc
Chúng ta đã theo dõi dấu chân của cha Denis Thuận trên các nẻo đường cuộc sống. Những chặng dừng đã không thể giữ chân ngài lại : ngài luôn vượt qua. Chỉ có một nơi đã giữ ngài lại cho đến hết cuộc đời, nơi ngài đã tìm thấy ý nghĩa và định hướng của cuộc đời của mình và là nơi, dù không còn tiếp xúc với trần gian, đã mang lại cho trần gian cái gì cao quí nhất.
Từ ngày dâng thánh lễ khai sinh vào lễ Đức Mẹ Lên Trời 15 tháng 8 năm 1918 cho đến ngày mặc áo dòng vào lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh ngày 2 tháng 2 năm 1920, là thời gian khai phá mảnh đất với sức người và những dụng cụ hết sức thô sơ. Một vài căn nhà thô sơ được dựng lên. Từ đây ngài mang tên gọi mới : Biển Đức Thuận. Với nhiệm vụ của một bề trên, kiêm tập sư và mọi sinh hoạt vật chất, cha Biển Đức Thuận còn phải soạn Hiến Pháp để định hướng cho đời đan tu cho cộng đoàn mới khai sinh. Thật là một trách nhiệm quá nặng nề.
Bốn năm sau khi thành lập, cộng đoàn bé nhỏ Phước Sơn chuẩn bị ngày 21 tháng 3 năm 1923 sẽ là ngày trọng đại: lớp tuyên khấn đầu tiên trong đó có Đấng sáng lập ! Từ ngày tuyên khấn, khi cơ sở vật chất từng ngày ổn định, cha Biển Đức Thuận tìm kiếm một sự ổn định khác, quan trọng hơn; đó là việc sát nhập vào một dòng lớn để đảm bảo tương lai khi cộng đoàn phát triển mạnh mẽ, vì ngày ngày vẫn có nhiều người đến gõ cửa đan viện. Ngay từ khi mới thành lập dòng, cha Biển Đức thuận đã nghĩ đến việc sát nhập vào Dòng Xitô Nhặt phép nhằm hổ trợ cho việc phát triển. Nhưng trên thực tế, mỗi lần muốn xúc tiến dự định này, ngài phải đương đầu với nhiều khó khăn tới mức, vào cả những ngày cuối đời, mơ ước ấy vẫn chưa được hiện thực.
Sau nhiều lần cố gắng sát nhập Dòng Xitô Nhặt Phép không đạt kết quả, cha Biển Đức bắt đầu tiến hành việc sát nhập Dòng Xitô, cũng được gọi là Xitô Chung Phép. Và việc sát nhập này chỉ được thực hiện hai năm sau ngày cha Tổ Phụ qua đời.
Ngài thực thi lối sống mới mẻ này một cách thận trọng, nhưng cũng không kém quyết liệt và tin tưởng, Ngài phải đối diện với những khó khăn và thử thách do chính cuộc sống mới này, nhưng chúng chỉ kiên vững thêm căn tính và cá tính của ngài. Chặng dừng chân cuối cùng này kéo dài suốt 15 năm với những biến cố kết dệt thành những chuỗi hồng ân. Vẫn là cuộc đời của cha Denis Thuận, nhưng cuộc đời ấy ẩn chứa nhiều điều bí ẩn và mầu nhiệm.
Cuộc sống kham khổ tại Phước Sơn và sự dấn thân triệt để trong ơn gọi đan tu cũng như trong việc xây dựng cộng đoàn Xitô đầu tiên tại Việt nam đã vắt kiệt sức lực của cha Biển Đức Thuận. Vào những ngày cuối đời, cha trở bệnh nặng. Trong thời gian này, ngài đau đớn cả hồn lẫn xác: ngài thảm thiết kêu lên: “Thật khủng khiếp ! Maria, Mẹ ơi, cứu con với !”, “Hãy cầu nguyện cho người hấp hối. Kinh khủng lắm!”. Nhưng rồi sự an bình ngự trị trong tâm hồn ngài. Một vài phút trước khi ly trần, ngài bình an thanh thản nói : “Thế là đã hoàn tất!” Ngài trút hơi thở sau cùng trong bình an trọn vẹn.
Sau khi đã lược qua những chặng đường cuộc sống của cha Biển Đức Thuận, bây giờ chúng ta cùng khám phá xem trong sâu thẳm lòng mình, ngài đã nghe được tiếng gọi nào, ngài đã đáp trả cách nào. Lời Chúa gọi Henri Denis mãnh liệt như thế nào để Henri Denis dám lên đường đi đến một đất nước xa xôi? Henri Denis hình dung Thiên Chúa như thế nào khi dấn thân vào Hội truyền Giáo Paris, rồi sau này, từ cuộc sống truyền giáo đến cuộc đời chôn sâu trong bốn bức tường đan viện? Có những chuyển biến nào trong tâm hồn Henri Denis?
II.Đáp trả lời Chúa mời gọi ra đi
1.Một lời mời gọi
Khi đọc lại cuộc đời của cha Biển Đức Thuận với những chặng đường cuộc sống, chúng ta thấy ngài trải qua một vài lối sống tu trì khác nhau: chủng sinh giáo phận rồi giáo sĩ truyền giáo và cuối cùng là đan sĩ. Ở mỗi thời kỳ, Thiên Chúa mời gọi ngài ngày càng tiến xa hơn, trên bình diện địa lý cũng như tâm linh. Ngày ngài bước chân vào chủng viện Hội Truyền Giáo Paris là bước ngoặt quan trọng nhất trong giai đoạn đầu trong lịch sử cuộc đời ngài. Quả thật, kể từ biến cố này, lịch sử của ngài sẽ gắn kết với một dân tộc ở một đất nước xa xôi, để rồi sau đó chính ngài trở thành Tổ Phụ của một Hội Dòng. Ngày 15 tháng 8 năm 1918 mãi mãi là ngày ghi nhớ trong đời cha Biển Đức Thuận và bao nhiêu lớp đan sĩ hậu duệ của ngài. Chúng ta tự hỏi tại sao ngài lại thay đổi ơn gọi đến mấy lần. Điều gì đã diễn ra trong tâm hồn khiến ngài hành động như thế ?
Những câu hỏi đó thật khó tìm được một câu trả lời khả dĩ thỏa mãn. Nhưng có một điều chắc chắn là: Tình yêu không có lý lẽ. Tất cả những toan tính tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên đều trở nên vô ích và có nguy cơ đánh mất mọi hương vị ngọt ngào của một ơn gọi. Nếu như Thiên Chúa đã kêu gọi cha Biển Đức Thuận và ngài đã ra đi, điều đó chỉ vì tình yêu của Đấng đã mở lời kêu gọi, của Đấng khởi xướng, đã gặp được tình yêu của người đáp lại lời kêu gọi. Tính nhưng không của tình yêu là như thế đấy.
Viện phụ Emmanuel Triệu Chu Kim Tuyến (+) tự hỏi không biết có phải do thi rớt tú tài triết học (tú tài hai) mà Henri Denis bỏ tiểu chủng viện Boulogne để nhập Hội Truyền Giáo Paris. Tuy nhiên, sau khi thi rớt, Henri Denis vẫn tiếp tục theo đuổi ơn gọi và gia nhập đại chủng viện Arras. Ngài không bỏ dở cuộc hành trình. Có một giả thuyết khác: liệu việc cha Anrê Eloy, phó xứ Wimille, gia nhập Hội truyền Giáo, đã ảnh hưởng đến quyết định của Henri Denis gia nhập Hội này chăng? Điều này cũng có thể. Quả thực, Thiên Chúa có thể mở lời mời gọi ai đó nhờ gương sáng của người khác. Thế nhưng, tất cả những sự kiện nên trên đều là những nguyên nhân bên ngoài, thứ yếu, nhằm giúp tính tò mò của chúng ta lý giải các biến cố. Theo tôi nghĩ, điều quan trọng nhất thuộc về Thiên Chúa: Người là nguyên nhân duy nhất, hoặc ít ra là nguyên nhân đầu tiên. Cứ mỗi lần Henri Denis ra đi theo đuổi một định hướng mới, là mỗi lần lời Chúa kêu mời ra đi.
2. Ra đi theo lời mời gọi
Trong những chặng đường cuộc sống, từ khi chào đời đến lúc gia nhập Hội Truyền Giáo, rồi từ nhiệm vụ của một thừa sai chuyển sang cuộc đời của một đan sĩ, cha Biển Đức Thuận đã kinh qua nhiều trung tâm đào tạo và hoạt động. Mỗi lần thay đổi địa điểm đưa ngài ra đi xa hơn; và mỗi lần ra đi đều là một lần chia lìa. Kinh nghiệm chia lìa này đã được trải nghiệm ngay khi bước chân vào Hội Truyền Giáo mà viễn ảnh là đi đến một đất nước xa xôi. Khi đi lập dòng, kinh nghiệm chia lìa này cũng sâu đậm không kém kinh nghiệm trước, đó là hoàn toàn cắt đứt khỏi giai đoạn trước với những sinh hoạt và lối sống. Khi trở thành đan sĩ, cha Biển Đức Thuận trở nên một con người khác, mà cách diễn tả qua hình ảnh “Henri Denis đã chết rồi, để thầy Biển Đức được sống”.
Việc ra đi của cha Biển Đức Thuận là thành quả của tiếng Chúa gọi, và của sự chọn lựa của người được kêu gọi. Cha Biển Đức Thuận ra đi chờ đợi một tương lai khác, không phải thứ tương lai dường như nằm trong tầm tay ngài, mà ở trong bàn tay Thiên Chúa. Đó là dự định của Thiên Chúa. Ngài ra đi mà không nắm chắc mình sẽ thế nào và tương lai ra sao. Ngài quyết tâm phó thác mình trong tay Chúa bằng cách hướng tương lai đến một phương trời khác chăng? Ngài tìm điều gì trên con đường mạo hiểm này? Trong sâu thẳm lòng mình, ngài ấp ủ những hy vọng nào ? Liệu ngài có nhận rõ ý định của Thiên Chúa trên chính cuộc đời của mình chăng?
3. Một cuộc mạo hiểm của đức tin
Lời Chúa gọi và việc cha Biển Đức Thuận ra đi tạo nên một bước khởi đầu của một cuộc mạo hiểm. Đây là một cuộc mạo hiểm từ hai phía: từ phía Thiên Chúa, bởi vì Người đã thực hiện một bước quyết định trong chương trình của Người; từ phía cha Biển Đức Thuận, bởi vì ngài đặt mình trong một cuộc phiêu lưu mới. Từ đây về sau, cha Biển Đức Thuận từng bước tiến tới khám phá khuôn mặt của Đấng đã cất lời kêu gọi ngài và tìm hiểu ý định của Thiên Chúa muốn thực hiện trong đời của ngài. Thật vậy, cha Biển Đức Thuận bước đi trong đêm tối, nhưng là một đêm tối rực rỡ, bởi vì đêm tối này được đức tin và lòng cậy trông vào Lời Chúa chiếu sáng.
Mà đức tin, vốn là hồng ân của Thiên Chúa, cùng lớn lên với cha Biển Đức Thuận theo từng bước chân đi.
Cha Biển Đức Thuận phải dũng cảm lắm để đi theo tiếng Chúa gọi, bởi vì ngài đã phải chiến đấu chống lại chước cám dỗ muốn giữ ngài lại tại chỗ. Cuộc mạo hiểm này còn là một cuộc mạo hiểm lý thú, bởi vì đức tin sẽ mở ra cho ngài những chân trời hoàn toàn mới lạ về phương diện địa dư cũng như tâm linh.
Nói như thế, chúng ta nhận thấy rằng Thiên Chúa vẫn là Đấng kêu gọi, chủ động khởi xướng và dệt thành lịch sử của mỗi con người trong tương quan với người khác. Chiều kích phổ quát được đặt lên hàng đầu. Thiên Chúa của cha Biển Đức Thuận là Thiên Chúa của mọi người, nghĩa là Thiên Chúa kêu gọi ngài để qua ngài nhiều người cảm nhận mình được Thiên Chúa yêu thương. Cha Biển Đức Thuận trở thành Tổ Phụ của một Hội Dòng và là một người Việt Nam.
Chúng ta có thể kết luận rằng Thiên Chúa vẫn luôn là sợi chỉ xuyên suốt lịch sử của cha Biển Đức Thuận và là điểm qui chiếu duy nhất cho cuộc đời Cha Tổ Phụ.
Những phân tích trên đây cho phép chúng ta chiêm ngưỡng dung mạo của Thiên Chúa: dung mạo của Thiên Chúa trong ơn gọi của cha Biển Đức Thuận xuyên qua những chặng đường cuộc sống.
III. Dung mạo của một Thiên Chúa cất tiếng kêu gọi và hứa hẹn tương lai
Như chúng ta đã nói trên, cuộc đời của cha Biển Đức Thuận là một cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, giữa Đấng ngỏ lời kêu gọi và người được gọi. Tất cả được diễn ra trong bầu khí huyền nhiệm.
Thật vậy, ơn gọi và cuộc sống của cha Biển Đức Thuận thể hiện một điều gì đó thuộc về Thiên Chúa. Sự kiện cha Biển Đức Thuận ra đi cho thấy dung mạo của một Đức Chúa luôn hiện diện với người được gọi, để nhờ qua ngài một số người nhận thấy mình được Thiên Chúa yêu thương và được mời gọi đi vào dự phóng của Người. Cha Biển Đức Thuận ra đi gặp gỡ dân tộc Việt Nam, ngõ hầu xuyên qua đời sống ngài và các môn sinh, dân tộc này tin nhận và yêu mến Thiên Chúa.
Nhưng để có thể khám phá ra dung mạo của Thiên Chúa như vậy, cha Biển Đức Thuận phải luôn là một người lữ hành của đức tin. Cuộc lữ hành của cha Biển Đức Thuận phác thảo cuộc hành trình của chính Thiên Chúa: một Thiên Chúa tỏ mình bằng cách bắt phải khám phá. Đức Chúa vẫn là một Thiên Chúa không thể nhận biết hết được, một Thiên Chúa bất tận, một Thiên Chúa huyền nhiệm.
Nếu Thiên Chúa đã ngỏ lời với cha Biển Đức Thuận, thì Người cũng là một Thiên Chúa hứa hẹn một tương lai. Cha Biển Đức đã ra đi mà không đạt được mục tiêu ngay từ chuyến đi đầu tiên. Người bắt buộc cha Biển Đức Thuận phải vào cuộc với Người. Người mời gọi hãy cùng mạo hiểm với Người.
Miền đất mà Thiên Chúa đặt cha Biển Đức Thuận vào cũng mang một chiều kích huyền nhiệm. Tuy rằng đó là một đất nước với lãnh thổ cụ thể, những con người bằng xương bằng thịt, nhưng dân tộc đó, những con người đó, mang trong mình những mầm tâm linh, một thiên hướng về nội tâm và chiêm niệm[5]. Mảnh đất huyền nhiệm đó, Thiên Chúa đã dẫn cha vào, để rồi, khi cha xây dựng một đời tu chiêm niệm, Thiên Chúa thực hiện dự phóng của Người, để những con người Việt nam đó được đi sâu vào mối tương giao thần linh.
Chính bằng cách hướng về một miền đất hứa chưa hề biết, mà Thiên Chúa đặt cha Biển Đức Thuận sống trong tình trạng của một người lữ hành đức tin.
Qua cuộc đời cha Biển Đức Thuận, chúng ta khám phá nơi ngài một tính cách mạnh mẽ, dám chìa tay cho Thiên Chúa và dũng cảm bước đi theo sự dẫn dắt của Người. Ngài đã tin và như thế là đủ. Đối với cha, lời Chúa gọi vẫn luôn bí ẩn. Tuy nhiên, thái độ của ngài thể hiện qua việc quyết chí ra đi là một lời đáp trả tuyệt vời nhất. Cha Biển Đức Thuận tin vào Chúa, cha thuận theo ý Chúa và cha cất bước ra đi.
******
Đọc lại lịch sử của một người, không chỉ là liệt kê những chặng đường của cuộc sống, nhưng là khám phá ra cái gì đó ẩn kín dưới bóng của những biến cố, sự kiện. Điều ẩn kín đó chỉ có thể khám phá ra khi việc đọc lại lịch sử khách quan của một người đi đôi với kinh nghiệm hiện tại của người đọc. Thật vậy, Lời Chúa mà chúng ta đọc, lắng nghe hằng ngày, diễn tả cho chúng ta kinh nghiệm của những người xưa khi tiếp cận với lời mời gọi của Thiên Chúa. Nhưng những lời đó chỉ trở thành sức sống cho chúng ta khi chúng mời gọi chúng ta sống chính kinh nghiệm cá nhân đối với Lời được trao ban.
Cũng chính trong chiều hướng đó – nghĩa là sự gặp gỡ của hai kinh nghiệm: kinh nghiệm ngày xưa được ghi lại trong Kinh Thánh và kinh nghiệm hiện tại của người đang đọc Lời Chúa – mà chúng ta tiến hành việc đọc lại lịch sử của cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận.
Cuộc sống của ngài cũng như bao cuộc đời khác, cũng sinh rồi tử, cũng kinh qua những khúc ngoặt làm thay đổi dự tính ban đầu. Nhưng cuộc đời đó, nếu được nhìn dưới ánh sáng của đức tin, chúng ta sẽ khám phá ra những chiều kích mới được phát sinh bằng chính dự phóng, không phải của con người mà là của chính Thiên Chúa.
Lời của Thiên Chúa làm nên dự phóng của người tin, như chính Lời Người đã làm nên định hướng cuộc đời của Tổ Phụ Abraham, và cho dòng dõi ông đến muôn đời. Nếu Lời Chúa là đèn soi bước con đi, thì Lời Chúa cũng làm nên chính cuộc đời của con. Vì thế chúng ta có thể kết luận rằng cuộc đời của mỗi chúng ta là kết quả của Lời thân thương mà Chúa Cha đã nói trong Con của Người, và được hiện thực trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
[1] Thư được viết vào tháng 8 năm 1890. Thư này đang được lưu trữ tại văn khố Hội Truyền Giáo Paris.
[2] Thư được viết vào ngày 8 tháng 8 năm 1890. Thư này đang được lưu trữ tại văn khố Hội Truyền Giáo Paris.
[3] C. MARIN, le rôle des missionnaires français en Cochinchine aux XVIIe et XVIIIe siècles, Etudes et documents 9, Eglises d’Asie, Série Histoire, 1999, p. 39.
[4] Xem F. TROHU, le Bienheureux Théophane Vénard, Paris, 1929.
[5] Trong bài viết trước, tôi đã khẳng định rằng cha Biển Đức Thuận xác tín vào khả năng sống đời chiêm niệm của người Việt Nam. Chính vì thế, dù gặp bao chỉ trích, ngài vẫn kiên tâm xây dựng đời đan tu chiêm niệm cho dân tộc này.
ĐỨC GIÊSU KITÔ, LỜI của THIÊN CHÚA
DƯỚI ÁNH SÁNG HIẾN CHẾ DEI VERBUM
FM. Ephrem Trương Cường
Hermann Dieckmann viết: “Lời nói là một hành vi trong đó người ta trực tiếp biểu lộ cho kẻ khác ý tưởng của mình”[1].
Xét trên phương diện ngôn ngữ học và xã hội học, thì câu khẳng định của nhà thần học tân kinh viện Dieckmann, không có gì để chúng ta đính chính. Nhưng trên phương diện tôn giáo, chúng ta không thể đi đến một sự thống nhất, chấp nhận nó, bởi vì nó làm mất đi thực tính của “lời”. Lời của Đức Giêsu không chỉ chuyển tải một lối văn chương, những tư tưởng, hay một kiểu nói nào đó theo truyền thống của nền văn hóa Do thái, nhưng là Lời tự hữu; Lời sáng tạo vũ trụ; Lời cứu độ; Lời biến đổi lịch sử ý thức và những mảnh đời cá biệt.
Vì thế, Hiến Chế Dei Verbum cho chúng ta cái nhìn về một Thiên Chúa hiện thân trong đời thường, đã trở thành người phàm và nói tiếng nói của con người, mà vẫn không bị tổn thương đến sự chân thật và thánh thiện của Đấng khôn ngoan đời đời. Nói cách khác, “Hội thánh, trong Lời của Chúa, cử hành các nhiệm tích của Đức Kitô để phục vụ việc cứu độ thế giới”.
Vậy tại sao Thiên Chúa phải tự hạ lạ lùng như thế? Thánh Gioan Kim Khẩu trả lời: “Để chúng ta được hay biết lòng nhân hậu khôn tả của Thiên Chúa. Và biết, vì quan phòng săn sóc đến bản tính chúng ta, Ngài đã thích nghi lời nói đến mức nào”[2]. Đó là vấn đề căn bản trong lịch sử cứu độ. Cụ thể hơn, qua Đức Giêsu lịch sử, Lời của Thiên Chúa cho chúng ta đụng chạm đến ơn cứu độ là tâm điểm của Lời. Và nhờ Lời, qua kinh nghiệm lịch sử của đời mình, chúng ta ngộ ra được một sự biến đổi ý nghĩa trong chính hiện tại lịch sử của thế giới nhân loại và của đời mình.
1. Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa
Câu nói của một giáo phụ đông phương, thế kỷ thứ II, vẫn còn âm hưởng cho đến hôm nay:“Thiên Chúa làm người, để con người làm chúa” (thánh Irênê). Đó là một cuộc giao duyên kỳ bí giữa đất – trời, giữa thần linh và phàm nhân. Thánh Phaolô diễn tả một cách khác, Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã sống trọn vẹn thân phận làm người, và đã “trút bỏ vinh quang”, để “trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,7). Đức Giêsu đã không sống cái siêu phàm của một Thiên Chúa siêu việt trong cái giới hạn của thân phận đời người–có khởi đầu và có kết thúc, nhưng Người đã sống cái siêu nhiên trong cái tự nhiên; cái vô hình trong cái hữu hình; cái tự hữu trong con người thọ tạo. Điều này đã được ứng nghiệm một cách rõ ràng trong con người của Đức Giêsu: được sinh ra, lớn lên và chết; Ngài cũng bị chi phối bởi những hoàn cảnh lịch sử, văn hóa và những biến cố trong thời gian của một thọ tạo người. Hơn thế, là một con người, Đức Giêsu cũng phải mang những yếu tố, định luật của một con người, trong đó tiếng nói hay lời là đặc tính cấu thành hữu thể người. Nhưng ngôn ngữ, lời nơi Đức Giêsu, hiểu theo thánh Gioan: “Lời có từ đời đời”, hay “Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1-4.18) hiện thân nơi Đức Giêsu Kitô, để “Thiên Chúa luôn gắn mình liên đới với mọi người sẽ được mặc khải bất cứ nơi nào có con người”[3]. Vì thế, “Sau khi phán dạy nhiều lần, nhiều cách qua các tiên tri, nay là thời cuối cùng, Thiên Chúa đã nói nơi chúng ta qua Chúa Con” (Dt 1,1-2)[4].
Với tư tưởng đó, Francis Schaeffer đã nhất trí: “Thiên Chúa đã trình bày–trong một thứ ngôn ngữ xác định–sự thực về chính Người, về con người, lịch sử và vũ trụ”[5]. Điều này đi đến một quả quyết chắc chắn là mặc khải được nên trọn vẹn trong Đức Giêsu nhập thể. Đó là một biến cố khẳng định với chúng ta rằng một Thiên Chúa không ẩn giấu, không còn những hình ảnh biểu tượng nữa như F. Gerald Downing vẫn thường nghĩ “Thiên Chúa vẫn tự giấu ẩn, và bỏ mặc chúng ta mò mẫm”. Vì thế Downing xem đức tin như một bước nhảy vào cõi vô minh.[6] Hay theo cách hiểu, Lời Chúa không phải là đối tượng của suy lý trừu tượng như trường hợp của những trào lưu tư tưởng triết học Alexandria. Nhưng Lời Chúa là sự kiện thực nghiệm: Thiên Chúa trực tiếp nói với những con người được đặc ân, và qua họ, Ngài nói với Dân Ngài và nói với tất cả mọi người.
Xưa kia trong Cựu ước, Lời Chúa chỉ được truyền đạt đến với con người ngang qua các ngôn sứ, các thị kiến và chiêm bao (Ds 12,6; 1V 22,13-17); hôm nay, trong Tân ước, Thiên Chúa không còn “phán” qua một phát ngôn viên mà chính Đức Giêsu nói (Mt 24,35; 1Tx 2,13), và hoàn tất trọn vẹn mặc khải (2Cr 1,20; 3,16-4,6). Vì thế, Công đồng Vatican I, về “Lời Thiên Chúa”, xét như là sự trao ban nội dung của đức tin: “Tất cả những điều đó phải được tin bằng đức tin thuộc linh và Công giáo, là đức tin được hàm chứa trong lời Thiên Chúa–được viết ra hay được thông truyền, và cũng là đức tin mà Giáo hội–hoặc bằng một phán quyết trịnh trọng, hoặc bằng sự dạy dỗ phổ quát và thông thường của mình–đề ra cho niềm tin hiểu như là bởi Thiên Chúa mặc khải”.
Những xác tín Lời là Đức Giêsu Kitô, trong cuộc sống thân phận con người trần gian của Ngài không có nghĩa là thuần túy bản tính người cùng với những sinh hoạt của nó, mà còn là yếu tố thần linh: Lời luôn qui hướng về Cha (Ga 1,1) và làm theo ý Cha (Ga 8, 28). Bởi đó, Con Một, Lời Thiên Chúa, được gọi là “hình ảnh của Thiên Chúa” (2Cr 4,4; Cl 1,15).
Lời đã tước bỏ vinh quang – sống như một người trần thế–mặc lấy thân nô lệ–trở nên giống phàm nhân (Pl 2,1-11). Lời thực sự đã “xóa mình” trước mặt Thiên Chúa để làm nổi lên trong mình hình ảnh người tôi tớ ở giữa trần gian, nghĩa là Đức Giêsu không đóng vai trò với tư cách là một người con “bình thường”, nhưng đóng vai trò chức năng của một tôi tớ. Tôi tớ ở đây là gì? Tôi tớ, như người ta thường quan niệm, là làm tất cả những mệnh lệnh của chủ, phục vụ chủ không theo ý muốn, tự do của mình. Đó là một thứ nô lệ làm cho con người vong thân, đánh mất vận mạng làm chủ đời mình. Đó cũng là lịch sử chứng minh chế độ chủ nô là hình ảnh đau thương, áp bức, khắc nghiệt mà con người trong một hoàn cảnh, một giai đoạn lịch sử nào đó, đã trải nghiệm, thì hôm nay con người không thể chấp nhận khung cảnh đó nữa. Thế tại sao hôm nay Thiên Chúa lại làm sống lại tấm kịch lịch sử đó nơi Đức Giêsu? Không, Đức Giêsu, Lời Thiên Chúa, đã đi ngược hẳn lại tinh thần đó, Ngài đã trở nên nô lệ không diễn tả theo cách hiểu, trí hiểu, kinh nghiệm lịch sử quá khứ của con người, nhưng nô lệ ở đây được trình bày trọn vẹn nơi con người Đức Giêsu, là một con người hoàn toàn tự do vâng phục ý Cha, không đánh mất chính mình; một con người luôn ước ao và sẵn sàng qui tụ nhân loại về với Cha. Tính cách năng động đó là tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với con người (Ga 8,26. 28-29).
Lời xuất phát từ đời đời còn chứng minh cho nhân loại thấy rằng Lời hằng ở bên Chúa Cha–Lời vĩnh hằng:“Ta và Cha Ta là một” (Ga 10,30). Một ở đây không chỉ dừng lại: một ý muốn, một hành động, một sự thống nhất giữa hai chủ thể, nhưng là nên một trong cùng một bản thể. Cho nên những lời Đức Giêsu nói, những việc Người làm không theo kiểu cấp trên cấp dưới, kẻ phán người làm, Chúa Cha ra lệnh Chúa Con thực hiện, nhưng hành động của Đức Giêsu khởi đi từ một Thiên Chúa đồng bản thể. Vì thế, Đức Giêsu khẳng định Ngài thuộc thượng giới, mà không thuộc thế gian này (Ga 8,23).
Lời là một thực tại thần linh vô hình, nhưng đã trở nên một thực tại hữu hình. Thực tại hữu hình nơi Đức Giêsu chính là hình hài của một con người hiện diện trong thời gian. Cái qui luật khởi đầu cho một cuộc sống, đối với Ngài là sự vâng phục: “Cha đã tạo cho con một thân thể” để “con đến thực thi ý Ngài” (Dt 10,5-7). Lời bây giờ sống mối tương giao kép với Chúa Cha: tương quan cùng bản thể và trong tương quan trật tự cha-con. Lời được “sinh ra” từ vĩnh cửu (Ga 1,1-4; Tv 2,7; Lc 3,22; Cv 13,33).
Vì thế, bất cứ ai muốn là con của Cha, thì phải trở thành anh em “đích thật” của Đức Giêsu, bởi vì Ngài là con đường dẫn đến Chúa Cha (x.Ga 14, 6). Chúng ta là những người con trong Người Con (x.Ga 1, 12; Ep 1,4-5).
Với tư cách là Lời của Thiên Chúa, Đức Giêsu còn là thầy dạy, giáo huấn bằng lời hằng sống để đưa nhân loại về chức vụ làm Con Thiên Chúa. Điều kiện làm con không chỉ vâng phục mà còn phải lắng nghe Lời Thiên Chúa (Mc 9,2-10), và chỉ những ai lắng nghe và thực hành lời Chúa mới thuộc về gia đình của Chúa (Lc 8,11). Tại sao thái độ lắng nghe lại quan trọng đến thế? Thực tế cho thấy, người không lắng nghe thì không biết, không hiểu. Nhiều khi không lắng nghe còn là biểu lộ của một con người khinh khi, kiêu ngạo, tự mình hiểu biết tất cả. Chứng bệnh này thường dễ nhận ra nơi những câu nói: điều đó tôi biết rồi, hay anh là ai mà tôi phải lắng nghe anh… Người không lắng nghe là người điếc, có thể nói như vậy. Người điếc là người không cần phải lắng nghe, bởi vì có nghe họ cũng không nghe. Hiệu quả của sự “điếc” là không hiểu biết để rồi dẫn đến “câm điếc” trước lời Chúa, cuộc sống trở nên cằn cỗi trước lời yêu thương mời gọi của Thiên Chúa.
Bên cạnh của việc lắng nghe, còn phải nói đến việc thực hành điều đã nghe. Nếu chúng ta nghe mà không thi hành thì dễ trở nên giả hình giả bộ. Hơn nữa, sống Lời Chúa không nhằm trang bị cho mình một hệ thống tư tưởng lô-gích thần học, triết học, mà để biến đổi cuộc đời. Lời Chúa có ý nghĩa gì cho đời tôi và cho thế giới con người hôm nay? Lời Chúa có giải quyết được tất cả những vấn đề thuộc thân phận con người hoặc chỉ là một thứ ngôn ngữ cổ để các chuyên gia ngôn ngữ học nghiên cứu sao? Phải chăng Lời Chúa chỉ là những cuốn sách mang tính huyền thoại kể về một nhân vật kiệt xuất nào đó trong dân gian?
Để Lời Chúa trở thành đường, sự thật và sự sống, chúng ta phải lắng nghe, tiếp nhận Lời Chúa xuyên qua bằng chính cuộc đời mình. Và khi ấy, Kitô hữu trở thành trang Kinh Thánh sống động và hay nhất.
Muốn đạt đến điều đó, chúng ta cần tiếp cận Lời Chúa trong thái độ thinh lặng, qua đó chúng ta dễ dàng nghe Chúa rõ hơn, sâu hơn và kỹ hơn. Đó là bước đầu để Lời Chúa xuyên thấu, biến đổi, cải hóa và chúng ta đượcnâng lên địa vị cao hơn: làm con cái Thiên Chúa.
Vì thế, trong nghi thức phong chức linh mục, bao giờ giám mục cũng nhắc nhớ các tân chức: khi suy gẫm lời Chúa, chúng con hãy chú tâm điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy. Giống như Đức Giêsu không chỉ có “lời” mà còn “làm”–làm theo ý Cha–ý Cha là cứu độ nhân loại. Đó là tâm điểm của Lời.
2. Tâm điểm của Lời
Mục đích của mặc khải là cứu độ con người chứ không phải để thoả mãn óc tìm tòi của trí khôn chúng ta[7]. Hay, giáo lý chân thực về mặc khải của Thiên Chúa và lưu truyền mặc khải ấy, để khi nghe công bố ơn cứu độ, toàn thể nhân loại tin theo, để nhờ tin mà hy vọng, và nhờ hy vọng mà yêu mến[8]. Ơn cứu độ ở đây chính là Lời–Đức Giêsu Kitô. Lời Chúa là lời cứu độ (Cv 13,26), lời hằng sống (Pl2,16), lời chắc chắn (1Tm1,15; 2Tm2,11; Tt 3,8), lời sống động và hữu hiệu (Dt 4,12). Thánh Phaolô đã thâm tín rằng Đức Giêsu–Lời đóng một vai trò tuyệt đối quan trọng cho phúc cứu độ của tất cả mọi người trên trần gian này. “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv4,12). Trong Hiến chế Giáo hội, Công đồng Vatican II cũng chỉ tóm tắt lại lời xác tín ấy của Tân ước khi giới thiệu Đức Kitô là “nguồn cứu độ cho toàn thể thế giới”[9].
Vậy ơn cứu độ đến từ Lời – Đức Giêsu thực hiện trong nhân loại như thế nào? Công đồng Vatican II trích lại lời của thánh Phaolô, rằng “Nay là thời cuối cùng, Thiên Chúa đã nói với chúng ta qua Chúa Con” (Dt 1,1-2)[10]. Còn thánh Gioan trình bày toàn bộ ý nghĩa của không gian việc Ngôi Lời nhập thể trong thời gian (Ga 1,1-18).
Như vậy ơn cứu độ mà Ngôi Lời thực hiện trong lịch sử ý thức và trong thời gian, không gian mang dáng dấp hiện sinh của Kitô giáo. Đức Giêsu cứu độ con người không chỉ bằng sức mạnh quyền năng vô hình của Thiên Chúa, nhưng bằng sức mạnh của một Thiên Chúa làm người. Thiên Chúa đến với thế giới con người bằng tất cả hình hài của một con người: Ngài sinh ra, lớn lên, chịu đau khổ và chết đều diễn ra trong khung cảnh của thời gian và. Điều đó có nghĩa là thế gian này với những con người hiện hữu trong đó, dẫu có đầy đồng khô cỏ cháy, những sa mạc hoang vu của sự chết chóc, nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh,… đều có giá trị, bởi vì Đức Kitô đã đi ngang qua những giới hạn đó. Đức Giêsu đến đã không làm thay đổi hình thái con người và vũ trụ, Ngài đến xem ra cũng chẳng giải quyết được những khó khăn và âu lo của con người. Tại sao Ngài đến cứu độ con người mà cứ vẫn để con người bơi lội trong bể khổ của cô đơn, chia rẽ, trong hoang mang sợ hãi của sự chết, gọi chung là sự dữ–cái được cho là vô nghĩa đối với con người? Tại sao chúng ta lại cứ nhiệt huyết rao giảng Tin Mừng cứu độ cho toàn thể thế giới, trong khi đó sự sống con người ngày càng không có dấu hiệu an toàn: con người vẫn cứ hứng chịu những thiên tai động đất, sóng thần, nạn khủng bố, đánh bom cảm tử, bắt làm con tin, sự đe dọa vũ khí sinh học, vũ khí nguyên tử? Ơn cứu độ có còn ý nghĩa gì nữa không khi mà mọi sự vẫn cứ không thay đổi. Ơn cứu độ ở đâu ? Đức Giêsu cứu độ phải chăng là một nhà diễn kịch tinh tế nhất đánh lừa nhân loại? Hay Thiên Chúa đã chết thật như Nietzche đã từng tuyên bố.
Nhưng ơn cứu độ của Lời không thực hiện theo mô hình của một nhà kinh tế, chính trị, triết gia, hay một người phàm nào khác. Lời đến trong thế gian để ngỏ lời với con người, sự sống này có ý nghĩa gì; giới hạn đời người có ý nghĩa gì. Nếu con người chỉ đơn thuần đón nhận ơn cứu độ theo lối tư duy, tính toán, lợi lộc hơn thua sẽ đi đến thất bại, đời sống con người theo dòng thời gian sẽ trở nên đơn điệu, vô nghĩa. Tất cả chỉ là phù vân! Bởi thế, hôm nay người ta không còn thấy Lời Chúa ứng nghiệm nữa, nên không còn đi theo Chúa nữa, không còn dám dấn thân nữa, và đến lúc người ta không cảm thấy ơn cứu độ có hiệu quả nữa! Ý nghĩa đời người được đặt lại, thay vì Thiên Chúa là ý nghĩa, là nguồn ơn cứu độ cho thế giới, thì hôm nay, khoa học kỹ thuật, những câu lạc bộ “gặp nhau cuối tuần”, “trò chuyện đêm khuya”, “cửa sổ tình yêu” mới thực là ý nghĩa cho con người hiện đại!
Thực ra cái mà con người sở hữu, cảm giác bằng lý trí, tình cảm, khoa học để giải quyết ý nghĩa đời người, mà ngày nay người ta gọi đó là “ơn cứu độ hôm nay” chỉ là phương tiện tạm thời chứ không phải là niềm hy vọng, cậy trông tuyệt đối, hay “ơn cứu độ” thật của con người. Vì thế, ơn cứu độ không phát xuất từ thế giới hữu hình, nhưng vì là một thực tại thần linh, nên bắt nguồn từ Thiên Chúa. Nhưng chúng ta cần xác tín rằng Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ trong vũ trụ thời gian. Thiên Chúa không cứu độ con người bằng quyền năng của một vị thần, nhưng của một Thiên Chúa nhập thể và ngang qua con đường thập giá. Như vậy, cuộc sống con người có ý nghĩa ngay cả trong đau khổ, bệnh tật, sự chết, bởi vì Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm Thiên Chúa trong mầu nhiệm con người. Đó là ơn cứu độ.
Đức Giêsu Kitô, Lời của Thiên Chúa đến cứu độ trần gian, nhìn chung Ngài cũng chẳng làm một công trình gì to tát hấp dẫn con người, nhưng Ngài cứu độ con người bằng chính cuộc sống của Ngài được dệt nên từ những cái bình thường trong cuộc sống. 30 năm âm thầm sống với cha mẹ, 3 năm đi rao giảng Tin Mừng, chỉ có thế, và cuối cùng chết trên thập giá. Nhưng cái bình thường đó chính là mặc khải của chân lý, hầu soi sáng kinh nghiệm của chúng ta bằng một cách thế làm cho chúng ta có thể tìm ra ý nghĩa mới trong đó. Nhờ đó chúng ta mới trình bày, nhìn thấy thân phận con người và thế giới con người sống trong đó với một xác tín mới mẻ, như Công đồng Vatican II đã nói trong Hiến Chế Mục Vụ về “Giáo Hội Trong Thế Giới Hôm Nay” rằng: “Đức tin dọi một luồng ánh sáng mới lên mọi sự, cho thấy kế hoạch của Thiên Chúa về ơn gọi toàn diện của con người, và do đó hướng dẫn tâm trí người ta giải quyết những vấn đề hoàn toàn mang tính nhân loại”.
Ơn cứu độ chúng ta có thể trình bày một cách khác, nó được hiểu như là một khả năng nhận thức mới mà Thiên Chúa ban cho con người. Vì thế, Karl Barth nhìn nhận rằng, “Lời của Thiên Chúa nơi Đức Kitô giúp chúng ta hiểu được mình là những tội nhân, những con người bất lực, những kẻ được mời gọi để sống và là những kẻ được tha thứ”[11]. Nói cách khác, Lời cứu độ đến trình bày cho con người một nhãn quan mới về thế giới và con người. Niềm tin của Kitô giáo và những tín điều truyền thống cũng chỉ giúp con người xác quyết ơn cứu độ hiện diện trong khắp tất cả cuộc sống và giúp con người thay đổi ý thức.
Một nhãn quan mới nữa ở đây là ơn cứu độ đến để khai sáng thân phận con người, đặt lại tất cả những giá trị của cuộc sống. Con người có thể giải quyết nạn nghèo đói, phục hồi chiến tranh, tạo nền hòa bình trên thế giới…, nhưng con người không thể thay thế Thiên Chúa để bảo đảm cho nhân loại một tương lai sự sống viên mãn đằng sau cuộc sống hiện tại này, đằng sau bức màn huyền diệu của hữu thể người. Con người dường như cảm thấy tối tăm đối diện với chính mình và với thế giới sự vật, bởi vì ánh sáng của lý trí, của tiến bộ khoa học kỹ thuật, của thời điện toán cũng chỉ là sản phẩm của khối óc con người. Đời sống con người chỉ sáng lên nhờ Lời hằng sống (Ga 1, 1), Lời đã làm người và ở giữa chúng ta (1, 10). Làm sao người ta có thể hiểu được những lời lời xác tín: chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh; chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; chính khi tha thứ là khi được thứ tha; lúc chết đi là khi vui sống muôn đời (kinh Hoà Bình), nếu không đón nhận và trung thành sống lời của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Làm sao chúng ta hiểu được một số các nam nữ tu sĩ đang dấn thân, phục vụ nơi những trại phong, hay mở lớp nuôi dưỡng, giáo dục những thanh thiếu niên một lần “lầm lỡ” tìm lại hướng đi cho cuộc đời. Chẳng ai có thể áp lực họ phải làm những công việc đó, nhưng họ nhìn thấy nơi những mảnh đời xấu số ấy hình ảnh của một Đức Giêsu bị bỏ rơi, bị quên lãng trên những nẻo đường trần thế; họ cũng cần có ơn cứu độ để ra khỏi cảnh “vô nghĩa” của cuộc sống, con đường của khổ đau, nước mắt của cô đơn và tương lai trong thất vọng. Vì thế chúng ta đến để nói với họ Lời đã yêu thương, đã chết để cứu độ họ.
Lời Thiên Chúa vẫn còn đó, vẫn tồn tại, hiện diện, vẫn “tạo dựng” và “cứu độ” thế giới, nơi đâu có con người nơi đó có Thiên Chúa, có thể nói như vậy. Nếu một Đức Giêsu đã làm thay đổi lịch sử thế giới, thì hôm nay, cũng một Đức Giêsu đó, tiếp tục mặc khải biến đổi lịch sử con người, bởi vì Thiên Chúa là Thiên Chúa cứu độ. Cho nên, nhà thần học Gabriel Moran viết: “Trong Do thái giáo chỉ có một Thiên Chúa được tin tưởng và Ngài không phải là một vị thần của dân Do thái nhưng là Thiên Chúa của loài người. Một vị Thiên Chúa đã gắn mình liên đới với mọi người sẽ được mặc khải ở bất cứ nơi nào có con người”[12]. Đó cũng chính là kinh nghiệm của những ai sống niềm tin vào Lời của Đức Kitô. “Như vậy mặc khải–không phải gì khác hơn là chính Đức Kitô–là một sự hướng dẫn chắc chắn đến mảnh đất chân lý. Nó bất di bất dịch–không phải như một ý niệm, một nội dung, nhưng là như một sự hướng dẫn”[13].
3. Lịch sử đời mình biến đổi nhờ Lời
Von Urs Baltazar viết: “mặc khải thần linh có liên quan tới sự cải hóa con người hôm nay”[14]. Đó chính là kinh nghiệm lịch sử xưa và nay. Hình ảnh một Abraham là chứng nhân của một kinh nghiệm được Lời biến đổi. “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho người. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành” (St 12,1-2). J. Guillet trong cuốn “Un Dieu Qui parle” đã kết luận: Niềm tin vào một vị Chúa hoạt động chỉ có thể thực hiện được khi mình gắn bó với một ngôn từ, trong đó Chúa nói những điều Ngài làm. Chính vì thế mà lịch sử Israel khởi đi bằng một “Lời Chúa” nói với Abraham[15].
Thánh Antôn, người được coi là hình thành đời sống đan tu, vốn là một thanh niên thuộc gia đình phong lưu, và anh được thừa hưởng một gia tài kếch xù do song thân để lại. Một ngày nọ anh vào nhà thờ và nghe những lời Chúa Giêsu nói với một chàng thanh niên:“Nếu anh muốn nên trọn lành, hãy đi bán những gì anh có, phân phát cho người nghèo, và anh sẽ đạt được kho tàng trên trời”(Mt 19,21).
Cuộc đời của thánh Antôn không phải được biến đổi nhờ một kho tàng vật chất trần thế, nhưng nhờ vào Lời Chúa. Người đã chấp nhận nghe Lời và thực hành Lời, nghĩa là ngài chấp nhận để Chúa đi vào đời và biến đổi cuộc đời theo sáng kiến của Chúa.
Nếu xưa Lời Chúa qua Abraham, lịch sử của một dân tộc được sinh ra, thì hôm nay cũng một “Lời Chúa” qua thánh Antôn, không những phong trào ẩn tu Kitô giáo xuất hiện mà còn trình bày một đan sinh tiến tới đường trọn lành: một hành trình bắt đầu từ sa mạc.[16] Từ nay cũng một “Lời Chúa” đang tiếp tục biến đổi lịch sử nhân loại và lịch sử của anh và tôi.
Muốn có một “lịch sử mới”, một “đời sống mới” cần phải được Lời Chúa biến đổi, nhưng muốn biến đổi cần phải “ra đi”, và “từ bỏ” theo những đòi hỏi của Tin Mừng. Ra đi không có nghĩa là đi tìm một nghề nghiệp ổn định cho tương lai; tìm một nơi nào đó nền kinh tế phát triển để đầu tư, lập nghiệp, mà là theo tiếng gọi của Lời đặt trọn bản thân, tính toán dự phóng tương lai cho sự quan phòng của Chúa. Ra đi không đặt tất cả những lợi ích phía trước, nhưng hãy đặt niềm tin vào Chúa. Abraham chỉ biết im lặng ra đi theo tiếng Chúa gọi mời, đi đâu và về đâu là việc của Chúa.
Khác với những cuộc ra đi khác, cuộc ra đi của những người có niềm tin không cần phải biết lộ trình, ngày giờ đi và điểm đến, không có chương trình lập sẵn hay phương tiện, bởi vì Thiên Chúa là niềm trông cậy tuyệt đối của họ. Chỉ nơi Thiên Chúa mới là con đường–chân lý–sự sống thật (Ga7,68). Vẫn biết rằng những bước chân vội vàng ra đi không mệt mỏi trên những nẻo đường của cuộc sống cũng chỉ để tìm “lối đi”, “chân lý” để có “sự sống”. Con người của niềm tin cũng thế thôi. Nhưng cái khác ở đây là “sự thật”, “con đường” và “sự sống” thật chính là Đức Giêsu, và chỉ có Đức Giêsu mới có ý nghĩa, giải quyết, biến đổi sử tính của đời họ. Nói một cách khác, trên thao trường trần thế người vận động viên xuất hành để mong dành được một phần thưởng, đem vinh quang về cho tổ quốc; còn người của niềm tin xuất hành nhưng mong đạt được phần thưởng vĩnh cửu.
Ra đi thì có nhiều cách, nhiều kiểu, nhiều phương tiện khác nhau, nhưng phải ra đi như thế nào để cuộc hành trình của tôi có ý nghĩa. Có người ra đi mà không biết mình đi đâu; thêm vào đó lại mang nhiều thứ cồng kềnh cho cuộc hành trình, ắt sẽ gặp thất bại. Chàng thanh niên giàu có (Lc 18,18-23) là một điển hình. Anh ra đi với thiện chí để tìm lẽ sống thật cho cuộc đời, nhưng đã thất bại, bởi vì anh không dám buông mình khỏi một gia tài anh có. Làm sao cuộc ra đi của bạn và tôi như cuộc ra đi của Abraham và thánh Antôn, không những biến đổi lịch sử của đời mình mà còn biến đổi lịch sử người khác.
Vậy ra đi chưa hẳn là đầy đủ của một cuộc hành trình đức tin, nhưng cần phải “từ bỏ”. Từ bỏ như thế nào? Đức Giêsu nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24). Khi nghe đến sự từ bỏ để theo Chúa, người ta chỉ nghĩ đến chuyện từ bỏ tiền bạc, vật chất, tình cảm gia đình, bạn bè, làng xóm, không rượu chè, cà phê, thuốc lá… Vì thế không ít người vẫn quan niệm đi tu là “từ bỏ mọi sự thế gian” là vậy. Nhưng từ bỏ thế gian rồi ta đi đâu, ở đâu hay lên trời ngay?! Thực ra điều mà chúng ta từ bỏ, đó là không đặt những giá trị trần thế cao hơn Nước Trời. Bởi vậy, Đức Giêsu nói: “Ai yêu cha hay mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy”(Mt 11,37).
Chúng ta ra đi, “xuất gia” nhưng nhiều khi chúng ta không từ bỏ, đó là điều mà kinh nghiệm cuộc sống ngộ ra, “cách mặt mà không xa lòng”, hay như điều mà người ta vẫn thường hay ví von, “từ” mà không “bỏ” là thế. Đấy là trường hợp mà Tin Mừng trình bày cho chúng ta khi những người theo Chúa xin phép về tạm biệt người thân, và Chúa Giêsu trả lời: “Anh hãy cứ theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ”(Mt 8,22).
Ai cũng công nhận, từ bỏ là một thử thách to lớn, đau khổ hơn cả trong cuộc sống. Từ bỏ cha mẹ là đau khổ; từ bỏ bản thân cũng đau khổ; từ bỏ của cải cũng đau khổ; từ bỏ nghề nghiệp cũng đau khổ; từ bỏ người yêu lại càng đau khổ…, nhưng trong cái khổ và cái đau của người môn đệ theo Chúa Giêsu mới thấy được mình có tự do thật và được biến đổi thật. Cũng như những hạt giống nằm sâu dưới lòng đất phải được biến đổi, thì mới có một cánh đồng bội thu (Ga 12,24).
Lịch sử đời mình được biến đổi thật nhờ Lời khi chúng ta dám đặt niềm tin vào Lời Chúa và để Lời Chúa thúc đẩy. Chúng ta chỉ đạt được một “lịch sử mới” của đời mình khi chúng ta dám từ bỏ mọi sự để mặc lấy một “đời sống mới”, khi “không phải tôi sống mà chính Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Ý thức và xác tín vào Lời Chúa là như vậy, thế nhưng nhiều khi chúng ta sống Lời Chúa, suy-chiêm-nghiền, hay tuân thủ giữ đúng thời gian luật định suy gẫm mỗi ngày một cách hình thức máy móc, mà không bao giờ để Lời Chúa đụng chạm, thúc đẩy, biến đổi cuộc sống của tôi. Tệ hơn nữa, điều mà chúng ta dám thẳng thắn nhìn nhận với nhau rằng, không ít linh mục chúng ta, đã không quan tâm, hay dành thời gian đủ để sống Lời Chúa, học hỏi, nghiền ngẫm. Cho nên, những bài chia sẻ cho anh em tín hữu hằng ngày chỉ là một thứ sản phẩm “mì ăn liền,” hay chỉ tốn công ngồi sao chép và đọc lại cho đúng thế thôi. Như vậy, làm sao Lời Chúa có thể lớn lên và biến đổi cuộc đời của tôi và biến đổi người anh em mình? Chính vì thực tế đó, mà đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã kinh nghiệm và phát biểu như sau: “Làm sao ta có thể tuyên xưng lòng tin vào Lời Chúa và rồi lại không chịu để nó thúc đẩy và hướng dẫn tư tưởng, việc làm, quyết định và trách nhiệm của ta đối với nhau?”[17]
Kết
Lịch sử cứu độ được trình bày như một cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và nhân loại. Lời Chúa cũng được trình bày trong chiều kích tương quan với con người: con người đáp lại Lời Chúa mặc khải và gắn bó với Ngài. Lời là “một vị Thiên Chúa luôn gắn mình liên đới với mọi người sẽ được mặc khải bất cứ nơi nào có con người”(K.Rahner). Chính trong sự gắn mình, nhập thể trong thân phận con người, Đức Giêsu, Lời vĩnh cửu đã cứu độ, đưa nhân loại đến một chân lý vẹn toàn. Là chân lý, qua Đức Giêsu Kitô, những vấn nạn ngàn đời của con người trong lịch sử nhân loại được sáng lên: ý nghĩa hiện hữu, cùng đích đời con người và lịch sử thế giới đi về đâu đã được khai sáng nhờ Lời.
Lời vẫn là tâm điểm và cứu cánh của đời sống đức tin. Do đó đòi hỏi mỗi người tín hữu phải đặt trọn niềm tin, phó thác cuộc sống vào Lời, nhất là để Lời thúc đẩy và cải hóa con người tội lỗi của mình.
Để được Lời biến đổi, chúng ta hãy rời khỏi “quê hương” và từ bỏ thế gian, đừng đặt bất kỳ những giá trị nào trong cuộc sống cao hơn giá trị vĩnh cửu. Hơn nữa, mỗi ngày chúng ta cần phải sống lời Chúa một cách triệt để, làm sao để Lời Chúa mà chúng ta lắng nghe, học hỏi, suy niệm mỗi ngày được “tiêu hóa” trong chính mình và cho người khác. Vì thế, Dei Verbum, trong phần mục vụ, chương sáu với tựa đề: “Thánh kinh trong đời sống Giáo hội”, Hiến chế đề nghị và khyến khích việc học hỏi Kinh thánh, tăng gia các bài đọc Sách thánh trong phụng vụ, nhờ đó người tín hữu được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa cũng tựa như bằng Mình Chúa. Dĩ nhiên, Kinh Thánh cũng là nguồn mạch của sự cầu nguyện.
[1] . Avery Dulles. SJ. Models of Revelation, (bản dịch việt ngữ Lê Công Đức, Các mẫu mạc khải), nxb. Image Books-New York, tr. 67.
[2] .Gerhard Lohfink, Die Bibel: Gotteswort in Menschenwort, (Kinh thánh, Lời Thiên Chúa trong ngôn ngữ loài người), tr. 42; Dei Verbum, số 13.
[3] . Các mẫu mạc khải, tr. 162.
[4] . X. Dei Verbum, số 4.
[5] . Các mẫu mạc khải, tr. 63.
[6] . Sđd, tr, 21.
[7] . Dei Verbum, Chú thích, tr. 176.
[8] . Sđd, số 1.
[9] . Sđd, số 3; số 4; Giáo hội (LG), số 17.
[10] . Sđd, số 4.
[11] . Các mẫu mạc khải, tr. 134.
[12] . Sđd, tr. 162.
[13] . Sđd, tr. 158.
[14] . Sđd, tr. 158.
[15] . J. Guilett, Un Dieu Qui parle, (bản dịch việt ngữ? Đó là lời Chúa), nxb.Desclée de Brouwer/Bellarmin, 1978, tr. 11.
[16] . Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập II, Rôma 2002, tr.100.
[17] . Đức Gioan Phaolô II, Bài giảng ở Camden Yards, Baltimore,
Ngày 08-10- 1995.
CHA THẦY CŨNG LÀ CHA ANH EM
Tiến đạt
Những tiếng nói đầu tiên của một đứa trẻ là những âm thanh bập bẹ rất ngộ nghĩnh, thường là gọi ba ba, má má. Tuy phát âm chưa chính xác, nhưng đó là những tiếng kỳ diệu nhất. Những tiếng ấy, mỗi khi cất lên là gây cho cả nhà một trận cười vô cùng sảng khoái. Những tiếng gọi ấy tuy rất đơn giản tầm thường, nhưng chẳng có cha mẹ nào là không đợi chờ từ con mình những âm thanh đầu tiên tuyệt vời đó. Các bậc cha mẹ hẳn sẽ cảm thấy vô cùng bất hạnh khi con của họ mãi mãi chẳng nói lên được những tiếng đó và người con cũng sẽ không bình thường nếu cả đời không nói được với bậc sinh thành lời: thưa ba, thưa má.
Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, trong suốt cuộc đời tại thế đã gọi Thiên Chúa bằng tiếng Abba, Cha ơi! thân thương đó. Ngài cũng đã dạy các môn đệ và qua họ nhắn nhủ chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha như Ngài. Chúa Cha cũng đã xác nhận mối quan hệ Cha – Con đó: “Đây là Con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17, 6).
Trong lần gặp gỡ cuối cùng với các môn đệ trước khi trở về với Chúa Cha, Chúa Giêsu đã không quên nhắc nhở họ về mối quan hệ thân tình ấy: “Cha thầy cũng là Cha anh em” (Ga 20,17). Vậy chúng ta hãy tìm hiểu cách xưng hô, cách cầu nguyện của Ngài để thực hiện theo đúng “ý Cha” và “ý Chúa Giêsu”. Đây là đề tài rất rộng, người viết không dám đi sâu vào mọi khía cạnh, chỉ đưa ra một vài điểm nhằm tìm hiểu danh xưng Chúa Giêsu dùng để cầu nguyện với Thiên Chúa và dạy chúng ta.
I. Cha của Chúa Giêsu
Theo tiếng Aram, Ap-ba là từ của một đứa trẻ con gọi cha, một cách thân mật trong đời sống thường ngày, tương đương với tiếng bố, ba trong ngôn ngữ Việt Nam. Vào thời của Chúa Giêsu, ít ai dám dùng từ này để xưng hô với Thiên Chúa, vì sợ xúc phạm đến tính siêu việt của Thiên Chúa.
“Danh xưng Ap-ba được gán cho Thiên Chúa là điều mới lạ trong truyền thống Israel. Trong Cựu Ước không thấy có chỗ nào dùng đến, và trong văn chương Do thái thời Chúa Giêsu cũng rất hiếm thấy. Tính nhạy bén của những người đồng thời với Chúa Giêsu đã cảm thấy là bất kính hoặc không thể hiểu được việc gán cho Thiên Chúa danh xưng thân mật này. Chúa Giêsu đã dám gọi Thiên Chúa là Cha trên trời”[1].
Chúng ta không biết Chúa Giêsu ý thức sự hiện diện của Cha trong đời Ngài từ khi nào, nhưng chỉ biết rằng khi lên mười hai tuổi thì Ngài đã thực sự hăng say dấn thân vào bổn phận “lo việc” Nhà Cha (x. Lc 2, 41 50). Chúa Giêsu đã thường xuyên dùng danh xưng Ap-ba, trong suốt cuộc đời cho đến phút cuối cùng trên cây thập tự và Ngài cũng đã dạy các môn đệ xử dụng cách xưng hô đó.
Ngài rất tự hào về Cha, luôn hăng hái giới thiệu cho hết mọi người, ngay cả khi dùng danh xưng ấy có nguy cơ đến tính mạng. Để tìm hiểu về danh xưng này chúng ta phân biệt hai cách dùng: trực tiếp và gián tiếp.
Trực tiếp là khi dâng lên Chúa Cha những lời cầu nguyện, tạ ơn, hay khen ngợi bằng cách nói thẳng với Cha, dùng ở ngôi thứ hai, đối thoại như mặt đối mặt. Gián tiếp là khi Ngài nói về Thiên Chúa, ở ngôi thứ ba cho các Tông Đồ, hoặc dân chúng khi giảng dạy, khi đối diện với ma quỉ, khi trách mắng người không tốt, khi làm phép lạ…
Những lời xưng hô trực tiếp của Chúa Giêsu với Thiên Chúa không nhiều lắm, mặc dù, trong các bản văn Tin Mừng có rất nhiều lần viết rằng Chúa đến nơi hoang vắng để cầu nguyện cùng Chúa Cha, nhưng các sách thánh sử chỉ nói trống rằng Chúa Giêsu vào nơi hoang vắng cầu nguyện, nhưng không nói Chúa cầu nguyện thế nào? Nội dung lời cầu nguyện là gì? Làm sao người ta có thể biết được hết vì Chúa Giêsu không luôn cầu nguyện lớn tiếng, Ngài không cầu nguyện như những người Pharisiêu, cốt để người ta trông thấy, nghe thấy. Chính Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ đừng làm như họ, nhưng “khi cầu nguyện, các con hãy vào phòng đóng cửa, cầu với Cha anh em là đấng thấu suốt mọi điều bí ẩn”(Mt 6, 5-6). Thế nên, muốn biết tất cả nội dung lời cầu nguyện của Chúa là một ảo tưởng.
Dầu vậy, trong vài trường hợp đặc biệt các thánh sử đã ghi lại lời cầu nguyện trực tiếp của Chúa. Những lần đặc biệt như thế, Chúa Giêsu đã dùng danh xưng “Cha” nhiều hơn là “Thiên Chúa”.
Sau đây là các bản văn:
Trước hết, trong Tin mừng theo thánh Mat-thêu, ta tìm được một số chứng từ về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu:
Vào lúc ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11, 25-26).
Trong vườn Ghết-sê-ma-ni:
“Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39).
Khi đi cầu nguyện lần thứ hai, Người nói: “Lạy Cha, nếu chén này không rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thể hiện” (Mt 26, 42). Tác giả Tin mừng trình thuật tiếp: “Người đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời ấy” (Mt 26, 44).
Thánh Mat-thêu còn cho ta biết: “vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni”, nghĩa là “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27, 46).
Như vậy theo Thánh Mat-thêu, trong ba trường hợp Chúa Giêsu đã trực tiếp cầu nguyện với Thiên Chúa thì có hai hoàn cảnh Ngài đã dùng danh xưng Cha và một lần Thiên Chúa.
Theo Tin mừng Thánh Mác-cô, Chúa Giêsu đã cầu nguyện như sau:
“Ap-ba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36).
Tác giả Tin Mừng kể tiếp: “Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước” (Mc 14, 39).
Nơi khác Thánh Mac-cô còn cho ta biết: “Vào giờ thứ chín, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Ê-lô-i, Ê-lô-i, la-ma-xa-bác-tha-ni!”. Nghĩa là: Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con? (Mc 15, 34).
Như vậy, theo Thánh Mac-cô, có hai trường hợp Chúa Giêsu đối thoại trực tiếp với Chúa Cha trong đó Chúa Giêsu dùng một danh xưng Cha, một danh xưng Thiên Chúa. Và trong trường hợp dùng danh xưng Cha, Tin mừng Mac-cô có khác với Matthêu ở một điểm nhỏ là Mac-cô thêm tiếng Ab-ba trước lời cầu nguyện.
Dưới đây là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong Tin mừng theo thánh Lu-ca:
“Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng Lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha”(Lc 10, 21-22).
“Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22, 42).
Trên thập giá:
Bấy giờ Đức Giêsu cầu nguyện rằng: “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34)
“Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).
Như thế, Tin mừng theo Thánh Lu -ca, những lời thưa trực tiếp của Chúa Giêsu không dùng danh xưng Thiên Chúa, mà chỉ một danh xưng duy nhất “Cha”.
Về phần mình, tác giả sách Tin mừng thứ 4 còn lưu lại cho chúng ta nhiều chứng từ rất cảm động về lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong tương quan mật thiết với Chúa Cha:
Trước mộ La-da-rô
“Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhận lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhận lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con” (Ga 11, 44-42).
“Bây giờ tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đến. Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha”
Đặc biệt nhất, thánh Gioan ghi lại trong Tin Mừng ở chương 17 một cuộc đối thoại thân mật với Cha, cũng được coi là “Lời Nguyện Hiến Tế”: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha, để Con Cha tôn vinh Cha …” (Ga 17, 1-26).
Trong Tin mừng thứ tư, Thánh Gioan nhấn mạnh mối liên hệ cha-con, giữa Chúa Giêsu và Chúa Cha. Chúa Giêsu dùng danh xưng Cha nhiều hơn hết, khoảng 170 lần. Riêng trong lời cầu trực tiếp ở chương 17, Ngài đã dùng đến 55 lần danh xưng Cha. Trong các cuộc cầu nguyện trực tiếp không thấy danh xưng Thiên Chúa.
Như đã nói trên, các Tin mừng không ghi lại tất cả lời cầu nguyện trực tiếp của Chúa Giêsu. Mặc dù Chúa cầu nguyện rất nhiều ở nơi hoang vắng, nhưng không ai có thể biết được Ngài đã xưng hô với Chúa Cha như thế nào. Qua những gì còn lưu lại thì chúng ta có thể kết luận rằng Ngài dùng các danh xưng Cha nhiều hơn Thiên Chúa. Từ những lời dạy dỗ của Ngài và những lời cầu trực tiếp thổ lộ ra trên môi miệng Ngài, ta nhận rõ rằng Chúa Giêsu thường xuyên cầu nguyện với danh xưng Cha. Vì tất cả những gì Ngài đã dạy môn đệ thì chính Ngài đã sống, đã thực hiện, nên ta tin rằng trong những lúc tâm sự âm thầm, Ngài vẫn thủ thỉ với Cha, bằng tiếng Ap-ba, bố ơi một cách rất thân mật, rất trìu mến chứ không hề có vẻ khách sáo chút nào. Cầu nguyện trong âm thầm lặng lẽ vẫn là cách thế mà Chúa chọn, Ngài không luôn cầu nguyện to tiếng và chính vì lẽ đó, các môn đệ chẳng biết Ngài cầu nguyện thế nào, và nói gì khi cầu nguyện. Có lần các môn đệ đã xin Ngài dạy họ cầu nguyện, và Ngài đã dạy họ cầu nguyện với Kinh Lạy Cha.
Chính trong dòng tư tưởng đó cha Lucien Deiss đã viết:
“Người ta cho rằng cách xưng hô Ap-ba có nhiều trong những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu nhưng nó đã biến mất khi bản văn tiếng Aram được dịch sang tiếng Hy lạp.
“Bản nghiên cứu về những công thức cầu nguyện khác của Chúa Giêsu dâng lên Cha trên trời, một nghiên cứu được xác chứng bởi những bản dịch bằng tiếng Aram, dường như rõ ràng cho thấy Chúa Giêsu luôn luôn cầu nguyện với Thiên Chúa dưới danh xưng Abba”[2].
Cha Phaolô Bùi Văn Đọc và Giuse Võ Đức Minh quảng diễn một cách khác: “Cách xưng hô như thế ( Lạy Cha!) ám chỉ một sự tin tưởng trìu mến, một tương quan thân mật, tự nhiên, không e dè.
Trên môi miệng Đức Giêsu, từ ngữ mang một giá trị mặc khải: Thiên Chúa không còn xa như một Vị Chúa Tể ngự trên vạn vật, siêu việt và quãng cách; Ngài đã đến gần và ở giữa chúng ta, vì chính Đức Giêsu, Con của Ngài là anh em với chúng ta; con người không còn giữ thái độ “kính nhi viễn chi”, như trước đây từng có với Thần Thánh” [3].
Tóm lại, Chúa Giêsu dùng danh xưng Cha rải rác khắp nơi trong các sách Tin Mừng. Khi dạy dỗ các môn đệ, Ngài hay dùng Cha, Chúa Cha hay hai chữ Cha Ta để nói về Chúa Cha. Chẳng hạn như: “Cha trao vương quyền cho Thầy” ( Lc 22, 29). “Đã đến giờ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4, 24). “Tôi và Cha tôi là một” (Ga 10, 30). “Nhà Cha Ta có nhiều chỗ ở” (Ga 14, 2).
Từ khi Chúa Giêsu hạ sinh làm người thì khoảng cách xa xôi giữa con người và Thiên Chúa trở nên gần gũi. Ngài đã trở nên vô cùng thân mật với Cha nên mọi sự Cha đều mặc khải cho Ngài biết. Đây mới thực sự là một mối tương quan tuyệt vời giữa Cha và Con. Mối thân tình kỳ diệu này không dừng lại ở đó mà còn mở rộng hơn cho chúng ta khi Ngài bộc lộ: “Cha Thầy cũng là Cha anh em” (Ga 20, 17).
II. Cha chúng ta
Danh xưng Ap-ba, Cha ơi có làm Thiên Chúa hài lòng không? Có làm bớt đi quyền uy của Ngài không? Có làm cho chúng ta dễ cầu nguyện hơn không?
Trong triết học, thần học người ta thường nói về Thiên Chúa bằng các danh xưng như Thiên Chúa , Thực Tại Tối Hậu, Thượng Đế… Nếu tất cả những từ ngữ ấy dùng để “miêu tả”, biểu đạt được phần nào quyền năng và sự cao siêu của Thiên Chúa, thì lại vô tình làm cho chúng ta có cảm tưởng Ngài quá xa rời, cách biệt. Nhưng biết làm sao được! Ngôn ngữ của con người dù sao cũng vẫn có giới hạn của nó, ta không thể dùng một từ hay vài từ để diễn tả được Đấng Tuyệt Đối. Mọi cách xưng hô dành cho Ngài đều không đủ, ngay cả danh xưng Thiên Chúa. Vì “Đạo khả đạo phi thường Đạo, Danh khả danh phi thường Danh”.
Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành và Chúa Tể trời đất. Không có thần nào ngang hàng với Ngài, Ngài là Đấng duy nhất. Thế nhưng Ngài gần gũi và thân thiện với con người vì Ngài là Cha nhân hậu, yêu thương. Gọi Ngài là Thiên Chúa thì quả là không sai. Nhưng một vị vua, vị chúa có lẽ cũng thích con cái mình gọi mình là cha hơn là đức vua, bệ hạ, hoàng thượng. Còn một người con vẫn thích gọi người sinh thành ra mình là bố, ba, cha hơn là hoàng thượng, đức vua, dù bố mình có đầy đủ mọi chức quyền đó. Vì danh xưng cha, bố, ba có ý nghĩa gắn bó, thân thương và gợi nhớ công ơn sinh dưỡng, hơn các từ vua, chúa… phải chăng các từ đức vua, chúa thượng, thường được dùng nhằm đến chức vụ nhiều hơn là mối quan hệ cha-con. Tiếng bố, làm cho tương quan cha-con trở nên gần gũi hơn, vì kinh nghiệm cho chúng ta thấy tâm tình tôn kính dễ tạo ra xa cách “kính nhi viễn chi”.
Lý do đầu tiên để chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha là do lời dạy của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã khai mào, đi bước trước và cho phép chúng ta gọi Thiên Chúa một cách thân mật như Ngài: Ap-ba, Lạy Cha. Ngài không đặt ra bất kỳ một khoảng cách nào giữa Ngài và chúng ta trong quan hệ với Cha: “Cha Thầy cũng là Cha anh em” (Ga 20,17).
Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, và áp dụng lối xưng hô đó vào mọi sinh hoạt của cuộc sống thường ngày như chính Ngài đã thực hành, như trong cầu nguyện, việc làm phúc, ăn chay, cải thiện đời sống: “Khi anh em cầu nguyện hãy vào phòng đóng cửa cầu nguyện với Cha anh em là Đấng hiện diện nơi kín đáo” (Mt 6,5tt). Vậy anh em hãy cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha chúng con…”(Mt 6,6-14; Lc11,1-4). “Khi làm vịêc lành phúc đức […] đừng có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không anh em sẽ chẳng được Cha anh em, Đấng ngự trên trời ban thưởng… khi bố thí thì đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc bố thí được kín đáo. Và Cha của anh đấng thấu suốt những gì kín đáo trả công cho anh em” (Mt 6,1tt). “Trong khi ăn chay … đừng để ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh” ( Mt 6,15tt). “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48).
Chúa Giêsu dạy chúng ta tin tưởng vào Cha là Đấng quan phòng, đừng quá lo lắng về ngày mai, vì “Cha anh em thừa biết anh em cần những thứ ấy. Trước hết hãy tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người” (Mt 6,32-33).
Ngoài ra chúng ta còn có một lý do khác để gọi Thiên Chúa là Cha, đó là cách xưng hô thân tình mà Chúa cho phép chúng ta. Thực vậy, Chúa Giêsu luôn gọi chúng ta là anh em và yêu thương chúng ta như người em thật sự, vì tình yêu của Ngài phát xuất từ Cha: “Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy” (Ga15,12). Chúa Giêsu chính là Anh Cả, chúng ta là đàn em nên cũng được gọi Thiên Chúa là Cha như Ngài vậy (x. Rm 8,29).
Bất cứ ai trên trần gian này đều biết rằng mình hiện hữu là do cha mẹ sinh ra, trên cha mẹ thì có ông bà tổ tiên, và đối với đức tin của người kitô hữu, thì cội nguồn của nhân loại là Thiên Chúa, Cha của mọi người. Thế nhưng, làm sao con người dám dùng danh Ap-ba! Cha ơi! để gọi Thiên Chúa nếu không được chính Thiên Chúa dạy hay được Thần Khí Chúa hướng dẫn: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa. Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: Ap-ba! Cha ơi! Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì cũng người là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô”(Rm 8,14-17). Chính Thần Khí của Chúa Kitô thúc giục chúng ta làm điều đó: “Bởi vì anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí Con của Người đến trong lòng anh em, Thần Khí kêu lên Ab-ba, Lạy Cha” (Ga 4,6).
Việc mặc khải Thiên Chúa là Cha muôn trùng lân tuất này kéo theo mặc khải việc mầu nhiệm con người chúng ta được gọi là con Cha trong Đức Kitô ( x.Ga1,11-12; 11,52; 17, 22-23; Rm 8,15; 15,29-30; Ep 1,3. 5-6)
Việc Chúa Cha nhận chúng ta làm nghĩa tử Ngài trong Chúa Kitô cũng chính là phía tích cực của công trình giải phóng ta khỏi vòng nô lệ trong quan hệ chúa-tôi hay chủ-tớ của giao ước cũ, để đưa vào sống trong quan hệ mới cha-con trong giao ước mới[4].
Do đó,“Chúng ta hiểu được tầm quan trọng của việc Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ cách xưng hô Ab-ba với Thiên Chúa. Đó là dấu hiệu phân biệt cộng đồng kitô hữu với người khác, là cách nói lên sự gắn bó đặc biệt giữa Chúa Kitô và các kitô hữu. Chúa Giêsu đã cho phép các môn đệ được tham gia vào tương quan đặc biệt giữa Ngài và Thiên Chúa”[5].
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào tương quan thân mật với Chúa Cha. Là một người con hiếu thảo, Chúa Giêsu luôn thực thi ý Cha và Cha đã tỏ lộ hết mọi sự cho Ngài: dự tính, suy nghĩ, hành vi. Chính vì lẽ ấy, ý Ngài và ý Cha luôn hợp nhất nên một. Khi dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Ngài cũng mời gọi chúng ta đi vào sự tương giao thân mật với Cha.
Một khi gọi Thiên Chúa là Cha, thì mối quan hệ của chúng ta với tha nhân cũng sẽ được mở rộng: tất cả mọi người là anh em trong một gia đình, có chung một anh cả là Chúa Giêsu. Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện:“Lạy Cha chúng con”, thì lẽ tất nhiên Ngài cũng bảo chúng ta phải nhận là anh em với nhau.
Hãy nghe lời Cha nhắn nhủ và đem ra thực hành. Hãy đem lòng hiếu thảo mà tỏ bày tất cả tâm tư của ta với Cha được sự hướng dẫn của anh cả Giêsu. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là: gọi Thiên Chúa là Cha như vậy có làm giảm đi lòng tôn kính đối với Người không? Chắc là không. Những đứa con có cha làm vua, làm tổng thống, thì khi chúng dùng từ cha, bố, hay ba để xưng hô, chắc chắn ông vua đó, tổng thống đó không nghĩ con mình làm giảm bớt đi sự kính trọng của chúng. Trừ khi đó là ông bố quá câu nệ về lời ăn tiếng nói mà xem nhẹ tình máu mủ ruột thịt thiêng liêng. Và người con đó, khi xưng hô như thế, hẳn cũng không nghĩ đã làm giảm bớt đi tính vua quan của người bố.
Nhưng lý do quan trọng để dùng danh xưng Cha vẫn là lời dạy và cách thực hành của Chúa Giêsu. Là Đấng ngự trong lòng Cha, Ngài hiểu thấu Cha hơn ai hết. Ngài biết Cha muốn gì. Ngài yêu mến Cha và cũng yêu các môn đệ. Ngài đối xử rất thân tình với họ như những người bạn, người anh em, do đó Ngài chẳng giấu giếm gì. Ngài đã dạy cho chúng ta cầu nguyện với danh xưng Cha thì hẳn điều đó sẽ đẹp lòng Cha hơn cả: “Không ai biết người Con là ai trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Lc 10,22). Chúa Giêsu đã thực sự giải thoát chúng ta khỏi tình trạng tôi tớ, nô lệ để được cùng chia sẽ với Ngài mọi tâm tư, khi Ngài nói: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).
Chính Chúa Cha đã dạy chúng ta nghe lời Chúa Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5). Nghe lời Chúa Giêsu là làm đẹp lòng Cha hơn cả, đây cũng là cách để Chúa Cha nhận chúng ta vào hàng nghĩa tử của Ngài, theo gương mẫu của Chúa Giêsu, Anh Cả. “Khi Chúa Cha nói Con bằng tất cả tình thương vô cùng đối với Chúa Con, thì âm thanh Con vô thuỷ vô chung và bao la muôn trùng ấy bao hàm tất cả những âm vang Con hữu thuỷ vô chung và hữu hạn là mỗi con người chúng ta. Nói cách khác, tiếng kêu gọi Con Chúa Cha nói với Chúa Kitô là Con Một xuống thế làm người đó, bao hàm Con Chúa Cha kêu gọi mỗi người chúng ta làm con người và làm con Chúa Cha trong Con Một chí ái của Ngài”[6].
Qua những điều vừa trình bày trên, chúng ta nhận thấy rằng danh xưng Cha để gọi Thiên Chúa sẽ làm cho con người cảm thấy gần gũi Thiên Chúa hơn. Vậy tại sao chúng ta vẫn sử dụng danh xưng Thiên Chúa trong hầu hết các lời cầu nguyện trong phụng vụ? Phải chăng đó là dấu chỉ chúng ta chưa thực sự sống ở thời Tân Ước?
Để kết
Việc cầu nguyện cần có một “môi trường” thuận tiện. Phụng vụ của Giáo Hội luôn lưu ý tới các cách thức, cử điệu nhằm giúp cho người ta dễ dàng đi vào mối tương giao thân tình với Thiên Chúa. Ngôn ngữ cũng là một yếu tố quan trọng góp phần vào việc này. Mỗi dân tộc có cách xưng hô, cử chỉ, điệu bộ để diễn tả về mối dây liên hệ với Thiên Chúa, một mối liên hệ có tính thân mật, gần gũi, nhưng đồng thời cũng có tính thiêng liêng, siêu việt. Người Việt nam có cách xưng: bố, ba, hay cha, mẹ hay má vốn là những từ thông thường để xưng hô trong đời sống hằng ngày. Chúng ta cũng có thể dùng từ ấy để nói lên sự thân tình trìu mến lẫn kính trọng của chúng ta đối với Thiên Chúa.
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, cũng đã cần một người bố, người cha trần gian, và xưng mình là con. Ngài dùng danh xưng bố, ba, cha để diễn tả sự thân mật nhất với người bố trên trần gian là thánh Giuse thế nào thì Ngài cũng dùng từ ngữ đó, tình cảm sung mãn đó để kết hợp với Cha trên trời[7]. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện với cách gọi “Cha trên trời”, chứ không phải với “Thiên Chúa trên trời”. Mọi sự Ngài dạy chúng ta thì Ngài đã nghe từ Cha trên trời: “Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình” (Ga 14, 10). Cầu nguyện theo phương thức đó chắc chắn là điều làm đẹp lòng Cha hơn cả, đây cũng là điều nối kết chúng ta với Chúa Giêsu, người Anh Cả và với mọi người trong một gia đình duy nhất của Thiên Chúa để cùng cất lên “Lạy Cha chúng con”, cùng với Chúa Giêsu hân hoan dâng lên Cha lời cảm tạ:
“Lạy Cha là Chúa tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng Lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10, 21-22).
[1] Cha Lucien Deiss, Chiêm Ngưỡng Nhân Tính Đức Kitô, tr. 37
[2] Sđd tr. 38
[3] Lm. Phaolô Bùi Văn Đọc & Giuse Võ Đức Minh, Thiên Chúa Cha, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, NXB TP Hồ Chí Minh, tr. 74s
[4] Lm. An Sơn Vị, Linh Đạo Chúa Cha, Tập 3, Tr. 412
[5] Lm. Phaolô Bùi Văn Đọc & Giuse Võ Đức Minh, Thiên Chúa Cha, Đấng Giàu Lòng Thương Xót, NXB TP Hồ Chí Minh, Tr. 75 – 76
[6] Lm An Sơn Vị, Linh Đạo Chúa Cha, tập 1, Tr 31 – 32
[7] X. Cha Lucien Deiss, Chiêm Ngưỡng Nhân Tính Đức Kitô, Tr 37.
NHỮNG HẠT SÁNG THỨC TỈNH
Những câu châm ngôn của các ẩn sĩ sa mạc như là kết quả của những chứng niệm sau một thời gian dài đối diện với lời Thiên Chúa trong cô tịch và cầu nguyện.
Từ số này, NHỮNG HẠT SÁNG THỨC TỈNH được “gieo” rải rác, để đọc giả có thời giờ dừng lại để suy niệm và cảm nếm hương vị ngọt ngào của những xác tín có khả năng biến đổi cuộc đời.
Mặc Linh sưu tầm
* Linh phụ Elie nói: “Ở đâu có sám hối thì tội lỗi làm gì được! và ở đâu có kiêu căng thì mến yêu cũng chẳng nghĩa gì!”
* Linh phụ Matoes chia sẻ: “con người càng gần Chúa càng thấy mình tội lỗi. Quả thế, ngôn sứ Isaia (6,5) khi đã thị kiến Chúa, thì tuyên xưng mình là khốn cùng và dơ bẩn”.
* Linh phụ Longin nói với Linh phụ Acacios: “Người phụ nữ biết mình thụ thai khi không còn kinh; cũng vậy linh hồn biết mình chịu lấy Thánh Thần khi nơi mình không còn luồng máu của các đam mê thấp hèn; bao lâu còn dìm mình trong đó, làm sao có thể an tịnh được? Hãy trả bằng máu, và hãy tiếp nhận Thánh Thần!”
* Linh phụ Matoes kể rằng ba vị trưởng lão đến nói với linh phụ Paphnuce, mệnh danh là Céphalas, để thỉnh ngài một lời. Ngài hỏi họ: “Quý huynh muốn tôi nói một lời tâm linh hay thể xác? Họ đáp: xin một lời tâm linh. Và được trả lời: “Hãy đi, hãy chuộng đau khổ hơn nghỉ ngơi, bị hạ nhục hơn là được tuyên dương, và hãy thích cho hơn là nhận”.
* Linh phụ Mios de Béléos nói: “Tuân phục đáp lại tuân phục: nếu ai vâng Lời Chúa thì Chúa cũng nhận lời kẻ ấy”.
* Linh phụ Nil nói: “Nếu bạn muốn cầu nguyện thật tốt thì đừng làm phiền lòng một tâm hồn nào; bằng không bạn chạy một cách vô ích”.
* Linh phụ Nil nói: “Chớ ước muốn những gì liên quan đến bạn, xảy ra theo phán đoán của bạn, nhưng là theo tôn ý của Chúa, có thế bạn sẽ không xao xuyến và còn cảm tạ trong khi cầu nguyện”.
* Linh phụ Isaia hỏi Linh phụ Poemen về các tư tưởng bất tịnh. Linh phụ Poemen trả lời: “Đồ áo chất trong rương rồi bỏ quên, sẽ mục nát với thời gian; cũng vậy, các tư tưởng, nếu chúng ta không đem ra thực hành cụ thể, thì với thời gian cũng sẽ biến chất, nghĩa là biến mất”.
* Linh phụ Poemen nói: “Có người xem ra thầm lặng, mà lòng lại lên án các người khác; con người như thế vẫn nói liên tục. Trái lại, có kẻ nói từ sáng đến chiều, nhưng vẫn giữ được thầm lặng bởi vì không nói gì mà không mang lại ích lợi thiêng liêng”.
* Linh mẫu (= amma) Syncletica nói: “Ai chưa được đào luyện trong cuộc sống thực hành mà đã dạy dỗ thì thật là nguy hiểm. Bởi vì chẳng khác chi nhận khách vào trọ trong ngôi nhà xiêu vẹo, thì sẽ gây ra thương tích vì nhà sụp đổ. Cũng vậy, ai chưa được xây dựng cũng sẽ làm cho những người đến thụ giáo phải hư hỏng. Và lời nói, thì khuyên bảo đến với sự cứu rỗi, nhưng tác phong xấu lại tác hại cho những người nghe”.
LỜI YÊU THƯƠNG
Song Linh – PV
Hai chữ “Tình yêu” đã có từ muôn thuở và vũ trụ này được dựng nên nhờ Lời. Tình yêu và Lời đã tạo thành một thế giới tốt đẹp (x.Ga1,3; Tv32) và con người là cao điểm của chương trình sáng tạo. Đặc biệt, mầu nhiệm Nhập thể (Ga 1,14) là chứng tích sống động của tình yêu Thiên Chúa tặng ban cho con người. Lời và Tình Yêu luôn song hành và tác động mãnh liệt trong lịch sử cứu độ.
Trong phạm vi bài viết này, xin được dừng lại nơi hình ảnh sau: khi cảnh vật đang chìm trong giấc ngủ, Thiên Chúa khẽ gọi Samuel, Lời nhẹ nhàng vang vọng trong đêm đã thức tỉnh Samuel chỗi dậy: “Dạ con đây ! Xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe” (1Sm 3,4). Lời đáp trả đó đã và đang ngân vang mãi qua bao thế hệ cho đến hôm nay. Một Phaolô “chỗi dậy” rao giảng Lời; một Biển Đức “từ bỏ tất cả” ra đi tìm Lời ; Ignatio hoán cải, quên đi “thời huy hoàng” để nỗ lực làm vinh danh Lời; Têrêxa Hài đồng đơn sơ nghe và thực thi Lời trong khiêm nhường; Têrêxa Calcutta mang niềm vui của Lời đến cho những người đau khổ, nghèo khó….
Trong ân sủng của Tình yêu, Cha Tổ Phụ Biển Đức Thuận cũng đã cảm nghiệm được sự tác động “làm hoan lạc lòng con” (Gr 15,16) của Lời. Ngài đã truyền lại cho các đan sĩ “nghệ thuật” sống đời thiêng liêng trong niềm vui của đan viện, để nơi đó, họ nghe được Lời Tình yêu, cảm nếm hương vị ngọt ngào của Tình yêu. Bởi vậy, đời người kitô hữu, cách riêng các đan sĩ cần được nung nấu trong lửa Tình yêu, để kết hiệp với Thiên Chúa, nghe và thực thi Lời cách cụ thể hầu làm nổi bật 3 phẩm tính của Tình Yêu trong Lời: Tình yêu mời gọi – Tình yêu thánh hoá – Tình yêu phục vụ, đồng thời nhờ đặc sủng của ơn gọi, đan sĩ có bổn phận giúp mọi người biết: “Lời có sức soi sáng tâm trí, củng cố ý chí và thiêu đốt lòng người yêu mến Thiên Chúa” [1].
1.Tình yêu mời gọi
Trong đêm khuya vắng lặng, có lẽ đang ngủ chập chờn “nửa tỉnh nửa mê” thì có tiếng gọi nhẹ nhàng, êm ái, Samuel đã “tỉnh táo” nhưng chưa biết ai gọi. Nhờ thầy cả Hêli chỉ dẫn, Samuel đã nhận ra tiếng Chúa gọi và mau mắn đáp lời. Sau đó Samuel đã thuật lại mọi điều cho ông Hêli (x. 1Sm 3,18). Từ đây, Lời đã đánh thức Samuel để ra đi và dân Israel đã “coi ông là ngôn sứ” (1Sm 3,20). Lời đã đánh trúng con tim nhiệt thành của Samuel để ông loan báo Lời cho muôn dân. Nói cách khác, Tình yêu đã thực sự mời gọi Samuel.
Đối với Samuel, tình yêu vẫn là một huyền nhiệm, chắc hẳn Samuel chưa biết “yêu”, hay “làm sao định nghiã được tình yêu” [2], cũng như chưa thể diễn tả đúng mức những cảm xúc dữ dội về tình yêu: “như trái phá con tim mù loà”[3] . Nhưng tình yêu Thiên Chúa đã tác động làm Samuel tin tưởng, cũng như cảm nhận được “hấp lực” của sức mạnh tình yêu đang tiềm tàng và rạo rực trong bản thân. Vì thế, Samuel đã yêu Lời, lắng nghe Lời, nói và thi hành Lời với lòng trung thành. Nói tóm lại, Samuel đã sống Lời và Lời là tất cả cho ông.
Đối với đan sĩ, tình yêu cũng rất huyền nhiệm, nhưng Tình yêu Thiên Chúa lại rất dễ cảm nhận, vì tình yêu đó “luôn thúc bách” (2 Cr 5,14), và mời gọi con người đáp trả bằng chính cuộc sống của mình. Dẫu biết rằng, bản thân không được Thiên Chúa mời gọi “thầm lặng” tương tự như Samuel, cũng không “mãnh liệt” như Phaolô trên đường Đamas (x. Cv 9) nhưng Thiên Chúa mời gọi đan sĩ trong đặc sủng của ơn gọi chiêm niệm: cầu nguyện và hiệp thông huynh đệ. Khi suy niệm và chiêm ngưỡng ánh sáng “thần hoá” của Lời, tình yêu sẽ tác động và đưa đan sĩ ra khỏi trạng thái vô cảm và hoài nghi. Lời tình yêu luôn mời gọi đan sĩ sống các lời khấn, nhằm biến đổi con người cũ thành người mới, từ “mê” sang “tỉnh”, nhất là nội tâm hóa hành trình theo Chúa, theo tiếng gọi tình yêu. Chỉ có tiếng gọi của tình yêu luôn hấp dẫn và lôi cuốn, đáp trả bằng tình yêu mới chân thật. Vì Lời luôn “sống động và linh hoạt, có sức xây dựng và ban phần gia nghiệp cho mọi người được thánh hoá” [4].
2.Tình yêu thánh hoá
Ra đi theo tiếng gọi tình yêu, thấy một hướng đi mới, Samuel đã trở thành một “phát ngôn viên” của Lời, có sức cảm hoá và thay đổi cuộc sống nhiều người. Samuel cũng cảm nếm được hương vị tình yêu của Lời trong khi đối thoại và nghiệm ra được đây là một sự gặp gỡ của một mối tình đẹp trong sự tác động “thiêng liêng” của Lời. Từ đây, Lời đã khởi đầu cho những xuyến xao, những rung động dạt dào “Làm sao sống được mà không yêu”[5] trong cõi lòng Samuel.
Thật vậy, khi cảm nghiệm được sức mạnh của Tình yêu, đan sĩ cũng cảm được tác động vô song của Lời Chúa. Tình yêu sẽ thăng hoa, lời khấn Canh Tân rõ ràng nhất, vì trong những lúc học hỏi, suy gẫm Lời, đan sĩ nhận ra con người thật của mình, cảm nhận được sự trao ban tuyệt đối “nhưng không” của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu mời gọi trong thầm lặng, một tình yêu luôn chờ đợi và tha thứ cho những yếu đuối của con người, dù đã không ít lần “trong lúc nguyện cầu, tôi không gọi tên người, dù trong tim riêng tôi, tôi không giữ hình người, nhưng tình yêu người dành cho tôi vẫn chờ đợi tình tôi”[6]. Sức mạnh của Lời sẽ giúp đan sĩ tin tưởng, vượt thắng bản thân “không theo ý muốn lòng mình”[7], sống vươn lên trong hy vọng và “lao mình về phía trước” (Pl 3,13) hầu nhận ra sự thật và hành động theo sự thật. Nhưng thực tế con người vẫn còn nhiều giới hạn, tự ti mặc cảm, “ngại ngùng, chùn bước” khi gặp gian nan, vì chưa thấm nhuần Lời Chúa. Nuối tiếc quá khứ và hoạch định chương trình “riêng” cho bản thân trong tương lai, trong khi hiện tại thì chưa chu toàn bổn phận, bởi vì chưa yêu Lời cho đủ, thậm chí vì không học hỏi, suy tư Lời Chúa thường xuyên nên khi gặp phải thử thách thì buông xuôi thất vọng với tâm trạng “tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề nuối tiếc” [8]; hậu quả sống thờ ơ với cộng đoàn, hờ hững với anh em, tiếp xúc cằn cỗi với tha nhân.
Nhưng một khi đã yêu Lời cách triệt để, đan sĩ nhận được sức mạnh thánh hóa, được biến đổi từ cuộc sống bình thường sang một cuộc sống “với tinh thần thánh thiện, một tình thương không giả dối” (2Cr 6,6); nhờ vậy, đan sĩ được Lời tác động theo lối dây chuyền với sức cộng hưởng của ơn thánh hoá, để cởi mở và hoàn thiện cuộc sống “nhằm vươn tới sự viên mãn nơi Đức Kitô” (Ep 4,15) giúp bồi đắp được những “lỗ hổng” cuộc đời. Sống lạc quan tin tưởng, nhìn vào lý tưởng phải vươn tới để chắp cánh cho những ước mơ thánh thiện, để mỗi ngày suy tư, sống và thấm nhuần chân lý của tình yêu tự huỷ: “Ai yêu mạng sống mình thì sẽ mất …”(Mt 16,25) để thấy đời thánh hiến đan tu luôn làm bừng cháy chân lý trong ánh sáng tình yêu của Lời: sống là yêu và yêu là sống. Con người chết không phải là ngừng thở mà là hết yêu!!! Do đó Lời “luôn quy hướng và đánh động con tim con người về với Thiên Chúa, Ngài mở mắt lý trí cho con người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý..” [9]hầu giúp con người thể hiện niềm vui được ơn thánh hoá bằng tình yêu phục vụ.
3. Tình yêu phục vụ
Nhờ tác động của tình yêu thánh hoá, Samuel vâng phục ra đi làm chứng và phục vụ cho THIÊN CHÚA TÌNH YÊU. Bước đi theo ánh sáng của Lời, Samuel đã dựa vào Lời làm nền tảng cho đời phục vụ, Samuel đã dùng Lời để can đảm “nói thẳng, nói thật” với những người liên quan là hãy tin tưởng thờ kính, vâng phục Thiên Chúa và phục vụ tha nhân (x.1Sm 15,22-23).
Cho đến hôm nay, vì thiếu tinh thần phục vụ, sống “cầu an”, nên con người cảm thấy hụt hẫng, cô đơn, khép kín trong các mối tương quan, để rồi con mắt đức tin nhiều lúc xem ra mịt mù “mất định hướng” cho cuộc đời. Vào những thời điểm bi đát “mắt mở mà không thấy gì…!” (Cv 9,8) như thế, thì Lời Chúa chính là “móc nối” cho con người xích lại gần nhau trong tương quan hỗ tương, bởi giá trị của con người hệ tại nơi tinh thần phục vụ. Vì khi sống tinh thần phục vụ, mắt con người “mới mở ra để thấy những gì Thiên Chúa đã làm cho con người và Ngài đã yêu thương con người biết dường nào….và cho con người thấy tình yêu tự bản chất cần phải được chia sẻ với tha nhân. Tình yêu triển nở qua tình yêu” [10].
Còn đan sĩ sống tinh thần phục vụ qua tiếp xúc, gặp gỡ anh em trong cộng đoàn, cùng “mang gánh nặng cho nhau” (Gl 6,2), sống hoà đồng “nhẫn nại chịu đựng những yếu đuối xác hồn của nhau…” [11] nhằm mục đích “được trở nên một với Lời nhờ tác động của Thánh Thần…”[12] Khi phục vụ “nhưng không” (Mt 10,8) đan sĩ sống bình an siêu thoát, tâm hồn thanh thản trong hoà khí cộng đoàn, đồng thời niềm vui phục vụ càng được tăng dần, khi đan sĩ lấy Lời Chúa làm nguồn cảm hứng: “nếu Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em phải rửa chân cho nhau…” (Ga13,14-15). Một lời tâm sự, tình Thầy-trò nghe có vẻ “nhẹ nhàng, tình cảm” nhưng thực ra đó là một “lệnh truyền” ý nghĩa và khẩn thiết cho đời khiêm nhường phục vụ. Vì phục vụ không chỉ là một bản tính tự nhiên xét theo khía cạnh tâm lý, nhưng còn là một nhân đức thiêng liêng được lọc luyện trong lửa tình yêu Thiên Chúa. Nhờ đó, đan sĩ sống đồng cảm với tinh thần: “cho thì có phúc hơn nhận” (Cv 20,35) vì khi phục vụ, đan sĩ “cảm thấy bị thúc bách phải biến đổi cuộc đời bằng việc phục vụ tha nhân bên cạnh việc phục vụ Thiên Chúa” [13].
KẾT
Một khi nếm được hương vị của Lời tình yêu, con người càng khát vọng hơn nữa là được vui sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Với thực trạng hôm nay, mọi thứ “xấu” đến trong trần gian là do con người không biết rành rẽ về Kinh Thánh (x.Têrêxa Avila), nên con người đã và đang đánh mất đi ý nghĩa và sự tác động thiêng liêng của Tin Mừng. Bởi vậy, đan sĩ có bổn phận sống và làm nổi bật đặc sủng của ơn gọi trong đời sống chiêm niệm, thực hành Lời Chúa trong cuộc sống để minh chứng cho mọi người thấy chỉ có Lời Chúa là hồn sống cho con người, chỉ có Lời Chúa là ánh sao dẫn đưa con người đi theo con đường Chân Thiện Mỹ, chỉ có Lời Chúa mới xoa dịu mọi nỗi đau trần thế này và chỉ có Lời Chúa dạy con người sống trọn tình huynh đệ hầu lan toả hương thơm của đức mến: “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả” (1Cr 13,7).
Thật vậy, khi đan sĩ sống, yêu mến và thực thi Lời cho tròn đầy, phần nào đã cộng tác với Thiên Chúa để làm cho hương Tình yêu nở hoa trên mọi nẻo đường trần thế và gẫm suy mỗi ngày:
Từ muôn thuở đã phát sinh
Chính Lời yêu dấu vô hình của Cha
Ấy, Lời vẳng tới mọi nhà,
Mọi người, mọi vật thiết tha: Lời Tình
Nhờ Lời vắng cõi u minh
Qua Lời vũ trụ tuyệt xinh diễm kiều
Kết liên trong mối thương yêu
Trong Tình vĩnh cửu mỹ miều của Cha[14].
[1] CĐ Vatican II, Hiến chế “Dei Verbum”, số 23.
[2] Thơ Xuân Diệu
[3] Trịnh Công Sơn, Ca khúc “Tình Sầu”.
[4] CĐ Vatican II, Hiến Chế “Dei Verbum” số 21
[5] Thơ Xuân Diệu
[6] R. Tagore, Lời Dâng, số 32
[7] Tu luật chương 3
[8] Nguyễn Nhất Huy, Ca khúc “Hát về một dòng sông”
[9] CĐ Vatican II, Hiến Chế “Dei Verbum”, số 5.
[10] Đức Benedicto XVI, Thông Điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu “ số 18.
[11] Tu luật, chương 72.
[12] HĐGMVN, Thư Mục vụ– ngày 9-9 2005, số 3 & 4.
[13] Đức Benedicto XVI, Thông điệp “Thiên Chúa Là Tình Yêu” số 40.
[14] Điệp Lan Đình Bài thơ “Lời tình yêu”
LỜI CHÚA TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC MARIA
Thiên Triệu
Lời yêu thương từ Chúa Cha đã gửi đến cho nhân loại để được thông phần hạnh phúc viên mãn với Ngài. Thiên Chúa ngỏ lời với nhân loại bằng nhiều cách, nhưng vào thời sau hết, Thiên Chúa phán dạy chúng ta qua Thánh Tử (x.Dt 1,2a). Đức Kitô chính là Lời của Thiên Chúa (x.MK 1). Cả cuộc đời của Đức Kitô đều mặc khải cho chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa và tình yêu cứu độ của Ngài. Chúa Thánh Thần đóng một vai trò quan trọng giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài làm cho chúng ta hiểu biết sâu xa về mặc khải và không ngừng ban ân huệ để kiện toàn đức tin của chúng ta (MK 5). Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11,28).
Ai là người có phúc hơn Mẹ Maria trong việc lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa? Quả thực, Giáo Hội đã cho chúng ta thấy Mẹ Maria là gương mẫu trọn hảo nhất, Mẹ đã cưu mang, chiêm ngắm, nuôi dưỡng Lời và đã theo Lời như theo một bậc thầy về đời sống hiến tế cho Thiên Chúa Cha và tặng ban cho nhân loại. Một trong những nét nổi bật của cuôc đời Đức Maria: “Đức Maria hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19).
1. Thái độ của Đức Maria đối với Lời Chúa
a.Tìm ý nghĩa của Lời
Từ thuở bé, Mẹ đã được Chúa gieo vào lòng hạt giống mến Chúa và yêu người. Hạt giống ấy ngày càng bén rễ sâu trong tâm hồn Mẹ. Đến giai đoạn chín mùi của tuổi trưởng thành, ý định của Thiên Chúa đã làm đảo lộn những suy nghĩ và ước muốn riêng tư của Mẹ. Đó là biến cố Truyền tin, lời Truyền tin của sứ thần đã làm Mẹ bàng hoàng bối rối vì vượt quá với ước nguyện của Mẹ: “Việc ấy xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến người nam “(Lc 1,34). Ở tuổi thành niên, dù tâm hồn Mẹ luôn hướng về chân thiện mỹ, nhưng không sao tránh khỏi những hoàn cảnh, những biến cố làm Mẹ phải cầu nguyện và suy tư nhiều hơn. Cầu nguyện là bàn bạc với Chúa để biết rõ ý Chúa hơn. Suy tư, lý luận để cân nhắc trước khi quyết định một việc gì, nhất là những việc quan trọng. Thái độ của Mẹ trong biến cố truyền tin là một thái độ rất khôn ngoan, sáng suốt, cẩn trọng và đầy lòng tín thác. Khi Mẹ biết lời sứ thần truyền tin là ý định của Thiên Chúa, Mẹ sẵn sàng bỏ ý riêng mình đã cưu mang ấp ủ từ lâu, để khiêm tốn dâng ý mình cho ý định của Thiên Chúa: “Này tôi là tôi tá Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38). Mẹ đã đón nhận cách can đảm lời đề nghị cưu mang Chúa Giêsu. Nhờ Sứ Thần trấn an, Mẹ phó thác tuyệt đối cho quyền năng của Thiên Chúa: “Đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).
Lời “Xin Vâng” ấy biến đổi hoàn toàn cuộc đời của Mẹ. Từ đây, Mẹ sẽ là người phụ nữ có phúc hơn mọi người phụ nữ: Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, cũng có nghĩa là Mẹ vâng trọn ý Cha và chỉ gắn bó với Con Mẹ trong sứ mạng cứu độ trần gian.
b. Gắn bó với Lời Nhập Thể
Mẹ luôn tưởng nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng mọi biến cố lớn nhỏ có liên quan tới Chúa Giêsu, Con Mẹ. Tại sao Mẹ phải suy đi nghĩ lại như vậy?
Chúng ta chiêm ngắm kỹ thái độ trầm tư và cách ứng xử của Mẹ trong các biến cố Chúa đã an bài cho cuộc đời Mẹ.
Từ lời “ Xin Vâng” đầu tiên, đời Mẹ đã tuần tự đi vào ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Trong thinh lặng, Mẹ sống gắn bó với Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng Mẹ, Đấng dẫn đưa Mẹ vào con đường nghèo khó, vâng phục và thanh tịnh vì yêu mến. Mẹ gắn bó với Con Mẹ trong hành vi bác ái là đem Chúa đến cho bà Elizabeth, người chị họ của Mẹ, dù đường xa nhọc nhằn, Mẹ vẫn hân hoan đến phục vụ bà cách tận tình. Biến cố hạ sinh Chúa Giêsu trong máng cỏ, lòng Mẹ ngập tràn niềm vui vì Con Thiên Chúa hạ sinh ra đời; dù Mẹ những mong mỏi cho con mình được một nơi ở ấm cúng và xứng hợp, nhưng mọi sự đều ngược lại, đúng như lời Thiên Thần báo tin cho các mục đồng: “Anh em sẽ gặp một trẻ sơ sinh bọc tã nằm trong máng cỏ” ( Lc 2,12). Trong một hoàn cảnh đơn nghèo như vậy, nhưng Mẹ lại thấy ngập tràn niềm vui khi các Thiên Thần ca hát mừng Chúa, các mục đồng và thú vật đến bái thờ, rồi Ba Vua từ phương Đông cũng đến dâng lễ vật thờ lạy (Mt 2,1-12).
Trong thinh lặng của cõi lòng, Mẹ Maria đã nhận ra sứ điệp từ trời cao, mầu nhiệm tự hủy của Ngôi Lời; khởi đi từ đó, hòa tan vào sứ điệp, Mẹ đã vui sống thánh ý Chúa trong từng phút giây của cuộc sống.
Trên đường trốn sang Ai cập, Mẹ cũng suy đi nghĩ lại những biến cố xảy ra trong cuộc hành trình. Từng ngày, Mẹ ấp ủ, nuôi dưỡng Con được lớn lên trong chính cuộc đời Mẹ. Con Mẹ càng lớn lên về vóc dáng và khôn ngoan (x.Lc 2,52), thì Mẹ càng kinh qua những nỗi đau sâu xa thầm kín mà Thiên Chúa đã tỏ ra cho Mẹ. Nhưng Mẹ đã can đảm đón nhận với tất cả niềm yêu mến, biết ơn và tín thác.
Mẹ vẫn âm thầm hạnh phúc trong xưởng mộc Nazareth, một ngày kia cùng con lên đền Giêrusalem dự lễ hội, Chúa Giêsu đã tỏ cho Mẹ và Thánh Giuse biết sứ mạng của mình. Mẹ dù trong tâm trạng yêu quí con vô vàn, nhưng khi nghe con nói: “Sao cha mẹ lại tìm con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2,49), Mẹ không khỏi tê tái cõi lòng. Nhưng vì gắn bó với sứ mạng của con mà Mẹ sẵn sàng hy sinh những niềm vui riêng tư của tình mẹ-con, để cùng Chúa Giêsu bước vào con đường hiến tế, con đường thênh thang của đức ái. Mầu nhiệm và cao quí thay sứ mệnh của con Mẹ! Càng suy đi nghĩ lại, Mẹ càng cảm nghiệm được niềm vui và nỗi đau quyện chặt vào nhau. Dầu vậy, Mẹ vẫn cúi đầu xin vâng. Đây là đức vâng lời cứu độ qua mầu nhiệm thập giá.
Tại tiệc cưới Cana, Mẹ cũng phải suy đi nghĩ lại về lời của Chúa Giêsu nói: “Giờ của tôi chưa đến” (Ga 2,4). Mẹ rất tinh tế quan tâm đến bữa tiệc và xin Chúa Giêsu giúp họ; dù có khựng lại về câu trả lời của Chúa Giêsu, Mẹ vẫn lặng lẽ nhẫn nại chờ đợi giờ Chúa thực hiện và Mẹ đã đọc được ý Chúa, nên Mẹ đã âm thầm cộng tác với Chúa Giêsu bằng cách nói với các gia nhân: “Ngài bảo gì các anh cứ làm theo” (Ga 2,5). Các ông đã làm và phép lạ đã xảy ra vào cuối bữa tiệc làm mọi người đều ngạc nhiên, mừng rỡ hân hoan.
Mẹ vẫn tiếp tục sống thánh ý Chúa và bước theo chân Con Mẹ trên con đường cứu độ. Những bước chân tất tưởi trên đường thập giá không làm Mẹ chùn bước, nhưng Mẹ đã kiên trì đến giây phút cuối cùng, trên đồi sọ, dưới chân thập giá vào chiều thứ sáu. Chưa hết, chính ở nơi đó, Mẹ và môn đệ Chúa yêu lặng lẽ lắng nghe được những lời trăn trối cuối cùng: “Thưa Bà,đây là con của Bà, đây là Mẹ của con” (Ga 19, 26-27). Thật sâu xa và thấm thía khi Mẹ quảng đại đón nhận mặc khải của Thiên Chúa qua lời trối của Chúa Giêsu. Đón nhận sứ điệp này, đời Mẹ lại lật sang trang mới. Mẹ là mẹ của nhân loại chúng con; từ đây, Mẹ tiếp tục gắn bó với Chúa Giêsu qua việc chăm sóc, dạy dỗ và dẫn đưa nhân loại chúng con vào đường cứu độ.
Tóm lại, trước khi cưu mang Ngôi Lời nhập thể, Mẹ đã cưu mang Lời Chúa cách trân trọng và trung tín. Như vậy, Mẹ Maria đã nêu gương lắng nghe và thi hành Lời Chúa trong cuộc sống. Hành trình đời Mẹ là một hành trình đức tin, đức cậy và đức mến cùng các nhân đức cao quí khác. Quả thực, Mẹ là ánh sao dẫn đường cho chúng ta bước đi trong cuộc lữ hành nơi trần gian đầy thách đố này.
2.Lời Chúa trong đời tôi
Lời Chúa là qui luật tối cao hướng dẫn đức tin, là lương thực cho linh hồn, là nguồn sống tinh tuyền và trường tồn cho đời sống thiêng liêng của tất cả chúng ta (MK 21). Chính vì thế, Lời Chúa phải được tôn kính như chính thân thể Chúa, và phải có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống thiêng liêng của người kitô hữu chúng ta.
“Đời sống Giáo Hội được tăng trưởng nhờ tiếp xúc với mầu nhiệm Thánh Thể. Cũng thế, ta được phép hy vọng rằng đời sống thiêng liêng nhận được một sự thúc đẩy mới nhờ việc gia tăng lòng sùng kính Lời Thiên Chúa là Lời tồn tại muôn đời” (Is 40,8; 1Pr 1, 23- 25), (MK 26).
Việc suy gẫm Lời Chúa ngày càng trở nên quan trọng và cấp bách hơn, nhất là trong một xã hội đang biến chuyển không ngừng về mọi phương diện, bởi vì Lời Chúa chỉ ra những định hướng và nền tảng cho đời sống luân lý và đạo đức. Lắng nghe và nghiền ngẫm Lời Chúa, chúng ta sẽ được nghe Chúa nói với chúng ta nhiều điều. Ngài đòi hỏi ta cách sống vượt trên những sở thích tầm thường của bản năng hạ đẳng, Ngài mời gọi chúng ta dứt bỏ những mối dây ràng buộc bất chính, Ngài muốn chúng ta hy sinh hạnh phúc riêng tư để chia sẻ hạnh phúc cho tha nhân, Ngài khuyên chúng ta nhẫn nại trong gian khổ, quảng đại đón nhận những đau khổ khi phục vụ cộng đoàn, được ơn hiệp thông với Chúa Giêsu trên thánh giá khi bệnh hoạn và tuổi già neo đơn.
Tóm lại, từ ngày chúng ta gặp được Lời Chúa, chúng ta nuốt vào và chúng ta sẽ được biến đổi, được Chúa làm cho cuộc đời mỗi người chúng ta những điều kỳ diệu và cùng Mẹ Maria đầy ơn phúc hân hoan hát lên bài ca Magnificat vô tận (Lc 1,46-55).
Việc sống Lời Chúa trong đời dâng hiến của chúng ta cũng là cơ hội thuận tiện cho việc canh tân đoàn sủng, mà chúng ta đã lãnh nhận và cam kết dấn thân; như lời Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II trong Tông Huấn về Đời Sống Thánh Hiến số 94: “Lời Chúa là nguồn mạch đầu tiên của mọi linh đạo”. Trong Tông thư Khởi Đầu Ngàn Năm Mới số 39, ngài viết:” Lời Chúa phải trở nên một sự gặp gỡ ban sự sống, theo truyền thống xa xưa và luôn vững chắc về việc đọc sách thánh (Lectio Divina), cho phép rút ra từ bản văn Thánh Kinh Lời hằng sống, là lời chất vấn, hướng dẫn và hình thành cuộc sống chúng ta”. Chúng ta có thể đào sâu kinh nghiệm thiêng liêng về Lời Chúa một cách đặc biệt, nhờ đó chúng ta có thể trở về trọng tâm ơn gọi của mình, và làm chứng tá cho tình thương cứu độ của Chúa giữa trần gian này.
KẾT
Mẹ Maria luôn khao khát, lắng nghe và thực hành Lời Chúa để dưỡng nuôi đời sống yêu mến ngày càng sâu xa, nồng thắm và tinh ròng hơn. Mẹ gắn bó với Lời nên đời Mẹ trở nên vực thẳm khiêm nhường chứa đầy muôn ơn phúc để đồng công cứu chuộc trần gian.
Xin Mẹ dạy chúng con hết lòng yêu mến điều Chúa dạy và sẵn sàng để Lời Chúa uốn nắn, biến đổi từ ý nghĩ đến tâm tình và hành động của chúng con để có thể nói như Thánh Phaolo: “Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20), để chính cuộc sống của chúng con là thửa đất tốt, được Chúa gieo hạt giống Tin Mừng, ngày càng trổ sinh nhiều bông hạt tốt tươi trong cánh đồng truyền giáo bao la của Giáo hội.
LỜI CHÚA LÀ ĐÈN SOI CHO CON BƯỚC,
LÀ ÁNH SÁNG CHỈ ĐƯỜNG CON ĐI
Mai-Thi
Công đồng Vaticano II[1] đã làm một cuộc cách mạng vĩ đại khi đáp ứng nhu cầu của Giáo hội trong thời đại mới. Công đồng đã khai mở một kỷ nguyên, kỷ nguyên của sự canh tân toàn diện trong đời sống Giáo Hội. Trên nhiều phương diện, Công Đồng đã nhất trí và phê chuẩn nhiều quyết nghị quan trọng, trong đó thành quả nổi bật nhất phải kể tới là ban hành Hiến chế Mặc Khải – Dei Verbum. Chính nội dung của văn kiện này giúp đào sâu và giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến mặc khải.
Đáp ứng lời mời gọi của Giáo Hội Việt Nam trong năm 2006 này, với chủ đề SỐNG LỜI CHÚA, chúng ta, mọi thành phần trong đại gia đình Hội dòng, hãy tích cực hưởng ứng việc đọc, học và sống lời Chúa. Vì Lời Chúa là lương thực nuôi sống chúng ta nên muốn tồn tại và phát triển đường thiêng liêng thì cần phải sống dưới sự hướng dẫn của Lời Chúa: Lời Chúa là đèn soi, là ánh sáng chỉ đường (x. Tv118, 105). Lời Chúa là đường dẫn về Nước Trời, Lời Chúa là chính Chúa, Lời Chúa là Kinh Thánh.
“Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”[2] cũng là chủ đề suy niệm cho ngày quốc tế giới trẻ lần thứ 21 năm nay, được cử hành cấp giáo phận trên toàn thế giới, tổ chức vào Chúa nhật Lễ Lá, ngày 9 tháng 4 năm 2006. Với chủ đề này, dưới đây người viết xin được trình bày ba khía cạnh:
1. Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa.
2. Lời Chúa trong đời sống đan tu.
3. Lời Chúa: ánh sáng soi đời chiêm niệm.
1. Kinh thánh là lời của Thiên Chúa.
Tôn giáo nào cũng có KINH làm nền tảng, KINH là giáo thuyết của tôn giáo. Hồi giáo có kinh Coran (bản dịch gọi là “Kinh sách”). Còn Do thái giáo và Kitô giáo có Kinh Thánh làm nền tảng cho giáo thuyết của mình.
Nếu Kinh Coran của Hồi giáo theo khẳng định của tiên tri Muhammad, Thượng Đế dùng thiên sứ Gabriel, truyền miệng cho tiên tri từng câu, từng đoạn… Tới lượt mình, lại truyền lời cho người kế tục, thì Kinh Thánh của Dothái giáo và Kitô giáo lại coi là tác phẩm của Thiên Chúa, chỉ vì các tác giả viết theo cảm hứng họ nhận được từ Thiên Chúa, gọi là “ơn linh ứng”[3].
Kinh Thánh là cuốn sách “lịch sử” chung của Thiên Chúa và loài người. Người ta có thể định nghĩa Kinh Thánh là tuyển tập những tác phẩm mà Kitô giáo nhìn nhận là được Thiên Chúa linh ứng (2Tm 3,16) (những cuốn trong qui điển được Giáo hội nhìn nhận). Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa được diễn tả qua ngôn ngữ loài người. Các thánh Giáo Phụ đều nhìn nhận Thiên Chúa là tác giả chính của Kinh Thánh. Kinh Thánh chứa đựng Lời Chúa và thực sự là lời Thiên Chúa. Và Công Đồng Vaticanô II còn coi Lời Chúa là chính Chúa: “Giáo hội luôn tôn kính Kinh Thánh như là chính thân thể Chúa” (MK 21).
Giáo hội qua mọi thời đại tin rằng toàn bộ Kinh Thánh là Lời Chúa được trao ban cho con người. Trong Kinh Thánh, Giáo hội không ngừng tìm được lương thực và sức mạnh, vì nơi đó Giáo hội không phải chỉ đón nhận lời phàm nhân, nhưng thực sự là lời của Thiên Chúa (1Tx 2,13). Lời đó chính là Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng soi sáng, đến sống giữa loài người và nói cho mọi người nghe những điều kín nhiệm nơi Thiên Chúa (x. Ga 1,1-18). Bởi vậy, Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể được sai đến với loài người, nói lời của Thiên Chúa (x. Ga 3,34) và hoàn thành công trình cứu rỗi của Chúa Cha đã giao phó cho Ngài thực hiện (x. Ga 5, 36; 17,4). Vì thế, chính Ngài đã đến bổ túc và hoàn tất mặc khải (MK 4).
Điểm đặc biệt và cao quý của thời Tân Ước là Thiên Chúa nói qua Người Con – Ngôi Lời Thiên Chúa (x. Ga 14,6) và đọc Lời Chúa là con người đáp lại mặc khải của Thiên Chúa.
Như vậy, Kinh Thánh là lời Thiên Chúa nói, dạy dỗ và hướng dẫn con người; vì Lời Chúa là ánh sáng. Chính vì Kinh Thánh là lời của Thiên Chúa nên mọi người phải tôn kính và yêu mến. Vậy Lời Chúa trong đời sống đan tu như thế nào?
2. Lời Chúa trong đời sống đan tu
Trong sách Cổ Học Tinh Hoa có câu: “Sĩ phu mà ba ngày không đọc sách, thì soi gương thấy mặt mũi đáng ghét và nói chuyện nhạt nhẽo khó nghe”. Là đan sĩ suốt đời tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa qua Lời của Ngài, chúng ta phải có thái độ nào với Kinh Thánh?
Đức thánh cha Gioan Phaolo II viết: “Lời Chúa là nguồn mạch đầu tiên của linh đạo Kitô giáo, bởi vì Lời Chúa là của ăn nuôi dưỡng tinh thần. Vì thế, ngay từ buổi đầu trong các tu hội thánh hiến, đặc biệt trong các đan viện, vai trò đọc sách thiêng liêng đã được hết sức quí trọng. Nhờ đọc sách thánh mà lời Chúa thấm nhuần cuộc sống”[4].
Đọc Lời Chúa là một trong những yếu tố quan trọng, vì Lời Chúa sẽ trực tiếp tác động đến đời sống tâm linh, giúp cho đan sĩ có được một đời sống nội tâm sâu xa. Hơn nữa, khi đọc Lời Chúa là lúc Chúa Thánh Thần giúp đan sĩ đạt được những gì là cần thiết nhất và quan trọng nhất cho cuộc sống. Bởi đó Lời Chúa không phải là những lời mau qua chóng hết, nhưng là những lời sống động, có sức cuốn hút và mang lại sự sống. Quả thực, những gì Lời Chúa nói với chúng ta trong Kinh Thánh nhất là trong Tin Mừng, sẽ soi sáng tâm hồn chúng ta, cung cấp cho chúng ta những tư tưởng thanh khiết vì Lời Chúa là lời sống động, linh hoạt sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi, thấu nhập và xem xét mọi ý tưởng trong tâm hồn (Dt 4,12). Việc đọc Lời Chúa sẽ không để cho bóng tối nghi ngờ cũng như mưu mẹo làm cho vẩn đục tâm hồn chúng ta. Lời Chúa sẽ là trung gian phân xử và phân chia chân lý với lầm lạc, hướng dẫn trí phán đoán, giúp nhận thức được những điều tốt xấu, điều đẹp lòng Chúa hay không (Rm 12,2).
Chúng ta khẳng định chắc chắn rằng: Đời sống thiêng liêng của đan sĩ được xây dựng trên mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và con đường dẫn đưa đan sĩ đến với Chúa không gì khác hơn là tiếp xúc với Lời Chúa. Do đó, Thánh Kinh phải là cuốn sách “gối đầu giường” của các đan sĩ. Thật không thể hiểu được nếu trong kệ sách của các đan sĩ không có cuốn Thánh Kinh. Nhờ nghiền ngẫm lời Chúa đêm ngày, đan sĩ sẽ kính múc được nguồn mạch sự sống, sự an vui nội tâm và hạnh phúc đích thực. Chính trong Lời Chúa mà đan sĩ tìm được lẽ sống: Lời Chúa là lương thực bồi bổ cuộc đời và dẫn đưa đan sĩ đến nguồn sự sống. Thánh Biển Đức đã dành cho giờ đọc sách thiêng liêng (Lectio divina) một tầm quan trọng đặc biệt đáng kể, Tu luật chương 48 chứng minh điều đó. Không những khuyên mà ngài còn buộc các đan sĩ phải đọc và suy niệm Lời Chúa hằng ngày. Thánh Biển Đức chia việc đọc Lời Chúa chiếm 1/3 sinh hoạt trong ngày của đan sĩ điều đó chứng minh rằng Thánh Biển Đức quan tâm cách đặc biệt đến vấn đề này trong đời sống đan sĩ.
Đọc luật thánh Biển Đức, chúng ta thấy ngài luôn khuyến khích đan sĩ bước đi trên đường Phúc Âm. Vì đó là nguyên tắc chính yếu của đời đan tu, nên thánh nhân không ngần ngại căn dặn viện phụ đừng dạy gì ngoài Lời Chúa và luật Chúa (x. TL 2,4). Chính thánh Biển Đức cũng đã chọn Phúc Âm là quy luật cốt tủy cho tu luật của mình. Khi nhấn mạnh điều này, thánh Biển Đức hướng đan sĩ đến việc lắng nghe Lời Chúa. Mở đầu Tu luật, người của Chúa kêu gọi: “Hỡi con, hãy lắng nghe”[5]. Lời ấy như xác định cho nền tảng của đời đan tu và mở rộng tâm hồn để chiêm ngưỡng Lời Chúa.
Tu luật thánh Biển Đức được nhà văn Bossuet gọi là “một bản tóm tắt khôn ngoan và đầy đủ giáo huấn Phúc Âm”. Trong Trường Học Phụng Sự Thiên Chúa, thánh Biển Đức không dạy gì ngoài việc thực thi lời Chúa. Hằng ngày đan sĩ nghe, đọc, và suy niệm lời Chúa. Lời Chúa trở thành một nhu cầu cần thiết cho đời sống nội tâm của đan sĩ. Lời Chúa là của ăn thiêng liêng, là hơi thở nhiệm mầu của đan sĩ. Lời Chúa là ánh sáng, là đường đi, là sự sống. Vì thế, sẽ mất hết ý nghĩa của đời mình, nếu người đan sĩ không còn yêu chuộng Lời Chúa. Suốt đời, đan sĩ chỉ khát khao tìm Chúa và thực thi thánh ý Ngài. Đan sĩ sẽ thực sự thuộc về Chúa, nếu họ nghe Lời Chúa và đem ra áp dụng trong đời sống hàng ngày (Lc 8, 21). Được như thế, đan sĩ sẽ được kể vào hàng những người có phúc, vì Chúa Giêsu chúc phúc cho những ai nghe lời Chúa rồi đem ra thực hành (Lc 11,28).
Nhờ việc chuyên cần suy niệm Lời Chúa, đan sĩ khơi dậy trong mình những tâm tình, ước nguyện để thân thưa với Chúa lời cảm tạ, ngợi khen, cầu xin và dâng hiến… Lời Chúa đưa đan sĩ vào cuộc đối thoại với Người. Qua việc suy niệm, chiêm ngắm Lời Chúa, đan sĩ sẽ được Thiên Chúa đưa vào một kinh nghiệm gặp gỡ đích thực. Vì suốt ngày sống trong môi trường “đượm mầu Kinh Thánh”, nên đan sĩ thuộc rất nhiều đoạn Kinh Thánh, suy niệm và chú giải sau thời gian dài nghiền ngẫm Lời Chúa. Người ta vẫn gọi phương pháp đọc và suy niệm Lời Chúa là Lectio divina. Đây là phương pháp đã có lâu đời và được phổ biến rộng rãi trong Giáo hội.
3. Lời Chúa: ánh sáng soi đời chiêm niệm
Nếu ban đêm mà không có một tí ánh sáng nào, thì đôi mắt thể lý chúng ta không thể nhận thấy sự gì trước mặt. Cũng vậy, đời sống thiêng liêng mà “mù tối” thì không những chính người đó sẽ sa hố mà còn nguy hiểm nếu dẫn dắt người khác nữa, vì cả hai cùng sa hố như Chúa Giêsu đã nói trong Tin mừng (x. Lc 6,39). Muốn thoát khỏi tình trạng bi đát này, cần phải bám chặt lấy Lời Chúa, sống theo ý Chúa. Nhưng làm thế nào để biết được ý của Chúa muốn chỉ dạy cho ta?
Tác giả Thánh vịnh đã ví Lời Chúa và giới răn Chúa như đèn soi cho mọi người (Tv 118,105; Tv 13,4), là ánh sáng và cứu rỗi cho nhân loại (Tv 27,1; x. Is 9,1). Cũng một ý ấy, vua Salômon nói: Giáo huấn của lề luật là ánh sáng, ánh sáng soi cho con người. Nhờ huấn lệnh, Thiên Chúa soi sáng đường đi nước bước của con người (x. Cn 6,23).
Đức Giêsu tuyên bố: “Ta là ánh sáng thế gian” (Ga 9,5). Và Ngài giải thích “Ai theo Ta không đi trong tối tăm, nhưng sẽ có ánh sáng sự sống” (Ga 8,12; 12,46). Đức Giêsu là Lời của Thiên Chúa, là sự sống và là ánh sáng đích thực chiếu soi mọi người trong thế gian (x. Ga 1,4.9). Thế nên, suốt cuộc đời của Chúa Giêsu luôn là cuộc chiến giữa ánh sáng và tối tăm: “Ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa” (Ga 3,19). Khi Đức Giêsu sống lại như lời các ngôn sứ đã tiên báo, chính là để loan báo ánh sáng cho dân tộc Do-thái và các dân ngoại (Cv 26,23). Cũng trong ánh sáng Phục sinh vinh hiển, Đức Kitô hiện ra với Phaolô để cải hoá ông (Cv 9,3; 22,6; 26,13). Như thế, chính trong tư cách Con Thiên Chúa mà Người là ánh sáng rạng ngời phản ảnh vinh quang Thiên Chúa (Dt 1,3).
Thiên Chúa ngự trong ánh sáng vô phương đạt tới (x. 1Tm 6,16), nhưng Ngài gần gũi có sức cứu độ con người và đưa vào ánh sáng huyền diệu (1Pr 2,9) và sống như con cái ánh sáng (Ep 5,8; 1Tx 5,5). Đọc Lời Chúa vì yêu mến, nghĩa là chiêm ngắm vinh quang của Chúa Cha qua gương mặt của Chúa Con.
Nhờ ánh sáng Lời Chúa, chúng ta khám phá ra Đức Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể. Nhờ ánh sáng Lời Chúa, chúng ta thấy rõ định mệnh và giá trị đích thực của con người. Kinh Thánh cũng phải là đối tượng và mục đích của đời chiêm niệm, lời mặc khải phải có chỗ đứng quan trọng trong đời đan tu. Đan sĩ chiêm niệm điều gì nếu không phải là suy đi nghĩ lại về Lời Chúa. Kinh Thánh và đời chiêm niệm luôn gắn kết với nhau, không thể có bên này mà thiếu bên kia. Thành quả của đời chiêm niệm phát sinh từ hạt giống Lời Chúa. Lời Chúa là đèn soi lối chỉ đường cho đan sĩ bước đi, bước tới và vươn lên mãi. Lời Chúa cũng là tấm gương trong sáng giúp đan sĩ chúng ta nhìn thấy con người thực của mình.
Như vậy, Lời Chúa là một nhu cầu rất cần thiết cho kitô hữu, vì con người không chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng còn sống nhờ tất cả những gì từ miệng Thiên Chúa phán ra (Đnl 8,3). Đối với đan sĩ, Lời Chúa cũng phải là lương thực hàng ngày, là của nuôi tâm hồn chiêm niệm. Đọc và nghe Lời Chúa là một “khí cụ để làm việc thiện”, để tiến lên trong đường nhân đức[6].
“Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118, 105).
Lời đó được hát lên như một bản tình ca gồm tóm tất cả trong một lời ca khen miên trường và nài xin tha thiết nhất của thụ tạo trước Đấng Hoá Công. Qua kinh nhật tụng, lời Kinh Thánh được các đan sĩ cất lên mỗi ngày bảy lần, để rèn luyện đức tin, củng cố đức cậy và trau dồi đức mến. Đạt được đời sống nội tâm sâu xa như thế, đan sĩ sẽ sống hạnh phúc biết bao, như lời Thánh Kinh: “Phúc cho những ai nghe Lời Chúa mà đem ra thực hành”(Lc 11,28). Sống Lời Chúa, đan sĩ sẽ “toả sáng” như đèn để soi cho mọi người.
Một trong những yếu tố căn bản của đời đan tu là cô tịch và thinh lặng. Thực thế, con người học giữ thinh lặng không phải để độc thoại với chính mình nhưng để có thể lắng nghe lời của Thiên Chúa. Lời đó không chỉ diễn đạt bằng tiếng nói, nhưng còn tựa như tiếng reo của một dòng suối. Ở đấy, giống như nhựa cây vươn lên và nuôi sống cây trong thinh lặng, Thần Khí tác tạo chạm lấy “cõi lòng” của tạo vật bằng những can thiệp thật khẽ, mà chỉ có con người thinh lặng mới cảm nhận được[7]. Điều này đúng như lời khẳng định của Công Đồng Vaticano II: “Chúng ta nói với Thiên Chúa khi cầu nguyện, và nghe lời Người khi chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh” (MK 25).
Tóm lại, Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường cho đan sĩ bước đi. Lời Chúa phải như hoa tiêu, như la bàn, như kim chỉ nam dẫn đường cho đan sĩ bước theo. Cần đọc Kinh Thánh để học biết “khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô” (Pl 3,8; MK. 25). Có thể xác tín như thế vì đời sống thiêng liêng của người đan sĩ được xây dựng trên mối tương quan thân tình với Chúa; và con đường dẫn đưa người đan sĩ đến với Chúa không gì khác hơn là tiếp xúc với Lời Chúa. Chỉ có Lời Chúa mới giúp đan sĩ sống triệt để ơn gọi thánh hiến đan tu của mình. Chỉ trong Lời Chúa, đan sĩ tìm được lẽ sống, Lời Chúa là lương thực bồi bổ tâm hồn đan sĩ chiêm niệm[8], dẫn đưa họ cập bến-nguồn sự sống vĩnh cửu. Lời Kinh Thánh được mến yêu, nghiền ngẫm và tuân giữ sẽ đem lại niềm an vui, sức sống mới và hạnh phúc đích thực. Mục đích của đời đan tu căn cứ trên lệnh truyền của Chúa, giá trị đời chiêm niệm được định vị do việc chọn Lời Chúa làm lẽ sống cuộc đời mình. Hành trang đan sĩ mang theo là Lời Chúa để mỗi ngày khám phá ra những nẻo đường trong Kinh thánh dẫn đến sự nhận biết Đức Giêsu Kitô, như câu nói bất hủ của thánh Giêrônimô “Không biết Thánh kinh là không biết Chúa Kitô”.
Lời Chúa khi được đan sĩ đọc xong không chỉ đọng lại trong đầu óc, mà còn tới tận con tim, nhập vào trong mạch máu để biến nên sức sống nhiệm mầu, trở thành những tạo vật mới. Bằng việc cầu nguyện và chiêm ngắm Lời Chúa, đan sĩ sẽ “thành đèn” chiếu sáng trong nơi tăm tối cho đến lúc bình minh tới và ngôi sao mai mọc lên trong tâm hồn (2Pr 1, 19). Ngọn đèn phải luôn cháy sáng trong đời đan sĩ nhờ gắn bó với Chúa Kitô và với giáo huấn của Ngài.
KẾT
Trên đây là một vài suy tư và cảm nghiệm về tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống kitô hữu và đan tu. Dù là kitô hữu hay đan sĩ, chúng ta cần được sống dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần trong ánh sáng Lời Chúa. Lời Chúa như là viên ngọc quí cần được lưu giữ trong kho tàng của Giáo hội. Lời Chúa như vũ khí cần thiết trong cuộc chiến thiêng liêng. Hãy đọc và suy niệm Lời Chúa hàng ngày. Hãy trở nên quen thuộc với Kinh Thánh. Hãy gìn giữ Kinh Thánh gần bên tầm tay, hãy lấy Lời Chúa làm điểm tựa cho cuộc sống, hãy lấy Lời Chúa làm đèn soi cuộc đời mình. Đó cũng là lời của Đức Thánh Cha Bênêdicto XVI kêu gọi các bạn trẻ trên khắp thế giới, khi viết sứ điệp cho ngày quốc tế giới trẻ lần thứ 21. Tất cả những ước nguyện trên cần phải được quan tâm. Được như thế, Lời Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta đến đích điểm là sự sống Thiên Chúa. Mỗi ngày, trước uy nhan Đấng Tối Cao, hãy thực thi điều Chúa muốn mang lại ích lợi cho mình và nhân loại. Kinh Thánh chứa đựng “kho tàng mặc khải” của Thiên Chúa cho Giáo hội, kho tàng ấy được uỷ thác cho Giáo hội, trong đó có mỗi người chúng ta. Lời Chúa là phương thế tuyệt hảo và hữu dụng giúp đan sĩ đạt được hạnh phúc hiến dâng trong đời đan tu chiêm niệm. Lời Chúa là đèn soi, là lẽ sống, là đích điểm giúp đan sĩ thành tựu theo thánh ý Chúa. Tắt một lời, dù là ai chúng ta cũng phải yêu mến, trân trọng và cố gắng sống dưới sự hướng dẫn của ánh sáng Lời Chúa. Chúng ta phải siêng năng đọc, suy gẫm và đem Lời Chúa ra thực hành[9] vì Lời Chúa là đèn soi, là ánh sáng dẫn đường cho mỗi chúng ta.
[1] Công đồng Vaticano II nhóm họp từ 11/10/1962 – 8/12/1965
[2] Tv 118,105
[3] x. Nguyễn Thế Thoại, Tôn giáo học, cuốn II, tr. 326.
[4] Tông huấn Đời Sống Thánh Hiến, số 94
[5] Tu luật, Lời mở, 1.
[6] Tu luật thánh Biển Đức (Tl), 4,55
[7] x. Michel Hubaut, Những nẻo đường thinh lặng, tr. 54
[8] x. Hiến Pháp hội dòng Xitô Thánh Gia (Hp), số 126
[9] x. Mt 7,26
Lời
Thiên Giang
Lời đang hiện diện
Bên đời ai vắng lặng
Gieo yêu thương
Trao trái ngọt hiền hoà
Lời bên đời giông tố bỗng nở hoa
Một hạt sáng
Hai hạt sáng
Và nhiều hạt sáng
Chiếu soi.
TÍNH GIÁO DỤC CỦA LỜI CHÚA
Huy Nghiêm
Ngày hôm nay, ước gì các bạn nghe tiếng Chúa, các bạn đừng cứng lòng” (Tv 94). Mỗi ngày điệp ca này được hát lên hay xướng lên vào những phút đầu tiên của một ngày, nhắc cho chúng ta sự hiện diện và tác động của Lời Chúa trong đời sống. Thật vậy, mỗi ngày Chúa đến qua Lời của Người. Lời đó có biến đổi chúng ta hay không? Lời Chúa có dẫn đưa chúng ta trên đường ngay nẻo chính không? Điều đó lệ thuộc vào việc chúng ta có đón nhận Lời Chúa để được giáo huấn.
Lời Chúa luôn tác động mạnh mẽ và hiệu lực: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nảy lộc… Thì Lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,10-11). “Lời Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả thanh gươm hai lưỡi : xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4, 12). Khi Lời Chúa được đón nhận với tất cả sự sẵn sàng và tình yêu, Lời đó sẽ thi hành nhiệm vụ giáo dục, làm cho tâm hồn của người đón nhận Lời được nên tươi tốt và cuộc sống họ trở nên phong nhiêu.
I. Lời Chúa như thầy dạy
Người ta thường gọi Chúa Kitô hay Chúa Thánh Thần là Thầy, Thầy Chân Lý, Vị Thầy thần linh hay Vị Thầy nội tâm, chứ không ai gọi Lời Chúa là Thầy. Nhưng nếu Lời Chúa là chính Chúa, mà Chúa là Thầy, thì chúng ta cũng có thể nói Lời Chúa là Thầy dạy. Ở đây xin được nhân cách hóa Lời Chúa như Thầy dạy: vị Thầy hướng dẫn và giáo dục chúng ta bằng nhiều cách, đặc biệt là trực tiếp và bằng chính Lời của Người.
1. Thiên Chúa dạy bằng lời của Người
Trong đời sống, con người thường dùng lời nói để bày tỏ, để diễn tả ý nghĩ, tình cảm và ý muốn của mình. Thiên Chúa là Đấng nhân từ, Đấng sáng tạo muôn loài, là Cha hay thương xót, đồng thời cũng là Thầy dạy tối thượng. Là Thầy dạy, Người dùng lời của Người để mặc khải, để giáo dục và hướng dẫn con người sống theo Thánh Ý của Người. Người dạy bằng lời của Người, lời đó được cụ thể qua Cựu Ước và Tân Ước.
“Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ, nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1,1-2).
“Thuở xưa”, nghĩa là trong Cựu Ước, Lời Chúa phán dạy Israel đã tạo thành một dân tộc được tuyển chọn để nghe và giữ lời Thiên Chúa. Lời ấy đã được lưu giữ trong giáo huấn, trong đời sống và phụng tự của Dân Thiên Chúa trong thời Cựu Ước và đã được ghi chép lại thành Sách Thánh, tức là sách Cựu Ước.
Ngày nay, khi đã đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã phán dạy qua Thánh Tử Giêsu đã được truyền lại cho chúng ta nhờ sứ vụ của các Tông Đồ: “hoặc qua lời giảng dạy, gương lành và các thể chế, các ngài đã truyền lại những gì đã nhận lãnh từ miệng Chúa Kitô khi chung sống với Người và thấy Người hành động, hoặc đã học biết được nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng; một phần do chính các ngài và những người phụ tá các ngài đã viết lại Tin Mừng cứu rỗi dưới sự linh hứng của cùng một Chúa Thánh Thần” (MK 7), đó là Tân Ước.
Như vậy, Thiên Chúa dạy chúng ta qua lời của Người, lời đã được viết ra trong những trang Kinh Thánh. Nhưng Người dạy cho chúng ta những gì?
Lời Chúa “mặc khải chính Chúa và tỏ cho biết mầu nhiệm của Thánh ý Người” (DV số 2). Ý muốn của Thiên Chúa là con người nhận biết chân lý và được hưởng ơn cứu độ (x. 1Tim 2, 4). Nói cách khác, Lời Chúa mặc khải những chân lý về Thiên Chúa và về con người.
2. Thiên Chúa dạy cho chúng ta biết chân lý
Đó là một chân lý về Thiên Chúa duy nhất, chân thật và chân lý về con người; bởi vì Thiên Chúa là chân lý.
a. Chân lý về Thiên Chúa
“Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết mầu nhiệm thánh ý Người (x. Ep 1,9). Nhờ đó, loài người có thể đến cùng Thiên Chúa Cha nhờ Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể, trong Chúa Thánh Thần và được thông phần bản tính của Thiên Chúa (x.Ep 2, 18). Trong việc mặc khải này, với tình thương chan chứa của Người, Người ngỏ lời với loài người như với bạn hữu. Người đối thoại với họ (x. Br 3, 38) để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Người” (MK 2).
Như vậy, qua Lời mặc khải, Thiên Chúa tỏ cho chúng ta biết Người là một Thiên Chúa duy nhất, chân thật (x.Đnl 6, 4-5), là Đấng giàu lòng thương xót, là Đấng Tạo Hoá đầy uy quyền và công minh chính trực. Hơn nữa mọi hành động của Người đều tràn đầy tình yêu đối với con người. Đàng khác, Người cũng là Đấng sửa dạy để cho con người biết sống theo đường ngay nẻo chính (x.1Cor 10, 24.31; 1Cor 6,15. 19), đồng thời nhận biết mình là ai.
b. Chân lý về con người
Nhờ sự mặc khải của Thiên Chúa, con người được nhận biết về mình, biết mình là tạo vật của Thiên Chúa, được Thiên Chúa sáng tạo và yêu thương, là chính con cái của Thiên Chúa (x. Gal 4,1-7), mà đã là con thì được Thiên Chúa sửa dạy (x. Dt 12,7-9) bằng lời của Người, để nhờ đó ta nhận ra mình là tội nhân (Rm 3,9-18), là kẻ phản bội Thiên Chúa, trốn tránh Thiên Chúa để làm điều bất tuân, bất phục. Nhưng Thiên Chúa đã không trừng phạt mà lại hết mực yêu thương và cứu con người thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tội lỗi và sự chết. Nhờ đó chúng ta được sống hạnh phúc và luôn tin tưởng vào Người vì đã được Người cứu độ.
Thế nhưng, để đạt được kết quả như thế là nhờ Thiên Chúa đã giáo dục, đã tác động, đã hướng dẫn chúng ta qua một quá trình tiệm tiến, qua những con đường, qua những bước đi của mỗi người. Vậy đâu là những con đường giáo dục của Lời Chúa?
II. Những con đường giáo dục của Lời Chúa
Như đã nói ở trên, Thiên Chúa dạy dỗ chúng ta qua một quá trình tiệm tiến, đi từng bước, tuy mang tính chiến lược nhưng mạnh mẽ và dứt khoát. Ngài phá đổ những điều bất hợp lý, những thứ lộn xộn ngổn ngang, những chướng ngại và cắt đứt những ràng buộc bất hợp pháp, những liên minh ma quỉ làm cho con người ra ô uế. “Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm linh cũng như tư tưởng của lòng người. Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ” ( Dt 4, 12-13).
1. Phá đổ
Con người được Thiên Chúa yêu thương, cưng chiều đã không vì thế mà sống cho tốt hơn, thờ phượng Thiên Chúa cho xứng đáng hơn mà lại kiêu căng, ngạo mạn, sống theo ý thích, ham vui và bất tuân. Hơn nữa, lại muốn chống lại Thiên Chúa, muốn làm chủ tất cả và nhiều lần được Thiên Chúa cảnh cáo, nhắc nhở mà họ vẫn không nghe nên Thiên Chúa đã ra tay phá đổ những ngổn ngang, lộn xộn, những sự bất tuân đó bằng trận Đại hồng thuỷ (x. St 6,7), để lập lại trật tự và xây dựng một đời sống mới trong thánh thiện và thanh liêm. Qua các Ngôn sứ, Người đã ra lệnh, đã tuyên bố: “Này Ta sẽ giáng xuống Giuđa và dân cư Giêrusalem tất cả những tai họa Ta đã đe phạt chúng: bởi vì Ta phán với chúng mà chúng không nghe, Ta gọi mà chúng không trả lời” (Gr 35,17). Dân Israel đã bất tuân mệnh lệnh của Người, đã tôn thờ ngẫu tượng, nên Người đã không nương tay (x. Ed 6, 3-7).
Vào thời Tân Ước, đền thờ Giêrusalem là nơi thánh để tôn thờ và phụng sự Thiên Chúa, nhưng người ta không sử dụng đúng mục đích, không tôn trọng nơi thánh. Đàng khác, họ đã lợi dụng để buôn bán, đổi tiền, đã biến nơi thánh nên hang trộm cướp; vì thế Chúa Giêsu đã phá đổ sự mất trật tự đó (x. Mt 21,12-14). Thêm vào đó, qua các Sách Tin Mừng, và các Thánh Thư, Chúa đang làm công việc của Chúa: nhắc nhở, cắt đứt, phá đổ những ngang trái, những hư đốn của con người chúng ta (x. Rm 12,3-8; 2Cor 13,14).
Những cuộc thanh luyện điển hình đó nói cho chúng ta rằng Lời Chúa luôn đánh động, thôi thúc và hoán cải chúng ta. Để từ đó xây dựng nơi mỗi người một trật tự mới.
2. Xây dựng
Từ khởi nguyên, Thiên Chúa đã sáng tạo và muốn cho mọi sự tốt đẹp, nhưng qua quá trình sống và phát triển, con người cũng như trật tự của thế giới có nhiều chuyển biến. Đặc biệt, trong đời sống, vì yếu đuối và bất tuân, con người tự đánh mất phẩm giá cao quí của mình bằng con đường tội lỗi. Vì thế, Lời Chúa đến với con người để tái tạo sự cao quí thuở ban đầu, phá đổ “đền thờ cũ” để xây dựng lại “đền thờ mới”, vì thân xác chúng ta là thân thể Đức Kitô (x. 1Cor 6,15) và con người chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần (x. Cor 6,19). Nhờ đó chúng ta biết sống theo Thần Khí (x. Rm 8,1) và Thiên Chúa ban cho chúng ta một Thần Khí mới, một trái tim mới (x. Ed 36,26-27), làm cho chúng ta có khả năng đón nhận Thiên Chúa, lời giáo huấn và những ân huệ của Người; trở nên dễ dạy và nhạy bén nắm bắt các tác động của Chúa Thánh Linh.
Lời Chúa luôn soi sáng và ban ơn trợ lực cho chúng ta, như Chúa Giêsu đã hứa là sẽ ban Thánh Thần để hướng dẫn chúng ta tới sự thật toàn vẹn (x. Ga 16,13). Thật vậy, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta được sống trong bình an, chan hoà niềm vui, hy vọng và hạnh phúc.
3. Tái lập bình an
Chúng ta sống trong lo âu, trăn trở, giữa trăm ngàn gian nan thử thách, cuộc sống bề bộn, cộng thêm những lo toan và bất toàn. Chính những lúc như thế, Lời Chúa mới trở thành lương thực, khí cụ tái lập sự bình an cho chúng ta: “Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (Ga 16,20b). Ngay sau khi sống lại và hiện ra, Chúa Giêsu đã chúc lành cho các môn đệ, Ngài nói: “Bình an cho các con” (Lc 24,36). Quả thế, nếu đời sống của chúng ta luôn có Chúa đồng hành (Mt 28,20b), thì chúng ta được luôn sống trong bình an, hạnh phúc nhờ ân huệ Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô (x. Rm 8,35tt). Đó là sự bình an đích thực, không như bình an mà thế gian ban tặng.
III. Đan sĩ được Lời Chúa hoán cải
Hiến chế Mặc khải đã khẳng định: “Chỉ có Lời đến từ Thiên Chúa, được thông truyền và diễn tả qua chính đời sống Hội Thánh cũng như qua chứng tá của mỗi kitô hữu mới có thể đem lại ánh sáng và niềm vui cho một thế giới đang khắc khoải tìm kiếm con đường về với sự thật và sự sống” (MK 21).
Nếu đối với mọi kitô hữu Lời Chúa có một tác động và ảnh hưởng quan trọng đến thế, thì đối với đan sĩ Lời Chúa còn giữ một vị trí hàng đầu giúp hoán cải và biến đổi, để họ trở thành chứng nhân hùng hồn của Thiên Chúa. Nhưng để được hoán cải, đan sĩ phải luôn yêu mến, học hỏi Lời Chúa để được thanh luyện, sống bình an và vui tiến bước dưới ánh sáng của Tin mừng.
1. Thanh luyện
Chúng ta dù được sống trong một bầu khí thánh thiện, một môi trường hết sức thuận lợi cho việc tiếp cận với Lời Chúa (nội vi, các Giờ Kinh Phụng vụ, Thánh Lễ, nguyện gẫm…) vẫn có thể bị ngoại cảnh chi phối; thêm vào đó những yếu đuối và bất toàn của kiếp người, đôi khi làm cho chúng ta trở nên xơ cứng, khô khan, ù lì trước những ân huệ và tác động của Chúa Thánh Thần. Từ đó, có thể đưa chúng ta đến chỗ méo mó trong suy nghĩ, lệch lạc trong hành động cũng như trong lời nói. Chúng ta sẽ không tiến được nếu không để cho Lời Chúa hoán cải, không lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam. Trái lại, nếu coi trọng Lời Chúa, lấy Lời Chúa làm thầy dạy, thì chúng ta sẽ được thanh luyện và Lời Chúa sẽ dẫn vào đường ngay nẻo chính của Thiên Chúa, trở về với anh em và chính mình.
Được Lời Chúa thanh luyện và hoán cải, chúng ta sẽ biết sống có chuẩn mực, sống bác ái (x. Rm 12,3-8), hợp nhất trong tinh thần cao thượng (x. Phil 2,1-5) và thờ phượng Thiên Chúa cho xứng đáng (x. Rm 12,1-2).
“Đã hơn một lần tâm hồn con chai cứng, trí óc con lệch lạc, hành động của con ngông cuồng, dại dột, con cảm thấy như mình đang đi trong bóng tối, đang chơ vơ bên bờ vực thẳm của cuộc đời. Con chán nản, con mất hy vọng, và phần nào đó mất niềm tin vào Chúa. Con đã phạm tội, đã xa lìa Chúa…Nhưng Lời Chúa đến với con, đánh thức con, văng vẳng bên tai, êm nhẹ như gió, dịu dàng như mẹ hiền và mãnh liệt như thác đổ: “Ngày hôm nay, nếu người nghe tiếng Chúa, thì đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Lời Chúa đến để thanh luyện con, hướng dẫn bảo ban, vỗ về con, ban cho con bình an và niềm vui, một niềm vui có Chúa, tràn đầy Chúa”(Cảm nghiệm của một tâm hồn được Lời Chúa thanh luyện, nâng đỡ và soi sáng).
Đan sĩ sống xa Chúa sẽ như bị chết dần chết mòn, nhưng một khi đã được thanh luyện, được đổi mới để có một đời sống trung tín và ngay thẳng, thì tâm hồn họ sẽ hồi sinh và triển nở trong hoan lạc không khác gì lúa hạn gặp mưa xuân.
2. Cảm nếm hương vị ngọt ngào
Lời Chúa không dành riêng cho ai. Lời Chúa như hạt giống (Mt 13,1-9) gieo khắp mọi nơi. Hơn nữa, Lời Chúa ở gần, trên miệng, ngay trong lòng (x. Rm 10,8). Mỗi ngày, qua các sinh hoạt của đời đan tu, đặc biệt trong cử hành phụng vụ các giờ kinh và Thánh Lễ, Lời Chúa luôn văng vẳng bên tai, thôi thúc đan sĩ. Vì thế đan sĩ luôn được Lời Chúa là chân lý nâng đỡ, là đèn soi từng bước chân đi, để mỗi một giây phút khi tiếp cận với Lời Chúa, đan sĩ cảm thấy như đang đi vào một cuộc hiệp thông trọn vẹn với chính Chúa. Đó cũng là bí quyết sống đời chiêm niệm, vì đời chiêm niệm không gì khác hơn là một cuộc chứng nghiệm triền miên tình yêu của Thiên Chúa. Còn gì ngọt ngào hơn: “Gặp được Lời Chúa tôi đã nuốt vào và Lời Chúa trở thành niềm vui sướng cho tôi” (Gr 15,15). Đúng thế, một niềm vui trọn vẹn, tràn đầy trong Chúa và của Chúa (x. Phil 4,4). Một niềm vui nội tâm trào tràn, sâu lắng vì được Lời Chúa đổ đầy và soi rọi, xuyên suốt chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ (x. Dt 4,12-13). Để nhờ đó tâm của đan sĩ bình an, vui tươi và trong sáng, tỉnh thức trước những thử thách, cám dỗ, những hoàn cảnh éo le của cuộc sống mà bước theo con đường ngay chính, hợp ý Chúa và hân hoan phụng sự Người. Chính cha thánh Biển Đức đã cảm nghiệm một cách sâu xa hương vị của Lời Chúa và khuyên các đan sĩ : “Anh em rất thân mến, còn gì ngọt ngào hơn Lời Chúa mời gọi chúng ta như thế? Này đây với tất cả lòng ưu ái, Chúa đã chỉ cho chúng ta con đường dẫn tới sự sống. Vậy chúng ta hãy lấy đức tin và sự thực thi các việc lành như đai nịt lưng, rồi dưới sự hướng dẫn của Tin Mừng, chúng ta tiến bước theo đường của Chúa….” (Tu Luật, Lời Mở, 19-22).
3. Luôn tiến bước
Một khi đã được Lời Chúa uốn nắn chỉ dạy, được thanh luyện để hoán cải và xa lánh tội lỗi, để đạt được một tâm hồn thanh tịnh, sáng suốt và bình an, tràn đầy ý lực sống và niềm vui đích thực, chúng ta sẽ hân hoan tiến bước, vươn lên, vì đã được “ánh linh quang thần hoá” chiếu soi. “Vậy chúng ta hãy chỗi dậy theo lời Thánh Kinh giục bảo: “Đã đến giờ chúng ta phải tỉnh giấc”. “Và một khi mở mắt nhìn ánh quang thần hoá, chúng ta hãy lắng nghe tiếng Chúa ngày ngày văng vẳng bên tai: “Hôm nay nếu các con nghe tiếng Người, các con đừng cứng lòng nữa”. Lại rằng: “Ai có tai, hãy lắng nghe lời Thánh Linh phán dạy các giáo đoàn”. Và Ngài phán gì? “Hỡi các con hãy đến nghe Ta, Ta sẽ dạy các con biết kính sợ Chúa”. “Hãy chạy khi còn ánh sáng sự sống, kẻo bóng tối sự chết chộp lấy các con” (Tu Luật, Lời mở, 8-13).
Như thế, Lời Chúa là động lực giúp chúng ta tiến bước và đi hết hành trình theo Chúa Kitô trong đời đan tu. Khi ấy, chúng ta cảm thấy no thoả vì Chúa là duy nhất, là gia nghiệp và là tất cả đời mình : “Thánh ý Ngài là gia nghiệp con mãi mãi, vì đó là hoan lạc của lòng con. Con hướng lòng quyết thực thi Thánh Chỉ, mãi mãi cho đến cùng” (Tv 118,111).
Lời Chúa đến trong cuộc đời để biến đổi và làm cho đan sĩ trở thành một “Giêsu khác” (Alter Christus).
Kết
Những gợi ý trên cho chúng ta thấy rằng Lời Chúa giữ một vị trí đặc biệt trong đời sống Kitô hữu nói chung và đan sĩ chúng ta nói riêng. Lời Chúa có tính giáo dục, đánh thức và soi lối để chúng ta đi vào con đường sự sáng, tình yêu, sự sống viên mãn. Nhờ đó, người thấm nhuần Lời Chúa, sẽ được Chúa hướng dẫn, thôi thúc và chiếm hữu, sống trong an vui và sẵn sàng trao ban tình yêu, niềm vui, hạnh phúc.
Vì thế, khi được tiếp cận với Lời Chúa, tâm hồn chúng ta trở nên can đảm và sung mãn hơn, không sợ hay tránh né, dù “Lời Chúa sắc bén hơn thanh gươm hai lưỡi” (Dt 4,12), đầy uy lực và quyền năng (x. Rm 1,16), cắt đứt, phá bỏ sự dữ và tội lỗi, thanh luyện tâm hồn nên trong sáng và ban bình an. Đàng khác, nhờ Chúa Thánh Thần, chúng ta xác tín rằng Lời Chúa là sức mạnh, linh dược chữa lành những vết thương trong tâm hồn, những chai sạn và xơ cứng trong con tim, biến đổi thành con người mới. Chúa Thánh Thần dạy chúng ta biết cầu nguyện thế nào cho phải, biết thờ phượng Thiên Chúa thế nào cho xứng đáng, biết yêu thương, biết sống thế nào cho đúng phẩm giá và mỗi ngày trở nên hoàn thiện hơn trong tình yêu của Thầy Chí Thánh.
Đời sống đan sĩ sẽ vô ích và mất hết ý nghĩa nếu không lấy Lời Chúa làm Thầy dạy, làm trung tâm, làm chất liệu cho việc suy niệm và chiêm ngắm mỗi ngày. Vì vậy, ước mong rằng, khi đã thấy tầm quan trọng và tính hiệu qủa của Lời Chúa trong đời sống, chúng ta sẽ say mê, yêu mến và siêng năng đọc, học hỏi Lời Chúa hơn, để mối tình giữa chúng ta với Chúa thêm đậm đà thắm thiết.
LỜI CHÚA LÀM HOAN LẠC LÒNG CON
Dũng Lạc
“Gặp được Lời Chúa, con đã nuốt vào, lời Ngài làm cho con hoan hỉ, làm vui thoả lòng con, vì con được mang danh Ngài” (Gr 15,16).
Thưa tiên tri Giêrêmia, ngài đã nói gì thế? Phải chăng lời ngài vừa thốt lên trong hoàn cảnh không thuận lợi cho cho dân ngài? Lời đó không hề than van, cũng không hẳn là lời kêu ca oán trách gì cả, nhưng đây là lời của kẻ trong bước phiêu linh muốn nhắc lại để xác định tâm tình và thái độ của ngài đối với Thiên Chúa, một Thiên Chúa tình yêu, khoan dung, từ ái, trung thành trong mọi biến chuyển của cuộc sống. Thế nhưng, giòng đời đang lôi cuốn con người xa Thiên Chúa, những quyến rũ của thế gian gọi mời, những thói đời buông thả thấm dần trong tâm khảm của con người đương thời, làm cho họ xa rời đường lối của Thiên Chúa. Thấy rõ mối hiểm nguy rình rập, ông bám chặt vào Thiên Chúa và thốt lên: “Gặp được Lời Chúa con đã nuốt vào, Lời Ngài làm cho con hoan hỉ, làm vui thỏa lòng con, vì con được mang danh Ngài.” Lời của vị tiên tri gợi lên trong tôi một vài suy nghĩ, xin mạn phép nói lên như một kẻ khao khát đang đi tìm nguồn sống từ Lời Chúa.
1. Sự khao khát
Sự khao khát không thể thiếu trong đời sống con người. Nó không chỉ là biểu hiện của một người sống “tốt đời đẹp đạo” mà còn là dấu chỉ của tâm hồn khao khát tìm kiếm chân- thiện- mỹ. Sự khao khát kiếm tìm này sẽ nảy sinh hai thái độ: một là đang chán ngán sự đời, thấy rõ những tác hại do lạc thú cuộc đời đem đến; hai là một tâm hồn nhạy cảm, không bằng lòng với những gì hiện có, biết phân biện tỏ tường, chi li, nên chỉ khao khát mong tìm kiếm điều đem lại bình an và hạnh phúc thật. Tiên tri Giêrêmia cho ta thấy nỗi khao khát da diết ấy, ông không ngại thốt lên: “gặp được Lời Chúa con đã nuốt vào”. Với động từ “nuốt” vừa nói lên thực trạng của một người đang khao khát kiếm tìm, vừa diễn tả thái độ sống mãnh liệt, không hời hợt, không lạnh lùng nhưng là một tâm hồn sống vui, sống khoẻ.
2. Kết quả của sự khao khát kiếm tìm
Hai thái độ được miêu tả trong câu này là: “sự hoan hỉ và vui thoả lòng”. Tới đây, ta nhận ra tác dụng của Lời Chúa; Lời đó không chỉ nhằm cho người ta thoả tính tò mò hoặc gia tăng tính kiêu căng vì tìm được những giải đáp cho thắc mắc của cuộc đời, nhưng Lời đó làm lòng người tràn ngập niềm vui. Giống như lời của vịnh gia mô tả:
“Huấn lệnh Chúa hoàn toàn ngay thẳng
Làm hoan hỉ cõi lòng
Mệnh lệnh Chúa xiết bao minh bạch, cho đôi mắt rạng ngời”
(Tv 18b,9)
Với diễn ngữ: “đôi mắt rạng ngời”, Vịnh gia mô tả sức sống và niềm vui của người lấy Lời Chúa làm kim chỉ nam cho đời mình. Vì : “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118, 105). Đi trong đường lối của Chúa, hưởng ánh sáng của Chúa, con người không thể lạc bước, họ tiến lên trong niềm vui và hi vọng, được diễn tả cách đặc sắc qua cụm từ: “đôi mắt rạng ngời” tô thêm vẻ đẹp cho cuộc đời đáng yêu.
3.Những bài học cụ thể
Đan sĩ, theo Tu luật Cha thánh Biển Đức, “tuyệt đối không lấy gì làm hơn Chúa Kitô”. Đó là đích điểm đan sĩ cần không ngừng vươn tới. Tuy vậy, dù đã có sự phận định rõ ràng, đan sĩ vẫn bị ảnh hưởng bởi thời đại văn minh, và biện minh là để theo kịp trào lưu hiện đại, cho nên cuộc sống ngày càng phức tạp. Cho nên, lời Kinh Thánh: “gặp được Lời Chúa con đã nuốt vào”, như thúc giục mỗi người nhìn lại bản thân mình; tự xét xem mình có gặp Lời Chúa thật sự không? Nói ra hơi buồn, một số đan sĩ trẻ vẫn chưa thực sự gặp được Lời Chúa, mà chỉ mong ước tìm kiếm ích lợi riêng. Xin đan cử một ví dụ: khi thấy người ta bên ngoài đổ xô đi học anh văn, thì các đan sĩ cũng tìm cách để được như vậy; người ta biết vi tính mình cũng muốn biết, viện cớ là để phục vụ kiến hiệu hơn. Khi quá chú tâm vào những việc như thế, có thể họ sẽ không còn đủ khả năng tập trung lắng nghe, gặp được Lời Chúa để suy niệm cho sâu xa.
Thư luân lưu của HĐGMVN năm 2005, với tựa đề: “Sống Lời Chúa”, đã viết: “Yêu mến Thiên Chúa không chỉ thể hiện qua việc phổ biến sách Thánh Kinh, mà còn siêng năng đọc Lời Chúa trong đời sống và cho đời sống cụ thể của mình. Nói cách khác, đọc Lời Chúa không để hiểu Chúa mà còn để tìm hướng đi cho cuộc đời. Nhìn chung, kitô hữu Việt Nam còn chưa thật sự chú trọng đến việc đọc Thánh Kinh. Có thể nói, chúng ta rất siêng năng đọc Thánh Kinh, nhưng còn chưa chú trọng đến việc đọc và suy niệm Lời Chúa. Thánh Kinh chưa có chỗ đứng trong các sinh hoạt đạo đức, nhất là trong đời sống gia đình”. Những nhắn nhủ đó có làm cho chúng ta suy nghĩ hay không? Chúng ta có thái độ như Tiên tri Giêrêmia được nói trên kia? Vì nếu chưa gặp được Lời Chúa, là chưa biết Chúa; như thánh Giêrônimô đã khẳng định: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô”.
Đan sĩ thật sự nuốt Lời Chúa, khi Lời Chúa là đối tượng duy nhất của việc suy gẫm và ca tụng Chúa hằng ngày. Thế nhưng, Lời Chúa có dễ nuốt không? Vì nuốt là một hành động. Vậy lúc hát thánh vịnh, đôi khi chúng ta lại thấy chán ngán, vì cảm thấy quá dài. Trái lại, những tin tức khác liên quan đến thể thao hoặc thời sự lại thu hút chúng ta và làm tiêu tán hết bao nhiêu thời gian cho những việc không quan trọng lắm. Cuộc đời là như thế! Thay vì con tim tìm được niềm vui nơi Lời Chúa, thì lại cứ lang thang đó đây tìm những mảnh vụn mang lại chút an ủi chóng qua. Dẫu biết là như thế, chúng ta vẫn cứ đi tìm…
Nhạc sĩ Mai Thiện đã mượn lời của chương 72 Tu luật cha thánh Biển Đức để diễn tả Chúa Giêsu là đối tượng của sự khao khát kiếm tìm : “Không lấy gì làm hơn Chúa Kitô, không lấy gì làm hơn Chúa Kitô, vua Giêsu vua lòng tôi muôn đời, vua Giêsu vua tình yêu tuyệt vời”.
Xin cho tôi thêm cảm nghiệm về Lời Chúa trong đời sống tôi. Ước gì mỗi lời trong Kinh Thánh là một lời nhắc nhở, và đưa tôi kết hợp vào giai điệu Tình yêu làm cho lòng tôi vui sướng! Mong rằng cảm nghiệm của Tiên tri Giêrêmia trở thành một cảm nếm ngọt ngào cho chính tôi!
VÀI GỢI Ý VỀ LOGO NỘI SAN HẠT GIỐNG CHIÊM NIỆM
Logo nội san Hạt Giống Chiêm Niệm biểu thị một số ý nghĩa với ba nhóm hình ảnh :
1. Hạt giống nằm ở trung tâm Logo với hai nét vẽ : nét đậm phía trong hình trái tim biểu thị tâm hồn là nơi hạt giống được gieo trồng vào, được nuôi dưỡng và phát triển trong tình yêu. Nét vòng bên ngoài có hình tượng hạt giống đang đâm chồi biểu thị niềm hy vọng và vươn lên.
2. Hạt giống đó dính kết vào hai biểu tượng khác : thập giá (bốn thanh đối xứng với bốn phương) và ngọn lửa (phía trên trái tim). Hai biểu tượng này nói lên mầu nhiệm Thập Giá và sức mạnh Phục Sinh.
3. Vòng tròn là bầu trời của Hạt Giống, là sự viên mãn Hạt Giống muốn vươn lên, đạt tới. Bầu trời đó, sự viên mãn đó, là chính Thiên Chúa Tình Yêu. Tất cả mọi tạo vật ở trong vòng tròn viên mãn. Tất cả là đối tượng chiêm niệm và tình yêu của đan sĩ.
Qua Logo Hạt Giống Chiêm Niệm, chúng ta muốn nói lên xác tín về Tôn Chỉ của đời đan tu Xitô Thánh Gia được viết trong Tuyên Ngôn :
“Theo tinh thần Cha Tổ Phụ Henri Denis Benoit, cuộc sống đan tu Xitô Thánh Gia là một đời tận hiến chuyên về chiêm niệm, thể hiện sự thông phần Mầu Nhiệm Thập Giá, tuyên xưng sức mạnh và hoan lạc của ơn Phục Sinh. Đan sĩ Thánh Gia là chứng tá tình yêu Thiên Chúa giữa nhân loại, bằng sự thông hiệp với Chúa Giêsu Cứu Thế…”